Học Viện Đaminh
A. HIỆN HỮU CỦA CHẤT LIỆU ĐỆ NHẤT (CLĐN) VÀ HÌNH THẾ BẢN THỂ (HTBT)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Các vật thể đơn chất là những nguyên tố không thể phân chia thành những nguyên tố dị biệt. Tuy nhiên, những nguyên tố cũng vẫn là vật thể. Do vậy, điều chúng ta cần tìm đó là: Đâu là những nguyên lý đầu tiên kiến tạo nên những nguyên tố đó? Từ đây, chúng ta có thể đặt vấn đề như sau:
1. Làm thế nào các nguyên tử tạo nên phân tử đơn nhất?
2. Làm sao giải thích chính cấu trúc của nguyên tử? Phải chăng đó chỉ là những hạ nguyên tử gộp lại, hay là theo cách nào khác?
II. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Giải pháp cho vấn đề không thể có được nhờ các khoa học thực nghiệm, song phải dùng lý trí biện luận từ những dự kiện thực nghiệm, vì đó là vấn đê triết lý. Tuy nhiên, giải pháp triết học không thể mâu thuẫn với những mệnh đề chắc chắn mà khoa học thực nghiệm đã thiết lập.
2. Các vật thể đơn thuần hay nguyên tố thì khác loại nhau. Điều này chứng tỏ chúng khác nhau về bản tính.
3. Nơi vật thể có những thay đổi bản thể thực sự.
4. Giải pháp cho vấn đề phải khởi đi từ nguyên lý nhân quả.
III. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Ta có thể tóm lược các học thuyết liên quan đến vấn đề thành ba loại như sau:
1. Nguyên tử thuyết
nói chung là một triết thuyết chủ trương coi những vi thể là những nguyên lý đầu tiên cấu tạo nên vật thể. Trong lịch sử có ba phụ loại sau:
a. Nguyên tử thuyết hay thuyết duy vật nguyên sơ của học phái Ionia: coi nguyên lý sơ đẳng là: nước, lửa, khí,… Còn Anaxagoras lại đề ra một nguyên lý thông minh và an bài. Trong khi đó, Empodocles chủ trương bốn nguyên tố, ngoài ra còn thêm tích cách yêu và ghét. Thuyết duy vật kiểu trên gọi là sinh chất thuyết vì cho rằng vật chất cũng sống động.
b. Thuyết nguyên tử cơ học: Leucippus và Democritus coi các vật thể có được là do các nguyên tử và chuyển động nơi chốn. Epicurus nhận tất cả, nhưng thay thế đường thẳng bằng thứ khuynh hướng riêng biệt nơi các nguyên tử. Gassendi sửa sai bằng cách cho rằng Thiên Chúa tạo dựng nên nguyên tử, nhưng không đề cập đến linh hồn con người. Descrates cũng nhận thuyết nguyên tử nhưng công nhận việc Thiên Chúa tạo dựng và linh hồn con người là thiêng liêng, đồng thời Thiên Chúa cũng tạo dựng toàn bộ vật thể và phú cho chúng nguyên chuyển động nơi chốn mà thôi. Haeckel, Langevin sau này coi thuyết nguyên tử và điện tử là sự lý giải sau cùng về vạn vật cũng như các hiện tượng của chúng.
c. Thuyết nguyên tử năng động: ngoài vật chất ra còn có những phẩm tính và sức lực.
* Nhận xét:
Thuyết nguyên tử đã sai lầm do không giải quyết được bản chất vật thể nói chung, việc tăng bội loài vật thể, ái lực hóa học, sức lực hoặc tính đơn nhất bản thể, và giới hạn của vật thể có trương độ.
- Luận cứ I: Không lý giải được bản chất vật thể nói chung, vì những nguyên lý đầu tiên cấu tạo vật thể không thể lại là vật thể; trong khi các nguyên tử lại là vật thể.
- Luận cứ II: Việc tăng bội hay dị biệt loài nơi vật thể không thể giải thích được do những nguyên lý có cùng bản chất song chỉ khác nhau về số lượng, hình thù và chuyển động; trong khi các nguyên tử lại là những nguyên lý có cùng bản chất và chỉ khác nhau về số lượng, hình thù và chuyển động.
- Luận cứ III: Các sức lực nơi vật thể không thể chỉ được lý giải bởi chuyển động nơi chốn; trong khi thuyết nguyên tử cơ học không nhận một thứ gì khác ngoài chuyển động nơi chốn.
2. Năng động thuyết
Là triết thuyết coi những hữu thể không trương độ hay các sức lực là những nguyên lý cấu tạo vật thể. Trong lịch sử có những phụ loại sau:
a. Thuyết Pythagore: chủ trương những con số là những nguyên lý cấu tạo vạn vật
b. Thuyết năng động Leibnitz: các nguyên lý của vật thể là những sức lực đơn thuần được gọi là các đơn tử. Các đơn tử thì khác nhau, nhưng đều do Thiên Chúa tạo dựng. Chúng vĩnh cửu và vô số, có hoạt động nội tại hoặc tri giác, và nhờ có tham dục mà đơn tử hoàn thiện hóa tri giác. Mọi vật đều là tập hợp các đơn tử, chúng không tác động lên nhau và cùng được duy trì bởi đơn tử chủ soái.
c. Năng lượng thuyết: Coi năng lượng là nguyên lý cấu tạo vật thể.
* Nhận xét:
Thuyết năng động đã sai lầm do không lý giải được: trương độ, sự khác biệt giữa vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo, sự khác biệt loài nơi các vật thể tự nhiên và sự hiện hữu của các sức lực.
- Luận cứ I: Những thứ không có trương độ thì không thể tạo nên những gì có trương độ; trong khi thuyết năng động coi các sức lực hay các đơn tử, vốn không có trương độ, là nguyên lý cấu tạo vật thể.
- Luận cứ II: Không lý giải được sự khác biệt giữa các vật thể tự nhiên với các vật thể nhân tạo. Vì các vật thể tự nhiên chỉ thuần túy là sự chắp nối các đơn tử hay các sức lực, thì rõ ràng chúng cũng đồng nhất với các vật thể nhân tạo; trong khi các vật thể tự nhiên tạo nên một thứ gì thực sự là đơn nhất cùng với hoạt động riêng biệt.
- Luận cứ III: Không thể lý giải được sự khác biệt chủng loài nơi vật thể. Vì nếu các đơn tử hay các sức lực là cùng một loại thì không lý giải được sự dị biệt chủng loài nơi các vật thể; ngược lại, nếu khác loại thì cần phải chứng minh, và như thế vấn đề thêm phức tạp.
3. Hình chất thuyết (thuyết nhị nguyên vật lý)
Là học thuyết coi các vật thể được tạo nên bới hai nguyên lý: một cái là nguồn gốc cho trương độ và thụ động, gọi là chất liệu đệ nhất; một cái là nguồn gốc cho phẩm tính và hoạt động, gọi là hình thế bản thể.
- Người đầu tiên nêu lên hai nguyên lý nơi vật thể là Platon. Theo ông, các vật thể được tạo nên bởi nguyên lý tổng quát còn bất định, đến lượt nguyên lý đó lại được xác định và định loại bởi thứ hình thế thông dự vào, tức nguyên lý định loại.
- Aristote hoàn thiện lý thuyết này bằng cách dùng từ “chất liệu đệ nhất” để chỉ nguyên lý còn bất định thuộc tiềm năng; và từ “hình thế bản thể” để chỉ nguyên lý xác định và hiện thế. Như vậy có thể hiểu: “chất liệu đệ nhất” là “nguyên lý bất định và vững bền nơi các vật thể”; “hình thế bản thể” là “nguyên lý xác định và định loại”.
- Sau này, thánh Augustin, thánh Thomas và các nhà kinh viện đều xét theo thuyết này.
* Nhận xét:
Hình chất thuyết có tính chân xác vì lý giải được: sự thay đổi bản thể nơi vật thể; tính đơn nhất và đa bội nơi vật thể.
- Luận cứ I: Ta biết rằng trong vũ trụ có những thay đổi bản thể. Chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể là tuyệt đối cần thiết để duy trì các thay đổi bản thể. Vì:
+ Thứ nhất: Sự thay đổi bản thể không phải là sự tạo dựng, tức sản sinh sự vật từ hư vô. Do đó mà trong sự thay đổi, sự vật mới đó không mới hoàn toàn, song bao hàm một thứ gì mà trước và đó được xác định một cách khác nhau, cái đó gọi là chủ thể của sự thay đổi. Chủ thể đó tự bản chất là bất định hoặc ở trong tiềm năng để đón nhận nhiều cách thức xác định. Chủ thể còn mang tính cách tiềm năng như vậy thì gọi là chất liệu đệ nhất.
+ Thứ hai: Sự thay đổi bản thể diễn ra giữa hai điểm: khởi điểm, tức là chất liệu đệ nhất dưới một vẻ xác định nào đó; đích điểm, cũng chính là chất liệu đệ nhất dưới một sự xác định khác. Việc xác định khác biệt đó không do chất liệu đệ nhất, vì nó vốn là bất định, song do nguyên lý khác gọi là hình thế bản thể.
- Luận cứ II: Nơi các vật thể có những đặc tính thực sự đối nghịch với nhau: tính đơn nhất đối nghịch với sự đa bội; hoạt động đối nghịch với thụ động. Các đặc tính đối nghịch ấy không thể nào phát sinh từ một nguyên lý, nên bắt buộc phải có hai nguyên lý: một nguyên lý cho sự đa bội và thụ động (chất liệu đệ nhất); một nguyên lý cho tính đơn nhất và hoạt động (hình thế bản thể).
