Tổng Quát

Monday, 06 January 2020 13:33

Sứ Điệp Lòng Thương Xót Của Cựu Ước Featured

LÒNG THƯƠNG XÓT

YẾU TÍNH CỦA TIN MỪNG VÀ CHÌA KHÓA DẪN VÀO ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Tác giả: Hồng Y Walter Kasper

Chuyển ngữ: Vinc. Vũ Văn An

***

Đức Hồng Y Walter Kasper

nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Hiệp Nhất Kitô Giáo

***

CHƯƠNG I: LÒNG THƯƠNG XÓT - CHỦ ĐỀ BỊ LÃNG QUÊN

CHƯƠNG II: NHỮNG CHỦ TRƯƠNG XẤP XỈ

***

CHƯƠNG III: SỨ ĐIỆP CỦA CỰU ƯỚC

 

I. NGÔN NGỮ THÁNH KINH

Sứ điệp của Thánh Kinh về lòng thương xót có thể phát xuất từ một truyền thống sâu rộng của nhân loại. Nhưng người ta sẽ lầm khi cho rằng Thánh Kinh và cùng với nó, Kitô Giáo, chỉ đơn giản nhắc lại một cách phổ thông những điều các triết gia đã khám phá trong việc họ phân tích lòng cảm thương của con người và những điều các học giả tôn giáo đã gạn lọc từ nhiều tôn giáo khác nhau làm thành một truyền thống chung của con người. Kitô Giáo không phải là “thuyết Platon cho người bình dân” [1] như Nietzsche vốn nghĩ. Kitô Giáo tiếp nhận nhiều điều từ truyền thống nhân bản, nhưng nó cũng phê phán truyền thống này, làm cho nhiều điều trở nên chính xác và làm cho sâu sắc hơn. Điều ấy trở nên rõ ràng khi ta chịu để ý điều này: sứ điệp Thánh Kinh không những nói về lòng cảm thương [Mitleid], mà còn nói tới lòng thương xót [Barmherzigkeit] nữa. Bất chấp mọi điểm tiếp xúc chung về tôn giáo và triết học, ý niệm thương xót vẫn có một ý nghĩa chuyên biệt, mà nay ta cần lưu ý.

Hiện có một ý kiến khá phổ biến cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị Thiên Chúa ưa trả thù và nổi giận, trong khi Thiên Chúa của Tân Ước là một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót. Thực vậy, trong Cựu Ước, có rất nhiều bản văn hỗ trợ ý kiến này. Đó là các đoạn văn nói tới giết chóc và trục xuất toàn bộ dân số ngoại giáo của nhiều thành phố và dân tộc theo lệnh của chính Thiên Chúa (Đnl 7:21-24; 9:3; Gs 6:21; 8:1-29; 1Sm 15). Người ta cũng có thể nghĩ tới các Thánh Vịnh nguyền rủa (nhất là các Thánh Vịnh 58; 83;109).[2] Tuy nhiên, cách nhìn này không công bằng chút nào đối với diễn trình tiệm tiến qua đó ý niệm Thiên Chúa của Cựu Ước biến đổi một cách hết sức quan yếu. Cách nhìn này cũng không công bằng chút nào đối với việc phát triển nội bộ của Cựu Ước theo chiều hướng Tân Ước. Cuối cùng, cả hai Giao Ước này cùng làm chứng cho một vị Thiên Chúa duy nhất.

Sự kiện trên đã bắt đầu xuất hiện trong một số nhận xét và suy nghĩ khởi đầu về việc dùng ngôn ngữ trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Cựu Ước có đặc điểm sử dụng thành ngữ “rechamin” để chỉ lòng cảm thương và cũng để chỉ cả lòng thương xót nữa. Chữ này phát nguyên từ chữ “rechem”, có nghĩa là “dạ” (womb) và cũng dùng để chỉ “lòng” (ruột). Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, lòng (ruột) được coi như trung tâm của xúc cảm. Trong Tân Ước, lòng (ruột) hay bụng (guts, σπλάγχνα) cũng dùng để diễn tả lòng thương xót phát xuất từ trái tim.[3] Cũng vậy, ta thấy “oiktirmos” (οίκτιρμός) đã được dùng để chỉ lòng thiện cảm và việc sẵn sàng ra tay cứu giúp.[4] Và sau cùng, chữ “eleos” (έλεος) rất quan trọng. Khởi đầu, nó diễn tả tác động của cảm xúc, nhưng về sau, người ta thường dùng nó để dịch các từ ngữ đặc trưng của Hipri là “hesed”“hen”, là những từ đặc biệt dùng để mô tả lòng thương xót.

Ta vẫn còn cần phải biết lòng thương xót liên hệ ra sao với công lý và phải chứng tỏ rằng đối với Cựu Ước, hai ý niệm này không đơn giản chỉ đứng cạnh nhau hay đối nghịch nhau, mà đúng hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa phục vụ công lý của Người và đem nó tới chỗ được thể hiện. Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa là chính công lý của Người. Tuy nhiên, trước tiên, ta phải nhấn mạnh một điều khác. Ta chỉ có thể hiểu lòng thương xót khi ta bao gồm ý niệm “trái tim” (leb, lebab, καρδία) vào các xem xét của ta.

Trong Thánh Kinh, “trái tim” không chỉ diễn tả một cơ quan của con người, rất cần cho sự sống; về phương diện nhân học, nó diễn tả cốt lõi của con người nhân bản, trung tâm các xúc cảm của họ cũng như trung tâm khả năng phán đoán của họ. Thánh Kinh dành nhiều chỗ và chú ý cho thế giới cảm xúc con người, cả liên quan tới con người lẫn Thiên Chúa theo nghĩa bóng bẩy. Hãy nghĩ tới các Thánh Vịnh ai ca của Cựu Ước, các ai ca của Jeremiah, các than vãn buồn đau của David trước cái chết của con trai Absalon (2Sm 19). Chúa Giêsu đầy giận dữ và buồn khổ trước sự ương ngạnh của những kẻ chống đối Người (Mc 3:5), và đầy cảm thương đối với người ta (Mc 6:34) và đối với bà góa Thành Naim vì mất đứa con trai duy nhất (Lc 7:13). Trước cái chết của bằng hữu Lazaro, Chúa Giêsu hết sức xúc động buồn bã (Ga 11:38). Như thế, trong Thánh Kinh, lòng cảm thương không bị coi là yếu đuối và mềm yếu phản nam tính, không xứng đáng với người anh hùng thực sự. Theo Thánh Kinh, con người được phép biểu lộ các tâm tình của họ, các sầu buồn của họ, các xúc cảm của họ, các niềm vui và đau thương của họ. Họ cũng có thể than thở với Thiên Chúa và không cần phải xấu hổ vì khóc lóc.

Thánh Kinh còn đi xa hơn nữa, khi nói tới trái tim Thiên Chúa về phương diện thần học. Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa chọn người ta theo trái tim của Người (1Sm 13:14; Gr 3:15; Cv 13:22). Thánh Kinh nói tới việc trái tim Người rất bối rối đối với con người và tội lỗi của họ (St 6:6); và Thánh Kinh nói rằng Người hướng dẫn Dân Người bằng một trái tim ngay thẳng (Tv 78:72).[5] Kiểu nói này đạt tới đỉnh cao của nó trong Tiên Tri Hôsê. Vị tiên tri này nói một cách chưa từng ai nói và thực sự cảm kích rằng trái tim Thiên Chúa tự co cụm ở trong Người [6] và lòng cảm thương của Người trở nên ấm áp và dịu dàng (Hs 11:8). Người trở nên sống động nhờ tâm tình yêu thương con người cách cuồng nhiệt.[7]

Kiểu nói quan trọng nhất để hiểu lòng thương xót là “hesed”. Chữ này có nghĩa: lòng tốt, tình bạn, ân huệ đầy yêu thương không đòi công trạng, và cả ân sủng cùng lòng thương xót của Thiên Chúa.[8] Bởi thế, “hesed” vượt quá cảm xúc và đau đớn đơn thuần trước cảnh khốn cùng của con người; nó chỉ hành động Thiên Chúa tự ý và nhân hậu ngoảnh nhìn con người một cách đầy quan tâm. Nó bao hàm ý tưởng liên hệ, chứ không hẳn một hành động riêng rẽ, mà đúng hơn là một thái độ và một cách tiếp cận liên tục. Áp dụng vào Thiên Chúa, ý tưởng này nói lên việc Người ban ơn thánh của Người cách bất ngờ và không đòi công trạng, nghĩa là một việc ân ban vượt lên trên mọi liên hệ trung thành hỗ tương, vượt quá mọi mong ước của con người và phá đổ mọi phạm trù nhân bản. Chỉ cần nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng toàn năng và thánh thiện, đã quan tâm lo lắng đối với tình thế cực kỳ khốn khổ của con người, do chính họ gây ra, rằng Thiên Chúa ấy thấy rõ cảnh khốn khổ của con người khốn cùng và đáng thương, rằng Người nghe thấy tiếng than của họ, nhân từ cúi xuống với họ, tự hạ mình đến với những con người trong cảnh khốn khổ của họ, và bất chấp mọi bất trung của họ, vẫn tỏ ra lo lắng đối với họ không thôi, và rằng Người sẵn sàng tha thứ cho họ và ban cho họ một cơ hội nữa, dù họ chỉ đáng bị trừng phạt, là đủ thấy tất cả những điều này quả vượt quá mọi kinh nghiệm và mong ước bình thường của con người; tất cả những điều này quả đã vượt quá mọi tưởng tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp “hesed” của Thiên Chúa, một điều gì đó thuộc mầu nhiệm của Người, mà tự trong chính nó vốn khép kín đối với tư duy con người, đã được mặc khải cho họ. Ta chỉ có thể biết được phần nào mầu nhiệm này nhờ mặc khải của Thiên Chúa mà thôi.

II. ĐÁP ỨNG CỦA THIÊN CHÚA ĐỐI VỚI SỰ HỖN MANG VÀ TAI HỌA CỦA TỘI

Ý nghĩa mà chứng từ của Thánh Kinh gán cho lòng thương xót của Thiên Chúa không phát xuất duy nhất từ cách dùng từ ngữ này. Ý nghĩa của lòng thương xót chỉ được xác quyết từ tính toàn vẹn của lịch sử cứu rỗi trong Thánh Kinh. Nó khởi đầu ngay sau trình thuật tạo thế của Thánh Kinh. Khi tạo dựng, Thiên Chúa làm nên mọi sự tốt lành, đúng hơn, rất tốt lành (St 1:4.10.12.18.20.25.31). Thiên Chúa làm nên con người giống hình ảnh của Người; Người làm nên họ có nam có nữ. Người chúc lành cho họ. Họ phải sinh sôi nẩy nở con cháu cho tràn đầy mặt đất. Người ủy thác cho con người trọn bộ tạo thế để họ duy trì và vun xới (St 1:27-30; 2:15). Mọi sự đều tốt; đúng hơn, rất tốt.

Nhưng, câu truyện tốt đẹp trên ngay sau đó tiếp diễn bằng thảm họa. Con người muốn được như Thiên Chúa, được quyền tự quyết định điều gì tốt điều gì xấu (St 3:5). Việc ra xa lạ với Thiên Chúa dẫn tới việc con người ra xa lạ với thiên nhiên và với những con người khác. Thế là từ nay, trái đất sinh gai góc và con người phải đổ mồ hôi và cực nhọc mới cày cấy được nó. Sự sống mới chỉ có thể được cưu mang trong đau đớn; chồng và vợ ra xa lạ đối với nhau (St 3:16-19); rồi Cain giết Abel (St 4). Sự ác tiếp nối sự ác liên tiếp như núi lở và mọi suy nghĩ và cố gắng trong trái tim con người mỗi ngày mỗi trở nên ác hơn (St 6:5).

Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại đơn thuần lao đầu vào tai ương và sa xuống thảm hại. Đúng hơn, ngay từ lúc ban đầu ấy, Người đã đưa ra các biện pháp cứu chữa và liên tiếp thực hiện các phản công mới chống lại cảnh hỗn mang và thảm họa sắp diễn ra. Mặc dù chữ “thương xót” không xuất hiện trong các chương đầu tiên của Sách Sáng Thế, lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự đã rờ mó được và hết sức hữu hiệu ngay từ thuở khởi nguyên này. Cùng với việc xua đuổi con người ra khỏi địa đường, Thiên Chúa đã ban cho họ áo quần để bảo vệ họ khỏi các ác nghiệt của thiên nhiên, giúp họ khỏi xấu hổ trước mặt nhau, và duy trì được phẩm giá của họ (St 3:20). Người đe dọa sẽ trả thù bất cứ ai đặt tay xâm hại Cain và ghi dấu lên trán Cain để bảo vệ ông khỏi bị sát hại (St 4:15). Cuối cùng, sau Hồng Thủy, Thiên Chúa cố gắng tạo một khởi đầu mới với Nôe. Người đoan hứa một hiện sinh và một trật tự liên tục cho vũ trụ, chúc phúc cho nhân loại mới, và đặt sự sống của con người, từng được làm nên giống hình ảnh Người, dưới sự che chở đặc biệt của Người (St 8:23; 9:1-5tt).[9]

Nhưng chưa hết, lòng tự cao tự đại của con người không có tận cùng; họ đi xây Tháp Babel mà đỉnh cao họ hy vọng vươn tới trời. Lòng tự cao tự đại này dẫn tới việc ngôn ngữ ra hỗn loạn; con người không còn hiểu được nhau và họ bị phân chia tứ tán ra khắp mặt đất (St 11). Nhưng, một lần nữa, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại cho chính số phận của họ, một nhân loại nay đã bị phân chia thành bộ lạc và dân tộc xa lạ và thù nghịch nhau. Thiên Chúa chống hỗn mang và thảm họa. Người làm nên một khởi đầu mới với việc kêu gọi Abraham (St 12:1-3). Có thể nói: với Abraham, một phản công lịch sử đã khởi đầu, tức lịch sử hiện thực của việc Thiên Chúa cứu rỗi con người. Nơi Abraham, mọi thế hệ, mọi gia đình trên trái đất đều được chúc phúc (St 12:3).[10] Với chữ “chúc phúc” này, Thánh Kinh muốn cho hiểu một điều vừa nền tảng vừa hoàn toàn đầy đủ: hạnh phúc, hòa bình, sống viên mãn và nhiều ân sủng của Thiên Chúa.[11] Như thế, với Abraham, một lịch sử mới của nhân loại đã khởi sự, một lịch sử chúc phúc và, nói cách khác, một lịch sử cứu rỗi. Thực vậy, những lời nói về lòng nhân hậu và trung thành của Thiên Chúa đã rải rác khắp trong trình thuật về Abraham (St 24:12.14.27; 32:11).

Như thế, ngay từ thuở đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã bắt đầu phản công chống lại tai ương.[12] Ngay từ khởi nguyên, hành động thương xót (Erbarmen) của Thiên Chúa đã có hiệu lực mạnh mẽ rồi. Lòng thương xót của Thiên Chúa là việc Người cung cấp đề kháng để chống lại sự ác, là điều lúc ấy đang ở thế thượng phong. Người không làm thế một cách miễn cưỡng hay bạo động; Người không đơn thuần chiến đấu; đúng hơn, trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa không ngừng tạo ra không gian mới cho sự sống và sự chúc phúc.

III. SỰ MẶC KHẢI TÊN THIÊN CHÚA CŨNG LÀ SỰ MẶC KHẢI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGƯỜI

Trong Cựu Ước, việc minh nhiên mặc khải lòng thương xót đã được liên kết rất chặt chẽ với việc mặc khải nền tảng về Thiên Chúa trong cuộc xuất hành và giải phóng Dân Do Thái khỏi Ai Cập và với việc mặc khải chính Người lần lượt trên Núi Sinai và Hôrép. Biến cố mạc khải thường xảy ra trong một tình thế khó khăn và, đúng hơn tuyệt vọng, của dân Do Thái. Dân tộc này bị áp bức tại Ai Cập, phải làm những việc nặng nhọc dành cho các nô lệ. Chính Môsê đã phải trốn chạy khỏi nhà cầm quyền Ai Cập là những người tìm cách kết liễu đời ông. Thiên Chúa mặc khải cho ông như là Thiên Chúa của Abraham, của Ixaác và của Giacóp trong bụi gai bừng lửa trên Núi Hôrép. Do đó, việc mặc khải trên Núi Hôrép có liên hệ với sự khởi đầu của lịch sử cứu rỗi với Abraham. Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa tự mặc khải như Đấng Thiên Chúa mời gọi và lãnh đạo tiến lên. Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa của lịch sử. Nhưng dù trình thuật về Abraham cung cấp cho ta một cửa ngỏ dẫn vào toàn thể nhân loại và mọi dân tộc, thì giờ đây, nó chỉ tập chú vào câu truyện của dân Người, Dân Israel.

Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Người và nghe thấy tiếng họ kêu van: “Ta đã nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ta ở Ai Cập và Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng vì những kẻ đốc công tàn ác. Thực vậy, Ta biết rõ các đau khổ của chúng, và Ta đến để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3:7-8; xem 9). Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Chúa câm điếc; Người là Đấng Thiên Chúa sống động, Đấng biết lưu tâm tới nỗi khốn khổ của con người, Đấng biết nói, biết hành động, biết can thiệp, giải thoát và cứu chuộc. Công thức “Giavê, Đấng đem chúng ta ra khỏi Ai Cập” đã trở thành lời tuyên xưng đức tin rất nền tảng trong Cựu Ước (Xh 20:2; Đnl 5:6; Tv 81:1; 114:1; v.v…).

Việc mặc khải Đấng Thiên Chúa hạ mình đến gần dân Người không hề nói lên một sự quen thuộc giả tạo. Việc mặc khải này có liên hệ một cách hết sức mật thiết với việc mặc khải sự thánh thiện của Người, tính ưu việt của Người đối với mọi sự vật trần gian, tính kỳ diệu của Người, và tính tối thượng của Người. Môsê được thấy bụi gai bừng lửa mà không bị thiêu rụi. Vì quá sợ hãi, ông phải che mặt; không dám lại gần hơn; ông phải cởi giầy vì đất ông đứng là đất thánh. Rồi khi Môsê hỏi Thiên Chúa để biết tên Người, ông nhận được câu trả lời mầu nhiệm: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3:14).[13]

Rất nhiều điều khác nhau và trái ngược nhau đã được viết về nguồn gốc, cách phát âm, và ý nghĩa của 4 chữ Hipri viết tắt YHWH.[14] Martin Buber và Franz Rosenzweig dịch nó là “Ta sẽ hiện diện như là Đấng sẽ hiện diện ở đó”.[15] Nhờ cách dịch này, chiều kích mầu nhiệm, không ai vươn tới và cuối cùng không ai hiểu nổi của tên Thiên Chúa đã được diễn tả. Đối với người Do Thái sùng đạo, bốn chữ Hipri viết tắt này thánh thiêng đến nỗi họ không dám thốt lên thành tiếng. Vì tôn trọng sự nhậy cảm của người Do Thái, năm 2008, Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa đã cấm không được dịch tên YHWH của Người trong phụng vụ Giáo Hội. Như thế, việc mặc khải tên Thiên Chúa đã nói lên tính siêu việt tuyệt đối của Người. Mặt khác, nó chứng tỏ Thiên Chúa đích thân chăm sóc dân Người và việc Người cam kết hiện diện một cách mạnh mẽ trong lịch sử dân Người. Thiên Chúa tự mặc khải Người như là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn và lãnh đạo trong một lịch sử không hề bị trói tay từ trước, một lịch sử trong đó Người sẽ luôn hiện diện một cách không thể suy diễn (nondeducible), tối thượng, nhưng rất bất ngờ, và như Đấng luôn luôn là tương lai mới mẻ của dân Người. Người không phải là Đấng Thiên Chúa của một nơi đặc thù, nhưng đúng hơn, Người biểu lộ quyền năng của Người ở khắp mọi nơi dân Người gặp gỡ trên đường lữ thứ của họ. Do đó, tính phổ quát của Giavê, được các tiên tri minh nhiên công bố, đã được thiết lập ngay từ thuở đầu.

Bản Bẩy Mươi, tức bản Cựu Ước của người Do Thái qua tiếng Hy Lạp, xuất hiện khoảng năm 200 trước CN, đã giải thích việc mặc khải tên Thiên Chúa theo tư tưởng triết học Hy Lạp và đã dịch tên này là “Ta là Đấng hằng hữu” (̓Еγώ εỉμι ὁ ὤυ). Lời dịch này đã làm nên lịch sử và đã lên khuôn cho tư tưởng thần học trong nhiều thế kỷ. Dựa vào lối dịch này, người ta xác tín rằng điều cao nhất trong tư tưởng tức Hữu Thể (Being) và điều cao nhất trong đức tin tức Thiên Chúa, có liên hệ qua lại với nhau. Trong xác tín này, ta thấy có sự xác nhận rằng tin và nghĩ không hề chống đối nhau, mà đúng hơn, tương ứng với nhau. Lối giải thích này đã được tìm thấy nơi triết gia Do Thái theo văn hóa Hy Lạp là Philo (chết năm 40 CN). Tuy nhiên, Tertulliano chẳng bao lâu đã đặt câu hỏi: “Giêrusalem nào có gì liên hệ với Nhã Điển?”.[16] Đáng lưu ý nhất là Blaise Pascal; sau khi trải qua một kinh nghiệm thần bí, thần học gia này nhấn mạnh sự khác nhau giữa Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Abraham, của Ixaác và của Giacóp trong đoạn văn nổi tiếng “Memorial” năm 1654.[17]

Các học giả Thánh Kinh cận đại từng chỉ rõ các dị biệt giữa lối hiểu hữu thể của người Hipri và của người Hy Lạp. Vì, đối với suy tư Hipri, hữu thể không phải là một thực tại bất động (quiescent) mà đúng hơn là một thực tại năng động. Trong tư tưởng Hipri, hữu thể là một hiện hữu cụ thể, hoạt động, và có hiệu năng mạnh mẽ. Thành thử, việc mặc khải tên Thiên Chúa tạo nên lời hứa hẹn của Người: Ta là “Đấng đang hiện diện ở đó”. Ta ở với các ngươi trong cảnh khốn cùng của các ngươi và Ta sẽ đồng hành với các ngươi trên đường các ngươi đi. Ta nghe thấy tiếng kêu của các ngươi và ta đáp lại các van vỉ của các ngươi. Tương ứng với điều này, việc mặc khải tên Thiên Chúa lập tức được nối kết với việc phê chuẩn giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ và với việc lên công thức có tính cổ điển cho giao ước này: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 6:7). Như thế, trong việc mạc khải tên của Người, Thiên Chúa đã nói ra thực tại thâm sâu nhất của chính Người: hữu thể Thiên Chúa là hữu thể hiện diện cho dân Người và với dân Người. “Hữu thể Thiên Chúa là Hữu-Thể-cho-dân-Người; hữu thể của Thiên Chúa trong tư cách Phò Hiện Hữu là mầu nhiệm kỳ diệu của yếu tính Người. Với đức tin của mình, Israel có thể vô điều kiện nương tựa vào chân lý này”.[18]

Chữ “thương xót” (Erbarmen) chưa xuất hiện trong cuộc mặc khải ở Hôrép. Tuy nhiên, điều mà lòng thương xót thực sự có ý nghĩa thì vốn đã được hàm chứa ngay trong việc mặc khải thánh danh Người; sau đó, nó đã được tỏ lộ trọn vẹn hơn trong mạc khải ở Sinai. Hoàn cảnh trong đó việc này xảy ra có tính hết sức bi kịch. Thiên Chúa đã dẫn dân Người ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và đã ban cho họ Mười Giới Răn trên hai phiến đá làm hiến chương của giao ước (Xh 20:1-21; Đnl 5:6-22). Nhưng không bao lâu sau khi giao ước này được chấp thuận, nó đã lập tức bị vi phạm. Dân Thiên Chúa chọn đã nhanh chóng bất trung; họ bỏ đạo, theo các thần ngoại giáo và nhẩy múa quanh con bò vàng. Thiên Chúa lập tức nổi giận đùng đùng chống lại thứ dân cứng đầu này và Môsê đập bể hai phiến đá giao ước ngay ở dưới chân núi làm dấu chỉ quả thực giao ước đã bị đạp đổ (Xh 32). Ngay khi vừa bắt đầu, mọi sự xem như đã không còn, mất hết.

