Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
I.- BỐ CỤC
Bản văn công bố trong CN Lễ Lá có thể chia thành
1/. Khởi đầu cuộc Thương Khó (26,1-16)
Cảnh 1: Mt 26,14-16 – Giuđa phản bội Đức Giêsu
2/. Bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Đức Giêsu (26,17-29)
Cảnh 2: Mt 26,17-19 – Các môn đệ chuẩn bị Lễ Vượt Qua
Cảnh 3: Mt 26,20-25 – Đức Giêsu tiên báo việc phản bội
Cảnh 4: Mt 26,26-29 – Bữa tối cuối cùng (Khai mạc Tiệc Thánh Thể)
3/. Tại Ghếtsêmani (26,30-56)
Cảnh 5: Mt 26,30-35 – Đức Giêsu tiên báo sự phân tán và hứa qui tụ lại
Cảnh 6: Mt 26,36-46 – Đức Giêsu cầu nguyện tại Núi Ôliu
Cảnh 7: Mt 26,47-56 – Đức Giêsu bị bắt
4/. Tại dinh Thượng tế (26,57–27,10)
Cảnh 8: Mt 26,57-58 – Đức Giêsu và Phê rô vào dinh Thượng tế
Cảnh 9: Mt 26,59-66 – Luận tội trước tòa Thượng tế
Cảnh 10: Mt 26,67-68 – Cuộc hành hạ đầu tiên
Cảnh 11: Mt 26,69-75 – Phêrô chối Đức Giêsu
Cảnh 12: Mt 27,1-2 – Đức Giêsu bị nộp cho Philatô
Cảnh 13: Mt 27,3-10 – Giuđa không trả tiền lại được và tự tử
5/. Đức Giêsu bị người Rôma kết án (27,11-31)
Cảnh 14: Mt 27,11-26 – Cuộc xử án trước tòa Philatô
Cảnh 15: Mt 27,27-31 – Đức Giêsu bị đánh đòn và chế nhạo
6/. Đức Giêsu bị đóng đinh (27,32-61)
Cảnh 16: Mt 27,32-38 – Đường thập giá và đóng đinh
Cảnh 17: Mt 27,39-44 – Chế nhạo Con Thiên Chúa
Cảnh 18: Mt 27,45-50 – Đức Giêsu từ trần
Cảnh 19: Mt 27,51-54 – Thiên Chúa trả lời cho các chết của Đức Giêsu
Cảnh 20: Mt 27,55-56 – Các phụ nữ tại chân thập giá
Cảnh 21: Mt 27,57-61 – Đức Giêsu được an táng
7/. Đức Giêsu sống lại và hai kết thúc của Tin Mừng Mt (27,62–28,20)
Cảnh 22: Mt 27,62-66 – Đặt lính canh mồ
Cảnh 23: Mt 28,1-8 – Mồ trống
Cảnh 24: Mt 18,9-10 – Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ
Cảnh 25: Mt 28,11-15 – Kết 1: Lính canh mồ tung tin thất thiệt
Cảnh 26: Mt 28,16-20 – Kết 2: Lệnh ra đi truyền giáo
II.- CHÚ GIẢI VÀ Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
Cuộc Thương Khó là giai đoạn trọng yếu trong cuộc đời của Đức Giêsu. Đây cũng là trang đen tối trong cuộc đời của Người. Các môn đệ bị bắt chợt, bởi vì họ chờ đợi Thầy họ lên ngai vàng chứ không phải là cái chết thập giá.
1. Mt 26,14-16 – Giuđa phản bội Đức Giêsu
Phân đoạn này được liên kết với 26,1-5: một trong Nhóm Mười Hai (x. “các môn đệ”, c. 1) là Giuđa đi gặp các đối thủ của Đức Giêsu, là các thượng tế (x. cc. 3-5), và khởi động biến cố đã được Đức Giêsu tiên báo ở c. 2. Không có liên kết trực tiếp nào với truyện xức dầu.
Phân đoạn này cũng được liên kết với phân đoạn đến sau: Ở 26,47-50, Giuđa sẽ đưa kế hoạch ra thực hiện; ở 26,21-25, một lần nữa hắn sẽ đóng một vai trò quyết định; ở 27,3, hắn sẽ trả ba mươi đồng bạc lại cho các thượng tế. Trong phân đoạn 26,14-16, Giuđa cũng hầu như là diễn viên duy nhất, vì ở c. 15b, các thượng tế có phản ứng là do hắn gợi ý.
Các lý do khiến Giuđa phản bội đã không được nói đến. Tác giả Mt chỉ ghi chính xác rằng đây là “một người trong Nhóm Mười Hai” (26,14). Rõ ràng biết Đức Giêsu và bước theo Người vẫn không đảm bảo gì (x. 7,21-23; 25,12). Có một sự tương phản nổi bật giữa Giuđa và người phụ nữ xức dầu cho Đức Giêsu (x. 26,6.13): hắn làm do tham lam, còn bà ấy làm do lòng thành kính. Quả thật, lý do khiến Giuđa phản bội, theo cả bốn Tin Mừng, là tiền bạc; nhưng Giuđa lại bán Thầy chỉ với “ba mươi đồng bạc” là giá mạng sống của một tên nô lệ (x. Xh 21,32). Khi ghi nhận điểm này, tác giả Mt cho thấy Đức Giêsu bị hạ nhục đến độ nào, cũng như hành vi phản bội thì ty tiện đến đâu.
Nhưng ý nghĩa tiên quyết của bản văn là mọi sự đã được Đức Giêsu tiên báo và nay xảy đến đúng theo ý muốn của Thiên Chúa (26,1-2). Bóng tối khủng khiếp của cuộc Thương Khó nay bắt đầu với sự phản bội của Giuđa, một trong Nhóm Mười Hai. Dọc theo bài tường thuật cuộc Thương Khó, tác giả cho thấy gương mặt của Đức Giêsu luôn ở trung tâm: Người chịu đau khổ; Người biết đau khổ có ý nghĩa gì; Người liên tục đẩy các biến cố đi tới và cung cấp một lời giải thích. Các độc giả cần phải hiểu rằng đây là một câu truyện về Đức Giêsu, chứ không phải là một câu truyện về các đối thủ của Người. Điều này có nghĩa là Giuđa cũng chỉ là một gương mặt nhỏ bé sẽ thỉnh thoảng xuất hiện mà thôi.
2. Mt 26,17-19 – Các môn đệ chuẩn bị Lễ Vượt Qua
Bài Mt này song song với bài Mc (14,21-22) gồm có ba giai đoạn: chuẩn bị (cc. 17-19), nghi thức Do Thái (cc. 20-25), nghi thức mới của Kitô giáo (cc. 26-30).
