Saturday, 28 December 2019 10:39

Mc 1, 12-20: Đức Giêsu Chịu Cám Dỗ Và Các Môn Đệ Đầu Tiên (4) Featured

ĐỨC GIÊSU

MỘT CON NGƯỜI LÀNG NAZARETH

Nguyên tác : Jésus un homme de Nazareth

Tác giả : Marie-Emile Boismard, op.

Nhà xuất bản : Le Cerf

Nơi xuất bản : Paris, 1996

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh, Chân Lý (2001)

***

***


 
Vào lúc chịu phép rửa, Đức Giê-su vừa được Thiên Chúa đặt làm vua và làm ngôn sứ. Trong toàn thể phần thứ nhất của sách Tin Mừng, các đoạn văn sẽ được thu góp lại cứ từng đôi một để chứng minh cho chúng ta hay rằng Đức Giê-su hành động thực sự vừa như một vị vua vừa như một ngôn sứ. Cách bố trí các trình thuật xuất hiện ngay ở phần tiếp theo của sách Tin Mừng : chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su hành động như một vị vua khi Người đương đầu với Xa-tan, kẻ vẫn được cho là đang thống trị thế giới và Người truất ngôi hắn để cai trị. Rồi sau đó, với tư cách là ngôn sứ, Người đã chọn các môn đệ đầu tiên như ngôn sứ Ê-li-a đã làm xưa kia.

ĐỨC GIÊ-SU CHỊU CÁM DỖ
(Mc 1,12-13)

Đức Giê-su được Thần Khí “đẩy vào trong hoang địa”. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, “chịu Xa-tan cám dỗ”. Và tác giả Tin Mừng viết thêm : “Người sống giữa loài dã thú và các thiên thần hầu hạ Người”.

Xa-tan

Muốn hiểu ý nghĩa mà tác giả Tin Mừng dành cho câu chuyện này, chúng ta cần xem, đối với Mác-cô và các độc giả của ông, nhân vật xảo quyệt này tiêu biểu cho cái gì.

Từ “Xa-tan” được chuyển dịch từ tiếng Hy-lạp (satanas). Nhưng từ Hy-lạ lại xuất phát từ một từ Híp-ri có nghĩa là “kẻ đối địch”. Bản LXX thường dịch từ này là diabolos (ma quỉ). Trong các truyền thống Do-thái cổ xưa nhất, Xa-tan không được quan niệm như là một hữu thể cơ bản là xấu xa. Xa-tan cũng là thành phần trong triều đình của Thiên Chúa, một triều đình được người ta đã trình bày tương tựa như những triều đình trong cộng đồng nhân loại. Trong triều đình này, Xa-tan có một chức năng nhất định. Theo Dcr 3,1, Xa-tan đóng vai trò của một công tố viên (kẻ tố cáo) trước toà án của Thiên Chúa. Theo sách G 1,6-12, đúng ra Xa-tan bảo vệ những quyền lợi của Thiên Chúa, vì theo Xa-tan, Thiên Chúa ảo tưởng về lòng trung thành của Gióp. Khi Xa-tan được Thiên Chúa cho phép đi lấy hết của cải ông Gióp đang sở hữu, thì chính là để trắc nghiệm lòng trung thành của Gióp. Trong sách 1 Sbn 21,1 nhân vật Xa-tan đã trở nên hoàn toàn xấu xa : Xa-tan đã xúi giục vua Đa-vít làm thống kê toàn dân Ít-ra-en, một hành động được xem là trái với ý muốn của Đức Chúa. Xa-tan đã trở thành Tên Cám Dỗ chuyên đẩy nhân loại đến chỗ làm điều ác (x. Kh 12, 9).

