BÀI GIÁO LÝ THỨ 9
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
VỀ NĂM ĐỨC TIN
“Nơi Chúa Giêsu thành Nadareth,
Thiên Chúa biểu lộ dung nhan của Ngài
và yêu cầu con người quyết định nhận ra Người và làm theo Người”
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý trước, tôi đã nói về sự Mặc Khải của Thiên Chúa, như Ngài đã truyền thông về Chính Ngài và về kế hoạch yêu thương nhân lành của Ngài. Sự Mặc Khải này của Thiên Chúa được ghi khắc trong thời gian và lịch sử nhân loại: một lịch sử trở thành “nơi mà chúng ta có thể nhận thấy hành động của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài gặp gỡ chúng ta trong những gì quen thuộc nhất và dễ dàng xác minh nhất đối với chúng ta vì nó tạo thành cảnh sống hàng ngày của chúng ta, mà không có nó, chúng ta không thể hiểu được” (Gioan Phaolô II, TĐ Fides Et ratio, số 12).
Thánh sử Marcô, như chúng ta đã nghe, tường trình, bằng những thuật ngữ rõ ràng và tổng hợp, việc rao giảng của Chúa Giêsu, “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã gần” (Mc 1:15). Đấng soi sáng và cung cấp ý nghĩa trọn vẹn cho lịch sử thế giới và nhân loại bắt đầu tỏa sáng trong hang đá Bethlehem; đó là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngưỡng ở đây trong dịp lễ Giáng sinh: ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Nơi Chúa Giêsu thành Nadareth, Thiên Chúa biểu lộ dung nhan của Ngài và yêu cầu con người quyết định nhận ra Người và làm theo Người. Sự Măc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử để đi vào một mối liên hệ đối thoại yêu thương với con người, ban tặng một ý nghĩa mới cho toàn thể cuộc hành trình của nhân loại. Lịch sử không chỉ đơn thuần là một sự nối tiếp của nhiều thế kỷ, của những tháng năm và những ngày, nhưng là thời gian của một sự hiện diện cung cấp cho cho nó trọn vẹn ý nghĩa và mở ra một niềm hy vọng vững chắc.
Chúng ta có thể đọc những giai đoạn Mặc Khải này của Thiên Chúa ở đâu? Thánh Kinh là nơi đặc quyền để khám phá những biến cố của cuộc hành trình này mà tôi muốn một lần nữa mời mỗi người, trong Năm Đức Tin này, thường xuyên hơn cầm sách Thánh Kinh trong tay để đọc và suy niệm cùng chú ý nhiều hơn đến các bài đọc của Thánh Lễ Chúa Nhật, tất cả điều này tạo thành một lương thực quý giá cho đức tin của chúng ta.
Khi đọc Cựu Ước, chúng ta có thể thấy rằng những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử của dân mà Ngài đã tuyển chọn và với dân ấy Ngài đã thiết lập một giao ước, không phải là những sự kiện đã qua và rơi vào quên lãng, nhưng chúng trở thành “kỷ niệm” (hay “ký ức”), chúng tạo thành “lịch sử cứu độ”, được duy trì một cách sống động trong ý thức của dân Israel qua việc cử hành những biến cố cứu độ. Như vậy, trong Sách Xuất Hành, Chúa truyền cho ông Môsê cử hành giây phút giải phóng cả thể khỏi ách nô lệ Ai Cập, lễ Vượt Qua, với những lời này: “Ngày này đối với các ngươi sẽ là ngày tưởng niệm; và các ngươi hãy giữ làm ngày lễ cho Đức Chúa qua mọi thời đại, các ngươi sẽ giữ lễ này như một lề luật cho đến muôn đời” (Xh 12:14). Đối với toàn thể dân Israel, việc nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trở thành một loại mệnh lệnh liên tục ngõ hầu thời gian đã qua được đánh dấu bởi kỷ niệm sống động về những biến cố trong quá khứ, mà do đó, ngày qua ngày, một lần nữa hình thành lịch sử và vẫn còn hiện diện. Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng quên những điều mà mắt anh em đã thấy, và mọi ngày trong đời anh em, đừng để chúng rời xa tâm hồn anh em, cùng dạy cho các con cháu anh em.” (4:9). Và do đó, ông cũng nói với chúng ta rằng “đừng quên những điều mà Thiên Chúa đã thực hiện với chúng ta.” Đức tin được nuôi dưỡng bởi việc khám phá và kỷ niệm về Thiên Chúa luôn trung tín, Đấng hướng dẫn lịch sử và tạo dựng nền tảng chắc chắn và ổn định mà trên đó cuộc sống của chúng ta dựa vào. Kinh Ngợi Khen (Magnificat), mà Đức Trinh Nữ Maria dâng lên Thiên Chúa, cũng là một thí dụ rất cao quý của lịch sử cứu độ này, của kỷ niệm này, là điều bảo tồn và giữ cho hành động của Thiên Chúa được hiện diện. Đức Maria chúc tụng hành động thương xót của Thiên Chúa trên hành trình cụ thể của dân Ngài, lòng trung thành với những lời hứa của giao ước mà Ngài đã thiết lập với ông Abraham và con cháu ông; và tất cả những điều ấy là ký ức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa là điều không bao giờ phai mờ (x. Lc 1:46-55).
Đối với dân Israel, Xuất Hành là biến cố lịch sử chính yếu mà trong đó Thiên Chúa tỏ bày hành động quyền năng của Ngài. Thiên Chúa đã giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập để họ có thể trở về Đất Hứa và tôn thờ Ngài như Thiên Chúa chân thật và duy nhất, dân Israel không lên đường để trở thành một dân tộc như các dân tộc khác, để cũng có cho Ngài một dân tộc độc lập, nhưng để phục vụ Thiên Chúa trong việc thờ phượng và trong cuộc sống, để tạo ra cho Thiên Chúa một nơi mà con người sống trong sự vâng phục Ngài, nơi mà Thiên Chúa hiện diện và được tôn thờ trên thế gian; và đương nhiên, không chỉ cho họ, nhưng để làm chứng cho các dân tộc khác. Việc cử hành biến cố này có nghĩa là làm cho Ngài hiện diện và thực sự, ngõ hầu công trình của Thiên Chúa không bị thất bại. Ngài trung thành với kế hoạch giải phóng của Ngài và tiếp tục theo đuổi nó để con người có thể nhận biết và phục vụ Chúa mình cùng đáp lại hành động của Ngài bằng đức tin và đức mến.
Như thế Thiên Chúa mặc khải chính Ngài không những chỉ trong hành động nguyên thủy của việc tạo dựng, mà còn bằng cách đi vào lịch sử của chúng ta, vào lịch sử của một dân tộc nhỏ bé, không phải là dân tộc đông người nhất, cũng không mạnh mẽ nhất. Và sự Mặc Khải này của Thiên Chúa, được tiếp tục trong lịch sử, đạt đến tột đỉnh nơi Đức Chúa Giêsu Kitô: Thiên Chúa, là Ngôi Lời (Logos), Lời tạo dựng là nguồn gốc của thế giới, đã nhập thể trong Chúa Giêsu và tỏ cho thấy dung nhan thật sự của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu tất cả các lời hứa được thực hiện, nơi Người, lịch sử về Thiên Chúa với nhân loại đạt đến tột đỉnh. Khi chúng ta đọc câu chuyện về hai môn đệ trên đường Emmaus, được Thánh Luca kể lại, chúng ta thấy rõ ràng rằng con người của Đức Kitô làm sáng tỏ Cựu Ước cùng toàn thể lịch sử cứu độ và cho thấy chương trình hợp nhất tuyệt vời giữa hai Giao Ước, cho thấy tính độc đáo của nó. Thực ra, Chúa Giêsu giải thích cho hai người lữ khách bị mất mát và thất vọng rằng Người là sự hoàn thành của tất cả các lời hứa: “Và, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24:27). Thánh sử tường trình lời thốt lên của hai môn đệ sau khi đã nhận ra người đồng hành trong cuộc hành trình chính là Chúa: “Tâm hồn chúng ta đã không rạo rực khi Người đàm luận với chúng ta dọc đường và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta sao?” (v. 32).
