Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 06:37

Giáo Lý Về Năm Đức Tin Của ĐTC Benedict XVI: Bản Tính Hội Thánh Của Đức Tin (Bài 3) Featured

BÀI GIÁO LÝ THỨ 3

CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI

VỀ NĂM ĐỨC TIN

“Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha mà không có Hội Thánh là Mẹ”

* * *

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình suy niệm về đức tin Công Giáo của chúng ta. Tuần trước tôi đã giải thích về đức tin là một hồng ân như thế nào, bởi chính Thiên Chúa đã có sang kiến đến gặp chúng ta trước, và như thế đức tin là một sự đáp trả mà chúng ta dùng để chào đón Ngài như là nền tảng vững chắc của cuộc đời chúng ta. Đó là một món quà biến đổi cuộc đời, bởi vì nó cho chúng ta nhìn với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng hoạt động trong chúng ta và mở lòng chúng ta để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Hôm nay tôi muốn đi thêm một bước nữa trong bài suy niệm của chúng ta, bắt đầu một lần nữa từ một số câu hỏi: Có phải đức tin chỉ có đặc tính riêng tư, cá nhân hay không? Có phải nó chỉ liên quan đến cá nhân tôi không? Có phải tôi sống đức tin của tôi một mình hay không? Tất nhiên, hành động đức tin là một hành động tiên quyết cá nhân, xảy ra tận đáy lòng chúng ta và đánh dấu một sự chuyển hướng, một sự hoán cải cá nhân: chính cuộc đời của tôi được đánh dấu bởi một khúc quanh và nhận được một hướng đi mới.

Trong Phụng Vụ của Bí Tích Rửa Tội, vào lúc tuyên hứa, vị chủ sự yêu cầu tuyên xưng đức tin, và đưa ra ba câu hỏi: Anh/Chị/Em có tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng không? Anh/Chị/Em có tin vào Chúa Giêsu Kitô Con một Ngài không? Anh/Chị/Em có tin vào Chúa Thánh Thần không? Xưa kia, những câu hỏi này đã được đưa ra cách riêng cho người đã được rửa tội trước khi dìm người ấy vào nước ba lần. Và ngay cả ngày nay cũng thế, câu trả lời ở số ít là: “Tôi tin”.

Nhưng đức tin của tôi không phải là kết quả của sự suy nghĩ đơn độc của tôi, cũng không phải là sản phẩm của những suy tư riêng của tôi, nhưng là kết quả của một mối liên hệ, một cuộc đối thoại, trong đó có sự lắng nghe, và sự đón nhận một câu trả lời. Chính việc đối thoại với Chúa Giêsu làm cho tôi ra khỏi cái “tôi” bị đóng kín trong bản thân mình để mở ra cho tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Nó giống như một sự tái sinh mà trong đó tôi khám phá ra rằng tôi không những chỉ kết hợp với Chúa Giêsu, mà còn với tất cả những người đã đi và đang đi trên cùng một con đường. Và việc tái sinh này, bắt đầu với Bí Tích Rửa Tội, tiếp tục trong suốt dòng đời.

Tôi không thể xây dựng đức tin cá nhân của tôi trong một cuộc đối thoại riêng tư với Chúa Giêsu, bởi vì đức tin được Thiên Chúa ban cho tôi qua một cộng đồng các tín hữu là Hội Thánh, và tôi được kể vào số các tín hữu trong một cộng đồng, không chỉ thuộc về xã hội, nhưng được bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà trong Ngài là sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là tình yêu của Ba Ngôi. Đức tin của chúng ta chỉ thực sự là của cá nhân khi nó cũng là của cộng đồng: nó chỉ có thể là đức tin của tôi, chỉ khi nó sống và di động trong cái “chúng ta” của Hội Thánh, chỉ khi nó là đức tin của chúng ta, đức tin chung của một Hội Thánh Duy Nhất.

Vào ngày chúa nhật, khi chúng ta đọc “Tôi tin kính” trong Thánh Lễ, chúng ta xưng mình ở ngôi thứ nhất, nhưng chúng ta tuyên xưng một đức tin duy nhất của cộng đồng. Kinh “Tin Kính” mà mỗi người chúng ta tuyên xưng cách cá nhân được kết lại thành một ca đoàn bao la trải dài trong thời gian và không gian, trong đó có thể nói là mỗi người đóng góp vào một bản hòa âm nhiều bè của đức tin. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo tóm tắt một cách rõ ràng: “Tin” là một hành động của Hội Thánh. Đức tin của Hội Thánh đi trước, sinh ra, nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Hội Thánh là Mẹ của mọi tín hữu. “Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha, mà không có Hội Thánh là Mẹ” [Thánh Cyprianô]” (số 181). Vì vậy, đức tin được sinh ra trong Hội Thánh, dẫn đến Hội Thánh và sống trong Hội Thánh. Điều này là điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ.

Ở bước đầu của cuộc mạo hiểm Kitô giáo, khi Chúa Thánh Thần đến với quyền năng trên các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần, như được kể lại trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. 2:1-13), Hội Thánh thời sơ khai nhận được sức mạnh để thực hiện sứ vụ được Chúa Phục Sinh trao phó: loan truyền Tin Mừng về Nước Thiên Chúa cho đến tận cùng trái đất, và như thế dẫn đưa mọi người đến một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh và đến đức tin có sức cứu độ. Các Tông Đồ thắng vượt mọi nỗi sợ hãi trong việc công bố những gì các ngài đã nghe, đã thấy và cảm nghiệm cá nhân với Chúa Giêsu. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, các ngài bắt đầu nói những ngôn ngữ mới, công khai công bố mầu nhiệm mà các ngài chứng kiến.

Trong Sách Tông Đồ Công Vụ, sau đó chúng ta được biết về bài giảng tuyệt vời của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ông bắt đầu với một đoạn trích từ sách Ngôn Sứ Giôel (3:1-5), quy nó về Chúa Giêsu, và công bố cốt lõi của đức tin Kitô giáo: Người, Đấng đã đối xử cách rất tốt lành với tất cả mọi người, đã được Thiên Chúa chứng giám bằng những phép lạ và những dâu chỉ cả thể, đã bị đóng đinh trên thập giá và bị giết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, đặt Người làm Chúa và Đức Kitô.

Với Người, chúng ta đã bước vào ơn cứu độ dứt khoát đã được các ngôn sứ báo trước, và bất cứ ai kêu cầu Danh Người sẽ được cứu rỗi (x. Cv 2:17-24). Nhiều người khi nghe những lời của Thánh Phêrô, tự cảm thấy bị vấn lòng cách riêng, họ ăn năn tội lỗi của họ, được rửa tội và lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Cv 2: 37-41).

Như thế bắt đầu cuộc hành trình của Hội Thánh, một cộng đồng mang lời công bố này trong thời gian và không gian, một cộng đồng Dân Thiên Chúa được xây dựng trên Giao Ước Mới trong Máu của Đức Kitô, mà các thành viên không thuộc về một nhóm xã hội hoặc chủng tộc riêng biệt nào, nhưng là những người nam nữ từ mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Đó là một dân “công giáo”, nói những ngôn ngữ mới và phổ quát, mở ra đón nhận tất cả mọi người, siêu vượt mọi ranh giới và đập tan mọi chướng ngại. Thánh Phaolô nói: “Ở đây không còn người Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ (Scythia), nô lệ, tự do, nhưng Đức Kitô là tất cả và trong mọi người” (Col 3:11).

Do đó, ngay từ ban đầu Hội Thánh là chỗ của đức tin, nơi mà đức tin được truyền thụ, nơi mà qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được dìm vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, là điều giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban cho chúng ta sự tự do của con cái cùng đưa chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, chúng ta được nhận chìm vào sự hiệp thông với các anh chị em khác trong đức tin, với toàn thể Nhiệm Thể Đức Kitô, nhờ cách đó mà chúng ta thoát khỏi sự cô lập của mình. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa muốn cứu độ và thánh hóa con người, không phải chỉ như những cá nhân không có một mối liên hệ nào giữa họ; nhưng Ngài muốn biến họ thành một dân, một dân nhận biết Ngài theo chân lý và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện” (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium , 9).