Có lẽ do ảnh hưởng của một số tôn giáo Đông phương, nên những người theo nhóm Ét-sê-ni tại Cum-rân đã chấp nhận một quan niệm nhị nguyên về thế giới. Họ đã đối lập thế giới của bóng tối và dối trá với thế giới của ánh sáng và chân lý là thế giới hoàn toàn tuân phục Lề Luật Thiên Chúa. Theo quan niệm của những người theo nhóm Ét-sê-ni, thì mỗi thế giới này đều có thủ lãnh riêng của mình, gọi là “thủ lãnh ánh sáng” và “thủ lãnh bóng tối”. Quan niệm của nhóm Ét-sê-ni như trên là một tư tưởng khá phổ biến trong Do-thái giáo đương thời. Dễ thấy là thế giới những người Do-thái đang sống là một thế giới trong đó Lề Luật của Thiên Chúa không được tuân giữ và sự dữ làm bá chủ. Khi đó, khải huyền Do-thái đã phác hoạ nên sự xuất hiện của một thế giới lý tưởng, hoàn toàn tuân phục Lề Luật, còn thế lực sự dữ sẽ bị tống khứ vĩnh viễn ra khỏi đó. Và cũng từ đấy, người ta phân biệt cái “thế giới này” với cái “thế giới sẽ đến”. Rồi người ta gán tất cả những sự dữ mà “thế giới này” đang phải chịu do ảnh hưởng xấu xa của Xa-tan và bè lũ của nó. Thậm chí bệnh hoạn tật nguyền cũng được xem là hậu quả của tình trạng bị ma quỉ chiếm cứ, và việc chữa lành bệnh tật đã được thực hiện như là những hành động trừ quỉ. Ta sẽ thấy âm vang của những niềm tin tưởng như thế trong các sách Tin Mừng. Đối với Gio-an chẳng hạn, vì chịu ảnh hưởng thuyết nhị nguyên của Cum-rân (x. Ga 3,18-21), Xa-tan được gọi là “thủ lãnh thế gian này” (Ga 12,31 ; 14,30 ; 16,11) và “tất cả thế gian này đã nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,19). Đối với thánh Lu-ca, những bệnh hoạn tật nguyền là do hoạt động xấu xa của Xa-tan (Lc 13,15-16) hay của Ma quỉ (Cv 10,38). Đối với thánh Mác-cô cũng vậy, rất nhiều lần ông trình bày việc chữa lành bệnh tật như là những hành động trừ quỉ hay trục xuất các thần ô uế. Chúng ta sẽ trở lại điểm này sau.

Nói cách khác, tư tưởng được phổ biến rộng rãi nơi người Do-thái là Xa-tan vẫn đang làm bá chủ thế giới này, đồng thời hắn làm cho sự dữ thống trị. Khi đó ta sẽ hiểu tại sao – đối với truyền thống Tin Mừng – nếu Đức Giê-su muốn thiết lập vương triều của Người trên thế giới này, thì trước hết Người phải chiến thắng Xa-tan, truất phế hắn. Vương triều của Đức Ki-tô chỉ có thể được thiết lập trên những hoang tàn đổ nát của triều đại Xa-tan. Chính để nói lên điều đó, thánh sử Mác-cô đã đặt trình thuật cám dỗ ngay sau trình thuật phép rửa. Đức Giê-su vừa được đặt làm vua của vương quốc mới, thì lập tức Người đi vào hoang địa để đương đầu với Xa-tan. Đức Giê-su vừa đón nhận Thần Khí, rồi chính Thần Khí này thúc đẩy Người vào hoang địa và cho Người quyền năng để chiến thắng các thế lực sự dữ. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, nhưng một khi đã trở về từ hoang địa, Đức Giê-su đã có thể loan báo “Tin Mừng” là “thời gian đã mãn” và “vương quốc của Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,14-15).

