Friday, 24 January 2020 11:18

Tìm Hiểu Và Nghiên Cứu Triết Học Ấn Độ Featured

TÌM HIỂU

VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ

Tác giả: Lm. Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, OP.

***

***

 

PHẦN I - TRIẾT HỌC BÀ LA MÔN

      CHƯƠNG I:    NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT

      CHƯƠNG II:   CÁC DARSANA

PHẦN II - CÁC HỌC THUYẾT KHÔNG CHÍNH THỐNG

      CHƯƠNG I:    HOÀI  NGHI CHỦ NGHĨA,
                              DUY VẬT CHỦ NGHĨA và TẤT ĐỊNH CHỦ NGHĨA

      CHƯƠNG II:   JAINA

PHẦN III - NHỮNG QUAN NIỆM TRIẾT LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC CĂN BẢN CỦA ẤN ĐỘ

      CHƯƠNG I:     QUAN NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ CỦA ẤN ĐỘ

      CHƯƠNG II:    VŨ TRỤ QUAN VÀ  NHÂN SINH QUAN CỦA ẤN ĐỘ

      CHƯƠNG III:   TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ CỦA ẤN ĐỘ

      CHƯƠNG IV:   TRIẾT LÝ VỀ HÀNH TÁC

      CHƯƠNG V:    TRIẾT LÝ VỀ VIÊN MÃN


***
PHẦN I

TRIẾT HỌC BÀ LA MÔN

CHƯƠNG I: NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT

 

I. KHÁI NIỆM VỀ DARSANA

Triết học với tính cách là một khoa học chuyên môn trước hết được Ấn Độ quan niệm như một phương pháp điều tra. Thật vậy, những danh từ Tarka, Nyâya mà người ta dùng trước đây để chỉ định môn “Triết”, chứng minh điều đó. Vì Tarka có nghĩa là phương pháp, cách thức. Những chữ người ta hay dùng hơn cả là Anviksiki, biến thiên từ tự gốc ỵks – nhìn, hợp với tiếp đầu ngữ Anu (theo sau), Anviksiki có nghĩa là điều tra, khảo cứu các triết thuyết được gọi là mata (quan điểm) hay là Vâda (học thuyết). Nhưng sau này người ta hay dùng chữ Darsana, biến thiên từ tự gốc Drs (thấy) để chỉ định các ngành triết thuyết Ấn Độ.

Theo nghĩa hẹp, Darsana có nghĩa quan điểm (vue), nhưng người ta thường dịch là hệ thống (systèmes). Nhưng cả hai dịch đều có lý. Darsana là hệ thống, vì đó là những khái niệm được đúc kết thu gom lại. Darsana là quan điểm, vì đó là những  cái nhìn về những quan điểm khác nhau trong phạm vi triết học. Đó cũng còn được gọi là các trường phái vì đã được truyền lại từ các guru tới các đồ đệ (siya), thường thường ít khi học sáng tác những tác phẩm độc đáo, trái lại chỉ bình giảng những bản văn được coi là căn bản của hệ thống, cũng có khi chỉ là truyền lại những lời bình giải về các bản văn ấy thôi. Thực ra, đôi khi họ cũng chỉ là trung thành với tư tưởng nguyên thủy mà thôi. Những bản văn kia thường được thu tập lại thành những sùtra, nghĩa đen là “đây”,  ở đây có nghĩa là khái luận; hoặc cũng còn gọi là Kàrikà hay những câu thơ để nhớ trong đó người ta thu tóm các học thuyết lại thành những công thức cô đọng đến mức tối đa để cho người ta dễ nhớ. Những công thức ấy dĩ nhiên cần được bổ khuyết bằng những lời giảng dạy của các guru.

Sau hết, cũng cần biết rằng Darsana không chỉ có nghĩa là những quan điểm triết học, mà còn có nghĩa rộng bao hàm cả những lãnh vực khác nữa.

