Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:03

Bài Phát Biểu Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ Featured

LTS: Sáng thứ năm, ngày 24-9-2015, tại điện Capitol ở thủ đô Washington, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc bài diễn văn trước 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng được mời lên tiếng tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

***

Video Đức Thánh Cha Đọc Diễn Văn

 

{youtube}pLAjSitQ8QI|670|450{/youtube}

***

 

Thưa phó Tổng Thống,

Ông Chủ Tịch,

Các Thành Viên Đáng Kính của Quốc Hội,

Các bạn thân mến

Tôi hết lòng cám ơn quý vị đã mời tôi nói chuyện với Buổi Họp Hỗn Hợp này của Quốc Hội trên “lãnh thổ của người tự do và là nhà của người dũng cảm”. Tôi dám nghĩ rằng lý do của lời mời này là vì tôi cũng là một người con của lục địa vĩ đại này, mà từ đó, tất cả chúng ta đã nhận được rất nhiều và cùng có trách nhiệm chung đối với nó.

Mỗi người con trai và con gái của một đất nước nào đó đều có một sứ mệnh, một trách nhiệm bản thân và xã hội. Trách nhiệm riêng của quý vị trong tư cách thành viên của Quốc Hội là làm cho đất nước này tăng trưởng như một quốc gia, bằng sinh hoạt lập pháp của quý vị. Quý vị được kêu gọi bảo vệ và duy trì phẩm giá của các đồng công dân của quý vị trong việc mưu tìm ích chung một cách không mệt mỏi và đầy khó khăn, vì đây là mục đích chính của mọi nền chính trị. Một xã hội chính trị lâu bền là xã hội coi mình có ơn gọi tìm cách thoả mãn các nhu cầu chung bằng cách kích thích việc tăng trưởng của mọi thành viên, nhất là các thành viên yếu kém hay gặp nguy cơ nhiều hơn. Sinh hoạt lập pháp luôn đặt căn bản trên việc chăm sóc người dân. Quý vị được những người bầu mình mời gọi, kêu gọi và triệu tập cho sinh hoạt này.

Việc làm của quý vị là một việc làm khiến tôi suy tư hai cách về nhân vật Môsê. Một đàng, vị tổ phụ và là nhà làm luật của Israel tượng trưng cho nhu cầu nhân dân muốn duy trì sống động cảm thức thống nhất của họ bằng phương tiện ban hành luật pháp công chính. Đàng khác, nhân vật Môsê trực tiếp dẫn chúng ta tới Thiên Chúa và do đó, tới phẩm giá siêu việt của con người nhân bản. Môsê cung cấp cho chúng ta một tổng hợp rất tốt về việc làm của quý vị: quý vị được yêu cầu, bằng luật lệ, che chở hình ảnh và họa ảnh đã được Thiên Chúa in trên mọi gương mặt con người.

Hôm nay, tôi muốn không những nói chuyện với quý vị, mà còn qua quý vị, nói chuyện với toàn thể dân chúng Hiệp Chúng Quốc. Tại đây, cùng với các đại diện của họ, tôi muốn mượn dịp này đối thoại với nhiều ngàn người nam nữ đang hàng ngày cố gắng làm một công việc lương thiện trong ngày, đem cơm bánh hàng ngày về nhà, dành dụm tiền bạc và từng bước xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình họ. Những người đàn ông và đàn bà này không chỉ lo nộp thuế, nhưng còn nâng đỡ đời sống của xã hội, một cách âm thầm. Họ sản sinh ra tình liên đới bằng các hành động của mình, và họ tạo ra các tổ chức nhằm chìa bàn tay giúp đỡ cho những người thiếu thốt nhất.

