Saturday, 25 January 2020 01:24

Luận Lý Học Hình Thức: Phán Đoán Và Mệnh Đề (Jugement et Proposition) Featured

 
Lm. Matthias Ch’ en Wen Yu, SJ.

A. BẢN CHẤT CỦA PHÁN ĐOÁN VÀ MỆNH ĐỀ    

I.- Bản chất của Phán đoán: do khuynh hướng tự nhiên, trí năng hướng về phán đoán.

1/. Mô tả phán đoán

Chữ “phán đoán” phát xuất từ động từ “juger”. Như một thẩm phán, sau khi đã cứu xét cẩn thận, mới đưa ra phán quyết của mình để giải quyết một vụ kiện, thì thông thường trí năng cũng tiến hành như vậy trong phán đoán của mình: sau khi nhận thấy sự hiển nhiên của một tuyên bố, trí khôn đính kết kiên định với lời tuyên bố và xác quyết nó một cách rõ ràng.

Dưới ánh sáng của tiến trình tâm lý học này, các tác gỉa thường định nghĩa phán đoán “là sự trí năng ưng thuận với sự đồng nhất hay sự dị biệt giữa hai khái niệm được cứu xét cách khách quan”, hoặc “phán đoán là tác động của tâm trí, qua đó chúng ta ghép hai ý tưởng được xét khách quan lại với nhau bằng việc xác nhận, hay tách chúng ra bằng việc phủ nhận.”


2/. Phán đoán được xét theo những yếu tố của nó

Phán đoán là một tuyên bố. Trong hình thức đơn giản, phán đoán được hình thành bởi một chất thể và một mô thể.

Chất thể gồm chủ từ (sujet) và thuộc từ (prédicat). Chủ từ biểu thị thực tại cụ thể nào đó (ví dụ: cái nhà này thì đẹp) hoặc biểu thị một đặc tính không trừu tượng và phổ quát như thuộc từ (vd. Sự khôn  ngoan là một đặc tính của trí năng). Còn thuộc từ thì biểu thị một tính chất (propriété) hay một đặc tính thấy có trong chủ từ.

Mô thể của phán đoán nói lên tương quan giữa chủ từ và thuộc từ. Trong một xác quyết, mô thể hay hệ từ (copule) “EST, THÌ/LÀ” nói lên sự đồng nhất giữa chủ từ và thuộc từ; còn trong sự phủ định, mô thể “N’EST PAS / KHÔNG LÀ” nói lên sự khác biệt giữa chủ từ và thuộc từ. Theo khoa căn ngữ học triết học thì mô thể của một vật là yếu tố cấu thành xác định biệt loại vật đó về phương diện yếu tính. Thực tế thì một phán đoán thật được hình thành bởi mô thể “EST ou N ‘ EST PAS / LÀ hay KHÔNG LÀ”. Phán đoán khác với một khái niệm kép, dù khái niệm cũng có những yếu tố chất thể tương tự, vd. Cái nhà thì đẹp và Một cái nhà đẹp.

Thánh Tôma đã nói rất rõ, phán đoán tuyên bố là “CÓ / ÊTRE”, cái đang hiện hữu thực sự, hoặc tuyên bố là “KHÔNG CÓ / N ' ÊTRE PAS”, cái không thực sự hiện hữu. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng từ ngữ “ÊTRE/THÌ, LÀ” không đương nhiên cho thấy là sự vật hiện hữu. Từ ngữ đó hoặc vừa nói tới một sự kiện đơn giản (vd. Cái cửa thì đóng), hoặc vừa nói tới tương quan giữa hai ý niệm thuộc trật tự luận lý (vd. Loại/espèce thì được ghép bởi Bộ/genre và yếu tính loại biệt/différence spécifique)


3/. Phán đoán được xét như hành động của trí năng

Có nhiều giai đoạn trong việc hình thành một phán đoán. Trước tiên, con người, sau khi đã hiểu chủ từ và thuộc từ tách biệt nhau, thì nắm bắt được toàn bộ lời tuyên bố và cứu xét nó như một tuyên bố có thể có.

Rồi con người chăm chú cứu xét chính lời tuyên bố, hoặc theo những nguyên tắc luận lý, hoặc trong tương quan của nó với thực tại khách quan để cách này cách khác đạt tới sự hiển nhiên của lời tuyên bố này. Nếu có sự hiển nhiên, trí năng hướng tới sự đồng thuận chắc chắn với lời tuyên bố. Nếu chỉ có những lý do đáng tán thành  thì trí năng ưng thuận cách dè dặt. Cuối cùng nếu có những lý lẽ thuận nghịch về gía trị hơn kém hay thiếu lý lẽ thuận hoặc chống thì trí năng không đưa ra sự ưng thuận nào với lời tuyên bố đó.

Xét về mô thể thì chính sự ưng thuận cấu tạo nên phán đoán. Khi ưng thuận là vững chắc thì có phán đoán chắc chắn (certain); khi ưng thuận là cái nhiên (probable), thì có phán đoán mang tính chất ý kiến; khi thiếu ưng thuận thì không có phán đoán.
 