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo tóm lược các giai đoạn Mặc Khải của Thiên Chúa bằng cách cho thấy một cách tổng hợp sự phát triển của nó (x. số 54-64): Thiên Chúa đã mời gọi con người ngày từ ban đầu để hiệp thông một cách mật thiết với Ngài, ngay cả khi con người, vì sự bất phục tùng của họ, đã đánh mất tình bằng hữu của Ngài, Thiên Chúa đã không bỏ mặc họ dưới quyền lực của sự chết, nhưng đã nhiều lần ban cho con người giao ước của Ngài (x. Sách Lễ Rôma, Lời Nguyện Thánh Thể IV). Sách Giáo Lý đi lại cuộc hành trình của Thiên Chúa với con người từ giao ước với ông Noe sau trận Đại Hồng Thủy, đến việc kêu gọi ông Abraham rời bỏ quê quán của ông để trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên Chúa hình thành dân Israel của Ngài qua những biến cố Xuất Hành, giao ước Sinai và món quà Lề Luật, qua trung gian của ông Môsê, để Ngài được công nhận và phục vụ như Thiên Chúa duy nhất chân thật và hằng sống. Với các ngôn sứ, Thiên Chúa hướng dẫn dân Ngài trong niềm hy vọng cứu độ. Qua ngôn sứ Isaia, chúng ta biết về “Cuộc Xuất Hành thứ hai”, việc hồi hương từ cuộc lưu đày ở Babylon về mảnh đất của riêng Ngài, việc tái xây dựng của dân chúng; đồng thời, tuy thế, vẫn còn nhiều người sống trong vô vọng và do đó bắt đầu tính phổ quát của đức tin này. Cuối cùng, người ta không còn chỉ mong đợi một vua, vua Đavid, con vua Đavid, nhưng một “Con Người”, ơn cứu độ của mọi dân tộc. Những cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, trước hết với Babylon và Syria, rồi với nhiều người Hy Lạp. Như vậy, chúng ta thấy con đường của Thiên Chúa được mở rộng như thế nào, và càng ngày càng mở rộng hơn nữa cho mầu nhiệm của Đức Kitô, Vua Vũ Trụ. Trong Đức Kitô, sự Mặc Khải cuối cùng được thực hiện trong sự viên mãn của nó, là mục đích của lòng nhân lành của Thiên Chúa: Chính Ngài cũng làm một người trong chúng ta.
Tôi xin ngừng lại ở những lời nhắc nhở về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, để chứng tỏ những giai đoạn của kế hoạch yêu thương cao cả nảy được chứng tỏ trong Cựu và Tân Ước: một kế hoạch cứu độ duy nhất dành cho toàn thể nhân loại, được mặc khải cách tiệm tiến và được thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa, ở đó Thiên Chúa luôn đáp ứng với những sự đáp trả của con người. Điều ấy là nền tảng vững chắc của cuộc hành trình đức tin. Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng của năm phụng vụ để chuẩn bị mừng Lễ Giáng sinh. Như tất cả chúng ta đều biết, thuật ngữ “Mùa Vọng” có nghĩa là “đến”, “hiện diện”, và thời xưa ám chỉ cách cụ thể sự xuất hiện của vua hoặc hoàng đế ở một tỉnh được quy định. Đối với chúng ta là những Kitô hữu, thuật ngữ này ám chỉ một thực tại tuyệt vời và sửng sốt: Thiên Chúa rời khỏi Trời Cao của Ngài và cúi xuống trên con người; Ngài đã lập một giao ước với con người bằng cách đi vào lịch sử của một dân tộc; Ngài là vị vua ngự xuống trong tỉnh nghèo nàn này là trái đất, và Ngài đã ban tặng cho chúng ta trong chuyến viếng thăm của Ngài việc mặc lấy xác phàm của chúng ta như một món quà, trở thành một con người như chúng ta. Mùa Vọng mời gọi chúng ta nhớ lại con đường của sự hiện ấy diện và nhắc nhở chúng ta luôn mãi rằng Thiên Chúa đã không rút lui khỏi thế gian, không vắng mặt, không bỏ mặc chúng ta, nhưng đến gặp chúng ta bằng những cách khác nhau, mà chúng ta phải học cách phân biệt. Chúng ta cũng thế, với đức tin, đức cậy và đức mến của mình, chúng ta được mời gọi mỗi ngày tìm kiếm và làm chứng cho sự hiện diện này trong một thế giới thường hời hợt và điên cuồng, cùng làm chiếu tỏa trong cuộc đời chúng ta ánh sáng đã chiếu soi hang đá ở Bethlehem. Cảm ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