Saturday, 04 April 2020 15:14

Lối Nhìn Và Những Đóng Góp Của Nhà Thần Học Yves Congar Trong Công Đồng Vaticano II Featured

Vũ Văn An

Yves Marie Joseph Congar

Yves Congar là một linh mục Dòng Đa Minh, được coi như một trong các thần học gia sáng chói nhất của Công Giáo trong thế kỷ 20. Nổi tiếng vì các công trình về Giáo Hội học, ngài dựa vào các nguồn Thánh Kinh, giáo phụ và Trung Cổ để lên sức sống lại cho ngành học này. Vốn là người cổ vũ rất sớm phong trào đại kết, ngài gây ảnh hưởng lớn đối với Vatican II.

Congar sinh tại Sedan, đông bắc nước Pháp, năm 1904. Lúc lên 10, Đức xâm lăng Pháp, ngay lúc khởi đầu Thế Chiến I. Kinh nghiệm này được Congar, dù chỉ là một cậu bé, ghi lại và sau này xuất bản thành sách. Từ năm 1919 tới năm 1921, ngài học tại tiểu chủng viện Reims, sau đó, theo học tại Đại Học Công Giáo Paris trong các năm 1921-1924. Sau một năm quân dịch, ngài gia nhập Dòng Đa Minh năm 1925 và thụ phong linh mục ngày 25 tháng Bẩy, 1930. Sau đó, ngài sống và làm việc tại Saulchoir, cơ sở học tập nổi tiếng của Dòng Đa Minh tại Pháp. Thần học của Thánh Tôma Aquinô ảnh hưởng mạnh và lâu dài trên tư duy của Cha Congar. Ngài cũng chịu ảnh hưởng lớn của nhà thần học Đa Minh nổi iếng lúc ấy là Marie-Dominique Chenu (1895–1990). Năm 1932, Congar bắt đầu dạy Giáo Hội học tại Saulchoir. Một loạt diễn văn sau đó tại hội nghị Hợp Nhất Kitô Giáo tại Paris đã hình thành ra tác phẩm Chrétiens désunis: principes d’un “oecuménisme” catholique (1937). Tác phẩm này khiến Rôma bắt đầu nghi ngờ ngài. Năm 1937, Congar thành lập Unam Sanctam, một bộ sách nhằm làm sống lại các chủ đề bị lãng quên trong Giáo Hội học Công Giáo. Bộ này xuất bản hơn 77 cuốn. Ngoài ra, ngài còn viết rất nhiều bài cho các tạp chí, cả bác học lẫn bình dân, con số bài lên tới 1,800...

Nghi ngờ của Rôma đối với ngài mỗi ngày một tăng. Từ năm 1947 tới năm 1956, các trước tác của ngài thường bị kiểm duyệt. Năm 1954, ngài bị cấm không được giảng dạy và buộc phải rời Pháp, vì một bài báo bênh vực các linh mục thợ thuyền. Trước nhất, ngài được chỉ định tới Trường Thánh Kinh tại Giêrusalem, sau đó, được triệu về Rôma, rồi qua các cơ sở Đa Minh tại Cambridge, Anh... Dù thế, ngài vẫn tiếp tục viết và cho xuất bản nhiều tác phẩm gây ảnh hưởng thời hậu chiến, trong đó có các cuốn Vraie et fausse réforme dans l’église (1950; Canh Tân Chân Thực Và Canh Tân Sai Lạc trong Giáo), Jalons pour une théologie laïcat (1953; Giáo Dân Trong Giáo Hội), La Tradition et les traditions (1960–63; Truyền Thống và Các Truyền Thống), Neuf cent ans après: notes sur le “Schisme oriental” (1954; Sau Chín Trăm Năm: Hậu Cảnh Của Cuộc Ly Giáo Giữa Các Giáo Hội Đông và Tây), và Esquisses du mystère de l’église (1941; Mầu Nhiệm Giáo Hội).

Năm 1960, cuộc lưu đày của Cha Congar chấm dứt khi Đức Gioan XXIII mời ngài phục vụ tại ủy ban thần học của Công Đồng Vatican II. Ngài là thành viên của nhiều ủy ban khác nhau nhằm soạn thảo các văn kiện của Công Đồng và kinh nghiệm này được ngài ghi lại chi tiết trong một nhật ký. Nhật ký này viết về khoảng thời gian từ giữa năm 1960 tới tháng Mười Hai năm 1965. Ngài quyết định chỉ cho công bố cuốn nhật ký này vào năm 2000. Quả thế, cuốn Journal d’un theologien 1946–1956 bằng tiếng Pháp đã được xuất bản năm 2002; bản dịch tiếng Anh My Journal of the Council được xuất bản năm 2012.

Sau Công Đồng, ngài vẫn tiếp tục trước tác, nhưng tập chú vào Chúa Thánh Thần nhiều hơn. Ngài cũng là thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế từ 1969 tới 1985. Tháng Mười Một năm 1994, ngài được Đức Gioan Phaolô II thăng Hồng Y và chưa đầy một năm sau, ngài qua đời ngày 22 tháng Sáu, 1995.


Tại Công Đồng Vatican II


Theo Joseph A. Komonchak, người cổ vũ ấn bản tiếng Anh cuốn nhật ký nói trên, khi xem sét các dự thảo văn kiện của Công Đồng, cha Congar nhận xét rằng chúng thích hợp với thế giới của Vatican I, chứ không phải thế giới của Vatican II. Ngài bèn đệ trình một bản phê bình dài 16 trang và đưa ra một số đề nghị liên quan tới nghị trình của Công Đồng. Tuy nhiên, trong hai năm chuẩn bị Công Đồng, các cố gắng của ngài ít có hiệu quả. Xem ra, các văn kiện dự thảo nhằm liệt kê và lên án các sai lầm của thế giới hiện đại nhiều hơn; và nếu có đề cập tới đại kết, thì đại kết ấy phải theo chiều hướng trở về với Giáo Hội Mẹ.

Rất may, Đức Gioan XXIII đã xoay chuyển tình thế với một viễn kiến sâu rộng hơn về Giáo Hội. Ngài đã ghi đại kết vào danh sách các mục tiêu của Vatican II. Ba mươi bẩy đại biểu các hiệp thông khác của Kitô Giáo đã tới Rôma làm quan sát viên trong ngày khai mạc 11 tháng Mười, 1962. Cha Congar ghi lại “Nước mắt tôi dàn dụa khi gặp các quan sát viên lần đầu tiên, ngay tại đây!”.

Đã đành diễn văn khai mạc của Đức Gioan XXIII không làm hài lòng mọi quan sát viên vì nó không nói điều gì đáng kể trên bình diện thần học hay lịch sử. “Nhưng điều đó không quan trọng. (Điều quan trọng là) Ngài là một Kitô hữu thân thiện, rất đơn giản. Dù sao, thì sự kiện vĩ đại vẫn là đã có bài diễn văn, đã có các quan sát viên, Đức Giáo Hoàng đã tiếp đón họ, đã có công đồng. Những sự kiện ấy có trọng lượng riêng của chúng, và thế là đủ rồi. Ai tin được rằng tất cả những vụ việc này lại xẩy ra lúc tôi chưa 60 tuổi?”

Cùng với đà diễn tiến của khóa một (11/10/1962 – ơ/12/1962), sự hiện diện của các quan sát viên đã trở nên một trong các yếu tố chính của trải nghiệm công đồng. Họ chứng kiến các cuộc tranh luận đem lại hứa hẹn cho đối thoại tương lai. Như lời một quan sát viên: “Giáo Hội Công Giáo đang giặt đồ dơ trước mặt các nhân chứng”. Cha Congar nhìn nhận “Sẽ còn cần nhiều thế hệ nữa mới nuôi dưỡng được hạt giống hiểu biết đã được gieo một cách lạ lùng. Đối thoại đại kết chỉ mới bắt đầu”.


Tuy nhiên, ai cũng phải nhìn nhận sự khởi đầu đầy kỳ diệu này: phép lạ Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, việc tham dự của các quan sát viên, và dấn thân đại kết nơi đại đa số các giám mục. Cha Congar cho rằng “Giáo Hội Công Giáo trở về với đại kết trong tích tắc, quả là việc phi thường”

Rồi khoá hai diễn ra (29 tháng 9 tới 4 tháng 12, 1963). Công đồng bắt đầu thảo luận sơ đồ về đại kết. Cha Congar ghi trong nhật ký: “một ngày lịch sử, một thời điểm hồng ân”. Ngài cùng ngồi với các quan sát viên trong Thánh Lễ khai mạc “để hiệp thông cầu nguyện với họ. Họ cảm nhận được điều đó. Quả là giây phút tuyệt vời đối với tôi”. Một tuần lễ sau, ngài được tin xé ruột: thân mẫu qua đời. Ngài nhìn biến cố này bằng con mắt thật huyền nhiệm “nếu một lịch sử huyền nhiệm về công đồng được viết ra, thì mẹ tôi sẽ có phần lớn lao trong đó. Suốt trong những năm đau đớn, mẹ không bao giờ ngừng cầu nguyện cho công đồng, cho việc làm của tôi. Công đồng đã diễn tiến nhờ việc dâng hiến của nhiều lời cầu nguyện và đau đớn. Nhưng ai biết được, ai là người viết lên lịch sử này?... Sức khỏe đang xuống dốc của tôi, sự cạn kiệt toàn diện đang đồng hành với tôi trong hai tháng qua, há những điều này không đang góp phần vào lịch sử vô hình và huyền niệm của công đồng đó sao? Tôi tin mạnh mẽ vào lời lẽ Tin Mừng: ‘Ai mất sẽ được’. Tôi tin mạnh mẽ vào lời Thánh Phaolô: ‘khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh’”.

Rồi khóa ba (14 tháng 9 tớí tháng 11, 1964) được chứng kiến hai trong số các văn kiện rất thân thiết với Cha Congar tiến tới chỗ gần được chấp thuận. Nhưng một vài biến cố vào những ngày chót đã đe dọa tiến trình và thành tựu của đại kết. Trong sự lo lắng của các quan sát viên và của Văn Phòng Hợp Nhất Kitô Giáo, Cha Congar ghi nhận “một tâm tư sâu sắc đối với một số phận có tính cộng đồng nào đó. Há đại kết đã không khởi đầu khi ta ý thức được rằng ta đang có một điều gì đó cần làm, và do đó, một điều gì để được hay mất, với nhau đó ư?”. Ngài trách mình chưa cầu nguyện đủ: “Tôi không tiến hành cuộc chiến đủ trên bình diện tâm linh”.

Cha Congar chưa bao giờ ưa thích những điều “hoành tráng” trong các lễ nghi Rôma và tìm đủ cách để xa tránh chúng; nhưng ngài đã tham dự lễ công bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội và Sắc Lệnh về Đại Kết. Do “những nguyên cớ mầu nhiệm”, ngài tới Nhà Thờ Thánh Phêrô hôm đó “để dự phần vào ơn thánh và dự phần vào biến cố công đồng ở giây phút quyết định nhất của nó... Tôi muốn được dự phần vào chóp đỉnh sau khi đã dự phần vào đáy vực, được chia sẻ vinh quang, sau khi đã chia sẻ mồ hôi và nước mắt”.


Công đồng kết thúc với khóa bốn (14 tháng 9 tới 8 tháng 12, 1965). Gần ngày kết thúc, Cha Congar dự buổi phụng vụ đại kết chưa từng có về Lời Chúa tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Một người Thệ Phản, một người Công Giáo và một người Chính Thống thay phiên nhau đọc Sách Thánh; Đức Phaolô VI hướng dẫn lời cầu nguyện chung. Ngài nói với các quan sát viên rằng công đồng học hỏi được nhiều từ họ, hưởng nhiều ơn ích từ sự hiện diện của họ, cả trong việc soạn thảo các bản văn nữa. Ngài nói: “Chúng ta tới đây để biết nhau nhiều hơn một chút. Chúng ta đã bắt đầu yêu thương nhau trở lại”.

Rời buổi lễ, cha Congar đến qùy trước mộ Thánh Phaolô. Ngài ghi lại: “Tôi thưa với ngài. Tôi nói với ngài về Luther, người từng muốn tái khẳng định ‘Tin Mừng’ mà Thánh Nhân từng chiến đấu cho. Tôi xin ngài, tôi gần như nói với ngài rằng ngài có nghĩa vụ... phải can thiệp vào giai đoạn mới này, phải hướng dẫn Đức Giáo Hoàng và mọi người chúng tôi”.

Ba ngày sau lại có một nghi lễ đáng nhớ nữa. Ngày 7 tháng 12, có buổi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Constantinople, Athenagoras I, cùng tuyên bố hủy bỏ các án tuyệt thông lẫn nhau từng phân rẽ Đông Tây trong thế kỷ 11. Cha Congar ghi lại “Sau 9 trăm năm! Tôi cảm nhận được giây phút lịch sử... Quả là một lật ngược lịch sử đáng ghi! Bản văn được đọc lên hồi 10 giờ 20; niên biểu 1054 bắt đầu mờ đi trên màn ảnh!”

Cùng ngày đó, một số văn kiện có sự cộng tác của cha Congar được chấp thuận với đa số phiếu áp đảo. Lúc rời Nhà Thờ Thánh Phêrô, một số giám mục tới khen ngợi và cám ơn ngài. Ngày đó, ngài ghi lại như sau: “Nhìn sự việc một cách khách quan, tôi quả đã làm khá nhiều trong việc chuẩn bị công đồng, trong việc đưa ra và quảng bá các ý tưởng được công đồng thánh hiến. Ngay tại công đồng, tôi cũng đã làm khá nhiều việc... tôi đã trồi lên từ một thời kỳ lâu dài bị nghi ngờ và đầy khó khăn”.

Ngài liệt kê một số các đoạn do ngài chịu trách nhiệm phần lớn; chúng là các đoạn trong các hiến chế tín lý về Giáo Hội và mạc khải; trong hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay; trong các sắc lệnh về đại kết, về truyền giáo, và về thừa tác vụ và đời sống linh mục; trong các tuyên ngôn về tự do tôn giáo và các tôn giáo ngoài Kitô Giáo. “Đến nỗi, buổi sáng nay, điều được đọc lên phần lớn do tôi viết ra”. Nhưng ngay lập tức, ngài trích dẫn lời trong Tin Mừng: “Servi inutiles sumus. Chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng”. Ngài có ý nhắc tới lời kết thúc một trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu “Khi đã làm xong mọi điều được truyền cho các con, các con hãy nói: ‘chúng tôi là những đầy tớ vô dụng’ vì đã chỉ làm điều vốn là nhiệm vụ chúng tôi phải làm”.

Cảm nhận trên quả đã tóm lược được linh đạo của Cha Congar. Ngài viết: “Tôi đã sống trọn đời tôi theo đường lối và tinh thần của Thánh Gioan Tẩy Giả, người bạn của Chú Rể. Tôi luôn luôn nghĩ rằng ta không bao giờ nên chộp giựt bất cứ điều gì, nhưng nên vui với những gì mình đã cho đi. Đối với mọi người, đó là ‘logike latrei’, sự hy sinh thiêng liêng của họ, cách nên thánh của họ. Bởi thế, tôi đã sử dụng những gì tôi được ban cho; tôi luôn cố gắng làm tốt điều tôi được yêu cầu làm”. Khi một số giám mục cho ngài hay tin đồn ngài có thể được phong Hồng Y, ngài viết: “tôi không bao giờ tìm kiếm bất cứ điều gì khác hơn là đặt tôi bất cứ nơi nào Chúa muốn tôi phục vụ Người”. Và ngài nhận làm của riêng khẩu hiệu của Đức Gioan XXIII: “vâng lời và bằng an”.

Về các đóng góp đối với Vatican II, ngài cho biết “Thiên Chúa đã làm tôi nên trọn. Người đã ban cho tôi dư thừa phúc lộc, vô cùng nhiều hơn những công phúc thực sự tôi không có”.


Những "Chiến Hữu" Của Cha Congar


Trong nhật ký của mình, cha Congar thành thực ghi nhận ai là đồng minh ai là thù địch của ngài tại Vatican II. Trong số những người mà cha Conngar chỉ trích hơn cả là Đức TGM Pericle Felice và Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani, những vị bị coi là đại diện phe bảo thủ, kinh viện tại công đồng lúc đó. Trái lại những người được ngài coi là đồng minh gồm các nghị phụ HY Frings của Cologne và TGM Wojtyla của Krakow, và các chuyên viên Karl Rahner, Edward Schillebeeckx, Henri de Lubac, Hans Kung, và nhà thần học trẻ người Đức có tên Joseph Ratzinger.

Ai cũng biết điều gì đã xẩy ra sau này với phần lớn những đồng minh vừa nêu tên trên đây. TGM Wojtyla sau này là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người sẽ cử thần học gia Ratzinger làm bộ trưởng tin lý, và vị bộ trưởng này sau đó đã lên ngôi giáo hoàng với danh hiệu Bênêđíctô XVI. Ngoài ra, Đức Gioan Phaolo II còn thăng de Lubac và Congar lên hàng Hồng Y,  nhưng trái lại đã chủ trì cuộc điều tra đối với Kung và Schillebeeckx.


Cha Yves Congar và Cha Joseph Ratzinger (Sau này là ĐTC Benedict XVI)

Tại sao lại có hiện tượng ấy ở thời hậu công đồng? Linh mục Robert Barron, sáng lập viên thừa tác vụ Word on Fire, và là giám đốc Chủng Viện Mundelein gần Chicago, thì cho rằng một trong những cách hiểu được hiện tượng trên là nhìn vào những ngày đầu của tạp chí thần học “Communio”. Ai cũng biết: sau công đồng, nhóm “cấp tiến” đã lập ra một tạp chí quốc tế tên là “Concilium”, với mục đích vĩnh viễn hóa tinh thần của Vatican từng tạo ra một thay đổi tích cực trong Giáo Hội. Ban Biên Tập gồm có Rahner, Kung, Schillebeeckx, de Lubac, Congar, Hans Urs von Balthasar, Ratzinger và một số người khác. Nhưng chỉ ít năm sau, ba người chủ chốt là Balthasar, de Lubac, và Ratzinger quyết định tách ra để thành lập một tạp chí riêng, chính là “Communio”. Họ nêu ra nhiều lý do:

- Thứ nhất, ban biên tập của “Concilium” tự nhận mình hành xử như là huấn quyền thứ hai, hay thẩm quyền giáo huấn chính thức, song song với các giám mục. Các thần học gia chắc chắn đóng vai trò chủ yếu trong việc hiểu và khai triển học lý, nhưng họ không thể thay thế trách nhiệm của các giám mục trong việc gìn giữ và giảng dạy đức tin tông truyền.