II.-  Mệnh đề

Phán đoán được bày tỏ ra bên ngoài bằng một mệnh đề. Tuy nhiên  không hẳn mọi mệnh đề đều là dấu hiệu của phán đoán. Có những mệnh đề ước vọng (optative, vd: chớ gì hạnh phúc!); có những mệnh đề sai khiến, truyền lệnh (impérative, vd: hãy làm cái này!); có những mệnh đề nghi vấn (interrogative, vd: lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?); có những mệnh đề cảm thán (admirative, vd: ôi Maria, Bà thật diễm lệ!). Những loại mệnh đề này diễn tả một tình cảm của tâm hồn chứ không phải là một phán đoán. Mặc dù có phán đoán hàm chứa trong mệnh đề cảm thán, nhưng đúng ra thì phán đoán đó đi kèm với mệnh đề đó cách gián tiếp. Tuy nhiên mọi mệnh đề phát biểu (énonciative) đều diễn tả một phán đoán thực sự; phán đoán này xác nhận hay phủ nhận thuộc từ của một chủ từ.     

Giống như phán đoán, mệnh đề phát biểu gồm có một chất thể và một mô thể. Chất thể là chủ từ và thuộc từ (chủ từ là cái được gán cho một đặc tính hay một đặc điểm, hoặc bị lấy mất cả đặc tính lẫn đặc điểm; còn thuộc từ là tiếng được gán cho hay bị lấy đi khỏi chủ từ). Mô thể  là hệ từ xác nhận hay phủ nhận. Hệ từ này được diễn tả bởi động từ căn bản “là” hay “không là” ( est ou n’est pas ) ở thì hiện tại, trực thái cách.

Bởi động từ căn bản “ thì, là, ở, hiện hữu”, (35) vì động từ này có thể được hiểu vừa theo nghĩa phần thể, vừa theo nghĩa căn bản. Theo nghĩa phần thể, nó chỉ sự hiện hữu, vd: Thiên Chúa hiện hữu. Theo nghĩa căn bản, nó chỉ sự liên hệ, tương quan đồng nhất hay khác biệt giữa chủ từ và thuộc từ. Phải dùng trực thái cách, nếu không sẽ ra mệnh đề ước vọng, truyền khiến... Cũng phải dùng thì hiện tại vì chỉ có thì này mới tạo nên một hệ từ; thì qúa khứ hay tương lai biểu thị một sự tiên thiên (priorité) hay hậu nghiệm (postériorité) là những cái thuộc về thuộc từ chứ không thuộc về hệ từ. (vd: “người công chính sẽ hạnh phúc”, nghĩa là: “người công chính hạnh phúc trong tương lai”.    

Phải ghi nhận rằng ba yếu tố trên đều thấy có trong bất cứ mệnh đề hoàn hảo nào, ít ra trong tình trạng mặc nhiên: thật vậy, có những mệnh đề hoàn hảo, được cấu tạo chỉ bằng hai từ ngữ, vd: “tôi ngủ”, nghĩa là: “tôi đang ngủ”.
 

B. PHÂN CHIA MỆNH ĐỀ PHÁT BIỂU

Trước khi đi vào việc phân chia những mệnh đề phát biểu, phải nên ghi nhận rằng những mệnh đề phát biểu có thể là gỉa thiết (hypothétique) hay xác quyết (catégorique). Những mệnh đề xác quyết lại có thể là đơn hay kép.         

Mệnh đề gỉa thiết là mệnh đề trong đó thuộc từ được gán cho hay bị lấy đi khỏi chủ từ, tuỳ thuộc vào điều kiện được diễn tả trong mệnh đề khác. Mệnh  đề có chữ “nếu” được gọi là mệnh đề điều kiện, mệnh đề kia  được gọi là mệnh đề tùy điều kiện  (36).

Mệnh đề xác quyết là mệnh đề trong đó thuộc từ được gán cho hay bị lấy đi khỏi chủ từ cách tuyệt đối chứ không điều kiện. Mệnh đề xác quyết đơn chỉ có một mệnh đề mà thôi; mệnh đề xác quyết kép chứa đựng nhiều mệnh đề.


I.- Phân chia mệnh đề xác quyết đơn

1/. Chiếu theo mô thể hay phẩm tính

Những mệnh đề này có thể là xác định hay phủ định.

-
Xác định (affirmatives), nếu hệ từ là tích cực, “là, thì” cách minh nhiên hay mặc nhiên, vd: Thiên Chúa thì bất tử.

- Phủ định (négatives), nếu hệ từ có chữ “không là, không thì”, vd: động vật thì không bất tử.  

Về vấn đề thuộc từ trong những mệnh đề này, phải ghi nhận rằng: trong mệnh đề xác định, ngoại trương của thuộc từ nguyên thường (de soi) là đặc thù, vd: người là một con vật. Điều này muốn nói rằng con người chỉ là một phần trong ngoại trương của giống vật. Chúng ta nói “nguyên thường”, bởi vì trong trường hợp định nghĩa, sở hữu hay trường hợp mệnh đề riêng biệt thì ngoại trương của thuộc từ cũng vẫn là ngoại trương của chủ từ, vd: con người là con vật biết suy luận; con người biết cười; Giáp là bố của Ất... Trái lại, trong mệnh đề phủ định, ngoại trương của thuộc từ là phổ quát, vd: con người không phải là một thiên thần, nghĩa là không có thiên thần nào là người.

Cũng phải ghi nhận rằng, trong mệnh đề xác định, nội hàm của thuộc từ được gán cho chủ từ theo tất cả những đặc điểm của nó với một ý nghĩa xác định, vd: con người là một con vật, nghĩa là con người là một hữu  thể sống động và có cảm giác. Trái lại, trong mệnh đề phủ định, nội hàm này bị chối bỏ khỏi chủ từ theo những đặc điểm của nó với ý nghĩa chuyên nhất (exclusif), vd: con người không phải là một con vật. Điều này không có nghĩa là con người không phải là một bản thể, một vật thể, một sinh vật...là những thứ chứa trong nội hàm của tiếng động vật. Nhưng điều đó muốn nói rằng con vật xét như là không có lý tính (rationalité), thì không hợp với con người.


2/. Chiếu theo chất  thể hay lượng số

Những mệnh đề xác quyết đơn có thể là:

- Phổ quát (universelle): nếu chủ từ có sự gỉa định tương đối phân phối chung, vd:  con người thì phải chết.            

- Đặc thù (particulière): nếu chủ từ có sự gỉa định tương đối phân phối đặc thù, vd:  một vài người là chủng sinh.             

- Riêng biệt (singulière): nếu chủ từ chỉ thị một cá nhân, vd: Thánh Phêrô đã là Giáo hoàng Roma. (37)
 

II.- Phân chia mệnh đề xác quyết kép

1/. Chiếu theo mô thể:

Mệnh đề thể cách (modale) là mệnh đề chỉ cách thế theo đó thuộc từ hợp với chủ từ. Vì thế, để có mệnh đề thể cách đúng thực thì thể cách đó phải chi phối chính hệ từ (copule). Những mệnh đề thể cách có thể là:  

a)- Thể cách tất yếu (nécessaire): nếu thuộc từ hợp với chủ từ một cách tất yếu, nghĩa là thuộc từ không thể không hợp với chủ từ, vd: Con người tất yếu là biết cười. Sự tất yếu này có thể là tuyệt đối hay tương đối. Tuyệt đối, nghĩa là sự tất yếu đó không chấp nhận một luật trừ nào, vd: một vật có bản chất đơn thuần thì tất yếu không bị huỷ hoại. Tương đối, nghĩa là có thể có luật trừ, vd: một vật có trọng lượng thì tất yếu phải rơi.

b)- Thuộc thể cách bất khả hữu (impossible): nếu thuộc từ không bao gìơ hợp với chủ từ, vd: Không thể có sự Thiên Chúa bất công. Cũng có những sự bất khả hữu hoặc tuyệt đối hoặc tương đối.

c)- Thuộc thể cách khả hữu (possible): nếu thuộc từ có thể hợp với chủ từ, vd: có thể Phêrô thì thông thái. (38) (39)


2/. Chiếu theo chất thể:

Mhững mệnh đề xác quyết kép có thể là những mệnh đề minh hợp hay ẩn hợp.           

a)- Mệnh đề minh hợp (manifestement composée) có những hình thức sau đây:

*- Liên kết (copulative): là mệnh đề có nhiều chủ từ hay thuộc từ được nối với nhau bằng những chữ  “và, cũng không”, vd: Phêrô và Phaolô là những tông đồ; chẳng phải danh dự cũng không phải giàu sang có thể chống lại được sự chết. Mệnh đề loại này chỉ có thể đúng nếu mỗi thành phần đều đúng.

*- Trái ngược (adversative): là mệnh đề có nhiều chủ từ hay thuộc từ  được nối với nhau bằng những liên từ “nhưng, tuy nhiên”, vd: “Các con sạch nhưng không phải tất cả đều sạch đâu”. Mệnh đề loại này chỉ đúng nếu mỗi thành phần đều đúng    

*- Tương quan (relative): là mệnh đề chứa các thành phần được liên kết với nhau bằng các liên từ “như thế nào, như thế ấy” “ ở đâu, ở đấy”; “bao nhiêu, bấy nhiêu” (tel quel, autant que; talis qualis, tantum quantum. Où, là; ubi, ibi),vd: sống sao, chết vậy (telle vie, telle mort). Mệnh đề trên có thể phân giải thành 3 mệnh đề khác: sự  sống có những đặc tính nào đó; sự chết cũng có những đặc tính nào đó; hai loại đặc tính này thì giống nhau. Để mệnh đề loại này  đúng thì tương quan được xác nhận đó phải đúng          

*- Nguyên nhân (causale): là một câu chứa hai mệnh đề được nối với nhau bằng những liên từ chỉ nguyên nhân như: “vì, bởi vì” (car, parce que), vd: An không học vì nó đau. Ở đây có 3 điểm được xác nhận: chân lý của hai mệnh đề và tương quan nhân qủa giữa hai mệnh đề. Vì thế, để mệnh đề thuộc loại này được đúng thì 3 điểm này đều phải đúng.          

b)- Mệnh đề ẩn hợp (secrètement composée) có những hình thức sau:

*-Chuyên nhất (exclusive) là mệnh đề trong đó chủ từ, thuộc từ hay cả chủ từ lẫn thuộc từ đều bị chi phối bởi liên từ chuyên nhất “chỉ” (seul, solum), vd: Chỉ Thiên Chúa là vĩnh cữu. Điều trên mặc nhiên nói rằng: Thiên Chúa là vĩnh cữu. Ngoài Thiên Chúa ra, các vật khác đều không vĩnh cửu. Để mệnh đề loại này được đúng thì hai thành phần đều phải đúng.        

*- Giới hạn (restrictive) là mệnh đề, bằng những liên từ “trừ, trừ ra” (excepté, sauf / praeter), loại bỏ một phần ngoại trương của chủ từ hay thuộc từ khỏi sự xác nhận tổng quát, vd: Trừ Thiên Chúa, tất cả đều giới hạn. Điều trên muốn nói rằng: tất cả đều giới hạn, chỉ Thiên Chúa là không thế. Để mệnh đề loại này được đúng thì 2 thành phần đều phải đúng.

*- So sánh (comparative) là mệnh đề không chỉ xác nhận hay phủ nhận một hoàn hảo của chủ từ nhưng còn xác nhận những cấp độ khác nhau về sự tương hợp (convenance) hay bất tương hợp (discordance), vd: con người thì tốt hơn con vật. Điều trên muốn nói rằng:  con người thì tốt, con vật cũng tốt. Nhưng sự tốt lành hợp với con người ở một cấp độ cao hơn. Để mệnh đề loại này được đúng thì 3 thành phần phải đúng.

*- Tái chỉ (réduplicative) là mệnh đề, nhờ những chữ như “xét như là” (en tant que), diễn tả cái khía cạnh chính xác theo đó thuộc từ được gán cho chủ từ, vd: Chúa Kitô, với tư cách là người (xét như là người) thì đã chết.
 

III.- Phân chia những mệnh đề gỉa thiết (hypothéthique)    

Những mệnh đề này có thể được phân chia như sau:

1/. (Định lập khẳng định / ponendo  ponens), khi mệnh đề điều kiện và mệnh đề tùy điều kiện, cả hai đều là xác định, vd: nếu có ánh sáng, anh mới thấy.

2/. (Định lập phá xích / ponendo  tollens), khi mệnh đề điều kiện là xác định, còn mệnh đề tùy điều kiện thì phủ định, vd: nếu anh mù, anh không thấy  được.

3/. (Phá xích định lập / tollendo ponens), khi mệnh đề điều kiện là phủ định, còn mệnh đề tùy điều kiện thì xác định, vd: nếu không có ánh sáng, thì sẽ có bóng tối

4/. (Phá xích phủ định / tollendo tollens ), khi hai mệnh đề đều là phủ định, vd: nếu người ta không ăn năn hối cải, người ta sẽ không được cứu.

* Ghi chú:  2 loại mệnh đề sau đây có thể dễ dẫn tới những mệnh đề gỉa thiết:

- Mệnh đề ly tiếp (disjonctive): là mệnh đề có nhiều từ ngữ hay nhiều mệnh đề nối với nhau bằng những liên từ “hay, hoặc là”(ou, ou bien). Những mệnh đề này trái ngược nhau đến nỗi, nếu mệnh đề này đúng, mệnh đề kia tất yếu phải sai, vd: Anh AN hoặc đang vận động hoặc đang nghỉ ngơi. Mệnh đề này có thể  được chuyển thành mệnh đề gỉa thiết: nếu anh AN không vận động thì hẳn là anh ta đang nghỉ.

- Mệnh đề đồng tác (conjonctive) là mệnh đề không chấp nhận hai lời phát biểu có thể đúng cùng một lúc, nhưng lại nhận 2 lời có thể sai cùng một lúc,vd: một người không thể cùng đọc cùng ngủ  một lúc. Mệnh đề này có thể chuyển thành: nếu 1 người đang đọc thì hắn không thể ngủ.
           

C. TƯƠNG TÁC LUẬN LÝ GIỮA CÁC MỆNH ĐỀ PHÁT BIỂU

Cho đến đây, chúng ta mới chỉ cứu xét những mệnh đề phát biểu trong chính nó và theo sự phân chia chúng. Bây giờ chúng ta sắp cứu xét những tương quan khác nhau giữa các mệnh đề này. Những tương quan này có thể là tương quan đối lập, tương đẳng, hoán chuyển và suy diễn.
 

I.- Sự đối lập giữa các mệnh đề: (xác quyết đơn)



1/. Đối lập mâu thuẫn (opposition contradictoire)

Sự đối lập này xẩy ra trong những mệnh đề  khác nhau về lượng (quantité) và về phẩm (qualité).

Quy luật chi phối những mệnh đề này là như sau: “ Cả hai mệnh đề không thể cùng đúng hay cùng sai một lúc.” Từ đó ta suy ra: nếu mệnh đề này đúng, mệnh đề kia phải sai; và nếu mệnh đề này sai, mệnh đề kia phải đúng.      


2/. Đối lập tương khắc (opp. contraire)

Sự đối lập này thấy có trong những mệnh đề phổ quát chỉ khác nhau về phẩm.

Qui luật chi phối những mệnh đề này là như sau: “ Cả hai mệnh đề không thể cùng đúng một lúc nhưng có thể sai cùng một lúc.” Từ đó ta suy ra: nếu mệnh đề này đúng, mệnh đề kia phải sai; nhưng nếu mệnh đề này sai, mệnh đề kia có thể đúng và cũng có thể sai.          


3/. Đối lập hạ vị (opp. subalterne)

Đối lập này xảy ra trong những mệnh đề chỉ khác nhau về lượng.

Qui luật chi phối những mệnh đề này là như sau: “ Cả hai mệnh đề này có thể cùng đúng hay cùng sai một lúc”. Từ đó ta suy ra: nếu mệnh đề phổ quát là đúng, thì mệnh đề đặc thù cũng đúng. Nhưng trong trường hợp ngược lại thì không thể suy được gì. Nếu mệnh đề đặc thù sai thì mệnh đề phổ quát cũng sai; và cũng trong trường hợp ngược lại thì không thể suy  được gì.      


4/. Đối lập hạ tương khắc (opp. subcontraire)

Đối lập này có trong những mệnh đề đặc thù chỉ khác nhau về phẩm.

Qui luật chi phối những mệnh đề này là như sau: “ Cả hai mệnh đề không thể sai cùng một lúc, nhưng có thể đúng cùng một lúc, trong trường hợp ngẫu  nhiên”. Từ đó ta suy ra: nếu mệnh đề này sai, mệnh đề kia phải đúng; nhưng nếu mệnh đề này đúng, trong trường hợp ngẫu nhiên, thì mệnh đề kia có thể đúng hay sai.” (40) (41)

* Ghi chú:

a)- Trong vấn đề đối lập này, một mệnh đề riêng biệt tương đương với một mệnh đề phổ quát.

b)- Để có sự đối lập mâu thuẫn giữa các mệnh đề thể cách (42), phải phủ nhận chính thể cách:



c)- Cũng thế, để có sự đối lập giữa các mệnh đề bị ảnh hưởng bởi các trạng từ chỉ nơi chốn và thời gian, phải phủ nhận các trạng từ này:        

- Luôn luôn có                   - Không bao giờ có ( luôn luôn không có)

- Mọi nơi đều có               - Không nơi nào có ( mọi nơi đều không có)

- Thỉnh thoảng mới có      -  Không luôn luôn có ( thỉnh thoảng không có)

- Ở nơi nào đó có             - Khôngphảimọinơiđềucó (nơinàođókhôngcó)
 

II.- Tương đẳng tính giữa các mệnh đề

Nói tổng quát thì tương đẳng tính biểu thị sự giống nhau về ý nghĩa. Tương đẳng tính giữa hai mệnh đề  mà ta nói ở đây, có nghĩa là hai mệnh đề được cấu tạo bởi những chủ từ và thuộc từ như nhau, nhưng chúng khác nhau do sự phủ định, trong khi vẫn giữ cùng ý nghĩa, vd: Không phải mọi người đều thông thái - một vài người không thông thái.

Những qui luật theo đó người ta thiết lập những mệnh đề tương đẳng, được diễn tả bằng côngû thức sau đây: 

- TIỀN - MÂU THUẪN (Prae contradictoire);
- HẬU - TƯƠNG KHẮC (Post contraire); 
- TIỀN - HẬU HẠ VỊ (Prae Postque subalterne) (43)


1/. Tiền-Mâu Thuẫn:

Nghĩa là sự phủ định phải đặt trước chủ từ của một mệnh đề để làm cho mệnh đề này tương đương với mệnh đề mâu thuẫn với nó, vd:  Mọi người đều thông thái (A) - Không phải mọi người đều thông thái: vài người không thông thái.  

2/. Hậu-Tương Khắc:

Nghĩa là sự phủ định đặt sau chủ từ của một mệnh đề để làm cho mệnh đề này tương đương với mệnh đề tương khắc. vd: - Mọi vật thể đều nặng (A)

-  Mọi vật thể đều không nặng. Không vật thể nào nặng.


3/. Tiền-Hậu Hạ Vị:

Nghĩa là sự phủ định phải đặt vừa trước vừa sau chủ từ của  một mệnh đề để làm cho nó tương đương với mệnh đề hạ vị của nó, vd: - Mọi người đều thông thái. (A)

- Không phải mọi người không thông thái

-  Vài người thông thái.      

* Chú ý: Con người tuân theo cùng những qui luật này để thành lập những mệnh đề tương đẳng với những mệnh đề thể cách kép hay đơn vốn bị chi phối bởi những chữ chỉ nơi chốn và thời gian.
 

III.- Hoán chuyển mệnh đề  

1/. Người ta gọi sự hoán chuyển mệnh đề là việc đảo lộn những từ ngữ trong mệnh đề đó trong khi vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó (bất kể mệnh đề đó đúng hay sai). Mệnh đề hoán chuyển được gọi là mệnh đề chuyển hoán từ hay tương hỗ với mệnh đề nguyên thủy.

Do định nghĩa trên, chúng ta thấy phẩm (qualité) của mệnh đề không bao giờ thay đổi, nhưng lượng (quantité) thì đôi khi thay đổi.

Người ta gọi sự hoán chuyển đơn (conversion simple) là sự hoán chuyển, trong đó lượng không thay đổi (44), và gọi hoán chuyển tùy thể (par accident) là hoán chuyển trong đó lượng thay đổi. (45) 


2/. Mệnh đề A (khẳng định phổ quát) được hoán chuyển đổi lượng. Thật vậy trong một mệnh đề khẳng định, thuộc từ luôn đặc thù. Vì vậy, nó vẫn phải đặc thù (particulier) khi trở thành chủ từ của mệnh đề hoán chuyển, vd: “Mọi thiên thần đều có cánh” (A) đổi thành “Vài vật có cánh là thiên thần." (I)

Những mệnh đề E và I được hoán chuyển đơn giản, chỉ cần hoán chuyển chủ từ và thuộc từ là đủ. Thật vậy trong mỗi mệnh đề E hay I, cả hai từ ngữ đều có ngoại trương như nhau.

Mệnh đề O không hoán chuyển được. Những luận lý gia Trung cổ đã sáng chế ra một phương thức quanh co để hoán chuyển mệnh đề O, gọi là phương thức phản hướng luận (contraposition) (46). Nhưng người ta thấy rằng đó không phải sự hoán chuyển mệnh đề đầu tiên, bởi vì nó không còn cùng phẩm tính: người ta đã đi từ sự phủ định sang xác định.  


3/. Giả sử những mệnh đề nguyên thủy là đúng, thì chỉ có những mệnh đề đảo ngược của mệnh đề E và I mới đúng cách tấút yếu. Mệnh đề đảo ngược của A (không kể định nghĩa) không đúng cách tất yếu, nó có thể đúng, nhưng lúc đó chân lý của mệnh đề ấy phải được chứng minh bởi vì chân lý đó không phát xuất từ sự đảo ngược. (47) (48) (49)
 

IV.- Suy Diễn (inférence) và Diễn Dịch (déduction)

Là một hành động qua đó con người xác nhận một chân lý khởi đi trực tiếp từ một chân lý khác, chiếu theo sự liên hệ trực tiếp hiển nhiên giữa chúng, nghĩa là không cần phải so sánh với một hạn từ thứï ba như trong suy luận. Suy diễn và diễn dịch có thể được xếp thành ba nhóm:         

1/. Những mệnh đề tương đẳng (équivalente)

Là những mệnh đề cả 2 cùng đúng hay cùng sai một lúc. Vì thế, từ chân lý hay từ sai trái của mệnh đề này, người ta suy diễn ra được chân lý hay sự sai trái của mệnh đề kia.

Vd: - Không phải mọi người đều khôn ngoan.
Vậy:  Có vài người không khôn ngoan.    


2/. Những mệnh đề hoán chuyển (convertie)

Nếu những mệnh đề được hoán chuyển thành:         

a)- Hoán chuyển đơn (conversion simple) thì những mệnh đề này cả hai cùng đúng hay cùng sai một lúc, nên ta có cùng qui luật như nói ở trên đối với mệnh đề tương đẳng.

b)- Hoán chuyển tùy thể (par accident / đổi lượng), vì có sự thay đổi về lượng (quantité) nên người ta có thể suy diễn một chân lý đặc thù  từ một chân lý phổ quát và suy được một sai lầm phổ quát từ một sai lầm  đặc thù,

Vd: - Mọi người là động vật     
Vậy: Vài động vật là người.    

Nhưng ngược với hai truờng hợp trên là sai.           


3/. Những trường hợp sau đây

a)- Trong những mệnh đề đối lập (opposée): từ chân lý của một mệnh đề, người ta suy ra được sự sai lầm của mệnh đề mâu thuẫn hay của  mệnh đề tương khắc với mệnh đề ấy.         

b)- Trong những qui gán (attribution) căn theo tương quan giữa ngoại trương và nội hàm:

* Diễn dịch khẳng định (déduction affirmative) sẽ hợp pháp nếu khởi đi từ một từ ngữ có nội hàm lớn hơn, đến một từ ngữ có nội hàm nhỏ hơn, vd: Anh AN là người / Vậy là động vật.

* Diễn dịch phủ định (négative) sẽ hợp pháp nếu đi từ một từ ngữ có nội hàm nhỏ đến một từ ngữ có nội hàm lớn hơn, vd: Đá không phải là vật sống / Vậy không phải là động vật.         

* Diễn dịch là hợp pháp nếu khởi đi từ một thuộc từ khuyết phạp (privatif) đến sự phủ nhận nó luôn,vd: - Nó bị mù. Vậy nó không trông thấy. Nhưng suy diễn ngược lại là bất hợp pháp, vd: đá không trông thấy, vậy đá bị mù.    

c)- Trong chủ từ căn theo sự gỉa định: diễn dịch khẳng định hay phủ định sẽ hợp pháp nếu khởi đi từ một gỉa định phân phối chung đến  một gỉa định phân phối đặc thù, vd: mọi người đều là bản thể. Vậy vài người là bản thể.      

d)- Trong những mệnh đề thể cách (proposition modale): Về vấn đề này, trước hết chúng ta phải phân biệt 3 điểm: hiện thể (acte), tiềm thể (puissance) và tất yếu tính (nécessité). Hiển nhiên là hiện thể gỉa thiết phải có tiểm thể; và tất yếu tính gỉa thiết tiềm thể và hiện thể, do

* Diễn dịch sẽ hợp pháp nếu đi từ hành động tới khả năng hành động, vd: tôi suy hiểu; vậy tôi có khả năng suy hiểu.     

* Diễn dịch là hợp pháp nếu đi từ chỗ không có khả năng hành động đến chỗ không hành động, vd: Tôi không có khả năng bay; vậy tôi không bay. Ngược lại là bất hợp pháp.     

* Diễn dịch là hợp pháp nếu đi từ khả năng hành động, được cung cấp những điều kiện để hành động, đến chính hành động trong những vật tất yếu, vd: Gỗ khô đưa đến gần lửa; vậy gỗ bị cháy. Điều trên không có gía trị đối với những vật tự do.   

* Diễn dịch sẽ hợp pháp nếu đi từ sự đồng thời trong hành động tới sự đồng thời trong khả năng, vd: Thực tế là tôi đang ăn và đang viết cùng một trật; vậy tôi có khả năng ăn và viết cùng một trật. Tuy nhiên diễn dịch sẽ bất hợp pháp nếu đi ngược lại, vd: Bây giờ tôi có thể ăn hay ngủ; vậy lúc này tôi đang ăn và ngủ.

-----------------------------

Chú thích
 
(35) Không buộc phải là  động từ THÌ, LÀ, Ở. ĐộÜng từ khác cũng được miễn là nói lên tương quan giữa chủ từ và thuộc từ  trong một phán đoán, vd: “Anh Giáp ngồi học”, hay: “anh Giáp đang học...thì cũng vậy”.
 
(36) Tính cách quyết chối của mệnh đề gỉa thiết tùy thuộc vào sự liên lạc giữa câu điều kiện và câu tùy điều kiện là liên lạc kết hợp hay phân chia, chứ không tùy mỗi phần là câu quyết hay câu chối. Vd câu: “Nếu anh không chịu khó học, anh sẽ không nên người thông thái”, đây là câu quyết. Còn câu “Không phải nếu có sự sáng thì là ban ngày”, lại là câu chối. Bởi đấy, thực hư của câu gỉa thiết cũng tùy sự quyết chối liên lạc ấy có đúng với thực tại không, chứ không bởi quyết chối trong mỗi phần là đúng hay không đúng với sự thực, như nói:”Nếu không có Thiên Chúa thì vũ trụ không có”: đây là câu gỉa thiết chân thật, nhưng cả hai phần, nếu đặt riêng ra thì đều sai. Trái lại, câu “Nếu có Thiên Chúa thì cũng có vũ trụ”: đây là câu gỉa thiết hư ngụy, tuy riêng mỗi phần lại chân thật.
 
(37) Riêng về Mệnh Đề Vô Định (pro. Indéfinie): khi không có tiếng phó dụng (syncatégorématique: “Tất cả, một vài, mấy, hết mọi, không một...”) phẩm định chủ từ, thì mệnh đề có thể là phổ quát, đặc thù, đơn độc, tùy sự đòi hỏi của thuộc từ.

+ Nếu thuộc từ biểu thị tính tất yếu (nécessité) hay tính bất khả (impossibilité) của chủ từ thì mệnh đề là  phổ quát (universelle), vd: Người có trí khôn; người không phải là đá.

+ Nếu thuộc từ chỉ tính bất tất (contingence) hay khả hữu (possibilité) của chủ từ, thì mệnh đề     là đặc thù (particulière), vd: Người ta thông thái.
 
(38) Cơ cấu mệnh đề thể cách

Mệnh đề thể cách có hai phần: định ngôn và thể cách.

Định ngôn là câu luôn làm chủ từ cho câu thể cách; còn thể cách là cái lý xác định cách phụ trừ của thuộc từ, như trong câu “Thiên Chúa thực hữu là điều tất nhiên”, thì “Thiên Chúa thực hữu” là chủ từ, còn vế câu “là điều tất nhiên” là thể cách.

- Con người tất yếu là biết cười - Con người biết cười là điều tất yếu (nécessaire)
- Con người thực hữu là bất tất (contingent)
- Thiên Chúa bất công là chuyện không có thể (impossible)
- Anh Giáp thông thái là chuyện có thể (possible)
 
(39) Đặc tính của mệnh đề thể cách

Tính cách quyết chối của mệnh đề thể cách tùy thuộc vào phần thể cách, nghĩa là tùy phần thể cách quyết hay chối về phần định ngôn, chứ không tùy định ngôn quyết hay chối. Bởi đấy tính cách đúng hay sai của mệnh đề thể cách cũng tuỳ vào sự quyết chối ấy có hợp với thực tại hay không, chứ không tùy ở thực hư của câu định ngôn.
     Vd: ”Thiên Chúa lừa dối là không có thể” - Đúng!
            “Thiên Chúa công bình là điều không cần” - Sai!
 
(40) Đối lập tính giữa các mệnh đề xác quyết đơn

Đối lập tính luận lý là sự khẳng định và phủ định về một vài điểm nào của vấn đề. Sự đối lập nhằm hai phương diện PHẨM và LƯỢNG của mệnh đề.

- Theo PHẨM: ta có mệnh đề khẳng định hay phủ định.
 - Theo LƯỢNG: có mệnh đề phổ quát hay đặc thù.

Hoà hợp hai loại đối lập, ta có thể viết:


  
Vd:


 
Quy Luật ĐỐi LẬP và Bản ĐÚNG SAI

a/- Luật M.đề mâu thuẫn: 1 đúng --> 2 sai / 1 sai --> 2 đúng

b/- Luật M.đề tương khắc: 1 đúng --> 2 sai / 1 sai --> 2 có thể đúng,
                                                                                     --> 2 có thể sai

c/- Luật M.đề hạ tương khắc:  1 sai --> 2 đúng / 1 đúng --> 2 có thể đúng

d/- Luật M.đề hạ vị:  




 
(41) Đối lập giữa các mệnh đề xác quyết kép

Mệnh đề liên hợp và ly tiếp đối lập mâu thuẫn với nhau theo lược đồ sau đây:


 
(42) Đối lập giữa các mệnh đề thể cách

Trong mệnh đề thể cách, cần lưu ý hai phần: phần thể cách và  phần định ngôn.

a/- Đối lập theo phần thể cách, vd:


 
b/- Đối lập theo phần định ngôn, vd:


      
Luật Đối Lập:

1 Đ --> 5 Đ                       5 Đ --> 1 có thể S
1 S --> 5 có thể Đ            5 S --> 1 S
2 Đ --> 6 Đ                       6 Đ --> 2 có thể S
2 S --> 6 có thể Đ            6 S --> 2 S
7 Đ --> 3 Đ                       3 Đ --> 7 có thể S
7 S --> 3 có thể Đ            3 S --> 7 S
8 Đ --> 4 Đ                       4 Đ --> 8 có thể S
8 S --> 4 có thể Đ            4 S --> 8 S
1 Đ --> 4 Đ                       4 Đ --> 1 có thể S
1 S --> 4 có thể Đ            4 S --> 1 S
2 Đ --> 3 Đ                       3 Đ --> 3 có thể S
2 S --> 3 có thể Đ            3 S --> 2 S
 
(43) Thiết lập mệnh đề tương đẳng

Muốn tìm mệnh đề đối lập với một mệnh đề nào đó, người ta thường xen vào cơ cấu mệnh đề đó một từ ngữ phủ nhận (không). Do cách đặt và vị trí của phụ ngữ này trong mệnh đề, chúng ta có thể lập những mệnh đề đồng nghĩa với mệnh đề đối lập với mệnh đề đó. Đó là đặc tính tương đẳng của mệnh đề.

Tất cả quy luật của tương đẳng tính gồm tóm trong câu La tinh này PRAE CONTRADIC; POST CONTRA; PRAE POSTQUE SUBALTER, nghĩa là:
            Muốn cho mâu thuẫn tương đồng
            Đặt “không” ở trước (chủ từ) sẽ cùng như nhau.
            Còn trong đối phản, “không” sau (chủ từ)
            Trước sau (chủ từ) sai đẳng hai câu nên đồng.
 
(44) Ví dụ về Hoán chuyển đơn: chủ từ và thuộc từ đổi chỗ cho nhau, không đổi LƯỢNG của mệnh đề: - Không người nào là đần độn       (E)
                   --> Không vật đần độn nào là người.
            hoặc: - Vài người thì thông thái  (I)
                  --> Vài kẻ thông thái là người.
            hoặc: - Không người nào là thiên thần    (E)
                  -->  Không thiên thần nào là người.
            hoặc: - Vài công chức là bác sĩ     (I)
                  --> Vài bác sĩ là công chức.
 
(45) Hoán chuyển tùy thể hay hoán chuyển đổi lượng: đổi lượng là vì thuộc từ của mệnh đề khẳng định luôn đặc thù, còn thuộc từ của mệnh đề phủ định luôn là phổ quát; và  vì trong sự hoán chuyển, ngoại trương của một từ ngữ không được tăng lên, vd:
- Mọi triết gia là người (A)
                --> Vài người là triết gia  (I)
                    - Mọi người đều có thể chết  (A)
                --> Vài vật có thể chết là người. (I)
 
(46) Hoán chuyển phản hướng luận hay hoán chuyển nghịch giá  là sự hoán chuyển trong đó, ta đặt chữ “không” trước thuộc từ  và  thay đổi PHẨM của mệnh đề, vd:
                   - Vài người không thông thái   (O)
                 --> Vài kẻ không thông thái là người.
 
(47) Hoán chuyển mệnh đề đơn độc
      * Mệnh đề đơn độc khẳng định được hoán chuyển như mệnh đề A (A --> I)
        Vd: - Anh Giáp là triết gia  --> Một triết gia là anh Giáp
                - Mẹ tôi là đàn bà    --> Một người đàn bà là mẹ tôi.
      * Mệnh đề đơn độc phủ định được hoán chuyển như mệnh đề E (E --> E)
        Vd: - Anh Ất không phải là thủ phạm
            --> Không thủ phạm nào là anh Ất.
 
(48) Công dụng của Hoán chuyển tính: Tránh ngụy biện, vd:
             - Mọi nghệ sĩ trứ danh đều thu hút khán gỉa    (A)
so với: - Mọi người thu hút khán gỉa là nghệ sĩ trứ danh (A)  ?! (đâu phải vậy! )
 
(49) Giúp trí nhớ Luật Hoán Chuyển
      Hoán chuyển cần giữ y nguyên chân thực mệnh đề trước và  theo những quy luật tỉnh lược sau đây:
            f E c I  hoán vị đơn thường
           E v A  đổi cả phân lường mới nên
            a s t O  không đổi tự nhiên
            Hạn từ phủ định để nguyên phân lường
            Ấy là luật chuyển phải tường.
            ( fEcI simpliciter convertitur; EvA per accidens; AstO per contrapositionem; sic fit conversio tota )