Saturday, 04 April 2020 15:14

Công Đồng Vatican II : Giáo Hội Có Một Cơ May Để Đối Thoại Featured

LTS: Yves Congar (1904-1995), người Pháp, là một linh mục Dòng Đa Minh và là một thần học gia về Giáo hội học nổi tiếng với nhiều tác phẩm thần học. Nhưng do những tư tưởng tiến bộ mà ngài đã bị Tòa Thánh nghi ngại và dè chừng trong một thời gian dài : từ tháng 2 năm 1954, Linh mục Congar bị cấm giảng dạy, bị lưu đày (bốn tháng tại Giêrusalem, bốn tháng tại Rôma, một năm tại Cambridge (theo tài liệu của Dòng Đa Minh). Tuy nhiên đến thời Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, để chuẩn bị cho Công đồng Vatican II, ngài lại được bổ nhiệm làm cố vấn cho Ủy ban Thần học. Và với vai trò này, ngài đã có nhiều đóng góp cho Công đồng Vatican II. Đức Gioan-Phaolô II đã ghi nhận những công lao  đóng góp của ngài cho Giáo hội bằng cách nâng ngài lên hàng Hồng y ngày 26-11-1994, trước khi ngài từ trần vào ngày 22-6-1995.

Bảy năm sau, năm 2002, bộ “Nhật ký của tôi về Công đồng” (Mon Journal du Concile) của Linh mục Yves Congar gồm 2 cuốn, dày trên 1.000 trang được Nhà xuất bản Cerf, Paris, xuất bản với nội dung là những ghi chép cá nhân của ngài về những diễn tiến của Công đồng. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, xin trích dịch và giới thiệu với Bạn đọc một số ghi chép của Linh mục Yves Congar về bối cảnh chuẩn bị Công đồng.

***

[…] Việc loan báo triệu tập Công đồng đã làm dậy lên một sự quan tâm lớn lao và nhiều hy vọng. Có vẻ như sau một thời kỳ ngột ngạt của triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII, cuối cùng người ta thấy cần mở cửa để thở. Giáo hội sắp có một cơ may. Mở ra để đối thoại.

Nhưng rồi dần dần những niềm hy vọng này như bị che phủ bởi một lớp tro mỏng. Đã có một sự im lặng kéo dài, một thứ hụ hẫng, thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi vài tuyên bố thiện cảm của Đức Giáo hoàng. Nhưng bản thân những tuyên bố này khá mơ hồ và có vẻ như dè dặt hơn so với lời loan báo đầu tiên. Người ta ghi nhận được điều này từ nhiều phía. Bản thân  Đức Giáo hoàng thì tuyên bố công khai rõ ràng là ngài không thay đổi. Nhưng trong một cuộc nói chuyện với Linh mục Liégé, ngài đã nhìn nhận rằng ý tưởng đầu tiên của mình là nhắm đến một cuộc đối thoại với các Giáo hội Kitô ngoài công giáo.

Người ta có cảm tưởng – theo như khẳng định của những người đến từ Rôma kể lại những lời đồn đại mới nhất từ cái Triều đình tội nghiệp này – là tại Rôma, có cả một đội ngũ đang tìm cách để phá hoại dự tính này của Đức Giáo hoàng. Người ta còn nói rằng Đức Giáo hoàng biết rõ chuyện đó và đã coi đó là một chuyện bí mật (điều này không làm tôi ngạc nhiên nhưng làm cho tôi hoài nghi : một vị giáo hoàng không giữ bí mật kiểu như thế).

Về phần mình, tôi đã nhanh chóng bị thất vọng nhiều lần : bởi vì nếu Đức Gioan XXIII có những lời nói và những cử chỉ cực kỳ thiện cảm, nhưng các quyết định của ngài, cách điều hành của ngài lại dập tắt phần lớn những gì đã làm dậy lên niềm hy vọng. Phong cách con người của ngài rất dễ thương, mang tính chất Kitô giáo. Tất cả những gì liên quan trực tiếp đến con người của ngài làm cho chúng ta ra khỏi cái chủ nghĩa quyền thế đáng sợ của Đức Piô XII. Nhưng mặt khác, ngài đã giữ lại gần như toàn bộ nhân sự của vị tiền nhiệm […].

Vào tháng tư và tháng năm năm 1959 tôi có gặp cô Christine Mohrmann vừa trở về sau sáu tuần lưu lại Rôma. Cô ta thường đến Rôma, có thể là mỗi năm. Ở Rôma cô có những quan hệ và những nguồn thông tin. Sự tinh tế phụ nữ và nhân bản của cô giúp cô nhận ra nhiều điều. Tôi có chia sẻ với cô những tình cảm, những ngạc nhiên, những lo âu của tôi. Và cô ta đã nói chuyện với tôi với một tinh thần lạc quan mà tôi thấy hơi quá mức. Theo cô ta, Đức Giáo hoàng biết rất rõ ngài muốn gì và đi về đâu. Ngài hoàn toàn ý thức đang bị vây quanh bởi những người có một quan niệm hoàn toàn khác về các vấn đề, thậm chí là một quan niệm trái ngược với ngài. Ngài đang vô hiệu hóa những người này, nhưng từng bước. Ngài không muốn làm chuyện gì một cách đột ngột, nhưng hành động một cách nhẹ nhàng, vv… Tôi thấy những nhận xét này ít được khẳng định bởi các sự việc.

Tôi thấy hình như đội ngũ cũ vẫn yên vị […] Chẳng quan trọng. Tôi không bao giờ trông chờ điều gì từ phía đó. Nhưng rõ ràng người ta có cảm tưởng là, ở Rôma, Giáo triều, đội bảo vệ già nua của Giáo triều đã ý thức đang có một nguy cơ và cố gắng để trừ khử nguy cơ đó bằng chính cách vận hành của triều đại giáo hoàng mới, bởi vì triều đại giáo hoàng MỚI có cách vận hành của mình. Nguy cơ là một số đường hướng lãnh đạo vuột ra khỏi tầm tay của họ… (trang 5-7).

Vào tháng 6-1960, người ta biết được kết quả đầu tiên của việc tham khảo ý kiến các giám mục. 10 ủy ban chuẩn bị (Công đồng) được hình thành, thêm vào đó là văn phòng (1) và một ủy ban chuẩn bị trung ương (2). Nhưng, ngoại trừ Văn phòng về hợp nhất các Kitô hữu là một thành lập mới, chưa có tiền lệ, còn các ủy ban khác thì đều có chủ tịch là vị hồng y đứng đầu các bộ liên quan.

Tin này đã gây cho tôi một nỗi buồn kinh khủng. Bộ máy thật khủng khiếp. Cái hệ thống mà Rôma đã kiên trì dựng lên đã xiết trong vòng tay sắt đứa trẻ công đồng bé bỏng vừa mới được sinh ra và đang muốn lớn lên. Cái hệ thống đó chỉ cho nó cựa quậy, nói năng, ngay cả hít thở trong khuôn khổ mà cái hệ thống đó muốn. Mọi chuyện vẫn nằm dưới sự kiểm soát và quyền định đoạt của Giáo triều. Công đồng đã bị chế ngự, bị đè nén, bị bóp mũi ngay khi vừa mới được sinh ra và ngay trước khi được sống […].

Tôi đi nghỉ 8 ngày như thường lệ tại Sedan… Chính tại đây mà có một ngày tôi đã nhận được một lời chúc mừng của cha Poupard (3), rồi hôm sau là những lời chúc mừng của cha Dumont (4)  mà tôi chẳng hiểu tại sao. Sau đó nhờ đọc báo La Croix (Thánh Giá) tôi mới biết tôi được chỉ định làm cố vấn cho Ủy ban thần học của Công đồng.

Ít ngày sau, tôi nhận được văn bản chính thức gởi theo ngả Ste Sabine (Nhà mẹ của Dòng Đa Minh tại Rôma) và Strasbourg. Từ Sedan, ngày 25-7-1960, tôi đã trả lời cho Đức Hồng y Tardini là người đã ký tên trên văn bản.

Tôi đã do dự một thời gian.

Thực tế, những gì tôi biết đã củng cố một cách khá chắc chắn những lo sợ của tôi và lại làm cho tôi rơi vào một nỗi buồn mới thực sự. Đối với tôi, cái Ủy ban thần học này rõ ràng là có khuynh hướng bảo thủ. Ủy ban có hai vế : các thành viên tạo nên Ủy ban, và các cố vấn. Nhóm đầu làm việc. Nhóm thứ hai chỉ được có ý kiến khi được tham khảo. Nhưng liệu có được tham khảo không ? Cha Allo (5) có lần nói với tôi : Người ta bổ nhiệm cha làm cố vấn cho Ủy ban Kinh Thánh nhưng chẳng bao giờ tham khảo ý kiến cha… (trang 13-16).

Đó là lý do tại sao tôi đã do dự một thời gian. Phải chăng cũng đáng để giữ TỰ DO cho một cách phục vụ khó khăn, bị cản trở, cô độc, hơn là để mình bị cột vào bộ máy, dù chỉ là với một sợi chỉ mỏng manh ? […]

Trở về Strasbourg, để đáp lại sự chấp thuận mà tôi đã gởi cho Đức Hồng y Tardini từ Seđan (6), tôi sớm sủa nhận được một văn thư chính thức thứ hai, lần này là của Đức Hồng y Ottaviani, cho tôi biết những cách thức làm việc của các cố vấn, hỏi tôi về lãnh vực nào tôi nghĩ là có thể hợp tác tốt nhất, cuối cùng mời tôi gởi về các lưu ý, các gợi ý…

Tôi đã trả lời văn bản này ngày 15-8 (7). Tôi đã tự đặt cho mình một câu hỏi. Tôi có nhiều điều muốn nói, nhiều lưu ý muốn làm, nhiều phê bình hay cảnh báo muốn trình bày. Tôi có nên làm không, hay tôi giữ im lặng ?

Tôi suy nghĩ. Tôi cầu nguyện. Cuối cùng tôi quyết định sẽ gởi cho Đức Hồng y Ottaviani một câu trả lời […].

Thực ra tôi chẳng có gì để mất, và tôi phải thực hiện bổn phận của mình. Phải luôn luôn nói lên những gì mình biết hay mình tin là thật. Như thế tôi mới thẳng thắn, và như thế tôi mới cố gắng sống Tin Mừng.

Ơn Chúa sẽ làm nốt việc tiếp theo.

Tôi muốn hiến thân một cách trung thực để phục vụ cách tốt nhất trong khuôn khổ Công đồng do Đức Gioan XXIII khai mở dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tôi sẽ không nịnh bợ cũng như không thỏa hiệp, nhưng tôi muốn bước một cách chân thành vào trong sự kiện rất vĩ đại này. Mỗi ngày tôi cầu nguyện để được hiến thân mình trong chiều hướng này, để Chúa đừng để cho những con người dối trá và những ý đồ quyền lực tác động lên Công đồng; để Chúa gìn giữ Đức Giáo hoàng Gioan của chúng ta và nâng đỡ ngài.

Sở dĩ tôi kể ra đây những phản ứng có tính phê phán và những lo âu của tôi, thì không phải do tiêu cực hay để đoạt lý cho mình bằng cách lên án người khác. Nhưng là để phục vụ chân lý. Tôi muốn phục vụ chân lý. Nói một cách chân thành và khiêm tốn thì tôi sẽ cố gắng phục vụ chân lý bằng con đường vừa mới được mở ra cho tôi mà tôi thực sự đã không tìm cách để mở con đường đó ra cho mình. (trang 18-20).

Hướng Phương chuyển ngữ

---------------------------------------

(1)   Văn phòng hợp nhất các Kitô hữu và Văn phòng về báo chí và các phương tiện truyền thông.


(2)   Có nhiệm vụ phối hợp hoạt động của các ủy ban khác nhau và xem lại công việc của các ủy ban này.

(3)   Linh mục Paul Poupard, thuộc giáo phận Angers, làm việc cho Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh từ năm 1959, sau đó trở thành người phụ trách khu vực nói tiếng Pháp của Phủ từ năm 1966; rồi làm Viện trưởng Viện Công giáo Paris; được phong giám mục năm 1979, rồi hồng y và là Chủ tịch Văn phòng những người không tin, rồi Chủ tịch Hội hồng giáo hoàng về Văn hóa.

(4)   Linh mục Christophe-Jean Dumont, dòng Đa Minh, tỉnh dòng Pháp, Giám đốc Trung tâm Istina và là bạn của Linh mục Congar; ngài được bổ nhiệm làm Cố vấn cho Văn phòng hợp nhất năm 1960 và chuyên viên của Công đồng năm 1962.

(5)   Linh mục Ernest Allo, dòng Đa Minh, giáo sư Kinh Thánh ở Fribourg, năm 1941 đã được bổ nhiệm làm cố vấn cho Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh.

(6)   Bức thư này của Linh mục Congar đề ngày 25-7-1960.

(7)   Trong thư trả lời này, Linh mục Congar đã nói về các công việc của mình về Truyền Thống, về Giáo hội học và về giáo dân.