Cơ Quan Tòa Thánh

Sunday, 05 April 2020 10:52

Bộ Giáo Sĩ: Tài Liệu Hỗ Trợ Các Cha Giải Tội Và Linh Hướng - 2011 (2) Featured

BỘ GIÁO SĨ

LINH MỤC - THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

TÀI LIỆU HỖ TRỢ CÁC CHA GIẢI TỘI VÀ LINH HƯỚNG

Nhà Xuất Bản Vatican 2011
Dịch từ bản Anh Ngữ:

CONGREGATION FOR THE CLERGY,
The Priest, Minister of Divine Mercy,
An aid for confessors and spiritual directors


Người dịch : Phêrô Đặng Xuân Thành

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội

*****

 
***

PHẦN HAI

THỪA TÁC VỤ LINH HƯỚNG

 

I. TẦM QUAN TRỌNG HIỆN NAY – GIỜ PHÚT ÂN SỦNG

Một hành trình lịch sử và đương đại

64. Việc tư vấn tâm linh đã được thi hành từ buổi ban đầu của Giáo Hội cho tới ngày hôm nay. Cũng có người gọi đây là linh hướng hay đồng hành thiêng liêng. Đó là một việc thực hành xa xưa, đã được thử thách qua thời gian, đem lại biết bao hoa trái trong đường nên thánh và trong sự dấn thân theo Tin mừng.

Các Giáo Phụ, Huấn Quyền Hội Thánh, đông đảo các tác giả sách thiêng liêng và các quy tắc hướng dẫn đời sống Giáo Hội đều nói tới nhu cầu linh hướng, đặc biệt đối với những người đang trong thời kỳ đào tạo hay huấn luyện, cũng như đối với những người đang sống trong một số bậc sống nào đó của Giáo Hội. Sẽ có một số thời điểm trong cuộc đời con người đòi chúng ta phải phân định cách đặc biệt và phải có sự đồng hành huynh đệ của ai đó. Điều này phát xuất từ chính lô-gíc của đời sống kitô hữu. "Cần khám phá lại truyền thống to lớn của việc hướng dẫn thiêng liêng cá nhân, một việc làm luôn đem lại những hoa trái đáng kể và quý giá cho đời sống Giáo Hội" (74).

65. Chúa luôn gần gũi các môn đệ. Dù gọi bằng cái tên nào, linh hướng là một việc luôn có mặt trong Giáo Hội. Ban đầu, việc làm này chỉ thấy nơi các đan viện Đông Phương và Tây Phương. Kể từ thời Trung Cổ, đó là một phần nội dung của các trường tu đức. Như có thể thấy phản ảnh trong các bút tích của thánh Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá, Ignatiô Loyola, Phanxicô Salêsiô, Anphonsô Ligori, đức hồng y Pierre de Bérulle, việc làm này đã được thực hành rộng rãi nhiều hơn trong đời sống kitô hữu vào những thế kỷ 16 và 17. Nếu việc linh hướng luôn luôn được trao cho các đan sĩ và linh mục thì tư vấn tâm linh có thể được thi hành bởi các thành phần khác trong tín hữu Công Giáo (tu sĩ và giáo dân) như thánh nữ Catarina chẳng hạn. Luật lệ Giáo Hội đã khai thác tất cả những kinh nghiệm này để đưa ra những quy tắc cho việc đào tạo linh mục và tu sĩ. Chúng ta cũng thấy một số giáo dân được đào tạo tốt – cả nam lẫn nữ - tham gia công việc tư vấn tâm linh này để giúp người khác tiến lên trên con đường nên thánh.

Đào tạo các linh mục làm việc đồng hành thiêng liêng

66. Linh hướng là một sự giúp đỡ các tín hữu trên con đường nên thánh – một sự giúp đỡ luôn dành sẵn cho hết mọi người, bất kể họ thuộc về bậc sống nào. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu về phía tín hữu càng ngày người ta càng có nhu cầu được linh hướng, thì cũng vậy càng ngày càng có nhu cầu phải chuẩn bị các linh mục tốt hơn để làm công tác linh hướng. Chương trình huấn luyện ấy sẽ giúp họ có khả năng làm việc tư vấn tâm linh một cách chuyên cần, với sự phân định và đồng hành hẳn hoi. Nơi nào có sẵn việc linh hướng, nơi ấy có sự đổi mới cá nhân và cộng đoàn, có các ơn gọi, có tinh thần truyền giáo và lạc quan hy vọng.

67. Môn thần học linh đạo và tìm hiểu đời sống thiêng liêng càng ngày càng trở nên cấp thiết, trong thời gian chuẩn bị làm linh mục. Thật vậy, linh hướng là một khía cạnh đầy đủ trong thừa tác vụ giảng dạy và hoà giải. Các linh mục được mời gọi hãy hướng dẫn các linh hồn trên con đường nên giống Đức Kitô, cũng là con đường chiêm ngắm Đức Kitô. Linh hướng để phân định Thần Khí đúng là một phần trong tác vụ linh mục. "Trong lúc tìm cách thăm dò các thần để xem các thần ấy có là của Chúa hay không, các linh mục nên lấy đức tin mà giới thiệu các đoàn sủng khiêm tốn nhưng cao quý của người giáo dân, vui vẻ nhìn nhận các đoàn sủng ấy và cần mẫn hỗ trợ các đoàn sủng ấy" (75).

68. Ngay khi mới bước vào chủng viện, chủng sinh đã được linh hướng; đó như một phần căn bản của việc đào tạo căn bản để làm linh mục: "Thông qua việc đào tạo thiêng liêng, nhất là thông qua việc linh hướng thích hợp, các chủng sinh cần được chuẩn bị để đi theo Đức Kitô Cứu Thế với tinh thần quảng đại và con tim thanh khiết" (76).

69. Linh hướng không phải chỉ là bàn hỏi về giáo lý. Mà đúng hơn linh hướng đụng chạm tới mối quan hệ và nỗ lực đồng hoá thâm sâu của chúng ta với Đức Kitô. Việc làm này cũng luôn luôn liên hệ đến Ba Ngôi Thiên Chúa: "Đào tạo thiêng liêng phải gắn liền với đào tạo giáo lý và mục vụ, và với sự giúp đỡ đặc biệt của vị linh hướng, chủng sinh cần được đào tạo thiêng liêng thế nào để họ có thể biết cách sống kết hợp không ngừng và thân mật với Chúa Cha qua Chúa Con là Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần" (77).

Linh hướng và thừa tác vụ linh mục

70. Khi mô tả các nhiệm vụ ("munera") của người linh mục, người ta phải lưu ý tới mối quan hệ sinh tử của việc này với đời sống thiêng liêng của các tín hữu : "Anh em là thừa tác viên của bí tích Thánh Thể và thừa tác viên của lòng Chúa thương xót qua bí tích Sám Hối. Chính anh em sẽ mang an ủi đến cho dân và hướng dẫn dân trong những lúc khó khăn của cuộc đời" (78).

Trong việc linh hướng người ta luôn dành chỗ quan trọng cho việc phân định Thánh Thần là đấng đang dìu dắt chúng ta đến chỗ được thánh hoá, thi hành sứ mạng tông đồ và hiệp thông vào đời sống Giáo Hội. Lý luận theo Thánh Thần sẽ bắt chúng ta phải sống trong sự thật và sự tốt lành theo gương Đức Kitô. Cần cầu xin Ngài soi sáng, tăng sức mạnh để chúng ta có thể phân định làm thế nào sống trung thành với các chỉ thị của Ngài.

71. Có thể nói quan tâm tới đời sống thiêng liêng của các tín hữu, hướng dẫn họ tập chiêm ngắm và hoàn thiện, giúp đỡ họ phân định ơn gọi, đó đúng là một việc mục vụ phải được ưu tiên: "Đứng trên quan điểm này, chúng ta có thể diễn tả việc phát triển ơn gọi linh mục bằng cách cương quyết mời gọi người ấy linh hướng... Về phần mình, các linh mục sẽ phải là người đầu tiên sẵn sàng dành thời giờ và sức lực để làm công việc giáo dục và hướng dẫn thiêng liêng cá nhân này. Họ sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì đã bỏ quên hay đặt vào hàng thứ yếu biết bao nhiêu điều tự chúng vốn tốt lành và hữu ích, nếu họ thấy quả là cần phải trung thành thi hành tác vụ cộng tác với Chúa Thánh Thần để soi sáng và hướng dẫn những người được Chúa kêu gọi" (79).

72. Công tác mục vụ chăm sóc giới trẻ, nhất là giúp họ phân định được ơn gọi của mình, cũng bao gồm việc linh hướng và tư vấn thiêng liêng: "Như đức giáo hàong Phaolô VI đã viết trước khi được bầu làm giáo hoàng: 'Việc linh hướng nhắm tới một mục tiêu rất tuyệt vời. Có thể nói công việc này hết sức cần thiết để giáo dục luân lý và thiêng liêng cho người trẻ nào muốn tìm ra ơn gọi của mình và theo đuổi ơn gọi ấy tới cùng một cách hết sức trung thành. Việc linh hướng sẽ luôn luôn có ích trong hết mọi giai đoạn của cuộc đời, nếu như dựa vào sự soi sáng và thân thiện của một người tư vấn đạo đức và khôn ngoan chúng ta có thể nhờ đó tìm ra ý hướng ngay lành của mình và được giúp đỡ để quảng đại chu toàn các bổn phận của mình. Đó là một phương thế tâm lý học rất tế nhị nhưng vô cùng có ích. Đó là một nghệ thuật mang tính giáo dục và tâm lý đòi những người làm việc này phải có tinh thần trách nhiệm sâu xa. Còn đối với người được linh hướng, đó chính là một hành vi thiêng liêng nói lên sự khiêm nhường và tin tưởng" (80).

73. Linh hướng thường đi đôi với bí tích Sám Hối, ít là như một hậu quả có thể xảy ra, khi người tín hữu yêu cầu được hướng dẫn trên con đường nên thánh, cũng là con đường ơn gọi đặc biệt của mình: "Bên cạnh bí tích Hoà Giải, các linh mục cũng phải thi hành tác vụ linh hướng. Tái khám phá và mở rộng việc thực hành này, cả khi không cử hành bí tích Sám Hối, rất có lợi cho Giáo Hội ngày nay. Thái độ tích cực và quảng đại của các linh mục khi làm việc này cũng tạo ra cơ hội quan trọng cho những ai muốn xác định và nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục hay làm người tận hiến dưới các hình thức khác nhau"(81).

Khi các thừa tác viên có chức thánh được linh hướng

74. Các linh mục cũng cần được linh hướng, một việc làm có liên quan mật thiết với Đức Kitô và lấy Đức Kitô làm linh hồn : "Muốn thi hành tác vụ mà vẫn trung thành ngày ngày trò chuyện với Đức Kitô, thì thăm viếng và tôn thờ Thánh Thể, tĩnh tâm và linh hướng chính là những việc làm rất có giá trị" (82).

75. Chính thực tế của thừa tác vụ bắt các linh mục phải đích thân được linh hướng, tạo cơ hội để được linh hướng và trung thành với việc này, để có thể có khả năng hơn mà hướng dẫn người khác: "Để góp phần cải thiện đời sống thiêng liêng của mình, các linh mục cần được linh hướng. Khi đặt việc đào tạo linh hồn mình vào tay một anh em linh mục khôn ngoan, họ sẽ giúp cho lương tâm mình được soi sáng thêm ngay từ những bước đầu tiên thi hành tác vụ, và sẽ nhận thức được cần hết sức tránh buớc đi một mình trên con đường thiêng liêng và trong khi thi hành các công tác mục vụ. Để vận dụng phương thế đào tạo hết sức hữu hiệu này, một phương thức đã có nền tảng lâu dài trong Giáo Hội, các linh mục sẽ được tự do hoàn toàn chọn người hướng dẫn mình" (83).

76. Tham khảo ý kiến của các anh chị em mình luôn luôn là điều cần làm mỗi khi giải quyết các vấn đề cá nhân và cộng đoàn. Điều này càng đúng, khi chúng ta nhờ vả những người có ơn tư vấn một cách rõ ràng và những người, dựa vào ơn Chúa ban cho bậc sống của họ, đang thể hiện ơn ấy trong khuôn khổ sứ mạng được giao cho, nhưng vẫn không quên nhà "tư vấn" hay "linh hướng" trên hết vẫn là Chúa Thánh Thần, đấng chúng ta phải cầu nguyện không ngừng với lòng tin tưởng và phó thác.

II. NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN

Bản chất và nền tảng thần học

77. Đời sống kitô hữu là một "hành trình". Đó là một đời sống trong Chúa Thánh Thần (cf. Gl 5,25), trong sự hài hoà, quan hệ, noi gương và trở nên giống Đức Kitô bằng cách tham gia vào tử hệ thần linh của Ngài. Thế nên, tất cả những ai được Thánh Thần Chúa hướng dẫn đều là con Chúa (cf. Rm 8,14). Nhờ được linh hướng, chúng ta sẽ biết phân biệt thần khí sự thật và thần khí sai lầm (cf. 1Ga 4,6), cũng như biết cách trang bị để trở thành người mới, đã được dựng nên thánh thiện theo sự công chính của thiên Chúa (cf. Ep 4,24). Việc linh hướng là nguồn hỗ trợ đặc biệt giúp chúng ta phân định được đâu là đường nên thánh và nên trọn lành.

Sở dĩ có việc đồng hành hay "linh hướng" này là vì Giáo Hội vốn là sự hiệp thông, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là gia đình huynh đệ trong đó mọi người sẽ tùy theo đoàn sủng Chúa ban cho mà giúp đỡ nhau. Giáo Hội là một tổ phức hợp gồm nhiều nguồn "trung gian" khác nhau, đáp ứng các thừa tác vụ, các ơn gọi và các đoàn sủng khác nhau. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau, nhất là trong lãnh vực tư vấn tâm linh. Nói tới tư vấn tâm linh là nói tới việc đi tìm và đón nhận những góp ý xuất phát từ Chúa Thánh Thần thông qua anh chị em mình.

