Friday, 24 January 2020 11:21

Vài Suy Tư Về Việc Biên Soạn Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam Featured

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, Trung Hoa Dân Quốc

 

DẪN NHẬP

Một dân tộc vĩ đại là một dân tộc có một nền văn hóa sâu đậm và quảng bác. Văn hóa nói chung thường được hiểu như "cốt hồn cốt túy", như là linh hồn, hay tinh thần của dân tộc đó. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nền văn hóa đều vĩ đại.[1] Vậy thì, cái gì làm văn hóa sâu đậm và quảng bác, cái gì khiến văn hóa được coi như quốc hồn quốc túy, như là tinh thần của dân tộc? Theo Hegel, đó chính là triết học. Triết học chính là cái nguyên lý xác định cái cốt hồn cốt túy này. Triết học chính là cái tinh thần tuyệt đối mà Hegel từng chứng minh trong tác phẩm bất hủ Die Phaenomenologie des Geistes (1807).[2] Hiểu theo Hegel, ta có thể nói, một dân tộc vĩ đại phải có một nền văn hóa sâu đậm và quảng bác, mà một nền văn hóa như vậy phải xây trên một nền triết học vĩ đại.

Ý thức như thế, các nhà triết học luôn ưu tư đi tím cái gọi là triết lý dân tộc. Triết học của Socrates, Plato, Aristotle phản ảnh lối suy tư, vấn đề, hy vọng cũng như mỹ cảm của người Hy lạp. Triết học của Khổng Tử, Lão Tử nói lên cách nhìn và giải quyết vấn đề của người Trung hoa, trong khi những suy tư trong các bộ kinh điển Vệ Ðà, Upanishads, vân vân, là những mối ưu tư của người Ấn độ về thế giới, về con người, và về vĩnh cửu. Những nền triết học dân tộc này trở thành triết học thế giới, phần vì sức mạnh quân sự, kinh tế của người Hy lạp, Trung hoa và Ấn độ, song phần chính là những suy tư của họ, những vấn đề của họ, những khát vọng của họ, những ưu tư của họ, và nhất là những niềm tin vào sự vĩnh cửu, vào một tương lai viên mãn, vân vân, đều là những vấn đề, ưu tư, cảm giác, niềm tin chung của tất cả nhân loại. Ðây là lý do duy nhất có thể giải thích được sức mạnh văn hóa của họ, ngay cả khi cái uy lực quân đội, cái thế lực kinh tế của họ đã sụp đổ.

Việt Nam chúng ta luôn tự hào với bốn ngàn năm văn hiến.[3] Song chúng ta đôi khi tự hỏi, có phải chính nhờ nền văn hiến này mà chúng ta không bị nền văn hóa Trung hoa, Ấn độ và Âu Mỹ thôn tính.[4] Nếu qủa thật như vậy, thì vấn đề quan trọng chúng ta phải làm sáng tỏ, đó là văn hiến Việt là loại văn hiến gì mà có một uy lực cực mạnh như thế? Ðây là một vấn đề quan trọng mà giới triết học Việt nói chung luôn luôn muốn khơi quật.[5]

Câu hỏi mà chúng ta đặt ra nơi đây, đó là làm sao có thể khơi quật được những nền tư tưởng (triết lý) để viết ra một bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, tức tiêu chuẩn khoa học, khách quan song vẫn mang được sắc thái dân tộc. Bộ sách này có thể làm kim chỉ nam hướng đạo cho những chương trình nghiên cứu khơi quật văn hóa Việt sau này. Câu hỏi này luôn đi đôi với câu hỏi khác, đó là làm thế nào để phân biệt triết học khỏi những tư duy thường nhật, triết học khỏi văn hóa. Mà câu hỏi thứ hai xem ra lại quan trọng hơn cả câu hỏi thứ nhất, bởi lẽ nếu chúng ta lẫn lộn giữa tư duy, văn hóa và triết học, chúng ta khó có thể khách quan, càng không thể chứng minh được tại sao văn hóa của một dân tộc nào đó (thí dụ văn hóa Hoa, văn hóa Kitô giáo, văn hóa Hy la, vân vân) có thể thống trị nhân loại, trong khi văn hóa của chúng ta bị hạn chế nơi tộc Việt mà thôi.

Trong bài tiểu luận gợi ý này, chúng tôi xin được góp vài ý kiến nho nhỏ về những đề tài sau: (1) Khác biệt giữa Triết học và Tư tưởng, (2) Khác biệt giữa Triết học và Văn hóa, (3)Triết học và Nguyên lý Khoa học, (4) Những Ðiều kiện tiên quyết để biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, (5) Thẩm định giá trị lịch sử của bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam. Phần 5 này cũng là phần kết luận cho rằng, một bộ lịch sử đáng gía để đời là một bộ lịch sử mang tính chất khoa học, cùng lúc thỏa mãn được tấm lòng (yêu nước) của người Việt, và cũng có thể cống hiến cho nhân loại những kho tàng giá trị của người Việt chúng ta,[6] hoặc giúp chúng ta hiểu thêm những sắc tộc, dân tộc khác.[7]

KHÁC BIỆT GIỮA TRIẾT HỌC VÀ TƯ TƯỞNG

Vị học giả đầu tiên có tham vọng và từng hoàn tất bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục.[8] Ðây là một bộ sách khá công phu với rất nhiều dữ kiện, "một công trình phong phú, công phu, nghiêm túc," [9] và từng được khen ngợi như là một "bức ảnh chụp quá khứ, đẹp thì có đẹp thực."[10] của văn hóa Việt. Tuy rất khâm phục nhiệt huyết và thành tâm của tiên sinh, chúng tôi vẫn phải theo tinh thần "Yêu chân lý hơn yêu thầý" của Aristotle khi phê bình thuyết lý hình (eidos) của sư phụ mình, tức đại triết gia Plato. - Xin thanh minh nơi đây là chúng tôi không phải là môn sinh của Nguyễn tiên sinh -. Thế nên, người viết mạn nghĩ, những lời ca ngợi như vậy tuy giữ được tập quán (tuy rất tốt, song rất nguy hiểm) "con hát mẹ khen hay." Nhưng xin đừng quên bài học Minh Mạng, Tự Ðức, cũng như giới nho gia vào thế kỷ 19, những vị hoàng đế và giới sỹ phu chỉ biết cái hay cái đẹp nhưng không nhìn ra cái kém cái xấu của mình. Thực vậy, đa số các nhà điểm sách chỉ nhận ra sự đồ sộ của công trình, nhưng tiếc thay chỉ có một số rất ít nhận ra những khuyết điểm của bộ sách của cụ Nguyễn. Chúng bao gồm: (1) thiếu tính chất sử, (2) thiếu tính chất triết học, (3) thiếu tính chất khoa học (hỗn độn, thiếu hệ thống), và lỗi căn bản hơn cả, đó là (4) sự lẫn lộn giữa các phạm trù hành vi, tư tưởng, văn hóa và triết học.[11] Nơi đây, chúng tôi xin tạm bàn một cách rất vắn tắt những thiếu sót trong lịch sử và triết học, và dành nhiều hơn một chút cho sự nhầm lẫn phạm trù.

Lịch sử gia là một người khám phá ra được, hay tin theo một định luật của lịch sử, và họ xếp lại tất cả những dữ kiện, tư liệu, kinh nghiệm theo cái định luật này. Tư Mã Thiên viết lại sử Trung Hoa theo luật nhân quả. Arnold Toynbee viết sử theo quy luật tiến hóa, trong khi Oswald Spengler lại nhìn lịch sử theo lối mạt thế của Kitô giáo và Do Thái giáo. Bộ sách của Nguyễn Ðăng Thục không theo định luật lịch sử nào. Nó chỉ là một đống tài liệu, tư liệu, dữ kiện. mà tác giả tùy tiện chọn lựa, xắp xếp một cách luộm thuộm (hay lập lại cùng dữ kiện), và giải thích lung tung (cùng một sự kiện, nhiều khi có tới ba lối giải thích!),[12] hay giải thích một cách sai lầm, sai cả lịch sử.[13] Thứ tới, nó thiếu khoa học. Nhà viết sử nghiêm túc phải biết phân biệt dữ kiện (thật hay gỉa), nên chọn hay bỏ những cái gì, phải xắp xếp chúng theo quy luật (thời gian, hay bậc thang giá trị) nào, và nhất là phải nắm được cái luật của các giai đoạn lịch sử;[14] và lẽ dĩ nhiên, ông không được phép giải thích sự kiện, từ ngữ theo ý riêng của mình. Quan trọng hơn cả, sử gia phải là người biết phê bình, dám vạch ra cái sai trong quá khứ, và đưa ra một đường lối cho tương lai.[15] Nhà sử học là những người đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại bằng chính việc ông có thể vạch ra những sai lầm của thời qúa khứ. Họ không nên, và không được phép chỉ là cái "loa tuyên truyền" hay cái "máy ghi chép" những cái hay (cho rằng có đúng), và "đánh bóng" hay "bóp méo" sự kiện (như các ngự sử thời phong kiến, hay người "chuyên sử" trong những xã hội đóng kín, một chiều). Sau Tư Mã Thiên, không phải việc "giết nho gia, đốt sách Thánh hiền" đã hết, song ít nhất, cái bi kịch này ít xẩy ra hơn. Hoặc nếu xẩy ra, - như trường hợp chính quyền quân Phiệt Ðức đốt sách và sát hại người (trí thức) Do Thái, hay như dưới thời Cách Mạng Văn Hóa của họ Mao (1968-1977)phá bỏ văn hóa cổ truyền và áp bức giới trí thức - thì nó cũng mang một sắc thái khác, với những nguyên do không giống thời Tần Thủy Hoàng. Ta không thấy học giả Nguyễn Ðăng Thục làm được những điều căn bản của sử gia, thế nên tác giả cho chúng ta cảm tưởng là cụ vớ được cái gì thì cứ "giét bừa" nó vào sách mà chẳng cần biết nó có quan trọng hay không, có tính cách đại biểu hay không, hay có phải là của người Việt hay không (nhiều tư liệu, quan niệm thực ra cũng thấy nơi người Hoa), hoặc có thừa thãi, liên quan hay không.

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam cũng thiếu tính chất triết học. Một phần vì ông lầm lẫn giữa tư tưởng và triết học (như chúng tôi bàn trong đoạn tới), song một phần vì ông chưa nắm vững được lối suy tư triết học. Thế nên ông nghĩ rằng lối suy tư triết học không khác chi lối suy tư sử học, và sử học lại không khác chi khảo cổ học,[16] và khảo cỗ học lại đồng nghĩa với công việc đào bới, tìm kiếm tài liệu (lỗi của cụ Ðào Duy Anh).[17] Thực ra như chúng ta vốn biết, mỗi bộ môn tuy liên quan, song không đồng nhất, và trong mỗi bộ môn đều có thể thấy được nguyên lý triết học.[18] Chính vì không nhận ra sự khác biệt giữa các môn khoa học trên mà cụ Nguyễn Ðăng Thục đã không thể vạch ra được cái triết lý sống của người Việt qua các dữ kiện, và lối suy tư của họ.??

