Saturday, 28 December 2019 10:50

Mc 13,24-32: Cuộc Quang Lâm Của Con Người Featured

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mc 13,24-32[1]

24Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

28Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

32Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

***

1.- Ngữ cảnh

Giữa các chương nói về hoạt động công khai của Đức Giêsu (Mc 1–12) và những chương tường thuật cuộc Khổ Nạn (Mc 14–16), chúng ta gặp bài Diễn từ cánh chung (Mc 13). Bài này khởi đi từ lời Đức Giêsu loan báo rằng Đền Thờ Giêrusalem huy hoàng tráng lệ như thế đó sẽ bị tàn phá và từ câu hỏi bao giờ sẽ xảy ra chuyện ấy. Bài Diễn từ này được ngỏ với bốn môn đệ Đức Giêsu đã gọi đầu tiên,[2] nhưng có một giá trị tổng quát.[3] Bài không chỉ liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem, nhưng còn nhìn tổng quát về tương lai. Đức Giêsu phác ra những đường nét lớn cho các môn đệ thấy tương lai sẽ mang lại cho họ điều gì (Mc 13,5-27) và họ sẽ phải ứng xử thế nào (Mc 13,5.21-23.28-37).[4] Chúng ta có thể chia bài diễn từ này thành ba phần:

     1/. Khi nào (câu 5b-8.9-13.14-23);

     2/. Dấu chỉ: Cuộc quang lâm (Câu 24-27);

     3/. Giờ chính xác (câu 28-32.33-37).

2.- Bố cục

Bản văn đọc hôm nay có thể chia thành hai phần :

     - 1/. Cuộc Quang Lâm (Mc 13,24-27);

     - 2/. Thời gian (Mc 13,28-32).

3.- Vài điểm chú giải

- Nhưng trong những ngày đó, … các ngôi sao từ trời sa xuống (24-25): Với liên từ “nhưng”, tác giả đưa độc giả tới khúc quanh quan trọng. Ngài mở ra một viễn tượng phổ quát bằng cách dùng những hình ảnh thuộc Cựu Ước nói về Ngày của YHWH (Đức Chúa).[5] Trong Cựu Ước, các hiện tượng này là những hoàn cảnh đi theo cuộc xét xử trong thịnh nộ, “ngày của YHWH”. Theo những bản văn Isaia, việc phán xét nhắm đến Babylon và Êđôm. Trên cái nền Kinh Thánh này, các hình ảnh được vận dụng để minh họa cuộc phán xét trên các kẻ gian ác.

- Con Người (26): Trên tấm phông là một vũ trụ bị rung chuyển, Con Người xuất hiện, được mô tả bằng những từ ngữ của Đn 7,13tt.[6] Các đám mây cho hiểu là Người thuộc về thiên giới, thuộc về Thiên Chúa. Khi Đức Kitô tỏ bày năng và vinh quang của Người ra, mọi người sẽ được thấy: không mơ hồ như những tiếng đồn được lưu ý ở Mc 13,22.[7] Quyền lực lớn lao và vinh quang của Người bao quanh Người, nêu bật vẻ uy nghiêm của Người, khiến Người nổi lên rõ ràng trên bóng tối và tình trạng hỗn độn của vũ trụ. Mục tiêu Người nhắm khi đến thì chưa rõ. Hình thái của bài Diễn từ không liên quan đến ai rõ ràng khiến phải kết luận rằng ở chỗ này, bài được ngỏ với các đối thủ, các kẻ gian ác và tội lỗi. Đối với họ, Con Người đến là để phán xét.

- Tập họp của những kẻ được tuyển chọn (câu 27): Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa quy tụ[8] nhờ các thiên thần:[9] Ngài quy tụ về Thánh Địa tất cả những người Do Thái đang bị phân tán, đưa về cho hiệp thông với Ngài. Ở đây, Con Người được giới thiệu là Đấng thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa cho dân Do Thái.[10]

- Từ bốn phương, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời: dịch sát: “từ bốn gió, từ mút cùng đất đến mút cùng trời”. Các hình ảnh này là cách cổ điển mà Kinh Thánh và người Hy Lạp dùng để nói về thế giới.

- Thí dụ cây vả (28): Trong Cựu Ước, mùa hè và cuộc thu hoạch là những hình ảnh diễn tả sự cùng tận, cuộc giải phóng và phán xét chung cuộc.[11] Những gì xảy ra với cây vả được dùng để ví những dấu chỉ xảy ra nhằm báo cho biết Đức Kitô đã đến gần (câu 29).

