Nguyễn Đức Thắng, SJ.
I. DẪN NHẬP
Nếu như triết học phương tây có xu hướng đưa con người tới những chân trời mới của tri thức, nơi đó, các triết gia tập trung nghiên cứu thế giới vật chất để nhận thức thế giới và cải tạo thế giới, thì triết học Trung Quốc nói chung và nho học nói riêng lại phần nào có xu hướng đưa con người khám phá ra “cái ngã” của bản thân mình. Đối với các triết gia Trung Quốc, việc nghiên cứu triết học không phải là một hành trình tìm kiếm tri thức vị tri thức. Nhưng đúng hơn, đó là làm sao để có thể vận dụng những tri thức vào việc thực hành để mang lại hạnh phúc cho con người, thay vì chỉ là những sự thảo luận suông. Đối với họ, điều quan trọng cần chú ý là việc khám phá ra “con người là gì” hơn là “con người có cái gì”. Vì thế, lý tưởng nà các triết gia muốn xây dựng là làm sao để con người có được cái đức của thánh nhân, đồng thời có được công nghiệp của vương đế.
Khổng Tử cũng xây dựng hệ tư tưởng của mình dựa trên quan điểm chủ đạo trên. Trong đó, ông phát huy đức “Nhân” như là một trọng tâm của đời sống đạo đức con người; và đối với ông, đức “Nhân” này là cái chi phối tất cả mọi hoạt động, tính cách của con người. Do đó, ông cho rằng con người cần rèn luyện để có được đức Nhân trong mối tương quan với chính mình và với người khác.
Trong phạm vi bài viết về đức Nhân của Khổng Tử này, người viết không nghĩ rằng mình có thể trình bày cặn kẽ tư tưởng cao sâu, thâm thúy của Khổng Tử trong việc bàn về đức Nhân. Điều này thực sự là một công việc vượt quá khả năng hạn hẹp của người viết. Tuy nhiên, để giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn phần nào phạm trù Nhân trong tư tưởng của Khổng Tử, người viết xin được trình bày cái hiểu nông cạn của mình về chữ Nhân dưới cái nhìn của Khổng Tử qua tác phẩm “Luận Ngữ”; đồng thời hệ thống lại phương pháp hành nhân mà Khổng Tử đã hướng dẫn ngang qua những cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và các học trò; từ đó nêu ra những suy tư khởi đi từ quan niệm giáo dục của ông để phản tỉnh về sự giáo dục con người hôm nay. Tuy nhiên, trước khi đi vào triển khai các đề mục này, người viết xin được trình bày khái quát khái niệm về chữ Nhân theo cách hiểu chung về từ ngữ, cũng như theo quan niệm của Khổng Tử.
II. KHÁI NIỆM CHỮ “NHÂN”
1. “Nhân” xét về mặt từ ngữ
Theo học giả Trần Trọng Kim, chữ Nhân (仁)gồm có bộ nhân (人)và bộ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý, nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một[1]. Tương tự như vậy, học giả Phùng Hữu lan cũng cho rằng “ Chữ Nhân 仁 gồm bộ thủ nhân (biến thể của chữ nhân(人), nghĩa là nhân ghép với chữ nhị(二). Tức nó ngụ ý những phẩm chất đạo đức trong quan hệ giữa người với người[2]. ngoài ra, cũng dựa vào mặt từ ngữ này, người ta còn diễn tả chữ nhân này như sau: từ nhân có hai bộ, bộ nhân người (人)vào bộ nhị ( 二); nghĩa là có ít nhất hai người trong thế giới này, và nhân là cách sống với nhau hay cách đối xử với nhau[3]
Như thế, xét về mặt từ ngữ của chữ “Nhân” từ các định nghĩa trên, chúng ta có thể tóm kết ý nghĩa của chữ “Nhân” này như sau: Nhân là phương thế giúp người ta sống với nhau. Đó là cách hành xử bình đẳng trong quan hệ giữa ta và người. Nhân là đức tính nối kết ta với người thành một.
2. Khổng Tử quan niệm về nhân
Để hiểu được quan niệm của Khổng Tử về chữ “Nhân”, có lẽ chúng ta cần xét đến cách những người trước thời Khổng Tử đã bàn luận thế nào về Nhân. Đồng thời chúng ta cũng cần tìm hiều một chút bối cảnh xã hội trong thời ông sinh sống. Từ đó, chúng ta sẽ có cái hiểu đúng hơn về quan niệm chữ “Nhân” của Khổng Tử.
Trước hết, các học giả nghiên cứu về triết học và lịch sử Trung Quốc có quan điểm khác nhau về phạm trù “nhân” trước thời Khổng Tử. Một quan điểm cho rằng chữ nhân chưa hề được đề cập đến trong các tác phẩm trước thời Khổng Tử [4]. Trong khi đó, một quan điểm khác lại nghĩ rằng thực ra người ta đã từng nói về chữ nhân trong một vài tác phẩm trước đó; chẳng hạn như trong hai thiên “ Thục vu điền” và “Lư linh” của Kinh Thi, hay trong thiên ‘Kim Đằng” của Thượng Thư đều đã đề cập tới chữ “Nhân” . Tuy vậy, chữ “Nhân” ở đây chỉ có ý nghĩa chính là “tình thương”. Hơn thế nữa, quan niệm này còn cho rằng chữ nhân đã phát triển thành triết lý, được coi như tiêu chuẩn tối cao trong hành vi của con người lại là sáng kiến của Khổng Tử[5].
Từ đây chúng ta có thể phần nào biết rằng, nếu chữ nhân đã được sử dụng trong các tác phẩm cổ điển trước thời Khổng Tử thì nó cũng chỉ mang ý nghĩa rất sơ sài và hạn hẹp. Chỉ đến thời Khổng Tử, chữ Nhân ấy mới được ông bổ sung và mặc cho nó nó những ý nghĩa mới, biến nó trở thành tâm điểm, thành cái bản chất nhất trong bản tính con người. Vậy, Khổng Tử đã quan niệm thế nào về phạm trù Nhân?
Sống trong thời điểm xã hội đang bị suy hoại về đời sống: vua chúa không đảm nhận đúng vai trò của mình; chư hầu, quần thần nổi loạn khắp nơi; dân chúng thì sống trong sự khốn khó, và băng hoại về đạo đức, chắc hẳn Khổng Tử đã có nhiều băn khoan và trăn trở đối với dân tình và quốc gia. Có lẽ tất cả những ưu tư này đã phần nào hình thành nên tư tưởng của ông liên quan đến giáo dục và chính trị, cụ thể ở đây là đức nhân.
Đối với Khổng Tử, Nhân trước hết là sự biểu lộ của thiên đạo trong đời sống con người. điều này ông giả định rằng trong con người phải có cái gốc Nhân nơi bản tính của mình, mà cái gốc Nhân ấy chính là cái con người đón nhận từ Thiên mà có. Nói khác đi, trong quan niệm của Khổng Tử, Nhân chính là Đạo, là mệnh[6]. Cái đạo hay mệnh ấy có suy có thịnh hay không thì lại do chính thiên mệnh quyết định: “Đạo chi tương hành dã hựu, mệnh dã”. Và từ quan niệm chính Thiên phú bẩm đạo đức cho con ngươi trên, ông cho rằng chẳng có ai có thể tước đoạt được cái đạo ấy, cũng như nếu người nào không có cái đạo ấy thì không đáng được gọi là người quân tử. Do đó, người quân tử phải là ngưởi kính sợ thiên mệnh, kính sợ đại nhân và thánh nhân – là những người đã thuận theo thiên mệnh, là những người đã thể hiện đạo. Như thế, có thể nói đối với Khổng Tử, ông cho rằng Nhân chính là cái mà con người được nhận lãnh tử Thiên. Thế nên, điều quan trọng để có được Nhân là hành động theo như mệnh chỉ bảo, không quan tâm tới sự thành bại bên ngoài.
Hơn nữa, Khổng Tử không chỉ cho Nhân là cái thiên mệnh, là đạo mà con người lãnh nhận được từ trời, ông còn cho rằng Nhân là cái vốn đã có sẵn trong con người. Bởi lẽ con người vốn có sẵn môt tiềm năng tự nhiên để trở nên tốt, nên thiện. “Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hĩ” [7](điều nhân vốn có xa gì ta, ta muốn thì nó đến). Tuy nhiên, vì cái Nhân vốn đã tồn hữu sẵn trong con người nhưng nó chưa được tỏ lộ cách rõ ràng. Nó cần được trải qua tu dưỡng rèn luyện và thực hành thì Nhân trong con người mới sáng lên. Đến lúc đó, Nhân mới có thể được tỏ hiện ra bên ngoài. Vì lẽ đó, ta hiểu được tại sao Khổng Tử nói rằng: “tính tương cận, tập tương dã”[8]. Bản tính con người lúc đầu vốn rất gần nhau, nhưng chính do sự giáo dưỡng, tiếp xúc và thực tập mà dần trở nên xa nhau. Ngoài ra, ông còn nói cho rằng: “chỉ cần không oán thiên, không trách cứ người khác, có chí học tập, dưới học nhân sự, trên đạt thiên mệnh”. Như thế, có thể tóm lại rằng Khổng Tử quan niệm về chữ Nhân có tính hai chiều. Một đàng khi con người để cho thiên chi phối, thuận lòng mình theo ý thiên thì có được Nhân. Đàng khác, con người có thể sở đắc được Nhân qua việc tu dưỡng, rèn luyện của bản thân. Nói rõ hơn, Nhân chính là thành quả, của sự chịu khó làm lụng “Nhân giả tiên nan nhi hậu hạnh, khả vị, nhân hĩ”[9].
Ngoài ra, nếu xét quan niệm của Khổng Tử trong một phạm vi lớn hơn là xã hội, ta thấy ông còn bàn luận về nhân chính là lòng thương người. Nói đúng hơn, Nhân theo ông là một đức tính bao quát tất cả đạo lý. Quả vậy, theo học giả W. T. Chan, Chính Khổng Tử là người đầu tiên đã nói về chữ nhân như là nhân đức phổ quát, là toàn đức (general virtue)[10]. Với ý nghĩa chữ Nhân theo nghĩa rộng này, ta thấy Nhân đã chi phối toàn bộ tư tưởng triết học của Khổng Tử nói riêng và của Nho giáo sau này nói chung. Quan niệm của ông về Nhân không chỉ dừng lại ở việc tu luyện, giáo dưỡng bản thân cho thành danh thành tài, Nhưng Nhân phải hệ ở tại “phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, đồng thời “sở kỷ bất dục vật thi ư nhân”[11] – Phàm là người nhân thì khi mình muốn tự lập tự cường thì mình cũng khao khát cho người khác được như thế; mình muốn thành đạt thì cũng cầu mong sao cho tha nhân được thành đạt; và ngược lại, điều gì mình không muốn, không thích thì cũng là điều mà mình cần tránh gây ra cho người ta. Chính vì quan niệm Nhân như thế, Khổng Tử đã từng ví von những người bất nhân tương tự như chứng bệnh tê “ma độc bất nhân” để diễn tả những người không có khả năng cảm thông và liên đới với người khác bằng tình yêu.
Tuy nhiên, khi Khổng Tử nói Nhân đòi hỏi phải yêu người, quý người nhưng điều đó không có nghĩa là ông chủ trương yêu tha nhân cách “mù quáng”. Đối với ông, việc yêu người còn phải có sự phân biệt thị phi, thiện ác. Ái nhân của ông không hàm nghĩa “ái vô sai đẳng”, nhưng là yêu người nào đáng yêu và ghét người nào cần ghét[12]. Tuy nhiên, trong cái ghét ấy của ông cũng cho thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa người làm điều xấu và việc làm xấu. Chính vì thế, khi ông nói cần ghét những người làm điều xấu nhưng không phải vì vậy mà ông “loại trừ” hay ghét bỏ họ cho bằng ghét những hành vi xấu xa của họ. Do đó, ông luôn chủ trương “giáo hóa vô loài”, nghĩa là ông không có sự phân biệt thị phi người xấu kẻ tốt; và như thế, chữ “Nhân” của ông không chỉ mang ý nghĩa là yêu người mà còn là hoàn thiện người
Nói tóm lại, xét về quan niệm Nhân của Không Tử, chúng ta có thể thấy ông bàn vể Nhân dưới hai phương diện. Một đàng, chữ Nhân ấy được hiểu theo mối tương quan chiều dọc giữa người với thiên; đàng khác, nó cũng được hiểu theo mối liên hệ chiều ngang giữa người với người. Từ quan niệm về Nhân như thế này, Khổng Tử đã “mặc” cho Nhân một ý nghĩa mới có tính toàn vẹn vào bao quát các nhân đức của con người.
