Lịch sử của nền văn minh đô thị Hy-lạp thời thượng cổ là một lịch sử rất ngắn ngủi so với các nền văn minh khác như Ấn Độ hay Trung Hoa. Những bộ lạc thuộc chủng tộc Aryen, ở Bắc Trung Âu khoảng 2.000 năm trước Tây lịch đã di cư xuống miền Nam và định cư trên bán đảo sau này trở thành xứ Hy-lạp. Về thời di cư và định cư, không có tài liệu. Phải đợi đến thế kỷ VII trước Tây lịch chúng ta mới thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự chớm nở của nền văn minh Hy-lạp. Lúc này mới xuất hiện những tác phẩm văn chương đầu tiên, thời danh hơn cả là những bản trường ca Iliade và Odysée của Homère.
Cũng trong thế kỷ VII, chúng ta thấy xuất hiện những đô thị Hy-lạp. Những đô thị này khởi đầu là những trung tâm quân sự hay thương mãi mà những bộ lạc đã thiết lập trên đường di cư của họ. Trong số những trung tâm đó, có những trung tâm đã lớn mạnh dần dần và ảnh hưởng của chúng đã lan rộng đến cả một vùng như là Sparte hay Athènes. Vào thế kỷ VII, những trung tâm này được tổ chức thành những quốc gia thật sự có tính cách độc lập và thương chống đối lẫn nhau, mặc dầu đồng một chủng tộc. Trong cuộc chống đối này, có hai đô thị lớn tranh nhau quyền bá chủ là Sparte và Athènes. Trong thế kỷ V, cuộc tranh chấp trở thành một cuộc chiến Péloponèse mà một sử gia đương thời là Thucydide đã ghi lại trong quyển “De là guere du Péloponèse”, kết cục Athènes thua nhưng Sparte cũng kiệt quệ luôn.
Sau đó, các đô thị Hy-lạp được thống nhất trong một thời gian ngắn vào cuối thế kỷ IV trước Tây lịch. Cuộc thống nhất này là công trình của nhà vua Philippe de Macédone, và của Đại đế Alexandre, con của nhà vua Philippe. Sau khi Alexandre mất thì người Hy-lạp lại chia rẽ nhau như cũ, đế quốc bị phân chia thành những mảnh vụn và nền văn minh Hy-lạp sụp rất nhanh. Đến giữa thế kỷ II trước Tây lịch, vào năm 146, Hy-lạp bị chiếm đóng và đô hộ bởi đế quốc La-mã, biến thành một tỉnh nhỏ của đế quốc La-mã. Và từ đó người Hy-lạp không còn một lịch sử riêng biệt, mãi cho đến khi nước Hy-lạp hiện đại được thành lập. Cũng từ đó, người Hy-lạp không còn sáng tác một công trình nào có giá trị trong lãnh vực văn hóa, và nhữgn người Hy-lạp hiện đại không có một liên hệ nào với người Hy-lạp Thượng cổ mà nền văn minh đã cáo chung.
Đây là một lịch sử rất ngắn, tính lại chỉ diễn tiến trong vòng năm thế kỷ, từ thế kỷ VII đến thế kỷ II. Tuy nhiên nó rất huy hoàng, rực rỡ vì không một dân tộc nào trên thế giới đã sáng tác nhiều công trình vĩ đại trong một thời gian ngắn ngủi như vậy. Và công trình của người Hy-lạp đặc biệt trong phạm vi tư tưởng đã ảnh hưởng sâu xa và lâu bền đến nền văn minh thế giới hơn bất cứ một dân tộc nào. Heisenberg trong “La nature dans la physique contemporaine” đã cho thấy ảnh hưởng đó như sau : “Nguồn gốc chung của các khoa học thiên nhiên hiện đại phải được tìm thấy trong tư tưởng thời Thượng cổ”.
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao một dân tộc thông minh và anh hùng như thế lại có thể suy mạt một cách nhanh chóng như vậy ? Có rất nhiều nguyên nhân :
Nguyên nhân dễ thấy hơn hết là sự chia rẽ nội bộ, sự tranh chấp giữa các đô thị Hy-lạp với nhau và sự bất lực của người Hy-lạp trong việc thống nhất đất nước của họ.
