Tuesday, 10 September 2019 06:11

Mt 21, 28-32: Bối Cảnh Và Cấu Trúc

Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

Dẫn nhập

Bài viết bàn về tầm quan trọng của việc đặt một đoạn văn vào “bối cảnh văn chương” và tìm hiểu “cấu trúc” để hiểu ý nghĩa của đoạn văn ấy. Đây là những bước quan trọng của phương pháp đọc Kinh Thánh. Bài viết chọn đoạn văn Mt 21,28-32 (Chúa Nhật XXVI thường niên, năm A) làm ví dụ. Có thể tạm gọi đoạn văn Mt 21,28-32 là “dụ ngôn về nói và làm của hai người con”. Tuy nhiên, tựa đề này chưa lột tả hết nội dung của đoạn văn Mt 21,28-32. Cần đặt đoạn văn này vào bối cảnh văn chương của nó và tìm hiểu cấu trúc mới có thể khám phá ra những nét hay, những nét tương phản mạnh mẽ trong bản văn. Các trích dẫn bản văn Tin Mừng Mát-thêu trong bài viết được lấy từ bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Bản văn Mt 21,28-32 như sau:
 
[Mt 21,28-32] 28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." 29 Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
 
Đoạn Tin Mừng Mt 21,28-32 kể câu chuyện về hai người con. Người con thứ nhất “nói không đi làm” nhưng sau đó hối hận và “đi làm”. Người con thứ hai bày tỏ thái độ sẵn sàng, nhưng rồi lại không đi làm vườn nho. Đức Giê-su dùng câu chuyện này để đưa ra nhận định về những người đang nghe, Người nói với họ: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (21,31). Nếu mở sách Tin Mừng Mát-thêu và chỉ đọc đoạn văn Mt 21,28-32 như trích dẫn trên đây, độc giả sẽ thấy khó hiểu vì bản văn bắt đầu bằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai…” Độc giả không biết ai đang nói và nói với ai. Mãi đến câu 21,31b bản văn cho biết là Đức Giê-su đang nói với “họ”, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến đoạn văn Mt 21,28-32, chẳng hạn:
 
1. Tại sao Đức Giê-su kể dụ ngôn “nói và làm của hai người con” và kể với mục đích gì?

2. Nhân vật “họ” trong bản văn được Đức Giê-su nói đến ở ngôi thứ hai số nhiều: “Các ông”. Nhân vật này là ai?

3. Tại sao câu chuyện đặt song song “người con thứ nhất” với “những người thu thuế và những cô gái điếm” và “người con thứ hai” với “các ông”?

4. Tại sao Đức Giê-su nhắc đến nhân vật Gio-an Tẩy Giả và nói đến “tin vào ông ấy” trong đoạn văn 21,28-32?

5. Dựa vào đâu để Đức Giê-su có thể nhận định: Những người nghe (các ông) không chịu hối hận mà tin vào Gio-an Tẩy Giả (21,32)?

6. Dựa vào đâu để gọi câu chuyện Mt 21,28-32 là một dụ ngôn, trong khi không có từ “dụ ngôn” (parabolê) trong đoạn văn Mt 21,28-32?

7. Trình thuật 21,28-32 có giọng văn tranh luận và kết án. Tại sao có giọng văn này và tranh luận khởi đầu và kết thúc như thế nào?


Tóm lại, khi đọc đoạn văn Mt 21,28-32, độc giả gặp nhiều câu hỏi do bản văn gợi lên. Độc giả có thể trả lời những câu hỏi trên nếu đặt đoạn văn Mt 21,28-32 trong bối cảnh văn chương của trình thuật trước và sau câu chuyện này. Tìm hiểu cấu trúc của đoạn văn lớn hơn Mt 21,23-46 sẽ góp phần thiết thực trong việc tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn 21,28-32. Phần sau đây sẽ đặt trình thuật Mt 21,28-32 trong bối cảnh văn chương và tìm hiểu cấu trúc đoạn văn này qua bốn mục:

I)    Mt 21,23-27: Trình thuật trước đoạn văn Mt 21,28-32.

II)   Mt 21,33-44: Trình thuật sau đoạn văn Mt 21,28-32.

III)  Mt 21,45-46: Kết luận chung cho Mt 21,23-44.

IV)  Cấu trúc đoạn văn Mt 21,23-46.

