SIÊU HÌNH HỌC
Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica
(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)
Fr. Luis Supan, Metaphysics
(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.
***
***
***
PHẦN I
CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ
***
CHƯƠNG I: BẢN THỂ VÀ PHỤ THỂ
***
Trong số những cách thức hiện hữu, chúng ta nhận thấy có bản thể và nhiều phụ thể, những thứ đó kiến tạo nên những cách thức hiện hữu nền tảng của mọi thụ tạo.
I. BẢN CHẤT BẢN THỂ VÀ CÁC PHỤ THỂ
Sơ lược hai cách thức hiện hữu
Sau khi ghi nhận một số biến đổi sâu sắc hơn, qua đó một sự vật không còn là nó nữa (những thay đổi bản thể, chẳng hạn một cơ thể sống động chết đi, hay việc biến đổi một thành tố hoá học sang một thành tố khác), chúng ta cũng thường ghi nhận những thay đổi phụ thể, qua đó một vật chỉ thay đổi những khía cạnh thứ yếu, mà không mất đi bản chất của mình. Chẳng hạn, khi nước thay đổi nhiệt độ thì nó vẫn còn là nước; cũng vậy, một con người cũng vẫn tiếp tục là con người đó, ngoại trừ một số biến cách trong tình trạng cảm xúc hoặc sức khoẻ của anh ta. Những thay đổi phụ thể đó cho thấy nơi những sự vật có một thể nền bền vững – bản thể – và một số những hoàn bị thứ yếu có thể đổi thay, tức là những phụ thể (the presence in things of both a stable, permanent substratum – the substance – and certain secondary changeable perfections, which are the accidents).
Chúng ta nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa hai cách thức hiện hữu khi ta quan sát thấy nơi mỗi hữu thể có một hạt nhân bản thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến thái phụ thể. Ví dụ, một cây sồi là một chủ thể đơn lẻ với nhiều đặc tính thứ yếu, như màu sắc, hình dạng lá cây, việc sắp xếp những cành, chiều cao…vv
Việc miêu tả vắn tắt trên đủ cho ta hiểu rằng mọi con người đều tự phát có một tri thức nhất định về yếu tính bản thể và các phụ thể, cho dù đó mới chỉ là một tri thức hết sức phiến diện. Người ta có thể nói về việc thay đổi “bản thể” của một luật lệ nào đó, hay chỉ là một vấn đề “phụ thể”. Chúng ta cũng có thể qui chiếu đến những bản thể hóa học và các đặc điểm của chúng, các đặc điểm chính là một dạng phụ thể đặc thù. Giờ đây chúng ta cần xác định chính xác hơn nữa bản chất các thực tại trên để đạt được một tri thức sâu sắc hơn về các đặc điểm của chúng cũng như những tương quan hỗ tương của chúng.
Bản thể
Bản thể là yếu tố quan trọng nhất nơi mỗi sự vật, và chúng ta thấy nó có hai khía cạnh cơ bản.
a) Trước hết, bản thể là chủ thể hoặc thể nền cáng đáng các phụ thể. Do đó, bản thể là “cái đứng ở dưới” (that which stands beneath).
b) Vai trò trên của bản thể cũng dựa trên bản chất của bản thể như một thứ gì lập hữu (something subsistent). Điều này có nghĩa là nó không hiện hữu nơi một thứ gì khác, nhưng hiện hữu tự thân (is by itself), đối nghịch với những phụ thể, vốn cần đến sự hỗ trợ của một điều gì khác, tức là bản thể, để mà tồn tại. Một con người, một con cá, và một con gấu chẳng hạn, đều là những bản thể, bởi vì chúng tự mình đứng vững hoặc có sự hiện hữu riêng, phân biệt khỏi hiện hữu của bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, màu trắng hay kích cỡ hoặc hình dáng, là những thực tại phụ thể vốn đòi hỏi một chủ thể có sẵn.
Câu định nghĩa về bản thể được rút ra từ đặc điểm thứ hai này: bản thể là thực tại, tự yếu tính hay bản chất thì hiện hữu tự thân, chứ không hiện hữu nơi một chủ thể nào khác (substance is that reality to whose essence or nature it is proper to be by itself and not in another subject). Như vậy, một con chó là một bản thể, vì xét theo bản chất, nó có đặc điểm là tự mình đứng vững, nghĩa là một cá thể phân biệt khỏi những cá thể khác cũng như môi trường chung quanh[1].
