Vinc. Vũ Văn An
LTS: Thứ bảy, ngày 17 tháng 10 vừa qua, chủ tọa lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (1965-2015), diễn ra tại đại thính đường Phaolo VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài diễn văn trước các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đang diễn ra, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và nhiều đại diện của thành phần dân Chúa. Sau đây là bản chuyển ngữ trọn bài diễn văn của ĐTC, dựa vào bản dịch tiếng Anh không chính thức do ký giả John Thavis phổ biến.
***
Thưa các Thượng Phụ, các Hồng Y, các Giám Mục, anh chị em thân mến,
Cùng với Khoá Họp Toàn Thể Thường Lệ lần thứ 14 đang diễn ra, thật là một niềm vui cho tôi được kỷ niệm năm thứ 50 ngày thiết lập định chế Thượng Hội Đồng và ca ngợi cùng tôn vinh Chúa vì Thượng Hội Đồng Giám Mục. Từ Công Đồng Vatican II tới Thượng Hội Đồng hiện nay về Gia Đình, chúng ta đã dần dần học biết sự cần thiết và vẻ đẹp của việc “đồng hành với nhau”.
Nhân dịp vui mừng này, tôi muốn ngỏ lời chào mừng thân ái tới Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục cùng với vị Phó Tổng Thư Ký, Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabene, Các Giới Chúc, Các Tham Vấn Viên và các vị cộng tác khác thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng. Cùng với các vị này, tôi chào mừng và cám ơn các nghị phụ Thượng Hội Đồng và các tham dự viên khác của Thượng Hội Đồng đang tụ họp nhau sáng nay tại đại sảnh này.
Giờ đây, chúng ta cũng muốn tưởng niệm những ai, suốt trong 50 năm qua, đã hết lòng phục vụ Thượng Hội Đồng, bắt đầu với các vị Tổng Thư Ký liên tiếp nhau: các Đức Hồng Y Władysław Rubin, Jozef Tomko, Jan Pieter Schotte và đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic. Tôi xin mượn dịp này bày tỏ lòng biết ơn sâu xa, tự đáy lòng tôi tới những ai, hiện còn sống cũng như đã qua đời, đã đóng góp cách đại lượng và đầy khả năng vào các hoạt động của Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Từ đầu thừa tác vụ Giám Mục Rôma của mình, tôi đã có ý định thăng tiến Thượng Hội Đồng, vốn là một trong các di sản qúy giá nhất của Công Đồng Vatican II. Đối với Chân Phúc Phaolô VI, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhằm duy trì sống động hình ảnh Công Đồng Chung và phản ảnh tinh thần cùng phương pháp công đồng. Cũng vị giáo hoàng này đã mong muốn rằng cơ chế Thượng Hội Đồng “với thời gian sẽ được cải tiến đáng kể”. Hai mươi năm sau, Thánh Gioan Phaolô II sẽ vọng lại các tâm tư này khi ngài qủa quyết rằng “dụng cụ này có lẽ sẽ được hoàn thiện hơn nữa. Có lẽ trách nhiệm mục vụ có tính hợp đoàn sẽ tìm được biểu thức trọn vẹn hơn ở Thượng Hội Đồng”. Sau cùng, năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI chấp thuận một số cải tổ cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt dưới sự soi sáng của các điều khoản trong Bộ Giáo Luật (Tây Phương) và Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương, đã được công bố giữa khoảng thời gian đó.
Chúng ta phải tiếp tục đi con đường trên. Thế giới, mà chúng ta đang sống và được kêu gọi yêu thương và phục vụ dù nó có nhiều điều mâu thuẫn, đòi nơi Giáo Hội sự tăng cường năng lực trong mọi phạm vi thuộc sứ mệnh của mình. Và chính trên con đường mang tính thượng hội đồng này ta tìm được cách thế mà Thiên Chúa mong Giáo Hội có trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Theo một nghĩa nào đó, điều Chúa yêu cầu chúng ta đã được bao gồm trong chữ “sinodo”. Đồng hành với nhau, cả Giáo dân, Mục Tử, Giám Mục Rôma, là một ý niệm dễ đặt thành lời, nhưng không dễ đặt thành thực hành. Sau khi nhắc lại rằng Dân Thiên Chúa bao gồm tất cả những người đã chịu phép rửa, những người vốn được kêu gọi “trở nên tòa nhà thiêng liêng và chức linh mục thánh thiện”, Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng “toàn bộ tín hữu, vì được Đấng Thánh xức dầu, nên không thể sai lầm trong các vấn đề thuộc đức tin và họ bầy tỏ thực tại này trong cảm thức đức tin siêu nhiên của các tín hữu, khi ‘từ các giám mục tới người cuối cùng của tín hữu giáo dân’ nói lên một nhất trí hoàn toàn của họ trong các vấn đề tín lý và luân lý”.
Trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, tôi từng nhấn mạnh rằng “Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này đã biến [họ] thành vô ngộ trong các vấn đề của đức tin”, trong khi thêm rằng “mỗi người đã chịu phép rửa, bất chấp họ có chức năng gì trong Giáo Hội và bất cứ trình độ giáo dục đức tin của họ ra sao, đều là một chủ thể tích cực của việc phúc âm hóa và sẽ là điều không thích đáng khi nghĩ tới một khuôn khổ phúc âm hóa do các tác nhân có khả năng đảm trách nhưng trong đó tất cả Tín Dân khác chỉ là những người tiếp nhận hành động của những người này. Cảm thức đức tin ngăn cản việc phân chia cứng ngắc giữa Ecclesia docens (Giáo Hội Giảng Dạy) và Ecclesia discerns (Giáo Hội Học Tập), vì ngay Đoàn Chiên cũng có “bản năng” biện phân được nhiều phương cách mới mẻ mà Chúa vẫn đang mạc khải cho Giáo Hội.
Chính xác tín này đã hướng dẫn tôi khi tôi muốn thấy dân Thiên Chúa được tham khảo ý kiến trong việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng hai giai đoạn về gia đình. Chắc chắn, việc tham khảo như thế này không bao giờ có thể nghe được trọn vẹn cảm thức đức tin. Nhưng làm thế nào có thể nói về gia đình mà lại không giao kết với các gia đình, lắng nghe các hân hoan và hy vọng của họ, các buồn sầu lo lắng của họ? Nhờ các câu trả lời cho hai câu hỏi gửi cho các Giáo Hội đặc thù, ta có dịp ít nhất nghe được một số người nói về các vấn đề tác động lên họ một cách gần gũi và họ có nhiều điều để nói về.
Giáo Hội có tính thượng hội đồng là Giáo Hội biết lắng nghe, vì biết rằng lắng nghe “không hẳn chỉ là cảm nhận”. Đây là một việc lắng nghe hỗ tương trong đó, người nào cũng học được một điều gì đó. Tín hữu giáo dân, giám mục đoàn, Giám Mục Rôma: chúng ta là một khi lắng nghe nhau; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí Sự Thật” (Ga 14:17), để biết được điều Thần Khí “đang nói với các Giáo Hội” (Kh 2:7).
Thượng Hội Đồng các giám mục là điểm hội tụ của tính năng động đó, tức việc lắng nghe được thực hiện ở mọi bình diện của đời sống Giáo Hội”. Diễn trình thượng hội đồng bắt đầu với việc lắng nghe giáo dân, những người “cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu” theo một nguyên tắc rất thân thiết đối với Giáo Hội thời đệ nhất thiên niên kỷ: “Quod omnes tangit ab omnibus tractari debet” (điều gì liên quan tới mọi người phải được mọi người bàn luận). Con đường của Thượng Hội Đồng tiếp tục lắng nghe các mục tử. Qua các nghị phụ Thượng Hội Đồng, “các giám mục hành động như các người quản lý, thông dịch viên và chứng nhân thực sự của đức tin tòan Giáo Hội, mà [các ngài] phải có khả năng thận trọng phân biệt với công luận thường hay thay đổi”.
Hôm vọng Thượng Hội Đồng năm ngoái, tôi có tuyên bố rằng “Trước hết, ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban ơn lắng nghe cho các nghị phụ Thượng Hội Đồng, để với Chúa Thánh Thần, ta có thể nghe được tiếng kêu của người ta và lắng nghe họ cho tới khi ta hít thở được thánh ý mà Thiên Chúa muốn kêu gọi chúng ta”.
Cuối cùng, đỉnh cao của diễn trình Thượng Hội Đồng là lắng nghe Giám Mục Rôma, người vốn được kêu gọi để lên tiếng một cách có thẩm quyền [tiếng Ý: pronunciare] như là ‘Mục Tử và Thầy Dạy của mọi Kitô hữu’, không dựa trên các niềm xác tín của bản thân ngài, mà như chứng tá tối cao cho đức tin của tòan thể Giáo Hội, người bảo đảm cho việc Giáo Hội phù hợp với và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội.
