Tuesday, 10 September 2019 07:13

Mt 2,1-12: Dân Ngoại Đứng Trước Đức Vua Của Người Do Thái

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mt 2,1-12 [1]

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

***

1.- Ngữ cảnh

Chương 2 của Tin Mừng Matthew là một bài tường thuật đầy đủ, hoàn toàn dễ hiểu dù không có Chương 1. Chính điểm này cho thấy có nhiều tài liệu có trước Mt được ráp nối với nhau. Đề tài “sự hoàn tất các sấm ngôn” cũng được nhắc tới đều đặn (x. Mt 2,6.15.18.23).[2] Có bốn truyện kết cấu chặt chẽ với nhau tạo nên diễn tiến của Chương này, nhưng dường như các biến cố ấy đã được chọn cho phù hợp với các bản văn ngôn sứ mà truyện được xây dựng xoay quanh. Các sấm ngôn này đều có một đăc điểm chung là nhấn mạnh trên một hoàn cảnh địa dư. Trong chương này, chúng ta lại có thể phân biệt ra hai khối, nhưng khối thứ nhất được liên kết với khối thứ hai bằng nhiều từ móc, và nếu không có khối thứ nhất, thì không thể hiểu được khối thứ hai:

- Mt 2,1-12: Truyện kể nhiều chi tiết; những nhân vật chính là các Nhà Chiêm Tinh; ngôi sao là phương tiện Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các vị này.

- Mt 2,13-23:[3] Ít chi tiết kể truyện, và chỉ nhắm cho thấy các bản văn ngôn sứ được hoàn tất; nhân vật chính là Giuse (không hề được nhắc tới trong phân đoạn trước); Giuse được thiên thần Chúa ban lệnh trong mộng (tương tự như trong Mt 1,18-25).[4]

Về phương diện truyện kể, vua Herod là sợi dây liên kết hai phân đoạn.

Chương 2 đưa vào một đề tài quan trọng của Tin Mừng Matthew: Người Do Thái khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân thì đón nhận. Vua Herod, hoàng tử Archelaus và dân chúng Jerusalem tượng trưng cho người Do Thái; các Nhà Chiêm Tinh tượng trưng cho Dân ngoại. Dân ngoại sẽ chiếm chỗ mà người Do Thái bỏ trống trong lòng dân Thiên Chúa, khi họ không chịu tin. Dân ngoại sẽ là dân Israel chân chính của thời đại cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống tương lai. Hai chuyển động tương phản này chạy xuyên suốt cả Chương 2 cũng như xuyên suốt cả Tin Mừng cho đến cuộc Khổ nạn (x. Mt 27,39-44.54).[5] Nhìn như thế, có thể nói truyện các Nhà Chiêm Tinh tóm tắt toàn thể Tin Mừng Matthew.

Về việc các Nhà Chiêm Tinh đến Bethlehem, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời: Các ngài từ đâu đến? Các ngài đã thấy xuất hiện ngôi sao gì? Làm thế nào mà các ngài nhận ra đó là ngôi sao của Đấng Messiah? Tại sao vua Herod không xử sự theo cách hợp lý hơn?

Cũng như trong nhiều đoạn khác của Tin Mừng, thay vì đặt ra những câu hỏi về những chuyện không được nói tới, chúng ta nên để ý đến những gì đã được nói ra. Sau khi bảng gia phả đã cho thấy Đức Giêsu cắm rễ trong lịch sử dân Israel, và bản văn về nguồn gốc đích thực của Người đã chỉ nói đến những người có liên can trực tiếp, ở đây tác giả giúp chúng ta nhìn xem cách tiếp đón Đức Giêsu của những người mà vì họ Đức Giêsu đã đến. Tác giả không nêu ra một hành động nào của Hài Nhi, Đức Maria và Giuse. Những nhân vật hành động là Thiên Chúa và người ta, và đều nhắm tới Hài Nhi. Trong tương quan với Hài Nhi, ta phân biệt ra ba nhóm người: các Nhà Chiêm Tinh, các Kinh sư và vua Herod. Hoạt động công khai của Đức Giêsu và lời loan báo hậu Phục Sinh về Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh cũng được vây quanh bởi những hạng người như thế. Nhận biết trong niềm vui, lãnh đạm không quan tâm và bách hại liên tục, ba yếu tố này đi theo mọi giai đoạn của cuộc đời Đức Giêsu.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể được chia ra làm hai phần, với một đoạn Mở:

- 1/. Mở (các câu 1-2): Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các Nhà Chiêm Tinh.

- 2/. Phần 1 (các câu 3-9a): Gặp gỡ vua Herod, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái. Cốt lõi là trình bày sấm ngôn về Đấng Messiah.

- 3/. Phần 2 (các câu 9b-12): Gặp gỡ “Ấu Vương chân chính” tại Bethlehem. Cốt lõi là hành vi tôn thờ Đấng Messiah.

3.- Vài điểm chú giải

- Bethlehem miền Judea (1): Bethlehem có nghĩa là “nhà bánh mì”, hoặc cũng có thể là “nhà của thần Lah(a)mu” (thần của dân Akkad). Thành này cách Jerusalem 7 cây số về phía nam, là quê hương của Booz (Bôát), của Isai (Giesê), và nhất là của vua David (x. 1Sm 16,4-23; 20,6; Lc 2,4.11; Ga 7,42).[6] Tác giả nói rằng, “Bethlehem thuộc miền Judea” không những bởi trong Cựu Ước có một vùng đất Bethlehem thuộc Dơvulun (x. Gs 19,15)[7] và cũng thuộc thành vua David, mà còn nhằm nêu bật chủ đề của ngài đang hướng đến: Đức Giêsu, vua người Do Thái, xuất thân từ miền Judea, và cũng tại Judea mà Người sẽ bị giết (x. câu 5-6).

- Vua Herod the Great (Herod Cả): Vị vua này cai trị miền Judea (năm 37-4 TCN). Bởi vì ông xuất thân từ miền Idumea, ở về phía Nam miền Judea, và vì ông ủng hộ nền văn hóa Hy Lạp, nên ông bị người Do Thái ghét bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy hoàng. Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái kinh hoàng, nên chỉ một chút nghi ngờ là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát cả gia đình ông. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên miền Judea, đặc biệt là một cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và nổi loạn.

- Đức Giêsu ra đời: Lúc đầu, các cộng đoàn tín hữu tiên khởi không có Niên Lịch (dương lịch) như ngày nay chúng ta đang sử dụng hầu như khắp nơi; theo đó, niên lịch này được chia thành hai phần với trung tâm là cuộc chào đời của Đức Giêsu (trước và sau Công Nguyên). Vào thời các cộng đoàn tín hữu tiên khởi ấy, người ta tính “Niên Lịch Năm” dựa theo các “Đại Thế Vận Hội Hy Lạp” (Đại hội đầu tiên được tổ chức năm 776 TCN), hoặc dựa theo số năm khi thành lập thành Rôma (ngày 21-04-753 TCN), hoặc dựa theo những số năm của hoàng đế cai trị ở Rôma. Sau một thời gian, các Kitô hữu có thói quen tính thời gian khởi đi từ hoàng đế Gaius Aurelius Valerius Diocletianus (gọi tắt là hoàng đế Diocletianus; 284-305 SCN). Dưới triều đại của hoàng đế Diocletianus, các Kitô hữu bị bách hại tàn khốc; và vì thế, các Kitô hữu thường gọi thời này là kỷ nguyên các thánh tử đạo.

Kiểu niên lịch mà chúng ta đang sử dụng hiện nay được văn sĩ Denys le Petit xác định. Ông này sống tại Rôma vào tiền bán thế kỷ VI và chết trước năm 555. Với dụng ý để cho những năm cứu độ (tức là thời Tân Ước hay Giao Ước Mới) không còn phải gọi bằng tên của hoàng đế bạo chúa bách hại đạo, văn sĩ Denys đã thay thế kỷ nguyên các thánh tử đạo bằng kỷ nguyên Đức Kitô. Ông là người đầu tiên xác định cho kỷ nguyên Kitô giáo, mà khởi đầu với cuộc chào đời của Đức Kitô; và theo các tính toán của văn sĩ Denys, ngày khởi đầu kỷ nguyên ấy là ngày 25 tháng 12 năm 753 sau khi Rôma được thành lập.

Tuy nhiên, theo Tin Mừng Matthew: “Đức Giêsu ra đời tại Bethlehem, miền Judea, thời vua Herod trị vì” (Mt 2,1); trong khi đó, chúng ta biết rằng, vua Herod Cả qua đời vào năm 750 của thành Rôma. Như vậy, cuộc chào đời của Đức Giêsu phải được đẩy lùi lại 6 hoặc 7 năm; và do đó, hẳn là Đức Giêsu đã ra đời vào khoảng thời gian giữa năm 8 và 6 TCN.

- Mấy Nhà Chiêm Tinh (Hy Lạp: “magos”): Đây là những vị hiền giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh. Rất có thể họ là những Nhà Chiêm Tinh Babylon, đã được tiếp xúc với trào lưu chờ đợi Đấng Messiah nơi dân Do Thái. Có thể họ sống bên kia bờ sông Jordan, nên có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với thế giới của người Do Thái. Dưới ảnh hưởng của những lời sấm được ghi trong Tv 72,10; Is 49,7; 60,10,[8] truyền thống sau này đã nghĩ rằng, họ là những vị vua. Vào thế kỷ V, người ta cho rằng, bởi vì có ba loại lễ vật, nên nhóm các hiền giả này có tất cả là ba vị; và cho đến thế kỷ VIII, người ta còn gán cho các vị ấy tên là: Gaspar, Balthasar và Melchior. Sang thế kỷ XIV, ông Gaspar được coi là một người da đen…

- Chúng tôi đã thấy vì sao (2): Vào thời Thượng cổ, người ta thường cho rằng, cuộc chào đời của các nhân vật quan trọng được loan báo bởi các ngôi sao mới. Các Nhà Chiêm Tinh cho rằng, họ có thể đoán được vận mệnh của người ta nhờ quan sát chuyển động của các tinh tú. Do Thái giáo cũng nối kết niềm hy vọng thiên sai vào ngôi sao được nói tới ở sách Dân Số (Ds 24,17).[9] Có thể nói, vào thời Đức Giêsu và các Tin Mừng được biên soạn, ngôi sao là hình ảnh ưu tiên để tượng trưng về Đấng Messiah; đặc biệt Đấng Messiah vương đế, xuất thân từ nhà David.

