Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
1.- Ngữ cảnh
Nhìn vào dàn bài tổng quát của phân đoạn gồm các chương 21 và 22, ta nhận ra đặc tính bút chiến của ba dụ ngôn Đức Giêsu kể ra nhằm biện minh cho kế hoạch của Thiên Chúa:
1) Dụ ngôn Hai người con (21,28-32) xác định trong Israel có những người tội lỗi thực sự vì bất phục tùng.
2) Dụ ngôn Những tá điền sát nhân (21,33-43) vạch trần kế hoạch sát nhân của người Do Thái và loan báo chương trình của Thiên Chúa là sắp chuyển sứ mạng của người Do Thái cho Dân ngoại (c. 45 cho thấy rằng các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ, và như thế là gián tiếp nhìn nhận dự tính sát nhân của họ).
3) Dụ ngôn Tiệc cưới hoàng gia (22,1-14) gom lại các dữ kiện của hai dụ ngôn trước (từ khước vì bất phục tùng, sát hại người con trai, hủy diệt những kẻ sát nhân, kêu gọi những người khác).
Ba bài dụ ngôn này cũng được trình bày tiệm tiến (làm việc, cung cấp hoa trái, đến dự tiệc). Dụ ngôn Những người thợ làm vườn nho (20,1-16) đã nêu bật rằng Thiên Chúa không hề bị lệ thuộc hành vi con người; Ngài hoàn toàn tự do và tốt lành. Trong dụ ngôn Hai người con, Đức Giêsu cho thấy lần nữa rằng thi hành ý muốn của Thiên Chúa là một bổn phận không thể tránh né.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm ba phần:
1) Dụ ngôn Hai người con (21,28-30);
2) Câu hỏi đặt ra cho thính giả (21,31);
3) Bài học kết thúc (21,32).
3.- Vài điểm chú giải
- Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai (28): Đức Giêsu hỏi ý kiến của các thính giả và cả các đối thủ của Người. “Người kia” tượng trưng Thiên Chúa; còn “hai người con” tượng trưng cho hai thành phần làm nên Dân Thiên Chúa vào thời Đức Giêsu: những người “tội lỗi”, không tuân giữ Lề Luật và các quy định của kinh sư, và những người “công chính” trung thành với tôn giáo chính thức, ở đây là các thủ lãnh của Dân. Cả hai bên đều được gọi là “con” của Thiên Chúa.
- nó hối hận (30): Tác giả Mt không dùng động từ “hoán cải” (metanoeô) mà là động từ metamelomai, chỉ có ở đây và ở Mt 27,3, nhưng được dùng nhiều trong Bản LXX theo nghĩa là “quay trở về với Thiên Chúa” (Ed 14,22; Tv 105,45; Xh 13,17…). Metamelomai có thể có nghĩa đơn giản là “thay đổi tâm trí, nghĩ lại”, nhưng ở đây, cũng như ở c. 32 và 27,3, rất có thể cũng có nghĩa là “hối hận”. Động từ này không có trọng lượng thần học của động từ metanoeô.
- vào Nước Thiên Chúa trước các ông (31): Động từ proagô thường có nghĩa là “đi trước”, nhưng ở đây có nghĩa là “chiếm chỗ”. Đây là một kiểu nói A-ram.
- Nước Thiên Chúa (31): Cụm từ basileia tou theou (Nước Thiên Chúa) không thông dụng trong Mt, nó đến từ truyền thống có trước, nhưng cũng có ý nghĩa như basileia tôn ouranôn (Nước Trời)
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn này được đặt trong khung cảnh một cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các thượng tế và kỳ mục trong dân (x. 21,23). Sau khi Người đã khéo léo từ chối trả lời họ về nguồn gốc của “quyền” của Người, Đức Giêsu kể dụ ngôn Hai người con. Dụ ngôn này mở đầu và kết thúc bằng một câu hỏi mà họ phải trả lời.
* Dụ ngôn Hai người con (28-30)
Cả hai người con đều được cha đề nghị với giọng thân tình là đi làm vườn nho cho ông. Phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất trả lời bằng một câu “Con không muốn” khô khan và bất lịch sự, không đưa ra một lý do nào. Nhưng rồi anh nghĩ lại, “hối hận” (metamelêtheis), và đi làm việc trong vườn nho. Người thứ hai đáp lại bằng một câu “Con đây, thưa ngài! (egô kyrie)” lịch thiệp và khả ái: một kiểu xưng hô hợp với một nô lệ hơn là với một người con; anh hứa vâng phục. Tuy nhiên, anh lại không đi đến vườn nho.