Trong lầm lẫn giữa các phạm trù, chúng ta thấy hành vi chưa phải là suy tư, tư tưởng chưa hẳn là triết học. Thứ nhất, tư tưởng chưa phải là triết học.[19] Ðể độc giả nhận ra sự khác biệt này, chúng tôi xin giải thích ngắn gọn như sau: Nếu tư tưởng là những hình thái (thức) của hành vi suy tư, của lối sống, thì tư tưởng có thể chỉ là một hình ảnh chụp lại cái gì (hiện tượng) chúng ta nhìn, nghe, cảm, ngửi thấy hay đã và đương sống. Tuy nhiên đây chỉ là loại tư tưởng phản xạ, chứ chưa phải là khúc xạ (danh từ của Giáo sư Phan Ngọc). Những tư tưởng theo đúng nghĩa là những tư tưởng trừu tượng. Chúng cần một loại suy tư tổng hợp hay phân tích. Mà để tổng hợp, phân tích, ta cần phải có những nguyên lý, phương thế. Lối suy tư (tư tưởng) sau này mới đáng gọi là triết học. Thứ hai, trực giác là một loại suy tư không qua tư tưởng, không thể dùng ngôn ngữ thường nhật để giải thích. Song trực giác mới là cội nguồn của phát minh, sáng tạo. Nói cách khác, trực giác là một loại "triết học vô ngôn"[20] không qua hệ tư tưởng, đôi khi có tính cách bẩm sinh,[21] thường thấy nơi thiên tài.[22] Thứ ba, tư tưởng chưa phản ảnh được văn hóa cá biệt của dân tộc. Chỉ có triết học mới nói lên được cái cá biệt, cái đặc biệt của nền văn hóa dân tộc mà thôi. Nếu tư tưởng chỉ là hình thái của thế giới tự nhiên, nếu tư tưởng chỉ là một hệ thống các dữ kiện xẩy ra thường nhật, thì con người ở đâu cũng giống nhau. Nếu như vậy, làm sao ta có thể giải thích được sự hình hành của ngôn ngữ, của lối biểu tả, của cách đặt và giải quyết vấn đề? Chúng hoàn toàn khác nhau nơi mỗi dân tộc. Cái khác nhau nằm ở chỗ, tuy cùng gặp một đối tượng, tuy sống trong cùng một thế giới, tuy đối diện với cùng một khó khăn, mỗi dân tộc lại hiểu khác, biểu tả cách khác (qua ngôn ngữ, âm nhạc), sống khác, và giải quyết vấn đề một cách khác nhau.[23] Chính cái khác biệt này (nói theo ngôn ngữ của Jacques Derrida) mới nói lên được nền triết lý cá biệt. Vậy thì, triết học là môn học về nguyên lý tại sao chúng ta lại hiểu như vậy, lại biểu tả như thế, lại cảm nghiệm như thế này, lại nhìn và giải quyết vấn đề như thế nọ. Hiển nhiên là những tác giả như Nguyễn Ðăng Thục, Trần Văn Giàu,[24] Ðào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên. đã chú trọng tới trình bày (description) và giải thích (explication) những sự kiện nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chưa vạch ra được những nguyên lý giúp ta hiểu hay thấy được tại sao người Việt lại suy tư, cảm nghiệm và hành động như thế này hay như thế khác; tại sao họ có những quy luật này, nghi lễ nọ khác với những người đô hộ họ - những người có một nền văn minh mạnh hơn, một thế lực quân sự, kinh tế vĩ đại, và một ngưồn nhân lực dồi dào hơn -, khiến họ không bị kẻ thù đồng hóa?

Thế nên, một nghiên cứu đầy đủ hơn phải bao gồm: (1) Tìm tòi dữ kiện, tư liệu, vật liệu (phương pháp khảo cổ); (2) Xác định và thu thập chúng (khoa học xã hội); (3) Chọn lựa chúng (theo tiêu chuẩn khảo chứng, lịch sử và thẩm định giá trị); (4) Giải nghĩa chúng (ars explanandi, explanation); (5) Giải thích chúng (ars explicandi, explication) tức phân tích các ý nghĩa của dữ kiện (analysis); và (6) chuyển ý, chuyển nghĩa, và chuyển cách suy tư từ thời cổ tới thời nay để chúng ta có thể hiểu (ars interpretandi, interpretation).[25]

KHÁC BIỆT GIỮA TRIẾT HỌC VÀ VĂN HÓA

Như chúng tôi đã nhắc sơ qua, triết học là cái linh hồn, hay tinh thần của văn hóa. Tuy nhiên không phải bất cứ nền văn hóa nào cũng có một nền triết học đáng gọi là triết học. Vậy ta có thể nói (theo kiểu chơi chữ), là mọi nền văn hóa đều có triết lý.[26] Tùy theo hiệu quả (tất yếu) và mức độ ảnh hưởng (phổ biến), mà chúng ta có thể xưng nền triết lý này là triết lý sống, minh triết hay triết học. Nếu triết lý là một lối suy tư, một ý hệ căn cơ, một phương thế cho cuộc sống chỉ của một cá nhân, một tộc, một xã hội hay một quốc gia, thì triết học là một môn học hệ thống về các nền triết lý này, và có tham vọng tìm ra nguyên lý chung của chúng để áp dụng cho tất cả mọi người ở mọi thời đại. Như vậy, ta có thể nói, chỉ nền triết lý nào có thể giúp tộc, xã hội, quốc gia sinh tồn, liên kết, phát triển . mới đáng được gọi là minh triết; và chỉ có nền triết lý nào vượt khỏi giới hạn của không gian, tộc tính, thời gian (lịch sử) và đảm bảo cho một nền tri thức chân thật (khoa học), cũng như luôn phát sinh ra cùng hiệu quả cho tất cả mọi đối tượng, nền triết lý này mới đáng gọi là triết học. Nói cách khác, ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa triết lý, minh triết và triết học? không phải từ các phạm trù bản thể, phương pháp khoa học hay nhận thức, song từ cái giá trị của chúng: một nền triết lý nếu giá trị càng quảng bác, càng tất nhiên, càng gần vĩnh cửu, càng viên mãn, và càng gần cuộc sống (thực tiễn, thực hành) thì nó càng được tôn vinh lên hàng minh triết. Và nếu ta có thể tìm ra được nguyên lý của minh triết để quảng bá, phát triển hay bảo tồn, thì đó chính là lãnh vực nghiên cứu của triết học vậy.

Nếu hiểu triết lý, minh triết và triết học như vậy, ta có thể nói là triết học tuy là linh hồn của văn hóa, song nó không đồng nhất với văn hóa. Trong khi triết lý, minh triết bắt buộc phải gắn liền với văn hóa.

Hegel là người đã nhận ra sự khác biệt này khi triết gia khảo sát lại tất cả diễn tiến lịch sử của mọi nền triết học và triết lý, Ðông cũng như Tây. Theo Hegel, chúng ta có thể lý luận rằng, nếu chúng ta không thể chối bỏ được sự kiện mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa cá biệt của mình, thì chúng ta cũng không được phép hồ nghi về sự hiện diện của một nền triết lý sống của mỗi giống người, mỗi giai cấp, mỗi dân tộc (Hegel gọi là Volksgeist), mỗi thời đại (Hegel gọi là Zeitgeist).[27][27] Triết lý Việt là những nguyên lý về cách sống, lối cảm nghiệm, cái nhìn, cách suy tư, vân vân, của người Việt. Ðiểm quan trọng là triết lý của người Việt chúng ta đã có thể vươn lên tới hàng minh triết chưa,[28][28] và điểm càng quan trọng hơn, đó là chúng ta có thể hệ thống, phát triển nền triết lý Việt biến thành một nền triết học Việt, tức một hệ thống tư tưởng có tính chất khoa học, chặt chẽ hay không. Ðó là việc chúng ta có thể áp dụng được hay không cái nguyên lý sống của chúng ta vào trong tất cả cuộc sống, cho mọi người và vào mọi thời đại như đức Khổng Tử đã làm (triết học? nhân bản), như đức Giê-su đã thi hành (triết học bác ái), như đức Thích Ca đã phát hiện (triết học từ bi) và như nhà hiền triết Socrates đã từng lấy sinh mệnh để bảo vệ (triết học về chân lý ).[29][29] Nói cách khác, chỉ khi nào chúng ta tìm ra cái nguyên lý Việt nó từng sống động trong lịch sử Việt, và sẽ tiếp tục phát động uy lực của nó trong cuộc sống của chúng ta qua những nền triết lý khác nhau, thì lúc đó chúng ta mới dám cả quyết có một nền triết học Việt. Và chỉ khi nào nền triết học Việt này có thể cống hiến cho nhân loại một nguyên lý phổ quát và tất yếu (thấy trong mọi thời đại và áp dụng cho mọi dân tộc) thì lúc đó nền Việt triết mới có thể được coi như là minh triết của nhân loại, tức tinh thần tuyệt đối (absolute Geist) theo Hegel. Công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam ?là một công việc khai quật, hệ thống và phát huy cái nguyên lý Việt thấy trong các hệ tư tưởng, trong nền văn hóa nói chung của người Việt vậy.

TRIẾT HỌC VÀ NGUYÊN LÝ KHOA HỌC

Vậy thì một nền triết học phải là một nền khoa học theo đúng nghĩa của truyền thống của nó (episthmh, scientia, Wissenschaft).[30][30] Ðó là một tri thức nguyên lý mà luôn đúng ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào, vân vân. Lẽ tất nhiên, các triết gia Hy lạp và cận đại đều hiểu triết học theo nghĩa này, và do đó họ nhận thấy tri thức triết học không khác chi tri thức toán học. Từ đây những người như Descartes, Leibniz, Pascal (các toán học gia) cho rằng nền tảng của triết học phải là toán học. Từ một khía cạnh khác, tri thức không chỉ luôn đúng, mà nó còn phải là nền tảng cho tri thức mới. Chỉ một tri thức như vậy mới đáng gọi là triết học. Triết học như vậy mang thêm một công năng mới, đó là một tri thức giúp chúng ta dự đoán (predict) một cách chính xác cái gì sẽ xảy ra. Một tri thức (triết học) như vậy được những người như Galileo, Newton, Bayle, Locke, Hume hiểu như là một nền khoa học thực nghiệm hay kinh nghiệm, tức nền vật lý học.

Ðúng hay sai,[31][31] từ thời triết học hiện đại (modern), triết học được đồng nghĩa với khoa học, tức một nền tri thức luôn đúng (toán học), và giúp ta biết một cách chính xác cái gì sẽ xảy ra (vật lý). Ðiểm mà Kant đã từng làm, đó là làm sao chúng ta có thể xây dựng được một nền triết học (suy tư) vững chắc dựa trên những điều kiện tất yếu và siêu nghiệm giống như những điều kiện của khoa học . Tương tự, nhưng đi ngược lại, Hegel coi triết học như là cái tinh thần tuyệt đối, như là động lực nội tại (giống như luật hấp lực của Newton) khiến thế giới con người phải theo và tiến tới. Lẽ tất nhiên Marx không phản đối luận điểm của Hegel. Ông chỉ lật ngược lại chiều hướng lịch sử: đối với Marx, cái động lực căn bản cho nền khoa học khiến lịch sử tiến bộ không phải là triết học tư biện (speculative) mà là một nền triết học thực hành (practical philosophy).[32][32] Nền triết học này (1) khám phá ra định luật của sinh hoạt, biến đổi nơi xã hội con người, (2) khám phá ra cái động lực khiến con người và thế giới biến đổi, và (3) giúp chúng ta phải tuân theo luật này để có thể tiến tới một lịch sử viên mãn.[33][33]

Những lối nhìn của các triết gia vĩ đại trên quả quá "lạc quan." Thực ra triết học khác với khoa học, nhất là vớ?ững nền học khoa, tức khoa học cá biệt. Triết học là môn học về nguyên lý chứ không phải về một tình trạng (thực trạng) tri thức cố định. Nó càng không thể tự đồng nghĩa với bất cứ học khoa nào như toán học, vật lý, sinh vật, vân vân, bởi lẽ nó là nền tảng của những học khoa (hay tri thức cá biệt) này. Nếu triết học đồng nghĩa với khoa học theo nghĩa học khoa thì Auguste Comte có lẽ đã có lý khi ông này gạt bỏ tất cả mọi lối suy tư (trừ lối suy tư học khoa mà ông đồng nghĩa với vật lý học), và coi chúng như là man dã, dị đoan, tiền triết học.[34][34] Thực sự thì Comte quá ngây thơ. Ông không chỉ nhầm lẫn giữa tri thức và kiến thức khoa học, và ngây ngô đồng nghĩa sự tiến bộ khoa học với sự tiến bộ của nhân loại mà thôi. Cái nguy hiểm của Comte, đó là ông cho là triết học đề là triết học phải là khoa học, mà khoa học theo đúng nghĩa phải là một nền học khoa thực chứng, tức học khoa.[35][35]

Không cần nói, Comte và những người theo ông đã hạn hẹp khoa học và bóp méo triết học. Chúng tôi đồng ý với Jaspers, đó là triết học không thể đồng nhất với khoa học, cho dù là bất cứ nền khoa học nào. Triết học đi trước khoa học, và cũng đi sau khoa học. Nó luôn luôn đặt ra những câu hỏi bắt khoa học gia phải đi tìm giải đáp.[36][36] Nó đi trước đưa ra những viễn kiến (visions), hay giả đề (hypotheses) mà các nhà (nền) khoa học tuy theo (chấp nhận), song phải phản tỉnh và phê phán. Họ (chúng) phải chứng minh (thực chứng) xem các viễn kiến, giả thuyết (giả đề) có đúng hay không, có hoàn toàn hay không. Nếu không thì, như Karl Popper từng chủ trương, họ phải gạt bỏ chúng, sửa đổi chúng. Họ phải tìm một giả thuyết (giả đề) mới, một cái nhìn mới, một nguyên lý mới, tức một nền triết học mới.[37][37] Triết học đi sau khoa học, không phải như người hầu đi sau sách đồ cho chủ[38][38] hay như người nữ tì cho nền thần học thời Trung Cổ (philosophia ancilla theologiae). Nó giúp khoa học phản tỉnh. Nó cũng tự phản tỉnh để có thể đưa ra một giả thuyết (đề) mới, để rồi các khoa học gia tiếp tục phê bình, sửa đổi hay gạt bỏ.

NHỮNG ÐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ÐỂ BIÊN SOẠN BỘ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC VIỆT NAM

Sau khi đã làm sáng tỏ một số ngô nhận hay thiếu minh bạch về những quan niệm văn hóa, triết lý, triết học và khoa học, chúng ta trở lại vấn đề then chốt trong công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, đó là làm thế nào để hoàn thành bộ sách này một cách lý tưởng, và có giá trị cho ít nhất cả hàng chục thập niên sau. Nếu chúng ta đã có một nề⮠văn hóa cả 4 ngàn năm, nếu chúng ta không thể phủ định là chúng ta có triết lý sống, thì công việc quan trọng, đó là làm thế nào để khai quật, hệ thống, và phát triển cái nguyên lý Việt thấy trong văn hóa, triết lý sống của người Việt thành một nền triết học Việt. Chúng tôi xin bàn qua về những điều kiện tiên quyết để khai quật, hệ thống và phát triển như sau:

Khai Quật- Năng Lực

Ðể khai quật, chúng ta phải có đủ khả năng. Ðó là khả năng của những nhà ngữ học, khảo cổ học, lịch sử gia và triết gia. Về phương diện ngữ học, chúng ta cần những người thông thạo Hán cổ, chữ Nôm, Hoa ngữ (chữ Tầu hiện nay), tiếng Phạn (hay Pali trong trường hợp nghiên cứu Phật giáo), cũng như một số ngôn ngữ Âu châu hiện đại như Pháp, La-tinh (và Bồ, Ý, Tây ban nha trong trường hợp nghiên cứu luồng tư tưởng cận đại thời Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, hay sau một chút, như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký. Bởi nếu không thông hiểu những ngôn ngữ này, chúng ta khó thể đọc được những tư liệu cổ. Riêng về luồng tư tưởng miền Nam, nếu biết thêm được ngôn ngữ hệ Chàm (hay Mã lai), công việc nghiên cứu càng nghiêm túc hơn. Về phương diện khảo cổ, chúng ta phải khai quật những tư liệu, dữ kiện mới.[39][39] Sự khám phá ra trống đồng Ðông Sơn, Ngọc Lữ đã đem lại cho giới nghiên cứu tư tưởng (văn hóa và văn minh) Việt một lối nhìn khác biệt với "lối nhìn Trung hoa".[40][40] Thứ tới, như nhà khảo cổ, chúng ta phải tìm ra cái nguyên tính, cái đặc thù, cũng như nhận biết rõ thời gian phát sinh ra tư tưởng (hay tư liệu) của người Việt.[41][41] Bởi nếu không xác định được thời gian, sự chính xác, cũng như lịch sử (bối cảnh) của những dữ kiện, tư liệu, kinh nghiệm. thì những phán quyết của triết gia sẽ "trên mây, dưới gió." Như một nhà sử học, chúng ta cùng một lúc phải có cái nhìn vĩ mô và vi mô. Triết gia thường hay quá chú trọng vĩ mô mà quên đi những chi tiết tuy rất nhỏ nhặt, song có thể rất quan trọng. Những sử gia vĩ đại là những người biết phân tích rất tỉ mỉ, song lại có thể đưa ra một cái nhìn bao quát (tức cái luật hay logic) về lịch sử. Sau cùng, để viêt một bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học, chúng ta phải dùng ngôn ngữ và phạm trù triết học, phải suy tư lại những gì khảo cổ, ngữ học và sử học cung cấp, phải đặt lại vấn đề, và nhất là phải tìm ra nguyên lý khoa học giải thích dữ kiện, quy luật, cũng như tiên đoán cái phải xảy ra, vân vân.

Chúng tôi xin đan cử một ví dụ để làm sáng tỏ chủ trương trên. Ta biết, đa số các nhà nghiên cứu Việt học, từng coi chủ nghĩa ái quốc lá chủ thuyết căn bản của nền tư tưởng Việt.[42][42] Nếu quả là vậy, thì sử gia cần phải chứng minh là chủ nghĩa ái quốc này bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn lịch sử nào; nhà ngữ học phải tìm hiểu sự kiến cấu, cái ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ ái quốc, yêu nước., nhà khảo cổ học phải chứng minh là có tộc Việt thuần nhất ở vùng này, có một quốc gia Việt vào thời này hay không... Riêng giới triết gia phải đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta lại quá chú trọng vào chủ thuyết ái quốc? Có phải chỉ người Việt mới có, hay bất cứ tộc nào (vào cùng một cảnh ngộ như vậy) cũng có một quan niệm, một ý thức, và hành vi như vậy?

Ði vào chi tiết hơn, triết gia phải cùng lúc là nhà ngữ học, sử học, khảo cổ học, mỹ học. Từ phương diện ngữ học, triết gia bắt buộc phải suy tư về câu hỏi: có phải chủ nghĩa ái quốc đồng nghĩa với yêu nước? Nếu không, thì quan niệm về nước và quốc khác nhau; như vậy chúng ta không thể hồ đồ cho rằng người Việt yêu nước, giống như người Tầu ái quốc. Từ khía cạnh lịch sử, triết gia phải chứng minh là chủ nghĩa ái quốc không phải là một sản phẩm bẩm sinh; mà chỉ sau khi có một hệ thống tổ chức, hành chánh, pháp luật lúc bấy giớ mới có quốc, có bang, có công dân.[43][43] Vậy thì quan niệm yêu nước không hẳꮠgiống ái quốc, bởi vì con người tự bẩm sinh đã yêu nước. Con người cần có nước (uống), có đất đai (cư ngụ, thực phẩm, trồng trọt). Thành thử người Việt rất có thể hiểu? "đất nước" khác với "quốc gia."[44][44] Nếu quả như vậy, cho rằng chủ nghĩa ái quốc tức chủ nghĩa yêu nước Việt, và là chủ nghĩa nòng cốt của triét học Việt, có lẽ sẽ vướng vào nhiều khó khăn,[45][45] nếu không nói là sai lầm. Lỗi sai lầm sử học, đó là Việt Nam (quốc gia) có sau chứ không phải có trước người (tộc) Việt, vậy thì làm sao ta có thể nói chủ nghĩa yêu nước Việt là nền tư tưởng căn bản? Thứ đến, nếu yêu nước tức yêu đất và nước (tức sự sống) thì con người ở đâu mà không giống nhau. Làm sao chúng ta có thể vơ vào một mình cho chúng ta? Thứ ba, nếu ái quốc là nòng cốt thì chúng ta làm sao giải thích được những bản chất khác của người Việt như khoan dung, không quá khích, dễ dĩ hòa vi qúy, dễ gia nhập vào các cộng đồng khác, dễ chấp nhận những lý thuyết khác (thí dụ tam giáo), và nhất là không duy tộc (huyền thoại Lạc Long Quân-Âu Cơ và 100 con, dòng Bách Việt, sự hội nhập giữa Kinh và Thượng, giữa Bắc và Nam, giữa Việt và Chàm), vân vân?

Khách Quan

Những giải thích hơi cực đoan như trên lẽ dĩ nhiên không thể thỏa mãn được? sự đòi hỏi khách quan, khoa học của các bộ môn lịch sử, khảo cổ và cả khảo chứng ngữ học. Ðể tránh những yếu điểm này, để biên bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chúng ta cần phải khách quan. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta ý thức được là, là một dân tộc từng bị các cường quốc đô hộ bóc lột dễ có những cái nhìn cực đoan (hoặc chống, hoặc theo), và nhất là tâm lý báo thù (hay phẫn uất như Nietzsche từng phân tích). Thế nên mặc dù có cảm tình với những học giả như Kim Ðịnh, Vũ Ðình Trác hay Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm, Lê Mạnh Thát, chúng ta cần phải tránh được cái gọi là "lấy Việt Nam làm trung tâm." Vơ tam hoàng ngũ đế nhừ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Ðế, Chuyên Húc, Nghiêu, Thuấn, vân vân, làm tổ tiên của mình,[46][46] tuy "oai thật" song ta (nếu không chứng minh được) sẽ bị chửi là mắc phải căn bệnh "thấy người sang bắt quàng làm họ." Vơ thuyết âm dương, tam tài làm của báu di truyền riêng của mình[47][47] chỉ khiến các học giả ngoại quốc "ngạc nhiên" và tự hỏi có phải người Việt chúng ta là tổ tiên của người Tầu? Tự cho Phật giáo tới Việt Nam trước, rồi sau đó mới truyền sang Trung Hoa,[48][48] nếu có thật đi nữa (mà điều này rất đáng nghi ngờ), thì chúng ta cũng khó có thể chứng tỏ chúng ta tài hơn họ (bởi lẽ những tư liệu của chúng ta nghèo nàn, cóp nhặt và cũng chỉ vào thời gian mãi sau này).[49][49] Người Ðức đâu cần lấy A-Lich-San đại đế làm tổ, họ đâu có tham lam vơ Plato và Aristotle làm "bố" họ, thì họ mới có triết học? Thì họ mới vĩ đại? Họ có những vĩ nhân như Luther, Bismark, Humbolt; những đại thi hào như Goethe, Schiller, Hoelderlin; họ là những triết gia vĩ đại như Kant, Hegel, Nietzsche, Heidegger; những nhà cải cách bất tử như Marx, Weber; họ sản sinh ra được cả một thế giới âm thanh với Bach, Beethoven, Brahms, Wagner; rồi họ là cái nôi cho những đại khoa học gia như Einsteins, Heisenberg, Max-Planck và biết bao vĩ nhân khác. Và quan trọng hơn cả, đó là nước Ðức còn đang tiếp tục sản sinh ra rất nhiều vĩ nhân,để chứng minh là họ vĩ đại, vượt xa Hy Lạp.[50][50]

Thế nên, chúng ta cần phải tránh dựa vào tình cảm, và chỉ được tin vào dữ kiện mà sử gia, khảo cổ gia cung cấp, chứng minh và được các nhà ngữ học khảo chứng. Những dữ kiện này cần phải hội đủ tiêu chuẩn khoa học về lượng và về phẩm, và phải rộng rãi. Thí dụ như chỉ căn cứ vào một trống đồng tại Ðông Sơn, và thấy trống này đẹp hơn những trống ở Vân Nam, hay ở Mã Lai, để rồi đi đến kết luận là tộc Việt là cha đẻ của trống đồng (Vũ Ðình Trác), hay văn minh hơn, và các tộc khác chỉ bắt chước (Kim Ðịnh, Trần Ngọc Thêm), đây đúng là một võ đoán. Các học giả quên đi cái nghịch lý triết học: nếu cổ lỗ hơn làm sao mà đẹp hơn, phức tạp hơn, văn minh hơn? Nếu người ta bắt chước thì tại sao trống của họ lại cũ kỹ hơn trống của ta? Ðó là chưa kể quảng cách địa lý, điều kiện khí hậu, điều kiện thiên nhiên (có mỏ đồng hay không), cũng như nền văn minh địa phương (họ có biết khai mỏ, đúc đồ đồng hay không), họ đã có chữ nghĩa chưa,[51][51] họ đã có phương tiện làm, viết sách vở hay không . mà các học giả chúng ta cố ý làm ngơ coi như là lẽ dĩ nhiên không cần phải đặt vấn đề.

Chuyên Gia liên ngành

Một nghiên cứu cần những chuyên gia như vậy đòi hỏi chúng ta phải làm việc theo tinh thần liên ngành (inter-disciplinary),[52][52] tức cộng tác chung với các chuyên gia sử, ngữ, khảo cổ, tôn giáo học, vân vân. Nếu triết học là công việc phản tỉnh, hệ thống, phê bình và đi tìm nguyên lý, thì triết gia cần phải có tư liệu; cần phải hiểu chúng cũng như cái bối cảnh (tức thế giới) của chúng. Triết học cũng cần phải được sử gia, nhà ngữ học, nhà khảo cổ học, các nhà khoa học văn hóa, tôn giáo. kiểm chứng và phê bình.

Thế nên, để tiến hành công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học, chúng cũng cần kiếm ra những chuyên gia của các bộ môn liên quan muốn sẵn sàng hợp tác, thí dụ các chuyên gia của Viện Hán Nôm, Viện Sử Học, Viện Tôn Giáo, vân vân. Họ có thể giúp chúng ta về khía cạnh tư liệu hay văn bản,[53][53] và nhất là giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, trung thực hơn.

Hệ Thống

Như chúng tôi đã phê bình bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của cụ Nguyễn Ðăng Thục, một trong những điểm yếu của bộ sử này, đó là tác giả không viết theo một hệ thống khoa học nào. Hoặc nói đúng hơn, tác giả không biết hệ thống các mảng tư tưởng. Tác giả không nhìn ra sự liên tục giữa các hệ tư tưởng. Hay chính xác hơn, tác giả chưa tìm ra được cái quy luật lịch sử tức cái luận lý (logic) của người Việt. Mà quả thực, không chỉ một mình Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, mà tiếc thay, đa số các học giả Việt đều vướng vào lỗi lầm này.

Vậy thì cái luật lịch sử giúp chúng ta có thể trình bày một cách nhất quán những hệ tư tưởng, những mảng văn hóa là cái luật gì. Nó có phải là phương pháp chăng? Trong 2 Tập Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của Viện Triết Học (1993, 1998), và đặc biệt trong tập Lịch Sử Triết Học (giáo trình tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội),[54][54] nhiều học giả hiểu cái luật (logic) này như là phương pháp (biện chứng pháp). Các vị nhận định (theo Marx) là lịch sử diễn tiến theo luật biện chứng duy vật.[55][55]

Một lối nhìn vậy không hẳn sai, song chưa đủ.[56][56] Thứ nhất, quy luật nghiên cứu lịch sử không phải là quy luật của lịch sử. Ðể nghiên cứu lịch sử ta có thể áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, thí dụ phân tích dữ kiện, thu tập dữ kiện, tổng hợp chúng. Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp truy nguyên (của khảo cổ), hay kết cấu trong ngữ học. Nhưng quy luật của lịch sử khác với quy luật nghiên cứu. Quy luật của nó có thể là biện chứng, tiến hóa, cách mạng hay chẳng theo một quy luật cố định nào (thí dụ, lối nhìn của chủ thuyết Hậu Hiện Ðại). Nói là dùng biện chứng pháp để nghiên cứu lịch sử tức là một câu nói chưa đủ nghiêm túc. Y hệt như cho rằng lịch sử chỉ theo một quy luật duy nhất của biện chứng pháp là một lối nhìn hạn hẹp về lịch sử. Thứ tới, mỗi nhà lịch sử có lẽ chỉ nhìn ra một quy luật mà ông cho là quan trọng nhất, để rồi ông (chỉ) thu tập tư liệu liên quan, giải thích chúng theo cái nhìn này. Thí dụ Toynbee nhìn lịch sử theo lối nhìn tiến hóa, nhưng Spengler lại nhìn ngược lại. Thí dụ như các nhà dân tộc, khảo cổ học như B. Manilovski nhìn lịch sử như một kiến trúc toàn thể, trong khi C. Frazer và E. B. Tylor lại theo lý thuyết tiên hóa của Darwin để nhìn các dân tộc khác.

Theo ý kiến hạn hẹp của chúng tôi, khi viết lịch sử chúng ta nên tránh chỉ dựa vào một tiên kiến nào, hay một lý thuyết nào, dẫu rằng lý thuyết này rất khoa học. Lý do chính yếu, đó là cuộc sống và thế giới sống của chúng ta rất phức tạp. Chúng cùng một lúc theo nhiều quy luật khác nhau, đôi khi mâu thuẫn, đôi khi xem ra chẳng có vẻ tương quan gì. Thế nên lối nhìn duy lý của Hegel, duy vật của Marx, lối nhìn duy linh của thánh Augustin, lối nhìn duy ý của Plato. về lịch sử đều chỉ đúng một phần nào đó mà thôi. Nhưng nếu coi bất cứ loại "duy" nào là quy luật duy nhất, thái độ như vậy tự nó đã giáo điều và phản thực tại, điều mà Karl Marx từng cực lực phản đối.

Vậy nên, khi viết bộ lịch sử chúng ta cần để ý: Thứ nhất, chúng ta có thể cùng một lúc áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, miễn là chúng không đối nghịch, nhưng liên quan và bổ túc cho nhau. Thứ hai, mỗi thời đại, mỗi xã hội, mỗi giống người, mỗi cách sống, đều có những quy luật riêng biệt của thời đó, xã hội đó, dân tộc đó. Thế nên, ta không được phép bỏ quên những khác biệt, hay loại bỏ những sự kiện không hợp với chúng ta, hay đi ngược lại với quan diểm của chúng ta. Thứ ba, tuy nhìn ra sự khác biệt song chúng ta càng phải tìm ra được sự tương quan giữa những lối sống, giữa những xã hội, giai cấp con người . tức phải tìm ra được cái mã số chung, cái chìa khóa chung của dân tộc.

KẾT LUẬN: THẨM ÐỊNH GIÁ TRỊ

Trong các bộ Sử hiện nay của Viện Triết Học và của các cơ quan nghiên cứu, đa số chúng ta thường phân công mỗi học giả viết một đoạn.[57][57] Người chủ biên (các giáo sư Nguyễn Tài Thư, Lê Sỹ Thắng, Nguyễn Hữu Vui, Trịnh Doãn Chính, Bùi Thanh Quất . ) chịu trách nhiệm biên tập. Lối phân công này tuy có nhiều cái hay (không đụng chạm, không dẫm chân lên nhau, và có lẽ tương đối nhanh). Tuy vậy, đây là lối biên soạn Từ Ðiển Bách Khoa chứ không phải Lịch Sử. Bởi lẽ, lịch sử phải hệ thống, nhất quán, liên tục. Mà lịch sử triết học lại đòi hỏi hơn nữa: chúng ta phải tìm ra nguyên lý chungđường hướng chung, chưa nói đến là chúng ta phải dùng cùng phạm trù, từ ngữ, lối phiên dịch chung.

Một trong những mã số chung của người Việt là tấm lòng yêu nước, gắn bó với tổ, với dòng tộc. Chủ nghĩa yêu nước không phải là cái mã số, hay cái logic (tinh thần), nhưng chỉ là một hình thức (đôi khi cực đoan) của tấm lòng yêu nước mà thôi. Giáo sư Trần Văn Giàu là một trong những bộ óc bách khoa của Việt Nam. Gọi cụ là nhà bác học thì cũng không quá đáng. Thế nên, tôi không nghĩ là cụ quá đơn sơ đến nỗi giản đơn tư tưởng Việt vào chủ nghĩa yêu nước. Khi nâng lòng yêu nước lên hàng chủ nghĩa, Trần tiên sinh thực ra muốn nói lên cái tâm tình của cụ và những người cùng thời đại của cụ, tức thời đại của chúng ta hiện nay mà thôi.[58][58] Mà thực vậy, thời đại của chúng ta hiện nay là một thời đại xây dựng trên lòng yêu nước (nếu nước được hiểu theo nghĩa rộng của quê cha đất tổ). Bảo vệ nước nhà khỏi ngoại xâm, bảo vệ dân tộc khỏi bị đô hộ. thì người Việt cho dù ở bất cứ đâu cũng đều như nhau. Họ vẫn rất nặng tấm lòng yêu đất nước, thương giống nòi, nhớ quê hương và luôn hướng về xứ sở. Song le, tâm tình này không phải và không nên đồng nghĩa với chủ nghĩa. Bởi vì lòng yêu nước là tinh thần, là mã số, chứ không phải là hình thức hay cơ cấu.

Một chủ nghĩa không chỉ cần nguyên lý, mà còn phải mang vào một hình thức cố định. Nó phải có những điều kiện sau: (1) nó là nguyên lý chỉ đạo trong tất cả cuộc sống, (2) nó là luật (logic) của mọi suy tư, (3) nó là giá trị căn bản để đánh giá mọi sinh hoạt của chúng ta, (4) nó là nguồn, hình thức, và chất liệu cho thẩm mỹ; (5) nó thể hiện trong cơ cấu, tổ chức, nền giáo dục. của xã hội. Nói tóm lại, khi công nhận chủ nghĩa yêu nước thì trước hết phải chứng minh có một tâm tình yêu nước chung nơi người Việt; có một lối suy tư chung dựa trên tâm tình này; có một lối tổ chức (sống) chung theo nguyên lý này, có một nền đạo đức, thẩm định giá trị chung dựa trên nguyên lý này, và mọi sáng tạo, sản sinh chỉ có thể từ cái động lực yêu nước này. Tất cả các nguyên tố trên cấu tạo thành nền triết học yêu nước. Là chủ nghĩa, ta phải công nhận đó là nền triết học căn bản nhất, hay nói theo ngôn ngữ triết học, đó là nền siêu hình của triết học Việt Nam.

Hiển nhiên là, tấm lòng yêu nước không hội đủ những chuẩn mực của một chủ nghĩa nêu trên. Lòng yêu nước của chúng ta chỉ là một lối sống, cách suy tư của những ai gắn liền với nhà, với nước, với non, với ao với vườn. Nó chưa phải, và khó có thể biến thành nền siêu hình bởi lẽ một khi con người không còn quá gắn liền với đất, với nước, với vườn với tược, thì một tâm tình yêu nước như vậy sẽ phai nhạt. Ðây là một lý do giải thích tại sao có những cuộc nội chiến không ngừng giữa những người yêu nước một cách cực đoan. Ðây cũng là lý do giải thích được, những người yêu nước (theo kiểu của họ) khó có thể công tác với nhau được.

Những vĩ nhân như Khổng Tử, Giê-Su, Thích Ca, Karl Marx. không gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Họ là những người quốc tế, vô sản (theo đúng nghĩa không giai cấp của Marx). Ðối với các ngài, thì tấm lòng yêu nước vẫn chưa đủ. Phải là tấm lòng nhân bản, tứ hải giai huynh đệ, thiên hạ vi công, từ bi hỉ xả. mới là nguyên lý căn bản cho cuộc sống. Vây? nên chúng ta phải nói, nền triết học (nguyên lý) của lòng yêu nước phải xây trên nền nhân bản, trên ý thức sinh tồn, phát triển, trên sự ước vọng, khát vọng về một thế giới hoàn mỹ của con nguời toàn thiện.[59][59]

Thế nên, khi viết bộ Lich Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chúng ta ý thức được rằng chúng ta viết vì độ䮧 lực yêu nước, và phát xuất từ tấm lòng yêu nước. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta được phép biến bộ sử thành Lịch Sử Triết Học Yêu Nước. Vậy thì, từ tấm lòng yêu nước, với tinh thần khoa học chúng ta nên cố gắng viết bộ sử xứng đáng cho cả nhiều thế hệ, có thể dịch sang ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa) và cống hiến cho nhân loại. Và để có thể hoàn thành bộ này, chúng ta cần có những điều kiện căn bản (phần 3), cũng như sự tiếp tay của các chuyên gia liên ngành,và sự đóng góp của những học giả Việt sống tại hải ngoại, hay các học giả ngoại quốc.[60][60] Một bộ sử như vậy không chỉ thỏa mãn được tấm lòng ái quốc của chúng ta, mà còn đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại.

----------------------------------------

SÁCH THAM KHẢO

Trong phần này, chúng tôi chỉ nêu ra một số tác phẩm liên quan tới phần lịch sử tư tưởng, triết học và Việt triết. Vì không được hân hạnh đọc một số tác phẩm của những học giả Việt tại hải ngoại, nên chúng tôi không dám mạo muội ghi tác phẩm của họ nơi đây.
 
Bùi Thanh Quất, chb., Lịch Sử Triết Học. Hà Nội, 1999.
Cao Xuân Huy, Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu. Hà
Nội: Nxb Văn Học, 1995.
Doãn Chính, chb., Ðại Cương Triết Học Phương Ðông Cổ Ðại. Hà Nội: Nxb
Chính Trị Quốc Gia, 1998.
Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Ðại Cương Triết Học Trung Quốc. 2 Tập. Sài
Gòn: Xuân Thu xb., 1964.
Kim Ðịnh, Việt Lý Tố Nguyên. Sài Gòn: An Tiêm, 1971.
Kim Ðịnh, Gốc Rễ Triết Việt. Houston: An Việt, 1988.
Kim Ðịnh, Việt Triết Nhập Môn. Houston: An Việt, 1988.
Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Phương Tây. Sài Gòn, 1971.
Lê Sỹ Thắng, Lịch Sử Tư TưởngViệt Nam, Tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã
Hội, 1997.
Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Triết Học Ðông Phương, 5 Tập. Tph. Hồ Chí
Minh: Nxb Tph. HCM., 1991. Tái bản.
Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, 7 Tập. Tph. Hồ Chí Minh:
Nxb Tph. HCM, 1992. Tái bản.
Nguyễn Hữu Vui, chb., Lịch Sử Triết Học, 2 Tập. Hànội: Nxb Chính Trị Quốc
Gia, 1991-1992, Tb., 1998.
Nguyễn Tài Thư, chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Viện Triết
Học, 1993.
Nguyễn Tài Thư, chb., History of Buddhism in Vietnam. Hà Nội: Social
Sciences Publ. House, 1992. Tái bản: Washington, D.C.: The Council for
Research in Values and Philosophy, 2002.
Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., Nửa Thế Kỷ Nghiên Cứu và Giảng Dậy Triết Học
ở Việt Nam. Hà Nội: Viện Triết Học, 2001.
Phan Ngọc, Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa. Hà Nội: Nxb Thanh Niên, 2000.
Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. Tph. Hồ Chí Minh: Nxb
Tph. HCM, 2001(lần 3).
Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam - Tìm Tòi và Suy Ngẫm. Hà Nội: Nxb
/span>Văn Hóa Dân Tộc, 2000.
Trần Ðức Thảo, Lịch Sử Tư Tưởng trước Marx. Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội,
1995.
Trần Trọng Kim, Nho Giáo. Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu BGD, 1971.
Trần Văn Ðoàn, Chính Trị dữ Ðạo Ðức. Ðài Bắc: Học Sinh Thư Cục (Bộ Giáo
?????? Dục Ðài Loan), 1998. (Trung ngữ)
Trần Văn Ðoàn, Việt Triết Luận Tập, Tập 1. Washington, D.C.: Vietnam
University Press, 2000. (Việt ngữ)
Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy, Vol. 1. The Formation of
Vietnamese Confucianism. Washington, D.C.: Council for Research in
Values and Philosophy, 2002.
Trần Văn Ðoàn, The Category of Relation in the Human Sciences. 4 Vols.
Taipei: National Sciences Council, 1997-2001.
Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến
Cách Mạng Tháng Tám, 2 Tập. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1973.
Viện Triết Học, chb., Một Số Vấn Ðề Lý Luận về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam.
Hà Nội: Viện Triết Học, 1984.
Vũ Ðình Trác, Triết Lý Chấp Sinh Nguyễn Công Trứ. Orange: Hội Hữu, 1988.
Vũ Ðình Trác, Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du. Orange: Hội Hữu, 1993.
 
 


? Bài này được viết ra do lời yêu cầu của nhiều học giả, đặc biệt Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn, Viện trưởng Viện Triết Học, sau một số mạn đàm và trao đổi ý kiến với Viện Triết Học (Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia), Viện Khoa Học Xã Hội Tph. Hồ Chí Minh, Viện Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Ðại Học Quốc Gia Hà Nội), Tạp chí Tư Tưởng (Úc Châu) và An Việt Society (Luân Ðôn và Houston). Người viết xin cám ơn các cơ quan và các học giả, đặc biệt Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn, đã mời cũng như đã tham gia bàn luận.
 
[1][1] Các học giả theo trường phái Hậu hiện đại (Postmodernism) có lẽ sẽ không đồng ý về sự phân chia văn hóa theo cấp bậc giá trị cao thấp. Họ sẽ viện chứng lối suy tư của các nhà khảo cổ học như E. Evans-Pritchard, hay triết gia chủ trương Kiến (Cơ) cấu luận như Claude Lévi-Strauss, hay các triết gia như R. G. Collingwood, Peter Winch, hay các nhà nhân chủng học như Clifford Geerzt để chứng minh rằng, bất cứ nền văn hóa nào cũng dựa trên một nền khoa học (hay tri thức khoa học). Thế nên, theo họ, ta không được phép lấy bất cứ chuẩn mực (criteria) nào để so sánh, đối chiếu và nhất là phán đoán, phân cao thấp các nền văn hóa. Tuy nhiên, nếu quả thật như vậy thì làm sao mà chúng ta có thể giải thích được sự kiện có nhiều nền văn hóa đã mai một, và nhất là việc nền văn hóa man dã dễ dàng bị nền văn hóa hiện đại (văn hóa kỹ khoa, văn minh Âu Mỹ) đè bẹp? Xtkh. Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại Ði Về Ðâu? (Hà Nội: Viện Triết Học, 2002 dự trù).
[2][2] Chúng ta thường dịch tác phẩm này sang Việt ngữ là Hiện Tượng Học về Tinh Thần. Một lối dịch như vậy không lột được hết ý nghĩa của tác phẩm này. Chúng tôi xin dịch như sau: Luật của Tinh Thần qua Hiện Tượng (Washington, DC: Vietnam University Press, đương sửa soạn).
[3][3] Một số tác giả hiểu văn hiến như là "truyền thống văn hóa lâu đời." Giáo sư Trần Ngọc Thêm giải thích văn hiến: "Văn hiến là văn hóa thiên về ?truyền thống lâu đời?, mà truyền thống lâu đời còn lưu giữ được không bị chiến tranh và thời gian hủy hoại chính là các giá trị tinh thần." Xtkh. Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (Nxb Tph Hồ Chí Minh,2001, ấn bản lần thứ 3), tr. 27. Một lối hiểu văn hiến như vậy tuy có đúng, song không rõ ràng và thiếu sót. Chữ hiến (?? hay) mang nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa chuẩn mực, cống hiến, kẻ hiền, kẻ sỹ tức những người mà chúng ta phải noi theo. Văn hiến cách chung nói lên một nền văn hóa có những cái hay, cái đẹp đã từng được ghi chép lại (qua ngữ tự, sách vở), hay truyền khẩu lại, hay qua văn vật, hay qua tấm gương của hiền sĩ, anh hùng, thánh nhân để lại làm gương mẫu cho các thế hệ sau. Thế nên, phải nói là Việt Nam có bốn ngàn năm văn hóa, song văn hiến chỉ có từ thời Hùng Vương mà thôi.
[4][4] Hồ Chí Minh hiểu văn hóa theo nghĩa này. Cụ viết: "Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn." Trích từ Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 4. Phan Ngọc trong Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa (Hà Nội: Thanh Niên, 2000), ctr. 22-23, hiểu văn hóa như: "là cái dấu ấn của một thể cộng đồng lên mọi hiện tượng tinh thần, vật chất, mọi sản phẩm của thể cộng đồng này từ tín ngưỡng, phong tục cho đến cả sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường."
[5][5] Theo chúng tôi được biết, Viện Triết Học, Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia đã đặt trọng tâm vào công việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam từ nhiêu năm, đặc biệt từ năm 1986 khi Viện "khai thác các di sản tư tưởng và văn hóa của dân tộc." (Nguyễn Trọng Chuẩn, "Viện Triết Học - 35 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành," trong tập kỷ yếu Viện Triết Học - 35 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành (Hà Nội: Viện Triết Học, 1997), ctr. 60, 78. Hai tác phẩm của nhiều học giả về lịch sử tư tưởng Việt Nam đã được xuất bản: Nguyễn Tài Thư, chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); Lê Sỹ Thắng chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 2 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1997). Hiện Viện Triết Học đương xúc tiến bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chương trình nghiên cứu cấp Bộ. Ngoài ra, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Tph Hồ Chí Minh, Ðại Học Hà Nội cũng có những dự án tương tự. Tại hải ngoại, Tạp chí Tư Tưởng (Úc Châu) của Cung Ðình Thanh và một nhóm học giả cũng có một chương trình tương tự.
[6][6] Ðặc biệt cho những tộc sống ở Việt Nam, cho những nước lân bang
[7][7]Nguyễn Hùng Hậu trong bài "Triết Việt - Một Vài Vấn Ðề Phương Pháp Luận," có lý khi đặt ra câu hỏi: "Hiện nay, chúng ta mới chỉ nghiên cứu tư tưởng của người Việt, dân tộc Việt. Vậy còn năm mươi ba dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa thì sao, đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ." Trong Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., Nửa Thế Kỷ Nghiên Cứu và Giảng Dậy Triết Học ở Việt Nam (Hà Nội: Viện Triết Học, 2001), tr. 102.
[8][8] Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (1963). Tái bản (Tph Hồ Chí Minh: Nxb Tph HCM, 1992), 6 Tập. Giáo sư họ Nguyễn, nguyên là một kỹ sư, song tinh thông Hán học, sau chuyên nghiên cứu triết học. Cụ từng giữ chức Khoa trưởng, Khoa Triết Học, Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau khi bị mất chức Khoa trưởng và chức Giáo sư (vào thời Nguyễn Văn Thiệu), cụ được Ðại Học Phật Giáo Vạn Hạnh mời làm Giáo sư kiêm chức Khoa trưởng chung thân. Nguyễn Tiên sinh là một trong những học giả tiên phong trong lãnh vực tư tưởng Việt, được nhiều người khâm phục. Bộ sách trên viết vào năm 1963 tại Sài Gòn. Năm 1992 được chính phủ cho tái xuất bản do nghị quyết số 01NQ-TW ngày 28.03.1992 về công tác lý luận của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam, công bố trên báo Nhân Dân ngày 05.06.1992.
[9][9] Nguyễn Hùng Hậu, "Triết Việt - Một Vài Vấn Ðề Phương Pháp Luận," bđd., tr. 93.
[10][10] Cung Ðình Thanh, trong Tư Tưởng, 6 (Australia, 02.2000), tr. 25.
[11][11] Về sự lẫn lộn giữa hành vi và tư tưởng, Giáo sư Nguyễn Tài Thư (Viện Triết Học, Hà Nội) đã phê bình học giả Nguyễn Ðăng Thục như sau: "Bấy lâu trên thị trường sách trong nước lưu hành cuốn "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" của tác giả Nguyễn Ðăng Thục. Tên sách thì như vậy, nhưng nội dung bên trong chỉ là thông qua sự kiện, hành vi để bình giảng về tư tưởng, không đề cập tới những lý luận, những quan điểm của nhà tư tưởng. Với tính chất lịch sử tư tưởng là lịch sử các quan điểm, các tư tưởng, thì cuốn sách trên không phải là cuốn lịch sử tư tưởng. Nó đã lấy sự kiện, hành vi thay thế cho những quan điểm trong lịch sử." Nguyễn Tài Thư, " Nhân 55 Năm Thành Lập Nước, Lại Bàn Về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam và Triển Vọng của Chuyên Ngành Này," trong Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., sđd., tr.57.
[12][12] Nguyễn Ðăng Thục, sđd., Tập 1, tr. 22, trình bày tư tưởng Việt như là tư tưởng Tam giáo có biến đổi chút ít; tr. 24 cụ lại cho triết học Á châu là một nền triết lý vĩnh cửu. Vĩnh cửu thì làm sao mà thay đổi, thêm thắt? Tr. 25, cụ lại giản lược triết học vào công năng "chân lý" nhưng ngay sau đó cụ lại cho tư tưởng Việt có tính chất thực tiễn ". biết tổ chức đời sống cộng đồng có tôn ti trật tự."
[13][13] Cụ Nguyễn giải thích "triết lý vĩnh cửu" (perennis philosophia) theo Aldous Huxley: ". nó không tin có sự sáng tạo trong vũ trụ - hay ngoài vũ trụ - mà chỉ có sự biểu hiện của một Chân lý. Một hình thức mới là chừng nào nó thích ứng với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và chúng ta nhận cái hình thức ấy là của chúng ta vì nó trả lời đầy đủ hơn cho nguyện vọng sống còn, cùng lý tưởng ấp ủ." Sđd., Tập 1, tr. 24. Thứ nhất, cụ Nguyễn hiểu sai "philosophia perennis." Triết học vĩnh cửu là quan niệm manh nha từ triết học Plato, được thánh Augustin (thế kỷ 5) đặﴠtên, và được tôn lên làm nền triết học của Giáo hội Kitô giáo vào thời Trung cổ cho tới thế kỷ 19. Tuy nhiên, ngay thánh Thomas Aquinas (nhà triết học và thần học vĩ đại nhất của Kitô giáo vào thế kỷ 13) cũng không hẳn đồng ý về nền triết học vĩnh cửu này. Thế nên nền triết học này thường gắn liền với triết học kinh viện (scholasticismus), trong khi triết học thánh Thomas gọi là Thomismus hay Neo-Thomismus. Thứ tới, nền triết học vĩnh cửu chủ trương chỉ có Thiên Chúa là Sự Thật duy nhất. Mà Thiên Chúa là đấng sáng tạo (khác với lối giải thích của cụ Nguyễn). Thứ ba, triết lý vĩnh cửu không thể thay đổi, thì làm sao lại có thể giống triết Việt luôn "thích ứng với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa"? Quan trọng hơn cả, đó là một thái độ hoang đường. Làm sao ta có thể lấy quan niệm của Huxley, một người chống nền triết lý vĩnh cửu để giải thích nó, giống y như lấy một người chống Marx để giải thích Marx?! Lối lý giải đầu Ngô mình Sở này thấy đầy dẫy trong bộ sách của cụ. Ðáng tiếc thay!
[14][14] Thí dụ như cụ Nguyễn dựa theo Maurice Durand (trong bài thuyết trình "Quelques éléments de l?univers moral des Vietnamiens" năm 1952 tại Ðà Lạt) cho rằng lịch sử tư tưởng Việt Nam là tư tưởng của Tam giáo (Tập 1, ctr. 17, 19), song ngay trong những câu kết luận (tr. 22), cụ Nguyễn lại viết: "Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho ta thấy vận mệnh của dân tộc do truyền thống tập đại thành, thâu hóa sáng tạo, khai phóng hơn là đóng cửa bế quan." Nếu đã khai phóng, sáng tạo, thì làm sao chỉ có tam giáo? Và nếu có một truyền thống lâu dài thì trước sự du nhập của Tam giáo, người Việt phải từng có truyền thống. Vậy thì truyền thống đó là gì, có ảnh hưởng tới tư tưởng của người Việt hay không? Cái lỗi mà cụ Nguyễn thường vấp phạm, đó là tiên sinh thích dựa vào quyền uy của người ngoại quốc mà chẳng để ý đến cái "thực lực" của họ, hay những điều họ nói có giá trị hay không, để minh chứng những luận cứ chẳng có liên quan gì! (Trong luận lý học (logic) đó là cái lầm lỗi thích dựa vào quyền uy chẳng có, hay ít có liên quan với vấn đề (Fallacy of appealing to false authority). Durand là một học giả tầm thường (làm sao sánh được với cố Cả tức Léopold Cadière?) được cụ Nguyễn phong chức "bác học Pháp-Việt." Nhà thi sĩ? Sutasoma Tantular của đảo Java chẳng có liên quan gì với tư tưởng Việt (giả sử như có giống phần nào đi nữa), thế mà cụ Nguyễn dám cả gan hạ bút: "Cái tinh thần văn hóa ấy (tức tư tưởng tập đại thành, sáng tạo, khai phóng của Việt Nam - chú thích của tôi) đã phản ánh trong thi phẩm trứ danh (chữ nghiêng do tôi) của thi sĩ Java là Sutasoma Tantular với khẩu hiệu: ""Bhimeka Tungal Ika" (Ðồng nhất trong sai biệt) tương đương với quan niệm của Lê Quý Ðôn.". Thi sĩ Tantular bị ảnh hưởng của tư tưởng Việt khi nào vậy?