Bài tường thuật của Mt, bắt đầu với một chi tiết về thời gian: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men” (26,17). Đức Giêsu kết thúc kinh nghiệm cộng đoàn với các môn đệ bằng một bữa ăn tối từ biệt. Bữa ăn này được các tác giả TM I đặt vào trong khung cảnh cuộc cử hành lễ Vượt Qua. Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men… lễ Vượt Qua (26,17): Thật ra, Lễ Bánh Không Men bắt đầu sau lễ Vượt Qua; nhưng tác giả Mt, cũng như Fl. Joseph (Bell. 5,99; Ant. 2.317; 17.2134; 18.29; 20.106) dùng tên này để gọi trọn lễ mừng bắt đầu với lễ Vượt Qua. Ta thấy tác giả Mt dùng đồng thời hai kiểu gọi này khiến chúng ta có thể coi là hai kiểu gọi này có cùng một ý nghĩa (x. 26,2). Các môn đệ đến thưa “với Đức Giêsu” (tô Iêsou) và hỏi Người là họ phải dọn cho Người (“cho Thầy”, soi) ăn lễ Vượt Qua ở đâu: chúng ta được nhắc rằng chúng ta đang bàn những chuyện liên hệ đến Đức Giêsu và lễ Vượt Qua của Người.
Đức Giêsu vẫn làm chủ tình hình: Người lấy sáng kiến và bố trí việc cử hành lễ Vượt Qua: Người không chỉ sai hai môn đệ (như trong Mc) mà là các môn đệ (“các môn đệ”, c. 17; “các anh”, c. 18) đi vào thành Giêrusalem, vì đó là nơi duy nhất người ta có thể cử hành lễ Vượt Qua (x. Đnl 16,16). Các ông đến nhà “một người kia”: “Người kia”, ho deina, là một người không cần nêu tên hay lý lịch ra ở đây (Mc nhấn mạnh hơn). Điều tác giả muốn cho thấy là chính Đức Giêsu truyền lệnh. Người không phải là một kẻ biết trước cách lạ lùng những điều đáng kể nhất sẽ xảy ra; Người truyền lệnh, và thế là điều Người nói đã xảy ra. Ngay “một người kia” cũng chỉ biết nghe theo lệnh của Thầy. Nhà của ông ấy hoàn toàn được dành cho Người sử dụng, chứ không chỉ vì nay đã gần kề lễ Vượt Qua và Người cần một căn phòng. Ta thấy rõ: Người không biện minh cho lệnh truyền bằng cách nói rằng là người lạ, Người không dễ tìm ra một nơi để mừng lễ Vượt Qua nay đã gần kề; Người nói: “Thời của Thầy (ho kairos mou) đã gần tới”. “Thời (kairos)” của Người (Ga: “thời”; Ga 7,6.8; “giờ”: Ga 2,4; 7,30; 8,20; 12,23; 13,1; 17,1) chính là giai đoạn cuối cùng trong sứ mạng của Người, cuộc Thương Khó. Người nói trong tư cách là người biết thời gian và cộng tác không chỉ cách thụ động nhưng chủ động, tích cực vào việc làm cho chương trình Chúa Cha đã hoạch định được hoàn tất.
Các môn đệ đã làm như Đức Giêsu truyền lệnh (c. 19. xem các “công thức về hoàn tất” trong Mt 1,20-25; 21,2-7; 28,15). Đối với tác giả Mt, tư cách môn đệ chính là thuộc về gia đình những anh chị em của Đức Giêsu, cùng thực thi ý muốn của Cha trên trời (12,50). Do đó, cả nhóm môn đệ được sai đi và cả nhóm đã làm đúng lệnh truyền: một sự vâng lời gương mẫu.
3. Mt 26,20-25 – Đức Giêsu tiên báo việc phản bội
Sau câu mở đầu ngắn ngủi nói về thời gian và hoàn cảnh (c. 20), có một mẩu đối thoại được kết cấu rất khéo. Đức Giêsu nêu lên một nhận định tổng quát là một môn đệ sẽ phản bội Người (c. 21). Các môn đệ kinh ngạc phản ứng: “Chẳng lẽ con sao, thưa Ngài?” (mêti egô eimi, kyrie) (c. 22). Đức Giêsu cho một câu trả lời chính xác ở c. 23. Rồi Người củng cố lời loan báo ở c. 24 bằng một tiên báo mới về đau khổ của Người và một lời lời tuyên bố “khốn” đối với kẻ phản bội. Câu 25 nhắc lại c. 22: lần này Giuđa cũng hỏi y như các anh em khác, nhưng gọi Đức Giêsu là “Rabbi, Thầy”: “Chẳng lẽ con sao, thưa Thầy?” (mêti egô eimi, rabbi) (c. 25). Với câu “Chính anh nói đó”, Đức Giêsu đã nói lời cuối cùng. Như thế, Người nói lời đầu tiên và lời cuối cùng trong phân đoạn này. Lời Người nói ở cc. 23-24 là lời dài nhất. Cách kết cấu của đoạn văn cho thấy rõ chính Đức Giêsu, chứ không phải là các môn đệ hay Giuđa, đang làm chủ tình hình.
Chi tiết về thời gian “chiều đến (opsias)” mở đầu hai phân đoạn tiếp theo. Giờ đã muộn, bởi vì phải ăn lễ Vượt Qua ban đêm (x. Xh 12,8. Theo tập tục, phải ăn xong trước nửa đêm). Đức Giêsu vào bàn tiệc: Người nằm trên giường tiệc, theo đúng tập tục. Đang khi các ngài ăn, có hai truyện xảy ra (cc. 21.26).
Bữa tiệc đang diễn tiến, Đức Giêsu ngắt ngang để loan báo hơn là tố giác hành vi phản bội và kẻ phản bội. Các môn đệ rất buồn (lypoumenoi sphodra). Từng người một đã hỏi “Chẳng lẽ con sao”, nghĩa là “Chắc chắn không phải là con chứ? Chẳng lẽ lại có thể là con sao?”. Các ông chưa bao giờ nghĩ rằng Đức Giêsu lại có thể bị phản bội, nên các ông hy vọng là Đức Giêsu sẽ đưa ra một câu trả lời phủ định để các ông được miễn trách nhiệm. Và các ông bày tỏ lòng tín nhiệm vào Người bằng cách gọi Người là “Thưa Ngài (= Lạy Chúa, Kyrie)”
Vậy kẻ phản bội là ai thì vẫn là một câu hỏi được bỏ ngỏ đối với các môn đệ. Thế là Đức Giêsu loan báo một cách rõ ràng hơn: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (c. 23). “Đĩa, tryblion” có lẽ là tên để gọi thứ bột nhão (paste) làm bằng các trái vả, táo, chà là, hạnh đào, hạnh nhân, quế, trộn với rượu hay dấm rượu. Sau khi uống chén thứ nhất, người ta chấm rau diếp và các thứ rau khác vào thứ bột này mà ăn. Tác giả viết là “kẻ vừa mới chấm chung”, vì dùng động từ embapsas (aor. part. của embaptô, “chấm vào”) khiến các môn đệ không thể hiểu mập mờ là bất cứ ai được.
Câu 24 gồm ba phần. Câu 24a là một lời tiên báo mới về cái chết của Con Người, đi với 26,2. Động từ [h]ypagein, “ra đi; đi”, hiểu là tới cuộc Thương Khó và cái chết. “Theo như lời đã chép”, tức theo Kinh Thánh, là kiểu nói tổng quát hóa: Ngoại trừ một vài đoạn rõ ràng, điều quan trọng đối với Giáo Hội tiên khởi là Kinh Thánh có làm chứng về cái chết của Đức Giêsu (x. 1 Cr 15,3-4). Chính xác tín này giúp cho các Kitô hữu tiên khởi tìm ra nhiều đoạn trong Kinh Thánh nói về cái chết của Đức Giêsu. Câu 25b là một lời tuyên bố “khốn” tương tự 18,7. Rõ ràng chương trình của Thiên Chúa không xóa tội cho con người, kể cả tội của kẻ phản bội. Câu 24c thường được gọi là “câu tov” (thà...) theo kiểu nói Sêmít (x. 5,29-30; 18,8-9). Kiểu nói này nhấn mạnh tối đa trên tội của Giuđa: điều ông sắp làm rõ ràng là một “tội trọng”. Cho dù ở đây không có ý gì rõ ràng nói đến sự kết án đời đời dành cho Giuđa, ý tưởng đó vẫn bàng bạc: đoạn 18,8-9, trong đó có chuỗi tương tự “khốn” và “thà”, có nói đến hỏa ngục và “lửa đời đời”.
Sau lời tuyên bố trên của Đức Giêsu, c. 25 có nét gì đó quái gở, bởi vì cứ y như thể Giuđa không hiểu Đức Giêsu có ý nói gì. Thái độ này hoàn toàn ngược lại với nỗi buồn thê thảm nơi các môn đệ khác (c. 22). Giuđa cũng hỏi cùng một câu hỏi như các bạn khác, chỉ có điều ông gọi Đức Giêsu là “Rabbi”, ông không thông hiệp với anh em. TM I rất cẩn thận trong việc dùng các danh hiệu mà gọi Đức Giêsu. Kiểu thưa gửi “rabbi” không giống với “thầy”, đây là kiểu tiêu biểu dành cho những người ở ngoài; chỉ Giuđa dùng kiểu gọi này (ở đây và 26,49). Chúng ta nhớ đến 23,8, là nơi “rabbi” được nêu ra như một danh hiệu mà các kinh sư Do Thái yêu thích, nên cộng đoàn Kitô hữu phải tránh. Vậy Giuđa đã ở bên ngoài rồi; cộng đoàn có thể làm gì được cho ông nữa? Đức Giêsu đã ngắn gọn xác nhận câu hỏi của Giuđa: “Sy eipas”. Câu này có thể hiểu nhiều cách tùy ngữ cảnh: hoặc là “Chính anh nói điều đó” (đó là lời anh nói, chứ không phải tôi), hoặc là một xác nhận điều người khác đã nói (“Anh đã nói ra điều đó”). Rõ ràng theo ngữ cảnh, Đức Giêsu xác nhận không chần chừ rằng Giuđa sẽ là kẻ phản bội. Bằng chính những lời của mình, Giuđa lãnh trách nhiệm về điều ông đã nói. Bản văn kết thúc với các lời này.
4. Mt 26,26-29 – Bữa tối cuối cùng (Khai mạc Tiệc Thánh Thể)
Như với truyện thứ nhất vừa rồi ở c. 21, tác giả Mt nhắc đến hoàn cảnh bữa ăn (c. 26a), đưa vào bầu khí lễ Vượt Qua Do Thái. Ngoài ra, các câu nói về bánh và về chén ở c. 26 và cc.27-28a hoàn toàn song song. Chỉ đến cuối câu nói về chén, c. 28b, sự đối xứng này mới không còn. Có thể nói toàn bản văn là một “báo” về những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói, chứ không nói đến việc các môn đệ đã ăn bánh uống rượu hoặc đã phản ứng thế nào trước các lời Người nói.
Tác giả Mt không kể toàn bộ nghi thức mà chỉ nhắc lại hai cử chỉ tiêu biểu của đại lễ này: bẻ bánh và phân phát bánh (mở đầu); rót đầy chén lần nữa (kết thúc), mỗi hành vi có kèm theo một công thức chúc tụng (eulogêsas: hiểu là “chúc tụng” Thiên Chúa. Đức Giêsu vẫn ở tại trung tâm câu chuyện (tên “Giêsu” được nhắc lại).
Nghi thức bẻ bánh (trong tiệc Vượt Qua, các đại lễ khác và hằng ngày) là việc của người chủ gia đình. Thường các lời chúc tụng đọc trên bánh là: “Xin chúc tụng Ngài…, lạy Thiên Chúa chúng con, vua vũ trụ, Ngài làm cho bánh đâm chồi từ mặt đất”, Ber. 6,1). Đức Giêsu bẻ bánh và phân phát cho các môn đệ: hành vi này khiến độc giả nhớ đến hai lần Người nhân bánh ra nhiều tại Galilê (Mt 14,19; 15,36). Khi làm cử chỉ này trước mặt các môn đệ, Đức Giêsu muốn nói rằng nay giữa họ đã có một sự hợp nhất mới về tương quan; họ cũng là một gia đình. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại đọc những lời khác với nghi lễ và truyền lệnh “hãy ăn”, khiến các môn đệ hiểu rằng đây là chuyện bắt buộc chứ không tùy nghi. Ngoài ra, khung cảnh tiệc Vượt Qua với chiên bị giết, khiến lời Đức Giêsu nói về “mình Người” có một âm vang hiến tế. Nói cho cùng, Người không trao một tấm bánh nguyên, nhưng những mảnh bánh bẻ ra, điều này tượng trưng thân mình Người sẽ phải bầm dập tan nát. Các môn đệ “ăn mình” Đức Giêsu có nghĩa là nhận lấy cho mình vụ việc vì đó Người đã phải chết, là cũng như Người, phải bẻ đời sống mình ra hầu phục vụ sự thiện hảo của mọi người. Tuy nhiên, một ý nhắm đến cái chết của Đức Giêsu chỉ xuất hiện lần đầu tiên với những lời giải thích Người nói sau này, tương đối còn mơ hồ với bánh, rồi rõ ràng với chén.
Bữa tiệc kết thúc bằng việc chủ nhà rót đầy chén rượu lần nữa rồi chuyền cho mọi thành viên. Đây là chén đầy cuối cùng, người ta chuyền tay nhau mà uống. Lời chúc tụng đọc trên rượu là: “Xin chúc tụng Ngài, lạy Thiên Chúa chúng con, vua vũ trụ, Đấng tạo thành hoa quả của cây nho”. Trong trường hợp này, Đức Giêsu cũng lại đọc những lời khác với nghi thức kèm theo một mệnh lệnh, “hãy uống”. Rượu mà Đức Giêsu trao phải “nhắc lại” máu mà chẳng bao lâu nữa, Người sẽ đổ ra trên thập giá. Nếu các môn đệ được mời uống máu Người có nghĩa là họ cũng phải có khả năng đổ máu ra như Đức Giêsu. Chúng ta ghi nhận rằng các môn đệ được mời uống chung một chén. Lý do: giao ước được đặt nến móng trên cái chết của Người; tất cả những ai uống chén này thì thông phần vào cái chết của Người;cái chết của Người liên kết tất cả lại với nhau.
Việc bẻ bánh và uống chung một chén rượu như thế được liên kết với cái chết của Người.
Trong bản văn, c. 28 nhấn mạnh đến việc tha tội, thì có liên hệ không 1,21: Đức Giêsu, là Đấng Emmanuel, sẽ cất tội đi cho dân chúng (x. 9,6.8). Câu 29 nhấn mạnh đến tình bằng hữu giữa Đức Giêsu với các môn đệ thì liên hệ với 1,23: Đức Giêsu, là Đấng Emmanuel, sẽ ở cùng các môn đệ (x. 28,20). Điều này cũng hàm chứa ý tưởng về tình bằng hữu giữa các môn đệ với nhau (x. Mt 18).
5. Mt 26,30-35 – Đức Giêsu tiên báo sự phân tán và hứa quy tụ lại
Câu 30 là câu chuyển tiếp đưa ta từ bữa tiệc Vượt Qua ra cảnh trên Núi Ôliu. Các câu 31-35 là một đoạn đối thoại gồm hai lời tiên báo của Đức Giêsu (cc. 31-32.34) và hai lời phản đối của Phêrô (cc. 33,35ab). Hai lời tiên báo được liên kết bằng công thức chìa khóa “đêm nay” (cc. 31.34). Lời phản đối đầu của Phêrô nhắm vào lời “vấp ngã” (skandalizesthai, cc. 31.33 hai lần) của Đức Giêsu, còn lời phản đối thứ hai nhắm đến từ “chối” (aparneisthai, cc. 34-35). Một lời phản đối tương tự của tất cả các môn đệ được bố trí theo cách giao hoán nhắc lại c. 31 và kết thúc phân đoạn (c. 35c). Sau này, hai lời tiên báo sẽ được kể lại (cc. 56.69-75).
Cuộc khổ nạn cũng như sự phản bội của các môn đệ không phải là chuyện tình cờ. Đức Giêsu đã quan tâm báo trước cho họ: đây không còn phải là sự sa sút của một môn đệ, nhưng là “tất cả” (pantes), chính xác là “tất cả anh em”, những người môn đệ gần gũi nhất, trung thành nhất (c. 31). Họ sẽ xấu hổ vì đã ở với Người, vì đã tin vào các lời Người nói. Sự vấp phạm của các môn đệ khi thấy Người bị bắt rồi bị kết án tử hình, cũng dễ hiểu. Chính ngôn sứ Dacaria đã báo trước (Dcr 13,7). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng ban một sứ điệp hy vọng: cộng đoàn các môn đệ sẽ lại được quy tụ sau tấn bi kịch; Đức Giêsu lại ban cho họ một điểm hẹn mới là Galilê (c. 32), sau điểm hẹn là Nước của Chúa Cha (c. 29). Điểm này không loại trừ điểm kia, nhưng lệ thuộc vào nhau. Đức Kitô Phục Sinh sẽ trở lại các nơi Người đã hoạt động công khai để bằng tư cách Đấng Phục Sinh, chuẩn nhận cho các lời Người đã loan báo. Đến đây, tác giả Mt đã nối lời loan báo về sự phản bội của Phêrô (cc. 33-34). Ông đã phản đối kịch liệt. Nhưng cũng chính ông đã phản bội Thầy ồn ào hơn những người khác. Cho dù Phêrô tỏ ra như là phát ngôn nhân của nhóm môn đệ, ở đây ông đã phá vỡ tình liên đới của nhóm, khi nói rằng cho dù “tất cả” (pantes) có vấp ngã vì Đức Giêsu, ông vẫn không sa sút. Ông là một ngoại lệ lớn lao mà!
Điều đáng ghi nhận là câu tiên báo trung tâm về cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh tại Galilê ở c. 32 rõ ràng được tách khỏi phấn kết thúc lời tiên báo đầu. Thế nhưng khi phản ứng, Phêrô không trả lời cho lời tiên báo này, mà chỉ phản ứng lại nửa đầu của lời tiên báo thôi. Sau này, qua các phụ nữ, vị thiên sứ phải nhắc lại nửa thứ hai cho các môn đệ (28,7.10). Rõ ràng các môn đệ đã không nghe được phần này của lời tiên báo ở giữa. Nhưng chắc chắn độc giả không được bỏ qua. Các độc giả phải nghe được lời loan báo về Phục Sinh và không được mất tinh thần.
Đức Giêsu đã nói thẳng với Phêrô bằng một tiếng “amen” mở đầu (c. 34). “Đêm nay” (en tautê tê nykti) đối lại với tiếng “chẳng bao giờ” (oudepoti) mạnh mẽ của Phêrô. Nội đêm nay, ông sẽ chối Thầy không dưới ba lần. Như vậy, bằng câu trả lời ấy, Đức Giêsu đã tách Phêrô khỏi nhóm môn đệ, nhưng theo cách tiêu cực. Phêrô không những sẽ chạy trốn, mà còn chối Thầy đến ba lần! So với việc các môn đệ chạy trốn, hành vi của ông tệ gấp đôi. “Chối” (aparneisthai) có nghĩa là “kháng cự lại, không nhận, tuyệt giao, nói không, khước từ, đồng ý từ bỏ”. Đối với người xưa, gà gáy là một cách chỉ giờ vào ban đêm. Giờ gà gáy được coi như là giờ liền ngay nửa đêm, và như thế là còn một khoảng thời gian dài trước lúc bình minh. Khi tiệc Vượt Qua kết thúc thì đã gần nửa đêm. Như thế, khoảng hai hoặc ba giờ sau thì Phêrô chối Thầy.
Phêrô long trọng phi bác lời Đức Giêsu: ông sẽ không chối Người bao giờ: “Dầu có phải chết với Thầy” (c. 35)! Ở 16,21-24, một đoạn trong đó có các ngữ căn skandal- (vấp ngã) và aparneisthai (chối), Phêrô đã tìm cách ngăn cản Đức Giêsu đừng nghĩ tới đau khổ; ông nói với giọng hẳn là hốt hoảng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (16,22). Đức Giêsu đã trả lời ông bằng cách gọi ông là “tảng đá vấp” (skandalon) và đã kêu gọi các môn đệ hãy “chối” (aparneisthai) chính mình. Dường như Phêrô chẳng học được bài học nào cả. Các môn đệ khác cũng không hơn gì (x. 26,35).
6. Mt 26,36-46 – Đức Giêsu cầu nguyện tại Núi Ôliu
Truyện Đức Giêsu cầu nguyện tại Vườn Ghếtsêmani rất cô đọng. Các câu 36-38 giới thiệu khung cảnh và lệnh Đức Giêsu truyền cho ba môn đệ canh thức với Người. Ba môn đệ này được tách riêng ra, nhưng ta không thấy sự khác biệt nào giữa hai nhóm môn đệ. Ba đoạn ngắn sau (cc. 39-41, 42-43, 44-45a) có cùng cấu trúc và cách diễn tả như nhau. Những từ quan trọng là “canh thức” (grêgorein: 3 lần), “cầu nguyện” (proseuchesthai: 5 lần) và “với” (meta: cc. 36.38.40). Đoạn văn này gợi cho độc giả nhớ tới truyện Đức Giêsu thay đổi hình dạng trên núi (17,1; x. 26,30), vì Người cũng đưa ba môn đệ ở đây đi. Độc giả cũng nhớ lại mẩu đối thoại của Đức Giêsu với bà mẹ các con ông Dêbêđê, trong đó có nói đến uống chén của Đức Giêsu (20,22). Còn lời cầu nguyện của Đức Giêsu nhắc nhớ tới Kinh Lạy Cha.
Bản tường thuật này rất thật, nhưng cũng có tính dụ ngôn. Đức Giêsu nhận định về hoàn cảnh của Người trước mặt các môn đệ (ít ra trước mặt những người được đánh giá cao nhất) lúc này có thể nghe Người cho dù không hiểu Người. Đây là một kinh nghiệm Đức Giêsu chấp nhận đến cùng vì vâng phục Chúa Cha và Người trình bày cho các môn đệ như là chương trình sống của Người.
Đức Giêsu đưa các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếsêmani (tên Hípri có nghĩa là “ép dầu”). Người bỏ các môn đệ lại đàng sau mà không giao cho họ việc gì cả, chỉ đưa ba môn đệ chọn lọc đi theo. Mt bỏ tên hai người con ông Dêbêđê để làm nổi gương mặt Phêrô. Cảnh này nhắc nhớ đến truyện hiển dung (17,2-8). Trên núi cao, các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu trong tư cách Thiên Chúa; ở đây họ trải nghiệm về Người trong nỗi phiển muộn của con người. Tác giả đưa vào cơn hấp hối bằng một động từ rất ý nghĩa, “bắt đầu” (erxato): động từ này đã được ngài dùng để loan báo những khúc quanh quyết định trong hoạt động của Đấng Cứu thế. Ghếtsêmani không chỉ đơn giản là một khúc quanh, nhưng mở ra giai đoạn chung kết của chương trình cứu thế. Lúc này, tâm trạng của Đức Giêsu là buồn rầu, lo sợ, khắc khoải; sự chắc chắn và cương quyết Người vẫn tỏ ra nay như đã tan biến cả. Người hoang mang xao xuyến, cần có ai để tâm sự, cần một nơi để nương tựa (“canh thức với Thầy”: 26,38.40). Người diễn tả nỗi khắc khoải bằng những lời Kinh Thánh (x. Tv 41,6.12; 42,5 LXX). Đây là cảm giác về cái chết, về thất bại, về kết cục bất công và không vinh quang: perilypos đã có nghĩa tối thượng cấp là “buồn rầu cùng cực”, nay còn được tăng thêm bằng cụm tử “đến chết” được (heos thanatou). Đây là một hoàn cảnh tâm lý không sao chịu nổi. Từ heos ở đây không rõ, vì có hai nghĩa: nghĩa mục đích (buồn đến mức muốn chết), nghĩa hậu quả (buồn có thể làm cho chết).
Đức Giêsu đã mời ba môn đệ “canh thức với Thầy” (cc. 38.40). Không phải chỉ ở đây mà ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến đòi hỏi hiệp thông này (“đi cùng với các ông”, c. 36; “đưa theo Người”, c. 37). Theo Mt, “canh thức” là thái độ riêng của người tín hữu (x. 6,13; 24,37-51; 25,1-13). Nhưng ba môn đệ không thể “canh thức và cầu nguyện” được. Ở trên núi Hiển dung cũng như ở đây, Đức Giêsu chờ đợi ba môn đệ làm một điều gì đó đặc biệt, nhưng họ đều không làm được. Trong tình trạng kiệt quệ, Người đã “sấp mặt xuống đất”(26,39): Hẳn là tác giả cũng muốn nói đến tình trạng kiêt quệ của Đức Giêsu, như Mc (14,35); tuy nhiên, “sấp mặt xuống đất” là sự “phủ phục” nhằm bày tỏ sự tôn kính đối với một người nào (x. St 17,3.17; Ds 14,5; 16,4; …), ở đây là “phủ phục” trước nhan Thiên Chúa để cầu nguyện. Cảm nhận về thất bại, nỗi đau khổ, lo sợ khắc khoải không thể lung lạc lòng tin của Đức Giêsu; Người vẫn quay về với Thiên Chúa và gọi là Cha, hẳn vẫn là tiếng Abba quen thuộc, Người vẫn giữ được sự thân mật với Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là “Thưa Cha của con” (pater mou) (c. 42), để bày tỏ thái độ con cái thẳm sâu. Người vẫn tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa và ký thác vào tay Thiên Chúa, như Người đã từng khuyến khích các môn đệ (x. 6,10), dù lúc này nỗi đớn đau cay đắng chồng chất đã được gom lại thành hình ảnh “chén” (x. 20,22). Lần này, không phải là Satan (4,1-11) hoặc Phêrô (16,23) gợi ý cho Người tránh đi, mà là chính lòng dạ của Người. Tuy nhiên, Người cũng chiến thắng vì Người luôn đặt ý Người sau thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế, cuối cùng Người lại tìm lại được sự vững vàng và làm chủ được tình thế; Người bình thản ra gặp các đối thủ (c. 46).
7. Mt 26,47-56 – Đức Giêsu bị bắt
Bản văn này có ba cảnh nhỏ: Đức Giêsu bị bắt do cái hôn của Giuđa (cc. 47-50); người đầy tớ vị thượng tế bị chém đứt tai (cc. 51-54); các lời bình phẩm Đức Giêsu nói với dân chúng và nhận xét kết thúc (cc. 55-56a). Có những từ móc nối làm cho bản văn nên cô đọng: đám đông được “các thượng tế và kỳ mục” sai đến (c. 47) và từ “bắt” (cc. 48.50) đưa chúng ta trở lại với khởi đầu của bài tường thuật về cuộc Thương Khó (26,3-4).Giuđa lại gọi Đức Giêsu là “rabbi” như ở 26,25. Họ “tra tay bắt (epebalon tas cheiras epi)” Người, việc này đã được Người tiên báo (17,22; x. 26,45).
Hành vi bắt Đức Giêsu được mở ra bởi Giuđa, “một người trong Nhóm Mười Hai” (c. 47; x. 26,14), cái kiểu gọi mà Hội Thánh tiên khởi phải ghi nhớ với sự buồn phiền và nhục nhã. Tên phản bội đi đến với một nhóm đông người, mang gươm và gậy, do các thành viên vị vọng của Thượng Hội Đồng gửi đến. Hành vi mà người tông đồ làm là hôn Thầy (c. 50), một cử chỉ thường môn sinh làm để bày tỏ lòng quý mến và kính trọng. Tác giả Mt ghi là ông hôn thắm thiết (katephilêsen). Đức Giêsu gọi ông là etairos, “đồng nghiệp, bạn”: Mt đã sử dụng từ này ở 20,13 và 22,12, lần đầu như một cách nói để giữ khoảng cách, khẳng định vị trí trên dưới, lần sau với giọng đe dọa. Vậy đây không phải là một từ để nói về tình bạn chân thật, mà là một từ mỉa mai. Rồi Đức Giêsu cho biết rằng chuyện này chẳng bất ngờ đối với Người; Người nói: “Bạn đến đây vì mục đích này, nghĩa là để phản bội tôi (ep’ ho parei)” (c. 50). Thật ra có nhiều cách giải thích câu này, nhưng giải thích không như là một thách thức, cũng không phải là một đọan tuyệt dứt khoát, nhưng là một lời trách pha lẫn hy vọng, là đơn giản nhất.
Đức Giêsu vừa nói xong, thì họ “tra tay bắt Người” (c. 50b). Từ “bàn tay” (cheir) khiến độc giả nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu ở 17,22 và 26,45.
Một môn đệ (Phêrô: Ga 18,10) liền vung gươm bảo vệ Người, chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế (c. 51). Chỉ có TM Mt nhấn mạnh rằng Đức Giêsu phản đối dùng vũ lực, vì con đường của vũ lực không giải quyết được gì, mà lại còn có thể làm hại chính người sử dụng. Câu 52b, “tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”, nhắc lại câu đối nghĩa thứ năm trong Bài Giảng trên núi, “Đừng chống cự người ác” (5,39). Nếu muốn, Đức Giêsu có thể điều khiến “mười hai đạo binh (legiôn) thiên thần” mà bảo vệ Người (c. 53). Một “đạo binh” lúc đó gồm 5.600 người; toàn quân đội của hoàng đế là 25 “đạo binh”. Vậy Đức Giêsu có thể gọi khoảng 70.000 thiên thần đến trợ giúp Người, nhưng Người từ khước chứng tỏ quyền lực của Người. Điều này khiến các độc giả nhớ đến chước cám dỗ thứ hai ở 4,5-7, khi Đức Giêsu từ chối nhờ các thiên thần trợ giúp, nếu như Người nhảy từ nóc Đền Thờ xuống. Do vâng phục Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, có tất cả quyền lực trên trời dưới đất, đã từ chối biểu dương quyền lực của Người. Đến đây, Đức Giêsu kết thúc các lời Người nói với các môn đệ bằng cách quy chiếu về Kinh Thánh. Cũng giống như ở 12,26 và 22,43, “nhưng như thế thì (pôs oun)” đưa vào một câu hỏi mà thính giả phải trả lời. Người cho hiểu rằng nếu Người không vâng theo ý muốn của Thiên Chúa và nếu Người làm một cuộc biểu dương quyền lực của Thiên Chúa, Kinh Thánh mang lời chứng về chương trình của Thiên Chúa không thể ứng nghiệm được.
Rồi Người quay ra nói với đám đông “mang gươm giáo gậy gộc” (c. 47): Người là một tên cướp sao? Mỗi ngày Người vẫn ngồi giảng dạy trong Đền Thờ, tức là một công việc được nhìn nhận (x. 21,23-24). “Ngày ngày” (kath’ hêmeran) cho hiểu là không phải chỉ vài ngày.
Tác giả kết thúc phân đoạn với một nhận xét: “Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ” (c. 56). Công thức này tương ứng với câu mở của lời trích thứ nhất về Kinh Thánh nên trọn ở 1,22 (“Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ”) và tạo ra một cấu trúc đóng khung cho toàn thể câu truyện về Đức Giêsu: phải hiểu cuộc đời Đức Giêsu từ đầu đến cuối như là một sự ứng nghiệm Kinh Thánh. “Các ngôn sứ” đây có thể hiểu rộng ra là các bản văn Kinh Thánh (Cựu Ước). Đây là chìa khóa để hiểu cuộc đời Đức Giêsu.
Bản văn kết thúc với c. 56b: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”. Các độc giả đã được chuẩn bị cho sự cố này rồi, ở 26,31. Người chăn chiên đã bị đánh; đàn chiên bị tan tác là hậu quả đương nhiên.
Chúng ta ta ghi nhận từ đầu cho đến cuối, Đức Giêsu làm chủ biến cố. Một cách rất uy dũng, Người phản ứng lại với Giuđa (c. 50a), với các môn đệ quá nhiệt thành (cc. 52-54), và với đám đông vũ trang đến bắt Người (c. 55). Người nêu bật quyền lực thần linh của Người, cho dù vì muốn vâng phục Cha Người, Người không biểu dương quyền lực này (c. 53). Vẻ uy hùng của Đức Giêsu trong Mt được diễn tả rõ nét hơn trong Mc. Nhu thế, bài tường thuật Mt bắc một cấy cầu đưa tới bài tường thuật Ga 18,1-11.
8. Mt 26,57-58 – Đức Giêsu và Phêrô vào dinh Thượng tế
Đoạn dẫn nhập ngắn này được liên kết với cc. 48, 50, 55 bởi động từ “nắm lấy, bắt lấy” (krateô) và gợi nhớ đến 26,3-4, vị tại đây các nhà lãnh đạo dân chúng đã “nhóm họp” trong “dinh của vị thượng tế”. Câu 57 dọn đường cho cc. 59-66, c. 58 dọn đường cho cc. 69-75.
Những kẻ đi bắt Đức Giêsu điệu Người đến dinh thượng tế Caipha (c. 57). Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu về đó, nhưng đây không phải là một cuộc gặp gỡ chính thức của Thượng Hội Đồng. Chúng ta phải chờ đến sáng hôm sau mới thấy: ngay từ sớm, “toàn thể Thượng Hội Đồng” (c. 59) đã họp lại, có lẽ vẫn tại nhà Caipha, để cứu xét vụ việc.
Bây giờ chúng ta để ý đến Phêrô: ông theo Đức Giêsu “xa xa” (c. 58). Khoảng cách như thế liên kết với động từ “bước theo” (akoloutheô) chuẩn bị các độc giả đi đến phân đoạn cc. 69-75. Phêrô cũng đến dinh (aulê) của vị thượng tế và “vào bên trong”. Sau 26,3, các độc giả vẫn hiểu aulê là “dinh”, nhưng đến c. 69, họ lại ghi nhận rằng Phêrô ngồi “bên ngoài” en tê aulê, thường được dịch là “ngoài sân”. Phải chăng Phêrô đã di chuyển trong khi Đức Giêsu bị tra vấn? Không phải. Chính cái nhìn của người tường thuật đã di chuyển: lúc đầu, nhìn diễn tiến câu truyện từ Ghếtsêmani, ngài ghi nhận Phêrô “vào bên trong”, nhưng ở c. 69, nhìn từ phòng họp Thượng Hội Đồng, ngài thấy Phêrô ngồi “bên ngoài”. Vậy theo Mt, Phêrô ngồi ở đâu? Vì aulê vừa có nghĩa là cái sân vừa có nghĩa là quần thể các tòa nhà quanh sân, tác giả Mt có hai cách nhìn: ở c. 58, ngài muốn Phêrô phải ở gần tối đa với sự cố trong Thượng Hội Đồng, có thể để có một chứng nhân tận mắt. Tuy nhiên, ở c. 69, Phêrô phải ở ngoài, nơi “người đầy tớ gái, paidiskê” và những người khác đang ở đó, và từ đó ông dễ dàng chạy ra ngoài.
9. Mt 26,59-66 – Luận tội trước tòa Thượng tế
Lời kết tội đến nhanh (cc. 59-66) và như thế là chấm dứt phiên tòa Do Thái và tôn giáo. Tác giả Mt mô tả khái quát. Trước tiên có một cuộc thẩm vấn dựa theo các lời tố cáo của các chứng nhân (cc. 59-61). Như vậy, cuộc thẩm vấn gồm hai thì: a) cứu xét các lời kết tội (cc. 61-63a) và các nghi vấn (cc. 63b-64); b) bản án do thượng tế tuyên bố (cc. 65-66). Cuối cùng bản án đã được công bố không phải trên những gì Đức Giêsu đã nói hoặc đã làm, nhưng trên những gì người khác đã nghĩ và nói về Đức Giêsu. Và họ đã làm đúng thể thức vì “hai người” làm chứng (cc. 60-61; x. Đnl 19,15). Lời tố cáo có thể có giá trị nhất đối với những người xử án là tố cáo Đức Giêsu là Mêsia giả hiệu; thật ra Người không bao giờ tuyên bố như thế, nhưng không khó gì mà không suy ra được là Người nhận mình là “Mêsia”, là Đấng Thiên Chúa sai đến. Thật ra nếu Đức Giêsu là Mêsia theo kiểu quân sự chính trị mà dân chúng đang chờ mong thi không sao; đàng này Người lại là Mêsia kết án giới chức và các vị thầy chính thức của Do Thái giáo. Họ không chống Đấng Mêsia, nhưng Đấng Mêsia không theo hứơng của các vị thầy Do Thái đã xác định.
Một lần nữa, tác giả nhắc đến “các thượng tế”, tức nhóm nổi bật trong Thượng Hội Đồng và “toàn thể Thượng Hội Đồng” (c. 59). Vậy Hội Đồng tối cao, thời ấy đã có 71 thành viên, đã nhóm họp chính thức. Ngay từ đầu, họ đã tìm những chứng gian để chống Đức Giêsu. Họ không tìm một cuộc xử công minh, nhưng chỉ nhắm đạt cho được cái chết của Đức Giêsu như họ đã dự tính (x. 26,4).
Thượng tế đã nhắc lại dưới dạng câu hỏi lời tuyên xưng của Phêrô tại Xêdarê: “Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” Đây là đỉnh cao hoặc tổng hợp của Kitô học Mt, được đặt vào miệng của vị quan tòa để nêu bật sự mù quáng chủ ý, tội lỗi của ông và của dân ông. Tác giả Ga cho tổng trấn Rôma tuyên bố về tư cách vua Mêsia của Đức Giêsu cho người Do Thái (x. Ga 19,14), còn tác giả Mt đặt vào miệng uy quyền tôn giáo tối cao của xứ. Dù sao, Đức Giêsu không phải là Mêsia theo kiểu ái quốc như các nhà chức trách và đám đông vẫn chờ đợi, hoặc nhà ảo thuật như Satan gợi ý, nhưng là Con Thiên Chúa, ngoan ngoãn đi theo tiếng nói và các đề nghị của Ngài. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu còn quan trọng hơn; Người không nhắc lại danh hiệu “Mêsia” hoặc “Con Thiên Chúa”, tuy có chấp nhận cách gián tiếp, nhưng nại đến một danh hiệu khác và những sấm ngôn còn minh nhiên hơn. Người loan báo, như cho các tông đồ trong bài diễn từ cánh chung, một quang cảnh sẽ khẳng định tính khách quan của các danh hiệu được gán cho Người: “Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (Đn 7,13; x. Tv 110,1), tức là chia sẻ quyền lực với Thiên Chúa. Thế là Thượng Hội Đồng nối tiếp vị thượng tế, quyết định về cái chết của Đức Giêsu. Tuy nhiên, bản án của họ chẳng những không chặn đứng được điều Đức Giêsu vừa nói, mà còn mở đường cho nên thành sự. “Từ nay” (ap’arti) là công thức nêu bật một sự đoạn tuyệt với quá khứ và khởi đầu một thời đại mới. Thời đại mới này bắt đầu vào lúc họ tuyên bố cái chết của Đức Giêsu. Kể từ lúc đó, các đối thủ của Đức Giêsu ca bài hát chiến thắng, nhưng Đấng Mêsia cũng bắt đầu khẳng định về bản thân Người cho tới cuộc Quang lâm chung cuộc.
10. Mt 26,67-68 – Cuộc hành hạ đầu tiên
Cuộc hành hạ sau đó rất có thể là ở trong sân dinh thượng tế. Trò chế nhạo họ bày ra là một trò chơi của trẻ em. Họ bịt mắt tù nhân, đang rồi bảo đoán xem ai đã đánh mình. Ở đây hẳn còn có một lý do khác để họ chơi trò này: Đức Giêsu đã nhận và bị kết tội là “ngôn sứ”. Đức Giêsu đã chấp nhận chương trình của Người tôi tớ, các sỉ nhục và chế nhạo, với ý thức và với nghị lực. Sứ mạng của vị ngôn sứ quả thật không dễ.
11. Mt 26,69-75 – Phêrô chối Đức Giêsu
Đoạn này được liên kết với cc. 58-59: “Ông Phêrô ... vào bên trong ngồi”. Cũng giống trường hợp cc. 36-46, đoạn văn này gồm ba phần. Giữa một câu giới thiệu ngắn (c. 69a) và một kết luận nặng nề (cc. 74b-75), có ba lời chối (cc. 69b-70.71-72.73-74a). Các nơi chốn thay đổi. Các nhân vật cũng thay đổi. Tầm mức của hành vi cũng thay đổi.
Tác giả cắt ngang truyện Đức Giêsu để bắt đầu một phân đoạn mới. Phêrô đã được nhắc đến ở c. 58, nay trở thành tâm điểm của sự chú ý. Trong cuộc xử án, ông ngồi “ở bên ngoài” trong “dinh/tòa” (aulê); độc giả dễ dàng nghĩ rằng đây là sân ngoài phòng xử. Một người đầy tớ gái vô danh (paidiskê) đến nói với ông rằng ông đã “ở với” ông Giêsu, người Galilê. “Với Đức Giêsu” là từ chìa khóa của toàn chương 26, vì trong đó, đề tài là việc “ở với Đức Giêsu” của các môn đệ. Khi nào tác giả nói đến việc các môn đệ “ở với” Đức Giêsu, là nhắm tới sự suy sụp của các ông (26,23.38.40.51); còn khi nói tới việc Đức Giêsu “ở với” các môn đệ, tác giả muốn nói đến sự trung tín của Người (26,18.20.36; x. c. 29).
