Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 06:36

Bài Giáo Lý Về Năm Đức Tin Của Đức Thánh Cha Benedict XVI (Bài 1) Featured

 
Bài Giáo Lý Thứ 1 của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin

“Giới thiệu Năm Đức Tin”

* * *

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn giới thiệu một chu kỳ giáo lý mới. Chu kỳ này sẽ được kéo dài trong suốt Năm Đức Tin vừa bắt đầu, và tạm ngừng chu kỳ dành riêng cho trường cầu nguyện vào lúc này. Với Tông Thư Porta Fidei, tôi đã công bố năm đặc biệt này, chính là giúp Hội Thánh canh tâm lòng nhiệt thành trong việc tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế gian, phục hồi niềm vui đi theo con đường mà Người đã chỉ cho chúng ta, và làm nhân chứng một cách cụ thể quyền năng biến đổi của đức tin.

Dịp kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vatican II là một cơ hội quan trọng để trở về với Thiên Chúa, để đào sâu và sống đức tin của chúng ta với lòng can đảm hơn, để củng cố việc là phần tử của Hội Thánh, "thầy của nhân loại", qua việc công bố Lời Chúa, cử hành các bí tích và các công việc bác ái, dẫn chúng ta đến gặp gỡ và biết Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây không phải là cuộc gặp gỡ với một ý tưởng hoặc một kế hoạch của đời sống, nhưng một Con Người sống động, là Đấng biến đổi chúng ta tận đáy long, và tỏ cho chúng ta biết căn tính thật sự của chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đổi mới những liên hệ nhân loại của chúng ta, bằng cách hướng chúng, ngày này qua ngày khác, về một tình liên đới và huynh đệ to lớn hơn, theo tiêu chuẩn của tình yêu. Có đức tin vào Chúa không phải là một điều gì chỉ ảnh hưởng đến trí tuệ của chúng ta, lãnh vực tri thức, mà còn là một sự thay đổi liên hệ đến đời sống, và toàn thể con người chúng ta: tình cảm, trái tim, trí thông minh, ý chí, thân xác, cảm xúc và những liên hệ giữa con người. Với đức tin, tất cả đều được thật sự biến đổi trong chúng ta và cho chúng ta, và như thế cho chúng ta thấy rõ định mệnh tương lai của mình, sự thật về ơn gọi của mình trong lịch sử, ý nghĩa cuộc đời, niềm vui thích được làm một khách lữ hành đang trên đường tiến về Quê Trời.

Nhưng chúng ta tự hỏi: đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc đời chúng ta, cuộc đời tôi hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố là một phần của cuộc đời, chứ không phải là điều quyết định liên hệ đến toàn thể cuộc đời? Với những bài giáo lý Năm Đức Tin này, chúng ta muốn mở ra một con đường để củng cố hoặc tìm lại niềm vui của đức tin, bằng cách hiểu rằng đức tin không phải là một điều gì xa lạ, tách rời khỏi đời sống cụ thể, nhưng chính là linh hồn của đời sống. Đức tin vào một Thiên Chúa là Tình Yêu, và là Đấng đến gần con người qua việc nhập thể và hiến mình trên Thánh Giá để cứu độ chúng ta và tái mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy một cách rạng ngời rằng sự sung mãn của con người chỉ được tìm thấy trong tình yêu. Ngày nay, cần phải tái xác nhận điều ấy một cách rõ ràng, trong khi những biến đổi văn hóa trong việc làm thường cho thấy biết bao nhiêu hình thức dã man, đang xảy ra dưới chiêu bài “những chinh phục của nền văn minh”: đức tin khẳng định rằng không có sự nhân đạo thật trừ khi ở các nơi, các cử chỉ, thời gian và những hình thức mà ở đó con người được được sinh động hóa bằng tình yêu đến từ Thiên Chúa, được diễn tả như một hồng ân, được biểu lộ bằng những liên hệ đầy bác ái, cảm thương, chú tâm và phục vụ vô vị lợi đối với tha nhân. Nơi nào có sự thống trị, chiếm hữu, lợi dụng, biến người khác thành món hàng để mưu lợi cho sự ích kỷ của mình, nơi nào có sự kiêu căng của cái tôi đóng kín nơi mình, thì con người trở nên nghèo nàn, bị mất phẩm giá và dị hình. Đức tin Kitô giáo hoạt động trong đức ái và mạnh mẽ trong đức cậy (hy vọng), không giới hạn, nhưng nhân bản hóa đời sống, và làm cho nó hoàn toàn nhân loại.

Đức tin nghĩa là đón nhận sứ điệp có sức biến đổi này trong cuộc đời chúng ta, là đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta biết Ngài là ai, Ngài hoạt động ra sao và những kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta là gì. Đương nhiên, mầu nhiệm của Thiên Chúa luôn luôn vượt ra ngoài những quan niệm và lý lẽ, các nghi lễ và kinh nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, với mạc khải, chính Thiên Chúa tự truyền thông cho chúng ta, tự kể cho chúng ta về Ngài và cho chúng ta có thể đến gần Ngài. Và Chúng ta trở nên có khả năng lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chân lý của Ngài. Và đây chính là điều kỳ diệu của đức tin: Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, đã tạo ra nơi chúng ta, nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, những điều kiện thích hợp để chúng ta có thể nhận ra Lời Ngài. Chính Thiên Chúa, trong ý muốn tự tỏ mình ra, tiếp xúc chúng ta, hiện diện trong lịch sử của chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng lắng nghe và đón nhận Ngài. Thánh Phaolô đã diễn tả điều đó với lòng vui mừng biết ơn khi ngài nói: “Chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, bởi khi anh em đã đón nhận Lời Thiên Chúa mà anh em được nghe từ chúng tôi, thì anh em đã đón nhận không phải như lời người ta, nhưng đúng thật là Lời Thiên Chúa; và Lời đó đang hoạt động nơi anh em là những người tin” (1 Ts 2:13).

Thiên Chúa đã tỏ mình ra bằng những lời nói và việc làm trong suốt dòng lịch sử dài của tình bằng hữu với con người, và đạt đến tột đỉnh trong việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và trong Mầu Nhiệm Cái Chết và Phục Sinh của Người. Thiên Chúa không những đã tỏ mình ra trong lịch sử của một dân tộc, không những đã chỉ nói qua các ngôn sứ, nhưng Người đã vượt qua ranh giới của Thiên Đình để vào thế giới của loài người, như một người, để chúng ta có thể gặp gỡ và lắng nghe Người. Và từ Giêrusalem, việc loan báo Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho đến tận cùng trái đất. Hội Thánh, được khai sinh từ cạnh sườn Đức Kitô, trở nên sứ giả của niềm hy vọng mới và chắc chắn: Chúa Giêsu thành Nazareth, chịu đóng đanh và sống lại, Đấng Cứu Thế, đang ngự bên hữu Chúa Cha, và là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết. Đó là lời rao giảng ban đầu, là lời loan báo chính yếu và không ngừng của đức tin. Nhưng ngay từ đầu, đã có vấn đề “qui luật của đức tin”, nghĩa là sự trung thành của các tín hữu với Chân Lý Tin Mừng, là điều mà họ phải tiếp tục trung thành, với chân lý cứu độ về Thiên Chúa và về loài người, được giữ gìn và được truyền lại. Thánh Phaolô viết: “Anh em được cứu độ, nếu anh em giữ [Tin Mừng] dưới hình thức mà tôi đã công bố cho anh em. Nếu không, anh em tin cách vô ích” (1 Cor 15:2).

Nhưng chúng ta tìm thấy công thức thiết yếu của đức tin ở đâu? Chúng ta tìm thấy chân lý được trung thành truyền lại và là ánh sáng cho đời sống hằng ngày của chúng ta ở đâu? Câu trả lời thật đơn giản: trong Credo (Kinh Tin Kính), trong bản Tuyên Xưng Đức Tin, (hay Biểu Tượng Đức Tin), trong đó chúng ta gắn liền với biến cố nguyên thủy của Con Người và lịch sử của Chúa Giêsu thành Nazareth; nó cụ thể hóa điều mà Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã nói với các tín hữu thành Côrinthô: “Vì trước tiên, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi đã cũng nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như Thánh Kinh, đã được mai táng và sống lại trong ngày thứ ba” (1 Cor 15:3).

Ngày nay cũng thế, chúng ta cần phải biết, hiểu và cầu nguyện Kinh Tin Kính một cách tốt hơn. Điều quan trọng đặc biệt có thể nói là về Kinh Tin Kính phải “lại được nhận biết”. Thực ra, nhận biết có thể là một hoạt động thuần túy tri thức, trong khi "tái nhận biết" có nghĩa là sự cần thiết để tái khám phá ra những liên hệ sâu xa giữa những chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bởi vì những chân lý ấy thực sự và cụ thể là, như chúng đã luôn luôn là, ánh sáng soi các bước đi của cuộc đời chúng ta, là nước tưới lên những đoạn đường khô cằn trong cuộc hành trình của chúng ta, là sức sống thắng vượt một số sa mạc của cuộc sống hiện đại. Đời sống luân lý của người Kitô hữu được gắn liền với Kinh Tin Kính, và tìm thấy trong đó nền tảng và lý do biện minh cho nó.

Không phải ngẫu nhiên mà Chân Phước Gioan Phaolô II muốn rằng Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, một tiêu chuẩn vững chắc cho việc giảng dạy đức tin và nguồn tài liệu chắc chắn cho việc canh tân giáo lý, phải đặt trọng tâm vào Kinh Tin Kính. Sách này nhằm xác nhận và bảo vệ điều cốt yếu của các chân lý đức tin, trong khi truyền đạt nó bằng một ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho dân chúng trong thời đại của chúng ta, cho chúng ta. Nhiệm vụ của Hội Thánh là truyền thụ đức tin, thông truyền Tin Mừng, để những chân lý của Kitô giáo trở thành một ánh sáng trong những biến đổi mới về văn hoá, và các Kitô hữu có thể trả lời về niềm hy vọng mà họ đang mang nơi mình (x. 1 Pr 3:14). Hôm nay chúng ta đang sống trong một xã hội thay đổi sâu xa, ngay cả so với một quá khứ gần đây, và liên tục biến hóa. Tiến trình tục hóa và sự lan tràn của một não trạng hư vô, trong đó tất cả mọi sự đều là tương đối, có một tác động mạnh mẽ đến tâm lý chung. Vì vậy, đời sống thường bị sống một cách lơ là, không có lý tưởng rõ ràng và hy vọng chắc chắn, trong các liên hệ xã hội và gia đình lỏng lẻo và tạm thời. Đặc biệt là những thế hệ trẻ không được giáo dục về việc tìm kiếm chân lý và ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, là điều vượt trên những gì bất ngờ, về sự ổn định của những tình cảm, về lòng tin tưởng. Ngược lại, chủ thuyết tương đối dẫn họ đến chỗ không có những điểm quy chiếu vững chắc, sự nghi ngờ và thiếu kiên định tạo ra những đổ vỡ trong những liên hệ giữa con người, trong khi cuộc sống được sống trong những kinh nghiệm ngắn ngủi và vô trách nhiệm. Nếu chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối dường như thống trị tâm trí của nhiều người đương thời, chúng ta không thể nói rằng các tín hữu vẫn hoàn toàn không bị lây nhiễm bởi những nguy hiểm mà chúng ta đang phải đương đầu trong việc truyền đạt đức tin. Cuộc điều nghiên được đẩy mạnh ở tất cả các châu lục để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, đã cho thấy rõ một số điều: một đức tin được sống một cách thụ động và riêng tư, việc chối từ giáo dục đức tin, sự cách biệt giữa đời sống và đức tin.

Các Kitô hữu thường không biết cốt lõi chính của đức tin Công Giáo của họ, về Kinh Tin Kính, đến nỗi để dành chỗ cho một chủ nghĩa pha trộn và tương đối về tôn giáo, mà không có sự rõ ràng về những chân lý cần phải tin, và đặc tính cứu độ độc đáo của Kitô giáo. Theo trào lưu ngày nay, có nguy cơ xây dựng một tôn giáo, có thể nói là "tự pha chế". Ngược lại, chúng ta phải trở về với Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải tái khám phá ra sứ điệp của Tin Mừng, để đưa nó vào sâu hơn trong tâm trí của chúng ta và trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Trong các bài giáo lý về Năm Đức Tin này, tôi muốn cung cấp cho anh chị em một sự trợ giúp để đi trọn cuộc hành trình này, để hiểu rõ và đào sâu những chân lý của đức tin về Thiên Chúa, về con người, về Hội Thánh, về tất cả các thực thể xã hội và vũ trụ, trong khi suy niệm và suy nghĩ về những điều xác định của Kinh Tin Kính. Và tôi mong ước rằng nó làm sáng tỏ rằng nội dung hay chân lý của đức tin (fides quae) có liên hệ trực tiếp đến cuộc đời chúng ta. Chúng đòi buộc chúng ta phải hoán cải đời sống, là điều mang đến cho cuộc đời một cách tin vào Thiên Chúa (fides qua) mới mẻ. Hãy biết Thiên Chúa, hãy gặp gỡ Ngài, hãy đào sâu những nét (đặc tính) của dung nhan Ngài đang làm cho cuộc sống của chúng ta hoạt động, bởi vì Ngài đi vào những động lực thầm kín của con người.

Chớ gì cuộc hành trình mà tất cả chúng ta sẽ thực hiện năm nay giúp chúng ta lớn lên trong đức tin và trong tình yêu của Đức Kitô, để chúng ta có thể học sống, trong những lựa chọn và hành động hàng ngày của chúng ta, cuộc sống tốt lành và xinh đẹp của Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em.

Dịch giả: Phaolô Phạm Xuân Khôi