Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 21,5-19 [1]
5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: 6 “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. 7 Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”.
8 Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. 9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. 10 Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
***
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn tại Đền Thờ. Tác giả Lc đã ghi lại một diễn từ dài bàn về số phận của Giêrusalem và Đền Thờ (Lc 21,8-36). Bản văn được kết cấu theo cấu trúc đồng tâm như sau:
A. Cảnh báo mở đầu (8-9)
B. Các tai họa vũ trụ (10-11)
C. Những gì phải xảy ra trước:
a) Các cuộc bách hại người Kitô hữu (12-19),
b) Hình phạt cho Giêrusalem (20-24).
B’. Các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (25-33)
A’. Cảnh báo kết thúc (34-36).
Bản văn này thường được gọi là “Diễn từ cánh chung” của Đức Giêsu bởi vì bài đề cập đến các “eschata”, “các sự sau cùng”, của Giêrusalem cũng như thế giới. Ở trong Tin Mừng Nhất Lãm, bản văn này cũng thường được gọi là “Diễn từ khải huyền”, bởi vì bài trình bày các “eschata” này bằng giọng điệu khải huyền. Có thể tạm hiểu “cánh chung học” là một khối giáo huấn về các “eschata” (ở đây là “eschata” của Giêrusalem và thế giới); còn “khải huyền” là một dạng văn chương hoặc một kiểu suy nghĩ.
Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là nửa đầu của bài Diễn từ trên. Phần này được dẫn nhập bằng một câu hỏi các thính giả đặt ra cho Đức Giêsu; câu hỏi này đến sau khi họ nghe Đức Giêsu tiên báo về số phận của Đền Thờ và các vật trang hoàng.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Dẫn nhập vào Diễn từ cánh chung (21,5-7);
2) Diễn từ cánh chung (nửa bài) (21,8-19):
a) Cảnh báo mở đầu (câu 8-9),
b) Các tai họa vũ trụ (câu 10-11),
c) Những gì phải xảy ra trước: Các cuộc bách hại người Kitô hữu (câu 12-19).
3.- Vài điểm chú giải
- Đền thờ (5): Sau khi dân Do Thái từ Babylon hồi hương, họ xây dựng Đền Thờ thứ hai theo sự hướng dẫn của Zerubbabel, để thay cho Đền Thờ vua Solomon đã bị vua Nabucodonosor phá hủy vào năm 586 TCN. Công trình kiến trúc mới này được xây trên vị trí cũ và được hoàn tất vào khoảng năm 515 TCN (Kg 1,4-15).[2] Đền Thờ mới này không được trang hoàng đẹp bằng Đền Thờ của vua Solomon, nên vua Herod Cả đã tô điểm lại Đền Thờ vào năm 15 triều đại ông (20-19 TCN). Vào dịp Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ, Tin Mừng Gioan cho biết là công việc tái thiết đã đến năm thứ bốn mươi sáu (Ga 2,20).[3] Thật ra công việc trùng tu còn kéo dài cho đến khoảng năm 63, tức chỉ còn bảy năm nữa là bị tàn phá.
- Bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra (7): “Các sự việc đó” chính là cuộc tàn phá Đền Thờ, chứ không phải là “những sự cuối cùng” (như câu hỏi trong Mc 13,4b).[4] Câu hỏi này trở thành điểm đưa tới Bài diễn từ cánh chung.
- Bị lừa gạt (8): Động từ planan có nghĩa là “đưa đi xa sự thật hoặc sự trung thành”.
- Chính ta đây (8): Có những kẻ đến mạo danh Đức Giêsu, bởi vì Người vắng mặt: Có những đoạn văn gợi ý như thế (x. Lc 12,35-48; 19,11-27).[5]
- Thời kỳ đã đến gần (8): Đọc hết bài Diễn từ cánh chung, với các câu 28 và 31, có thể nói “thời kỳ” đây chính là sự sai lạc mà tác giả Luca đã lưu ý ở 19,11: “Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi”.
- Loạn lạc (9): Tác giả Tin Mừng thứ III đã sửa cụm từ “tin đồn chiến tranh” của Tin Mừng Marco 13,7a thành “loạn lạc” (“akatastasia”, “cuộc nổi dậy; sự rối loạn”),[6] rất có thể là để phản ánh cuộc nổi dậy của người Do Thái Palestin để chống lại người Rôma (66-70 sau CN); cuộc nổi dậy này đã đưa tới chiến tranh thực thụ.
- Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia (10): x. 2Sb 15,6.[7]
- Nước này chống nước nọ (10): x. Er 4,13-24.[8]
- Sẽ có những trận động đất lớn (11): xem Ed 38,19-22.[9]
- Nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền (12): “Nộp cho các hội đường và các nhà tù (phylakas)” hẳn là nhắm đến những bách hại do người Do Thái gây ra. “Điệu đến trước mặt các vua và các quan” hẳn là nhắm đến những bách hại do Dân ngoại gây ra. Tuy nhiên, về lý thuyết, “nhà tù” cũng có thể gợi đến cảnh giam giữ của Dân ngoại, cũng như “vua” có thể là những nhân vật như vua Herod Agrippa. Còn “quan [quyền]” (hègemones) thì hầu chắc nhắm đến các thủ lãnh Dân ngoại, như Felix (x. Cv 23,24–24,27) và Porcius Festus (Cv 24,27–26,32). Nếu như vậy, trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta có các minh họa là các cuộc bách hại Stephano, Phêrô, Giacôbê và Phaolô.
- Anh em đừng suy tính trước phải bào chữa cách nào (14): Động từ promeletan là một từ chuyên môn để nói về việc thực tập hoặc ghi nhớ một bài diễn từ trước; vì thế cách dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn rất gợi ý: “tập dọn [biện hộ]”.
- Cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu (16): Cặp thứ nhất, “cha mẹ và anh em” được dùng ở Lc 18,29.[10] Nay tác giả tạo thêm cặp thứ hai, “bà con và bạn hữu”, như để tương ứng với hai cặp ở câu 12.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Dẫn nhập vào Diễn từ cánh chung (5-7)
Đền Thờ Giêrusalem do vua Herod Cả xây dựng rất đẹp. Người ta thường nói: “Nếu bạn chưa thấy Đền Thờ Giêrusalem, bạn chưa thấy được thứ tuyệt vời nhất trên thế giới”. Trong khi giảng dạy tại Đền Thờ, Đức Giêsu nghe được một vài thính giả bình phẩm về vẻ tráng lệ của Đền Thờ, với những vật dụng trang hoàng lộng lẫy. Người đã đáp lại: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (câu 6).
Lời Đức Giêsu nói không phải là một lời lưu ý, nhưng là một lời tuyên bố mang tính ngôn sứ, một lời tiên báo đáng lo ngại: Sẽ đến lúc mọi sự bị phá tan tành. Lời Người nói quá rõ và đã được ứng nghiệm khi Đền Thờ bị đốt phá vào cuối tháng tám hoặc đầu tháng chín năm 70 (Chiến tranh Do Thái 6.4,5 § 250-284).
Tuy nhiên, vào lúc này, lời Đức Giêsu khẳng định khiến những người đang nghe Người nói phải thắc mắc; họ đã hỏi: “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra?”. Câu hỏi này đã trở thành bàn đạp cho Đức Giêsu trình bày Bài diễn từ cánh chung: Các thính giả hỏi Người về một dấu hiệu báo trước cuộc tàn phá Giêrusalem, và Đức Giêsu lại nêu ra một loạt các dấu hiệu không liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem, mà là đến sự cùng tận của thế giới.