Tất cả chúng ta đều đã nhận được các ơn Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận phép Rửa Tội và Thêm Sức. Trong số các ơn ấy có ơn "chỉ bảo" rất quan trọng. Kinh nghiệm của Giáo Hội cho thấy có một số người được ban cho ơn ấy ở mức độ cao và được mời gọi hãy sử dụng ơn ấy mà phục vụ người khác. Thỉnh thoảng có người thi hành việc linh hướng như một công tác chính thức được giáo quyền hay một cộng đoàn giáo hội mà họ tham gia giao cho.

Mục tiêu riêng

78. Bởi thế, mục tiêu chính của việc linh hướng là giúp phân định các dấu chỉ cho biết ý Chúa muốn chúng ta tiến bước thế nào trong hành trình ơn gọi, cầu nguyện, hoàn thiện, muốn chúng ta làm gì trong đời sống hằng ngày và trong sứ mạng huynh đệ của mình. Thông thường, chúng ta hay nói đó là giúp phân định sự soi sáng hay thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Cũng có khi sự phân định này trở nên hết sức khẩn trương. Nhưng dù gì chăng nữa, lúc nào chúng ta cũng phải lưu ý tới "đoàn sủng" thuộc về ơn gọi mỗi người hay thuộc về cộng đoàn mà đương sự đang sống.

79. Trong khi tìm cách phân định các dấu chỉ cho biết ý Chúa muốn, với sự giúp đỡ của một anh chị em nào đó, đôi khi chúng ta phải đề cập đến những vấn đề liên quan tới đời sống luân lý hay việc thực hành các nhân đức, cũng như phải tin tưởng trình bày một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta muốn làm sáng tỏ. Tuy nhiên, nếu không chân thành ao ước nên thánh thì việc linh hướng sẽ mất mục tiêu ngay. Mục tiêu của việc linh hướng nằm ngay trong chính hành trình đức tin, cậy và mến (chẳng hạn làm sao giúp mình có được những giá trị tiêu chuẩn và quan điểm của Kitô Giáo): chúng ta biết được mục tiêu ấy dựa vào các dấu chỉ cho biết ý Chúa muốn đối với đoàn sủng mà chúng ta đã tiếp nhận. Người được linh hướng phải luôn luôn gánh lấy trách nhiệm của mình và tự mình đưa ra những sáng kiến.

80. Tìm người hướng dẫn tinh thần, tín nhiệm bộc bạch vấn đề của mình, sử dụng các phương thế để được cứu độ, tất cả những việc đó đều phải được coi là một phần trong hành trình đi tìm ý Chúa. Nếu không chân thành mong muốn nên thánh, việc linh hướng sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu riêng của mình trong đời sống kitô hữu.

Chuyển động và quá trình

81. Muốn xúc tiến việc linh hướng, chúng ta cần phải biết chính mình dựa vào ánh sáng của Tin Mừng và bởi đó cần phải tin tưởng vào Chúa. Đây là một cuộc hành trình dẫn chúng ta tới chỗ quan hệ với Đức Kitô một cách cá nhân, để cùng với Ngài chúng ta học và hành được các nhân đức như khiêm tốn, tin tưởng, hy sinh theo như giới răn mới của Chúa dạy – giới răn yêu thương.

Chúng ta có thể đào tạo lương tâm bằng cách dạy dỗ trí khôn, soi sáng trí nhớ, củng cố ý chí, định hướng khát vọng và ủng hộ các bước quyết tâm nên thánh.

82. Có thể tổ chức việc linh hướng thành các giai đoạn khác nhau. Dù không nhất thiết phải theo trật tự này, nhưng các giai đoạn này sẽ phát triển theo các vòng tròn đồng tâm: đầu tiên là hướng dẫn để biết mình, rồi tin tưởng vào tình thương của Chúa, sau cùng là tận hiến cho Ngài ; hay tập tin vào sự phối hợp hài hoà giữa thanh tẩy, đức chiếu và kết hợp. Đây là chuyển động của một cuộc sống đã được phối hợp với đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi (cf. Ga 14,23; Ep 2,18) bằng cách tập trở nên giống Đức Kitô (từ các tiêu chuẩn, các giá trị đến cách ứng xử hay từ đức tin, đức cậy đến đức mến...) và sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một việc đã được chúng ta trung thành và quảng đại đón nhận.

Tất cả những điều này đều sẽ diễn ra trên một loạt địa bàn hay trong một lô lãnh vực – từ trong quan hệ với Chúa, đến khi lao động, quan hệ xã hội và tổ chức một cuộc sống toàn vẹn. Đâu đâu chúng ta cũng tìm cách đọc ra ý Chúa thông qua sự góp ý và đồng hành với người khác : tham gia hoạt động cầu nguyện, phân định ơn gọi và trung thành sống gọi, chung thủy và hy sinh để nên trọn lành, sống hài hoà trong sự "hiệp thông" huynh đệ cộng đoàn và dấn thân thi hành sứ mạng. Việc đồng hành và tư vấn thiêng liêng cũng có thể dẫn chúng ta tới những biện pháp cụ thể cần đưa ra thực hành. Trong tất cả quá trình này, không bao giờ được quên rằng Chúa Thánh Thần mới chính là nhà linh hướng đích thực, dù cá nhân mỗi người vẫn phải có trách nhiệm và sáng kiến.

83. Trên đường cầu nguyện ấy (cầu nguyện riêng hay tập thể hoặc trong phụng vụ), chúng ta phải dạy cho nhau biết cầu nguyện, bằng cách lưu ý tới thái độ hiếu thảo của kinh Lạy Cha, tức là khiêm tốn, tin tưởng và yêu thương. Sách vở của các bậc thầy tu đức sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trên buớc đường này : chúng sẽ giúp chúng ta "mở rộng tâm hồn và vui sướng khi có Ngài trước mặt" (Cha Sở Họ Ars) để hai bên nhìn nhau: "Tôi nhìn Ngài, Ngài nhìn tôi" (lời của một giáo dân họ Ars khi làm theo lời chỉ bảo của Cha Sở). Cứ như thế, chúng ta chấp nhận sự có mặt của Chúa Kitô như được ban cho chúng ta, và chúng ta tập biến sự có mặt của mình thành thời gian cho mình "nghỉ ngơi bên cạnh con người chúng ta biết rõ và yêu thương" (thánh Têrêxa Giêsu). Đó là sự thinh lặng để thờ lạy, sung sướng và dâng hiến của một người "đang nhìn bằng con tim" (thánh Têrêxa thành Lisieux), nhưng đó cũng là sự thinh lặng của một người đang thưa gởi như Đức Kitô trong vườn Ghếtsêmani ngày xưa.

Cho hết mọi ơn gọi và mọi bậc sống

84. Theo như Đức Giêsu đã mời gọi ("Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là đấng trọn lành" : Mt 5,48), các linh mục cũng mời gọi các tín hữu bước vào "con đường sống sung mãn như con cái Chúa (84) để có được 'sự hiểu biết từ trong kinh nghiệm về Đức Kitô" (85) . Những yêu cầu đặt ra cho đời sống kitô hữu (bất luận là giáo dân, tu sĩ hay linh mục) sẽ không thể nào hiểu được, nếu không có đời sống "thiêng liêng" này, tức là sống theo Thánh Thần, đẩy chúng ta tới chỗ sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho người nghèo (cf. Lc 4,18).

85. Trong hành trình ơn gọi, tùy theo bậc sống của mỗi người, cần phải quan tâm trên hết tới những động cơ và ý hướng ngay lành, sự tự do khi chọn lựa, việc đào tạo để có những đức tính và khả năng phù hợp.

Các chuyên viên thần học thường mô tả nhà linh hướng như một người hướng dẫn chúng ta đưa ra những áp dụng cụ thể, một người khơi gợi cho chúng ta xả thân và đề xuất với chúng ta những phương thế nên thánh phù hợp với từng người và từng hoàn cảnh, không quên ơn gọi riêng của mỗi người. Các ngài sẽ giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn chính trong khuôn khổ đó – khuôn khổ của những người đang nỗ lực một cách nghiêm túc để buớc theo Đức Giêsu thật sự.

86. Có thể linh hướng thường xuyên hay định kỳ hoặc chỉ đồng hành thiêng liêng khi có dịp hay khi có việc ("ad casum"). Ban đầu, việc linh hướng có thể đòi hỏi hơn. Thường thường, một số tín hữu, trong lúc theo đuổi ơn gọi, được khuyến khích đi tìm sự linh hướng, có thể là do nghe một bài giảng, đọc một cuốn sách nào đó, hay sau một cuộc tĩnh tâm, tham gia một nhóm cầu nguyện, hoặc khi đi xưng tội. Khi cẩn thận nghiên cứu các tài liệu của Huấn Quyền Giáo Hội, người đọc cũng có thể được khơi dậy nhu cầu đi tìm sự hướng dẫn để sống đời sống kitô hữu cách trung thành hơn. Càng tha thiết với đời sống thiêng liêng như thế, người ta càng tích cực dấn thân xã hội: "Cởi mở với Chúa sẽ làm chúng ta cởi mở với anh chị em mình và sẽ giúp chúng ta khám phá ra cuộc đời này là một nhiệm vụ thật vui vẻ mà chúng ta có bổn phận phải chu toàn trong tinh thần liên đới" (86).

III. NHỮNG CHỈ DẪN THỰC TIỄN

Hành trình cụ thể hay đường sống tâm linh

87. Khởi sự với một cơ cấu linh hướng được phác hoạ cách căn bản, không quên hoàn cảnh của con người hôm nay, sự cộng thông giữa ân sủng và những điều kiện văn hoá và xã hội đương đại, nay chúng ta có thể đưa ra một vài chỉ dẫn thực tiễn, dù những chỉ dẫn này luôn mở ngỏ để tiếp nhận những ân sủng mới và những hoàn cảnh mới.

Khi thực hành linh hướng, người ta không bao giờ được quên cứu xét ơn gọi riêng của người xin linh hướng hay tư vấn trong Giáo Hội. Người ta cũng phải nhìn tới bậc sống, những đoàn sủng riêng và những ơn riêng được ban cho đương sự. Vì mỗi người là một đơn vị "thống nhất", nên cần phải biết rõ hoàn cảnh đặc biệt của họ, gia đình, công ăn việc làm, v.v... Khi có dịp làm việc với một đoàn sủng hay môt ơn gọi đặc biệt, nên lưu ý những giai đoạn khác nhau trong hành trình ơn gọi ấy (87).

Nhưng dù thế nào, gặp những trường hợp đặc biệt và những hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta cũng cần phải luôn luôn có sự chú ý hết sức đặc biệt. Nói tới những trường hợp và hoàn cảnh đặc biệt là nói tới những thay đổi trong bậc sống theo giáo luật, những ước muốn nên hoàn thiện hơn, những sự bối rối và những hiện tượng bất thường.

88. Có thể bắt đầu hành trình linh hướng một cách thích đáng bằng việc nhìn lại đời sống của đương sự một cách tổng quát. Cũng nên kết thúc bằng việc đưa ra một kế hoạch hay một vài quyết tâm cụ thể liên quan đến tương quan của mình với Chúa (cầu nguyện riêng và cầu nguyện qua phụng vụ), tương quan huynh đệ giữa mình với người khác, gia đình, công ăn việc làm, tình bạn, các nhân đức đặc biệt, các nghĩa vụ cụ thể, việc tông đồ và các phương thế thiêng liêng. Những kế hoạch hay quyết tâm ấy cũng có thể phản ảnh những khát vọng của mình, những khó khăn gặp phải và uớc muốn dâng mình ngày càng nhiều hơn cho Chúa. Thật là hữu ích khi chỉ ra chính xác phương pháp thiêng liêng nào mình dự định sử dụng để tiến lên trong đời sống cầu nguyện, trong việc nên thánh (các nhân đức), trong các bổn phận của bậc sống, trong sự hãm mình và trong những vất vả lặt vặt của đời sống hằng ngày (88).

89. Phải có một giây phút khởi đầu, khi đương sự cảm thấy bị lôi cuốn trước những thái độ đạo đức, muốn kiên trì tập nhân đức, cầu nguyện, gắn bó với ý Chúa, làm việc tông đồ, đào tạo tính tình (trí nhớ, trí hiểu, tình cảm, ý chí), thanh tẩy, huấn luyện trở nên người cởi mở, cương quyết đi tìm sự trung thực và từ chối chơi tiêu chuẩn kép. Chúng ta có thể giải quyết các trường hợp khô khan, bất ổn, nhiệt tình một cách hời hợt hay nhất thời theo lối ấy. Đây chính là lúc thuận tiện để nhổ lên và trồng lại (cf. Gr 1,10), tức là nhận diện và định hướng đúng đắn cho một đam mê nổi bật của mình.

90. Giai đoạn hai của việc linh hướng được gọi là thời kỳ tiến bộ và thăng tiến. Trong giai đoạn này, cần nhấn mạnh tới việc hồi tâm, đời sống nội tâm, sống khiêm tốn và hãm mình nhiều hơn, đào sâu các nhân đức và cải thiện đời sống cầu nguyện.

Từ giai đoạn này chúng ta sẽ tiến tới giai đoạn hoàn thiện hơn nữa; lúc đó việc cầu nguyện của chúng ta sẽ mang tính chiêm niệm nhiều hơn. Mọi sự thiên vị đều bị nhổ sạch, khi người ta đã biết phân biệt khía cạnh nào là "chủ động" và khía cạnh nào là "thụ động" (hoặc cứ trung thành bước theo hoạt động của ân sủng, vốn luôn luôn gây bất ngờ), để biết cách vượt qua đêm tối linh hồn (hay đêm tối đức tin). Càng khiêm tốn sâu xa hơn, chúng ta sẽ thấy những việc làm bác ái được sinh ra.

91. Mỗi nhân đức đều cần được chú ý riêng. Cứ như thế, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần soi sáng và cảm thấy bị Ngài thôi thúc. Đến đây, chúng ta sẽ phải phân định kĩ lưỡng hơn, trung thành và quảng đại hơn. Chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những trường hợp cụ thể cho biết những ân sủng đặc biệt hay những yếu đuối của mình về tâm linh hay về tâm lý. Muốn vậy, chúng ta cần kêu gọi sự cộng tác của những người chuyên môn, kêu gọi họ một cách kính cẩn hơn.