- Xuất hiện (2): Người ta đã tìm cách xác định ngôi sao ấy là một hiện tượng thiên văn hay là một ngôi sao chổi. Thật ra, nỗ lực này cũng không đưa đến đâu, bởi vì hoặc tác giả Matthew muốn kể lại một hiện tượng lạ lùng duy nhất trong lịch sử, hoặc chi tiết này chỉ là một đặc điểm văn chương, được gợi hứng bởi Kinh Thánh, nhưng không có hiện tượng tương ứng thế giới vật lý, nên cố gắng tìm ra một giải thích tự nhiên đều là chuyện vô ích.

- Cả thành Jerusalem (3): Đây là một kiểu nói phóng đại, như để báo trước việc toàn dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu (x. Mt 21,10).[10] Một sự tương phản đáng kinh ngạc: Những người ngoại giáo, được hướng dẫn bởi những kiến thức hời hợt, pha trộn mê tín dị đoan, đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, thực hiện một hành trình và điều tra kỹ lưỡng, để có thể bái kiến vị tân vương; ngược lại, các nhà lãnh đạo Do Thái có ánh sáng Kinh Thánh, lại chỉ phản ứng bằng sự sợ hãi và vô tâm (các câu 4-6).

- Các Thượng tế (“archiereis”, 4): Archiereis đây là các thành viên của các gia đình mà vào lúc quy định nào đó, vua Herod có thể chọn ra người mà bổ nhiệm làm Thượng tế.

- Kinh sư trong dân (4): dịch sát grammateis tou laou là “các Kinh sư của dân chúng”: một kiểu nói phóng đại.

- Phần ngươi, ngươi đâu phải (6): Câu trích này là một tổng hợp trong sách Mikha (Mk 5,1-3) và sách Samuel quyển thứ 2 (2Sm 5,2) theo cách rất độc đáo,[11] không tương ứng với bản văn Cựu Ước Hipri lẫn Hy Lạp. Tác giả đã đưa những thay đổi đó vào với mục tiêu huấn giáo. Đặc biệt, với trạng từ “oudamos” (tiếng Pháp: “pas du tout”; tiếng Anh: “by no means”) được thêm vào bản văn Mikha, tác giả Matthew cho thấy ngài chú tâm đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo: sau khi Đức Giêsu đã chào đời, Bethlehem không còn là một thành vô danh không đáng kể nữa. Hơn nữa, một điểm nghịch lý cách lạ lùng rằng: các Kinh sư loan báo nơi Đấng Messiah chào đời cho những người ngoại giáo (dù sao, các Kinh sư cũng vẫn là những kênh chính thức truyền đạt mạc khải!), thế mà họ lại không thể nhận ra được Người!

- Mừng rỡ vô cùng (10): Niềm vui của các Nhà Chiêm Tinh được nhấn mạnh (so với Lc 2,10).[12] Trong Tin Mừng Matthew, đây là niềm vui của những quốc gia ngoại giáo đã khám phá ra nơi Đức Giêsu ơn cứu độ mà họ vẫn trông chờ cách mơ hồ. Đối lại với niềm vui này là sự bối rối hoang mang của vua Herod và thành Jerusalem, cũng như sau đó là cơn giận dữ điên cuồng của nhà vua (câu 16). Cũng có thể so sánh niềm vui lớn lao của các phụ nữ vào sáng ngày Phục Sinh (Mt 28,8)[13] với cơn kinh hoàng của đám lính canh khiến họ ra như chết (Mt 28,4).[14]

- Họ vào nhà (11): Tác giả Matthew nối kết chặt chẽ niềm vui của những người ngoại giáo và việc họ đi vào “nhà”, là hình ảnh báo trước Giáo Hội, nơi người ta gặp được Đức Kitô và bái thờ Người.

- Hài Nhi và Thân Mẫu: Công thức này được nhắc lại ở các câu 13, 14, 20 và 21, là do tác giả cố tình chọn để nhắc lại cuộc sinh hạ do Mẹ Đồng Trinh (Mt 1,18-25).

- Sấp mình thờ lạy (= bái lạy: các câu 2.8.11):“Bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” (proskyneo) được tác giả Matthew dùng động từ này 13 lần (toàn Tân Ước: 57 lần). Đây là hành vi sấp mình trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị cao, chẳng hạn các vua. Tác giả Matthew hầu như chỉ dùng động từ này để diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giêsu bởi những người khẩn cầu (Mt 8,2; 9,18; 15,25; x. 20,20)[15] và bởi các môn đệ (Mt 14,33: liên kết với việc tuyên xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa),[16] đặc biệt dành cho Đấng Phục Sinh (Mt 28,9.17).[17]

- Lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến: Sau khi bái lạy một vị vua, thường có việc dâng lễ vật (x. St 43,26; 1Sm 10,27; 1V 10,2; Tv 72,10).[18] Ba thứ lễ vật này đều xứng đáng với một vị vua: Vàng (x. Tv 72,15);[19] Vàng và Nhũ hương (Is 60,6);[20] xức Mộc dược cho vua (Tv 45,8);[21] Nhũ hương và Mộc dược (Dc 3,6).[22] Truyền thống các Giáo Phụ coi các lễ vật này là những biểu tượng về Vương quyền (vàng), Thần tính (nhũ hương) và việc Mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các Nhà Chiêm Tinh (1-2)

Chỉ trong một câu duy nhất, tác giả đã giới thiệu được khung cảnh địa lý, hoàn cảnh chính trị, và các nhân vật sẽ được đề cập đến trong bản văn. Chủ đề của Chương 2: “Vương quyền của Đấng Messiah”, đã được gián tiếp gợi lên qua tước hiệu “vua” gán cho Herod, một danh từ liên tục được nhắc lại suốt bài này.