- Thứ hai, ban biên tập “Concilium” muốn phát động một Vatican III khi mực trên các văn kiện của Vatican II chưa khô. Nghĩa là họ muốn lái đà cấp tiến của Vatican II hướng về các cải cách triệt để như truyền chức cho phụ nữ, dẹp bỏ luật độc thân của giáo sĩ, triệt để thay đổi đạo đức học giới tính v.v... không hề được các văn kiện của Vatican II cho phép.

- Thứ ba, và là điều có ý nghĩa hơn cả, Balthasar, Ratzinger, và de Lubac tố cáo ban biên tập “Concilium” có ý định vĩnh viễn hóa điều họ gọi là tinh thần công đồng. Ba vị này cho rằng công đồng đôi khi cần thiết cho sinh hoạt Giáo Hội, nhưng cũng khá nguy hiểm, vì nó biểu tượng cho những thời điểm Giáo Hội tự nghi vấn và phải dừng lại để quyết định một vấn đề hay một tranh cãi chủ yếu nào đó. Công đồng Nicea và Công đồng Calcedonia chẳng hạn là để giải quyết cuộc khủng hoảng về Kitô học. Công đồng Trento, chẳng hạn, là để chống lại các thách thức của Thệ Phản. Công đồng là điều tốt và cần thiết, nhưng Giáo Hội cũng hân hoan rời bỏ nó để trở về với công việc chủ yếu của mình. Vĩnh viễn hóa tinh thần công đồng là gần như muốn giữ Giáo Hội trong trạng thái ngưng đọng và bất định mãi mãi.


Cha Yves Congar Được Tấn Phong Hồng Y Năm 1994

Điều đáng nói ở đây là trong một buổi yết kiến, Đức Phaolô VI có hỏi Cha Congar về dự án “Concilium” và cho cha hay: ban biên tập của nó nên có hai hay ba thần học gia của Rôma, không hẳn để canh chừng hay kiểm duyệt, mà chỉ để giữ liên lạc với các giới ở Rôma. Sự lo lắng của Đức Phaolô VI quả có tính tiên tri, căn cứ vào các biến cố sau đó. Theo Dominique Congar, người cháu của Cha Congar, thì tên của cha Congar cũng cùng danh sách phong Hồng Y với hai cha de Lubac và Jean Daniélou; nhưng trong khi hai vị sau được phong thực sự, thì Congar mãi tới năm 1994 mới được phong, chỉ vì ngài không rút chữ ký ra khỏi ban biên tập của tạp chí “Concilium”. Xem như thế, con người của cha Congar không hẳn đơn giản như người ta nghĩ.

Sự đóng góp của Cha Yves Congar đối với Vatican II

Có người cho rằng, Cha Yves Congar góp phần soạn thảo hầu hết các văn kiện của Vatican. Điều này có vẻ hơi quá đáng, nhưng quả thực, phần đóng góp của cha hết sức lớn lao.

Được Đức Gioan XXIII đích thân cử làm chuyên viên cho Ủy Ban Chuẩn Bị, cha Yves Congar bắt tay làm việc cho Vatican II ngay từ những ngày đầu cho tới tận những ngày cuối cùng của Công Đồng. Thoạt đầu, phần vì e dè với quá khứ (bị nghi ngờ), phần vì bầu khí làm việc lúc đầu không mấy hứng khởi, thái độ của cha đối với Vatican II không mấy tích cực. Cha vẫn nghĩ chưa nên triệu tập công đồng vào lúc ấy, phải đợi thêm ít nhất 20 năm nữa. Vì tới lúc đó, Giáo Hội mới có một hàng giám mục được đào tạo với các ý tưởng bắt nguồn từ Thánh Kinh và Thánh Truyền, có cái nhìn thực tiễn về mục vụ và truyền giáo. Vả lại, căn cứ vào cuốn Nhật Ký về Công Đồng của cha “nguy cơ lớn lao là Công Đồng sẽ tự chứng tỏ nó bị tiền chế tại Rôma hay dưới sự điều khiển của Rôma”. Các nghiên cứu về Giáo Hội học của cha chứng minh rằng trong suốt 15 thế kỷ qua, Rôma luôn cố gắng chiếm độc quyền mọi đường điều khiển và kiểm soát trong Giáo Hội.

Cha cũng sợ rằng Vatican II sẽ chỉ là một trong những công đồng “hàm thụ” (by correspondence) nghĩa là Giáo Triều gửi đi các bản văn soạn sẵn và yêu cầu các giám mục phúc đáp bằng thư; các ngài chỉ được họp nhau trong một thời gian ngắn để chấp thuận bản văn mà các ngài đóng góp rất ít. Đối với cha Congar, đó không phải là công đồng. Phải có một “hàng giám mục họp nhau”, một “cuộc hội họp có hiệu quả của các giám mục được tự do thảo luận và đưa ra quyết định” mới là công đồng chân chính. Chứ các giám mục “phân tán chỉ có thể nói lên các phản ứng cô lập, vô kế hoạch; những phản ứng này sẽ bị một ủy ban tại Rôma tiếp nhận rồi tha hồ đem ra mổ xẻ thay đổi".

Bởi thế, dù đã giúp hai vị giám mục Pháp trả lời thư yêu cầu cung cấp chủ đề thảo luận cho công đồng, Cha Congar khá thất vọng khi thấy vào năm 1960, có quyết định thiết lập 10 ủy ban chuẩn bị mà chủ tịch mỗi ủy ban đều là các vị đứng đầu các bộ tại Giáo Triều. Ngài mô tả việc này như “gọng kìm sắt” xiết cổ “Công Đầng hài nhi tí hon vừa mới sinh ra”.

Tuy nhiên, cha vẫn tham gia Ủy Ban Thần Học và cầu nguyện để “Thiên Chúa đừng để những người nói láo hay những người tìm kiếm quyền lực không tặc Công Đồng”. Cha diễn tả giai đoạn này như sau: các chuyên viên ít được trao việc để làm và các phúc trình của họ ít được chú ý. Hoạ hiếm lắm, họ mới được mời tham dự các tiểu ban là nơi công việc thực sự diễn ra và họ không được phép lên tiếng phát biểu hay bênh vực các quan điểm của mình. Họ chỉ có thể đóng góp rất ít qua các “tẩy xóa, thêm bớt hay thay đổi” mà thôi.

Ngài có can thiệp vào vấn đề Thánh Truyền, chống lại cả ý niệm hai nguồn lẫn việc gán công duy trì Thánh Truyền cho một mình Huấn Quyền. Nên nhớ, cuốn Thánh Truyền và Các Truyền Thống (Tradition et les traditions) của ngài xuất bản năm 1960, còn cuốn Thánh Truyền và đời sống Giáo Hội (La Tradition et la vie de L’Église) xuất bản năm 1963. Các can thiệp này không khá gì hơn các tờ trình của ngài về giám mục hay đại kết.

Ngài đặc biệt lưu tâm tới đại kết vì đó là trách nhiệm của Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, vốn được coi là dấu hy vọng của Vatican II. Nhưng oái oăm thay, sơ đồ về nó đã được soạn thảo không có sự tham khảo với Văn Phòng này. Tháng Bẩy, 1961, cha Congar đích thân viết thư cho Đức Gioan XXIII để bày tỏ nỗi “xao xuyến và đau đớn” về hiện tượng Ủy Ban Thần Học hoàn toàn làm ngơ Văn Phòng Hợp Nhất.

Nói chung các bản sơ đồ, được soạn thảo và bênh vực ở Rôma, “Có tính hết sức kinh viện”; “Thánh Kinh hầu như không bao giờ được trích dẫn ngoại trừ để làm kiểng”. Tín lý bị coi như một mớ mệnh đề, mà về phương diện thực tiễn, không liên hệ gì với các vấn đề mục vụ hay đại kết. Các thông điệp của các Đức Giáo Hoàng được ưa chuộng hơn Thánh Kinh. Các nhà thần học đặt căn cứ ở Rôma không hề tôn trọng Thánh Truyền. Họ chỉ thấy các tuyên bố của các Đức Giáo Hoàng mà thôi”.

Cha Congar cương quyết chống lại chiều hướng trên: “Cuộc chiến vĩ đại sẽ tiếp tục được tiến hành. Sự thật sẽ thắng thế”. Và rất may, trước khi Công Đồng khai mạc vào tháng Mười năm 1962, đã có những dấu chỉ tích cực: Trong nhiều Ủy Ban, người ta bắt đầu thấy có sự dị biệt ý kiến giữa các giám mục thuộc các giáo phận ngoài Rôma và các giám mục thuộc các Thánh Bộ của Giáo Triều. Các giám mục bắt đầu gặp gỡ nhau và nói chuyện với nhau. Tháng Ba năm 1962, khi trở lại Rôma, Cha Congar thấy “một bầu không khí rất khác với bầu không khí cách nay một năm”. Các chuyên viên bắt đầu được lên tiếng; các cuộc thảo luận được tự do và mang lại nhiều kết quả hơn. Ngài ghi lại các cảm nhận sau đây: một khi các giám mục lũ lượt kéo tới Vatican và bắt đầu nói chuyện với nhau “Giáo Hội được đặt vào một tình trạng đối thoại, ít nhất cũng trong nội bộ... cảm thấy sống động nhờ sự kiện tiếp xúc một cách sinh động với người khác và với môi trường biết dấn thân vào cuộc thảo luận tự do, mang dấu ấn nghi vấn”.

Dường như lúc các giám mục khắp thế giới tựu về Rôma cũng là lúc Giáo Hội tìm lại được cán cân quân bình về quyền lực với Giáo Triều. Trong khóa thứ nhất, Đức Gioan XXIII cho phép các giám mục được quyền bác bỏ các bản văn chuẩn bị đã được soạn sẵn và bầu ra các ủy ban riêng để soạn thảo các bản văn mới. Rõ ràng ngài muốn có một công đồng theo nghĩa công đồng đích thực, chứ không có ý định thống trị nó và cũng không để Giáo Triều làm như vậy.


Các đóng góp cụ thể của Cha Congar

Theo linh mục Hilary Martin, Dòng Đa Minh, giáo sư thần học và là người từng tham dự Hội Nghị tháng Sáu, năm 2012, tổ chức tại Sydney để chào mừng bản dịch tiếng Anh cuốn Nhật Ký Công Đồng của Cha Congar do Australian Theological Forum (ATF) xuất bản, vai trò của các thần học gia và chuyên viên tại Công Đồng, tuy rất quan trọng, quan trọng đến nỗi có người coi nó gần như một thứ huấn quyến thứ hai, nhưng vẫn chỉ là một vai trò vô danh. Công trình của công đồng vẫn là công trình của Đức Giáo Hoàng và các giám mục hợp nhất với ngài.

Thành thử nếu không dựa vào những phúc trình khác, khó có thể biết phần đóng góp của các chuyên viên nói chung ra sao. Rất may, Cha Congar đã đích thân ghi chép cẩn thận các đóng góp của ngài cũng như của các chuyên viên đồng nghiệp, nên ta hiểu được phần nào phạm vi các đóng góp này.

Như ta đã biết, Vatican II ban hành tổng cộng 16 văn kiện, được các giám mục chấp thuận và được Đức Giáo Hoàng ký ban hành. Cha Hilary cho hay: Cha Congar góp tay vào hầu hết các văn kiện này, qua việc can thiệp ở nhiều giai đoạn tranh luận khác nhau, tham dự các phiên họp bất tận tại các tiểu ban và ủy ban, nghĩ ra các chiến thuật để bản văn được đem ra trình bày, sửa đổi, tái duyệt, soạn các bản văn sau cùng.

Sở dĩ Cha Congar có thể đóng góp nhiều như thế, vì quan tâm thần học của cha hết sức bao quát. Nó gồm mọi khía cạnh như đại kết, đối thoại liên tôn, phẩm giá và tự do của con người nhân bản, mục tiêu cuối cùng và mục đích tối hậu của đời người trong xã hội kỹ nghệ và thương mãi hóa; và sau cùng là cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới hiện đại. Nhật ký của cha, vì thế, đặc biệt nhắc tới sự đóng góp đối với các bản văn Lumen Gentium, Ad Gentes, Presbyterorum Ordinis, Dignitatis Humanae, và cả Gaudium et Spes nữa.

Chính cha thổ lộ vào năm 1975: “Tôi hết sức dấn thân vào việc chuẩn bị phần lớn các bản văn lớn của Công Đồng: Lumen Gentium, nhất là chương hai; Gaudium et Spes; Dei Verbum, tức bản văn về mạc khải; đại kết; tự do tôn giáo; Tuyên Ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo; Truyền Giáo. Tôi cũng làm việc nhiều với ủy ban về giáo sĩ là ủy ban soạn thảo bản văn Presbyterorum ordinis. Các nghị phụ xem ra như quên khuấy các linh mục. Người ta vốn đã có một bản văn, khá tầm thường, một thứ thông điệp, soạn vội vàng trong thời kỳ cuối của công đồng. Tôi phản đối: các linh mục đâu cần cái thứ khuyên bảo ấy, mà cần người ta bảo cho họ hay họ là ai, sứ mệnh của họ là gì trong thế giới ngày nay. Chính vì thế Đức Cha Marty mời tôi phụ trách việc chi tiết hóa một bản văn mới”.

Sợi chỉ xuyên suốt các đóng góp trên có thể nói là nền Tân Thần Học (Nouvelle Théologie), một nền thần học lấy hứng từ nguyên tắc về nguồn (resourcement) nổi tiếng của Cha Congar. Nền thần học này nhằm nói lên các niềm tin và giá trị truyền thống một cách dễ hiểu và lôi cuốn đối với con người thời đại. Cha Congar đã rất thận trọng lồng nền thần học ấy vào một số lớn văn kiện của Công Đồng, nhất là những văn kiện được tranh luận gay cấn như Hiến Chế về Phụng Vụ với lời kêu gọi dùng tiếng địa phương và sự tham dự của cộng đoàn; Sắc Lệnh về Đại Kết với hoài mong tái hợp nhất, tái hội nhập các Giáo Hội; Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo với việc nhấn mạnh tới tự do nhân bản (thoát khỏi mọi hình thức áp chế vì áp chế là kẻ thù của nhân phẩm), và việc cố gắng giải quyết vấn đề bằng đối thoại chứ không phải bằng thẩm quyền chuyên chế; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội thúc đẩy ta nhìn ra ngoài Âu Châu tới Thế Giới Thứ Ba; Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân với ý thức của nó về nhu cầu phải tìm ra sự cân bằng giữa giáo dân và giáo sĩ trong Giáo Hội; và Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, một hiến chế nhằm đưa Giáo Hội tới chỗ đối thoại với thế giới, một thế giới đang bị khốn khổ vì sợ hãi và chiến tranh, đói kém và nghèo nàn trong một nền kinh tế dư thừa, một thế giới khao khát cảm nghiệm tính dục mà không chịu bất cứ hậu quả nào...


Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một vài đóng góp đặc biệt của cha Congar trong ba văn kiện: Ad Gentes, Presbyterorum Ordinis Gaudium et Spes

1. Ad Gentes, tức Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội, là một trong các bản văn được hoàn tất sau cùng trước khi Công Đồng kết thúc vào tháng Mười Hai, năm 1965. Cha Congar giúp hoàn thành bản văn cuối cùng của nó vào ngày 19 tháng Mười. Như mọi người đều biết, việc truyền giáo trước đây được hiểu là mang đức tin tới các vùng rộng lớn của Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu; việc này phần lớn do các nhà truyền giáo Âu Châu và Bắc Mỹ đảm nhiệm với nhiều nguồn tài chánh vĩ đại và cả trợ giúp lớn lao của các chính phủ ờ hai vùng này. Lúc ấy, người ta còn sử dụng thuật ngữ truyền giáo ngoại quốc để chỉ loại hoạt động này, ngầm cho thấy truyền giáo là truyền giáo cho người ngoại quốc, những người có nền văn hóa không phải của Tây Phương, không phải của Âu Châu. Nhưng tới cuối Thế Chiến Hai, khi các thế lực thống trị của Tây Phương tại Á Phi bắt buộc phải nhường bước cho các phong trào độc lập và tự quyết quốc gia, thì ai cũng hiểu rõ đây là thời chuyển tiếp đối với việc truyền giáo. Có những người tiên đoán rằng Kitô Giáo sẽ phải rút lui và các lãnh địa (enclaves) Kitô Giáo sẽ sụp đổ khi không còn các cơ chế thực dân cũ nâng đỡ nữa. Lời tiên đoán này đã không xẩy ra và nguyên sự kiện này cũng đủ cho thấy đây là dấu hiệu chứng tỏ Kitô Giáo bắt rễ sâu hơn các quan sát viên bên ngoài nhận xét. Tuy nhiên, việc sinh tồn này không hề có nghĩa ta có thể tiếp diễn như trước việc truyền giáo vốn bị các qui phạm văn hóa lấy Âu Châu làm gốc thống trị. Cuộc khủng hoảng không hệ ở việc truyền giáo mà hệ ở cách thực hiện việc truyền giáo này, nên Ad Gentes không thấy cần phải xin lỗi sự kiện Giáo Hội vẫn và nên đi truyền giáo và đi vào mọi nền văn hóa. Việc này đúng vì truyền giáo lấy hứng từ tình yêu Thiên Chúa, Đấng vốn mong ước mọi người hội tụ lại với nhau để chia sẻ Sự Sống Thiên Chúa, nghĩa là được cứu rỗi. Chúa Kitô Nhập Thể là trung gian duy nhất chân thực giữa Thiên Chúa và nhân loại và do đó, cần làm cho mọi người khắp nơi trên thế giới biết danh Người và việc làm của Người. Điều này quan trọng vì các thành viên của mọi nòi giống rải rác của nhân loại cần được chữa lành và học biết rằng số phận của toàn bộ nhân loại không phải là thịnh vượng trần thế mà là sự sống đời đời trong kết hợp với Thiên Chúa. Để thực hiện điều này, Chúa Kitô đã lập nên Giáo Hội, tức dân Thiên Chúa, với một sự lãnh đạo đặt dưới quyền hướng dẫn liên tục của Đức Giáo Hoàng và những vị kế nhiệm. Tuy Giáo Hội có sứ mệnh phải vươn tới toàn thể nhân loại, nhưng Ad Gentes truyền dạy một cách rất mới lạ rằng ta không bắt tay với mọi người cùng một cách như nhau.

Cha Congar nhấn mạnh rằng các phương tiện hữu hiệu và các đường lối hành động thích đáng cần được thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau tùy theo thời gian. Cấy trồng Tin Mừng không có nghĩa là cùng một lúc, ta cũng phải cấy trồng một nền văn hóa xa lạ. Chính nhờ Phép Rửa, ta được sáp nhập vào Chúa Kitô và Giáo Hội, chứ không nhờ việc hội nhập văn hóa vào các qui phạm Tây Phương. Các chi thể của Giáo Hội nên vui hưởng các phong tục, ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống của dân tộc mình. Hơn nữa, khi Tin Mừng xuất hiện, ta không được để bất cứ những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa đặc thù mất đi, đúng hơn phải nâng chúng lên, thanh tẩy chúng và đem chúng lên một trình độ cao hơn, hoàn hảo hơn (9). Không ai có thể tự giải thoát khỏi tội lỗi bằng sức riêng của mình và do đó, Tin Mừng cần được rao giảng, nhưng ngay lịch sử trần thế của Tin Mừng cũng từng là chất men dẫn tới tự do, hợp nhất, tình huynh đệ và hoà bình. Các nguyên tắc trình bày trong Ad Gentes chắc chắn sẽ biến đổi tác phong truyền giáo, nhưng điều này không hàm nghĩa ta phải giảm thiểu cố gắng truyền giáo. Ad Gentes cho thấy: nay là lúc toàn thể Giáo Hội phải được nhận diện như là truyền giáo, mọi người, trong đó có giáo dân chứ không phải chỉ có các giáo sĩ, phải cấp thiết rao giảng Tin Mừng. Nhưng ngược với phương thức truyền giáo cũ, một phương thức đặt nặng việc truyền thụ các giáo huấn của Giáo Hội, việc truyền giáo ngày nay có thể được đảm nhiệm bởi các cộng đồng Kitô hữu mới được thành lập; những cộng đồng này được khuyến khích chia sẻ viễn kiến văn hóa đặc thù của họ về Tin Mừng cho các cộng đồng lâu đời tại Âu Châu.


2. Presbyterorum Ordinis: Cha Congar dành khá nhiều thời gian cho việc soạn thảo văn kiện Presbyterorum Ordinis, tức Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục. Sắc lệnh này vốn được coi là đứa con mồ côi của Vatican II. Vì sau khi bàn nhiều tới thừa tác vụ giám mục và vị trí của giáo dân trong Giáo Hội, hầu như Vatican II không còn thì giờ nào chú tâm sâu sắc tới vai trò của các linh mục trong thế giới đang biến đổi này. Dù các linh mục giáo phận có nhiệm vụ tiếp xúc gần gũi với giám mục của họ, đứng hàng tiền tuyến, có thể nói như vậy, trong việc giải thích và truyền giảng các thay đổi trong thực hành và trong thần học của Giáo Hội cho giáo dân và nhiều người khác nữa, ấy thế mà các thay đổi không thể tránh được trong đời sống và trong thừa tác vụ của họ lại không được lưu tâm bao nhiêu trong giai đoạn đầu của Công Đồng. Chính vì vậy, các dự thảo ban đầu về chức linh mục đã bị các Nghị Phụ bác bỏ.

Trong mấy tháng cuối cùng của khóa bốn, Cha Congar và Cha Lecuyer đã tranh thủ thời gian lên khuôn và soạn thảo bản văn cuối cùng cho sơ đồ này, một sơ đồ có thể nói là đã trình bày được một viễn kiến tổng hợp về vai trò của linh mục. Trong đó, có những điểm tiêu chuẩn về độc thân, tầm quan trọng của cầu nguyện và đọc sách nguyện cho nhu cầu của cả thế giới. Cử hành Thánh Lễ là vai trò quan trọng nhất của linh mục. Định chế xưa về nhập tịch (incardination) và xuất tịch (exclaustration) một giáo phận, nhằm cột một linh mục vào giáo phận của ngài, vẫn được duy trì nguyên vẹn, nhưng các qui định về chúng có thể được thay đổi vì nhu cầu mục vụ. Nhưng Presbyterorum Ordinis cũng nhắc các linh mục nhớ rằng thừa tác vụ của các ngài hướng về mọi người chứ không chỉ quanh quẩn với những người cùng máu mủ, dòng giống hay thời đại vì các ngài chia sẻ thừa tác vụ của Chúa Kitô, Đấng sống vì mọi con người. Dù có nhiệm vụ làm việc tại địa phương dưới quyền điều động của giám mục giáo phận đặc thù, các ngài vẫn chia sẻ ưu tư của mọi Giáo Hội. Các ngài cũng có nhiệm vụ lôi cuốn người khác vào đời sống linh mục.


3. Gaudium et Spes. Thực ra, Cha Congar không hoàn toàn hài lòng với bản văn Presbyterorum Ordinis. Ngài muốn nói nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thời gian không còn bao nhiêu, trong khi hiến chế Gaudium et Spes cần phải hoàn thành trước khi Vatican II bế mạc.

Vào năm 1963, Gaudium et Spes được gọi là Sơ Đồ XVII. Người ta vốn coi Sơ Đồ này như để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Hồng Y Suenens muốn có cuộc cải tổ Giáo Hội cả trong lẫn ngoài. Nó bao gồm nhiều chủ đề thuộc nhiều phạm vi khác nhau a) trật tự luân lý; b) trật tự xã hội; c) cộng đồng các dân tộc; d) tông đồ giáo dân. Thành thử điều hợp lý là ủy thác Sơ Đồ này cho một ủy ban hỗn hợp gồm Ủy Ban Tín Lý và Ủy Ban Tông Đồ Giáo Dân. Có điều uỷ ban hỗn hợp này ít khi họp bàn, thành thử Sơ Đồ xem ra như dậm chân tại chỗ khá lâu. Người muốn thêm điều này (như kiểm soát sinh sản hay hòa bình), người muốn bớt điều kia. Tuy nhiên, sự ra đời của Thông Điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII ngày 11 tháng Tư, 1963, đã là một thúc đẩy lớn đối với Sơ Đồ XVII. Trong suốt tháng Tư và tháng Năm, tại Malines, Bỉ, rất nhiều phiên họp đã được tổ chức để lên khung lại cho Sơ Đồ.

Và sau cùng, người ta nghĩ Sơ Đồ trên có thể mang ra trình cho ủy ban hỗn hợp. Tuy nhiên, một số người như Karl Rahner lại không nghĩ thế. Họ cho rằng bản văn thiếu nhiều điều chủ yếu. Chính vì thế, Cha Congar được thỉnh ý, đặc biệt về Lời Dẫn Nhập (proemium) và chương 1. Bản văn vì thế đã được sửa đổi, ít còn giống với bản văn nguyên thủy. Đến cuối Chín năm đó, thì bản văn được đúc kết, nhưng rồi, vì một số người qua đời và vì có những chỗ bất đồng giữa các thần học gia Đức Pháp và Bỉ, nên nó lại bị để nằm một chỗ.

Trong khi ấy, một nhóm tại Zurich, nặng về ưu tư xã hội, đã họp nhau để hoàn tất Sơ Đồ và trình bày bản văn vào tháng Hai năm 1964. Chính tại đây, lời mở đầu nổi danh “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” đã được cho vào bản văn.

Tuy nhiên, phiên họp ngày 3 tháng Tư, 1964 của ủy ban hỗn hợp để xem sét bản văn đã không đem lại kết quả gì, khiến Cha Congar hết sức thất vọng. Ủy Ban họp lại vào ngày 5 tháng Sáu và ngày 26 tháng Sáu, Sơ Đồ được đổi tên từ XVII thành XIII. Cuối tháng Tám, người ta lại chú ý tới Sơ Đồ vì một lý do khác: ccàng ngày càng có ý nghĩ cho rằng quả là một gương mù lớn nếu Giáo Hội không nói gì tới mối liên hệ của mình với thế giới ngày nay ngoài việc nêu ra một vài lời tổng quát có tính lịch sự xã giao. Chính Đức tân giáo hoàng Phaolô VI cũng nghĩ như thế. Cha Congar lại được mời để duyệt lại bàn văn ủa Sơ Đồ XIII. Cả lần duyệt xét này cũng không làm Cha Congar hoàn toàn hài lòng. Ngài cảm thấy Sơ Đồ như thiếu hẳn một hướng đi tổng quát. Theo ngài, nó phải có tính Kitô học và thánh kinh học nhiều hơn. Vả lại một số ý tưởng của nó có hơi mị dân và ngây thơ về kinh tế. Hơn nữa, Sơ Đồ nặng về công thức, về chương trình, mà thiếu một nền linh đạo làm nền. Nó cũng quá dài nữa.

Trong suốt diễn biến của Sơ Đồ XVII/XIII, đã có cuộc tranh luận về việc phải đặt nặng giá trị thần học nào cho bản văn sau cùng. Nhiều người muốn bản văn ở bình diện một bài giảng (sermon) của các giám mục dành cho thế giới hiện đại, chứ không hẳn một tuyên bố có tính trói buộc của Giáo Hội. Sau nhiều cuộc tranh luận thật lâu, hình thức Hiến Chế Mục Vụ mới được coi là ý định tối hậu của các nghị phụ. Tuy nhiên, phần đầu của bản văn vẫn có tính tín lý, phần hai mới có tính mục vụ. Chiều hướng này phản ảnh chủ trương xưa nay của Cha Congar: mọi nền thần học phải có tính mục vụ, tác động lên đời sống người ta bất luận là Công Giáo, là người có tin ngưỡng hay không.

Trong khi chờ đợi Sơ Đồ XIII được hoàn tất, Cha Congar giúp soạn thảo một số văn kiện khác, trong đó có văn kiện về linh mục, Lời Dẫn Nhập của Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (công trình của Cha John Courtney Murray, nay được chuyển cho Cha Congar). Sơ Đồ XIII nằm chờ sự nhất trí của các giám mục Pháp và Đức. Ngày 11 tháng Mười, Đức HY Felici cho Cha Congar hay bản văn của Sơ Đồ XIII phải được đệ trình cho Ủy Ban Hỗn Hợp hạn chót là ngày 10 tháng Mười Một. Sau khi Ủy Ban Hỗn Hợp duyệt xét, việc soạn thảo bản văn cuối cùng vẫn không đơn giản vì phải tích nhập rất nhiều modi của các giám mục mà không làm mất hướng đi chính của nó. Phần lớn các modi này liên quan đến vấn đề kiểm soát sinh sản và bom đạn. Sơ Đồ được đem ra đầu phiếu ở Công Đồng và trở thành cố định vào ngày chót tức ngày 7 tháng Mười Hai, 1965 và được công bố dưới tên là Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày nay, mà thói quen hay gọi là Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng). Thực ra, toàn bộ 16 văn kiện của Vatican II đều nhằm để nói với thế giới hiện đại, nhưng Gaudium et Spes quả nói với nó một cách trực diện và tha thiết nhất.

Có người nhận định rằng Cha Congar là chuyên viên người Pháp đóng góp nhiều nhất vào công trình soạn thảo các bản văn cho Vatican II. Và khác với nhiều người, Cha nhìn nhận có cuộc khủng hoảng tiếp theo Công Đồng này, nhưng Cha cho rằng Công Đồng không sản sinh ra cuộc khủng hoảng ấy. Cuộc khủng hoảng này tùy thuộc các nguyên cớ diễn ra sau Vatican II, được Vatican II tiên đoán hơn là kích thích. Trong khi ấy cha nhấn mạnh tới các thành quả tích cực của nó: mang sinh khí lại cho các Giáo Hội địa phương, triển khai các đặc sủng và thừa tác vụ, làm chín mùi dần các cố gắng đại kết, dấn thân khắp nơi vì con người. Và cha trích dẫn châm ngôn của người Trung Hoa: một cây đổ, người ta nghe thấy tiếng động, một cánh rừng mọc, không ai nghe thấy chi.