Saturday, 04 April 2020 15:05

Hiến Chế Phụng Vụ - Sacrosanctum Concilium - 1963 (1) Featured

HIẾN CHẾ
VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
SACROSANCTUM CONCILIUM
Ngày 4 tháng 12 năm 1963

 

LỜI MỞ ĐẦU

1. Thánh Công Đồng nhận thấy mình có bổn phận đặc biệt phải lo canh tân và phát huy Phụng vụ, để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng triển; để thích ứng cách tốt đẹp hơn những định chế có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại hôm nay, đồng thời cũng để phát huy những gì có thể đem lại sự hợp nhất cho tất cả những ai đã tin theo Chúa Kitô, và củng cố những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội.

2. Thật vậy, chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[1], vì thế Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện nơi cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành; và trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại phải quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải quy hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm[2]. Hằng ngày, Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần[3], cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô[4], đồng thời cũng kiện cường cách kỳ diệu nơi họ sức mạnh để rao giảng Chúa Kitô, và như thế Phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân[5], nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được quy tụ nên một[6] cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn[7].

3. Vì vậy, để phát huy và canh tân Phụng vụ, Thánh Công Đồng thấy cần nhắc lại các nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực hành.

Trong những nguyên tắc và tiêu chuẩn này, một số có thể và phải được áp dụng vừa cho Nghi chế Rôma vừa cho tất cả các Nghi chế khác, tuy dù những tiêu chuẩn thực hành sau đây phải hiểu là chỉ có liên quan tới Nghi chế Rôma mà thôi, ngoại trừ những gì tự bản chất có liên hệ đến những Nghi chế khác.

4. Sau hết, luôn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ thánh coi tất cả những Nghi chế đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, Công Đồng cũng muốn các Nghi chế ấy được duy trì trong tương lai và được cổ vũ bằng mọi cách, đồng thời cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi chế ấy phải được duyệt xét toàn bộ cách cẩn trọng theo tinh thần của truyền thống tốt lành và tiếp nhận được luồng sinh khí mới cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT

ĐỂ CANH TÂN VÀ PHÁT HUY PHỤNG VỤ THÁNH

I. BẢN CHẤT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

5. Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), “thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, đã nói với các tổ phụ qua các ngôn sứ” (Dt 1,1), khi thời gian viên mãn, đã sai Người Con của mình là Ngôi Lời nhập thể, Đấng được Thánh Thần xức dầu, đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, cứu chữa những tâm hồn đau khổ1, nên như “thầy thuốc của thể xác và tinh thần”2, làm Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại3. Bản tính nhân loại của Người kết hiệp với Ngôi Lời, đã nên khí cụ thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta. Vì thế, trong Chúa Kitô, “giá chuộc của ơn giao hoà đã được thực hiện trọn vẹn, và việc thờ phượng hoàn hảo đối với Thiên Chúa đã được trao cho chúng ta”4.

Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, được tiên báo trong dân Cựu ước qua những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, nay được Chúa Kitô hoàn tất, chủ yếu với mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc Khổ nạn hồng phúc, sự Phục sinh từ cõi chết và Thăng thiên vinh hiển của Người, nhờ đó, “Người đã chết để tiêu diệt sự chết nơi chúng ta và sống lại để tái lập sự sống”5. Vì chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang trong giấc ngủ trên Thập giá, đã phát sinh nhiệm tích kỳ diệu là Giáo Hội6.

6.

Vì thế, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì các Tông đồ đầy tràn Thánh Thần cũng được chính Chúa Kitô sai đi như vậy, không những để khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo7, các ngài loan báo việc Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan[1] và sự chết, để dẫn đưa chúng ta vào vương quốc của Chúa Cha, nhưng còn để các ngài thực thi công cuộc cứu chuộc đã được loan báo, nhờ lễ Hiến tế và các Bí tích, điểm quy hướng của toàn thể đời sống phụng vụ. Trong ý nghĩa đó, nhờ bí tích Thánh Tẩy, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại[2], được lãnh nhận tinh thần nghĩa tử, “nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8,15), và cũng được trở nên những người thờ phượng đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm[3]. Cũng thế, mỗi khi ăn bữa tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến[4]. Do đó, chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Giáo Hội xuất hiện trước thế giới, “những người suy phục lời giảng” của thánh Phêrô, “đều được Thánh tẩy”. Họ “kiên vững trong giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông trong nghi lễ bẻ bánh và trong lời cầu nguyện… luôn ngợi khen Thiên Chúa và được toàn dân quý mến” (Cv 2,4-42.47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau quy tụ để cử hành mầu nhiệm Phục sinh: bằng việc đọc “tất cả những lời Sách Thánh liên quan đến Người” (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hoá “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người”[5], đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân khôn tả” (2 Cr 9,15) trong Chúa Giêsu Kitô, “để ca tụng vinh quang của Người” (Ep 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

7.

Để hoàn tất công trình cao cả ấy, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”[6], vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành bí tích Rửa Tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội [7]. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

Quả thật, trong hành vi cao cả này, được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hoá mọi người, Chúa Kitô luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quý đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu.

Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức năng tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được biểu hiện nhờ những dấu chỉ khả giác đồng thời được thực hiện cách hữu hiệu với cách thế riêng biệt của mỗi dấu chỉ, và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu cùng với các chi thể.

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô Tư Tế và Thân Thể Người là Giáo Hội, nên tất cả các cử hành phụng vụ đều là hành vi linh thánh trổi vượt, không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

8.

Khi tham dự Phụng vụ trần gian, chúng ta cảm nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực[8]; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh thiên quốc đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Thánh khi kính nhớ các Ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang[9].

9.

Phụng vụ thánh không phải là tất cả hoạt động của Giáo Hội; vì con người cần phải được mời gọi đến với đức tin và hoán cải trước khi có thể đến tham dự Phụng vụ: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).

Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những người không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối để hoán cải cách sống[10]. Đối với các tín hữu, Giáo Hội phải không ngừng rao giảng về đức tin và lòng thống hối, giúp họ sẵn sàng đón nhận các bí tích, dạy họ tuân giữ tất cả những điều Chúa Kitô đã truyền ban[11], thúc giục họ tham gia các công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ, những việc đó chứng tỏ rằng dù không thuộc về thế gian nhưng các tín hữu lại là ánh sáng thế gian và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.

10.

Tuy nhiên, Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa.

Cùng lúc đó, chính Phụng vụ thúc giục các tín hữu khi đã được no thỏa “mầu nhiệm Vượt qua”, phải trở nên “những người đồng tâm trong tinh thần đạo đức”[12], Phụng vụ nguyện cầu để các tín hữu “giữ gìn trong cuộc sống điều đã lãnh nhận nhờ đức tin”[13]; đồng thời, việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong bí tích Thánh Thể nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu luôn thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hoá con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội.

11.

Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hoà hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích[14]. Vì thế, các mục tử không chỉ chủ tâm tuân giữ các quy luật trong các hành vi phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng vụ cách ý thức, tích cực và mang lại nhiều hoa trái.

12.

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ hạn hẹp trong việc tham dự Phụng vụ thánh. Thật vậy, người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha[15], hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng[16] như lời Thánh Tông Đồ khuyên dạy. Chính ngài cũng bảo chúng ta phải luôn mang nơi thân mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để sự sống của Người được biểu lộ trong thân xác phải chết của chúng ta[17]. Vì thế, trong Hy tế Thánh lễ, chúng ta cầu khẩn Chúa, “khi chấp nhận của lễ hy tế linh thiêng”, cũng biến chính chúng ta trở nên “lễ vật vĩnh cửu”[18] dâng lên Người.

13.

Những việc đạo đức của đoàn dân Kitô giáo, nếu thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Toà Thánh.

Những thực hành mang tính thánh thiêng của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn.

Nhưng vì tự bản chất, Phụng vụ trổi vượt hơn hẳn những thực hành vừa nói đến, nên phải tổ chức các việc đạo đức ấy tuỳ theo các mùa phụng vụ để luôn hoà hợp với Phụng vụ thánh, được khởi nguồn từ Phụng vụ và dẫn mọi người đến với Phụng vụ.

II. VIỆC HƯỚNG DẪN VỀ PHỤNG VỤ VÀ THÁI ĐỘ THAM DỰ TÍCH CỰC

14.

Mẹ thánh Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực, đây là điều do chính bản chất của Phụng vụ đòi hỏi, và cũng là quyền lợi và bổn phận của đoàn dân Kitô giáo, nhờ phép Rửa tội, đã trở nên “dòng dõi ưu tuyển, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, đoàn dân được tuyển chọn” (1 Pr 2,9; x. 2,4-5).

Trong việc canh tân và phát huy Phụng vụ thánh, cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa: bởi Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực; và đó là điều phải được những mục tử chăn dắt các linh hồn tận tâm hướng dẫn trong mọi hoạt động mục vụ.

Tuy nhiên, sẽ không có hy vọng đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu đậm tinh thần và năng lực của Phụng vụ, cũng như không trở nên thầy dạy trong lãnh vực này, vì thế, rất cần phải chú trọng đến việc giảng huấn về Phụng vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, thánh Công Đồng quyết nghị thiết lập những điều sau đây:

15.

Các giáo sư được trao trách nhiệm giảng dạy môn Phụng vụ thánh trong các chủng viện, các học viện dòng tu và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận vụ của họ tại các trường chuyên khoa.

16.

Môn Phụng vụ thánh phải được đặt vào hàng các môn học cần thiết và quan trọng tại các chủng viện và học viện dòng tu, và là môn học chính trong các phân khoa thần học; phải được luận giải từ những góc nhìn liên quan đến thần học, lịch sử, tu đức, mục vụ và giáo luật. Ngoài ra, giáo sư của các môn học khác, nhất là môn thần học tín lý, Thánh Kinh, thần học tu đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo linh mục.

17.

Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được đào tạo về Phụng vụ trong đời sống thiêng liêng, nhờ được hướng dẫn thích đáng để có thể am hiểu và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cả trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh cũng như khi thực hành các việc đạo đức khác vốn luôn thấm đượm tinh thần Phụng vụ thánh; cũng thế, họ phải tập quen tuân giữ các quy luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.

18.