II. CÁC QUAN ĐIỂM BÀLAMÔN

Các học thuyết Jaina và Phật Giáo đôi khi cũng được gọi là những Darsana. Tuy nhiên, danh từ này được áp dụng đặc biệt cho những hệ thống tư tưởng Bàlamôn công nhận quyền bính của Veda, Brâmana và Upanisad. Do đó còn gọi được rằng đó là những Darsana chính thống, đối lập với những Sarsana bị coi là tà thuyết đó là Jaina, Phật Giáo và phái Duy Vật, đôi khi người ta còn gọi chung các hệ thống chính thống bằng danh từ  Nâstikya.

III. NGUỒN GỐC CÁC DARSANA

Các Darsana chính thống được hệ thống hóa trong khoảng thế kỷ II và V (?) thuộc kỷ nguyên hiện đại, vào thời đại mà sinh hoạt tâm linh và văn hóa Ấn được phát động trong chiều hướng phản ứng lại những cuộc xâm lăng của ngoại bang, và nền văn hóa này đạt tới mức độ huy hoàng vào thời Gupta. Dĩ nhiên trước khi được hệ thống hóa các tư tưởng kia đã có từ lâu, một số tư tưởng chính yếu có thể bắt nguồn từ  thời Upanisad, có khi còn xa hơn nữa. Nếu người ta tin vào tác phẩm: Arthasastra được gán cho Kautilya, thì vào thời Candragupta và Maurya (cuối thế kỷ IV B.C) hai hệ thống Sàmkhya và Yoga đã được hình thành. Sau đó ngành tâm lý và luận lý bắt đầu phát triển một phần nào đó trong các giới y sĩ. Người ta đã thu thập tất cả những yếu tố đó để lập thành “triết học” cổ  điển của triết học Bàlamôn. Cũng có thể là sự hệ thống hóa triết học Bà la môn được thực hiện do phản ứng đối phó với học thuyết của Phật giáo.

IV. TỔNG HỢP LỤC PHÁI

Có thể là từ nguyên thủy các quan điểm của các hệ thống Bàlamôn đã hướng về một sự hòa điệu nhưng không được hệ thống hóa chặt chẽ, rồi mỗi phái đi mỗi đường, tuy rằng vẫn đối diện với cùng những vấn đề. Kết quả là mỗi bên đi tới chỗ chuyên môn một vấn đề, nhờ đó, đôi khi có thể bổ túc cho nhau. Các quan điểm dị biệt góp lại thành một cái nhìn toàn diện về vũ trụ.

Phái Sâmkhya tìm hiểu các yếu tố tạo thành thế giới tâm linh và vật chất, và họ khám phá ra hai bình diện: bình diện hiện tượng, đó là Prakriti, và bình diện siêu việt, Purusa. Phái Yoga dựa vào sự khám phá trên đây tìm ra cách chế ngự cơ cấu tâm lý và sinh lý để đi từ bình diện Prakriti đến Pursa. Phái Vaisesika thì lại chuyên lo phân tích vật chất và các phạm trù khái niệm, còn phái Nyâya chuyên chú về luận lý. Phái Mimâmsâ thì lại khảo sát cái không là vật chất cũng chẳng là tâm linh, đó là Veda, trong đó nội dung của Dharma đã được ấn định. Còn phái Vedânta muốn nhìn xa hơn thực tại cao cả là Veda để đạt tới hữu thể tuyệt đối. Như vậy, chúng ta thấy rằng các Darsana cứ từng đôi một bổ túc cho nhau: Sâmkhya bổ túc cho Yoga, một bên là lý thuyết bên kia là thực hành; Vaisesika và Nyâya bổ túc cho nhau, vì một bên phan tích vật chất môt bên tâm linh; Mimâmsâ và Vedânta cũng bổ túc cho nhau, một bên khảo sát Veda, một bên vượt xa tới cái gì ở bên kia Veda. Tóm lại, lục phái bao hàm mọi lãnh vực. Trong các trường phái Bàlamôn, người ta bắt đầu học Nyâya, Vaisesika, rồi đến Sâmkhya-Yoga; sau cùng là Mimâmsâ-Vedânta. Người ta muốn từ tri thức gần và trực tiếp nhất tới khoa học về tuyệt đối.