Thật bổ ích khi tuân theo một kế hoạch, có thể chia thành những nguyên tắc, mục tiêu và phương thế. Cũng rất bổ ích nếu chỉ ra được chúng ta sẽ đi tới đâu, chúng ta đang ở đâu, chúng ta phải tiến tới đâu, đâu là những trở ngại chúng ta dự đoán sẽ gặp phải và đâu là những phương thế chúng ta có thể sử dụng.

92. Hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và cao điểm của cuộc đời kitô hữu (89), có tác động trực tiếp tới đời sống thiêng liêng, tạo ra một cuộc sống liêm chính – một điều đòi hỏi nơi các linh mục(90) cũng như nơi mọi tín hữu (91). Ngoài những phương thế chính yếu để theo đuổi đời sống thiêng liêng (là bí tích Thánh Thể, Lời Chúa, cầu nguyện...), việc đọc Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện ("lectio divina") suy niệm thiêng liêng dưới những hình thức khác nhau, siêng năng lãnh nhận bí tích Sám Hối, đọc sách thiêng liêng, xét mình (riêng hay chung), linh thao và tĩnh tâm, tất cả đều quan trọng một cách thực tiễn. Đọc sách thiêng liêng từ cuộc đời các thánh và các nhà văn tu đức sẽ hướng dẫn chúng ta trên hành trình hiểu biết mình, trên hành trình tin yêu phó thác và trên hành trình quảng đại hiến thân.

93. Trong khi tiến bước trên con đường Kitô Giáo mà gặp phải các khủng hoảng do sự phát triển hay do sự trưởng thành thì cũng là chuyện bình thường. Người ta có thể trải nghiệm những khủng hoảng ấy ở những cấp độ khác nhau (thanh tẩy, đức chiếu, kết hợp). "Đêm tối" đức tin có thể xuất hiện vào những thời điểm khác nhau, nhưng đặc biệt nhất là khi đương sự đã tiến lại gần Chúa. Đương sự có thể cảm nghiệm Thiên Chúa "vắng mặt" một cách nào đó hay cảm nghiệm một sự "thinh lặng" hết sức sâu xa, mà kỳ thực đó chính là một cách Thiên Chúa hiện diện sâu xa và đang nói với chúng ta. Những lúc ấy chúng ta mới thấy việc linh hướng càng trở nên cần thiết, với điều kiện chúng ta biết tuân thủ các lời khuyên do các vị thánh lớn và các bậc thầy tu đức để lại cho chúng ta.

Hoạt động tông đồ cũng có lúc gặp khô khan, xung đột, ngộ nhận, lăng mạ và bắt bớ, do chính những sai lầm của mình nhưng cũng có thể do những người có thiện chí (bách hại người tốt). Lúc ấy, việc tư vấn tâm linh có thể giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Giá vô cùng phong phú bằng cách biến chúng ta thành của lễ dâng cho Đức Kitô – người bạn thân thiết của chúng ta.

94. Một số tình cảnh đặc biệt có thể xuất hiện trên con đường sống đạo của chúng ta. Kể cả khi chúng ta được Thánh Thần soi sáng và thúc giục, kể cả khi chúng ta muốn dấn thân quyết liệt hơn trong đời sống thiêng liêng hay trong hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, cũng có những giây phút rất mong manh và rất dễ đánh lừa, xuất phát từ sự kiêu ngạo hay từ sự ngẫu hứng của chúng ta. Những ai đang buớc đi trên con đường thiêng liêng cũng đều có thể biết thế nào là thất vọng, mất tin tưởng, xoàng xĩnh, lơ là hay hờ hững, quá lo cho mình được đánh giá cao, khiêm tốn cách không đúng, v.v...

95. Mỗi khi có những trường hợp ngoại lệ hay những hiện tượng bất thường xảy ra, cần phải tham khảo các tác giả tu đức và các nhà thần bí lớn. Phải nhớ rằng những hiện tượng ấy có thể phát xuất từ những nguồn gốc tự nhiên, từ những nguồn gốc tâm lý và văn hoá cũng như từ nền giáo dục và từ những hoàn cảnh xã hội. Giáo Hội đã đặt ra những tiêu chuẩn giúp đánh giá tính đúng đắn của những hiện tượng ấy. Những tiêu chuẩn này đều dựa trên nội dung giáo lý (được soi sáng bởi Thánh Kinh, bởi Thánh Truyền và bởi Huấn Quyền Giáo Hội), cũng như dựa trên sự liêm khiết của những người có liên hệ (đặc biệt sự chân thành, khiêm tốn, bác ái và tình trạng tâm thần của đương sự) và dựa trên kết quả thường xuyên xuất phát tự sự thánh thiện.

96. Cũng có nhiều bệnh tật và khiếm khuyết tâm lý có liên quan đến đời sống thiêng liêng. Thường thường, những tình trạng ấy đều mang một sắc thái thiêng liêng nào đó. Chúng thường có gốc rễ sâu xa trong tâm lý, như hững hờ vô tâm là do quen sống với những tội nhẹ hay khuyết điểm thường xuyên, lại chẳng chịu sửa chữa. Sống "tà tà" (hay hời hợt là do không chịu làm việc vì không có đời sống nội tâm hỗ trợ) cũng có thể gây ra những tình cảnh ấy. Những khuyết điểm này cũng có thể có liên quan với tính khí của mỗi người: lo lắng hoàn thiện quá mức, sợ Chúa một cách lệch lạc, bối rối mà không có cơ sở, quá nghiêm nhặt, quá phóng túng, v.v...

97. Những khuyết điểm hay những hiện tượng thần kinh nào có liên quan nhiều với đời sống thiêng liêng cần phải được quan tâm một cách chuyên nghiệp (cả về thiêng liêng lẫn về tâm lý). Thuờng thường, chúng xuất hiện khi người ta quá quan tâm tìm sự thoả mãn hay quá bất mãn với chính mình ('hysterein'), tìm hết cách để mọi người chú ý và cảm thương. Chúng thường tạo ra một bầu khí phấn khích khiến nhà linh hướng có thể dễ dàng bị cuốn vào để cho rằng mình đang bảo vệ một nạn nhân hay một con người đặc biệt. Những hiện tượng này không có liên quan gì với việc chiêm ngắm và thần bí của Kitô Giáo, vì tuy vẫn nhìn nhận những yếu kém của con người nhưng thay vì tìm cách kéo chú ý về mình, các nhà thần bí sẽ tỏ ra khiêm tốn, tin tưởng và hy sinh để có thể phục vụ người khác theo ý Chúa muốn.

Phân định Chúa Thánh Thần trong quá trình linh hướng

98. Nếu được hỗ trợ bởi sự linh hướng đã tiến hành dưới ánh sáng đức tin sống động thì chúng ta sẽ phân định hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống mỗi người một cách dễ dàng hơn. Bởi chưng việc phân định ấy chắc chắn sẽ khiến chúng ta tập cầu nguyện, khiêm tốn, hy sinh, sống đời thường tại Nadarét, phục vụ và nuôi hy vọng. Chúng ta sẽ làm việc này theo mẫu gương mà thánh Luca đã để lại cho chúng ta về cuộc đời Đức Giêsu, luôn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình đến "sa mạc" (Lc 4,1), đến với "người nghèo" (Lc 4,18) và đến với "niềm vui" phục sinh trong Chúa Thánh Thần (Lc 10,21).

99. Những việc thần dữ làm bao giờ cũng có kèm theo sự tự ái, đòi độc lập, buồn bã, thoái chí, ghen tuông, hồ đồ, giận ghét, thất vọng, khinh người, và có những sự ưu tiên ích kỷ. Thật khó để phân biệt những lãnh vực khác nhau này, nếu không có việc linh hướng và nếu không xét tới tính khí, văn hoá và những đức tính tự nhiên của đương sự. Những lãnh vực hay những đề tài cần được phân định là những lãnh vực hay đề tài thuộc về hành trình ơn gọi (mà chúng ta đã sống trong những hoàn cảnh thông thường mỗi ngày), chiêm ngắm, hoàn thiện, sống huynh đệ và thi hành sứ mạng. Tuy nhiên, có những tình cảnh, riêng hay chung, đòi chúng ta phải phân định đặc biệt hơn nữa. Đó là những tình cảnh sẽ kéo theo sự thay đổi trong bậc sống, những trực giác hay những thôi thúc mới, những đổi thay trong cơ cấu, những yếu kém và những hiện tượng bất thường.

100. Từ khi Chúa Thánh Thần thổi bất cứ nơi nào Ngài muốn (Ga 3,28), chúng ta không còn có thể quy định nhhững quy tắc sít sao cho việc phân định nữa. Thế nhưng, các thánh và các nhà thần bí vẫn tiếp tục nhắc tới một số yếu tố thường gặp hay một số dấu chỉ cho biết Chúa Thánh Thần tình yêu đang hoạt động, vượt ra ngoài sự lý luận của con người.

Không thể nào phân định một tình huống thiêng liêng mà tâm thần không được bình an, và đây chính là một ơn do Chúa Thánh Thần ban cho. Người có ơn ấy sẽ không tìm kiếm tư lợi hay tìm cách thống trị người khác, mà chỉ tìm cách thế nào tốt nhất để phục vụ Chúa và anh chị em mình. Việc tư vấn tâm linh (trong bối cảnh phân định ấy) sẽ được tiến hành một cách bảo đảm là nhờ có sự tự do nội tâm, một sự tự do không hề bị điều kiện hoá bởi những bận tâm ích kỷ hay bởi những tính toán vẽ vời tại chỗ.

Muốn phân định, cần phải cầu nguyện, khiêm tốn, không thiên vị, biết lắng nghe, học hỏi cuộc đời và giáo huấn của các thánh, nắm vững giáo lý Giáo Hội, kiểm điểm kỹ lưỡng về những khuynh hướng nội tâm của cá nhân, sẵn sàng thay đổi và tự do trong lòng. Bằng cách này, chúng ta có thể đào tạo được một lương tâm tốt lành hay một lòng bác ái xuất phát từ một tâm hồn thanh sạch, từ một lương tâm trong sáng và từ một đức tin chân thành (cf. 1Tm 1,5).

Các đức tính nhà linh hướng cần có

101. Nói chung, nhà linh hướng cần phải có một khả năng đón tiếp rất tốt. Vị ấy cần có khả năng lắng nghe vừa nhẫn nại vừa có trách nhiệm. Vị ấy cũng cần có một cách tiếp xúc vừa như một người cha vừa như một người bạn. Vị ấy cũng cần biết khiêm tốn, vì đó là một đặc điểm của tất cả những ai muốn làm linh hướng để phục vụ người khác. Vị ấy cần tránh không gây cảm tưởng rằng mình độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, cậy quyền, khiến cho người khác phải lệ thuộc, hấp tấp vội vàng hay uổng phí thời gian để chạy theo những vấn đề phụ thuộc. Vị ấy cần phải khôn ngoan và kín đáo. Ngài cần biết khi nào phải hỏi ý kiến của những người khác với tất cả sự dè dặt cần thiết. Khi tư vấn thiêng liêng cho người khác, nhà linh hướng phải vận dụng tất cả những đức tính và cá tính ấy. Ngài không nên coi thường vai trò quan trọng của một chút óc khôi hài, vì nếu chân thật, óc khôi hài sẽ giúp chúng ta vừa tôn trọng người khác vừa giải quyết nhiều vấn đề tự tạo để sống thư thái hơn.

102. Để tư vấn thiêng liêng, cần phải có một sự hiểu biết đủ (lý thuyết lẫn thực hành) về đời sống thiêng liêng cũng như một kinh nghiệm đủ về đời sống thiêng liêng, cũng như một ý thức tốt về trách nhiệm và sự khôn ngoan. Những đức tính này được kết hợp hài hoà với nhau trong sự gần gũi, lắng nghe, hy vọng, làm chứng, đạo đức, cũng như trong sự khao khát nên thánh, cứng cát, minh bạch, chân thật, thông cảm, rộng rãi và chấp nhận đa nguyên trong quan điểm, biết thích nghi, kiên trì trên đường nên thánh.

Nói chung, nhà linh hướng (dù được chọn, được đề nghị hay được yêu cầu) nên chỉ có một để bảo đảm cho có sự liên tục. Có vài vị thánh tham khảo nhiều nhà linh hướng và đôi khi thay đổi các vị linh hướng vì ích lợi cho đời sống thiêng liêng của mình. Phải luôn luôn tạo điều kiện cho người ta tự do thay đổi vị linh hướng, nhất là khi có lý do nghiêm trọng để đưa ra ý kiến ấy, như vì muốn phát triển hơn về đường thiêng liêng người ta cần có sự thay đổi ấy.

103. Nhà linh hướng cần biết rõ người mình đang hướng dẫn. Như thế sẽ giúp nhà linh hướng có thể tìm ra ý Chúa trên con người đang được mình hướng dẫn, giúp họ tiến lên trên hành trình thiêng liêng của họ và những khi Chúa ban ơn đặc biệt xuống cho họ. Chẩn đoán ra điều này được hay không là tùy chúng ta đang sống thế nào, chúng ta đang có những đức tính và khuyết điểm nào, đời sống thiêng liêng của cá nhân mỗi người chúng ta đang phát triển thế nào, v.v... Được ban ơn thế nào thì cần được đào tạo như thế. Nhà linh hướng không tự mình mở hành trình thiêng liêng, mà chỉ nương theo hành trình ấy bằng cách giúp đỡ người mình đang hướng dẫn trong đời sống cụ thể của người ấy. Chúa Thánh Thần là đấng duy nhất điều khiển các linh hồn và vì thế, nhà linh hướng cần phải luôn luôn hậu thuẫn những hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Nhà linh hướng cần luôn luôn tỏ ra kính trọng sâu xa đối với lương tâm của người tín hữu. Ngài cần tạo ra một mối quan hệ với người đang được mình linh hướng để hai bên có được một sự cởi mở tự nhiên. Ngài sẽ luôn hành động một cách kính trọng và tế nhị. Vị nào thi hành quyền tài thẩm trong Giáo Hội phải biết tôn trọng thái độ dè đặt và sự thinh lặng của nhà linh hướng.

104. Quyền hành của nhà linh hướng không phải là quyền tài thẩm, mà đúng hơn là quyền tư vấn và hướng dẫn. Tuy có thể đòi người khác phải trung thành một cách căn bản, như ngoan ngoãn trong tinh thần hiếu thảo, nhưng không vì thế mà trở thành cha chú. Chính vì khiêm tốn và tin tưởng như thế, nên nhà linh hướng phải biết cầu nguyện và không được nản lòng khi không thấy kết quả của những việc vất vả mình đã làm.

105. Trong khuôn khổ đào tạo các ứng viên linh mục và tu sĩ, cũng như trong một số tổ chức tông đồ, người ta thường chỉ định một số người làm linh hướng để bảo đảm cho các thành viên được đào tạo thiêng liêng cách thích đáng. Trong hệ thống ấy, nên dành nhiều chỗ cho cá nhân lựa chọn nhà linh hướng, nhất là linh hướng trong những vấn đề có liên quan tới lương tâm và bí tích Sám Hối.

Những đức tính cần thiết cho người được linh hướng

106. Sau đây là những đức tính đòi hỏi nơi người được linh hướng : cởi mở, thành thật, trung thực, liêm khiết, có thực hành các phương thế nên thánh (như tham dự phụng vụ, các bí tích, cầu nguyện, hy sinh, xét mình...). Được linh hướng thường xuyên tới mức nào là tùy thời gian và hoàn cảnh; vì thế, không có luật nào cố định về vấn đề này. Trong giai đoạn đầu của quá trình đào tạo có thể cần được linh hướng thường xuyên và chuyên chăm hơn. Dĩ nhiên, mỗi người tự ý yêu cầu gặp linh hướng, điều đó bao giờ cũng tốt hơn là mỗi người chờ tới phiên mình được vị linh hướng gọi.

107. Được tự do chọn nhà linh hướng không có nghĩa là chúng ta sẽ bớt kính trọng các vị được chọn ấy. Chúng ta sẽ đón nhận sự giúp đỡ trong tinh thần đức tin. Cần phải nói lên sự chấp thuận ấy một cách vắn tắt giản dị, bằng lời nói hay bằng cách đọc lại một bản văn nào đó đã được viết sẵn, không quên theo tiếng lương tâm của mình và không quên mình đang đứng ở vị trí nào trên con đường đã được vạch ra cho việc linh hướng. Người ta có thể góp ý về các nhân đức, khuyết điểm, ơn gọi, việc cầu nguyện, đời sống gia đình, đời sống huynh đệ, các bổn phận riêng (đặc biệt có liên quan với công ăn việc làm của mình) và về hoạt động tông đồ. Thái độ căn bản của người xin linh hướng là thái độ của một người tìm cách làm đẹp lòng Chúa và tìm cách sống trung thành hơn với thánh ý của Ngài.

108. Một đời sống thiêng liêng được coi là chân chính khi người ta nhìn thấy có sự hài hoà giữa những lời góp ý mà đương sự đã xin và nhận được, với đời sống ăn khớp một cách cụ thể với những lời góp ý ấy. Kiểm điểm lương tâm mình tự nó là một việc làm rất hữu ích, cũng như tham gia tĩnh tâm đi đôi với việc linh hướng.

109. Người kitô hữu phải luôn luôn có được sự tự do và trách nhiệm hoàn toàn trong đời sống và trong hành động của mình. Nhiệm vụ của người linh hướng là giúp đỡ các cá nhân chọn và chọn một cách có trách nhiệm những gì mình phải làm trước nhan Chúa với sự trưởng thành của người kitô hữu. Người được linh hướng phải tự nguyện đón nhận các góp ý một cách có trách nhiệm, và nếu có lỡ sai lầm, người ấy cũng không đổ lỗi lên nhà linh hướng.

Việc linh hướng của người linh mục

110. Tác vụ linh mục gắn liền với việc linh hướng. Tuy nhiên, bản thân các linh mục cũng có nhu cầu được linh hướng để có thể làm việc ấy tốt hơn cho người khác khi được yêu cầu.

Khi muốn được người khác linh hướng, các linh mục phải luôn nhớ rằng theo đoàn sủng và linh đạo riêng của mình, các linh mục tìm được sự "thống nhất đời sống" (92) là khi thi hành tác vụ thánh của mình. Theo công đồng Vatican II, các linh mục thể hiện sự "thống nhất đời sống" ấy một cách đơn giản ngay trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống: "Các linh mục chỉ có thể đạt được điều này bằng cách noi gương Đức Kitô là Chúa của mình ngay trong tác vụ của mình. Lương thực của Ngài chính là làm theo ý Đấng đã sai Ngài đến hoàn thành công trình của mình" (93). Đây là những ân huệ và đoàn sủng mà họ phải thể hiện bằng cách hoàn toàn tuỳ thuộc đức giám mục địa phương và linh mục đoàn của một Hội Thánh địa phương.

111. Ngoài việc hằng ngày cử hành Hy Tế Thánh Thể và đọc kinh Thần Vụ và đi xa hơn tất cả các việc ấy, mỗi linh mục cần đặt ra một chương trình riêng cho đời sống thiêng liêng của mình, bao gồm những yếu tố sau đây : mỗi ngày dành một khoảng thời gian cho việc suy niệm Lời Chúa, một khoảng thời gian để đọc sách thiêng liêng, một khoảng thời gian cho việc viếng Thánh Thể hay chầu Thánh Thể, gặp gỡ các anh em linh mục khác thường xuyên để có thể giúp đỡ nhau (gặp nhau để cầu nguyện, chia sẻ, chuẩn bị và soạn giảng chung với nhau, v.v...), đưa những chỉ dẫn của đức giám mục giáo phận vào thực hành trong những gì có liên quan đến việc điều hành linh mục đoàn (kế hoạch sống, các chỉ thị, thường huấn, công tác mục vụ của linh mục, v.v...), đọc kinh kính Đức Mẹ mỗi ngày như chuỗi Mân Côi chẳng hạn, và để có thể trung thành với các việc kể trên, hãy xét mình riêng và chung mỗi ngày (94).

112. Khi thi hành tác vụ linh hướng hay phục vụ linh hướng, linh mục đóng vai trò đại diện Đức Kitô Mục Tử Tốt Lành, là người hướng đạo, là anh em, là cha và là thầy thuốc từ tâm, như trong bí tích Sám Hối vậy. Việc phục vụ này có liên quan mật thiết với tác vụ rao giảng và hướng dẫn cộng đoàn, được thể hiện qua đời sống chứng tá của mình.

113. Tác vụ linh mục cũng không tách rời khỏi việc làm linh hướng. "Bởi đó, như người giáo dục đức tin, các linh mục phải liệu sao cho đích thân mình hay nhờ người khác hướng dẫn mỗi tín hữu một cách cá nhân trong Chúa Thánh Thần cho họ được phát huy ơn gọi của họ đúng theo Tin Mừng, cho họ biết sống đức ái cách chân thành và cụ thể, và cho họ biết sử dụng sự tự do mà chính Đức Kitô đã từng sử dụng để giải thoát chúng ta. Lễ nghi có đẹp đẽ đến đâu hay hội họp có nhiều đến đâu, mà không nhắm tới việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô Giáo, thì cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Để đẩy mạnh điều ấy, các linh mục cần phải giúp mọi người nhìn ra đâu là điều đòi buộc và đâu là điều Chúa muốn xuyên qua các biến cố quan trọng hay không quan trọng của cuộc đời. Các kitô hữu cũng phải được dạy dỗ không chỉ sống cho mình, mà còn sống theo những đòi hỏi của luật mới là luật bác ái. Cũng như bao nhiêu người đã nhận được ơn Chúa, họ phải làm sao cho những người khác cũng được như thế. Tất cả mọi kitô hữu sẽ thi hành nghĩa vụ của mình trong cộng đồng nhân loại theo chiều hướng ấy" (95).

114. Thật ra, những ai quý trọng và đánh giá cao việc linh hướng sẽ không những giới thiệu việc ấy trong khi thi hành tác vụ, mà đích thân mình còn đón nhận việc ấy.

Nếu không quên mục tiêu của việc linh hướng, chúng ta sẽ luôn luôn có thể tìm ra những phương cách để bảo đảm cho mình làm linh hướng và được linh hướng.

115. Kêu gọi mọi người đến linh hướng phải luôn luôn là một phần quan trọng trong kế hoạch mục vụ của mình. Đó chính là lời mời gọi liên tục gởi đến mọi người vì mục tiêu của việc linh hướng luôn luôn là giúp mọi người được thánh hoá và thi hành sứ mạng. Các tín hữu có thể được đào tạo làm việc này thông qua các bài giảng, các lớp giáo lý, lúc xưng tội, khi cử hành phụng vụ bí tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, trong các nhóm học hỏi Thánh Kinh, trong các nhóm cầu nguyện và bằng chứng của chính thừa tác viên, khi bản thân ngài cũng xin được nghe góp ý đúng lúc và trong những lúc thích hợp. Từ một số tác vụ hay công việc mục vụ, người ta có thể chuyển sang việc xét mình cá nhân hay gặp gỡ riêng, đọc sách thiêng liêng hay làm linh thao dưới những hình thức cá nhân.

116. Việc linh hướng – xét như một tác vụ - thường được liên kết với việc cử hành bí tích Sám Hối, trong đó linh mục sẽ hành động nhân danh Đức Kitô, Vị Mục Tử Tốt Lành, và sẽ tỏ ra mình là một người cha, một người bạn, một thầy thuốc và một nhà hướng đạo thiêng liêng. Linh mục chính là đày tớ của ơn tha thứ, sẽ hướng dẫn chúng ta trên con đường chiêm niệm và hoàn thiện, mà vẫn luôn trung thành với Huấn Quyền Hội Thánh cũng như với truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội.

Linh hướng trong đời sống tu trì

117. Bằng cách này hay cách khác, các người tận hiến sẽ theo đuổi cũng một đời sống triệt để của Tin Mừng và tông đồ bằng cách thêm "một sự thánh hiến đặc biệt" (96) nữa khi tuyên khấn "các lời khuyên Tin Mừng" (97). Trong phạm vi đời tu, người ta cần lưu ý tới những đoàn sủng riêng ("đoàn sủng lập nên đời tu") và sự thánh hiến đặc biệt (diễn ra khi người ta tuyên khấn), cũng như những hình thức tận hiến khác nhau từ chiêm niệm, sống theo Tin Mừng, đến sống thành cộng đoàn và truyền giáo, đi đôi với Hiến Pháp riêng, những quy luật riêng, v.v...

118. Hành trình tiến tới chỗ tận hiến trong đời tu sẽ cho chúng ta có vài giai đoạn để được chuẩn bị ngay lập tức hay dài hạn, để đào sâu một ơn gọi nào đó dựa trên những xác tín Tin Mừng và những động cơ Tin Mừng (từ đó giải quyết những vấn đề về căn tính), cho chúng ta có được sự tự do để quyết định hầu đạt tới chỗ xứng đáng và sẵn sàng lãnh nhận chức thánh hay tuyên khấn.

119. Có những tình huống đặc biệt có thể chỉ là còn là những vấn đề của quá trình "tăng trưởng" hay "trưởng thành" thôi, nếu người tận hiến biết quan tâm tới việc linh hướng: đó là những vấn đề phát sinh từ sự cô đơn thể lý hay tinh thần, từ những thất bại, từ tình trạng chưa trưởng thành trong tình cảm, từ những tình bạn chân thành, từ sự tự do nội tâm trong lúc sống vâng phục, hay từ chỗ bình tĩnh đón nhận đời sống độc thân như dấu chỉ Đức Kitô là Lang Quân đang yêu thương Giáo Hội là Hiền Thê của mình, v.v...

120. Việc linh hướng của những người thánh hiến mang một số nét rất đặc biệt, không kể những nét đã đề cập trước đây liên quan đến "đời sống tông đồ". Các hoạt động tông đồ, đời sống huynh đệ và truyền giáo đều được các đoàn sủng cổ võ. Tất cả những việc này đều đang diễn ra trong bối cảnh lịch sử của những con người được ơn, đã tuyên khấn hay đã cam kết đặc biệt để trở thành những người làm chứng trong thế giới hôm nay về một Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (98) , cũng như trở thành "ký ức sống động về đời sống và hoạt động của Giáo Hội" (99).

Trước khi tham gia linh hướng, những người thuộc về đời sống thánh hiến phải được giả thiết là đã qua một thời gian sống chiêm niệm, nên trọn lành, hiệp thông (sống chung) và truyền giáo, như một phần làm nên tính bí tích của Giáo Hội – vốn là một thực tại mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Bởi đó, các người ấy phải là những người đã tiếp nhận và đã sống ân huệ ấy, bao gồm "việc theo Đức Kitô sát gần hơn... luôn hướng tới sự trọn lành của đức ái để phục vụ Nước Trời" (100), phấn đấu cho có một tình yêu cá nhân như trong hôn nhân 'để có thể trở thành những người hiện diện sâu xa hơn trong trái tim Đức Kitô, bên cạnh những người cùng thời với mình" (101)

121. Các linh mục được mời làm linh hướng cho những người này phải biết rằng "mọi tu sĩ, bất luận là nam hay nữ, đã có một vị trí đặc biệt trong nhà Chúa, xứng đáng được chăm sóc đặc biệt để họ có thể tấn tới về đàng thiêng liêng hầu sinh ích cho toàn thể Giáo Hội" (102).

Linh hướng cho giáo dân

122. Tiếng gọi mọi người nên thánh, bất luận thuộc ơn gọi kitô hữu nào, là tiếng gọi vô hạn vì nó luôn luôn bao hàm việc kêu gọi mọi người trở nên trọn lành tối đa: "Hãy yêu thương nhau...Hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là đấng trọn lành" (Mt 5,44.48). Việc linh hướng dành cho các tín hữu được mời gọi nên thánh trong bậc giáo dân giả thiết ơn gọi nên thánh này có đặc điểm là trở thành men Tin Mừng trong thế giới và hoạt động trong địa hạt riêng của mình, luôn hiệp thông với Giáo Hội (103). Nhà linh hướng cần giúp giáo dân trong quan hệ của họ với Chúa (bằng cách tham gia cụ thể vào bí tích Thánh Thể và việc cầu nguyện, xét mình bằng cách liên kết với đời sống của mình), trong việc đào tạo lương tâm, trong việc thánh hoá gia đình, công ăn việc làm, các quan hệ xã hội và tham gia vào đời sống công cộng. "Công ăn việc làm mà được thi hành theo lối này sẽ trở thành cầu nguyện. Học hành theo lối này cũng trở thành cầu nguyện. Nghiên cứu khoa học theo lối này sẽ trở thành cầu nguyện. Mọi sự đều đồng quy về một thực tại duy nhất: nếu tất cả đều là cầu nguyện thì mọi sự sẽ có thể và hẳn sẽ đưa chúng ta đến với Chúa, nuôi dưỡng quan hệ thường xuyên của chúng ta với Ngài, từ bình minh tới lúc chiều tà. Mọi việc lao động liêm chính đều có thể trở thành cầu nguyện, và mọi việc làm đều là cầu nguyện, đều là làm tông đồ. Bằng cách đó linh hồn chúng ta sẽ được trở nên vững mạnh trong một cuộc sống thống nhất, đơn sơ nhưng mạnh mẽ" (104).

Như đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhắc nhở chúng ta, tất cả mọi người đã chịu phép Rửa đều có trách nhiệm với việc loan báo Tin Mừng: "Giáo dân được mời gọi hãy thi hành vai trò ngôn sứ của mình, một vai trò xuất phát trực tiếp từ bí tích Rửa Tội của mình, và hãy làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày, ở bất cứ nơi nào mình có mặt" (105).

Việc linh hướng hay tư vấn tâm linh cho các giáo dân hoặc cho những người ngoài đời sẽ không quá chú ý tới những thất bại và tình trạng chưa trưởng thành của họ. Mà đúng hơn đó là một sự trợ giúp trong tình huynh đệ của nhà linh hướng cho họ hoạt động về mặt thiêng liêng và tông đồ, theo những sáng kiến và trách nhiệm riêng của hàng giáo dân, cũng như để giúp họ hiện diện như những môn đệ Đức Kitô đích thực trong thế giới của những nỗ lực con người, của gia đình, của xã hội chính trị và kinh tế, v.v... để thánh hoá thế giới từ bên trong.

123. Việc linh hướng cho giáo dân nhằm dẫn đưa họ trên đường nên thánh và thi hành sứ mạng một cách minh bạch không chút hàm hồ, vì họ không những đã chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô (để tế lễ, rao giảng và cai quản) như tất cả mọi người đã chịu phép Rửa (106), mà còn vì họ đang sống những điều ấy với ơn đặc biệt để vừa ở trong thế giới vừa có một vai trò hết sức thích hợp và cần thiết hầu thực hiện sứ mạng của Giáo Hội (107).

Các giáo dân "do chính ơn gọi của mình sẽ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách tham gia vào các việc trần gian và sắp xếp chúng lại theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa" (108). Họ "quảng đại hiến thân làm cho Nước Chúa ngự đến, cũng như đổi mới và kiện toàn trật tự trần gian theo tinh thần của Đức Kitô" (109). "Nhiệm vụ đặc biệt của họ là sắp xếp và soi sáng các việc ấy để chúng có thể xuất hiện, rồi phát triển theo ý Đức Kitô hầu ca ngợi đấng Tạo Hoá và Cứu Chuộc" (110).

Linh hướng sẽ giúp người giáo dân tham gia vào "sứ mạng cứu độ của Giáo Hội" (111) để từ đó "có mặt và hoạt động trong trật tự trần gian" (112).

124. Sự trợ giúp do việc tư vấn tâm linh mang lại luôn cần thiết cả trong đời sống nội tâm lẫn trong những hoàn cảnh bên ngoài của cuộc sống, như khi tham gia xã hội, gia đình và nghề nghiệp. Nó đặc biệt trở nên cần thiết trong những lúc cần phải làm chứng cho các giá trị Kitô Giáo căn bản trong gia đình và trong đời sống chính trị-xã hội. Bất kể khi tham gia hoạt động tông đồ mà bận tới mức nào, chúng ta đều có thể tìm được sự tư vấn tâm linh, ở bất cứ nơi nào mình muốn được tư vấn.

Làm sao hài hoà các cấp độ đào tạo khác nhau trong việc linh hướng

125. Người được linh hướng sẽ được hướng dẫn tiến tới chỗ trở nên giống với Đức Kitô. Chúng ta có thể hiểu việc đào tạo ở những cấp độ hay theo những chiều kích khác nhau: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, chuyên nghiệp, mục vụ. Các khía cạnh khác nhau của việc đào tạo này sẽ hoà hợp với nhau để phục vụ sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo Hội. Mỗi người phải luôn luôn được coi như một thành phần trong cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

126. Phải cứu xét chiều kích hay cấp độ nhân bản cả trong giai đoạn phát triển cá nhân lẫn trong giai đoạn xây dựng cộng đồng, vì mỗi người phải được đánh giá đúng đắn và phải biết rằng mình đang được yêu mến cũng như mình có khả năng yêu thương trong sự thật của ân sủng. Muốn vậy, đương sự phải bước đi trong tự do, biết đặt các giá trị cho đúng, biết sắp xếp các động cơ của mình để hướng đến tình yêu, có những đức tính và khả năng quan hệ và phục vụ người khác. Một người ra sao là do các quan hệ với cộng đồng.

Chúng ta được gợi ý làm việc tư vấn tâm linh là do nhìn vào sứ vụ của Đức Kitô, vì dựa vào đó người ta mới hiểu được mầu nhiệm của con người (113). Con người phải được đào tạo để biết cho đi và xả thân. Thông qua quá trình này, người ta sẽ học lắng nghe, sống với người khác, thông cảm, đồng hành, đối thoại, cộng tác và xây dựng những tình bạn chân thật.

Dựa vào đức tin, đức cậy và đức mến, người kitô hữu sẽ tập tành các đức tính nhân bản. Nhờ đó chúng ta sẽ biết suy nghĩ, đánh giá và yêu mến như Đức Kitô. Các văn kiện trong Công Đồng và sau Công Đồng của Huấn Quyền Giáo Hội đều kêu gọi chúng ta hãy xúc tiến việc đào tạo "nhân bản" này, dưới những hình thức cụ thể như xây dựng công lý và hoà bình, hài hoà trong khác biệt, biết đưa ra những sáng kiến, biết thán phục và cởi mở trước những giá trị mới, bền chí, mạnh mẽ, luôn sẵn sàng trước những sáng kiến mới, huynh đệ, chân thành, biết đón tiếp, lắng nghe và cộng tác, biết quan tâm tới các quan hệ nhân bản và các tình bạn chân chính (114).

127. Hành trình linh hướng, vì là một hành trình tìm tòi và trải nghiệm sự thật, cái hay cái đẹp, đúng là một tấm vải phối hợp hài hoà các sợi vải của trí khôn, tình cảm, ý chí, trí nhớ và tất cả những gì quan trọng đối với chúng ta. Việc đào tạo được thể hiện qua "sự ổn định trong tâm trí, khả năng biết đưa ra những quyết định nặng ký và biết đánh giá con người và biến cố một cách lành mạnh" (115).

Đó là một hành trình giúp hài hoà việc chu toàn bổn phận, việc yêu thương trong chiêm ngưỡng, học tập và hành động, trong một quá trình cần thiết để "đời sống của mình được thống nhất" trong khi hoạt động tông đồ.

Linh hướng sẽ giúp chúng ta hiểu biết và khắc phục những yếu kém của mình khi quyết định, khi ghi nhớ, khi xúc cảm và khi bị điều kiện hoá về mặt xã hội, văn hoá và tâm lý.

128. Khi linh hướng, người ta mong được giúp đỡ để có thể tổ chức tốt hơn giờ cầu nguyện, giờ sống đời sống gia đình và cộng đoàn, giờ lo cho con cái, giờ làm việc và nghỉ ngơi, biết trân trọng sự thinh lặng bên trong và bên ngoài, cũng như khám phá ra giá trị tích cực của khó khăn và đau khổ.

Việc linh hướng ở cấp độ này sẽ giúp giải đáp vấn nạn: tôi là ai? (căn tính của mình); tôi đang sống với ai? (các mối quan hệ); và tôi đến đây để làm gì? (sứ mạng). Dưới tác động của ân sủng, tôi sẽ nuôi những ước muốn, những nguyên tắc, những giá trị và thái độ đúng đắn và có hiểu biết – những giá trị xuất phát từ đức tin, cậy, mến – cũng như những nhân đức luân lý rút ra từ đó, còn gọi là những nhân đức làm nên đời sống trong Đức Kitô. Mỗi người phải được giáo dục và đào tạo để thể hiện được bản thân mình bằng cách biết yêu tới mức sẵn sàng xả thân cho Chúa và cho con người.

Trong suốt quá trình ấy, cần phải lưu ý tới tương quan giữa ân sủng và tự nhiên (cũng như tương quan giữa đức tin và lý trí). Cần phải phân biệt và hài hoà hai bên, vì "ân sủng không phá hoại tự nhiên, mà kiện toàn tự nhiên" (116). Đây là một nguyên tắc hết sức quan trọng, mỗi khi chúng ta phải quyết định chọn một hướng đi hay một phương cách hành động nào đó trong các việc có liên quan đến tâm lý học, các khác biệt về văn hoá và các đoàn sủng khác nhau, gặp thấy trong các thân phận con người khác nhau và nhất là trong nội dung đức tin.

129. Cần phải tìm cách thống nhất ân sủng và tự nhiên. Về điểm này, phải ưu tiên cho tự nhiên và coi tự nhiên là một cách tham dự vào đời sống mới hay đời sống thần linh. "Một khía cạnh của não trạng công nghệ hiện nay là người ta thường có khuynh hướng nhìn các vấn đề và các cảm xúc trong đời sống nội tâm trên quan điểm thuần túy tâm lý, tới mức giản lược mọi sự vào khoa thần kinh học. Nhìn như thế, nội giới của con người sẽ không còn ý nghĩa gì và dần dần chúng ta sẽ đánh mất luôn cả ý thức về chiều sâu hữu thể học của tâm hồn con người, như các thánh đã từng thăm dò. Vì thế, phát triển con người thế nào là hoàn toàn tùy chúng ta quan niệm thế nào về tâm hồn con người, nhất là khi chúng ta thường có thói quen chỉ coi cái tôi của con người là tâm lý và lẫn lộn một tâm hồn lành mạnh với một sự ổn định trong cảm xúc. Đơn giản hoá vấn đề quá mức như thế là do chúng ta đã thất bại một cách sâu sắc trong việc hiểu biết về đời sống thiêng liêng, và những sự đơn giản hoá vấn đề một cách thái quá đang làm chúng ta quên đi một sự thật là cá nhân và tập thể phát triển thế nào là tùy thuộc một phần vào cách chúng ta giải quyết các vấn đề mang bản chất thiêng liêng" (117).

130. Hiểu biết tính khí và tính tình con người sẽ giúp chúng ta bảo đảm không để cho đương sự sinh lòng kiêu ngạo và sống quá độc lập mỗi khi ngưỡng vọng những điều cao cả (tính nóng vội); hay tính tình dễ chịu không bị xuống cấp để trở thành nhẹ dạ và hời hợt (tính cầu toàn); hay thiên về đời sống nội tâm và cô độc một mình sẽ không biến chất thành thụ động và mau nản chí (tính u buồn); hoặc bền chí và điềm tĩnh không biến thành cẩu thả và hờ hững (tính lãnh đạm).

Vấn đề "giúp đỡ tâm lý" sẽ nảy sinh là ở cấp độ hay chiều kích nhân bản này. Linh hướng dưới hình thức này "trong một số trường hợp và trong một số điều kiện... có thể được hỗ trợ bởi việc phân tích hay trợ giúp tâm lý, nhưng không thể lấy những việc này thay thế cho linh hướng" (118). Về điểm này, đã có các văn kiện của Giáo Hội ấn định khi nào và trong những điều kiện nào có thể sử dụng các phương thế nhân loại ấy một cách hợp pháp (119).
131. Dĩ nhiên việc linh hướng phải dành chỗ ưu tiên cho chiều kích thiêng liêng, vì tư vấn tâm linh chính yếu là để giúp thêm trung thành với ơn gọi, thêm trung thành quan hệ với Chúa (bằng cách cầu nguyện và chiêm ngắm), nên thánh và nên trọn lành, sống huynh đệ hay hiệp thông trong Giáo Hội và sẵn sàng làm việc tông đồ.

Để đạt được mục tiêu này, mỗi khi lên chương trình phục vụ đời sống thiêng liêng, cần phải có một dự phóng đặc biệt (những đường hướng cho đời sống thiêng liêng), với những mục tiêu cụ thể cần đạt được trong mỗi giai đoạn (thanh tẩy, đức chiếu, kết hợp) tuỳ theo sự trưởng thành mà người thụ hướng đã đạt và tuỳ theo những phương pháp tương ứng được sử dụng.

132. Phải nuôi dưỡng chiều kích nhân bản-Kitô Giáo và thiêng liêng ấy bằng cách học tập và đọc sách. Có thể coi đây là chiều kích tri thức hay lý thuyết của việc linh hướng. Trung thành với hành trình linh hướng sẽ không dễ dàng chút nào, nếu không có khả năng thinh lặng học tập và đọc sách thiêng liêng. Cần phải học hỏi nội dung đức tin một cách đặc biệt trong các khoá học hẳn hoi. Tuy nhiên, việc đào tạo tri thức (rất thiết yếu cho đời sống thiêng liêng) cần phải được tiếp tục mở rộng suốt đời và lấy cảm hứng từ các thánh, các tác giả tu đức và các tác phẩm tu đức kinh điển.

Chỉ căn cứ trên chiều kích tri thức hay lý thuyết thôi, chúng ta cũng thấy việc linh hướng vô cùng hữu ích khi giúp lấp đầy chỗ hổng mà chúng ta đã gặp khi học các môn học của Giáo Hội, vốn là những môn phải hướng tới việc loan báo, cử hành và sống mầu nhiệm Đức Kitô: "... hướng tới mầu nhiệm Đức Kitô. Vì đây chính là mầu nhiệm sẽ tác động lên toàn bộ lich sử loài người, vẫn đang ảnh hưởng trên Giáo Hội, và nhất là đang có mặt cách đặc biệt trong sứ vụ linh mục" (120). Có một căn bản về Kitô Học cho đời sống thiêng liêng chính là có căn bản thích hợp nhất để có thể giảng giải thành công khi phải hướng dẫn các tín hữu trên hành trình chiêm ngắm, sống bác ái và làm việc tông đồ.

Linh hướng mà có hướng đi giáo lý như vậy sẽ khuyến khích chúng ta khát khao học hành riêng hay chung, cũng như chuyên chăm đọc các tác phẩm tu đức kinh điển của phương Đông cũng như phương Tây.

133. Dấn thân làm việc tông đồ chính là một phần thiết yếu trong việc tư vấn tâm linh và linh hướng. Thế nên, cần phải xem xét các động cơ, các sự ưu tiên và các thực tế cụ thể, để người thụ hướng được sẵn sàng hơn cho việc truyền giáo. Trung thành với Chúa Thánh Thần sẽ tiếp thêm "cho họ một lòng can đảm thanh thản giúp họ truyền cho người khác kinh nghiệm của mình về Đức Giêsu và truyền cho người khác niềm hy vọng đã từng thôi thúc mình" (121). Chỉ khi nào có sự tự do thiêng liêng như thế, người tông đồ mới biết cách vượt thắng những khó khăn của cá nhân mình hay của hoàn cảnh chung quanh trong mỗi thời đại.

Xét theo chiều kích tông đồ và mục vụ này, việc linh hướng sẽ bao gồm việc làm chứng, loan báo Đức Kitô, cử hành phụng vụ và phục vụ trong các lãnh vực bác ái khác nhau.

Nếu trong hành trình nên trọn lành và sống quảng đại theo Tin Mừng mà không có việc linh hướng, thì người ta sẽ không dễ dàng đưa vào kế hoạch mục vụ định hướng chính yếu của hoạt động mục vụ, tức là đưa các tín hữu và các cộng đoàn nên thánh và hợp nhất với Đức Kitô (cf. 1Cl 1,28; Gl 4,19).

134. Hành trình linh hướng nhằm giúp làm cho việc đào tạo thần học và việc đào tạo mục vụ có liên quan với nhau. Dù đang làm việc với một vấn đề giáo lý hay thực tế, chúng ta phải luôn luôn tìm cách sống lại cuộc gặp gỡ riêng với Đức Kitô (cf. Mc 3,13-14), tìm cách sống đời sống tông đồ (cf. Mt 4,22; Mc 10,21-31.38), tìm cách sống hiệp thông với tha nhân (cf. Lc 10,1; Ga 17,21-23) để tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô và tham gia vào sứ mạng ấy (Ga 20,21). Như thế, linh hướng giúp đào tạo cá nhân để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội (122).

KẾT LUẬN: "HÃY ĐỂ ĐỨC KITÔ HÌNH THÀNH NƠI ANH EM" (Gl 4,19)

135. Những nhiệm vụ ("munera") của người linh mục, khi được thi hành với tinh thần của Đức Kitô, sẽ để lại một dấu hiệu là "niềm vui Phục Sinh" (123) và "sự lạc quan hy vọng" trong tâm hồn chúng ta (cf. Rm 12,12). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại điều này, khi kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cha Sở Họ Ars: "Anh em linh mục thân mến, hãy luôn luôn xác tín điều này: thừa tác vụ của lòng thương xót chính là một trong những thừa tác vụ đẹp nhất và an ủi nhất. Vì nhờ đó, anh em sẽ giúp soi sáng các lương tâm, tha thứ cho họ và trả lại cho họ nghị lực mới nhân danh Chúa Giêsu. Vì nhờ đó, anh em trở thành y sĩ và tư vấn thiêng liêng đối với họ". Thừa tác vụ ấy vẫn là "một sự biểu hiện không thể thay thế được của thừa tác vụ linh mục và là một bản trắc nghiệm cho thừa tác vụ linh mục" (124).

136. Làm "nhà tư vấn và y sĩ thiêng liêng" không phải chỉ là thi hành công việc tha tội, mà còn là hướng dẫn và định hướng cho đời sống của người kitô hữu để quảng đại hưởng ứng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa làm cho chúng ta. Khi người linh mục quảng đại đáp lại kế hoạch ấy, dòng ân sủng mà thời nào Chúa Thánh Thần cũng ban cho Giáo Hội sẽ chảy ra. Công đồng Vatican II đã khẳng định điều ấy khi nói: "Để thoả mãn khát vọng mục vụ muốn canh tân Giáo Hội từ bên trong, muốn phổ biến Tin Mừng khắp nơi và muốn đối thoại với thế giới hôm nay, thánh công đồng này mạnh mẽ thúc giục các linh mục hãy luôn luôn phấn đấu để ngày càng thánh thiện hơn, nhờ đó họ có thể trở thành những khí cụ tốt hơn phục vụ toàn thể Dân Chúa, bằng cách sử dụng những phương thế đã được Giáo Hội phê chuẩn" (125).

Nếu các linh mục thi hành các nhiệm vụ ("munera") ngôn sứ, phụng vụ và phục vụ, trong tinh thần ấy, thì bảo đảmnội dung của bốn hiến chế của công đồng Vatican II sẽ được áp dụng trong Giáo Hội, là "bí tích" hay là dấu chỉ trong suốt về Đức Kitô ("Lumen gentium" hay 'Ánh Sáng Muôn Dân'), cũng là Giáo Hội của Lời ("Dei Verbum" hay 'Lời Chúa'), Giáo hội của mầu nhiệm Vượt Qua ("Sacrosanctum Concilium" hay 'Thánh Công Đồng'), đang có mặt trong thế giới và liên đới với thế giới ("Gaudium et Spes" hay 'Vui Mừng và Hy Vọng'), Giáo Hội chính là mầu nhiệm của sự hiệp thông để thi hành sứ mạng.

Cũng như mỗi khi áp dụng các công đồng trước đây, công việc này đòi mọi người đã chịu phép Rửa phải dấn bước trên con đường nên thánh và phải tham gia hoạt động tông đồ.

137. Việc chăm sóc mục vụ cho mọi người nên thánh, được thông báo và thực hiện một cách đặc biệt qua bí tích Hoà Giải và việc linh hướng, và luôn luôn liên kết với bí tích Thánh Thể, chính yếu sẽ do các linh mục thi hành, cũng giống như tác vụ xây dựng sự hiệp nhất (hiệp thông) ngay giữa cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

138. Tiến bộ và công nghệ mang đến nhiều giá trị, nhưng các giá trị này cần phải được đầu tư cho có một "linh hồn" hay một "linh đạo", như đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói: "Phát triển phải bao gồm không chỉ sự tăng trưởng về vật chất mà cả sự tăng trưởng về tâm linh nữa, vì con người là 'một đơn vị thống nhất với xác và hồn', được sinh ra bởi tình thương của đấng Tạo Hoá và được tiền định để sống đời đời. Con người phát triển khi tăng trưởng trong tinh thần, khi linh hồn biết được chính mình và biết được những chân lý mà Chúa đã cấy sâu vào lòng con người, khi con người đối thoại với bản thân mình và với Đấng Tạo Hoá... Không thể có sự phát triển toàn diện và không thể có công ích phổ quát, bao lâu người ta chưa xét tới ích lợi đạo đức và tâm linh của con người, được cứu xét trong toàn thể con người là một đơn vị với xác và hồn" (126).

Làm linh hướng cho người đã chịu phép Rửa đúng là bước vào một hành trình hào hứng sẽ khiến cho cha giải tội hay nhà linh hướng được vui tươi sống lại hành trình thiêng liêng của chính mình – hành trình tận hiến cho Chúa. "Muốn làm việc này, phải có cặp mắt mới và con tim mới, có thể vượt lên trên cái nhìn duy vật về các biến cố của con người, có thể nhìn vào sự phát triển mà phát hiện ra cái "bên kia" – một điều mà công nghệ không thể mang lại. Cứ đi theo con đường này, chúng ta sẽ có thể xúc tiến việc phát triển toàn diện của con người, một việc đi theo hướng nào là do sự thúc đẩy mãnh liệt của đức ái trong sự thật" (127).

Như thế, các linh mục sẽ nghiệm thấy "khi thi hành công tác, các ngài không bao giờ phải cô đơn một mình"(128). Các ngài đã được chính Đức Kitô Phục Sinh sai đi, được Ngài đồng hành và giúp đỡ. Ngài sẽ đồng hành với họ để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa, "một kế hoạch chỉ thực hiện được trọn vẹn dần dần nhờ sự cộng tác của nhiều thừa tác viên cùng xây dựng Thân Thể Đức Kitô cho tới khi Thân Thể ấy phát triển xong" (129).

139. Công cuộc cải tổ lâu dài làm cho đời sống Giáo Hội cần phải mang sắc thái hy vọng thật rõ ràng. Muốn ơn gọi linh mục và tu sĩ phát triển, muốn giáo dân ngày càng dấn thân trên con đường nên thánh và trong hoạt động tông đồ, cần phải canh tân lại tác vụ sám hối và linh hướng, những việc phải được thực hiện với sự nhiệt tình có cơ sở cũng như với sự xả thân thật rộng rãi. Đây chính là mùa Xuân mà đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng hy vọng: "Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo Hội có cơ hội thuận lời để mang Tin Mừng cho muôn dân và muôn nước, bằng lời nói và bằng đời sống chứng tá. Một kỷ nguyên truyền giáo mới chắc chắn sẽ ló dạng, rồi sẽ trở thành ngày rực sáng mang đến cả một mùa gặt bội thu, nếu tất cả mọi kitô hữu, nhất là các vị thừa sai và các giáo hội trẻ, quảng đại và thánh thiện đáp lại những tiếng gọi và thách đố của thời đại hôm nay" (130).

140. Tình hình mới, cộng với ân sủng mới, đang giúp chúng ta nuôi hy vọng sẽ có sự nhiệt tình tông đồ : "Như các tông đồ sau khi Đức Kitô lên trời, Giáo Hội cũng phải tụ tập lại ở Phòng Hội trên gác 'cùng với Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu' (Cv 1,14) để cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, ban sức mạnh và can đảm giúp Giáo Hội thi hành lệnh truyền giáo. Chúng ta cũng giống như các tông đồ trước đây, cần được Thánh Thần biến đổi và hướng dẫn" (131). Tác vụ hoà giải và công tác linh hướng chính là những nguồn trợ lực mang tính quyết định trong quá trình tập cởi mở và trung thành với toàn thể Giáo Hội và nhất là, trong việc linh mục hiện tại hoá hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Làm tại Vatican, 9/03/2011
Thứ Tư Lễ Tro
Hồng Y Mauro Piacenza
Bộ Trưởng
(ký tên)

Celso Morga Iruzubieta
Tổng Giám Mục hiệu toà Alba
Thư Ký
(ký tên)

 

***

PHỤ TRƯƠNG 1: BẢNG XÉT MÌNH DÀNH CHO CÁC LINH MỤC


1. "Chính vì họ Con xin thánh hoá bản thân mình, để họ cũng được thánh hoá nhờ sự thật" (Ga 17,19)

Tôi có thật sự nhìn việc nên thánh trong chức linh mục của mình một cách nghiêm túc không? Tôi có xác tín thành công trong tác vụ linh mục của mình là do Chúa và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tôi phải đồng hoá mình với Đức Kitô và phải hiến dâng đời mình để cứu độ thế giới không?

2. "Này là mình Ta" (Mt 26,26)

Hy Tế Thánh Lễ có phải là trung tâm điểm trong đời sống thiêng liêng của tôi không? Tôi có chuẩn bị chu đáo để cử hành thánh lễ không ? Tôi có sốt sắng cử hành thánh lễ không? Tôi có đọc kinh cám ơn sau khi dâng lễ không? Thánh lễ có phải là trung tâm điểm ngày sống của tôi để cảm tạ và ca ngợi Thiên Chúa về những ơn lành của Chúa không? Tôi có chạy đến với lòng nhân từ của Chúa không? Tôi có cử hành thánh lễ để đền bù tội lỗi mình và tội lỗi của nhân loại không?

3. "Lòng nhiệt thành với nhà Chúa đã thiêu đốt tôi" (Ga 2,17)

Tôi có cử hành Hy Tế Thánh Lễ theo đúng nghi thức và chữ đỏ do Giáo Hội quy định không? Tôi có cử hành thánh lễ với ý hướng ngay lành và theo đúng các sách phụng vụ đã được phê chuẩn không? Tôi có chú ý tới các hình bánh cất giữ trong nhà tạm và cẩn thận thay đổi bánh ấy đều đặn không? Tôi có chú ý đủ tới các đồ thánh và cất giữ cẩn thận không? Tôi có ăn mặc các lễ phục đúng như Giáo Hội quy định một cách xứng đáng không? Tôi có ý thức mình đang hành động nhân danh Đức Kitô Thủ Lãnh không?

4. "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy" (Ga 15,9)

Tôi có sung sướng ra trước mặt Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể, suy niệm và thinh lặng thờ lạy Ngài không? Tôi có trung thành với việc viếng Thánh Thể hằng ngày không? Nhà tạm có phải là kho tàng thật của tôi không?

5. "Xin hãy giải thích dụ ngôn cho chúng con" (Mt 13,36)

Tôi có cẩn thận suy niệm hằng ngày và cố gắng vượt qua mọi lo ra khiến tôi xa cách Chúa không? Tôi có tìm cách để được Ngài là đấng tôi đang phụng sự soi sáng cho mình không? Tôi có siêng năng suy niệm Thánh Kinh không? Tôi có cẩn thận đọc kinh thường lệ không?

6. Cần phải cầu nguyện luôn, không mệt mỏi" (Lc 18,1)

Tôi có cử hành phụng vụ các giờ kinh hằng ngày một cách đầy đủ, xứng đáng, chăm chú và sốt sắng không? Tôi có trung thành với điều mình đã cam kết với Đức Kitô trong công việc quan trọng này của thừa tác vụ, là cầu nguyện nhân danh toàn thể Giáo Hội không?

7. "Hãy đến theo Ta" (Mt 19,21)

Chúa Giêsu Kitô có là tình yêu thật của đời tôi không? Tôi có vui sướng tuân giữ lời cam kết của mình là yêu Chúa bằng cách tiết dục trong đời sống độc thân không? Tôi có buông mình cho những ý nghĩ, uớc muốn và hành vi không trong sạch không? Tôi có chiều chuộng mà tham gia trò chuyện bậy bạ không? Tôi có để mình vướng vào một cơ hội rất gần để phạm tội đối với đức khiết tịnh không? Tôi có giữ gìn con mắt không? Tôi có thận trọng khi tiếp xúc với những hạng người khác nhau không? Đời sống của tôi có thật sự là một lời chứng cho giáo dân tin rằng sống trong sạch thánh thiện là điều chẳng những có thể, mà còn đem lại nhiều hoa trái và vui tươi không?

8. "Thầy là ai?" (Ga 1,20)

Trong đời sống hằng ngày, tôi có tỏ ra yếu đuối, lười biếng hay uể oải không? Khi trò chuyện, tôi có nói theo cảm giác tự nhiên và siêu nhiên mà linh mục nên có không? Tôi có cẩn thận bảo đảm rằng mình không chạy theo những hư danh hay hời hợt trong đời sống của mình? Tất cả mọi hành vi của mình có phù hợp với bậc sống linh mục không?

9. Con Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8,20)

Tôi có yêu quý sự khó nghèo của Đức Kitô không? Lòng tôi có thuộc về Chúa chưa? Tôi có siêu thoát với mọi sự chưa? Tôi có sẵn sàng làm những việc hy sinh để phục vụ Chúa tốt hơn không? Vì Chúa, tôi có sẵn sàng từ bỏ các tiện nghi, kế hoạch riêng và cả những giao tiếp hợp pháp không? Tôi có đang sở hữu thứ gì dư thừa không? Tôi có chi tiêu nào không cần thiết không hay có bị óc tiêu thụ chi phối không? Tôi có dùng thời gian rảnh rỗi để gần gũi Chúa, vì nhớ rằng khi nào tôi cũng là linh mục của Chúa – dù đang nghỉ ngơi hay du lịch?

10. "Cha đã giấu các sự ấy với những bậc khôn ngoan và thông thái, mà chỉ mặc khải chúng cho những người bé mọn" (Mt 11,25)

Tôi có phạm tội kiêu ngạo bằng cách có những khúc mắc thiêng liêng, quá mẫn cảm, mau nóng giận, không chịu tha thứ, có khuynh hướng không chịu thay đổi bất cứ điều gì, v.v... ? Tôi có cầu xin Chúa ban cho mình đức khiêm nhường không ?

11. "Thế là máu cùng nuớc chảy ra" (Ga 19,34)

Tôi có xác tín rằng khi hành động "nhân danh Đức Kitô" là tôi trực tiếp để mình trở nên một với thân mình Đức Kitô, tức là Giáo Hội không? Tôi có thành thật nói rằng mình yêu Giáo Hội không? Tôi có thành thật nói rằng tôi đang vui vẻ và ra sức làm cho Giáo Hội phát triển không? Tôi có quan tâm tới những quyền lợi của Giáo Hội và những quyền lợi của mọi thành phần trong Giáo Hội, tôi có quan tâm tới toàn thể nhân loại không?

12. "Anh là Phêrô" (Mt 16,18)

"Nihil sine Episcopo" – không có gì mà không có giám mục can thiệp vào – là câu nói của thánh Ignatiô thành Antiokhia. Câu nói ấy có phải là nền tảng sứ vụ của tôi không? Tôi có đón nhận mệnh lệnh, lời khuyên và sự sửa dạy của đấng bản quyền một cách ngoan ngoãn không? Tôi có thường xuyên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha không? Tôi có hiệp thông hoàn toàn với giáo huấn và ý định của ngài không?

13. "Anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34)

Tôi có bác ái khi cư xử với anh em linh mục không? Tôi có vì ích kỷ mà vô tâm với anh em linh mục không? Tôi có hay chỉ trích anh em linh mục không? Tôi có nâng đỡ những anh em đang đau yếu về thể lý hay tinh thần không? Tôi có dấn thân làm việc bác ái huynh đệ để không anh em nào bị bỏ rơi chưa? Tôi có cư xử với tất cả anh em linh mục và tất cả giáo dân một cách bác ái và kiên nhẫn như Đức Kitô chưa?

14. "Thầy là đường đi, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6)

Hiểu biết của tôi về giáo huấn của Giáo Hội đã thật sự hoàn bị như yêu cầu hay chưa? Tôi có tiêu hoá và truyền đạt lại giáo huấn ấy chưa? Tôi có ý thức giảng dạy điều gì ngược với Huấn Quyền, Huấn Quyền long trọng hay thông thường, đều là đã lạm dụng cách trầm trọng và gây thiệt hại cho giáo dân chưa?

15. "Hãy đi và đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11)

Công bố Lời Chúa là để dẫn các tín hữu đến với các bí tích. Tôi có xưng tội đều đặn không? Tôi có thường xuyên xưng tội theo đúng với bậc sống của mình và vì những sự việc linh thiêng mà mình hay tiếp xúc không? Tôi có quảng đại cử hành bí tích Sám Hối không? Tôi có mặt một cách hợp lý để làm việc linh hướng cho giáo dân và tôi có dành những thời gian riêng cho việc này chưa? Tôi có cẩn thận chuẩn bị trước khi dạy giáo lý không? Tôi có giảng dạy một cách nhiệt tình và với lòng yêu Chúa không?

16. "Ngài gọi đến với mình những người Ngài muốn để họ ở với Ngài" (Mc 3,13)

Tôi có cẩn thận giới thiệu ơn gọi linh mục và ơn gọi tu trì không? Tôi có gây ý thức nhiều hơn nữa cho mọi người biết ơn gọi nên thánh là ơn gọi của hết mọi người? Tôi có cổ võ mọi người cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi và cho hàng giáo sĩ được nên thánh?

17. "Con Người đến không phải để được hầu hạ, mà là để hầu hạ" (Mt 20,28)

Tôi đã cố gắng xả thân cho người khác và phục vụ họ hằng ngày theo yêu cầu của Tin Mừng chưa? Tôi có làm chứng cho tình yêu của Chúa bằng các việc lành chưa? Tôi có thấy Đức Kitô hiện diện trên Thánh Giá và có coi đó là sự chiến thắng của tình yêu không? Các việc làm hằng ngày của tôi có mang đậm tinh thần phục vụ chưa? Tôi có coi việc thực thi quyền bính là một cách phục vụ chưa?

18. "Ta khát" (Ga 19,28)

Tôi đã cầu nguyện và quảng đại làm các việc hy sinh để cầu cho các linh hồn Chúa trao cho tôi chăm sóc hay chưa? Tôi đã chu toàn các nhiệm vụ của người mục tử chưa? Tôi có quan tâm lo lắng cho các hài nhi qua đời không?

19. "Này là con Bà. Này là mẹ con" (Ga 19,26-27)

Tôi có phó mình với tin tưởng và hy vọng cho Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của các linh mục, để yêu mến con ngài là Đức Giêsu Kitô nhiều hơn? Tôi có làm việc sùng kính Đức Maria không? Tôi có lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày không? Tôi có chạy đến nhờ ngài chuyển cầu, mỗi khi phải chiến đấu với ma quỷ, dục vọng và thế gian không?

20. "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,44)

Tôi có lo lắng giúp đỡ và cử hành các bí tích cho người hấp hối không? Trong khi suy niệm riêng, trong khi dạy giáo lý và trong khi giảng dạy, tôi có lưu ý tới giáo lý của Hội Thánh về các sự sau cùng không? Tôi có xin ơn bền đỗ không? Tôi có yêu cầu các tín hữu cũng làm như thế không? Tôi có thường xuyên và sốt sắng dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời không?

***

PHỤ TRƯƠNG 2: CÁC KINH

KINH ĐỌC TRƯỚC KHI GIẢI TỘI

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan hằng ngự bên toà Chúa, để con biết dùng sự công bằng mà xét xử dân Chúa và sự công tâm để xét xử người nghèo của Chúa. Xin dạy con biết sử dụng chìa khoá Nuớc Trời, để không mở cho người đáng bị đóng và không đóng cho người đáng được mở. Xin làm cho ý hướng của con nên thanh sạch, lòng nhiệt thành của con thật chân tình, đức bác ái của con thành kiên nhẫn và việc con làm được kết quả.

Xin dạy con biết dịu dàng mà không yếu đuối, biết nghiêm nghị mà không gay gắt. Đừng để con coi khinh kẻ nghèo mà săn đón người giàu. Xin làm cho con trở nên dễ thương để thu hút tội nhân, thận trọng khi hỏi han, khéo léo khi hướng dẫn.

Xin Chúa hãy ban cho con sự khôn khéo để dẫn đưa họ ra khỏi tội, lòng hăng hái để củng cố họ trong điều tốt, đức chuyên cần để đưa họ trở nên tốt hơn. Xin ban cho con nói năng đúng đắn khi khuyên nhủ, phán đoán lành mạnh khi giải đáp. Xin ban cho con ánh sáng khi sự việc mù mịt, khôn ngoan khi sự việc rối ren, thành công khi sự việc khó khăn. Xin đừng để con bao giờ bị lạc mất.

 

KINH ĐỌC SAU KHI GIẢI TỘI


Lạy Chúa Giêsu Kitô, là đấng yêu thương và thánh hoá các linh hồn cách dịu dàng, xin đổ Thánh Thần xuống trên con, để thanh tẩy lòng con khỏi mọi tình cảm và ý nghĩ xấu xa. Xin Chúa vì lòng thương xót và thông cảm vô biên của Chúa mà cất đi khỏi sứ vụ của con tất cả những gì có thể gây cớ cho người ta phạm tội, chỉ vì sự dốt nát hay chểnh mảng của con. Những linh hồn Chúa đã dẫn đưa tới chỗ ăn năn thống hối và đã dùng máu châu báu để thánh hoá, con xin trao cho Chúa ủ ấp trong những vết thương đáng kính của Chúa, để Chúa canh giữ họ khỏi mọi tội lỗi. Còn tất cả những ai kính sợ Chúa thì xin Chúa gìn giữ họ trong tình yêu Chúa, để mỗi ngày các nhân đức lại phát triển thêm nơi họ, đưa họ tới sự sống đời đời. Chúa là đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin hãy đón nhận tác vụ mà con vừa thi hành bằng tình yêu vượt trên tất cả - tình yêu mà Chúa đã dùng để tha thứ cho thánh nữ Maria Mácđala và cho tất cả mọi tội nhân chạy đến với Chúa. Nếu có điều gì trong khi cử hành bí tích này, con đã làm một cách bất cẩn và bất xứng, thì xin Chúa đoái thương bổ sung và bù đắp. Con xin trao cho Thánh Tâm Chúa tất cả những người đã xưng tội với con. Xin Chúa canh giữ họ cho khỏi sa ngã. Và sau cuộc đời khốn khổ này, xin Chúa dẫn đưa họ cùng với con vào hưởng mọi sự hoan lạc của cuộc sống đời đời. Amen.

* Notes

 (1) Biển Đức XVI, Diễn Từ với các tham dự viên Khoá Học về Toà Trong do Toà Ân Giải Quốc tế tổ chức, 11/3/2010.

(2) Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen gentium", 9

(3) Biển Đức XVI, "Thông Điệp gởi ĐHY James Satfford – Toà Ân Giải Quốc Tế - và các tham dự viên khoá thứ 20 về Toà Trong do Toà Ân Giải Quốc tế tổ chức" (14/03/2009).

(4) Biển Đức XVI, "Thư công bố Năm Linh Mục nhân kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của Cha Sở Họ Ars" (16/06/2009).

(5) Phaolô VI, TôngThư "Populorum Progressio" (26/03/1967), 42 : AAS 59 (1967), 278.

(6) Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen Gentium", 40

(7) Cf. Gioan Phaolô II, Tông Thư "Novo Millenio Ineunte" (06/01/2001), 30 : AAS (2001), 287

(8) Gioan Phaolô II, Tông Thư "Novo Millenio Ineunte" (06/01/2001), 37 : l.c. 292

(9) Gioan Phaolô II, Tông Thư hay Tự Sắc "Misericordia Dei", về một số khiá cạnh trong việc cử hành bí tích Sám Hối (07/04/2002) : AAS 94 (2002), 453.

(10) Gioan Phaolô II, Đoản Sắc "Aperite Portas Redemptori" (06/01/1983), 6 : AAS 75 (1983), 96

(11) Biển Đức XVI, Tông Thư "Caritas in Veritate" (29/01/2009), 34, trích dẫn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 407

(12) Biển Đức XVI, Diễn Từ với các cha giải tội đang phục vụ tại các vương cung thánh đường giáo hoàng tại Roma (19/02/2007) : AAS 99 (2007), 252

(13) Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Reconciliatio et Paenitentia" (02/12/1984), 29 : AAS 77 (1985), 255-256

(14) Vatican II, Sắc Lệnh "Presbyterorum Ordinis", 5.

(15) Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng "Pastores dabo vobis" (25/03/1992), 15 : AAS 84 (1992), 680.

(16) Ibid., 26 : l.c. 699 trích lại Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng "Reconciliatio et Paenitentia" (02/12/1984), 31.

(17) Biển Đức XVI, Thư gởi các chủng sinh (18/10/2010), 3.

(18) Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng "Pastores Gregis" (16/10/2003), 39 : AAS 96 (2004), 876-877

(19) Chân Phước Gioan XXIII, Tông Thư "Sacerdotii Nostri Primordia" (1/8/1959), 85, 88, 90: AAS 51 (1959), 573-574

(20) Cf. ibid., 95: l.c., 574-575.

(21) Gioan Phaolô II, "Thư gởi các linh mục ngày thứ năm Tuần Thánh:, 1987,7: AAS 78 (1986), 695

(22) Vatican II, Hiến Chế "Gaudium et Spes", 10

(23) Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 49: l.c., 745

(24) Vatican II, Hiến Chế "Lumen Gentium", 8

(25) Ibid., 68

(26) "Bí tích Sám Hối, vốn rất quan trọng trong đời sống người kitô hữu, có vai trò làm cho hiệu quả cứu độ của mầu nhiệm Vượt Qua được có mặt trong hiện tại" : Biển Đức XVI, "Diễn Từ với các cha giải tội đang phục vụ tại các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Roma" (19/02/2007) : l.c., 250

(27) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1423,b.

(28) Ibid., 1424

(29) Ibid., cf. 2Cr 5,20; Mt 5,24

(30) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1427

(31) Ibid., 1428

(32) Cf. Gioan Phao lô II, "Diễn từ với các chủng sinh Nam Tư" (26/04/1985)

(33) Cf. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1458

(34) Ibid., 1460

(35) Ibid., 1465

(36) Thánh Gregori ô thành Naziance, "Bài Giảng" 45

(37) Cf. Vatican II, Hiến Chế "Gaudium et Spes", 22. "Phải bảo vệ [tác vụ hòa giải] trong sự linh thiêng của nó, không những vì lý do thần học, pháp lý, tâm lý mà Ta đã giải thích trong các bài diễn từ trước, mà còn vì tôn quý mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và hối nhân, cũng là đặc điểm của tác vụ ấy" : Gioan Phaolô II, "Diễn từ với Tòa Ân Giải" (12/03/1994), 3: AAS 87 (1995), 76; cf. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1467

(38) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1469; cf. Gioan Phaolô II, Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục "Reconciliatio et Paenitentia" (2/12/1973), 31, V: l.c., 265

(39) Nghi Thức Roma – Nghi thức Sám Hối (2/12/1973), "Lưu Ý Trước" số 11: editio typica (1974), tr. 15-16

(40) Ibid.

(41) Gioan Phaolô II, Tông Thư hay Tự Sắc "Misericordia Dei" (7/04/2002): l.c. , 452

(42) Biển Đức XVI, Thông Điệp "Caritas in veritate" (29/06/2009), 79

(43) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1436

(44) Ibid., 1439

(45) Biển Đức XVI, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Verbum Domini", 61

(46) Giáo Luật (CIC) điều 964, triệt 2

(47) Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Reconciliatio et Paenitentia" (2/12/1984), 32: l.c., 267-268

(48) Biển Đức XVI, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Verbum Domini", 61

(49) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1483; cf. CIC điều 962, triệt 1; Giáo Luật của các Hội Thánh Đông Phương (CCEO), điều 721

(50) CIC điều 961; cf. CCEO điều 721

(51) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1484

(52) CIC điều 959-963, CCEO điều 718-721

(53) CIC điều 964 : "&1. Địa điểm thích hợp để nghe xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện. &2. Hội Đồng Giám Mục phải lập ra các quy tắc liên quan đến việc giải tội ; tuy nhiên, phải liệu sao cho luôn luôn có những tòa giải tội có chắn song hay màn chắn giữa hối nhân và cha giải tội, đặt tại một chỗ công khai để tín hữu nào muốn đều có thể tự do sử dụng . 3& Không được nghe giải tội ngoài tòa cáo giải, nếu không có lý do chính đáng", Cf. CCEO, điều 736, &1.

(54) CIC điều 965-977; CCEO, điều 722-730

(55) CIC, điều 978 & 2

(56) CIC điều 978 & 1; CCEO, điều 732 & 2

(57) CIC điều 979

(58) CIC điều 981; CCEO, điều 732 & 1

(59) Cf. CIC điều 982-984; CCEO, điều 731; 733-734

(60) Cf. CIC điều 988 & 1 : Các kitô hữu buộc phải xưng tất cả các tội nặng về loại và về số lần mà mình đã phạm sau khi chịu phép Rửa và chưa được tha trực tiếp qua chìa khóa của Giáo Hội hay chưa nhìn nhận trong khi xưng tội cá nhân, nay đã nhận thức sau khi cẩn thận xét mình.

(61) Cf. ibid., điều 987-991; CCEO, điều 719

(62) Gioan Phaolô II, Tự Sắc "Misericordia Dei" (7/04/2001), 3: l.c., 456

(63) CIC điều 986; CCEO, điều 735

(64) Gioan Phaolô II, Tự Sắc "Misericordia Dei" (7/04/2001), 1b-2: l.c., 455

(65) Cf. Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, "Quaenam sunt dispositions" trả lời về các quy tắc cử hành bí tích Sám Hối (31/07/2001): Notitiae 37 (2001) 259-260 (EV 20 [2001] số 1504)

(66) Biển Đức XVI, "Thư công bố một năm linh mục nhân kỷ niệm 150 ngày qua đời của Cha Sở Họ Ars" (16/06/2009)

(67) Ibid.

(68) Ibid.

(69) Gioan Phaolô II, "Thư gởi các linh mục Ngày Thứ Năm Tuần Thánh" 1986, 7: l.c., 695

(70) CIC điều 978 & 1; CCEO, điều 732 & 2

(71) Gioan Phaolô II, Tông Thư "Dives in Misericordia", 9; l.c., 1208

(72) Gioan Phao ô II, Bài Giảng tại Maribor (Slovenia), 19/05/1996

(73) Biển Đức XVI, Diễn Từ với các cha giải tội phục vụ tại các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Roma (19/02/2007) ; xt. Diễn Văn với các tham dự viên khóa học về Tòa Trong do Tòa Ân Giải tổ chức (7/03/2008). Những bài huấn từ của đức Gioan Phaolô II và của đức Biển Đức XVI với Tòa Ân Giải cung cấp một giáo lý hết sức phong phú về bí tích Sám Hối, đồng thời khuyến khích các thừa tác viên hãy đích thân lãnh nhận bí tích này để giúp giáo dân có kinh nghiệm tha thứ và thánh hóa ấy. Ngoài những tài liệu đã trích dẫn, chúng ta có thể tham khảo thêm các tài liệu sau đây : Nghi lễ Roma – Nghi Thức Sám Hối (2/12/1973) ; Gioan Phaolô II, Tông Thư "Dives in Misericordia" (30/11/1980) ; Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Reconciliation et Paenitentia" (2/12/1984) ; Tự Sắc "Misericordia Dei" về một số khía cạnh trong việc cử hành bí tích Sám Hối (7/04/2002) ; Tòa Ân Giải "Il sacramento della penitenza nei Messagi di Giovanni Paolo II alla Penitenzieria Apostolica 1981, 1989-2000" (12/06/2000) ; Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, "Vademecum per I confessori su alcuni terni di morale attenenti alla vita conjugale" (1997). Các ghi chú cũng trích dẫn các bài diễn văn của đức Biển Đức XVI với Tòa Ân Giải. Xem thêm : CIC, Quyển bốn, Phần 1, thiên IV; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, phần II thiên 4.

(74) Gioan Phaolô II, Tông huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 40: lc.c., 723

(75) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 9

(76) Vatican II, Sắc lệnh "Optatam Totius", 3

(77) Ibid., 8.

(78) Gioan Phaolô II, Tông huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 4: l.c., 663.

(79) Ibid., 40: l.c., 724-725

(80) Ibid., 81; l.c., 799-800

(81) Thánh Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam về thừa tác vụ và đời sống linh mục "Dives Ecclesiae" (31/03/1994), 54: LEV 1994

(82) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 18.

(83) Thánh Bộ Giáo Sĩ, "Chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục " : 'Dives Ecclesiae' (31/03/ 1994), 54: LEV 1994.

(84) Gioan Phaolô II, Tông thư "Veritatis Splendor" (6/8/1993), 115: l.c., 1224.

(85) Ibid., 88: l.c. 1204

(86) Biển Đức XVI, Tông thư "Caritas in Veritate" (29/06/2009), 78

(87) Giáo Luật có mô tả việc linh hứơng cho các chủng viện (CIC 239;CCEO 337-339); trong các nhà dòng (CIC 630; CCEO 433-475, 538&3, 539) và các tu hội đời (CIC 719). Muốn biết thêm các tài liệu khác về việc linh hướng cho các linh mục, đời tu, các chủng viện và các tập viện, xin đọc ghi chú cuối cùng của đoạn 134 tài liệu này.

(88) Biển Đức XVI, Tông thư "Spe Salvi" (30/11/2007), 40: AAS 99 (2007), 1018

(89) Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen gentium", 11

(90) Cf. Vatican II, Dắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 14

(91) Cf. Gioan Phaolô II, Tông huấn "Christifideles Laici" (30/12/1988), 59: AAS 81 (1989), 509

(92) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 14

(93) Ibid.

(94) Cf. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Chỉ Nam về Tác Vụ và Đời Sống của các Linh Mục "Dives Ecclesiae" (31/03/1994)

(95) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 6

(96) Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Vita Consecrata" (25/03/1996), 2: AAS 88 (1996), 378

(97) Ibid., 30, l.c., 403

(98) Ibid., 1: l.c., 377

(99) Ibid., 22: l.c., 396

(100) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 916; Cf. CIC 573

(101) Cf. GLHTCG, số 932

(102) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum ordinis", 6

(103) Cf. Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen Gentium", 31

(104) Thánh Josemaria Escriva, "È Gesù che passa", 10

(105) Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Verbum Domini", 94

(106) Ibid.

(107) Vatican II, Sắc lệnh "Apostolicam Actuositatem", 1

(108) Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen Gentium", 31

(109) Vatican II, Sắc lệnh "Apostolicam Actuositatem", 4

(110) Vatican II, Hiến chế tín lý "Lumen Gentium", 31

(111) Ibid., 33

(112) Vatican II, Sắc lệnh "Apostolicam Actuositatem", 29; cf. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Christifideles Laici" (30/12/1988), 7-8,15,25-27,64: l.c., 403-405, 413-416, 436-442, 518-521

(113) Cf. Vatican II, Hiến chế mục vụ "Gaudium et Spes", 22

(114) Cf. Vatican II, sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 3; Ibid., Sắc lệnh "Optatam Totius", 11; Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 43-44, 72: l.c., 731-736; 783-787; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Chỉ Nam về tác vụ và đời sống của linh mục "Dives Ecclesiae" (31/03/1994), 76

(115) Vatican II, Sắc lệnh "Optatam Totius", 11

(116) Thánh Tôma Aquinô, "Summa theologiae", I, 1, 8 ad 2

(117) Biển Đức XVI, Tông thư "Caritas in Veritate" (29/06/2009), 76

(118) Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 40: l.c., 725

(119) Về điều này, xin xem Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, "Chỉ Nam Đào Tạo đời sống độc thân linh mục" (11/04/1974); "Hướng dẫn sử dụng tâm lý học để tiếp nhận và đào ạto các ứng viên linh mục" (29/06/2008), "Huấn thị về các tiêu chuẩn phân định ơn gọi liên quan đến những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái để tiếp nhận vào chủng viện hay lãnh các chức thánh" (04/11/2005): AAS 97 (2005), 1007-1013; "Chỉ thị về việc đào tạo chủng sinh liên quan đến những vấn đề hôn nhân và gia đình" (19/03/1995)

(120) Vatican II, Sắc lệnh "Optatam Totius", 14

(121) Gioan Phaolô II, Tông thư "Redemtoris Missio" (07/12/1990), 24: AAS 83 (1991), 270-271

(122) Về việc linh hướng, ngoài những tài liệu đã trích dẫn, xem thêm: Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 9, 18; "Optatam Totius" 3, 8, 19; Gioan Phaolô II, tông huấn "Pastores Dabo Vobis" (25/03/1992), 40, 50, 81: l.c., 725,747, 799-800; Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục "Vita Consecrata" (25/03/1996), 21, 67, 46: l.c., 394-395, 442-443, 418-420; CIC 239, 246; CCEO 337-339, 346 & 2; Thánh Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam về tác vụ và đời sống của linh mục, "Dives Ecclesiae" 39, 54, 85, 92 ; Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, "Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis" (19/03/1985), 44-59; "Thư luân lưu về một số khía cạnh cấp bách trong việc đào tạo thiêng liêng tại chủng viện" (06/01/1980), "Chỉ thị liên quan tới việc chuẩn bị các nhà đào tạo chủng viện" (04/11/1993) 55, 61 (Nhà linh huớng); Thánh Bộ các tu hội thuộc đời sống thánh hiến và các tu đoàn thuộc đời sống tông đồ, Chỉ thị về việc đào tạo trong các tu hội dòng, "Potissimum Institutioni" (02/02/1990), 13, 63: AAS 82 (1990), 479, 509-510; Huấn thị "Xuất phát lại từ Đức Kitô: Một sự dấn thân mới cho đời tu trong thiên niên kỷ thứ ba" (19/05/2002), 8; Thánh Bộ Phúc Âm Hoá các Dân Tộc, "Hướng dẫn mục vụ cho các linh mục giáo phận tại các giáo hội trực thuộc Thánh Bộ Phúc Âm Hoá các Dân Tộc" (01/10/1989), 19-33 (linh đạo và đời sống linh mục).

(123) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 11

(124) Gioan Phaolô II, "Thư gởi các linh mục ngày thứ năm Tuần Thánh 1986", 7: l.c., 696

(125) Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 12

(126) Biển Đức XVI, Tông thư "Caritas in Veritate" (29/06/2009), 76

(127 Ibid.,77

(128 Vatican II, Sắc lệnh "Presbyterorum Ordinis", 22

(129) Ibid.

(130) Gioan Phaolô II, Tông thư "Redemptoris Missio" (07/12/1990), 92: l.c., 339

(131) Ibid.