Monday, 06 January 2020 13:15

“Niên Biểu - Tác Giả - Thể Văn” Của Sách Khải Huyền Featured

Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

I. TÁC GIẢ

Truyền thống cho rằng Gio-an tông đồ là tác giả sách Khải Huyền. Theo truyền thống, Gio-an tông đồ cũng là tác giả Tin Mừng Gio-an và ba thư Gio-an. Tuy nhiên, khi dựa vào bản văn sách Khải Huyền, phần lớn các nhà Kinh Thánh ngày nay phân biệt Gio-an tông đồ và Gio-an tác giả sách Khải Huyền. Bốn lần tên gọi “Gio-an” xuất hiện trong sách Khải Huyền (1,1.4.9; 22,8) cho phép xác định đôi nét về tác giả.

(a) Lời tựa sách Khải Huyền (1,1-3) nói về Gio-an ở ngôi thứ ba số ít, nên phần lời tựa (1,1-3) không phải Gio-an viết mà là một người khác viết lời tựa. Tác giả lời tựa nói về Gio-an là “người đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô” (1,2a). Những lời chứng của Gio-an qua các thị kiến được gọi là “sấm ngôn (prophêteia)” (1,3), nên Gio-an được trình bày như là một ngôn sứ (prophêtês). Ở 22,8-9, khi Gio-an phủ phục dưới chân vị thiên sứ để thờ lạy, thì thiên sứ nói với Gio-an: “Coi chừng, đừng thế, tôi cùng là tôi tớ như ông, như các anh em của ông các ngôn sứ và những người tuân giữ các lời của sách này. Ông hãy thờ lạy Thiên Chúa.” Gio-an được gọi là “tôi tớ” (doulos) và xếp vào nhóm các ngôn sứ. Trong sách Khải Huyền, từ “tôi tớ” (doulos) được dùng để nói về Ki-tô hữu (2,20; 7,3; 19,2.5; 22,3.6) hoặc các ngôn sứ (10,7).

(b) Từ Kh 1,4, tác giả xưng tên là Gio-an và gọi độc giả là “anh em” (ngôi thứ 2 số nhiều): “Gio-an gửi bảy Hội Thánh tại A-xi-a. Ân sủng và bình an cho anh em từ Đấng hiện có, đã có và đang đến...” (1,1a). Cuối câu 5 và đầu câu 6, tác giả xưng hô: “chúng ta” (ngôi thứ nhất số nhiều). “Người [Đức Giê-su Ki-tô] đã yêu mến chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi các tội của chúng ta trong máu của Người” (1,5b); “và làm cho chúng ta thành vương quốc, các tư tế cho Thiên Chúa là Cha của Người,...” (1,6a). Như thế tác giả Gio-an viết cho một cộng đoàn và tác giả là thành viên của cộng đoàn. Điều này được làm rõ trong phần tự giới thiệu ở 1,9.

(c) Tác giả tự giới thiệu ở 1,9: “Tôi là Gio-an, người anh em của anh em, người cùng chia sẻ gian truân, vương quyền và sự kiên trì trong Đức Giê-su. Tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì lời của Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su.” Kiểu nói “người anh em của anh em” cho thấy tác giả thuộc về cộng đoàn và cùng chia sẻ gian truân mà cộng đoàn đang trải qua.

Không có dấu hiệu gì trong bản văn cho phép đồng hoá ngôn sứ Gio-an trong sách Khải Huyền với Tông Đồ Gio-an trong Tin Mừng Nhất Lãm. R. E. BROWN tóm kết nhận định về tác giả sách Khải Huyền hiện nay như sau: “Sách Khải Huyền được viết bởi một ngôn sứ, là Ki-tô hữu gốc do thái, tên là Gio-an. Ông Gio-an này không phải là Gio-an con ông Dê-bê-đê, cũng không phải là người viết sách Tin Mừng hay ba thư Gio-an” (R. E. BROWN, Que sait-on du Nouveau Testament?, Paris, Bayard, 2000, [dịch từ: An Introduction to the New Testament, 1997], p. 831).

II. NIÊN BIỂU VÀ NƠI BIÊN SOẠN

Có thể ghi nhận một vài mốc lịch sử sau đây: Trong những năm 60, Phê-rô và Phao-lô đã chịu tử đạo, các Ki-tô hữu bị bách hại dưới thời hoàng đế Nê-rô. Đến năm 70–73, quân Rô-ma chiếm Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị phá huỷ. Sau năm 73, xung đột giữa các Ki-tô hữu và những người Do Thái ngày càng tăng và dẫn đến hậu quả các Ki-tô hữu và những người Do Thái cắt đứt liên hệ với nhau.