V. KÍCH THƯỚC TRIẾT LÝ VÀ TÔN GIÁO CỦA DARSANA

Ngoài tính cách triết lý, các Darsana Bàlamôn còn có tính cách tôn giáo, bởi vì chúng thuộc truyền thống Bàlamôn, và nhất là vì chúng đưa người ta đến một thứ tri thức giải thoát. Thật vậy, vì là thứa tự các Bràhmana và Upanisad. Lục phái Bàlamôn cũng quan niệm rằng hạnh phúc tối cao chỉ cói thể đạt được nhờ tri thức. Theo tinh thần các Brâhmana, ai thuộc các công thức và biết các nghi lễ thì đạt tới mục đích tối hậu, nếu thế thì các đồ đệ phái Mìmâsâ càng có thể đi xa vì họ hiểu biết chính những bí mật của các công thức kia. Theo tinh thần của các Upanisad, ai biết Brahman và Âtman còn vượt xa gấp bội, vì tri thức đó đưa tới câm giác đồng nhất vời hữu thể tuyệt đối. Như thế có nghĩa là con đường trí huệ, Jnânamârga làm cho con người vượt lên trên ý thức tầm thường thoát khỏi những ảo tưởng làm cho con người lạc hướng, lầm đường để đi tới giải thoát. Triết lý của Darsana đồng thời soi sáng và giải thoát, và nói giải thoát bởi vì nó soi sáng con người.

Nhưng tính các tôn giáo không làm cho các Darsana mất tính các triết lý, bởi những quan điểm về thế giới vũ trụ vẫn là những gì thiết yếu. Ngay cả quan điểm phái Yoga có vẻ thực hành và ít triết lý nhất cũng được coi là một quan điểm triết lý ngang hàng với Darsana khác với tính cách nó là phương pháp thâm hiểm và chế ngự tâm linh vô thức, những trang thái tâm linh mà nhời phương pháp đó người ta đạt được vượt ra ngoài cảm quan và tư tưởng bình thường, do đó, nó "bổ túc" cho các quan điểm khác.

VI. TƯ TƯỞNG CÁC DARSANA VÀ NỀN VĂN HOÁ ẤN ĐỘ

Tuy là những quan điểm, Darsana của Bàlamôn, nghĩa là quan điểm của phái chính thống Ấn độ, nhưng sự tìm hiểu các quan điểm đó cần thiết cho sự hiểu biết sâu xa nền văn hoá Ấn độ, bởi vì ảnh hưởng của các Darsana đó không chỉ giới hạn trong giới hiền triết mà thôi, mà còn rộng rãi hơn thế nữa. Thật vậy, hầu như mọi học giả, lãnh tụ phải biết đến học thuyết Nyâya, còn học thuyết Mìmâsâ ảnh hưởng rất nhiều đến học phái Ấn. Tất cả văn chương cổ điển đều bị ảnh hưởng của phái Sâmkhya và Védânta không những trên phương diện danh từ mà còn cả trên phương diện tư tưởng nữa. Chẳng hạn như quan niệm rằng thế giới ngoại tại chỉ là một Mâyâ, ảo tưởng, một giấc một, hay là quan niệm cho rằng các giác quan khôing phải chỉ là những cơ quan thụ dộng, nhưng chính là những năng lực chủ động tạo ra những tri giác, bằng các lấy những yếu tố từ thế giới bên ngoài.

------------------

* Lm. Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, OP.; Cử nhân Thần Học, Tiến sĩ Triết Học, Giáo sư: Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Học viện Liên Dòng Phaolo Nguyễn Văn Bình,...