Cám dỗ

Tác giả Mác-cô chỉ nói cho chúng ta biết rằng : “Đức Giê-su được đẩy vào hoang địa để chịu Xa-tan cám dỗ” nhưng lại không cho thấy một chi tiết nào về cách Xa-tan hành động để cám dỗ Đức Giê-su. Mt 4,1-11 và Lc 4,1-13 rõ ràng hơn. Người ta đồng ý nhìn nhận rằng cuộc đấu khẩu tay đôi giữa Đức Giê-su và Tên Quỉ – được điểm bằng những tham chiếu Cựu Ước – chỉ là giả tạo. Nhưng truyền thống được hai tác giả Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca lấy lại ở đây chắc chắn phải phản ánh một hoàn cảnh có thật. Đơn cử lần cám dỗ cuối cùng như được tả trong Mt 4,8-10. Từ đỉnh một ngọn núi cao, Tên Quỉ chỉ cho Đức Giê-su thấy tất cả các vương quốc trên thế gian và hắn nói với Người : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Đức Giê-su đáp lại hắn rằng : chỉ phải thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi (Đnl 6,13). Như thế, đây đúng là cuộc giao tranh chủ yếu giữa Đức Giê-su với Xa-tan. Tên Quỉ – khi đó là chúa tể thế gian và mọi vương quốc của hắn – đã hiểu rằng Đức Giê-su đã đón nhận từ Thiên Chúa sứ mạng truất phế hắn. Hắn phản công bằng cách đề nghị với Đức Giê-su một cuộc trao đổi. Thay vì giao chiến với nhau, thì ta thoả hiệp với nhau đi nào ! Anh cứ thống trị thế gian này, nhưng với tư cách là chư hầu của tôi. Còn tôi, tôi sẽ là tôn chủ của anh. Đức Giê-su biết rõ là trong trường hợp Người từ chối, thì chắc chắn sẽ nổ ra một cuộc chiến và Người sẽ phải đương đầu với mọi mưu mô cạm bẫy của Tên Quỉ. Thánh Lu-ca sắp xếp trình thuật theo chiều hướng này. Thánh sử ghi chú rằng sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Đức Giê-su, “Tên Quỉ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Thời cơ thuận tiện sẽ là cuộc Thương Khó : nếu ông Giu-đa có phản bội Đức Ki-tô, thì cũng là do ảnh hưởng của Xa-tan (Lc 22,3 ; Ga 13,2). Chính Xa-tan âm mưu cái chết của Đức Ki-tô, vì những tưởng rằng như thế là làm cho những hy vọng thiết lập vương triều trên thế giới này của Đức Giê-su tan thành mây khói.

Đức Giê-su từ khước chuyện mua bán đổi chác như thế. Người chỉ muốn đón nhận vương quyền của Người từ Thiên Chúa mà thôi, cho dù phải trả giá bằng một cuộc chiến đấu không khoan nhượng, thậm chí cái giá phải trả là cái chết của Người. Cuộc chiến giữa Đức Giê-su với Xa-tan bắt đầu.

Chiến thắng

Thánh Mác-cô kết thúc câu chuyện mà chỉ nói với chúng ta rằng Đức Giê-su “sống giữa loài dã thú”. Các dã thú này tượng trưng cho mọi thế lực sự dữ (x. Lc 10,19-20). Đức Giê-su đã chinh phục được các dã thú này bởi vì Người có thể sống hòa bình với chúng. Thế giới mới được thể hiện, thế giới mà Đức Ki-tô, đã mặc lấy quyền năng của Thần Khí, sẽ khai mạc trên trái đất này (x. Is 11,1-9).

Có khả năng trình thuật của thánh Mác-cô có một chủ ý rõ rệt hơn. Có thể thánh sử muốn ám chỉ đến lời sấm của Hs 2,16-20. Lời sấm ấy loan báo cuộc hoán cải của dân Sa-ma-ri : “Bởøi thế, này ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất : Ta sẽ bẻ gẫy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn”.

CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
(1,16-20)

Với tư cách là vua, Đức Giê-su đã giành được chiến thắng đầu tiên đối với Xa-tan, và với tư cách là ngôn sứ, Người sắp tuyển chọn các môn đệ đầu tiên.

Những ngư phủ với hoàn cảnh xã hội cụ thể

Câu chuyện này thực ra gồm hai trình thuật sóng đôi : trước hết là trình thuật ơn gọi của hai anh em Phê-rô và An-rê (Mc 1,16-18), rồi sau đó là trình thuật ơn gọi của hai anh em khác là Gia-cô-bê và Gio-an (Mc 1,19-20). Tất cả các ngư phủ này đều đang sinh sống tại cái thị trấn bé nhỏ Bét-xai-đa (x. Ga 1,44), nằm trên bờ phía đông bắc của hồ Ga-li-lê. Người dân ở đây, ít ra là Gia-cô-bê và Gio-an, khá thoải mái, bởi vì cha của hai ông này có thể muớn những người làm công để phụ việc cho ông (Mc 1,20). Trong khi Phê-rô và An-rê đang quăng lưới xuống biển, thì Gia-cô-bê và Gio-an lại đang ngồi vá lưới ở trong thuyền. Khi đi dọc theo bờ hồ Ga-li-lê, Đức Giê-su trông thấy họ, Người kêu gọi họ, lập tức họ bỏ mọi sự mà theo Người.