Câu định nghĩa trên thật hữu lý khi phát biểu rằng bản thể là cái mà “yếu tính hoặc bản chất của nó thì phù hợp để…”, thay vì trực tiếp nói rằng đó là “một hữu thể vốn hiện hữu tự thân”. Trong phần nghiên cứu ở trên về hữu thể, chúng ta đã thấy rằng esse được giản lược vào một cách thức hiện hữu chuyên biệt là nhờ bởi yếu tính. Ví dụ, một hữu thể loại biệt là một con người nhờ vào bản chất hoặc yếu tính nhân loại của người đó, vốn đem lại cho anh ta một cách thức hiện hữu chuyên biệt, khác với hiện hữu của các sự vật khác. Nhờ cũng một bản chất đó, người này là chủ thể có khả năng đứng độc lập (một bản thể)[2]. Trái lại, các phụ thể luôn luôn được tìm thấy nơi một sự vật nào đó. Do vậy, không thể có một màu trắng “lập hữu”, đúng ra chúng ta phải nói về một bức tường trắng, một chiếc xe trắng hoặc một chiếc áo trắng… Nói chặt chẽ, sở dĩ một sự vật là một bản thể chứ không phải là một phụ thể, là nhờ ở yếu tính của nó hơn là nhờ vào chuyện hiện hữu của nó. Do vậy, trong câu định nghĩa về bản thể, cần phải nêu lên yếu tính, vì nó chính là nguyên lý đa dạng hóa hiện hữu.
Do đó, chúng ta có thể thấy được lý do tại sao hạn từ “yếu tính” đôi khi được dùng tương đương với “bản thể”. Yếu tính xác định một cách thức hiện hữu của một sự vật, và bản thể không là gì khác hơn một cách thức hiện hữu mà lúc này chính là sự lập hữu. Tuy nhiên, “yếu tính” và “bản thể” không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Cả hai đều liên quan đến cùng một thực tại, nhưng “yếu tính” nói lên thực tại đó trong mức độ nó kiến tạo nên một cách thức hiện hữu đặc thù hoặc xác định, qua đó thực tại nằm trong một loại nhất định (ví dụ con người, con chó, trái cây), đang khi hạn từ “bản thể” nhấn mạnh đến việc có một thể nền cho các phụ thể và việc nó tiếp nhận chuyện hiện hữu như là hiện thế riêng của nó.
Aristotle phân biệt bản thể sơ yếu với bản thể thứ yếu. Một bản thể sơ yếu là một bản thể cá biệt vốn tồn tại trong thực tế, nơi một hữu thể đơn lẻ: ví dụ bản thể của con ngựa này, của đứa trẻ kia, của cây nọ, hay, một cách tổng quát hơn, bản thể “của một điều gì đó” (hoc aliquid). Bản thể thứ yếu là khái niệm phổ quát hay trừu tượng về yếu tính của bản thể sơ yếu. Như vậy, chúng ta có thể nói đến những bản thể “chim ó”, “người”, “sodium”, và “carbon”. Lối hiểu chuyên biệt này thì dựa trên sự kiện là nhờ yếu tính mà một bản thể sơ yếu có thể tồn tại độc lập, đồng thời thuộc về một loài nào đó.
Các phụ thể
Chúng ta đã miêu tả các phụ thể như những hoàn bị gắn bó vào một chủ thể đơn lẻ bền vững, và như những xác định thứ yếu hoặc nảy sinh từ hạt nhân trung tâm của một sự vật. Do đó, đặc trưng cơ bản của chúng là việc phụ thuộc vào bản thể. Vì lý do đó, một phụ thể thường được định nghĩa như một thực tại mà theo yếu tính thì phù hợp với việc hiện hữu nơi một sự vật khác, như trong chủ thể của nó (a reality to whose essence it is proper to be in something else, as in its subject). Điểm đặc trưng nhất của bản thể là lập hữu (to subsist), đang khi điều đặc trưng nhất của mọi phụ thể là “hiện hữu nơi cái khác” (esse in or inesse).
