Saturday, 28 December 2019 11:20

Nhị Nguyên Trong Tin Mừng Gioan Featured

Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

 

I. DẪN NHẬP

Tác giả Tin Mừng Gio-an dùng nhiều đề tài và ngôn ngữ nhị nguyên. Đó là những cặp từ ngữ đối lập hay tương phản nhau. Nhị nguyên trong Tin Mừng này không hiểu theo nghĩa triết học, cho rằng cơ sở của sự tồn tại dựa trên hai nguyên lý vật chất và tinh thần xung đột lẫn nhau, chẳng hạn nhị nguyên giữa hai nguyên lý Tốt và Xấu (les principes du Bien et du Mal). Trong bối cảnh Tin Mừng Gio-an, ngôn ngữ nhị nguyên nhằm diễn tả thần học và trình bày mặc khải.

Thông thường yếu tố nhị nguyên trái ngược nhau, yếu tố này loại trừ yếu tố kia, chẳng hạn ánh sáng và bóng tối, thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ, thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá, sự sống hay sự chết… Tuy nhiên, có một số yếu tố không hoàn toàn đối lập nhau, chẳng hạn thượng giới và hạ giới. Đây là hai thế giới phân biệt nhưng liên hệ mật thiết với nhau. Nguồn gốc của Đức Giê-su là ở thượng giới, nhưng Người đến hạ giới để thực thi sứ vụ của Người. Với tư cách là con người, mọi người đều thuộc về hạ giới, nhưng con người có thể đón nhận và sống những thực tại thượng giới với điều kiện là được “sinh ra một lần nữa” (Ga 3,3.7), “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (3,5b).

Để tìm hiểu đề tài nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an, bài viết này sẽ trình bày  trước là những yếu tố đối lập trong Tin Mừng này. Đó là nhị nguyên trong thế giới thiên nhiên (ánh sáng – bóng tối, ngày – đêm); nhị nguyên xét về không gian (thượng giới và hạ giới); nhị nguyên thuộc về ai, thuộc về điều gì (thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ, thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá); nhị nguyên trong đời sống con người và nhị nguyên trong đời sống các môn đệ. Kế đến, sẽ bàn về ảnh hưởng của ý tưởng nhị nguyên đến Tin Mừng Gio-an và nhấn mạnh “nhị nguyên thần học” của Tin Mừng này.

II. NHỊ NGUYÊN THIÊN NHIÊN: ÁNH SÁNG - BÓNG TỐI , NGÀY - ĐÊM

Tin Mừng Gio-an nói đến nhị nguyên qua các yếu tố lấy trong thiên nhiên: ánh sáng – bóng tối, ngày – đêm. Ánh sáng ban ngày biểu tượng cho Lời (Logos) và được đồng hoá với Đức Giê-su. Ánh sáng là Đức Giê-su, đến trong thế gian để chiếu soi nhân loại. Trong khi bóng tối ban đêm biểu tượng cho thế lực chống lại Đức Giê-su và biểu tượng cho sự chết, sự hư mất.

Tác giả lời tựa Tin Mừng viết ở 1,3b-5.9-10: “3b Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người [Logos] là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người; 5 và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng”; “9 Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian. 10 Người ở trong thế gian, thế gian được tạo thành nhờ Người và thế gian đã không nhận biết Người.” Logos (Lời) được đồng hoá với ánh sáng (1,9a), sứ vụ của Lời là đến trong thế gian (1,9c) để chiếu soi mọi người. Sứ vụ này của ánh sáng gặp phải sự khước từ của bóng tối (1,5). Trong sứ vụ công khai, Đức Giê-su tự đồng hoá mình với ánh sáng và Người mời gọi mọi người đi theo Người để có ánh sáng của sự sống và không bước đi trong bóng tối. Đức Giê-su tuyên bố ở 8,12: “Chính Tôi là ánh sáng của thế gian. Người theo Tôi, chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.”

Nhị nguyên “ánh sáng và bóng tối” song song với cặp từ đối lập “ngày và đêm.” Ban ngày biểu tượng thời gian Đức Giê-su thi hành sứ vụ, ban đêm biểu tượng cho cái chết của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 9,4-5: “4 Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày; đêm đến thì không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.” Trong lúc Đức Giê-su đang đối diện với cái chết (11,7-8.16), Người nói với các môn đệ ở 11,9-10: “9 Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì ánh sáng không ở trong người ấy.” Ở đây, “đi ban đêm” có nghĩa là bước đi dưới sự chi phối của thế lực đen tối.

Cuối sứ vụ công khai của Đức Giê-su, khi biến cố Thương Khó gần đến, Đức Giê-su nói với đám đông ở 12,35-36a: “35 Còn một ít thời gian nữa, ánh sáng ở giữa các người. Hãy bước đi khi các người có ánh sáng, để bóng tối không bắt được các người. Ai đi trong bóng tối thì không biết mình đi đâu. 36a Khi các người có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng.” Đức Giê-su là ánh sáng nhưng ánh sáng sẽ tắt trên thập giá. Từ biến cố này, Đức Giê-su ban tặng cho thế gian ánh sáng đích thực của sự sống. Như thế, những yếu tố nhị nguyên “ánh sáng – bóng tối”, “ngày – đêm” đối lập với nhau. Đức Giê-su đề nghị với mọi người ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng của sự sống. Xem những bài viết liên quan đến nhị nguyên trên đây: (1) Ánh sáng và bóng tối trong Tin Mừng Gioan. (2) Trong Tin Mừng Gio-an, biểu tượng ánh sáng dùng để làm gì? (3) “Ngày” và “đêm” trong Tin Mừng Gio-an.

III. NHỊ NGUYÊN KHÔNG GIAN: THƯỢNG GIỚI - HẠ GIỚI

Nhị nguyên xét về không gian trong Tin Mừng Gio-an trình bày qua hai thế giới: “thượng giới” và “hạ giới”. Thượng giới là nguồn gốc của Đức Giê-su, Người từ trời xuống để ban tặng cho con người ở hạ giới cơ may sống những thực tại thượng giới.

1. Nguồn gốc Đức Giê-su ở thượng giới

Theo thần học Tin Mừng Gio-an, “hạ giới” có tương quan với một thế giới khác, đó là “thượng giới”, là nơi Đức Giê-su xuất phát và đến thế gian. Trong bối cảnh tranh luận, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 8,23: “Các ông, các ông thuộc về hạ giới; còn Tôi, Tôi thuộc về thượng giới. Các ông, các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc về thế gian này.” Thượng giới, thế giới của Thiên Chúa là nơi mà con người ở hạ giới không thể nhận biết. Đức Giê-su khẳng định ở 3,13: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống là Con Người,” và ở 6,46, Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Không ai đã thấy Cha, nếu không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa, chính Đấng ấy đã thấy Cha.”

Trong những câu này (3,13; 6,46; 8,23), Đức Giê-su mặc khải về nguồn gốc thượng giới của Người và Người đến trần gian với tư cách là người được Cha sai đến. Gio-an Tẩy Giả nói về Đức Giê-su ở 3,31-33: “31 Đấng đến từ trên thì ở trên tất cả; kẻ bởi đất thì thuộc về đất và nói chuyện thuộc về đất. Đấng đến bởi trời [thì ở trên tất cả]; 32 điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng về điều ấy, và lời chứng của Người chẳng ai đón nhận. 33 Ai đón nhận lời chứng của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật.” Như thế, có một khoảng cách không thể vượt qua giữa thượng giới và hạ giới. Nhưng không có sự đối lập giữa hai thế giới này. Ngược lại, Đức Giê-su đến từ trời để nối kết hai thế giới này lại với nhau. Sứ vụ của Đức Giê-su là mặc khải cho con người ở hạ giới những gì Người đã thấy và đã nghe từ nơi Cha của Người ở thượng giới. Đức Giê-su tuyên bố ở 12,49-50: “49 Vì chính Tôi đã không nói tự mình, nhưng là Cha, Đấng đã sai Tôi, Chính Người cho Tôi mệnh lệnh để Tôi nói điều gì và tuyên bố điều gì. 50 Và Tôi biết rằng: Mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy những điều Tôi nói, thì như Cha đã nói với Tôi thế nào, Tôi nói như vậy.”

Đức Giê-su là Vua và Vương quốc của Người không thuộc về thế gian này. Người nói với Phi-la-tô ở 18,36: “Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái. Nhưng thật ra, Vương quốc của Tôi không ở chốn này.” Nguồn gốc của Đức Giê-su không thuộc về thế giới này, nhưng Người thực thi sứ vụ ở hạ giới. Người nói với Phi-la-tô ở 18,37b: “Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.”

2. Ở hạ giới nhưng sống thực tại thượng giới

Thế gian nhân loại có tương quan với thượng giới. Đức Giê-su đến từ trời để ban sự sống đời đời cho con người ở hạ giới. Nghĩa là con người ở trần gian có thể sống những thực tại Nước Trời với điều kiện là được “sinh ra một lần nữa”, “sinh ra bởi trên” (3,3.7), nghĩa là “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (3,5). Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra một lần nữa, thì không thể thấy vương quốc Thiên Chúa” (3,3); “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra bởi nước và Thần Khí, thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa” (3,5). Như thế, với biến cố Đức Giê-su đến trần gian, thế giới của Thiên Chúa đã mở ra cho tất cả mọi người. Đức Giê-su đến mặc khải cho con người ở hạ giới những thực tại ở thượng giới, mặc khải cho nhân loại biết ý định của Thiên Chúa (12,49-50).

Theo Tin Mừng Gio-an, “sinh ra bởi trên”, “sinh ra bởi nước và Thần Khí” có nghĩa là đón nhận Đức Giê-su, lắng nghe giáo huấn của Người và tin vào Người. Từ nay, bất kỳ ai tin vào Đức Giê-su thì có thể “thấy vương quốc Thiên Chúa” (3,3b), có thể “bước vào vương quốc Thiên Chúa” (3,5b).  Nói cách khác, người tin thấy và sống những thực tại thượng giới khi sống ở hạ giới như Đức Giê-su đã nói với đám đông ở 6,35.40: “Chính Tôi là bánh sự sống, người đến với Tôi, không hề đói, và người tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ” (6,35); “Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và chính Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại [trong] ngày sau hết” (6,40).

IV. NHỊ NGUYÊN THUỘC VỀ AI? THUỘC VỀ ĐIỀU GÌ?

Đề tài nhị nguyên diễn tả sự thuộc về (thuộc về ai, thuộc về điều gì) là đề tài quan trọng trong Tin Mừng Gio-an. Phần sau sẽ trình bày hai mục: (1) Thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ. (2) Thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá.

1. Thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ

Tranh luận giữa những người Do Thái và Đức Giê-su trong đoạn văn 8,31-47 nhấn mạnh đề tài thuộc về ai, và làm rõ cha của những người Do Thái là ai và Cha của Đức Giê-su là ai. Những người Do Thái khẳng định họ là con cái Áp-ra-ham khi nói với Đức Giê-su: “Cha của chúng tôi là Áp-ra-ham” (8,39a). Đức Giê-su trả lời họ ở 8,39b-41: “Nếu các ông là con cái Áp-ra-ham, các ông đã làm những việc của Áp-ra-ham. 40 Nhưng bây giờ các ông tìm giết Tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà Tôi đã nghe nơi Thiên Chúa. Điều đó, Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc của cha các ông.” Những người Do Thái và độc giả chưa biết cha của những người Do Thái ở đây là ai. Đức Giê-su biết họ thuộc “dòng dõi Áp-ra-ham” (8,37a) nhưng họ đã không làm công việc của Áp-ra-ham (8,39b-40). Họ đang tìm giết Đức Giê-su (8,37.40), nên họ không có Áp-ra-ham là cha nữa. Sự thật đáng tiếc này đã đẩy những người Do Thái nại đến Cha của lòng tin. Họ nói với Đức Giê-su ở 8,41b: “Chúng tôi không phải là con đẻ hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa.” Nhưng Đức Giê-su từ chối điều đó khi Người nói với họ: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ông, các ông đã yêu mến Tôi, vì chính Tôi phát xuất và đến từ nơi Thiên Chúa. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Đấng ấy đã sai Tôi” (8,42). Trong thực tế, những người Do Thái trong đoạn văn này không yêu mến Đức Giê-su và không nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa sai đến, vì thế mà họ không có Thiên Chúa là Cha nữa.

Ai là cha của những người Do Thái? Đức Giê-su cho họ biết ở 8,44: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông. Ngay từ đầu, nó đã là kẻ sát nhân, và nó đã  không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối.” Như thế, cha của những người Do Thái là quỷ, họ không thuộc về Thiên Chúa và họ không nghe lời giáo huấn của Đức Giê-su như Người nói với họ ở 8,47: “Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa. Vì điều này mà các ông không nghe, đó là các ông không thuộc về Thiên Chúa.”

Việc những người Do Thái có cha là quỷ cần được hiểu trong bối cảnh của Tin Mừng Gio-an. Hành động làm lộ ra con người thuộc về ai. Những người Do Thái trong đoạn văn 8,31-47 thù nghịch với Đức Giê-su và tìm cách giết Người (8,37.40). Chính hành động này cho thấy họ đứng về phía quỷ. Họ đang thực hiện ước muốn của quỷ (8,44b). Ngược lại, nếu họ làm công việc Áp-ra-ham đã làm (8,39c) và yêu mến Đức Giê-su (8,42b), thì họ sẽ hiểu được ngôn ngữ của Người và nghe lời của Người (8,43). Trong trường hợp này, họ là con cháu của Áp-ra-ham (8,39b) và Thiên Chúa là Cha của họ (8,41).

Trong Tin Mừng Gio-an, thuộc về quỷ song song với thuộc về thủ lãnh thế gian này. Sự chống đối của những người Do Thái song song với sự chống đối của thế gian thù ghét (15,18–16,4a). Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người ở 17,14: “Con đã ban cho họ [các môn đệ] lời của Cha và thế gian đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như chính Con không thuộc về thế gian.” Đề tài thuộc về thế gian hay không thuộc về thế gian sẽ được bàn đến trong mục “nhị nguyên trong đời sống các môn đệ.” Xem phân tích về đề tài thuộc về quỷ và thuộc về thủ lãnh thế gian trong bài viết: “Sáu đặc điểm của ‘thế gian thù ghét’ và ‘những kẻ chống đối Đức Giê-su’ trong Tin Mừng Gio-an.

2. Thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá

Nhị nguyên trong lựa chọn thuộc về ai, thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về quỷ dẫn đến nhị nguyên thuộc về điều gì, thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá. Theo như lời Đức Giê-su ở 8,44, quỷ không thuộc về sự thật và quỷ là cha của sự dối trá. Đức Giê-su nói với những người Do Thái về quỷ như sau: “Ngay từ đầu, nó đã là kẻ sát nhân, và nó đã  không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối” (8,44b).

Về phía Đức Giê-su, Cha của Người và các môn đệ, tất cả đều thuộc về sự thật. Đức Giê-su nói với Cha của Người ở 17,17: “Xin Cha thánh hiến họ [các môn đệ] trong sự thật, lời Cha là sự thật.” Tác giả Tin Mừng khẳng định trong lời tựa ở 1,17: “Vì Lề Luật đã được ban nhờ Mô-sê, ân sủng và sự thật đã có nhờ Đức Giê-su Ki-tô.” Sự thật đến từ Đức Giê-su, bởi vì Người nói sự thật. Đức Giê-su chất vấn những người Do Thái ở 8,45-46: “45 Nhưng Tôi, vì Tôi nói sự thật, các ông không tin Tôi. 46 Ai trong các ông chứng minh là Tôi sai lầm về tội? Nếu Tôi nói sự thật, sao các ông không tin Tôi?”

Sứ vụ của Đức Giê-su trong thế gian là làm chứng cho sự thật. Người nói với Phi-la-tô ở 18,37b: “Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Ở 14,6, Đức Giê-su đồng hoá chính Người với sự thật, Người nói với Tô-ma ở 14,6: “Chính Thầy là con đường và sự thật và sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Những trích dẫn trên đây cho phép nói đến nhị nguyên thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá trong Tin Mừng Gio-an.

V. NHỊ NGUYÊN TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đề nghị với mọi người sự lựa chọn trong viễn cảnh nhị nguyên. Những đề tài nhị nguyên liên quan đến đời sống còn tuỳ thuộc vào quyết định căn bản này: tin hay không tin vào Đức Giê-su. Phần sau sẽ trình bày năm mục: (1) Có sự sống đời đời hay bị hư mất, (2) Không bị lên án hay bị lên án, (3) Sống hay chết, (4) Tự do hay nô lệ, (5) Sinh ra bởi Thần Khí hay sinh ra bởi xác thịt.

1. Có sự sống đời đời hay bị hư mất

Ngay từ đầu sách Tin Mừng, Đức Giê-su tuyên bố ở 3,16-17: “16 Vì Thiên Chúa đã quá yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Người thì không hư mất, nhưng có sự sống đời đời. 17 Vì Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để nhờ Người, thế gian được cứu.” Ở đây có hai ý tưởng nhị nguyên: (1) Đức Giê-su đến để cứu thế gian chứ không phải để lên án thế gian. Đó là tương phản giữa “cứu” hay “lên án thế gian”. (2) Để không bị hư mất, việc cần thiết phải làm là tin vào Đức Giê-su. Động từ “hư mất” (apollumi) còn có nghĩa “chết”. Trong mạch văn, “hư mất” có nghĩa là “không  có sự sống đời đời”, “không được cứu.” Đây là nhị nguyên giữa “sống” và “chết” theo nghĩa thần học.

2. Không bị lên án hay bị lên án

Nhị nguyên “không bị lên án” hay “bị lên án” tuỳ thuộc vào quyết định tin hay không tin vào Đức Giê-su. Đức Giê-su mặc khải cho biết ở 3,18: “Ai tin vào Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” Động từ “lên án” tiếng Hy Lạp là “krinô” có nghĩa thông thường là “xét xử”, nhưng trong mạch văn ở 3,18, “bị xét xử” có nghĩa là “bị lên án”, “bị kết án” (être condamné). Nghĩa là ai không tin vào Đức Giê-su thì ở trong tình trạng hư mất, không có sự sống đời đời.

3. Sống hay chết

Nhiều lần trong Tin Mừng Gio-an, các trình thuật cho thấy liên hệ chặt chẽ giữa “tin” và “có sự sống đời đời”, giữa “không tin” và “chết”. Đức Giê-su tóm kết sứ vụ của Người ở 3,13-15: “13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống là Con Người. 14 Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong hoang mạc, Con Người phải được giương cao như vậy, 15 để mọi kẻ tin thì có sự sống đời đời trong Người.” Song song với ý tưởng này, Gio-an Tẩy Giả nói về Đức Giê-su ở 3,36: “Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời; còn ai không vâng phục Con thì sẽ không thấy sự sống, nhưng sự thịnh nộ của Thiên Chúa ở lại trên kẻ ấy.” Ở 6,40, Đức Giê-su mặc khải cho đám đông về ý định của Thiên Chúa như sau: “Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và chính Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại [trong] ngày sau hết.” Những trích dẫn trên cho thấy mặc khải rõ ràng của Đức Giê-su là ai tin vào Người thì có sự sống đời đời.

Ngược lại, lựa chọn không tin vào Đức Giê-su dẫn đến sự chết. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,24: “Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ chết trong tội của các ông. Vì nếu các ông không tin rằng: Tôi Là, các ông sẽ chết trong tội của các ông.” Nói cách khác, con người sẽ không chết nữa nếu tin vào Đức Giê-su như Người đã nói với những người Do Thái ở 8,51: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Nếu ai giữ lời Tôi sẽ không thấy sự chết đời đời.” Mặc khải quan trọng này được Đức Giê-su nói đến cách long trọng ở 11,25-26a, Người nói với Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26a và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.” Cái chết thể lý của thân phận làm người không ngăn cản người tin sống sự sống đời đời. Nghĩa là những ai tin vào Đức Giê-su “muôn đời sẽ không chết” (11,26a), “sẽ không thấy sự chết đời đời” (8,51b). Như thế, nhị nguyên “sống hay chết” là kết quả của quyết định “tin hay không tin” vào Đức Giê-su. Nhị nguyên này diễn tả mạnh mẽ một trong những điểm thần học cốt yếu của Tin Mừng Gio-an.

4. Tự do hay nô lệ

Ý tưởng nhị nguyên về tự do hay nô lệ được trình bày trong cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do Thái ở 8,31-36. Đức Giê-su mời gọi họ trở thành môn đệ thực sự của Người để được giải phóng bởi sự thật. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,31b-32: “31b Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi, 32 các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Tuy nhiên, những người Do Thái ở đây không cần được giải phóng vì nghĩ rằng họ không ở trong tình trạng nô lệ. Họ nói với Đức Giê-su: “Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham và chúng tôi không làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao Ông lại nói rằng: ‘Các ông sẽ trở thành những người tự do’?” (8,33). Đức Giê-su cho họ thấy thế nào là nô lệ ở 8,34-36: “34 A-men, a-men Tôi nói cho các ông: Bất kỳ ai làm sự tội là người nô lệ cho tội. 35 Người nô lệ không ở lại trong nhà luôn mãi, người con ở lại luôn mãi. 36 Vậy nếu người Con giải phóng các ông, các ông thực sự là những người tự do.”

Những người Do Thái cho rằng họ là “con cháu Áp-ra-ham” (8,39a), nhưng Đức Giê-su cho biết Áp-ra-ham không phải là cha của họ (8,39-40). Hành động tìm giết Đức Giê-su (8,37.40) đã làm cho họ không còn là con cháu của Áp-ra-ham nữa. Ý định đen tối này là “làm sự tội” (8,34b) và làm cho họ trở thành “nô lệ cho tội” (8,34c) và thuộc về quỷ (8,44). Vậy, theo Đức Giê-su, những người Do Thái cần được người Con giải phóng để trở thành thực sự là những người tự do. Người Con ở đây là người sẽ giải phóng mọi người bằng lời sự thật. Điều kiện để được giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ là ở lại trong lời của Đức Giê-su (8,31a) để trở thành môn đệ thực sự của Người (8,31b). Nhị nguyên “tự do hay nô lệ” được thực hiện qua lựa chọn này: Hoặc là đi theo Đức Giê-su để được Người giải phóng, hoặc là chống lại Người sẽ trở thành nô lệ cho tội. Đó là tội không tin vào Đức Giê-su theo thần học Tin Mừng Gio-an.

5. Sinh ra bởi Thần Khí hay sinh ra bởi xác thịt

Có hình thức nhị nguyên giữa Thần Khí và xác thịt trong Tin Mừng Gio-an. Như đã trình bày, điều kiện để con người sống những thực tại thượng giới là “được sinh ra bởi trên”, “được sinh ra một lần nữa” (3,3.7). Đức Giê-su giải thích sự sinh ra này cho Ni-cô-đê-mô ở 3,5: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra bởi nước và Thần Khí, thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa.” Sau đó Đức Giê-su phân biệt giữa “sinh ra bởi Thần Khí” và “sinh ra bởi xác thịt” ở 3,6: “Điều gì sinh ra bởi xác thịt (sarkos) là xác thịt (sarx); điều gì sinh ra bởi Thần Khí (pneumatos) là thần khí (pneuma).” Lời này soi sáng thắc mắc của Ni-cô-đê-mô ở 3,4: “Làm sao một người có thể được sinh ra khi đã già? Chẳng lẽ có thể trở vào lòng mẹ của mình lần thứ hai để được sinh ra sao?” Cách lập luận của Ni-cô-đê-mô là theo kiểu “sinh ra bởi xác thịt” (3,6a), sự sinh hạ này không cho phép “bước vào vương quốc Thiên Chúa” (3,5b).

Trong một đoạn văn khác nói đến tương phản giữa thần khí và xác thịt (6,60-66). Sau khi nghe diễn từ về bánh sự sống (6,25-59), nhiều môn đệ Đức Giê-su xầm xì rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” (6,60b). Biết điều này, Đức Giê-su nói với họ ở 6,61b-64a: “61b Điều đó làm anh em vấp ngã sao? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi Người đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí thì làm cho sống, xác thịt chẳng có ích gì. Những lời chính Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. 64a Nhưng trong anh em có một số người không tin.” Mặc khải của Đức Giê-su ở 6,63 về tương phản giữa thần khí và xác thịt nhằm giải thích cho lời xầm xì của các môn đệ ở 6,60b. Nhiều môn đệ đã không đón nhận và không tin vào lời Đức Giê-su, vì họ đã “xét đoán theo xác thịt (sarka)” (theo người phàm) như Đức Giê-su đã nói với những người Pha-ri-sêu trong bối cảnh tranh luận ở 8,15-16: “15 Các ông, các ông xét đoán theo người phàm (sarka), phần Tôi, Tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu chính Tôi xét đoán, sự xét đoán của Tôi là thật, vì không chỉ một mình Tôi, nhưng Tôi và Cha, Đấng đã sai Tôi.”

Từ “sarx” (xác thịt, xác phàm) trong truyền thống Kinh Thánh chỉ về thân phận làm người mong manh và có thể chết bất cứ lúc nào. Vì thế, xác thịt, xác phàm (sarx) cần đến thần khí (penuma) làm cho sống (6,63a) để có thể lắng nghe và hiểu lời Đức Giê-su là lời “thần khí và là sự sống” (6,63b). Như thế, “xét đoán theo xác thịt (sarka)” (8,15) là khép lòng lại trước nguồn sự sống của Thần Khí. Hậu quả là nhiều môn đệ đã thôi không làm môn đệ Đức Giê-su nữa như người thuật chuyện cho biết ở 6,66: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ của Người bỏ đi và không còn đi với Người nữa.”

Tin Mừng Gio-an còn dùng từ “sarx” (xác thịt, xác phàm) theo nghĩa không đối lập với thần khí, khi từ này diễn tả sứ vụ của Đức Giê-su. Tác giả khẳng định trong lời tựa sách Tin Mừng: “Lời [Logos] đã trở thành người phàm (sarx) và cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người” (1,14a). Khẳng định “Lời đã trở thành người phàm (sarx)” diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Đức Giê-su. Ở 6,54, Đức Giê-su khẳng định với đám đông: “Ai ăn thịt (sarka) Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”  Như thế, Đức Giê-su là Lời làm người phàm (sarx) để mặc khải ý định của Thiên Chúa (6,40) và ban tặng thịt (sarx) và máu của Người cho nhân loại (6,54a). Đây là của ăn, của uống đích thực (6,55) đem lại sự sống đời đời cho người tin (6,58b).

VI. NHỊ NGUYÊN TRONG ĐỜI SỐNG CÁC MÔN ĐỆ

Trong Tin Mừng Gio-an, các môn đệ của Đức Giê-su thường ở trong trường hợp phải lựa chọn một trong hai con đường đối nghịch nhau. Lựa chọn làm môn đệ Đức Giê-su không phải lúc nào cũng dễ dàng. Phần này sẽ bàn về nhị nguyên trong đời sống các môn đệ qua ba mục: (1) Sinh hoa trái hay không sinh hoa trái, (2) Ở lại trong Đức Giê-su hay bị ném ra ngoài, (3) Không thuộc về thế gian hay thuộc về thế gian. 

1. Sinh hoa trái hay không sinh hoa trái

Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,1-2: “1 Chính Thầy là cây nho đích thật, và Cha của Thầy là người trồng nho. 2 Tất cả những cành trong Thầy không sinh hoa trái thì Người chặt đi; và tất cả những cành sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó để nó sinh hoa trái nhiều hơn.” Đoạn văn này là dụ ngôn nối kết Ít-ra-en với Đức Giê-su. Trong Cựu Ước, Đức Chúa là người trồng nho và vườn nho là nhà Ít-ra-en (Is 5,7). Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, từ nay vườn nho của Đức Chúa gồm ba yếu tố: (1) Đức Giê-su là cây nho đích thật (15,1a), (2) Chúa Cha là người trồng nho (15,1b), và (3) dân Ít-ra-en là những cành nho của cây nho đích thật (15,2). Như thế, tất cả những cành nơi Đức Giê-su mà “không sinh hoa trái” (15,2a) gợi đến tất cả những người trong dân Ít-ra-en, cụ thể là những người Do Thái đã không tin vào Đức Giê-su trong sứ vụ công khai của Người. Những cành nho không sinh hoa trái này sẽ bị chặt đi, nghĩa là không còn gắn kết và hiệp thông với cây nho đích thực. Còn tất cả những cành nơi Đức Giê-su mà “sinh hoa trái” (15,2b) là các môn đệ, những người đã tin vào Đức Giê-su. Ý tưởng nhị nguyên diễn tả sự lựa chọn giữa hai con đường: Sinh hoa trái thì có sự sống, không sinh hoa trái thì sẽ bị chặt đi, bị tách rời khỏi nguồn sự sống.

Đối với các môn đệ Đức Giê-su, sinh hoa trái là chưa đủ mà còn cần phải đứng vững trong những thử thách. Đề tài này được trình bày trong dụ ngôn tiếp theo (15,4-7) theo kiểu nhị nguyên: ở lại trong Đức Giê-su hay bị ném ra ngoài và bị đốt cháy.

2. Ở lại trong Đức Giê-su hay bị ném ra ngoài

Trong dụ ngôn thứ hai (15,4-7), vấn đề không còn là “sinh hoa trái” hay “không sinh hoa trái” như trong dụ ngôn thứ nhất (15,1-3), nhưng là “ở lại” hay “không ở lại” trên cây nho đích thực là Đức Giê-su. Người nói với các môn đệ ở 15,4-7: “4 Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy trong anh em. Như cành nho không thể sinh hoa trái tự nó nếu không ở lại trong cây nho, anh em cũng không, nếu anh em không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em không thể làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và bị khô héo. Người ta thu lượm chúng, bỏ vào lửa và chúng bị đốt cháy. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và những lời của Thầy ở lại trong anh em, anh em hãy xin điều anh em muốn và chúng sẽ xảy đến cho anh em.”

Nhị nguyên trong đời sống các môn đệ được trình bày cách rõ ràng: gắn kết với Đức Giê-su thì có sự sống, tách rời khỏi sẽ bị chết khô. Những ai ở lại trong Đức Giê-su và Đức Giê-su ở lại nơi người ấy thì sẽ “sinh nhiều hoa trái” (15,5b). Ngược lại, những ai không ở lại trong Người sẽ bị quăng ra ngoài, bị khô héo và bị đốt cháy (15,6). Trong thực tế, các môn đệ ở trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan: (1) Nếu như các môn đệ lựa chọn ở lại trong Đức Giê-su và thuộc về Người thì họ sẽ bị thù ghét, bị bách hại như Đức Giê-su đã cho họ biết: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (15,18); “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (15,20c). Các môn đệ có nguy cơ mất mạng sống vì Đức Giê-su nói với họ ở 16,2b: “Sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (16,2b). (2) Ngược lại, nếu như các môn đệ không ở lại trong Đức Giê-su, không thuộc về Người mà thuộc về thế gian thì họ sẽ được thế gian yêu mến (15,19), không bị thù ghét và bách hại, nhưng họ sẽ không có sự sống đời đời, họ sẽ “bị quăng ra ngoài như cành nho và bị khô héo. Người ta thu lượm chúng, bỏ vào lửa và chúng bị đốt cháy” (15,6b).

Đứng trước hai con đường như trên, vấn đề không phải là lựa chọn giữa “sống” hay “chết” mà là lựa chọn liên quan đến phẩm chất của sự sống và cái chết. Trung tín với niềm tin vào Đức Giê-su cho đến chết là sống trọn vẹn sự sống đời đời ngay bây giờ và sau sự chết thể lý. Đức Giê-su đề nghị các môn đệ lựa chọn con đường này, Người mời gọi họ quý trọng sự sống đời đời bằng cách ở lại trên cây nho đích thật. Đó là lựa chọn thuộc về Đức Giê-su chứ không thuộc về thế gian.

3. Không thuộc về thế gian hay thuộc về thế gian

Khi trở thành môn đệ Đức Giê-su, người tin không thuộc về thế gian thù ghét, là thế gian ghét và bách hại các môn đệ. Đức Giê-su nói với họ ở 15,18-19: “18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích cái gì là của riêng nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em.” Trong mạch văn, “không thuộc về thế gian” có nghĩa là “bị thế gian thù ghét”. Đề tài nhị nguyên “thuộc về ai” ở đây, song song với đề tài “thuộc về Thiên Chúa” hay “thuộc về quỷ” đã trình bày trên đây. Về “thế gian (kosmos) thù ghét” xin xem bài viết: “Thế gian (kosmos) trong Tin Mừng Gioan.”

VII. ẢNH HƯỞNG NHỊ NGUYÊN VÀ NHỊ NGUYÊN THẦN HỌC

Phần này sẽ trả lời vắn tắt câu hỏi: (1) Nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an ảnh hưởng từ đâu? Kế đến sẽ bàn về (2) Nhị nguyên thần học của Tin Mừng này.

1. Nhị nguyên trong Gio-an ảnh hưởng từ đâu?

Vấn đề nguồn gốc nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an khá phức tạp. Có thể nói nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an chịu ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp, đồng thời lấy cảm hứng từ Cựu Ước (x. G 24,13-17; Is 29,15; Gr 49,9; Tv 11,2…), từ văn chương giữa hai Giao Ước (intertestamentaires, x.. 1 Hén 41,8; 58,6; 2 Ba 18,2…) và từ thần học Tân Ước (x. Ep 5,8-14…). Chúng tôi trình bày dưới đây một số ý kiến của các tác giả và những tranh luận liên quan đến nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an.

Rudolf Bultmann cho rằng: Tin Mừng thứ tư chịu ảnh hưởng của phái ngộ đạo (gnose). Tác giả viết: “Giải thích về xét xử như là sự phân chia giữa ánh sáng và bóng tối là dữ liệu truyền thống của ngộ đạo thuyết.” (Trích dẫn lấy trong G. STEMBERGER, La symbolique du bien et du mal selon saint Jean, (Parole de Dieu), Paris, Le Seuil, 1970, p. 29). Hiện nay, giả thuyết cho rằng nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an chịu ảnh hưởng của ngộ đạo thuyết bị đặt thành vấn đề. Nhiều tác giả ngày nay nghi vấn về giá trị của lập trường này, thậm chí có tác giả bác bỏ giả thuyết trên. (Cf. J. ZUMSTEIN, “L’évangile selon Jean”, dans D. MARGUERAT, (éd.), Introduction au Nouveau Testament, 2000, p. 357-360). Theo Günter Stemberger, “Ý tưởng về sự xét xử thiếu vắng trong phái ngộ đạo. Hơn nữa, khái niệm về ánh sáng và bóng tối - cho dù ngôn ngữ giống nhau - hoàn toàn khác nhau so với Tin Mừng thứ tư.” (G. STEMBERGER, La symbolique du bien et du mal selon saint Jean, 1970, p. 29). Ngay cả kiểu nói “ảnh hưởng phái ngộ đạo” cũng có vấn đề Jean Zumstein nhận định: “Những tài liệu văn chương ngộ đạo thuyết cổ xưa nhất chúng ta có hiện nay xuất hiện vào thế kỷ II… Nhận định này xác minh cho Tin Mừng Gio-an: Những tài liệu ngộ đạo thuyết, có liên hệ chặt chẽ với Tin Mừng Gio-an…, xuất hiện vào thế kỷ II, nghĩa là sau khi Tin Mừng được biên soạn.” (J. ZUMSTEIN, “L’évangile selon Jean”, dans D. MARGUERAT, (éd.), Introduction au Nouveau Testament, 2000, p. 360).

J. Zumstein cho rằng: Lối hành văn nhị nguyên trong Tin Mừng thứ tư nằm trong môi trường văn hóa Hy Lạp. Tác giả viết: “Tin Mừng Gio-an được đặt ở ngã tư của các thế giới tôn giáo khác nhau, nên chứa đựng những ngôn ngữ và những cách miêu tả rất đặc biệt.” (J. ZUMSTEIN, “L’évangile selon Jean”, dans D. MARGUERAT, (éd.), Introduction au Nouveau Testament, 2000, p. 357). Trước vấn đề nhị nguyên như trên, Barnabas Lindars quay về phía Do Thái giáo và giáo huấn Ki-tô giáo trong thế giới Hy Lạp hơn là quay về phía ngộ đạo thuyết. (Cf. B. LINDARS, The Gospel of John, (NCeB), London, Oliphants, 1972, p. 147-148).

Trong văn chương giữa hai Giao Ước (intertestamentaires), có sự đối lập giữa “Hoàng tử ánh sáng” (le Prince des lumières) và “Thiên thần bóng tối” (l’Ange de ténèbres). Sách Luật Cộng Đoàn (la Règle de la Communauté) ở Qum-ran viết: “Một nguồn ánh sáng là nguồn gốc của Chân Lý (Vérité), và một nguồn bóng tối là nguồn gốc của Đồi Bại (Perversion). Trong tay của Hoàng tử ánh sáng là sự kiểm soát hoàn toàn trên tất cả con cái sự công chính: Họ bước đi trên những con đường của ánh sáng. Trong tay của Thiên thần bóng tối là sự kiểm soát hoàn toàn trên con cái sự đồi bại: chúng bước đi trên những con đường của bóng tối” (1QS III,19b-21a, trích dẫn lấy trong A. DUPONT-SOMMER; M. PHILONENKO, (dir.), La Bible, écrits intertestamentaires, (Bibliothèque de la Pléiade), Paris, Gallimard, 1987). Trích dẫn trên cho thấy sự đối lập giữa “Chân lý” (Vérité) và “Đồi bại” (Perversion), trong khi đối lập trong Tin Mừng Gio-an là “yêu mến bóng tối” và “đến với ánh sáng”; “làm sự dữ” và “làm sự thật” (Ga 3,19-21)… M.-É. Boismard và A. Lamouille cho rằng: “Có nhiều liên hệ hiển nhiên giữa bản văn Gio-an và tài liệu Qum-ran.” (M.-é. BOISMARD; A. LAMOUILLE, Synopse des quatre évangiles, t. III, 1977, p. 123-124).

Theo M.-É. Boismard và A. Lamouille, ý tưởng trong đoạn văn Ga 3,18-21 chịu ảnh hưởng thần học Phao-lô. Hai tác giả trên viết: “Cũng phải chấp nhận ảnh hưởng của Phao-lô trong Tin Mừng Gio-an […] Đức Ki-tô được đồng hóa với ánh sáng, cách minh nhiên ở Ep 5,14b, cách mặc nhiên ở Ga 3,19a. Sự đối lập ‘ánh sáng - bóng tối’ phân chia con người thành hai nhóm, trong liên hệ với những công việc họ thực hiện (Ep 5,8a.11; Ga 3,19b.20a.21a). Những việc xấu xa của mỗi người sẽ bị ‘tố cáo’, những việc tốt sẽ được ‘bày tỏ’ (Ep 5,11.13; Ga 3,20b.21b).” (M.-é. BOISMARD; A. LAMOUILLE, Synopse des quatre évangiles, t. III, 1977, p. 116).

Tóm lại, đề tài “nhị nguyên” (dualisme) trong Tin Mừng Gio-an có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều phía. Tuy nhiên, do thiếu những tài liệu đáng tin cậy, người ta không biết cụ thể những yếu tố trên ảnh hưởng thế nào đến nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an. Vì thế chúng tôi quay về bản văn Tin Mừng để tìm hiểu đặc điểm nhị nguyên trong Tin Mừng này.

2. Nhị nguyên thần học của Tin Mừng Gio-an

Trong Tin Mừng Gio-an, sự đồng hoá giữa ánh sáng và Đức Giê-su đã loại trừ những cách hiểu “ánh sáng” trong Tin Mừng theo nghĩa siêu hình học (métaphysique) hay vũ trụ luận (cosmologie) theo quan niệm triết học Hy Lạp. G. Stemberger viết: “Vấn đề không phải là nhị nguyên vũ trụ luận (dualisme cosmique) nhưng là nhị nguyên đạo đức học (dualisme éthique) tuỳ thuộc vào quyết định của con người.” (G. STEMBERGER, La symbolique du bien et du mal selon saint Jean, p. 46). Tác giả này phân biệt “nhị nguyên đạo đức học” trong Tin Mừng Gio-an với “nhị nguyên vũ trụ luận” trong triết học. Theo chúng tôi, dùng kiểu nói “nhị nguyên thần học” thì thích hợp hơn để nói về nhị nguyên của Tin Mừng Gio-an, vì các yếu tố nhị nguyên trong Tin Mừng này được dùng để xây dựng thần học và trình bày mặc khải.

Nhị nguyên thần học của Tin Mừng Gio-an nhằm xây dựng thần học trong viễn cảnh “cánh chung đã thực hiện” (người tin có sự sống đời đời ngay ở đời này), trong đó những yếu tố đối lập làm bộc lộ uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trước sự từ chối của con người. Quả thế, dù con người từ chối ánh sáng, không đến với ánh sáng và ghét ánh sáng, nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian và ánh sáng của Người là Đức Giê-su vẫn chiếu soi thế gian với tất cả sự chói ngời của nó. Với ngôn ngữ nhị nguyên phổ quát (ánh sáng – bóng tối, thượng giới – hạ giới...), nhị nguyên thần học trong Tin Mừng Gio-an liên quan đến tất cả mọi người. Những ai đã tin thì được mời gọi ở lại trong ánh sáng, những ai chưa tin thì được mời gọi nhận biết Đức Giê-su để có sự sống đời đời. Tất cả mọi người được mời gọi “làm sự thật” và “đến với ánh sáng” (3,21a).

VIII. KẾT LUẬN

Bài viết đã trình bày những yếu tố nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an, gồm có nhị nguyên lấy trong thiên nhiên (ánh sáng – bóng tối, ngày – đêm); nhị nguyên xét theo không gian (thượng giới – hạ giới); nhị nguyên trong tương quan thuộc về ai (thuộc về Thiên Chúa – thuộc về quỷ) và thuộc về điều gì (thuộc về sự thật – thuộc về sự dối trá); nhị nguyên trong đời sống con người và nhị nguyên trong đời sống các môn đệ.

Các yếu tố nhị nguyên trình bày xung đột giữa Đức Giê-su (ánh sáng) và những kẻ chống đối Người (bóng tối). Xung đột này gợi đến sự đối lập giữa Thiên Chúa và quỷ (Xa-tan), giữa Đức Giê-su và thủ lãnh thế gian này. Tuy nhiên, những yếu tố nhị nguyên không ở trên cùng một bình diện. Bóng tối chỉ là sự khước từ đón nhận ánh sáng. Nhị nguyên trong Tin Mừng Gio-an không theo nghĩa bản thể (ontologie) của triết học, nhưng là nhị nguyên đậm nét thần học. Qua đó, sự can thiệp của Thiên Chúa được đề cao. Sự xuất hiện của Đức Giê-su đã dẫn con người vào vụ kiện lớn giữa ánh sáng và bóng tối, trong đó mỗi người phải lựa chọn đứng về phía nào, thuộc về Thiên Chúa (8,47) hay thuộc về quỷ (8,44). Nhị nguyên Tin Mừng Gio-an vừa xây dựng thần học vừa mô tả sự đáp trả của con người trước biến cố Đức Giê-su đến để cứu trần gian.

Nhị nguyên Tin Mừng Gio-an diễn tả thần học cách nghịch lý với hai cấp độ ý nghĩa. Về mặt lịch sử, quyền lực bóng tối đã loại trừ được ánh sáng, Đức Giê-su đã bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng trên bình diện mặc khải, thập giá là nơi Đức Giê-su chiến thắng quyền lực bóng tối. Trong thực tế, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn tiếp diễn trong cuộc đời các môn đệ, nhưng với xác tín rằng Đức Giê-su “đã chiến thắng thế gian” (16,33) và “thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử” (16,11)./.