Các Sách Sứ Ngôn

Monday, 10 June 2019 03:13

Thiên Chúa Trong Isaia - God In Isaiah (1)

THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

DẪN NHẬP

I. CÁC NGÔN SỨ CỦA ISRAEL

Chúng ta thấy nhiều quyển trong bộ Kinh Thánh Do Thái ghi lại “lời sấm” của những nhân vật huyền bí, họ được gọi là ngôn sứ. Họ là những nhân vật rất quan trọng vừa cho đời sống tôn giáo lẫn chính trị của Israel xưa kia, vì rõ ràng lời họ vẫn tiếp tục được giữ gìn và truyền lại. Nhưng họ là ai, và vai trò thực sự của họ là gì? Từ Hy Lạp prophetes có nghĩa là một người nào đó được chỉ định để nói nhân danh một vị thần, trình bày ý muốn và dự phóng thiêng liêng. Nó được Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp, bản dịch Hy Lạp của Kinh Thánh Do Thái trưng dụng, từ “nabi” thường được hiểu với ý nghĩa “một người được gọi”. Do đó, các ngôn sứ của Israel thời xưa là những người nhận ra rằng mình được mời gọi để công bố ý định của Thiên Chúa đối với dân Người. Cho nên, chúng ta thấy sách Isaia mở đầu bằng những lời này: “Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào; vì Đức Chúa phán” (Is 1,2), thường lặp lại cụm từ “Đức Chúa phán” ở đầu và kết thúc bằng nhiều lời tuyên bố long trọng.

Thế giới của các ngôn sứ Israel là một thế giới gặp gỡ Thiên Chúa không như một Đấng xa lạ, nhưng luôn gần gũi, đó là điều tất yếu của một dân tộc. Các ngài muốn nói với dân rằng lịch sử không đơn thuần chỉ là một tập hợp những sự kiện ngẫu nhiên trên những gì họ không làm chủ được. Đó luôn là một minh chứng của sự chú tâm thiêng liêng vào những gì Thiên Chúa làm. Như thế, mới có mục đích và ý nghĩa. Tác phẩm của các ngài là một bộ phận toàn diện trong niềm tin của Israel, nó hiện hữu trong một tương quan mật thiết và hiện sinh với Thiên Chúa. Đây là một Thiên Chúa hằng đối thoại với dân, đồng thời bày tỏ thiên ý. Các ngôn sứ là những sứ giả của Thiên Chúa; là những máng thông với thánh ý được mặc khải cho mọi thời đại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chúng ta tìm thấy một bản tóm lược thú vị về nhiệm vụ ngôn sứ trong lời Thiên Chúa dành cho vị đại ngôn sứ thế kỷ VIII, Giêrêmia: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Hãy xem, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr1,9-10).

Các ngài chất vấn xã hội nơi các ngài sống, rồi nhắc nhở dân và giúp họ đặt niềm hy vọng vào lề luật Thiên Chúa. Các ngài liên lỉ tuyên bố rằng các ngài phục vụ chính Thiên Chúa chứ không phải phục vụ những quy luật chính trị hay tôn giáo, cũng không có sức mạnh hay sự thuyết phục nào có thể làm cho các ngài đi sai nhiệm vụ được giao.

Vai trò ngôn sứ là công bố ý định Thiên Chúa bắt nguồn từ những nhu cầu thiết yếu chính thức của hình thức tôn giáo chính thống trong thời đại các ngài. Tuy nhiên, thường thường lời các ngài được đào đạt đến với chúng ta nằm ngoài guồng máy tôn giáo và đòi hỏi phản chiếu trung thực hơn các lệnh truyền Thiên Chúa.

Nhưng các ngôn sứ cũng được sai đến để động viên dân trong những lúc khó khăn; để an ủi họ và để nhắc lại cho họ biết rằng Thiên Chúa không quên họ. Trong sách Isaia, Thiên Chúa kêu gọi vị ngôn sứ rằng: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta” (40,1), và chúng ta tìm thấy một trong những diễn tả cảm động nhất, ở chương 61, nói về nhiệm vụ ngôn sứ trong Kinh Thánh, khi họ bị ngược đãi:

“Thần khí Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi, và Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho những kẻ bị giam cầm và ngày phóng thích cho những tù nhân” (61,1).

Mặc dù sấm ngôn của các ngôn sứ thường tiên báo vận mệnh của dân, nhưng các ngài lại là những người nói điều chẳng lành và tiên báo tương lai mù mịt. Các ngài là những cá nhân ít nhìn xa trông rộng, nhưng lại nhìn thấy những gì đang xảy ra trong xã hội đương thời và biết chấp nhận nhiều hệ lụy không thể tránh khỏi do hành động của mình trước dân. Đây thường không phải là một vai trò dễ hoàn thành. Giêrêmia được mời gọi để từ bỏ vợ con hầu thực thi ý Chúa, nhưng ngài đã bị cười nhạo và bị ngược đãi, hơn nữa những người ngược đãi lại là những phần tử của gia đình mình. Ngài kêu gào trong nỗi khốn cùng:

“Trái tim tôi tan nát, xương cốt tôi rã rời. Tôi như người say, nên như người bứ rượu, cũng chỉ vì Đức Chúa, vì thánh ngôn của Người” (Gr23,9).

Cho dù các ngôn sứ Isaia phải chịu đau khổ và thử thách, nhưng các ngài luôn xác tín rằng những lời mình công bố không phải là của riêng tư cá nhân, mà là lời Thiên Chúa. Đó cũng chính là bổn phận của Israel đối với Thiên Chúa, họ phải lắng nghe các ngôn sứ.

II. SÁCH ISAIA

Lời của nhiều ngôn sứ Israel không còn trực tiếp đến được với chúng ta. Tất cả được công bố trong thời đại các ngài và được gửi vào một lịch sử đặc biệt và những nhu cầu của dân các ngài, đời sống của các ngài ngắn ngủi như những người thuộc về dân và họ không muốn nói tới. Tuy nhiên, nhiều người trong số các ngài đã được ghi lại, hoặc do chính các ngôn sứ hoặc do môn đệ của các ngài. Các bài tổng hợp lời các ngôn sứ mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh đã phải được trải qua một quá trình thay đổi và duyệt lại nhiều thể loại qua nhiều thế kỷ. Trong nhiều trường hợp lời các ngôn sứ trước đây đã được thêm vào với cùng một nội dung tương tự ở những thời điểm sau này. Có lúc các bản sưu tầm về lời các ngôn sứ được sửa lại mới để có thể công bố trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Theo đó, thông điệp các ngôn sứ hiện hữu sống động và phù hợp, đồng thời tiếp tục công bố lời Thiên Chúa cho những hoàn cảnh mới cũng như thay đổi mọi nhu cầu. Đây là cách chúng ta tiếp tục sử dụng lời các ngài hôm nay, cả trong phụng vụ cũng như trong cầu nguyện riêng của chúng ta.

Điều chúng ta biết hẳn thật là: sách Isaia là một chuẩn mực quan trọng của những sưu tầm thực sự về lời ngôn sứ. Tất cả được đúc kết lại ở câu đầu:

“Thị kiến ông Isaia, con ông Amôc, đã được thấy, liên quan đến Giuđa và Giêrusalem, thời các vua Útdigiahu, Giôtham, Akhat, Khitkhigia cai trị Giuđa” (1,1).

Mặc dù được quy chiếu dưới tên một người là ngôn sứ Isaia thế kỷ thứ VIII, nhưng những lời sấm này lại xuất phát từ nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử Israel. Qua những khác biệt trong văn phong và tư tưởng, cùng với phần lớn dòng tư tưởng lịch sử xuyên suốt văn bản, chúng ta có thể chia sách thành 3 phần chính:

1/ Isaia I (chương 1-39).

2/ Isaia II (chương 40-55).

3/ Isaia III (chương 56-66).

Như một bản sưu tầm, các lời sấm này làm chứng cho sự hiểu biết đặc trưng về dự phóng của Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel trong vài ba thế kỷ lịch sử của họ. Những lời ấy phản ánh các thời điểm lịch sử, ở đó chúng được viết ra và những lợi ích cùng với nhu cầu của dân có liên quan đến những sự kiện chính trị và xã hội của những giai đoạn này. Chúng cũng phản ánh cuộc đối thoại hiện sinh giữa Thiên Chúa và dân, từ đời nọ đến đời kia, như một sợi chỉ bất tận xuyên suốt lịch sử của họ. Thiên Chúa luôn nhắc nhở họ qua ngôn sứ rằng họ được mời gọi sống trung thành và tuân phục. Mỗi thời, chúng ta đều được chứng kiến dân ngoảnh mặt bỏ Chúa để chạy theo mục đích riêng của họ, để rồi phải nhận lấy những hậu quả bất hạnh. Tuy nhiên, sự trung thành của Thiên Chúa là vô biên vô tận, và dù có thảm khốc thế nào đi chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn sai ngôn sứ đến với dân để an ủi và hứa sẽ cứu thoát họ.

1. Isaia  I

Phần thứ nhất của sách hầu như là tác phẩm của Isaia, con ông Amôc, sống và làm việc ở Giêrusalem khoảng từ năm 750-700 trước công nguyên. Vào thời của ngài một lần nữa vương quốc vĩ đại và quyền lực của Salomon đã bị chia cắt làm đôi: nước Israel ở phía bắc, thủ đô là Samari, còn Giuđa ở phía nam, thủ đô là Giêrusalem. Isaia hoạt động trong một thời điểm quyết định của lịch sử Israel, trải dài các thời đại của bốn vị vua Giuđa: Útdigiahu, Giôtham, Akhat, và Khítkhigia. Đầu thế kỷ thứ VIII do một sự suy sụp trong quyền lực của đế quốc láng giềng hùng mạnh Assiri, nên hai nước Do Thái được hưởng một giai đoạn thịnh vượng về kinh tế, không còn mối đe dọa từ bên ngoài.

Giai đoạn bình an không còn được bao lâu. Dưới thời Tiglathpileser III và kéo dài về sau dưới thời Sennacherib, Assiri đã tìm lại được đỉnh cao của sự ảnh hưởng quyền lực, đã chinh phục hầu như toàn bộ vùng Trung Đông.

Nửa thế kỷ thứ VIII chứng kiến vương quốc bắc Israel, có thủ đô Samari bị xâm chiếm vào năm 722 và vương quốc Giuđa phía nam cũng bị khuất phục. Vua Khitkhigia có sức kéo dài tự do của thủ đô Giêrusalem của mình bằng cách nộp thật nhiều cống phẩm cho vua ngoại bang. Lời ngôn sứ phác họa một bức tranh ảm đạm do sự thay đổi đột ngột của những năm tháng này về sức ép và sự đau khổ:

“Xứ sở các ngươi hoang tàn, thành thị các ngươi bị lửa thiêu. Đất đai các ngươi, kẻ ngoại bang thôn tính ngay trước mặt, khiến trở nên hoang tàn như bị quân ngoại bang giày xéo” (1,7).

Isaia báo cho dân biết rằng họ đang ở dưới cuộc phán xét thiêng liêng và mời gọi họ trở về với Thiên Chúa của họ.

2. Isaia  II

Phần thứ hai của sách xuất phát từ giai đoạn cuộc thất thủ của Giêrusalem trước Babylon vào năm 587 trước công nguyên và sự bại trận cuối cùng của Babylon trước người Ba Tư, đứng đầu là vua Kyrô vào năm 539. Nó được định vị trước cộng đồng con cái Israel trong cuộc lưu đày Babylon. Dưới thời vua Nabucôđônôxô vĩ đại, người Babylon lần đầu tiên đã bao vây Giêrusalem vào năm 598-597 trước công nguyên. Giôhôgiakin vua Giuđa đã phải bỏ thành cùng với 10 ngàn người quý tộc, binh sĩ và những người thợ lành nghề, tất cả đều được đưa đi lưu đày. Người Babylon đã đặt một vị vua mới ở Giêrusalem là Giêđêkia. Sau đó, trong vòng mười năm ông đã nổi dậy chống lại Babylon, năm 587-586 vua Nabucôđônôxô phẫn nộ dập tắt trước toàn dân Giuđa một lần nữa. Tường thành Giêrusalem bị tàn phá, đền thờ bị phá bình địa, vùng đất và sự yên nghỉ của thành phố cũng bị quấy nhiễu. Hàng ngàn người trong dân đã bị lưu đày đến Babylon. Xuyên qua lời ngôn sứ, chúng ta bắt gặp lời thề nguyền của họ:

“Thế nhưng dân này lại bị cướp phá bóc lột, mọi người bị nhốt dưới hố sâu, tất cả bị giam trong ngục tối. Họ bị cướp mà không người cứu nguy, bị bóc lột mà không ai lên tiếng đòi: trả lại!” (42,22).

Nhưng thông điệp mà ngôn sứ được truyền phải đem đến cho dân này là một trong những niềm an ủi và hy vọng:

“Thiên Chúa anh em phán: Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hãy hô lên cho thành rằng thời phục dịch của thành đã mãn, tội của thành đã đền xong” (40,1-2).

Ngài chứng kiến những cuộc vận động quân sự và chính trị của Kyrô thuộc Ba Tư lên đến đỉnh điểm trong sự bại trận của Babylon vào năm 539 trước công nguyên, như một tiến trình xa hơn trong dự phóng cứu chuộc dành cho Israel. Bởi vậy, ngài đã tiên báo cuộc hồi hương của dân như một bằng chứng hùng hồn về quyền lực thiêng liêng và một hành động phi thường của cuộc sáng tạo mới:

“Có tiếng hô:

Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,

giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng

cho Thiên Chúa chúng ta.

Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,

mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,

nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng,

chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,

và mọi người phàm sẽ được thấy

rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (40,3-5).

3. Isaia  III

Sách Isaia III và đoạn cuối sách phản ảnh thời điểm sau cuộc trở về từ Babylon vào nửa cuối thế kỷ VI trước công nguyên. Kyrô, vua Ba Tư ra sắc chỉ vào năm 538, theo đó mọi người được trả tự do có  thể hồi hương trong bình an nếu họ muốn, và họ có thể tái thiết đền thờ ở Giêrusalem. Không biết có bao nhiêu người tuyển lựa trở về quê hương, nhưng đối với họ quả không dễ chút nào. Thành phố vẫn còn phủ một màu hoang tàn đổ nát, hoàn cảnh kinh tế, nông nghiệp thì nghèo nàn. Hơn nữa có sự xung đột giữa những người hồi hương từ nơi lưu đày và dân đến sau hiện đang cư ngụ ở Giêrusalem trong khoảng hơn 50 năm về sau kể từ khi con cái Israel bỏ xứ sở đi lưu đày. Lắm lúc những người này đã chiếm được đất, đất một lần nữa thuộc về quân đội hồi hương. Isaia III gầy dựng một cộng đoàn ở Giêrusalem, cộng đoàn đang gánh chịu sự rối loạn cả về kinh tế lẫn thiêng liêng. Ngài kêu lên Thiên Chúa trong nỗi tuyệt vọng:

“Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan” (63,19).

Tuy nhiên, ngài cũng được mời gọi loan báo niềm hy vọng. Tiếp bước Isaia II, ngài loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần đến. Ngài  hân hoan đợi chờ ngày ấy, khi ấy con cái Israel sẽ trở về, khi chỉ có số ít còn sót lại thực hiện hành trình ấy cho đến nay. Và rồi nhờ Giêrusalem, nơi quy tụ niềm vui, Israel một lần nữa sẽ vui mừng trong một kỷ nguyên bình an, bảo đảm cho thịnh vượng.

Ngay cả trong ba phần lớn của sách Isaia, đôi lúc chúng ta vẫn thấy đề cập đến những yếu tố cho thấy sách xuất xứ từ nhiều tác giả hơn là một tác giả. Nhưng tại sao cái tên Isaia thế kỷ thứ VIII, con ông Amôc lại được đặt cho toàn bộ sách? Rõ ràng tác phẩm của Isaia ở Giêrusalem đã được tác giả Isaia II biết đến, và ngài đã coi mình như là người tiếp nối cùng một truyền thống ấy. Cũng vậy, tác giả Isaia III coi mình là người thừa kế và phát triển tác phẩm ngôn sứ đi trước, tác phẩm đã được Isaia II mở rộng. Chúng ta có thể thấy đây là một bản văn hoàn chỉnh như một tác phẩm của một trường học các ngôn sứ và các tác giả được bồi đắp từng lớp rất chu đáo theo truyền thống mà khởi đầu là tiếng nói ngôn sứ thứ nhất.

Mặc dù lời sấm khác nhau có nguồn gốc từ những thời điểm lịch sử cũng khác nhau nhưng chúng ta sẽ bắt gặp cùng những chủ đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Như vậy, bản văn có thể đọc như một quyển sách nói về cùng một thông điệp xuyên qua mọi thời đại; lời mà Thiên Chúa ban ra có liên hệ tới lịch sử của họ. Tất cả ba bản văn đều có nguồn gốc trong những thời điểm nhấn mạnh, khi tương lai của Israel và dân tộc trở nên mù mịt. Đây là những thời điểm biến động đột ngột về kinh tế và chính trị, khi Thiên Chúa như rời xa họ. Đó là vai trò của ngôn sứ trong những thời điểm như thế để lời Thiên Chúa luôn hiện sinh và đây là điều hướng dẫn các vị đã nói qua quyển sách này.

Chúng ta cũng sống trong một giai đoạn mà Thiên Chúa như bỏ xa chúng ta vậy. Mỗi ngày phương tiện truyền thông đều cung cấp cho chúng ta những tin tức chiến tranh, đói kém, bạo lực, sự bất ổn về chính trị và xã hội. Có nhiều lúc việc duy trì một khả năng hy vọng trong một thế giới như thế quả là khó. Nhưng vai trò của ngôn sứ không bao giờ lỗi thời.

Ở mọi thời đại Thiên Chúa đều mời gọi dân can đảm kêu to cả trong sự phân định lẫn trong niềm hy vọng. Chúng ta cần phải tỉnh thức và mở lòng ra đón nhận tiếng nói ngôn sứ trong xã hội chúng ta và nhờ sự hiện diện của các ngài, chúng ta nhận ra sự bảo đảm rằng Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta.