Vinc. Vũ Văn An
LTS: Theo CNN, trong Thánh lễ Bế Mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ VIII do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, vào lúc hơn 03 giờ chiều giờ địa phương, tại công viên Benjamin Franklin ở thành phố Philadelphia, bang Pensylvania, Hoa Kỳ, có ít nhất khoảng hơn 1 triệu tín hữu tham dự. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có rất nhiều Giám mục, trong đó hơn 300 vị đến từ nước ngoài và hàng ngàn linh mục quốc tế. Số tín hữu Việt Nam chiếm 10% những người có đăng ký tham dự Đại Hội, nên bài đọc thứ hai trong thánh lễ được xướng lên bằng tiếng Việt. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn những người tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới và toàn thể thế giới Công Giáo hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 sắp tới, bàn về gia đình. Sau đây là nguyên văn lời ngài:
***
***
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, lời Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với những hình ảnh mạnh mẽ và gợi suy nghĩ. Những hình ảnh thách thức chúng ta, nhưng cũng làm ta phấn khởi.
Trong bài đọc thứ nhất, Giosuê nói với Môsê rằng, hai thành viên trong dân đang nói tiên tri, đang nói lời Thiên Chúa, mà chẳng có “bài sai” nào cả. Trong Tin Mừng, Thánh Gioan nói với Chúa Giêsu rằng, các môn đệ đã ngăn cản một ai đó trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu. Và sự ngạc nhiên là ở chỗ này: Cả ông Môsê lẫn Chúa Giêsu đều trách những người gần gũi nhất của các Ngài là quá hẹp hòi! Há mọi người không đáng là tiên tri của lời Chúa đó sao? Há mọi người lại không thể làm phép lạ nhân danh Thiên Chúa đó sao?
Chúa Giêsu từng gặp thù nghịch từ những người không chấp nhận việc Người nói và làm. Đối với họ, việc Người cởi mở đối với đức tin trung thực và thành thực của những người nam nữ không phải là thành phần của Dân Chúa chọn xem ra là điều không thể dung thứ. Về phần các môn đệ, các ngài hành động cách thiện ý. Nhưng cơn cám dỗ bị chướng tai gai mắt bởi sự tự do của Thiên Chúa, Đấng đổ mưa lên cả người công chính lẫn người bất chính (x. Mt 5,45), bỏ cả thủ tục bàn giấy, cửa quyền và phe phái, luôn đe dọa tính chân chính của đức tin. Thành thử phải bị cực lực bác bỏ.
Một khi đã hiểu ra điều trên, ta sẽ hiểu tại sao lời Chúa Giêsu nói về “chướng tai gai mắt”, “tai tiếng”, lại gay gắt như thế. Với Chúa Giêsu, tai tiếng thực sự “không thể dung thứ” hệ tại ở mọi điều bẻ gẫy và hủy diệt niềm tin tưởng của chúng ta vào việc làm của Chúa Thánh Thần.
Cha của chúng ta sẽ không bị ai qua mặt về lòng đại lượng và Người tiếp tục gieo vãi hạt giống. Người gieo vãi hạt giống hiện diện của Người trong thế giới, vì “tình yêu hệ ở điều này: không phải chúng ta yêu Chúa mà là Chúa yêu ta” trước nhất (x. 1Ga 4,10). Hệ tại ở việc tình yêu ban cho ta sự chắc chắn sâu xa này: Thiên Chúa tìm kiếm ta; Người chờ đợi ta. Chính sự tin tưởng này làm cho các môn đệ được khuyến khích, hỗ trợ và nuôi dưỡng các điều tốt đang xảy ra quanh họ. Thiên Chúa muốn mọi con cái của Người dự phần vào bàn tiệc Tin Mừng. Chúa Giêsu nói: “Đừng giam giữ bất cứ điều tốt nào, nhưng hãy giúp nó tăng trưởng”. Nêu nghi ngại đối với việc làm của Chúa Thánh Thần, cho người ta cảm tưởng việc làm này không hiện diện nơi những người “không thuộc nhóm mình”, không “giống mình”, là một cám dỗ nguy hiểm; Vì không những nó ngăn cản việc trở về với đức tin, mà nó còn hủ hóa cả đức tin nữa.
Đức tin mở “cánh cửa sổ” cho ta thấy sự hiện diện và việc làm của Chúa Thánh Thần. Nó chỉ cho ta thấy: giống như hạnh phúc, thánh thiện luôn được liên kết với những cử chỉ nhỏ bé. “Bất cứ ai cho các con một ly nước nhân danh Thầy cũng sẽ được tưởng thưởng hậu hĩnh!”, Chúa Giêsu đã nói như thế (x. Mc 9,41). Các cử chỉ nhỏ bé này là những cử chỉ chúng ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng mất hút giữa mọi điều khác chúng ta làm, nhưng chúng làm cho mỗi ngày đều ra khác. Chúng là những điều âm thầm được mẹ, được bà, được cha, được ông, được con cái thực hiện. Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của dịu hiền, âu yếm và cảm thương. Như bữa tối đầm ấm ta trông mong lúc đêm khuya, bữa trưa sớm đợi một ai đó dậy sớm đi làm. Những cử chỉ chất phác như: chúc lành trước khi chúng ta đi ngủ, hoặc ôm hôn sau khi đi làm về nhà,… Tình yêu được biểu lộ bởi những điều nhỏ bé, bởi việc lưu ý tới những dấu hiệu nhỏ bé hàng ngày làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái như ở trong nhà. Đức tin tăng trưởng khi nó được đem ra sống và được tình yêu lên khuôn. Đó là lý do tại sao các gia đình, các mái ấm của chúng ta là các Giáo Hội tại gia thực sự. Chính mái ấm gia đình là nơi thích đáng để đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng giam giữ những phép lạ nhỏ bé trên. Thay vào đó, Người muốn chúng ta khích lệ chúng, gieo vãi chúng. Người yêu cầu chúng ta đi vào đời sống, đời sống hàng ngày của chúng ta, để khuyến khích mọi dấu hiệu nhỏ bé đó của tình yêu, coi chúng như các dấu hiệu chỉ sự hiện diện sống động và tích cực của Người trong thế giới.
Do đó, chúng ta có thể tự hỏi mình: Ta cố gắng sống cách này thế nào trong nhà, trong xã hội ta? Ta muốn để lại cho con cháu ta loại thế giới nào?.[1] Chúng ta không thể một mình, tự chúng ta, trả lời được câu hỏi này. Chính Thần Khí thách thức chúng ta trả lời trong tư cách là thành phần của gia đình nhân loại vĩ đại. Căn nhà chung của chúng ta không thể dung thứ cho các chia rẽ vô sinh. Thách thức khẩn thiết phải bảo vệ căn nhà của chúng ta, bao gồm việc cố gắng đem toàn thể gia đình nhân loại lại với nhau để theo đuổi một cuộc phát triển lâu bền và toàn diện, vì ta biết rằng sự vật có thể thay đổi.[2] Ước chi con cháu của chúng ta tìm được nơi mỗi người trong chúng ta các khuôn mẫu và sáng kiến hiệp thông! Ước chi con cháu chúng ta tìm được nơi chúng ta những con người nam nữ có khả năng nối kết với người khác trong việc đem mọi hạt giống mà Chúa Cha đã gieo vãi tới chỗ đâm hoa kết trái trọn vẹn!
Một cách dằn giọng nhưng vẫn âu yếm, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Nếu các con, những kẻ xấu xa, mà còn biết ban quà tốt cho con cái các con, thì Cha trên trời còn ban nhiều Thần Khí biết bao cho những kẻ cầu xin Người!” (Lc 11,13). Những lời này chứa đựng biết bao khôn ngoan! Quả thật, nói về sự tốt lành và trong sạch của trái tim, những con người nhân bản chúng ta chẳng có bao nhiêu để chứng tỏ! Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, đối với con cái, chúng ta có khả năng đại lượng vô hạn. Nên Người làm ta an lòng: chỉ cần ta có đức tin, Chúa Cha sẽ ban cho ta Thần Khí của Người.
Các Kitô hữu chúng ta, các môn đệ của Chúa, yêu cầu các gia đình thế giới giúp đỡ chúng ta! Biết bao người trong chúng ta đang có mặt ở đây, trong việc cử hành này! Điều này tự nó đã là một điều có tính tiên tri, một thứ phép lạ trên thế giới ngày nay. Đó không phải là tất cả chúng ta đều là tiên tri sao? Đó không phải là tất cả chúng ta đều cởi mở đối với các phép lạ tình yêu vì ích lợi của mọi gia đình thế giới, và nhờ đó, thắng vượt được tai tiếng của thứ tình yêu hẹp hòi, nhỏ mọn, tự đóng kín vào chính mình, thiếu kiên nhẫn đối với người khác sao?
Và sẽ đẹp đẽ xiết bao nếu ở khắp nơi, ngay ở phía bên kia các biên giới của mình, chúng ta biết đánh giá cao và khuyến khích thứ tiên tri và thứ phép lạ này! Chúng ta canh tân đức tin của mình vào lời Chúa, lời mời gọi các gia đình tín trung tiến tới sự cởi mở này. Lời này mời gọi tất cả những ai muốn chia sẻ tính tiên tri của giao ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một giao ước vừa sản sinh sự sống vừa biểu lộ chính Thiên Chúa.
Bất cứ ai muốn đem vào thế giới này một gia đình chịu dạy dỗ con cái biết hứng khởi trước mọi cử chỉ nhằm khuất phục sự ác, một gia đình chịu chứng tỏ điều này: Thần Khí đang sống động và đang làm việc, sẽ được chúng ta cám ơn và đánh giá cao. Bất kể họ thuộc gia đình nào, dân tộc nào, vùng nào hay tôn giáo nào!
Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta, các môn đệ Người, ơn xứng đáng có được sự trinh trong trong tâm hồn này, một sự trinh trong không bị chướng tai gai mắt bởi Tin Mừng! A-men.
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Sí, 2015, số 160
[2] Ibid., số 13