Khi nhớ lại phụng vụ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta nên lưu ý rằng khi kết thúc các lời hứa trong đó chúng ta hứa từ bỏ sự dữ và trả lời “Tôi tin” vào những chân lý của đức tin, vị chủ sự công bố: “Ðó là đức tin của chúng ta. Ðó là đức tin của Hội Thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng Ðức Tin ấy, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Đức tin là một nhân đức đối thần do Thiên Chúa ban, nhưng truyền lại qua Hội Thánh trong suốt dòng lịch sử. Thánh Phaolô, khi viết cho cá tín hữu Côrinthô, khẳng định rằng ngài đã truyền lại cho họ Tin Mừng mà ngài đã nhận được (x. 1 Cor 15:3).

Có một dây xích không bị gián đoạn trong đời sống Hội Thánh, trong việc công bố Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích, đến với chúng ta mà chúng ta gọi là Thánh Truyền. Nó cho chúng ta sự đảm bảo rằng những gì chúng ta tin là thông điệp nguyên thủy của Đức Kitô, như được rao giảng bởi các Tông Đồ. Cốt lõi của lời loan báo nguyên thủy này là biến cố Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, từ đó phát sinh ra toàn thể di sản đức tin. Công Đồng nói: “Lời rao giảng của các tông đồ, được diễn tả một cách đặc biệt trong những sách được linh hứng, phải được bảo tồn và liên tục lưu truyền cho đến tận thế” (Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8). Như vậy, nếu Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa, thì Thánh Truyền của Hội Thánh bảo tồn và trung thành truyền lại Lời ấy, để con người ở mọi thời đại có thể truy cập tài nguyên bao la của Lời ấy và được phong phú hóa bởi kho tàng ân sủng của nó. Vì vậy, Hội Thánh, “trong việc giảng dạy của mình, trong đời sống và việc phụng tự của mình bảo tồn và truyền lại cho mọi thế hệ tất cả những gì là thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (ibid.).

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng chính trong cộng đồng Hội Thánh mà đức tin cá nhân phát triển và trưởng thành. Thật đáng chú ý khi nhận thấy rằng trong Tân Ước thuật ngữ “thánh” được dùng để chỉ các Kitô hữu như một tập thể, và chắc chắn rằng không phải tất cả mọi người trong họ có những đức tính cần thiết để được Hội Thánh gọi là thánh. Như thế thì người ta muốn ám chỉ gì qua thuật ngữ này? Sự thể là những người đã có đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh và sống đức tin ấy được mời gọi để trở thành mẫu mực (điểm tham chiếu) cho tất cả những người khác, bằng cách giúp họ tiếp xúc với Con Người và Sứ Điệp của Chúa Giêsu, Đấng mạc khải Dung Nhan Thiên Chúa hằng sống. Điều này cũng đúng cho chúng ta: một Kitô hữu để cho mình được đức tin của Hội Thánh từ từ hướng dẫn và hình thành, bất chấp những yếu đuối, giới hạn và khó khăn của mình, người ấy sẽ trở thành như một cửa sổ mở ra cho ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống, nhận được ánh sáng này và truyền nó cho thế giới. Chân Phước Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris missio nói rằng “hoạt động truyền giáo canh tân Hội Thánh, khôi phục đức tin và căn tính Kitô giáo, cùng cung cấp nhiệt tình mới và động lực mới. Đức tin được củng cố bằng cách cho đi!” (số 2).

Do đó, xu hướng hiện đại được lan tràn rộng rãi, là giới hạn đức tin vào lĩnh vực riêng tư, mâu thuẫn với bản chất của chính đức tin. Chúng ta cần Hội Thánh xác nhận đức tin của mình và cảm nghiệm những hồng ân của Thiên Chúa: Lời Ngài, các Bí Tích, sư trợ giúp của ân sủng và chứng tá tình yêu. Vì vậy, trong cái “chúng ta” của Hội Thánh, cái “tôi” của chúng ta sẽ có khả năng nhận ra chính mình như người lãnh nhận và tham dự vào một biến cố vượt trên nó: kinh nghiệm hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng thiết lập sự hiệp thông giữa con người. Trong một thế giới mà trong đó chủ nghĩa cá nhân dường như quy định các mối liên hệ giữa con người, làm cho những liên hệ ấy thành mỏng giòn hơn, đức tin mời gọi chúng ta làm Dân Thiên Chúa, là Hội Thánh, những người mang tình yêu và sự hiệp thông của Thiên Chúa đến cho tất cả nhân loại (xem Hiến Chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1). Cảm ơn sự chú ý của anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