Tầm mức biểu tượng của trình thuật

Dưới vẻ bên ngoài đơn giản, nhưng trình thuật kép này lại chứa đựng hai giáo huấn mà phải chăm chú đọc mới khám phá ra.

Giáo huấn thứ nhất của chính tác giả Tin Mừng. Đức Giê-su nói với ông Phê-rô và ông An-rê : “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17) và theo Lc 5,10 thì lời này Đức Ki-tô có lẽ nói riêng với ông Phê-rô mà thôi : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Nếu Đức Giê-su chọn các ngư phủ này làm những môn đệ đầu tiên, chính vì Người đã nhận thấy một mối liên hệ biểu tượng giữa nghề nghiệp hiện tại của họ với sứ mạng Người sẽ trao phó cho họ sau này : đó là “lưới” người ta để đưa họ vào trong vương quốc của Thiên Chúa mà Người đã đến để thiết lập.

Điểm thứ hai là điểm quan trọng nhất giúp hiểu trình thuật này. Khi viết trình thuật này, thánh Mác-cô cảm hứng về mặt văn chương từ trình thuật kể chuyện ngôn sứ Ê-li-a gọi theo mình làm môn đệ người sau này là ngôn sứ Ê-li-sa, trong 1 V 19,21. Sự gần gũi về mặt văn chương trong trường hợp của ông Gia-cô-bê và ông Gio-an rõ hơn là trường hợp của ông Phê-rô và ông An-rê. Ta sẽ trở lại điểm này sau. Sau đây là trình thuật ơn gọi của ông Ê-li-sa và trình thuật ơn gọi của ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, đặt song song với nhau và dịch sát.


Mc 1,19, 20 1 V 19,19-21
- Và đi xa hơn một chút Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê và người em là ông Gio-an

- Trong thuyền đang ngồi vá lưới, và Người liền gọi họ






- Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, họ đi theo Người.
- Và ông Ê-li-a bỏ đó ra đi và ông gặp Ê-li-sa là con ông Sa-phát


- Và ông đang cày ruộng với mười hai cặp bò, và chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai
- Và ông Ê-li-a đi ngang qua, và ông ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa,

- Và ông Ê-li-sa liền để bò lại... Ông Ê-li-sa đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông.

 
 
Hai nét làm nổi bật hơn tính cách song đối. Trong trình thuật ơn gọi của ông Ê-li-sa, ngôn sứ Ê-li-a ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Nhưng theo trình thuật kể chuyện ngôn sứ Ê-li-a được cất lên trời, trong 2 V 2,7-15, thì quyền năng của vị ngôn sứ nằm ở trong chính tấm áo choàng của ông. Như vậy, khi ném tấm áo choàng lên người ông Ê-li-sa là ngôn sứ Ê-li-a đã thông truyền quyền năng của mình cho ông Ê-li-sa và đặt ông làm ngôn sứ. Như thế, cách trình bày song đối này rất tương hợp với trình thuật Đức Giê-su kêu gọi ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Mặt khác, theo 1 V 19,20 thì ông Ê-li-sa xin ngôn sứ Ê-li-a cho phép được về “ôm hôn cha mẹ để từ biệt” trước khi đi theo, nhưng ngôn sứ Ê-li-a đã từ chối lời xin này. Ta thấy điều này nối được với đề tài ông Gia-cô-bê và ông Gio-an “bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền”.

Như vậy, một trong những chủ ý của trình thuật này là nhằm chứng minh cho chúng ta thấy rằng Đức Giê-su đúng là một Ê-li-a mới, đang kêu gọi những môn đệ đầu tiên đi theo Người, cũng như ngày xưa ngôn sứ Ê-li-a đã kêu gọi ông Ê-li-sa đi theo mình làm môn đệ. Sau khi đã hành động với tư cách là vua bằng cách đọ sức với Xa-tan, giờ đây, Đức Giê-su hành động với tư cách một ngôn sứ, giống như một trong số những ngôn sứ vĩ đại nhất : ngôn sứ Ê-li-a.