III. HÀNH NHÂN THEO QUAN NIỆM KHỔNG TỬ
Khi được các học trò hỏi vể việc hành Nhân, Khổng Tử đã có những hướng dẫn khác nhau tùy theo phạm vi và đối tượng
1. Xét về phạm vi
Khổng Tử nhìn nhận “Nhân” như là một nhân đức toàn hảo. Tuy nhiên, nhân đức hoàn hảo này ai ai cũng có thể đạt được, vì tự Nhân đâu có ở xa ta, nó ở trong lòng mỗi người. Hơn nữa, có Nhân là có được sự hài hòa xã hội – một xã hội mà mọi người được bình đẳng, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, theo Khổng Tử, Nhân cần được thực hành nơi các phạm vi bản thân, gia đình và xã hội.
Trước hết, xét trong mức độ bản thân, Khổng Tử đòi hỏi người muốn có đức Nhân thì phải biết “khắc kỷ phục lễ”[13]; nghĩa là phải làm chủ lòng dục vọng của mình, không để các dục vọng ấy chi phối, gây rối loạn cuộc sống của mình cũng như của người khác. Hơn nữa, lúc nào người ta còn quy kỷ, còn tìm và sống cho những tư dục của mình thì người ta chẳng những không ra khỏi thế giới riêng tư của họ để hướng tới người khác mà chính bản thân họ cũng trở nên băng hoại. Ngoài ra, bên cạnh việc khắc kỷ, hành Nhân còn đòi hỏi người muốn có Nhân phải “phục lễ”; nghĩa là tuân theo những lễ chế, những quy định của xã hội của truyền thống, văn hóa. Đối với Khổng, Nhân và lễ dường như có một mối tương quan vô cùng mật thiết. Một đàng, để có Nhân người ta phải thi hành lễ; nhưng đàng khác, nếu chỉ thi hành lễ mà không có lòng nhân thì lễ nhạc cũng chẳng có ích gì[14]. Như thế, dù Nhân và lễ cùng song hành nhưng Nhân là lẽ chính trong đời sống con người. Người không Nhân thì dường như cũng không còn lương tri, lương năng; và nếu không có lương tri, lương năng thì dùng lễ nhạc có ích gì. Hơn nữa, xét ở phạm vi cá nhân, Khổng Tử nói người muốn có đức Nhân thì phải chịu làm lụng vất vả[15], sau đó mới có được thành quả của đức Nhân.
Kế đến, trong phạm vi gia đình, Khổng Tử cho rằng hiếu đễ chính là gốc của Nhân “hiếu đễ da giả, kỳ vi nhân chi bổn dư” (Luận ngữ, Học nhi, 2). Trong mối tương quan gia đình, làm con thì phải hiếu: khi cha mẹ còn sống thì phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ đã khuất thì phải chôn cất cho có lễ, cũng như phải cúng tế để tang. Hiếu với cha mẹ còn có nghĩa là sống làm sao để cha mẹ vui, tránh khổ đau cho cha mẹ. Hơn thế nữa, hiếu với cha mẹ còn phải thể hiện sự tôn kính, cung dưỡng trong đời sống hằng ngày. Còn đối với người thân như anh chị, người trên…thì phải giữ nết đễ, nuôi lòng hòa thuận, không xúc phạm đến người trên. Nói tóm lại, với Khổng Tử, bên cạnh việc tu thân bằng cách “khắc kỷ phục lễ”, người muốn có đức nhân phải sống sao cho hợp với đức hiếu đễ, bởi người ta có được đức Nhân một phần là nhờ sự hiếu đễ.
Ngoài ra, xét trong phạm vi rộng hơn là xã hội, Khổng Tử cho rằng việc hành nhân trước hết chính là yêu người. Sự yêu người này được thể hiện qua việc trung và thứ với người. Trong đó, trung nghĩa là tận tình với lòng mình, là yêu người, hết lòng với người. Thứ là xét lòng mình mà làm cho người những gì mình muốn và tránh làm cho người khác những điều mình không ưa thích. Thêm vào đó, Nhân còn còn cần được thể hiện ra ngoài qua cung cách ứng xử “khi ra khỏi nhà, phải giữ cho nghiêm trang kính cẩn…phải sống sao cho trong nước không ai oán mình, ở nhà chẳng ai ghét mình”[16]; nghĩa là phải giữ gìn dung mạo cho thật khiêm cung, khi ra làm việc thì phải thi hành cách kính cẩn, khi giao thiệp với người phải giữ dạ trung thành (Luận ngữ, Tử lộ, 19).
Nhìn chung, xét việc hành nhân theo phạm vi, ta có thể thấy Khổng Tử cho rằng hành nhân là một tiến trình từ trong ra ngoài, hoàn thiện và cải biến từ bản thân đến việc xây dựng tốt tương quan với gia đình và xã hội.
2. Xét về mặt đối tượng
Nếu như nhìn dưới khía cạnh phạm vi, chúng ta thấy phương pháp hành nhân theo quan niệm của Khổng Tử làm một tiến trình nhằm thay đổi giá nội tại nơi bản thân lẫn những giá trị ngoại tại trong tương quan với gia đình và xã hội. Chúng ta cũng thấy những mức độ hành nhân khác nhau tùy theo từng đối tượng mà Khổng Tử hướng dẫn.
Trước hết, đối với Mã Ngưu, vốn là một người có tính nóng nảy, hay nói và phô trương, Khổng Tử khuyên ông hành Nhân là phải biết nhịn nói[17], hay nói đúng hơn là phải cẩn trọng trong ăn nói. Bởi lẽ nói thì dễ, làm mới khó. Nếu lời nói không đi đôi với làm, nếu ngôn hành bất nhất thì không được chữ Tín đối với mọi người. Không có được chữ tín đối với mọi người thì cũng chẳng tương quan được với người, và như thế hành Nhân trong trường hợp của Mã Ngưu một phần khởi đi từ việc dựng “Tín”, cụ thể là “ngôn hành hợp nhất”.
Còn đối với Phàm Trì, vốn là người có phần nặng về tư lợi, không quan tâm nhiều tới người khác, Khổng Tử dạy ông rằng “hành nhân không gì khác hơn là yêu người”[18]. Chính vì tình yêu này, người ta đòi hỏi phải ra khỏi lòng yêu mình. Hơn nữa, xuất phát từ lòng yêu người này mà Khổng Tử khuyên Phàm Trì phải giữ cho mình được thái độ khiêm tốn và chân thành trong ứng xử đối với người. Làm được như thế, đối với người trong địa vị của Phàm trì thì đây cũng đáng được gọi là Nhân rồi! (Tử lộ, 19).
Trong trường hợp của Trọng Cung, ông là người muốn làm chính trị, là người có đức hạnh, Khổng Tử khuyên rằng hành nhân là phải biết thứ: “khi ra khỏi nhà, mình phài sống sao cho nghiêm trang kính cẩn dường như sắp gặp khách quý; khi sai dân làm việc công thì mình phải sáng suốt thận trọng nghĩ tới dân” (Nhan Uyên 2). Tương tự như vậy, Tử Trương cũng là một người ham muốn nghiệp chính trị, ham học hỏi, tính tình phóng khoáng, thích làm việc khó nhưng đôi khi cầu thả. Đối với ông, Khổng Tử khuyên “hành nhân là thực hiện năm đức: tự mình nghiêm trang chỉnh tề, có lòng rộng lượng, có đức tín thành, mau mắn siêng năng, thi ân bố đức”. Quả vậy, “ nếu lòng mình rộng lượng thì mình thu phục được lòng nhân, nếu mình có đức tín thành thì người tin cậy mình, nếu mình mau mắn siêng năng thì làm được nhiều việc, nếu mình thi ân bố đức thì mình sai khiến được người” (Dương Hóa, 6). Như thế, với những người mong nghiệp chính trị và có tài đức như Trọng Cung và Tử Trương, Khổng Tử dường như khuyên họ hành nhân bằng cách xây dựng mối tương quan giữa họ với người, cũng như bằng cách sống gương mẫu cho dân chúng noi theo.
Ngoài ra, đối với Nhan Hồi, người vốn được Khổng Tử đánh giá là một người giữ Nhân tốt nhất trong số các học trò. Bàn về đức Nhân với ông, Khổng Tử cho rằng “hành Nhân chính là khắc kỷ phục lễ” (Nhan Uyên 1); nghĩa là chế ngự lòng tư dục, thuận theo lễ tiết. Nói rõ hơn, nếu cái gì mình thấy không hợp lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói và đừng làm”. Như thế, có thể nói rằng hành Nhân ở đây chính là quay về với lòng mình, nhận định, xem xét để có thể làm chủ ngũ quan, cũng như để hành động sao cho hợp với đạo lý, lễ chế xã hội.
Nói tóm lại, tùy theo từng tính cách, vị trí, nghề nghiệp mà Khổng Tử khuyên người ta sống sao cho hợp với Nhân. Đây chính là qua điểm thuyết chính danh của ông: người làm chính trị thì có cách hành Nhân của người chính trị, người làm thầy giáo thì có cách hành Nhân của người thầy giáo,người bình dận có cách hành Nhân của người bình dân…Dầu có một chút khác biệt tùy từng người từng hoàn cảnh, nhưng việc hành Nhân theo Khổng Tử vẫn nằm trong việc xây dựng bản thân và mối tương quan giữa người với ta. Hai điều này tùy theo phạm vi hay đối tượng mà có sự nhấn mạnh ở đều này hơn hay điều kia hơn. Tuy vậy, hai điều này luôn song hành với nhau trong việc hành nhân của con người.
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHÂN – CHIẾC CẦU NỐI KẾT TRONG ĐỨC DỤC VÀ TRÍ DỤC
Hiểu được quan niệm về phạm trù nhân của Khổng Tử, cũng như hiểu được việc hành Nhân theo quan điểm của ông, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của Nhân trong đời sống con nguời. Đồng thời, ta cũng thấy được “Nhân” như là tâm điểm mà từ đó Khổng Tử dùng để xây dựng hoặc phát triển các nhân đức khác cũng như xây dựng tri thức trong giáo dục.
Vì lẽ đó, Nhân là cái đạo của người quân tử. Người quân tử dừ có xảy ra điều gì chăng nữa cũng không không bao giờ được phép bỏ điều Nhân. Ngay cả khi phải đối diện giữa giàu có với nghèo hèn, điều Nhân vẫn luôn phải là “hành trang” họ mang bên mình. Vì vậy, dù chỉ phải bỏ điều Nhân trong khoảng một bữa ăn, người quân tử cũng không bao giờ làm điều sai trái ấy[19]. Hơn nữa, cũng vì tính chất quan trọng của đạo Nhân, người ta cũng không thể làm tổn hại đến đức Nhân, dù không làm như thế có thể phải hy sinh cả tính mạng (Vệ Linh Công, 8). Nói cách khác, người ta phải sẵn sàng hy sinh cả bản thân để bảo vệ điều Nhân. Đời sống con người chỉ có ý nghĩa khi sống và giữ gìn đức Nhân, và như thế nếu mất đức Nhân thì cuộc sống ấy chẳng còn đáng sống. Ngoài ra, những người ao ước và khát khao làm điều Nhân thì không khi nào để vuột mất cơ hội, dù cho có phải tranh giành với thầy mình (Vệ Linh Công, 35).
Nói tóm lại, với Khổng Tử, đức Nhân không cho phép người ta chần chừ hay làm trái đạo lý, dù chỉ trong khoảng khắc ngắn. Người ta phải chiến đấu để bảo vệ Nhân, cũng như tận dụng mọi cơ hội để hành Nhân, dù cho có phạm đến đời sống của mình về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhân dường như được ông đặt trên bậc cao nhất so với mọi thứ khác. Đồng thời, ông để cho Nhân chi phối toàn bộ tư tưởng triết học của ông, cụ thể là trong triết lý về giáo dục
Trước nhất, nhân được ông coi là cái quy định bản tính con người thông qua Lễ, Nghĩa, Hiếu; quy định mối quan hệ giữa người với người bằng Trung, Thứ, Tín. Nhân đã liên kết với các phạm trù đạo đức khác để làm thành một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ. Do vậy, có thể nói rằng nếu coi các phạm trù đạo đức khác là những vòng tròn đồng tâm thì Nhân chính là tâm điểm, là cái bản chất nhất trong bản tính con người.
