Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, OP.
“Đồng hành với một tín hữu, huấn luyện một tín hữu là một hành động chỉ có Chúa Ba Ngôi mới thực hiện… Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành”
Nền tảng thần học, tu đức và sư phạm giáo dục
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô Giáo và của sinh hoạt Kitô Giáo. Mầu nhiệm đó được mạc khải trong lịch sử cứu độ như một thiên tình sử vĩnh hằng rất dễ thương và gần gũi với chúng ta, vì nó liên hệ đến ý nghĩa, ơn cứu độ và hạnh phúc của mỗi con người. Mầu nhiệm đó là nguồn gốc, là khuôn mẫu của đời sống kitô hữu và ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, phải chăng do cách trình bày giáo lý, nên mầu nhiệm tình yêu này trở thành một thứ lý thuyết cao vời, trừu tượng, ít có liên hệ đến đời sống cụ thể hằng ngày, nhất là đối với công cuộc huấn luyện ơn gọi? Cần khám phá chiều kích Ba Ngôi như nền tảng và “mô mẫu” của quá trình huấn luyện ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến.
Từ tiếp cận thần học, tu đức và huấn luyện, chúng ta tìm hiểu vai trò của Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc huấn luyện các ứng sinh ơn gọi theo lược đồ Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành.
Chúa Cha kêu gọi và giáo dục
Trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi ngôi vị thần linh nắm giữ một sứ mạng riêng, nhưng lại hiệp thông nên một với nhau cách tuyệt hảo. Với tư cách riêng của mình, trong chương trình cứu độ, Chúa Cha nắm giữ vai trò nguồn gốc và sáng tạo; Chúa Con nắm giữ vai trò trung gian và cứu độ; Chúa Thánh Thần đảm nhận vai trò thánh hóa và hoàn tất. Nói cách khác, vai trò của từng ngôi vị có thể được diễn tả theo công thức “hữu – chân – ái”. Chúa Cha liên hệ tới sự hiện hữu của mọi loài. Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo làm cho mọi sự được hiện hữu từ hư vô (x. St 1,1-27). Chúa Con liên hệ tới chân lý, Người vốn là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Đấng mạc khải chân lý và giúp con người nhận biết chân lý. Còn Chúa Thánh Thần liên hệ tới “tình yêu”. Vì Người vốn là Ngôi Vị Tình Yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta (x. Gl 5,5) để đồng hành với mỗi người [1].
Liên quan đến chiều kích Ba Ngôi của ơn gọi và huấn luyện, Thánh Luca ghi lại sự kiện này: “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13). Như thế, ơn gọi của họ phát xuất và cắm rễ sâu trong cuộc đối thoại của Chúa Con và Chúa Cha. Trước khi quyết định chọn những cộng sự viên là các Tông Đồ, Đức Giêsu phải cầu nguyện và đàm đạo với Chúa Cha nhiều giờ để xin Người sai những kẻ Người muốn cho sứ vụ này.
Tin Mừng Matthêu để lại cho chúng ta một chứng tá rất ý nghĩa khi tường thuật sự kiện: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ gặt ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Từ nền tảng Kinh Thánh, chúng ta có thể đưa ra những xác tín sau đây:
Xác tín thứ nhất: Chúa Cha là Đấng đưa ra ánh sáng sự hiện hữu của chúng ta. Các ơn gọi trong Giáo Hội cũng đều phát xuất từ Người. Chúa Cha là suối nguồn của ơn gọi. Nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuống trần gian, thì cũng chính Người kêu gọi và sai mỗi người chúng ta lên đường theo tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Chính Chúa Cha là nhà huấn huyện đầu tiên, Người làm cho họ trở thành “môn đệ Đức Kitô”.
Xác tín thứ hai: Giáo Hội phải cầu xin “chủ mùa gặt” là Chúa Cha sai các thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo hôm nay. Bởi lẽ, người ta không thể đi tìm “các thợ gặt của Thiên Chúa”, như ông chủ đi tìm lao công, như một giám đốc tuyển các chuyên viên cho công ty. Hay nói cách khác, Giáo Hội không làm nên ơn gọi, nhưng chỉ là trung gian. Giáo Hội cũng không phải là “xưởng sản xuất các ơn gọi”. Giáo Hội được giao phó nhiệm vụ trung gian phân định, hướng dẫn và đồng hành với ơn gọi. Việc tuyển chọn ơn gọi linh mục và tu sĩ không được phép giảm thiểu như là việc tuyển chọn nghề nghiệp, khám bệnh hoặc khảo cứu như những chuyên gia tâm lý.
Vì thế, do trách nhiệm được Giáo Hội ủy thác, khi làm công tác chọn lựa ứng sinh, những người hữu trách về ơn gọi đóng vai trò quan trọng trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội: là cùng với ứng sinh tìm ra thánh ý Chúa Cha và chương trình của Người nơi từng ứng sinh để phân định ơn gọi. Trách nhiệm này rất quan trọng và nghiêm túc. Vì trung tâm điểm của quá trình tuyển chọn ứng sinh cho ơn gọi linh mục và tu sĩ là quá trình giúp phân định ơn gọi và tìm Thiên Ý. Quá trình này đòi hỏi tất cả những ai tham gia vào việc tuyển chọn phải là những người biết thực hiện công việc này trong cầu nguyện, trong đức tin, với lương tâm ngay thẳng và sự công bằng theo những tiêu chuẩn khách quan mà Giáo Luật đòi hỏi.
Xác tín thứ ba: Đối với ứng sinh, người ta không thể tự mình trở thành linh mục hay tu sĩ nếu Chúa Cha không kêu gọi họ. Thiên Chúa kêu gọi những ai Người muốn (x. Mc 3,13). Điều này làm nên sự huyền nhiệm của ơn gọi. Người ta không thể thủ đắc chức linh mục chỉ nhờ tài cán nhân loại hay nhờ tiền bạc của cải chóng qua. Ơn gọi phải đến từ Thiên Chúa như là một sự kiện tuyển chọn và mời gọi của Người, đồng thời vừa là một quyết định đáp trả của con người trong ý thức và tự do theo tiếng mời gọi và ý muốn đó.
Chúng ta trở lại với vai trò của Chúa Cha trong quá trình huấn luyện ơn gọi. Có một thực tế làm chúng ta phải suy nghĩ lại đó là vai trò của Chúa Cha ít được đề cập trong môi trường huấn luyện. Khuôn mặt của Chúa Cha bị che dấu! Vậy Chúa Cha nắm giữ vai trò nào? Xin thưa: Chúa Cha nắm giữ vai trò giáo dục, dĩ nhiên chúng ta không thể giới hạn cách cứng nhắc vai trò của Người. Theo nghĩa của từ educere, giáo dục là dẫn ra, phân biệt ra, làm cho rõ, đưa ra ánh sáng sự thật con người thụ huấn, là giúp nhận biết mình, khám phá những ưu và khuyết điểm để hướng tới sự thay đổi. Chúa Cha là nhà giáo dục đầu tiên theo nghĩa này. Đây là cách giáo dục điển hình của Chúa Cha, Đấng Tạo Dựng, vì Người đã lôi kéo muôn vật ra từ chỗ hỗn mang và tạo dựng các thụ tạo từ hư không, để thiết lập trật tự và ban sự sống cho chúng. Chúa Cha còn là mẫu mực của tiến trình sư phạm này, khi Người giáo dục dân Người, bằng cách sử dụng bàn tay uy quyền và cánh tay mạnh mẽ mà kéo họ ra khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập. Dù bị làm nô lệ, nhưng họ vẫn cảm thấy thoải mái với đời sống như thế, vì được ăn uống no nê. Phần đông họ không muốn bỏ Ai Cập. Thiên Chúa lấy lòng nhân lành và dịu hiền mà lôi kéo họ đến với Người, nhưng Người cũng khiển trách và sửa dạy họ như người cha khiển trách và sửa dạy con cái, Người phải kiên nhẫn và cần 40 năm để huấn luyện họ, để rồi đem họ vào đất hứa (Đnl 1,31; 6,21; 9,26...).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã khẳng định: “Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,44-46). Chúa Cha ban ơn “lôi kéo” con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Người.
Một mặc khải khác minh chứng Chúa Cha hướng dẫn con người nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Tin Mừng Matthêu tường thuật sự kiện: Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai? Ông Simon trả lời: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Vì là một câu trả lời đúng, nên Chúa Giêsu khen ngợi và nói rằng: “Simon con Gioan, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay huyết nhục đã cho con biết, nhưng là Chúa Cha trên Trời” (Mt 16,17).
Như thế, chủ thể hay tác giả đầu tiên của tiến trình huấn luyện không là ai khác nếu không phải là Thiên Chúa Cha. Chúa Cha, Đấng uốn nắn người thụ huấn theo hình ảnh và tâm tình của Chúa Con nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Những ai tham gia vào công tác giáo dục là tham gia vào hoạt động sáng tạo và xây dựng của Chúa Cha. Công việc này thường được thực hiện trong thời gian dài. Nó đòi hỏi một tình yêu mãnh liệt và dịu hiền, cho nên nhà huấn luyện phải có thái độ như Chúa Cha có, là vô cùng kiên nhẫn, hy vọng và nhân ái. Nhà huấn luyện phải có lòng kiên nhẫn, cần mẫn và hy vọng như người nông dân để có thể luôn biết “semina in spes – gieo trong hy vọng”. Ông biết chờ đợi và tôn trọng chu kỳ thời tiết và thời gian, chấp nhận vất vả nhọc nhằn để hy vọng có một mùa gặt bội thu.
Chúa Con huấn luyện và là mô mẫu
Nếu giáo dục là công việc của Chúa Cha, thì huấn luyện dường như là hoạt động chính của Chúa Con. Nếu Chúa Cha là nguồn gốc của ơn gọi, thì Chúa Con là khuôn mẫu của ơn gọi. Huấn luyện là giới thiệu cho người thụ huấn một hình mẫu cụ thể, như một cách sống mới, hoặc một “khuôn mẫu” làm cho người thụ huấn hình thành một căn tính mới, đó là cái tôi lý tưởng mà họ được mời gọi trở thành.
Quả thế, Đức Kitô đã hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, trở thành hình ảnh sống động về Thiên Chúa và con người. Thật vậy, mô hình tiêu biểu của công việc huấn luyện chính là Chúa Kitô, là “tâm tình Chúa Con”. Ai có thể thay thế một mô hình khác ngoài mô hình huấn luyện là Chúa Kitô, Chúa chúng ta?
Theo ý nghĩa đó, trong Hiến Chế Gaudium et Spes số 22, Công Đồng Vatican II quả quyết:
“Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi cao quý của mình”.
Cũng theo cái nhìn này, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có một diễn tả khác:
“Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho sự phát triển đích thực của con người vì khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Người cũng thiết lập phẩm giá siêu việt của con người và nuôi dưỡng ước muốn bẩm sinh của họ tới trưởng thành hơn nữa” [2].
Qua mầu nhiệm làm người, Đức Giêsu không chỉ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa mà còn là hình ảnh lý tưởng của con người. Nơi Người, chúng ta tìm được câu trả lời cho vấn nạn về con người, về căn tính và lời mời gọi trở thành của chúng ta. Con Thiên Chúa đã làm người và trở thành con người hoàn hảo. Các giáo phụ đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu ‘mô mẫu’ của con người mới [3]. Tất cả mọi người được tiền định trong Đức Kitô (x. Eph 1,1-6), để tham dự tất cả những gì thuộc về Người. Vì thế, Đức Kitô trở thành nền tảng thần học – nhân chủng học của việc huấn luyện.
Quả vậy, huấn luyện là một quá trình để đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong hiểu biết về Con Thiên Chúa, đạt tới sự trưởng thành và “tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Eph 4,13). Theo đó, Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu lý tưởng mà người thụ huấn luôn được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Người [4]. Như lời thánh Augustinô nói: “Chúng ta không chỉ thuộc về Chúa Kitô, mà còn được mời gọi trở nên như Chúa Kitô” [5]. Huấn luyện phải là quá trình thực hiện lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Cũng theo quan điểm của thánh Phaolô, huấn luyện là một quá trình dẫn đưa người thụ huấn tới một sự đồng hóa tiệm tiến con người của mình với con người của Đức Kitô: “Mặc lấy Đức Kitô” (Rm 13,14); “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5); “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20); và cuối cùng là “Chúng ta sống là sống cho Chúa” (Rm 14,8).
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng mục đích căn bản của quá trình đào tạo là chuẩn bị cho các ứng sinh tới sự hiến dâng hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa trong việc “bước theo Chúa Kitô” (Sequela Christi), trở thành môn đệ của Người, trở nên giống Người như là alter Christus, cao hơn nữa là ipse Christus. Con người đó được biến đổi trong tất cả các chiều kích: thể lý, tâm lý, con tim, tình cảm, suy nghĩ, phán đoán, đam mê, động lực, hành vi, cách sống và thái độ sống... Đó là con người mới, nhân cách mới trong Đức Kitô.
Nói cách khác, việc đào tạo linh mục, đời sống thánh hiến không được hiểu là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là quá trình biến đổi toàn bộ con người của thụ huấn sinh, để họ có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và nhờ đó họ có khả năng chu toàn sứ vụ tông đồ sẽ được ủy thác sau này.
Chúa Thánh Thần thánh hóa và đồng hành
Chủng Viện (hoặc Hội Dòng) được định nghĩa là “trường Chúa Thánh Thần”. Nhưng thực tế, nhiều lúc môi trường này không có chỗ cho Chúa Thánh Thần hoạt động mà chỉ thấy toàn là hoạt động của “con người”!
Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và đồng hành với mỗi con người cũng như mỗi ơn gọi. Người là Thiên Chúa bị quên lãng, một khuôn mặt dù ẩn dấu nhất, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta hơn cả chính chúng ta gần gũi với mình [6].
Thật vậy, Kinh Thánh minh chứng rằng: Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, Đấng Bào Chữa (Paraclitus). Theo nguyên nghĩa hy lạp, Paracletos là “người đi bên cạnh, người đồng hành, người bảo vệ”. Thần Khí của lòng tốt, mà Thiên Chúa ban như quà tặng của Chúa Cha và Chúa Con cho chúng ta (x. Gv 14,16). Thánh Thần của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, rồi từ Người, được ban cho mỗi người và ở trong lòng, nơi sâu thẳm nhất, để thánh hóa và đồng hành với mỗi người chúng ta (x. Rm 5,5). Thánh Phaolô đã có lý khi khẳng định: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần đó sao?” (1 Cr 9,16).
Liên hệ đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, nhà thần học người Pháp Yves Congar viết:
“Chúa Thánh Thần là sự nội tâm, sự tự do. Thánh Thần được đổ vào lòng mỗi người, chúng ta khẩn cầu Người như là Vị Khách dịu hiền và rất khả ái của tâm hồn chúng ta, “dulcis hospes animae – hỡi vị khách dịu hiền của tâm hồn ta’” [7].
Chúa Thánh Thần được ban cho mỗi người kitô hữu, để thiết lập sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai biết đón nhận Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa hiện diện và cư ngụ trong con người, khi thông ban cho họ chính đời sống và tình yêu của Người.
Trong Thánh Thần, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên những người em của Chúa Giêsu. Thánh Thần biến đổi tận căn con người khi Người “thần hóa” chúng ta. Chính Người làm cho chúng ta được tham dự vào chính bản tính và đời sống của Thiên Chúa. Thánh Thần làm cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Thần làm cho chúng ta kêu lên rằng: “Abba, Cha ơi! Như thế, anh em không còn là nô lệ, nhưng là con, và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế” (Gal 4,6-7). Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên Chúa như Người đáng được yêu mến (theo Gioan Thánh Giá). Những ai sống theo Thánh Thần hướng dẫn thì đời sống đó sẽ mang lại nhiều hoa trái: “Đây là những hoa trái của Thánh Thần: tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, nhân hậu, trung thành, hiền lành, làm chủ chính mình” (Gal 5,22). Chính vì thế, Thánh Thần vừa là Ân Huệ và là Tình Yêu của Thiên Chúa. Người trở thành nguyên lý sự sống, hiệp nhất nơi chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Nếu hiểu đồng hành là đi bên cạnh, là chia sẻ, dạy dỗ, hướng dẫn tới chân lý và sự biến đổi, thì đây là hoạt động đặc trưng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là người dẫn đường và là bạn đường giúp người thụ huấn nhận ra Chúa Giêsu khi “Người bẻ bánh và giải thích Kinh Thánh” (x. Lc 24,13-35). Người là “nghệ nhân thần linh” và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn khuôn mặt mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách vô cùng sáng tạo. Khi nói về vai trò đặc trưng này, Ủy Ban Thuộc Giáo Hoàng đặc trách Ơn Gọi Giáo Hội diễn tả:
“Chúa Thánh Thần luôn hiện diện bên cạnh mọi người nam nữ, để giúp họ nhận ra căn tính của mình là những kẻ tin và được kêu gọi, để nhào nặn và tạo cho họ có một căn tính rập theo kiểu mẫu của tình yêu Thiên Chúa. Là Thánh Thần thánh hóa, Người tìm cách tái tạo dấu ấn thần linh nơi mỗi người, giống như một người thợ điêu luyện và kiên nhẫn của linh hồn chúng ta, và là Đấng an ủi tuyệt vời” [8].
Do đó, điều quan trọng trong quá trình huấn luyện là giúp người thụ huấn cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là bạn đồng hành gần gũi nhất của họ, Người đi bên cạnh họ để nhắc lại Lời của Chúa Giêsu, dẫn họ tới chân lý toàn vẹn (Ga 16,13), biến đổi họ thành những kẻ “thờ phượng đích thực của Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật” (x. Ga 4,23-24), và làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu.
Tất cả những ai tham gia đồng hành ơn gọi là tham dự vào sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Cũng thế, những ai cảm nhận và nhận biết Chúa Thánh Thần là “người đồng hành” của mình, thì cũng sẵn sàng đón nhận những người trực tiếp đồng hành với mình mà không đòi hỏi họ phải hoàn hảo. Vì hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần, thì cũng tin cậy vào trung gian của Người.
Vì vậy, trong quá trình huấn luyện, các ứng sinh được mời gọi hãy mở ra với Chúa Thánh Thần, để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn, lắng nghe tiếng nói của Người trong thinh lặng, suy niệm và cầu nguyện, qua linh hướng và gặp gỡ các nhà đào tạo, để tìm ý Chúa, phân định ơn gọi và để được biến đổi trong Thánh Thần.
Kết luận
Theo đường hướng mà chúng ta vừa suy nghĩ, nếu giáo dục có nghĩa là đào bới sự thật của chủ thể, huấn luyện là hình thành con người mới của chủ thể, thì đồng hành là quy tụ của chủ thể. Người thụ huấn được mời gọi hướng tất cả cơ cấu nội tâm, con tim, lý trí và ý chí lại với nhau để đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Có thể ví quá trình huấn luyện bằng một hình ảnh bình dị hơn của nhà nông làm ruộng, thì giáo dục được ví như là vun xới đất đai, huấn luyện là gieo hạt giống tốt vào lòng đất, còn đồng hành là sự chăm sóc, vun tưới, bón phân cho cây lớn lên, trổ bông và kết trái. Công trình và quá trình này là tác vụ của Ba Ngôi: “Đồng hành với một tín hữu, huấn luyện một tín hữu là một hành động chỉ có Chúa Ba Ngôi mới thực hiện… Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành” [9]. Đây quả là nền tảng thần học, tu đức, và sư phạm cho quá trình huấn luyện ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Xây dựng trên nền tảng đó, việc huấn luyện tránh được nguy cơ thiếu mô hình, không rõ ràng mục tiêu, lẫn lộn vai trò, đồng thời giúp có thể đối thoại với các bình diện khác như (tâm lý, nhân học, tình cảm, tính dục, kinh thánh, tâm linh và mục vụ...) để làm cho việc huấn luyện có tính toàn diện hơn.
Sách tham khảo:
1. Fontificia Opera per le Vocazioni Ecclesiastiche, Nuove vocazione per una nuova Europa. Documento finale del Congresso sulle Vocazioni al Sacerdozio e alla vita Consecrata in Europa, Roma 5-10 Maggio 1997, n. 18b.
2. A. Cencini, I Sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vocazione presbiterale e consolata, EDH, Bologna 2005, 34.
3. Yves Congar, Spirito dell’uomo, Spirito di Dio, Queriniana, Brescia 1987.
------------------
Ghi chú:
[1] Cf. Gioan Phao lô II, Thông Điệp Dominum et Vivificatem (1996).
[2] Thông Điệp Caritas in Veritate, 44 (2009).
[3] Thánh Irênê nói rằng: “Thiên Chúa làm người, để con người trở thành con Thiên Chúa”.
[4] Tông Huấn Pastores dabo vobis, số 3 tt.
[5] Cf. Tông Huấn Vita consecrata, tr. 109.
[6] Thánh Augostino diễn tả về sự gần gũi của Thánh Thần: “Intimior intimo meo”. Nhà thần học Moltman cho rằng: “Chúng ta biết rất ít về Chúa Thánh Thần không phải vì Người ở quá xa, nhưng vì Người ở quá gần gũi với chúng ta”.
[7] Yves Congar, Spirito dell’uomo, Spirito di Dio, Queriniana, Brescia 1987, 25.
[8] Fontificia Opera per le Vocazioni Ecclesiastiche, Nuove vocazione per una nuova Europa. Documento finale del Congresso sulle Vocazioni al Sacerdozio e alla vita Consecrata in Europa, Roma 5-10 Maggio 1997, n. 18b.
[9] A. Cencini, I Sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vocazione presbiterale e consolata, EDH, Bologna 2005, 34.