 
I. Mt 21,23-27: TRÌNH THUẬT TRƯỚC ĐOẠN VĂN Mt 21,28-32
 
Trình thuật trước đoạn văn Mt 21,28-32 là Mt 21,23-27. Đoạn văn này cho biết cuộc tranh luận xảy ra trong hoàn cảnh nào, tranh luận về đề tài gì và tranh luận với ai. Người thuật chuyện kể:
 
[Mt 21,23-27] 23 Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?" 24 Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?" 26 Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ." 27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
 
Trình thuật Mt 21,23-27 trên đây có nhiều điểm soi sáng cho trình thuật tiếp theo Mt 21,28-32 (dụ ngôn “nói và làm của hai người con”). Có thể liệt kê sáu chi tiết sau đây:
 
1) “Các ông” là “các thượng tế và các kỳ mục”
 
Trước hết, bối cảnh chung của trình thuật là Đức Giê-su đang giảng dạy ở Đền Thờ: “Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi:…” (Mt 21,23a). Bản văn cho biết Đức Giê-su đang giảng dạy, nhưng không cho biết nội dung giảng dạy. Điều quan trọng là “Đức Giê-su giảng dạy” và sự kiện “Đức Giê-su giảng dạy” là mối bận tâm của giới lãnh đạo Do Thái. Vì thế, đoạn văn đi thẳng vào vấn đề tranh luận liên quan đến quyền giảng dạy của Đức Giê-su. Các thượng tế và các kỳ mục chất vấn Đức Giê-su: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21,23b) Những người đặt câu hỏi là “các thượng tế” (hoi arkhiereis) và “các kỳ mục” (hoi presbuteroi).
 
Như thế, nhờ chi tiết trong đoạn văn 21,32-27 mà độc giả biết Đức Giê-su nói dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (Mt 21,27-32) với ai và cho ai. Đại từ ngôi thứ hai số nhiều “Các ông” trong đoạn văn Mt 21,28-31 là “các thượng tế” và “các kỳ mục”. Tuy nhiên, không chỉ có hai nhóm nhân vật này. Phần kết luận của các trình thuật (21,45-46) sẽ cho biết còn có nhóm nhân vật “ những người Pha-ri-sêu” (21,45) hiện diện ở đó nữa. Nhóm nhân vật này sẽ được bàn đến trong phần kết luận (21,45-46) của đoạn văn 21,23-44.
 
2) Nhân vật Gio-an Tẩy Giả
 
Đức Giê-su nói đến nhân vật Gio-an Tẩy Giả trong câu hỏi Người đặt ra cho các thượng tế và kỳ mục: “Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (21,25). Đề tài “phép rửa của Gio-an Tẩy Giả”, được trình bày ở Mt 3,1-12, nối kết với đề tài “hối hận”, “hối cải” của người con thứ nhất và “không hối hận” của nhân vật “các ông” trong đoạn văn Mt 21,28-32. Như thế, Mt 21,28-32 vừa nối đến với đoạn văn trước nó (Mt 21,23-27), vừa gợi lại việc rao giảng của Gio-an Tẩy Giả đầu Tin Mừng Mát-thêu. Đặt 21,28-32 vào bối cảnh văn chương của đoạn văn và bối cảnh chung của sách Tin Mừng giúp hiểu ý nghĩa của việc “tin vào Gio-an Tẩy Giả” được nói đến hai lần ở 21,25b và 21,32a.
 
3) Đề tài “Tin vào Gio-an Tẩy Giả”
 
Những điều “nghĩ thầm” của “các thượng tế và kỳ mục trong dân” được thuật lại ở 21,25b: “Họ mới nghĩ thầm: Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’” Câu này quan trọng vì chính “các thượng tế và kỳ mục” xác nhận là Đức Giê-su biết họ không tin vào Gio-an Tẩy Giả. Nhờ những chi tiết trong “ý nghĩ của họ”, được người thuật chuyện kể ra, mà độc giả biết được  lời nói của Đức Giê-su trong đoạn văn sau là có cơ sở: “Phần các ông [các thượng tế và kỳ mục], khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy [Gio-an Tẩy Giả]” (Mt 21,32). Một trong những đề tài nối kết hai đoạn văn 21,28-32 và 21,23-37 là “tin vào Gio-an Tẩy Giả”.
 
4) Bối cảnh tranh luận và xung đột
 
Trong trình thuật “câu hỏi về quyền của Đức Giê-su” (Mt 21,23-27), bản văn đặt tương quan giữa Đức Giê-su với “các thượng tế và kỳ mục” (giới lãnh đạo Do Thái) trong bối cảnh tranh luận và xung đột khá căng thẳng. Cụ thể là lời chất vấn của các thượng tế và kỳ mục (21,23b) được Đức Giê-su trả lời bằng một lời chất vấn khác (21,24-25a). Kết quả là các thượng tế và kỳ mục đã không có câu trả lời vì Đức Giê-su đã dồn họ vào chân tường. Họ hiểu rõ câu hỏi của Đức Giê-su khi nghĩ rằng: “25 Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ 26 Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ” (21,25b-26). Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ đành chịu thua và trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết” (Mt 21,27). Điều độc đáo của bản văn là họ trả lời “không biết” nhưng thực ra họ biết rất rõ. Về hình thức thuật chuyện, họ không trả lời cho Đức Giê-su, nhưng độc giả lại biết có hai cách trả lời: “Phép rửa của Gio-an Tẩy Giả do Trời” và “phép rửa của Gio-an Tẩy Giả do người ta” (21,25b-26). Dầu vậy, theo điều kiện Đức Giê-su đặt ra trước đó, Người cũng không trả lời câu hỏi của họ liên quan đến quyền bính của Người.
 
Nếu trình thuật kết thúc ở đây thì chưa trọn vẹn, vì độc giả cũng muốn biết những điều liên quan đến quyền của Đức Giê-su. Độc giả được mời gọi đọc tiếp phần sau và mạch văn cho phép hiểu như sau: Trong đoạn văn 21,23-27, Đức Giê-su không trả lời câu hỏi về quyền của Người bằng lời nói, nhưng trong hai đoạn văn tiếp theo (21,27-32 và 21,33-44), Đức Giê-su thi hành quyền của Người. Chính trong bối cảnh tranh luận khá căng thẳng trong đoạn văn 21,23-27 mà Đức Giê-su kể trình thuật “nói và làm của hai người con” (Mt 21,28-32). Trong dụ ngôn này, Đức Giê-su bày tỏ quyền phán quyết của Người khi Người nói với họ: “31b Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (21,31b-32).
 
5) “Hối hận”, “sám hối” và “tin”
 
Bối cảnh tranh luận và chống đối trong đoạn văn Mt 21,23-27 giúp độc giả hiểu tại sao trong đoạn văn tiếp theo (Mt 21,28-32), Đức Giê-su đặt song song “người con thứ nhất” với “những người thu thuế và những cô gái điếm” và đặt song song “người con thứ hai” với “các ông”, tức là “các thượng tế và kỳ mục trong dân”.
 
Hình ảnh song song này nối kết với đề tài “hối hận” (metamelomai) và lời rao giảng sám hối (metanoeô) của Gio-an Tẩy Giả đầu Tin Mừng Mát-thêu. Gio-an Tẩy Giả mời gọi: “Anh em hãy sám hối (metanoeite), vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Để có thể “sám hối” (động từ metanoeô), con người cần “hối hận”, “hối tiếc” (động từ metamelomai) về những gì mình đã nói, đã làm. Cả hai động từ metanoeô (sám hối) metamelomai (hối hận) đều có gốc từ meta- và đều có nghĩa “sám hối” (repent). Như thế, khi đặt đoạn văn 21,38-32 vào bối cảnh văn chương và nối kết với đoạn văn trước (21,23-28) cho phép độc giả hiểu rằng: Nếu không “hối cải” và “tin” thì tranh luận chỉ là vô ích. Chính vì thế mà trong đoạn văn Mt 21,23-27, Đức Giê-su không trả lời cho những kẻ không tin và chống đối Người. Thay vì trả lời, trong đoạn văn tiếp theo (21,28-32), Đức Giê-su cho biết tại sao Người không trả lời những kẻ chất vất. Đó là vì họ không sám hối và không tin.     
 
6) “Các thượng tế và các kỳ mục” là “người con thứ hai”
 
Nhờ trình thuật trong đoạn văn trước (Mt 21,23-27) mà độc giả xác định được đối tượng đang nghe Đức Giê-su trong đoạn văn 21,28-32 là những kẻ chống đối và không tin vào lời rao giảng sám hối của Gio-an Tẩy Giả. Khi đọc trình thuật 21,28-32 trong bối cảnh tranh luận và xung đột, độc giả hiểu ý nghĩa câu Đức Giê-su hỏi những kẻ chất vấn Người ở 21,31a: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ (các thượng tế và các kỳ mục) trả lời: “Người thứ nhất” (21,31b).
 
So sánh với trình thuật trước đó độc giả sẽ thấy điều tương phản thú vị: Các thượng tế và kỳ mục trong dân hỏi Đức Giê-su về quyền giảng dạy của Người, Đức Giê-su trả lời bằng cách chất vấn họ và Người không cho họ lời giải đáp (Mt 21,23-27). Ngược lại, trong trình thuật tiếp theo (Mt 21,28-32), Đức Giê-su kể một câu chuyện và Người đặt một câu hỏi mà câu trả lời đã có trong câu chuyện. Cách kể dụ ngôn đòi buộc bất cứ ai muốn trả lời đúng đều phải nói: “Người thứ nhất” (21,31).
 
Như thế, tuy không trả lời về nguồn gốc quyền bính của Đức Giê-su trong đoạn văn 21,23-27, nhưng chính Người đang thi hành quyền bính trong đoạn văn tiếp theo (21,27-32) qua hai chi tiết: 1) Đức Giê-su dẫn dắt câu chuyện và buộc những người chống đối phải trả lời theo hướng đã được gợi ý trong dụ ngôn. 2) Câu trả lời đúng của họ lại trở thành lời tố cáo họ. Bởi vì “các thượng tế và kỳ mục trong dân” không ở trong địa vị của người con thứ nhất, nghĩa là họ là những người không hối cải và không thực thi ý định của Thiên Chúa. Điều trớ trêu là câu trả lời của các thượng tế và các kỳ mục: “Người thứ nhất” (21,31b) là đúng, nhưng họ không phải là người con thứ nhất!
 
Tóm lại, đoạn văn 21,27-32 chỉ bộc lộ hết ý nghĩa và sức mạnh của nó khi được nối kết với đoạn văn trước nó: 21,23-27. Có thể nói hai đoạn văn Mt 21,23-27 (chất vấn về quyền bính của Đức Giê-su) và Mt 21,28-32 (dụ ngôn “nói và làm của hai người con”), vừa nối kết vừa soi sáng cho nhau, giúp độc giả hiểu được ý nghĩa và sức mạnh của bản văn. Câu hỏi: Tại sao gọi trình thuật “nói và làm của hai người con” (21,28-32) là một “dụ ngôn” sẽ được làm rõ khi nối kết đoạn văn 21,28-32 với đoạn văn tiếp theo 21,33-44.
 
II. Mt 21,33-44: TRÌNH THUẬT SAU ĐOẠN VĂN Mt 21,28-32
 
Trình thuật tiếp theo dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (Mt 21,28-32) là dụ ngôn “những tá điền sát nhân” (Mt 31,33-44). Kế đến là phần kết (21,45-46) cho cả ba đoạn văn trước đó: Mt 21,23-37; 21,28-32; 21,33-44.
 
Dàn bài dụ ngôn thứ hai ở Mt 21,33-44 cũng giống dàn bài dụ ngôn thứ nhất: “lời nói và việc làm của hai người con”  (21,28-32). Dàn ý dụ ngôn “những tá điền sát nhân” (Mt 31,33-44) gồm bốn bước: (1) Đức Giê-su kể dụ ngôn, (2) Dựa vào dụ ngôn, Đức Giê-su đặt một câu hỏi, (3) Dụ ngôn đã gợi ý để thính giả có câu trả lời đúng, (4) Đức Giê-su dựa vào câu trả lời của họ để tuyên bố lời phán quyết. Sau đây là bốn phần của dụ ngôn “những tá điền sát nhân” (Mt 21,33-44).
 
1) Đức Giê-su kể một dụ ngôn, 21,33-39:
 
[Mt 21,33-39] 33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.
 
2) Đức Giê-su đặt một câu hỏi cho người nghe, 21,40:
 
[Mt 21,40] Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?"
 
3) Thính giả được dẫn đắt để có câu trả lời đúng, 21,41:
 
[Mt 21,41] Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."
 
4) Đức Giê-su dựa vào câu trả lời để kết án họ, 21,42-44:
 
[Mt 21,42-44] 42 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. (44 Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt)."

Dụ ngôn về “nói và làm của hai người con” (21,28-32) cũng trình bày qua bốn bước trên trong cùng một bối cảnh tranh luận. Trong cả hai dụ ngôn, Đức Giê-su cũng kể cho cùng một đối tượng: “các thượng tế, các kỳ mục của dân” và “những người Pha-ri-sêu” sẽ được nói đến ở 21,45. Cả hai dụ ngôn đều kết thúc bằng một lời kết án nhằm cảnh tỉnh giới lãnh đạo Do Thái, vì họ không tin và đang tìm cách làm hại Đức Giê-su.
 
Cả hai dụ ngôn đều nói về đề tài “vườn nho” (ampelôn), từ này xuất hiện 5 lần trong hai dụ ngôn (21,28.33.39.40.41). Dụ ngôn thứ nhất là “đi làm vườn nho”, dụ ngôn thứ hai là “tá điền canh tác vườn nho”. Lời phán quyết của Đức Giê-su trong cả hai dụ ngôn đều nói đến Nước Thiên Chúa. Trong dụ ngôn thứ nhất Đức Giê-su nói: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (21,31b); trong dụ ngôn thứ hai Đức Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (21,43). Những điểm song song trên cho thấy, ý nghĩa của hai dụ ngôn bổ túc và soi sáng cho nhau. Hai dụ ngôn này liên kết chặt chẽ với nhau vì có chung phần kết luận.
 
III. KẾT LUẬN BA TRÌNH THUẬT Mt 21,23-27; 21,28-32; 21,33-44
 
Mt 21,45-46 là phần kết luận cho đoạn văn lớn: Mt 21,23-44. Người thuật chuyện kết thúc đoạn văn 21,23-44 như sau: 
 
[Mt 21,45-46] 45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. 46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.
 
Hai câu kết luận này (21,45-46) nói đến nhóm nhân vật mới: “Những người Pha-ri-sêu (hoi Pharisaioi)” (21,45). Họ là những người đã nghe “những dụ ngôn (tas parabolas)” Đức Giê-su kể. Từ “dụ ngôn” ở số nhiều: “các dụ ngôn”, nên nhóm nhân vật “những người Pha-ri-sêu” đã nghe cả hai dụ ngôn: 1) “Nói và làm của hai người con” (21,28-32); 2) “Các tá điền sát nhân” (21,33-44).
 
Nhờ nối kết trình thuật “nói và làm của hai người con” (21,28-32) với dụ ngôn “các tá điều sát nhân” (21,33-44) và hai câu kết luận (21,45-46) mà độc giả biết trình thuật “nói và làm của hai người con” (21,28-32) là một “dụ ngôn”. Cho dù từ “dụ ngôn” (parabolê) không xuất hiện trong đoạn văn 21,28-32, nhưng Đức Giê-su mở đầu dụ ngôn “các tá điền sát nhân” như sau: “Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác (allên papabolên): ‘Có gia chủ kia trồng được một vườn nho…’” (21,33). Nói đến “dụ ngôn khác” (allos parabolê) đã hàm ẩn trình thuật kể trước đó (21,28-32) là một “dụ ngôn”. Hơn nữa, câu kết luận trình thuật 21,23-44 viết: “Nghe những dụ ngôn (tas parabolas) Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ” (21,45). Từ “dụ ngôn” trong câu này ở số nhiều, ám chỉ hai câu chuyện Đức Giê-su vừa kể. Như thế, trình thuật “nói và làm của hai người con” (21,28-32) là một trong hai dụ ngôn.   
 
Lời kết luận ở Mt 21,45-46 cho phép phân biệt đoạn văn 21,23-46 với dụ ngôn tiếp theo ở Mt 22,1-14 (dụ ngôn tiệc cưới). Dụ ngôn này nối kết với phần trước khi mở đầu như sau: “1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: ‘2 Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…’” (Mt 22,1-2). Tuy nhiên, giáo huấn của dụ ngôn tiệc cưới rộng hơn và có cấu trúc khác với hai dụ ngôn trong đoạn văn 21,23-46. Những phân tích về bối cảnh đoạn văn 21,23-46 như trên cho phép thiết lập cấu trúc của đoạn văn này.
 
IV. CẤU TRÚC ĐOẠN VĂN Mt 21,23-46

Phân tích bối cảnh văn chương như trên cho thấy dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (Mt 21,28-32) liên kết chặt chẽ với các đoạn văn trước và sau nó làm thành một khối thống nhất: 21,23-46. Đoạn văn này được cấu trúc thành ba phần (I, II, III), trong đó hai dụ ngôn thuộc phần II.

Bảng trên cho thấy đoạn văn 21,23-46 được cấu trúc chặt chẽ qua ba phần lớn. Phần I, mở đầu cuộc tranh luận cho biết hoàn cảnh trình thuật: Đức Giê-su giảng dạy trong Đền Thờ và các thượng tế và kỳ mục đến hỏi Đức Giê-su về quyền của Người (21,23). Lời chất vấn của giới lãnh đạo Do Thái mang sắc thái chất vấn và tranh luận, Đức Giê-su trả lời cũng bằng một lời thẩm vấn có điều kiện. Người chỉ trả lời nếu những kẻ chất vấn giải đáp được câu hỏi Người đặt ra. Bầu khí tranh luận được nhấn mạnh ngay từ đầu trình thuật. Các thượng tế và kỳ mục đã thua, họ không dám trả lời, vì cách trả lời nào cũng không có lợi cho họ (21,25b-26). Trình thuật 21,23-27 kết thúc mà không có câu trả lời. Các thượng tế và kỳ mục, cũng như độc giả, không biết quyền của Đức Giê-su  đến từ đâu. Như thế, phần I (21,23-27) mới chỉ là phần mở đầu đề tài tranh luận, độc giả cần đọc tiếp phần II để biết tranh luận diễn tiến thế nào và Đức Giê-su có nói hay làm gì để bày tỏ quyền của Người hay không.

Phần II gồm hai dụ ngôn, tiếp nối phần tranh luận và qua hai dụ ngôn này, Đức Giê-su bày tỏ quyền và thi hành quyền của Người. Hai dụ ngôn được trình bày song song với nhau cùng một dàn bài (a, b, c, d, a’, b’, c’, d’). Mỗi dụ ngôn đầy đủ ý nghĩa tự nó, nhưng khi đặt song song hai dụ ngôn, độc giả thấy sự tiến triển của đề tài tranh luận. Hai dụ ngôn này, bổ túc và soi sáng cho nhau vì đều nói về hậu quả của những gì mà giới lãnh đạo Do Thái đang làm. Phần III là phần kết luận cho cả đoạn văn dài 21,23-46.
 
Phần III kết luận cho cả ba đoạn văn: 21,23-27; 21,28-32; 21,33-44. Phần này nói đến hai dụ ngôn vừa kể, đồng thời cho độc giả biết ý nghĩa của hai dụ ngôn: Đức Giê-su ám chỉ đến các thượng tế, các kỳ mục và những người Pha-ri-sêu, tức là giới lãnh đạo Do Thái thời đó. Họ tìm cách bắt và giết Đức Giê-su, như trường hợp “con trai của gia chủ” (của) trong dụ ngôn “các tá điền sát nhân”. Vì thế, Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi khỏi họ. Tương phản mạnh mẽ trong bản văn là bên ngoài xem ra họ vâng nghe và phụng thờ Thiên Chúa, nhưng thực ra họ đã không thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Những người thu thế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những người lãnh đạo tinh thần của dân!
  
Những phân tích trên cho thấy độc giả có thể thưởng thức được kiểu hành văn tương phản mạnh mẽ và độc đáo nếu đặt dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (21,28-32) trong mạch văn dài hơn: Mt 21,23-46. Nhờ đặt 21,28-32 vào bối cảnh văn chương, độc giả mới biết nhân vật “các ông” trong dụ ngôn 21,28-32 là “các thượng tế, các kỳ mục” và “những người Pha-ri-sêu” (21,45). Trong các sách Tin Mừng, ba nhóm “các thượng tế”, “các kỳ mục” và “những người Pha-ri-sêu” phân biệt với nhau, nhưng có đặc điểm chung là chống lại Đức Giê-su.
 
Kết luận
 
Những phân tích về bối cảnh văn chương một đoạn văn như trên cho thấy tầm quan trọng của bối cảnh để hiểu ý nghĩa một đoạn văn. Nếu chỉ đọc đoạn văn Mt 21,28-32, độc giả sẽ không biết dụ ngôn được kể ra trong bối cảnh nào và Đức Giê-su kể dụ ngôn cho ai và nhằm đến ai. Khi đặt Mt 21,28-32 trong bối cảnh chung của đoạn văn lớn hơn (Mt 21,23-46), độc giả sẽ cảm nhận được sức mạnh của đoạn văn Mt 21,28-32 và biết các chi tiết giúp hiểu thần học của đoạn văn:
 
-  Biết lý do Đức Giê-su kể dụ ngôn “nói và làm của hai người con” (Mt 21,38-32). Trong đoạn văn trước, “các thượng tế và kỳ mục” chất vấn về quyền hành của Đức Giê-su (21,23) nên Người trả lời cho họ bằng cách thực thi quyền phán quyết trong hai dụ ngôn tiếp theo.
 
-  Biết Đức Giê-su nói dụ ngôn với ai. Những người nghe Đức Giê-su là “các thượng tế, các kỳ mục” (21,23) và “những người Pha-ri-sêu” (21,45). Họ là những kẻ tranh luận và chống đối Đức Giê-su. Cuối mỗi dụ ngôn Đức Giê-su tuyên bố tình trạng hiện tại của họ.
 
-  Biết dụ ngôn đặt trong bầu khí tranh luận và biết tranh luận kết thúc như thế nào. Những kẻ chống đối tìm bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng (21,46).
 
-  Biết trình thuật “nói và làm của hai người con” (Mt 21,38-32) là một dụ ngôn, và biết dụ ngôn thứ nhất nối kết chặt chẽ với dụ ngôn thứ hai (những tá điền sát nhân).
 
-  Biết diễn tiến và nối kết giữa các đề tài liên quan đến Gio-an Tẩy Giả: “hối hận”, “sám hối” và “tin” vào lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả. Chỉ những ai “sám hối” và “tin” mới biết quyền hành của Đức Giê-su đến từ đâu và Đấng nào đã ban quyền cho Người.
 
Sau khi tìm hiểu bối cảnh văn chương của đoạn văn 21,28-32, độc giả có thể dựa vào đó để tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn, chẳng hạn tìm hiểu các đề tài: Tương quan giữa “nói” và “làm”. Hiểu về quyền hành của Đức Giê-su trong tương quan với “sám hối” và “tin”. Tương phản giữa “những người thu thuế và những cô gái điếm” và “giới lãnh đạo Do Thái”… Trình thuật Mt 21,28-32 mở đầu bằng động từ “hối hận” (metamelomai) và kết thúc bằng phủ định động từ này “không hối hận” (oude metamelomai) trong liên hệ với lời giảng của Gio-an Tẩy Giả (21,32). Chi tiết này buộc độc giả phải trở về đầu Tin Mừng Mát-thêu để biết Gio-an Tẩy Giả rao giảng điều gì, mời gọi người nghe làm gì. Đây cũng là cách thức đặt nhân vật Gio-an Tẩy Giả vào trong bối cảnh văn chương của Tin Mừng Mát-thêu, nhưng ở cấp độ rộng lớn hơn (Mt 3,1-12). Có thể xem thêm trình bày về bối cảnh, cấu trúc và những yếu tố khác của phương pháp đọc Kinh Thánh, như tương quan “tác giả - độc giả”, các loại nhân vật, yếu tố không gian, thời gian v.v…
 
Để tránh nguy cơ hiểu lệnh lạc bản văn, hay đưa ra những kết luận mà bản văn không nói tới, độc giả cần chú trọng đến bối cảnh văn chương và cấu trúc đoạn văn trên nhiều cấp độ bản văn dài ngắn khác nhau. Trong phương pháp đọc Kinh Thánh, “bối cảnh” và “cấu trúc” góp phần quan trọng vào việc hiểu ý nghĩa của đoạn văn. Nhờ “bối cảnh” và “cấu trúc” đoạn văn, độc giả sẽ khám phá ra những nét thần học độc đáo của đoạn văn, nhận ra sức mạnh của bản văn và biết đoạn văn góp phần thế nào để xây dựng thần học chung của sách Tin Mừng. Tôn trọng bản văn và quan sát kỹ bản văn sẽ mở ra cho độc giả một kho tàng vô tận trong việc tìm hiểu, suy niệm và sống Lời mặc khải./.