- Thế hệ này (30): “Thế hệ này”, dù là “thế hệ gian ác”,[12] gồm những người không tin Đức Kitô hoặc sứ điệp của Giáo Hội, thì cũng là thế hệ đương thời với tác giả Mc. Khi nghe đọc đoạn văn này, các tín hữu càng được củng cố trong nỗi niềm chờ mong Đức Chúa của mình ngự đến.

- Mọi điều ấy: Dựa trên câu hỏi của các môn đệ ở câu 4b và cùng với “tauta” (“các điều ấy”) được lấy lại từ câu 29, có thể quy về toàn thể các biến cố được mô tả trong bài Diễn từ cho đến điểm này, tức cũng quy về cuộc Quang Lâm của Con Người. Dựa theo câu nói này, ta nhận ra một sự chờ đợi nôn nóng trong một thời gian ngắn.

- Những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu (31): Đức Giêsu xác định những lời Người nói có cùng một sự chắc chắn và một uy tín như những lời của YHWH trong Cựu Ước.[13]

- Không ai biết được, ngay cả Người Con …, chỉ có Chúa Cha mới biết (32): Câu này là một “crux interpretum” (thập giá của các nhà chú giải). Lời này dường như mâu thuẫn minh nhiên với Mt 11,27: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con…”. Người ta thường giải quyết bản văn khó này như sau. Mt 11 nói về sứ mạng mạc khải của Đức Giêsu để cứu độ thế gian: để đạt được mục tiêu này, Người đã được Thiên Chúa ban cho toàn quyền mạc khải và mọi hiểu biết cần thiết. “Nhưng Người đã có thể không biết một số điểm thuộc về chương trình sau này của Thiên Chúa, như Ngài khẳng định ở đây một cách rõ ràng” (P. Benoît). Phải hiểu Đức Giêsu không biết đây là không biết trong bối cảnh mầu nhiệm nhập thể, khi đó Chúa Con đã từ khước nhiều đặc quyền thần linh của mình[14] để chia sẻ thân phận con người sâu xa hơn.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Cuộc Quang Lâm (24-27)

Tiếng nói cuối cùng trên toàn thể lịch sử nhân loại và trên tất cả các tình huống là biến cố Con Người ngự đến trong vinh quang Thiên Chúa (Mc 13,26).[15] Người đã đi qua đau khổ và cái chết; sau khi sống lại, Người đã chỉ tỏ mình ra với các môn đệ tuyển chọn; nhưng trong tương lai, Người sẽ xuất hiện trước mắt tất cả mọi người trong phẩm tước đích thực của Người. Cuộc tỏ mình của Người cũng như quyền chúa tể hữu hình của Người, duy nhất và vô biên, là cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại.

* Thời gian (28-32)

Cho câu hỏi “khi nào?”, Đức Giêsu trả lời trước tiên bằng một dụ ngôn rõ ràng. Cần phải học bài học từ việc quan sát cây vả. “Khi nó trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần” (câu 28-29). Tác giả muốn nói đến các biến cố ở câu 6-13, câu 6-23 hay câu 14-23? Bởi vì công thức “khi anh em thấy” (hotan idête) nhắc lại câu 14, chúng ta nên coi các biến cố thuộc phân đoạn câu 14-23.

Cuối cùng, có ba câu nói về thời gian (câu 30-32): “thế hệ này”; “những lời Thầy nói”; “chỉ có Chúa Cha biết”. Tất cả được mở đầu bằng giọng long trọng: “Thầy bảo thật (amên) anh em”. Sự hiểu biết về lịch sử loài người và mọi câu hỏi liên quan đến tương lai dường như dễ đưa tới sự lừa dối và sai lầm: đây là vùng hoạt động của các ngôn sứ giả. Lời khuyến cáo của Đức Giêsu vẫn còn có giá trị cho mọi thời đại: “Anh em hãy coi chừng đừng để người ta lừa gạt!” (câu 5; x. câu 21-23). Các lời Người nói sẽ có giá trị mãi mãi (câu 31). Và với giọng rõ ràng chắc chắn, Người khẳng định rằng chỉ có Thiên Chúa biết ngày hoàn tất những điều đã được loan báo (câu 32).

+ Kết luận

Câu hỏi đầu tiên của các môn đệ: khi nào xảy ra những điều ấy? Câu trả lời của Đức Giêsu vượt quá câu hỏi đó nhiều lắm. Người ta sẽ không còn coi Đền Thờ là nơi quy tụ nữa. Đền Thờ sẽ bị sụp đổ cùng với thế giới. Mọi người phải hướng về Đấng cao trọng hơn Đền Thờ, Người sẽ quy tụ nhân loại đã được cứu thoát khỏi tà thần: Người là Đức Chúa phục sinh quang vinh.

Toàn bài Diễn từ cánh chung muốn thổi một làn gió lạc quan trên thế giới. Đồng ý là có những thời trong đó sự dữ thắng thế, nhưng nó không thể khai sinh một thế giới mới. Chỉ nhờ sự sống lại của Đức Kitô và nhờ Thánh Thần, một mầm sống mãnh liệt mới khai sinh một vũ trụ mới. Với lại, kiểu hành văn “cánh chung” bao giờ cũng chất chồng các hình ảnh tai hoạ u ám để làm nổi bật lên ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa. Ước mong người tín hữu không bối rối khi đọc thấy sự dữ lan tràn, nhưng nhớ rằng một sứ điệp tràn đầy hạnh phúc đang được triển khai.

5.- Gợi ý suy niệm

1/. Tương lai của nhân loại có đen tối đến đâu và nhìn bề ngoài thì dường như đang đi đến chỗ hoàn toàn diệt vong, nhưng cuối cùng, vẫn còn có Con Người, Đấng đã chia sẻ tất cả định mệnh con người, nay đang ở trong sự hiệp thông xán lạn và vinh hiển với Chúa Cha toàn năng. Các môn đệ của Đức Giêsu có bị bách hại, bị ghét bỏ và bị giết tàn bạo đến mức nào đi nữa, Đấng mà họ bước theo sau và cũng là Đấng mà họ đã chia sẻ cùng một số phận, đang chờ họ và sẽ bênh vực họ.[16] Đức Giêsu là Đấng trung thành và quyền năng. Người sẽ tìm được họ dù họ lang bạt đến tận đâu và sẽ quy tụ họ lại.

2/. Các môn đệ của Đức Giêsu phải tránh những ý tưởng sai lạc về tương lai. Họ không được trông mong vào một thiên đàng hạ giới chan hòa bình an. Trái đất vẫn là một thung lũng đầy nước mắt, nên họ phải sẵn sàng chấp nhận gian lao vất vả, bị từ khước và bị bách hại. Họ không được chạy theo ảo tưởng và cũng không được buông theo thất vọng. Họ phải tin cậy vững vàng vào lời nói của Đức Giêsu và tương lai mà Người phác họa ra.

3/. Điều nói trên không có nghĩa là các môn đệ không được bận tâm đến tương lai và không được để cho tương lai ảnh hưởng trên lối sống hiện tại của mình. Như khi thấy các lá non của cây vả, chúng ta biết mùa hè đã đến gần, chúng ta cũng không được bám cứng vào những gì đang xảy ra, nhưng phải quay hướng về biến cố kết thúc đang đến (Mc 13,28t).

4/. “Anh em hãy coi chừng đừng để người ta lừa gạt!” (câu 5; x. câu 21-23). Đức Giêsu như đang nói: Anh em đừng để cho mình bị lạc đường vì tò mò và sợ hãi! Thầy đã chỉ cho anh em thấy rõ ràng thực tại chung kết. Hãy bám vững vào đó và hãy bằng lòng với điều đó! Điều đó hoàn toàn đủ cho anh em rồi! Vì về ngày đó, chỉ Chúa Cha biết; tất cả mọi tính toán về ngày cuối cùng đó chỉ là chuyện tưởng tượng bừa bãi, đi ngược lại với lời nói rõ ràng của Đức Giêsu.

 

 


[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Xc. Mc 13,3: Lúc Đức Giê-su ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê hỏi riêng Người; Mc 1,16-20: Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

[3] Mc 13,37: Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

[4] Mc 13,5-23: Đức Giê-su bắt đầu nói với các ông: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây!”, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn.

“Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết. Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc. “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói. Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

“Khi anh em thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng -người đọc hãy lo mà hiểu!-, thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trên sân thượng thì đừng xuống và đừng vào lấy gì ra khỏi nhà; ai ở ngoài đồng, đừng trở lại lấy áo choàng của mình. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Anh em hãy cầu xin cho điều ấy đừng xảy ra vào mùa đông. Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa. Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ Người đã tuyển chọn, Người đã rút ngắn những ngày ấy lại. Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Ki-tô ở đây! Kìa, Đấng Ki-tô ở đó!”, anh em đừng có tin. Thật vậy, sẽ có những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Phần anh em, hãy coi chừng: Thầy đã báo trước tất cả cho anh em!

[5] Is 13,10; 34,4: Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng. Toàn thể đạo binh trên trời tan rã. Các tầng trời cuộn lại như cuốn sách. Cả đạo binh của chúng lụi tàn như lá nho rơi rụng, tựa lá vả lìa cành.; Ge 2,10–3,4: Trước mặt chúng, đất run rẩy, trời chuyển rung. Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa. Tiếng ĐỨC CHÚA đã vang lên trước đạo binh của Người, vì binh đội của Người rất đông đảo, kẻ thi hành lời Người thật hùng mạnh, và Ngày của ĐỨC CHÚA thật lớn lao và rất đáng sợ! Nào ai chịu nổi? Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”…; Ge 4,15t: Mặt trời mặt trăng mờ tối đi, các vì sao chẳng còn chiếu sáng…

[6] Đn 7,13tt: Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện…

[7] Mc 13,22: Thật vậy, sẽ có những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể.; Xc. Mt 24,27t: Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy…

[8] Đnl 30,3-4 [LXX]: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ đổi vận mạng anh (em), sẽ chạnh lòng thương và sẽ lại tập trung anh (em) về từ mọi dân, từ nơi mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã phân tán anh (em). Dù anh (em) có bị đuổi xa đến tận chân trời, thì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cũng sẽ tập trung anh (em) từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh (em).; Dcr 2,10: Này! Này! Hãy trốn khỏi đất phương bắc, - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - vì Ta đã phân tán các ngươi đi bốn phương trời, - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.; Is 27,12; 43,5tt: Rồi ngày kia ĐỨC CHÚA sẽ đập lúa từ sông Cả cho tới suối Ai-cập. Và anh em, hỡi con cái Ít-ra-en, từng người một, anh em sẽ được Chúa mót nhặt về.; Đừng sợ, có Ta ở với ngươi! Từ phương Đông, Ta sẽ đưa con cái ngươi về, và từ phương Tây, Ta sẽ cho con cháu ngươi đoàn tụ…

[9] Tv 18,11; 104,4: …ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay:… Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương, nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.; Đn 7,10: Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.

[10] Xc. Ga 14,3: Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.

[11] Xc. Ge 4,17: “Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi, Đấng ngự tại Xi-on, núi thánh của Ta. Giê-ru-sa-lem sẽ là nơi thánh, người ngoại quốc sẽ chẳng còn qua đó nữa.”; Am 8,1tt: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi thấy như sau: Này đây một giỏ trái cây mùa hạ…; Is 28,4: và vòng hoa héo tàn là đồ trang điểm xa hoa của nó trên đỉnh cao chế ngự cả thung lũng phì nhiêu; nó sẽ như trái vả chín sớm, trước mùa hè: ai thấy và hái được là nuốt ngay tức khắc.; Gr 8,20: Mùa gặt đã hết rồi, mùa hè cũng đã qua, thế mà chúng tôi vẫn chưa được cứu!”

[12] Mc 8,38; 9,19: Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”.; Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi”.; Mt 12,39.45: Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na… Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ bị như vậy”.

[13] Is 40,8; 51,6; 54,10: Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững”… Hãy ngước mắt lên trời, rồi cúi nhìn xuống đất: Này, trời sẽ tan ra như làn khói, đất sẽ rách tươm như manh áo cũ, và dân cư trên đó sẽ chết như ruồi; nhưng ơn cứu độ của Ta sẽ trường tồn vạn kỷ và đức công chính của Ta sẽ không suy suyển bao giờ… Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.; Gr 33,25t: ĐỨC CHÚA phán thế này: Nếu Ta không dựng nên ngày và đêm, nếu Ta không đặt ra quy luật cho trời và đất,…; Xc. Kh 22,6: Thiên thần nói với tôi: “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật; và Đức Chúa là Thiên Chúa ban Thần Khí linh hứng cho các ngôn sứ, đã sai thiên thần của Người đến tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến”.; Mt 5,18: Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.

[14] Xc. 2Cr 8,9: Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.; Pl 2,6tt: Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,…

[15] x. Mc 8,38; 14,62: Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”… Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.

[16] Xc. Mc 8,34-38: Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”.