Ngũ Thư

Monday, 10 June 2019 02:18

Phải Hiểu Ba Chương Đầu Sách Sáng Thế Như Thế Nào? Featured

Germain Phùng Nhẫn

 

I. DẪN NHẬP

Để hiểu được đầy đủ và chính xác tính lịch sử của ba chương đầu sách Sáng Thế, trước hết, không những chúng ta phải đọc ba chương này dưới một cái nhìn tổng thể của toàn bộ cuốn sách Sáng Thế mà còn phải có cái nhìn xuyên suốt trong toàn khối Cựu Ước và Tân Ước bởi lẽ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi dân Israel xuyên qua mọi thời đại và muôn thế hệ. Do đó, ba chương đầu sách Sáng Thế là một khởi điểm mà Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình cứu độ của Người. Trong ba chương đầu đó tác giả Thánh Kinh trình bày cho chúng ta thấy về hai trình thuật sáng tạo của Thiên Chúa vào lúc khởi đầu của chương trình tạo dựng. Mặc dầu hai trình thuật được tác giả trình bày dưới hai quan điểm, hai truyền thống khác nhau, nhưng nội dung chính vẫn nhằm chuyển tải và khai mở về một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vẫn nhằm xác quyết Thiên Chúa như Đấng sáng tạo duy nhất và tuyệt đối, cũng như muốn giải đáp một số vấn đề về nguồn gốc vũ trụ và con người, vấn đề tội lỗi, hạnh phúc, đau khổ, sự dữ,... Nhìn chung St 1,1-2,4a là trình thuật về cuộc sáng tạo thứ nhất và St 2,4b-3,24 là trình thuật về sáng tạo Ađam và Evà, về việc nguyên tổ bị cám dỗ, bị chúc dữ, bị đày,… Do đó, trước khi trình bày về sự hiểu biết tính lịch sử của ba chương này, chúng ta cùng tìm hiểu và khai mở một vài yếu tố liên quan.

II. MỘT SỐ YẾU TỐ CẦN GHI NHẬN

1. Hình Thức Văn Chương

Khi tìm hiểu về nguồn gốc vũ trụ nơi các huyền thoại cổ đại, chúng ta gặp thấy một số nét tiêu biểu tương đồng với hai trình thuật sáng tạo trong ba chương đầu của sách Sáng Thế. Trình thuật St 1,1-2,4a có lẽ được biên soạn vào giai đoạn lưu đày tại Babylon, khoảng thế kỷ VI TCN. Lối hành văn trừu tượng, khô khan, ngắn gọn, nhưng mang ý nghĩa thần học hơn. Trình thuật Thánh Kinh thứ hai về sáng tạo được biên soạn ở thời các Vua, khoảng năm 1.000 đến 900 TCN. Trình thuật này được mệnh danh là “Yahviste” vì một lý do đơn giản là đã dùng tước hiệu Giavê để gọi Thiên Chúa. Lối hành văn rất sống động, dùng nhiều hình ảnh và biểu tượng để trả lời cho một số vấn đề rất thời thượng ở thời đó về nguồn gốc vũ trụ và số phận con người. Tác giả giới thiệu một cách tóm tắt nguồn gốc vũ trụ và lịch sử nhân loại, làm như phần dẫn nhập cho hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử Israel. Dựa trên niềm tin truyền thống của Israel và vận dụng nhiều kho tàng huyền thoại của các dân tộc vùng Lưỡng Hà, trình thuật diễn tả Thiên Chúa như Đấng sáng tạo con người và vũ trụ, với nhiều biểu tượng và hình ảnh, mang nặng tính chất thần thoại. Điều đó cho ta thấy tác giả Thánh Kinh Cựu Ước đã vay mượn ngôn ngữ, hình ảnh và những câu chuyện tạo dựng của các dân tộc lân cận để trình bày quan điểm về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo duy nhất, về chương trình cứu độ, về tình yêu của Người đối với nhân loại và về các vấn đề khác trong thời tạo dựng.

Mặc dầu cả hai trình thuật đều được dựa trên nhiều chất liệu có sẵn trong các nền văn hoá chung quanh và không những được lồng vào trong khung cảnh tôn giáo, văn hoá thời đó, mà còn được diễn tả theo cấp độ hiểu biết, tâm thức của người đương thời. Ngoài ra, tác giả đã mô phỏng theo các câu chuyện thần thoại về tạo dựng vũ trụ, như vườn địa đàng, cây trường sinh, con rắn … trong cổ văn và nghệ thuật Lưỡng Hà để giải thích nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc con người, vấn đề tỗi lỗi, hạnh phúc, đau khổ, sự dữ…

2. Nội Dung và Mục Đích Chuyển Tải

Mặc dầu tác giả Kinh Thánh đã vay mượn nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề tạo dựng của các dân tộc lân cận thời đó, các trình thuật sáng tạo vẫn chứa đựng nhiều quan niệm độc đáo, hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo và các nền văn hoá lân cận. Chủ đích của tác giả là muốn khởi đi từ biến cố giải thoát khỏi tình trạng nô lệ và kinh nghiệm tôn giáo độc đáo của Israel để lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, sự hiện hữu của khổ đau và ơn cứu độ. Đây không phải là một lối trình bày khoa học về tiến trình tạo dựng, mà chỉ là một cái nhìn thần học và dựa trên quan sát tự nhiên như thường thấy nơi các nền văn hoá cổ đại. Thật vậy, đối với dân tộc Israel, sự kiện lịch sử quan trọng mang tính chất đổi đời là biến cố được Thiên Chúa giải phóng khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập.

St 1,1-2,4a là một trình thuật không mang tính nghiên cứu khoa học hay một trang lịch sử thuần tuý mà là lời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá toàn năng, toàn hảo. Còn trình thuật St 2,4b-25 muốn chuyển tải và chú trọng đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người, và thương yêu chăm sóc họ, lo cho họ đầy đủ tiện nghi để sinh sống và sống hạnh phúc. Còn trình thuật St 3,1-24 muốn nhắm tới sự sa ngã của con người đối với Thiên Chúa, tội lỗi làm cho con người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, sợ Thiên Chúa, lánh xa Thiên Chúa. Tội lỗi phá vỡ sự hoà hợp tốt đẹp giữa con người với con người, làm cho con người không làm chủ được chính mình, phá đổ trật tự hài hoà giữa con người  với vũ trụ thiên nhiên. Chung qui trình thuật muốn đề cập đến vấn đề bất trung và thiếu vâng phục của con người, kết cục là tội lỗi đã ngự trị và làm cho con người xa lìa Thiên Chúa hơn là trình bày về niên biểu, sự kiện hay những gì liên quan đến lịch sử.

Tóm lại, ba chương đầu của Sáng Thế kể lại một truyện tích, nhằm thuật lại một sự kiện có tính kỳ bí và huyền nhiệm. Sự kiện ấy nằm trong phạm vi lịch sử nói về sự tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Nhưng những cách thức trình bày của các tác giả Cựu Ước lại khác với cách thức trình bày mà các sử gia ở mọi nơi, mọi thời vẫn thường áp dụng để viết sử. Sự khác thường ấy ở chỗ các thánh sử Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng rất nhiều hình ảnh, những câu chuyện huyền thoại để chuyển tải một nội dung thánh thiêng và sâu thẳm. Bởi thế, có sự thắc mắc đặt ra là: những trình thuật này có tính cách lịch sử không?

Một mặt, ba chương đầu Sáng Thế được viết theo một cách thức hơi khác với lịch sử của con người thường hiểu nên đó cũng là lý do làm cho nhiều người thắc mắc và  nghi ngờ về tính  lịch sử của các trình thuật sáng tạo. Mặt khác, tác giả Thánh Kinh đã hợp lý khi trình bày các trình thuật sáng tạo bằng một ngôn ngữ đơn sơ, gợi hình, thích hợp với tầm hiểu biết của con người ở thời điểm đó, nhằm chuyển tải cho họ những chân lý nền tảng về nhiệm cục cứu độ, và đồng thời mô tả cách bình dân về nguồn gốc của nhân loại và dân Israel. Bởi thế, chúng ta có thể tạm hiểu tính lịch sử của ba chương đầu này như sau:

III. CÁCH HIỂU TÍNH LỊCH SỬ CỦA BA CHƯƠNG ĐẦU SÁNG THẾ

Muốn hiểu tính lịch sử của ba chương này một cách chính xác, chúng ta phải chân nhận lời xác quyết của Đức Piô XII trong thông điệp Humani Generis năm 1950 rằng: trước hết “các chương đó thuộc thể văn lịch sử, theo một nghĩa thực sự nào đó mà các nhà chú giải còn phải khảo sát và xác định hơn”. Thứ đến: “Nếu như các tác giả Kinh Thánh đã có vay mượn gì của các truyện tích bình dân, thì chúng ta cũng không bao giờ được quên rằng các thánh sử Kinh Thánh Cựu Ước đã làm như thế với sự trợ giúp và hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, nhờ đó các ông được phòng ngừa khỏi mọi sai lầm trong khi lựa chọn và phán đoán về các tài liệu”.

Bởi thế: Nếu đặt nền tảng trên hình thức văn chương, truyền thống, nội dung và mục đích mà tác giả muốn chuyển tải như đã trình bày trên để hiểu tính lịch sử của ba chương đầu sách Sáng Thế, thì chắc chắn rằng ba chương này không thể cho chúng ta một lịch sử thuần tuý khoa học theo kiểu cổ điển hay hiện đại. Ở đây tác giả Thánh Kinh Cựu Ước muốn trình bày và chuyển tải nội dung và ý nghĩa mà chỉ sử dụng hay dựa trên những câu chuyện huyền thoại và những hình ảnh tượng trưng của văn hoá, tập quán thời đó để giúp họ dễ dàng nắm bắt nội dung muốn thông đạt.

1. Một Lịch Sử Không Theo Nghĩa Khoa Học Hiện Đại

Một câu hỏi đặt ra là ba chương đầu của sách Sáng Thế có chứa đựng tính lịch sử theo nghĩa hiện đại không? Điều chắc chắn chúng ta cần ghi nhận là hai trình thuật sáng tạo trong ba chương đầu sách Sáng Thế về nguồn gốc vũ trụ và con người không phải là một tài liệu lịch sử, nếu hiểu chữ “lịch sử” theo quan niệm khoa học hiện đại.

Như thế, Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt là sách Sáng Thế nói chung và ba chương đầu nói riêng có thể gọi là “lịch sử nguyên thuỷ”, nhưng cụm từ này không hoàn toàn đúng để chỉ tính chất đặc biệt của ba chương đầu này. Một lý do khá quan trọng và thuyết phục là ba chương đó được ghi lại không phải do chính nhân chứng đương thời, hay với những truyền khẩu hoặc những tài liệu viết đồng thời với sự việc xảy ra. Đây là một lịch sử viết về nguồn gốc vũ trụ và con người theo ước đoán khoa học hiện nay là cách đây khoảng 500.000 đến 1.500.000 năm. Sau một thời gian quá dài như thế, tác giả sách Sáng Thế không thể hiểu hết và biết được về đời sống của những người tiền sử, ngoại trừ  theo giả thuyết một “mạc khải nguyên thuỷ”, là một điều khó có thể chấp nhận. Đàng khác, chúng ta cũng thấy ba chương đầu này có nhiều liên hệ với các văn chương cổ Cận Đông nên chúng ta không thể quả quyết một cách chắc chắn rằng ba chương này lược thuật một cách khách quan các chi tiết đúng như đã xảy ra về việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật (St 1,1-2,4a); Thiên Chúa sáng tạo con người (St 2,4b-25); Con người phạm tội và bị phạt (St 3,1-24).

2. Một Lịch Sử Không Phải Là Truyện Thần Thoại Hoang Đường

Như chúng ta đã xác định ở trên, ba chương đầu của sách Sáng Thế không phải là lịch sử theo nghĩa cổ điển và hiện đại, vậy thì những chương ấy không có một chút tính  lịch sử nào hay sao? Phải chăng những chương đó chỉ là những truyền thuyết, thần thoại và hoang đường, chuyện bịa đặt để nhằm giải đáp tạm thời về những thắc mắc muôn thuở của con người về chính mình và nguồn gốc vũ trụ mà mình đang sống, cũng như những vấn đề liên quan đến đời sống và vận mạng của con người mà thôi?

Thực ra, nếu hiểu như thế là hoàn toàn sai lạc, nhưng nếu chúng ta nhìn tất cả những câu chuyện trong ba chương đầu của Sáng Thế trong viễn cảnh được dùng để giải đáp cho những thắc mắc về vấn đề nguồn gốc vũ trụ, con người, sự thiện, sự ác và về Đấng Sáng Tạo thì chắc hẳn chúng ta sẽ không băn khoăn vì lối diễn tả biểu tượng hay ngôn ngữ thần thoại mà tác giả đã sử dụng để diễn tả. Tuy nhiên, lối diễn tả này không chính xác và nhiều khi còn phản khoa học, nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, nó có khả năng khai mở, dẫn đưa chúng ta tới một chân trời mới, vượt trên kinh nghiệm thường ngày và lãnh vực đo đếm của khoa học. Đương nhiên, cũng không nên mất công đi tìm ở đây những dữ kiện cổ sinh vật học liên hệ đến việc một nguyên tổ duy nhất hay có nhiều nhóm khác nhau, vì những vấn đề này hoàn toàn xa lạ với tâm thức và sự hiểu biết của các tác giả thời đó. Mối bận tâm duy nhất của tác giả là diễn tả nội dung muốn chuyển tải mà thôi.

3. Một Cách Hiểu Xác Đáng Về Tính Lịch Sử

Đọc kỹ ba chương này, tác giả cho chúng ta thấy những chương này không chứa đựng lịch sử theo nghĩa cổ điển cũng như hiện đại, và cũng không phải là những truyện thuyết hay dụ ngôn bịa đặt để nói lên những sự kiện tưởng tượng và dạy những chân lý siêu thời gian, mà trước hết và trên hết, tác giả muốn nhắm tới và chuyển tải những sự kiện quan trọng liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Nhiều khi có người ngộ nhận về tính lịch sử  của những chương này là vì họ tự tách rời chúng ra ngoài văn mạch chung của Sáng Thế và Cựu Ước. Nếu đặt chúng vào khuôn khổ chung đó, ta có thể nhận thấy rằng tác giả có ý định kể những sự kiện thực về thời nguyên thủy khi sưu tầm và xếp đặt các trình thuật về nguyên thuỷ lên trước và liên tục với các truyền thống lịch sử của dân Israel: Abraham, ông tổ của Israel, được nối liền với Ađam qua Sem, Nôe, và Seth. Sự nối kết lịch sử  giữa Thiên Chúa và nhân loại không diễn tiến trong một thế giới huyền ảo, hoang đường, siêu thời gian mà trong một lịch sử cụ thể.

Một cách cụ thể, chúng ta có thể lấy ví dụ  Ađam làm hình ảnh điển hình. Với hình ảnh này, theo thuyết giải thích bằng tầm nguyên luận thì Ađam là một tượng trưng tiêu biểu cho toàn thể loài người, do đó các điều nói trong những chương đó không chỉ về con người đầu tiên mà là về loài người nói chung. Quả thật, trong Cựu Ước, từ “Ađam” hầu hết đều chỉ con người nói chung. Nhưng không vì thế mà Ađam theo nghĩa “con người đầu tiên” bị gạt ra ngoài, trái lại cần có như hiện thân của toàn thể. Đối với người Cận Đông xưa, cộng đồng và cá nhân gắn liền và bổ túc cho nhau, từ bên nọ sang bên kia không có giới hạn rõ rệt nhưng chuyển tiếp từ từ. Người ta gọi những liên lạc hỗ tương đó là “nhân vị tập thể”, nghĩa là một cá nhân có tính cách đoàn thể và đồng hoá với một nhóm, tuy thế vẫn là một nhân vị biệt lập. Do quan niệm như thế, tác giả Sáng Thế khi nói đến Ađam không chỉ có ý nói đến người ta nói chung, mà còn nói đến ông tổ nhân loại. Do đó, trình thuật St 2,4b-3,24 nói về số phận nhân loại, nhưng cũng nói về số phận con người đầu tiên và về tội của họ đã gây hậu quả lâu dài trong dòng dõi họ.

Sở dĩ tác giả hiểu biết được điều đó là do thúc đẩy bởi những quan niệm thần thoại đương thời về thời cổ đại, được soi sáng bởi kinh nghiệm về hiện trạng của con người, được gợi hứng bởi đức tin vào Thiên Chúa độc nhất của Israel và vào cách hành động thường xuyên của Người trong dân thánh và trong thế giới, đã có thể, do sự suy luận ngược dòng thời gian, đạt tới sự kiện một tội nguyên thuỷ mà ông đã trình bày dưới hình thức một trình thuật cụ thể. Nói cách khác, nhờ sự suy nghĩ dưới sự hướng dẫn của đức tin, tác giả đã có thể tìm lại được những sự kiện thời trước nhờ nó giống và có liên hệ với hiện tại.

IV. KẾT LUẬN

Nói tóm lại, khi đọc ba chương đầu của sách Sáng Thế, tác giả trình bày về hai trình thuật sáng tạo của Thiên Chúa vào thời khởi thuỷ. Tác giả đã sử dụng các truyền thuyết, hình ảnh,… mà chúng ta có thể gọi là những huyền thoại, để chuyển tải một sứ điệp tôn giáo về Thiên Chúa duy nhất, giải đáp những thắc mắc về nguồn gốc vũ trụ và con người, về tội lỗi, sa ngã, đau khổ của con người,… Người tuyệt đối siêu việt, nhưng cũng hết sức gần gũi với con người. Do đó, chúng ta có thể hiểu ba chương đầu của Sáng Thế là “lịch sử” nhưng không phải là một lịch sử  theo nghĩa cổ điện và hiện đại mà một lịch sử  theo nghĩa rộng, nghĩa là một sự hiểu biết thực về quá khứ dù bằng cách thức nào đi nữa. Một lịch sử không dựa vào những nhận xét đồng thời với sự việc xảy ra, nhưng dựa vào sự tính toán và suy luận từ các sự kiện hiện tại, được soi sáng và hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta cần hiểu tính lịch sử của ba chương đầu sách Sáng Thế theo nghĩa đó: từ hiện trạng mà khám phá ra một căn nguyên lịch sử nhờ đó mà hiện trạng này được hiểu biết hơn do nguồn gốc của nó. Như thế, các tác giả Kinh Thánh đã trình bày trong những trang đầu sách Sáng Thế những sự kiện đã có một vai trò sống chết trong đời sống con người thứ nhất và đã có những hậu quả đối với toàn thể nhân loại chúng ta mọi nơi và mọi thời.

 

----------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lm. Ph.X. Nguyễn Chí Cần, “Ngũ Kinh”, ĐCV Sao Biển Nha Trang, 2003.

2. Lm. Giuse Nguyễn Thế Thuấn, “Chú Giải Bình Luận Ngũ Thư”, Tp. HCM.

3. PX. Vũ Phan Long OFM, “Bộ Ngũ Thư Nội Dung Văn Chương”, 2004.

4. Giuse Nguyễn Thế Thuấn, “Lịch Sử  Israel”, Tp. HCM.

5. Bản Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, “Ngũ Thư (Thánh Kinh Cựu Ước)”, NXB: Tp. HCM.

6. Không Rõ Tác Giả, “Tìm Hiểu Sáng Thế 1-11”.

7. LMTV, “Đọc – Hiểu – Sống Thánh Kinh (Bản Dịch Giờ Kinh Phụng Vụ), Tập I: Sách Ngũ Thư, Loại Sách “Sống Đạo Giữa Đời”.

8. Nahum M. Sarna, “Understanding Genesis, The World of the Bible in the Light of History”, Schocken Books. New York.

9. Nguyễn Thái Hợp, Chút Này Làm Tin, Dấn Thân, Houston, 2003.

10. Gaorg Kraus (Không Rõ Dịch Giả),  Sáng Thế Luận Qua Các Tác Giả, Lm. Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ

11. Bản Dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, Dòng Chúa Cứu Thế, 1976.