Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
1.- Ngữ cảnh
Trong khối từ ch. 13 đến ch. 17 của TM Ga, tức phần đầu của “Sách về Giờ của Đức Giêsu” (ch. 13–20), có ba Diễn từ cáo biệt: (1) 13,31–14,31; (2) 15,1–16,33; (3) 17,1-26. Bản văn chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuộc về Diễn từ thứ nhất. Đức Giêsu sắp ra đi; Người nói những lời này sau khi đã rửa chân cho các môn đệ (13,1-20) và loan báo Giuđa phản bội (13,21-30). Bài Diễn từ thứ nhất (13,31–14,31) có hình thức là một cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ, được triển khai thành năm điểm (13,31-36a; 13,36b-38; 14,2-6; 14,7-14; 14,15-24), điểm này bổ túc cho điểm kia và mỗi điểm gồm ba thì. Mỗi lần, Đức Giêsu bắt đầu bằng một lời khẳng định huyền bí diễn tả bằng những từ ngữ có hai nghĩa khiến các môn đệ không hiểu: họ liền đặt câu hỏi. Câu hỏi này tạo cho Đức Giêsu cơ hội để tái khẳng định và xác định tư tưởng của Người bằng cách nâng các môn đệ lên bình diện mầu nhiệm bản thân Người và mầu nhiệm công trình Người. Đây là cách viết tiêu biểu các tác giả Ga, nhằm nói rằng: bỏ mặc cho sức riêng, chúng ta không thể hiểu được ý nghĩa của các biến cố và mầu nhiệm Đức Giêsu.
Bài Diễn từ được dùng để trả lời cho những vấn đề gây nên bởi sự ra đi này, tức những vấn đề sẽ xảy ra cho các môn đệ, chứ không phải là những vấn đề sẽ xảy ra cho Đức Giêsu (cuộc tôn vinh Người chỉ được nhắc qua thôi).
Bản văn của chúng ta thuộc về các điểm thứ ba và thứ tư của bài Diễn từ, trong đó Đức Giêsu trấn an các môn đệ, bảo rằng các ông sẽ không bao giờ bị chia lìa với Người. Người sẽ trở lại và đưa các ông đi với Người. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy: vấn đề cốt lõi được nêu ra trong chương này cũng như trong suốt TM Ga chính là “đức tin”.
Phải nói là một trong những điểm độc đáo của TM IV là tầm nhìn thần học được triển khai trong các bài diễn từ cáo biệt (Ga 14–16). Vào lúc rời xa các môn đệ, Đức Giêsu tự hỏi về ý nghĩa của việc Người sắp biến mất. Nói chính xác hơn, đứng trước cuộc chia ly đang tới, Người đề cập đến vấn đề tương lai của công việc mạc khải, do chỗ Người vừa là Đấng mạc khải vừa là nội dung của mạc khải, lại sắp biến mất khỏi sân khấu lịch sử. Nói một cách nghịch lý, số phận trần thế của Đấng mạc khải phải chấm dứt, thì công cuộc mạc khải mới đạt tới điểm hoàn tất.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đức Giêsu trấn an các môn đệ (14,1);
2) Mạc khải về Nhà Cha và đường về (14,2-6);
3) Mạc khải về sự duy nhất Cha–Con (14,7-12 [14]).
Bản văn này nếu được đọc tới hết c. 14 thì hẳn là trọn nghĩa hơn.
3.- Vài điểm chú giải
- Anh em đừng xao xuyến (1): dịch sát là “trái tim (kardia, số đơn) của anh em đừng xao xuyến”. Ngược lại với lối sử dụng của hy-ngữ và La-tinh, Tân Ước theo cách dùng A-ram và Híp-ri, sử dụng một số đơn có nghĩa toàn thể. Trong Cựu Ước và các TMNL, “trái tim” thường là cơ quan lấy các quyết định, còn trong phần lớn các lần Ga sử dụng, từ ngữ này có một vai trò tình cảm (x. Ga 14,27; 16,6.22).
- Hãy tin vào Thiên Chúa (1): Trong tiếng Híp-ri, từ ngữ chỉ “đức tin” là ’mn, hàm ý có sự vững vàng, chắc chắn. Tin vào Thiên Chúa là thông dự vào sự vững chắc của Ngài.
- Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (2): Câu này có thể hiểu theo các cách sau đây tuỳ chúng ta hiểu là câu khẳng định hay câu hỏi, và hiểu hoti là “rằng/là” hay là “bởi vì”.
(1) Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ ...
(2) Nếu không, lẽ nào Thầy lại nói với anh em, vì Thầy đi dọn chỗ ...?
(3) Nếu không, Thầy đã nói với anh em rằng/là Thầy đi dọn chỗ ...
(4) Nếu không, lẽ nào Thầy lại nói với anh em rằng/là Thầy đi dọn chỗ ...? (NAB; Traduction officielle pour la liturgie; TOB; NTT). Có lẽ cách này hợp lý nhất.
(5)Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi; Thầy đi dọn chỗ ... (Brown; BJ).
- Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống (6): Chúng ta ghi nhận là trong Sách các Dấu lạ, từ ngữ zœ¢, “sự sống”, được dùng 32 lần, trong khi chỉ có 4 lần trong Sách về Giờ. Tác giả Ga muốn nói là vào lúc này, “giờ” đã gần, sự sống hiện đang được trao ban, nên không cần phải nói đến nữa.
Các từ ngữ “con đường”, “sự thật”, và “sự sống” liên hệ với nhau thế nào? Có hai loại giải thích:
A. Các giải thích cho thấy con đường hướng về một mục tiêu là sự thật và/hay sự sống: (1) Đa số các Giáo Phụ Hy Lạp, thánh Ambrôsiô và thánh Lêô Cả hiểu con đường và sự thật đưa đến sự sống (vĩnh cửu trên trời). Maldonatus cho rằng sự thật chỉ là một tính từ mô tả con đường (“con đường thật”). (2) Thánh Clêmentê Alexandria, Âutinh và đa số các Giáo Phụ La-tinh hiểu là con đường đưa tới cả sự thật và sự sống, và đây là hai thực tại cánh chung, thần linh. Thánh Tôma Aquinô cho rằng Đức Kitô là con đường thể theo nhân tính của Người, nhưng là sự thật và là sự sống thể theo thần tính của Người. (3) Có những tác giả hiện đại nói rằng nơi Đức Giêsu, các môn đệ gặp được Đấng Cứu Thế của họ, nên con đường không có nghĩa không gian và không tách biệt với mục tiêu là sự thật và sự sống. Con đường của họ đã là mục tiêu của họ rồi. Sự thật là thực tại thần linh được tỏ hiện ra, còn sự sống là thực tại ấy nay được loài người chia sẻ.
B. Các giải thích cho thấy con đường là từ ngữ chính, còn sự thật và sự sống là những giải thích cho con đường. Đức Giêsu là con đường bởi vì Người là sự thật và sự sống (De la Potterie, Bengel, B. Weiss, Schlatter, Strathmann, W. Michaelis, Tillman, Van den Bussche). Nói rằng “con đường” là từ chính trong c. 6, điều này được gợi ra bởi sự kiện Đức Giêsu tái khẳng định câu nói của Người về con đường ở c. 4, để trả lời cho câu hỏi của Tôma về con đường ở c. 5. Hơn nữa, chi câu sau của c. 6 bỏ qua một bên sự thật và sự sống mà tập trung vào Đức Giêsu như là con đường: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Cách nhìn này dường như hợp lý nhất.
- Đến với Chúa Cha (6): Đây là mục tiêu của “con đường”.
- Đã thấy Người (7): Ở đây và ở c. 9, động từ là heôrakôs (ptc pf của horan); ở 12,45, cũng tư tưởng này lại được diễn tả bằng theôrôn (ptc pres của theôrein). Cả hai đều nói đến một cái nhìn thiêng liêng.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đức Giêsu đã loan báo cho các môn đệ rằng Người sẽ ra đi và sự hiệp thông đời sống của các ông với Người đã đến lúc kết thúc. Phải chăng đây là một chỉ là một lúc “nghỉ chuyển hồi” (entr’acte) ngắn, một tình bạn vui tươi, khuyến khích người ta mỗi khi nhớ lại, nhưng sẽ bị cắt ngang và chấm dứt với cái chết của Đức Giêsu? Vào lúc cáo biệt, Đức Giêsu phải giải thích cho các môn đệ rằng Người không bao giờ rời xa họ, nhưng Người ra đi là để thiết lập một liên hệ còn bền chặt hơn.
* Đức Giêsu trấn an các môn đệ (1)
Đức Giêsu nói ngay đến thái độ căn bản mà các môn đệ phải có để đương đầu được với tình trạng xa cách, tức sự kiện Người chết trên thập giá và họ sẽ không thấy Người hiện diện hữu hình giữa họ nữa: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy!” (Ga 14,1). Lời khuyến khích này không chỉ có giá trị cho các môn đệ có mặt hôm ấy mà thôi, nhưng cho tất cả những ai sau đó sẽ tin vào Người. Các môn đệ không được để cho mình bị hoang mang lo lắng, mất sự cương quyết và bình tĩnh. Chính ngay bây giờ các ông phải đặt được nền móng vững chắc nhất và tìm sự nâng đỡ không lay chuyển nơi Thiên Chúa và nơi Đức Giêsu. Chỉ nhờ đứng vững trong niềm tin, các ông mới có thể đương đầu với hoàn cảnh này. Đức Giêsu đã nói nhiều lần đến đức tin như lời đáp lại các dấu lạ Người làm và như nẻo đường đưa tới sự sống đời đời. Chính bây giờ, khi mà các ông không còn thấy Người nữa, đức tin của ông phải được vận dụng. Vì không thấy, các môn đệ sẽ phải ký thác với lòng tin tưởng không giới hạn vào Chúa Cha và Chúa Con, bằng cách xây dựng mọi sự trên các Đấng.
* Mạc khải về Nhà Cha và đường về (2-6)
Việc Đức Giêsu ra đi không phải là một sự xa cách vĩnh viễn, nhưng nhằm đưa họ đến chỗ kết hợp muôn đời với Người. Đối với chính Đức Giêsu, cái chết của Người không phải là điểm chấm hết của con đường, nhưng lại là cánh cửa mở rộng ra với con đường ấy; cái chết của Người là việc trở về nhà Cha (Ga 13,1). Đức Giêsu đang tiến đến cái chết lại là Đấng đang nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (14,6). Khi đã được nâng cao và tôn vinh, Người sẽ mãi mãi ở trong sự hiệp thông hoàn hảo với Chúa Cha. Nhưng cả các môn đệ cũng có quê hương vĩnh cửu, và quê hương này không phải ở trên trái đất, nhưng là ở bên Thiên Chúa: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (13,2). Đức Giêsu ra đi không phải để bỏ rơi họ, nhưng dọn chỗ cho họ bên Chúa Cha, để đưa họ đi với Người và sống trong sự hợp nhất vĩnh cửu với họ. Hiểu như thế, dứt khoát là các ông không được chỉ đăm đăm nhìn vào sự việc Đức Giêsu bị chết như thế và không còn ở với các ông nữa; nhìn biến cố Thương Khó như thế là lạc hướng! Các ông phải dùng đức tin mà thấy chỗ tận cùng, nghĩa là thấy rằng tất cả những gì Đức Giêsu đã làm đều nhắm đến chỗ cho họ được hiệp thông với Người và với Chúa Cha.
Những điều nói trên có thể khiến người ta nghĩ rằng các môn đệ hoàn toàn thụ động và chờ Đức Giêsu dẫn họ về với Chúa Cha. Tuy nhiên, họ không được ở trong thế bất động, nhưng cũng phải chuyển động: “Thầy đi đâu, anh em đã biết đường rồi” (Ga 13,4). Khẳng định này đưa Tôma đến một thắc mắc (“Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”, 13,5), khiến chúng ta nhận được một mạc khải đặc biệt của Đức Giêsu. Người dạy cho các ông biết con đường đưa đến với Chúa Cha: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (13,6). Các môn đệ không phải chỉ chờ Đức Giêsu dẫn về với Chúa Cha; chính các ông phải lên đường. Tuy nhiên, con đường lại vẫn là Đức Giêsu. Ngay trong dụ ngôn người mục tử nhân hậu, Người đã nói: “Chính tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (10,9). Là con người, chúng ta không thể tự cứu mình khỏi sự hư hoại; y như thể có một bức tường không thể chui qua hay vượt qua đang ngăn cản chúng ta. Nhưng có một cái cửa, một lỗ hổng duy nhất trong bức tường, một nẻo đường duy nhất đưa tới ơn cứu độ: chính Đức Giêsu. Ơn cứu độ hệ tại sự hợp nhất với Thiên Chúa. Cũng như Người là cửa duy nhất, Đức Giêsu cũng là con đường duy nhất dẫn đến với Chúa Cha, trong tư cách Người là sự thật và sự sống. Người là “sự thật” có nghĩa là chỉ nhờ Người, ta mới có thể biết mầu nhiệm Thiên Chúa.
Ở đây, chúng ta gặp lại một hiểu lầm liên hệ đến các điểm trung tâm của Kitô học Gioan (x. 2,19-21; 6,51-53; 7,33-36; 8,21-22; 12,32-34; 13,36-38; 16,16-19).
* Mạc khải về sự duy nhất Cha–Con (7-12 [14])
Chỉ nhờ Người, trong thực tại là Con Thiên Chúa, chúng ta mới được mạc khải cho biết Thiên Chúa quả là Cha và Người sống từ muôn đời trong sự hiệp thông yêu thương và bình đẳng với Người Con này (1,18). Người là “sự sống”, có nghĩa là chúng ta có được hợp nhất với Thiên Chúa Cha, tức là có sự sống vĩnh cửu đích thật, chỉ nhờ hợp nhất với Đức Giêsu. Không ai trong chúng ta là con người, chỉ nhờ sức riêng, mà có thể đạt tới Thiên Chúa trong thực tại đích thực của Ngài là Cha. Chỉ nhờ Đức Giêsu mà chúng ta được biết Chúa Cha và được kết hợp với Ngài.
Cũng như mỗi lần Người xác định bản thân bằng công thức Thầy/Ta là, ở đây cũng vậy, Đức Giêsu cho chúng ta thấy là nơi Người, Thiên Chúa đang hiện diện như là Đấng ban ơn cứu độ cho chúng ta. Ân ban lớn lao mà Thiên Chúa trao cho chúng ta và ở đây Đức Giêsu mạc khải cho ta biết, đó là chúng ta có thể đến với Ngài. Đối với chúng ta, Thiên Chúa là Đấng ẩn mình và vô phương đạt tới, nhưng Ngài không loại trừ việc chúng ta có thể đi đến với Ngài. Nơi Chúa Con, Thiên Chúa ban cho chúng ta cái cửa và con đường, khiến chúng ta có thể kết hợp với Ngài. Chính Ngài hiện diện với chúng ta trong thực tại chân thật của Ngài, chứ không phải nhờ trung gian là các ân huệ đủ loại mà không phải là chính Ngài.
Trong câu trả lời cho Philípphê, Đức Giêsu giới thiệu cho thấy rõ ràng Người là con đường đưa tới Chúa Cha theo cách nào. Philípphê đã xin Người: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Chắc chắn ông đang nghĩ đến một cuộc thần hiển, một thị kiến trực tiếp về Thiên Chúa, một kinh nghiệm phi thường về Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu không phải là “con đường” theo nghĩa là Người truyền đạt các hiện tượng và kinh nghiệm đặc biệt theo loại này. Ngược lại, Người là con đường theo cách các môn đệ đã trải nghiệm cho đến nay, bằng lời nói và các việc làm, bằng đời sống chung với các ông. Để có thể đi trên con đường này, điều kiện duy nhất là có đức tin. Với những ai có cái nhìn đức tin, Người bảo: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9). Ai nhờ đức tin mà nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì tức khắc nhờ đức tin đạt tới Chúa Cha. Chỉ đối với ai tin vào Người, Đức Giêsu mới là con đường, và sẽ tiếp tục là con đường cả khi Người không còn hiện diện hữu hình giữa các môn đệ. Các môn đệ và tất cả những ai tin nhờ chứng từ của các môn đệ có thể nhờ đức tin mà đạt tới Người, và nhờ Người, đạt tới Chúa Cha.
Trong câu trả lời sau đó cho Philípphê, Đức Giêsu cung cấp lý do cho thấy vì sao ai tin vào Chúa Con thì thấy Chúa Cha và đến được với Chúa Cha. Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con (cc. 10-11): Chúa Cha và Chúa Con được liên kết với nhau hoàn toàn nên một và sống nên một như thế, có tất cả mọi sự chung với nhau. Không bao giờ Chúa Con lại không kết hợp hoàn toàn với Chúa Cha, và chẳng bao giờ Chúa Cha lại thôi kết hợp cách hoàn hảo với Chúa Con. Do đó ai ngắm nhìn Chúa Con với niềm tin thì thấy Chúa Cha nơi Người và nhờ Người.
+ Kết luận
Tại sao Phụng vụ lại đề nghị bản văn từ biệt này (Ga 14,1-12) cho chúng ta đọc và suy ngẫm sau lễ Phục Sinh? Là vì một ý muốn chỉ được đọc và thi hành sau cái chết của người viết ra. Những lời Đức Giêsu nói trong bữa tối cuối cùng được ngỏ với các môn đệ mọi thời.
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy” (14,2-3). Chỉ trong tư cách Đức Giêsu là Con Một ngang hàng với Thiên Chúa, Người mới là khung cửa và là con đường dẫn đến với Chúa Cha. Tất cả những con đường khác không thể đưa chúng ta đến đích được. Chúng ta không thể đạt tới Chúa Cha nhờ bất cứ một hướng dẫn viên nào khác, hoặc nhờ thực hành việc suy gẫm, hoặc nhờ những kỹ thuật thiêng liêng hay những phương pháp, hoặc nhờ bất cứ phương tiện nào ngoài Đức Giêsu. Chỉ nhờ Người, chúng ta mới có được sự hiểu biết về Thiên Chúa và được kết hợp với Thiên Chúa trong chính thực tại của Thiên Chúa là Cha.
Phải nói rằng lộ trình Đức Giêsu phải theo gồm có cả việc Chúa Cha sai phái Người đi lẫn việc Người trở về với Chúa Cha, và chỉ cuộc trở về này mới làm cho công cuộc mạc khải đạt tới hình thái hoàn thành.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu là người thật, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, lại đồng thời là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình: Người thấm nhuần thực tại thần linh sống động đến nỗi có một sự duy nhất và đồng nhất về hữu thể, về cuộc hiện sinh, giữa Người và Chúa Cha. Người chính là sự mạc khải chính xác về Chúa Cha nơi bản thân Người, nơi Lời Người, nơi hành động của Người. Người chính là Chúa Cha đến với chúng ta cách hữu hình cụ thể để chúng ta được tiếp xúc cụ thể với tình yêu của Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu là Thiên Chúa mà lại nói về Thiên Chúa như là một Đấng khác với Người. Đây chính là cốt lõi của mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Thiên Chúa đi vào trong thời gian, trong không gian và trong các giới hạn của loài người. Con Thiên Chúa, trong khi vẫn là Con Thiên Chúa, lại chấp nhận khép mình vào trong các chiều kích của thực tại phàm nhân. Tiếp xúc với bản thân hữu hình của Đức Giêsu thì dễ hơn là tiếp xúc với Thiên Chúa vô hình; nhưng điều tuyệt vời là khi tiếp xúc với Con Thiên Chúa hữu hình, chúng ta lại được gặp Thiên Chúa vô hình. Tin vào Chúa Con là có thể tin vào Chúa Cha. Tin vào Chúa Cha lại đưa đến cho chúng ta sự bình an, sức mạnh, niềm vui.
3. Chúng ta đã được Chúa Cha ban cho Đức Giêsu. Do đó, Đức Giêsu luôn quan tâm lo lắng chăm sóc cho chúng ta. Người muốn rằng Người ở đâu, chúng ta cũng được ở đó. Người cầu nguyện và hành động để nhờ kết hợp với Người, chúng ta được tham dự vào sự sống mà Chúa Cha trao ban. Đây là một thách đố cho đức tin chúng ta, bởi vì chúng ta đang được tiếp cận với mầu nhiệm thâm sâu của chính Thiên Chúa: lời lẽ con người không đủ khả năng diễn tả; chỉ nhờ chiêm ngưỡng, chúng ta mới ngày càng hiểu rõ nội dung những lời Đức Giêsu nói ra như thể nghịch lý.
4. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu là con đường bởi vì Người là sự thật hoặc sự mạc khải về Chúa Cha, để khi loài người biết Người, thì cũng biết Chúa Cha và khi loài người thấy Người là thấy Chúa Cha. Đức Giêsu là con đường bởi vì Người là sự sống (do Người sống trong Chúa Cha và Chúa Cha sống trong Người), Người là con kênh dẫn sự sống của Chúa Cha đến với loài người.