Bản thể có một bản chất hay yếu tính có được hiện hữu độc lập, và điều đó đặt chủ thể vào một loài (within a species). Cũng vậy, mỗi phụ thể đều có yếu tính riêng của mình, khiến cho nó khác biệt với những phụ thể khác, và nó phải lệ thuộc vào sự hiện hữu của một chủ thể. Ví dụ, màu sắc thì có một yếu tính phân biệt khỏi yếu tính của nhiệt độ, nhưng dẫu sao không cái nào có thể đứng lập hữu. Đúng ra, cả hai đều hiện hữu trong bản thể nào đó. Các phụ thể thì khác biệt nhau rất nhiều, nhưng chúng ta có thể phân loại chúng thành bốn nhóm, chiếu theo nguồn gốc của chúng:
a) Những phụ thể thuộc về loài (accidents which belong to the species): chúng là những phụ thể nảy sinh từ những nguyên lý loại biệt của yếu tính một sự vật, do đó chúng là những đặc điểm chung cho mọi cá thể thuộc cùng một loài (ví dụ, hình dạng của một con ngựa, những khả năng hiểu biết và ước muốn nơi con người);
b) Những phụ thể luôn gắn liền với mỗi cá thể (accidents which are inseparable from each individual): những phụ thể nảy sinh từ chuyện yếu tính hiện diện cách chuyên biệt nơi một cá thể nào đó, chẳng hạn cao hoặc thấp, đẹp hoặc không đẹp, là một người đàn ông hay một người đàn bà – tất cả những điều trên là những đặc điểm cá thể có một nền tảng vững bền nơi chủ thể của chúng;
c) Những phụ thể có thể tách biệt khỏi mỗi cá thể (accidents which are separable from each individual): những phụ thể này, chẳng hạn việc ngồi hoặc đứng, bước đi hoặc nghiên cứu, thì nảy sinh từ những nguyên lý nội tại của chủ thể chúng, nhưng chúng chỉ ảnh hưởng đến chủ thể đó một cách thoáng qua;
d) Những phụ thể nảy sinh từ nhân tố ngoại lai (accidents which stem from an external agent): một số trong những phụ thể đó có thể là mãnh liệt, tức là, chúng được áp đặt trên chủ thể đối nghịch với xu hướng bình thường của bản chất (ví dụ, căn bệnh do virus); những thứ khác, trái lại, có thể hữu ích cho chủ thể đón nhận chúng (ví dụ việc giáo dục nhận được từ một người khác).
Những phụ thể siêu hình và luận lý
Đứng trên quan điểm Siêu hình học, tức là xét đến sự hiện hữu của các sự vật, thì không có trung gian giữa bản thể và các phụ thể: bất cứ thực tại nào cũng đều “hiện hữu” hoặc tự thân hoặc ở nơi vật khác. Như vậy, không ngạc nhiên khi ta thấy một số đặc điểm quan trọng của con người, như trí năng và ý chí, lại được kể vào số những phụ thể, vì chúng không tự mình lập hữu, mà chỉ hiện hữu nơi con người là chủ thể của chúng. Dấu hiệu phân biệt của phụ thể không phải ở chỗ chúng không quan trọng mấy và do đó có thể tuyệt đối bỏ qua. Đặc trưng phân biệt phụ thể chính là việc chúng phải gán vào một thứ gì đó để hiện hữu. Thực ra có những phụ thể rất quan trọng, chẳng hạn việc ước muốn; và có những thứ khác kém quan trọng hơn, chẳng hạn việc ngồi ở một chỗ.
Tuy nhiên, trong luận lý học, vì những phụ thể thuộc nhóm thứ nhất nêu trên được gán một cách khẩn thiết cho mọi cá thể của một loài, nên chúng mang một danh hiệu đặc biệt, chính xác hơn: những phụ thể “riêng”, hoặc “những đặc điểm”. Như vậy, hạn từ “phụ thể” được dành cho ba loại phụ thể kia, có thể được tìm thấy hoặc không tìm thấy nơi một cá thể của một loài nào đó. Do vậy, đứng trên quan điểm luận lý học, người ta có thể coi “những đặc điểm” như những thực tại cách nào đó nằm giữa bản thể và phụ thể.
Theo lối nói thông thường, hạn từ “phụ thể” được sử dụng theo một nghĩa khác. Nó được coi như đồng nghĩa với bất cứ thứ gì ngoại lai và được đặt cận kề, và ta có thể bỏ qua nó. Dĩ nhiên lối hiểu đó là sai lầm, vì các phụ thể thì gắn bó chặt chẽ với bản thể : chẳng hạn, đời sống con người (những bản thể) phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và tập tính luân lý của cá nhân (những phụ thể).
II. VIỆC HIỆN HỮU THUỘC VỀ BẢN THỂ
Hiện hữu của bản thể và phụ thể
Nói chặt chẽ, điều hiện hữu đúng nghĩa phải là điều có việc hiện hữu như một hiện thế thuộc về chính nó, có nghĩa là điều gì hiện hữu tự thân, và chuyện này chỉ phù hợp với bản thể. Trái lại, “vì những phụ thể không lập hữu, chúng không có hiện hữu (esse) theo nghĩa chặt: chỉ có chủ thể của chúng, cách này cách khác, mới hiện hữu, phù hợp với những phụ thể đó”[3]. Trọng lượng của một con ngựa không hiện hữu tự thân, cả màu sắc hoặc hình dạng cũng vậy. Do đó, sẽ là đúng cách khi ta nói rằng con ngựa thì nặng, hoặc thì trắng, chính xác là vì lẽ con ngựa có những phụ thể đó.
Phân tích đến cùng, những phụ thể không chiếm hữu việc hiện hữu “của riêng nó”; đúng hơn, chúng tùy thuộc vào việc hiện hữu của bản thể đứng làm chủ thể của chúng. Chẳng hạn, một khối trọng lượng 5kg chỉ hiện diện nơi một vật thể có sức nặng riêng biệt đó. Điều này không có nghĩa rằng những phụ thể chẳng là gì cả. Chúng cũng hiện hữu, có nghĩa rằng chúng là thật, theo mức độ chúng tạo nên thành phần của một bản thể, và kiến tạo những xác định chuyên biệt cho chủ thể đó.
Do đó, các phụ thể luôn hàm chứa sự bất toàn, “vì hiện hữu của chúng hệ tại việc ‘hiện hữu nơi một vật khác’, chúng tùy thuộc vào vật đó, và do vậy là thành phần kiến tạo cho một chủ thể nào đó”[4].
Ta cũng có thể đi tới kết luận rằng các phụ thể không có việc hiện hữu riêng của chúng, qua việc chúng ta quan sát việc sản sinh hay hủy hoại. Vì sản sinh và hủy hoại – việc thủ đắc hoặc đánh mất hiện hữu – ảnh hưởng lên điều có hiện hữu, những thuật ngữ này chỉ được áp dụng cho bản thể. Chẳng hạn, màu trắng không bao giờ được sản sinh hay hủy hoại; đúng hơn, các vật thể trở nên trắng hay mất đi màu trắng nguyên thủy của mình. Các phụ thể không bao giờ được sản sinh hay hủy hoại. Chúng ta chỉ có thể phát biểu đúng đắn rằng các phụ thể “được sản sinh” hay “bị hủy hoại” theo mức độ chủ thể của chúng bắt đầu hiện hữu hay thôi hiện hữu trong hiện thế phù hợp với các phụ thể đó.
Bản thể là hữu thể (ens) theo nghĩa chặt
Vì việc hiện hữu thuộc về bản thể và phụ thể theo nhiều cách khác biệt, nên chúng được gọi là những hữu thể theo nghĩa loại suy. Chúng có phần giống nhau, vì cả hai thứ đều hiện hữu; tuy nhiên, đồng thời chúng cũng có phần khác nhau, vì bản thể thì hiện hữu nhờ vào chính việc hiện hữu của mình, còn các phụ thể chỉ hiện hữu vì chúng được chống đỡ bởi bản thể. Do đó, chỉ có bản thể mới được gọi là hữu thể đúng nghĩa; còn các phụ thể đúng ra phải gọi là “điều gì đó thuộc về hữu thể”.
Trong các thực tại loại suy, luôn luôn có một thực tại mà thuật ngữ loại suy được áp dụng chủ yếu cho nó và theo một ý nghĩa phù hợp; sau đó nó mới được áp dụng cho những thứ khác vì chúng có liên quan đến điều trên5. Chẳng hạn, nhiều ý nghĩa khác nhau của tự do, như tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do giáo dục, đều hướng về ý nghĩa đầu tiên, đó là tự do của ý chí con người. Trong trường hợp hữu thể, điều loại suy chính yếu (principal analogue) là bản thể, còn các phụ thể là những loại suy thứ yếu, chỉ được gọi là hữu thể vì lẽ chúng có tương quan với bản thể (đến nỗi khi bản thể được lấy đi, thì những ý nghĩa khác của hữu thể cũng biến mất). Theo nghĩa này, bản thể là nền tảng và cơ sở cho mọi lối hiện hữu. Các phụ thể có thể được gọi là hữu thể vì chúng liên quan đến bản thể; chúng có thể là lượng hoặc phẩm của bản thể đó, hoặc là bất cứ khía cạnh xác định nào khác.
