Antonio Maria Artola[1]
Lm. Nguyễn Tất Trung, OP. chuyển ngữ
“Những điều do Thiên Chúa mặc khải, được chứa đựng và trình bày trong Kinh Thánh, đều được viết ra do ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là Mẹ trung thành với đức tin của các thánh Tông Đồ, công nhận rằng : tất cả các sách Cựu và Tân Ước, cùng với mọi phần của chúng, đều là Sách Thánh và ghi vào Thư Qui, bởi lẽ chúng được viết ra nhờ ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31 ; 2 Tm 3,16 ; 2 Pr 1,19.21 ; 3,15-16). Thiên Chúa là tác giả của Sách Thánh, và chúng được trao phó cho Hội Thánh trong tình trạng như thế. Nhằm viết Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ để, khi Người hoạt động trong họ và nhờ họ, với tư cách là tác giả đích thực, họ viết ra tất cả và chỉ những gì Người muốn” (Hiến chế tín lý về Mặc Khải, Dei Verbum, số 11).
Bối cảnh lịch sử của Hiến chế tín lý Dei Verbum
Công Đồng Vaticanô I đã long trọng xác định tín điều về ơn linh hứng. Sau đó, cùng một cách như thế, Công Đồng Vaticanô II đá tái xác nhận. Việc làm của Công Đồng Vaticanô II được coi như kết tinh từ những ý kiến của Huấn Quyền thông thường trong Hội Thánh, đã được bộc lộ suốt thời gian kéo dài giữa hai Công Đồng.
Chính Công Đồng Vaticanô II sử dụng lại ngôn ngữ rút từ các ý kiến kể trên để trình bày một học thuyết về ơn linh hứng và chân lý trong Kinh Thánh. Đây là lần thứ hai có một Công Đồng chung đặt vấn đề linh hứng. Công Đồng này khai diễn sau bao nhiêu cố gắng lâu dài của Huấn Quyền thông thường. Vì thế có thể coi Hiến chế về Mặc khải, Dei Verbum, hầu như là tổng hợp các giáo huấn trước đó. Đồng thời văn kiện này cũng làm cho các ý kiến ấy thành dứt khoát hơn. Vì thế, không thể chú giải chính xác giáo lý của Vaticanô II mà không kể đến những lần trước đó Huấn Quyền can thiệp vào những cuộc tranh luận thần học đã đưa tới việc soạn thảo Hiến chế Dei Verbum.
Vậy, trước khi trình bày giáo huấn của Công Đồng, chúng ta nhìn thoáng qua lịch sử của vấn đề, từ Vaticanô I cho tới ngày công bố Hiến chế Dei Verbum (18.11.1965).
I. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
1. Những can thiệp của Huấn Quyền trong thời kỳ giữa hai Công Đồng
a) Công Đồng Vaticanô I
Ngày 24.4.1870, trong khoá thứ ba, Công Đồng Vaticanô I đã xác định xuất xứ của Kinh Thánh là từ Thiên Chúa vì đã được linh hứng.[2] Định nghĩa này nằm trong chương hai (về mặc khải), trong Hiến chế tín lý Dei Filius.[3] Qua xác định này, Hội Thánh muốn đương đầu với thuyết duy lý thời đó, và riêng lãnh vực Kinh Thánh, Hội Thánh minh nhiên bày tỏ chủ ý bảo vệ xuất xứ từ Thiên Chúa của Sách Thánh. Đoạn văn định tín chia làm hai phần : phần đầu xác nhận Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng. Phần sau lên án những lý thuyết chủ trương ơn linh hứng tiếp sau (inspiration subséquente) và cho việc lấy sự kiện Kinh Thánh không phạm sai lầm để giải thích Kinh Thánh xuất xứ từ Thiên Chúa là không đủ.[4]
Thật ra nghị quyết của Công Đồng Vaticanô I như thế mang một dấu ấn quan trọng trên chặng đường lịch sử. Đối với quá khứ, nó vượt qua những lúng túng thời hậu Công Đồng Trentô và giải quyết những tranh cãi tiền Công Đồng Vaticanô I. Đương đầu với các lý thuyết sai lạc thời đó, nghị quyết này đã đặt nền vững chắc nhằm bảo vệ xuất xứ từ Thiên Chúa cho Kinh Thánh. Hướng về tương lai, nghị quyết này chính thức nhận một thuật ngữ chưa được một Công Đồng nào dùng tới (thuật ngữ “ơn linh hứng”) và nối kết chặt chẽ thuật ngữ này với ý tưởng Thiên Chúa là Tác Giả đã phổ biến trong các Công Đồng khác.[5]
b) Từ Công Đồng Vaticanô I đến thông điệp Providentissimus Deus
Các khoa học về Kinh Thánh phát triển vượt bực vào những năm liền sau Công Đồng Vaticanô I. Ấy là nhờ nhiều khám phá quan trọng về khảo cổ trong miền Trung Đông, nhờ các nghiên cứu phê bình lịch sử Cựu Ước và khoa phê bình bản văn Tân Ước … Thời này xuất hiện nhiều Hiệp hội khảo cứu Kinh Thánh, nhiều tạp chí khoa học chuyên về các vấn đề Kinh Thánh và những tác phẩm chú giải lớn theo kiểu hiện đại.[6] Tất cả sự mới mẻ ấy lại đặt ra cho khoa chú giải khoa học của công giáo một vấn đề quan trọng. Dường như các khám phá sử học và khảo cổ học đều đối nghịch với những dữ kiện nói trong Sách Thánh (Sáng thế) và những tiểu sử các nhân vật trong Kinh Thánh. Vấn đề là làm sao hoà hợp được những khám phá đó với chân lý của Kinh Thánh ? Lúc đó xuất hiện cái gọi là “vấn đề Kinh Thánh” (Question biblique) rất sôi nổi và người ta bắt đầu đua nhau trình bày đủ thứ lý thuyết hoặc chối bỏ hoặc giới hạn tính cách không sai lầm nơi Kinh Thánh. Bầu khí đó bắt buộc Đức giáo hoàng Lêô XIII can thiệp bằng thông điệp Providentissimus Deus. Thông điệp này ảnh hưởng trên nếp suy tư thần học sau nó hơn kém đến cả xác định của Công Đồng Vaticanô I nữa.[7]
Vấn đề phải đương đầu là vấn đề Kinh Thánh không sai lầm. Kinh Thánh có nguồn gốc từ Thiên Chúa, đó là điều đã được xác định chắc chắn trong Công Đồng. Giới chú giải công giáo không chối bỏ điều đó, nhưng khó khăn nằm ở chỗ bảo vệ tính không sai lầm. Vì thế, Đức Lêô XIII đã sử dụng khái niệm “tác giả” được nhiều Công Đồng – đặc biệt Công Đồng Vaticanô I – dùng làm khởi điểm cho giáo thuyết về tính không sai lầm của Kinh Thánh. Nhưng người lại hiểu theo nghĩa Đức hồng y Franzelin trình bày trước đó. Nếu Thiên Chúa là tác giả, nhất thiết ý tưởng phải là do Người. Vì thế, Người phải can thiệp đặc biệt vào hoạt động của trí tuệ, ý chí và các cơ năng thừa hành của người viết sách thánh. Có thế Sách Thánh mới là sản phẩm của tác giả được.[8]
Khai triển thần học như thế có lẽ dễ dàng cắt nghĩa và bảo vệ tính không sai lầm của Kinh Thánh. Thật vậy, nếu Tác Giả – Thiên Chúa – dùng ơn soi sáng siêu nhiên tác động mạnh mẽ trên trí tuệ, thúc đẩy hiệu nghiệm ý muốn và dùng ơn trợ lực giúp người viết sách thánh soạn thảo tác phẩm của mình, thì hẳn nhiên toàn bộ Kinh Thánh không thể chứa đựng điều chi sai lầm.
Trở ngược lên, ta thấy thông điệp xác định hai điểm :
- 1. Ơn linh hứng và tính không sai lầm chi phối toàn bộ Kinh Thánh.
- 2. Không hề có mâu thuẫn giữa Kinh Thánh với khoa học, dù cho mỗi bên đều có một quan điểm riêng.
Thông điệp này mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử tín điều về ơn linh hứng. Từ nay, người ta bắt đầu dùng kiểu nói ơn linh hứng để đặt tên cho các biên khảo liên hệ và đối chiếu kiểu nói này với ý niệm “Thiên Chúa là tác giả” do thần học khởi xướng.
Thông điệp của Đức Lêô XIII đã ảnh hưởng sâu đậm trên nền thần học tiếp theo sau đến độ khó tìm thấy một sách giáo khoa nào lại không trình bày ơn linh hứng với ba phần ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cơ năng của người viết sách như Providentissimus Deus đã làm.
Tuy nhiên, ngày nay người ta lại nhận thấy công thức của Đức Lêô XIII mang nhiều bất tiện nghiêm trọng. Trước hết, hầu như thông điệp chỉ định nghĩa bản chất ơn linh hứng trong tương quan với tính không sai lầm. Kế đến, có thể nói công thức ấy được thai nghén từ một khái niệm nặng tính cách nhân hình : đó là khái niệm Thiên Chúa là tác giả viết Sách Thánh. Điểm trước đã ảnh hưởng trên thần học đến nỗi những năm tiếp sau thông điệp, người ta luôn bị ám ảnh phải lo bảo vệ tính không sai lầm của Kinh Thánh. Thật vậy, kể từ ngày ấy cho tới Vaticanô II, lần nào Huấn Quyền can thiệp là y như lần ấy lộ rõ mối quan tâm làm sao bảo vệ tính không sai lầm của Kinh Thánh.
c) Từ Đức Lêô XIII tới Công Đồng Vaticanô II
Thông điệp của Đức Lêô XIII đã bật đèn xanh cho các công trình khảo cứu về ơn linh hứng.[9] Những sự kiện như thành lập Ủy Ban Kinh Thánh (30.10.1902) và Viện Kinh Thánh (07.5.1909) đã tạo khí thế mới cho công cuộc nghiên cứu Kinh Thánh hợp với khuynh hướng của Huấn Quyền. Người ta công khai chủ trương ơn linh hứng và tính không sai lầm phải mở rộng trên toàn thể Kinh Thánh. Đồng thời các nghiên cứu đó cũng tập trung chú ý vào việc hoà hợp các chân lý được trình bày trong Kinh Thánh với những kết luận do khoa sử học đem lại. Nhưng công việc này không phải dễ. Bằng chứng là đã có thời dường như chủ thuyết duy tâm thắng thế với lý thuyết của họ về “chân lý tương đối trong Kinh Thánh” khiến cho thánh giáo hoàng Piô X[10] phải có những can thiệp quyết liệt.Sau đó, Đức Bênêđictô XV công bố thông điệp khác bàn riêng về Kinh Thánh, với những chữ đầu “Spiritus Paraclitus”. Văn kiện này xác định lại giáo thuyết của Đức Lêô XIII về chân lý trong các đoạn văn lịch sử của Kinh Thánh.[11] Trước đó, Ủy Ban Kinh Thánh đã đưa ra hai câu trả lời nổi tiếng liên quan đến lịch sử dưới những vẻ bên ngoài[12] và các đoạn được trích dẫn một cách ám tàng trong Kinh Thánh.[13] Một lần nữa, thông điệp của Đức Bênêđictô XV bác bỏ những ý tưởng muốn giới hạn tính không sai lầm của Kinh Thánh. Đó là lý thuyết về chân lý tương đối, chủ trương chỉ coi những đoạn Kinh Thánh có liên hệ với tôn giáo mới phô diễn sự thật, hoặc những lý thuyết cho rằng các đoạn do tác giả Kinh Thánh trích dẫn một cách ám tàng hoặc lịch sử dưới những vẻ bên ngoài thì không được gìn giữ cho khỏi sai lầm.[14]
Giữa chiến tranh thế giới lần thứ hai, ngày 30.11.1943, Đức Piô XII công bố thông điệp Divino afflante Spiritu, lại đánh dấu một chặng đường lịch sử khác. Trong vấn đề ơn linh hứng và tính không sai lầm, đóng góp quan trọng nhất của thông điệp này là chấp nhận nguyên tắc về các thể văn khác nhau để lượng định bản chất của chân lý thuộc riêng các bản văn Kinh Thánh.[15] Nhờ phân biệt đó, phần lớn những khúc mắc trong Cựu Ước được giải toả. Thí dụ năm 1948, cha Vosté, o.p. nhân danh Ủy Ban Kinh Thánh ứng dụng sự phân biệt ấy trong thư gửi Đức tổng giám mục Paris để giải quyết một vấn đề nhức nhối nơi các chương đầu của sách Sáng thế.[16] Bức thư nổi tiếng này đã chấm dứt những vấn nạn xoay quanh Cựu Ước. Tuy nhiên, khi vận dụng sự phân biệt đó vào các bản văn Tân Ước thì nhiều vấn đề nhiêu khê khác lại xuất hiện : các vấn đề đó bùng nổ trong những năm sửa soạn Công Đồng, nhất là vào dịp mệnh danh là “cuộc bút chiến Rôma” từ năm 1960 đến 1962. Thời đó, người ta tranh luận kịch liệt về vấn đề phê bình hình thái ngôn ngữ (morphocritique) và khả năng ứng dụng của nó vào khoa chú giải Tân Ước. Trong huấn dụ ngày 21.4.1964, Ủy Ban Kinh Thánh đưa ra những giới hạn hợp pháp để sử dụng việc phê bình hình thái ngôn ngữ kể trên, đồng thời trình bày giáo thuyết của Ủy Ban về chân lý lịch sử trong các sách Tin Mừng.[17] Cuối cùng, sau một thời gian soạn thảo khá dài trong những khóa họp khoáng đại của Công Đồng Vaticanô II, ngày 18.11.1965 Hiến chế Dei Verbum được ban hành. Bài này chủ ý trình bày giáo thuyết của Hiến chế ấy.
Nhưng trước hết, chúng ta có thể tổng hợp một cách vắn tắt những suy tư thần học được trình bày trong khoảng giữa hai Công Đồng Vaticanô I và Vaticanô II.
2. Suy tư thần học trong thời gian giữa hai Công Đồng[18]
Tác phẩm của Đức hồng y Franzelin tiêu biểu cho nếp suy tư thần học từ Vaticanô I tới thông điệp của Đức Lêô XIII. Điểm nổi bật trong tác phẩm của Đức hồng y Franzelin là khái niệm tác giả chiếm vị trí ưu thắng trong nỗ lực kiến tạo một nền thần học về ơn linh hứng : Thiên Chúa chỉ can thiệp về phần cốt tủy (part formel) trong Kinh Thánh, như ý tưởng và giáo lý. Trường phái dòng Đa Minh, đứng đầu là cha Zanecchia[19] và cha Lagrange, đã đưa ra những công kích đầu tiên đối với lý thuyết của Đức hồng y Franzelin. Hai cha kể trên dựa vào thông điệp của Đức Lêô XIII, cho rằng lẽ ra phải bắt đầu từ khái niệm linh hứng. Thật ra, chỉ sau thông điệp Providentissimus Deus, người ta mới bắt đầu xuất bản những khảo luận về ơn linh hứng. Trong khi đó, sau một thời gian khá dài, trường phái dòng Tên vẫn theo vết chân của Đức hồng y Franzelin, nổi bật trong hướng này là cha Pesch. Chính cha đã xuất bản phần lớn những tác phẩm bàn về ơn linh hứng trong quãng thời gian giữa hai Công Đồng.
Những năm thuyết duy tâm lan tràn là thời gian không thuận lợi để cho đề tài ơn linh hứng tiến thêm được những bước mới. Vì bấy giờ Hội Thánh tập trung chống đỡ tín điều do Vaticanô I xác định. Thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến cũng không thuận lợi gì cho các cuộc tìm hiểu đặc sắc trong lãnh vực ơn linh hứng. Chỉ từ thế chiến thứ hai trở về sau, mới xuất hiện những công trình đáng kể. Ai cũng biết, cuộc bùng lên ấy do làn khí mới từ Divino afflante Spiritu thổi vào. Tiên vàn phải kể đóng góp độc đáo của cha P. Benoit khi cha dịch ra Pháp ngữ khảo luận De Prophetia của thánh Tôma. Trong phần phụ trương quan trọng, cha Benoit đã trình bày những suy luận của mình theo quan điểm rất mới về ơn linh hứng. Trước hết, cha phân biệt rành mạch các thứ linh hứng ngôn sứ (la inspiración de tipo profético) với linh hứng viết sách thánh (la inspiración escriturística) đúng nghĩa. Kế đó, tác giả vận dụng học thuyết về loại suy (analogía) để cắt nghĩa bản chất và phạm vi của các loại linh hứng vừa kể trên.[20] Sau này, chính cha Benoit cũng để ý đến vấn đề linh hứng của bản LXX.[21] Đang khi Công Đồng họp, cha lại cho xuất bản một khảo luận sâu sắc về mối quan hệ giữa linh hứng với mặc khải nữa.[22]
Ít năm sau, năm 1953, một linh mục dòng Đa Minh khác, cha Weyns, phân tích sâu sắc đối tượng của xác định do Vaticanô I đưa ra về ơn linh hứng. Cha tập trung chú ý vào ý nghĩa của kiểu nói tác giả do Công Đồng dùng để nói về Thiên Chúa.[23] Thực ra, phân tích của cha Weyns chỉ để đáp lễ khảo cứu thực nghiệm của cha Bea xuất bản cách đó mười năm về nguồn gốc và ý nghĩa của kiểu nói trên.[24] Riêng về trường phái của dòng Tên, sau nhiều năm nhắc đi nhắc lại các lý thuyết cổ điển qua sách vở của các cha Dorsch, Tromp, Bea đã bừng lên sức sống và nét độc đáo mới mẻ của cha K. Rahner. Công trình của cha Rahner, tuy còn tùy thuộc chặt chẽ vào Đức hồng y Franzelin, nhưng đã khá đặc sắc nhờ một dàn bài mới lạ : tác giả coi Kinh Thánh như yếu tố cốt yếu trong Hội Thánh, hoặc là cách thức phát biểu đức tin trong thời các Tông Đồ. Trong một hoàn cảnh trì trệ nhiều như lúc ấy, tập khảo luận của cha Rahner là một đóng góp tốt đẹp.[25] Sau đó ít lâu, một cha dòng Tên khác, giáo sư ở Frankfurt trình làng một nghiên cứu khác khá súc tích về Thư Qui[26] và ơn linh hứng. Tác giả chủ trương chính Hội Thánh, với phán quyết bất khả ngộ, đã thiết định Thư Qui. Nhiều nhà khảo cứu dòng Tên, từ Mỹ, đã thêm vào những đóng góp mới. Đáng kể đặc biệt là các bài viết của cha McKenzie và cha McCarthy về tính xã hội của ơn linh hứng.[27] Ở Tây ban nha, nổi bật hơn cả là cha Alonso Schokel dòng Tên. Trong lúc Công Đồng chưa kết thúc, cha đã phổ biến ra công chúng cuốn La palabra inspirada. Trong cuốn sách này, tác giả vận dụng các qui luật của khoa ngữ học để bàn từ những vấn đề cổ điển trong ơn linh hứng cho tới giả thiết Kinh Thánh là một tác phẩm thuần túy văn chương.[28]
Riêng vấn đề cụ thể là chân lý trong Kinh Thánh, quan trọng nhất là tác phẩm được xuất bản ngay trong thời Công Đồng đang diễn tiến, của N. Lohfink, về tính không sai lầm của Kinh Thánh[29] và cuốn La Bible, Parole de Dieu[30] của cha Grelot. Với đường hướng nhắm về chân lý trong Kinh Thánh, sách của cha Grelot chủ ý đánh tan mối ám ảnh do vấn đề Kinh Thánh không sai lầm gây ra. Trong khi đó, sách của cha Lohfink, với lý thuyết về tính toàn thể của Kinh Thánh xét như là chủ thể của sự không sai lầm đã góp một phần quyết định vào việc thành hình đúng đắn học thuyết của Công Đồng Vaticanô II về chân lý trong Kinh Thánh.
II. CHÚ GIẢI
Những đóng góp chính của Hiến chế về vấn đề ơn linh hứng tập trung vào những điểm sau :1. Phân biệt mặc khải và linh hứng
Điểm đầu tiên đáng chú ý trong học thuyết về ơn linh hứng là các nghị phụ đã đặt vấn đề này vào trong đề tài mặc khải. Điều này mới. Vì từ Đức Lêô XIII, bao giờ vấn đề linh hứng cũng được trình bày tùy thuộc vào tính không sai lầm của Kinh Thánh, đến nỗi người ta coi linh hứng là đoàn sủng giữ cho người viết Sách Thánh khỏi sai lầm. Lần này, Dei Verbum đã chọn một viễn tượng khác hẳn Providentissimus Deus. Thật ra, Vaticanô I đã từng đưa ơn linh hứng vào chương nói về mặc khải rồi. Nhưng vì cuộc khủng hoảng về Kinh Thánh sau đó khiến người ta mải trình bày vấn đề linh hứng với hậu ý bảo vệ chân lý trong Kinh Thánh. Nay, trong văn kiện của Vaticanô II, chúng ta lại trở về với vấn đề của thời đầu. Nhưng đừng tưởng Vaticanô II chỉ trở về nguồn mà chẳng có đóng góp gì mới cả. Thực ra, nét mới mẻ chủ yếu trong Vaticanô II không những đặt đề tài ơn linh hứng vào đề tài mặc khải, mà còn cho thấy chức năng của nó trong tương quan với mặc khải. Trước kia, Vaticanô I chỉ nói Kinh Thánh chứa đựng mặc khải[31] mà không hề đả động đến mối liên hệ giữa hai điều ấy. Bây giờ Hiến chế Dei Verbum xác định mục đích của ơn linh hứng là ghi chép mặc khải thành văn. Đó là điều được nói rõ trong đoạn văn nòng cốt của số 11[32] và ở nhiều chỗ khác trong Hiến chế.[33]
Giáo thuyết này đã xuất hiện ngay từ bản thảo thứ hai của lược đồ gửi cho các nghị phụ ngày 22.4.1963, và vẫn giữ nguyên qua suốt các lần tái soạn về sau cho tới các bản văn chung cuộc của Công Đồng.[34]
Hiến chế của Công Đồng trình bày mặc khải là Lời Thiên Chúa, nhờ Lời đó, Thiên Chúa bộc lộ chính mình Người. Chính các ngôn sứ đã truyền đạt Lời bày tỏ Thiên Chúa cho dân được chọn. Lời ấy được viết ra trong cộng đoàn rồi chính cộng đoàn truyền lại cho thế hệ hậu sinh. Được biết để lưu truyền Lời mặc khải, Thiên Chúa còn dự liệu cách thế kép : một đàng nhờ truyền khẩu bằng giảng thuyết, một đàng nhờ cố định bằng chữ viết. Như thế, theo Hiến chế, mục đích của ơn linh hứng trong tương quan với mặc khải là cố định và ghi chép những lời mặc khải thành văn. Nói khác đi, qua trung gian của ơn linh hứng, Lời mặc khải trở thành Sách Thánh.
2. Thiên Chúa can thiệp trong ơn linh hứng
Hiến chế Dei Verbum mô tả việc Thiên Chúa can thiệp vào để Lời mặc khải được viết thành sách như sau :
Ut Ipso in illis et per illos agentes, ea omnia eaque sola quae Ipse vellet … scripto traderent.
Ở đây, công thức trên gợi lại định nghĩa nổi tiếng của Đức Lêô XIII, dù đã rút ngắn và cô đọng lại. Tuy nhiên, trước khi chú giải và so sánh công thức trên với định nghĩa của Đức Lêô XIII, ta thử nhìn lại những thay đổi sửa chữa để có được công thức của Công Đồng.
Lược đồ thứ nhất nhắc lại hầu như sát chữ định nghĩa của Providentissimus Deus và giải thích rộng ra.[35] Lược đồ thứ hai rút lại bản văn ngắn hơn nhiều, chỉ giữ lại ý tưởng các văn sĩ chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn bày tỏ mà thôi.[36] Đến lược đồ thứ ba, người ta lại sửa chữa bản văn rất nhiều. Trước hết, đưa định nghĩa của Vaticanô I vào, rồi mô tả chấm phá về hoạt động của Thiên Chúa trong ơn linh hứng bằng cách vay mượn công thức của Đức Lêô XIII (nhưng rút gọn nhiều). Và sau cùng thay chữ iuberet (Người truyền) bằng chữ vellet (Người muốn). Ấy là chưa kể tới một vài sửa chữa nho nhỏ khác.[37] Sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi ở đoạn này, lược đồ thứ ba được giữ y nguyên.
So sánh Dei Verbum với định nghĩa của Đức Lêô XIII, ta thấy ngay Công Đồng đã thu gọn rất nhiều. Thật vậy, Dei Verbum không còn nói tới việc soi sáng trí tuệ hoặc ảnh hưởng của Thiên Chúa trên ý muốn của người viết sách thánh nữa. Văn kiện chỉ đề cập chính công việc viết sách tức là động lực khiến cho họ sáng tác, nhưng không hiểu đó là tác động Thiên Chúa ảnh hưởng trên các cơ năng thừa hành, như Đức Lêô XIII. Trong định nghĩa của Đức Lêo XIII, tác động vừa kể mang ý nghĩa một ơn phù trợ cho khỏi sai lầm trong khi viết sách.
Ngày trước, người ta nhắc đến ba thứ ảnh hưởng của ơn linh hứng, vì có ba phạm vi phải được bảo vệ để tránh khỏi sai lầm : ơn linh hứng soi sáng trí tuệ để tránh phán đoán sai lầm. Ơn linh hứng ảnh hưởng trên ý muốn để vận dụng hữu hiệu cơ năng này. Sau cùng, ơn linh hứng phù trợ các cơ năng thừa hành với mục đích “hỗ trợ” cho khỏi lầm lẫn vô tình (error material) nào đó trong khi trước tác. Đó là cách hiểu rất phổ biến về bản chất ơn linh hứng, theo định nghĩa của Đức Lêô XIII. Như đã nói ở trên, định nghĩa đó đã lấy nguyên tắc “Thiên Chúa là tác giả của Sách Thánh” làm khởi điểm. Rồi sau đó chỉ giải luận thêm công thức Thiên Chúa can thiệp vào hoạt động của người viết sách qua ba giai đoạn, như khi người ta soạn thảo bất kỳ tác phẩm văn học nào.
Nhưng Hiến chế Dei Verbum nhìn theo viễn tượng khác hẳn. Giáo thuyết nòng cốt của nó bàn về chính ơn linh hứng. Theo số 4, mặc khải đã được bày tỏ viên mãn nơi Đức Kitô. Chính Người làm trọn và đưa mặc khải lên đỉnh cao hoàn hảo bằng sự hiện diện và bộc lộ trọn vẹn của Người trong thế giới qua lời giảng và các hành động, qua các dấu chỉ và phép lạ. Đặc biệt hơn hết, Người hiện diện và bộc lộ tuyệt mức qua cuộc thương khó và phục sinh của Người. Theo số 7, các Tông Đồ đã lãnh nhận mặc khải từ miệng Đức Kitô khi các ông sống với Người, khi chứng kiến hoạt động của Người. Và một khi được Đức Kitô phái đến, Chúa Thánh Thần là nguyên lý nội tại soi sáng giúp “nhắc lại” cho các Tông Đồ nhớ hết thảy mọi điều Đức Kitô đã dạy. Thiên Chúa đã công khai ra lệnh cho các Tông Đồ phải thực hiện ý định của Người là bảo tồn và lưu truyền qua muôn thế hệ hậu lai trọn vẹn kho tàng mặc khải ấy.
Thế mà, việc di truyền mặc khải đã diễn ra qua phương cách kép : giảng thuyết truyền khẩu và lưu ký thành văn, được thực hiện nhờ ơn linh hứng của chính Chúa Thánh Thần, qua trung gian các Tông Đồ hoặc những người khác cùng thế hệ với các Tông Đồ.
Theo giáo thuyết vừa kể, ta thấy có một nhiệm cuộc mặc khải và một nhiệm cuộc khác để bảo tồn và lưu truyền mặc khải. Một hoạt động của Chúa Thánh Thần nhằm dạy dỗ và soi sáng tâm trí cho người ta biết nội dung của mặc khải ấy. Và cũng một hoạt động của Chúa Thánh Thần hướng người ta tới việc ghi chép sứ điệp cứu độ ấy thành văn bản. Loại hoạt động linh thánh sau gọi là ơn linh hứng. Đến đây, ta thấy Công Đồng đã đổi cách đặt vấn đề khác với Providentissimus Deus. Thật vậy, ngày nay Hiến chế Dei Verbum nhìn vấn đề linh hứng từ viễn tượng bảo tồn và lưu truyền mặc khải bằng bút tích. Dầu Hiến chế không xác định làm thế nào chứng thực được tri thức về chân lý mặc khải, nhưng Hiến chế đã giúp cho hiểu là việc đó được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần là Đấng kiện toàn mặc khải Đức Kitô đã đem đến trần gian, qua trung gian những thúc giục bên trong. Tuy nhiên, điều ấy diễn ra trong phạm vi của đoàn sủng mặc khải. Còn linh hứng là một đoàn sủng khác, nhằm để ghi chép tri thức mặc khải thành văn bản, theo hình thức loại suy của ơn bất khả ngộ trợ giúp cho việc giảng thuyết truyền khẩu của các Tông Đồ vậy.[38]
3. Hoạt động riêng của các tác giả thánh
Về hoạt động riêng của các tác giả nhân loại trong việc lưu tồn mặc khải bằng chữ viết, Hiến chế Công Đồng đã viết như sau : Deus homines elegit, quos facultatibus ac viribus suis utentes adhibuit, ut Ipso in illis et per illos agente … ut veri auctores scripto traderent.
Trong lời quả quyết trên, ta thấy với hình thức chính xác mọi yếu tố nói lên phần đóng góp của con người nơi tác giả thánh. Trước hết, việc tuyển chọn của Thiên Chúa quan phòng, Đấng chọn họ nhằm tới sứ vụ làm những người có tư cách để thông truyền mặc khải. Rồi những tư chất hoàn toàn của con người vẫn không bị ơn cao hơn của Thiên Chúa tác động làm cho suy giảm chút nào. Và sau cùng, tác giả thánh thực sự là những tác giả.
Nhưng để có công thức như thế, đã có nhiều thay đổi rộng rãi trong những lần bàn thảo khác nhau về bản lược đồ. Trong bản văn đầu tiên, các giai đoạn ơn của Thiên Chúa tác động được mô tả chi tiết tỉ mỉ : thúc đẩy bên trong trước, trợ giúp khi biên soạn,…[39] Bản văn thứ hai rút vắn cách miêu tả trên, chỉ giữ lại mỗi một ý tưởng về tính dụng cụ của soạn giả thánh, nhưng đó là dụng cụ có lý trí và có những phẩm chất của con người.[40]
Trong bản văn soạn lại thứ ba, ta thấy có cách trình bày như đã nêu lên ở đầu đoạn này,[41] trong đó miêu tả chi tiết bản chất của việc soạn giả thánh tham dự vào công việc viết sách. Cần chú ý là mọi thuật ngữ triết học bị loại bỏ, chẳng hạn như thuật ngữ nguyên nhân dụng cụ (causa instrumental) hay dụng cụ (instrumento). Đóng góp quan trọng hơn của bản văn thứ tư là đưa vào chữ veri auctores và còn được giữ lại trong bản văn chung cuộc.
Ngay khi nói về hoạt động của soạn giả, chúng ta cũng thấy có nhiều thay đổi đáng kể so với học thuyết của Đức Lêô XIII. Trước tiên, ai cũng nhận là Công Đồng đặc biệt chủ ý tránh sử dụng các thuật ngữ triết học, như đã ví dụ trên. Thật vậy, từ Đức Lêô XIII, đã du nhập vào văn kiện chính thức của Huấn Quyền kiểu nói chuyên môn “dụng cụ” để biểu thị bản chất của sự cộng tác của con người với Thiên Chúa trong việc soạn thảo Kinh Thánh. Sau đó, Đức Piô XII cho thấy phải biểu thị vai trò dụng cụ của người soạn thảo Sách Thánh là một hoạt động của một hữu cơ (organo) sống động và có lý trí. Ngay giữa Công Đồng, vẫn có những phát biểu của Đức cha Barbastro hoặc của Đức ông Jaime Flores yêu cầu trình bày rõ ràng các soạn giả thánh là những dụng cụ thật sự khi họ biên soạn Sách Thánh.[42] Tuy nhiên, Công Đồng vẫn dứt khoát không nhắc tới kiểu nói ấy !
Trong thực tế, đã có một thời các nhà thần học, kể cả thuộc trường phái thánh Tôma,[43] chẳng hạn như cha Benoit đã tỏ ra tán thành một ý nghĩa “rộng và bóng”,[44] gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng trong việc vận dụng các ý niệm “tính cách dụng cụ” để mô tả hoạt động vừa linh hoạt vừa tiềm tàng trong nội giới khi tác giả phàm nhân soạn thảo Sách Thánh. Vẫn biết, có một hồng y Bea từng phản đối cách hiểu rộng rãi vừa kể trên. Theo Đức hồng y, phải hiểu tính cách dụng cụ nơi tác giả phàm nhân theo nghĩa chặt, để giữ cho hành vi phán đoán của người viết không sai lầm.[45] Tuy nhiên, lý luận của Đức hồng y chỉ đúng khi mặc khải và linh hứng cùng nâng cao phán đoán của con người lên trình độ như nhau. Thế mà những khảo cứu mới nhất của cha Benoit lại đã phi bác hoàn toàn điều kiện vừa kể.
Công thức chừng mực của Công Đồng đã đạt kết quả không những nhờ loại bỏ hoàn toàn các thuật ngữ triết học, mà còn nhờ đưa ra cách thức mô tả hoạt động của con người khi được linh hứng dưới một hình thức vừa mới mẻ vừa chính xác bằng những thuật ngữ Kinh Thánh. Dẫu sao cũng phải ghi nhận là với việc loại bỏ thuật ngữ “dụng cụ”, chúng ta lại quay về tình trạng tương tự như những thế kỷ II-III. Lúc bấy giờ vì giáo thuyết của Montanô lạm dụng, các Giáo phụ đành lòng xoá bỏ những lối nói liên hệ tới thuật ngữ này. Thời đại chúng ta có nhiều nguyên do khác đưa tới việc loại bỏ như vừa nói. Nguyên việc loại bỏ này cho thấy : sau khoảng 70 năm sử dụng chính thức, một hạn từ từng được tân kinh viện cho như là chìa khoá chủ chốt khi bàn về ơn linh hứng, bỗng nhiên thành lỗi thời. Và kéo theo lối diễn tả “Thiên Chúa là nguyên nhân chính” vào chung một số phận. Lối nói này cũng đã từng đi vào thuật ngữ của Huấn Quyền và được coi là một bổ túc thiết yếu trong lý thuyết về nguyên nhân dụng cụ áp dụng vào soạn giả thánh. Nhưng việc Công Đồng bỏ đi một học thuyết của nhiều thập niên trước như thế không hàm ý phong thánh cho hai kiểu nói đó. Ý tưởng chính và đã được diễn tả khéo léo trong công thức “Thiên Chúa khi hành động trong họ và qua họ”.
4. Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh
Để nói lên việc Thiên Chúa can thiệp bằng ơn linh hứng, Công Đồng Vaticanô II sử dụng một hạn từ khác đã thành cổ điển và đã được nhiều Công Đồng nhắc đi nhắc lại, đó là hạn từ tác giả. Đặc biệt, Hiến chế Dei Verbum không thay đổi chút ý nghĩa nào nơi hạn từ này. Ta sẽ trở lại với vấn đề này ngay sau đây. Còn đối với các soạn giả thánh, các nghị phụ sử dụng một chữ tương tự mà hết sức độc đáo : các vị đã gọi họ là những tác giả đích thực, veri auctores.Liền đây, ta thử duyệt qua tầm quan trọng của lối gọi vừa kể. Thông qua các lần tái soạn, công thức những tác giả đích thực, veri auctores, đã trải qua một quá trình lịch sử khá gian nan. Bản sơ thảo gọi Thiên Chúa là Auctor primarius và Auctor principalis,[46] và cả scriptor[47] nữa. Rồi gọi soạn giả thánh làauctores humani[48] hoặc sacer scriptor.[49] Sang bản thảo thứ hai, Thiên Chúa vẫn còn được gọi là Auctor principalis , nhưng thánh ký không còn được gọi là auctor nữa.[50] Bản thảo thứ ba chỉ gọi Thiên Chúa là Auctor, còn soạn giả thánh trở thành auctor inspiratus.[51] Tới bản thảo thứ tư, xuất hiện kiểu nói veri auctores như đã trình bày ở trên. Và hàm ý phải coi soạn giả thánh đúng là tác giả theo nghĩa chặt.[52]
Thật sự, trong vòng mấy chục năm gần đây, giới thần học đã tranh luận nhiều về đề tài này. Đã có một thần học gia như K. Rahner nuôi tham vọng xây dựng một hệ thống thần học hoàn toàn mới về vấn đề ơn linh hứng, đặt nền tảng trên ý tưởng “Thiên Chúa là tác giả viết Sách Thánh” (autor-scriptor). Trước những cuộc tranh luận như thế, Hiến chế Công Đồng không đưa ra một câu trả lời trực tiếp nào, bởi vì mục đích của Công Đồng không nhằm giải toả các vấn đề hóc búa trong thần học, nhưng chỉ xác định vắn gọn “veri auctores”, những tác giả đích thực. Nguyên xác định như thế cũng đã có tầm vóc thật quan trọng rồi. Thật vậy, ngày trước Đức hồng y Franzelin từng chủ trương rằng hai ý tưởng Thiên Chúa là tác giả và soạn giả thánh cũng là tác giả không thể dung hợp với nhau đến nỗi người không bao giờ chấp nhận gọi hai nguyên nhân trong sách thánh dưới một tên gọi.[53]
Ngược lại khi chứng minh khảo cứu đã dẫn trên kia, Đức hồng y Bea[54] lại coi việc lần đầu tiên Statuta Ecclesiae Antiqua dùng chữ “tác giả theo nghĩa một tác phẩm văn chương, là một lý chứng quyết định. Dù bị cha Weyns công kích, cha Schokel vẫn tiếp tục chủ trương nếp nghĩ và lối nói tương tự như chữ locutus trong thời các giáo phụ đều “có vẻ muốn gán cho soạn giả thánh là tác giả sáng tác nên tác phẩm văn chương”.[55] Dù cảm thức chung là như thế, nhưng theo thiển ý, có lẽ chúng ta cần nghiên cứu thêm vấn đề này ở cấp độ cao hơn, tức mức độ thần học thuần lý, đặc biệt là trong khảo luận về các danh xưng của Thiên Chúa. Thật vậy, dù khoán trắng cho ngành thần học truy nguyên (théologie positive) công việc tìm tòi ý nghĩa tinh tế của khái niệm “tác giả văn chương” trong tài liệu ở thời các Giáo phụ, vẫn chưa đủ chứng cứ để khẳng định Thiên Chúa quả là tác giả viết Sách Thánh. Còn phải đặt câu hỏi : nên hiểu Thiên Chúa là tác giả viết Sách Thánh theo đơn nghĩa (univoque) hay loại suy (analogue) như khi ta nói về một văn sĩ phàm nhân. Rõ ràng không thể hiểu theo cùng một nghĩa, nên cần xác định : khi đặt cho Thiên Chúa và văn sĩ phàm nhân chung một tên gọi, thì căn cứ vào đâu mà hiểu mỗi bên theo một nghĩa khác nhau ?
Tới đây, ta sẽ lý luận như sau : Khi nói về Thiên Chúa, chỉ những thuộc từ nói lên các đặc tính đơn thuần (perfecciones puras) mới được hiểu theo nghĩa chặt, còn các đặc tính phức hợp (perfecciones mixtas) thì được hiểu theo nghĩa rộng. Trong khi đó, vẫn hiểu theo nghĩa chặt nếu nói về các thụ tạo.[56] Thế mà chẳng bao giờ viết sách hoặc làm tác giả của một văn phẩm lại là đặc tính đơn thuần đến nỗi có thể nói về Thiên Chúa hệt như khi nói về con người. Thật ra, ở đây ta đang đứng trước những thuật ngữ (thuộc từ) hiểu theo nghĩa ẩn dụ (metaphore) và nhân hình (anthropomorphique) đại loại như những thuộc từ : nói, cười, giận … khi qui về con người, các thuộc từ đó hiểu theo nghĩa đen và chặt. Nhưng lúc dùng để nói về Thiên Chúa, lại hiểu theo nghĩa rộng. Cho nên, chỉ có con người mới là tác giả Kinh Thánh, hiểu theo nghĩa chặt. Còn Thiên Chúa hiểu theo nghĩa ẩn dụ, vì Người đã dùng ơn linh hứng tác động lên soạn giả thánh để sáng tác ra Kinh Thánh. Cũng có thể nói : Thiên Chúa là tác giả chỉ vì Người là căn nguyên chứ không theo tư cách là người viết sách. Như vậy, nguyên quả quyết của Công Đồng “các người viết sách thánh là những tác giả đích thực” đã mang tầm mức hết sức quan trọng giúp ta hiểu lối nói : “Thiên Chúa là tác giả văn chương” trong lãnh vực thần học về các danh xưng của Thiên Chúa.
5. Các hiệu quả của ơn linh hứng
Thông thường, người ta vẫn nghĩ hiệu quả đầu tiên và riêng biệt của ơn linh hứng là làm cho Sách Thánh thành Lời của Thiên Chúa. Và do đấy, đương nhiên không thể có sai lầm trong Kinh Thánh được.[57] Mới đây, cha Schokel nuôi tham vọng sửa đổi cảm tưởng trên và đề nghị nên nói : có hai hiệu quả chính của ơn linh hứng – nếu xét Kinh Thánh như Lời (logos), thì hiệu quả đầu tiên là chân lý. Nếu xét Kinh Thánh về mặt thần khí (spiritus), thì hiệu quả thứ hai là mãnh lực của nó.[58] Quan điểm của cha Schokel thật đáng chú ý và góp phần đặt vấn đề vào một viễn tượng vừa rộng rãi vừa hứa hẹn hơn nhiều. Nhưng theo thiển ý, có lẽ nên sửa chữa cách phát biểu của cha Schokel đôi chút bằng các hạn từ chính xác hơn.
Trước hết, Hiến chế Dei Verbum buộc ta duyệt lại ý nghĩ cho rằng nhờ ơn linh hứng mà Sách Thánh trở thành Lời Thiên Chúa. Theo Công Đồng, mặc khải và Lời Thiên Chúa đồng nhất với nhau. Không phải nhờ ơn linh hứng mà Kinh Thánh trở thành Lời Thiên Chúa, nhưng vì nó chứa đựng mặc khải. Thật vậy, Lời mặc khải được thông truyền qua một thể thức kép là Truyền Thống và Kinh Thánh. Cả hai chỉ làm nên một lời duy nhất [59]: Kinh Thánh là lời thành văn,[60] còn Truyền Thống là lời được ký thác cho các Tông Đồ và các người kế vị các ngài để tiếp tục truyền khẩu mãi mãi.[61]
Như thế, sở dĩ Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, chính vì Kinh Thánh là mặc khải. Và là Kinh Thánh chủ yếu vì là lời được lưu ký bằng chữ viết qua trung gian của ơn linh hứng. Như thế hiệu quả chủ yếu và riêng biệt của ơn linh hứng là làm cho Lời Thiên Chúa thành lời được lưu giữ bằng chữ viết. Nói cách khác, hiệu quả chính yếu của ơn linh hứng không là gì khác hơn là chính Kinh Thánh (lưu ký mặc khải bằng chữ viết).
Về chân lý trong Kinh Thánh, Hiến chế của Công Đồng Vaticanô II phân biệt hai loại chân lý : trước tiên là chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn lưu ký trong Kinh Thánh.[62] Và hơn nữa, chân lý được lưu ký không vương sai lầm.[63] Có thể gọi loại thứ nhất là chân lý hữu thể luận (verdad ontologica) của Kinh Thánh xét như là Lời Thiên Chúa. Nghĩa là chân lý siêu việt (verdad transcendental), đồng nhất với chính bản chất của lời xét như là mặc khải của nhiệm cuộc cứu độ. Chân lý này không theo một thể cách nào, chẳng phải là kết quả cũng không phải là hệ luận của ơn linh hứng : Đó là đặc tính siêu việt của mặc khải xét như là mặc khải. Đó là chân lý mang ơn cứu độ đã được Thiên Chúa thông truyền cho chúng ta qua mặc khải thành văn. Ấy là chính Kinh Thánh, chính là Sách Thánh đó.
Cùng với chân lý hữu thể luận vừa kể có chân lý truyền đạt trung thành và biên soạn không sai lạc, hệ tại việc ghi lại không vương sai lầm : hệ tại giáo huấn không vương sai lạc của chân lý mang ơn cứu độ đó, tức là mặc khải. Chân lý này là kết quả của đoàn sủng không sai lầm liên kết bất khả phân ly với ơn linh hứng, xét như đó là sự lay động của đoàn sủng nhằm để lưu ký bằng chữ viết, không sai lầm, chân lý mang ơn cứu độ, trong sự truyền đạt trung thành qua đường lối chữ viết.
6. Chiều kích xã hội của ơn linh hứng
Mặc dù Công Đồng không minh nhiên nhắc đến, nhưng vì vấn đề này đã trở thành vấn đề thời sự trong những năm gần đây, nên chúng tôi sẽ bàn lướt qua bằng cách tổng kết những nghiên cứu mới nhất về vấn đề này được viết theo ánh sáng của Dei Verbum.
“Chiều kích xã hội trong ơn linh hứng” là một trong những vấn đề tranh luận nhiều vào thời kỳ liền trước Công Đồng và tưởng sẽ được các nghị phụ đưa ra một vài tuyên bố hoặc xác định nào đó. Thực vậy, số 10 của bản sơ thảo Hiến chế về mặc khải đã công khai nhắc tới vấn đề đặc thù này. Trong đó bản văn bênh vực hoàn toàn chủ trương đoàn sủng linh hứng là một đoàn sủng riêng tư, chỉ được từng cá nhân mà thôi. Tuy nhiên, nó cũng nhìn nhận diễn biến lịch sử và nếp sống cộng đoàn đã ảnh hưởng thực sự trên các xuất xứ của các sách được linh hứng, đến nỗi chiều kích xã hội như vừa nói trở thành một trong những nguyên tắc giúp ta hiểu rõ Kinh Thánh hơn.[64]
Trở về nguồn ngọn của vấn đề, trước tiên ta sẽ gặp thấy cha Charlier. Chính cha đặt vấn đề này một cách khá tinh tế trong cuốn La lecture chrétienne de la Bible.[65] Sau đó cha Grelot sử dụng và khai thác ý tưởng này trong tác phẩm Nhập môn các Sách Thánh, trong đó thứ nhất cha bàn về Dân Israel và lịch sử của Dân này, để sau đó cha trình bày Kinh Thánh như là lời đem lại sự sống theo kiểu khách quan hoá lòng tin của Israel, lòng tin mà trước đó đã được sống trong hình thức tập thể rồi. Giải thích này sau đó trở thành chính thức và có chỗ riêng trong các tác phẩm nhập môn Kinh Thánh khi các giáo sư Cazelles và Barucq, trong cuốn Introduction à la Bible,[66] dành cả một phần cho vấn đề với đề tựa là L’inspiré dans la communauté.[67] Nhưng giới thẩm quyền Rôma, qua một bài báo trong Osservatore Romano, thẳng thắn không ủng hộ cố gắng này.[68] Dầu vậy, các tác giả vẫn tiếp tục bàn về khía cạnh xã hội trong ơn linh hứng, dĩ nhiên với ít sửa đổi nhẹ nhàng khi xuất bản tác phẩm lần thứ hai.[69] Mặc dù ai cũng biết hệ thống của cha K. Rahner đề cao nhiều về khía cạnh xã hội này, nhưng tại Hiệp chủng quốc mới là nơi hệ thống này phát triển mạnh.[70] Thật vậy, người ta coi Kinh Thánh là một nhân tố cốt yếu trong Hội Thánh. Nói cách khác, Kinh Thánh là sự khách quan hóa, là biểu thức hoá đức tin của cộng đoàn thời các Tông Đồ, có chức năng làm qui phạm dứt khoát cho lòng tin của Hội Thánh trong tương lai. Cho nên, nghiên cứu xã hội học về nếp sinh hoạt cộng đoàn đã hình thành nên công thức biểu lộ đức tin ấy là một công việc chiếm phần quan trọng. Song cho dầu đúng là việc khách quan hoá đức tin của Hội Thánh này có được thực hiện thông qua sự can thiệp của những con người cụ thể hành sử chức năng khách quan hoá này, người ta vẫn chỉ duy trì tính chất cá nhân của đoàn sủng linh hứng nơi từng tác giả Kinh Thánh.
Thế là các nhà thần học đã đi từng bước nhỏ mỗi lúc một xác định mức độ chính xác hơn của chiều kích xã hội trong ơn linh hứng. Vào chính những ngày Công Đồng đang kết thúc việc soạn thảo lược đồ về mặc khải, cha Grelot trong tác phẩm La Bible, Parole de Dieu đã thẳng thắn chấp nhận chủ thuyết vừa nói. Cha chủ trương rằng vì kế hoạch cứu độ là một thực tại mang tính chất xã hội nên không thể hiểu được chức năng của đoàn sủng linh hứng nếu không đặt vào các qui luật xã hội của cộng đoàn được Thiên Chúa cứu độ.[71]
Ở Tây ban nha, cha Schokel đã trưng ra các lối đặt vấn đề mới mẻ, như vừa kể, trong một bài báo cáo đọc trước Tuần lễ học hỏi Kinh Thánh lần XXV của Tây ban nha. Sau bài này được dùng làm một chương trong tác phẩm La palabra inspirada. Quan điểm của cha Schokel nằm trong lãnh vực khách quan hóa văn chương và nêu bật những yếu tố xã hội trong bất cứ tác phẩm văn học nào, tỉ như ngôn ngữ và chính việc sáng tác một văn phẩm cũng mang tính xã hội, vì khi sáng tác người viết trở thành một vox populi (tiếng dân) thật sự.
Trong Công Đồng, khi biên soạn lần thứ hai lược đồ về mặc khải, người ta đã loại bỏ hoàn toàn tất cả những gì liên quan đến vấn đề thần học này. Và lần biên soạn cuối cùng người ta cũng vẫn giữ thái độ dè dặt như vậy. Cho nên, có thể nói rằng vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ cho các nhà chuyên môn rộng đường tranh luận.
Giờ đây, nếu để ý chung đến giáo thuyết của Hiến chế Dei Verbum về mặc khải và linh hứng, như đã trình bày ở những trang trên đây, có thể tập trung đề tài khía cạnh xã hội của ơn linh hứng như sau. Cộng đoàn được Thiên Chúa cứu độ, tức là dân Israel trong Cựu Ước và Hội Thánh trong Tân Ước, đón nhận mặc khải từ những người được sai đến (các ngôn sứ và Đức Kitô). Mặc khải đó là việc Thiên Chúa bộc lộ chính Người, không phải một cách nội tại, nhưng là cách siêu việt cho vị ngôn sứ. Vì thế không thể đồng hoá nó với hoạt động nội tại của việc sáng tác văn chương. Hẳn nhiên, công đoàn đón nhận lời, bảo tồn, hấp thụ, sống, truyền đạt và đến một lúc nào đó lo liệu để lời đó cố định trong những công thức thành văn. Tính xã hội – đối với ơn linh hứng cũng như với mặc khải – được xác định theo thời gian và không gian trong việc đón nhận-sống-truyền đạt của lời trong cộng đoàn. Nói sát chữ, tính xã hội của ơn linh hứng bao trùm toàn thể mối dây liên hệ của các luật tắc và các điều kiện xã hội khiến cho cộng đoàn đi tới chỗ khách quan hoá đức tin của mình qua trung gian những cá nhân được tuyển chọn để đảm nhận công việc khách quan hoá đó, xét như là những nhân chứng đức tin của cộng đoàn, bằng cách sử dụng những phương tiện bản chất chủ yếu có tính cách xã hội, đó là lời nói và các hình thức văn chương.
Kết luận
Công Đồng Vaticanô I từng bận tâm đến ơn linh hứng để bảo vệ nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh, trong khi Vaticanô II lại để ý tới tính không sai lầm, tức là chân lý trong Kinh Thánh. Ở đây phải nhận là Công Đồng đã đưa ra một lối diễn tả hết sức thoả đáng và tài tình về chân lý trong Kinh Thánh.
Nhưng giáo thuyết của Công Đồng về ơn linh hứng là thế nào ? Trước câu hỏi như vậy, chúng ta không thể nói Công Đồng đã đưa ra một công thức vừa đầy đủ vừa dứt khoát được. Đến nỗi Công Đồng cho ta cảm tưởng như đưa chúng ta trở lui về Vaticanô I. Thực vậy, kể từ thông điệp Providentissimus Deus, mọi nếp suy nghĩ thần học bị nhu cầu duy trì chân lý trong Kinh Thánh ám ảnh cho nên chỉ khai triển nguyên về khảo cứu ơn linh hứng trong tương quan với tính không sai lầm. Nhưng ngày nay, Công Đồng nói đến chân lý trong Kinh Thánh từ những tiền đề khác hẳn. Các nghị phụ đặt vấn đề này vào trong bối cảnh mặc khải (xét mặc khải như biểu lộ những chân lý cứu độ) khiến ta phải nghĩ tới việc xây dựng lại nền thần học về ơn linh hứng cho chính xác hơn. Trong Hiến chế, đã có vài hướng căn bản, nhưng có tầm cỡ lớn giúp chúng ta bắt tay vào công việc vừa nói.
Trước hết, ơn linh hứng được giải thoát khỏi sự chi phối của tính không sai lầm và trở lại xoay quanh vấn đề mặc khải. Đúng như Vaticanô I đã xác định. Nguyên việc này đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc sắp xếp lại vị trí của ơn linh hứng trong toàn bộ thần học. Từ sau Hiến chế Dei Verbum, vấn đề linh hứng được đặt vào chỗ riêng trong thần học cơ bản, nối kết với vấn đề mặc khải hơn là ở trong phần chuẩn bị đi vào Kinh Thánh, vẫn được gọi là Nhập môn Kinh Thánh.
Thiết nghĩ, đó là phần đóng góp chủ yếu của Hiến chế tín lý về mặc khải, Dei Verbum, của Công Đồng Vaticanô II.
-------------------------------------------
Thư mục
Trong bài trên chúng tôi đã ghi chú thư mục để tham chiếu liên quan đên mỗi chủ đề. Dưới dây, chúng tôi xin sắp lại theo hệ thống các tác phẩm khá quan trọng liên quan đến vấn đề ơn linh hứng, nghĩa là không nêu ra những bản văn liên quan đến vấn đề Nhập môn tổng quát Kinh Thánh.
ALONSO-SCHOKEL, L., La Palabra inspirada. La Biblia a la luz de la ciencia del lenguaje (Barcelona) 1966.
BENOIT, P., cộng tác với P. SYNAVE, La Prophétie (Paris 1947). Đặc biệt là các trang 103-107 và 186-193. Tài liệu quan trọng vì được coi là điểm quyết liệt trong việc canh tân thần học về ơn linh hứng theo tinh thần của thánh Tôma. Tiếp đó là : Inspiration, trong Initiation Biblique 3è ed. (Paris-Tournai 1954) pp. 5-45. Inspiration, trong Catholicisme vol. 5 col. 1710-1721. Les Analogies de l’Inspiration, trong Sacra Página (Gembloux 1959) I p.86-99. Inspiration et révélation. Selon la Bible, chez saint Thomas et les discussions modernes : Revue Biblique (1963) 321-370. Và các nghiên cứu của cha về ơn linh hứng của bản LXX : La Septante est-elle inspirée ? trong Vom Wort des Lebens (chúc mừng M. Meinertz) (Munster 1951) p.41-19 và L’inspiration des Septante d’après les Pères, trong L’Homme devant Dieu (Mélanges De Lubac) I pp. 169-187.
BEUMER, J., Die katholische. Inspirationslehre zwischen Vatikanum I und II (Stuttgart 1966). Đây là tài liệu quan trọng để hiểu lịch sử tư tưởng thần học và những can thiệp của Huấn Quyền trong thời gian giữa hai Công Đồng.
BRINKMANN, B., Inspiration und Kanonizitat der hl. Schrift in ihrem Verhaltnis zur Kirche, trong Zeits. fur kath. Theologie (1958) pp. 208-223.
COURTADE, G., Inspiration-Inerrance, trong Dictionnaire de la Bible (Supplément) IV.
DESROCHES, A., Jugement pratique et jugement spéculatif chez l’écrivain inspiré (Ottawa 1958).
FRANZELIN, J. B., De Divina Traditione et Scriptura (Romae 1894). Tác phẩm không thể thiếu để hiểu thần học về ơn linh hứng sau Công Đồng Vaticanô I. Tư tưởng trong tác phẩm này đã ảnh hưởng trên toàn thể trường phái Dòng Tên, và đã để lại dấu ấn (Pesch, Schiffini, Dorsch, Bea, Tromp) cho tới những năm gần đây như K. Rahner.
GRELOT, P., La Bible, Parole de Dieu (Paris-Tournai 1965). Tác phẩm quan trọng, thuộc loại có ảnh hưởng nhiều nhất vào giai đoạn cuối Công Đồng, về vấn đề ơn linh hứng và ơn vô ngộ (không sai lầm).
McCARTHY, D. J., Personality, Society and Inspiration : Theol. Studies (1963) 553-576.
McKENZIE, J. L., The social Character of Inspiration : Cath. Quart. 115-124.
PESCH, Ch, De Inspiratione (1906). Một người thuộc trường phái Tân-Franzelin. Tác phẩm này có giá trị lớn giúp hiểu lịch sử tín điều ơn linh hứng.
RAHNER, K., Uber die Schriftinspiration (Friburg 1958). Nhà thần học này là đại biểu chính trong việc canh tân thần học của Dòng Tên về ơn linh hứng.
VOSTÉ, J. M., De divina Inspiratione et veritate S. Scripturae (Romae 1932). Tác phẩm tổng hợp đạo lý Tôma khá hay.
WEYNS, N. I., De Natura Inspirationis iuxta Concilium Vaticanum : Angelicum (1953) 313-336.
ZANECCHIA, D., Divina Inspiratio Sacrarum Scripturarum ad mentem S. Thomas Aquinatis (Romae 1898). Tác phẩm quan trọng để hiểu lịch sử phản ứng của các tác giả Đa minh đối với chủ trương của Đức hồng y Franzelin, đồng thời đặt nền tảng cho tư tưởng về ơn linh hứng nổi bật của trường phái Đa minh.
--------------------------------------------------------------------
[1] Cha Antonio Maria Artola, C.P., cử nhân Kinh Thánh, là giáo sư Kinh Thánh Giáo Hoàng Học Viện Piô X, tại Salamanca (Tây ban nha). Bài viết này của cha, tựa đề là La inspiración de la Sagrada Escritura, được in trong cuốn CONCILIO VATICANO II, Constitución “Dei Verbum”, trang 371-391, BAC 284, 1969.
[2] “Hội Thánh công nhận những sách đó là Sách Thánh và thuộc Thư Qui không phải chúng chỉ do tài sức con người sáng tác, rồi sau đó được Hội Thánh chấp nhận. Cũng chẳng phải vì các sách đó chứa đựng mặc khải không sai lầm. Nhưng vì đã được viết ra do Thánh Thần linh hứng, có Thiên Chúa là tác giả và được trao cho Hội Thánh trong tình trạng như thế”.
[5] Được biết chính Đức hồng y Franzelin là người soạn bản văn này rồi trình lên Công Đồng (x. Mansi, 50,318-340; Courtade, G., J.B. Franzelin, Les formules que le magistère de l’Église lui a empruntées: Rech. De Sc. Rel. 40 [1951-1952] II 319).
[6] X. Beumer, J., Die katholische Inspiratioslehre zwischen Vatikanum I und II (Stuttgart 1966) p. 21; cũng x. Munos Iglesias, S., Documentos biblicos (BAC 136) (Madrid 1955) p. 32.
[18] Para el ventenio 1945-1965, cf. Mi trabajo La inspiración biblica en la teologia católica contemporánea, en Iglesia Viva (1966) n. 3, pp. 23-31, con una exposición sintética de los puntos más salientes de cada uno de los teólogos. Cf. También L. A. Schokel, Preguntas nuevas acerca de la inspiración, en la XVI Semana Bíblica Espanola (Madrid 1955) pp. 273-290. Stanley, The Concept of Biblical Inspiration, en Proceedings of the Catholic Theological Society of America (1958) pp. 65-95. Boff, L., Conceitos da Inspiracao ao tempo do Vaticano II: Revista Ecclesiástica Brasileira (1963) 104-121.432.
[19] Divina Inspiratio Sacrarum Scripturarum ad mentem S. Thomae Aquinatis (Romae 1898) y Scriptor Sacer sub divina Inspiratione (ib. 1903).
[20] Synave, P. Benoit, P., La Prophétie (Paris 1947) pp.103-107 y 286-293. Además, Initiation Biblique 3a éd. (Paris-Tournai 1954) p.5-45. Catholicisme vol. 5 col. 1710-1721 y Sacra pagina (Gembloux 1959) I pp. 86-99.
[21] La Septante est-elle inspirée? en Vom Wort des Lebens (chúc mừng M. Meinertz) (Munster 1951) pp. 41-49, trabajo que ha suscitado una interesante controversia.
[22] Inspiration et révélation. Selon la Bible, chez Saint Thomas et les discussions modernes: Revue Biblique (1963) 321-370.
[25] Uber die Schriftinspiration, en Zeits. Fur Kath. Theologie (1956) pp. 137-168, editado luego como folleto aparte en las Quaestiones disputatae (Friburgo de Br. 1958). Sobre esta obra y los juicios que ha merecido, cf. A. M. Artola, Juicios criticos en torno a la Inspiración bíblica del P. Rahner: Lumen (1964) 385-408.
[26] Inspiration und Kanonizitat der hl. Schrift in ihrem Verhaltnis zur Kirche, trong Zeits. Fur kath. Theologie (1958) pp. 208-223.
[27] McKenzie, J. L., The social Character of Inspiration, en Cath. Bibl. Quart. (1962) pp. 115-124. McCarthy, D. J., Personality, Society and Inspiration: Theol. Studies (1963) 553-576.
[29] Uber die irrtumslosigkeit und die Einheit der Schrift, en Stimmen der Zeit (1964) pp. 161-181, in lại trong Das Siegeslied am Schilfmeer (Frankfurt 1965) pp. 44-80.
[33] “Divinitus revelata quae in Sacrae Scripturae litteris continentur et prostant, Spiritu Sancto, afflante consignata sunt” (n.11); “Sacra Scriptura est locutio Dei quatenus divino afflante Spiritu scripto consignatur” (n.9); “Quae enim Apostoli ex mandato Christi praedicaverunt, postea, divino afflante Spiritu, in scriptis … nobis tradiderunt” (n.18).
[34] Lược đồ II: “Divina revelatio, afflante divino Spiritu litteris consignata … Deus autem, hominibus ad id delectis … usus est ut ea omnia eaque sola quae Ipse iuberet, universis hominibus scripto traderent”.
Lược đồ III: “Divinitus revelata, quae afflante Spiritu Sancto litteris consignata sunt … Ut Ipso in illis et per illos agente, ea omnia eaque sola quae Ipse vellet, scripto traderent” (n.11).
La afirmación del n. 9 se incluyó a partir del esquema segundo y permaneció sin cambio hasta el texto definitivo, lo mismo que la frase del n.18 que citamos.
Lược đồ III: “Divinitus revelata, quae afflante Spiritu Sancto litteris consignata sunt … Ut Ipso in illis et per illos agente, ea omnia eaque sola quae Ipse vellet, scripto traderent” (n.11).
La afirmación del n. 9 se incluyó a partir del esquema segundo y permaneció sin cambio hasta el texto definitivo, lo mismo que la frase del n.18 que citamos.
[35] “Deus ipse sacros quosdam scriptores seu hagiographos ita ad scribendum interne excitavit et movit, ita quoque scribentibus adstitit, ut ea omnia eaque sola, quae Ipse primarius Scripturarum Auctor intenderet, recte mente conciperent fideliter scriptis mandarent. Est enim Inspiratio biblica, ex constanti doctrina Ecclesiae, speciale quoddam charisma ad scribendum, quo Deus in hagiographo et per hagiographum operando, scripto hominibus loquitur” (c. 2 n. 8).
[36] “Deus autem, hominibus … usus est, ut ea omnia eaque sola quae Ipse iuberet, universis hominibus scripto traderent” (c. 3 n. 11).
[37] “In sacris vero libris conficiendis Deus homines elegit, quos omnibus facultatibus ac viribus utentes adhibuit, ut Ipso in illis et per illos agente, ea omnia eaque sola quae Ipse vellet, scripto traderent” (c. 3 n. 11).
[38] Un punto de vista diferente lo ofrecia en los mismos días del Concilio el P. Schokel en su trabajo El proceso de la inspiración: hablar y escribir, publicado en Biblica (1965) 269-286 y recogido luego en La palabra inspirada pp. 199-215. Se pregunta el autor en dicho estudio si solamente está inspirado el acto de escribir o se extiende tambíen la influcencia del carisma a todos los cumplicados procesos previos a la puesta por escrito. La solución va en la línea de una intervención del carisma de inspiración a todo lo largo del proceso de elaboración de la obra inspirada.
[40] Trong lược đồ thứ nhất, các soạn giả thánh được mệnh danh là instrumentum, idque vivum ac ratione praeditum (c. 2 n. 11); còn trong lược đồ thứ hai là: tamquam vivis instrumentis.
[43] x. A este respecto las advertencias del P. Labourdette al P. Benoit en “Revue Thomiste” (1950) 415, y mi trabajo sobre Rahner en “Lumen” (1964) 404, nota 49, así como los textos citados por el P. Arnaldich en su artículo La naturaleza de la inspiración según el Cardenal Franzelin en XIV Semana Bíblica Espanola (Madrid 1954) 162-163, especialmente la cita de Jácome en la p. 162.
[53] [53] “Si homo (causa secunda) sensu proprio est et dicitur auctor libri, eo ipso negatur Deum (causam primam) esse auctorem libri" ((Nếu phải nhận con người (nguyên nhân thứ) là auctor libri theo nghĩa chặt thì đương nhiên phủ nhận Thiên Chúa (nguyên nhân thứ nhất) là tác giả của Sách Thánh). (o. c. p. 317).
[57] Cf. Hopel, De Inspiratione (1929) p. 50; lo mismo la edición Hopel-Leloir de la Introductio generalis p. 79; otro tanto se diga del P. Bea en su De Inspiratione (1935) 2a éd. pp. 75-76.
[59] “Sacra Traditio et Sacra Scriptura unum Verbi Dei sacrum depositum constituunt Ecclesiae commissum” (c. 2 n. 10).
[60] “Sacra Scriptura est locutio Dei quatenus divino afflante Spiritu scripto consignatur” (c. 2 n. 9).
[61] “Sacra autem Traditio verbum Dei, a Christo Domino et a Spiritu Sancto, Apostolis concreditum, successoribus eorum integre transmittit” (c. 2 n. 9).
[62] Chân lý này được miêu tả ở số 11: “Veritatem quam Deus nostrae salutis causa, Litteris sacris consignari voluit”.
[63] Cũng chính số trên nói về chân lý này như sau: “Firmiter, fideliter et sine errore docere profitendi sunt”.
[64] “Item, quemadmodum ex Scriptura ipsa eruitur (cf. 2 Petr 2,21) et Ecclesia semper docuit, sacrae Inspirationis charisma hagiographis a Deo electis et ductis personale propriumque fuit, non autem charisma fidelium coetui commune vel communicatum. Ex Dei autem providentia, origo libri sacri ipseque liber cum gestis et vita communitatis civilis et religiosae, in qua auctor vivebat, ita cohaerent, ut ex ipsis aptius intelligi possint” (c. 2 n. 10).
[65] “En un medio come éste (el Oriente semita), la inspiración escrituraria no puede ser más que une forma de inspiración más vasta que comprende la vida entera de ese medio. La idea de una iniciativa divina en la composición de un libro en Israel no es más que un corolario de su fe en esa misma iniciativa en la vida nacional. El libro se llama inspirado porque se reconoce que su autor es un inspirado. El autor se reconoce como inspirado porque ejerce en la communidad une función social que se impone a todos como ejercicio de un mandato divino” (traducción espanola de José Perena, 2a ed. [Barcelona 1860] p.150).
[67] “Il ne s’agit, ce disant, d’attribuer à la communauté une grâce d’inspiration, mais de rendre compte d’un fait. Un inspiré accomplit sa part de travail personnel et recoit la grâce inspiratrice alors qu’il vit en dépendence d’une communauté elle-même assistée de Dieu, choisie par lui pour être réceptacle et véhicule de sa révélation dans le monde des hommes” (1a ed. [Paris 1957] pp. 28-29).
[68] “Il paragrafo dedicato a l’inspiré dans la Communauté (p. 27), può lasciare tranquilo un animo educato al senso tradizionale dell’ispirazione, quale emerge dai documenti della Chiesa e dalle pagine dei migliori teologi? Che preciso senso hanno particolarmente queste parole si nous sommes devenus plus sensible à son aspect social complémentaire du premier, etc…? X. “Osservatore Romano”, 2 julio de 1958.
[71] La Bible, Parole de Dieu (Paris-Tournai 1965) p. 41.