Phêrô phản ứng mạnh mẽ và chối mọi sự. Ông không muốn biết đến những gì người tớ gái vừa nói. “Trước mặt mọi người, emprosthen pantôn” cho hiểu rằng một đàng lời trò chuyện là công khai, một đàng nhắc tới 10,33: “Ai chối (arnêsetai) Thầy trước mặt (emprosthen) thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đây là một lời nhắc nhở rất nặng cho độc giả, vì gợi đến cuộc phán xét chung. So với Đức Giêsu đang ở trước tòa án thượng tế, Người không chối, Người nhìn nhận, ta thấy hoàn cảnh của Phêrô tương đối ít nguy hiểm hơn, vì chỉ là một người đầy tớ gái nói.
Ông đi ra ngoài thêm một chút nữa, “ông đi ra đến cổng” (c. 71). Lại một người tớ gái khác thấy ông, thì lưu ý những người ở đó hầu như cũng bằng những lời như trước: “Bác này cũng đã ở với ông Giêsu người Nadarét đấy”. Vùng địa lý đã thu hẹp lại, vì không còn là “miền Galilê”, nhưng là “thôn làng Nadarét”. Có vẻ như vòng vây siết chặt hơn, làm rõ gương mặt của Phêrô hơn. Ông càng sợ. Ông chối Đức Giêsu lần thứ hai bằng những lời mạnh mẽ: “Tôi không biết người ấy” (c. 72). Ông tránh nhắc đến cả tên Đức Giêsu, mà gọi bằng kiểu bất kính “người ấy” (anthrôpos). Lời này lại khiến độc giả nhớ đến các bản văn nói về phán xét cuối cùng. Vào ngày phán xét, Con Người sẽ nói “Ta không biết các ngươi” với những ai không sẵn sàng cho Người (25,12; x. 7,23). Phêrô hỗ trợ lời chối bằng một lời thề. Thế là ông đã có bạn đường là vua Hêrôđê Antipa, vị này đã dính líu vào vụ giết Gioan Tẩy Giả do một lời thề với một cô gái (14,7), và một bạn đường khác là vị thượng tế, vị này vừa thề với Đức Giêsu (26,63); nhưng ông không là bạn đường của Đức Giêsu, Đấng đã cấm các môn đệ thề vì bất cứ lý do gì (5,33-37).
Đến lúc này Phêrô đã được mọi người ở đó chú ý đến, thế mà ông lại đang tìm mọi cách để rút lui cho thoát chuyện này. Những người ở chung quanh đến gần ông và xác nhận những gì người tớ gái vừa nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ” (c. 73). Bây giờ vòng tròn đã siết lại chỉ còn là “bọn họ/những người ấy”, tức là các môn đệ của Đức Giêsu, đồng bạn của Phêrô thôi. Những người này nêu lý do: chính giọng nói đã tố giác ông. Đó là vì giọng Aram thuộc miền Galilê của Phêrô (x. c. 70) khác với giọng nói ở Giêrusalem. Đến đây, Phêrô hoàn toàn hốt hoảng. Ông bắt đầu rủa và thề (= thề độc). Từ “rủa” (katathematizô) xuất hiện trong Mt ở đây như là lần đầu tiên trong nền văn chương cổ. Động từ này dẫn xuất từ danh từ katathema (= anathema). Tiếp đầu ngữ kata nhằm nhấn mạnh. Tuy là động từ ngoại động (transitive), ta không thấy túc từ. Phải chăng Phêrô rủa mình là nếu ông không nói thật thì sẽ gặp tai họa? Hay là ông rủa những ai đang đứng đó? Thật ra đối tượng là chính Đức Giêsu (“người ấy”).
Thình lình gà gáy (c. 74b). Thế là Phêrô nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu (c. 35), mà ông đã ra sức bác bỏ. Lời tiên báo ấy đã được ứng nghiệm từng chữ. Bây giờ ông đi vào con đường còn tối; ông tránh được những người hỏi phiên phức, nhưng ông khóc nức nở vì hối hận. Dù ông không được nhắc tên nữa, ta biết ông sẽ được tha thứ, vì đã có mặt tại ngọn núi Galilê (28,16-20).
Phêrô là diển hình cho người Kitô hữu có “đức tin yếu kém”, vì pha trộn sự tin tưởng với sợ hãi (14,28-31), đức tin với phi bác (16,16-20), bội giáo và hối hận. Dù sao quyền năng của Đấng Emmanuel, Đức Giêsu Kitô, mạnh hơn sự sa sút đen tối nhất của người môn đệ. Việc Phêrô chối điều trung tâm nhất của đức tin, “ở với Đức Giêsu”, là rất nặng. Tuy nhiên, Đức Kitô là Đấng trung tín và mạnh thế hơn. Do đó, cuối cùng, câu truyện Phêrô lại trở thành một câu truyện về niềm hy vọng.
12. Mt 27,1-2 – Đức Giêsu bị nộp cho ông Philatô
Thật ra Giêrusalem không phải là một thành “tự do”; đặc biệt về vấn đề tư pháp, người Do Thái lệ thuộc pháp chế Rôma. Các thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái muốn chấm dứt nhanh vụ việc Giêsu, thì cũng nhất thiết phải tủi nhục đệ trình vấn đề lên tổng trấn Rôma, Philatô, nổi tiếng cứng rắn và bài Do Thái. Thế là trời vừa sáng, tất cả các đối thủ quen thuộc của Đức Giêsu trói Người lại và điệu đến dinh tổng trấn. Mới là thẩm phán, bây giờ họ lại đóng vai người tố cáo và làm chứng.
13. Mt 27,3-10 – Giuđa không trả tiền lại được và tự tử
Tới đây chúng ta nghe tường thuật về Giuđa. Câu truyện Phêrô có liên hệ với truyện Giuđa, vì đây là hai môn đệ duy nhất đã theo Đức Giêsu vào cuộc Thương Khó của Người, nhưng lại không cung cấp được một quang cảnh xứng với ơn gọi của họ. Giuđa đã nhận ra sự sai lầm của mình, hẳn là vì điều ông nhắm trước tiên không phải là đưa Thầy đến chỗ bị kết án. Tuy nhiên, sai lầm của ông là không đi thú nhận điều này với đúng những người ông phải đến gặp. Ông nghĩ rằng ông đã lý một hợp đồng sai trái, nên trả tiền lại để rút lại hợp đồng. Và y như thể hành vi trả lại tiền không nói lên hết, ông tự kết tội mình (“tôi đã phạm tội”, [h]êmarton) và minh oan cho Đức Giêsu (“oan”, “vô tội”, athôon) (27,4). Lý luận của ông đúng, nhưng thiếu cơ sở hoặc ngây ngô. Cac thủ lãnh đã có một kế hoạch rõ ràng, chứ không phải chỉ bị động theo sự phản bội của ông, do đó ông có làm gì cũng không kéo lui được sự việc. Hẳn là Giuđa đã tưởng mình làm một nhân vật chìa khóa trong tấn bi kịch Đấng Mêsia, nay khám phá ra là mình chỉ là một dụng cụ tùy thời. Thế là ông nổi giận, căm tức, nổi điên (ném bạc vào Đền Thờ) và cuối cùng tuyệt vọng để đi đến chỗ tự tử.