Ơn gọi của ông Phê-rô và ông An-rê

Như vậy, theo trình thuật của Tin mừng Mác-cô, có lẽ Đức Giê-su đã kêu gọi trước hết là ông An-rê và ông Phê-rô, rồi sau đó là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Nhưng làm thế nào có thể dung hòa trình thuật này với trình thuật ở Ga 1,35-42 ? Trong trình thuật Ga 1,35-42, ông An-rê được giới thiệu là một môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả, và là người đã ở với ông Gio-an Tẩy Giả bên kia sông Gio-đan (Ga 1,28). Sau đó, chính ông An-rê – với thế giá riêng của mình – đã dẫn em mình là ông Si-mon đến gặp Đức Giê-su. Hai trình thuật về ơn gọi của hai anh em An-rê và Si-mon-Phê-rô, một đàng theo Mác-cô, và đàng khác theo Gio-an, dường như không thể dung hợp với nhau được.

Để bảo vệ cái người ta cho là chân lý lịch sử của hai sách Tin Mừng, người ta thường đề nghị giải pháp như sau : ông An-rê và ông Phê-rô có lẽ đã được Đức Giê-su kêu gọi hai lần. Một lần đầu khi ông An-rê còn đang là môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả (trình thuật của Gio-an), nhưng sau đó có lẽ cả hai anh em đã trở về lại với công việc thường nhật của họ, gần hồ Ga-li-lê, và chính tại đây, Đức Giê-su đã dứt khoát kêu gọi hai ông, cùng với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nữa. Chắc chắn, không phải là không có thể, nhưng ít có khả năng ! Trong trình thuật của mình, Gio-an muốn diễn tả một ơn gọi dứt khoát, bởi vì với ba lần (Ga 1,37.38.40), ông muốn nói với chúng ta rằng ông An-rê và một người đồng bạn vô danh của ông đã “theo” Đức Giê-su, Từ “đi theo” là từ chuyên môn để chỉ tình trạng làm môn đệ.

Khoa phê bình trình thuật của Mác-cô giúp chúng ta có thể đưa ra một giải pháp khác. Thật vậy, chúng ta đã biết là một đàng trình thuật này gồm hai trình thuật sóng đôi : trình thuật ơn gọi của ông An-rê và ông Phê-rô, rồi trình thuật ơn gọi của ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đàng khác khi viết trình thuật này, thánh Mác-cô đã được cảm hứng về mặt văn chương từ trình thuật có trước nói về việc ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa. Vậy mà điều lạ là hình thức song đối với khuôn mẫu Cựu Ước lại rõ nét hơn trong trình thuật ơn gọi của ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, tức là trình thuật thứ hai. Từ đó, người ta có thể nghĩ rằng nguồn văn mà thánh Mác-cô đã sử dụng chỉ tường thuật việc Đức Giê-su gọi ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, về văn chương, hoạ theo bản văn có trước kể chuyện ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa. Chính thánh Mác-cô (hay nguồn của ông) có lẽ đã phân đôi trình thuật nguyên thủy để có được trình thuật Đức Giê-su kêu gọi ông An-rê và ông Phê-rô.

Khi đó, chúng ta có thể họa lại những điều đã diễn ra trong thực tế. Ơn gọi của ông An-rê và ông Simon-Phêrô đã diễn ra theo như Gio-an tường thuật trong Ga 1,35-42. Có lẽ thánh Mác-cô đã tìm thấy trong nguồn của mình một trình thuật chỉ kể về ơn gọi của ông Gia-cô-bê và ông Gio-an mà thôi (Mc 1,19-20). Nhưng lẽ nào không đề cập đến ơn gọi của ông Phê-rô và ông An-rê, mà đặc biệt là ông Phê-rô, người đã trở thành thủ lãnh các tông đồ ? Để sửa chữa lỗ hổng này, trong khi lại không có một chỉ dẫn rõ ràng nào cho biết ơn gọi của hai anh em đã diễn ra làm sao, cho nên thánh Mác-cô đã đành phải phân đôi trình thuật kể về ơn gọi của Gia-cô-bê và Gio-an hầu có được một trình thuật song song nhắc đến ông An-rê và ông Phê-rô.