Các linh mục triều hay dòng, đang làm việc trong vườn nho Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn am hiểu đầy đủ hơn về những gì các ngài thi hành trong tác vụ thánh, để sống đời phụng vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài.

19.

Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm thực hiện việc giảng dạy về Phụng vụ cho các tín hữu, giúp họ tham dự tích cực cả bề trong lẫn bề ngoài, tuỳ theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hoá tôn giáo của mỗi người, như vậy, các ngài sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa; đồng thời, trong lãnh vực này, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả gương lành.

20.

Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành thánh lễ, phải được thực hiện cách xứng đáng và thận trọng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người có đủ khả năng do các Giám mục chỉ định.

III. VIỆC CANH TÂN PHỤNG VỤ THÁNH

21.

Để đoàn dân Kitô giáo đón nhận được ân sủng dồi dào trong Phụng vụ thánh cách chắc chắn hơn, Mẹ thánh Giáo Hội muốn dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân toàn diện trong lãnh vực Phụng vụ. Quả thật, Phụng vụ có những điều không thể thay đổi vì do Thiên Chúa thiết lập, nhưng cũng có những phần theo dòng thời gian có thể hay thậm chí buộc phải thay đổi, nếu đã có chen vào đó những yếu tố không đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng vụ.

Trong việc canh tân này, phải sắp xếp các bản văn và các nghi thức để có thể diễn đạt rõ ràng hơn những thực tại thánh được biểu thị, và để đoàn dân Kitô giáo có thể dễ dàng hiểu biết các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự những nghi lễ ấy bằng việc cử hành trọn vẹn, tích cực và mang tính cộng đoàn.

Vì vậy, Thánh Công Đồng ấn định những quy tắc tổng quát sau đây:

A.      Các quy tắc tổng quát

22.

§1.  Việc điều hành Phụng vụ thánh tuỳ thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền của Tông Toà và các Giám mục, chiếu theo quy định của giáo luật.

§2.  Do năng quyền được ban theo luật, việc điều hành Phụng vụ trong những phạm vi luật định, cũng được dành cho các tập thể Giám mục có thẩm quyền, được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương.

§3. Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dù là linh mục, được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ.

23.

Để duy trì truyền thống tốt lành và đồng thời mở lối cho những tiến bộ chính đáng, trước khi tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng vụ, phải luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng về thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa, phải lưu tâm đến những quy luật tổng quát về cơ cấu và tinh thần phụng vụ cũng như đến kinh nghiệm đã có từ việc canh tân Phụng vụ mới đây và từ những đặc quyền đã ban cho một số nơi. Sau cùng, chỉ nên thực hiện những đổi mới khi thấy điều đó chắc chắn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho Giáo Hội và sau khi đã nghiên cứu cẩn thận để những điều được đổi mới phải thể hiện một cách nào đó sự tiến bộ mang tính hệ thống khởi đi từ những hình thức đang có.

Ngoài ra, cũng phải thận trọng tối đa để tránh tạo ra những khác biệt quá lớn về nghi lễ giữa các miền lân cận nhau.

24.

Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò vô cùng quan trọng. Thật vậy, Thánh Kinh chính là nguồn cung cấp các bài đọc được diễn giải trong bài giảng, các bài Thánh vịnh, đó cũng là nguồn cảm hứng và gợi ý cho các lời kinh nguyện, các bài phụng ca, và tạo nên ý nghĩa cho các động tác và dấu chỉ trong Phụng vụ. Do đó, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, như đã được minh chứng trong truyền thống khả kính của các Nghi chế Đông phương cũng như Tây phương.

25.

Phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám mục thuộc nhiều miền khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách Phụng vụ càng sớm càng hay.

B. Các quy tắc do bản chất của Phụng vụ xét như hoạt động đặc thù của hàng Giáo phẩm và cộng đoàn

26.

Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là đoàn Dân Thánh được quy tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục[19].

Vì vậy, các hoạt động phụng vụ thuộc về toàn Thân Thể Giáo Hội, bày tỏ Giáo Hội và tác động trên Giáo Hội; tuy nhiên, Phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt theo nhiều cách thức khác nhau, tuỳ vào phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự.

27.

Các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân, vì thế nên nhớ rằng, mỗi khi có thể, phải dành ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành một mình hoặc gần như riêng tư.

Điều này phải áp dụng đặc biệt cho việc cử hành thánh lễ và các bí tích, cho dù mỗi thánh lễ tự bản chất vẫn luôn mang tính công cộng và cộng đoàn.

28.

Trong các cử hành phụng vụ, khi thực thi phận vụ với tư cách là thừa tác viên hay là tín hữu, mỗi người phải thi hành trọn vẹn và chỉ thi hành những gì thuộc lãnh vực mình tuỳ theo bản chất sự việc và những quy tắc phụng vụ.

29.

Cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn lễ và các ca viên cũng là những người đang thực hiện một thừa tác vụ phụng vụ đích thực. Vì thế, họ phải thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành và nghiêm túc, đây là thái độ xứng hợp với một tác vụ cao trọng và cũng là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ.

Vì vậy, mỗi người tuỳ theo khả năng cần phải thấm nhuần tinh thần phụng vụ, và học hỏi để chu toàn các phần việc của mình theo đúng nghi thức và đúng quy định.

30.

Để phát huy việc tham dự tích cực, phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có những phút thinh lặng thánh.

31.

Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải lưu tâm để cả vai trò của các tín hữu cũng được tiên liệu trong những quy tắc chữ đỏ.

32.

Trong Phụng vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ và chức thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo quy tắc các luật phụng vụ, sẽ không có phân biệt đối với một cá nhân hay địa vị nào, hoặc trong nghi lễ hoặc trong các kiểu cách bên ngoài.

C. Các quy tắc do tính cách huấn giáo và mục vụ của Phụng vụ

33.

Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu[20]. Thật vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Chúa Kitô tiếp tục loan báo Tin Mừng của Người. Còn dân chúng đáp lời Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.

Hơn nữa, linh mục, người chủ tọa cộng đoàn với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể Dân Thánh và mọi người tham dự. Sau cùng, chính Chúa Kitô hoặc Giáo Hội đã chọn những dấu chỉ hữu hình được dùng trong Phụng vụ thánh để biểu thị những thực tại linh thánh vô hình. Do đó, không chỉ lúc đọc “những điều đã được ghi chép để dạy dỗ chúng ta” (Rm 15,4), mà cả khi Giáo Hội cầu nguyện, ca hát hay hành động, đức tin của những người tham dự cũng được nuôi dưỡng, tâm trí được hướng về Thiên Chúa để dâng lên lòng kính tôn sùng mộ, và để lãnh nhận dồi dào hơn nữa nguồn ân sủng của Ngài.

Vì thế, trong việc canh tân Phụng vụ cần phải tuân giữ những quy tắc tổng quát sau đây:

34.

Các nghi thức phải chiếu toả nét đơn sơ cao quý, phải ngắn gọn dễ hiểu và tránh những trùng lắp vô ích, phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, nói chung là không phải nhờ đến nhiều lời giải thích.

35.

Để việc liên kết mật thiết giữa nghi thức và lời đọc được biểu lộ rõ ràng trong Phụng vụ:

1) Khi cử hành các nghi lễ thánh, phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào, thay đổi và thích hợp hơn.

2) Vì bài giảng là một thành phần của cử hành phụng vụ, nên vị trí thích hợp nhất để giảng lễ phải được ghi trong các quy tắc chữ đỏ theo như nghi lễ cho phép; và phải hết sức trung thành và nghiêm túc chu toàn tác vụ giảng thuyết. Nội dung bài giảng phải được kín múc chủ yếu từ nguồn Thánh Kinh và Phụng vụ, trở nên lời rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn được hiện tại hoá và tác động trong chúng ta, nhất là khi cử hành Phụng vụ.

3) Cũng phải dùng mọi cách để dạy những bài giáo lý gắn liền với Phụng vụ hơn; và nếu cần, trong chính phần nghi thức, phải soạn một đôi lời hướng dẫn vắn tắt để vào những lúc thuận tiện, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền đọc những lời đã ghi sẵn hay nói những lời tương tự.

4) Phải cổ vũ việc suy tôn Lời Chúa vào ngày vọng các lễ trọng, cũng như một số ngày trong mùa Vọng, mùa Chay, những ngày Chúa nhật và các ngày lễ mừng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc thầy phó tế hoặc một người khác được Giám mục ủy nhiệm sẽ chủ sự việc suy tôn Lời Chúa.

36.

§1.  Việc dùng tiếng latinh, trừ khi có luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi chế latinh.

§2.  Tuy nhiên, việc dùng ngôn ngữ bản địa trong thánh lễ hay trong các cử hành bí tích, hoặc trong những lãnh vực khác của Phụng vụ, thường có thể đem lại nhiều ích lợi cho dân chúng, nên cũng được dễ dàng chấp thuận, đặc biệt đối với các bài đọc và các bài huấn dụ, một số lời nguyện và bài hát, dựa vào những quy tắc được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau.

§3.  Khi đã tuân hành đúng theo những quy tắc đó, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, và nếu cần, sau khi đã hội ý với các Giám mục trong những miền lân cận có chung một ngôn ngữ, có quyền quyết nghị về việc sử dụng tiếng bản địa và phương cách áp dụng, sau khi văn kiện đã được Toà Thánh chấp thuận hay chuẩn y.

§4.  Việc phiên dịch bản văn latinh ra tiếng bản địa để dùng trong Phụng vụ phải được thẩm quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y.

D. Các quy tắc để thích nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc

37.

Đối với những điều không liên can đến đức tin hay thiện ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một dạng thức đồng loạt cứng nhắc, kể cả trong Phụng vụ, nhưng đúng hơn, Giáo Hội muốn tôn trọng và phát huy những nét đẹp tinh thần, những tính cách đặc thù của mỗi dân tộc; trong tập tục của các dân tộc, bất cứ những gì không tuyệt đối gắn liền với những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với nhiều thiện cảm, và nếu có thể, vẫn được gìn giữ toàn vẹn và vững chắc, hơn nữa, đôi khi còn được đưa vào trong Phụng vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.

38.

Khi tu chỉnh các sách phụng vụ, Giáo Hội luôn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của Nghi chế Rôma, nhưng vẫn chấp nhận những thay đổi chính đáng và những thích nghi với các cộng đồng, các miền, các dân tộc, nhất là tại các xứ truyền giáo; nên để ý đến quy tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và xác lập các quy tắc chữ đỏ.

39.

Trong những giới hạn được ấn định cho bản nguyên mẫu của các sách phụng vụ, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, có quyền xác định những điều được thích nghi, đặc biệt việc cử hành các bí tích, á bí tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật, tuy nhiên phải theo đúng những quy tắc căn bản trong Hiến chế này.

40.

Tại nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, việc thích nghi Phụng vụ đòi hỏi phải thực hiện sâu xa hơn, do đó cũng gây nên nhiều khó khăn hơn, vì thế:

1) Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, phải thận trọng và khôn ngoan thẩm định xem những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể chấp nhận được trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Những điểm thích nghi được xét là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình và được Toà Thánh chấp thuận trước khi đưa vào Phụng vụ.

2) Để việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Toà Thánh sẽ đồng ý để Giáo Hội địa phương tuỳ trường hợp có thể cho phép và tiến hành việc sử dụng thử nghiệm sơ khởi cần phải có, trong một số cộng đoàn thích hợp và trong một khoảng thời gian hạn định nào đó.

3) Các quy luật phụng vụ thường làm cho việc thích nghi gặp phải những khó khăn đặc biệt, nhất là tại các xứ truyền giáo, vì thế cần phải nhờ đến các chuyên viên để thực hiện công việc này.

IV. PHÁT HUY ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ TRONG GIÁO PHẬN VÀ GIÁO XỨ

41.

Giám mục phải được xem như vị thượng tế của đoàn chiên, sự sống nơi các tín hữu của ngài trong Chúa Kitô một cách nào đó phát xuất từ ngài và lệ thuộc vào ngài.

Vì thế, mọi người phải thể hiện thật tốt đẹp đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám mục, nhất là tại nhà thờ chánh toà: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa Linh mục đoàn và các thừa tác viên đang quy tụ quanh Ngài[21].

42.

Vì Giám mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội của ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Đức Giám mục: vì một cách nào đó, các giáo xứ là hình ảnh của Giáo Hội hữu hình được thiết lập trên toàn cõi trái đất.

Vì thế phải phát huy đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ với Giám mục trong tâm tư cũng như trong hành động của các tín hữu và hàng giáo sĩ; đồng thời phải nỗ lực làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong cộng đoàn cử hành thánh lễ ngày Chúa Nhật.

V. PHÁT HUY HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ PHỤNG VỤ

43.

Nỗ lực phát huy và canh tân Phụng vụ thánh đáng được xem như một dấu chỉ của ý định quan phòng của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; đây là một đặc điểm làm nổi bật đời sống Giáo Hội, cũng như cách suy tư và hoạt động tôn giáo trong thời đại chúng ta.

Vì thế, để hoạt động về mục vụ phụng vụ được phát huy sâu rộng hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Đồng quyết định:

44.

Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, nên thiết lập một Ủy ban Phụng vụ với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia về phụng vụ, âm nhạc, nghệ thuật thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, Ủy ban này phải được trợ giúp bởi một học viện Mục vụ Phụng vụ gồm nhiều thành phần, và nếu cần, cả những giáo dân có khả năng về các lãnh vực vừa nêu. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính Ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về Mục vụ Phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải cổ vũ các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình Toà Thánh những điều cần được thích nghi.

45.

Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy ban Phụng vụ thánh để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới sự điều hành của Giám mục.

Và đôi khi nhiều giáo phận cũng nên phối hợp với nhau để lập một Ủy Ban chung để cùng hội ý trong công cuộc phát huy Phụng vụ.

46.

Ngoài Ủy ban Phụng vụ thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các Ủy ban Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh. Ba Ủy ban này cần phải hợp lực làm việc, và nhiều nơi cũng đã liên kết thành một Ủy ban duy nhất.

CHƯƠNG II

MẦU NHIỆM THÁNH LỄ TẠ ƠN

 

47.

Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái1, bữa tiệc vượt qua, “trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau”2.

48.

Vì thế, Giáo Hội luôn quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và khi không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là Trung Gian3, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.

49.

Vì vậy, để hy tế thánh lễ có được hiệu năng mục vụ trọn vẹn nhờ vào cả những nghi thức bên ngoài, thánh Công Đồng quyết định những điều sau đây về việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, đặc biệt vào những Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

50.

Phải tu chỉnh nghi thức thánh lễ để diễn đạt rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt cũng như mối tương quan giữa các phần trong thánh lễ, đồng thời để giúp các tín hữu tham dự thánh lễ sốt sắng và tích cực hơn.

Vì thế, các nghi lễ phải đơn giản hơn trong khi vẫn bảo toàn trọn vẹn bản chất của mình; phải loại bỏ những gì theo dòng thời gian đã trở nên trùng lắp hoặc được thêm vào cách vô ích; đối với những điểm đã bị xoá nhoà theo thời gian, phải dựa theo quy tắc cổ kính thời các thánh Giáo Phụ để tái lập những điều xét là thích hợp và cần thiết.

51.

Để bàn tiệc Lời Chúa được thêm phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng hơn nữa kho tàng Thánh Kinh, sao cho trong một số năm nhất định nào đó, dân chúng được nghe phần nội dung tiêu biểu nhất trong Thánh Kinh.