Chủ đề lại được nêu lên trong câu hỏi của các Nhà Chiêm Tinh (câu 2). Các vị này là những Nhà Chiêm Tinh văn, chứ không phải là “vua”. Đặc biệt, trong môi trường Mesopotamia, hai ngành thiên văn và chiêm tinh đã có từ lâu đời và rất được trọng dụng. Các biến cố xảy ra trên bầu trời và trong thế giới loài người được coi là có liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta xác tín rằng, ai hiểu các hiện tượng của bầu trời thì cũng hiểu lịch sử loài người và có thể ban các lời khuyên cũng như những định hướng về lịch sử này. Các Nhà Chiêm Tinh này có khả năng giải thích các giấc mộng và thấy trước tương lai bằng cách nhìn xem các vì tinh tú hay quan sát cánh chim bay. Các vị cũng có khả năng biện phân ra ý muốn của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, làm thế nào mà các Nhà Chiêm Tinh vừa ngoại quốc vừa ngoại giáo lại có thể đi tìm vua dân Do Thái như thế trên đất Palestina? Vào thời cổ, có một niềm tin nói rằng, cuộc chào đời của một nhân vật quan trọng sẽ được báo cho biết bởi một ngôi sao trên trời. Trong lãnh vực nghiên cứu của họ, các Nhà Chiêm Tinh nhận được một thông tin cho biết: Đấng Messiah đã chào đời và họ được thúc đẩy lên đường. Các Nhà Chiêm Tinh đã thấy ngôi sao được Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải là một ngôi sao chổi hay một ngôi sao nào trong bầu trời vật lý. Các vị biết rằng, một đàng, Ds 24,17 khẳng định về Đấng Messiah xuất thân từ nhà Jacob, đàng khác, có một truyền thống song song, dựa trên Ds 24,7 (bản dịch Hy Lạp LXX),[23] khẳng định Đấng Messiah sẽ trị vì trên nhiều dân tộc. Các vị biết rằng, dân Do Thái đang chờ đợi Đấng Messiah. Từ thời Lưu đày Babylon, đã có nhiều người Do Thái sống trên đất Mesopotamia; nhờ họ, người ta biết tôn giáo và các niềm chờ mong của người Do Thái.

Khi kể câu truyện Các Nhà Chiêm Tinh, tác giả Matthew không quan tâm đến cuộc hành trình của các vị ấy; ngài chỉ chú ý đến cuộc đối đầu của các vị ấy với vua Herod. Ngài cũng muốn nói với chúng ta rằng, cuối cùng Đấng giải thoát nhà Jacob đã tới. Các Nhà Chiêm Tinh nhận ra Người và thờ lạy Người. Đức Giêsu chính là ngôi sao ấy. Chúng ta đọc diễn tiến câu truyện.

Đến Jerusalem, các vị ấy tưởng là đã đạt mục tiêu, nhưng lại được gửi đi đến một nơi khác. Nhưng bây giờ các vị ấy đã biết mục tiêu cách chính xác hơn. Các Kinh sư là những chuyên viên Kinh Thánh (x. Mt 23,2t),[24] đã có thể suy ra là Đấng Messiah chào đời tại Bethlehem xứ Judea. Trong Mk 5,1-3, Đấng Messiah được giới thiệu như là Thủ Lãnh và Mục tử của dân Israel. Người sẽ chỉ cho dân Người biết con đường ngay thẳng và sẽ lo lắng chăm sóc họ, như một mục tử săn sóc các chiên mình. Chúng ta lưu ý là các Nhà Chiêm Tinh hỏi nơi sinh của “vua dân Do Thái”, chứ không phải là “vua Israel”. Các Kinh sư của dân (Mt 2,4) được Đấng Messiah đến chiếu cố, đã ở lại Jerusalem; trong khi đó, các Nhà Chiêm Tinh là những người ngoại giáo, đã kiên trì theo đuổi mục tiêu, và họ tiếp tục cuộc hành trình.

Hai phần sau đây tương ứng với hai “chương trình xung đột” (cũng có trong các câu 13-23) mà tác giả muốn tường thuật: sự đối lập giữa hai nơi, Bethlehem/Nazareth và Jerusalem; một bên là chiến lược của vua Herod tại Jerusalem, bên kia là chiến lược của Thiên Chúa; vua Herod không những đối lập với Đức Giêsu, mà cũng đối lập với các Nhà Chiêm Tinh nữa. Sự đối lập giữa hai vị vua được nêu bật bởi ngôi sao: ngôi sao không được nhắc đến ở Jerusalem, nhưng dẫn đường cho các Nhà Chiêm Tinh sau khi họ rời Jerusalem.

