Bùi Thiện, OP.
Tạp chí Nouvelle revue de théologie số mùa hè năm 2008 đăng bài của Vincent Aucante về thuyết tiến hoá theo tư tưởng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Bài báo này cũng chính là bài thuyết trình của tác giả tại Hội thảo về đề tài “Tạo dựng và tiến hoá” diễn ra tại dinh thự mùa hè của Đức Thánh Cha ở Castel Gandolfo, từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 9 năm 2006, với sự tham dự của nhiều nhà thần học, triết học và sinh học. Tác giả đã phân tích và phát triển tư tưởng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về những tương quan giữa khoa học và đức tin theo di sản của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.
Thực sự chẳng ai chờ đợi việc xuất bản cuốn Nguồn gốc các chủng loài của Charles Darwin vào năm 1859, khoảng 20 năm sau chuyến du hành đầu tiên của ông trên chiếc Beagle. Dĩ nhiên, từ buổi bình minh của thời gian, lịch sử của sinh vật đã luôn hấp dẫn con người. Nhưng đã từ lâu Do Thái giáo, Ki-tô giáo và cả Hồi giáo cho rằng chỉ những bản văn được mạc khải (Thánh kinh) mới hé mở những chìa khoá của vấn đề. Phải đợi đến đầu thế kỷ XVIII, những tác phẩm của Spinoza, của Mabillon hay của Richard Simon mới làm thay đổi cái nhìn của các nhà thần học đối với Thánh kinh. Trong các tác phẩm mở màn của Descartes, Bacon và Galilée, các nhà khoa học, mặc dù rất tôn trọng truyền thống, đã dần dần tách rời khỏi các dữ kiện của Thánh kinh để tìm cách xây dựng cái mà sau này sẽ trở thành lịch sử tự nhiên. Chính Linné, Buffon, Lamarck, Lyell và nhiều người khác nữa đã chuẩn bị phần dẫn nhập của lý thuyết tiến hoá và sau này lý thuyết này đã gây chia rẽ các nhà khoa học đương thời nhiều hơn các chức sắc trong Giáo hội. Thật vậy, các Ki-tô hữu (cả Anh giáo lẫn Công giáo) đều lập tức bắt tay nhau để lên án học thuyết mới. Kể từ đó, một sự chống đối đầy châm biếm bằng công thức thường được lặp đi lặp lại rằng “con người không phải là hậu duệ của lũ khỉ”. Giáo hội Công giáo, vốn loại bỏ lý thuyết tiến hoá ngay từ khi nó vừa được công bố, chính thức tuyên bố điều này một thời gian sau nhân cuộc khủng hoảng của thuyết duy tân. Đức Giáo Hoàng Pi-ô X (b) đặc biệt bảo vệ thần học tự nhiên trong thông điệp Pascendi Dominici gregis và lên án sự phụ thuộc hoàn toàn của đức tin và tôn giáo vào lý trí phê bình (1). Mặc dù Đức Giáo Hoàng Pi-ô X kiên quyết khẳng định mối quan tâm của Giáo hội đối với khoa học bằng việc thành lập Viện hàn lâm giáo hoàng về khoa học, nhưng sự bài xích, thậm chí lên án vẫn tồn tại như một quy tắc, và trường hợp của Teilhard de Chardin là một bằng chứng. Phải đợi đến thời của đức Gioan Phao-lô II, những nghi ngờ đối với thuyết tiến hoá mới chấm dứt.
Chính trong chân trời mới này đã diễn ra séminaire (thảo luận) thu hẹp (ngày 2 và 3 tháng 9 năm 2006) trong khuôn viên dinh thự mùa hè của các vị giáo hoàng ở Castel Gandolfo về đề tài Tạo dựng và tiến hoá. Cuộc gặp gỡ này do Schülerkreis của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tổ chức; đây là câu lạc bộ những cựu học trò của Đức Giáo Hoàng nhóm hợp dưới sự chủ toạ của người và với sự tham dự của Đức Hồng y Christoph Schönborn (c). Đức Hồng y Christoph Schönborn từng dính líu vào một vụ tranh cãi về đề tài này sau khi bài báo của người xuất hiện trong tờ New York Times ngày 07 -7- 2005. Trong đó người viết rằng “tiến hoá theo nghĩa một tổ tiên chung có thể đúng, nhưng tiến hoá theo nghĩa của thuyết tân Darwin – một tiến trình không được dẫn dắt và không có kế hoạch của sự đột biến may rủi và của chọn lọc tự nhiên – thì không đúng”. Sự cấp tiến đơn giản hoá quá mức của cuộc tranh luận bên kia bờ Đại Tây Dương dẫn đến việc người ta liệt Đức Hồng y tổng Giám mục thành Vienne (Áo) vào số những người theo thuyết tạo dựng bảo vệ “chương trình thông minh” được xem như giải pháp thay thế cho thuyết tiến hoá (2). Lý thyết này sau đó nhất thiết phải được hiệu chỉnh. Tuy nhiên, bài báo này không trực tiếp ra đời từ những dòng xoáy vì nó mà người ta tổ chức séminaire này. Quả thật, từ nhiều năm nay Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã hứng thú với đề tài này và người từng nhắc đến nó nhiều lần kể từ khi người được bầu làm người kế vị Thánh Phê-rô.
