Tổng Quan

Wednesday, 05 June 2019 03:10

Cựu Ước Giản Yếu Featured

Lm. Albert Trần Phúc Nhân, giáo sư Thánh Kinh

 

Cựu ước là một bộ sách viết cách đây trên 2.000 năm, của một dân tộc ở xa chúng ta hàng mấy ngàn cây số. Vì thế, học hỏi Cựu ước là một việc rất khó khăn và lâu dài. Những bài sau đây nhằm đưa ra một số ít khái niệm tối thiểu về Cựu ước.

I. KINH THÁNH LÀ LỜI THIÊN CHÚA

1. Thiên Chúa nói với chúng ta khi nào?

“Thuở xưa, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách. Nhưng bây giờ, trong thời buổi cuối cùng này, Người đã dùng chính con của Người mà nói với chúng ta”. Những dòng đầu tiên của Thư gởi các tín hữu người Do thái trên đây, nói lên một điều mà mọi tín đồ Ki-tô giáo, dầu là Tin lành, Chính thống giáo hay Công giáo đều tin: Thiên Chúa đã nói với loài người chúng ta. Dùng một kiểu nói chuyên môn hơn: Thiên Chúa đã mạc khải, đã vén một bức màn cho chúng ta được biết về chính Người và về ý định cứu độ của Người đối với chúng ta. Những điều này, tâm trí con người tự nhiên không thể nào biết được, vì thế chính Thiên Chúa, vì lòng thương, đã muốn tỏ ra cho chúng ta biết.

Tác giả bức thư trên đây phân biệt hai giai đoạn: thuở xưa và bây giờ. Thuở xưa là thời trước khi Đức Giê-su sinh ra, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri và các vị thánh khác mà nói với dân Ít-ra-en, dân riêng Người đã chọn, để cho họ biết về Người và về Đấng Cứu thế mà Người sẽ sai đến trần gian: đó là thời Cựu ước. Còn bây giờ, tức là từ khi Đức Giê-su đến trong thế gian, thì tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, Người đều nói qua Con Một của Người, Đức Giê-su Ki-tô; các thánh tông đồ có nói gì thì cũng là do lệnh của Đức Giê-su và về Đức Giê-su: đó là thời Tân ước.

2. Lời Thiên Chúa được nghi chép lại thế nào?

Những điều chính yếu trong những lời Thiên Chúa nói với chúng ta, sau một thời gian truyền tụng, còn được nghi lại trong các sách của bộ Kinh Thánh. Người Ki-tô hữu nhìn nhận rằng các sách này đã được linh hứng, nghĩa là: các tác giả của những sách đó đã được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để biết dùng tài năng riêng của mình mà viết những gì Thiên Chúa muốn cho viết, và chỉ viết những điều Người muốn. Do đó, những sách này chứa đựng chân lý cứu độ, nghĩa là dạy chúng ta những gì cần biết để sống đầy đủ ý nghĩa làm người và đạt tới hạnh phúc tuyệt đối.

3. Chúng  ta phải có thái độ nào đối với Lời Thiên Chúa?

Cùng với Hội thánh, chúng ta tin rằng Kinh thánh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi thấy, trong một số nhà thờ mới xây dựng trong những năm gần đây có đặt phía sau bàn thờ: một bên là nhà tạm Mình Thánh Chúa, một bên là giá sách với cuốn Kinh thánh. Hội Thánh kính trọng Lời Chúa cũng như Mình Thánh Chúa, bởi vì cả hai đều là của ăn nuôi dưỡng chúng ta trên con đường về với Thiên Chúa.

Nhưng kính trọng chưa đủ. Đồ ăn chỉ nuôi sống nếu người ta ăn vào. Đối với Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng thế: muốn được ích lợi, chúng ta phải đọc, phải nghe, phải suy ngẫm, phải cầu nguyện, để Lời Chúa thấm nhập thực sự vào tâm hồn, trở nên như máu thịt chúng ta và làm cho chúng ta sống như Lời Chúa dạy.

II. CỰU ƯỚC LÀ GÌ?

1. Kinh Thánh gồm những phần chính nào?

Kinh Thánh không phải là một cuốn sách, nhưng là cả một bộ gồm nhiều sách khác nhau. Bộ Kinh Thánh gồm hai phần chính: Cựu ước và Tân ước.

Cựu ước là những sách thánh của đạo Do thái. Những sách này hầu hết viết bằng tiếng Híp-ri, và đã thành hình trong khoảng thời gian từ năm 1000 đến năm 100 trước công nguyên (trước khi Đức Giê-su sinh ra).

Tân ước là những sách thánh của đạo Ki-tô. Những sách này đều chép bằng tiếng Hy-lạp, và đã thành hình trong nửa sau của thế kỷ thứ nhất.

2. Cựu ước gồm những sách nào?

Cựu ước gồm có 46 cuốn. Có những cuốn viết bằng văn xuôi kể lại lịch sử, những tích truyện, hoặc ghi chép những luật lệ. Có những cuốn viết theo thể thơ, với những lời tiên tri, những lời cầu nguyện, những câu châm ngôn tục ngữ .v..v. Ngừơi ta thường xếp các sách Cựu ước theo bốn loại sau đây:

*  5 cuốn NGŨ THƯ  (hay luật Mô-sê) : Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị lụât.

* 16 cuốn LỊCH SỬ : Giô-suê, Thủ lãnh (Quan án), Rút, 2 sách Sa-mu-en, 2 sách Các Vua, 2 sách Sử ký, Ét-ra (Esdras), Nơ-khe-mi-a, Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Ét-te (Esther), Ma-ca-bê quyển nhất, Ma-ca-bê quyển hai.

* 7 cuốn GIÁO HUẤN (hay Khôn ngoan) : Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên (Kô-hô-lét), Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca (Bon-si-ra).

* 18 cuốn TIÊN TRI (hay Ngôn sứ) : I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai-ca, Ba-rúc, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai (A-giê), Da-ca-ri-a, Ma-la-khi.

Trong những sách kể trên, có mấy cuốn không được anh em Tin lành kể là Kinh Thánh, đó là: Tô-bi-a, Giu-đi-tha, 2 sách Ma-ca-bê, Ba-rúc, Khôn –ngoan, Huấn-ca. Nhưng truyền thống Công giáo xưa nay vẫn nhận các sách đó là Kinh Thánh.

3. Đối với chúng ta, Cựu ước có giá trị nào?

Cựu ước nói về việc Thiên Chúa chọn dân Ít-ra-en làm dân riêng, và dạy dỗ hướng dẫn họ qua lịch sử để chuẩn bị cho họ đón nhận Tin mừng Chúa Ki-tô. Khi Chúa Ki-tô đến, Người có nói: Ta đến không phải để bãi bỏ Cựu ước; nhưng để làm cho Cựu ước được đầy đủ ý nghĩa (Mt 5,17). Mặc dầu có một số những điều chưa hoàn toàn, Cựu ước vẫn có giá trị, vì Thiên Chúa phán trong Cựu ước vẫn là Thiên Chúa phán trong Tân ước, và vì Cựu ước cũng có thể dạy chúng ta, là dân mới của Thiên Chúa, biết đón nhận Tin Mừng và sống với Người.

Vì thế Hội Thánh vẫn đọc Cựu ước trong phụng vụ cho giáo dân nghe (bài đọc thứ nhất trong Thánh lễ ngày Chúa nhật và đại lễ thường là một bài Cựu ước) và vẫn dùng các Thánh vịnh của Cựu ước để cầu nguyện với Thiên Chúa.

4. Địa lý miền Pa-lét-tin

Lịch sử Cựu ước diễn ra trong vùng tiếp cận giữa Châu Á, Châu Aâu và Châu Phi, ngày nay quen gọi là Trung Đông hoặc Cận Đông. Vùng này tuy không lớn (diện tích chỉ bằng vùng Đông Nam Á), nhưng có một vai trò quan trọng trong lịch sử, vì là nơi phát xuất của những nền văn minh cổ nhất thế giới.

Ở phía tây vùng Trung Đông là Ai-cập, mạch sống của Ai-cập là sông Nin, dài 6.000 km, nhờ đó một nền văn minh đã phát sinh từ 3.000 năm trước công nguyên, với những công trình kiến trúc vĩ đại (các đền dài, các kim tự tháp) những tác phẩm nghệ thuật tinh vi và một nền văn minh phong phú. Ai-cập là một nước sớm thống nhất và đã có những thời kỳ thế lực chính trị khá mạnh.

Ở phía đông là miền Lương hà, gọi thế vì là một đồng bằng phì nhiêu có hai con sông lớn chảy qua: sông Ti-gơ-ra và sông Êu-phơ-rát. Văn minh ở vùng này cũng rất xưa và rực rỡ: tại đây, loài người đã phát minh ra chữ viết đầu tiên cách đây hơn 5.000 năm. Về mặt chính trị, miền này khi thì chia ra những thành tự lập, khi thì thống nhất dưới quyền một đế quốc lớn như Át-si-ri (thế kỷ VIII-VII), Ba-bi-lon (thế kỷ VII-VI).

Nối liền Ai-cập với miền Lưỡng hà là bờ biển Phi-ni-ki, một rẻo đất hẹp nằm giữa núi Li-băng và Địa trung hải. Văn minh ở vùng này cũng có tự lâu đời, ngôn ngữ rất gần với tiếng Híp-ri của Ít-ra-en. Phần phía nam của bờ biển Phi-ni-ki là xứ Pa-lét-tin, nơi các chi tộc Ít-ra-en ở, trong thời Cựu ước.

Xứ Pa-lét-tin có chiều dài nhất 240 km, chiều rộng từ 40 đến 150 km, diện tích chừng 25.000km2; phía bắc giáp núi Li-băng; phía đông và nam giáp sa mạc, phía tây giáp Địa Trung hải. Từ tây sang đông có bốn miền chính chạy từ bắc tới nam:

a) Miền duyên hải. Phía bắc có núi Các-men (530 m), phía nam là đồng bằng. Bờ biển này không có cửa biển tốt.

b) Miền núi. Là nơi chính của dân Ít-ra-en xưa, cao trung bình 500-900m. từ bắc xuống nam, miền núi lại chia thành:

* Xứ Ga-li-lê: ở phía bắc cao hơn, ở phía nam thấp hơn (với Na-da-rét, núi Ta-bo).

* Xứ  Sa-ma-ri. Có hai ngọn núi cao nhất là Ga-ri-dim (881m) và Ê-ban (940m), giữa hai ngọn là thung lũng Si-khem.

* Xứ Giu-đa, cao hơn sứ  Sa-ma-ri, có núi Ô-liu (814m) ở phía đông thành Giê-ru-sa-lem (750m); về phía nam có Bê-lem và Khép-ron.

c) Thung lũng sông Gio-đan. Sông này bắt nguồn từ sườn phía nam núi Li-băng, rồi chảy vào hồ Ti-bê-ri-a (cũng gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét hay biển Ga-li-lê). Mặt hồ ở 212m dưới mức Địa trung hải. Hồ này dài 21 km, rộng 11 km, sâu 45 m, nước ngọt, nhiều cá.

Ra khỏi hồ Ti-bê-ri-a, sông Gio-đan chảy qua một thung lũng sâu (trong thung lũng này có Giê-ri-khô, một thành cổ nhất thế giới) rồi đổ vào biển Chết. Biển này dài 76 km, rộng 16 km, mặt nước ở –392m, chổ sâu nhất –792m; nước có muối và khoáng chất gấp sáu lần nước biển thường nên không có sinh vật nào sống được, do đó gọi là Biển Chết.

d) Cao nguyên phía đông sông Gio-đan, xưa có rừng rậm và đồng cỏ.

Khí hậu miền Pa-lét-tin ôn hoà và lành. Mưa tương đối ít: trung bình hằng năm 55 cm tại Giê-ru-sa-lem, 20 cm trong thung lũng sông Gio-đan và ở giáp sa mạc phía nam. Đất đai không giàu lắm. Căn bản của kinh tế là nông nghiệp (lúa mì, nho, ô liu, vả) và chăn nuôi (cừu, dê, bò, lừa). Dân số thời thịnh nhất (thế kỷ 8) ước chừng một triệu.

III. TÓM LƯỢC LỊCH SỬ THỜI CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Lịch sử thời Cựu ước và Tân ước có thể chia làm chín giai đoạn:

1. Thời tiền sử

400.000 năm trước công nguyên (thời đại đồ đá cũ), bắt đầu có dấu vết người ở gần hồ Ti-bê-ri-a.

9.000, người ta bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt.

7.000 (thời đại đồ đá mới), bắt đầu có thành Giê-ri-khô.

4.500, phát minh đồ gốm.

3.500, bắt đầu dùng kim khí (đồng).

2. Thời các tổ phụ

Tổ tiên của Áp-ra-ham sống du mục ở miền Lưỡng Hà.

Quãng 1.800, nhóm Áp-ra-ham tách ra, sang miền đất Pa-lét-tin.

Quãng 1.700, Gia-cóp và con cháu sang Ai-cập.

3. Thời Mô-sê và Giô-suê

Quãng 1.250 (có lẽ dưới thời vua Ai-cập Ram-xét II). Mô-sê đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập. Giao ước với Thiên Chúa tại núi Xi-nai. Ít-ra-en bắt đầu thành một dân.

Quãng 1220-1200. Giô-suê đưa Ít-ra-en vào chiếm miền Pa-lát-tin.

4. Thời các thủ lãnh và các vua đầu tiên (Q. 1200-931)

Quãng 1200 (bắt đầu thời đại đồ sắt). Người Phi-li-tinh xâm lăng Ai-cập, nhưng bị đẩy lui và đến định cư ven bờ biển Pa-lét-tin.

Quãng 1200-1030. Thời các Thủ lãnh (Thẩm phán).

Quãng 1030-1010. Sao-lê là vua đầu tiên. Thắng người Am-môn và Phi-li-tinh. Nhưng sau lại thua người Phi-li-tinh và tử trận.

Quãng 1010-970. Đa-vít làm vua, trước tiên ở Giu-đa, rồi ở Giu-đa và Ít-ra-en. Chiếm Giê-ru-sa-lem và đặt làm kinh đô. Thắng các dân chung quanh: Phi-li-tinh, Mô-áp, A-ram, Am-môn, Ê-dom.

Quãng 970-931. Sa-lô-môn làm vua. Xây đền thờ Giê-ru-sa-lem. Phát triển ngoại giao, mở mang thương mại. Nền văn chương chớm nở: châm ngôn, sử ký.

5. Thời hai vương quốc Giu-đa và íy-ra-en (931-921)

931, Rô-bô-am lên nối ngôi Sa-lô-mon, không biết xử khéo nên các dân tộc miền Bắc ly khai, lập nước Ít-ra-en và tôn Giê-rô-bô-am làm vua. Rô-bô-am và dòng họ Đa-vít chỉ còn làm vua nước Giu-đa (miền Nam).

Thế kỷ IX. Tại Ít-ra-en, Om-ri (885-874) lập một triều đại mới và đặt kinh đô tại Sa-ma-ri. Vua A-kháp (874-853) xây đền thờ thần Ba-an. Do đó ngôn sứ Ê-li-a đứng lên bảo vệ đạo Gia-vê. Tiếp đó ngôn sứ Ê-li-sê hoạt động.

Thế kỷ VIII, bắt đầu xuất hiện “các ngôn sứ văn sĩ” (là những ngôn sứ có sách để lại mang tên họ). Tại Ít-ra-en có : A-mốt, Hô-sê… Tại Giu-đa có : I-sai-a, Mi-kha…

Đế quốc Át-si-ri bành trướng. 721: kinh đô Sa-ma-ri thất thủ, dân bị đưa đi đầy, nước Ít-ra-en bị tiêu diệt.

6. Thời tàn của vương quốc Giu-đa (721-587)

Thế kỷ VII, Vua Ê-dê-ki-a (716-687) cải tổ tôn giáo và cố gắng thoát ly ảnh hưởng A-si-ri, nhưng không thành công. Vua Giô-si-a (640-609) cũng cải tổ tôn giáo và cố gắng khôi phục nền độc lập. Đế quốc Át-si-ri sụp đổ, đế quốc Ba-bi-lon bắt đầu bành trướng. Trong thời kỳ này các ngôn sứ Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a và nhất là Giê-rê-mi-a hoạt động.

Thế kỷ VI. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a tiếp tục, ngôn sứ Ê-dê-ki-en bắt đầu hoạt động.

597. Na-bu-cô-đô-no-xo lấy thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, đưa dân đi đầy.

587. Na-bu-cô-đô-nô-xo lấy thành Giê-ru-sa-lem lần hai, phá thành và đền thờ, đưa dân đi đày.

582. Lưu đày đợt thứ ba.

Ê-dê-ki-en và tác giả “Sách yên ủi Ít-ra-en” hoạt động giữa những người lưu vong.

7. Thời lệ thuộc Ba-tư (538-333)

539. Ky-rô, vua Ba-tư, lấy thành Ba-bi-lon.

538, Ky-rô ra chiếu chỉ cho phép người Do-thái hồi hương.

520-515. Tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a hoạt động.

Thế kỷ V, Ét-ra (Ezra) cải tổ tôn giáo, công bố bộ Luật (tức là Ngũ thư). Nơ-khe-mi-a củng cố mặt hành chánh.

8. Thời lệ thuộc Hy-lạp (333-63)

336. A- lịch-sơn, vua Ma-kê-đô-ni-a, bắt đầu thắng đế quốc Ba-tư.

332. Vua chiếm Pa-lét-tin. Sau khi vua chết, các tướng chia nhau đế quốc: Nhà La-ghít chiếm Ai-cập, Nhà Xê-lêu-kít chiếm Xi-ri và Ba-bi-lon.

319-200. Miền Pa-lét-tin thuộc quyền các vua La-ghít. Tại Ai-cập, Cựu ước được dịch ra tiếng Hy-lạp (quen gọi là bản 70).

200-142. Miền Pa-lét-tin thuộc quyền các vua Xê-lêu-kít.

167. Vua An-ti-khô IV bắt bớ đạo Do-thái. Mát-ta-ti-a và các con (trong số có Giu-đa, Giô-na-than, Si-mon) khởi nghĩa chống lại.

164. Giu-đa lấy lại đền thờ và làm lễ nghi thanh tẩy.

142-63: Con cháu của Si-mon làm vua người Do-thái.

9. Thời lệ thuộc Rô-ma (63 trở đi)

63, Pom-pê, tứơng của Rô-ma, chiếm Giê-ru-sa-lem. Pa-lét-tin trở nên một tỉnh của đế quốc Rô-ma.

37-4, Hê-rô-đê cả làm vua.

27 trước công nguyên – 14 sau công nguyên, Hoàng đế Au-gút-tô trị vì.

Quãng 7-6 trước công nguyên, Đức giê-su sinh ra.

Quãng 5-10 sau công nguyên, Phao-lô sinh ra tại Tác-xô.

26-36, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm trấn thủ Giu-đê và Sa-ma-ri.

27 (Mùa thu), Gioan tẩy giả giao giảng. Đức Giê-su khai mạc sứ vụ.

30 (Lễ vượt Qua), Đức Giê-su chịu đóng đinh.

Quãng 36-37, Tê-pha-nô tử đạo. Phao-lô trở lại.

Quãng 43-44, Tông đồ Gia-cô-bê, em của Gio-an, bị chém đầu.

45-47, Hành trình truyền giáo thứ I của Phao-lô.

Quãng 48-49, Công đồng Giê-ru-sa-lem.

50-52. Hành trình truyền giáo thứ II của Phao-lô.

53-58. Hành trình truyền giáo thứ III của Phao-lô.

58. (Lễ Ngũ Tuần). Phao-lô bị bắt tại Giê-ru-sa-lem.

60. Phao-lô bị điệu đi Rô-ma.

61-63. Phao-lô bị giam ở Rô-ma.

64 hoặc 67. Phê-rô tử đạo tại Rô-ma.

66. Người Do-thái ở Pa-lét-tin nổi loạn.

67. Phao-lô tử đạo tại Rô-ma.

70. Ti-tô, tướng của Rô-ma, chiếm Giê-ru-sa-lem, đốt đền thờ.

95. Hoàng đế Đô-mi-ti-a-nô bắt đạo.

IV. SÁNG TẠO VÀ SA NGÃ

Những trang đầu của Cựu ước, tức là 11 chương đầu sách Sáng Thế (Khởi nguyên), cho ta biết rằng chính Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và đặt con người làm chủ vạn vật. Nhưng con người đã không vâng phục Thiên Chúa, đã phạm tội và vì thế đã chuốc lấy những hệu quả tại hại. Tuy nhiên tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi, nên Ngài đã cho loài người được hy vọng cứu độ.

Những chương này nói lên những điểm giáo lý căn bản về Thiên Chúa, về vũ trụ và về con người; nhưng những điểm ấy được diễn tả bằng những câu chuyện cụ thể và bình dân theo lối người xưa. Vì thế ta cần phải phân tích hình thức diển tả để rút ra những điểm giáo lý chính yếu.

Ta sẽ nói riêng về chương 1-3.

1. Chương I

Chương này nói Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày rồi nghỉ ngày thứ bảy. Tác giả không có ý viết một bài khảo cứu khoa học mô tả vũ trụ đã thành hình thế nào nhưng đây là một bài giáo huấn về Thiên Chúa, về vạn vật, về con người.

a) Về Thiên Chúa:

- Chỉ có một Thiên Chúa, Ngài có trước muôn loài.

- Thiên Chúa dùng quyền năng phán một lời là muôn loài liền có, và Ngài sắp đặt muôn loài cách khôn ngoan.

- Thiên Chúa làm chủ muôn loài.

b) Về vạn vật:

- Muôn loài trong vũ trụ đều do Thiên Chúa sáng tạo và đều tốt.

c) Về con người:

- Con người là loài cao nhất trong vũ trụ, tất cả được dựng nên để phục vụ con người.

- Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (vì có trí khôn và tự do) do đó được thay mặt Thiên Chúa làm chủ vạn vật.

- Việc phân biệt nam nữ tính và truyền sinh cũng là do ý muốn của Thiên Chúa.

Trong đêm vọng Phục sinh, phụng vụ đọc đoạn này với ý nghĩa sau: cũng như trong việc sáng tạo, sự sống phát sinh từ nước nhờ lời Thiên Chúa và Thần khí, cũng vậy Chúa Ki-tô phục sinh đưa chúng ta vào tạo thành mới nhờ phép rửa trong nước và Thánh Thần.

2. Chương II

Chương 2 và 3 kể một câu chuyện với những hình ảnh rất cụ thể để nói lên con người là gì và Thiên Chúa muốn họ sống thế nào, nhưng con người đã không vâng lời Thiên Chúa và vì thế đã chuốc lấy hình phạt. Từ những hình ảnh đó, ta có thể rút ra những giáo huấn sau:

a) Con người do Thiên Chúa dựng nên và gồm có một yếu tố vật chất và sự sống do Thiên Chúa ban. Để nói lên điều này, tác giả hình dung Chúa lấy đất nắn nên con người và thổi sinh khí vào mũi.

b) Con người có nhiệm vụ lao động, khai thác đất để thực hiện quyền làm chủ trái đất.

c) Con người phải vâng lời Thiên Chúa. Chỉ khi vâng lời, con người mới sống đúng thân phận của mình là một loài thụ tạo.

d) Phái nam và phái nữ cùng một bản tính, và có vai trò bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau về mọi phương diện. Hôn nhân là do Thiên Chúa lập ra, và có tính cách duy nhất (một vợ một chồng) và bền bỉ (không thể phân ly). Tác giả nói lên những điều này khi hình dung Thiên Chúa rút một xương sườn từ người nam mà làm thành người nữ.

3. Chuơng II

Chương này nói về sự sa ngã của con người. Bị ma quỉ cám dỗ (con rắn tượng trưng ma quỉ), con người đã không tuân lệnh Thiên Chúa vì kiêu ngạo muốn nên như Thiên Chúa, không muốn chấp nhận thân phận mình là loài thọ tạo lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tác giả nói lên điều này qua hình ảnh cụ thể là ăn trái cây biết lành biết dữ, cây Thiên Chúa đã cấm ăn.

Do đó con người phải mang hậu quả của tội là:

- Mất sự thân thuộc với Thiên Chúa, phải xa Thiên Chúa là nguồn sự sống, và do đó phải chết.

- Mất hoà hợp với bản thân, con người không làm chủ được chính mình, nên dục tình trở nên lộn xộn.

- Mất hoà hợp giữa người với người, người ta không còn liên đới với nhau và muốn thống trị nhau.

- Mất hoà hợp với Thiên nhiên bên ngoài, do đó lao động trở nên cực nhọc vất vả.

Tuy nhiên trong tình trạng bi đát đó, Thiên Chúa vẫn còn thuơng: “Dòng dõi người nữ sẽ đạp đầu con rắn” (3,15). Giáo hội hiểu dòng dõi người nữ đây chính là Đức Ki-tô, Đấng do người nữ sinh ra, đã thắng quyền lực ma quỷ.

Thánh Phao-lô nói: chúng ta liên đới với A-đam trong tội, nên cũng liên đới trong án phạt và sự chết (đó là giáo lý về tội tổ tông). Nhưng Đức Ki-tô chính là A-đam mới đã vâng phục Thiên Chúa và như thế đã sửa lại tội không vâng phục của A-đam ngày xưa, đem lại cho loài người ơn hoà giải với Thiên Chúa (Roma 5,12-20).

4. Sách Sáng Thế và thuyết Tiến Hóa

Thời trước người ta vẫn nghĩ rằng các loài động vật và thực vật luôn luôn cố định, không thay đổi. Đến thế kỷ XIX, Đác-uyn (Darwin) đưa ra thuyết tiến hoá cho rằng các loài sinh vật biến đổi và tiến hoá không ngừng, do đó phát sinh ra những loài mới. Trong khuôn khổ tiến hoá chung này, giống người cũng phát sinh từ một giống khỉ cao đẳng (gọi là vượn người).

Trước đây người ta thấy thuyết tiến hoá mâu thuẩn với Đức tin mà nói rằng vũ trụ không phải do Thiên Chúa mà có, nhưng hoàn toàn do vật chất mà có; đàng khác, trong khi Kinh Thánh nói Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong sáu ngày và lấy đất nắn lên con người, thì thuyết tiến hoá lại nói vũ trụ thành hình trong mấy tỉ năm, và con người biến hoá từ loài động vật trên.

Thuyết tiến hoá chưa được minh chứng như một định luật khoa học, nhưng là một giả thuyết được giới khoa học chấp nhận. Chúng ta nghĩ gì? Như đã nói trên, cần phân biệt trong Kinh thánh giữa giáo lý và hình thức diễn tả. Những chương đầu sách Sáng Thế mượn những quan niệm thời xưa về vũ trụ và những kiểu nói bình dân để dạy một số điểm giáo lý: muôn loài đều do Thiên Chúa, con người là loài cao quý nhất, con người vừa có yếu tố vật chất vừa có sự sống do Thiên Chúa ban, giữa nam và nữ có một liên hệ rất mật thiết..v..v.. Kinh Thánh không có mục đích dạy khoa học, nhưng đứng trên bình diện khác, do đó không mâu thuẫn với khoa học. Ta có thể chấp nhận một thuyết tiến hoá ôn hoà, nghĩa là không phủ nhận Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài; riêng loài người, về thân xác có thể biến hoá từ một loài động vật thấp hơn, nhưng được Thiên Chúa ban cho một cái gì thiêng liêng cao hơn vật chất và do đó gần với Thiên Chúa hơn.

V. TỔ PHỤ ÁP-RA-HAM

11 chương đầu sách Sáng Thế cho thấy tội lỗi lan tràn trong nhân loại, nhưng tình thương của Thiên Chúa không bao giờ chịu thua tội lỗi. Chính vì tình thương đó mà Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch cứu độ loài người bằng cách chọn và gọi Áp-ra-ham, ông tổ của dân Ít-ra-en và của Đức Ki-tô.

1. Khung cảnh

Khung cảnh đời sống tổ phụ Ap-ra-ham là vùng Trung Đông (Lưỡng Hà Pa-lét tin, Ai-cập) vào khoảng thế kỷ XIX-XVIII trước công nguyên. Oâng và gia tộc là những người du mục di chuyển ở các vùng sa mạc, sống trong lều vải và chăn nuôi chiên dê.

2. Chúa gọi ông Áp-ra-ham (Sáng thế 12,1-4)

Khi ông còn ở với gia tộc ở vùng Lưỡng Hà thì Chúa gọi ông, bảo ông rời bỏ quê hương họ hàng mà đi đến miền đất Chúa sẽ chỉ bảo. Chúa hứa sẽ làm cho ông trở thành tổ phụ một dân lớn, sẽ ban phúc dồi dào cho ông, khiến muôn dân sẽ nhờ ông mà được phúc lành. Vâng lời Thiên Chúa, ông đã ra đi.

3. Chúa giao ước với ông (Sáng thế 15)

Chúa hứa sẽ làm cho dòng dõi ông trở nên đông đúc, nhưng hai vợ chồng ông đã già mà vẫn không có con. Mặc dầu thế ông vẫn cứ tin lời Chúa, tín nhiệm vào Chúa. Nhờ lòng tin đó, ông được Chúa coi là người công chính, nghĩa là người có thái độ đúng như phải có đối với Chúa. Chúa lại hứa ban cho ông và dòng dõi ông một miền đất. Để bảo đảm cho lời hứa, Chúa giao ước, nghĩa là long trọng cam kết với ông.

4. Áp-ra-ham dâng tế lễ (St 22)

Sau cùng, bà Xa-ra, vợ ông, sinh được một con trai là I-xa-ác. Để thử lòng tin của ông, Chúa dạy ông đem I-xa-ác là đứa con một yêu dấu lên núi và giết nó làm lễ tế dâng cho Ngài. Mặc dầu I-xa-ác là đứa con độc nhất mang tất cả hy vọng tương lai, ông cũng không nói lại một lời với Chúa, ông quả quyết tuân lệnh vì biết rằng, dẫu thế nào đi nữa, lời hứa của Chúa cũng sẽ được thực hiện. Đến phút cuối cùng, Chúa bảo ông đừng giết đứa trẻ, Chúa khen lòng vâng phục của ông và nói rằng muôn dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ông mà được phúc lành.

5. Lòng tin của Áp-ra-ham

Điểm nổi bật nhất nơi Áp-ra-ham là lòng tin. Chính vì tin mà ông đã nghe lời Chúa gọi, bỏ quê hương họ hàng để dấn thân theo Chúa, ra đi mặc dầu không biết Chúa dẫn mình đi đâu. Chính vì tin mà ông dám chắc rằng những lời hứa của Chúa (ban cho một dòng dõi đông đúc, ban cho một miền đất) thế nào cũng sẽ được thực hiện, mặc dầu theo loài người là điều không thể có được. Chính vì tin mà ông sẵn sàng vâng lệnh, dâng cho Chúa người con duy nhất.

6. Áp-ra-ham trong Tân ước

Tân ước nhiều lần nhất đến Áp-ra-ham. Thánh Phao-lô đề cao lòng tin của ông và từ đó nhấn mạnh: ta được nên công chính, nghĩa là đẹp lòng Chúa, không phải nhờ việc lành ta làm, nhưng trước tiên là nhờ lòng tin (Rm 4).

Đức Ki-tô là dòng dõi đích thật của Áp-ra-ham (Mt 1,1), là người thừa hưởng các lời Thiên Chúa xưa hứa cho vị tổ phụ. Chính nhờ Ngài mà muôn dân được phúc lành.

Tất cả những ai tin vào Đức ki-tô, thì cũng thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và được thừa hưởng phúc lành của ông. Vì thế, ông thật là cha của những kẻ  tin, của tất cả chúng ta.

7. Áp-ra-ham với chúng ta

Tổ phụ Áp-ra-ham để lại cho ta gương của lòng tin. Khi nghe tiếng Chúa, ta cũng phải sẵn sàng đáp lại, dấn thân theo Chúa. Dẫu đường đời nhiều khi mù mịt, dẫu ta gặp thử thách gian nan, ta vẫn vững niềm tin, hướng về Chúa, bước đi theo Chúa trong tinh thần phó thác, vì biết rằng Chúa hằng thương ta và dẫn dắt ta.

VI. MÔ-SÊ VÀ THỜI XUẤT HÀNH

Áp-ra-ham sinh I-xa-ác, I-xa-ác sinh Gia-cóp. Vì sinh kế, Gia-cóp và con cháu sang Ai-cập lập nghiệp. Sau nhiều đời, dòng giõi Gia-cóp bị người Ai-cập áp bức, bắt phải phục dịch khổ sở. Chúa giao cho ông Mô-sê sứ mạng cứu họ và đưa ra khỏi Ai-cập (quãng năm 1250 trước công nguyên), đến núi Xi-nai lập giao ước với Chúa. Đó là thời Xuất hành, thời thành lập dân Ít-ra-en.

Những biến cố thời này được ghi lại trong các sách: Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị luật; cùng với sách Sáng thế, bốn cuốn này làm thành bộ Ngũ thư, là bộ sách được người Do-thái quý trọng nhất trong Cựu ước.

1. Chúa gọi và giao sứ mạng cho Mô-sê

Ông Mô-sê thuộc chi tộc Lê-vi, một trong mười hai cho tộc phát xuất từ Gia-cóp. Khi mới sinh, bị bỏ trôi sông, nhưng được công chúa Ai-cập rước về nuôi. Oâng lớn lên trong triều đình Ai-cập, nhưng một ngày kia, vì bênh một người đồng bào, ông lỡ tay giết một người Ai-cập, nên phải trốn vào sa mạc. Khi đang làm nghề chăn chiên ở đó, ông được Thiên Chúa hiện ra trên núi Xi-nai giao cho ông sứ mạng trở về Ai-cập để giải thoát và đưa dân Ít-ra-en (tức dòng dõi Gia-cóp) ra khỏi nước ấy. Chúa cũng cho biết tên Ngài là Gia-vê, nghĩa là Đấng hằng hữu (Xh 3).

2. Mô-sê đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập

Lãnh sứ mạng, ông Mô-sê trở về Ai-cập và xin vua nước ấy cho dân Ít-ra-en ra đi, vào sa mạc tế lễ Chúa. Vua không nghe. Vì thế Chúa cho ông giáng xuống Ai-cập một loạt tai họa (Xh 7-10). Tai họa sau cùng là các con đầu lòng của Ai-cập phải chết. Trước đó, dân Ít-ra-en đã được chỉ thị mỗi nhà giết một con chiên, lấy máu bôi lên khung cửa các nhà họ ở, để nhờ máu đó mà thoát khỏi tai họa. Thịt chiên thì nướng để ăn trong bữa tiệc Vượt qua là nghi lễ kỷ niệm việc Chúa cứu dân (chương 12). Sau cùng, vua Ai-cập nhượng bộ và cho dân ra đi. Nhưng rồi vua lại tiếc và cho binh mã đuổi theo. Khi đó dân Ít-ra-en được Chúa cho đi qua Biển Đỏ ráo chân, còn người Ai-cập bị chếr chìm trong đó (chương 14-15).

3. Giao ước với Chúa tại núi Xi-nai

Sau khi qua biển đỏ, ông Mô-sê đưa dân đến núi Xi-nai. Tại đây Chúa xuất hiện và dùng ông làm trung gian để lập giao ước với dân Ít-ra-en, nghĩa là Chúa nhận họ làm dân thánh thuộc riêng về Ngài, còn dân nhận Chúa làm Chúa mình thờ, không thờ một thần nào khác (Xh 19). Để giúp họ sống xứng đáng là một dân đã giao ước với Chúa, Chúa ban cho họ những lề luật, chính yếu là mười điều răn quy định những bổn phận của con người đối với Chúa và đối với tha nhân (chương 20). Giao ước giữa Chúa và dân Ít-ra-en được thiết lập long trọng tại núi Xi-nai; ông Mô-sê đọc cho dân nghe những quy định của Chúa, dân cam kết sẽ giữ, và ông lấy máu những con bò đã được sát tế rảy một phần lên dân, một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Chúa, để chỉ rằng từ nay Chúa và dân liên kết với nhau thành một cộng đồng sống (chương 24).

4. Trên đường về đất hứa

Sau đó ông Mô-sê đưa dân đi về miền đất Chúa đã hứa ban với các tổ phụ. Vì không vâng lời Chúa, Ít-ra-en đã không được vào đất đó ngay, mà phải lang thang trong sa mạc bốn mươi năm như những người du mục. Trong thời gian này, họ nhiều lần phạm tội nhưng đồng thời cũng được kinh nghiệm về lòng thương yêu săn sóc của Chúa.

Ngay khi còn ở núi Xi-nai, họ đã phạm tội thờ con bò vàng. Nhiều lần khác, khi thiếu ăn, thiếu uống hay gặp những khó khăn dọc đường, họ lẩm bẩm kêu trách Chúa và ông Mô-sê, người đại diện Chúa. Có những lần Chúa ra tay để trừng phạt cảnh cáo, nhưng nhờ lời ông Mô-sê cầu bầu, Chúa lại tha. Dẫu sao, Chúa vẫn ban cho dân đồ ăn (chim cút, man-na), thức uống (nước từ tảng đá vọt ra), và che chở họ khi gặp nguy hiểm.

Sau cùng, ông Mô-sê dẫn họ tới bờ phía đông sông Gio-đan biên giới đất hứa. Nhưng ông chết trước khi đưa họ qua sông (Đệ nhị luật. 34).

5. Gương ông Mô-sê

Ông Mô-sê để lại cho chúng ta tấm gương một con người hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ gặp gỡ Chúa trong nơi thanh vắng, ông đã có một ý thức sâu xa về sự cao cả tuyệt đối của Chúa mà con người phải thờ lạy và triệt để phục tùng. Do đó ông có một niềm tin vững chắc vào Chúa, khiến ông kiên trì chu toàn sứ mạng Chúa giao phó, cho dù gặp khó khăn thử thách. Mặt khác ông gần Chúa, mà không vì thế mà xa dân, trái lại rất gắn bó và liên đới với dân, cả khi dân lẩm bẩm kêu trách ông hoặc phạm tội mất lòng Chúa; vì thế ông đã cầu thay nguyện giúp cho dân. Lòng tin và tinh thần phục vụ của ông đáng cho ta theo đòi bắt chước.

6. Thời Xuất hành với chúng ta

Phụng vụ Giáo hội năng nhắc tới những biến cố thời Xuất hành, nhất là trong mùa Chay và mùa Phục sinh (đặc biệt trong Tuần Thánh). Làm như thế, Giáo hội muốn ta hiểu rằng những biến cố ấy không phải chỉ là những gì đã qua, nhưng còn là hình ảnh tiên báo những gì Thiên Chúa vẫn thực hiện cho ta.

Quả vậy, như dân Ít-ra-en xưa làm nô lệ Ai-cập, loài người chúng ta làm nô lệ Xa-tan và tội lỗi. Nhưng như máu con chiên xưa đã cứu Ít-ra-en, Chúa Ki-tô là Con chiên vượt qua mới đã hy sinh trên thập giá, lấy máu mình cứu chúng ta khỏi chết. Như dân Ít-ra-en xưa đi qua Biển Đỏ, chúng ta cũng được đi qua dòng nước thanh tẩy trong đó tội lỗi chúng ta bị nhận chìm, còn chúng ta được giải thoát và trở thành dân thánh, dân thuộc riêng về Thiên Chúa. Như giao ước Xi-nai xưa được thiết lập bằng máu các con vật, Chúa Ki-tô cũng đổ máu mình ra để thiết lập gia ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Như dân Ít-ra-en xưa tiến về Đất hứa, chúng ta cũng cùng nhau tiến về quê trời; trên đừơng đi, chúng ta cũng đựơc Chúa Ki-tô là ông Mô-sê mới lãnh đạo, được luật Tin mừng hướng dẫn, được Chúa ban nước là lời Chúa và ơn Chúa bồi bổ, nhất là được Mình Táhnh Chúa ki-tô là bánh bởi trời, là Man-na nuôi dưỡng: nhờ đó ta được vững tâm mạnh sức tiến về quê hương thật.

Chính vì thế, Phụng vụ Giáo Hội năng nhắc đến các biến cố thời Xuất hành khi cử hành bí tích Thánh tẩy và Thánh Thể. Đặc biệt trong đêm vọng Phục Sinh là đêm cử hành long trọng bí tích Thánh Tẩy cho người dự tòng, Giáo hội nhắc lại việc đi qua Biển đỏ để nói rằng: chính khi đi qua nước Thánh tẩy, ta được sạch mọi tội lỗi và trở thành dân Thiên Chúa.

Tóm lại, Giáo Hội muốn ta hiểu rằng: xưa trong thời Xuất hành, dân Ít-ra-en đã thực hiện một cuộc Vượt qua từ thân phận nô lệ đến tình trạng là dân tự do của Thiên Chúa; thì nay nhờ Chúa Ki-tô Phục sinh, khi đi qua nước thanh tẩy, ta cũng thực hiện một cuộc vượt qua từ tình trạng tội lỗi đến tình trạng là dân mới của Thiên Chúa. Cuộc vượt qua này còn phải được thực hiện liên tục mỗi ngày khi ta chiến đấu với chính mình, để dứt khoát với tội lỗi, ngõ hầu sự sống mới của Chúa Ki-tô phục sinh ngày càng lớn lên trong ta, cho đến ngày ta thực hiện cuộc vượt qua cuối cùng về với Thiên Chúa.

VII. VUA ĐA-VÍT

Sau khi ông Mô-sê chết, ông Giô-suê nối nghiệp đưa dân qua sông Gio-đan vào chiếm đất hứa. Trong vòng khoảng 200 năm, các chi tộc Ít-ra-en sống tự lập ở đó mà không có một quyền bính trung ương, chỉ có những vị Thủ lãnh (thẩm phán) đứng ra cầm đầu dân khi có ngoại xâm. Về sau dân xin ông Sa-mu-en đặt cho họ một vua là vua Sao-lê. Tiếp đó là vua Đa-vít (quãng 1010-970).

1. Trước khi làm vua

Đa-vít là con út ông Giô-sê, người thành Bê-lem, thuộc chi tộc Giu-đa. Theo 1 Sa-mu-en 16, khi còn là cậu bé chăn chiên, Đa-vít đã được ông Sa-mu-en xức dầu phong làm vua. Lớn lên, Đa-vít được tuyển vào hầu cận vua Sao-lô, tham gia chiến tranh chống người Phi-li-tinh, lập được nhiều chiến công, nên được vua gả con gái cho. Nhưng rồi vua Sao-lô sinh nghi kỵ và tìm cách hại Đa-vít, nên Đa-vít phải chốn vào sa mạc.

2. Đa-vít làm vua

Trong một trận giao tranh với người Phi-li-tinh, vua Sao-lô tử trận. Chi tộc Giu-đa tôn Đa-vít làm vua; sau một thời gian, các chi tộc khác cũng làm như vậy. Với những khả năng và đức tính sẵn có (sự khôn khéo, lòng tốt, lòng dũng cảm), Đa-vít đã thành công. Oâng đã chiến thắng người Phi-li-tinh và các dân chung quanh (Ê-đôm, Mô-áp, A-ram, Am-môn), mở rộn bờ cõi Ít-ra-en. Oâng cũng bắt đầu tổ chức hành chánh. Đặc biệt, ông đã chiếm Giê-ru-sa-lem (cho đến bây giờ vẫn ở trong tay người ngoại) và đặt làm kinh đô.

3. Đa-vít với Thiên Chúa

Đa-vít rất có lòng với Chúa. Sau khi chiếm được Giê-ru-sa-lem ông đã rước hòn bia giao ước (trong có hai bia đá ghi mười điều răn, đã có từ thời dân đi trong sa mạc) về đó, khiến từ nay thành ấy không những là thủ đô chính trị mà còn là trung tâm tôn giáo, nơi các chi tộc về để thờ Chúa.

Đa-vít có khiếu về ca nhạc (truyền thống Kinh Thánh cho rằng ông là tác giả của tập Thánh vịnh), ông tổ chức lễ nhạc tại nơi đặt hòm bia. Oâng còn có ý định xây một đền thờ kính Chúa. Nhưng Chúa sai tiên tri Na-than đến nói với ông: không phải ông sẽ xây nhà (tức là đền thờ) cho Chúa, nhưng chính Chúa sẽ xây nhà cho ông, tức là cho dòng dõi ông được mãi mãi thừa kế ngai vàng (2 Sa-mu-en 7).

Tuy vật Đa-vít cũng có những khuyết điểm và lỗi lầm. Đáng kể nhất là ông đã phạm tội ngoại tình với vợ một viên tướng, rồi còn bầy mưu độc để giết ông này. Ngôn sứ Na-than được lệnh Chúa đến vạch tội Đa-vít. Đa-vít khiêm nhường nhận tội và sám hối để xin Chúa tha (2 Sa-mu-en 11-12).

4. Cuối đời Đa-vít

Về cuối đời Đa-vít có nhiều chuyện lộn xộn ngay trong chính hoàng cung. Thậm chí một con trai ông là Áp-sa-lom làm loạn, khiến lúc đầu Đa-vít phải bỏ Giê-ru-sa-lem chạy, nhưng sau loạn này cũng dẹp được. Khi về già, Đa-vít cho xức dầu phong Sa-lô-môn làm vua, để phòng ngừa những sự tranh chấp có thể xảy ra sau khi ông chết.

5. Gương vua Đa-vít

Đa-vít là một nhân vật dễ mến. Ông có nhiều đức tính nhân bản cao đẹp, như lòng trung thành, biết ơn, quảng đại, thứ tha, trọng lời hứa.v..v.. Trong thái độ đối với Thiên Chúa, ông cũng có thể làm gương cho ta: lòng đạo đức chân thành, không sợ dư luận , luôn tin tưởng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong những bước gian nan của cuộc đời. Mặc dầu, vì yếu đuối, ông đã sa ngã, nhưng chính thái độ thành thật nhận lỗi và sám hối của ông là một gương cho ta.

6. Đa-vít trong Kinh Thánh

Oâng được Chúa khen: “Đa-vít là tôi trung của Ta, đã giữ các lệnh Ta truyền, đã hết lòng theo Ta và chỉ làm điều vừa ý Ta” (1 Các vua 14,8). Các sách Cựu ước cũng năng nhắc tới lời Chúa hứa cho Đa-vít qua ngôn sứ Na-than. Trong chiều hướng đó, các ngôn sứ về sau, nhất là I-sa-I-a, cũng nói về một người dòng dõi Đa-vít sẽ lên trị vì trong công lý và hoà bình vĩnh cửu (xem dưới đây, Bài 8, số 3).

Cuối thời Cựu ước, người Do-thái càng tha thiết trông đợi Đấng Mê-si-a, vị Cứu tinh thuộc dòng dõi Đa-vít. Theo Tân ước, Đức Giê-su chính là người con cháu Đa-vít, và đáp ứng lòng trông đợi của Ít-ra-en (Mt 1,1; 9,27; Lc 1,31-32, v..v..).

VIII. CÁC NGÔN SỨ

Đa-vít chết đi, Sa-lô-môn lên nối ngôi (970-931). Ông nổi tiếng là người khôn ngoan. Thành tích đáng kể nhất của ông là xây đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng dân bất mãn vì đóng góp quá nhiều cho triều đình, nên sau khi Sa-lô-môn chết, một số chi tộc ly khai. Từ đó có hai vương quốc: Ít-ra-en phía bắc và Giu-đa phía nam. Nước Ít-ra-en rồi sẽ bị tiêu diệt năm 721, nước Giu-đs năm 587. Trong thời các vua, Chúa sai các vị ngôn sứ đến với dân, để giúp họ nhận ra Chúa và sống trung thành với giao ước Xi-nai.

1. Ngôn sứ là gì?

Ta thường gọi các ông là “tiên tri”, nghĩa là người biết trước tương lai. Quả thật, các ông có tiên báo một số việc thuộc tương lai gần và tương lai xa hơn. Nhưng nhiệm vụ chính yếu của các ông là đối với hiện tại thời các ông: các ông là: “ngôn sứ”, nghĩa là sứ giả thay mặt Chúa nói lời của Chúa cho dân. Dựa vào những đòi hỏi của giao ước Xi-nai, các ông vạch trần tội lỗi của dân (như: thiếu tin tưởng vào Chúa, thờ tà thần, tôn giáo vụ hình thức, thiếu công bằng và bác ái v..v..), hăm đe những hình phạt Chúa có thể gởi đến vì các tội đó; mặt khác các ông khuyên nhủ dân phải làm gì cho đúng ý Chúa, và đôi khi hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.

Chúng ta sẽ nói về một số ngôn sứ quan trọng hơn.

2. Thế kỷ IX: Ê-li-a

Ngôn sứ Ê-li-a là người sống khắc khổ, thích ở nơi hoang vắng để gặp gỡ Chúa. Ông hoạt động tại nước Ít-ra-en vào quãng năm 850. thời ấy có bà hoàng hậu gốc ngoại quốc đem vào nước việc thờ cúng thần Ba-an và bắt bớ đạo Gia-vê. Vì thế, Ê-li-a đứng lên bảo vệ đạo Chúa. Ông tổ chức một cuộc tế lễ trên núi Các-men để cho dân thấy rõ: Gia-vê là Chúa của Ít-ra-en, chứ không phải Ba-an (1 Các vua, 18). Sau đó ông đi qua sa mạc đến núi Kho-rép (Xi-nai) để tìm về nguồn của giao ước giữa Chúa và dân; tại đây Chúa xuất hiện và sai ông đi tiếp tục sứ mạng (chương 19). Oâng là người thiết tha với Chúa, chỉ sống cho Chúa, nhưng vì Chúa, ông cũng tranh đấu cho công bình: nhân danh Chúa ông mạnh dạn tố cáo chính vua và hoàng hậu đã giết một thuờng dân để chiếm mảnh vườn của người này (chương 21).

Cuộc đời Ê-li-a kết thúc cách bí nhiệm: Kinh Thánh nói ông được Chúa đưa đi mất (2 Các Vua. 2). Do đó, người Do-thái thời sau trông đợi ông trở lại để dọn đường cho Đấng Mê-si-a.

3. Các ngôn sứ thế kỷ VIII

Tại nước Ít-ra-en có các ngôn sứ A-mốt và Hô-sê. A-mốt tố cáo những bất công xã hội và đả kích tôn giáo vụ hình thức. Hô-sê nói lên tình thuơng của Chúa: ông ví giao ước giữa Chúa và dân Ít-ra-en như một cuộc hôn nhân; mặc dầu dân đã bất trung, bỏ Chúa mà đi theo các thần, ví tựa một người vợ ngoại tình, nhưng Chúa vẫn thương và sẵn sàng tha thứ.

Tại nước Giu-đa có ngôn sứ I-sai-a. trong một buổi cầu nguyện tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, ông được thấy Chúa; Chúa thanh tẩy môi miệng ông và sai ông đi  làm ngôn sứ (I-sa-I-a 6). Trong bài ca về vườn nho (5,1-7) ông ví dân như một vườn nho được vun trồng  săn sóc nhưng lại sinh những trái nho chua, vì thế sẽ bị để cho phải tan hoang; ý nói dân được Chúa ưu đãi nhưng lại sống không xứng đáng nên sẽ bị trừng phạt.

Thời đó nước Giu-đa bị đe doạ do các cuộc xâm lăng của nước ngoài, nhất là của đế quốc Át-si-ri đang bành trướng. I-sai-a bảo dân cứ vững tin vào Chúa thì sẽ đứng vững. Để bảo đảm cho ơn cứu thoát, Chúa cho một dấu: một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, đặt tên là Em-ma-nu-en (tên này có nghĩa là:Thiên Chúa ở với chúng ta; chuơng 7). Ông cũng nói: dân đang bị áp bức sẽ được giải thoát, một người thuộc dòng dõi Đa-vít, mang danh hiệu là Thủ lãnh hoà bình, sẽ đập tan chiến tranh và lên trị vì trong hòa bình vĩnh cửu (9,1-6). Vị đó sẽ được Chúa ban đầy đủ ơn Thần khí, sẽ xét xử công minh và tái lập sự hoà hợp giữa muôn loài trong vũ trụ (11,1-9). Trong các vua thuộc dòng dõi Đa-vít, không có ai thực hiện đầy đủ những lời hứa trên đây. Tân ước và truyền thống Ki-tô giáo cho thấy rằng những lời đó chỉ ứng nghiệm hoàn toàn nơi Chúa Ki-tô.

4. Các ngôn sứ thế kỷ VII

Nước Ít-ra-en đã bị tiêu diệt năm 721, thời này chỉ còn nước Giu-đa. Nước này gặp nhiều khó khăn nội bộ, bên ngoài lại bị đế quốc Ba-bi-lon đe dọa. Năm 587, thành Giê-ra-sa-lem thất thủ, đền thờ bị phá hủy, dân bị đầy sang Ba-bi-lon.

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã hoạt động trong những năm sau cùng của nước Giu-đe. Khi còn trẻ, ông được Chúa gọi làm ngôn sứ và ban lời Chúa cho ông để nói với dân; do tính tình nhút nhát, dễ chán nản, ông thoái thác trước nhiệm vụ khó khăn, nhưng Chúa bảo đi và hứa sẽ ở với ông để giúp ông (Giê-rê-mi-a 1).

Theo đường hướng của ngôn sứ Hô-sê, Giê-rê-mi-a nhắc lại: Chúa yêu thương dân Ngài như cha yêu con, chồng yêu vợ; nhưng dân đã phản bội tình yêu; họ thờ các thần ngoại, không giữ luật Chúa (chương 2). Ông kêu gọi dân trở về với Chúa, ông nói: đừng tưởng rằng những hình thức tôn giáo như: chịu phép cắt bì, lên đền thờ, dâng lễ tế,.v.v... là xong bổn phận đối với Chúa và được bảo đảm cứu thoát, nhưng còn phải sống như Chúa dạy nữa; nếu dân không nghe, Chúa sẽ giáng hình phạt là ngoại xâm tàn phá và lưu đầy (chương 7). Dẫu vậy tình thuơng của Chúa không chấm dứt: Chúa sẽ phục hồi dân, sẽ cho họ trở về (31,10-14). Đặc biệt Giê-rê-mi-a nói: để thay thế cho giao ước Xi-nai mà tội lỗi dân đã phá vỡ, Chúa sẽ lập một giao ước mới, trong đó Chúa sẽ ghi khắc luật Ngài không phải trên bia đá, nhưng trong chính tâm hồn mỗi người (31,31-34). Khi đổ máu ra trên thập giá, Chúa Giê-su đẽ lập giao ước mới đó giữa Thiên Chúa và loài người.

5. Các ngôn sứ thời lưu đầy

Trong thời lưu đầy có hai ngôn sứ nâng đỡ tinh thần của dân và chuẩn bị cho cuộc phục hưng, đó là Ê-dê-ki-en và tác giả “Sách yên ủi Ít-ra-en”.

Eâ-dê-ki-en được Chúa giao nhiệm vụ ngôn sứ trong một thị kiến vĩ đại: ông được thấy xe mang ngai Thiên Chúa, Chúa cho ông ăn một cuốn sách có chép lời Chúa, ý nói ông lãnh nhận lời Chúa và nói lại cho người khác (Ê-đê-ki-en 1-3). Hoạt động của ông có hai mặt: mặt tiêu cực là tố cáo tội lỗi, đe dọa hình phạt (chương 4-10); mặt tích cực là nâng đỡ tinh thần những người lưu vong tại Ba-bi-lon bằng cách nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi cá nhân trước mặt Chúa (14,12-20; 33,10-20) và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp: Chúa sẽ cho dân như đã chết được sống lại (37,1-14), sẽ tẩy sạch tội lỗi của họ, ban Thần khí, làm cho họ một trái tim mới (36) và như người mục tử, Chúa sẽ thu họp, chăn dắt họ và đưa về quê Cha đất tổ (34).

Tác giả “Sách yêu ủi Ít-ra-en”, tức là phần thứ hai sách I-sai-a (chương 40-55), hoạt động vào cuối thời lưu đầy. Ông nhấn mạnh đến tình yêu bất diệt của Chúa đối với dân Ngài (Is 49, 14-16; 54, 4-10), do đó Ngài sẽ giải thoát họ, cho trở về quê cũ và xây dựng lại; cuộc trở về sẽ như cuộc Xuất hành xưa tái diễn (40, 1-11; 43, 16-21; 52, 11-12). Những chương này nói đến một người tôi tớ Chúa, được Chúa ban Thần khí và sai đi thi hành sứ mạng; ông gặp chống đối, bị ngược đãi và sau cùng bị giết; ông chết là vì ông mang tội của kẻ khác và chịu phạt thay cho họ, do đó ông làm cho muôn người nên công chính (42, 1-7; 49, 1-6; 50, 4-11; 52,18-53,12). Tân ước hiểu rằng người Tôi tớ ấy chính là Chúa Giê-su.

6. Sau thời lưu đày

Thời này có phần thứ ba sách I-sai-a (chương 56-66; đặc biệt chương 60-62 rất hay, nói về vinh quang của Giê-ru-sa-lem) và một số ngôn sứ khác như Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi,.v.v... Nhưng từ quãng năm 300 trở về sau thì không thấy ngôn sứ nào xúât hiện, mãi cho tới Gioan tẩy giả, là ngôn sứ sau cùng của thời Cựu ước và còn hơn ngôn sứ nữa, vì ông không những tiên báo Đấng Cứu thế mà còn trực tiếp giới thiệu Ngài khi Ngài đến: ông chính là Ê-li-a trở lại dọn đường cho Đấng Mê-si-a (Mùt 11,7-14; 17,10-13).

7. Các ngôn sứ với chúng ta

Các ngôn sứ để lại cho chúng ta gương những con người đã bị Thiên Chúa thu hút và tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa qua mọi gian nan thử thách. Lời các ngôn sứ vẫn còn giá trị cho ngày hôm nay. Các ông cho ta một ý niệm rất cao về Thiên Chúa, là chủ tể muôn loài, thánh thiện vô song, uy nghi đáng sợ, nhưng một trật đầy tình thương đối với dân Ngài. Các ông kêu mời chúng ta sống xứng đáng là dân Chúa chọn; từ bỏ tội lỗi, thực thi công bình bác ái, thật lòng theo Chúa chứ không phải chỉ giữ hình thức tôn giáo bên ngoài. Làm như vậy, chúng ta sẽ sẵn sàng đón rước Đấng Cứu Thế khi Ngài trở lại trong vinh quang.

IX. CÁC SÁCH KHÔN NGOAN

1. Loại văn khôn ngoan

Các sách Cựu ước đã học trên đây thuộc loại văn lịch sử hoặc ngôn sứ. Cựu ước còn có loại văn khôn ngoan (cũng gọi là loại văn giáo huấn, trí tuệ hay triết minh), là kết tinh của những suy tư về thân phận con người, về hạnh phúc cuộc đời. Các suy tư này nhiều khi có một nhãn giới thực tế như: làm thế nào để thành công ở đời; nhưng cũng có khi đặt những vấn đề cao siêu hơn, như: tại sao có đau khổ, báo ứng thưởng phạt ở chỗ nào .v.v..Đó là câu hỏi vẫn được đặt ra trong mọi dân tộc. Tại Việt-Nam, những suy tư đó kết tinh lại trong ca dao tục ngữ. Vì thế ta không lạ nếu thời xưa tại Ít-ra-en cũng có loại văn chương tương tự, tuy ở đây ngoài kinh nghiệm tự nhiên còn có ánh sáng đức tin soi sáng cho các câu trả lời.

2. Sách Châm ngôn

Sách này có nhiều phần thuộc nhiều thời khác nhau. Những phần cổ nhất (chương 10-22; 25-29) gồm những câu châm ngôn ngắn. Những câu này có những nhận xét thực tế về nhân tình thế thái, đôi khi châm biếm, khôi hài (ví dụ về người biếng nhác: 19,24; 20,4; 22,13; 28,13-16; về người đàn bà khó tính: 21,9-19; 27,15); nhiều câu rất giống ca dao tục ngữ Việt Nam.

Những đức tính mà sách Châm ngôn đề cao, nhiều khi không có tính cách tôn giáo (như: chăm làm, lịch sự, mực thước, ngay thẳng,… ), nhưng cần thiết vì làm thành nền tảng tự nhiên trên đó có thể xây dựng đời sống siêu nhiên vững chắc.

3. Sách Gióp

Đây là một kiệt tác trong văn chương thế giới, nói lên cách thống thiêt thân phận đau khổ của con người. Sách kể truyện ông Gióp, một người lắm của nhiều con và có lòng kính sợ Chúa. Chúa cho phép Xa-tan thử lòng trung tín của ông bằng cách làm cho ông mất hết của cải, con cái và bản thân ông bị bệnh ghê tởm. Dẫu vậy ông vẫn chấp nhận ý Chúa (1,21; 2,10). Có ba người bạn ở phương xa đến chia buồn. Khi ông than vãn kêu khổ, họ tranh luận với ông: họ cho rằng ông bị tai hoạ là bởi vì ông có tội với Chúa nên Chúa phạt; nhưng Gióp không chịu, cứ nằng nặc phân phô mình vô tội. Trong những lời than khổ thấm thía nhất của Gióp, có thể kể đến chương 3; 10; 14. Ở chương 19, Gióp cũng kêu khổ nhưng vẫn còn một nì6m tin tưởng bất diệt: sau cùng Chúa sẽ đứng lên minh oan cho ông, và ông sẽ được thấy Ngài (câu 25-27). Ơû cuối sách, Chúa xuất hiện, trách Gióp ngạo mạn muốn tìm hiểu mầu nhiệm của Chúa. Gióp chịu phục và lại được Chúa ban hạnh phúc như xưa.

Sách Gióp cho ta hiểu nỗi khắc khoải của con người trong đau khổ. Chính Chúa Giê-su cũng đã uống cạn chén đắng của kiếp người, nhờ đó Ngài giúp ta không những hiểu giá trị của đau khổ mà còn chấp nhận trong niềm tin.

4. Sách Giảng viên

Sách này nói lên một tiêu cực khác của kiếp người; mọi sự là phù vân. Tác giả kiểm điểm tất cả những gì có thể đem lại hạnh phúc cho con người, như khoái lạc, giàu sang và sự khôn ngoan, mà chỉ thấy tất cả là phù vân và không thoả mãn. Đằng khác, công lý hình như cũng không có, và đời người chỉ là một chuỗi việc không thay đổi (1, 3-11), kết cục là tuổi già và cái chết (11,7-12,7). Tác giả vẫn biết rằng Chúa dẫn dắt mọi sự, nhưng ông không tìm được câu trả lời thỏa đáng về ý nghĩa cuộc sống, chỉ đưa ra một kết luận thực tế; ta phải chịu đựng, làm việc, coi tất cả là ân huệ Chúa ban, và hưởng dùng (2,24-26; 3,12-13.22; 5,17-19; 8,15; 9,7-9; 11,8-10), nhưng vẫn không quên rằng Chúa sẽ xét xử ta về những việc đó.

Sách giảng viên có vẻ bi quan và tiêu cực. Nhưng chính ở chỗ đó đã sửa soạn tâm hồn người Do-thái đón nhận mạc khải Tân ước, bằng cách cho thấy lòng con người có những khát vọng vô biên mà không chi có thể lấp đầy, ngoài mối hy vọng siêu nhiên mà Tin Mừng Chúa Ki-tô mang lại.

5. Sách Diễm ca

Diễm ca (cũng gọi là Nhã ca, Diễm tình ca) thực sự không phải sách thuộc loại khôn ngoan, nhưng là một tập thơ  nói về tình yêu; một đôi trai gái vượt qua những trắc trở để tìm kiếm nhau, họ nhìn ngắm vẻ đẹp của nhau và muốn được thuộc trọn về nhau. Tình yêu này, theo truyền thống Do-thái, là tượng trưng tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài; theo Ki-tô giáo, là tượng trưng sự kết hợp của Chúa Ki-tô với Giáo Hội, hay với mỗi tâm hồn: tâm hồn phải luôn luôn thao thức tìm Chúa, không chán nản vì sa ngã, cũng không thỏa mãn vì đã được Chúa, nhưng luôn tìm kết hiệp hoàn toàn và hạnh phúc bất diệt với Ngài.

6. Sách Huấn ca

Tác giả là Giê-su, con ông Xi-ra, viết sách này vào đầu thế kỷ II trước công nguyên, khi người Do-thái đang bị văn hoá và tôn giáo Hy-lạp lôi cuốn, để đề cao cái hay, cái đẹp của Ít-ra-en, như liều thuốc giải độc trước những trào lưu mới. Sách này đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống; thái độ đối với Thiên Chúa (tin tưởng, thờ phượng với lòng thành), đối với bản thân, (tránh tội, lạc quan, khôn ngoan, dè dặt), đối với tha nhân (gia đình, bè bạn, xã hội).

Tác giả huấn ca vừa nghiêm nghị vừa lạc quan, ông đã tìm được một thế quân bình giữa lòng đạo đức tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự tín nhiệm vào khả năng tự nhiên của con người. Đó là một lý tưởng ta cũng phải vươn tới.

7. Sách khôn ngoan

Sách này cũng gọi là sách khôn ngoan của Sa-lô-môn, được soạn vào quãng năm 80 trước công nguyên, vì thế là cuốn sách sau cùng của Cựu ước. Sách Khôn ngoan có một đóng góp quan trọng về đạo lý. Quan niệm thông thường trong Cựu ước cho rằng, sau khi chết, mọi người, tốt cũng như xấu, đều phải xuống âm phủ, là một nơi tối tăm buồn thảm, trong đó người ta không còn ca tụng Chúa được nữa và cũng bị Chúa quên đi. Mãi đến quãng năm 160-150 trước công nguyên, sách Đa-ni-en và sách Ma-ca-bê thứ 2 mới nói: người ta sẽ sống lại để được thưởng công hay bị phạt tội. Trong chiều hướng đó, sách Khôn ngoan nói: linh hồn kẻ lành sẽ được sống mãi mãi với Thiên Chúa. (2,23-3,9).

Tiếp theo Châm ngôn chương 8 và Huấn ca chương 24, sách Khôn ngoan cũng hình dung đức khôn ngoan như một ngôi vị nguồn gốc cao siêu, hoạt động thâm thúy, rất gần với Thiên Chúa (7,22-8,1). Những lời này chuẩn bị cho mạc khải Tân ước về Đức Ki-tô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

X. CÁC THÁNH VỊNH

1. Bộ Thánh vịnh

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với con người. Sau khi nghe Chúa nói, con người đáp lại bằng lời cầu nguyện. Trong Cựu ước, ta có một số lời cầu nguyện rải rác trong các sách, như bài ca của Mô-sê (Xuất hành 15), của An-na, mẹ của ông Sa-mu-en (1 Sa-mu-en 2,1-10), của Đa-vít (2 Sa-mu-en.22) ..v..v. Lại có cả một cuốn sách chỉ có những lời cầu nguyện; đó là tập Thánh Vịnh. Tập này gồm có 150 bài đã đựơc gom lại thành một tập để dùng trong phụng vụ Do-thái, nhất là trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, sau thời lưu đày.

Về cách đánh số thứ tự các thánh vịnh, có sự khác biệt giữa bản Híp-ri một bên, với bản Hy-lạp và bản La-tinh một bên. Đại khái có thể nói: ngoài 8 Thánh vịnh đầu (Tv 1-8) và 3 Thánh vịnh cuối (Tv 148-150 ) mang số thứ tự giống nhau, còn những Thánh vịnh khác thì số thứ tự theo bản Híp-ri (dùng trong các sách nghiên cứu) cao hơn số thứ tự theo bản Hy-lạp và La-tinh (dùng trong các sách Phụng vụ) một đơn vị. Ví dụ: Thánh vịnh “Chúa là Mục từ chăn dắt tôi” là Thánh vịnh 23 theo bản Híp-ri, Thánh vịnh 22 theo bản Hy-lạp; Thánh Vịnh “Từ vực sâu con kêu lên Chúa” là Thánh vịnh 130 theo bản Híp-ri, Thánh vịnh 129 theo bản Hy-lạp. Dưới đây, khi dẫn một Thánh vịnh, chúng tôi cho số theo bản Híp-ri trước, số theo bản Hy-lạp sau.

2. Hình thức thơ Híp-ri

Các Thánh vịnh (cũng như  nhiều phần trong các sách Khôn ngoan và Ngôn sứ) là thơ, nhưng đọc trong một bản dịch, ta khó nhận ra. Điểm dễ nhận thấy nhất trong thơ Híp-ri là luật biền ngẫu, tức là sự đối đáp giữa hai vế trong một câu thơ (tương tự như trong một số thể thơ cũ của ta).

- Khi thì về sau lập lại ý tưởng vế trước (biền ngẫu đồng nghĩa):

"Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa

Không trung loan báo việc Người làm"

(Tv.19/18,2)

- Khi thì vế sau có ý tưởng ngược lại vế trước (biền ngẫu đối nghĩa):

"Phận đói nghèo, Chúa ban của đầy dư

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng"

(lu-ca 1,53)

- Khi thì vế sau bổ túc ý tưởng vế trước (biền ngẫu tiệm tiến):

"Vui chừng nào khi thiên hạ bảo tôi

Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa"

(Tv.122/121,1).

Dĩ nhiên hình thức thơ không đủ để làm nên một bài thơ hay, nhưng còn phải có những yếu tố khác, như: cảm xúc của thi nhân, những so sánh, những hình ảnh, là những cái ta gặp trong Tv.42/41; 126/125; 137/136  chẳng hạn.

3. Các loại Thánh vịnh

Người ta đã nhận thấy có những Thánh vịnh có đề tài hoặc khuôn khổ giống nhau. Dựa vào đó người ta đã phân loại các Thánh vịnh, giúp ta học hỏi dễ dàng hơn. Đây là những loại Thánh vịnh chính:

a) Thánh vịnh bán tụng : Ca tụng Thiên Chúa vì bản tính của Ngài (cao cả, công minh, nhân từ...v… ) hoặc vì những việc Ngài làm (trong vũ trụ, trong lịch sử Ít-ra-en, đối với kẻ nghèo hèn). Ví dụ: Tv. 8; 114/113A; 136/135. Vào loại này cũng có thể kể các Thánh vịnh ca tụng Giê-ru-sa-lem là thành đô Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự. Ví dụ: Tv. 122/121.

b) Thánh vịnh van xin : là lời của người gặp gian nguy hoặc đau khổ, than van kể khổ và xin Chúa cứu giúp. Ví dụ: Tv. 42/41; 51/50; 130/129. Có những Thánh vịnh van xin của cộng đồng. Ví dụ: Tv. 137/136; 126/125.

c) Thánh vịnh tín nhiệm: Nói lên lòng tin tưởng vững vàng nơi Chúa. Ví dụ: Tv. 16/15; 23/22.

d) Thánh vịnh tạ ơn: cảm tạ Chúa vì đã được thoát khỏi nguy hiểm. Ví dụ: Tv. 116/114-115. Thánh vịnh tạ ơn Chúa của cộng đoàn: Tv. 118/117.

e) Thánh vịnh vương đế : ca tụng các vua lịch sử hoặc cầu cho vua nhân dịp đăng quang, hôn lễ, thắng trận..v…v Các Tv này còn nhằm đến một Đấng Mê-si-a xa hơn các vua lịch sử. Ví dụ: Tv. 72/71; 110/109; 45/44.

f) Thánh vịnh giáo huấn : Có nhiều liên hệ với các sách Khôn ngoan (x. Bài 9) vì cũng suy nghĩ về thân phận con người, khuyên nhủ sống đạo đức. Ví dụ: Tv. 15/14; 112/111; 119/118.

4. Người Ki-tô hữu đọc Thánh vịnh

Giáo hội dùng Thánh vịnh rất nhiều trong Phụng vụ: trong Thánh lễ, bài đáp ca suy niệm sau bài đọc 1 luôn luôn là mấy câu Thánh vịnh; trong các giờ kinh nhật tụng, Thánh vịnh là phần chính yếu. Muốn sử dụng Thánh vịnh cách hữu ích, ta phải học hỏi các loại Thánh vịnh, các từ ngữ, điển tích. Rồi khi đọc, ta không đọc nhân danh cá nhân mà nhân danh Giáo hội, là thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô, để cùng vui buồn, ca tụng cảm tạ với Giáo hội. Đặc biệt ta phải “Ki-tô hoá” các Thánh vịnh, nghĩa là ta không nguyên hiểu Thánh vịnh như ý nghĩa trong Cựu ước, mà hiểu với một ý nghĩa dồi dào hơn, bởi vì Tân ước đã cho chúng ta được biết sâu xa, đầy đủ hơn về Thiên Chúa và hành động của Ngài. Do đó truyền thống Giáo hội đọc thấy trong các Thánh vịnh lời kinh nói về Chúa Ki-tô hoặc lời kinh của Chúa Ki-tô dâng lên Chúa Cha, mà chúng ta ở trong Ngài cũng có thể dâng lên Chúa Cha. Đây là vài ví dụ:

- Thánh vịnh 22/21 là lời của một người thốt ra trong lúc khốn khổ để van xin Chúa giúp và tỏ lòng trông cậy vào Ngài. Ta đọc Thánh vịnh này cùng với Chúa Ki-tô trong cuộc thương khó của Ngài; than van, cậy trông và vui mừng vì nhờ đó muôn dân sẽ được cứu thoát.

- Thánh vịnh 114/113A ca tụng những kỳ công Chúa đã thực hiện trong thời Xuất hành để cứu Ít-ra-en và cho trở nên dân Thánh của Ngài. Ta đọc để ca tụng tình thương của Chúa đối với Ít-ra-en mới là chúng ta, vì Ngài đã cho ta đi qua Biển Đỏ là Bí tích Thánh tẩy để giải thoát ra khỏi vòng nô lệ ma quỷ và cho trở thành dân của Ngài.

- Thánh vịnh 122/121 là lời khách hành hương lên Giê-ru-sa-lem bộc lộ niềm vui và lòng yêu mến thành thánh. Ta cũng vui mừng vì được ở trong Giê-ru-sa-lem mới là Giáo Hội và được hân hoan tiến về Giê-ru-sa-lem thiên quốc.

THAY LỜI KẾT

Công đồng Va-ti-ca-nô II đã tóm lược những nét chính và hướng đi của Cựu ước như sau:

“Nhờ Lời, Thiên Chúa đã tạo thành và bảo tồn mọi sự. Ngài làm chứng cho người ta biết chính Ngài qua các loài thọ tạo. Hơn nữa, vì muốn mở đường cứu độ siêu nhiên, Ngài đã cho nguyên tổ biết Ngài ngay từ khởi thủy. Sau khi họ sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu độ, Ngài đã nâng họ lên tới hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại để ban sự sống đời đời cho những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách bền chí làm điều lành. Đến kỳ hạn, Ngài đã kêu gọi Áp-ra-ham để làm cho dòng dõi ông trở nên một dân lớn. Sau thời các tổ phụ, Ngài đã dùng Mô-sê và các Ngôn sứ để dạy cho dân này biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là Thẩm phán chí công và để dạy dỗ họ trông đợi Đấng Cứu thế Ngài đã hứa. Như thế, qua các thời đại, Ngài đã chuẩn bị cho Tin Mừng”.

(Hiến chế về mạc khải của Thiên Chúa, số 3)