Tuy nhiên, Môsê đã cầu bầu và nhắc Thiên Chúa nhớ tới lời hứa của Người. Ông xin Thiên Chúa ban ơn thánh và lòng thương xót: “Xin cho con thấy dung nhan Ngài”. Và rồi cuộc mặc khải tên Người lần thứ hai đã diễn ra. Thiên Chúa hô lớn tên Người cho Môsê trong lúc đi qua: “Ta sẽ nhân từ (hen) với những ai Ta sẽ nhân từ, và Ta sẽ tỏ lòng thương xót (rachamin) cho những ai Ta sẽ tỏ lòng thương xót” (Xh 33:19). Ở đây, lòng thương xót của Thiên Chúa được hiểu không phải như sự gần gũi với một người bạn thân, nhưng đúng hơn như biểu thức của tính tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa và quyền tự do không thể bị giản lược của Người. Giavê không thích hợp với bất cứ phạm trù nào, ngay cả phạm trù công lý bù trừ (compensatory justice). Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa chỉ phù hợp với chính Người và với thánh danh Người đã tỏ cho Môsê.[19] Do đó, Người đã ra lệnh cho Môsê phải chuẩn bị hai phiến đá mới để ghi lại lề luật. Bất chấp sự bất trung và cứng đầu của họ, Người vẫn không để dân Người rơi vào hoang phế và hư không. Thiên Chúa làm mới lại giao ước của Người; Người ban cho dân Người một cơ hội nữa và Người làm thế hoàn toàn vì tự do và ơn thánh nhưng không.

Cuối cùng, vào một sớm mai khác, ta lại thấy việc mặc khải thứ ba về tên Thiên Chúa. Người hiện xuống với Môsê trong đám mây, như dấu chỉ sự hiện diện mầu nhiệm của Người, và nói lớn với ông: “Chúa tể, Chúa tể, Đấng Thiên Chúa hay thương xót (rachum) và nhân từ (henum), chậm nổi giận, và giầu tình yêu bền vững (hesed) và trung thành (emet) (Xh 34:6).

Trong cuộc mặc khải tên Người lần thứ ba này, lòng thương xót không những nói lên tính tối thượng và tự do của Thiên Chúa; nó còn nói lên lòng trung thành của Người nữa. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa trung thành với chính Người và với dân của Người, bất chấp sự bất trung của họ. Trong cuộc mặc khải tên Thiên Chúa lần thứ ba, ta có thể nhận ra lời khẳng định chính của Israel liên quan tới yếu tính của Thiên Chúa họ.[20] Sau đó, lời tuyên bố về mặc khải này đã liên tiếp được nhắc đi nhắc lại trong Cựu Ước, nhất là các Thánh Vịnh, một cách như lên công thức.[21] Có thể nói, nó đã trở thành Kinh Tin Kính của Cựu Ước.

Kinh Tin Kính trên không do suy tư của con người mà có; cũng không hẳn do thị kiến huyền nhiệm mà phát sinh. Ngược lại, Môsê được phán bảo một cách không hàm hồ rằng “Ngươi không thể thấy dung nhan Ta vì không ai thấy dung nhan Ta mà còn sống được”. Môsê không thể trực tiếp nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa; ông chỉ có thể thấy lưng của Người khi Người bước khỏi ông. Có thể nói, ông chỉ có thể nhận ra Thiên Chúa một cách hậu thiên (a posteriori), nghĩa là bằng cách nhìn trở lui, nhìn đàng sau việc Người bước qua lịch sử. Thiên Chúa cũng có thể được nhìn thấy dựa vào lời lẽ do Người mặc khải và giải thích, nghĩa là việc hô to thánh danh Người (Xh 33:20-23). Như thế, lời tuyên bố dứt khoát liên quan tới yếu tính nhân từ và thương xót của Thiên Chúa không phải là lời tuyên bố suy lý hay do kinh nghiệm huyền nhiệm mà có. Đúng hơn, nó là lời tuyên bố của đức tin dựa trên sự tự ý mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Trong và xuyên suốt lịch sử, Thiên Chúa mặc khải yếu tính của Người, một yếu tính vốn dấu khuất khỏi con người. Ta chỉ có thể nói về yếu tính này bằng con đường trình thuật, chứ không bằng con đường suy lý. Theo nghĩa này, công thức này chính là bản tóm lược câu Thiên Chúa tự định nghĩa về Người trong Cựu Ước.

IV. LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ PHẨM TÍNH VỪA KHÔN DÒ VỪA CÓ TÍNH TỐI THƯỢNG

Nơi Tiên Tri Hôsê, ta thấy cao điểm của việc Cựu Ước mặc khải thánh danh Thiên Chúa. Ngoài Tiên Tri Amos, Tiên Tri Hôsê là người đầu tiên trong các tiên tri soạn tác (scriptural prophets). Ngài sống trong một tình thế rất cảm kích của những ngày cuối cùng của Vương Quốc Phía Bắc và việc nó bị bức tử (722/721 trước CN). Tính cảm kích trong sứ điệp của ông tương ứng với tính cảm kích của tình thế. Người dân đã phá bỏ giao ước; họ đã trở thành đĩ điếm ô nhục. Do đó, Thiên Chúa cũng đã cắt đứt với dân Người. Người quyết định không tỏ lòng thương xót với thứ dân bất trung của mình nữa (Hs 1:6). Dân của Người sẽ không còn là dân của Người nữa (Hs 1:9).

Do đó, mọi sự xem ra đã không còn và tương lai xem ra đã trệch hướng. Nhưng rồi, một xoay chiều đầy cảm kích đã xuất hiện. Bản Dịch Thống Nhất (Unity Translation) [22] dịch lời tuyên bố có tính quyết định của Thiên Chúa như sau: “Trái tim Ta co cụm lại trong Ta” (Hs 11:8). Nhưng lời dịch này quả đã làm giảm ý nghĩa lời Thiên Chúa khá nhiều. Nguyên bản Hipri diễn tả nó một cách quyết liệt hơn nhiều: Thiên Chúa đã đảo ngược đức công lý của Người; có thể nói: Người liệng bỏ nó. Thay vì con người bị lật đổ, sự lật đổ đã diễn ra ngay trong bản ngã Thiên Chúa.[23] Tại sao? Lòng cảm thương (Mitleid) của Thiên Chúa bừng sáng lên và Người quyết định không thực hành cơn giận bừng bừng nữa. Trong Thiên Chúa, lòng thương xót đã chiến thắng công lý.

Cuộc xoay chiều các biến cố trên không chỉ sự tùy tiện của một Thiên Chúa hay giận dữ, Đấng vì muốn làm dịu cơn giận của mình một cách tốt đẹp, đã để cho sự dịu dàng thắng lướt quyền lợi. Theo Tiên Tri, lời biện minh được chính Thiên Chúa đưa ra mầu nhiệm và sâu sắc hơn nhiều. Nó biểu lộ cho ta sự sâu sắc hoàn toàn của mầu nhiệm Thiên Chúa: “Vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải kẻ tử sinh, là Đấng Thánh giữa các ngươi, và Ta sẽ không đến trong giận dữ” (Hs 11:9). Đây quả là một lời tuyên bố gây ấn tượng mạnh mẽ. Nó muốn nói: sự thánh thiện của Thiên Chúa, Hữu Thể Hoàn Toàn Khác của Người, trong tương phản với tất cả những gì nhân bản, không được tiết lộ trong cơn giận chính đáng của Người, cả trong tính siêu việt khôn dò và khôn thấu của Người. Hữu thể thần linh của Thiên Chúa được mặc khải trong lòng thương xót của Người. Lòng thương xót nói lên yếu tính thần linh của Người.

Đoạn văn hết sức cảm kích trên cho thấy ngay trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã không phải là Đấng Thiên Chúa giận dữ và thẳng thừng, nhưng là Đấng Thiên Chúa hay thương xót. Người cũng không phải là Đấng Thiên Chúa lãnh đạm, Đấng ngự trên ngai chót vót, không biết gì tới tội lệ và buồn đau của thế gian. Người là Đấng Thiên Chúa có một trái tim; trái tim này biết nổi giận nhưng sau đó, theo cả nghĩa đen, đã tự lật nhào trở thành thương xót. Với sự “lật nhào” này, một đàng, Thiên Chúa tự biểu lộ mình chuyển động theo cách nhân bản rõ ràng, đàng khác, Người lại tự mặc khải mình như là người hoàn toàn khác với những kẻ tử sinh. Người tự mặc khải Người như Đấng Thánh, như Người Hoàn Toàn Khác. Yếu tố tạo thành yếu tính của Người, một yếu tính từ căn bản vốn phân biệt Người với các hữu thể nhân bản và nâng Người lên trên mọi loài tử sinh, chính là lòng thương xót của Người. Nó là sự siêu phàm và tối thượng của Người; nó chính là yếu tính thánh thiện của Người.

Tính tối thượng của Thiên Chúa, trên hết, được chứng minh qua hành vi tha thứ và ân xá. Chỉ những ai đứng trên chứ không đứng dưới các đòi hỏi của công lý nguyên tuyền mới có thể tha thứ và ân xá. Chỉ có người này mới có thể hủy bỏ sự trừng phạt chính đáng và cho phép một khởi đầu mới. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ và sự tha thứ thuộc về yếu tính của Người.

- “Vì lạy Chúa, Chúa là đấng tốt lành và tha thứ, giầu tình thương bền vững đối với tất cả những người kêu cầu Chúa” (Tv 86:5).

- “Vì Người sẽ tha thứ một cách đại lượng” (Is 55:7).

- “Người hân hoan trong việc tỏ lòng khoan nhân” (Mk 7:18; xem Xh 34:6; Ps 130:4).

Thần học, dù khôn khéo bao nhiêu, cũng vẫn thiếu sót khi nói về Thiên Chúa, Đấng không hợp với bất cứ phạm trù nào. Ta không thể khiếm nhã sử dụng kiểu nói hoặc / hoặc (either/or): hoặc Đấng Thiên Chúa chính trực / hoặc Đấng Thiên Chúa thương xót, như thể đây là vấn đề hiển nhiên nhất ở trên đời. Trong ngôn ngữ của ta, ta có thể nói: lòng thương xót là sự mặc khải tính siêu việt của Người so với mọi loài tử sinh và so với mọi điều con người có thể tính toán được. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa được mặc khải một cách nghịch lý vừa như Đấng Hoàn Toàn Khác vừa như Đấng Hết Sức Gần Gũi Chúng Ta. Sự siêu việt của Người không phải là khoảng cách vô tận và sự gần gũi của Người không phải là bồ bịch thân thiết. Thiên Chúa hay thương xót của ta không phải là “Đấng Thiên Chúa thân mến” bọc đường, làm ngơ các phóng túng và ác ý của ta. Ngược lại, sự gần gũi có tính cứu rỗi của Người nói lên tính khác và tính dấu ẩn không hiểu thấu được của Người (Is 45:15). Người là “Deus revelatus” (Thiên Chúa được mặc khải) rõ ràng và hiển hiện như thế nào, thì Người cũng là “Deus absconditus” (Thiên Chúa dấu ẩn) như thế. Lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ cho ta thấy Hữu Thể Hoàn Toàn Khác của Người và việc không thể hiểu được Người cách trọn vẹn, một việc vừa là sự không thể hiểu nhưng đồng thời lại là sự khả tín đối với tình yêu và lòng nhân hậu của Người.

V. LÒNG THƯƠNG XÓT: SỰ THÁNH THIỆN, ĐỨC CÔNG LÝ VÀ LÒNG TRUNG THÀNH CỦA THIÊN CHÚA

Trong Cựu Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn nối kết bất khả phân với những cách thế khác qua đó Thiên Chúa được mặc khải. Ta không thể tách lòng thương xót của Người ra khỏi bối cảnh này để xử lý một cách độc lập. Việc mặc khải thánh danh Người cho Môsê đã chứng tỏ rằng lòng thương xót của Người có thể nói là được bao bọc bởi lòng nhân hậu và lòng trung thành. Việc Thiên Chúa tự mặc khải Người nơi Tiên Tri Hôsê chứng tỏ rằng lòng thương xót được liên kết bất khả phân với sự thánh thiện của Thiên Chúa và nói lên sự thánh thiện này.

Tương quan gắn bó giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người là điều quan trọng hết sức đặc biệt. Hạn từ Hipri chỉ sự thánh thiện (qados) nguyên khởi có nghĩa là cắt đứt hay để riêng ra. Do đó, sự thánh thiện của Thiên Chúa chính là sự dị biệt và trổi vượt triệt để của Người so với mọi sự vật và mọi sự ác trần thế.[24] Sự thánh thiện của Thiên Chúa được phát biểu một cách trịnh trọng trong thị kiến ngai vàng của Tiên Tri Isaia, trong đó, Isaia nghe thấy các Seraphim ca hát rằng “Thánh! Thánh! Thánh!”. Thị kiến này khiến Tiên Tri rùng mình một cách thánh thiện; nó làm ông ý thức được sự bất xứng và tội lệ toàn diện của mình. “Khốn thân tôi! Tôi phải nín thinh, vì tôi là con người có những làn môi dơ bẩn, và tôi sống giữa những người có những làn môi dơ bẩn” (Is 6:3-5). Điều này chứng tỏ rằng ta không nên hạ giá lòng thương xót của Thiên Chúa và biến Thiên Chúa thành người khờ khạo, một người, vì cấp tiến khoan dung, không lưu ý gì tới các lầm lỗi và ác ý của ta, để mặc chúng tự tung tự tác trong ta. Nietzsche chế giễu cách quan niệm như thế về Thiên Chúa và cho biết Thiên Chúa đã chết vì lòng thương xót của Người.[25] Ta không thể coi thường Thiên Chúa; Người không để Người bị chế giễu (Gl 6:7). Khi cảm thương và thương xót, Người chứng tỏ sự thánh thiện và cao cả của Người.

Vì sự thánh thiện của Người, Thiên Chúa chỉ có thể đối kháng sự ác. Thánh Kinh gọi điều này là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.[26] Nhiều người thoạt đầu rất có thể ngần ngại với điều này và coi nó không thích đáng. Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không phải là việc nổi giận có tính xúc cảm hay một can thiệp đầy giận dữ, mà đúng hơn là sự kháng cự của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bất công. Có thể nói, thịnh nộ là biểu thức tích cực và năng động của yếu tính thánh thiện của Người. Vì lý do này, ta không thể xóa bỏ sứ điệp phán xét khỏi sứ điệp của Cựu Ước hay sứ điệp của Tân Ước hay giải thích sứ điệp ấy một cách vô hại như không có.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa phù hợp với đức công lý (zedakah) của Người.[27] Đối với Cựu Ước, ý niệm lề luật và công lý là ý niệm trung tâm. Đối với những con người đạo hạnh trong Cựu Ước, công lý của Thiên Chúa là một định đề nền tảng không cần bàn cãi. Dựa vào sự thánh thiện của Người, Thiên Chúa không thể làm bất cứ điều gì khác hơn là trừng phạt sự ác và tưởng thưởng sự thiện. Đối với Cựu Ước, điều đó không hề là một sự thật khiến người ta sợ hãi; ngược lại, nó là biểu thức nói lên hy vọng. Người đạo hạnh trong Cựu Ước hy vọng ở việc mặc khải đức công lý phổ quát của Thiên Chúa (Tv 5-9; 67:5; 96:13; 98:9; v.v…). Niềm hy vọng cánh chung này hướng về việc xuất hiện của Đấng Mesiah chính trực (Is 11:4). Chứng cớ công lý trong một thế giới bất công vốn là công trình của lòng thương xót đối với người bị áp bức và những ai bị từ khước mọi quyền lợi.

Như thế, sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là sứ điệp ơn thánh rẻ tiền. Thiên Chúa mong ta thực hiện những điều đúng đắn và công chính (Am 5:7.24; 12:2, v.v…). Vì lý do này, lòng thương xót không chống lại sứ điệp công lý. Đúng hơn, trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa kìm hãm cơn thịnh nộ chính đáng của Người; thực vậy, người kìm hãm chính Người. Người làm thế, để cung cấp cho con người cơ hội hoán cải. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho người có tội một thời ơn thánh và mong họ trở về. Xét cho cùng, lòng thương xót chính là ơn trở lại.

Chỉ cần trích dẫn đoạn sau đây để hỗ trợ cho điều trên. Sau khi dân bị trừng phạt đích đáng phải biệt xứ vì tội bất trung của họ, Thiên Chúa, vì lòng thương xót, đã ban cho họ một cơ hội khác.

“Ta bỏ ngươi trong chốc lát, nhưng với lòng cảm thương vô hạn, Ta sẽ gom ngươi lại. Trong cơn thịnh nộ bừng bừng chốc lát, Ta đã dấu mặt Ta khỏi ngươi, nhưng với tình yêu muôn thuở, Ta sẽ cảm thương ngươi… […]. Vì núi có thể ra đi và đồi có thể chuyển rời, nhưng tình yêu bền vững của Ta sẽ không đi khỏi ngươi, và giao ước bình an của Ta sẽ không chuyển rời, Chúa Thượng, Đấng cảm thương ngươi, nói thế” (Is 54:7-8, 10).[28]

Lòng thương xót chính là công lý đầy sáng tạo và phong phú của Thiên Chúa. Do đó, nó đứng trên mọi luận lý học tội lệ và trừng phạt kiểu bàn tay sắt, tuy nhiên, nó không mâu thuẫn với công lý. Đúng hơn, nó phục vụ công lý. Như thế, Thiên Chúa không bị trói buộc bởi một lề luật xa lạ cao hơn Người. Người không phải là một quan tòa ra phán quyết dựa theo một lề luật đã được định trước cho Người. Người càng không phải là một viên chức thi hành án lệnh của người khác. Trong quyền tối thượng của Người, Thiên Chúa thiết lập ra điều đúng.

Sự tự do tối thượng nói trên không hề là một tự do tùy tiện. Cũng có thể nói nó không phải là một thứ lưu tâm bột phát, theo bản năng và đầy lo lắng đối với nỗi khốn khổ của dân Người. Đúng hơn, nó nói lên sự trung thành (emet) của Người.[29] Lòng khoan nhân (hay thương xót) và lòng trung thành đã được hàm nghĩa ngay trong việc mặc khải thánh danh Thiên Chúa. Trong chữ emet ta thấy gốc aman; gốc này chỉ một điều gì đó giống như “đứng vững”“nắm được một thế nắm”. Hiểu theo cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa tương ứng với lòng trung thành của Người. Giao ước, một điều Người ân ban hoàn toàn do lòng nhân hậu tự tại, là điều đáng tin cậy; nó cung cấp cơ sở vững vàng để ta dựa vào. Lòng thương xót nói lên một nghĩa vụ nội tại, đầy tự do và nhân hậu, mà Thiên Chúa có đối với chính Người và đối với dân mà Người đã chọn. Trong sự tự do tuyệt đối của Người, Thiên Chúa đồng thời là Đấng tuyệt đối đáng tin cậy. Ta có thể tín thác nơi Người; ta có thể trông cậy nơi Người trong mọi tình huống; nơi Người, có sự đáng tin cậy tuyệt đối.

Các chữ “emet”“aman” còn được tìm thấy trong công thức khẳng định có tính Thánh Kinh và phụng vụ tức công thức “Amen”. Trong Tân Ước, aman được dịch là “Πιστεύειν”, nghĩa là “tin”. Tin không chỉ đơn giản là chấp nhận một điều gì đó đúng. Mà đúng hơn, trong diễn trình chấp nhận một điều gì đó đúng này, tin có nghĩa cậy nhờ vào Thiên Chúa, dựa vào Người mà xây dựng, gắn bó với Người và tìm được một chỗ vững chắc ở trong Người mà đứng. Đức tin là hành vi đầy tin tưởng phó mình cho lòng trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa. “Không vững tin là bạn không vững chi hết” (Is 7:9). “Tin vào Chúa, Thiên Chúa bạn, là bạn sẽ vững vàng” (2Sb 20:20). Ta cũng có thể nói: có đức tin nghĩa là thưa “amen” đối với Thiên Chúa và, do đó, tín thác vào ân huệ, lòng trung thành, và lòng thương xót vô bờ của Người. Trong đức tin, con người nhân bản tìm được thế đứng vững chắc. Trong đức tin, họ nhận được ân ban một không gian đáng tin để sống.

VI. THIÊN CHÚA CHỌN SỰ SỐNG VÀ NGƯỜI NGHÈO

Sứ điệp thương xót của Cựu Ước không đơn giản chỉ là sứ điệp thuần thiêng liêng; nó là một sứ điệp về sự sống và, do đó, có một chiều kích cụ thể theo nghĩa thể lý và xã hội hết sức thiết yếu đối với nó. Nhân loại đáng phải chết vì đã phạm tội. Vì thương xót, Thiên Chúa đã ban cho họ sự sống và không gian mới để sống. Thiên Chúa quả không hề là Đấng Thiên Chúa chết, đúng hơn, Người là Đấng Thiên Chúa đang sống, Đấng không hề muốn sự chết mà chỉ muốn sự sống. Người không hề vui trước cái chết của người có tội. Đúng hơn, Người vui mừng khi người có tội ăn năn và tiếp tục sống (Ed 18:23; 33:11). Chúa Giêsu tiếp nhận sứ điệp của Cựu Ước và nói rằng Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Chúa của kẻ chết, mà đúng hơn là Đấng Thiên Chúa của người sống (Mc 12:27; Mt 22:32; Lc 29:38).

Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa là sức mạnh Người nâng đỡ, bảo vệ, thăng tiến, xây đắp và tạo ra sự sống mới. Nó phá đổ luận lý học của con người về công lý, một thứ công lý luôn bao hàm trừng phạt và chết chóc cho người có tội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mong muốn sự sống. Trung thành với giao ước từng ký kết với dân Người, Thiên Chúa hay thương xót đã tái lập mối liên hệ từng bị hủy diệt bởi tội lỗi, và Người ân ban các điều kiện sống mới, đáng tin cậy. Lòng thương xót chính là việc Thiên Chúa chọn sự sống. Nó minh xác: Không như Nietzsche từng nghĩ, Thiên Chúa không phải là kẻ thù của sự sống.[30] Thiên Chúa quyền năng (Tv 27:1) và là nguồn sự sống (Tv 36:10); Người là bạn của sự sống (Kn 11:26).

Sự lưu tâm lo lắng đặc biệt của Thiên Chúa hướng về người yếu đuối và người nghèo nàn.[31] Ký ức về việc Israel lúc còn ở Ai Cập rất nghèo (Xh 22:20; Đnl 10:19; 24:22) và Thiên Chúa dẫn dân Người ra khỏi Ai Cập bằng một bàn tay mạnh mẽ và cứu vớt họ (Xh 6:6; Đnl 5:15) vẫn tiếp tục gây hiệu quả. Ở đất hứa, tình yêu và sự chăm sóc đặc biệt của Thiên Chúa đã được áp dụng vào người nghèo nàn và yếu đuối. Nó đặc biệt hiển nhiên trong giới luật không được áp bức hay khai thác ngoại kiều, góa phụ và cô nhi (Xh 22:20-26); nó cũng hiển nhiên trong việc bảo vệ người nghèo ở tòa án (Xh 23:6-8) và trong việc cấm cho vay nặng lãi (Xh 22:24-26). Trong Sách Lêvi, ta thấy một luật lệ có tính xã hội rõ rệt (Lv 19:11-18; 25). Với Thiên Chúa, phẩm trật xã hội thông thường đã bị đảo ngược. Trong bài ca tạ ơn của Hanna, một bài ca báo trước bài Ngượi Khen (Magnificat) của Đức Maria trong Tân Ước, ta nghe thấy: “Người đã nâng người nghèo lên khỏi đống bụi; Người đã nâng người thiếu thốn lên khỏi đống tro, và đặt họ ngồi ngang hàng vua chúa và thừa hưởng chỗ ngồi danh dự” (1Sm 2:8).

Ta cần đặc biệt nhắc đến luật Sabat (Xh 20:9tt; 23:12-15), là luật giả thiết cũng phải cung cấp cho nô lệ và ngoại kiều một ngày để lấy lại sức và nghỉ ngơi. Cũng có năm Sabat, diễn ra mỗi chu kỳ 7 năm, trong đó, đồng ruộng được cày sới nhưng không gieo mục đích giúp người nghèo; trong năm này, nô lệ được trả tự do (Xh 23:10tt; Đnl 15:1-18). Cũng những điều tương tự như thế diễn ra trong năm hồng phúc (jubilee), trong đo, cứ mỗi 49 năm (7 lần bảy năm) mọi tài sản được trả về nguyên chủ, đồng ruộng không gieo vãi, vườn nho không được thu hái và mọi người được trả tự do (Lv 25:8tt; 27:14tt). Dù cho điều khoản sau cùng ít khi được tuân giữ, nhưng phía sau nó vẫn hàm chứa ý tưởng liên đới của dân Chúa, những người đất đai được ban cho làm của chung. Sách Đệ Nhị Luật, do đó, đã khai triển quan niệm về một dân tộc, trong đó, sẽ không có người nghèo và người bị hất hủi (Đnl 8:9; 15:4), một dân tộc biết mọi qui định chi tiết liên quan tới quả phụ và cô nhi, ngoại kiều, và nô lệ (Đnl 14:29; 15:1-18; 16:11, 14; 24:10-22) và một dân tộc còn biết nhìn nhận cả nghĩa vụ đóng 10 phần trăm lợi tức (tithe) cho người nghèo.[32] Sứ điệp này khởi đầu với lời tố cáo nghiêm khắc của Tiên Tri Amos chống việc bóc lột, bất công, và áp bức (Am 2:6-8; 4:1, 7-12; 8:4-7) và lời phê phán của ông trước lối sống phè phỡn của giai cấp thượng lưu (Am 6:1-14). Thay thế cho các lễ lạc huyên náo và hy lễ toàn thiêu, ông đòi lấy sự chính trực và công lý làm lễ dâng tôn giáo (Am 5:21-25).

Những lời lẽ tương tự như thế cũng tìm thấy nơi Isaia (1:11-17; 58:5-7), Edekiel (18:7-9), Hôsê (4:1-3; 6:6; 8:13; 14:4), Mika (6:6-8) và Giacaria (7:9tt). Trong những đoạn văn này, ta cũng thấy nhiều lởi lẽ khích lệ người nghèo, những người tìm thấy nơi Thiên Chúa của Israel, Đấng Thiên Chúa khác với các ngẫu thần (Br 6:35-37), một lỗ tai thiện cảm, nơi trú ẩn, lòng thương xót, sự chính trực, và niềm an ủi (Is 14:32; 25:4; 41:17; 49:13; Gr 22:16).

Trong các vị tiên tri, ta nghe đi nghe lại lời khẩn cầu tha thiết xin được Chúa thương xót (Is 54:7; 57:16-19; 63:7 – 64:11; Gr 31:20;v.v…). Thiên Chúa hứa hẹn với người nghèo chứ không phải người cao ngạo và quyền thế (Is 26:6; 41:17; 49:13). Theo Sách Isaia 3, Đấng Mesiah được phái tới người nghèo và người bé mọn để đem Tin Mừng đến cho họ (Is 61:1).

Với các tiên tri, ta có thể an tâm nói về việc Thiên Chúa hết sức ưu tiên chọn người nghèo, người vô quyền, và người bé mọn. Người ta gần như bị cám dỗ nói tới một thứ trật tự xã hội mới hoàn toàn không tưởng (utopia). Tuy nhiên, chữ “utopia” (không tưởng) dùng ở đây không đúng chỗ. Vì ta không nói về một dự án của con người mà nói về ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng muốn ban cho nhân loại sự sống, và lời hứa cánh chung của Người.

VII. CA TỤNG THIÊN CHÚA TRONG CÁC THÁNH VỊNH

Trong nhiều đoạn, các Thánh Vịnh nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa bằng những vần thơ tuyệt đẹp. Sau đây chỉ là một vài điển hình:

- “Mọi nẻo đường của Chúa đều là yêu thương và trung tín bền vững, đối với những người tuân giữ giao ước và các giới răn của Người” (Tv 25:10).

- “Lạy Chúa, tình yêu bền vững của Ngài vươn tới các tầng trời, lòng tín trung của Ngài vươn tới các tầng mây” (Tv 36:5).

- “Chúa là Đấng thương xót và nhân hậu, chậm giận dữ và chan chứa yêu thương bền vững” (Tv 103:8; 145:8).

- “Người cha cảm thương con cái thế nào, Chúa cũng cảm thương những người kính sợ Người như vậy” (Tv 103:13).

Giống như nơi các tiên tri, trong các Thánh Vịnh, những người trên cũng được Thiên Chúa nghe, được Người an ủi và giúp đỡ (Tv 9:10, 19; 10:14, 17; 22:25; 113:4-8, v.v…).

Ngoài lời ca tụng lòng Thương xót của Thiên Chúa, ta còn liên tiếp nghe lời kêu gọi vang vọng sau đây trong các Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, xin Ngài nhân hậu đối với con” (Tv 4:1; 6:2, v.v…). Đặc biệt đáng lưu ý là đoạn đầu Thánh Vịnh nổi tiếng Miserere (Xin xót thương con), một Thánh Vịnh vốn được gán cho Vua David sau khi ông phạm tội ngoại tình với Bethsheba, vợ Tướng Uriah, và Tiên Tri Nathan đã buộc ông phải nhận tội: “Ôi lạy Chúa, xin xót thương con, theo tình thương bền vững của Chúa; xin tẩy sạch mọi tội nhơ của con theo lòng thương xót hải hà của Chúa” (Tv 51:1).

Cuối cùng, lời khẩn cầu tha thiết nhất đã nhiều lần được thay thế bằng lời tung hô tạ ơn và mừng vui hân hoan: “Hãy ngợi khen Chúa! Ôi, hãy cảm tạ Chúa, vì Người tốt lành; vì tình yêu bền vững của Người kéo dài thiên thu” (Tv 106:1; 107:1).

Thánh Vịnh 136 nhắc lại lời tung hô mừng vui hân hoan ấy đến 26 lần. Các Thánh Vịnh tạo nên bài ca duy nhất tán tụng lòng thương xót của Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan tiếp nhận bài ca tán tụng lòng thương xót này: “Nhưng Chúa, Thiên Chúa của chúng con, nhân hậu và chân thật, kiên nhẫn và cai trị mọi loài bằng lòng thương xót” (Kn 15:1).

Trong những ngày sau này ở Israel, những người tầm thường (am-haarez) trở nên cùng kiệt và bị giai cấp có ảnh hưởng và có học khinh bỉ. Do đó mà hình thành ra nhóm anawim gồm người nghèo, người thấp cổ bé miệng, người kém thế, người bị áp bức, người hiền lành, khiêm hạ, những người chẳng dám mong chờ chi nơi thế giới và chỉ còn biết đặt trọn hy vọng nơi một mình Thiên Chúa.[33]

Cộng đồng Qumran cũng thuộc cùng bối cảnh này. Theo Sách Isaia 3, Đấng Mesiah biết Người được sai đến với những người thấp cổ bé miệng nghèo hèn này để đem Tin Mừng đến cho họ và để hàn gắn tất cả những ai có tâm hồn tan nát. Người sẽ công bố tự do cho người bị giam cầm, giải thoát các tù nhân, và an ủi những ai tang chế khóc lóc (Is 61:1-3). Ông Simeon và Bà Anna trong Tân Ước cũng thuộc những người tầm thường và đạo hạnh đang mong đợi Đấng Mesiah (Lc 2:25-38). Chúa Giêsu đã tiếp nhận sự chờ đợi này và liên kết sự nên trọn của nó với việc Người xuất hiện. Người biết rằng Người được sai đem Tin Mừng đến cho người nghèo (Lc 4:16-21).

Để tóm tắt, ta có thể nói rằng: sứ điệp thương xót của Thiên Chúa bàng bạc toàn bộ Cựu Ước. Thiên Chúa không ngừng làm dịu cơn thịnh nộ thánh thiêng hết sức chính đáng của Người và tỏ lòng thương xót với dân lang bang của Người, bất chấp sự bất trung của họ, ngõ hầu ban cho họ một cơ hội nữa để ăn năn và hoán cải. Người là Đấng bảo vệ và duy trì người nghèo và những ai không có quyền lợi. Các Thánh Vịnh, trước hết, cung cấp cho ta đầy đủ chứng cớ thuyết phục nhất chống lại lời quả quyết luôn được nêu ra rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là Đấng Thiên Chúa hờn ghen ưa trả thù và thịnh nộ. Đúng hơn, từ Sách Xuất Hành tới Sách Thánh Vịnh, Thiên Chúa của Cựu Ước là “Đấng nhân hậu và hay thương xót, chậm giận dữ và giầu tình thương bền vững” (Tv 145:8; xem Tv 86:15; 103:8; 116:5).

 

 


[1] Friedrich Nietzsche, Beyond Good and Evil, bản tiếng Anh của Helen Zimmern (London: Allen & Unwit), pp. 3.

[2] Muốn hiểu các Thánh Vịnh nguyền rủa, xem: E. Zenger, “Fluchpsalmen” Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder 1993-2001), 3: 1335f. Cũng nên xem chương II trên đây, ghi chú 62.

[3] Helmut Koster, “σπλάγχνον”, Theologisches Worterbuch zum Neyene Testament, do Gerhard Kittel và nhiều người khác hiệu đính (Stuttgart: Kohlhammer, 1949-79) 7: 553-557.

[4] Rudolf Bultmann, “οἰκτίρω”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 5: 162f.

[5] F. Baugartel và J, Behm, “καρδία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 3: 609-616; Hans Walter Wolff, Anthropologie des Alten Testaments (Munich: Kaiser, 1973), pp. 68-95.

[6] Tiếng Anh, “recoils within him”; Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Lòng Ta đảo lộn trong Ta”.

[7] Abraham Joshua Heschel, The Prophets (New York: Harper & Row, 1975); Peter Kuhn, Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen (Munich: Kosel Verlag, 1968); Peter Kuhn, Gottes Trauer und Klage in de rabbinischen Uberlieferung (Leiden, E.J. Brill, 1978).

[8] Rudolf Bultmann, “ἔλεος”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 2: 474-482.

[9] Walther Zimmerli, “χάρις”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 9: 366-377.

[10] St 18:18; 22:18; 26:4; 18:14; Hc 44:21; Gl 3:6-18.

[11] Xem: W. Beyer, “εύλογέω εύλογία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 2: 751-763.

[12] Tôi lấy hứng kiểu nói và quan điểm này từ Gerhard Lohfink và Ludwig Weimer, Marianicht ohne Israel: Eine neue Sicht der Lehre von der Unbeflekten Empfangnis (Freiburg i.Br.: Herder, 2008).

[13] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “Ta có sao Ta có vậy”.

[14] Muốn có lời giải thích về tên Giavê, xin xem Walther Zimmerli, “Ich bin Jahwe” trong Gottes Offenbarung: Gesammelte Aufsatze zum Alten Testament (Munich: Kaiser, 1963); Gerhard von Rad, Old Testament Theology, bản tiếng Anh của D.M.G. Stalker (New York: Harper, 1962). Muốn có cuộc nghiên cứu gần đây hơn, xin xem M. Rose, “Jahwe” Theologische Realenzyklopadie, do Gerhard Muller, Horst Balz và Gerhard Krause biên tập (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 16: 438-441; R, Brandscheit, “Jahwe”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 5: 712-713.

[15] Die funf Bucher der Weisung: Verdeutscht von M. Buber gem.m. F. Rosenzweig (Heidelberg: Schneider, 1981). Xem thêm: Martin Buber, Moses: The Revelation and the Covenant (New York: Harper & Row, 1958), pp. 52-55.

[16] Tertulliano, The Prescription of Heretics, cuốn VII, 9.

[17] Blaise Pascal, Pensées, bản tiếng Anh của A.J. Krailsjeimer (Baltimore: Penguin Books, 1966), pp. 309. Về vấn đề thần học hệ thống, xem Chương V, 1.

[18] Wilrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1 (Neukirchen-Vluyyn: Neukirchener Verlag, 2007), pp. 93. Ý niệm Proexistens, như tôi được biết, xuất phát từ nhà giải thích Thệ Phản W. Schmauch và sau đó được các nhà giải thích Tân Ước của Công Giáo tiếp nhận, như H. Schurmann và W, Thusing. Điều rất thích hợp với ý tưởng này là một số tác giả coi không phải “hajah” (hiện hữu), mà đúng hơn “hasah” mới là gốc rễ của tên Giavê. “Hasah” có nghĩa: yêu thương một cách say mê. Theo lối giải thích này, Giavê là người yêu dân Người cách say mê. Xem: Edith Olk., Die Barmherzigkeit Gottes-zentrale Quelle des christlichen Lebens (St Ottilien: EOS, 2011), pp. 46.

[19] Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1: 96.

[20] Ibidem.

[21] Xem: Đnl 4:31; Tv 86:15; 103:8; 116:5; 145:8; Gn 4:2; Ge 2:13.

[22] Ghi chú của người dịch: Đây là bản dịch Thánh Kinh của Đức được thực hiện giữa các thập niên 1960 và 1980 để dùng trong phụng vụ, và được Katholisches Bibelwerk ấn hành. Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phung Vụ dịch là “Lòng Ta đảo lộn trong Ta”.

[23] Hans Walter Wolff, Dodekapropheten, XIV/1 (Neukirchen-Vluyn: Neukirchener Verlag, 1976), pp. 261.

[24] Proksch và G. Kuhn, “ἃγιος”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 1: 87-112.

[25] Friedrich Nietzsche, Thus Spake Zarathustra, bản dịch của Thomas Common (NY: Carlton House), pp. 96.

[26] J. Fichtner và G. Stahlin, “ὀργἡ”, Theologisches Worterbuch zum Neue Testament, 5: 395-410, 442-448. Gunther Bornkamm, “Die Offenbarung des Zormes” trong Studien zum Neuen Testament (Munich: Kaiser, 1985), pp. 136, 189; Walter Groẞ, “Zorn-ein biblisches Theologumenon” trong Gott-ratlos vor dem Bosen?: Wolgang Beinert hiệu đính (Freiburg i.Br.: Herder, 1999), pp. 47-85.

[27] G. Quell, “δικαιοκρισία”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 2: 176-180.

[28] Xem: Is 44:26.28; 49:10-13; Gr 3:12; 12:15; 26:13.

[29] G, Quell, G. Kittel và R. Bultmann, “άλήθεια”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 1: 233-251.

[30] Friedrich Nietzsche, The Twilight of the Idols, bản dịch của Antholy M. Ludovici (New York: Macmillan, 1924), pp. 42-43.

[31] F. Hauck, “πέυης”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 6: 37-40; F. Hauck và E, Bammel, “πτωχός”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 6: 885-902; Norbert Lohfink, Lobgesange der Armen (Stuttgart: Verlag Kathpolisches Bibelwerk, 1990); H. J. Fabry, “Armut”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 1: 1005-1008.

[32] Về Đệ Nhị Luật, xin xem: Norbert Lohfink, “Das deuteronomistishe Gesetz in der Endgestalt: Entwurf einer Gesellschaft ohne marginale Gruppen”, Biblische Notizen 51 (1990), pp. 25-40.

[33] Hauck và Bammel, πτωχός, pp. 894-902.