GIÁO HỘI HỌC - ECCLESIOLOGY
(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)
Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.
***
***
***
PHẦN I: NGUỒN GỐC GIÁO HỘI
CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)
CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG III: CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC
CHƯƠNG IV: ĐỨC GIÊSU VÀ TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP GIÁO HỘI
***
PHẦN II: BẢN TÍNH CỦA GIÁO HỘI
CHƯƠNG VI: GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA
CHƯƠNG VII: GIÁO HỘI LÀ NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ
CHƯƠNG VIII: GIÁO HỘI LÀ MỘT BÍ TÍCH
***
CHƯƠNG IX
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI QUA NHỮNG HÌNH BÓNG
“Trong Cựu Ước, Nước Thiên Chúa thường được mạc khải qua nhiều hình bóng: cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được giới thiệu với chúng ta qua nhiều hình ảnh rút ra từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc cả từ gia đình cùng hôn lễ, và đã từng được phác họa trong những sách của các ngôn sứ”.[1]
Mầu nhiệm Giáo Hội phong phú và phức tạp đến nỗi không thể tóm gọn vào trong một công thức. Hơn nữa, vì là một mầu nhiệm, nên ngôn ngữ loài người, phát nguyên từ kinh nghiệm giác quan, không thể nào có khả năng để diễn tả cho thỏa đáng được. Vì thế, Kinh Thánh và Truyền thống đã phải nhờ đến những biểu tượng mà trình tả một nội dung vượt hẳn lên trên khả năng diễn đạt của lời nói.[2]Chính Ðức Giêsu cũng đã dùng đến phương pháp này trong các dụ ngôn của Ngài. Quả vậy, thánh Thomas Aquinas nhận định là: chính qua trung gian của cảm giới mà chúng ta có thể vượt tới thần giới.[3]Trong Kinh Thánh, các nhà chú giải đếm được hơn 80 hình ảnh chỉ về Giáo Hội; còn Công ĐồngVatican II thì chỉ nhắc đến một số hình bóng, và lồng chúng vào trong bốn chủ đề sau đây: đời sống du mục và nông nghiệp, công trình kiến trúc và gia đình.
I. GIÁO HỘI GIỐNG NHƯ MỘT CHUỒNG CHIÊN, MỘT ÐÀN CHIÊN...
Với hình ảnh này, các nghị phụ muốn nhấn mạnh đến một đặc nét chủ yếu trong mầu nhiệm Giáo Hội: đó là sáng kiến của Thiên Chúa trong việc hình thành Giáo Hội. Cứu Ước cũng đã nói như thế về Israel. Isaia so sánh lòng ưu ái chăm sóc của Yahweh với hành động tận tình nâng niu của người chăn chiên nhân lành: “Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu dắt cừu mẹ nuôi con” (Is 40:11). Edekiel cũng đã dùng đến và khai triển cách so sánh ấy (x. Ed 34). Niềm tin tưởng của Israel vào Yahweh dựa trên hình bóng này: “Chúa là mục tử của tôi, tôi chẳng thiếu chi, tôi chẳng lo gì” (Tv 23). Ðức Giêsu đã áp dụng tỷ dụ này cho chính mình (x. Ga 10:1-16).[4]
Nói về “chuồng chiên” (aulé, ovile), là Ðức Giêsu muốn nêu bật cơ cấu mà hình bóng “đàn chiên” giả thiết phải có. Ðức Giêsu là “cửa” chuồng: một vai trò tương tự như vai trò của “đầu” ở trong thân thể, hoặc như thân cây đối với các cành cây. “Cửa” và “chuồng” thuộc về nhau, làm nên một cơ cấu duy nhất; nhưng “cửa” điều hành mọi sinh hoạt trong “chuồng”: mọi người vào ra đều phải qua cửa (x. Ga 10:9). Nhưng ở “cửa” lại có kẻ canh gác, và đó chính là Chúa Cha: Người đóng hoặc mở “cửa”, là Vị Chủ tể tối cao của Giáo Hội.
Khi nói về “đàn chiên” (poímne, grex), là Ðức Giêsu làm nổi bật xã hội tính của Giáo Hội, hệt như khi gọi Giáo Hội là “dân” Thiên Chúa. Ðức Giêsu là chủ chiên chăn dắt, săn sóc và nuôi dưỡng các chiên; hơn nữa, Ngài còn trao hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Ngài là chủ của chuồng chiên thứ nhất, tức là Israel; nhưng cũng có những con chiên còn ở ngoài (lương dân), họ sẽ nghe tiếng Ngài (nhờ đức tin) và tất cả sẻ trở nên một đàn chiên duy nhất (x. Ga 10:16). Như thế Giáo Hội xuất hiện như một dân tộc phổ quát và truyền giáo.Công Đồng Vatican II nói: “Mọi người đều được mời gọi gia nhập Dân mới của Thiên Chúa”.[5]
Ðức Giêsu là mục tử “nhân lành”, nghĩa là cũng có những mục tử khác. Trong tỷ dụ ấy, Ðức Giêsu nói về những “tên trộm” (x. Ga 10:1.8.10), những chủ chiên “lạ mặt” (x. Ga 10:5), và những kẻ “chăn thuê” (x. Ga 10:12.13). Dường như dụ ngôn ám chỉ đến những tranh chấp về giáo lý, những chia rẽ, những thủ lãnh bất chính trong Giáo Hội sơ khai, đúng như Tân Ước đã lên tiếng báo động trong nhiều đoạn khác (x. Mt 24:11.24tt; 2Tm 4:3; 1Ga 4:1; Kh 19:20,.v.v...). Ðức Giêsu khẳng định rõ là chỉ có một đàn chiên, một chuồng chiên duy nhất: bảo toàn hiệp nhất của Giáo Hội duy nhất là điều làm của Ðức Giêsu và các tông đồ phải đặc biệt lưu tâm lo lắng (x. Ga 10:16; 17:1t; Ep 4:5; 1Cr 1:10,.v.v...). Nền tảng của duy nhất tính và của niềm hiệp nhất trong Giáo Hội là chính Ðức Kitô, “thủ lãnh của các mục tử” (1Pr 5: 4) và là Ðấng làm nên mối hiệp thông giữa các mục tử Ngài đã chọn để coi sóc đàn chiên (x. Ep 4:11), cũng như giữa họ với Phêrô, là chủ chăn các chiên con và chiên mẹ (x. Ga 21:15-17).
II. GIÁO HỘI LÀ CÁNH ÐỒNG CỦA THIÊN CHÚA
Công Đồng Vatican II lấy lại từ ngữ của 1Cr 3:9: “Anh em là cánh đồng (geórgion) của Thiên Chúa”, và thêm vào đó, còn trưng dẫn những hình ảnh hay ẩn dụ rút ra từ lãnh vực nông nghiệp, như: cây ô liu, cây nho,...
Vốn xuất thân từ vùng thôn dã, Ðức Giêsu đã dùng nhiều tỷ dụ đượm sắc thái nông thôn: “Về Nước Trời thì cũng tựa như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng kẻ thù gieo thêm cỏ lùng” (Mt 13:24tt). Ý nói: Giáo Hội là một thực tại trải rộng trong không gian và thời gian, trong đó, có những mãnh lực thù nghịch chống đối nhau. Mãi cho đến ngày thế mạt, bao giờ Giáo Hội cũng sẽ gồm có người lành kẻ dữ, và thật là khó mà nhận diện cho rõ được ai lành ai dữ. Những biện pháp cứng rắn, khắt khe, cường bạo (như nhổ cỏ lùng) xét cho cùng thì chỉ phương hại đến lúa tốt. Thiên Chúa rất kiên nhẫn: Người chờ đợi, cho mưa nắng trên mọi người không phân biệt tốt xấu (x. Mt 5:45), mong họ sẽ hoán cải và được cứu thoát (x. 2Pr 3:9). Lịch sử cho thấy là các dạng lạc giáo đã cố lập ra nhiều loại Giáo Hội khác nhau, như: “Giáo Hội của các thánh”,“Giáo Hội của những kẻ trọn lành”,.v.v... và quả Hội Thánh đã bị cám dỗ thiêu sạch những kẻ lạc giáo đó đi...[6]
Thánh Phaolô biết rõ Thiên Chúa có những “nông nhân” với nhiều vai trò khác nhau trong cánh đồng của Người: có kẻ trồng, có người tưới... nhưng lúa có lớn lên, có trổ sinh... là hoàn toàn do ơn nhưng không của Chúa. Chắc hẳn là từ sự kiện có nhiều “nông nhân” như thế, có thể phát sinh những chia rẽ, phe phái đối nghịch nhau trong cộng đoàn: “tôi thuộc về Apollo, tôi thuộc về Phaolô”. Khốn cho Giáo Hội nếu những thừa tác viên không ý thức rằng:“kẻ trồng và người tưới cũng chỉ là một” (1Cr 3:8); và thương thay cho những tín hữu bị loại giáo sĩ bất trung mê hoặc mà bước vào con đường chia rẽ: họ chẳng hơn gì lương dân (x. 1Cr 3).
Công Đồng nhận định tiếp: trong thửa ruộng ấy, “cổ thụ ô liu mọc lên, với gốc rễ thánh là các tổ phụ, và nơi đó, công cuộc hòa giải giữa dân Do Thái với dân ngoại đã cũng nhưsẽ được thực hiện”.[7] Thánh Phaolô đã dùng ám dụ này trong Rm 11:13-26 để chỉ về Giáo Hội, coi đó là môi trường hòa giải giữa Israel và muôn dân. Vì Thiên Chúa trung thành, nên các lời Người hứa với Israel trong Cựu Ước vẫn còn hiện hành và có hiệu lực. Nhưng Ðức Giêsu đã lưu ý cho bà xứ Samaria biết là: “Ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” (Ga 4:22); Phaolô cũng tỏ ra rất ý thức về điểm đó khi viết: “... trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp (lương dân)” (Rm 1:16; 2:10). Vậy, Phaolô nêu bật cho thấy Giáo Hội như là được “ghép vào Israel”, đang sống sự sống của Israel, như cành ghép sống nhờ nhựa sống của cây. Qua hình bóng này, sẽ thấy rõ được là dân Thiên Chúa của Cựu Ước và của Tân Ước chỉ là một. Vì vậy, trong Lễ quy, Giáo Hội gọi “Abraham là tổ phụ chúng con”.[8]Hình ảnh này còn dạy cho Giáo Hội một bài khiêm nhường; bởi vốn là “cây dại”,Giáo Hội đã trở thành mầu nhiệm của ân sủng, của ưu tuyển và của lòng thương xót Thiên Chúa, biết rút sự thiện từ sự ác, khiến thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!” (Rm 11:33), và khuyên Giáo Hội đừng nên “vênh vang” (x. 1Cr 4:7), kẻo lại bị trở thành thứ “cây ký sinh”. Khốn cho Giáo Hội nếu không biết sống trung thành hơn Israel! Khốn cho Kitô giáo nếu không biết sinh hoa trái đúng mùa... (x. Mt 21:41).
III. GIÁO HỘI CŨNG THƯỜNG ÐƯỢC GỌI LÀ CÔNG TRÌNH XÂY CẤT CỦA THIÊN CHÚA
Ẩn dụ này xuất hiện ở trong Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Trong 1Cr 3:9-17, thánh Phaolô gọi cộng đoàn Kitô là “ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”. Ngài coi mình như là “một kiến trúc sư”, và những người Kitô là Ðền thánh Thiên Chúa.[9]Trong thư Ep 2:19-22 cũng đã dùng đến hình bóng này: nền móng là các tông đồ và các sứ ngôn, nhưng nguyên lý duy nhất liên kết các thành phần và tạo nên sự vững chắc của nhà là chính Ðức Kitô. Ngài là “viên đá góc” bị thợ xây nhà loại bỏ, nhưng lại được Thiên Chúa tuyển chọn. Nguồn xuất phát của hình ảnh đó là Tv 118:22-23: Ðức Giêsu đã áp dụng các câu Thánh Vịnh này cho chính mình (x. Mt 21:42tt); còn các tông đồ thì đã dùng làm văn bản dẫn chứng (x. Cv 4:11; 1Pr 2:7).[10]Trong sách “Pastor” (“Mục tử”), Hermas (thế kỷ II) so sánh Giáo Hội với một chiếc tháp đang được xây cất ngay giữa trần thế, trên nền móng là Ðức Kitô.[11] Chức năng của đá tảng này không phải là “nằm-một-chỗ”, thầm lặng, bất động, trong khi tòa nhà ngày càng cao lên..., bởi nếu những viên đá làm nên nhà này là những “viên đá sống động” (1Pr 2:5), thì tảng đá móng tất càng sống động hơn nữa. Kinh Thánh muốn dạy cho biết là sự hiệp nhất và vững chắc của Giáo Hội tùy thuộc sự dựa cậy vào Ðức Kitô. “Tảng đá” này cũng không thể không làm cho liên tưởng đến “viên đá” kia là Phêrô, mà chính Ðức Giêsu đã đặt làm nền móng hữu hình của Giáo Hội Ngài, để củng cố đức tin và niềm hiệp nhất của anh em đang sống giữa dòng lịch sử.
Trên nền móng này, hết thảy các tín hữu đều là thợ xây. Một đàng, phải để Thiên Chúa xây ngôi nhà, như thánh IgnatiusAntiokia viết: “Anh em là những viên đá của đền thờ Chúa Cha. Người đã nâng anh em lên giàn xây với chiếc máy của Ðức Kitô, là thập giá của Ngài, và nhờ sợi dây cáp là Thánh Linh”.[12]Ðàng khác, những viên đá phải được đẽo gọt cho bằng nhẵn cân gọn, như Thánh ThiCaelestis Urbs Jerusalem nói: “Ðược đẽo nhỏ và đánh bóng nhờ mũi đục và nhát bủa hồng phúc”. Nếu những viên đá trong bức tường không gắn dính vào nhau nhờ tinh thần hy sinh dung thứ, nhờ biết nhượng bộ và thương yêu lẫn nhau,... thì chẳng bao lâu ngôi nhà ấy sẽ biến thành một đống đá. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy góp công mà xây nhà Chúa. Kiến trúc sư ở đây là vị sứ đồ; nền móng là Tin Mừng đích thực: “Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo, thì kẻ ấy đáng bị chúc dữ!” (Gl 1:8). Hiệp nhất trong đức tin là yếu tố tuyệt đối cần thiết: “đức tin duy nhứt” (Ep 4:5); nhưng trên đức tin duy nhất này, có những lối kiến trúc rất khác nhau, có những vật liệu cũng rất khác nhau, như“vàng, bạc, đá quí, gỗ, rơm rác”; chỉ nên nhớ là mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về công việc hay công trình xây dựng của mình trước tòa Thiên Chúa (x. 1Cr 3:12tt).
Kết quả công tác “xây dựng” là “Nhà của Thiên Chúa”, tức là Giáo Hội(x. 1Tm 3:15). Qua hình này, một lần nữa, Kinh Thánh nêu cho thấy rằng Giáo Hội là một cơ cấu hữu hình, là “chỗ ở” của gia đình con cái Thiên Chúa, mà gia trưởng là chính Người. Dùng ẩn dụ này là thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến tổ chức của Giáo Hội: quả vậy, trong đoạn thư 1Tm 3:1-13, ngài nói về các Giám mục và các phó tế, nghĩa là những vị có trách vụ đặc biệt trong Nhà Chúa. Như tác giả đã viết trong 2Tm 2:20, trong một gia đình, không phải tất cả mọi người đều bình đẳng, như nhau, nhưng là có người trên kẻ dưới, có người tốt kẻ xấu,.v.v..., phải có người biết săn sóc: “ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được” (1Tm 3:5); rồi ngài còn nói về các trợ tá: họ phải là những người đàng hoàng:“phải được thử luyện trước đã rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá”. Trong Nhà của Thiên Chúa phải có trật tự do các vị ấy bảo đảm, bằng không thì sẽ không còn hiệu năng hoạt động.
Hình ảnh “Nhà Thiên Chúa” có thể xem ra tiêu cực, vì thế tác giả vội vàng nói ngay về chức năng hay “sứ mạng” của Nhà là làm “cột trụ và điểm tựa của chân lý”. Nhà chú giải C. Spicq viết: “Phận vụ đầu tiên của Giáo Hội, như đọc thấy trong các Thư mục vụ, là lưu giữ và duy trì đức tin Kitô và chính thống, là bảo vệ nó cho khỏi mọi sai lạc không ngừng đe dọa nó”.[13]Ðiều đó cũng ám chỉ tới tác vụ của huấn quyền: phải dạy cho đúng giáo lý chính thống, nhưng cũng đừng quá lo sợ, vì Thiên Chúa đã niêm ấn nền móng ngôi nhà ấy với lời hứa trung thành của Người (x. 2Tm 2:14-19). Ðồng thời, thành ngữ “Nhà của Thiên Chúa” cũng nói lên tính chất thánh thiêng cùng chức năng phụng tự của Giáo Hội.[14]Là lãnh hạt dành riêng cho Thiên Chúa (x. St 28:17tt), Giáo Hội cũng là “Ðền thờ”.[15]Hình ảnh này hàm ngụ những ý nghĩa rất phong phú. Một đàng, Ðền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị. Ðền thờ tuyệt hảo là chính Ðức Giêsu (x. Ga 2:19-21), vì trong Ngài, Thiên Chúa cư ngụ cách viên mãn (x. Cl 2:9); và đàng khác, Ðức Kitô là “vị thượng tế đứng đầu Nhà Thiên Chúa” (Dt 10:21). Vì vậy, trong Nhà Thiên Chúa hằng sống, Ðức Kitô không ngừng dâng hy lễ hằng cửu ở trên trời cũng như ở dưới đất. Ẩn dụ này đưa đến chỗ quan niệm Giáo Hội như là “dân tư tế”, như là nơi con người có thể dâng lên Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng trong Thần Khí và sự thật.
Ý niệm đền thờ hay cung thánh cũng nói lên chiều kích cánh chung của Giáo Hội. Theo thư Hipri, Ðức Kitô thượng tế đã đi vào “nơi rất thánh” ở trên trời. Nhưng Ðền thờ này có nền móng ở dưới đất: được xây cất trên các tông đồ và các tiên tri (x. Ep 2:19-22).[16]Ðền thờ vươn lên chạm tới trời vì đá đỉnh nóc là Ðức Kitô. Giáo Hội mang cánh chung tính theo hai ý nghĩa:[17]
- 1/. Vì đang được xây cất cho đến khi hết thảy những “viên đá sống” nằm đúng vào chỗ của mình... trong ngày Quang Lâm;
- 2/. Vì hiện giờ, Giáo Hội đang tham dự vào phụng vụ thiên quốc nhờ Ðầu của mình là Ðức Giêsu thượng tế, cũng như nhờ các chi thể vinh quang của mình là các thánh: “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự qua tiền vị, vào phung vụ trên trời, cử hành trong thánh đô Jerusalem, là nơi, lần bước trên đường lữ khách, chúng ta đang tiến về, ở đó Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực”.
Phaolô và Gioan cũng đã mô tả chiều kích cánh chung của Giáo Hội bằng những hình ảnh tương tự là: “Jerusalem trên Trời”, mẹ chúng ta (x. Gl 4:26), “Thành thánh Jerusalem mới” (x. Kh 21), “Hiền thê trinh khiết của Chiên Con”.[18]Thánh Hilario nói: “Thành này, tức là thân thể Ðức Kitô, đón nhận toàn thể nhân loại vào trong Ngài”.[19]Nhờ thiên ân quy tụ, tất cả chúng ta đều trở thành công dân của thành thánh ấy là Giáo Hội vinh quang.[20]
IV. NHỮNG HÌNH ẢNH RÚT RA TỪ ÐỜI SỐNG GIA ÐÌNH
Nói về “Nhà” ắt là phải ám chỉ đến “gia đình”.“Nhà của Thiên Chúa” hàm chứa các khái niệm “con cái”,“hôn thê”,“hiền mẫu”,.v.v... Trong Cựu Ước, thành ngữ “nhà Israel” chỉ về toàn dân Do Thái(x. Lv 17:3.8.10; Ed 4:3;.v.v...), và bản LXX đôi khi dịch “nhà” ra “con cái” (thí dụ: St 45:11; 1V 11:20,.v.v...). “Nhà” nói lên một đơn vị xã hội rõ ràng, khác với những nhóm khác. Cựu Ước coi Israel như là nhà của Yahweh(x. Gr 12:7; Hs 8:1), theo một ý nghĩa rất gần với ý niệm “cộng đoàn của Yahweh” (ekklesia: Ðnl 23:3, hoặc synagogé: Ds 16:3,.v.v...), hoặc “cộng đồng của Ðấng Tối Cao” (Hc 24:1-2). Thánh Phaolô coi “Israel của Thiên Chúa”, cộng đồng mới, là Giáo Hội(x. Gl 6:16). Ngài khuyên các tín hữu tụ họp lại trong tinh thần thân thuộc. Trong Giáo Hội cũng tựa như trong một gia đình, cần có những người đảm nhận trách nhiệm cai quản, nhưng là với tinh thần huynh đệ,[21] khác với lối cai quản giữa người đời. Công Đồng Vatican II nhắn nhủ rằng: “Linh mục có bổn phận phải săn sóc các tín hữu với hết tình của một người cha trong Ðức Kitô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn... Bởi ngày nay, nhân loại ngày càng hướng tới tình trạng hiệp nhất trong các lãnh vực dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục có bổn phận càng bách thiết hơn trong nỗ lực phối kết các cố gắng và khả năng của mình dưới sự chỉ đạo của các Giám mục và Giáo Hoàng, để loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, hầu đưa toàn thể nhân loại đến chỗ hiệp nhất ở trong gia đình Thiên Chúa”.[22]
Khái niệm “gia đình Thiên Chúa” mang đậm ý nghĩa cánh chung, bởi ý định của Chúa Cha hệ tại ở việc biến đổi “gia đình nhân loại” thành “gia đình con cái Thiên Chúa”:đó chính là sứ mạng của Giáo Hội. Là một “đoàn thể hữu hình và là một cộng đoàn thiêng liêng”,Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại, và chia sẻ cùng một số phận trần thế với loài người. Giáo Hội là như men, như hồn của xã hội loài người, để làm cho toàn thể nhân loại biến thành gia đình Thiên Chúa.[23]
Cùng với hình ảnh “gia đình”,Công Đồng Vatican II đã gợi lên cả một loạt chủ đề liên quan với phụ nữ; thế nên, Giáo Hội được gọi là: hiền thê, trinh nữ, mẹ chúng ta,.v.v... Về “Hiền thê”, thì trước đây, chương “Giáo Hội là Nhiệm thể Ðức Kitô” đã bàn đến.
Giáo Hội là “Mẹ chúng ta”. Truyền thống Kitô không ngớt gọi Giáo Hội bằng danh hiệu đầy yêu thương này, vì không thể nói đến mẹ mà không nghĩ đến tình thương dịu hiền. Thánh Cyprianius đã tóm gọn cảm nghĩ của cộng đoàn Kitô cổ xưa như sau: “Ai không có Giáo Hội làm mẹ, thì không thể có Thiên Chúa làm Cha”.[24]Chính vì thế khi say mê tìm hiểu về Giáo Hội, tín hữu Kitô không thể không nhận ra mẹ của mình, như Newman đã cảm nhận trong kinh nghiệm từng sống qua.[25]Quả thế, danh hiệu này của Giáo Hội xuất hiện trong nhiều bản tuyên tín: “Tôi tin... vào Mẹ thánh là Giáo Hội”,[26]và đã mạnh mẽ nuôi dưỡng lòng tôn sùng của toàn Dân Chúa: tín hữu Công Giáo thường sống thái độ con thảo. Chẳng thế mà thánh Augustinus khuyên: “Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa chúng ta, và yêu thương Giáo Hội Người: hãy yêu Thiên Chúa như Cha, thương Giáo Hội như Mẹ... Hỡi anh em yêu dấu, hãy luôn luôn giữ lấy điều này: hãy đồng tâm nhất trí mà xem Thiên Chúa như Cha và Giáo Hội như Mẹ”.[27]
Kinh Thánh là gốc xuất phát của hình ảnh này. Cựu Ước coi mối quan hệ giữa Ðức Yahweh và dân Israel như là một giao ước tình yêu – hôn ước – giữa vợ chồng. Từ đó dân tộc (hoặc Israel, Jerusalem, hay Sion...) được sánh với người mẹ, và các tín hữu được coi như là những người con. Is 54:1-7 mà nhiều Giáo phụ đã chú thích, hoặc Is 66:7-13 là một vài tỷ dụ điển hình. Trong Tân Ước, thánh Phaolô ví Giáo Hội với một trinh nữ hiền thê của Ðức Kitô, và coi như là Eva mới, mẹ của các kẻ sống (x. 2Cr 11:2-3).[28]Tư tưởng này nổi bật trong Ep 5:25-27 và 1Cr 6:15-16, và được trình bày rõ ở trong Gl 4:26: “Jerusalem thượng giới là mẹ chúng ta”, một người mẹ sinh những người con để sống tự do. Theo chiều hướng ấy, thánh Gioan cũng đã dùng cách xưng hô tương tự khi viết cho cộng đoàn Kitô: “Thưa Bà...”, hoặc “con cái Bà” (2Ga 1.13). Trong sách Khải Huyền, tác giả mô tả Giáo Hội bị bách hại như một đàn bà đang sinh con và bị con rồng đuổi theo: hắn tiếp tục giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà... (x. Kh 12:1-17).
Hình ảnh nêu rõ ý nghĩa sau đây: Giáo Hội là phương tiện cứu độ cho con cái mình. “Jerusalem trên trời”, được quan niệm như vườn diệu quang dưới đất, đang chuẩn bị cho niềm toàn phúc vĩnh cửu: “Nhờ Phép rửa, các thánh được bước vào vườn diệu quang thứ nhất, cho đến khi vương quốc Thiên Chúa hiển đạt”.[29]Giáo Hội không chỉ là một giai đoạn trên đường dẫn về quê hương vĩnh cửu, nhưng còn đóng giữ thật vai trò trung gian: Giáo Hội đem ánh sáng Ðức Kitô cho mọi người,[30]và do vậy mà sinh hạ các con cái mình. Hippolytus viết: “Miệng của Chúa Cha đã sinh Lời thuần túy; Lời này xuất hiện lần thứ hai qua các thánh; vì không ngừng sinh ra các thánh, nên Lời cũng được các thánh sinh ra”.[31]Và Lời này chỉ sinh hạ cách hợp pháp trong Giáo Hội; vì thế, Tertullianus gọi những kẻ lạc giáo là“sine matre” (“không có mẹ”).[32]Chính từ ý niệm này mà thánh Cyprianius đã đưa ra mệnh đề: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, bởi vì Ðức Kitô chỉ nhờ hiền thê của mình là Giáo Hội, mới có được những con cái cho Chúa Cha.[33]Trái lại, các lạc giáo bị nhạo là “gái mãi dâm”,“đàn bà ngoại tình”, không thể nào sinh con cho Thiên Chúa được.[34]
Vai trò trung gian cứu độ của Giáo Hội được quan niệm nhiều cách khác nhau: khi thì theo cách “ngoại tại”: chẳng hạn coi Giáo Hội như là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa cứu độ và con người tội lỗi, hoặc là như cơ hội tạo nên dịp gặp gỡ ấy... Quan niệm này quả là quá nông cạn; khi thì cách “nội tại”, một cách gần như vật lý: có vẻ như buộc Thiên Chúa phải dùng Giáo Hội để tiếp xúc với loài người; hiểu như thế lại quá đáng. Ða số các tác giả quan niệm vai trò của Giáo Hội trong khuôn khổ của kế hoạch cứu độ: đã đành là Thiên Chúa hoàn toàn tự do, “có thể từ các hòn đá... sinh nên con cái cho Abraham” (Mt 3:9); tuy nhiên, một cách nào đó họ sẽ là con cái của Giáo Hội vinh quang. Tích cực mà nói, Thiên Chúa sinh con cái nhờ lời Giáo Hội rao giảng và các bí tích trao ban. “Mẹ Giáo Hội” đây là Hiền thê toàn diện, tức là bao gồm cả giáo dân lẫn giáo sĩ, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình.
Vai trò làm mẹ ấy phản ánh rõ trong những phẩm tính Truyền thống đã gắn liền vào tên gọi “mẹ”, như: “mẹ hiền”,“mẹ thánh”,“mẹ vú nuôi”,... (alma mater).[35] Truyền thống cũng áp dụng các tước hiệu ấy cho Ðức Maria, vì ngài là mẹ của Ðức Giêsu và là mẹ của Giáo Hội.[36] Nghe đến các tước hiệu ấy, không thiếu chi những tín hữu Công Giáo cảm thấy một niềm sốt mến nồng cháy dâng tràn lên từ tận đáy lòng của mình; chẳng thế mà Paul Claudel thốt lên: “Hãy chúc tụng mẹ vĩ đại uy linh đến muôn đời, trên gối mẹ con đã học biết tất cả”.[37]
***
Còn có thể nêu thêm nhiều hình ảnh khác rút ra hoặc là từ những biến cố trong Cựu Ước, mà dựa theo ý nghĩa tiên trưng (typology), mà Truyền thống áp dụng cho Giáo Hội, chẳng hạn như: cuộc “xuất hành”, cuộc “vượt qua biển đỏ”,“tàu Noah”.[38]Hay nhiều hơn nữa như: “tàu (của Phêrô)”,“chiếc lưới”,“cây thang Jacob”,.v.v...,[39]hoặc là từ hầu hết các nữ nhân vật lớn trong Kinh Thánh, bắt đầu từ Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, rồi Agar, Sara, “người yêu” trong Diễm Ca, cho đến Maria Magdalena,.v.v... Mỗi hình bóng nêu bật một khía cạnh của mầu nhiệm Giáo Hội, và kêu mời chúng ta tìm hiểu cho sâu rộng hơn về mầu nhiệm ấy, không phải là bằng học hỏi trí thức song là qua con đường chiêm niệm.
[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 6a.
[2] Minear, P.S., Images of the Church in the New Testament, 1961. Preston, G., Faces of the Church. Meditations on the Mystery and its Images, Grand Rapids, 1997.
[3]Sententiarum, d. 34, 3, a.1 và 2.
[4] Tragan, P.-R., La parabole du “pasteur” et ses applications: Jean 10,1-18, Ed. Anselmiana, Roma 1980.
[5]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 13a.
[6] Thánh Bernardo cảnh cáo chống “thuyết duy hoàn hảo” và viết cho Đức Giáo Hoàng Eugenio IV (môn đề của ông): ordinatissimum est minus interdum ordinatum aliquid fieri: “trật tự tốt nhất là thỉnh thoảng xảy ra một điều không được trật tự cho lắm” (Migne, Patrologia Latina [Bộ Giáo phụ Latin], 182. 482).
[7]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 6c.
[8] Xin xem phần trên về Giáo Hội và Israel, và Sắc lệnh Nostra Aetate, số 4.
[9] Jean Daniélou, Le signe du Temple, Paris 1942.
[10] Xem: Bonard, P., Jésus Christ édifiant son Église. Le Concept d’édification dans le Nouveau Testament, Neuchàtel-Paris 1948; Pfansmater, J., Die Kirche als Bau. Eine exegetisch-theologische Studie zur Ekklesiologie der Paulusbriefe, Roma 1960; Schnider, F. -Sterger. W., “The Church as Bilding and Bilding of the Church”, Concilium 1972/1978, pp. 21-34.
[11]Similitudo 6.
[12] St. Ignatius, Ad Ephesios 9.1.
[13] C. Spicq, Les épitres pastorales, Paris 1969, I., pp. 466.
[14] L. Cerfaux, La théologie de l’Église suivant Saint Paul, Paris Cerf 1965, pp. 125-131.
[15] x. Y. Congar, Le Mystère du Temple (Lectio divina 22), Paris 1958.
[16] Frayeman, M., “La spiritualisation de l’idée du Temple dans les Épitres pauliniennes”, Eph.Theol.Lov. 23 (1947), pp. 378-412; Schnackenburg, R., The Epistle to the Ephesians, T&T Clark, Edinburgh 1991; “Excursus: The Church in the Epistle to the Ephesians”, pp. 293-310.
[17]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 8.
[18] Xem: Fohrer G. & Lohse,E., Siòn, trong TDNT 7, pp. 292-338; Comblin, J., “La liturgie de la nouvelle Jérusalem (Apoc. XXI,1-XXII,5)”, Eph.Theol.Lov., 29 (1953), pp. 5-40; Lamirande, Émile, “Jérusalem Céleste” trong Dict. de Spir. Fasc. LIV-LV, 1973, pp. 944-958.
[19] Hilarius, In Matthaeum 4.12: Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latin), 9.935B.
[20]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (ánh sáng muôn dân), số 51b; Tuyên ngôn Nostra Aetate (về các tôn giáo không Kitô giáo), số 1b.
[21]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (ánh sáng muôn dân), số 32d.
[22]Ibid., số 28ef.
[23]Ibid., số 40b.
[24]De Unitate Ecclesiae 6, PL 4.519.
[25] H. Newman, Apologia pro vita sua, ch. V.
[26] Xem: Denzinger-Schommetzer, Enchiridion 45, 47, 478, 807,.v.v…
[27]In Ps 88,2.14: Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latin), 38. 1140; xem: Sermo de Alleluia: “neque poterit quisque habere Deum patrem qui Ecclesiam contempserit matrem”; Sermo 216.6: “Pater Deus est, mater Ecclesia”; xem: J.Plumpe, Mater Ecclesia, An Inquiry into the concept of the Church as Mother in early Christianity, Washington 1934; K. Delahaye, Ecclesia mater chez les Pèøres des trois premiers siècles, Paris, Cerf 1964.
[28] De Broglie, G., “L’église, nouvelle ève, née du Sacré-Coeur” Nouv. Rev. Théol. 68 (1946), pp. 3-25.
[29] Hippolytus, Commentarium super Canticum, frag. xix; Origène: “Những người tái sinh nhờ phép rửa được đặt trong vườn diệu quang, nghĩa là Giáo Hội” (Migne, Patrologia Graeca [Bộ Giáo phụ Hy Lạp], 12, 100B); xem: Cyprianius, Epist. 77.10; Irenaeus, Adv. Haereses 5.5.1,.v.v... Xem: Lincoln, A.T., Paradiso ora e non ancora, Paideia, Brescia 1985.
[30] Irenaeus, Adv.Haereses 5.20.1.
[31] Hippolytus, Commentarium in Danielem 1.10.8
[32]De praescriptione haereticorum 42.
[33] Cyprianius, De unitate ecclesiae, 6; Epistula 59.13.
[34]Idid., Epistula 75.14.
[35]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 122.
[36]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 63.
[37] Claudel, P., “Ma conversion”, trong Pages de Prose, do A. Blanchet thu tập, pp. 279. Xem thêm: De Lubac, H., Méditations sur l’Église, ch. VII: “Ecclesia mater”, Baril, G., The feminine face of the people of God: Biblical symbols of the Church as bride and mother, Collegeville, 1992.
[38] Xem: Daniélou, J., Sacramentum futuri: études sur les origines de la typologie biblique, Paris, Beauchesne 1950; Rahner, H., L’ecclesiologia dei padri, Roma 1971; Gherardini, B., La chiesa arca dell’alleanza, Roma, Città Nuova 1971.
[39] Sicari, A., “Mary, Peter and John: Figures of the Church”, Communio 19 (1992) 189-207.