[15][15] Như học giả Cung Ðình Thanh (một môn sinh của cụ Nguyễn Ðăng Thục) từng nhận xét khá xác đáng về bộ sách của thầy mình: ". nhưng xem ra chưa thấy con đường phải đi cho hiện tại và mai sau." Tư Tưởng, 6. Bđd., tr. 25.
[16][16] Ðây có lẽ là lối nhìn chung nơi các học giả Việt. Học giả Trần Quốc Vượng, nguyên giáo sư môn Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa (và cả môn Du lịch) tại Ðại Học Hà Nội, trong tác phẩm Văn Hóa Việt Nam - Tìm Tòi và Suy Ngẫm (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Dân Tộc, 1999), tuy không công nhận một cách rõ ràng sự đồng nhất giữa lịch sử và khảo cổ, song ông đôi khi tự nhận " là người theo chủ thuyết Ðịa-Văn hóa, Ðịa-Lịch sử" (tr. 19).
[17][17] Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (1938) (Sài Gòn: Bốn Phương, 1951), tr. viii, coi nhiệm vụ của sử gia "thu thập những tài liệu hiện có . để giúp những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm." Cũng thấy trong: Trần Ngọc Thêm, tr. 12.
[18][18] Chính vì lẽ đó mà chúng ta thấy trong tất cả mọi bộ môn khoa học đều có một hay nhiều nền triết học. Ta có triết học toán học, triết học tôn giáo, triết học vật lý, triết học sinh vật, triết học ngôn ngữ, triết học môi sinh, vân vân. Những nền triết học này tuy nghiên cứu các đối tượng khác nhau nhưng cùng theo những nguyên lý triết học, và dùng (những) phương pháp khoa học như nhau. Giáo sư Nguyễn Tài Thư có lẽ hiểu theo lối "phân cách" nên vẫn cho là triết học phải là một bộ bôn khác biệt với các bộ môn khác. Ông viết: "Vì vậy nội dung của lịch sử tư tưởng Việt Nam, trước hết là tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức, tư tưởng pháp luật, và tiếp theo là tư tưởng triết học, tư tưởng tôn giáo có liên quan đến các tư tưởng trên." Nguyễn Tài Thư, bđd., ctr. 59-60.
[19][19] Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám, Tập 1 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1973), tr. 10 (Nxb Chính Trị Quốc Gia, tr. 8). Ðược trích lại: Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 58; Nguyễn Hùng Hậu, bđd., tr. 94.
[20][20] Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 56; Trần Quốc Vượng, tr. 305.
[21][21] Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie (Muenchen: Piper, 1953), chương 2, ctr. 19 vtth. Bản dịch Việt ngữ của Lê Tôn Nghiêm và một nhóm sinh viên của ông: Triết Học Nhập Môn (Sài Gòn, 1967).
[22][22] Immanuel Kant, Kritik der Urteilskraft, phần bàn về thiên tài. Bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn: Phê Phán về Năng Lực Phán Ðoán (Washington, DC: Vietnam University Press, 2002).
[23][23] Một thí dụ điển hình, đó là sự khác biệt giữa Tây y và Ðông y: khác biệt trong lối nhìn về căn bệnh (khám bệnh và chẩn mạch), về cách thế chữa bệnh (bộ phận và toàn diện), về phương thuốc chữa bệnh (cải biến và tự nhiên) và cả trong thái độ khi chữa bệnh. Tương tự ta cũng thấy khác biệt giữa thuốc bắc và thuốc nam (tuy đều thuộc Ðông y).
[24][24] Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tuởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, Tập 1 sđd.
[25][25] Về thông diễn học (hay thuyên thích học) tức Hermeneutics, xin tkh. Hans-Georg Gadamer, Wahrheit und Method (Tuebingen: Mohr, 1960). Cũng xtkh. Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại Ði Về Ðâu? (Hà Nội: Viện Triết Học, dự định 2002), chương 2.
[26][26] Kim Ðịnh (1969) từng phân biệt triết học và minh triết. Theo cụ, chỉ có minh triết mới đáng được gọi là nền triết học cao siêu nhất. Những người dựa theo Kim Ðịnh như Trần Ngọc Thêm (1996) cũng có lối nhìn tương tự. Nguyễn Tài Thư (1993) cũng phân biệt triết lý khỏi triết học. Tương tự Nguyễn Hùng Hậu (2001, bđd.) cũng phân biệt triết học khỏi triết lý. Tuy nhiên những phân biệt trên không rõ ràng, nên cuối cùng, Nguyễn Hùng Hậu quả quyết, triết học bao gồm triết lý (ctr. 99 và 100). Như chúng tôi sẽ trình bày, sự khác biệt gữa triết lý, minh triết hay triết học không phải do "bản thể luận," "phương pháp luận," hay "đối tượng khác nhau," mà là do tính chất bao quát (phổ biến và tất yếu) của nguyên lý.
[27][27] Karl Loewith, Von Hegel zu Nietzsche: Der revolutionaere Bruch im Denken des neunzehnten Jahrhunderts (Zuerich: Europa Verlag, 1941), Chương 1: Ý nghĩa Mạt thế nơi Quan niệm Hoàn tất Lịch sử Thế giới và Tinh thần của Hegel".
[28][28] Một số học giả như Kim Ðịnh (Những Dị Biệt giữa Hai Nền Triết Lý Ðông Tây, Sài Gòn: Ra Khơi, 1969) quả quyết là nền triết học của Ðông phương là minh triết, trong khi của Tây phương là triết lý. Chúng tôi không đồng ý với một lối nhìn võ đoán như vậy. Luận điểm của Kim Ðịnh, đáng tiếc, không dựa trên lý luận khoa học, mà dựa trên cái tình cảm duy tộc cực đoan (song đáng yêu) của cụ. Thiết nghĩ, để chứng minh Việt triết là minh triết của người Việt mà thôi, ta phải chứng tỏ rằng (1) Việt triết là nguyên lý sống của tất cả mọi người Việt ở mọi thời đại, (2) đó là một nguyên lý tất yếu, không thể thiếu nới người Việt, (3) nó có thể giải quyết được những vấn nạn của người Việt trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tương tự, để là minh triết của nhân loại, nó cũng phải có những điều kiện như vậy, nhưng cho toàn nhân loại. Xtkh. Trần Văn Ðoàn, "Kim Dinh?s Search for a Viet-Philosophy" (Bài thuyết trình tại Houston và Stanford, 03. 1999), in trong Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy, Vol. 1 (Washington, D.C.: The Center of Values and Cultures, 2002). Về Kim Ðịnh, xin xem thêm: Trần Văn Ðoàn & Phan Ðình Cho, Kim Dinh - Life and Works (đương xuất bản). Tiếc thay, lối nhìn của Kim Ðịnh được nhiều người coi như tín điều.
[29][29] Karl Jaspers, Die Grossen Philosophen (Muenchen: Piper Verlag, 1958). Trong tác phẩm này, nhà danh triết Ðức này đặc biết nhấn mạnh tới ảnh hưởng của tứ đại thánh triết: Socrates, Giê-xu, Thích Ca và Khổng Tử (Tập 1), cũng như những đại triết gia như Plato, Augustin, Kant.. (Tập 2 và 3) mà ông cho là họ tiếp tục "sinh sản" ra những nền triết học mới.
[30][30] Michel Foucault, L?Archéologie du savoir (Paris: Gallimard, 1967),
[31][31] Karl Jaspers phản đối lối hiểu triết học như vậy. Triết gia cho rằng triết học theo đúng nghĩa phải là "Cái ý nghĩa của từ triết học cho tới nay vẫn là sự truy tầm chân lý (das Suchen der Wahrheit), chứ không phải là sự tiếm đoạt chân lý (der Besitz der Wahrheit), mới là cái bản tính của triết học." Xtkh. Einfuehrung in die Philosophie, sđd., tr. 14: "Dieser Sinn des Wortes besteht bis heute: das Suchen der Wahrheit, nicht der Besitz der Wahrheit ist das Wesen der Philosophie.".
[32][32] Karl Marx, Thesen ueber Feuerbach (1845), trong Marx Engels Werke3, 7 (Berlin: Institut fuer Marxismus-Leninismus, 1956-1968) (Viết tắt MEW); MEW 3, 5; Das Kapital, MEW 23, 193; Die heilige Familie (1844-45), MEW 2, 204; Pariser Manuskripte (1844), Ergaenzung-Band 1, 542, vân vân.
[33][33] Xtkh. Louis Althusser, Pour Marx (Paris: Presses universitaires de France, 1967).
[34][34] Auguste Comte, Cours de philosophie positive. 6 Tập (Paris, 1930-42). Tập 1, tr. 11: "Khi tư duy về lịch sử của chính nó (khoa học) có phải là mỗi người chúng ta đều nhớ lại rằng ta đã tiếp nối đi qua chặng đường thần học trong thời thơ ấu, siêu hình trong thời niên thiếu, và vật lý vào cái tuổi chín chắn?"
[35][35] Auguste Comte, sđd., tr. 56. Nơi đây, Comte xác định khoa học vào 6 ngành học khoa như toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học, thể lý học (physiologie) và sinh vật học, và nền khoa học vật lý xã hội (physique sociale de sociologie).
[36][36] Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie, sđd., tr. 14:" Triết học là: luôn trên đường. Những câu hỏi của nó căn bản hơn là những câu trả lời (từng đưa ra), và mỗi câu trả lời tự nó lại trở thành (một) câu hỏi mới khác." (Philosophie heisst: auf dem Wege sein. Ihre Fragen sind wesentlicher als ihre Antworten, und jede Anwort wird zur neuen Frage).
[37][37] Karl Popper, Conjectures and Refutations (London, 1961).
[38][38] John Locke từng quá tự ti tự hạ triết học xuống hàng một anh cu-li làm công việc dọn dẹp quét tước rác rưởi. Xtkh. John Locke, An Essay concerning Human Understanding , do Peter H. Nidditch chb. và giới thiệu (Oxford: Oxford University Press, 1975), The Epistle to the Reader, tr.10: "tis Ambition enough to be employed as an Under-Labourer in clearing Ground a litlle, and removing some of the Rubbish, that lies in the way to Knowledge." Cũng xin tham khảo: Peter Winch, The Idea of a Social Science and Its Relation to Philosophy (London, 1957), bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn: Ý Niệm về Một Nền Khoa Học Xã Hội và sự Tương Quan với Triết Học (Washington, D.C.: Vietnam University Press, dự định 2002).
[39][39] Phan Ngọc (Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa, sđd., ctr. 433-34) cũng nhận ra điều này khi ông nhấn mạnh đến sự thiết yếu của ngoại ngữ trong việc nghiên cứu văn học Việt.
[40][40] Sự khám phá ra trống đồng Ðông Sơn và Ngọc Lữ đã giúp Kim Ðịnh đưa ra lý thuyết Việt nho. Trần Ngọc Thêm cũng dựa vào Kim Ðịnh để chủ trương "lấy Việt nam làm trung tâm," cái mà Dương Thiệu Tống ca ngợi là đã tránh được cái tâm bệnh "lây Âu châu làm trung tam" hay "lấy Trung hoa làm trung tâm."?#250; ý là Trần Ngọc Thêm không hẳn chủ trương lấy Việt nam làm trung tâm, như ông từng nhấn mạnh trong các bản tái bản sau, và như Nguyễn Trọng Văn (ÐHKHXHNV, Tph. HCM) cũng nhận ra.
[41][41] Vì thiếu những nghiên cứu khảo cổ mà đa số các học giả Việt thường không thể đồng nhất về nguồn gốc, cũng như cái đặc thù của tư tưởng (triết lý) Việt. Thí dụ quan niệm âm dương, bộ Lạc thư, Hà đồ. Dương Thiệu Tống (ÐHQG Tph HCM) chủ trương âm dương chỉ là quan niệm rỗng và đặc thấy trên trống đồng (tức từ phương Nam), song những khảo cỏ⠧ia như Trương Quang Trực (Chang Kwang-chih, Ðại Học Harvard và ÐH Quốc Gia Ðài Loan), Keightley, Hồ Bình Ðệ (Ho Ping-ti), Jacques Gernet . lại chủ trương ngược lại, cho rằng đó là đặc sản chung của Ðông Á. Xtkh. Kwang-Chih Chang, The Archaeology of Ancient China (New Haven: Yale University Press, 1986, lần 4); Kwang-Chih Chang, Early Chinese Civilization: Anthropological Perspectives (Cambridge: Harvard University Press, 1976); Kwang-Chih Chang, Shang Civilization (Yale University Press, 1980). Hay David N. Keightley, ed., The Origins of Chinese Civilization (Berkeley: Univesity of California Press,? 1983); David N. Keightley, Sources of Shang History: The Oracle Bone Inscriptions of Bronze Age China (University of California Press, 1978); Jacques Gernet, Le monde Chinois (Paris, 1972); Ping-ti Ho, The Cradle of the East: An Inquiry into the Indigenous Origins of Techniques and Ideas of Neolithic and Early Historic China, 5000-1000 (University of Chicago Press, 1976).
[42][42] Ðây là quan niệm nòng cốt thấy trong hai tập Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của Viện Triết Học, đặc biệt với các tác giả như Lê Sỹ Thắng, Tập 2, tr. 10, và nhất là tr. 405: "Ý thức dân tộc hình thành sớm và đã tạo ra truyền thống yêu nước có bề dày lịch sử trước khi các học thuyết Nho-Ðạo-Thích du nhập vào đất nước. Từ khi tiếp thu chữ Hán, truyền thống yêu nước ấy dần dần thể hiện trên văn bản." Trước Lê Sỹ Thắng, người dám quả quyết đưa chủ thuyết yêu nước lên hàng truyền thống lớn là Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông viết: "Truyền thống lớn của ông cha ta là yêu nước, là chủ nghĩa yêu nước." Xtkh. Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng Việt Nam từ Thế Kỷ thứ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám, sđd., tập 1, tr. 10; Trần Văn Giàu, Trong Lòng Chủ Lưu của Văn Học Việt Nam: Tư Tưởng Yêu Nước (Nxb Văn Nghệ HCM, 1983), tr. 7. Cũng thấy trong Nguyễn Tài Thư chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1, sđd., tr. 19 và 20.
[43][43] Chữ quốc (?? ) trong Hán tự, tự nó đã nói lên một tô chức, quy tụ nhiêu người. Trong khi trong Hy ngữ (eqnos), và La ngữ (natio), quốc nói lên một tổ chức của những người đồng bào, đồng hương, những người cùng nơi chôn rau cắt rún, cùng dòng tộc. Trong khi chủ nghĩa yêu nước (patriotism) chỉ là một lối tư duy theo phụ hệ, coi phụ tộc là nguồn gốc của quốc gia. Chú ý, từ patriotism phát xuất phát bởi từ ngữ La-tinh pater (cha).
[44][44] Và quả thực, người Việt ít dùng chữ quốc gia (từ ngữ này vào Việt Nam do văn hóa Hán, nhất là Nho giáo, ảnh hưởng của Ðại Học). Họ thường dùng tiếng "đất nước," "núi sông" (hay giang sơn, hay nước non, non nước), "quê hương," "xứ sở," hay "nước nhà," "quê cha, đất tổ," "quê mẹ," vân vân.
[45][45] Giáo sư Nguyễn Tài Thư có nói đến khó khăn của chủ trương cho chủ nghĩa yêu nước làm nòng cốt tạo lên lịch sử Việt. Tuy nhiên ông chỉ phê bình rất "nhẹ nhàng": "Quan điểm đó tuy xuất phát từ ý thức chính trị tốt đẹp, song nếu chấp nhận thì trong thực tế sẽ thu hẹp phạm vi của lịch sử tư tưởng dân tộc. Vì ngoài tư tưởng yêu nước ra, lịch sử tư tưởng Việt Nam còn bao gồm các tư tưởng về thế giới, về xã hội và nhân sinh." Xtkh. Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 58.?
[46][46] Kim Ðịnh, Việt Lý Tố Nguyên (Sài Gòn: An Tiêm, 1970), ctr. 52-53 vtth.; Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 79. Nơi đây, giáo sư họ Trần dựa theo Vũ Ngọc Khánh và đặc biệt Kim Ðịnh, mà Kim Ðịnh lại dựa theo Joseph Needham (Science and Civilization in China, Cambridge: Cambridge University Press, 1954-1987) 11 Tập.
[47][47] Kim Ðịnh, sđd., như trên, chương vế Việt Nho; Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 151 vtth.
[48][48] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 1 (Ðà Nẵng, 1999). Phần dẫn nhập, tr. 10.
[49][49] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1922), 2 Tập. Theo các tác giả của bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, do Nguyễn Tài Thư chb. (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1988), thì các tư liệu cổ nhất của Phật giáo Việt Nam cũng chỉ? quãng 10 thế kỷ trở lại và rất ít, thí dụ tập Thiền Uyển Tập Anh (thời Lý-Trần vào thế kỷ 12-14), Tam Tổ Thực Lục (thời Trần, thế kỷ 14), Khóa Hư Lục (của Trần Thái Tông), Thượng Sĩ Ngữ Lục (thời Trần), Thiền Uyển Kê Ðăng Lược Lục (triếu Nguyễn, thế kỷ 19).
[50][50]Cái bi kịch của giới triết sử và triết gia Hy lạp ngày nay, đó là những học giả thời danh nhất về triết lý Hy lạp lại là người Ðức hay Anh, như Hermann Diels, Dieter Kranz, A. Zehner, W. D. Ross, Taylor, vân vân. Tháng 8 năm 1997 dịp tới thuyết trình tại Hy lạp, tôi có một buổi mạn đàm với các đồng nghiệp tại khoa Triết và Sử của Ðại Học Nhã Ðiển (Athina). Tôi rất kinh ngạc khi thây những giáo sư nổi tiếng về triết học Hy lạp của họ đa số học tại Ðức. Giáo sư Bagliotes (chủ nhiệm khoa Triết) cho tôi biết là nghiên cứu sinh bắt buộc phải học thêm tiếng Ðức để tra cứu tài liệu do học giả Ðức viết
[51][51] Như Lê Mạnh Thát (trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam) quả quyết là người Việt đã có chữ viết riêng để dịch kinh Phật. Bản Hán ngữ là bản dịch từ cổ ngữ Việt! Song ông chỉ rất mơ hồ (mặc dù ông cho là đã chứng minh được) về: đó là loại chữ gì, sách ở đâu, tìm ra ở đâu, ai tìm ra, viết khi nào, ai viết ..? Nghịch lý hơn cả, đó là nếu là chứ cổ không hay chưa ai từng biết, thì cho rằng ngay cả Lê tiên sinh khám phá ra đi nữa, thì ai dạy tiên sinh cái loại chữ này? Nếu tự mò mẫm, thì ai dám quả quyết, chứng minh là Lê tiên sinh đúng hoặc sai? Ta làm sao mà biết bản Hán văn dịch đúng hay sai?
[52][52] Trần Nguyên Việt, "Nghiên Cứu Liên Ngành về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam - Thành Tựu và Triển Vọng," trong Nguyễn Trọng Chuẩn chb., sđd., ctr. 124-136.
[53][53] Trần Nguyên Việt, như trên, tr. 135.
[54][54] Nguyễn Hữu Vui, chb., Lịch Sử Triết Học (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998).
[55][55] Như trên, tr. 12 vtth.
[56][56] Giáo sư Nguyễn Tài Thư đã nhìn ra điểm này khi ông viết: "Nếu có một dòng tư tưởng chủ đạo thì nó phải thuộc vè điểm cuối cùng, chứ không phải điểm xuất phát. Phải là kết quả đã trải qua nghiên cứu chứ không phải là định đề có sẵn." Trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, sđd., Tập I, tr. 29.
[57][57] Ngoài các bộ sử về tư tưởng hay triết học của Viện Triết Học, của Ðại HọHà Nội, còn phải? kể đến: Doãn Chính, chb., Ðại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Ðông Cổ Ðại (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998); Doãn Chính, chb., Ðại Cương Triết Học Trung Quốc (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1997), hay Tập Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1999). Trước đây, đa số các bộ sử đêu do một cá nhân hoàn thành: Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim, hai bộ Lịch Sử Triết Học Ðông Phương cũng như Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của cụ Nguyễn Ðăng Thục, bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Thiền sư Nguyễn Lang, (2 Tập), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát (xuất bản gần đây, 1999), bộ Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam của Lm. Nguyễn Hồng (2 Tập), (1959); Duy Vật Lịch Sử (1949), Sự Phát Triển của Tư Tưởng Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám của Giáo sư Trần Văn Giàu; Lịch Sử Triết Học Phương Tây (1950) của Giáo sư Ðặng Thái Mai; Ðại Cương Triết Học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyển Hiến Lê, (2 Tập), (1964), vân vân.
[58][58] Công nhận triết học Việt là "chủ nghĩa ái quóc" có lẽ là lối nhìn chung của các học giả nước nhà, nhất là vào những thời kỳ chống ngoại xâm. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn nhận định, "tinh thần yêu nước" chỉ "tô điểm, trang sức thêm cho tinh thần độc lập, tự do." Xtkh. Nguyễn Khánh Toàn, "Về Cuốn Lịch Sử Ý Thức Hệ Việt Nam," trong Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Một Số Vấn Ðề Lý Luận Về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. (Hà Nội, 1984) (để lưu hành nội bộ), tr. 15.
[59][59] Ðây là lý do giải thích việc Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc cụ noi gương đức Giê-su, đức Khổng, nhà bác học Karl Marx và bác sỹ Tôn Dật Tiên: "Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của những vị ấy." Trích từ Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh Truyện (Thượng Hải: Nxb Tam Liên. 1949), tr. 91. Câu nói này được hầu hết các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trích dẫn.
[60][60] Như kinh nghiệm riêng của người chủ biên, phụ trách phần triết học Tây phương của Bộ Ðại Từ Thư Triết Học Trung Hoa (Hoa ngữ, 6 Tập, Ðại Học Phụ Nhân, 1986- đến nay), tôi đã mới nhiều học giả không phân biệt quốc gia, bao gồm Trung quốc, Nhật, người Hoa kiều bên Mỹ, một số học giả người Mỹ, Nga, Ðức, Ý. đóng góp, nhất là khi viết về triết học của các nước này. Về phần triết học Việt Nam, tôi từng mời Giáo sư Kim Ðịnh (1987) viết 1 tiết về Việt Triết.