52.

Bài giảng dựa vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho cuộc sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, phải được coi là một thành phần của Phụng vụ; hơn nữa, trong các thánh lễ Chúa Nhật và lễ buộc có giáo dân tham dự, không được bỏ giảng, trừ khi có lý do hệ trọng.

53.

Phải tái lập “lời nguyện chung” hay “lời nguyện tín hữu”, sau bài đọc Tin Mừng và bài giảng, nhất là vào các Chúa Nhật và lễ buộc, để giáo dân cùng hợp chung lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những ai đang gặp khó khăn trước những nhu cầu cần thiết, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới4.

54.

Tiếng bản địa có thể được dùng khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là trong các bài đọc và “lời nguyện chung”, cả trong những phần dành cho dân chúng, tuỳ theo hoàn cảnh địa phương, chiếu theo quy tắc số 36 của Hiến chế này.

Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể đọc chung hoặc hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong thánh lễ.

Ở những nơi xét thấy nên dùng tiếng bản địa rộng rãi hơn trong thánh lễ, phải tuân giữ những điều đã quy định trong số 40 của Hiến chế này.

55.

Phải khuyến khích các tín hữu tham dự thánh lễ cách trọn vẹn hơn, bằng cách, sau khi linh mục hiệp lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng thánh lễ đó.

Về việc hiệp lễ dưới hai hình, những nguyên tắc tín lý do Công Đồng Trentô xác lập vẫn có giá trị5, tuy nhiên, trong những trường hợp được Toà Thánh minh định, có thể cho giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân hiệp lễ dưới hai hình tuỳ theo sự phân định của các Giám mục, chẳng hạn cho các tiến chức trong thánh lễ phong chức, những người tuyên khấn trong thánh lễ khấn dòng, và các tân tòng trong thánh lễ cử hành cùng với nghi thức Rửa tội.

56.

Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể là hai thành phần trong một ý nghĩa nào đó đã làm nên Thánh lễ, cả hai được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng tự duy nhất. Vì thế, thánh Công Đồng tha thiết kêu gọi những mục tử chăn dắt các linh hồn, khi giảng dạy giáo lý, hãy quan tâm khuyên nhủ các tín hữu tham dự trọn vẹn thánh lễ, nhất là vào các Chúa Nhật và những ngày lễ buộc.

57.

§1. Việc đồng tế, vốn rất thích hợp trong việc biểu lộ tính duy nhất của chức linh mục, hiện vẫn được duy trì trong Giáo Hội Đông phương cũng như Tây phương. Vì thế, Thánh Công Đồng mở rộng năng quyền đồng tế trong những trường hợp sau đây:

1. a) Thứ Năm Tuần Thánh, lễ làm phép Dầu cũng như lễ ban chiều;

b) các thánh lễ trong các Công Đồng, các Hội Nghị Giám mục và các Công nghị;

c) thánh lễ chúc phong Đan viện Phụ.

2. Ngoài ra, phải được phép của Đấng Bản Quyền, người có trách nhiệm cứu xét có nên đồng tế hay không trong những trường hợp sau đây:

a) thánh lễ trong tu hội và thánh lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc các linh mục hiện diện cử hành thánh lễ riêng;

b) các thánh lễ trong bất cứ cuộc hội họp nào của các linh mục triều cũng như dòng.

§2.

1. Việc ấn định quy luật đồng tế trong giáo phận thuộc quyền các Giám mục.

2. Tuy nhiên, dù mỗi linh mục vẫn có quyền cử hành thánh lễ một mình, nhưng không được dâng lễ riêng cùng một lúc trong cùng một nhà thờ, và trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

58.

Phải soạn thảo bản nghi thức mới về đồng tế, và phải đưa vào Sách Nghi Lễ Giám mục và Sách lễ Rôma.

CHƯƠNG III

CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH

 

59.

Các bí tích có mục đích thánh hoá con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng, thờ phượng Thiên Chúa; vì là những dấu chỉ, các bí tích cũng có tác dụng huấn giáo. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin, nhưng còn dùng lời nói và các vật thể hữu hình để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin, vì thế được gọi là các bí tích của đức tin. Thật vậy, các bí tích ban ân sủng, nhưng nghi thức cử hành sẽ giúp các tín hữu sẵn sàng đón nhận ân sủng đó cách hữu hiệu, thờ phượng Thiên Chúa cách thích đáng và thực thi đức ái.

Do đó, điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và siêng năng lãnh nhận các bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.

60.

Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các á bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hoá những cảnh huống đa dạng của cuộc sống.

61.

Vì thế, nơi các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, Phụng vụ các bí tích và á bí tích sẽ thánh hoá gần như tất cả các biến cố trong đời sống nhờ nguồn ân sủng siêu nhiên xuất phát từ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, Đấng chính là nguồn phát sinh năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích; và chắc chắn việc sử dụng chính đáng những vật thể hữu hình đều có thể hướng tới mục đích thánh hoá con người và ngợi khen Thiên Chúa.

62.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian, một số yếu tố đã được đưa vào các nghi thức khiến cho con người thời nay không còn nhận ra rõ ràng bản chất và mục đích của các bí tích và á bí tích, vì thế, cần phải thích nghi những yếu tố đó cho hợp với nhu cầu của thời đại, từ đó, trong việc duyệt xét lại các nghi thức, Thánh Công Đồng quyết định các điều sau đây:

63.

Vì việc dùng tiếng bản địa trong khi cử hành bí tích và á bí tích, có thể rất ích lợi cho giáo dân, nên có thể sử dụng rộng rãi ngôn ngữ địa phương theo những quy tắc sau đây:

a) Tiếng bản địa có thể được sử dụng trong khi cử hành các bí tích và á bí tích theo quy tắc đã nêu lên trong số 36.

b) Dựa theo ấn bản mới của quyển Nghi Lễ Rôma, các sách Nghi thức riêng thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, phải được soạn thảo càng sớm càng tốt bởi thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, và sau khi đã được Toà Thánh chuẩn y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền liên quan. Trong việc soạn thảo các sách Nghi thức, hay những tập sách đặc biệt về các nghi thức, không được bỏ qua những huấn thị ghi ở đầu từng nghi thức trong sách Nghi Lễ Rôma, dù là huấn thị về mục vụ, về phần chữ đỏ, hay những huấn thị có tầm quan trọng đặc biệt về phương diện xã hội.

64.

Phải phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn tách biệt, và việc thực hiện phải tuỳ theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương; nhờ đó, thời gian dự tòng dành cho việc huấn giáo tương xứng có thể được thánh hoá bởi những nghi thức thánh, được cử hành vào những thời điểm nối tiếp nhau.

65.

Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được phép công nhận những yếu tố của việc khai tâm đang được thực hiện nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi thức Kitô giáo, theo quy tắc đã nêu trong các số 37-40 của Hiến chế này.

66.

Phải duyệt lại cả hai nghi thức Rửa tội cho người trưởng thành, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể dựa trên chương trình mới của giáo lý dự tòng; và sẽ đưa vào Sách lễ Rôma một lễ đặc biệt trong dịp “ban bí tích Thánh Tẩy”.

67.

Phải duyệt lại nghi thức Rửa tội cho trẻ em, và thích nghi với trường hợp các trẻ sơ sinh; nghi thức phải làm nổi bật hơn nữa vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu.

68.

Khi có đông người chịu bí tích Thánh Tẩy, trong nghi lễ nên có những thích ứng tuỳ theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương. Cũng phải soạn thảo một “nghi thức vắn tắt”, để các giáo lý viên, đặc biệt trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu, có thể sử dụng trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục hay phó tế.

69.

Thay vì nghi thức vẫn được gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã rửa tội”, phải soạn thảo một nghi thức mới, trong đó cần nêu rõ cách xác đáng rằng em bé, khi được rửa tội theo nghi thức vắn tắt, cũng đã được nhận vào Giáo Hội rồi.

Cũng thế, đối với những người trước kia đã được rửa tội thành sự, nay trở về với Giáo Hội Công giáo, phải soạn thảo một nghi thức mới để tiếp nhận họ vào trong tình thông hiệp với Giáo Hội.

70.

Ngoài mùa Phục sinh, có thể làm phép nước rửa tội ngay trong nghi thức thánh tẩy, theo một công thức vắn tắt đã được chuẩn nhận.

71.

Nghi thức Thêm sức cũng cần được duyệt lại để làm sáng tỏ hơn mối tương quan mật thiết giữa bí tích này với toàn thể tiến trình khai tâm Kitô giáo ; vì thế, nên lập lại lời hứa Rửa tội ngay trước khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức.

Nếu thuận tiện, có thể cử hành bí tích Thêm Sức trong thánh lễ; phải soạn thảo một công thức theo dạng dẫn nhập dành cho nghi thức cử hành bí tích ngoài Thánh lễ.

72.

Nghi lễ và công thức bí tích Giải Tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu năng của bí tích này.

73.

“Bí tích Xức dầu sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức Dầu bệnh nhân” không phải là bí tích chỉ dành riêng cho những người hấp hối. Như thế, rõ ràng thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này là lúc người tín hữu bắt đầu lâm vào tình trạng nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.

74.

Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là xức dầu bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng.

75.

Số lần xức dầu sẽ tuỳ nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau của các bệnh nhân xin nhận lãnh bí tích.

76.

Nghi lễ Phong chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Bài huấn dụ của Đức Giám mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản địa.

Trong Nghi lễ Tấn phong Giám mục, tất cả các Giám mục hiện diện đều có thể đặt tay.

77.

Nghi lễ cử hành hôn phối hiện có trong sách Nghi lễ Rôma phải được duyệt lại và làm cho phong phú hơn, để diễn đạt rõ ràng hơn về ân sủng của bí tích và nhấn mạnh nhiều hơn về bổn phận của đôi vợ chồng.

“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành bí tích Hôn Phối, Thánh Công Đồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó”1.

Ngoài ra, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, có quyền soạn thảo, theo quy tắc trong số 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc, nhưng phải duy trì việc linh mục chủ sự phải hỏi và nhận lời ưng thuận của hai người kết ước.

78.

Theo thường lệ, Hôn phối phải cử hành trong thánh lễ, sau bài đọc Phúc Âm, bài giảng và trước “lời nguyện tín hữu”. Lời cầu nguyện dành cho tân nương phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh đến việc cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau, lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản địa.

Nhưng nếu cử hành bí tích Hôn Phối ngoài thánh lễ, phải đọc bài Thánh Thư và Tin Mừng của Lễ Hôn phối trước khi bắt đầu nghi thức và luôn phải đọc lời chúc lành cho đôi tân hôn.

79.

Các á bí tích cũng phải được duyệt lại, theo định hướng căn bản là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, đồng thời cũng cần lưu tâm đến những nhu cầu đương thời. Khi duyệt lại các nghi thức theo quy tắc trong số 63, có thể lập thêm các á bí tích mới tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi.

Các nghi thức làm phép được dành riêng cũng sẽ phải hạn chế tối đa, và chỉ được dành riêng cho các Giám mục và các Đấng Bản Quyền.

Có thể dự liệu việc cho phép những giáo dân có khả năng thích hợp, được cử hành một vài á bí tích, ít là trong những trường hợp đặc biệt và tuỳ theo sự xét định của Đấng Bản Quyền.

80.

Phải duyệt lại Nghi lễ thánh hiến các trinh nữ, đã có trong Sách Nghi lễ Giám mục Rôma.

Ngoài ra, cần soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn mang tính thống nhất, giản dị và trang trọng hơn, dành cho những người tuyên khấn hay lập lại lời khấn trong thánh lễ, ngoại trừ trường hợp có đặc quyền riêng.

Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong thánh lễ.

81.

Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách vượt qua của cái chết nơi người Kitô hữu, và phải đáp ứng tốt đẹp hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu lễ phục Phụng vụ.

82.

Phải duyệt lại nghi lễ an táng trẻ em và lập một thánh lễ riêng.

 


[1] Sách lễ Rôma, Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.

[2] x. Dt 13,14.

[3] x. Ep 2,21-22.

[4] x. Ep 4,13.

[5] x. Is 11,12.

[6] x. Ga 11,52.

[7] x. Ga 10,16.

1 x. Is 61,1; Lc 4,18.

2 T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Ephesios, VII, 2: xb. F. X. Funk, Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, tr. 218.

3 x. 1 Tm 2,5.

4 Sacramentarium Veronense (Leonianum): xb. C. Mohlberg, Rôma, 1956, số 1265, tr. 162.

5 Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh.

6 x. Lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách lễ Rôma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.

7 x. Mc 16,15.

[1] x. Cv 26,18.

[2] x. Rm 6,4; Ep 2,6; Cl 3,1; 2 Tm 2,11.

[3] x. Ga 4,23.

[4] x. 1 Cr 11,26.

[5] CĐ TRENTÔ, Khoá 13, 11.10.1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum, Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, xb. Societas Goerresian„, Bộ VII; Actorum phần IV, Friburgi Brisgovi„ 1961, tr. 202.

[6] CĐ TRENTÔ, Khoá 22, 17.9.1562, Giáo thuyết De SS. Miss„ Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, xb. Societas Goerresian„, Bộ VIII; Actorum phần V, Friburgi Brisgovi„ 1919, tr. 960.

[7] x. T. AUGUSTINÔ, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số 7: PL 35, 1428.

[8] x. Kh 21,2; Cl 3,1; Dt 8,2.

[9] x. Pl 3,20; Cl 3,4.

[10] x. Ga 17,3 ; Lc 24,27; Cv 2,38.

[11] x. Mt 28,20.

[12] Sách lễ Rôma, Ca hiệp lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh.

[13] Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thứ Ba tuần Phục Sinh.

[14] x. 2 Cr 6,1.

[15] x. Mt 6,6.

[16] x. 1 Ts 5,17.

[17] x. 2 Cr 4,10-11.

[18] Sách lễ Rôma, Lời nguyện dâng lễ Thứ Hai tuần Hiện Xuống.

[19] T. CYPRIANÔ, De cath. eccl. unitate, 7: xb., bộ III, 1, Vienna 1868, tr. 215-216; x. Epist. 66, số 8, 3: xb. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 2, Vienna 1871, tr. 732-733.

[20] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22, 17.9.1562, Doctrina De ss. Miss„ sacrif., c. 8: Concilium Tridentinum, xb. Societas Goerresian„, bộ VIII, tr. 961.

[21] x. T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Magn. 7; Ad Phil. 4: Ad Smyrn. 8: xb. F. X. Funk, Patres Apostolici, I, tr. 236, 266, 281.

1 x. T. AUGUSTINÔ, In Ioannis Evangelium Tractatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613.

2 Kinh Nhật Tụng Rôma, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, Tiền xướng Kinh Magnificat.

3 x. T. CYRILLÔ ALEXANDRIA, Commentarium in Ioannis Evangelium, XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565, nhất là 564-565.

4 x. 1 Tm 2,1-2.

5 CĐ TRENTÔ, Khoá 21, 16.7.1562, Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3, khoản 1-3: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresian„, bộ VIII, 698-699.

1 CĐ TRENTÔ, Khoá 24, 11.11.1563, Sắc lệnh De Reformatione, ch. 1: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresian„, IX, Actorum, phần VI, Friburgi Brisgovi„ 1924, tr. 969; x. Rituale Romanum, tiết VIII, ch. II, 6.