Lm. F.X. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Kinh Thánh: Lc 2,41-52[1]
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” 49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
***
1.- Ngữ cảnh
Đặt vào trong cấu trúc tổng quát của Tin Mừng về thời thơ ấu, truyện Tìm được trẻ Giêsu trong Đền Thờ bổ sung cho những truyện song song trước đây (chào đời, cắt bì, tỏ mình của Gioan và Đức Giêsu). Bản văn này có vẻ giống truyện Đức Maria đi thăm bà Elisabeth (Lc 1,39-56). Tuy nhiên, trong khi truyện Thăm viếng được liên kết chặt chẽ với những truyện loan báo các cuộc chào đời (Lc 1,5-25; 1,26-38), truyện Tìm lại Đức Giêsu trong Đền Thờ chỉ được nối kết khá lỏng lẻo. Thật ra, truyện này là một đơn vị độc lập.
Cho đến nay tác giả Luca chỉ nói đến Đức Giêsu với những động từ ở thái bị động: cuộc chào đời của Người được loan báo; Người được đặt nằm trong một máng cỏ; được đưa lên Đền Thờ; được hai cụ già bồng ẵm trên tay; được công bố và ca ngợi vì ý nghĩa Người đang mang nơi mình. Đức Giêsu không hành động, Người chỉ là một em bé yếu đuối, được người khác hành động giúp cho. Bây giờ lần đầu tiên Người tỏ ra như là nhân vật chính, và tác giả ghi nhận những lời đầu tiên của Người. Lối xử sự của Người gây ra một hoàn cảnh đau đớn. Câu nói đầu tiên của Người bắt đầu với một từ “tại sao?”, như để trả lời cho một từ “tại sao?” của mẹ Người. Trong những lời đầu tiên của Người, Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Cha Người” và khẳng định rằng đối với Người, liên hệ với Cha quan trọng hơn tất cả mọi sự khác.
Ta cũng có thể tự hỏi vì sao tác giả Luca đã ghi lại sự cố này. Dường như có ba lý do:
a/. Lý do 1 (chủ đề)
Sự cố xảy ra tại Đền Thờ (Lc 2,46). Thế mà chúng ta biết rằng tác giả Luca quan tâm đến chủ đề Đền Thờ. Tin Mừng đã bắt đầu với việc thiên thần Gabriel hiện ra với Zacaria trong Đền Thờ. Rồi đến việc cha mẹ dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ. Bằng truyện 2,41-52, tác giả Luca có thể kết thúc phân đoạn đầu bằng một lời nhắc đến Đền Thờ, cũng như sau này khi kết thúc Tin Mừng (Lc 24,53).[2] Lời Đức Giêsu nói: “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”, nghĩa là ở trong Đền Thờ, đưa lại cho sự hiện diện của Đức Giêsu trong Đền Thờ chiều kích biểu tượng, là cuộc trở về nhà Cha Người.
b/. Lý do 2 (văn thể)
Tác giả Luca cũng khác với các Tin Mừng khác ở điểm ngài muốn giới thiệu cho chúng ta một bản “tiểu sử” của Đức Giêsu đúng với các quy tắc của thể loại tiểu sử (haggada Do Thái và khoa tiểu sử Hy Lạp). Thể loại này lưu tâm đến thời niên thiếu của nhân vật. Do đó, Luca đã lấp đầy khoảng trống giữa các bài tường thuật về chào đời và các bài về đời sống công khai bằng truyện này. Nội dung của truyện được giới thiệu bằng hai câu đóng khung bài tường thuật (Lc 2,40 và 2,52):[3] vấn đề là sự tăng trưởng của Đức Giêsu về sự khôn ngoan (sophia). Vì ngữ cảnh của Tin Mừng về Thời thơ ấu là sự tăng trưởng về khôn ngoan, ta hiểu vì sao Luca đã chọn một bản văn minh họa sự khôn ngoan của Đức Giêsu.
c/. Lý do 3 (tín lý)
Rất sớm trong Kitô giáo đã xuất hiện một luồng tư tưởng cho rằng Đức Giêsu là một người như biết bao người khác, chào đời từ cuộc hôn nhân của Maria và Giuse, nhưng được Thánh Thần ngự xuống trên mình, vào dịp nhận phép rửa, để trở thành vị ngôn sứ ưu việt (quan niệm của một số Kitô hữu gốc Do Thái, phái Êbiônít, một số người theo thuyết Ngộ đạo). Có thể quan niệm này xuất phát từ Tin Mừng Marcô (khởi đầu với phép rửa). Do đó, Luca tìm cách cho thấy rằng Đức Giêsu ý thức Người là Con Thiên Chúa ngay khi còn thơ ấu.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành sáu phần:
1/. Khung cảnh (2,41-42);
2/. Bị lạc mất Đức Giêsu (2,43-45);
3/. Tìm ra Đức Giêsu (2,46-48);
4/. Câu nói của Đức Giêsu (2,49);
5/. Kết luận nguyên thủy (2,50);
6/. Kết luận thứ hai của Luca (2,51-52).
3.- Vài điểm chú giải
- Lễ Vượt Qua (41): Lễ Vượt Qua được cử hành vào lúc mặt trời lặn đánh dấu ngày 15 Nisan, là tháng đầu năm theo lịch Babylon/Do Thái.[4] Dịp này người ta giết chiên Vượt Qua vào chiều ngày 14 Nisan, nướng lên và ăn trong gia đình vào lúc mặt trời lặn (Lv 23,6).[5] Tất cả những gì có men đều phải loại ra khỏi nhà trước khi giết chiên (Đnl 16,4).[6] Không những hôm ấy, người ta phải ăn với bánh không men (Xh 12,8),[7] mà con tiếp tục ăn như thế bảy ngày sau đó (Xh 12,17-20; 23,15; 34,18).[8] Thời gian bảy ngày này được gọi kiểu chuyên môn là “Lễ Bánh Không Men”. Tuy nhiên, với thời gian, “Lễ Vượt Qua” trở thành tên gọi cho cả bảy hoặc tám ngày (Đnl 16,1-4; Ed 45,21-25).[9] Dường như trước khi có Israel, lễ Vượt Qua là một lễ của dân du mục (Xh 5,1; 10,9),[10] còn lễ Bánh Không Men là lễ của dân định cư nguồn gốc nông dân (Xh 23,15-16).[11]
- Mười hai tuổi (42): Theo Xh 23,17 và Đnl 16,16, mọi người nam ở Palestin, không phân biệt tuổi tác, phải ra trình diện trước nhan Đức Chúa vào ba đại lễ trong năm: lễ Bánh Không Men (tức lễ Vượt Qua), lễ Mùa Gặt và lễ Lều. Nhưng truyền thống Do Thái giáo chỉ buộc một trẻ em Do Thái tham dự các cử hành phụng tự ở hội đường khi được mười ba tuổi.[12] Tuy thế, dường như không có liên hệ gì rõ rệt giữa nghi thức “gia nhập” hội đường và việc hành hương. Nếu tác giả cố tình ghi lại chi tiết 12 tuổi thì hẳn không chỉ để chứng tỏ rằng Thánh Gia đạo đức, tuân giữ quá Luật. Có lẽ nên nghĩ đến một ý hướng biểu tượng. Con số 12 có nghĩa là “toàn thể”, “hoàn tất”. Ghi nhận rằng khi ấy Đức Giêsu được 12 tuồi chính là quy hướng tâm trí về lúc kết thúc hoạt động của Người nơi trần thế, về cái Ngày mà Người sẽ trở về với Chúa Cha. Nơi Luca, ý tưởng về “hoàn tất” này luôn được kết nối với Thương Khó – Phục Sinh (x. Lc 12,50; 18,31; 22,37; 9,31; 22,16; 24,44;…)[13] là biến cố được coi như điểm tới và sự hoàn tất sứ mạng trần thế của Đức Giêsu (Lc 9,51).[14] Và chính là lời loan báo ẩn giấu này về cuộc Phục Sinh là ý hướng đầu tiên của bài tường thuật.
- Xong kỳ lễ (43): dịch sát là “và khi các ngày ấy đã mãn”.[15] Như vậy, Giuse và Maria đã ở lại Giêrusalem từ bảy đến tám ngày mừng lễ Vượt Qua và Bánh Không Men (x. Lv 23,5-6).[16]
- Đang ngồi giữa các bậc thầy (46): Kathezomai có thể có nghĩa là “ngồi” hay là “ngự”. Các thiếu niên đến muốn học, các thầy cũng không ngăn cản. Do đó, có thể hiểu chi tiết “ngồi” (kathezomenon) này cho biết Đức Giêsu muốn học hỏi với các thầy. Tuy nhiên, hẳn là tác giả Luca không chỉ ghi lại một chi tiết chứng tỏ Đức Giêsu hiếu học. “Ngồi” cũng là cung cách của một vị thầy: như thế, động từ này hẳn là báo trước việc Đức Giêsu giảng dạy như một vị thầy (x. Lc 5,3; 19,47–21,38). Ở đây Đức Giêsu đã chứng tỏ một trí thông minh khiến các vị thầy phải kinh ngạc. Điều này sẽ thường xuyên xảy ra vào thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai. Nói chung, Đức Giêsu xuất hiện trong trong các Tin Mừng như nhà chú giải (x. Lc 4,32).[17] Ở đây, Đức Giêsu tỏ ra một khả năng hiểu Kinh Thánh, một khả năng được chính các bậc thông luật nhìn nhận. Như vậy, Người là một vị thầy đáng tin cậy.
Đàng khác, theo Ml 3,3,[18] vào Ngày của Đức Chúa, Đức Chúa sẽ vào trong Đền Thờ của Ngài và “ngồi/ngự [= hiển trị]” (kathieitai, bản Kinh Thánh LXX) trong tư cách thẩm phán. Ta có thể hướng tới cả nghĩa này, bởi vì toàn khối Luca 1–2 đã cho thấy bằng những nét chấm phá kín đáo tính siêu việt mà cuộc sống ẩn dật của trẻ Giêsu mạc khải ra. Sự kết nối “kathezomai” với “giữa các bậc thầy” khiến phải nghĩ đến nghĩa mạnh là “ngự [= hiển trị]” như trong Ml 3,3; với lại bản văn này cũng như bài tường thuật trước có gợi đến lời sấm này. Như thế, về phương diện thể lý, cho dù Đức Giêsu có ngồi bên chân các thầy thông luật, như bất cứ em bé nào, Người vẫn là tác nhân chính mà toàn cảnh phải xoay quanh. Một cách mầu nhiệm, Người đã là Con Thiên Chúa “ngự trong Đền Thờ Người”, theo lời sấm Ml 3,3.
- Kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu (47): Đây là một câu được viết theo “phép thế đôi” (hendiadys), có nghĩa là: “các lời đối đáp thông minh của cậu”.
- Con có bổn phận (49): Dịch sát là “cần thiết (dei) là con ở nhà của Cha con”. Từ “dei” không chỉ diễn tả một sự cần thiết tổng quát, nhưng là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa có liên can đến Đức Giêsu. Từ ngữ này được dùng 7 lần trong Tin Mừng Luca, luôn được kết nối với cuộc Thương Khó như cách hoàn tất các sấm ngôn (2,49; 13,33; 17,25; 22,37; 24,7; 24,26; 24,44).[19]
- Ở nhà của Cha con (49): Câu en tois tou patros mou cũng có thể dịch là “(can dự đến) các công việc của Cha con” hoặc “ở giữa những người thuộc về Cha con”. Dịch là “ở nhà của Cha con” thì được hỗ trợ bởi các bản văn như St 41,51; Et 7,9; G 18,19 và một số bản văn ngoài Kinh Thánh.[20] Trên môi miệng của một em bé, ý nghĩa cụ thể này dường như hợp lý hơn; đàng khác, Đền Thờ Giêrusalem được gián tiếp coi là nhà Thiên Chúa ở Lc 19,46.[21] Với câu này, cũng rõ ràng là Đức Giêsu coi Thiên Chúa là Cha trên trời của Người.
- Nhưng ông bà không hiểu (50): Hơn ai hết, hai ông bà biết nguồn gốc siêu phàm của con mình. Nhưng ông bà không hiểu ngay được là Người nói về Cha Người trên trời theo nghĩa xác thực nhất. Nhất là ông bà không thể đoán ra được những gì nằm dưới lời nói của con trẻ: một tương lai mà ông bà hoàn toàn không thể nắm bắt được. Nếu không giải thích như thế, chúng ta sẽ khiến Luca mâu thuẫn, bởi lẽ Đức Maria đã biết tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu vào ngày Truyền Tin. Trong Luca, đề tài “không hiểu” (9,45; 18,34 và 24,25)[22] luôn liên hệ đến các lời Đức Giêsu nói cách huyền bí về cuộc Thương Khó của Người. Vậy sự không hiểu của Maria ở đây không do lỗi Mẹ, nhưng do chỗ lời Đức Kitô loan báo về Thương Khó phải bị che giấu với những người được loan báo. Họ chỉ hiểu sau khi các lời này được ứng nghiệm.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bằng câu truyện dâng trẻ Giêsu vào Đền Thờ, tác giả Luca cho thấy Đức Chúa đã trở lại theo các lời sấm Cựu Ước mà chiếm lấy Đền Thờ của Người. Bằng câu truyện hôm nay, tác giả cho thấy Người “ngự trị” trong Đền Thờ. Tuy nhiên các ý nghĩa này chìm dưới những truyện rất tầm thường trong đời thường.
Đức Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Người ở lại Đền Thờ, nghe các cuộc đối thoại của các vị thầy, đặt câu hỏi và làm người ta kinh ngạc vì sự khôn ngoan trong các câu trả lời của Người. Ở tuổi 12, khi “ngồi giữa các bậc thầy”, Người đã tự loan báo mình như là người sau này sẽ giảng dạy với uy quyền trong toàn xứ sở và ngay trong Đền Thờ (Lc 19,47–21,38). Nhưng Người cũng đang sống tư cách là “Đức Chúa hiển ngự” trong Đền Thánh của Người.
Trong khi đó, Maria và Giuse đang trên đường về Nadarét. Sau một ngày đàng, các ngài mới nhận ra là Đức Giêsu không có ở đây, các ngài rất lo lắng. Các ngài phải mất “ba ngày” mới tìm ra Đức Giêsu: ba ngày là khoảng thời gian đi từ cái chết đến cuộc sống lại của Đức Giêsu (“vào ngày thứ ba”); chính Đức Giêsu diễn tả điều đó khi nói là “cần thiết phải”, một công thức được Luca gắn liền với cuộc Thương Khó như sự hoàn tất các sấm ngôn. Khi tìm ra Người, Maria đã bộc phát nói lên một câu hỏi mà cũng là một lời than thở: “Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!”. Đây là một phản ứng bộc phát của một người mẹ đang phải đau khổ và cho biết là bà đã phải đau khổ đến độ nào. Maria ngỏ lời với Đức Giêsu trong tư cách là con. Bà chưa bao giờ thấy và chờ đợi là con có một hành vi như thế. Đức Giêsu, trong tư cách Con Thiên Chúa, hoàn toàn độc lập với mọi người. Sự độc lập này được diễn tả qua thế tương phản giữa từ ngữ “cha con” trên môi miệng Maria và “Cha Con” trên môi miệng Đức Giêsu.
Câu trả lời của Đức Giêsu cũng gây ngạc nhiên như lối xử sự của Người vậy: “Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?”.[23] Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Cha Người”. Cho đến nay, trong Tin Mừng, không có một ai gọi Thiên Chúa như thế cả. Maria đã ngỏ lời với Thiên Chúa như là “Đức Chúa và Thiên Chúa” (Lc 1,46t); Zacaria gọi Thiên Chúa là “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel” (Lc 1,68); Simeon thưa với Thiên Chúa là “Đức Chúa” (Lc 2,29). Cả sau này Đức Giêsu cũng sẽ gọi Thiên Chúa là “Cha” (Lc 10,21; 22,42) và sẽ dạy các môn đệ thưa với Thiên Chúa như thưa với một người “Cha”. Nhưng thiên thần đã loan báo về “Đức Giêsu như là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), “Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Người ở trong một quan hệ hoàn toàn đặc biệt với Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha Người và Người là Con Thiên Chúa. Hành động đầu tiên của Người mà tác giả ghi nhận là một hành động nhằm diễn tả bí mật thâm sâu đó trong cuộc đời Người. Người biết Người là Con Thiên Chúa và nhất là Người biết rằng Người được liên kết với ý muốn của Thiên Chúa. Trong tư cách là Con Thiên Chúa và trong quan hệ hết sức chặt chẽ với Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi sự vâng lời của Người với ý muốn của Chúa Cha, Người sẽ đi theo đường lối của Chúa Cha.
Tác giả ghi rằng Maria và Giuse không hiểu các lời ấy. Những lời Đức Giêsu nói đây là một câu nói huyền bí, chẳng giải thích gì cả, cũng chẳng phải để biện minh cho cách xử sự của Người. Những lời ấy chỉ mời Maria và Giuse vượt lên trên bình diện của những lo toan đời thường để gặp bình diện của Thiên Chúa, là nơi mà Người vẫn ở. Ngay cả hôm nay nữa cũng không dễ gì mà hiểu các lời ấy, không những trong các từ ngữ mà cả trong ý nghĩa. Điều này thúc đẩy chúng ta đặt ra các câu hỏi: Phải chăng Maria và Giuse không được đi tìm Người? Làm thế nào các ngài có thể hiểu được rằng Thiên Chúa muốn rằng Người phải ở lại trong Đền Thờ? Phải chăng Thiên Chúa lại không muốn điều này được thông tri cho các ngài? Phải chăng ý muốn của Thiên Chúa là cứ bỏ mặc các ngài ba ngày trong tình trạng lưỡng lự và để các ngài phải đi lòng vòng mà tìm Đức Giêsu? Không dễ gì mà trả lời các câu hỏi như thế. Ý nghĩa của biến cố này phải được tìm ra trong chiều hướng này: Maria và Giuse phải trải nghiệm một cách hết sức sâu xa, đau đớn và không thể quên được rằng Đức Giêsu quy phục một quyền bính cao hơn. Tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Thiên Chúa đưa Đức Giêsu đến một lối xử sự có vẻ cứng cỏi không sao hiểu được và có một sự chia cắt đau đớn, do chỗ nó không tương ứng với các chờ đợi của cha mẹ Người. Đức Giêsu sẽ đi theo con đường của Người, con đường đã được Chúa Cha vạch ra từ trước rồi. Kể cả Maria cũng phải chấp nhận con đường ấy như thế. Kể cả bà cũng không được mong là biết ngay mọi sự cách rõ ràng và được khai mở ngay vào mọi sự.
Bà phải làm gì khi bà không hiểu? “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Ghi nhớ điều ấy và chờ đợi, tôn trọng điều ấy và kiên nhẫn, thái độ này là một hình thái đức tin, một hình thái tin tưởng vào Đức Giêsu và vào Thiên Chúa.
+ Kết luận
Sự cố này, được tác giả Luca kể trong khung cảnh những bước khởi đầu của Đức Giêsu là sự cố duy nhất qua đó ta không ghi nhận được các nét vui tươi hân hoan. Con trẻ, đã được đón tiếp với biết bao niềm vui và lời ca ngợi Thiên Chúa, sẽ đi theo con đường vâng phục đối với Chúa Cha. Niềm vui và lời ca ngợi vẫn có giá trị và ngày càng nhận được nền tảng vững chắc và lý hữu vững vàng hơn. Ở đây ta thấy Đấng Cứu thế, Đức Kitô, Đức Chúa, ơn cứu độ của Israel và của mọi dân tộc không là gì khác ngoài Con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn ở lại với chúng ta và cách tốt nhất để thực hiện điều này là sự hiện diện của Con của Người. Nơi Chúa Con, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và không có lý do nào to lớn hơn để mà vui lên nữa. Nhưng ở đây ta cũng thấy rằng chúng ta không thể áp đặt cho Chúa Con nẻo đường Người phải theo, trái lại chúng ta phải chấp nhận con đường của Người, cho dù trong chúng ta phát sinh ra nhiều câu hỏi “tại sao”.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Ngay từ thuở niên thiếu, Đức Giêsu đã ý thức rằng Người sẽ phải trở về nhà Cha Người trên trời bằng một cái chết dữ dội, đã được Kinh Thánh tiên báo (Is 53; Tv 22; Tv 69;…) và, vẫn theo Kinh Thánh (Hs 6,2; 2V 20,5), người ta chỉ gặp lại Người (đang sống) vào ngày thứ ba. Truyện này cho thấy Người muốn cho Maria và Giuse sống cách biểu tượng mầu nhiệm Thương Khó – Phục Sinh, trước khi sống thực sự mầu nhiệm này. Thật ra mọi sự cố trong cuộc đời Đức Giêsu đều nói về mầu nhiệm trung tâm này. Chúng ta được mời gọi nhận biết rằng các biến cố thông thường của đời ta chỉ có ý nghĩa khi chúng giúp chúng ta sống mầu nhiệm Phục Sinh (Vượt Qua), nghĩa là đi từ cuộc sống này mà vào sự sống của chính Thiên Chúa.
2. Như Đức Maria đã hiểu, các cha mẹ hôm nay cũng cần phải hiểu: họ không bao giờ được chống lại ơn gọi của con cái họ, khi chúng đã nhận ra (ơn gọi linh mục, tu sĩ, hoặc ơn gọi lập gia đình). Muốn giữ con cái lại cho mình bằng mọi giá là một hình thái ích kỷ không tương hợp với tình yêu chân chính mà các cha mẹ phải có đối với con cái. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại: đi theo ơn gọi phải là sống một sự vâng phục đối với Đấng Cao Cả, chứ không phải là một sự đào thoát để tránh một quyền bính. Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha, nhưng Người cũng vâng lời cha mẹ trần thế.
3. Maria và Giuse bị lạc Đức Giêsu, không do lỗi các ngài. Nhưng các ngài vẫn đi tìm vì không thể sống thiếu Đức Giêsu. Khi người ta cảm thấy mình khô khan, sầu khổ thiêng liêng, không do lỗi mình, sự ngờ vực, bóng tối hoàn toàn, thì phải xem có phải do lỗi mình không, hay là do Thiên Chúa muốn đào luyện chúng ta (x. Lc 24,28). Cứ đi tìm Người cho đến khi tìm ra Người.
4. Điều ta không hiểu, ta có thể phớt lờ đi hoặc tìm cách quên đi. Ta có thể tuyên bố rằng điều ấy chẳng có nghĩa gì và triệt để từ chối nó. Ngược lại, Đức Maria ghi giữ điều ấy và làm cho nó thành lực thúc đẩy bà kiên trì suy nghĩ (x. Lc 2,19). Thật ra một điều gì đó có thể không nói cho tôi biết mọi sự vào lúc này. Tôi cũng chẳng có thể tự phụ cho rằng vào mọi lúc tôi hiểu tất cả những gì có một ý nghĩa. Mức độ hiểu biết giới hạn không phải là một lý do để loại bỏ hoặc xua trừ một điều gì đó.
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Lc 24,53: “… và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”.
[3] Lc 2,40: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
[4] Tháng Ba/Tư; tên cũ là tháng Aviv: x. Đnl 16,1.
[5] Lv 23,6: “Ngày mười lăm tháng ấy là lễ Bánh Không Men kính ĐỨC CHÚA. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men”.
[6] Đnl 16,4: “Trong vòng bảy ngày, không ai được thấy anh (em) có men trên toàn lãnh thổ anh (em); và thịt con vật anh (em) đã tế chiều ngày thứ nhất, thì không được giữ lại gì qua đêm cho đến sáng”.
[7] Xh 12,8: “Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”.
[8] Xh 12,17-20: “17 Các ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men, vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các đạo binh của các ngươi ra khỏi đất Ai-cập. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải giữ tục lệ mừng ngày lễ ấy: đó là điều luật vĩnh viễn. 18 Tháng Giêng, ngày mười bốn trong tháng, từ buổi chiều, các ngươi sẽ ăn bánh không men, cho đến buổi chiều ngày hai mươi mốt. 19 Trong bảy ngày, không được giữ men trong nhà các ngươi, vì phàm ai ăn bánh có men, người đó sẽ bị khai trừ khỏi cộng đoàn Ít-ra-en, bất luận là ngoại kiều hay người bản xứ. 20 Các ngươi không được ăn các thứ bánh có men; dù ở đâu, các ngươi cũng phải ăn bánh không men”.
Xh 23,15: “Ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men: trong bảy ngày, ngươi sẽ ăn bánh không men vào thời chỉ định trong tháng A-víp, như Ta đã truyền cho ngươi, vì trong tháng đó ngươi đã ra khỏi Ai-cập. Người ta không được đi tay không đến trước nhan Ta”.
Xh 34,18: “Ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men: trong bảy ngày, ngươi sẽ ăn bánh không men vào thời chỉ định trong tháng A-víp, như Ta đã truyền cho ngươi, vì trong tháng A-víp ngươi đã ra khỏi Ai-cập”.
[9] Đnl 16,1-4: “1 Anh (em) hãy giữ tháng A-víp và mừng lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vì trong tháng A-víp, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã đưa anh (em) ra khỏi Ai-cập ban đêm. 2 Anh (em) hãy giết chiên dê và bò làm lễ vật Vượt Qua dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ở nơi ĐỨC CHÚA chọn cho Danh Người ngự. 3 Anh (em) không được ăn bánh có men với lễ vật đó; trong vòng bảy ngày, anh (em) sẽ ăn bánh không men -thứ bánh khổ cực, vì anh (em) đã phải vội vã ra khỏi đất Ai-cập-, để mọi ngày trong đời anh (em), anh (em) nhớ ngày ra khỏi đất Ai-cập. 4 Trong vòng bảy ngày, không ai được thấy anh (em) có men trên toàn lãnh thổ anh (em); và thịt con vật anh (em) đã tế chiều ngày thứ nhất, thì không được giữ lại gì qua đêm cho đến sáng”.
Ed 45,21-25: “21 Ngày mười bốn tháng thứ nhất sẽ là ngày lễ Vượt Qua cho các ngươi; trong bảy ngày, người ta sẽ ăn bánh không men. 22 Vào chính ngày ấy, ông hoàng sẽ dâng một con bò làm lễ tạ tội cho mình và cho toàn dân trong xứ. 23 Trong bảy ngày cử hành lễ ấy, nó sẽ dâng bảy con bò, bảy con cừu đực toàn vẹn làm lễ toàn thiêu kính ĐỨC CHÚA, ngày nào cũng như ngày nào, và dâng mỗi ngày một con dê đực làm lễ tạ tội. 24 Về lễ phẩm, thì cứ mỗi con bò, nó sẽ dâng hai thùng lúa và cứ mỗi con cừu đực, hai thùng; còn về dầu, thì cứ hai thùng, nó sẽ dâng bảy lít. 25 Ngày mười lăm tháng thứ bảy, vào ngày Lễ, nó sẽ dâng y như thế trong bảy ngày, nghĩa là cũng ngần ấy lễ tạ tội, lễ toàn thiêu, lễ phẩm và dầu”.
[10] Xh 5,1: Sau đó, ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến nói với Pha-ra-ô: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc”.
Xh 10,9: Ông Mô-sê trả lời: “Chúng tôi sẽ cùng đi với người trẻ, người già, chúng tôi sẽ cùng đi với con trai, con gái chúng tôi, với chiên cừu, bò bê của chúng tôi, bởi vì đối với chúng tôi, đây là một lễ kính ĐỨC CHÚA”.
[11] Xh 23,15-16: “15 Ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men: trong bảy ngày, ngươi sẽ ăn bánh không men vào thời chỉ định trong tháng A-víp, như Ta đã truyền cho ngươi, vì trong tháng đó ngươi đã ra khỏi Ai-cập. Người ta không được đi tay không đến trước nhan Ta. 16 Ngươi cũng sẽ giữ tục lệ mừng lễ Mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động ngươi làm ra, do công ngươi gieo cấy ngoài đồng; rồi ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm, khi ngươi thu hoạch hoa màu ngoài đồng ngươi đã làm ra”.
[12] Em được gọi là “bar miswâh”, “con của điều răn”; nghi thức đưa em vào tuổi giữ luật cũng được gọi như thế.
[13] Lc 12,50: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”
Lc 18,31: Đức Giê-su kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất”.
Lc 22,37: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”.
Lc 9,31: Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.
Lc 22,16: “Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”.
Lc 24,44: Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.
[14] Lc 9,51: Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.
[15] Theo bản Kinh Thánh Việt ngữ của Lm. Nguyễn Thế Thuấn.
[16] x. Lv 23,5-6: “5 Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA. 6 Ngày mười lăm tháng ấy là lễ Bánh Không Men kính ĐỨC CHÚA. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men”.
[17] Lc 4,32: Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
[18] Ml 3,3: Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính.
[19] Lc 2,49: Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.
Lc 13,33: Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
Lc 17,25: Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
Lc 22,37: Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: “Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”.
Lc 24,7: là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.
Lc 24,26: Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?
Lc 24,44: Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.
[20] St 41,51: Ông Giu-se đặt tên cho con đầu lòng là Mơ-na-se, ông nói: “Vì Thiên Chúa đã làm cho tôi quên đi mọi gian khổ của tôi và tất cả nhà cha tôi”.
Et 7,9: Một trong các thái giám là ông Khác-vô-na nói trước mặt vua: “Kìa, sẵn có cái giá Ha-man dựng lên để treo cổ ông Moóc-đo-khai. Chính nhờ lời báo cáo của ông này mà đức vua đã thoát nạn. Cái giá đó cao hai mươi lăm thước, dựng ngay tại nhà Ha-man”. Vua liền nói: “Treo cổ y lên đó!”.
G 18,19: Trong dân mình, nó sẽ chẳng có con có cháu, tại nhà nó ở, sẽ chẳng còn sống sót một ai.
[21] Lc 19,46: và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”
[22] Lc 9,45: Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Lc 18,34: Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói.
Lc 24,25: Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!”.
[23] Theo bản Kinh Thánh Việt ngữ của Lm. Nguyễn Thế Thuấn.