Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
1.- Ngữ cảnh
Phân đoạn Ga 6,1-71 là Dấu lạ nuôi năm ngàn người ăn no do bánh hằng sống (trước lễ Vượt Qua). Sau truyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (6,1-15) là diễn từ về Bánh ban sự sống, trong đó đề tài được xác định ở cc. 35 và 51: “Chính tôi là bánh…”.
2.-Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần :
1) Khẳng định của Đức Giêsu (6,35) ;
2) Sự cần thiết phải tin vào Đức Giêsu (6,36-40).
Phân đoạn này có cấu trúc chuyển hoán :
a- c. 36: thấy mà không tin
b- c. 37: không loại ra những gì (ai) Chúa Cha đã ban
c- c. 38: Tôi đã từ trời đến
b’- c. 39 : không để mất bất cứ điều gì (ai) Chúa Cha đã ban
a’- c. 40 : thấy và tin
3.- Vài điểm chú giải
- Tôi là (egô eimi, 35): TM Ga nói đến công thức này nhiều lần. Trong tình trạng tuyệt đối, các công thức “Tôi là” (8,24.28.58; 13,19) được trực tiếp cảm hứng từ các công thức mà Thiên Chúa của Cựu Ước đã dùng để giúp người ta biết Ngài (Xh 3,14; Hs 1,9;…). Khi nói “Tôi là”, Đức Giêsu khẳng định Người là điều mà chính Thiên Chúa đã mạc khải ra về chính Ngài cho dân Do-thái. Các khẳng định “Tôi là” giới thiệu Đức Giêsu như là giá trị sống vĩnh viễn. Ở đây, Người muốn nói rằng Người là thứ bánh vĩnh viễn, bánh cánh chung, bánh duy nhất còn quan trọng. Người chính là bánh đích thật ban sự sống viên mãn.
Trong diễn từ về Bánh ban sự sống ở Ga 6, có ba công thức “Tôi là” (cc. 35.48-50.51). cả ba câu đều có kèm theo một lời mời tin vào Đức Giêsu, mời đến với Người hoặc đến ăn thứ bánh thiên giới này là chính bản thân Người. Những câu này giống với các phần triển khai của sách Châm ngôn ch. 8–9 và sách Huấn ca ch. 24, trong đó sự Khôn ngoan thần linh tự giới thiệu mình và mời người ta lắng nghe mình, đến với mình, ăn mình (x. Cn 8,32; Hc 24,18). Trong Ga 6, động từ “đến với” được nhắc lại nhiều lần: cc. 35.37.44.65; x. cả c. 67.
- Bánh đem lại sự sống (35) : Dịch sát là “bánh sự sống”, có nghĩa là “bánh ban sự sống”. “Sự sống” ở dạng tuyệt đối trong truyền thống Gioan có nghĩa là “sự sống đời đời”.
- Ai đến với tôi …; ai tin vào tôi... (35) : hai chi câu này gợi đến Hc 24,21: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát”. Thoạt tiên, các lời của Đức Giêsu dường như phủ nhận Hc, thật ra ý nghĩa của hai bên giống nhau. Hc muốn nói rằng loài người sẽ không bao giờ có đủ Khôn ngoan nên sẽ ao ước có thêm; còn những lời Đức Giêsu có nghĩa là loài người sẽ không bao giờ đói khát bất cứ thứ gì ngoài mạc khải của Đức Giêsu. Dù sao, ý tưởng của lời Đức Giêsu nói vượt quá tầm mức của sách Hc. Cũng rất có thể tác giả Ga nghĩ đến Is 59,10.
- [đang] Ban cho tôi (37): Ở c. 39 : “đã ban cho tôi”. Hành động của Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các phạm trù chỉ thời gian. Ở 10,29, tác giả sẽ nói rằng các tín hữu được Chúa Cha ban cho Đức Giêsu (x. 18,9).
- Ý tôi … ý Đấng đã sai tôi (38): Ta cũng gặp một sự đối lập tương tự ở trong các TMNL khi các sách này mô tả cơn hấp hối trong vườn (Mc 14,36; Lc 22,42).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Khẳng định của Đức Giêsu (35)
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều và Đức Giêsu đi trên mặt nước rồi cuộc tranh luận về bánh, tác giả lôi kéo sự chú ý của chúng ta trở lại với Đức Giêsu với câu khẳng định: “Chính tôi là bánh đem lại sự sống”.
Thể theo sách Đnl, Môsê bảo dân Israel rằng Thiên Chúa đã nuôi dưỡng họ bằng man-na để họ hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Qua dòng thời gian, dân Do-thái thường dùng man-na và bánh như là những hình ảnh để ám chỉ Lời Chúa, Lề Luật và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa đã mời dân chúng: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!” (Cn 9,5). Sách Hc thì nói rằng: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát” (Hc 24,21; x. 15,3). Nhưng Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai phái (Ga 6,37-38), còn vượt xa hơn tất cả những ý tưởng đó. Cũng như Người đã hứa với người phụ nữ Samari rằng những ai uống nước hằng sống của Người thì sẽ không bao giờ khát nữa (x. Ga 4,14), nay trong tư cách là Bánh đem lại sự sống, Người vượt xa bánh Lề luật và bánh khôn ngoan. “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (c. 35). Đấng là “bánh đem lại sự sống” đang nói rằng Người cao cả hơn chính trung tâm của lòng sùng mộ của người Do-thái, là Lề Luật.
* Cần phải tin vào Đức Giêsu (36-40)
Không có lạ gì khi người ta có thể thấy Đức Giêsu, nhưng không tin vào Người (c. 36). Được Đức Giêsu nuôi dưỡng cách lạ lùng và thậm chí muốn bắt Người làm ngôn sứ và vua là một chuyện, còn chấp nhận rằng Người vượt xa tất cả những gì ta đã tin lại là chuyện khác. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta muốn thi hành công việc của Thiên Chúa và muốn có bánh (cc. 28.34), nhưng muốn đến với Đức Giêsu để đạt những điều ấy, thì phải vận dụng cả con người mình. Riêng Đức Giêsu, rõ ràng Người không bận tâm đề cao chính mình; mục đích duy nhất của Người là làm ý muốn của Thiên Chúa, Đấng sai phái Người (c. 38). Và Người nói rõ: “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39; x. c. 37).
Bởi vì Đức Giêsu là Bánh đem lại sự sống, thấy Người và tin vào Người thì nhận được sự sống đời đời, là được Người quy tụ lại vào ngày sau hết để sống muôn đời.
+ Kết luận
Giống như bất cứ thứ quà tặng nào thật sự tự do, quà tặng sự sống đời đời phải được tự do đón nhận. Không ai có thể bắt ép người khác nhận món quà ấy bằng vũ lực. Bất cứ sự ép buộc nào từ phía người ban tặng cũng như sự từ khước của người nhận chắc chắn phủ nhận bản chất của quà tặng. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói “tất cả những ai thấy người Con và tin vào Người Con”, tức là tin rằng Người là Đấng mạc khải Chúa Cha và Đấng thi hành ý muốn của Chúa Cha, thì có sự sống đời đời. Quà tặng thì vô điều kiện từ phía người ban tặng, nhưng có điều kiện từ phía người nhận, chính là vì nó là một quà tặng. Sự sống này hẳn sẽ không kéo dài muôn đời nếu không đưa tới sự sống lại “vào ngày sau hết”. Chính sự sống lại đưa sự sống ra khỏi quyền thống trị của sự chết (x. 1 Cr 15,26.55). Chính sự sống lại làm cho sự sống của kẻ tin, cả trước và sau khi chết, thành sự sống đời đời.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Chúng ta có nghe ra giọng điệu tha thiết của Đức Giêsu trong lời nói: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” chăng? Nếu nghĩ đến Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ hiểu. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem đã nói: Khi chính Đức Kitô đã nói về bánh: ‘Này là Mình Thầy’, ai còn có thể lưỡng lự? Và khi Người khẳng định: “Này là máu Thầy”, ai còn có thể nghi ngờ? Thiên Chúa mà lại ban tặng chính thân mình Ngài cho chúng ta! Chỉ nguyên tư tưởng này không đủ làm cho lòng chúng ta rúng động hay sao?
2. Thái độ của con người đến với Thiên Chúa để nhận các quà tặng đôi khi cho thấy một sự khinh thường nghiêm trọng. Vì cần sự sống đời đời, con người mới đến với Thiên Chúa, biết rằng không một ai khác có thể ban tặng sự sống này; thế nhưng khi đến với Thiên Chúa, con người lại có thể tỏ ra một thái độ bất cần đến trịch thượng, rất xúc phạm, y như thể mình làm ơn cho Thiên Chúa khi đến nhận ân ban của Ngài. Chúng ta thử xét lại cái nhìn đức tin của chúng ta khi đi tham dự Thánh lễ, cung cách của chúng ta lên rước Mình Thánh và tâm tình của chúng ta sau khi đã rước Mình Thánh Chúa Kitô vào lòng. Có thật sự là đức tin sắc bén? Có thật sự là tấm lòng khao khát thiết tha? Và có thật là tâm tình biết ơn sâu sắc?
3. Nếu Đức Giêsu không để lại Mình Máu Thánh Người làm của ăn của uống cho nhân loại, thì không một ai có thể nghĩ ra được rằng Đức Giêsu nên làm như thế! Đấy là một sáng kiến tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, để chuyển sự sống của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta. Mỗi lần chúng ta nhận Mình Máu Thánh Chúa, linh hồn chúng ta nhận được sự sống của Thiên Chúa; chúng ta tập sống cuộc sống của thế vĩnh cửu; chúng ta trở nên chứng nhân của quyền năng sống lại của Chúa Giêsu. Đấy là cách thức tuyệt vời Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo ra để nhân loại đi dần về với Người. Điều quan trọng là tin như thế và cộng tác với Thiên Chúa để tập sống.