* Gặp gỡ Herod, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái (3-9a)

Sự việc xảy ra ở đền vua Herod gián tiếp giới thiệu Đấng Messiah vương giả bằng câu sấm của Mk 5,1-3 kết hợp với 2Sm 5,2. Bây giờ, vua Herod và “cả thành Jerusalem” được đặt trong thế đối lập với các Nhà Chiêm Tinh. Phản ứng bối rối dao động của họ là một bằng chứng cho thấy rằng họ hiểu tính nghiêm trọng của hoàn cảnh. Vua Herod và toàn dân Jerusalem thuộc nhóm loại trừ vị Tân Ấu Vương.

Một vài điểm không thật (vua Herod và dân Jerusalem không ưa gì nhau, nên hẳn là dân chúng phải vui mừng khi biết Đấng Messiah vừa chào đời thì mới hợp lý – Nhà vua phải hỏi về nơi Đấng Messiah sinh ra, mà nơi này thì mọi người đều biết, vậy mà không một ai tò mò đi với các Nhà Chiêm Tinh đến Bethlehem cả – Vua Herod triệu tập toàn thể Thượng Hội Đồng Do Thái chỉ để xin một thông tin – Ngôi sao chỉ đúng nhà của Đức Giêsu – Dân cư Jerusalem “xôn xao”…) đã khiến nhiều tác giả cho rằng, đây chỉ là một sáng tác văn chương mà thôi. Nhưng dù được tưởng tượng hay không, câu chuyện này minh họa thật rõ việc dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu và trong khi đó dân ngoại lại đón tiếp Người. Đối với tác giả Matthew, Jerusalem là thành sẽ xảy ra cuộc đóng đinh; dân Jerusalem là những người sẽ nói về cuối quyển Tin Mừng: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Sự bối rối của vua Herod và dân Jerusalem ở đây báo trước thái độ thù nghịch trong cuộc Thương Khó (x. Mt 27,11.29.37.42).[25] Ở đây, vua Herod, các Thượng tế và Kinh sư đã hiểu “Vua dân Do Thái” chính là “Đấng Kitô [Messiah]”.

Câu trả lời về “Đức Vua dân Do Thái” là câu trích lại trong Mk 5,1, nhưng tác giả Matthew đặt trên môi các Kinh sư, chứ không dùng công thức về hoàn tất Lời Chúa. Câu này cung cấp một nền móng Cựu Ước cho khởi đầu cuộc đời của Đức Giêsu về mặt lịch sử và tiểu sử. Nhưng đây không phải là điều tác giả quan tâm đầu tiên. Điều tác giả chú ý hơn đó là dùng hai lần từ “Judah” và thêm 2Sm 5,2 (x. 1Sb 11,2)[26] vào với từ móc “laos” (“dân chúng”) để khẳng định quan điểm chống Do Thái của mình: các Kinh sư Do Thái nhìn nhận rằng, đây là vấn đề về vị Mục Tử Thiên Sai vẫn từng mong đợi của dân Thiên Chúa là Israel, nhưng họ không rút ra các hệ luận; vì vậy họ gián tiếp trở thành đồng lõa của vua Herod.

Thế là vua Herod “hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” (câu 7). Câu này đưa chúng ta đến với câu 16 được viết tương tự. Độc giả có linh cảm một chuyện chẳng lành sắp xảy ra, khi thấy nhà vua hỏi chi tiết về nơi Hài Nhi ở. Câu trả lời chính là sự tàn bạo bí hiểm của nhà vua được chứng tỏ sau đó. Câu 8 lại cho độc giả nhận ra nhà vua là một kẻ đạo đức giả. Đồng thời, nền tảng của câu 12 được cung cấp: vua Herod muốn kéo các Nhà Chiêm Tinh vào trò chơi của ông; nhưng ý định xấu xa của ông sẽ bị Thiên Chúa can thiệp tiêu hủy.

* Gặp gỡ Ấu Vương “chân chính” tại Bethlehem (9-12)

Các Nhà Chiêm Tinh ra đi ngay ban đêm, không phải vì đó là thói tục của Đông phương, nhưng để tác giả lại có cơ hội nói về ngôi sao. Tại đây, độc giả lại nhận ra Thiên Chúa ra tay hướng dẫn toàn thể biến cố, và được mời gọi chia sẻ niềm vui chan hòa các Nhà Chiêm Tinh đang trải nghiệm.

Chủ đề của bài Tin Mừng được trình bày rõ ràng qua việc các Nhà Chiêm Tinh bái lạy Hài Nhi Giêsu và dâng các lễ vật (câu 11). Đây mới là vị Vua Chân Chính mà muôn dân vẫn trông đợi, dù tước hiệu “Vua” không hề được dùng mà gọi Người. Nhưng chủ đề “Vị Vua Thật” chạy xuyên suốt bản văn do các từ ngữ và cụm từ liên hệ: “Vua dân Do Thái” (câu 2); “vì sao của Người” (các câu 2.7.9.10); “vua Herod (câu 3); “Herod” (các câu 7.12); “bái lạy” (câu 8); “nhà vua” (câu 9); “vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (câu 6); “sấp mình thờ lạy” (câu 11); “lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến” (câu 11).

Các Nhà Chiêm Tinh, là những người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm, đã phủ phục (proskyneo) trước Hài Nhi, một trẻ sơ sinh không hề tỏ ra có chút uy hùng hay quyền lực gì. Đây là cách người Đông phương nhìn nhận Đấng có quyền trên mình, mình lệ thuộc phần nào hay hoàn toàn vào Đấng ấy (là vua chúa hay thần linh). Nhưng chúng ta nhớ Đức Giêsu đã được giới thiệu là “con cháu vua David” (Mt 1,1),[27] “Con Thiên Chúa” (x. Mt 1,21; 2,15)[28] và Emmanuel (Mt 1,23).[29] Hài Nhi không nói gì với các vị ấy và cũng chẳng cho các vị ấy món gì cả. Các vị không thấy vẻ huy hoàng chúa tể của Người, cũng chẳng trải nghiệm về quyền lực của Người, nhưng các vị nhận biết Người nhờ lòng tin. Tác giả Matthew bỏ qua Thánh Giuse để nêu bật địa vị đặc biệt của Đức Maria theo chiều hướng của Mt 1,18-25. Các lễ vật quý giá (vàng, nhũ hương và mộc dược) các vị dâng là một dấu chỉ khác chứng tỏ các vị nhìn nhận Hài Nhi là Chúa Tể.

Chủ đề được khóa lại với tên “Herod”, vị vua đương trị, được nhắc lại lần nữa và với việc các Nhà Chiêm Tinh từ biệt Hài Nhi. Vua Herod đã muốn nối kết các Nhà Chiêm Tinh vào các kế hoạch của ông, và các kế hoạch này là thế nào thì cuộc sát hại các hài nhi Bethlehem sẽ cho biết; và hẳn là các Nhà Chiêm Tinh sẽ chịu cùng một số phận như các hài nhi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã can thiệp, để đưa các Nhà Chiêm Tinh về quê theo đường khác.

+ Kết luận

Đọc bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra có sự đối đầu của hai vương quyền, vương quyền của Thiên Chúa và vương quyền của loài người. Bản văn cũng nêu bật hai nỗi lo lắng: nỗi lo của những con người đói khát ơn cứu độ, đang ra sức đi tìm; nỗi lo của con người sợ cuộc sống mình bị đặt thành vấn đề. Hai bên đều tiến đi, để rồi đến cuối con đường, một bên được hưởng niềm vui cứu độ, một bên co quắp lại trong thái độ thù nghịch. Chỉ khi vương quyền của con người biết nhìn nhận mình phát xuất từ Vương Quyền của Thiên Chúa, khi đó mới có sự “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Truyện này gây ra hai ấn tượng. Một bên, chúng ta muốn coi toàn bộ như một huyền thoại: cuộc hành trình dài ngày của các Nhà Chiêm Tinh, ngôi sao dẫn đường, nỗi bối rối của nhà vua và toàn thể dân thành Jerusalem, mưu mô của vua Herod, cuối cùng lệnh của Thiên Chúa ban cho các Nhà Chiêm Tinh trong mộng, tất cả những nét này khiến chúng ta có ấn tượng là truyện không thật. Nhưng ngược lại, nếu so sánh truyện này với những gì ta biết về vua Herod và xứ Palestina thời ấy, chúng ta lại phải nhìn nhận truyện có màu sắc lịch sử: sự lưu tâm của các Nhà Chiêm Tinh phương Đông về một vị vua cứu thế và những cơn điên khùng bệnh tật của vua Herod hoàn toàn phù hợp với truyện. Nhưng “đúng” không nhất thiết là “thật” về lịch sử. Cho dù các biến cố đã xảy ra thật, các truyện trong Chương 2 của Tin Mừng theo Matthew cũng không mang tính lịch sử theo nghĩa hẹp. Dường như tác giả đã sử dụng thể văn midrash haggada để giải thích các sự kiện có thật, hầu rút ra một áp dụng Kinh Thánh, để đi tới việc ca tụng Thiên Chúa, khám phá ra một mạc khải về những chương trình của Thiên Chúa trong quá khứ và cho tương lai, nhằm xây dựng cọng đoàn.

2. Có những điểm “khôi hài” trong đoạn văn: Sự khôn ngoan của Dân ngoại mà người Do Thái vẫn loại trừ hoặc khinh bỉ cũng có thể đưa người ta đến với Đức Kitô. Đấy là khi các Nhà Chiêm Tinh đến đền vua Herod và hỏi về nơi trú ngụ của “Đức Vua mới sinh”. Đàng khác, chính một vị vua gian ác ngoại quốc (vì Herod thuộc gốc dân Idumea) cũng có thể trở thành trung gian cung cấp cho người ta những thông tin chính xác. Đấy là khi vua Herod triệu tập các Thượng tế và Kinh sư lại để hỏi cho biết Đấng Kitô sinh ra ở đâu.