B. BẢN CHẤT CỦA CHẤT LIỆU ĐỆ NHẤT VÀ HÌNH THẾ BẢN THỂ
I. YẾU TÍNH CỦA CHẤT LIỆU ĐỆ NHẤT VÀ HÌNH THẾ BẢN THỂ
1. Chất Liệu Đệ Nhất và Hình Thế Bản Thể là những bản thể bất toàn
Chúng là bản thể, vì chúng không bám vào một chủ thể nào cả; nhưng lại là chủ thể tiếp nhận những đặc điểm của vật thể. Chất liệu được hiểu là những nguyên lý nhờ đó vật thể có trương độ và tính thụ động, còn hình thế là nguyên lý nhờ đó vật thể có phẩm tính và sức lực.
Chúng bất toàn vì cả hai không tự mình là thành hữu thể cụ thể. Thực sự chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể không thể nào hiện hữu biệt lập hoặc tự thân. Do đó, chúng không tự mình sinh hoặc diệt, hay thứ này hướng đến thứ khác để cùng tạo nên một tổng hợp.
2. Chất Liệu Đệ Nhất tương quan với Hình Thế Bản Thể như tiềm năng với hiện thế
Chất liệu xét như là một nguyên lý bất định, là thứ gì thuộc tiềm năng và trong vật tổng hợp thì tạo nên một khả năng hay đồng nguyên lý để nhờ hình thế mà có sự xác định.
Hình thế xét như nguyên lý xác định thì là một hiện thế bản thể và tiên khởi.
Cả hai nguyên lý đều không trực tiếp hiện ra cho giác quan nên chỉ là đối tượng khả tri được xác lập do sự truy vấn triết học thuần túy.
3. Khái niệm và đặc điểm của chất liệu đệ nhất
Chất liệu đệ nhất là chủ thể đầu tiên và vững bền của vật thể. Là chủ thể, bởi đó mà có các vật thể, trong đó hình thế bản thể được tiếp nhận, quanh đó tác nhân hoạt động khi sản sinh ra thứ gì mới.
Chất liệu đệ nhất thì đồng nhất nơi mọi vật thể. Nó không chính thức có trương độ, nhưng có trương độ tự gốc rễ để trở thành nguyên lý của trương độ nơi sự vật.
4. Khái niệm hình thế bản thể
Hình thế bản thể là hiện thế đầu tiên của chất liệu đệ nhất. Là “hiện thế” vì nó là nguyên lý hoàn chỉnh, xác định, định loại; “đầu tiên” vì nó là nguyên lý bản thể của chất liệu đệ nhất.
II. NGUỒN GỐC CỦA CHẤT LIỆU ĐỆ NHẤT VÀ HÌNH THẾ BẢN THỂ
Nguồn gốc đầu tiên của hai nguyên lý này là do được đồng tạo dựng với vạn vật. Còn sau buổi tạo dựng, chất liệu không sinh không diệt nơi tạo vật; hình thế có nguồn gốc do việc sản sinh.
Việc sản sinh được giải thích như sau: Chất liệu đệ nhất là một nguyên lý còn bất định nằm trong tiềm năng để tiếp nhận hình thế, có nghĩa là mọi vật có khả năng biến sang vật khác; để sự thay đổi diễn ra trót lọt, cần có sự góp mặt của chất liệu đệ nhất mà hiện thời đang thiếu hình thế mới, song vốn hàm chứa nó trong tiềm năng, và tác nhân tự nhiên tác động quanh chất liệu đệ nhất để nó đón nhận một hình thể mới.
Nguồn gốc của hình thế được diễn tả như sau: Hình thế được rút ra từ tiềm năng của chất liệu đệ nhất nhờ tác nhân tự nhiên.
III. SỰ KẾT HỢP CHẤT LIỆU VÀ HÌNH THẾ
1. Chất liệu và hình thế xét như tiềm năng và hiện thế
Vốn là những bản thể bất toàn, nên chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể phải kết hợp với nhau để tạo nên vật thể. Vật thể này là một bản thể lập hữu. Việc kết hợp này là tuyệt đối nội tại. Trong việc tạo thành vật thể, chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể bổ túc cho nhau: hình thế thì làm cho chất liệu hiện hữu loại biệt; chất liệu làm cho hình thế trở thành cụ thể.
2. Chất liệu không thể hiện hữu riêng biệt khỏi hình thế
Trong thực tế, chất liệu đệ nhất không thể hiện hữu riêng biệt khỏi hình thế bản thể, vì nó là nguyên lý bất định và thuộc tiềm năng nên không thể hiện hữu riêng được.
3. Chất liệu có lượng là nguyên lý cá vật hóa nơi sự vật vật lý
Xét theo khía cạnh vũ trụ học, phái Thomas cho rằng nguyên lý của sự cá vật hóa nơi các vật thể chính là chất liệu đã được lượng ghi dấu, tức là chất liệu dưới những chiều kích của lượng.