DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN
Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.
***
***
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO LÝ
1. NHẬP THỂ
Thần học Nhập thể được tác giả trình bày bằng ngôn ngữ “thừa sai” và “nhân chứng”. Đức Giê-su thành Na-da-rét (1,45 tt; 4,9; 6,42; 7, 41.52; 19,19) là vị thừa sai (3,34; 9,4; v.v.), là Con Thiên Chúa đến trong thế gian (11,27; 9,39; 12,46; 16,28; 18,37). Người đến từ nơi cao, từ trời (3,31 tt), Người “đến từ Thiên Chúa” (6,46; 7,29; 8,42; 16,28; 17,8; 3,13; 6,38.42).
Lời của Người không như lời của người trần thế (3,31 tt). Người là chứng nhân “những việc trên trời” (3,12.31-33). Người nói lời mắt thấy tai nghe bên Chúa Cha (8,38), điều Chúa Cha dạy Người (8,28). Đạo lý của Người “đến từ Thiên Chúa” (7,15-17).
Các việc Người làm, cũng vậy. Các việc ấy là “những việc của Đấng đã sai phái Người” (9,4), bởi Người không làm gì tự mình (8,28) nhưng Người làm “nhân danh Chúa Cha” (10,25) và do quyền phép Chúa Cha (10,32). Người thông hiệp với Chúa Cha (10,30; 5,17.19-30), đến nỗi chính “Chúa Cha là Đấng ở trong Người”, thực hiện các việc (14,10). Các việc này là “các việc của Chúa Cha” (10,37). Những việc ấy, kỳ thực, làm thành một công trình, một việc duy nhất, là công trình của Thiên Chúa, mà cái thiết yếu của công trình ấy chính là Sứ mệnh của Đấng Thiên Chúa sai phái.
Các việc của Đấng Thiên sai, cũng như các lời của Người, có một đặc tính siêu phàm. Thế gian không biết các việc ấy đến từ đâu (2,9), do ai làm (5,12-18; 9,11-33; 12,37 tt; 15,24) và nghĩa là gì (6,26). Nhưng phàm ai hiểu biết được, những việc ấy sẽ cho họ thấy vinh quang của Người Con Một (1,14; 2,11; 5,23; 11,4).
Vinh quang ấy là trung tâm ánh sáng chiếu trên tất cả cuốn sách. Trước hết, vinh quang ấy được mặc khải dưới tấm màn “các dấu hiệu” (2,11; 11,4), rồi tỏ hiện dưới ánh sáng tràn trề (12,23; 13,32; 17,1.5), khi Con Người được Thiên Chúa “nâng lên” (3,14; 8,28; 12,32) và, qua cây thập giá, lên lại “nơi mà Người đã ở trước” (6,62).[1]
Vinh quang ấy đã có nơi Thiên Chúa trước khi có thế gian (17,5.24) và cũng chính là vinh quang mà Thiên Chúa mặc khải cho các ngôn sứ: ngôn sứ I-sai-a trong thị kiến Thiên Chúa vinh quang tại Đền thờ (Is 6,1 tt; Ga 12,41), ngôn sứ Đa-ni-en trong thị kiến Con Người cùng đến với mây trời (Đn 7,13 tt; Ga 5,27; 12,31 tt), ngôn sứ Da-ca-ri-a trong thị kiến Người bị đâm thâu (Dcr 12,10-13; Ga 19,37).
Vinh quang “Ngày Chúa Gia-vê” được ứng nghiệm trong “Ngày của Đức Giê-su” (8,56) và đặc biệt là trong “Giờ” của Đức Giê-su (2,11; 7,30; 8,20; 12,23-27; 13,1; 17,1), “Giờ Người được nâng lên”. Bấy giờ người phàm mới thấy Đấng Thiên Chúa sai phái là vĩ đại một cách siêu phàm. Danh xưng nhân loại của Người là “Giê-su thành Na-da-rét” (19,19) xuất hiện gắn liền một cách mầu nhiệm với danh xưng của Thiên Chúa, là “Êgo êimi” (8,28; 13,19). Người là Đức Chúa và là Thiên Chúa (20,28).
Thiên Chúa sai phái Con của Người đến thế gian (3,17) để mặc khải mình trong Người Con ấy (1,18; Xc. 14,9; 10,38; 14,10) và để cứu độ thế gian (3,17; 4,42; 12,47): Người Con Thiên Chúa đem cho loài người sự sống đời đời (3,15 tt.36; 4,14; 5,21.24 tt. 40; 6,40.50.53 tt.57 tt; 10,10; 11,25 tt; 20,31). Người “có sự sống” (5,26), Người là sự sống (14,6; Xc. 1,4), là “ánh sáng soi đường đưa tới sự sống” (8,12). Ai nghe lời Người và tin vào Đấng sai Người (5,25), “ai ăn thịt và uống máu Người, kẻ ấy sẽ được sống muôn đời” (6,54). Ai tin vào Người, thì sống lại (thì hiện tại), vì Người là “sự sống lại” (11,25). Sự sống lại thiêng liêng ấy chính là “sự bảo đảm chắc chắn cho sự sống lại sau cùng” (6,39 tt, 44.54).
2. ĐỨC TIN
Đức tin này thuộc lãnh vực hiểu biết (17,3). Tin là gắn bó vào “Chân lý” (8,32; 14,6), nghĩa là Ngôi Lời Nhập thể. Mà, theo Tin Mừng thứ tư, Ngôi lời Nhập thể là Con Thiên Chúa, do Chúa Cha sai đến thế gian (7,28 tt; 8,14; 16,30). Người kết hiệp với Chúa Cha (14,10 tt). Người có từ muôn thuở (8,58). Người là Thiên Chúa (20,29). Vì vậy, tin là, qua lời nói và việc của Đức Giê-su, tin Đức Giê-su là như thế. Ai tin sẽ từ chỗ nhìn nhận đầu tiên ấy đi đến chỗ nhận biết sâu rộng hơn. Nhờ đó, đức tin sẽ được bền vững và kiện toàn (6,69; 8,31 tt; 10,38; 11,40; 17,8).
Nhưng hiểu biết như vậy không phải chỉ là một sinh hoạt lý trí mà thôi: sự hiểu biết ấy còn dẫn đương sự đến hành động. Quả vậy, theo Tin Mừng thứ tư, tin là “lãnh nhận” Con Thiên Chúa (1,12; 5,43). Tin là “theo” Người Con ấy (1,39; 8,12; 10,27). Tin là “đến” với Người Con ấy (5,40; 6,35.37.44 tt. 65; 7,37). Tin là “ở trong Người”, nghĩa là sống kết hiệp với Người (6,56; 15,4 tt). Tin là “chấp nhận lời chứng của Người” (3,11.32 tt), là lắng nghe lời Người (5,24; 8,43.47; 10,16; 12,47).
Việc thiết yếu của người Ki-tô hữu là tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Chúa Cha đã sai phái đến (6,29; 17,3). Tuy nhiên, đức tin không miễn trừ “việc làm”. Thật vậy, không tác giả Tin Mừng nào nhắc đi nhắc lại các “điều răn” Đức Giê-su dạy và bổn phận “phải giữ” (14,15.21; 15,10-12) cho bằng thánh Gio-an. Và, theo Ngài, các điều răn ấy, tóm lại, là tình thương và phục vụ anh em, dù phải hy sinh mạng sống (15,13).
Đức tin cũng không miễn trừ các nghi thức bí tích. Những nghi thức ấy thật là hợp lý và cần thiết trong Mầu nhiệm Nhập thể và tôn giáo của Mầu nhiệm này. Chính nhờ nước mà con người được tái sinh (3,3.5; Xc. 9,7 tt). Và chính nhờ ăn thịt Đức Giê-su mà con người có sự sống vĩnh cửu. Dĩ nhiên, không có đức tin, thì những nghi thức sẽ không có sức ban sự sống (6,63), cũng như không có đức tin, thì con người không hưởng nguồn nước sống và không lãnh nhận Thánh Thần được (7,39). Nhưng, nếu Thánh Thần ban sự sống, thì, đối lại, chính xác phàm cần đến nghi thức và cũng chính xác phàm mới khả dĩ làm cho vinh quang của Ngôi Lời chiếu sáng (1,14).[2]
3. CÁNH CHUNG
1) Đức Ki-tô trở lại
a) Người đã trở lại trong lòng người tín hữu, mặc khải Chúa Cha cho họ và dẫn họ đến cùng Chúa Cha (14,4-11).
b) Người đã trở lại trong những lần Người hiện ra sau khi sống lại (16,16-22).
c) Và, một cách đặc biệt và lâu dài hơn, Người đã trở lại qua Thánh Thần: Người sai phái Thánh Thần đến thay Người để dẫn đưa Giáo Hội đến cùng Chúa Cha (16,4b-11).
2) Từ cõi chết đến cõi sống
b) Tuy nhiên, tác giả còn ghi lại về quan niệm về sự sống lại theo nghĩa của sách ngôn sứ Đa-ni-en. Theo tư tưởng của sách này thì, “ngày sau hết” mọi người sẽ sống lại để được sống hoặc bị phạt theo việc lành hoặc dữ đã làm (5, 27-29; Đn 12,1-3).[3] Sách còn giữ vững quan niệm cánh chung nhiều nơi, như khi nói về bánh ban sự sống (6,39.40.44.54) hoặc khi cho ông La-da-rô sống lại (11,25-26).
3) Phán xét
Tư tưởng vừa nói trên là độc đáo; tuy nhiên, tác giả vẫn giữ quan niệm truyền thống, là sẽ có ngày cánh chung và, ngày ấy, sẽ có việc phán xét (12,48).
4. GIÁO HỘI
Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên (1,35-51), Người dự lễ cưới tại Ca-na (2,1-11), thánh Gio-an Tẩy giả làm chứng (1,29-36; 3,29-36). Sách bắt đầu bằng những sự việc ấy. Và, như vậy, sách Tin Mừng mở đầu với cái vui ngày cứu độ, như cái vui ngày lễ cưới. Tân lang là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Trước mặt Người, là Cộng đoàn còn nhỏ bé kết hiệp với Người bằng niềm tin. Ngay từ đầu, ông Si-mon đã được gọi là Phê-rô (1,42). Nhóm môn đệ đầu tiên ấy làm thành rường cột được Đức Giê-su tuyển chọn (6,70; 13,18; 15,16) và đặt riêng ra (15,19): Giáo Hội đã xuất thân từ đó.
Rồi, trong các tượng trưng của những chương đầu sách, đều có ý niệm về Dân Chúa, như: Đền thờ mới (2,21), Đấng Cứu độ được nâng lên trên cây thập giá như con rắn bằng đồng ngày xưa (3,14), bánh ban sự sống là man-na xác thực, bởi trời thực sự (6,32 tt. 49 tt), sống nước ban sự sống (7,37 tt), ánh sáng dẫn bước người nào tin cậy (8,12). Tất cả những hình ảnh ấy nhắc lại những hình ảnh cộng đoàn thời sa mạc và gợi lên hình ảnh một Ít-ra-en mới dưới hình ảnh truyền thống một đoàn chiên Thiên Chúa, do người mục tử nhân hậu dẫn dắt (10,16; 21,15-17).
Sự liên hệ giữa Giáo hội và Ít-ra-en cũ còn xuất hiện trong tượng trưng gốc nho thứ thiệt. Đây là một trong những tượng trưng truyền thống của dân Ít-ra-en (Xc. Is 5,1-7). Nhưng gần như lúc nào tượng trưng ấy cũng ám chỉ dân này bất trung, và trái cây họ dâng lên Thiên Chúa là cay đắng. Còn, trái lại, Đức Giê-su là gốc nho thứ thiệt. Kết hiệp với Người, Cộng đoàn được Thiên Chúa tuyển chọn để thay thế dân Ít-ra-en xưa (15,16) sẽ sinh hoa kết quả, nghĩa là những việc bác ái mà lúc nào Thiên Chúa cũng trông đợi nơi những kẻ thuộc về Người (15,1-17).
Giáo Hội ra đời chiều ngày Phục sinh, lúc Đức Giê-su thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần.[4] Người sai phái Giáo Hội đến thế gian với quyền năng tha tội (20,19-23). Màn đánh cá nhờ phép lạ tượng trưng sứ mệnh thừa sai của các tông đồ (21,1-14).
Vì là phổ quát, Giáo Hội phải vượt khỏi biên cương của Do-thái giáo (10,16) để đi tới những người kính thờ Thiên Chúa theo thần khí và sự thật (4,25 tt), tập hợp những người con Thiên Chúa đã bị phân tán (11,52), mà dân Sa-ma-ri-a và dân Hy-lạp (12,20 tt) là những dân đầu tiên như của đầu mùa.
Giáo Hội là một xã hội có phẩm trật, và thánh Phê-rô lãnh nhận quyền điều khiển (21,15-17). Sáng ngày Phục sinh, người môn đệ được Đức Giê-su thương mến đã tới mộ trước, nhưng không vào trước thánh Phê-rô và, như thế, đã nhìn nhận quyền tối thượng của thánh Phê-rô (20,5 tt).
Giáo Hội sống do niềm tin vào thiên tính của Đức Giê-su (6,69; 17,8). Luật pháp và đặc tính của Giáo Hội là tình thương và phục vụ anh em (13,12-17.34 tt; 15,12 tt). Giáo Hội được nâng đỡ nhờ niềm hy vọng Chúa Ki-tô sẽ trở lại (14,3; 21,22). Đang khi chờ đợi, Giáo Hội sống an (14,1.27; 16,33) vui (15,11; 16,20 tt; 17,13), một thứ an vui mà thế gian không biết được.
Nhưng, trước hết, Giáo Hội là một mầu nhiệm Hiệp nhất (17,20-23). Chẳng những là hiệp nhất của một cá nhân, một phần chu toàn phận sự của mình, nhưng là hiệp nhất do sự hiệp thông giữa người và người. Lý tưởng và nguồn gốc của sự hiệp nhất ấy chính là sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con (17,20-23): Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha (10,38; 14,10; 17,21). Giữa Đức Giê-su Phục sinh và những kẻ thuộc về Người, thì cũng vậy: Người trong họ và họ ở trong người (6,56; 14,20; 15,1-7; 17,23.26). Nhờ Người ở trong mọi người và mọi người nên một trong Người và trong Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con hiệp nhất với nhau trong tình thương. Và, qua Giáo Hội, sự hiệp nhất ấy hiện diện giữa loài người. Vậy thì, theo Tin Mừng thứ tư, Mầu nhiệm Giáo hội là: trong Đức Giê-su Ki-tô, mọi người thông phần vào tình yêu độc nhất vô song mà, từ muôn thuở, Chúa Cha đã dành cho Con một mình (17,26).
Như vậy, Giáo Hội thông phần vào cái vinh quang cũng như niềm an vui của Chúa Con (1,14; 17,22). Chúa Con và Giáo Hội là một. Cũng như Người, Giáo Hội không thuộc về thế gian này (15,19; 17,14). Vì đó, thế gian ghét Giáo Hội như họ đã ghét chính Người (15,18-21). Tuy nhiên, nhờ có Thần khí Chân lý, tức là Đấng bênh vực do Đức Giê-su phái đến (14,16 tt.25 tt; 16,5-15), Giáo Hội sẽ làm chứng về Người và sẽ làm cho Người được vinh quang (15,26 tt; 17,10). Đức Ki-tô mặc khải và đem tình yêu của Chúa Cha đối với loài người cho loài người: công trình ấy được hoàn thành trong Giáo Hội (3,16; 17,23.26).
5. THÁNH THẦN
Trong khi thi hành sứ vụ tại dương thế, Đức Giê-su được đầy tràn Thánh Thần và hoạt động với quyền năng Thánh Thần. Trình thuật về sự việc Đức Giê-su chịu phép rửa, chẳng hạn, cho thấy điều ấy. Thánh Gio-an không tường thuật sự việc ấy, có lẽ là để độc giả khỏi lầm tưởng về sự hơn kém giữa Đức Giê-su và thánh Gio-an Tẩy giả mà thôi,[5] chứ tác giả cũng biết rằng Thánh Thần có xuống và, hơn nữa, còn ở trong Đức Giê-su (Ga 1,33). Chỉ có điều là, trong giai đoạn đầu của sứ vụ, Đức Giê-su không nói gì về Thánh Thần: Người chỉ nói và nói rất nhiều khi sắp về cùng Chúa Cha.
Thánh Gio-an ghi lại những điều Đức Giê-su nói về Thánh Thần ở Ga 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15). Trong những bản văn này, có hai điều cần phải nói: 1) Thánh Thần là một Ki-tô khác; 2) Thánh Thần là Parakletôs.
1) Thánh Thần là một Ki-tô khác
2) Thánh Thần là Parakletôs
a) kêu đến mình; do đó, kêu cứu, kêu chứng trước tòa;
b) khuyên bảo; khuyến khích; do đó, an ủi.
Trong Hy-ngữ cổ điển, từ parakletôs luôn luôn có nghĩa pháp luật và thường chỉ luật sư, người được kêu đến bênh vực bên bị trước tòa án. Chúng ta thử theo dõi ý nghĩa của từ ấy trong văn chương Cựu ước và trong thư của thánh Gio-an, để thấy rõ hơn nghĩa của từ ấy trong sách Tin Mừng của thánh Gio-an.
- Trong văn chương Cựu ước. Từ Hy-lạp parakletôs đã được phiên âm là peracleita trong văn chương Do-thái. Cũng vậy, từ Hy-lạp kategor đã được phiên âm là qateigor. Qateigor là người nguyên cáo, thì peraqleita là người luật sư. Nguyên cáo và luật sư là hai nhân vật trong tòa án. Theo nghĩa bóng, hai nhân vật ấy cũng có trong tòa án Thiên Chúa. Trong Cựu ước, cũng vậy. Ví dụ trong Dcr 3,1-6, Xa-tan là nguyên cáo, còn Thiên Thần Thiên Chúa là luật sư. Thiên Thần Thiên Chúa, tượng trưng cho lòng nhân hậu Thiên Chúa, đã thắng Xa-tan, tượng trưng cho tính nghiêm khắc trừng trị. Trong Gióp 1,6 tt; 2,1 tt và 33,23-25, cũng có hai nhân vật nguyên cáo và Thiên Thần Chúa luật sư với nghĩa như trong Dcr 3,1-6.
- Trong 1 Ga 2,1-2. Bước sang Tân ước, chúng ta gặp Kh 12,10-11 và 1 Ga 2,1-2, hai bản văn bổ túc cho nhau để nói lên cùng một tư tưởng ấy, nhưng trong phối cảnh Ki-tô giáo. Theo Kh 12,10-12, Xa-tan tố cáo loài người trước tòa Thiên Chúa. Đó là tên tố cáo (kategor) của truyền thống và văn chương Do-thái. Tên ấy bị từ trời nhào xuống đất, vì người Ki-tô hữu đã được Máu Con Chiên rửa sạch và, nhờ đó, đã thắng tên ấy. Theo 1 Ga 2,1-2, nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có một parakletôs bên cạnh Chúa Cha, là Đức Giê-su Ki-tô. Ở đây, phối cảnh thuộc Ki-tô giáo và, hơn nữa, Thiên Thần Parakletôs trong truyền thống Do-thái hóa thành Đức Ki-tô Parakletôs.
- Trong Ga 14,24-26; 15,26-27; 16,12-15, Parakletôs lại không phải là Đức Ki-tô như trong 1Ga 2,1-2 nữa, nhưng là Thánh Thần. Hơn nữa, vai trò của Thánh Thần Parakletôs khác hẳn với vai trò của Ki-tô Parakletôs. Quả vậy, Thánh Thần Parakletôs không can thiệp cùng Chúa Cha cho loài người, nhưng là giảng dạy chân lý cho loài người (14,24-26; 16,12-15), làm chứng cùng với các môn đệ về sự việc Đức Giê-su sống lại (15,26-27), bắt lỗi thế gian bằng cách phi bác những lý lẽ thế gian đưa ra để khước từ sứ mệnh của Đức Giê-su. Như thế, từ parakalêin và parakletôs không còn giữ nghĩa kêu luật sư nữa, mà giữ nghĩa “khuyến khích”. Khuyến khích cái gì? khuyến khích ai?
- Trong các văn phẩm của của thánh Lu-ca và thánh Phao-lô, động từ parakalêin và danh từ paraklesis thường đi với Thánh Thần. Mà theo các bản văn ấy, Thánh Thần khuyến khích các môn đệ giữ vững niềm tin, vì phải qua gian khổ mới vào Nước Thiên Chúa (Cv 14,22; Xc. 2 Tx 2,9-12.15.16-17).
- Trong những cách khuyến khích, có việc giảng dạy bằng cách chú giải Thánh Kinh, như Cv 13,15 cho biết. Tại An-ti-ô-khi-a xứ Pi-xi-đi-a, vào ngày sa-bát, thánh Phao-lô đến một Hội đường cầu nguyện. Sau phần đọc Luật Mô-sê và sách Ngôn sứ, các viên chức hội đường cho người nói với nhóm thánh Phao-lô: “Nếu anh em có lời paraklesis nào muốn nói, thì xin nói”. Bấy giờ, thánh Phao-lô, đại khái, nói là ơn cứu độ mà, xưa kia, Thiên Chúa đã hứa ban, và Luật Mô-sê cũng như các ngôn sứ đã tiên báo thì, ngày nay, Đức Giê-su đã thực hiện. Đó là paraklesis thường có sau phần đọc Thánh Kinh. Mà, như thế, paraklesis là giảng dạy. Vì thế mà, như đã nói trên, một trong các vai trò của Thánh Thần là giảng dạy.
- Công việc thứ ba của Thánh Thần là bắt lỗi thế gian: thế gian đưa ra nhiều lý lẽ để khước từ sứ mệnh của Đức Giê-su; Thánh Thần sẽ phi bác các lý lẽ ấy. Nói rõ hơn, thì Thánh Thần bắt lỗi ai? về tội gì? Trong các thư của thánh Phao-lô, động từ êlêgkhêin (bắt lỗi, biện bác) thường đi đôi với động từ parakalêin (khuyến khích). Trong Tt 1,9, chẳng hạn, tác giả bảo người giám sự phải nắm giữ giáo điều, để vừa khuyến khích (parakalêin) vừa biện bác (êlêgkhêin) những người chống đối. Những người chống đối này là những người dạy những việc sai lầm (1,11). Ông Ti-tô, với tư cách là giám sự, phải biện bác (êlêgkhêin), để tín hữu giữ vững niềm tin, đừng nghe theo những chuyện hoang đường thất thiệt (Tt 1,13-14; Xc. 2,1.15; 2Tm 4,1-2)
Nói tóm lại, theo những bản văn Ga 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15, thì Thánh Thần đóng vai trò giảng dạy (14,26), dẫn đưa loài người trên đường chân lý (16,13), và làm chứng cho sự việc Đức Giê-su sống lại (15,26) và bắt lỗi thế gian để tín hữu giữ vững niềm tin (16,8.11).
Trong những bản văn nói trên, phải quan tâm một chút đến Ga 14,15-23. Trong bản văn này, tác giả tuần tự nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô và Chúa Cha. Chúa Thánh Thần, Chúa Ki-tô và Chúa Cha được trình bày song song như Ba Ngôi khác nhau, nhưng kết hiệp với nhau chặt chẽ. Đoạn văn này là một trong những đoạn văn nói về Ba Ngôi một cách rõ ràng nhất trong toàn bộ Tân ước.
6. NGƯỜI MÔN ĐỆ TUYỆT HẢO
Môn đệ là người đi theo Đức Giê-su (1,43). Nhưng phải biết rằng, trước hết, Chúa Cha có dẫn đến, nghĩa là dạy dỗ và chỉ cho (6,45), con người mới đến cùng Đức Giê-su được (6,37.44-48; 17,2.9.24).[6] Thánh Gio-an Tẩy giả rao giảng; Đức Giê-su cũng rao giảng. Nếu thiên hạ đến với Đức Giê-su, thì đó là Thánh ý Chúa Cha. Người ban cho họ ân huệ làm môn đệ Đức Giê-su. Người ban cho Đức Giê-su được có các môn đệ (3,27).[7]
Nhưng, sau khi được ân huệ, người môn đệ cũng phải có những điều kiện tối thiểu. Ngay trong trình thuật về việc Đức Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên (1,35), tác giả đã nêu lên những đặc tính của người môn đệ. Họ tìm Đức Giê-su và gặp được Người. “Tìm” và “gặp”, họ đi theo Người và ở với Người. “Tìm” và “theo” là hai điều kiện của người môn đệ. “Gặp được” và “ở với” là phần thưởng của người môn đệ. Về điểm này, hai môn đệ An-rê và Phi-líp-phê (nếu không phải là Gio-an), cũng như cô Ma-ri-a Mác-đa-la, là những mẫu người môn đệ: họ đã tìm và đã gặp, họ đã theo và đã ở với Đức Giê-su (1,35-39).
Người môn đệ, theo Đức Giê-su vì đã nhận ra Người là vị Thầy tuyệt đẳng, rồi tin theo. Họ tin, vì thánh Gio-an Tẩy giả làm chứng, giới thiệu (1,7), vì họ thấy những dấu lạ Đức Giê-su làm (11,41-42) và, sau hết, vì họ thấy mồ trống và tin chắc rằng Đức Giê-su đã sống lại (20,8). Họ tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa phái đến thế gian, là vị Ngôn sứ (viết hoa). Vì người môn đệ nhận ra và đi theo, nên Đức Giê-su so sánh họ như con chiên: con chiên nhận ra tiếng ông chủ và theo ông chủ, chứ không theo một ai khác. Về điểm này, người mù vừa thuở mới sinh là mẫu người môn đệ: khác với nhóm chính quyền tôn giáo Do-thái Giê-ru-sa-lem, anh ta nhận ra Đức Giê-su và chọn Người thay vì chọn ông Mô-sê; đối với anh, Đức Giê-su là ông Mô-sê mới.
Người môn đệ lắng nghe lời Đức Giê-su, rồi còn đem ra thực hành. Theo thánh Gio-an, tin không phải chỉ là tiếp thu một số chân lý trừu tượng, mà là đón nhận lời Đức Giê-su là lời của Thiên Chúa và nhất là đem ra thực hành triệt để. Đức Giê-su đã tuân giữ các điều răn Chúa Cha ban và, vì thế, đã ở trong tình thương của Chúa Cha. Cũng vậy, người môn đệ phải tuân giữ các điều răn Đức Giê-su ban và, vì thế, sẽ ở trong tình thương của Đức Giê-su (15,9-10). Về điểm này, Đức Giê-su là mẫu người môn đệ tuyệt hảo.
Người môn đệ thực hành các điều răn Đức Giê-su dạy. Nhưng các điều răn ấy được tóm lại trong điều răn “yêu thương anh em” (15,12-14). Vì thế, tình thương đối với anh em là dấu chỉ ai là người môn đệ hoàn hảo của Đức Giê-su (13,34-35). Hơn nữa, có yêu thương nhau, Đức Giê-su mới yêu thương mình (15,9-10). Về điểm này, thánh Gio-an Tông đồ là mẫu người môn đệ. Đức Giê-su được Chúa Cha thương mến, được ở trong lòng Chúa Cha và sẽ tỏ cho chúng ta thấy Chúa Cha (1,18). Thì, cũng vậy, người môn đệ mà sách Tin Mừng thư tư gọi là “người Đức Giê-su thương mến” cũng đã được tựa đầu vào lòng Đức Giê-su, đã cho thánh Phê-rô biết là “Thầy” khi Đức Giê-su hiện ra ở biển hồ Ti-bê-ri-a (21,7) và, trong bữa Tiệc ly, đã làm trung gian để biết ai sẽ nộp Thầy (13,25),...
Như vậy, người môn đệ sẽ tìm lại được sự sống (5,24 tt) và, do đó, sẽ không bao giờ phải chết (6,31 tt). Từ nay, Đức Giê-su Phục sinh sẽ tỏ mình cho họ (14,21) và cho họ thông phần vào hạnh phúc trên trời (13,8), vào Vương quyền của Người, một Vương quyền không thuộc về thế gian này (18,36), nhưng thuộc về thế giới thần linh (8,23).
7. ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?
- Chiên Thiên Chúa (1,19.36; Xc. 19,36).
- Đấng Thiên Chúa tuyển chọn và, do đó, cũng là Người tôi trung của Thiên Chúa (1,34; Xc. 19,1-3; Is 42,1-2).
- Ráp-bi, nghĩa là tôn sư (1,38),
- Mê-si-a, nghĩa là Đấng Ki-tô (1,41; 4,25-26; 11,27),
- Giê-su, người Na-da-rét (1,45),
- Con Thiên Chúa (1,49),
- Vua dân Ít-ra-en (1,49), Con Người (1,51).
Nhưng tước hiệu hình như chính yếu đối với tác giả, đó là vị Ngôn sứ tuyệt đẳng, được ông Mô-sê tiên báo trong sách Luật (Đnl 18,18).
Ông Phi-líp-phê quả quyết với ông Na-tha-na-en là đã gặp được vị Ngôn sứ sách Luật đã tiên báo (1,45), nghĩa là vị Ngôn sứ Thiên Chúa đã hứa ngày xưa (Đnl 18,18). Chị người Sa-ma-ri-a cũng nhận thấy như vậy (4,19). Thấy phép lạ Đức Giê-su làm, chính dân chúng đã, trên một lần, nhận ra rằng Đức Giê-su là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (6,14; 7,46). Và chính tác giả của sách Tin Mừng thứ tư cũng tin chắc Đức Giê-su là ông Mô-sê của thời đại. Vì quan tâm đến tư tưởng ấy, tác giả thường để ý đến những lời nói hoặc việc làm có liên quan. Dưới đây, chúng ta thử đưa ra một vài bằng chứng.
Đức Giê-su chuyển đạt cho loài người “những lời của Thiên Chúa” (3,34; 5,30; 6,38; 8,26.40b; 14,10). Và Người đề nghị cho nhân loại hai con đường đối nghịch là sống và chết, tùy theo nhân loại đón nhận hoặc từ khước (5,24.30). Mà ông Mô-sê cũng đã chuyển đạt “những lời của Thiên Chúa” (Đnl 18,18), cũng đề nghị hai con đường sống và chết (Đnl 30,15-20).
Làm sao biết rằng đó là lời của Thiên Chúa? Thưa có phép lạ làm bằng chứng rằng Đức Giê-su là người của Thiên Chúa (3,2), đến từ Thiên Chúa (9,30.33). Vì thế, thấy phép lạ, dân chúng theo Người (6,2), nhận ra Người là vị Ngôn sứ (6,14). Và cũng vì thế, không tin là tội tầy trời, vô phương chạy chọt (15,22-24) và đưa đến sự chết (8,21.24). Ba phép lạ Đức Giê-su làm đầu tiên là: Hóa nước ra rượu tại Ca-na (2,1-11), Chữa bệnh con một sĩ quan (4,46), Và cho lưới đầy cá (21,6).[8]
Ba phép lạ ấy làm chứng rằng Người có sứ mệnh. Mà, ngày xưa, ông Mô-sê cũng phải làm ba phép lạ, để làm chứng rằng ông được Thiên Chúa sai phái (Xh 4,1-9). Ba phép lạ ấy là: gậy hóa rắn, tay bị hủi và nước hóa máu.
Và cũng vì thế mà ý nghĩa của phép lạ trong sách Tin Mừng thư tư khác với ý nghĩa trong các sách nhất lãm. Đúng vậy, trong các sách nhất lãm, phép lạ đi sau niềm tin như hậu quả đi sau nguyên nhân và là phần thưởng của niềm tin (Mc 5,36; 9,23-24; 11,23; Mt 8,13; 9,28; Lc 8,50). “Lòng tin của con đã cứu chữa con” là một công thức rất quen thuộc trong sách nhất lãm (Mc 5,34; 10,52; Mt 9,22; Lc 7,50; 8,48; 17,19). Trong sách của thánh Gio-an, thì phép lạ đi trước và khơi dậy niềm tin, nhằm chứng minh rằng Đức Giê-su là vị Ngôn sứ Thiên Chúa sai phái (7,4), là Tân Mô-sê dẫn đầu cuộc Tân Xuất hành, để đưa loài người về cùng Chúa Cha.
Về mối tương quan giữa phép lạ và niềm tin, sách Tin Mừng thứ tư có uyển chuyển một chút vì thế hệ sau này. Thấy phép lạ, thiên hạ tin; nhưng chúng tôi không thấy phép lạ, thì làm sao chúng tôi tin? Tác giả trả lời rằng: phải tin, mới được thấy phép lạ. Đồng ý rằng thấy phép lạ, thiên hạ mới tin (11,26); hơn nữa, chúng ta tin ông Gio-an Tẩy giả vì ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su và ông đã làm chứng (1,33-34), chúng ta tin người môn đệ Đức Giê-su thương mến vì ông đã thấy máu cùng nước từ cạnh sườn chảy ra và ông đã làm chứng (19,35). Nhưng một đức tin như thế thật là yếu ớt, nhất là một đức tin phát xuất từ phép lạ “bánh hóa nhiều” (6,14-26). Vì thế mà Đức Giê-su đã nói rõ ràng khi khiển trách thánh Tô-ma: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Họ có phúc, vì họ không đòi hỏi và, đối với họ, Lời Chúa không kém gì phép lạ (5,39; 15,22-24), lại còn hơn hẳn phép lạ: hôm ấy, các người Sa-ma-ri-a bảo người phụ nữ: “Không phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin; chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là vị Cứu tinh của trần gian” (4,42).
Nói tóm lại, Đức Giê-su là vị Ngôn sứ tuyệt đẳng, vượt hẳn các ngôn sứ kể cả ông Mô-sê, Người là sự Khôn ngoan (viết hoa) và là Lời của Thiên Chúa.[9]