Từ việc đặt Nhân ở vị trí tâm điểm này, Khổng tử đã nối kết việc giáo dục tri thức với việc giáo dục đạo đức với nhau. Viêc giáo dục của ông không chỉ đặt nặng trên phương diện kiến thức mà quan trọng hơn là giáo dục đạo đức. Vì lẽ đó, ông chấp nhận “giáo hóa vô loài”, không phân biệt thị phi. Hơn nữa, ông dựa vào tính cách, nghề nghiệp của từng người mà giáo dục nên giáo huấn của ông mang đậm nét đức dục hơn trí dục. Thêm vào đó, Khổng Tử dạy học trò không phải vì muốn tạo lập cho mình một học phái, một tôn giáo nhưng là muốn giúp cho môn sinh trở thành những nhà lãnh đạo, những người có ích cho cộng đồng và xã hội. Với những mục đích như thế, Khổng Tử góp phần làm cho Nhân trở thành một nhân đức quan trọng cũng như đã biến nó thành chiếc cầu nối giữa trí dục và đức dục.
V. SUY TƯ PHẢN TỈNH VỀ GIÁO DỤC CON NGƯỜI HÔM NAY
Từ những bàn luận của Khổng Tử về Nhân, chúng ta đã thấy được đường hướng giáo dục con người của ông đặt trên nền tảng đức dục lẫn trí dục. Đó là một phương pháp giáo dục có tính toàn vẹn, tổng thể. Và kết quả là ông đã giúp “sản sinh” ra vô số những con người có ích cho xã hội thời đó.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên, điều này không làm cho tư tưởng Nhân của Khổng Tử không còn ý nghĩa đối với việc giáo dục hôm nay.
Trước hết, chúng ta đang sống trong một xã hội với nhiều tiện nghi, một xã hội đề cao trí dục. Người nào càng có tri thức vững chắc, càng có nhiều tiền tài, càng được coi là thành công trong xã hội. Mức thang giá trị con người dường như được đặt nền trên vốn trí thức và tài sản mà người ta sở hữu. Tuy nhiên, khi quá nhấn mạnh tới những điều này người ta lại vô tình và thậm chí là cố ý để bỏ quên đi vấn đề đức dục. Hệ quả này dẫn đến một sự mất quân bình trong đời sống con người. Từ đó, không ít những vấn đề mà xã hội chúng ta đang phải đối diện hiện nay liên quan đến đạo đức truyền thống cần phải được đặt lại, chẳng hạn như hiếu đễ, tôn sư trọng đạo, tín, trung, thứ…
Việc mất cân bằng giữa trí dục và đức dục làm thành những “dị nhân” cho xã hội. càng có nhiều kiến thức trong tình trạng thiếu đạo đức thì đời sống con người ngày càng băng hoại. Vì lẽ đó, nhiều người trong xã hội ngày nay chỉ biết “ lao vào” đời sống hưởng thụ, buông thả thay vì sống một lối sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nếu đem so sánh điều này với quan điểm giáo dục của Khổng Tử, điều này hoàn toàn trái ngược với việc hành Nhân “ khắc kỷ phục lễ” của ông khi xưa.
Hơn thế nữa, càng có nhiều tiện nghi, nhiều tự do về quyền cá nhân, con người ngày nay dường như lại càng trở lên “đóng kín” vào chính mình. Hay nói đúng hơn, họ gần như ngày càng trở nên vị kỷ và sống cho những giá trị bên ngoài như công danh, tiền tài…Người được coi là “quân tử” thời nay dường như là những người có nhiều tiền nhiều địa vị hơn là nhiều nhân đức.[20]
Ngoài ra, như đã nói ở trên, chữ Hiếu vốn đã được Khổng Tử coi là gốc của Nhân. Trong xã hội ngày nay, chữ hiếu dường như phần nào cũng bị suy giảm. Một mặt, xã hội chúng ta ngày càng tiến bộ hơn, người ta không còn thói quen sống hai ba thế hệ chung trong một mái gia đình. Điều này chắc hẳn phần nào cũng làm hạn chế mối tương quan giữa con cái, cha mẹ, ông bà. Hơn thế nữa, con người ngày càng đẩy mạnh sự tự do cá nhân và tự lập. Điều này phần nào cũng có những nét rất tích cực; nhưng đồng thời nó cũng góp phần làm tổn hại đến tình cảm của các thành viên trong gia đình. Và như vậy, Giáo dục chữ Hiếu cũng dần đánh mất giá trị tốt đẹp của nó. Thêm vào đó, như mọi người đều nhìn nhận “gia đình chính là nơi việc giáo dục đạo đức tốt nhất” nhưng những nhu cầu và nhưng gì xã hội hiện đại cung cấp cho con người dễ làm cho họ đánh mất đi môi trường giáo dục nhân đức này.
Ngoài ra, một khía cạnh khác từ hậu quả của sự mất quân bình trong giáo dục là sự rạn nứt các tương quan xã hội. Nếu như quan điểm giáo dục của Khổng Tử đòi buộc người ta “yêu người như mình” thì ngày nay giáo dục của chúng ta phần nào thiếu ý thức về khía cạnh này. Thay vào đó, quan điểm được thay thế dường như là “kẻ nào mạnh người ấy thắng” cùng với việc “đèn nhà ai người ấy tỏ”. Con người trong xã hội dường như đánh mất dần mối tương quan của mình với người khác, hoặc nếu có được mối tương quan, thì điều ấy có lẽ cũng chỉ nhắm đến mục đích vụ lợi cá nhân. Sự đề cao độc quyền, đề cao chuyên môn hóa, toàn cầu hóa…một mặt chúng có những đóng góp đáng kể cho xã hội, nhưng đồng thời chúng góp phần làm gia tăng bất công và sự ích kỷ nơi con người.
Nói tóm lại, nếu lấy quan điểm Nhân của Khổng Tử soi chiếu cho hiện trạng giáo dục hiện nay, chúng ta thấy có quá nhiều vấn đề phát sinh từ việc coi nhẹ tầm quan trong của đức dục. Vì thế, vấn nạn được đặt ra ở đây phần nào cho thấy con người ngày này có lẽ cần quay lại với những giá trị tốt đẹp trong việc giáo dục mà Khổng Tử đã đưa ra là sự kết hợp hài hòa giữa đức dục và trí dục, hay nói đúng hơn là sự ưu tiên cho đức dục. Vì có lẽ, chẳng bao giờ là thừa nếu người ta biết sống thăng hoa vượt lên những tư dục, đam mê bất chính của con người. Đồng thời, việc xây dựng mốt mối tương quan lành mạnh với gia đình và xã hội theo đạo Nhân góp phần làm cho con người ngày càng trở lên người hơn.
……………..
[1] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Quyển Thượng, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, Trang 44.
[2]Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc ( bản dịch tiếng việt của Lê Minh Anh, nxb: Khoa học Xã hội, 2006).
[3]http://www.chinese-word-roots.org/cwr011.htm (The word 仁 has two radicals, radical ( 人 , man) and radical ( 二 two) . That is, there are at least two men in this world, and 仁 is the way to live with others or the way to govern others.)
[4] Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb: Thanh niên, 2006, Tr. 361 – 62.
[5]Ngô Quân, Bảy Đại Triết Gia Trung Quốc Đời Chu – Tần (đọc từ website: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntn3ntnqn31n343tq83a3q3m3237nvn
[6] x. Trương Lập Văn, Thiên, Nxb: Khoa học xã hội, 2003, Tr. 100 – 105.
[7] Khổng Tử, Luận ngữ, Thuật Nhi, 29 (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, NXb: Văn Học, 1995).
[8] sđd, Dương Hóa, 2.
[9] sđd, Ung Dã, 20.
[10] Hall, David L.; Ames, Roger T., Thinking Through Confucius, State University of New York Press,1987, tr.111.
[11]Khổng Tử, Luận ngữ, Ung dã, 28 và Nhan Uyên, 2.
[12] sđd, Dương Hóa, 24.
[13] sđd, Nhan Uyên, 1.
[14] sđd, Bát Dật, 3.
[15] sđd, Ung Dã, 20.
[16] sđd, Nhan Uyên, 23.
[17] Sđd, Nhan Uyên, 3.
[18] Sđd, Nhan Uyên, 21.
[19] Sđd, Lý nhân, 5.
[20]Quan điểm về “người quân tử” của Khổng Tử là những người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh.