LTS: Sáng thứ bảy 26 tháng 9, 2015, lúc 7 giờ 30, ĐTC đã rời New York tới Philadelphia. Từ phi trường Philadephia, ĐTC đi xe tới Nhà thờ Chính tòa Tổng Giáo Phận Philadephia chủ sự thánh lễ với các Giám Mục và linh mục, với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ Phialadelphia và toàn bang Pensylvania. Nhà thờ Chính tòa kính hai Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, được xây năm 1846, theo mẫu nhà thờ thánh Carlo ở Roma, có 1500 chỗ ngồi. Philadephia là thành phố đông dân hàng thứ 5 của Hoa Kỳ và là thành phố quan trọng nhất của tiểu bang Pensylvania. Tại đây, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, rồi Hiến Pháp Quốc Gia năm 1787. Tổng Giáo Phận Philadephia được thành lập năm 1808 có 1,5 triệu tín hữu trên tổng số hơn 4 triệu dân cư. Giáo phận có 235 giáo xứ, 18 cứ điểm truyền giáo, 564 linh mục giáo phận, 344 linh mục dòng, 447 tu huynh, 2.543 nũ tu, 281 phó tễ vĩnh viễn, 49 đại chủng sinh. Tổng Giáo phận coi sóc điều khiển 329 cơ sở giáo dục và 58 trung tâm bác ái.
***
***
Anh chị em thân mến,
Sáng nay, tôi học được một điều liên quan tới lịch sử Ngôi Nhà Thờ Chính Tòa này: một lịch sử đàng sau những bức tường cao và các cửa sổ của nó. Tuy nhiên, tôi dám nói rằng lịch sử Giáo Hội tại thành phố này và tại tiểu bang Pensylvania này thực sự là một lịch sử, không phải chỉ về việc xây dựng các bức tường mà còn cả về việc hạ chúng xuống nữa. Đó là một lịch sử các thế hệ những người Công Giáo dấn thân nối tiếp nhau, những người đi tới các vùng ngoại vi để xây dựng các cộng đồng thờ phượng, giáo dục, bác ái và phục vụ xã hội nói chung.
Lịch sử này thấy rõ trong nhiều đền thờ của thành phố này, và trong nhiều nhà thờ giáo xứ; những tòa tháp cao và tháp chuông của chúng làm bằng chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng các cộng đồng của ta. Lịch sử này thấy rõ nơi các cố gắng của mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân này; những người, với lòng tận tụy, suốt hơn hai thế kỷ qua, đã chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho người nghèo, di dân, người bệnh và tù nhân. Và lịch sử này thấy rõ nơi hàng trăm trường học nơi các tu sĩ nam nữ dạy trẻ em tập đọc, tập viết, tập yêu mến và công bố Thiên Chúa, cũng như góp phần, trong tư cách các công dân tốt, vào đời sống xã hội Hoa Kỳ. Tất cả các điều này là một di sản lớn lao mà anh chị em đã tiếp nhận được, và anh chị em đã được kêu gọi phong phú hóa và lưu truyền.
Phần lớn những người trong anh chị em đều biết hạnh Thánh Nữ Catherine Drexel, một trong các vị thánh vĩ đại của Giáo Hội địa phương ở đây. Khi ngài trình bầy nhu cầu các xứ truyền giáo lên Đức Giáo Hoàng Léon XIII, vị Giáo Hoàng, vốn rất khôn ngoan này, hỏi ngài: "Còn con, con sẽ làm gì?". Những lời này đã thay đổi cuộc đời Thánh Catherine, vì chúng nhắc nhở ngài rằng dù sao, mỗi Kitô hữu nam hay nữ, vì Phép Rửa, đều đã tiếp nhận một sứ vụ truyền giáo. Mỗi người chúng ta đều phải hết lòng đáp lại lời kêu gọi của Chúa Kitô để xây dựng Nhiệm Thể Người là Giáo Hội.
‘‘Còn con?’’. Tôi muốn dừng lại ở hai khía cạnh của những chữ này trong ngữ cảnh sứ vụ đặc biệt của chúng ta là “thông truyền niềm vui Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội”, bất luận chúng ta là linh mục, phó tế hay thành viên nam nữ của các viện sống thánh hiến.
Trước nhất, những chữ "Còn con?" đã được ngỏ với một người trẻ, một thiếu nữ với những lý tưởng cao đẹp, và chúng đã thay đổi đời sống cô. Chúng đã làm cô nghĩ tới trách vụ lớn lao cần phải chu toàn, và chúng đã dẫn cô tới chỗ hiểu ra rằng, cô được kêu gọi dự phần vào đó. Ước chi người trẻ trong các giáo xứ của chúng ta, trong các học đường của chúng ta cũng có cùng những lý tưởng cao đẹp như thế, cùng một lòng quảng đại trong tinh thần và cùng một tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo Hội như thế! Tôi xin đặt cho anh chị em một câu hỏi: Chúng ta có nên phát động thách đố này với họ không? Chúng ta có dành cho họ một chỗ đứng và giúp họ chu toàn sứ vụ của họ không? Chúng ta có tìm cách để họ có thể chia sẻ niềm hứng khởi của họ và các ơn phúc của họ với các cộng đồng của chúng ta, nhất là qua các công trình bác ái và chăm sóc người khác? Chúng ta có chia sẻ niềm vui và niềm hứng khởi phục vụ Chúa của chúng ta không?
Một trong các thách đố lớn lao nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu vào lúc này, là khuyến khích mọi tín hữu có được “cảm thức trách nhiệm bản thân đối với sứ mệnh của Giáo Hội, và chuẩn bị để họ có thể đảm nhiệm trách nhiệm này trong tư cách môn đệ truyền giáo, trong tư cách men Tin Mừng trong thế giới ngày nay”. Điều này đòi phải có tính sáng tạo để thích ứng với các thay đổi của hoàn cảnh, trong khi thông truyền di sản quá khứ không những bằng cách duy trì các cơ cấu và các định chế, là những điều vốn hữu ích, mà “trước hết còn bằng cách mở lòng mình ra đón nhận những khả thể được Chúa Thánh Thần mạc khải cho ta và bằng cách thông truyền niềm vui Tin Mừng, hết ngày này qua ngày nọ và trong mọi giai đoạn đời ta”.
‘‘Còn con?’’. Quả là tuyệt diệu khi những chữ của vị Giáo Hoàng già nua này được ngỏ với một nữ tín hữu giáo dân. Chúng ta biết rằng tương lai của Giáo Hội, trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng, từ nay hằng đòi nơi người giáo dân một sự dấn thân tích cực hơn. Giáo Hội tại Hiệp Chúng Quốc đã luôn dành một cố gắng hết sức lớn lao cho việc dạy giáo lý và việc giáo dục. Ngày nay, thách đố của chúng ta là “xây dựng trên các nền tảng vững chắc này, và khuyến khích cảm thức hợp tác và trách nhiệm chung vào việc lên kế hoạch cho tương lai các giáo xứ và các định chế của chúng ta”. Điều này không có nghĩa từ khước thẩm quyền thiêng liêng mà chúng ta vốn được trao phó; nhưng đúng hơn, điều này có nghĩa biện phân và sử dụng cách khôn ngoan các ân sủng đa dạng mà Chúa Thánh Thần vốn ban phát trên Giáo Hội. Cách đặc biệt, điều này có nghĩa biết đánh giá sự đóng góp lớn lao mà các phụ nữ, cả giáo dân lẫn tu sĩ, đã mang vào và tiếp tục mang vào đời sống các cộng đồng chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Tôi cám ơn anh chị em vì cung cách mỗi anh chị em dùng để đáp lại câu hỏi của Chúa Giêsu, Đấng đã linh hứng cho ơn gọi của chúng ta: "Còn con?". Và tôi khuyến khích anh chị em đổi mới niềm vui, niềm thán phục trước cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu này và rút ra được từ niềm vui này lòng trung thành và nghị lực đổi mới. Tôi nóng lòng chờ được hiện diện với anh chị em trong những ngày sắp tới, và tôi xin anh chị em mang những lời chào âu yếm của tôi đến những ai không thể hiện diện với chúng ta, nhất là đến các linh mục, tu sĩ nam nữ cao niên, đang tham dự với chúng ta cách thiêng liêng.
Trong những ngày “Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới” này, tôi xin anh chị em, cách riêng, suy niệm về thừa tác vụ của chúng ta cạnh các gia đình, cạnh những đôi bạn nam nữ đang chuẩn bị hôn nhân và cạnh những người trẻ. Tôi biết rằng trong các Giáo Hội đặc thù, nhiều người đã sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của gia đình và nâng đỡ họ trên đường đức tin. Tôi xin anh chị em sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình và cho các buổi bàn luận tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới.
Với lòng biết ơn đối với tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh, và với niềm tin tưởng vững chắc trước tất cả các nhu cầu của chúng ta, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Mẹ rất thánh của chúng ta. Với tình yêu Mẫu - Tử, ước chi Ngài bầu cử cho Giáo Hội Mỹ Châu, để Giáo Hội này tiếp tục lớn mạnh trong việc làm chứng đầy tiên tri cho quyền năng đem lại niềm tin, niềm trông cậy và sức mạnh cho thế giới chúng ta, mà Người Con của Ngài vốn có trên thập giá. Tôi cầu nguyện cho mỗi người trong anh chị em, và tôi xin anh chị em, vâng! xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi. A-men.
Vinc. Vũ Văn An chuyển ngữ