Tôi cũng muốn bước vào đối thoại với nhiều người cao niên vốn là kho khôn ngoan do kinh nghiệm tích góp, và đang tìm nhiều cách, nhất là việc làm thiện nguyện, để chia sẻ các câu truyện và các tầm nhìn thông sáng của mình. Tôi biết rằng nhiều người trong số họ đã về hưu, nhưng vẫn còn hoạt động; họ tiếp tục làm việc để bồi đắp lãnh thổ này. Tôi cũng muốn đối thoại với mọi người trẻ đang làm việc để thể hiện các hoài bão vĩ đại và cao quý của họ, những người không để mình bị hướng dẫn sai lạc bởi những đề nghị dễ dãi, và là những người đang gặp những tình huống khó khăn, phần lớn do sự thiếu chín chắn của người trưởng thành. Tôi muốn đối thoại với tất cả quý vị, và tôi muốn làm thế qua ký ức lịch sử của nhân dân quý vị.

Chuyến thăm viếng của tôi diễn ra vào một thời điểm khi những người thiện chí nam nữ đang đánh dấu ngày kỷ niệm của một số người Hoa Kỳ vĩ đại. Bất chấp các phức tạp của lịch sử và thực tại yếu đuối nhân bản, những người nam nữ này, với đủ các dị biệt và giới hạn của họ, đã có thể làm việc rất cam go và đầy hy sinh bản thân, một số hy sinh cả mạng sống, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ lên khuôn cho các giá trị căn bản sống mãi trong tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Một dân tộc với một tinh thần như thế sẽ sống thoát nhiều cuộc khủng hoảng, căng thẳng và tranh chấp, trong khi vẫn luôn tìm được tài nguyên để tiến lên phía trước, và làm thế một cách đầy phẩm giá. Những người nam nữ này đem lại cho chúng ta cách nhìn và giải thích thực tại. Vinh danh ký ức của họ, chúng ta sẽ được linh hứng trong việc rút tỉa các dự trữ văn hóa sâu sắc nhất của chúng ta, ngay giữa các tranh chấp, và ngay ở đây, bây giờ, mỗi ngày.

Tôi muốn nhắc tới bốn người Hoa Kỳ sau đây Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.

Năm nay đánh dấu năm thứ một trăm năm mươi ngày ám sát Tổng Thống Abraham Lincol, người bảo vệ tự do, khổ công không mệt mỏi để “quốc gia này, dưới Thiên Chúa, có được sự nở sinh mới của tự do”. Muốn xây dựng một tương lai tự do, ta cần có lòng yêu mến ích chung và hợp tác trong tinh thần phụ đới và liên đới.

Tất cả chúng ta đều ý thức, và lo lắng sâu xa đối với tình thế xã hội và chính trị của thế giới ngày nay. Thế giới của chúng ta càng ngày càng là một nơi tranh chấp bạo động, hận thù và tàn ác thú tính, vi phạm nhân danh cả Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không tôn giáo nào không nhiễm các hình thức lừa đảo cá nhân hay cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa: chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới mọi loại chủ nghĩa cực đoan, bất kể là thuộc tôn giáo hay thuộc một loại khác. Chúng ta cần một cân bằng tế nhị để đánh tan thứ bạo lực nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hay một hệ thống kinh tế, trong khi vẫn bảo vệ tự do tôn giáo, tự do trí thức và các tự do cá nhân.

Nhưng còn một cám dỗ khác mà chúng ta phải đặc biệt đề phòng: đó là chủ nghĩa giản lược thái quá chỉ thấy tốt hay xấu; hay, nếu quý vị muốn, chỉ thấy người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới đương đại, với những vết thương mở toang từng gây đau đớn cho không biết bao anh chị em của chúng ta, thế giới này đòi chúng ta phải đối chất với mọi hình thức phân cực nhằm phân chia nó thành hai phe nhóm vừa kể. Chúng ta biết rằng khi cố gắng giải thoát mình khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta rất có thể bị cám dỗ đi nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Mô phỏng hận thù và bạo lực của các bạo chúa và các kẻ sát nhân là cách tốt nhất để chiếm chỗ của họ. Đó là điều quý vị, trong tư cách một dân tộc, luôn bác bỏ.

Thay vào đó, đáp án của chúng ta phải là một đáp án của hy vọng và hàn gắn, của hòa bình và công lý. Chúng ta được yêu cầu tập trung can đảm và trí hiểu để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế ngày nay. Ngay trong thế giới đã phát triển, các hậu quả từ các cơ cấu và hành động bất công cũng đang hết sức hiển nhiên. Các cố gắng của chúng ta phải nhắm vào việc phục hồi hy vọng, sửa chữa các sai lầm, duy trì các cam kết, và do đó phát huy phúc lợi các cá nhân và các dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau, như một, tiến lên phía trước trong một tinh thần huynh đệ và liên đới đổi mới, quảng đại hợp tác với nhau vì ích chung.

Các thách thức trước mặt ta ngày nay đòi phải có sự đổi mới tinh thần hợp tác trên, một tinh thần đã thực hiện được rất nhiều điều tốt lành suốt trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc. Sự phức tạp, tính nghiêm trọng và tính khẩn trương của các thách thức này đòi chúng ta phải góp chung các tài nguyên và các tài năng của chúng ta, và quyết tâm hỗ trợ nhau, trong khi vẫn tôn trọng các dị biệt và các xác tín lương tâm của chúng ta.

Trên lãnh thổ này, nhiều hệ phái tôn giáo từng đóng góp lớn lao vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Ngày nay cũng như trong quá khứ, điều quan trọng là tiếng nói đức tin cần được tiếp tục lắng nghe, vì nó là tiếng nói huynh đệ và yêu thương, luôn cố gắng phát sinh điều tốt nhất nơi mỗi cá nhân và nơi mỗi xã hội. Sự hợp tác như thế là tài nguyên mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu loại trừ các hình thức hoàn cầu của nạn nô lệ, phát sinh từ các bất công trầm trọng chỉ có thể khuất phục bằng những chính sách mới và các hình thức đồng thuận xã hội mới.

Đến đây, tôi nghĩ tới lịch sử chính trị của Hiệp Chủng Quốc, nơi dân chủ đã bén rễ sâu trong tâm trí nhân dân Hoa Kỳ. Mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và cổ vũ thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên lòng tôn trọng phẩm giá của họ. “Chúng tôi chủ trương các sự thật hiển nhiên sau đây, rằng mọi người được tạo dựng bình đẳng với nhau, rằng họ được Đấng Tạo Hóa của họ phú ban một số quyền lợi bất khả chuyển nhượng, rằng trong số các quyền lợi này có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[1] Nếu chính trị thực sự buộc phải phục vụ con người nhân bản, thì đương nhiên nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tài chánh. Thay vào đó, chính trị là biểu thức của việc ta buộc phải sống như một, để, như một, xây dựng ích chung vĩ đại nhất: tức ích chung của một cộng đồng biết hy sinh tư lợi để chia sẻ các thiện ích, các quyền lợi, đời sống xã hội của mình, trong công lý và hòa bình. Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà điều này bao hàm, nhưng tôi khuyến khích quý vị trong cố gắng này.

Đến đây, tôi cũng nghĩ tới cuộc diễn hành mà Martin Luther King từng hướng dẫn từ Selma tới Montgomery 50 năm trước đây như là một phần của chiến dịch thực hiện cho được “giấc mơ” của ông đối với các quyền dân sự và chính trị đầy đủ cho người Hoa Kỳ gốc Phi Châu. Giấc mơ ấy tiếp tục linh hứng cho tất cả chúng ta. Tôi vui mừng thấy Hoa Kỳ tiếp tục là lãnh thổ “mộng mơ” đối với nhiều người. Các giấc mơ dẫn tới hành động, tham dự, dấn thân. Các giấc mơ đánh thức những gì sâu nhất, thật nhất trong đời sống một dân tộc.