I. Từ những bản văn đầu tiên vào năm 2005
Trong một bản văn đầu tiên viết vào năm 1968 với nhan đề “Đức tin trong tạo dựng và thuyết tiến hoá”, thần học gia Joseph Ratzinger đã thử xác định tương quan giữa khoa học và thần học. Vị trí của người quả thật rõ ràng là người tiên phong nhưng luôn theo dòng cảm hứng của Công đồng: “Thuyết tiến hoá không huỷ bỏ cũng chẳng củng cố đức tin. Nhưng thuyết tiến hoá thúc đẩy đức tin tự hiểu mình sâu sắc hơn, và như vậy nó giúp con người tự hiểu mình và trở thành chính mình ngày càng rõ nét hơn: hữu thể trong sự vĩnh hằng phải xưng hô thân mật với Thiên Chúa (3). Và thần học gia Joseph Ratzinger trích dẫn Teilhard de Chardin để bỏ qua giải pháp thay thế cơ bản và đơn giản giữa chủ nghĩa duy vật và duy tâm, ngẫu nhiên và ý nghĩa: đồng thời con người phải nhận ra tính hữu hạn của mình (chính điều này giới hạn tham vọng của nhân loại) và hình ảnh của Thiên Chúa trong con người.
Nhân dịp viết bốn bài giảng về những chương đầu của sách Sáng thế (4), Đức Hồng y Joseph Ratzinger trở lại một cách mạnh mẽ. Vào năm 1981, về sự ăn khớp giữa tiến hoá và tạo dựng bằng cách tấn công khái niệm về sự ngẫu nhiên. Một lần nữa, người lại nhấn mạnh đến tính phi lý của sự đối chiếu căn bản giữa tiến hoá và tạo dựng. Theo người, cả hai lối tiếp cận bổ túc cho nhau và chúng không loại trừ nhau. Lối tiếp cận thứ nhất quan tâm đến việc giải thích “bằng cách nào” mà sự vật tồn tại, trong khi lối tiếp cận thứ hai lại cố gắng giải thích “tại sao” và mở đường vào nguồn gốc của sự vật bằng chương trình của Thiên Chúa. Vì vậy, câu hỏi trung tâm của vấn đề dẫn đến ý nghĩa của hiện hữu. “Nếu chúng ta biết rằng chúng ta không phải là hoa trái của sự ngẫu nhiên nhưng chúng ta thoát thai từ tự do và tình yêu, trong khi chúng ta không cần thiết phải tạ ơn vì sự tự do này, và chúng ta xác quyết rằng đó thực sự là một hồng ân của nhân loại” (5). Hay nói khác đi, Đức Hồng y Ratzinger loại bỏ luận đề của Richard Dawkins. Theo đó, con người với sản phẩm di truyền phức tạp có lẽ đã xuất hiện từ sự ngẫu nhiên thuần tuý.
Vì vậy Đức Hồng y Joseph Ratzinger mạnh mẽ loại bỏ ý tưởng cho rằng: chúng ta có lẽ là kết quả của sự ngẫu nhiên, kết luận này làm hại luân lý và đức tin. Đức Hồng y tấn công đích danh Jacques Monod, người “thay thế thánh ý Chúa bằng sự ngẫu nhiên, sự may rủi được coi như đã sản sinh ra chúng ta” (6). Chống lại lối tiếp cận máy móc này, đúng hơn Đức Hồng y muốn chứng tỏ rằng sự ngẫu nhiên được khoa học đề cao. Điều này cho chúng ta thấy sự hiện hữu của chúng ta không phải là kết quả của một tiến trình tất yếu, điều này gợi ý rằng Thiên Chúa là nguyên nhân của sự hiện hữu của nhân loại. Hay nói khác đi, để trả lời câu hỏi của Leibniz “tại sao có sự vật đúng hơn là chẳng gì cả?”. Cần phải nhìn nhận rằng rất có thể chúng ta không hiện hữu, nhưng nếu chúng ta hiện hữu thì chúng ta hiện hữu nhờ ước muốn của Thiên Chúa.
Bài diễn văn lịch sử ngày 22 tháng 10 năm 1996 của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II về đề tài này tại Viện hàn lâm giáo hoàng về khoa học đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho thấy Toà thánh quan tâm đến thuyết tiến hoá. Không tránh né khó khăn, Đức Thánh Cha mở đầu bằng đề cập đến những hiện tượng bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau: “Làm sao những kết luận của nhiều ngành khoa học khác và những kết luận chứa đựng trong thông điệp của Mạc khải có thể gặp gỡ nhau? Và nếu, thoạt nhìn, chúng ta thấy những mâu thuẫn bên ngoài, thì phải tìm giải pháp của chúng theo hướng nào?” (7).
Câu trả lời của Đức Thánh Cha về vấn đề này là một câu trả lời kép. Một mặt, công việc của khoa học dẫn đến những nghi vấn mới đòi hỏi những cách đặt vấn đề mới mẻ, điều này buộc thần học phải không ngừng bắt tay vào việc. Mặt khác, việc đọc Thánh kinh dẫn đến một lối giải thích (herméneutique) chính xác cho phép tách rời những cách giải thích không có cơ sở và không áp dụng được. Chính trong động lực kép này mà Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II có thể khẳng định rằng “thuyết tiến hoá đúng hơn là một giả thuyết” (8). Theo nghĩa này, người tránh được cám dỗ tách rời hẳn đức tin ra khỏi khoa học như thể mỗi lãnh vực có chân lý riêng của mình như luận đề của Stephen Jay Jould.
Đặt lại vấn đề về bản tính của con người theo đường hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II, Đức Hồng y Ratzinger sau đó lại khẳng định rằng “con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là con người là một hữu thể được cấu thành trong tương quan. Thông qua những tương quan của con người và chính bằng những tương quan ấy, con người tìm kiếm tương quan nền tảng của sự hiện hữu của mình” (9). Quan niệm năng động này về bản tính con người chỉ ăn khớp một cách kín đáo với thuyết tiến hoá. Dù gì đi nữa, quan niệm này không để học thuyết nọ quyến rũ.
Về vấn đề đối thoại giữa các nền văn hoá và tôn giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ưu tiên “tự do tranh luận về những ý kiến khác nhau và tôn trọng những con đường khác nhau” (10), mà theo người, điều này cho phép xây dựng công lý và hoà bình (11). Nhưng theo nhận định của Đức Thánh Cha, một cuộc tranh luận như vậy không hợp với những ai cho rằng khoa học không dẫn đến những ý kiến khác nhau nhưng chỉ nhắm đến việc tìm kiếm chân lý.
Vị giáo hoàng tương lai sẽ trở lại đề tài tế nhị này bằng cách đề xuất rằng các tôn giáo phải lưu tâm đến những khám phá về thế giới và về con người, thiếu điều này tôn giáo có nguy cơ rơi vào phi lý (12). Chính sự lưu tâm đến khoa học của các tôn giáo, nhất là Giáo hội Công giáo, là một điều luôn luôn cần thiết. Đức Hồng y Ratzinger nhấn mạnh điều này vào năm 2004 nhân cuộc gặp gỡ danh tiếng ở Munich với Habermas: “Ý tưởng về luật tự nhiên giả định rằng một quan niệm về tự nhiên trong đó tự nhiên và lý trí thâm nhập lẫn nhau, và chính bản thân tự nhiên là lý trí. Cái nhìn này về tự nhiên sụp đổ ngay khi thuyết tiến hoá chiến thắng. Thiên nhiên như chính nó sẽ không phải là lý trí, ngay cả khi nó có những những tập tính dựa trên lý tính. Đó là cách chẩn đoán muốn gởi gắm với chúng ta vào thời khắc ấy, và ngày nay hình như không thể phản bác” (13).
Liệu có cần phải thấy đằng sau bản đúc kết này một lời thú nhận bất lực, một hình thức từ chức ngầm ẩn của thần học gia trước khoa học? Thực ra, Đức Hồng y Ratzinger diễn đạt tinh vi việc “chẩn đoán” này trong một chú thích được thêm vào bản văn được xuất bản từ cuộc trao đổi này. Trong chú thích này, một lần nữa người lại trích dẫn tác phẩm nổi tiếng của Jacques Monod Sự ngẫu nhiên và sự cần thiết. Ở đây Đức Hồng y xác định rõ cần phải phân biệt giữa “những kết quả cụ thể của khoa học tự nhiên và triết học đi kèm các ngành khoa học này”. Nhận định này đưa Đức Hồng y Ratzinger tiến gần đến tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II. Chính Đức Thánh Cha đã từng nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc năm 1996 rằng thuyết tiến hoá có thể sáp nhập vào nhiều phân ngành triết học tự nhiên khác nhau, chính những phân ngành triết học này dẫn đến những kết luận thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn. Nói đúng ra, hơn cả đa dạng của trật tự khoa học, những vấn nạn thực sự có lẽ là trật tự triết học, điều này kéo theo sự cần thiết của việc phê bình.
II. Lời của Đức Thánh Cha về thuyết tiến hóa
Đề tài về thuyết tiến hoá từng được trình bày bằng nhiều cách trong tác phẩm của thần học gia Joseph Ratzinger trước khi người lên kế vị thánh Phê-rô. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta gặp lại đề tài này ngay trong bài giảng đầu tiên của người sau khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội. Đề tài này gây được rất nhiều chú ý: “Chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và thiếu ý nghĩa tiến hoá. Mỗi người chúng ta là hoa trái của tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được mong muốn, được yêu thương và tất yếu” (14).
Không dừng lại ở tầm rộng hay tính xác thực của tính phổ quát của thuyết tiến hoá đối với toàn thể nhân loại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiện hữu của mỗi người không phải là hoa trái của sự ngẫu nhiên, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, dù nam dù nữ, đều được Thiên Chúa yêu thương ngay từ khi chúng ta mới đầu thai trong lòng mẹ. Và người còn nói thêm trong bài giảng ngày 15 tháng 8 năm 2005 rằng, ngược lại khi con người chỉ xuất hiện như “sản phẩm của một sự tiến hoá mù quáng, […] con người có thể bị khai thác và bị lạm dụng. Chính kinh nghiệm của thời đại chúng ta khẳng định điều đó” (15). Đức Thánh Cha còn trở lại chủ đề này nhiều lần và luôn lưu tâm không phải là con người theo tổng thể nhưng là con người trong tính đặc thù của mình. Do đó, vấn đề chính yếu không phải là để xem tiến hoá có phù hợp với đức tin Ki-tô giáo hay không, nhưng đúng hơn là để loại bỏ sự lựa chọn một hiện hữu phi lý tính và điên rồ vốn là sản phẩm của sự ngẫu nhiên.
Điểm này được làm rõ một cách đặc biệt nhân cuộc gặp gỡ với giới trẻ ngày 6 tháng 4 năm 2006. Trong cuộc gặp gỡ này khi trả lời một trong số những câu hỏi, Đức Thánh Cha đã trở lại sự ngẫu nhiên triệt để: “Hoặc Thiên Chúa hiện hữu, hoặc Người không hiện hữu. Không thể tồn tại cả hai lựa chọn. Hoặc người ta nhìn nhận ưu thế của lý trí, của Trí Tuệ sáng tạo là cội nguồn và là nguyên lý của tất cả mọi loài mọi vật – ưu thế của lý trí cũng là ưu thế của sự tự do – hoặc người ta ủng hộ ưu thế của phi lý. Theo đó tất cả những gì vận hành trên mặt đất này hay trong cuộc sống của chúng ta chỉ do ngẫu nhiên, ngoài lề, một sản phẩm phi lý tính – lý trí cũng có thể là một sản phẩm của sự phi lý tính. Chúng ta không thể phân tích đến cùng để chứng tỏ chương trình này hay chương trình kia, nhưng lựa chọn lớn của Ki-tô giáo là lựa chọn vì lý trí và vì quyền ưu tiên của lý trí. Theo tôi, đó là một lựa chọn tuyệt vời vì lựa chọn này cho chúng ta thấy đằng sau nó là một trí tuệ cao cả, và chúng ta tự hào vì trí tuệ cao cả ấy” (16).
Trong bài giảng ngày 29 tháng 9 năm 2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng “ai gạt Thiên Chúa ra ngoài sẽ không coi trọng con người mà lại tước mất phẩm giá của con người. Vì vậy, con người trở thành một sản phẩm không thành công của tiến hoá” (17). Nói khác đi, phẩm giá con người không thể tách rời khỏi Thiên Chúa và nếu không có chương trình của Thiên Chúa, phẩm giá con người sẽ rơi vào cái mà vào năm 2004, trong một bài diễn văn đọc tại Saint-Étienne ở Caen (Pháp), Đức Hồng y Joseph Ratzinger từng gọi là “bệnh lý học của lý trí”, đề tài này được Đức Thánh Cha nhắc lại trong bài diễn văn tiếng tăm ở Ratisbonne (18).
Ở buổi thảo luận được tổ chức tại Castel Gandolfo vào năm 2006, Đức Thánh Cha lấy lại đề tài này và khai triển trong những cuộc tranh luận với nhiều tham dự viên. Hoàn toàn không thừa nhận học thuyết tạo dựng “mà theo nguyên tắc vốn loại bỏ khoa học”, người chỉ trích mạnh mẽ “một thuyết tiến hoá che dấu những lỗ hỏng của riêng mình” (19). Khoa học phải chấp nhận những giới hạn của mình, giống như đức tin cũng phải tự vấn trước những khám phá của khoa học. Về thuyết tạo dựng và về một vài cách thức tách rời một cách triệt để đức tin ra khỏi khoa học, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trả lời rằng “Thiên Chúa quá lớn để chúng ta có thể đưa vào những câu hỏi còn bỏ ngỏ của thuyết tiến hoá”. Nói khác đi, chẳng có nghĩa gì khi giản lược lãnh vực tôn giáo vào những gì nằm ngoài khoa học, theo cách thức thay thế khiến người ta có thể cho rằng sự phi lý tính là lãnh địa duy nhất của tôn giáo.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không hoàn toàn chấp nhận thuyết tiến hoá vì bốn lý do. Trước tiên, người cho rằng không thể kiểm chứng những khẳng định của học thuyết này do thời gian tiến hoá quá lâu dài. Hơn nữa, học thuyết này không phải là một lý thuyết đầy đủ và được kiểm chứng toàn bộ, cho dù bề ngoài của nó có vẻ xác thực. Ngoài ra, vấn đề tiến hoá tiếp diễn đặt ra một vấn nạn mà Đức Thánh Cha cho rằng rất có thể tiến hoá bắt nguồn từ những bước nhảy vọt. Cuối cùng, chính người nhấn mạnh rằng “những cá thể đột biến tích cực [được chọn lọc trong quá trình tiến hoá] quá ít ỏi”, điều này gợi ý rằng “hành lang tiến hoá” vì nó mà các loài bị tiêu diệt (một thuật ngữ mà Đức Thánh Cha mượn của nhà sinh học Peter Schuster) (20) không phải là giải pháp thay thế trong vô số những giải pháp khác. Nói khác đi, những thế giới khác biệt có thể không thuần tuý là may rủi và với số lượng vô hạn, như Kimoora hay Dawkins đã khẳng định, nhưng chúng tuân thủ những trục ưu tiên, luận đề này do Simon Conway Morris khai triển (21).
Vả lại, câu hỏi để biết xem ai bắt tay vào việc vẫn nằm ngoài tầm của các ngành khoa học nghiên cứu về tiến hoá: “Không chỉ các bản văn phổ thông mà ngay cả những bản văn chuyên ngành về tiến hoá thường nói về tự nhiên hay tiến hoá đã thực hiện điều này hay điều nọ. Nhưng ai mới thực sự là tự nhiên hay tiến hoá? Chẳng có ai như vậy cả! Nếu có ai nói rằng tự nhiên làm điều này hay điều kia, kẻ ấy đang cố thu gom một chuỗi những sự kiện vào một chủ thể vốn không tồn tại như chính nó” (tr. 151).
Nói khác đi, thông qua việc sử dụng những từ ngữ “tự nhiên” hay “tiến hoá”, thật ra một số nhà khoa học đã nhân cách hoá cái mà Kant chỉ định như một đơn vị tổng hợp đơn giản của các hiện tượng. Thế nhưng, những kết quả đạt được bởi lý trí khoa học không được đưa đến việc tách rời những chiều kích khác của lý trí vốn có vị trí của chúng trong đời sống chúng ta. Và khi loại bỏ thuyết duy tín (và một cách minh nhiên thuyết tạo dựng), Đức Thánh Cha xác định rõ “vẫn còn những câu hỏi mà lý trí phải lưu ý đến và những câu hỏi này không thể phó mặc cho những tình cảm tôn giáo mà thôi” (tr.152).
Định hướng kết luận của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rõ ràng rất mạnh mẽ. Định hướng này được thể hiện qua hai giai đoạn. Trước tiên, nó gợi ý rằng vật chất chứa đựng “một lý tính nào đó” làm cho nó trở nên sáng tỏ dễ hiểu và siêu việt hoá “cái phi lý tính, cái hỗn mang và sự phá huỷ” mà chúng ta có thể quan sát suốt dòng tiến hoá. Thế nhưng, lý trí này chiếm một vị trí quan trọng đối với con người: “Tôi nhận thấy rằng tiến trình với tư cách là toàn thể có lý tính. Mặc cho những rời rạc và những ngẫu nhiên của tiến trình này thông qua dải hành lang hẹp trong sự chọn lọc (Auswahl) của những đột biến tích cực và trong việc khai thác một chút tính xác thực, tiến trình như chính nó có cái gì đó thuộc về lý tính”. Và người nói thêm: “Cái lý tính kép này được thể hiện một lần nữa bằng cách thông thương với lý trí con người, từ đó dẫn đến một câu hỏi vượt khỏi khoa học nhưng lại là một câu hỏi của lý trí: lý tính này phát xuất từ đâu?” (tr. 152).
Chính ở đây khoa học được mời gọi tạm hoãn suy đoán của mình. Cũng ở đây mà chúng ta có thể thoáng thấy lý trí sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, sự may rủi và cái ngẫu nhiên bắt tay vào việc trong tiến hoá của các sinh vật có thể được phục hồi trong một tổng thể có trật tự và có lý tính rộng lớn mà chúng ta có thể chạm tới một phần nào của cái tổng thể ấy.
III. Kết luận
Sau nhiềp thập kỷ kết án, có lẽ do được sự cổ võ của những tiến bộ của khoa chú giải và giải thích Thánh kinh (herméneutique biblique), Toà thánh (đặc biệt là hai vị giáo hoàng gần đây Gioan Phao-lô II và Biển Đức XVI) đã lưu tâm đến chiều kích khoa học của thuyết tiến hoá. Nhưng khi thu hẹp trường hoạt động và tính hiệu lực của khoa học, và trường hợp của tiến hoá, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng giảm thiểu tham vọng tổng thể của nhiều lý thuyết khác nhau khi người nhắc lại những yếu điểm nội tại của chúng nhằm hiểu biết về những lệ thuộc triết học và những lỗ hỏng trong kinh nghiệm của những lý thuyết này. Sự kiện vật chất một cách nào đó cũng là vật chất có lý tính dẫn đưa người trở về với vấn đề xưa cũ của Leibniz về khả năng nắm bắt và hiểu những đối tượng của tự nhiên của chúng ta. Nhờ có giả thuyết bao hàm (trong trật tự có hỗn mang, hay trong lý trí có ngẫu nhiên), vì vậy Đức Thánh Cha có thể hy vọng hoà giải giữa lý trí thần học và lý trí khoa học theo cách thức của cha Teilhard de Chardin. Và khi tìm thấy lại những trực cảm của triết gia Maurice Blondel, vốn xa rời với việc loại bỏ tiến hoá và những hoạt động của nó. Ngay trong bài giảng đêm vọng Phục sinh ngày 14 tháng 4 năm 2006, Đức Thánh Cha cho rằng tiến hoá cho phép nắm bắt một cách loại suy sự phục sinh và sự tác tạo con người mới: “Sự phục sinh của Đức Ki-tô […] là – nếu chúng ta có thể một lần sử dụng ngôn ngữ của thuyết tiến hoá – sự “đột biến” lớn nhất, là bước nhảy hoàn toàn quyết định nhất trong một chiều kích hoàn toàn mới mẻ chưa từng xảy ra trong lịch sử lâu dài của sự sống và của sự phát triển của sự sống: một bước nhảy vọt sang một trật tự hoàn toàn mới mẻ vốn liên hệ đến chúng ta và đến toàn bộ lịch sử” (22).
Vincent Aucante, Giám đốc Collège des Bernardins (Paris)
(Nguồn La documentation catholique, số 2417, ngày 01/02/2009)
-----------------------------
Các chú thích (a) và (c) của tạp chí La documentation catholique (DC).
(a) Charles Darwin ở trên tàu Beagle từ năm 1831 đến 1836, trong cuộc thám hiểm này ông đã khám phá bán cầu Bắc.
(b) Giáo hoàng từ 1903 đến 1914.
(1) Về vấn đề này xin đọc Jacques ARNOULD, L’Église et l’histoire de la nature, Paris, Le Cerf, 2000.
(c) Tổng giám mục thành Vienne (Áo).
(2) Những người theo thuyết tạo dựng cho rằng cuốn sách của tự nhiên và Thánh kinh (hay kinh Coran) chỉ có một tác giả duy nhất và phải được theo nguyên nghĩa. Ngoài ra, những người thừa kế thuyết tương phù (giữa Thánh kinh và khoa học), các nhà khoa học bảo vệ luận đề “kế hoạch thông minh” (Michael Denton, Michael Behe, William Dembski) nghĩ rằng quá trình thực hiện các quá trình tiến hoá cho thấy trí tuệ sáng tạo vượt hơn hẳn (xc. ARNOULD, J., Les créationnistes, Paris, Le Cerf, 1996; LECOURT, D., L’Amérique entre la Bible et Darwin, Paris, PUF, 2007).
(3) RATZINGER, J., «Schöpfungsglaube und Evolutionstheorie» trong Dogma und Verkündingung, München-Freiburg, Erich Wewel Verlag, 1973, tr. 160.
(4) Id., Au commencement Dieu créa le ciel et la terre? bản dịch tiếng Pháp, Paris, Fayard, 1986, tr. 58.
(5) Ibid., tr. 61.
(6) Ibid., tr. 60.
(7) «L’Église devant la recherche sur les origines de la vie et son évolution », DC 1996, no 2148, tr. 951.
(8) Ibid., tr. 4.
(9) RATZINGER, J., L’unique alliance, Paris, Parole et Silence, 1999, tr. 60.
(10) Ibid., tr. 85.
(11) Xc. Vincent AUCANTE, Benoît XVI et l’islam, Paris, Parole et Silence, 2008.
(12) RATZINGER, J., Foi, vérité, tolérance, Paris, Parole et Silence, 2005, tr. 79-80.
(13) RATZINGER, J., «Démocratie, droit et religion», trong tạp chí Esprit, tháng 7-2004, tr. 24.
(14) Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Bài giảng lễ khai mạc triều đại giáo hoàng, ngày 24-4-2005, trong DC 2005, no 2337, tr. 548.
(15) Đức Thánh Cha Biển đức XVI, Bài giảng lễ tại giáo xứ San Tommaso di Villanova ở CastelgADNolfo, trong L’Osservatore Romano, nhật báo bằng tiếng Ý ngày 17-18 tháng 8 năm 2005, tr. 9.
(16) Benoît XVI, «Rendre Dieu présent dans la société», trong L’Osservatore Romano 2006, no 15, tr. 2-4, ở đây tr. 4, cột 4.
(17) Benoît XVI, «Soyez les “anges gardiens” des Églises qui vous sont confiées», trong Ibid., 2007, no 40, tr. 3.
(18) RATZINGER, J., “À la recherche de la paix”, bài thuyết trình ở Caen (Pháp), ngày 5-6-2004, trong DC 2004, no 2319, tr. 725.
(19) Cuộc thảo luận (séminaire) này được xuất bản trong tuyển tập Schöpfung und Evolution, Augsburg, Sankt Ulrich Verlag, 2007, ở đây tr. 149. Số trang dẫn trong bài được lấy theo tập sách này.
(20) Xin coi phần đóng góp của người trong séminaire ở CastelgADNolfo, «Evolution und Design. Versuch einer BestADNsaufnahme der Evolutionstheorie», trong Schöpfung und Evolution, tr. 25-56.
(21) Xin coi các tác phẩn của Simon Conway Morris, nhất là cuốn Life’s Solution, Cambridge University Press, 2003.
(22) Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Bài giảng lễ đêm vọng Phục sinh ngày 15-4-2006, trong DC 2006, no 2358, tr. 458.