* Câu hỏi đặt ra cho thính giả (31)
Câu hỏi của Đức Giêsu (“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”, c. 31a) quá rõ là chỉ có thể có một câu trả lời mà thôi. Người đã thi hành ý muốn của cha chỉ có thể là người con đã đi làm việc trong vườn nho mà thôi. Do đó, câu trả lời của họ là: “Người thứ nhất”. Nhưng vì đây là một dụ ngôn nhắm đưa tới một quyết định mang tính pháp lý làm mẫu, khi trả lời, họ đã tuyên bố án xử trên chính họ.
Với một câu có từ amen long trọng mở đầu, Đức Giêsu lại quay về trực tiếp với các đối thủ và áp dụng dụ ngôn vào họ. Những người thu thuế và những cô gái điếm là hai nhóm người ở bậc thấp nhất trong hệ thông tôn giáo đương thời và về giá trị luân lý. Họ là những con người bị coi là không có phẩm cách cả về tôn giáo lẫn luân lý, nhưng lại được Đức Giêsu đặc biệt chiếu cố đến (x. Mc 2,13-17; Lc 18,9-14; 7,36-50; Ga 7,53–8,11). Họ sẽ được vào Nước Thiên Chúa trước các nhà lãnh đạo Israel.
Như thế, khi trả lời Đức Giêsu, các nhà lãnh đạo Do Thái đã phải tuyên bố chính bản án về mình. Tuy nhiên, không dễ mà áp dụng dụ ngôn vào họ, vì các khác biệt quá lớn. Đâu là sự đối lập giữa nói và làm mà bài dụ ngôn nêu bật? Có bao giờ họ đã thưa vâng với lời Gioan và Đức Giêsu công bố về Nước Thiên Chúa, mà rồi không chịu áp dụng giáo huấn của các ngài? Phải chăng những người thu thuế và các cô gái điếm đã vâng theo, rồi nay loại bỏ? Lại càng khó áp dụng câu amen (c. 31c) vào cuộc tranh luận cụ thể về quyền bính của Đức Giêsu và về phép rửa của Gioan ở cc. 23-27. Dường như cả dụ ngôn lẫn áp dụng ở c. 31c đều không liên hệ gì đến Gioan Tẩy Giả cả. Do đó, trong c. 32, tác giả Mt tìm cách làm sáng tỏ cách áp dụng và xây dựng mối liên kết với cc. 23-27.
* Bài học kết thúc (32)
Câu kết thúc liên kết dụ ngôn và cách áp dụng vào cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các thượng tế và các kỳ mục ở cc. 23-27. Đức Giêsu thấy xuyên qua những chuyện họ thì thầm với nhau (c. 25). Bây giờ Người mới trả lời cho câu hỏi chính Người đặt ra về Gioan Tẩy Giả, và Người nói thẳng vào mặt các đối thủ: Gioan “đã đến với các ông trong đường công chính”, nhưng các ông đã không tin ông ấy. Có nghĩa là các ông đã không vâng lời ông ấy và nhìn nhận quyền bính thần linh của ông ấy. Do đó, các ông đã không hối hận (oude metemelêthête), và lại còn tệ hơn cả hai người con trong bài dụ ngôn. Cụm từ “trong đường công chính” (en [h]odô dikaiosynês) không phải là một công thức Kinh Thánh theo mặt chữ, nhưng ngôn ngữ Kinh Thánh vẫn nhắc nhớ rằng phải sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Đây là hướng phải theo để hiểu bản văn của chúng ta. Công thức này một đàng nhắc độc giả nhớ đến 3,15, là câu nói về sự công chính mà Gioan thực hiện khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, đàng khác, nhớ đến 11,18, là câu nói đến Gioan “nhà khổ hạnh” (“không ăn không uống”) “đến”.