Nguyên nhân thứ hai là cá nhân chủ nghĩa đã bắt đầu thịnh hành trong các đô thị Hy-lạp kể từ thế kỷ V. Người Hy-lạp đã khám phá ra sớm hơn mọi dân tộc khác giá trị của con người hiểu như là những cá nhân cũng như họ đã khám phá ra những quyền tự do căn bản của cá nhân đó trước mọi dân tộc khác. Nhờ thế họ đã thiết lập được chế độ dân chủ. Tuy nhiên chính chủ nghĩa cá nhân là mầm mống suy mạt của những đô thị Hy-lạp, vì những quyền lợi cá nhân được đề cao quá đáng đã làm cho người Hy-lạp quên đi những quyền lợi của tập thể.
Nguyên nhân thứ ba là có sự mâu thuẫn nội tại giữa tính cách phổ biến của nền văn minh Hy-lạp và tính cách địa phương nhỏ bé, đặc thù của các đô thị Hy-lạp. Nền văn minh Hy-lạp có tính cách nhân bản và bất cứ cái gì nhân bản cũng có tính cách phổ biến nghĩa là có giá trị cho tất cả mọi người. Tuy nhiên tính cách phổ biến đó lại va chạm, xung khắc với tính cách địa phương nhỏ hẹp của các đô thị Hy-lạp. Vì thế nền văn minh Hy-lạp đòi hỏi những đô thị này phải bị hủy diệt mới có thể truyền bá được. Trong thực tế, lịch sử đã diễn tiến đúng như vậy : nền văn minh Hy-lạp chỉ được truyền bá mạnh thực sự trên bình diện chính trị.
CÁCH THỨC TỔ CHỨC CỦA CÁC ĐÔ THỊ HY-LẠP
Có hai kiểu mẫu tổ chức mâu thuẫn với nhau.
1.Những đô thị dân chủ tự do, tiêu biểu là Athènes.
2.Những đô thị theo chế độ quý tộc, độc tài quân phiệt : Sparte.
Mặc dầu sự mâu thuẫn đó, những đô thị Hy-lạp có những nét, những đặc tính căn bản giống nhau :
- Một đô thị được xem như một đại gia đình gồm tất cả những bộ lạc đồng chủng tộc và được xem như phát nguyên từ một tổ tiên chung.
- Đó là những quốc gia có tính cách độc lập mặc dù rất nhỏ bé. Về diện tích, một đô thị Hy-lạp rộng bằng một tỉnh Việt Nam. Về dân số, lối hai hay ba trăm ngàn người.
- Mỗi đô thị có những vị thần riêng được xem như có nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ cho đô thị đó.
Cuối cùng, đô thị còn là một trung tâm giáo dục, vì người Hy-lạp đã chú trọng đến vấn đề giáo dục rất sớm. Nên giáo dục của họ là dưới chế độ dân chủ tự do hay độc tài quân phiệt đều nhằm một mục đích là đào luyện những công dân có ý chí phục vụ tổ quốc và đô thị. Chỉ khi nào cá nhân chủ nghĩa được thịnh hành mục tiêu tập thể của giáo dục mới mất đi.
So sánh hai mẫu tổ chức đô thị
A-Nền dân chủ của Athènes.
Thành Athènes đã sáng tác chế độ dân chủ đầu tiên. Đây là một chế độ dân chủ trực tiếp và tuyệt đối, đặc biệt dưới thời của Périclès là người đã lãnh đạo Athènes trong suốt 20 năm. Trong chế độ này, tất cả các công dân Hy-lạp được xem là bình đẳng và tất cả quyền bính đều bắt nguồn từ nhân dân, từ định chế căn bản và tối thượng là Hội đồng nhân dân (Ecclesia). Hội đồng nhân dân không có hội họp thường xuyên nên có một Quốc hội gồm 500 đại biểu. Tuy nhiên các đại biểu không phải là người do dân bầu ra nhưng được lựa chọn bằng cách rút thăm. Quốc hội này chỉ có nhiệm vụ thi hành những quyết định của Hội đồng nhân dân và có quyền xử lý thường vụ trong những khi Hội đồng nhân dân không thể nhóm họp. Nguyên tắc ở đây là sự bình đẳng tuyệt đối giữa các công dân, do đó khi có sự bất đồng ý kiến, chỉ có cách biểu quyết và thiểu số phải phục tùng đa số.
Về sự cái trị hàng ngày trong xứ, có những viên chức được lựa chọn bằng cách bầu cử, nếu không quan trọng thì bằng cách rút thăm. Đô thị Athènes vào thế kỷ V có khoảng 21.000 công dân được phục vụ bởi khoảng 400.000 nô lệ. Nền dân chủ của đô thị đã bảo đảm cho dân một đời sống tự do và sung túc. Ta có thể thấy sự tự do và sung túc này trong một bài diễn văn của Périclès, trong quyển “Histoire de la guerre du Péloponèse” của Thucydide (quyển II, chương 37)
Tuy nhiên phải nói thêm rằng nền dân chủ đó có tính cách hình thức hơn là chân thật bởi vì cái quyền bính được gọi là ngự trị nơi nhân dân bắt nguồn từ Hội đồng nhân dân, quyền bính đó thật ra vẫn độc quyền của những người giàu có, quyền quí trong xã hội, khiến cho Thycydide đã phê bình như sau : “Người ta nói xứ này là dân chủ nhưng nó vẫn là xứ của một thiểu số và cuối cùng của một người”. Nền dân chủ đó dựa trên chế độ nô lệ. Nó có tính cách rất bảo thủ trong phạm vi quốc hội và rất đế quốc trong phạm vi đối ngoại. Chính tính cách bảo thủ của nó đã khiến cho nó nhiều lần đốt sách các triết gia và xử tử Socrate cũng như tính cách đế quốc của nó đối với các đô thị khác, nhất lầ các đô thị đồng minh đã cho phép nó bòn rút những tài nguyên để cung phụng riêng cho dân mình. Tuy nhiên nhờ sự thịnh vượng đó mà đời sống trí thức của thành Athènes đã phát triển hết sức mạnh mẽ và những công trình mà người Hy-lạp đã sáng tác trong thế kỷ đó hiện nay vẫn còn làm chóa mắt nhân loại trong nhiều lãnh vực.
B-Nền quân phiệt của Sparte.
Dân Sparte là những bộ lạc đã đến chiếm cứ sau cùng xứ La-co-ni-e của bán đảo Hy-lạp. Đây là một xứ nghèo bị đồi núi bao quanh khó vô cũng khó ra, trong khi Athènes ngó ra biển. Người Sparte đã chiến thắng và đô hộ dân bản xứ đã chiếm cứ vùng ấy trước họ và vấn đề căn bản của họ là làm sao giữ được mãi ưu thế của thiểu số thắng trận đó. Họ đã giải quyết vấn đề đó bằng cách chận đứng thời gian, tổ chức một chế độ hết sức rắn chắc không có gì lay chuyển hay thay đổi được. Chế độ đó dựa trên một kỷ luật sắt bao trùm toàn diện đời sống của người dân Sparte. Người Sparte tự định nghĩa là những chiến sĩ sanh ra với sứ mạng duy nhất là phụng sự nhà nước, không phân biệt nam nữ. Từ 7 tuổi, đứa trẻ Sparte đã được giao cho nhà nước dạy dỗ và chương trình giáo dục rất là khắc nghiệt ; khi lên 17 tuổi họ vào quân đội để phục vụ liên tục trong 40 năm vời thời bình cũng như thời chiến. Tất cả đô thị được xem như một quân đội. Nhờ đó, vào thế kỷ VI, 9.000 người Spartiates đã ngự trị trên 230.000 dân bản xứ. Giữa các công dân Sparte với nhau có sự bình đẳng, mỗi người được chia đồng đều một lô đất nhưng họ không phải làm vì có dân bản xứ làm thay cho họ. Tuy nhiên, họ không có quyền bán hoặc phân chia giữa các công dân có một đời sống tập thể rất chặt chẽ. Người chiến sĩ có gia đình vẫn phải sống chung như những binh sĩ trong trại và bắt buộc ăn cơm chung với nhau.
Về chính trị, chế độ thành Sparte là một chế độ quí tộc, lãnh đạo bởi một thiểu số. Họ còn giữ lại hình thức quân chủ với hai vị vua nhưng nhà vua chỉ giữ hư vị, không có quyền bính chi, chỉ lo tế tự trong phạm vi tôn giáo. Tất cả quyền lập pháp nằm trong tay một cơ quan là Hội đồng Bô lão (Gerousia). Hội đồng gồm hai nhà vua và 28 bô lão (trên 60 tuổi). 28 vị này đượcbầu một lần cho suốt đời. Quyền hành pháp nằm trong tay một uỷ ban gồm 5 uỷ viên (Éphores), được bầu hàng năm. Như vậy nguyên tắc vẫn là nhân dân là nguồn gốc của quyền bính nhưng sự khác biệt giữa Sparte và Athènes là người dân Sparte chỉ có quyền bầu các nhà lãnh đạo, sau đó phải giao cho các nhà lãnh đạo quyền quyết định mọi sự. Quyền bầu các nhà lãnh đạo cũng được xem là một quyền tập thể, thành ra người dân trên cương vị cá nhân không có một quyền hạn nào cả.
Với một thể chế chính trị và xã hội như vậy, người Sparte chỉ có thể là một chiến sĩ anh dũng và gần như vô địch. Tuy nhiên, một khuyết điểm lớn là người chiến sĩ Sparte chỉ giữ được những đức tính của mình (can đảm, quên mình) trong khuôn khổ của xã hội Sparte mà thôi. Khi Sparte làm bá chủ các đô thị và phải cử những chiến sĩ của mình đến chiếm đóng, cai trị những đô thị khác thì sự sa đọa đã xẩy ra rất nhanh chóng. Ảo tưởng của người Sparte là có thể chặn đứng thời gian và có thể giữ vững mãi sự ưu thắng của mình bằng sức mạnh và kỷ luật. (thuật) Họ đã chận đứng được thời gian trong một ít lâu, nhưng thời gian đã nuốt trửng họ. Vì một sáng tác nào về văn hóa ngay cả một đền đài cũng không có. Chế độ Sparte sẽ ảnh hưởng nhiều đến lý thuyết xã hội của Platon.
NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA TƯ TƯỞNG HY-LẠP
Văn minh Hy-lạp là một văn minh thành thị (civilisation urbaine). Tư tưởng Hy-lạp bắt nguồn từ những đô thị và hình như chỉ có thể nảy sinh trong khuôn khổ những đô thị đó. Đây là những đô thị vừa tầm vóc của con người. Con người không bị chìm đắm trong một tập thể quá lớn và nhờ vậy được tôn trọng ; mỗi người Hy-lạp đều có giá trị chứ khôgn phải là một con số trong tập thể. Tuy nhiên, sự tôn trọng chỉ được tôn trọng nhất là hạng nô lệ. Dầu vậy, sự tôn trọng con người này đã khiến cho tư tưởng Hy-lạp biết chú trọng rất sớm đến các vấn đề của con người và đặc biệt của con người sống trên trần gian này. Đây cũng là những xã hội quí phái, một xã hội hầu như không phải lao động vất vả (nhờ đám đông nô lê). Nhờ vậy, người công dân Hy-lạp có thể để nhiều thời giờ vào những công việc nghiên cứu tìm tòi đặc biệt trong phạm vi triết học. Chính Socrate cũng nói là triết học cần sự nhàn rỗi.
Tư tưởng phát xuất từ xã hộ đó có những đặc tính sau đây :
Trước hết, đó là một tư tưởng thuần lý (pensée rationnelle) nghĩa là một tư tưởng chỉ dựa trên sự lập luận chính xác của lý trí mà thôi, chứ không dựa trên một niềm tin vượt khỏi lý trí, như trong các tôn giáo. Lý trí Hy-lạp bắt nguồn từ kinh nghiệm nhưng cũng vượt qua kinh nghiệm. Người Hy-lạp đã ý thức rất sớm nhu cầu này vì lẽ kinh nghiệm chỉ cho ta những nhận thức có tính cách cụ thể và đặc thù. Và muốn vượt qua sự cụ thể và đặc thù đó thì phải vượt qua kinh nghiệm để đi đến cái thuần lý, cái phổ quát như Aristote đã viết : “Chỉ có khoa học về cái phổ quát” (il n’y a de science que du général). Tính cách thuần lý này bắt nguồn từ một niềm tin nơi lý trí có khả năng lĩnh hội và giải thích toàn bộ thực tại. Niềm tin này tạo cho người Hy-lạp tham vọng thiết lập một khoa học và tính cách khoa học là đặc tính thứ hai của tư tưởng Hy-lạp, một tư tưởng khoa học không những có tính cách chính xác mà còn có khả năng bao trùm toàn thể thực tại và giải thích toàn thể thực tại đó bằng một hệ thống mạch lạc.
Tham vọng của người Hy-lạp ngay từ khởi nguyên là đạt đến cái biết thật, cái biết chính xác và cái biết toàn diện. Triết học từ khởi nguyên đồng nghĩa với khoa học tức là một môn học giúp chúng ta lãnh hội toàn thể thực tại và lĩnh hội một cách chính xác. Vấn đề biết thật, biết chính xác có hai khía cạnh:
a-Khía cạnh thứ nhất liên hệ đến chủ thể nhận thức : làm thế nào để đạt đến cái biết thật ? Vấn đề này đẻ ra môn nhận thức học và luận lý học.
b-Khía cạnh thứ hai liên hệ đến đối tượng nhận thức : thế nào là cái có thật ? Vấn đề này đẻ ra môn hữu thể học.
Từ hai khía cạnh đó của vấn đề biết thật, tư tưởng Hy-lạp đã phát triển rất nhanh và đã thiết lập được một triết học hết sức hoàn bị với Aristote. Chúng ta có thể nhận định cách sơ lược những vấn đề căn bản của cái triết học.
1.Trong lãnh vực nhận thức học, người Hy-lạp đã tự hỏi năng khiếu nào trong con người cho chúng ta đạt đến cái biết chính xác : Lý trí hay giác quan của chúng ta ? Giá trị của mỗi năng khiếu như thế nào ? Nếu chúng ta dùng lý trí để đạt tới cái biết thật thì phải dùng lý trí đó cách nào để tránh mâu thuẫn hay lệch lạc, phải lý luận cách nào cho hợp lý. Đó là vấn đề của môn luận lý học, nhất là luận lý học hình thức (logique formelle).
2.Trong lãnh vực hữu thể học, câu hỏi đầu tiên đặt ra là : Vũ trụ này là gì ? được cấu tạo cách nào ? Vì thế, hữu thể học sơ khởi đồng nghĩa với vật lý học (hiểu theo nghĩa một môn học về thiên nhiên). Qua một giai đoạn khác, khi ý thức đó vượt qua tình trạng thô sơ, thì vấn đề được đặt ra là cái gì có thật trong vũ trụ này ? Cái có thật đó là vật chất hay tinh thần ? Cái có thật là những vật hữu hình mà chúng ta có thể kinh nghiệm được hay là những ý niệm vô hình mà chúng ta có thể quan niệm được ? Các câu hỏi ấy đưa đến một vấn đề tổng quát hơn : Thế nào là một hữu thể ? Hữu thể là một hay là nhiều ? Hữu thể trường tồn, cố định hay biến chuyển ? Nếu nó biến đổi thì khi nào nói nó biến đổi.
3.Trong vũ trụ này, có một thực tại thật gần gũi với chúng ta, thực tại đó chính là chúng ta. Chúng ta là gì và phải làm gì ? Đó là vấn đề đạo đức. Đây là giai đoạn trưởng thành của tư tưởng Hy-lạp, giai đoạn mà sau khi đã chu du trong vũ trụ, nó quay về với chính nó, chính con người để đặt con người làm trung tâm của việc suy tư. Đây là giai đoạn phản tỉnh (réfléchir : nhìn lại chính mình). Socrate là người đã tạo sự chuyển hướng đó và được xem như trục của lịch sử triết học.
Từ câu hỏi hết sức tổng quát, thế nào là hữu thể, Socrate đã đặt ra câu hỏi tôi là gì và phải làm gỉ để đạt tới bản tính đích thật của tôi, để hoàn thành con người của tôi hầu có thể sống cho ra con người và hưởng hạnh phúc, không phải một thứ hạnh phúc đời sau nhưng ngay trong đời này. Socrate là người đã thành lập môn đạo đức học và cũng là người đã đặt ra vấn đề hạnh phúc. Ông ta đã quan niệm hạnh phúc như một hậu quả tất nhiên của một nếp sống thích hợp nhất với con người nghĩa là một nếp sống đạo đức. Ông là người đầu tiên đã liên kết chữ ĐỨC với chữ PHÚC. Tuy nhiên, vì người Hy-lạp là những cá nhân sống trong tập thể và ý thức rất sâu xa bổn phận của mình đối với tập thể cho nên cái hạnh phúc được họ đặt thành vấn đề có tính cách tập thể trước khi có tính cách cá nhân. Muốn đạt tới hạnh phúc tập thể phải nghiên cứu những kiểu mẫu xã hội để xem hiểu mẫu nào thích hợp nhất cho con người có thể sống hạnh phúc ; vì thế người Hy-lạp cũng sáng lập ra môn chính trị học và đây là một khoa học rất quan trọng đối với họ. Đối với Aristote, đây là một khoa học cao siêu và có giá trị hơn hết bao gồm những môn khác vì cứu cánh của nó là tìm những điều kiện bảo đảm hạnh phúc cho quốc gia dân tộc. Cho nên, đạo đức học được xem như là một phần của chính trị học.