3. Có hai chuyển động ngược chiều trong đoạn văn: Vua Herod càng ngày càng co quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Jerusalem, còn các Nhà Chiêm Tinh thì đã từ những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối với Đấng Messiah. Vì thế sau đó, các vị “đã đi lối khác mà về xứ mình” (câu 12). Cũng nên dừng lại suy nghĩ về lối ứng xử của các Kinh sư: Họ đã có thể trích và giải thích đúng Kinh Thánh, nhưng họ không hề lên đường. Thánh Augustin bảo rằng họ là “những cột cây số”; họ chỉ đúng đường, nhưng họ không di chuyển!

4. Các Nhà Chiêm Tinh đã nhận được sự thúc đẩy đầu tiên khi nghiên cứu thiên văn. Đến Jerusalem, các vị lại nhận được một thông tin chính xác hơn rút từ Kinh Thánh. Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường và cứ dò dẫm từng bước, và Thiên Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng “ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các vị không kháng cự lại và không quản ngại mệt nhọc, trái lại đã chấp nhận được hướng dẫn, các vị đã vui sướng đạt tới mục tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi người trong cuộc cảm thấy đường đi không rõ và mục tiêu mịt mù.

5. Các Nhà Chiêm Tinh không thấy vinh quang hay uy quyền của Hài Nhi Giêsu, nhưng các vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa Tể, là Đức Vua và vị Mục Tử của Dân ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho từng bước đi tới chỗ nhận biết Đức Chúa, ở đây được các Nhà Chiêm Tinh diễn tả ra trong tình trạng tinh trong. Dựa vào ba lễ vật, qua các thời đại, người ta đã tưởng tượng là có ba Nhà Chiêm Tinh, có tên rõ ràng, một vị trẻ tuổi, một vị đứng tuổi và một vị đã già; một vị là người châu Á, một vị là người châu Âu và một vị châu Phi. Cách làm này không tương ứng với chữ viết của bản văn nhưng phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Tất cả các lứa tuổi và con người của mọi châu lục đều đạt tới mục tiêu khi gặp Hài Nhi này, nhất là khi nhìn nhận Người là Đức Vua và Đức Chúa của họ. Người đã đến cho mọi người, cho người trẻ cũng như cho người già, cho người thông thái cũng như người chất phác ít học, cho mọi màu da và mọi lối sống, để giúp họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và đưa vào cuộc đời họ một ánh sáng chói chan. Như các Nhà Chiêm Tinh, loài người không được để mình đi trệch đường về với Đức Giêsu, mà phải để cho Thiên Chúa hướng dẫn, cho đến khi tới đích.

6. Phải chăng nên gỡ bỏ các ngôi sao tại các máng cỏ? Không cần! Chúng ta cứ việc ngắm nhìn ngôi sao ấy, cứ chỉ cho con em thấy, nhưng bảo các em rằng ngôi sao đích thật là Đức Giêsu. Người chính là ánh sáng soi chiếu mọi dân tộc. Cũng giải thích cho chúng biết rằng, các Nhà Chiêm Tinh là đại diện cho các dân tộc trên thế giới đang để cho sứ điệp hòa bình và tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn. Họ chính là hình ảnh của Hội Thánh, được tạo nên do các dân tộc thuộc mọi giống nòi và mọi ngôn ngữ. Trở nên một thành viên của Hội Thánh không có nghĩa là đánh mất hoặc bỏ đi chân tính của mình, không có nghĩa là phải quy phục một thứ “đồng nhất” giả tạo và bất công. Các dân tộc cần phải duy trì nền văn hóa của họ và làm giàu cho Hội Thánh bằng nền văn hóa riêng này.

 

 

 

 

 


[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] x. Mt 2,6.15.18.23: 6 ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 18 ‘Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa’. 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét .

[3] Mt 2,13-23: 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 18 ‘Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa’. 19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. 21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét .

[4] Mt 1,18-25: 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su .

[5] x. Mt 27,39-44.54: 39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu 40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” 41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: 42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! 43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” 44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế. 54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” .

[6] x. 1Sm 16,4-23; 20,6: 4 Ông Sa-mu-en làm điều ĐỨC CHÚA đã phán; ông đến Bê-lem và các kỳ mục trong thành run sợ ra đón ông. Họ nói: “Ông đến có phải là để đem bình an không?” 5 Ông trả lời: “Bình an! Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA. Các ông hãy thanh tẩy mình và đến dự hy lễ với tôi”. Ông thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ. 6 Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!” 7 Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng”. 8 Ông Gie-sê gọi A-vi-na-đáp và cho cậu đi qua trước mặt Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói: “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn”. 9 Ông Gie-sê cho Sa-ma đi qua, nhưng ông Sa-mu-en nói: “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn”. 10 Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “ĐỨC CHÚA không chọn những người này”. 11 Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên”. Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây”. 12 Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” 13 Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma. 14 Thần khí ĐỨC CHÚA rời khỏi vua Sa-un và một thần khí xấu từ ĐỨC CHÚA đến ám vua. 15 Triều thần nói với vua Sa-un: “Ngài thấy đó, một thần khí xấu của Thiên Chúa ám ngài. 16 Xin ngài truyền. Bề tôi của ngài đang ở trước mặt ngài: họ sẽ tìm một người biết gảy đàn, và khi thần khí xấu của Thiên Chúa xuống trên ngài, thì người ấy sẽ gảy đàn và ngài sẽ cảm thấy dễ chịu”. 17 Vua Sa-un nói với triều thần: “Các người hãy đi tìm cho ta một tay gảy đàn giỏi và đưa đến cho ta”. 18 Một người trong đám gia nhân thưa rằng: “Tôi biết ông Gie-sê người Bê-lem, có một người con trai biết gảy đàn. Anh ta là một dũng sĩ can đảm, một chiến binh, một người có tài ăn nói, đẹp trai, và ĐỨC CHÚA ở với anh”. 19 Vua Sa-un sai sứ giả đến với ông Gie-sê và nói với ông: “Ngươi hãy gửi cho ta Đa-vít, con ngươi, đứa chăn chiên”. 20 Ông Gie-sê bắt một con lừa, cho chở bánh, một bầu da rượu, và một con dê con, rồi sai Đa-vít, con ông, mang đến cho vua Sa-un. 21 Đa-vít đến với vua Sa-un và chầu chực trước mặt vua. Vua thương cậu lắm và cậu trở thành người hầu cận của vua. 22 Vua Sa-un sai người đến nói với ông Gie-sê: “Hãy để Đa-vít chầu chực trước mặt ta, vì nó được đẹp lòng ta”. 23 Như vậy, khi thần khí Thiên Chúa xuống trên vua Sa-un, thì Đa-vít cầm đàn và gảy. Bấy giờ vua Sa-un nguôi bệnh, cảm thấy dễ chịu, và thần khí xấu rời khỏi vua. 20 6 Nếu cha anh thấy vắng tôi, anh cứ nói: ‘Anh Đa-vít đã nài nẵng xin phép con chạy về Bê-lem, thành của anh, vì ở đó có hy lễ hằng năm cho toàn thị tộc’ .

x. Lc 2,4.11: 4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa .

x. Ga 7,42: 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?”.

[7] x. Gs 19,15: 15 Ngoài ra, còn có Cát-tát, Na-ha-lan, Sim-rôn, Gít-a-la và Bê-lem: đó là mười hai thành và làng mạc của các thành ấy .

[8] Tv 72,10: 10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật .

Is 49,7; 60,10: 7 Với người bị thiên hạ khinh chê, bị dân mình kinh tởm, với người làm tôi mọi cho bạo chúa, ĐỨC CHÚA là Đấng Cứu Chuộc và là Đức Thánh của Ít-ra-en, Người phán thế này: Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy vì uy quyền của ĐỨC CHÚA là Đấng trung thành, là Đức Thánh của Ít-ra-en, Đấng đã tuyển chọn ngươi. 60 10 Con cái khách ngoại kiều sẽ tái thiết thành luỹ của ngươi, việc tế tự của ngươi, vua chúa của chúng sẽ góp phần. Phải, trong lúc giận dữ, Ta đã đánh phạt, nhưng vì ân tình, Ta lại xót thương ngươi .

[9] Ds 24,17: 17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết .

[10] x. Mt 21,10: 10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” .

[11] Mk 5,1-3: 1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. 2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en. 3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA, vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất .

2Sm 5,2: 2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. ĐỨC CHÚA đã phán với ngài: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en’” .

[12] Lc 2,10: 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân .

[13] Mt 28,8: 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay .

[14] Mt 28,4: 4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi .

[15] Mt 8,2; 9,18; 15,25; x. 20,20: 2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. 9 18 Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống”. 15 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. 20 20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều .

[16] Mt 14,33: 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” .

[17] Mt 28,9.17: 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!”. Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi .

[18] x. St 43,26: 26 Khi ông Giu-se vào nhà, họ dâng ông quà họ đã mang theo vào nhà đó, và sụp xuống đất lạy ông .

1Sm 10,27: 27 Nhưng có những tên vô lại đã nói: “Làm sao hắn cứu chúng ta được?”. Chúng coi thường ông và không đem quà biếu ông. Nhưng ông làm như không nghe thấy .

1V 10,2: 2 Bà đến Giê-ru-sa-lem cùng với đoàn tuỳ tùng đông đảo, nhiều lạc đà chở đầy hương liệu, và một số lượng rất lớn vàng cùng đá quý. Bà vào hội kiến với vua Sa-lô-môn và nói với vua tất cả những gì bà suy nghĩ trong lòng .

Tv 72,10: 10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật .

[19] x. Tv 72,15: 15 Tân Vương vạn vạn tuế! Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên, và cầu xin cho Người luôn mãi, ngày lại ngày chúc phúc cho Người .

[20] Is 60,6: 6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA .

[21] Tv 45,8: 8 Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc .

[22] Dc 3,6: 6 Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ những cột mây, thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược, ngạt ngào hương phấn xứ lạ phương xa?

[23] Ds 24,7: 7 Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn A-gác, và vương quốc nó được tôn vinh .

[24] x. Mt 23,2tt: 2 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy .

[25] x. Mt 27,11.29.37.42: 11 Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó”. 29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” 37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái”. 42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!

[26] x. 1Sb 11,2: 2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un còn làm vua, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngài, đã phán với ngài: Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta và ngươi sẽ lãnh đạo Ít-ra-en dân Ta” .

[27] Mt 1,1: 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham .

[28] x. Mt 1,21; 2,15: 21 “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 2 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập .

[29] Mt 1,23: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” .