Câu 31c hàm ý là “những người thu thuế và các cô gái điếm”, không giống các nhà lãnh đạo Do Thái, “đã tin” Gioan. Câu này sai niên biểu (anachronism), bởi vì chúng ta chỉ nghe nói đến Đức Giêsu, chứ chưa bao giờ nghe nói đến Gioan như là người có quan tâm đặc biệt đến các người thu thuế và các cô gái điếm. Tuy nhiên, ý tưởng rút ra từ c. 31c là quan trọng: vị trí trước nhan Thiên Chúa của các thượng tế và kỳ mục một bên và các người thu thuế và gái điếm bên kia đã bị đảo ngược. Điểm khác biệt là ngữ cảnh đã làm cho từ “(đi) trước” tương đối của c. 31c trở thành một phân biệt tuyệt đối. Họ tin – nghĩa là vâng phục – trong khi các nhà lãnh đạo Do Thái thì không. Trong khi các nhà lãnh đạo Do Thái đã thấy những người bị khinh dể đến với đức tin, kinh nghiệm vẫn không làm cho họ phải ghen tức (x. Rm 11,14), nên họ không giống người con thứ nhất, “sau đó (hysteron), đã hối hận”. Đối với tác giả Mt, “sau đó” đã đi đến hiện tại của ngài. Chính ngài và Hội Thánh ngài biết rằng “sự hối hận” này vẫn chưa xảy ra ngay ngày hôm nay.
+ Kết luận
Qua bài dụ ngôn này, Đức Giêsu dạy chúng ta đừng phê phán về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo một bảng phân loại các hạng người hoặc thể theo những cam kết về lý thuyết hay nguyên tắc. Nói cho cùng, chính cách xử sự cho thấy đáy lòng.
Khi so sánh dụ ngôn này với dụ ngôn Người con hoang đàng, ta có thể thấy được là các quan hệ giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Israel xấu đi rõ ràng. Người con nói không, rồi hối hận, có lẽ ít đáng bị trách hơn đứa con hoang đàng, nhưng người con nói vâng mà không làm gì cả thì bị phê phán nghiêm khắc hơn người anh cả ghen tị. Trong bài dụ ngôn Luca (ch. 15), thính giả có ấn tượng là người cha gia đình còn hy vọng bao trùm sự ghen tương tồi tệ của đứa con cả bằng tình thương của ông. Nhưng khi nghe dụ ngôn Hai người con, ta đoán ra rằng Đức Giêsu không còn hy vọng hoán cải người Pharisêu được nữa. Họ đã chứng kiến sự thánh thiện của Gioan Tẩy Giả, họ đã thấy những người thu thuế và các phụ nữ tội lỗi hoán cải, thế mà họ không hề băn khoăn nghĩ ngợi! Sự chai đá của họ thật vô phương cứu chữa!
5.- Gợi ý suy niệm
1. Chúng ta học nơi Đức Giêsu bài học là không có nhận định kiểu thành kiến về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo cách phân loại các hạng người tùy các dấn thân theo nguyên tắc hay các lý thuyết của họ. Chỉ lối sống thực tế mới cho thấy lòng dạ con người.
2. Dù đã nói “không”, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn tiếp sau. Và lối xử sự đúng đắn của những người trước đấy đã sống sai lạc hẳn là phải thúc đẩy những người vẫn tự nhận là tốt lành đi đến hoán cải, nhưng không khiến họ bắt chước hành động trước đây của mình.
3. Cần phải đi tìm biết ý Thiên Chúa và mau mắn đón nhận. Cần phải nhận biết các sứ giả Thiên Chúa gửi đến nhằm thông tri cho ta biết ý muốn của Ngài. Từ khước lấy lập trường là một cách lấy lập trường chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Lời nói không thể thay thế hành động hữu hiệu. Đã nói là vâng theo ý Thiên Chúa thì phải nghiêm túc thực hiện thánh ý Ngài trong đời sống mình.
4. Dù chúng ta hay người anh em có thế nào, tất cả đều là con của cùng một Cha, được Ngài thương trọn vẹn, tín nhiệm trọn vẹn, và giao công việc đồng đều: chăm sóc chính vườn nho của Ngài. Chúng ta có biết nhận ra vinh dự đó mà sống cho nghiêm túc đời sống và sứ mạng của mình, đồng thời giúp anh chị em cũng sống được như thế chăng?