III. PHỨC HỢP BẢN THỂ VÀ PHỤ THỂ
Sau khi nghiên cứu bản chất của từng cách hiện hữu, giờ đây chúng ta nên chú ý tới cách thức chúng tương quan với nhau nơi mỗi hữu thể cá biệt.
Phân biệt thực sự
Một bản thể và các phụ thể của nó thì thực sự phân biệt nhau. Ta hiểu điều này sáng tỏ qua việc quan sát những thay đổi phụ thể, trong đó một số hoàn bị thứ yếu biến mất và mở đường cho một số hoàn bị mới, còn chính bản thể lại không hề đổi sang một bản thể mới. Chỉ có thể có những thay đổi như vậy nếu như các phụ thể khác biệt thực sự khỏi bản thể mà chúng ảnh hưởng tới. Ví dụ, màu sắc của một trái táo là một điều gì đó thực sự phân biệt khỏi chính trái táo, vì trái táo thay đổi màu sắc khi nó chín, nhưng nó vẫn không thôi là trái táo.
Những phụ thể dễ dàng thay đổi không phải là những phụ thể duy nhất thực sự phân biệt khỏi bản thể. Mọi phụ thể, do chính yếu tính của chúng, thì phân biệt khỏi chủ thể cáng đáng chúng. Ví dụ, tính cách khả phân thì tự bản chất là phù hợp với lượng tính, đang khi bản thể xét tự thân phải là đơn nhất và bất khả phân. Tương quan là một sự quy chiếu về một điều khác; trái lại, bản thể là điều gì đó đứng độc lập.
Bản thể có sự bền vững của riêng mình, thực sự khác biệt với sự bền vững của các phụ thể và vượt trên sự bền vững đó. Bản thể xác định ý nghĩa cơ bản của các sự vật và khiến cho chúng trở thành chính chúng (một bông hoa, một con vật, một con người). Trái lại, các phụ thể tùy thuộc vào hạt nhân bản thể, và đồng lúc chúng kiến tạo nên những khía cạnh xác định của bản thể.
Tính đơn nhất của vật phức hợp
Phân biệt thực tế giữa bản thể và các phụ thể dường như làm giảm nhẹ tính đơn nhất của một hữu thể đặc thù. Thực ra, đây là kết quả nảy sinh từ những lý thuyết coi bản thể như một thể nền tách biệt khỏi các phụ thể, và hầu như chỉ đặt chúng gần kề với nhau một cách rời rạc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng phân biệt thực tế giữa bản thể và các phụ thể không hủy hoại tính đơn nhất của hữu thể (real distinction substance and accidents does not destroy the unity of the being). Bản thể và các phụ thể không phải là nhiều hữu thể tập kết với nhau để tạo nên một toàn khối, như kiểu nhiều yếu tố trang trí khác nhau được phối hợp để tạo nên một căn phòng. Chỉ có một hữu thể theo nghĩa chặt, cụ thể là bản thể; tất cả những gì còn lại đều “thuộc bản thể”. Chẳng hạn, một cây không ngừng là một sự vật đơn lẻ, mặc dù nó có nhiều đặc tính phụ thể. Các phụ thể là những thực tại không đầy đủ, không tự trị được thêm vào một bản thể; chúng chỉ là những khía cạnh xác định của bản thể, vốn bổ túc cho bản thể, do đó không làm nảy sinh nhiều sự vật được xếp gần nhau (juxtaposed things).
Tính đơn nhất của vật phức hợp cũng trở nên hiển nhiên trong trường hợp các hoạt động. Chẳng hạn một động vật thể hiện nhiều hành động, nhưng những hành động đó không hề phá bỏ tính thống nhất của động vật. Trái lại, toàn bộ hoạt động của nó tạo nên một toàn khối hiệp nhất hài hòa, vì lẽ chỉ có một chủ thể đơn độc hoạt động. Trong trường hợp con người, thì không phải trí khôn hiểu biết, cũng không phải ý chí ước muốn; đúng hơn, chính ngôi vị mới hiểu và ước muốn nhờ những năng lực tương quan nó, và do đó mọi hoạt động của ngôi vị đều thấm nhiễm tính đơn nhất đang nằm ẩn.
“Thuyết duy nghiệm” (Empiricism) là một triết thuyết coi bản thể như một điều gì bền vững và không thay đổi nằm dưới dòng chảy các thay đổi phụ thể. Như vậy, trong quan điểm duy nghiệm về thực tại, người ta không thể nói tới sự đơn nhất giữa bản thể và các phụ thể, nhưng chỉ có thể nói đến một sự cận kề giữa nhiều sự vật khác nhau. Thuyết duy nghiệm coi bản thể như một thứ gì tồn đọng hoàn toàn tù túng mà người ta có thể bỏ qua. Ta cần phải nhấn mạnh nhiều lần rằng các phụ thể thì thuộc về bản thể, và do đó mỗi thay đổi phụ thể đều ảnh hưởng lên bản thể, nhưng chỉ theo cách “phụ thể”.
“Esse” là gốc rễ cho tính đơn nhất của bản thể và các phụ thể
Một hữu thể là một toàn bộ nào đó được cấu tạo bởi một bản thể và một số phụ thể. Chúng đều là các yếu tố tạo nên một thể thống nhất (đơn vị = unity), và không hiện hữu tách biệt nhau. Không phụ thể nào hiện hữu ngoài bản thể của nó, và không bản thể nào hiện hữu ngoài các phụ thể của mình[6]. Tuy nhiên, những thực tại trên nằm ở nhiều mức độ khác nhau, vì những phụ thể tuỳ thuộc vào sự hiện hữu của bản thể chứ không còn cách nào khác. Do đó, vật phức hợp hiện hữu nhờ việc hiện hữu (act of being = actus essendi) của bản thể, trong đó mỗi phụ thể đều được chia sẻ.
Mỗi sự vật chỉ có một việc hiện hữu. Như vậy, toàn bộ thực tại bản thể và phụ thể của một hữu thể “hiện hữu” nhờ một việc hiện hữu đơn lẻ mà, nói một cách thích hợp, hiện hữu đó thuộc về bản thể (the entire substantial and accidental reality of a being “is’ by virtue of a single act of being, which, properly speaking, belongs to the substance). Một hữu thể có esse phù hợp với cách thức được xác định bởi yếu tính loại biệt của nó, tức là yếu tính của bản thể. Hoàn bị bản thể này, lại làm nảy sinh một loạt rộng rãi các hoàn bị phụ thể phù hợp với cách hiện hữu chuyên biệt đó. Do đó, mỗi con người là một hữu thể đơn lẻ chiếm hữu việc hiện hữu phù hợp với yếu tính hay bản chất nhân loại của người đó. Từ cấp độ hoàn bị của hữu thể, nảy sinh những hoàn bị phụ thể của người đó: chẳng hạn, một kết cấu vật thể nào đó, một mặc cảm và và những năng lực vận động, cũng như những hoạt động tinh thần.
Một hữu thể có một việc hiện hữu (actus essendi), đó là việc hiện hữu của bản thể. Dù không có hiện hữu riêng của mình, thì các phụ thể cũng vẫn có thật, nhờ việc hiện hữu của bản thể. Tuy nhiên, có một số người thuộc phái Thomas lại chủ trương các phụ thể có một hiện hữu riêng của chúng, phân biệt khỏi hiện hữu của bản thể. Những phát biểu đó có khuynh hướng giảm nhẹ tính đơn nhất triệt để của một hữu thể. Đôi khi Thánh Thomas sử dụng những thuật ngữ esse substantiale và esse accidentale. Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, thuật ngữ esse không có nghĩa là actus essendi cách chặt nghĩa; nó được dùng theo một nghĩa tổng quát hơn – có nghĩa là “thực tế” (esse in actu); mỗi hữu thể thì nhất định phải có một số thực tại phụ thể phân biệt khỏi thực tại bản thể của nó, nhưng hữu thể đó chỉ có những phụ thể nói trên nhờ vào một esse đơn lẻ, và esse này đúng ra thuộc về bản thể.
Ba cách tương quan giữa bản thể và các phụ thể
a) Bản thể là thể nền cho các phụ thể (The substance is the substratum of the accidents), không chỉ theo mức độ bản thể chống đỡ các phụ thể, nhưng còn theo mức độ nó đem lại việc hiện hữu cho các phụ thể.
b) Bản thể là căn nguyên của các phụ thể nảy sinh từ nó. Ví dụ, hình thù (shape) của một con vật là hiệu quả của những nguyên lý cốt yếu của nó, và vì lý do này, mọi cá thể của cùng một loài đều có hình thù giống nhau.
c) Bản thể có một khả năng thụ động (a passive capacity) để đón nhận những hoàn bị mà các phụ thể đem lại cho nó, những phụ thể đó được gọi là các hình thế phụ thể; ví dụ, những hoạt động (tức là những phụ thể) là một loại hoàn bị mà bản thể có tiềm năng thể hiện.
Mối tương quan giữa bản thể và các phụ thể dường như là điều nghịch lý: một đằng, bản thể là căn nguyên cho các phụ thể, nhưng đồng thời bản thể lại ở trong tiềm năng để tiếp nhận các phụ thể. Sự nghịch lý này được giải quyết ngay khi ta hiểu rằng bản thể và các phụ thể là hai nguyên lý của một sự vật đòi hỏi lẫn nhau và không thể tồn tại tách biệt nhau. Hơn nữa, trong tương quan với các phụ thể, bản thể không là hiện thế và tiềm năng theo cùng một quan điểm, nhưng từ những quan điểm phân biệt nhau. Bản thể là phụ thể đối với những phụ thể theo mức độ nó cho các phụ thể chia sẻ hiện hữu của nó, đang khi bản thể lại thuộc tiềm năng (is potential) đối với các phụ thể theo mức độ nó được hoàn thiện bởi các phụ thể riêng của mình. Do đó, một người thể hiện một số hoạt động, vốn tuôn trào từ tính thực hữu nơi bản thể của mình; đồng thời, cũng những hoạt động đó lại ảnh hưởng lên người ấy và đem lại cho người ấy hoàn bị lớn hơn.
IV. TRI THỨC CỦA TA VỀ BẢN THỂ VÀ PHỤ THỂ
Cách thức chúng ta nhận biết bản thể và phụ thể được xác định bởi những bản chất tương ứng và những mối tương quan hỗ tương của chúng.
Trước hết, phức hợp bản thể – phụ thể được nhận biết bởi trí khôn dựa trên nền tảng những dữ kiện mà giác quan đem lại (the substance-accident composite is known through the intelligence on the basis of the data provided by the senses). Nhận thức giác quan luôn quy chiếu trực tiếp về các phụ thể của một sự vật; trái lại, trí khôn chúng ta, thông qua các phụ thể, nắm bắt được nguồn mạch và nền tảng của chúng, tức là bản thể. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra vì lẽ các phụ thể không giống như tấm màn che giấu bản thể: trái lại, các phụ thể vén mở bản thể.
Vì có đối tượng riêng là hữu thể, nên trí năng không bị giới hạn vào chuyện nắm bắt những khía cạnh ngoại biên hơn của sự vật, nhưng nó nhận biết “bất cứ thứ gì hiện hữu”, nghĩa là toàn bộ hữu thể với tất cả những đặc tính thực tế của hữu thể. Như vậy, trí năng nắm bắt hữu thể như một toàn khối, được cấu tạo bởi bản thể và các phụ thể. Việc phân biệt giữa bản thể và các phụ thể chỉ được nắm bắt qua trí năng. Điều này không thể đạt được nhờ giác quan ngoại hay nội vì những quan năng đó chỉ tri giác những phụ thể[7].
Trong tiến trình nhận biết hữu thể cá biệt của một loài, chúng ta luôn qua lại từ bản thể đến các phụ thể, và ngược lại. Để cho sáng tỏ hơn, chúng ta nên phân biệt ba giai đoạn nhận thức đó:
a) Trước hết, điều chúng ta có được là một nhận thức còn mơ hồ về điều phức hợp. Khi chúng ta bắt gặp một đối tượng chưa biết được, chưa quen thuộc bản chất của nó, lập tức chúng ta hiểu rằng những phẩm tính mà giác quan chúng ta nắm bắt (ví dụ, màu sắc, hình thù, kích cỡ) không phải là những thực tại độc lập nhưng là một toàn bộ được thống nhất qua việc tất cả chúng đều thuộc về một bản thể. Dù là ở giai đoạn khởi đầu việc nhận biết một đối tượng như thế, thì chúng ta vẫn biết rằng các phụ thể là những biểu lộ thứ yếu của một chủ thể vốn hiện hữu tự thân, cho dù chúng ta không biết được bản thể đó thuộc loại nào. Nhất là vì hữu thể là điều được trí năng ta nhận biết đầu tiên, và theo nghĩa chặt thì chỉ bản thể mới là hữu thể, nên trí năng chúng ta không thể nắm bắt các phụ thể mà đồng thời lại không nắm bắt chủ thể của chúng.
b) Tiếp đến, từ các phụ thể chúng ta tiến đến bản thể. Khi mà chủ thể của các phụ thể chỉ được nhận biết một cách mơ hồ, thì các phụ thể, vốn biểu lộ bản thể, trở nên đường lối tự nhiên để nhận biết bản thể là gì, tức là nhận biết yếu tính hay bản chất của bản thể. Các phụ thể của một con người (hình thù, những hoạt động) chẳng hạn, sẽ dẫn chúng ta đến yếu tính của con người: là động vật có lý tính. Do đó, có thể nói được rằng, khởi đi từ những khía cạnh bên ngoài của một hữu thể, chúng ta dần dà nắm bắt những khía cạnh sâu xa, nội thân hơn của nó. Chúng ta thâm nhập hạt nhân bản thể từ những biểu lộ ngoại biên hơn.
c) Từ bản thể, chúng ta quay trở lại các phụ thể. Một khi chúng ta khám phá yếu tính của một sự vật, tri thức này trở nên một ánh sáng mới mẻ hơn, soi sáng mọi phụ thể nảy sinh từ bản thể. Nó giúp chúng ta có được một khái niệm thoả đáng hơn về mỗi một phụ thể và về những mối tương quan giữa chúng. Chúng ta không còn nhận biết chúng chỉ thuần tuý là những biểu lộ bề ngoài của “điều gì đó”, mà bản chất còn mơ hồ đối với chúng ta. Đúng hơn, chúng ta nhận biết chúng như những biểu lộ phù hợp cho một cách thức hiện hữu riêng biệt. Một khi chúng ta nhận biết yếu tính của một con người chẳng hạn, chúng ta có thể nắm bắt dễ dàng hơn nữa những phụ thể khác biệt của hắn, vì chúng ta biết rằng chúng nảy sinh từ bản chất con người và lệ thuộc vào bản chất đó. Điều này giúp chúng ta nắm bắt ý nghĩa thực tế của chúng tốt hơn. Chẳng hạn, chúng ta có thể nắm bắt nhiều hoạt động của con người như hiệu quả của một hoạt động có suy nghĩ và tự do, mà điều này lại chính là hiệu quả của yếu tính loại biệt của con người, và do đó, chúng ta có thể nắm bắt chúng trong chiều kích thực tế của chúng. Bằng không, cho dù chúng ta có thể đạt được một miêu tả hết sức chi tiết về các hoạt động của con người và thành công trong việc đo lường nhiều khía cạnh của hành vi nhân loại, thì tri thức của ta về nhân vị vẫn hết sức nghèo nàn; thậm chí chúng ta còn không thể nhận ra rằng con người có một linh hồn thiêng liêng và bất tử.
Tóm lại, ta có thể nói rằng nhận thức của ta khởi đầu từ những đặc điểm khả giác của sự vật, được tri giác như những biểu lộ của một sự vật vốn có hiện hữu. Những đặc điểm này bày tỏ yếu tính cho ta, và đến lượt các phụ thể lại được coi như nảy sinh từ bản thể này, bản thể vốn cho chúng ta ánh sáng để hiểu biết về các phụ thể đó tốt hơn nữa. Dĩ nhiên, tiến trình này không trải qua và hoàn tất ngay trong một lúc. Thực vậy, một dòng chảy bất tận chính là đặc điểm cho nhận thức của ta, khi ta di động từ những phụ thể sang bản thể, và từ bản thể sang những phụ thể, sẽ dần dần thủ đắc một tri thức sâu xa hơn về cả hai thứ đó.
--------------------------------------------------------------------
SÁCH ĐỌC THÊM
ARISTOTLE, Metaphysica, VII, ch. 1-6. SAINT THOMAS, In Metaph., VII, lect. 1; C.G. I, 25. R. JOLIVET, La notion de substance, (Essai historique et critique sur le développement des doctrines d’ Aristote à nos jours), Beauchesne, Paris 1929.