Sự kiện Thượng Hội Đồng luôn hành động cum Petro et sub Petro – với Thánh Phêrô và dưới quyền Thánh Phêrô, không phải là một hạn chế tự do, mà là bảo đảm hợp nhất. Thực vậy, do thánh ý Chúa, Đức Giáo Hoàng là ‘nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của việc hợp nhất cả các giám mục lẫn các tín hữu”. Liên kết với điều này là ý niệm hiệp thông có phẩm trật được chính Vatican II sử dụng: các giám mục hợp nhất với Giám Mục Rôma nhờ sợi dây hiệp thông giám mục (cum Petro) và cùng một lúc lệ thuộc ngài như người đứng đầu hợp đoàn, về phương diện phẩm trật (sub Petro).
Là một chiều kích tạo nên Giáo Hội, nguyên tắc thượng hội đồng cung cấp cho ta một cái khung giải thích thích đáng hơn để hiểu thừa tác vụ có phẩm trật. Nếu ta hiểu như Thánh Gioan Kim Khẩu từng hiểu rằng “Giáo Hội và thượng hội đồng đồng nghĩa với nhau” vì Giáo Hội không có nghĩa gì khác ngoài việc là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Thiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng trong Giáo Hội, không ai có thể được nâng cao hơn những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, điều cần là mỗi người phải bị “hạ xuống” để phục vụ anh chị em mình trên đường lữ hành.
Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội bằng cách đặt hợp đoàn Tông Đồ lên đầu nó, trong đó, Tông Đồ Phêrô là “đá” (xem Mt 16:18), người sẽ củng cố anh em mình trong đức tin (xem Lc 22:32). Nhưng trong Giáo Hội này, như một kim tự tháp lộn ngược, đỉnh được đặt dưới đáy. Vì những người thừa hành thẩm quyền này được gọi là “những người phục dịch” bởi, theo ý nghĩa nguyên thủy, họ là những người nhỏ bé nhất. Chính nhờ phục dịch dân Thiên Chúa mà đối với thành phần của đoàn chiên được ủy thác cho ngài này, vị giám mục trở thành vicarius Christi, đại diện của vị Giêsu từng cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly (xem Ga 13:1-15). Và tương tự như thế, người Kế Vị Thánh Phêrô không là ai khác ngoài là servus servorum Dei (Đầy tớ của các đầy tớ Thiên Chúa).
Chúng ta đừng quên điều đó! Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, uy quyền duy nhất là uy quyền phục vụ, quyền lực duy nhất là quyền lực Thánh Giá, như chính lời Thầy Chí Thánh nói: “các con biết rằng những nhà cai trị các quốc gia thống trị họ, và các nhà lãnh đạo của họ áp bức họ. Giữa các con thì không phải thế: nhưng ai muốn trở nên vĩ đại giữa các con thì phải trở thành đầy tớ, và bất cứ ai muốn đứng đầu giữa các con đều phải là nô lệ của các con” (Mt 20:25-27). “Giữa các con thì không phải thế”, trong câu nói này, ta đụng tới mầu nhiệm Giáo Hội và tiếp nhận được ánh sáng cần thiết để hiểu việc phục vụ có tính phẩm trật.
Trong Giáo Hội có tính Thượng Hội Đồng, Thượng Hội Đồng các giám mục là biểu hiện hiển nhiên nhất của tính năng động hiệp thông, vốn gợi hứng cho mọi quyết định của Giáo Hội. Bình diện thứ nhất trong việc thừa hành tính thượng hội đồng được thể hiện tại các Giáo Hội đặc thù (điạ phương). Sau khi nhắc nhớ việc thiết lập công nghị giáo phận, trong đó, các linh mục và giáo dân được mời gọi hợp tác với vị giám mục vì lợi ích của toàn thể cộng đồng Giáo Hội này, Bộ Giáo Luật dành nhiều chỗ cho các cơ quan thường được gọi là “các cơ quan hiệp thông” trong Giáo Hội địa phương: Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Tư Vấn, Hội Kinh Sĩ và Hội Đồng Mục Vụ. Chỉ bao lâu các cơ quan này được nối kết với các cơ quan hiện có và bắt đầu với giáo dân và các vấn đề hàng ngày của họ, thì một Giáo Hội có tính thượng hội đồng mới có thể lên khuôn được: dù chúng diễn tiến một cách mệt mỏi, ta vẫn phải hiểu chúng như những cơ hội để lắng nghe và chia sẻ.
Bình diện thứ hai là bình diện giáo tỉnh và giáo miền gồm các hội đồng đặc thù (địa phương) và một cách đặc biệt, các Hội Đồng Giám Mục. Chúng ta phải suy tư về việc thể hiện nhiều hơn nữa qua các cơ chế này, các cơ chế vốn là các khía cạnh trung gian của tính hợp đoàn, có lẽ bằng cách tổng hợp và cập nhật hóa một số khía cạnh có từ thời Giáo Hội Sơ Khai. Niềm hy vọng của Công Đồng muốn thấy các cơ chế này giúp gia tăng tinh thần hợp đoàn giám mục cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Như tôi từng nói, “trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng, quả là điều không thích hợp khi Đức Giáo Hoàng thay thế các hàng giám mục địa phương trong việc biện phân mọi vấn đề đang được đặt ra trong lãnh thổ của các ngài. Theo nghĩa này, tôi cảm thấy nhu cầu phải “tản quyền” một cách lành mạnh.
Bình diện sau cùng là bình diện của Giáo Hội hoàn vũ. Ở đây, Thượng Hội Đồng các Giám Mục, đại diện hàng giám mục Công Giáo, trở thành biểu thức của tính hợp đoàn giám mục bên trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng. Nó biểu lộ tình hợp đoàn xúc cảm, mà trong một số hoàn cảnh, có thể trở nên “hữu hiệu”, khi nối kết các giám mục với nhau và với Đức Giáo Hoàng trong việc lo lắng cho Dân Chúa.
Việc dấn thân để xây dựng một Giáo Hội có tính thượng hội đồng mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi, mỗi người với vai trò riêng được Chúa ủy thác, đều mang nặng các hệ quả đại kết. Vì lý do này, gần đây, khi nói chuyện với một phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Constantinople, tôi đã nhắc lại xác tín này: “cẩn thận xem xét cách phát biểu rõ ràng, trong đời sống Giáo Hội, nguyên tắc hợp đoàn và việc phục vụ của vị chủ tọa sẽ đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ trong các mối liên hệ giữa các Giáo Hội”.
Tôi tin chắc rằng trong một Giáo Hội có tính thượng hội đồng, việc thi hành quyền tối thượng của Thánh Phêrô sẽ nhận được một ánh sáng rõ ràng hơn. Tự ngài, Đức Giáo Hoàng không đứng trên Giáo Hội; nhưng đứng trong Giáo Hội như một người đã chịu phép rửa giữa những người đã chịu phép rửa, và đứng trong Hợp Đoàn Giám Mục như một giám mục giữa các giám mục; như một người đồng thời được kêu gọi làm người thừa kế của Thánh Phêrô, để hướng dẫn Giáo Hội Rôma, một Giáo Hội chủ trì mọi Giáo Hội trong tình bác ái.
Dù tôi nhắc lại nhu cầu và sự cấp thiết phải nghĩ tới “cuộc hóan cải ngôi vị giáo hoàng”, tôi vẫn vui mừng lặp lại lời lẽ của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng “là Giám Mục Rôma, tôi biết rõ […] rằng sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình mọi cộng đồng trong đó, Thần Trí của Người cư ngụ nhờ lòng trung thành của Thiên Chúa, là một ước nguyện nóng bỏng của Chúa Kitô. Tôi xác tín rằng về phương diện này các hiền huynh có một trách nhiệm đặc biệt, mà trên hết là nhìn nhận các khát vọng đại kết của phần đông các cộng đồng Kitô Giáo và lưu ý tới lời yêu cầu của tôi là tìm ra một hình thức thi hành quyền tối thượng, một hình thức, trong khi không hề bác bỏ điều chủ yếu đối với sứ mệnh của nó, tuy thế vẫn cởi mở đối với tình thế mới”.
Tầm nhìn của chúng ta cũng mở rộng tới cả nhân loại nữa. Một Giáo Hội có tính thượng hội đồng cũng giống như một ngọn cờ dương cao giữa các quốc gia (xem Is 11:12) trong một thế giới dù vẫn kêu mời tham gia, liên đới và trong sáng trong việc quản trị công cộng, nhưng lại thường trao số phận của cả một dân tộc vào bàn tay tham lam của một nhóm có giới hạn gồm những kẻ có quyền thế. Là một Giáo Hội “đồng hành” với mọi người nam nữ, chia sẻ các cam khổ của lịch sử, ta hãy nuôi dưỡng giấc mơ này là việc khám phá lại phẩm giá bất khả vi phạm của con người và việc thi hành thẩm quyền, ngay lúc này, sẽ có thế giúp xã hội dân sự được xây dựng trên công lý và tình huynh đệ, nhờ thế phát sinh ra một thế giới tươi đẹp và xứng đáng hơn cho nhân loại và cho các thế hệ sắp tới sau ta.
+ Phanxicô
Giáo Hoàng