Trong mấy thế kỷ gần đây, hàng triệu con người tới lãnh thổ này để theo đuổi giấc mơ xây dựng một tương lai cho họ trong tự do. Chúng ta, những người của lục địa này, không sợ người nước ngoài, vì phần lớn chúng ta là người nước ngoài. Tôi nói điều này với quý vị trong tư cách người con của các di dân, vì biết rằng rất nhiều người trong quý vị cũng là con cháu của các di dân. Thảm họa thay, các quyền lợi của những người ở đây trước chúng ta nhiều không luôn luôn được tôn trọng. Với các dân tộc này và các quốc gia của họ, từ trái tim nền dân chủ Hoa Kỳ, tôi muốn tái khẳng định lòng cảm mến và đánh giá cao nhất của tôi. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên này đôi lúc đầy sóng gió và bạo động, nhưng khó có thể dùng các tiêu chuẩn hiện tại để phán xét quá khứ. Tuy thế, khi một người lạ giữa chúng ta kêu gọi chúng ta, chúng ta không nên lặp lại các tội lỗi và sai lầm của quá khứ. Hiện nay, ta phải quyết tâm sống cao thượng và công chính bao nhiêu có thể, như chúng ta từng giáo dục các thế hệ mới đừng quay lưng đối với “người hàng xóm” của chúng ta và mọi sự bao quanh ta. Xây dựng một quốc gia đòi ta phải thừa nhận điều này: chúng ta phải không ngừng liên hệ với người khác, bác bỏ não trạng thù nghịch để tiếp nhận não trạng phụ đới hỗ tương, trong một cố gắng liên lỉ làm hết sức ta. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều này.

Thế giới chúng ta đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng tỵ nạn có quy mô chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Hai. Cuộc khủng hoảng này đem lại cho chúng ta nhiều thách thức lớn lao và nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, cũng có hàng ngàn người đang được hướng dẫn chạy lên phía bắc để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho những người thân yêu của họ, để tìm các cơ may lớn lao hơn. Đó há không phải là điều chúng ta muốn cho con cái chúng ta không? Chúng ta không nên sửng sốt bởi con số của họ, nhưng đúng hơn nên coi họ như những con người, nhìn gương mặt họ và lắng nghe truyện kể của họ, cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể đối với tình huống của họ. Đáp ứng một cách luôn nhân đạo, công chính và huynh đệ. Chúng ta cần tránh cơn cám dỗ chung ngày nay là vất bỏ bất cứ điều gì bị coi là gây phiền hà. Chúng ta hãy nhớ Luật Vàng: “Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn” (Mt 7,12).

Luật Vàng trên đây chỉ cho chúng ta một hướng đi rõ rệt. Chúng ta hãy đối xử với người khác một cách say mê và cảm thương như ta muốn họ đối xử với ta vậy. Hãy mưu cầu cho người khác cùng các khả thể như chúng ta mưu cầu cho chính mình. Chúng ta hãy giúp đỡ người khác tăng trưởng, như chúng ta muốn được giúp đỡ vậy. Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn được an toàn, thì chúng ta hãy cho đi sự an toàn; nếu chúng ta muốn sống, chúng ta hãy cho đi sự sống; nếu chúng ta muốn có cơ may, chúng ta hãy cung cấp các cơ may. Thước chúng ta dùng đo người khác sẽ là thước mà thời gian sẽ dùng cho chúng ta. Luật Vàng cũng nhắc nhở chúng ta phải nhớ trách nhiệm của mình trong việc che chở và bênh vực sự sống con người trong mọi giai đoạn phát triển của nó.

Ngay từ đầu thừa tác vụ của tôi, xác tín trên đã dẫn tôi tới chỗ kêu gọi mọi cấp phải bãi bỏ án tử hình trên khắp thế giới. Tôi xác tín rằng đây là cách tốt nhất, vì mọi sự sống đều thánh thiêng, mọi con người nhân bản đều được phú ban cho một phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội chỉ có thể có lợi khi cải tạo những người phạm tội ác. Gần đây, các hiền huynh Giám Mục của tôi ở đây, tại Hiệp Chúng Quốc này, vừa lặp lại lời kêu gọi của họ đòi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi ủng hộ các ngài, mà còn đưa ra lời khuyến khích đối với tất cả những ai xác tín rằng hình phạt chính đáng và cần thiết không được vượt quá chiều kích hy vọng và mục đích cải tạo.

Trong thời gian này khi các quan tâm xã hội hết sức quan trọng, tôi không thể không nhắc đến Tôi Tớ Chúa là Dorothy Day, người thành lập Phong Trào Công Nhân Công Giáo. Chủ trương tranh đấu xã hội của bà, lòng say mê công lý và chính nghĩa người bị áp bức của bà đã lấy linh hứng từ Tin Mừng, từ đức tin của bà và từ gương sáng các Thánh.

Tại rất nhiều nơi trên thế giới, biết bao tiến bộ đã được thực hiện trong phạm vi này! Biết bao điều đã được thực hiện trong các năm đầu tiên của đệ tam thiên niên kỷ này để kéo người ta ra khỏi cảnh bần cùng! Tôi biết rằng quý vị chia sẻ niềm xác tín của tôi rằng: còn nhiều điều nữa cần phải làm, và trong thời buổi khủng hoảng và kinh tế khó khăn, chúng ta không nên đánh mất tinh thần liên đới hoàn cầu. Đồng thời, tôi muốn khuyến khích quý vị lưu ý tới tất cả những người ở quanh ta đang bị kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Cả họ nữa, họ cũng cần được đem lại hy vọng. Cuộc chiến đấu chống cảnh nghèo đói phải được đánh liên lỉ và trên nhiều chiến tuyến, nhất là ở chính các nguyên nhân của nó. Tôi biết rằng nhiều người Hoa Kỳ ngày nay, cũng như trong quá khứ, đang cố gắng đương đầu với vấn đề này.

Không cần phải nói, ai cũng biết một phần trong cố gắng trên là việc tạo ra và phân phối của cải. Việc sử dụng đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên, việc áp dụng thích đáng kỹ thuật học và việc sử dụng tinh thần kinh bang tế thế là các yếu tố chủ yếu của một nền kinh tế tìm cách hiện đại hóa, bao gồm và lâu bền. “Kinh doanh là một ơn gọi cao quý, hướng về phía sản xuất của cải và cải thiện thế giới. Nó có thể là nguồn phong phú của thịnh vượng cho vùng nó hoạt động, nhất là nếu nó coi việc tạo ra công ăn việc làm là phần chủ yếu trong việc phục vụ ích chung của nó”.[2] Ích chung này cũng bao gồm trái đất, chủ đề chính của thông điệp tôi vừa trước tác ngõ hầu “bước vào cuộc đối thoại với mọi người về căn nhà chung”.[3] “Chúng ta cần một cuộc đàm đạo bao gồm mọi người, vì thách thức môi sinh mà ta đang kinh qua, cũng như gốc gác nhân bản của nó, có liên hệ và có ảnh hưởng tới mọi người”.[4]

Trong Laudato Sí, tôi kêu gọi một cố gắng can đảm và có trách nhiệm để “tái định hướng các bước đi của chúng ta”,[5] và để tránh các hậu quả trầm trọng nhất của việc xuống cấp môi sinh do sinh hoạt của con người gây ra. Tôi xác tín rằng ta có thể tạo được khác biệt, tôi tin chắc và tôi không hoài nghi gì việc Hiệp Chúng Quốc, và Quốc Hội này, có một vai trò quan trọng để thủ diễn. Nay là lúc dành cho các hành động và chiến thuật can đảm, nhằm thực thi một “nền văn hóa chăm sóc”[6]“một phương thức toàn bộ để diệt trừ nghèo đói, phục hồi phẩm gia cho người bỉ loại bỏ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên”.[7] “chúng ta có tự do cần thiết để giới hạn và điều hướng kỹ thuật”;[8] “để nghĩ ra các cách thông minh… nhằm khai triển và giới hạn các sức mạnh của ta”;[9] và để bắt kỹ thuật “phục vụ một thứ tiến bộ khác, một thứ tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, có tính xã hội hơn, và toàn diện hơn”.[10] Về phương diện này, tôi tin tưởng rằng các định chế học thuật và nghiên cứu xuất chúng của Hoa Kỳ có thể thực hiện một đóng góp có tính sinh tử trong những năm sắp tới.

Một thế kỷ trước đây, lúc bắt đầu có cuộc Chiến Tranh Lớn, cuộc chiến tranh bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV gọi là “cuộc tàn sát vô nghĩa”, một người Hoa Kỳ nổi tiếng khác đã ra đời: đó là Đan Sĩ Dòng Xitô Thomas Merton. Ông vẫn còn là nguồn gợi hứng thiêng liêng và một kim chỉ nam cho nhiều người. Trong cuốn tự thuật của mình, ông viết: “Tôi sinh ra đời. Bản tính vốn tự do, theo hình ảnh Thiên Chúa, tuy nhiên, tôi lại là tù nhân của chính bạo lực của mình và của chính lòng vị kỷ của mình, theo hình ảnh thế gian nơi tôi đã sinh ra. Thế gian này là hình ảnh Hỏa Ngục, đầy những người như tôi, yêu Thiên Chúa, thế nhưng lại ghét Người; sinh ra để yêu Người, nhưng lại sống trong sự sợ hãi đói khát vô vọng tự mâu thuẫn chính mình”. Trên hết, Merton là người của cầu nguyện, một nhà tư tưởng dám thách thức các điều chắc chắn của thời ông và mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo Hội. Ông cũng là người của đối thoại, người cổ vũ hoà bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.

Từ viễn ảnh đối thoại này, tôi muốn thừa nhận các cố gắng trong mấy tháng gần đây nhằm giúp vượt qua các dị biệt lịch sử liên quan tới nhiều giai đoạn đau đớn trong dĩ vãng. Tôi có bổn phận bắc cầu và giúp mọi người nam nữ thực hiện cùng một việc ấy bằng bất cứ cách nào có thể. Khi các quốc gia từng tranh chấp với nhau tái tục con đường đối thoại, một cuộc đối thoại rất có thể bị ngắt quãng vì những lý do chính đáng nhất, thì các cơ hội mới đã mở ra cho mọi người. Việc này từng đòi hỏi và còn đang đòi hỏi sự can đảm và dám làm, những điều không giống hệt như vô trách nhiệm. Nhà lãnh đạo chính trị tốt là người, nhờ lưu tâm đến lợi ích của mọi người, biết nắm lấy thời cơ trong trong tinh thần cởi mở và thực tiễn. Nhà lãnh đạo chính trị tốt luôn chọn giải pháp khai mở các diễn trình hơn là chiếm hữu không gian.[11]

Phục vụ đối thoại và hòa bình cũng có nghĩa là thực sự quyết tâm trong việc tối thiểu hóa và, trong trường kỳ, chấm dứt các cuộc tranh chấp vũ trang khắp thế giới. Ở đây, chúng ta phải tự hỏi: Tại sao các vũ khí giết người lại được bán cho những kẻ mưu toan giáng các đau khổ chưa từng có xuống các cá nhân và xã hội? Buồn thay, như chúng ta biết, câu trả lời đơn giản là vì tiền: đồng tiền đẫm máu, mà thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng đáng xấu hổ và đáng kết tội này, chúng ta có bổn phận đối chất vấn đề và chấm dứt việc mua bán vũ khí.

Ba người con trai và một người con gái của lãnh thổ này, bốn cá nhân và bốn giấc mơ: Lincoln, tự do; Martin Luther King, tự do trong tính đa nguyên và không loại trừ; Dorothy Day, công bình xã hội và các quyền của con người; và Thomas Merton, khả năng đối thoại và mở lòng ra với Thiên Chúa.

Bốn đại diện của nhân dân Hoa Kỳ.

Tôi sẽ kết thúc chuyến viếng thăm của tôi tại đất nước quý vị ở Philadelphia, nơi tôi sẽ tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Tôi mong ước rằng suốt chuyến viếng thăm của tôi, gia đình sẽ là chủ đề được lặp đi lặp lại. Gia đình đã chủ yếu xiết bao đối với việc xây dựng đất nước này! Và nó vẫn còn xứng đáng xiết bao để được chúng ta hỗ trợ và khuyến khích! Thế nhưng, tôi không thể dấu được sự lo âu của tôi đối với gia đình, hiện đang bị đe dọa, có lẽ chưa từng thấy trước đó, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các liên hệ nền tảng đang bị đặt thành nghi vấn, cũng như chính căn bản của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể lặp lại sự quan trọng và, trên hết, sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.

Cách riêng, tôi muốn kêu gọi sự lưu ý đối với các thành viên gia đình dễ bị thương tổn hơn hết, đó là giới trẻ. Với nhiều người trong số họ, một tương lai đầy tiềm năng đang đón chờ, thế nhưng rất nhiều người trẻ khác xem ra đã mất hướng và không đích nhắm, bị kẹt cứng trong mê hồn trận vô vọng của bạo lực, lạm dụng và tuyệt vọng. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của chúng ta, chúng ta không thể tránh được chúng. Chúng ta cần phải cùng nhau đối mặt với chúng. Nói về chúng và tìm ra các giải pháp hữu hiệu, hơn là để mình sa lầy trong tranh luận. Có thể có nguy cơ quá giản luợc, nhưng chúng ta vẫn có thể nói được rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa chuyên gây áp lực khiến người trẻ không thiết lập một gia đình, vì thiếu các khả thể đối với tương lai. Rồi chính nền văn hóa này lại đề nghị với giới trẻ quá nhiều giải pháp đến nỗi cuối cùng họ cũng không dám thiết lập một gia đình.

Một quốc gia sẽ được coi là vĩ đại khi bảo vệ tự do như Lincoln đã làm; khi phát huy nền văn hóa giúp người ta có khả năng “ước mơ” các quyền đầy đủ cho mọi anh chị em của mình, như Martin Luther King từng tìm cách thực hiện; khi cố gắng tranh đấu cho công lý và cho chính nghĩa của người bị áp bức, như Dorothy Day từng làm với việc làm không biết mệt của bà, vốn là hoa trái đức tin đã trở thành đối thoại và gieo rắc hoà bình trong phong thái chiêm niệm của Thomas Merton.

Trong các nhận định này, tôi cố gắng trình bầy một vài sự phong phú trong di sản văn hóa của quý vị, của tinh thần nhân dân Hoa Kỳ. Tôi mong ước tinh thần này tiếp tục phát triển và tăng trưởng, để càng nhiều người trẻ càng hay có thể thừa hưởng và cư ngụ trên một lãnh thổ từng gợi hứng cho biết bao nhiêu người mơ ước.

Xin Thiên Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ!

 

Vũ Văn An chuyển ngữ

 

 

 


[1] Tuyên Ngôn Độc Lập, 4 tháng 7, 1776

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Sí, 2015, số 129

[3] Ibid., số 3

[4] Ibid., số 14

[5] Ibid., số 61

[6] Ibid., số 231

[7] Ibid., số 139

[8] Ibid., số 112

[9] Ibid., số 78

[10] Ibid., số 112

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 222-223