Thời hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô (81–96), hoàng đế này tiếp tục áp đặt việc tôn thờ hoàng đế như một vị thần. Điều mà các Ki-tô hữu không thể chấp nhận nên đã bị bách hại. Có thể sách Khải Huyền được biên soạn khoảng từ năm 92–96 vào cuối thời hoàng đế Đô-mi-ti-a-nô. Dưới đây là danh sách các hoàng đế thế kỷ I và đầu thế kỷ II: Octavien Auguste (-27–+14), Tibère (14–37), Gaios Caligula (37–41), Claude (41–54), Néro (54–68), Galba (68), Vespasien (69–79), Titus (79–81), Domitien (81–96), Nerva (96–98), Trajan (98–117), Hadrien (117–138).

Ngôn sứ Gio-an thuật lại thị kiến khi ông đang bị cầm tù ở đảo Pát-mô, “vì lời của Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su” (1,9). Sau khi xuất thần (1,10) Gio-an được mặc khải bằng thị kiến và nhận mệnh lệnh viết ra các thị kiến cho bảy Hội Thánh (1,11). Nội dung sách Khải Huyền được gọi là “Mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô” (1,1). Tác giả viết sách Khải Huyền trong thời gian bị cần tù ở đảo Pát-mô hay ít lâu sau đó. Có thể xác định nơi biên soạn trong vùng Tiểu Á, khu vực bảy Hội Thánh, mà tác giả là thành viên (1,9).

III. ĐỘC GIẢ

Sách Khải huyền được gửi cho các Hội Thánh ở vùng Tiểu Á, cụ thể có 7 Hội Thánh được nêu tên trong sách Khải Huyền. Qua con số biểu tượng sự hoàn hảo: số 7, sứ điệp sách Khải Huyền muốn gửi tới tất cả các Hội Thánh đang bị bách hại vào cuối thế kỷ I. Với tư cách là một bản văn thuộc Quy Điểm Tân Ước của Hội Thánh Công Giáo, thông điệp sách Khải Huyền luôn có giá trị qua mọi thời đại. Độc giả ngày nay vẫn tìm thấy trong sách Khải Huyền những vấn đề của thời đại: Cuộc chiến giữ sự thiện và sự ác sẽ kết thúc thế nào? Phải làm gì khi gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống? Sách Khải Huyền giúp độc giả sống cam đảm, trung tín, bền chí, trung kiên, dám quảng đại hy sinh vì xác tín vào sự chiến thắng sau cùng.

IV. THỂ VĂN CỦA SÁCH KHẢI HUYỀN

Cần phân biệt thể văn khải huyền với sách Khải Huyền là sách cuối cùng của Tân Ước. Thể văn khải huyền tìm thấy trong sách Đa-ni-en, Giô-en và một số đoạn văn khác trong các sách ngôn sứ: I-sai-a (Is 24–27), Ê-dê-ki-en và Da-ca-ri-a (Dcr 9–11). Trong Tân Ước, ngoài sách Khải Huyền, thể văn khải huyền tìm thấy trong thư 1Th và 2Th (1Tx 4,15-17; 2Tx 2,1-12) và một số đoạn văn trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 13; Mt 24,1-16; Lc 17,22-37; 21,5-33).

Từ “Khải Huyền” (apokalupsis) có nghĩa là “vén màn” cho thấy điều che khuất bên trong, từ Hy Lạp “apokalupsis”  thường được dịch là “mặc khải” (revelation) hay “khải huyền” (cho biết những điều bị che dấu). Thể văn khải huyền trình bày mặc khải của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ biểu tượng và qua trung gian các thị kiến. Vì thế cần hiểu ý nghĩa của các biểu tượng để hiểu thông điệp của sách Khải Huyền. Việc dùng ngôn ngữ biểu tượng là cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể. Thể văn khải huyền thường xuất hiện trong bối cảnh tác giả và cộng đoàn đang bị bách hại. Ngôn ngữ biểu tượng và các hình ảnh cổ truyền làm cho người bị bách hại hiểu hiểu ý nghĩa của thông điệp, còn những kẻ đi bách hại, cụ thể là đế quốc Rô Ma, thì không biết ý nghĩa câu chuyện muốn nói gì.

Qua các thị kiến với ngôn ngữ biểu tượng của văn chương khải huyền, tác giả vừa trình bày hoàn cảnh khó khăn thử thách trong hiện tại, vừa cho biết quyền năng và sự chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và những ai trung tín với Người cho đến cùng./.