* Diễn từ cánh chung (nửa bài) (8-19)
Bài diễn từ cánh chung bắt đầu từ câu 8. Đây là một bài độc thoại, vì không có một thính giả nào can thiệp để hỏi.
Trong lời cảnh báo mở đầu (câu 8-9), Đức Giêsu lưu ý đề phòng các ngôn sứ giả, tức là những kẻ mượn danh Người mà nói về chiến tranh và loạn lạc, tức là nói về cuộc tàn phá Đền Thờ trong tương lai gần. Đức Giêsu dùng ngôn ngữ khải huyền tương tự Daniel (x. Đn 2,28tt)[11] mà nhấn mạnh rằng: “những việc đó phải xảy ra trước”, “nhưng không phải là tận cùng ngay đâu” (câu 9c). Còn khi nói về “các dân nổi lên chống lẫn nhau, những thiên tai địa họa” (câu 10-11), Người gợi đến Is 19,2 [12] và 2Sb 15,6, cũng như Ed 38,19-22. Tất cả những điều này được nêu lên từ câu hỏi về tàn phá Đền Thờ, nhưng Đức Giêsu lại muốn cảnh báo về một mối nguy khác liên hệ đến “thời kỳ” (kairos). Đây không chỉ là thời điểm tàn phá Đền Thờ, mà chính là thời điểm Nước Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang, Con Thiên Chúa tỏ mình ra trên mây trời.
Tác giả Luca đã lưu ý như thế ở Lc 19,11. Trong Mc 13,8,[13] tác giả cho thấy chiến tranh và những tin đồn về loạn lạc là “khởi đầu các cơn đau đớn”; còn với Luca, chiến tranh và loạn lạc cũng chẳng phải là dấu hiệu báo trước nữa: chúng không liên hệ gì đến cùng tận, chúng phải xảy ra trước cùng tận, nhưng không phải là lời loan báo cùng tận. Vì đối với Luca, cùng tận chưa đến ngay, nên ngài không kể lể dài dòng về các dấu hiệu báo trước (câu 10-11). Các dấu hiệu này khá mơ hồ, nên đúng với mọi thời; điều này là để cho hiểu rằng “không phải là tận cùng ngay đâu”.
Bây giờ tác giả mới nhấn mạnh đến thái độ các tín hữu phải có trong khoảng thời gian cách biệt họ với tận thế. Vì tận thế bị đẩy vào một tương lai xa vơi, vô định, các Kitô hữu phải biết sống trong thời gian, đương đầu với lịch sử, biết kiên vững qua dòng thời gian; đặc biệt họ phải can đảm đương đầu với các cuộc bách hại (câu 12-19). Phần thứ hai của tác phẩm của Luca (= sách Công Vụ Tông Đồ) đã cho thấy rõ điều này: vào thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã bị bách hại (Cv 4,16-18; 8,1b-3; 12,1-5).[14] Đức Giêsu cho thấy rằng, các bách hại này phát xuất từ các “nguồn” Do Thái và Dân ngoại, từ các hội đường và nhà tù, từ các vua và các quan. Tất cả mọi chuyện này sẽ xảy đến vì “Danh Người”. Những bách hại đó sẽ thách đố các môn đệ “làm chứng” rằng, họ là “Kitô hữu” (x. Cv 11,26).[15] Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng lo lắng phải tự biện hộ như thế nào, vì chính Đức Giêsu – chứ không là Thánh Thần như trong Mc 13,11 [16] – sẽ giúp họ ăn nói và có sự khôn ngoan để làm cho những kẻ bách hại họ phải lúng túng.
Nhưng Đức Giêsu cũng lưu ý rằng, cuộc bách hại này không chỉ đến từ người ngoài (Do Thái và Dân ngoại), nhưng còn đến từ bà con thân thuộc mình. Hơn nữa, họ không chỉ bị bắt hay bị bỏ tù, mà con bị giết chết nữa. Lý do luôn luôn là: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (câu 17).
Tuy nhiên, các cảnh báo này chẳng mấy chốc đã được chuyển thành một lời hứa đạt được chiến thắng. Nếu các môn đệ bền chí, họ sẽ “giành được mạng sống”. Khi viết như thế, tác giả Luca đã bỏ lời nói của Marco về tận thế: “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mc 13,13). Bởi vì dưới cái nhìn của tác giả Luca, các cuộc bách hại không được kết nối với thời cuối cùng mà chỉ là đặc điểm của thân phận người Kitô hữu trong trần gian. Như thế, sự bền chí chính là điều kiện cần có để có thể đương đầu với những tình cảnh khó khăn nhất cũng như với nếp sống nhàm chán hằng ngày.
+ Kết luận
Với bài diễn từ này, Đức Giêsu xác định lối sống các môn đệ Người phải theo trong thời gian giữa cuộc Phục Sinh của Người và việc Người trở lại vĩnh viễn. Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ cách hữu hình nữa. Các ông phải tiến đi trong cuộc lữ thứ trần gian trong sự hiểu biết khái quát về bản chất của các thực tại trần thế và xác tín vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của Thầy các ông. Người không hứa giữ cho các môn đệ khỏi nguy hiểm hay bách hại. Người đảm bảo cho các ông rằng, dù có thế nào, Nước Thiên Chúa sẽ tiếp tục tiến tới. Đây là thời gian của Họi Thánh. Các tín hữu cần phải biết sống đức tin diễn tả ra bằng sự bền chí trong mọi tình huống của cuộc sống.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Dòng lưu chuyển của thế giới vẫn cứ tiếp diễn như lâu nay, với những tai họa thiên nhiên và những tai họa gây ra do hận thù và sự điên rồ của loài người. Lịch sử nói chung sẽ mang dấu ấn là các cuộc chiến tranh, những mối hận thù giữa các dân tộc, các trận động đất, các nạn đói. Sự kiện Đức Giêsu đã đến cũng như công trình của Người, và cả cuộc Phục Sinh, không đưa con người đi vào một vườn địa đàng trên mặt đất này. Trái đất vẫn là thế như lâu nay: một thung lũng nước mắt và đau thương. Trong cuộc sống trần thế này, không có gì tồn tãi mãi. Người tín hữu phải biết đâu là điểm tựa của đời mình.
2. Người ta thích tìm ra các dấu hiệu, các “điềm”, để được an tâm về cuộc sống tương lai. Đức Giêsu không cung cấp một dấu hiệu để trấn an, khiến người ta có thể ỷ lại vào đó mà sống thiếu trách nhiệm. Người giúp các thính giả bình thản đón tiếp các biến cố và sống niềm tin trong các biến cố đó mà làm chứng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát; điều chính yếu là cuộc sống và lời nói của họ phải đưa niềm hy vọng Kitô giáo vào trong thế giới, là giúp sống niềm tin.
3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải biết rằng tư cách môn đệ của họ, sự kết hiệp với Đức Giêsu, tất cả những điều này không là một đảm bảo về vinh dự, về sự bình an và được nhìn nhận. Lại phải nói là chính vì họ thuộc về Người, mà họ sẽ phải chia sẻ thân phận của Người: bị bách hại bởi những thế lực bên ngoài, bị chống đối bởi chính những người thân trong gia đình, bị mọi người ghét bỏ và khước từ. Nhưng điều quan trọng là Tin Mừng được loan báo cho muôn dân.
4. Đức Giêsu không muốn nói rằng lịch sử của nhân loại chỉ gồm toàn những thiên tai địa họa, còn lịch sử đời các môn đệ chỉ gồm toàn những bách hại. Nhưng cũng đúng là thiên tai địa họa cũng như các cuộc bách hại là những đặc điểm của lịch sử trần thế này, nên các môn đệ của Đức Giêsu phải được chuẩn bị cho những điều ấy. Đức Giêsu không muốn cho các môn đệ Người có những ý tưởng sai lạc về tương lai. Họ phải tin tương vững vàng vào lời nói của Người.
5. Có những người tưởng rằng phải có những thử thách lớn lao thì mới chứng tỏ được bản lãnh của mình, và họ chờ đợi những biến cố “kinh thiên động địa” để chứng tỏ bản thân. Thật ra, bản lãnh của con người còn được chứng tỏ qua việc kiên trì sống cuộc sống đều đều nhàm chán hằng ngày với tất cả ý thức và tình yêu. Và cũng đúng là chỉ người nào có khả năng đứng vững trong cuộc sống hằng ngày thì mới đứng vững trong những cơn gian nan thử thách.
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Kg 1,4-15: 4 “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? 5 Vậy giờ đây, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. 6 Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. 7 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. 8 Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, ĐỨC CHÚA phán. 9 Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh - vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình. 10 Bởi thế, trời đã không nhỏ sương xuống cho các ngươi và đất cũng không sinh hoa màu. 11 Ta đã khiến cho đất đai, núi non, lúa mì, rượu mới, dầu tươi và tất cả hoa màu ruộng đất cũng như người, đàn vật và mọi công trình vất vả phải héo khô cằn cỗi”. 12 Bấy giờ, ông Dơ-rúp-ba-ven con ông San-ti-ên, thượng tế Giê-su-a con ông Giơ-hô-xa-đắc và tất cả những người còn sót lại trong dân đã vâng nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ, và nghe lời ngôn sứ Khác-gai theo lệnh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ, đã truyền cho ông. Dân tỏ ra kính sợ ĐỨC CHÚA. 13 Ông Khác-gai, sứ giả của ĐỨC CHÚA, đã nói với dân lời nhắn gửi ĐỨC CHÚA đã uỷ cho ông như sau: “Chính Ta, Ta ở với các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA”. 14 ĐỨC CHÚA tác động thần trí tổng đốc xứ Giu-đa là Dơ-rúp-ba-ven con ông San-ti-ên, và thần trí thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc, cũng như thần trí tất cả những người còn sót lại trong dân. Họ đã đến và làm việc trong Đền Thờ ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của họ. 15 Ngày hai mươi bốn tháng sáu... Vinh quang của Đền Thờ Năm thứ hai triều Đa-ri-ô.
[3] Ga 2,20: 20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”.
[4] Mc 13,4b: 4 “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?”.
[5] x. Lc 12,35-48: 35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. 41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
x. Lc 19,11-27: 11 Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12 Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến”. 14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi’. 15 “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén’.17 Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành’.18 Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén’.19 Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành’. 20 Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo’. 22 Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ 24 Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén’. 25 Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ 26 – ‘Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi’. 27 “Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi’”.
[6] Mc 13,7a: 7 Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục.
[7] x. 2Sb 15,6: 6 Dân này nước nọ, thành này thành khác đã đụng nhau ác liệt, vì Thiên Chúa đã dùng đủ mọi thứ khốn quẫn làm cho chúng tán loạn.
[8] x. Er 4,13-24: 13 Vậy xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, tường thành được dựng lại, thì chúng sẽ không nộp cống vật, thuế má, thuế thông quá; và như vậy, cuối cùng nhà vua sẽ phải thiệt thòi. 14 Vậy, vì được hưởng lộc của triều đình, chúng tôi thấy không được phép ngồi nhìn đức vua bị nhục mạ; cho nên chúng tôi đệ lên đức vua bản tường trình này, 15 để người ta tra cứu sách Sử Biên Niên của tổ tiên đức vua. Trong sách Sử Biên Niên đó, đức vua sẽ tìm ra và nhận thấy rằng thành ấy là một thành phản loạn, làm thiệt hại cho nhà vua và các tỉnh; ở đó, từ thời xa xưa chúng đã làm loạn. Vì thế thành ấy đã bị tàn phá. 16 Chúng tôi xin trình để đức vua tường: nếu thành ấy được tái thiết, và tường thành được dựng lại, thì điều đó sẽ làm cho đức vua chẳng còn phần đất nào nữa trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát’”. 17 Vua gửi thư trả lời: “Gửi lời vấn an quan thủ hiến Rơ-khum, thư ký Sim-sai và các đồng liêu cư ngụ ở Sa-ma-ri và ở các nơi khác trong Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát! Vậy bây giờ, 18 bức thư mà các ngươi đệ lên ta, đã được dịch và đọc trước mặt ta. 19 Theo lệnh ta, người ta đã tra cứu và tìm ra rằng từ thời xa xưa, thành ấy đã từng nổi dậy chống các vua, và những cuộc phản loạn, những cuộc nổi dậy đã từng diễn ra ở đó. 20 Ở Giê-ru-sa-lem đã có những vua hùng mạnh làm bá chủ khắp Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát. Người ta đã nộp cho họ cống vật, thuế má, thuế thông quá. 21 Vì thế, các ngươi hãy ra lệnh cấm chúng không được tái thiết thành ấy, cho đến khi có lệnh ta ban. 22 Các ngươi hãy coi chừng chớ trễ nải công việc này, kẻo gây nhiều thiệt hại cho nhà vua”. 23 Như thế, sau khi bản sao sắc chỉ của vua Ác-tắc-sát-ta được đọc trước mặt quan thủ hiến Rơ-khum, viên thư ký Sim-sai và các đồng liêu, thì những người này vội vàng đi Giê-ru-sa-lem gặp người Do-thái, và dùng võ lực mà ngăn cản họ. 24 Khi đó, công việc xây Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem phải ngưng lại và ngưng lại mãi cho đến năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư.
[9] x. Ed 38,19-22: 19 Trong cơn ghen, trong lúc lửa giận cháy bừng, Ta đã phán: Ta thề, trong ngày ấy, sẽ có sự rung chuyển dữ dội trên đất Ít-ra-en. 20 Khi đó, trước mặt Ta, cá biển, chim trời, dã thú cùng mọi loài bò sát trên đất và hết mọi người đang sống trên mặt đất sẽ run rẩy; núi non vỡ lở, vách núi sập xuống và mọi tường luỹ đổ nhào xuống đất. 21 Ta sẽ gọi cả rừng gươm đao đến để trừng phạt nó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, mỗi người sẽ quay gươm giết bạn mình. 22 Ta sẽ phạt nó phải chịu ôn dịch và đổ máu, Ta sẽ khiến mưa như thác đổ, mưa đá, lửa và diêm sinh ập xuống trên nó, trên cả đoàn quân của nó và trên biết bao dân nước đi theo nó.
[10] Lc 18,29: 29 Người đáp: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa”.
[11] x. Đn 2,28tt: 28 Nhưng có Đức Chúa Trời là Đấng mặc khải những điều bí nhiệm, chính Người cho đức vua Na-bu-cô-đô-nô-xo biết điều gì sẽ xảy ra sau này. Đang khi nằm trên giường, ngài đã chiêm bao và thấy trong đầu như thế này
[12] Is 19,2: 2 Ta sẽ kích động người Ai-cập chống lại nhau; người người gây chiến: anh với em, bạn với bạn, thành với thành, nước với nước.
[13] Mc 13,8: 8 Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn.
[14] Cv 4,16-18; 8,1b-3; 12,1-5: 16 Họ nói: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa”. 18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 8 1 Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. 2 Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. 3 Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục. 12 1 Thời kỳ ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. 2 Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an. 3 Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. 4 Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. 5 Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.
[15] x. Cv 11,26: 26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu. Ông Ba-na-ba và ông Sao-lô được cử đi Giê-ru-sa-lem.
[16] Mc 13,11: 11 “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói.