Tuesday, 14 January 2020 04:08

Nguồn Gốc Giáo Hội: Đức Giêsu Và Tiến Trình Thành Lập Giáo Hội Featured

GIÁO HỘI HỌC - ECCLESIOLOGY

(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)

Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.

***

***

DẪN NHẬP: GIÁO HỘI HỌC LÀ GÌ?

***

PHẦN I

NGUỒN GỐC GIÁO HỘI

***

CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)

CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI

CHƯƠNG III: CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC

CHƯƠNG IV: ĐỨC GIÊSU VÀ TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP GIÁO HỘI

 

NHẬP ĐỀ

Giáo Hội là một dữ kiện lịch sử. Như bất cứ dữ kiện nào, Giáo Hội cũng có một tiến trình lịch sử với những giai đoạn: khởi đầu, phát triển và thành tựu. Như bất cứ một xã hội nào khác, xã hội tôn giáo này cũng phải có một nguồn gốc: đó là vấn đề bàn đến trong chương viết này.

Thực ra, công việc khảo cứu này rất phức tạp. Một đằng Giáo Hội không chỉ đơn thuần là một xã hội – dù là xã hội tôn giáo – mà còn là một mầu nhiệm nữa. Ðiều này có nghĩa là việc nghiên cứu sẽ trở thành phiếm diện và thiếu sót nếu chỉ xét đến khía cạnh lịch-sử-xã-hội không thôi.[1] Ðằng khác, để diễn tả bản tính của xã hội tôn giáo này, Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau và đôi khi có vẻ như là mâu thuẫn với nhau; điều này làm cho vấn đề trở thành gai gốc thêm. Hơn nữa, Kitô giáo là do Ðức Kitô sáng lập, mà những nỗ lực khảo cứu lịch sử tính về “sự kiện Ðức Kitô” (bản thân và tiểu sử của Ngài) lại còn gặp nhiều khó khăn... ngay cả khi có thể chứng minh được tính chất lịch sử của các sách Tin Mừng; và dù đã có thể rút ra được nội dung sứ điệp của Ðức Giêsu thì, khi tra cứu về sứ điệp ấy, dường như cũng chẳng tìm thấy được một dấu vết minh nhiên nào về sự việc Ðức Giêsu thiết lập Giáo Hội Ngài. Bởi vì Ðức Giêsu không nhằm thiết lập những nghi thức bên ngoài, làm như Ngài muốn cho thấy rằng “tôn giáo” của Ngài có tính cách thiêng liêng, cốt ở tâm địa của mỗi cá nhân... để mỗi người có thể tự đặt mình trực diện với Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, Ðức Giêsu thường nói rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến, như thể là ngay trong thế hệ ấy. Vì thế, các Tin Mừng cho ta có cảm tưởng là Ngài không nghĩ về một tương lai xa xôi nào cả.

Ấy chính là những khó khăn cần phải đối diện khi khảo cứu về nguồn gốc của Giáo Hội.

I. ÐỨC GIÊSU ĐÃ SÁNG LẬP GIÁO HỘI

Khi nghiên cứu Tân Ước, các nhà phê bình và chú giải đã gia công đào sâu và trình bày từng cử chỉ, từng lời nói của Ðức Giêsu, cũng như tìm cách xác định “mức độ lịch sử tính” của mỗi sự việc; sau đó, họ cố phân tích để tìm hiểu những ảnh hưởng mà hoàn cảnh tôn giáo và văn hóa thời ấy đã có thể tác động trên chính Ðức Giêsu hoặc trên các tác giả viết Sách Thánh.

Chúng tôi sẽ dùng đến các kết quả ấy của những công trình nghiên cứu mà các nhà chuyên môn – có thể là thuộc nhiều tôn phái và khuynh hướng khác nhau – đã ghi lại trong các tác phẩm của họ; bởi chủ đích nhằm tới ở đây là làm sao để biết cho được sự thật lịch sử.[2]

Khi nói Ðức Giêsu là vị sáng lập Giáo Hội, là có ý khẳng định rằng Ngài là nguyên nhân của những cấu tố tạo thành Giáo Hội. Thế nhưng, bản tính của Giáo Hội lại phức tạp, vừa ẩn chứa mầu nhiệm cứu sống vừa mang dạng thể của một tổ chức xã hội. Nói khác đi, Giáo Hội vừa là “biến cố ân sủng” vừa là chế độ pháp luật. Cho nên, vị sáng lập Giáo Hội cũng phải làm sao cho có được:

1. “Sinh khí” siêu nhiên, vì Giáo Hội là một thân thể sống (thần học xác định sinh khí ấy là Thần Khí: nghĩa là phải xác minh Ðức Giêsu đã phái gửi Chúa Thánh Thần).

2. Những phương thế tác sinh (tức là các bí tích: nếu các bí tích có hiệu lực tác sinh, thì chính là do mầu nhiệm chết đi và sống lại của Ðức Giêsu; vì thế, mầu nhiệm ấy phải được hiểu là thuộc về nguyên nhân tạo thành Giáo Hội).

3. Quyền tế tự thờ phượng, vì đời sống của Giáo Hội diễn ra ở trong dòng lịch sử nhân loại.

4. Những chân lý mạc khải, dệt nên “Tin Mừng”, bao gồm cả giáo lý lẫn tính chất thiết yếu của giáo lý ấy.

5. Một cơ cấu xã hội có luật lệ, để giúp thu tập những ai đã tin nhận; quyền xác định một cứu cánh chung, thiết định những phương thế để đạt tới cứu cánh ấy, và tổ chức lề lối sống chung, tức là trao phó những quyền bính pháp lý và hoạch định cách thức thi hành chúng (như chẳng hạn chế độ dân chủ, quân chủ,v.v...).

Tất cả những yếu tố ấy, một cách nào đó, phải bắt nguồn từ nơi Ðấng Sáng lập. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi chi tiết đều phát nguyên từ Ðức Giêsu. Giáo Hội kết tinh từ những yếu tố do Ðức Giêsu thiết định và cả từ những gì do con người đặt ra. Ở đây, chỉ xét đến các nhân tố loại thứ nhất, tức là những gì thuộc lãnh vực “thần quyền” (de jure divino) mà thôi.[3]

Nói thế không có nghĩa là phải chứng minh cho thấy hết mọi nhân tố thuộc lãnh vực thần quyền đều đã do chính Ðức Giêsu đích thân xác định rõ ràng. Thực ra, có lúc Ngài chỉ cố ý ám chỉ đến một vấn đề nào đó, nhưng cũng có khi Ngài chỉ “gieo hạt” để sau này hạt gieo sẽ khai hoa kết quả mang nhiều tiềm năng phong phú. Dù có những chi tiết Ngài đích thân quyết định, nhưng thường thì Ngài ủy quyền cho các tông đồ và để Thánh Thần gợi ý sau này.

Có thể xếp các vấn đề Giáo Hội học phải đối diện thành hai loại: lịch sử và chú giải.

1. Về mặt lịch sử

Những tài liệu hiện có được để sưu tầm, là các văn bản Tân Ước; thế nhưng giá trị lịch sử của mỗi văn bản lại khác nhau. Nên căn cứ trước tiên vào bốn Tin Mừng, đặc biệt là ba Tin Mừng Nhất Lãm; rồi đến thánh Phaolô và sách Công Vụ Tông Đồ. Nhưng vẫn phải áp dụng phương pháp phê bình lịch sử đối với các tài liệu ấy. Trước hết là vì Tin Mừng không thể ghi chép được hết tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và đã nói; thứ đến là vì các thánh sử không nhằm soạn một cuốn “tiểu sử” của Ðức Giêsu, mà chỉ muốn nêu cao sứ mạng cứu độ của Ngài; chủ đích các vị nhằm là “truyền bá” đạo lý của Ngài (và vì thế các văn bản ấy có thể có khuynh hướng “lý tưởng hóa” hoặc “tuyên truyền”). Vì thế, trong Tin Mừng có thể có những lời các vị đặt vào miệng Ðức Giêsu mà thật ra đó chỉ là lời của Giáo Hội sơ khai...

Vì vậy, cần phải nhờ đến nỗ lực của các nhà chú giải để tìm cho ra hình ảnh lịch sử đích thật của Ðức Giêsu, cũng như những gì Ngài đã muốn, đã nói, và đã làm,v.v...

2. Về mặt chú giải

Nhưng kể ra, cũng thật may mắn, bởi khởi điểm cuộc sưu tầm nói trên không phải bắt đầu từ số không: nhiều thần học gia đã từng tiến bước trên con đường này và đã thu lượm được nhiều kết quả quả là tốt đẹp. Hơn nữa, Giáo huấn của Hội Thánh đã ban bố một số tài liệu liên quan đến vấn đề này.[4] Ngoài ra, khi nghiên cứu về chủ đề đang bàn, các tác giả cần lưu ý để tránh một số thành kiến cố hữu có thể ảnh hưởng đến thái độ nhận định phê bình, làm cho kết quả của cuộc nghiên cứu gặp phải nguy cơ trở thành thiên lệch hoặc một chiều.

Riêng về phía Công Giáo, sau khi nghiên cứu kỹ càng, các nhà thần học cũng như bác học đã đi tới kết luận xác nhận là quả thật Ðức Giêsu đã sáng lập Giáo Hội. Những anh em Chính Thống và Tin Lành, nói chung, cũng đồng ý như thế. Giữa các học giả mệnh danh là “phê bình gia”, có kẻ vẫn giữ ý kiến ngược lại, chưa đồng ý với kết quả nghiên cứu trên đây; nổi tiếng nhất là Adolf Harnack (1851-1930), Tin Lành, người Ðức, và Alfred Loisy (1857-1940), Công Giáo, người Pháp. Ðại khái, họ chấp nhận Giáo Hội đã có từ thế kỷ thứ nhất, và cho rằng Giáo Hội chỉ là kết quả của trào lưu tôn giáo do Ðức Giêsu cổ xúy, chứ không phải do chính Ngài sáng lập, bởi theo họ, không bao giờ Ngài nghĩ đến chuyện sáng lập như thế.

II. TỪ KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ ĐẾN VIỆC THÀNH LẬP GIÁO HỘI

Muốn hiểu cho rõ hơn lý do tại sao có Giáo Hội, thì thiết tưởng nên lưu ý tới kế hoạch cứu độ, bởi có thế mới nhận ra được chỗ đứng Thiên Chúa dành cho Giáo Hội ở trong lịch sử và kế hoạch ấy.[5]

Trước tiên, không nên quan niệm Giáo Hội như là một hiện tượng riêng lẻ trong không gian và thời gian. Như bất kỳ thực tại nào thuộc thế gian này, Giáo Hội là một thực tại tương đối và, vì thế, chỉ có thể hiểu được khi biết đặt Giáo Hội đối diện với các thực tại và các dữ kiện khác. Vậy, cần phải nhìn Giáo Hội trong tương quan với Thiên Chúa và Ðức Kitô, cũng như với toàn thể nhân loại đang nằm trọn trong kế hoạch cứu độ.

Chỉ khi biết nhìn theo viễn tượng lịch sử cứu độ như thế, thì mới hiểu được tầm mức trọng yếu tiềm ẩn trong lời nói và hành động của Ðức Giêsu, tức là những sự kiện làm nên nền tảng của Giáo Hội.

Trong “Hiến chế về Giáo Hội”, Công Đồng Vatican II đã đề cập đến vấn đề này nơi chương thứ nhất: lịch sử cứu độ bắt đầu từ giây phút sáng tạo; trong địa đàng, khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã dựa vào công cuộc cứu độ Ðức Kitô sẽ hoàn tất trong tương lai mà tha tội. Cụ thể hơn:

“Thế nên Chúa Cha muốn quy tụ vào trong Giáo Hội hết thảy những ai tin kính Ðức Kitô. Từ nguyên thủy, Giáo Hội đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Do Thái và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến hồi thế mạt, sẽ hoàn tất trong vinh quang”.[6]

Ðoạn văn trên đây hàm chứa sáu đề tài thần học về Giáo Hội:

- 1. Giáo Hội trong ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa

- 2. Giáo Hội và công trình sáng tạo (Ecclesia ab origine mundi, Ecclesia ab Abel...)

- 3. Giáo Hội và Israel

- 4. Ðức Giêsu sáng lập Giáo Hội

- 5. Chúa Thánh Thần và “thời gian của Giáo Hội”

- 6. Giáo Hội cánh chung

Ở đây, chỉ xin bàn về chủ đề thứ tư mà thôi. Cần lưu ý đến hai điểm sau đây:

A. Một số đặc nét trong kế hoạch cứu độ

Trong Ephesus 1 và Colosee 1:24tt, thánh Phaolô đã có dịp viết về ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa; nhiều nơi trong các văn bản của Công Đồng, Vatican II cũng đã nhắc lại những đặc nét của ý định ấy.

1. Liên đới tính

Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã đặt con người trong tương quan mật thiết với nhau và với vạn vật. Con người được dựng nên là một con người xã hội, tức là mang bản chất xã hội, hợp đoàn. Con người phạm tội, thì thiên nhiên “từ chối” không chịu cung dưỡng con người nữa; con người phải làm lụng lam lũ, đổ mồ hôi nước mắt mới có mà ăn. Một người phạm tội, là cả loài người phải chịu hậu quả; nghĩa là trong thế giới tất cả đều liên đới với nhau; vậy, cũng thế chẳng có một ơn cứu độ hay một mối đọa đày nào là thuần túy cá nhân cả. Xã hội tính là đặc tính của thân phận làm người.

2. Sáng kiến của Thiên Chúa

Trong chương trình cứu độ, bao giờ Thiên Chúa cũng là Ðấng khởi xướng trong mọi sự. Không những trong chương trình sáng tạo, mà nhất là khi Người nâng con người lên mức siêu nhiên. Thiên Chúa khai mở từng giai đoạn mới ở trong lịch sử cứu độ: thí dụ, như là: khi Adam phạm tội, Người liền hứa sẽ ban cho một vị cứu tinh (x. St 3:15); khi Người đoái thương gọi ông Abraham; khi Người cứu sống dân Israel khỏi Ai Cập qua trung gian của Moses,v.v... Cuối cùng khi Chúa Cha phái gửi Con Một nhập thế làm người, và ủy thác cho Ngài sứ mạng thành lập Giáo Hội. Thế mới rõ là những ai được tham dự vào trong kế hoạch cứu độ, thì không phải là do tự mình quyết định mà được, song là nhờ đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Do đó, Giáo Hội không phải là một xã hội kết thành do ý muốn của những người cùng hợp quần để sống liên hệ với nhau, mà là một “dân Thiên Chúa chọn” cho riêng Người.

3. Ðiên rồ của thập giá

Ðể tỏ cho con người biết uy lực và tự do của Người, Thiên Chúa thường không chọn những người dũng mạnh, nhưng lại tuyển chọn những kẻ mà thế gian coi là yếu mạt, và cho họ cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người. Chẳng hạn: Thiên Chúa đã không chọn Cain, mà lại chọn Abel; đã tuyển lựa Jacob thay vì anh là Esau; đã gọi David là con út trong gia đình chứ không chọn các anh lớn,v.v... Mười hai Tông đồ của Ðức Giêsu cũng chỉ là những người dân thường, ít học.

4. Tiệm tiến cách

Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ trong tiến trình lịch sử, nghĩa là Người muốn cho ý định của Người mặc lấy “thời gian tính”: có lúc bắt đầu, rồi tiến triển, và cuối cùng là thành tựu; Chúa gieo hạt giống, rồi để luật tự nhiên làm cho nó lớn lên; có thể thấy rõ đường lối hành động ấy của Thiên Chúa trong cách thức Người dẫn dắt loài người, dân Israel hay Giáo Hội chẳng hạn. Ý nghĩa của giai đoạn đầu chỉ được biểu lộ trong các giai đoạn sau.

5. Tập thể tính

Ơn cứu độ mang tính chất cộng đoàn. Trước tiên, Thiên Chúa đặc biệt chọn riêng một dân tộc, rồi qua và trong dân tộc ấy, Người muốn cứu rỗi các cá nhân. Nghĩa là cộng đồng cứu rỗi không phải là một khí cụ có thể vứt đi sau khi đã dùng. Trong Kinh Thánh, trước hết là “Israel dân Chúa”, và trong dân Chúa mỗi người được ơn gặp Yahweh. Nói cách khác, Thiên Chúa kêu gọi mọi người để làm nên cộng đoàn. Vatican II cũng đã nhấn mạnh đến điểm này.[7]

6. Phổ quát tính

Kế hoạch cứu độ là một phương án phổ quát, không bị giới hạn vào một thời đại, một nơi chốn hay một dân tộc cụ thể nào. Vì vậy, phải biết dung hòa tính cách “tuyển chọn” riêng biệt (Thiên Chúa chọn một người, một dân tộc,v.v...) với viễn tượng “phổ quát” ấy (Chúa muốn cứu rỗi mọi người, mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa...). Mỗi khi Người chọn ai (một cá nhân hay một dân tộc) thì chính là để phái gửi đi với sứ mạng phục vụ những người khác. Trong Cựu Ước: Thiên Chúa chọn Abraham và qua người, Thiên Chúa chọn cả dân Israel cùng với muôn dân (x. St 12:1-3); trong Israel, Thiên Chúa gieo ơn cứu độ cho nhân loại. Trong Tân Ước: nơi con người Ðức Giêsu, Thiên Chúa hòa giải cả loài người; qua Giáo Hội, Thiên Chúa trao ban ơn cứu độ cho tất cả (bí tích phổ quát...).

B. Những giai đoạn sáng lập Giáo Hội

Như đã thấy, kế hoạch của Thiên Chúa hình thành dần dần, qua những giai đoạn lịch sử liên tiếp. Vì thế, tiên thiên, có thể nghĩ rằng Ðức Giêsu đã không sáng lập Giáo Hội cùng một lúc, nhưng qua một quá trình tiệm tiến với nhiều giai đoạn. Một nhà chú giải đã viết: “Không phải duy nhất một lời nào hoặc một động từ nào đó của Ðức Giêsu đã làm nên hành động sáng lập Giáo Hội, nhưng là chính toàn bộ hoạt động cứu độ của Ngài”.[8]

Trước khi tầm khảo riêng về mỗi giai đoạn, xin lược tóm lại đây những điểm chính: André Feuillet đã chia hoạt động của Ðức Giêsu làm bốn giai đoạn:

- 1. Ðức Giêsu tuyển chọn 12 sứ đồ làm thành một nhóm bạn để hợp tác với Ngài;

- 2. Ðức Giêsu hứa với Simon là Ngài sẽ xây dựng Giáo Hội trên ông, và đổi tên ông thành Phêrô, nghĩa là “Ðá”;

- 3. Trong bữa Tiệc ly: Ðức Giêsu lập giao ước mới qua máu được đổ ra cho tất cả;

- 4. Mầu nhiệm Phục sinh và Hiện xuống.

Có người cho rằng, Ðức Giêsu đã bắt đầu sáng lập Giáo Hội khi công khai rao giảng Tin Mừng (đời sống công khai), khi tụ tập các môn đệ và trao “tối thượng quyền” cho Simon Phêrô, rồi tiếp đó là khi lập giao ước mới trong bữa Tiệc ly, và cuối cùng Ngài kết thúc việc sáng lập lúc chịu chết, tức là khi Ngài hòa giải loài người với Chúa Cha.

Có những người khác thì lại coi thập giá như là giai đoạn chung quyết. Phần đông chủ trương cho rằng Giáo Hội hoàn thành nhờ mầu nhiệm Phục sinh. Nhưng cũng có người nghĩ là Ðức Kitô đã hoàn tất việc sáng lập trong cuộc hiện ra ở bên bờ hồ Tiberias (x. Ga 21); còn có kẻ khác thì lại nghĩ là với cuộc hiện xuống, Thánh Thần quả đã kết thúc tiến trình sáng lập Giáo Hội.[9]

Trong Thông điệp Mystici corporis,[10] Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã chia tiến trình sáng lập Giáo Hội thành bốn giai đoạn như sau:

- a/. Ðức Giêsu sai phái các tông đồ (x. Ga 17:18; 20:21),

- b/. Lập tối thượng quyền của Phêrô (x. Mt 16:18; Ga 20:21),

- c/. Thiết lập các bí tích (hoặc trưóc khi Ngài chịu chết, như bí tích Thánh Thể, hoặc sau khi Ngài sống lại),

- d/. Trên thánh giá: giao ước mới, cứu chuộc, lập công.

Nhưng cũng nên lưu ý rằng Ðức Piô XII đã nhấn mạnh thái quá đến khía cạnh “cơ cấu tổ chức” của Giáo Hội.

Trong vấn đề này, các Giáo phụ quan niệm theo nhiều cách khác nhau. Có vị cho rằng, ngày Ðức Giêsu sinh ra là ngày sáng lập Giáo Hội, vì Ngài là Ðầu của Nhiệm thể, tức Giáo Hội (natalis capitis natalis est corporis: thánh Leo Cả).[11] Có những vị khác thì lại so sánh Giáo Hội với bà Eva; thế nên đã coi thập giá như là giai đoạn chủ yếu: lúc lính đâm cạnh sườn Ðức Giêsu, lúc máu và nước chảy ra chính là lúc Giáo Hội chào đời.[12]

C. Ðức Giêsu muốn sáng lập Giáo Hội

Ðể có thể nhận rõ được ý muốn của Ðức Giêsu, thì phải tìm hiểu Tân Ước, đặc biệt là các Tin Mừng, bởi đó là gốc cội duy nhất của các nguồn liệu có khả năng soi sáng cho vấn đề. Con người Giêsu đã tỏ ý của mình ra qua những lời Ngài nói và những việc Ngài làm; những lời nói và việc làm đó soi sáng và giải thích cho nhau.

1. Lời Hứa

Chương 16 của Tin Mừng Matthew thuật lại rằng: Ðức Giêsu hỏi các môn đồ là dân chúng nghĩ Ngài là ai. Ngay sau đó, Ngài hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Và ông Simon thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu khen ông, rồi nói tiếp: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật có phúc... Thầy bảo cho anh biết: anh là ‘Phêrô’ nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…” (Mt 16:13-20).

Ðoạn trình thuật này rất quan trọng đối với môn Giáo Hội học. Nó nêu rõ sự việc Ðức Giêsu “hứa” xây dựng Giáo Hội trên Phêrô, và ám chỉ tới nhiệm vụ của ông trong Giáo Hội ấy. Ðể hiểu rõ về lời hứa ấy thì cần lưu ý đến một vài vấn nạn như sau:

Trước hết, lời hứa ấy có phải “đích thực”“lời” của chính Ðức Giêsu hay không? Hay là thánh ký đã gán lời ấy cho Ngài để giải thích vai trò thủ lãnh của Phêrô trong cộng đoàn sơ khai? Hoặc là cộng đoàn Kitô đã nghĩ ra lời đó để mang lại cho Giáo Hội sơ khai một nền tảng “thần khởi”?

a/. Nhiều nhà phê bình phủ nhận câu ấy là lời của chính Ðức Giêsu lịch sử; họ dựa vào những lý do sau đây:

- Có người không nhận câu ấy có ở trong Tin Mừng Matthew nguyên thủy, nhưng đã được mạo nhập vào trong văn bản, vì:

+ i) Các văn bản đối chiếu trong các Tin Mừng khác không ghi câu ấy;

+ ii) Các Giáo phụ cổ nhất đã không trích dẫn câu ấy;

+ iii) Thánh Phaolô đã tranh cãi với thánh Phêrô... Có kẻ (như A. Rosch [1893], I. Grill [1904]...) còn cho rằng, Giáo Hoàng Victor đã thêm câu ấy vào văn bản Tin Mừng khoảng năm 190; còn W. Soltau [1916] thì nhận là câu ấy có trong Tin Mừng từ năm 110-120; A. Harnack [1918] lại nghĩ rằng câu 18 thuộc nguyên văn Matthew, trừ thành ngữ “trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”; ông M. Goguel cũng nghĩ như vậy.

- Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn rất ít tác giả phủ nhận câu ấy. Lý do là vì tất cả các văn bản cổ cũng như tất cả các bản dịch và các Giáo phụ đều biết đến câu đó. Nếu có ai đã lén mạo nhập lời ấy thì thế tất đã có người biết và phản ứng...

b/. Ðặc nét độc đáo của câu ấy là cho thấy tác giả thuộc dòng giống Semita (Do Thái):

+ i) Simon Bariôná (con Gioan);

+ ii) Sàrx kaì haĩma (“thịt máu” tượng trưng cho con người hèn yếu);

+ iii) Cha Thầy “ho en toĩs ouranoĩs”(ở trên trời = thành ngữ quen dùng trong văn bản Tin Mừng Matthew: 20 lần đọc thấy ở trong các Tin Mừng Nhất Lãm, mà chỉ 1 lần trong Mc, và chỉ 1 lần trong Lc);

+ iv) Phép chơi chữ ấy (“con là đá [kepha]... trên đá [kepha ] ấy...”) chỉ có ý nghĩa trong tiếng Aram mà thôi; vì nếu bằng tiếng Hy Lạp, thì “Pétros” (người) khác với “pétra” (đá);

+ v) “Chìa khóa nước trời…” cũng là một thành ngữ Do Thái: họ tránh kêu thánh danh Yahweh, Thiên Chúa, và thay thế bằng danh xưng là “trời”;

+ vi) Từ ngữ “tháo buộc” rất được dùng đến ở trong giới luật sĩ Do Thái;

+ vii) Câu khen Phêrô: “Phúc cho...” dùng ngôi thứ hai: “makários eĩ… soi… sù eĩ Pétros…” là một cách dụng ngữ hiếm có trong những công thức chúc phúc theo tiếng Hy Lạp.

- Có tác giả cho rằng, đoạn Mt 16:15-19 là do ông Matthew soạn ra, chứ không phải là lời của chính Ðức Giêsu; tức là họ phủ nhận “sử tính” của câu ấy, và chủ trương là Ðức Giêsu đã không nghĩ gì về tương lai, không có ý sáng lập một tôn giáo mới, vì Ngài chỉ giảng cho dân Do Thái và cấm các môn đồ đi về phía dân ngoại,v.v... Hơn nữa, Matthew là soạn giả duy nhất viết câu ấy; còn Marco, Luca và Gioan thì chẳng có nói gì đến. Lại nữa, theo họ, việc dùng từ “ekklesia” trong câu ấy là không “hợp thời”, vì họ cho là từ “ekklesia” được Giáo Hội chọn để làm danh xưng của mình.

c/. Phải trả lời thế nào cho các ý kiến ấy? Dưới đây, Chương 15 sẽ bàn tới “nhân vật Phêrô” theo nhãn quan lịch sử; chút nữa chúng tôi sẽ có dịp nói về Ðức Giêsu với những gì Ngài dự định cho tương lai.

Làm như để nhắn tới tai những ai hoài nghi giá trị lịch sử của câu ấy đơn thuần là vì chỉ đọc thấy nó ở trong Matthew mà thôi, nhà chú giải Tin Lành, Oscar Cullmann, đã viết: “Chỉ cần lưu ý đến một thí dụ này thôi thì cũng đủ: nếu quả đó là tiêu chuẩn cần phải dựa vào, thì phải vứt bỏ không biết bao nhiêu là lời quý báu chỉ đọc thấy được ở trong bài giảng trên núi”, những lời mà duy một mình Matthew ghi lại.[13]

Từ “ekklesia” có thể dịch ra tiếng Aram là “qehala” hoặc là “k’nishta”, tương đương với từ “qâhal” hoặc “edâh” trong tiếng Hy Lạp, đó là những từ ngữ Ðức Giêsu đã có thể dùng được như các người sống trong thời Ngài, và như đọc thấy trong bản LXX. Ðức Giêsu nói tiếng Aram; rồi sau đó Matthew hay đúng hơn cộng đoàn Jerusalem đã dịch ra tiếng Hy Lạp là ekklesia. Một chi tiết khác nữa: ẩn dụ “xây” một cộng đồng đã có từ lâu ở trong Kinh Thánh và trong cách nói Do Thái, thí dụ: Is 28:16-17; 1Pr 2:4. Trong một văn kiện của Qumrân có câu: “Ngài sẽ xây cho Thiên Chúa trên một nền tảng vững chắc, một cộng đoàn của những người được tuyển chọn”. Vậy có thể kết luận: câu ấy phù hợp hoàn toàn với lịch sử, với cách nói của dân Do Thái; vì thế, Ðức Giêsu đã có thể nói như vậy; và quả ông Matthew làm chứng là Ngài đã nói thế, không có lý do gì mà nghi ngờ.

- Các tác giả còn bàn thảo và tìm hiểu xa hơn cho biết Ðức Giêsu đã nói những lời ấy tại nơi nào, và trong trường hợp nào. Matthew xác định là tại Cesarea Philippi. Một số người nghi ngờ vì họ không hiểu tại sao sau khi khen Phêrô như thế, Ðức Giêsu lại nặng lời quở mắng ông (x. Mt 16:23; Mc 8:33). Vì thế, có người nghĩ là theo văn mạch, “logion” (câu nói) ấy thuộc một văn đoạn khác, nhưng Matthew đã đem đặt vào Chương 16 (bởi Matthew thường xếp đặt các lời Chúa nói theo tiêu chuẩn thần học của mình). O. Cullmann tưởng Ðức Giêsu đã nói như thế trong bữa Tiệc Ly; cha Vogtle cho là sau khi Ngài sống lại lúc hiện đến với các tông đồ. Ða số (cả Công Giáo lẫn Tin Lành) nhìn nhận bản văn Matthew, tức Ðức Giêsu nói ở Cesarea, vì lời hứa ấy rất am hợp với lời tuyên xưng đức tin của Phêrô; còn các lời quở trách thuộc trạng huống khác (x. câu 21: “từ bấy giờ…”).

- Kết luận: Mt 16:18 chỉ hàm ngụ một ý nghĩa này là: Ðức Giêsu hứa Ngài sẽ tập hợp một cộng đoàn (ekklesia) thuộc về Ngài. Cộng đoàn ấy có quan hệ đặc biệt với Phêrô, nghĩa là Simon “Ðá” sẽ có nhiệm vụ đặc thù trong Giáo Hội của Ðức Kitô. Nhưng Giáo Hội này sẽ mang dạng thể với những đặc tính như thế nào thì chưa thấy rõ được; chỉ có thể dựa theo những lời nói và việc làm của Ðức Giêsu đọc thấy trong khắp Tin Mừng mà phỏng đoán hay mường tượng ra được ít nhiều chi tiết về thể cách của Giáo Hội ấy. Mà nếu Ðức Giêsu đã hứa, thế tất có thể kết luận rằng Ngài cũng đã thực hiện, vì:

+ Thật sự đã có Giáo Hội,

+ Kết luận này không có gì đi ngược lại với đời sống và sứ điệp của Ðức Giêsu.

2. Ðức Giêsu giảng về Nước Thiên Chúa hiển trị

Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Mầu nhiệm Giáo Hội được biểu lộ qua sự việc thành lập. Thực thế, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng cho biết Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Kinh Thánh từ ngàn xưa: ‘Thời gian đã trọn; Nước Thiên Chúa đã đến gần’ (Mc 1:15; x. Mt 4:17)”.[14]

Thế là Ðức Giêsu quả đã hứa sẽ “xây” Giáo Hội của Ngài, như vừa bàn tới trên đây. Bây giờ, thử tìm hiểu vấn đề qua giáo huấn Ngài tuyên giảng. Mục tiêu nhằm tới ở đây là nêu bật cho thấy:

- Về mặt tiêu cực: không một điểm nào trong giáo lý của Ðức Giêsu làm ta ngờ vực về lời hứa ấy;

- Về mặt tích cực: giáo lý của Ngài hàm chứa “mầm giống” của Giáo Hội tương lai.

Vatican II dạy rằng: Việc thành lập Giáo Hội là một mầu nhiệm (nghĩa là con nguời không thể thấu hiểu hoàn toàn được; là đối tượng của đức tin). Cuộc đời và công cuộc rao giảng của Ðức Giêsu là chính công trình sáng lập Giáo Hội vậy.

a. Ðức Giêsu giảng về Nước Thiên Chúa

Các nhà chú giải đồng ý về điểm này: Ðức Giêsu đã rao giảng về “vương quốc Thiên Chúa”.[15] Từ ngữ “Tin Mừng” cũng phát nguyên từ Ðức Giêsu. Theo một nguồn truyền thống khởi thủy, Marco 1:15 làm chứng về sự kiện: Ngài nói là: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Marco 1:35-39 kể lại rằng, Ðức Giêsu đã đi khắp miền Galilee để rao giảng Tin Mừng; và Ngài giải thích: “Vì Thầy đến cốt là để làm việc đó”. Trình thuật về cùng một sự kiện ấy theo nhãn quan thần học của ông, Luca 4:43 viết: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành phố khác nữa, vì tôi được sai đến cốt là để làm việc đó” (euaggelísasthai… tèn basileían toũ theoũ); rồi nếu thử xem Matthew 11:2-6 và Luca 7:18-23, thì sẽ thấy hai văn bản này đều quy về cùng một nguồn xuất xứ chung và có giá trị lịch sử chắc chắn.[16]

Khi ấy, dân chúng Do Thái đang trông chờ “Tin Mừng” về Ðấng Thiên sai, Ðấng sẽ chiến thắng kẻ thù. Thật ra, các ngôn sứ cũng đã tiên báo cùng một sứ điệp tương tự, chẳng hạn như: Nehemiah 2:1 hoặc Isaia 52:7. Bài ca của Qumrân 18.14 cũng nói đến “Tin Mừng” về lòng rộng lượng từ bi của Chúa dành cho người nghèo (anawim).[17]

Ðức Giêsu loan báo “Nước Thiên Chúa”, điều đó có nghĩa là gì? Tân Ước không bao giờ cắt nghĩa thành ngữ ấy, vì không người Do Thái lại không hiểu rõ cách nói đó. Vậy, để hiểu về thành ngữ ấy thì phải nghiên cứu về bối cảnh văn hóa và tôn giáo Do Thái, nhất là trong Cựu Ước.

b. Nước Thiên Chúa trong Cựu Ước

Chủ đề “Nước Thiên Chúa” xuất hiện rõ trong thời đại cuối cùng của Cựu Ước. Lần đầu tiên gặp thấy thành ngữ đó trong Khôn Ngoan 10:10; nhưng ý niệm thì đã có trước từ lâu. M. Buber viết: “Làm cho ‘Vương quyền’ của Thiên Chúa đến trong khắp hoàn cầu là ‘proton’ (điểm khởi đầu) và ‘eschaton’ (điểm cánh chung/cùng đích) của Israel”.

Thiên Chúa là vua: đó là niềm thâm tín bàng bạc khắp các văn bản Kinh Thánh. Từ ngữ này được dùng trong một bài hát rất cổ xưa của Moses (x. Xh 15:11-18); nhưng có người – như Von Rad, chẳng hạn – cho rằng từ ấy mạo nhập lúc mà Israel đã lập chế độ quân chủ và đã có các vua;[18] thâm tín ấy cũng hiện rõ trong sấm ngôn của Balaam (x. Ds 23:21) và trong lời chúc phúc cuối cùng của Moses (x. Ðnl 23:1-5).

Sách Thánh Vịnh thường ám chỉ đến vương quyền của Yahweh. “Ngai của Chúa” là một từ ngữ đồng nghĩa. Thiên Chúa là vua duy nhất trong Israel và ngự ở Hòm Bia Giao ước (x. Ds 10:35tt; 1Sm 4:4; 2Sm 6:2). Chúa ngồi trên ngai mà phán xét mọi sự (x. 1V 22:19). Dù có một vị vua trong Israel, nhưng vị này cũng chỉ được quyền nhân danh Yahweh (x. 1Sb 6:16). Tuy nhiên, Yahweh là Chúa muôn dân, vinh quang Ngài đầy tràn hoàn cầu (x. Is 6:3tt; Hbc 3:2-19).

Thiên Chúa có quyền trên mọi dân nước và trên hết thảy vua chúa trần gian (x. Tv 83), nghĩa là vương quyền Ngài trải rộng trên mọi sự, khắp nơi ở thế giới, nhưng chỉ Israel có kinh nghiệm về quyền năng này. Vương quyền sẽ thành hiện thực qua Ðấng Messiah (Thiên sai); vì thế, dân Do Thái đã chờ mong ngài xuất hiện trong phong cách của một nhà vua vinh hiển (x. Is 7:10tt; 9:1tt; Gr 23:3-8; 30:8-11; Ed 17:22-24; Ðn 7:9-14.22.27tt;v.v...).

Vì tình trạng chính trị xã hội phức tạp, người Do Thái thường hiểu lầm về vai trò của Ðấng Thiên sai: họ mộng ước cho có được và hằng trông chờ một vị giải phóng chính trị, một nhà cách mạng xã hội: ngài sẽ khai sáng một thời đại thịnh vượng, làm cho Israel cai trị các dân ngoại. Những tiên tri đã sửa sai một phần nào quan niệm ấy và biểu trình về Ðấng Thiên sai với những đặc nét thiêng liêng hơn (x. Is 66:1-3).

Nước Thiên Chúa (hay vương quyền) cũng mang tính chất “cánh chung”: Thiên Chúa sẽ phán xét tội lỗi (x. Gr 25:15tt) và tiêu diệt ác quyền vô đạo (x. Ed 38-39), làm cho muôn dân thấy rõ vinh quang của Người (Ed 38:23; 39:21). Tiên tri Daniel cũng đã tiên báo là Nước Thiên Chúa sẽ đến sau khi hủy diệt các vương quốc trên trần thế (x. Ðn 2 và 7). Nghĩa là trước khi lập Nước Ngài, Thiên Chúa tẩy uế thế gian, đánh quỵ tội ác. Thiên Chúa sẽ thực hiện các sấm ngôn ấy như thế nào? Ðức Giêsu sẽ trả lời.

c. Nước Thiên Chúa ở sứ điệp của Ðức Giêsu

Các văn bản Tin Mừng trình thuật sự việc Ðức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, và cho thấy chủ đề “Nước Thiên Chúa” là trọng tâm của công cuộc rao giảng ấy. Các Tin Mừng Nhất Lãm đã dùng đến từ ngữ “Nước Thiên Chúa” 120 lần; trong khi đó các văn bản khác của Tân Ước chỉ dùng có 30 lần. Matthew dùng từ ngữ “Nước Trời” 50 lần, và từ ngữ “Nước Thiên Chúa” 4 lần,[19] vì người Do Thái thường nói như thế; rất có thể chính Ðức Giêsu đã nói như vậy. Nhưng từ thời sơ khai, các Kitô hữu đã hiểu và dịch là “Vương Quốc Thiên Chúa”. Danh từ “basileía” đã trở thành từ chuyên môn với ý nghĩa tổng quát tương tự như “sứ điệp Ðức Giêsu”; vì thế, Matthew diễn đạt với những lối nói như: “Tin Mừng của (hay là về) Nước Thiên Chúa” (x. Mt 4:23; 9:35; 24:14), “lời về vương quốc” (x. Mt 13:19), “các mầu nhiệm về Nước Trời” (x. Mt 13:11), hoặc là: có những “học viên Nước Trời” như người ký lục nọ (x. Mt 13:52).

Từ ngữ “basileía toũ theoũ” có hai nghĩa: vương “quyền” và vương “quốc”. Nghĩa thứ nhất sâu sắc hơn và được ám chỉ đến nhiều lần hơn. Ðức Giêsu loan báo vương quyền mà người Do Thái chờ mong, chẳng hạn như Giuse Arimathea (x. Mc 15:43). Chính Ngài là sứ giả chính thức mang tin này đến (x. Lc 4:18-21), là bình an, hạnh phúc và là tự do Yahweh đã hứa cho trong thời của Ðấng “Thiên sai”.

3. Ngài là Ðấng Xức dầu (“Kitô”)

Dựa trên nền tảng Tân Ước, Kitô giáo đã hiểu rõ rằng sự việc Ðức Giêsu đến đã đánh dấu hồi mãn hạn đoạn thời gian mà các ngôn sứ báo trước. Gioan “tiền hô” đã dọn đường cho “Chúa” đến như các ngôn sứ đã từng tiên báo (x. Is 9:1; 58:8; Gr 31:34; Ml 3:1: x. Lc 1:76-77), vì Ðức Giêsu là vua đã được hứa (x. Lc 1:32-33). Lão ông Simeon nhận ra Hài nhi ấy là ơn cứu độ của Yahweh, là ánh sáng để mạc khải cho dân ngoại, và là vinh quang của Israel (x. Lc 2:30-32), tức là “Ðức Kitô của Chúa” (x. Lc 2:26). Theo Matthew, Ðức Giêsu là cùng đích của lịch sử cứu độ (x. gia phả, Mt 1:1-17), nơi Ngài lời các tiên tri đã được ứng nghiệm (x. Mt 1:21-23 = Is 7:14: sinh bởi một người mẹ đồng trinh; Mt 2:2-6 = Mk 5:1: sinh ra tại Bethlehem; Mt 2:14-15 = Hs 11:1: đi Ai Cập và trở về; Mt 2:18 = Gr 31:15: than khóc tại Bethlehem; Mt 2:22-23 = Is 11:1; 53:2: được gọi là người “Nazareth”,v.v...). Như vậy là đã có thể thấy Giáo Hội sơ khai hiểu về Ðức Giêsu như thế nào.

Chính Ðức Giêsu cũng đã hiểu về mình như thế, và đã nói rõ với các người đồng hương của Ngài ở Nazareth (x. Lc 4:21). Ngài ý thức là mình làm cho lời các tiên tri nên ứng nghiệm, chẳng hạn:

- Khi đuổi các kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Mt 21:12tt và các đoạn song song; Is 56:7; Gr 7:11): hành động như thế là để chứng tỏ Ngài là Ðấng Thiên sai, và người Do Thái đã hiểu ý nghĩa làm chứng của hành động ấy (x. Mc 14:58);

- Khi rao giảng tại miền Galilee (x. Mt 4:12-15; Is 9:1-2);

- Khi đưa Tin Mừng cho người nghèo và làm cho người mù được sáng, người què được đi,... là chứng tỏ mình chính là “Ðấng phải đến” (x. Mt 11:3-6; Is 35:5-6; 61:1).

Ðặc biệt, các phép lạ đuổi trừ ma quỷ ra khỏi các người bị ám là dấu hiệu cho thấy Nước Chúa đã đến (x. Mt 12:28); nên lưu ý là trong câu này, Matthew dùng thành ngữ “Nước Thiên Chúa” chứ không phải “Nước Trời”; như thế có nghĩa là Matthew và Luca 11:20 đều dùng chung cùng một tài liệu gốc. Các đoạn trình thuật ngụ ý cho hiểu là vương quyền Thiên Chúa đang giao tranh với một vương quyền đối thủ, tức là với Satan; Matthew thường nhắc đến sự kiện này (x. Mt 4:1tt; 13:36-43,v.v...). Giáo Hội cũng sẽ phải đối đầu với kẻ thù ấy; vì thế, nên lưu ý là Ðức Kitô khử trừ ma quỷ “nhân danh mình”, còn những giáo sĩ Do Thái chỉ có thể làm thế “nhân danh Yahweh” (x. Mt 12:27); hơn nữa, Ðức Giêsu cũng dùng quyền này ở miền dân ngoại (x. Mc 5:1-20; 7:24-30). Có lẽ câu “Ta thấy Satan như chớp nhoáng từ trời xuống” (Lc 10:18) có nghĩa là các môn đệ cũng có thể trừ quỷ nhân danh Ðức Kitô, để chứng tỏ là “nước Satan” đang sụp đổ. Còn Vương quyền Thiên Chúa thì xuất hiện qua Tin Mừng, trong bản thân Ðức Kitô,[20] cũng như trong nhóm các môn đệ (x. Lc 12:32), và ở giữa những người nghe Ðức Giêsu giảng (x. Lc 17:21). Dù sao thì Nước Chúa cũng sẵn có cho những ai cố gắng để bước vào (x. Lc 16:16).

Theo một truyền thống dựa vào Malakhi 3:22-23, thì tiên tri Elias phải tới trước Ðấng Thiên sai; thực sự, Ðức Kitô nói Elias đã đến rồi (x. Mc 9:13-15). Vậy, Ðấng Kitô mà dân Do Thái đợi chờ cũng đã đến, và Nước Trời đã được sáng lập, còn vương quyền Thiên Chúa thì đang trải và đang tác động.

Theo lời dạy của Ðức Giêsu thì Nước Thiên Chúa hoạt động như thế nào? Trong các dụ ngôn, Ngài so sánh vương quyền Thiên Chúa với một hạt giống triển nở, lớn dần lên cùng với cỏ lùng; hoặc là tựa như hạt cải nhỏ xíu trỗi thành cây lớn; như men vùi trong bột; như kho tàng và viên ngọc quý dấu kín; như một mẻ lưới đầy cá tốt cá xấu; và như vậy cho đến tận thế (x. Mt 13). Trong lịch sử, Nước Chúa trải qua nhiều giai đoạn: trước tiên là mở rộng cửa mời đón dân Do Thái; sau đó, Chúa kêu mời các dân ngoại, cũng là vì đại đa số trong dân Do Thái từ chối không muốn vào (Mt 21:33-46ss). Lịch sử Nước Chúa vẫn còn tiếp tục tiến phát quảng uyên...

Tóm lại: Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Ðức Giêsu Kitô và sứ mạng của Ngài.

Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa cũng có tính cách vị lai. Ðức Giêsu loan báo vương quyền Thiên Chúa đã “gần đến” (x. Mt 10:7, Lc 10:9: đối chiếu với Ðn 4:8), với ý nghĩa là thời hạn đã mãn, lời đã ứng nghiệm, nhưng chưa hoàn thành. Vì thế, vẫn còn phải nguyện xin cho “Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện” (Mt 6:10), nghĩa là để vương quyền Thiên Chúa hoạt động “dưới đất cũng như trên Trời”. “Trời”“đất” là hai bình diện của Nước Chúa (x. Mt 16:19; 18:18). Các tông đồ vẫn nuôi hy vọng Nước Trời “sẽ đến sớm”: mẹ của Giacôbê và Gioan đã tưởng như thế (x. Mt 20:21); rồi chính Ðức Giêsu cũng đã nói với các thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái là họ sẽ thấy ngày ấy (x. Mt 26:64), và dĩ nhiên là cả với các tông đồ nữa, vì thế các ngài cũng nghĩ như vậy (x. Lc 9:27). Nhưng đồng thời, Ngài lại ám chỉ về một tương lai cánh chung, chẳng hạn: khi nói về “rượu mới” (x. Mt 26:29; Mc 14:25) là Ngài muốn ám chỉ tới “bữa tiệc cánh chung” mà các tiên tri (chẳng hạn như Is 25:6) đã tiên báo. Nước Chúa sẽ trọn vẹn thành tựu trong ngày phán xét chung (x. Mt 25:31-46), và lúc đó tội lỗi, ác quỷ và thần chết sẽ không còn quyền hành gì nữa (x. 1Cr 15:24-26). Và trước đó phải trải qua biến cố kinh hoàng, mà Kinh Thánh gọi là “ngày của Chúa” (thí dụ 1Cr 1:13; 1Ts 5:2,v.v...), “ngày của Con Người” (Lc 17:24.26). Vậy, Nước Thiên Chúa chỉ thành tựu vào hồi thế mạt. Một số dụ ngôn (như: cỏ lùng, mười trinh nữ, nén bạc) hàm ý chỉ về một giai đoạn khá dài kể từ thời bấy giờ cho đến hồi cánh chung.

4. Mấy đặc tính của Nước Thiên Chúa

Như vừa thấy trên đây, Nước Thiên Chúa vừa hiện đại vừa vị lai; một đằng thì đến nhanh như chớp, đằng khác lại lớn chậm như hạt giống nảy mầm mọc lên; rồi lại vừa hoạt động ở dưới đất vừa sinh tồn vạn đại ở trên trời...

- Phải nhận rằng, Nước Trời là một mầu nhiệm, và vì thế, chỉ những kẻ thấp hèn bé mọn, chỉ những môn đệ mới được Thiên Chúa mạc khải cho biết (x. Mt 11:25-27; Lc 10:21-22; Mt 13:11ss). Mầu nhiệm ấy đơn thuần là mầu nhiệm về Ðức Giêsu; vì vậy, ai rao giảng “Ðức Giêsu” là rao giảng vương quốc Thiên Chúa, ai gặp Ðức Giêsu là tìm thấy Nước Thiên Chúa (x. Mt 13:16-17; Lc 10:23-24), ai bỏ mọi sự vì Ðức Giêsu là thừa hưởng Nước Trời (x. Mc 10:28-31ss).

- Trong giai đoạn tiến phát tại thế, Nước Trời bao gộp cả người lành kẻ dữ (x. Mt 13:24.30.37.44); nhưng trái lại, trong vương quốc Chúa Cha đã sửa soạn, thì chỉ còn lại số những người công chính (x. Mt 13:43; 25:34.41). Ðức Giêsu là đường dẫn lối. Cả hai giai đoạn lệ thuộc vào nhau: Nước Thiên Chúa hiện tại sẽ là Nước Trời tương lai; thái độ đối với giai đoạn trần thế là điều kiện thiết yếu định đoạt cho giai đoạn cuối cùng trong hồi cánh chung (x. Mc 10:15).

- Nước Thiên Chúa (vương quyền) vừa vô hình lại vừa hữu hình (x. Lc 17:20-21). “Vô hình” vì mang chiều kích nội tâm: một khi có được kinh nghiệm về Thiên Chúa là Cha, ấy là lúc đã thực sự tiến vào trong lãnh vực Nước Trời; bước vào Nước Trời là mở lòng đón nhận vương quyền Thiên Chúa với tất cả tự do của mình, và khi đó chẳng còn cần phải “thờ phượng... trên núi này (Garizim) hay tại Jerusalem, nhưng... trong tinh thần (hoặc Thần Khí) và sự thật” (Ga 4:21-23). Vả lại, những ân huệ của Nước Chúa là thuộc lãnh vực thiêng liêng, vô hình: kêu gọi kẻ tội lỗi (x. Mt 9:13; Lc 15), tha thứ tội ác (x. Mt 9:1-6), ban đời sống mới (x. Ga 3:15-16),v.v... Còn “tính hữu hình” thì lộ hiện trong chiều kích xã hội. Theo các dụ ngôn, Nước Chúa là một cộng đoàn loài người: “lưới bắt mọi thứ cá” (Mt 13:47), ruộng có lúa mì và cỏ lùng (x. Mt 13:24tt), tiệc cưới có nhiều loại khách (x. Mt 22:1tt). Tin Mừng Gioan thì giới thiệu qua hình ảnh của một đoàn chiên (x. Ga 10:1-16), và nói rõ là cần phải đón nhận ơn Chúa qua một nghi thức là thanh tẩy, mới được gia nhập Nước Trời (x. Ga 3:3).

Khác với niềm hy vọng của dân Do Thái, vương quyền Thiên Chúa không có tính cách chính trị, không cạnh tranh với những chế độ loài người (x. Mt 22:21ss: Rm 13:7); thật ra, vương quyền ấy không thuộc về thế gian này (x. Ga 18:36), và không can thiệp vào trong các vụ tranh chấp trần thế (x. Lc 12:14).

5. Nước Thiên Chúa và Giáo Hội

Hiện nay, các thần học gia đang bàn luận sôi nổi về chủ đề này.[21] Một đằng, vương quyền có nhiều chiều kích huyền vi không hoàn toàn đồng nhất với các đặc tính của Giáo Hội. Ðằng khác, Giáo Hội và Nước Thiên Chúa không phải là hai thực thể hoàn toàn xa lạ với nhau. Vatican II xác quyết rằng: “Hội Thánh tức là Nước Chúa hiện diện cách mầu nhiệm ngay ở đời này”.[22] Trước kia, phía Công Giáo có khuynh hướng đồng nhất hóa Nước Chúa với Giáo Hội Công Giáo (chẳng hạn như trong thông điệp Mystici Corporis của Ðức Giáo Hoàng Piô XII), và đa số những giáo trình Giáo Hội học thời trước Vatican II thường bảo vệ luận thuyết ấy. Dù thế, thái độ tâm lý của phía Công Giáo vẫn là khách quan, nên thường phiên dịch từ “basileía” bằng từ “vương quốc”, tức là một xã hội cụ thể đang hiện diện trước mắt. Quan điểm này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đầy đủ, bởi một phần nào đó, không nói lên được hết chiều sâu tiềm tàng của thực tại vương quốc.

Còn phía “giới phê bình” và Tin Lành thì chủ trương cho rằng, Nước Thiên Chúa là hoàn toàn siêu việt vô hình. Họ thường dùng từ “vương quyền” để dịch từ “basileía” và nhấn mạnh đến chiều kích thần khởi: vương quyền là hoạt động của quyền tự do tối cao của Thiên Chúa đối với mỗi người. Vương quyền thuộc về thời vị lai, cánh chung. Giáo Hội là một “biến cố” hơn là một “tổ chức”,[23] nên không thể đem đồng nhất hóa với Nước Chúa được.

Về tương quan giữa Tin Mừng Ðức Giêsu và Giáo Hội, quan niệm điển hình của giới phê bình và phái Duy tân (modernism) cũng như của phía Tin Lành tự do (Liberal Protestantism) có thể được tóm gọn lời mỉa mai sau đây của A. Loisy: “Ðức Giêsu loan báo vương quyền và Giáo Hội đã tới”,[24] tức muốn nói là Ðức Giêsu loan báo một điều, và đã xảy ra một điều khác.

Hiện nay, Giáo Hội học đang cố nêu rõ một hướng đồng quy, có khả năng giữ được cân bằng giữa hai thái cực. Phải chấp nhận là Nước Thiên Chúa và Giáo Hội có quan hệ mật thiết với nhau; nhưng đồng thời, Giáo Hội và Vương quốc của Thiên Chúa chắc hẳn cũng có nhiều khía cạnh khác nhau. Công Đồng Vatican II đã chứng kiến đà chuyển hướng ấy: trong số 8 của lược đồ về Giáo Hội, đã có câu khẳng định là: Giáo Hội Công Giáo Roma là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô sáng lập. Nhiều nghị phụ đã phản ứng phê bình lối diễn đạt như thế, khiến câu ấy đã phải đổi thành: “Haec Ecclesia, in hoc mundo ut societas constituta et ordinata, subsistit in Ecclesia catholica”, nghĩa là: “như một xã hội được thiết lập tổ chức quy củ trong thế giới này, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo”.[25] Nói cách khác, Giáo Hội của Ðức Kitô không chỉ là Giáo Hội Công Giáo, Nước Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở trong Giáo Hội Công Giáo Roma mà thôi.

Nhưng Giáo Hội Roma vẫn “tiếp tục nối dài” Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đã rao giảng, nghĩa là Vương quốc Ðức Kitô đã khai mở vẫn còn tồn tại trong Giáo Hội, cùng tiếp tục phát triển trong và qua Giáo Hội. Giáo Hội (hữu hình hay cơ cấu) khiêm tốn thú nhận vẫn có tội lỗi ở trong mình, và ở ngoài mình vẫn có ân sủng. Giáo Hội “không là” (hoàn toàn đồng nhất với) Nước Thiên Chúa, nhưng lại “phục vụ” Nước ấy. Công Đồng Vatican II gọi “Giáo Hội là bí tích” của Vương quyền Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Vương quyền Thiên Chúa được thể hiện ở giữa dân Chúa, nghĩa là có một dân nhìn nhận và tuyên xưng Thiên Chúa là vua của họ (đã có vua tất phải có dân). Ðức Giêsu giảng về Vương quyền Thiên Chúa, tất cũng đã chuẩn bị một dân mới; như dân “cũ” đã có, thế tất dân “mới” cũng vậy.

D. Ðức Giêsu khai sinh dân mới

Nói đến “dân mới” thì có thể hiểu được hai cách: dân “mới” thay thế dân “cũ” (tức dân Do Thái không còn là “dân Thiên Chúa nữa”), hoặc dân “mới” là dân “cũ” mở rộng (tức Israel vẫn còn là dân Chúa, nhưng các dân ngoại đã được thu nhận hay tháp ghép vào). Khuynh hướng chung trong thần học hiện nay đang thiên về lập trường thứ hai.[26]

1. Ðức Giêsu kêu gọi môn đồ: “Nhóm 12” và ý nghĩa

Sau khi đã nghe những gì Ðức Kitô nói, tiếp theo đây là nhìn những gì Ngài đã làm. Ðáng được chú ý trước hết là sự việc Ðức Giêsu triệu tập một nhóm môn đồ.

Sau đây là những sự kiện lịch sử không chối cãi được: a) Ðức Giêsu triệu tập các môn đồ; b) từ giữa họ, Ngài đã chọn nhóm Mười hai; c) Ngài huấn luyện họ cách đặc biệt; d) Ngài chia sẻ với họ quyền năng của mình và phái gửi họ đi rao giảng nhằm tiếp tục thực thi cùng một sứ mạng Ngài đã lãnh nhận.

– Ðức Giêsu chịu nhận để người ta gọi Ngài là “thầy”. Thời ấy, ở Palestin, một vị thầy thường thu tập một số môn đồ, chẳng hạn như Gioan Tẩy giả (x. Lc 5:33), hay là những “Rabbi” biệt phái (x. Mt 22: 16). Những môn đệ này sống với thầy mình, học hỏi và truyền tụng giáo lý của thầy; có khi họ lập một cộng đoàn riêng biệt như các “tiên tri” xưa (x. 1V 18: 4). Tin Mừng nhắc đến các môn đệ của Ðức Giêsu 170 lần; có kẻ theo Ngài trong âm thầm kín đáo như Giuse Arimathea và Nicodemo (x. Ga 19:38-39), có lẽ các ông là người biệt phái; có người làm môn đồ công khai; Luca nói về “đám đông môn đồ” (x. Lc 6:17); có một ít người đã bỏ mọi sự để theo Ngài (x. Mc 10:28), và cũng có những kẻ trong họ đã bỏ Ngài (x. Ga 6:66).

– Giữa đám đông môn đồ, Ngài đã chọn một số đặc biệt. Luca nói về 72 môn đồ Ðức Giêsu phái đi truyền giáo.[27] Có một nhóm 12 môn đồ đặc biệt mà Tân Ước kê rõ từng tên gọi một (x. Mt 10:2-4; Mc 3:16-19; Lc 6:14-16; Cv 1:13). Bốn danh sách này đều có thứ tự dễ nhớ: 12 tên gọi chia làm ba nhóm, mỗi nhóm bốn người, và mỗi người luôn luôn ở trong cùng một nhóm; mỗi nhóm trong bốn nhóm ấy luôn luôn bắt đầu bằng Phêrô, Philiphê và Giacôbê con của Alphêô, làm như muốn cho thấy là trong cộng đồng Kitô sơ khai 12 vị ấy rất nổi tiếng và đóng giữ một vai trò rất quan trọng đối với Giáo Hội. Mc luôn luôn gọi nhóm này là “Nhóm Mười Hai” (hoi Ðốđêka), coi đó như là một tên riêng ngay từ lúc đầu.[28] Rất có thể là trong Tân Ước, một phần nào đó, Nhóm 12 đã được “thần tượng hóa” (lý tưởng hóa), nhưng sự việc Nhóm hiện hữu và hoạt động vẫn là một dữ kiện lịch sử chắc chắn.

2. Nhóm Mười Hai: Hoi Ðốđeka

Về phương diện lịch sử, có điều chắc chắn này là Ðức Giêsu đã chọn một nhóm môn đồ có tên là “hoi đốđeka” = “những người trong số mười hai”; văn bản làm chứng từ xưa nhất là câu 1Cr 15:5 (viết vào khoảng năm 51).[29] Nhà chú giải J. Dupont nhận định rằng: “Ðiểm thứ nhất và quan trọng nhất là phải chấp nhận mà không còn có thể nghi ngờ gì nữa về sự việc Ðức Giêsu đã kiến lập tập đoàn 12 môn đồ”.[30] Bốn Tin Mừng đã nhắc ít là 30 lần đến “mười hai” môn đồ, và sách Công vụ Tông Ðồ thì tường thuật rõ về hoạt động của họ. Ðiều đáng lưu ý là Tin Mừng nói về Juda, tên phản bội, là một phần tử của nhóm mười hai (x. Mt 26:14t; Mc 14:10.20.43; Lc 22:3.47; Ga 6:71). Giáo Hội đã không thể nào bịa chuyện như thế được, nhưng đã nhìn nhận như là một sự kiện hiển nhiên, dù là phũ phàng và thật bất lợi cho cộng đồng Giáo Hội sơ khai.[31]

Mc 3:13-19 kể lại chuyện Ðức Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ; đó là một văn kiện các nhà chú giải gọi là “cố cựu”; tác giả đoạn trình thuật đã dùng một thành ngữ lạ thường bằng tiếng Hy Lạp là: “epoíêsen đốđeka” (“đã làm 12”) thuộc văn thể Semite, tức là khó mà Marco có thể tự động dựng đứng lên được.[32] Một số thủ bản Marco thêm vào câu 14 lời xác định này: “và gọi họ là ‘tông đồ’”, nhưng hình như câu ấy chép lại Lc 6:13. Marco còn nói rõ là sự việc đã xảy ra ở “trên núi”; có thể là để làm cho liên tưởng tới núi Sinai, nơi Yahweh thành lập dân Thiên Chúa. Câu “Gọi lại với Người những kẻ Người muốn chọn” nêu bật ý chí tự do như lúc sáng tạo: sở dĩ có “Mười Hai” là chỉ vì Ðức Giêsu đã muốn như thế. Những lời “đã làm” gợi lên ý niệm sáng tạo như đọc thấy trong sách Sáng thế; còn con số 12 chắc hẳn là để tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rõ là tuyệt nhiên Ðức Giêsu không nuôi một hậu ý chính trị nào cả. Và chỉ có thể kết luận rằng Ngài đã nghĩ về một “Israel mới”.

– Mục đích của nhóm 12 là “để ở với Ngài và để phái họ đi rao giảng” (Mc 3:14). Ðiều này có nghĩa là “nhóm 12” được phối hợp với Ðức Giêsu và tham dự vào trong công tác của Ngài; lịch sử sau này cũng đã minh chứng điều đó.

Theo Tin Mừng Marco, phần lớn thời gian trong những năm Ðức Giêsu sống “công khai” đã được dành riêng cho “nhóm môn đồ”: trong số 671 câu của sách Mc, thì đã có 498 câu (tức 76%) nói đến những sự việc liên hệ tới các môn đồ (mathêtai). Và Marco cho thấy rõ nhóm l2 là một nhóm riêng biệt, khác với “đám đông” (x. Mc 3:9; 5:31; 8:34; 9:14; 10:46). Nhóm này theo Ðức Giêsu khi Ngài ở một mình (x. Mc 4:10; 8:10; 9:33,v.v...); lúc Ngài giảng dạy, họ ngồi chung quanh Ngài (x. Mc 3:34 so với Mt 12:49). Cách sống chung này mật thiết hơn cả mối thân tình thầy-trò, vì họ phải bỏ việc làm và gia đình (x. Mc 1:19-20), bỏ tất cả (x. Mc 10:28-29) để theo Ngài. Ðức Giêsu đặt họ vào trong tình trạng của “thời cuối cùng” (Mc 12:25) và mối liên đới chặt chẽ với Thầy mình đến nỗi, họ cùng chịu thử thách với Ngài (x. Lc 22:28).

Như thế Ðức Giêsu đã lập một cộng đoàn mà Ngài là đầu, để cùng chia sẻ sứ mạng và số phận của Ngài, và Ngài trao ban cho nhiều đặc quyền theo tư thế là một cộng đoàn.

Ở cùng Ðức Giêsu là điều kiện để được phái gửi đi rao giảng (x. Ga 16:27). Lịch sử chứng tỏ rõ là chính Ðức Giêsu đã tuyển chọn các môn đồ, huấn luyện họ, rồi phái gửi họ đi rao giảng cùng một sứ điệp như Ngài. Ðức Giêsu đã “đào tạo” các môn đệ rất cẩn thận: chỉ mình họ mới được trình bày cho biết về các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa (x. Mc 4:11), và Ðức Giêsu đã giải nghĩa các dụ ngôn cho riêng họ (x. Mc 4:34) và những gì họ không hiểu (x. Mc 7:17-19; 8:17t), đặc biệt là những điểm mới mẻ trong giáo lý (x. Mc 10:10t.42; 13:3t). Ngài khuyên họ đi riêng đến một nơi yên tĩnh (x. Mc 6:31). Biến cố chủ yếu là bữa tiệc ly Ngài cử hành riêng với nhóm 12 (x. Mc 14:17tt), và chỉ có họ mới được biết đến cuộc thương khó (x. Mc 8:31; 9:31; 10:32t). Chắc hẳn là Ðức Giêsu đã chuẩn bị họ cho tương lai, tương lai của sứ mạng Ngài. Mc 3:14 nói rõ: Ðức Giêsu muốn sai các môn đồ rao giảng; Mt 4:19 cũng đã ghi lại ý tưởng tương tự: “Ta sẽ cho các ngươi nên ngư phủ bắt người”; và Gioan cũng đã nhắc lại lời tâm sự của Ðức Giêsu: Ta đã chọn các bạn “ngõ hầu các bạn ra đi và sinh được hoa trái” (Ga 15:16). Trong khi huấn luyện họ cách riêng, Ngài cũng cho họ biết chủ đích của việc đào luyện ấy: “Những điều thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày...” (Mt 10:27); Gioan giải thích: điều đó có nghĩa là phái gửi họ đi vào giữa thế gian để nhiều người nhận biết và tin vào Ngài (x. Ga 17:18-20).

Tóm lại: Ðức Giêsu đã chọn một nhóm đặc biệt để phái gửi họ đi như những người đại diện Ngài (x. Mt 10:40). Nói cách khác, Ngài quan niệm quan hệ của nhóm môn đồ với Ngài giống như mối liên hệ giữa Ngài với Cha Ngài (x. Lc 10:16). Vì thế, những ai không đón nhận họ, sẽ phải chịu trả lẽ trước tòa Thiên Chúa (x. Mt 10:14-15). Nếu Ðức Giêsu chia sẻ sứ điệp và quyền năng của Ngài với nhóm môn đồ thì chính là để họ hợp tác với Ngài trong công trình xây dựng Vương quyền Thiên Chúa. Ðiều ấy còn muốn nhắn gửi những gì đến với chúng ta là những Kitô hữu đang sống giữa thế giới ngày nay?

3. Một vài vấn nạn

Ðức Giêsu đã hành động như thế lúc sinh thời; nhưng sau khi Ngài chết thì sao? Ngài có nghĩ về một tương lai, nhất là một tương lai xa vời hay không? Chỉ có thể trả lời các câu hỏi then chốt này lần bước dõi theo nhiều giai đoạn.

a. Trước hết, có một số điều cần lưu ý về từ “apóstolos” (sứ đồ, sứ giả, phái viên): mang ý nghĩa chỉ về người được sai đi phái gửi đi. Lc 6:13 nói là Ngài “chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ”; còn Marco thì chỉ gọi họ là “sứ đồ” sau khi đã được phái gửi đi (x. Lc 6:30). Khoa chú giải ngày nay do dự không rõ lúc sinh thời Ðức Giêsu có dùng đến tên gọi ấy hay không.[33] Một số nhà chú giải, cả Công Giáo lẫn Tin Lành, cho là Ðức Giêsu đã dùng danh từ “sứ giả” với ý nghĩa tương tự như từ “shaliah” trong tiếng Do Thái.[34] Nếu vậy, Ðức Giêsu đã quan niệm nhóm tông đồ như là những “sheluhim” của Ngài, những người thay mặt Ngài. Giới Do Thái có những “sứ giả” trong lãnh vực pháp luật, còn trong phạm vi tôn giáo thì dường như chưa thấy có trước thế kỷ II. Dù sao, Ðức Giêsu cũng đã quan niệm nhóm tông đồ theo ý nghĩa chức năng hơn là chức vụ.

b. Các Tin Mừng Nhất Lãm có đủ dấu chứng để giúp nhận ra ý định của Ðức Giêsu. Trước tiên, việc “sáng lập” nhóm 12 được Ðức Giêsu coi là một việc quan trọng: Lc 6:12 kể lại sự việc Ðức Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn các ông; đoạn Mt 10:16tt ghi lại bài giảng về sứ mạng truyền giáo, cho thấy là Ðức Giêsu đã muốn ám chỉ đến một trạng huống khác hẳn với tình cảnh thời bấy giờ: các môn đồ sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa... các dân ngoại...; chắc hẳn là đoạn này muốn ám chỉ đến “bối cảnh cánh chung” như sẽ bàn tới sau. Nhưng các câu Mt 5:11-12 quả là chính lời Ðức Giêsu nói về một thời tương lai, thời các môn đồ sẽ bị bách hại; thời mà, một khi Ðức Giêsu đã ra đi, họ sẽ phải “ăn chay” (Mt 9:15; Lc 5:35). Kết luận: quả thật Ðức Giêsu đã nghĩ về tác vụ các môn đồ sẽ tiếp tục thực thi sau cuộc đời dương thế của Ngài, nhằm phục vụ Nước Chúa.

c. Thực ra, chính Ðức Giêsu đã quả quyết là trước thời tận cùng “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa sẽ được loan báo trên khắp thế giới” (Mt 24:14). Ðã đành, quan niệm về “thời cánh chung” khá phức tạp và không rõ cho mấy. Trong bối cảnh ấy, “nhóm 12” xuất hiện như là “số sót” của dân Israel. Ý niệm này (Pháp ngữ gọi là “reste”, Anh ngữ là “remnant”) giữ một tầm trọng yếu đặc biệt trong tư tưởng các tiên tri. Khi mà đa số dân Israel làm như bỏ Chúa để theo các tôn giáo khác, thì các tiên tri đã bắt đầu nói về một nhóm nhỏ vẫn tiếp tục trung thành, và vì “số sót” ấy lòng trung tín của Yahweh sẽ mãi xót thương toàn dân. Thời tiên tri Elias đã đọc thấy ý niệm ấy rồi (x. 1V 19:18). Amos cũng đã ám chỉ đến điều ấy (x. Am 3:12; 4:11; 5:15). Isaia thì nhắc đi nhắc lại “số sót” ấy như là một điệp khúc trong các bài giảng của ngài (x. Is 1:9; 4:3; 6:13;v.v...). Còn tiên tri Edekiel thì coi họ như là một Israel mới, tái sinh từ một đống xương khô (x. Ed 37:12), được Thiên Chúa ban cho một giao ước mới. Cha R. de Vaux viết: “Trước hết, ‘số sót’ ấy là những ai thoát được hiểm nguy thời bấy giờ (x. Am 9:9; Is 37:30-31; Gr 24:5). Nhưng, ở phía sau hậu cảnh của những biến cố thời ấy, còn nhìn thấy được viễn cảnh của Đấng Messia: trong đó, ‘số sót’ là Israel mới. Ðã được định cư nơi đất hứa, họ làm thành một cộng đoàn thánh, sống theo tình yêu với lòng kính sợ Yahweh, và được Ngài chúc phúc (x. Is 4:2; 28:5; Mk 5:6-7). Hơn nữa, còn có thể thoáng thấy được một viễn cảnh quảng hàm hơn, bao quát hơn, tức là không chỉ gồm có Israel mới mà thôi, nhưng còn cả Israel thiêng liêng nữa, tập hợp cả những người dân Do Thái sống rải rác khắp nơi (x. Is 28:5; 31:6; Ed 37:20) lẫn hết thảy mọi người dự tòng đến từ các dân ngoại (x. Is 24:14-16; 45:14-15; 49:6,v.v…)”.[35] Số sót ấy là như cốt lõi “giản yếu” của toàn thể dân Israel: trong đó, lời hứa và niềm hy vọng mà Israel hằng ấp ủ, vẫn tồn tại vững bền.

Trong Tin Mừng, nhóm tông đồ dần dần mặc lấy những đặc nét phác tả hình ảnh của “số sót”. Lúc bắt đầu giảng dạy, Ðức Giêsu kêu gọi toàn dân hối cải trở lại cùng Thiên Chúa. Không được ứng đáp thích đáng, Ðức Giêsu đã đặc biệt chú tâm vào nhóm môn đồ: tạm gác số lớn để chuẩn bị cho một số nhỏ có đủ điều kiện gánh vác những trách vụ cần thiết trong tương lai. Ða số có thể mất, một số ít người được chọn (x. Mt 22:14). Các môn đệ là “đàn chiên nhỏ” (Lc 12:32) trung thành trong những lúc thử thách (x. Lc 22:28), biết sống tin tưởng (x. Ga 6:68-70; 16:27). Vì thế họ trở nên mô mẫu hoài bão của Israel mới, tượng trưng cho 12 chi tộc... Có nhìn theo viễn tượng ấy, thì mới có thể hiểu được tại sao Ðức Giêsu đã chú tâm đào tạo họ, chia sẻ cho họ quyền năng của Ngài, phái gửi họ đi rao giảng sứ điệp của Ngài,.v.v... Mt 19: 28 và Lc 22: 28-30 đã ghi lại lời Ðức Giêsu hứa ban cho “nhóm 12”, 12 ngai tòa để xét xử 12 chi tộc Israel. Nghĩa là Ðức Giêsu muốn chia sẻ với nhóm ấy chức năng hay năng quyền của chính Ngài vào hồi cánh chung, tức là lúc Ngài thiết lập Nước Thiên Chúa ở dưới đất.

Tóm lại: Ðức Giêsu đã chọn môn đồ; giữa các môn đồ, Ngài tuyển chọn 12 vị làm một nhóm đặc biệt; huấn luyện họ cách đặc biệt, và dành cho họ một vai trò giống như vai trò của Ngài trong Israel mới. Lúc sinh thời Ðức Giêsu đã dự kiến như thế nào về tương lai ấy? Ðây là một câu hỏi tế nhị.

E. Ý thức của Ðức Giêsu và Giáo Hội

Ðó là một trong những chủ đề đang làm đối tượng bàn cãi rất sôi nổi trong Kitô học. Ở đây, chỉ xin bàn đến những điểm có liên quan với Giáo Hội học.

– Nếu Ðức Giêsu đã tự xưng mình là “Con người”,[36] thế tất cũng nghĩ đến Ðn 7:13-14, và việc đoàn họp “dân chư thánh”: ý niệm này tất sẽ dễ dàng dẫn dần đến ý niệm “Hội Thánh”.

– Hẳn là Ðức Giêsu đã hiểu về mình trong ánh sáng của Cựu Ước. Có khi Ngài cư xử như “David” (x. Mc 2:23-28) và được gọi là “con của David” (Mc 10:47; Mt 21:9,.v.v…), là tước hiệu gợi ý chỉ về Ðấng Messia (x. Mc 12:35t). Ngài cũng nói rõ mình lớn hơn “Salomon” (x. Mt 12:42). Trong bài giảng trên núi, Ðức Giêsu xử thế như là “Moses” mới – lớn hơn Moses! – (x. Mt 5:17-48). Thế nên, Ngài cũng đã nghĩ đến vai trò của mình đối với Israel, một Israel mới.

– Khi Ðức Giêsu chọn “12 sứ đồ”, tất Ngài đã nghĩ đến 12 tổ phụ của Israel mới, tức là “Dân tộc thiên sai”, mà Ngài sẽ xây trên nền “Ðá” (Phêrô).

– Ðức Giêsu ý thức mình là “Ðấng phải đến” (Mt 11:3t), Ðấng khai mở “thời viên mãn” (Mc 1:15), “Ðấng được Xức dầu” (Lc 4:16t),v.v...; nhưng Ngài không nói rõ mình là Ðấng Messia, vì ý niệm của công luận về “Messia” sai lầm. Ngài trừ quỷ nhân danh Thần Khí, nên Ngài biết Nước Trời đến rồi (x. Mt 12:28). Nếu thế thì Ngài không thể không nghĩ đến dân tộc mới và vai trò của mình cũng như của nhóm “hợp tác viên” Ngài đã chọn trong hoàn cảnh mới ấy. Nhưng về mặt con người hay nhân tính, tư tưởng của Ngài cũng đã trải qua cả một tiến trình phát triển:

Các nhà chú giải nhận thấy là lúc đầu, Ðức Giêsu tỏ vẻ lạc quan nhiều, và hân hoan tuyên bố một sứ điệp thật là “Tin Mừng”: đây, Nước Chúa đã đến gần (x. Mc 1:15); vì thế, các môn đồ phải tức tốc đi rao giảng, không còn chần chờ mất thì giờ được nữa, và cũng không được đi về phía các dân ngoại (x. Mt 10:5tt). Nhưng người ta không chịu trở lại, cũng chẳng chịu tin vào Ngài... một điều gì đó đã xảy ra: các nhà chú giải gọi biến cố đó là vụ “khủng khoảng ở Galilee”. Các Tin Mừng Nhất Lãm và Gioan đồng ý: sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng muốn chọn Ðức Giêsu làm vua (x. Ga 6:15). Ngài từ chối và dân chúng cũng lánh xa Ngài; nhiều môn đồ bỏ Ngài (x. Ga 6:66) vì không hiểu Ngài. Người ta còn tìm cách ném đá (x. Ga 8:59) và bắt Ngài (x. Ga 10:39); có lẽ Ngài bị trục xuất khỏi Hội đường (sinagoga), tựa như là bị tuyệt thông vậy; còn việc đi xuống Judea đã trở thành nguy hiểm (x. Ga 11:8).

Dù trước kia Ngài đã cấm các môn đồ đi về các miền dân ngoại, thì bây giờ chính Ngài cũng phải đi để tạm ẩn giấu (x. Mc 9:30). Khi Ngài ở vùng dân ngoại là Cêsarêa, một biến cố quan trọng đã xảy ra: Simon tuyên xưng đức tin vào Ngài, tin nhận Ngài là Ðấng Kitô, và Ngài đã đáp lại với lời hứa sẽ xây dựng Giáo Hội Ngài trên “Ðá” Phêrô (x. Mt 16:16tt). Lúc Ðức Giêsu nếm phải mùi thất bại trần thế, lúc thập giá ló dạng nơi chân trời đời ngài, thì cũng chính là lúc từ “ekklesia” xuất hiện trong Tin Mừng, và Ðức Giêsu tập trung năng lực vào việc huấn luyện đặc biệt cho nhóm nhỏ các môn đồ. Bấy giờ Ðức Giêsu ý thức về sự việc sứ mạng mình phải được chu toàn trong những điều kiện khó khăn mà người “Tôi tớ Yahweh” phải sống qua, như tiên tri Isaia đã tiên phác.[37] Thật ra, Mt 12:18-41 đã từng áp dụng Is 42:1-4 và 49:1 cho Ðức Giêsu rồi. Vai trò của Tôi tớ Yahweh là cứu vớt dân Israel, nhưng đồng thời làm “ánh sáng... mang ơn cứu độ đến cho muôn dân” (Is 49:6); con đường phải đi là lặng thinh chịu khổ cho đến chết (x. Is 50:4tt; 51:1tt).

Ðức Giêsu không mảy may nghi ngờ về sứ mạng của mình. Nếu toàn dân Israel không theo Ngài, thì ít là một nhóm nhỏ đã trung thành với Ngài; vì thế, tương lai của sứ mạng ấy (là sứ mạng Chúa Cha trao phó và vì thế không thể nào không thành tựu) phải được thực hiện với và qua họ. Có lẽ buổi đầu, Ðức Giêsu chưa thấy rõ phải chu tất sứ mạng đó như thế nào và dưới những hình thức nào; nhưng Ngài tin tưởng vào Chúa Cha: nếu Chúa Cha đã muốn dùng “phương pháp” như thế thập giá, thì thế nào kế hoạch của Cha cũng sẽ thành công. Ngài gieo giống, rồi Thần Khí sẽ làm cho mọc lên và trổ sinh hoa quả.

III. HAI VẤN NẠN ÐẶC BIỆT

1. Vấn đề cánh chung

Ðó là một vấn đề quan trọng trong Giáo Hội học.[38] Vấn nạn cốt tại ở điểm này: theo Tin Mừng, Ðức Giêsu nghĩ là vương quyền Thiên Chúa đã đến gần kề, nghĩa là chẳng bao lâu nữa một biến cố chung quyết sẽ kết thúc lịch sử trần thế. Nhưng hình như Ngài đã không nghĩ đúng. Nếu quả là thế thì Ngài không phải là Ðấng Thiên sai, không phải là Con Thiên Chúa, và chắc hẳn Ngài đã không có một dự án nào cho tương lai...

Ðức Giêsu đã nói về sự việc “Nước Thiên Chúa” sắp đến. Những lời khó giải thích nhất là ba câu sau đây: Mc 9:1; 13:30; Mt 10:23; và có tác giả còn kể thêm các câu: Lc 10:23; Mt 16:28; 26:64ss. Thử hỏi các sấm ngôn ấy quả đã ứng nghiệm hay không?

– Các tác giả trong Tân Ước đã quan tâm đến vấn nạn ấy. Họ nhận ra là “ngày ấy” (gọi là “ngày của Chúa”, “quang lâm”,v.v...) không đến sớm như nhiều tín hữu Kitô thời đó đã chờ đợi: điều này được gọi là “vấn đề trì hoãn”. Thư Do Thái trích dẫn tiên tri Khabacúc nói rằng: “Chỉ còn ít lâu nữa, một ít thôi, Ðấng phải đến sẽ đến, Người sẽ không trì hoãn (ou khronísei)” (Dt 10:37). Ðộng từ này cũng xuất hiện trong Mt 24:48: đầy tớ gian ác nghĩ ‘chủ mình sẽ về trễ’ (khronízei) (x. Lc 12:45) và trong dụ ngôn về mười trinh nữ: “chú rể đến chậm…” (Mt 25:5). Mối nguy cho Giáo Hội là các tín hữu có thể ngã lòng, “thiếp đi”... và bị “thiếu dầu”. Vì thế, thánh Phêrô đã phải trấn an Kitô hữu rằng: “Chúa không chậm trễ... nhưng đối với Ngài, một ngày như thể là ngàn năm” (2Pr 3:8-9). Cả đến hiện giờ, Nước Chúa cũng vẫn chưa thấy đến: như thế thì sao? Có phải Giáo Hội đã tự đánh tráo mình thay thế cho niềm ảo vọng ấy không?

– Trí khôn nhân tính của Ðức Giêsu không biết hết tất cả; Ngài nói rõ là mình không biết về “ngày ấy” (Mc 13:32). Như một con người thật sự, Ðức Giêsu cảm nghiệm về Thiên Chúa, rồi giải thích kinh nghiệm ấy nhờ những phạm trù sẵn có (nghĩa là quan niệm Do Thái về tôn giáo). Vì thế, khi Ngài cảm thấy Chúa Cha sẽ can thiệp, thì Ngài cắt nghĩa việc ấy như các tiên tri đã nói (thí dụ: Is 13:6; Gr 48:16; Ed 7:1-13;v.v...). Nhưng Ngài cũng thừa biết “Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền…” (Lc 17: 20); chỉ Chúa Cha mới biết ngày giờ; vì vậy, cần phải sẵn sàng (x. Mt 24:44; Lc 12:40...), phải canh thức (x. Mt 24:42; 25:13: Mc 13:33,v.v...), vì ngày Chúa sẽ đến như chớp (x. Lc 17:24; Mt 24:27...). Lúc đầu Ðức Giêsu đã có thể “hy vọng” vương quyền đến sớm, ngay khi Ngài còn sống; vì thế Ngài đã tức tốc sai phái các môn đồ đi rao giảng.[39] Sau khi việc rao giảng tại Galilee gặp phải trở ngại nếu không nói là thất bại, Ngài bắt đầu ý thức là có thể mình sẽ phải chịu chết như Tôi tớ Yahweh, và đã có thể “hy vọng” rằng thế nào Chúa Cha cũng sẽ thành công và làm cho vương quyền thành hiện thực (bằng cách nào Ngài chưa rõ). Ðức Giêsu có trực giác đúng về sự kiện này: Chúa Cha sẽ sớm can thiệp để hoàn tất công cuộc cứu độ; và điều đó đã thật sự xảy ra trong mầu nhiệm Phục sinh. Còn biến cố cánh chung ấy sẽ xảy ra như thế nào: như được trình tả qua những hình ảnh khủng khiếp của thể văn khải huyền? Các tác giả ngày nay quan niệm như thế, và một phần nào dựa theo lời của các ngôn sứ tiên báo về “ngày của Yahweh”, chính Ðức Giêsu cũng đã nói như vậy.

– Hẳn là, dựa theo quan niệm Do Thái, Giáo Hội sơ khai đã mong chờ một biến cố kỳ diệu và tưởng là biến cố ấy đã bắt đầu với ngày Hiện xuống (x. Cv 2:16tt). Khi Chúa lên trời, cộng đoàn Kitô hữu thời ấy vẫn nghĩ là vương quyền sẽ đến ngay trong thời họ (x. Cv 1:6); họ lập lại nhóm 12 (x. Cv 1:15tt: chọn Matthias thay thế cho Juda), và giới hạn hoạt động ở giữa dân Do Thái mà thôi. Cả đến khi các tông đồ đã sáng lập những cộng đoàn Giáo Hội giữa các dân ngoại, các Kitô hữu cũng vẫn còn chờ đợi và xác tín là “ngày của Chúa” sẽ sớm đến: biến cố cơ bản của cộng đồng là bữa tiệc Tạ ơn (Thánh Lễ) được cử hành “cho đến khi Chúa lại đến” (1Cr 11:26), và Phaolô đã hy vọng sẽ còn sống cho đến ngày ấy (x. 1Tx 4:18); nhưng ngài cũng không biết gì về ngày giờ của biến cố ấy (x. 2Tx 2).[40]

– Tóm lại: là một con người thật sự, Ðức Giêsu cũng đã phải học biết qua những kinh nghiệm cuộc sống. Kiến thức Ngài đã phát triển và càng ngày Ngài càng hiểu rõ hơn về những gì mà từ lúc đầu Ngài đã “biết”, nhưng không biết hết và rõ về những chi tiết Chúa Cha chưa mạc khải cho. Trong khi trông chờ “ngày ấy” (mà chỉ Chúa Cha biết), các môn đồ phải canh thức làm việc xây dựng Nước Chúa. Họ bắt đầu bằng những nhóm nhỏ, chăm lo rao giảng Tin Mừng và chờ ngày Israel trở lại; họ là mầm giống của Israel mới ấy. Ðức Giêsu không có ý sáng lập một tôn giáo khác, một Israel khác; điều Ngài nhằm tới là “ekklesia”, một cộng đồng mà Ngài sẽ xây dựng trên nền đá Phêrô. Ðiều ấy sẽ xảy ra như thế nào? Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt các tín hữu vững bước đi giữa lòng lịch sử; cứ trông cậy vào Ngài thì chắc chắn họ sẽ thành công. Thật ra, thế hệ kế tiếp đã hiểu là mình “đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1:13), nói cách khác, ý thức rõ là những lời hứa và niềm hy vọng kia quả đã ứng nghiệm.

2. Vấn đề phổ quát

Ðức Giêsu đã có những dự kiến nào đối với các dân tộc ngoài Do Thái? Là “Công Giáo” tự bản tính, Giáo Hội bao gồm hết mọi dân tộc. Ðức Giêsu có quan niệm Giáo Hội là như thế không? Không ai phủ nhận giáo thuyết Ðức Giêsu mang tính chất phổ quát; vì thế, ông A. Loisy đã có thể nói rằng: “Giáo Hội là thành quả mỹ mãn của giáo lý Ðức Giêsu”, dù chính Ngài – theo A. Loisy – đã không nghĩ đến Giáo Hội ấy.

– Tin Mừng có ghi lại sự việc Ðức Giêsu chỉ thị cho các môn đồ đừng đi rao giảng ở những miền dân ngoại (x. Mt 5:10.23), và quan niệm sứ mạng của mình chỉ giới hạn vào “những chiên lạc nhà Israel mà thôi” (Mt 15:24). Có thể là Ngài tưởng Nước Trời sẽ mở cửa đón các dân ngoại khi họ hành hương lên Sion (x. Mt 8:11tt; 25:32), như các ngôn sứ đã tiên báo (x. Is 2:2tt; 25:6; 49:12).

– Ðể giải đáp vấn nạn, thì cần phải chú ý đến cách thức Ðức Giêsu quan niệm về sứ mạng mình. Ðã đành, Ðức Giêsu ý thức mình là Ðấng Thiên sai; nhưng sứ mạng của Ðấng ấy sẽ như thế nào? Về mặt nhân tính, Ðức Giêsu phải nhờ đến những phương tiện sẵn có mà tìm hiểu, nghĩa là Ngài phải nhờ đến Kinh Thánh để “hình dung” vai trò của Ðấng Mêsia. Ngài mang ơn cứu độ của Yahweh là Cha mình, đến cho loài người; nhưng “ơn ấy” được Kinh Thánh miêu tả như thế nào...

Trong Cựu Ước, thường đọc thấy não trạng độc chủng bài ngoại, và khuynh hướng nêu bật những đặc quyền của Israel vì biết đó là dân được Thiên Chúa tuyển chọn (x. Ðnl 7:6tt; 32:9;v.v...); còn các dân ngoại thì bị gọi là “tội lỗi”, “ô uế”, đến nỗi, khi từ Babylon về, Ezra đã đuổi những bà vợ gốc dân ngoại của người Do Thái (x. Er 10), vì Thiên Chúa “cấm” giao hôn với họ và “ghét” họ (x. Ðnl 7:3-4; Is 34:2). Trong thời Ðức Kitô, quan niệm này thịnh hành rất mạnh.[41] Trong Tân Ước, thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, vẫn còn gợi lại những thành kiến ấy (x. Gl 2:15) và luôn luôn dành ưu tiên cho dân Do Thái (x. Rm 1:16).

Tuy nhiên, trong Cựu Ước cũng đọc thấy một chiều kích phổ quát. Lời hứa với Abraham sẽ ứng nghiệm đối cả với muôn dân (x. St 12:2-3; 22:18). Ðức tin vào Yahweh, Chúa tể càn khôn, làm cho họ hiểu rằng Thiên Chúa cũng muốn cho muôn dân tôn thờ Ngài (x. Tv 87). Các ngôn sứ đã tiên phác cảnh tượng các dân ngoại hành hương về Sion (x. Is 2:2-4; 56:6-8), vì “ngày ấy” Yahweh sẽ là vua toàn cầu (x. Dcr 14:9). Ðức Giêsu cũng đã biết đến phong trào truyền giáo Do Thái thời ấy (x. Mt 23:15); một số người tòng giáo hồi đó đã trở thành tín đồ Kitô sau này (x. Cv 6:5; 10:2).

Trong bối cảnh ấy, Ðức Giêsu quả đã xử trí như thế nào? Thường thì cả Ngài lẫn các môn đồ đều sống theo khuôn mẫu não trạng Do Thái bấy giờ (nhập thể đích thực là thế). Vì thế, Ngài hiểu sứ mạng của mình theo truyền thống tiên tri, tức là biệt chuyên đối với Israel (x. Mt 15:24). Lúc đầu, các tông đồ cũng nghĩ như vậy (x. Cv 2:36; 3:25-26) và, khi Thánh Thần kêu gọi các dân ngoại, các tông đồ đã không hiểu (x. Cv 10-11). Nhưng “mầm giống phổ quát” vẫn bắt đầu mọc lên: Nếu Ðức Giêsu ý thức mình là “Tôi tớ Yahweh”, thế tất Ngài cũng biết là Thiên Chúa đã đặt Ngài làm “ánh sáng muôn dân” (Is 42:6), “để mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất” (Is 49:6). Nếu Ngài tự xưng là “Con Người”, thì ắt là Ngài biết đến sấm ngôn của Ðanien nói rằng mọi dân tộc, quốc gia và tiếng nói đều phải phụng sự Ngài (x. Ðnl 7:14). Khi long trọng tiến vào Jerusalem, Ðức Giêsu đã áp dụng cho mình lời tiên tri Dacaria 9: 9 (x. Mt 21:4-5); tiên tri nói tiếp: “Ngài sẽ loan báo hòa bình cho muôn dân và trị vì từ biển đến biển...”. Kết luận tất yếu là Ðức Giêsu quả đã nghĩ đến vai trò hay sứ mạng của mình đối với các dân ngoại.

Quả vậy, Ðức Giêsu đã thực sự mở rộng cửa cứu độ cho mọi người: Ngài đến với những người “tội lỗi” (Mt 9:13ss) bị loại ra khỏi “lãnh vực tôn giáo”. Ngài không ngại tiếp xúc, gặp gỡ với dân ngoại và giúp đỡ họ, như là viên sĩ quan Rôma chẳng hạn; Ngài còn khen lòng mạnh tin của ông (x. Mt 8:5tt). Ngài cũng đã đi qua vùng dân ngoại và làm phép lạ tại đó (x. Mt 15:21tt; Mc 5:1tt); mà hễ đã làm phép lạï tại đâu, tức là đã mang vương quyền Thiên Chúa đến tại đó (x. Mt 12:28). Ðức Giêsu biết nhiều người không thuộc dân Do Thái sẽ vào Nước Trời, còn bao nhiêu đồng bào của mình sẽ bị thải loại (x. Mt 8:11-12; Lc 13:28). Sau hết, vào thời cuối đời, Ðức Giêsu ý thức rõ về sứ vụ của mình là phải hiến mạng sống mình “cho nhiều người” được cứu độ (x. Mc 10:45; Mt 20:28; x. Ga 12:32). Từ từ, các tông đồ đã hiểu ra ý nghĩa tiềm ngụ trong những lời nói và việc làm của Thầy mình; vì thế, họ đọc ra mệnh lệnh truyền giáo phổ quát sau đây của Thầy mình: “Hãy đi khắp thế giới... dạy dỗ cho muôn dân…” (Mt 28:19t; Mc 16:15; Lc 24:47, Cv 1:8).

– Ý định phổ quát ấy đã được thực hiện theo cách thức nào? Theo cách thức tiệm tiến, tựa hạt giống lớn dần thành cây, tức là hệt như trong mọi công trình của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã gieo hạt giống, các môn đệ đã tiến hành công tác vun tưới... Lúc đầu, các ngài chỉ giảng cho đồng bào và sống theo Do Thái giáo. Nhưng các ngài lại đón nhận các người tòng giáo gốc dân ngoại vào trong cộng đoàn của mình và ủy thác cho họ những trách vụ đặc biệt (như trường hợp của Nicolas, người quê Antiôkia: Cv 6:5). Thánh Thần dùng những biến cố để đẩy họ đi qua miền Samaria hầu giảng Tin Mừng với nhiều thành quả cho người dân vùng này (x. Cv 8:4tt). Những người đi rao giảng như thế là người Do Thái có văn hóa Hy Lạp, tức là có thái độ cởi mở hơn đối với các dân ngoại. Thần Khí đã mạc khải cho Phêrô về ý định phổ quát đó, nhưng Giáo Hội Jerusalem thời ấy vẫn chưa hiểu ra (x. Cv 10-11). Như vua kia chỉ gửi các đầy tớ mời những người lạ vào tiệc cưới, sau khi những quan khách quen được mời trước đã không đếm xỉa đến lời mời và đã không tới... (x. Mt 22:1-14ss), thì cũng vậy, các tông đồ chỉ nhận rõ ra được ơn gọi của các dân ngoại sau khi dân Do Thái từ chối không chịu tin nhận Ðức Kitô. Phêrô hiểu là các dân ngoại cũng được cứu rỗi bởi Ðức Kitô: “dân xa” (Cv 2:39) có nghĩa là lương dân (x. Cv 22:21; Ep 2:13); nhưng cần phải giảng cho dân Do Thái “trước” đã (x. Cv 3:25-26). Nhờ Thần Khí soi dẫn (x. Ga 16:12-13), Giáo Hội sơ khai đã dần dần hiểu là các dân ngoại không cần phải giữ luật Moses (x. Cv 15). Sự việc Ðức Giêsu và các tông đồ có vẻ như “thất bại” trong tác vụ đối với Israel là như một mầu nhiệm, chưa ai hiểu nổi (x. Rm 9-11; Ep 3:5-6). “Mầm giống” phổ quát mà Ðức Giêsu gieo, đã và hiện đang phát triển; và Giáo Hội đã hiểu rằng bản chất của mình là truyền giáo, tức là có sứ mạng đem Tin Mừng đến cho muôn dân,[42] vượt lên trên mọi thứ ranh giới từ quốc gia, màu da, chủng tộc cho đến văn hóa...

IV. GIÁO HỘI VÀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Ðức Giêsu đã sáng lập Giáo Hội trong suốt đời sống dương thế của Ngài.[43] Nhưng trong cuộc đời ấy, trọng tâm là mầu nhiệm Phục sinh. Thần học gọi “mầu nhiệm Phục sinh” – những biến cố lịch sử và ý nghĩa của chúng – là giai đoạn cuối cùng cuộc đời trần thế của Ðức Giêsu, khi Ngài “vượt qua” (paskha) từ cõi đời này để về với Cha Ngài (x. Ga 13:1t). Nhờ cuộc “vượt qua” ấy, Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu độ. Truyền thống Kitô bao giờ cũng hiểu rằng Giáo Hội đã phát sinh từ mầu nhiệm Phục sinh. Sau đây, xin thử bàn đến các biến cố Phục sinh ấy.

1. Bữa Tiệc ly và việc thành lập Giáo Hội

Bữa tiệc ly của Ðức Giêsu với các tông đồ trước lúc Ngài chịu tử nạn, là một thời điểm quan trọng trong quá trình sáng lập Hội Thánh. Nhà chú giải A. Feuillet viết: “Như nhiều nhà chú giải thường nhận xét, thiết tưởng phải nhận là trong bữa tiệc ly có một biến cố gì khác hơn là việc đơn thuần thiết lập một bí tích; chính thế, trong dịp này Ðức Giêsu đã khai sinh một tôn giáo mới và đã thành lập Giáo Hội”.[44] Lý do là vì, tại đó, Ðức Giêsu đã lập một giao ước mới, một chức tư tế mới và một bữa tiệc cánh chung.

a. Giao ước mới

Theo Mt 26:28 và Mc 14:24, Ðức Giêsu đã giải nghĩa các cử chỉ Ngài làm trong bữa ăn ấy, coi đó là “giao ước”; còn theo Lc 22:20 và 1Cr 11: 5 thì đó là “giao ước mới”. Cả hai truyền thống ấy đều nêu rõ mối liên hệ giữa “giao ước”“máu” cũng như ám chỉ rõ đến Cựu Ước: “Ba đoạn văn Cựu Ước có liên hệ với việc thiết lập Thánh Thể là:

– i) Cuộc hiến tế trên núi Sinai lúc giao ước được kết lập;

– ii) Sấm ngôn của Jeremiah 31:31;

– iii) Các bài thơ của Isaia.

Cả ba đoạn văn này đều nêu bật yếu tố nguyên thủy và căn bản trong bữa ăn Thánh Thể; yếu tố đó là: khái niệm hiệp ước. Vì thế, bữa tiệc ly trước hết là một hy tế và một bữa ăn giao ước. Theo các văn bản Cựu Ước, thì giao ước này chỉ có thể được quan niệm trong mối tương quan ấy, nghĩa là một giao ước tất yếu hàm ngụ việc tạo thành một xã hội tôn giáo mới, một dân mới của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là lý chứng hết sức xác đáng cho phép khẳng quyết là trong bữa ăn cuối cùng, Ðức Giêsu đã thật sự thiết lập Giáo Hội của Ngài, và Ngài đã lập Giáo Hội ấy theo tư chất của một cộng đoàn tế tự (Kultgemeinschaft)”.[45]

Khi Ðức Giêsu nói: “máu sẽ đổ ra” hoặc “máu của giao ước mới”, là Ngài muốn ám chỉ đến sự việc Ngài chịu chết trên thập giá “để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20:28), tức là “để tha tội” (Mt 26:28).

Ðã lập giao ước mới tất phải có dân mới: khi Yahweh kết ước với Israel, thì đã có máu, đã có lời (x. Xh 24:8), rồi Israel đã trở thành dân của Chúa (x. Xh 19:5-6; Ðnl 7:6; 26:16-17). Nên lưu ý là theo truyền thống Giavít, giao ước được ký kết bằng bữa ăn (x. Xh 24:11); phải ăn xong con chiên vượt qua, rồi dân Do Thái mới xuất hành ra sa mạc để đoan kết giao ước với Yahweh và trở thành dân Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Ðức Giêsu cũng “ăn tiệc vượt qua”, rồi chính Ngài cũng đã “vượt qua” để đi về với Chúa Cha, dẫn đường cho nhóm “Mười hai” (Israel mới) đi cùng với Ngài (Ga 14:2-3). Theo truyền thống Êlôhít, giao ước được đoan kết bằng máu (x. Xh 24:6-8). Trong bữa tiệc ly của Ðức Giêsu đã có cả hai yếu tố ấy. Trong thời của Ðấng Thiên sai, Thiên Chúa sẽ ban cho Israel một giao ước mới (x. Gr 31:31-42;[46] Ed 34:23-25), giao ước hòa bình (x. Ed 37:26; Is 54:10). Tôi tớ Yahweh cũng sẽ là một giao ước (x. Is 42:6). Ðó là giao ước thật sự chung quyết, vì là vĩnh cửu, không còn cần đến một giao ước nào khác (x. Is 54:10; 59:21; 61:8;v.v...).

Vậy, trong bữa tiệc ly Ðức Giêsu đã thực sự mặc lấy thân phận của người “Tôi tớ Yahweh”. Thành ngữ “đổ máu” hoặc “máu của Tân Ước” ám chỉ đến Is 52:13–53:12, là sấm ngôn quan trọng nhất trong Cựu Ước. Thế nên, nhà chú giải X. Léon-Dufour kết luận rằng: “Ðức Giêsu đã lập một giao ước mới bằng máu Ngài... Israel ‘vượt qua’ hội nhập vào dân mới này: Giáo Hội của Ðức Giêsu được thiết lập ở dưới đất để chuẩn bị cho vương quốc tương lai ở trên trời”.[47]

b. Tế tự mới

Khi Ðức Giêsu cử hành lễ vượt qua mới, thì đã tự dâng mình làm lễ vật “cho nhiều người được tha tội”; đó là chức năng của một vị tư tế (x. Dt 9:14). Quả thế, Thư Do Thái viết rằng Ðức Kitô là Thượng tế, là Thượng tế duy nhất của Tân Ước (x. Dt 3:11; 4:14; 6:20,v.v...). Nhưng Ngài đã truyền cho các tông đồ phải tiếp tục tái thi nghi lễ ấy “để nhớ đến Ngài” (Lc 22:19; 1Cr 11:24-25). Truyền thống Kitô đã nhận ra đó chính là hành động thiết lập một chức tư tế mới, khác hẳn với các dạng tư tế thời xưa. Thư Do Thái kết luận: “Quả thế, một khi chức tư tế thay đổi, thì nhất thiết phải thay đổi Lề Luật” (Dt 7:12); “Lề Luật” ở đây, mang ý nghĩa tương tự như “Hiến chương” của một quốc gia. Một khi đã đón nhận Luật Chúa tại Sinai, thì Israel trở thành “dân Chúa”; vì thế, một khi đã đổi Luật, thì “dân Chúa” cũng phải đổi: đã có Luật mới, Giao ước mới, tất phải có “dân mới của Chúa”.

c. Bữa tiệc cánh chung

Nước Thiên Chúa được so sánh với một bữa tiệc (x. Mt 22:1-14ss; x. 8:11-12), như các ngôn sứ đã báo trước (x. Is 25:6). Như Ðức Giêsu đã sai hai môn đồ đi chuẩn bị cuộc khải hoàn tiến vào thành Jerusalem (x. Mc 11:1-5), thì cũng thế Ngài đã sai hai môn đồ đi sửa soạn phòng Tiệc ly (x. Mc 14:12-16): đó là những hành động nói lên phong thái của vị thiên sai.

Khách dự tiệc là nhóm Mười hai, tượng trưng vừa cho 12 chi tộc Israel vừa cho “số sót”, tức là mầm giống Israel mới: vương quyền thuộc về họ (x. Lc 12:32; 22:29). Giờ phút long trọng đã điểm (x. Ga 13:1ss): một giai đoạn lịch sử cứu độ chấm dứt, một giai đoạn mới bắt đầu. Ðức Giêsu triệu tập các tông đồ và ăn uống với họ, như sau này Ngài sẽ làm một khi Nước Chúa đã sung mãn đạt tới tình trạng quang vinh (x. Mc 14:25ss; Lc 22:30). Tức là trong bữa Tiệc ly, Ðức Giêsu ý thức Nước Chúa còn ở trong vị lai, nhưng đồng thời cũng đang được khánh tựu: yếu tố cốt lõi của Nước Thiên Chúa là được mật thiết ngồi vào cùng bàn dự tiệc với Người.

Cộng đoàn Kitô sơ khai quả đã hiểu như vậy: vâng theo ý muốn của Ðức Kitô, họ đã tụ họp để dự tiệc tạ ơn, và làm lại những cử chỉ của Ngài. Bữa ăn Tạ ơn (eukharistía) là tâm điểm của cộng đoàn; là trung tâm của thời gian cứu độ: họ hồi tưởng lại cuộc Chúa chịu chết (quá khứ), và loan báo Tin Mừng (hiện đại), cho tới khi Chúa lại đến (tương lai); là trung tâm không gian: các anh chị em tản mác nhiều nơi cùng tụ họp lại chung quanh bàn tiệc Mình Máu Chúa, và dù có gián cách về nơi chốn, địa vị, chủng tộc hay văn hóa, thì họ vẫn ăn cùng một tấm bánh uống cùng một chén rượu để trở nên cùng một thân thể (x. 1Cr 10:17). Nghĩa là trong bữa tiệc Tạ ơn, Giáo Hội kín múc ra được sức sống cho mình và ý thức được sứ mạng của mình.

Tóm lại: qua bữa tiệc ly, Ðức Giêsu đã khai mở một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu độ: giai đoạn thể hiện trong một cộng đoàn mới, với một nghi thức mới, với một giao ước mới... cộng đoàn mà sau này những người tham dự vào đã gọi là “Giáo Hội”. Nếu nhờ Hy lễ Tạ ơn, “Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng”,[48] thì chính qua bữa Tiệc ly, Ðức Giêsu đã đặt móng, đã sáng lập Giáo Hội của Ngài.

2. Giáo Hội sinh ra từ trên thập giá

Vatican II đã mượn lời thánh Augustin để khẳng định rằng: “Chính từ cạnh sườn Ðức Kitô yên nghỉ trên thập giá, đã phát sinh bí tích huyền diệu là Giáo Hội toàn thể”.[49] Ðó cũng chính là xác tín của Truyền thống Kitô, thường so sánh Giáo Hội với Eva, sinh ra từ cạnh sườn của Adam.[50] Ðức Kitô quả là Adam mới (x. 1Cr 15:45). Phụng vụ đã tóm kết ý tưởng này trong một bài thánh thi ngày lễ Thánh Tâm: “Ex corde scisso Ecclesia Christo jugata nascitur” (Từ trái tim rạn vỡ, Giáo Hội quả sinh ra, làm Hiền Thê Ðức Kitô).

Giáo Hội là một thực thể phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố. Trong cuộc đời công khai rao giảng, Ðức Giêsu đã đoàn họp những thành phần và thành tố cho xã hội mới này: đã có “dấu chỉ”, nhưng chưa có “ý nghĩa”, chưa có “nội dung” của bí tích, tức là ân sủng. Trên thập giá là chính lúc Ðức Kitô đem lại “ơn cứu độ” và hoàn tất công trình xây dựng thân thể của Ngài là Giáo Hội: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30). Trong Thông điệp Mystici corporis, Ðức Giáo Hoàng Piô XII, dạy rằng: “Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Ðức Kitô đã sáng lập, thánh hiến và vĩnh viễn xây dựng Giáo Hội”.

Ðó cũng là giáo thuyết đã được các Giáo phụ cả bên Ðông lẫn bên Tây đề xuất: bên Ðông phương thì có chẳng hạn như Clemente Alexandria,[51] Cyrillo Alexandria;[52] còn bên Tây phương, thì khi giải thích về việc lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa, thánh Ambrôsiô đã viết: “Giờ đây tòa nhà thiêng liêng được xây cất, giờ đây nó được thiết lập, được tạo dựng... giờ đây nó trở thành dòng tộc tư tế thánh thiện”.[53]

Các Giáo phụ thường so sánh Giáo Hội, “mẹ thật của các sinh linh”, với Eva, tức Giáo Hội là “Eva mới” phát sinh từ “Adam mới” (Ðức Kitô) yên nghỉ trên thập giá.[54] Ðó cũng là những gì đọc thấy trong Kinh Thánh: Thư Ephêsô 3:13-16 cho thấy là nhờ đổ máu ra trên thập giá, Ðức Kitô đã hòa giải và đã qui tụ mọi người thành một dân duy nhất (x. Gl 3:28). Sách Khải Huyền tán tụng Con Chiên vì “đã lấy máu đào mà chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi dân mọi nước,... và làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa chúng ta” (Kh 5:9); đó là “Hội Thánh mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài” (Cv 20:28). Dùng một dạng của phép ẩn dụ phụng vụ, thư Hipri cũng dạy cùng một giáo lý ấy: “Ngài đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Ngài vào chỉ một lần, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9:12).

Ðặc biệt, thánh Gioan chuyển đạt một cách sống động ý niệm và hình ảnh trên đây. Ðức Giêsu nói rằng khi được nâng lên cao (trên thập giá), Ngài sẽ kéo mọi người đến cùng Ngài (x. Ga 12:32); và tác giả cắt nghĩa là Thần Khí không thể lan tràn lai láng trước cuộc khổ nạn của Ðức Kitô (x. Ga 7:37-39). Dựa vào văn đoạn này, thánh truyền đã luôn luôn coi nước và máu vọt ra từ trái tim Ðức Giêsu trên thập giá là dấu ứng nghiệm Kinh Thánh, tức là nước chảy ra chan hòa ở bên hữu Ðền thờ cánh chung, theo thị kiến của Edekiel 47, hoặc là nước phun ra từ tảng đá ở sa mạc khi Moses đập vào với chiếc gậy thần kỳ (x. Xh 17:1-7). Nước và máu tượng trưng cho các bí tích Thánh Thể và Thánh tẩy là những bí tích nền tảng của Giáo Hội.[55] Các Giáo phụ còn dùng một ẩn dụ khác: lưỡi đòng đã mở cánh cửa của trái tim Ðức Giêsu, ngõ hầu Thần Khí lan tràn trên mọi nhục thể; Thần Khí làm cho Giáo Hội sống.[56]

Tắt một lời: trên thập giá, Ðức Giêsu làm trung gian để ký kết giao ước mới bằng máu của Ngài. Như vậy, Ngài đã thành lập Israel mới. Theo một dạng ẩn dụ khác: là “dư số trung thành” của dân cũ, Ðức Giêsu đã chết mục như hạt lúa giống (x. Ga 12:24), để sống lại biến thành dân mới. Trên thập giá, Ðức Giêsu là tiếng “có” tuyệt đối về những lời hứa của Thiên Chúa (x. 2Cr 1:19-20), và như vậy, nơi Ngài những hoài bão và niềm hy vọng của Cựu Ước được hoàn tất ứng nghiệm về dân mới, lề luật mới, giao ước mới, giao ước vĩnh cửu,v.v... nghĩa là thời gian cánh chung khai mào, và đó là thời gian của Giáo Hội.

3. Giáo Hội phát sinh từ biến cố sống lại

Thần học cũng coi ngày phục sinh như là ngày Giáo Hội hình thành.[57] Thật ra, Giáo Hội là thân thể của Ðức Kitô, của Ðức Kitô phục sinh. Khi làm cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại, Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Ngài và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh, là thân thể Ðức Kitô...” (Ep 1:19-23). Và dù Ngài là “trưởng tử mọi tạo vật”, nhưng Ngài là đầu của Hội Thánh với tính cách “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (x. Cl 1:1-20).

Khi Ðức Giêsu sống lại, Ngài đã hoàn tất chính mình, tức là trở nên Ðấng mà Thiên Chúa đã dự kiến từ đời đời; những tiềm năng của Ngài đã thành hiện thực: thái trạng tự hủy (kênosis) giờ đây đã chấm dứt, và Ngài đã chiếm hữu hết “mọi quyền bính dưới đất cũng như trên trời” (Mt 28:18). Chính Ngài đã trở nên “con người mới”, trở nên “thần khí ban sự sống” (1Cr 15:45), nghĩa là Ngài có thể đổi thay con người, tức là công chính hóa các tính hữu (x. Rm 4:25). Ðức Kitô phục sinh có thể sáp nhập mọi người vào trong Ngài, nghĩa là vừa cấu tạo Nhiệm thể vừa làm cho nó sống động, vì đã được làm cho “trở nên một tinh thần với Ngài” (1Cr 6:17). Nếu hết những ai “đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều trở nên một thân thể” (1Cr 12:13), thì cũng nên lưu ý là chính Ðức Kitô phục sinh đã ban phát Thần Khí ấy (x. Ga 20:22-23): một việc không thể xảy ra trước khi Ngài ra đi (x. Ga 16:7).

Ngày Ðức Giêsu chịu tử nạn, giai đoạn cuối trong kế hoạch cứu độ đã kết thúc: màn đền thờ bị xé ra làm đôi, tối tăm bao trùm bầu trời, đất rung chuyển, các mồ mả mở ra... (x. Mt 27:51t); đó là những biểu tượng chỉ về “tận thế”. Nhưng, ngày thứ nhất trong tuần, tạo vật mới lại nẩy sinh từ vực thẳm và Israel cánh chung xuất hiện, vương quyền Thiên Chúa được khai mở. Dưới một dạng biểu trình tinh tế, thánh Luca đã kể lại là: Ðức Giêsu báo Ngài sẽ “không uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến” (Lc 22:18), và Ngài đã thực hiện đúng lời Ngài đã nói (x. Lc 24:43; Cv 10:41). Còn thánh Gioan thì dùng hình bóng đền thờ cánh chung: người Do Thái phá hủy đền thờ ấy, nhưng ba ngày sau Ðức Giêsu đã xây dựng lại (x. Ga 2:19-22); đó là dấu hiệu cho thấy sấm ngôn của Edekiel 40-43 quả đã ứng nghiệm, nghĩa là nay là thời đại Thiên Chúa đã hứa và đã chuẩn bị suốt trong lịch sử cứu độ. Một ẩn dụ khác cũng đã được dùng đến: tảng đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá góc... ấy là Nước Thiên Chúa đã được ban cho dân khác... (x. Mt 21:42-43). Các dấu chứng hùng hồn như thế đã làm cho ngày Phục sinh được gọi là “dies natalis Ecclesiae”, ngày sinh nhật của Hội Thánh, Nhiệm thể Ðức Kitô.

V. HIỆN XUỐNG VÀ GIÁO HỘI HOÀN THÀNH

“Còn thiếu gì nữa?”. Như đã thấy, Ðức Giêsu đã đoàn họp nhóm tông đồ; đã lập một cộng đoàn cánh chung, đã khai mở Nước Chúa. Ấy là bao nhiêu yếu tố cấu thành Giáo Hội; nhưng mầu nhiệm Giáo Hội còn phong phú hơn nữa.

– (a) Giáo Hội vốn phổ quát, Công Giáo; mà cho đến đây, chỉ mới thấy Giáo Hội gồm có một nhóm người Do Thái không thôi.

– (b) Giáo Hội vốn mang bản chất truyền giáo;[58] mà đến đây, vẫn chưa thấy nhóm tông đồ đi giảng Tin Mừng cho dân ngoại, chưa thấy động lực siêu việt thúc đẩy họ ra đi truyền giáo.

– (c) Hiện nay Giáo Hội là một bộ tôn giáo tự lập khác với Do Thái giáo. Nhưng sinh thời, Ðức Giêsu và các môn đồ vẫn giữ Luật và sống đạo Do Thái; thế là vẫn còn thiếu một yếu tố cá biệt nào đó.

– (d) Giáo Hội là một xã hội có phẩm trật, có tổ chức pháp luật, có cơ cấu siêu nhiên,v.v... và có lẽ nhóm tín hữu Kitô sơ khai ấy có tiềm năng từng bước hình thành những yếu tố đó, nhưng trong thực tế trước mắt, chưa thấy có gì là cụ thể, là rõ ràng... Nhóm của họ tựa như là thể xác không linh hoạt, chưa có hồn.

Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Vatican II [59] dạy rằng ý định của Chúa Cha thành tựu trọn vẹn khi Thánh Thần đến; vì thế, sau biến cố Hiện xuống mới có thể nói được là “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’”.[60] Cũng vậy, khi Thần Khí được đổ tràn trên nhóm tông đồ, thì “Giáo Hội đã nhận lãnh sứ mạng rao truyền và thiết lập Nước của Ðức Kitô và của Thiên Chúa trong mọi dân tộc”.[61]

Ðể thấy được là chính Chúa Thánh Linh đã hoàn chỉnh Giáo Hội, thì nên chú ý đến những điểm sau đây:

1. Văn bản cơ bản là Cv 2:1-13

Hai chú cước: 1) Về các tiếng lạ; 2) Về danh sách các dân tộc.[62]

a. Các tiếng lạ

Khi Thần Khí xuống, mọi người trong cộng đoàn hiện diện đã “bắt đầu nói các thứ tiếng khác…” (Cv 2:4), khiến những người đến từ nhiều nước khác nhau, phải ngạc nhiên, vì mỗi người nghe các tông đồ nói tiếng quê mình. Ðó là hiện tượng “glossolalia” (nói tiếng lạ, nói huyên thuyên), như đã xảy ra trong nhiều cộng đoàn do thánh Phaolô thành lập (x. 1Cr 14), và như vẫn còn gặp thấy hiện nay.[63] Hiện tượng ấy cũng xảy ra khi Cornelio nghe Phêrô giảng (x. Cv 10:44-46), hoặc khi người Epheso chịu phép rửa (x. Cv 19:6).

Thánh Luca muốn rút tỉa một bài: như xưa, vì tội lỗi mà loài người không hiểu được ngôn ngữ của nhau và phải phân tán tách biệt nhau (x. St 11:1-9), thì nay, Thánh Thần đến thống nhất mọi loại trong cùng một ơn cứu độ duy nhất. Xưa, người Do Thái có câu truyện kể rằng: nguyên thủy, con người con vật đều nói cùng một thứ tiếng; nhưng vì tội muốn “chọc trời” với tháp Babel, Thiên Chúa đã phạt làm cho họ không còn hiểu nhau được nữa; tuy nhiên, vào thời Thiên sai nhân loại sẽ được nói chung cùng một tiếng.[64] Xin được lưu ý là niềm hy vọng ấy quả đã thành hiện thực, vì Thánh Thần đã hoạt động qua các tông đồ. Thánh Phêrô giải nghĩa như vậy (x. Cv 2:14-21).

Theo một cách giải thích khác, biến cố Hiện xuống lặp lại sự việc đã xảy ra tại Sinai, khi Thiên Chúa công bố Lề Luật. Theo một truyền thống Do Thái, Yahweh đã nói 70 thứ tiếng (tức mọi thứ tiếng nói trong thế giới) nhưng chỉ Israel mới nghe ra được thôi. Bây giờ ngôn ngữ Hy Lạp không còn gọi là “tiếng thánh” – tiếng nói lên Tin Mừng –vì mọi thứ tiếng đều đang nói lên Tin Mừng, và các tông đồ đã trở thành sứ giả phổ quát.

b. Danh sách các dân tộc

Cv 2:9-11 kể ra một danh sách các nước chung quanh, có nhiều người kiều cư Do Thái; chưa ai giải thích cho rõ ràng và chắc chắn được ý nghĩa của danh sách ấy. Nhưng ít là có thể thấy rõ được một điều: thánh Luca đã nhấn mạnh đến tính cách phổ quát, quốc tế của sứ điệp Kitô; đồng thời còn muốn nói lên sự việc Chúa Thánh Thần giới thiệu Giáo Hội với muôn dân, và biến đổi các tông đồ thành chứng nhân phổ quát.

2. Giáo Hội là cộng đoàn cánh chung

Bài giảng của Phêrô (x. Cv 2:14-36) đã làm cho nhiều người trở lại và đón nhận phép rửa, tức là gia nhập Giáo Hội. Sấm ngôn của tiên tri Giôen ứng nghiệm, bởi cộng đồng cánh chung đã xuất hiện; Luca nhấn mạnh: “hết những ai kêu cầu danh Ðức Chúa, sẽ được ơn cứu độ” (Cv 2:21), chứ không riêng gì người Do Thái, vì Thần Khí xuống “trên hết thảy người phàm” (Cv 2:17); thật ra, Thiên Chúa đã hứa ban ơn ấy “cho tất cả những người ở xa” (Cv 2:39), chứ không chỉ dành riêng cho những người ở gần như dân Do Thái mà thôi. Ðó là lời ám chỉ tới Is 57:19, như sau này Ep 2:13-18 sẽ có dịp giải thích. Như thế, có thể có được một định nghĩa mới về các tín hữu: họ là “hết thảy những ai kêu cầu danh Ðức Chúa” (Cv 2:21; x. 9:14.21; 22:16; 1Cr 1:2; 2Tm 2:22). Tuy nhiên, cần lưu ý là: đối với Giôen “Chúa”“Yahweh”, còn bây giờ là “Ðức Kitô”. Cuối cùng, đoạn trình thuật cho biết là đã có chừng ba ngàn người chịu phép rửa (x. Cv 2:41); nghĩa là Giáo Hội hữu hình, Giáo Hội của các bí tích đã thực sự khai thủ.

3. Chúa Thánh Thần kiện toàn Giáo Hội

Nhóm môn đồ của Ðức Giêsu đã trở thành một cộng đồng đặc thù: họ tin vào Ðức Kitô sống lại, có nghi thức đặc biệt là phép rửa và lễ nghi “bẻ bánh”; họ sống theo một cách thức riêng như đọc thấy qua các đoạn trình thuật trong sách Công Vụ Tông Ðồ (x. Cv 2:42-47; 4:32-35; 5:12-16). Các đoạn này cho biết về một số chi tiết: họ chân thành sống theo giáo huấn của các tông đồ: “giáo huấn” đây là “Didakhe” tức là giáo lý trình bày cho các tín hữu, chứ không phải “Kerygma” tức là sứ điệp căn bản; họ sống thông công, nghĩa là đồng ý để chung của cải; họ gặp nhau để bẻ bánh, tức là để dùng bữa chung trong đó có cử hành Lễ Tạ ơn; họ cầu nguyện cùng với nhau, hoặc là trong Ðền thờ (x. Cv 3:1) hoặc là tại nhà riêng (x. Cv 4:24-31).

Như thế là đã có thể thấy được những đặc nét của Giáo Hội: cộng đoàn do các tông đồ hướng dẫn; cộng đồng tương ái tương trợ. Các tín hữu là “anh chị em” của nhau và được gọi là “thánh” (x. Cv 9:13.32.41,...): “thánh” có nghĩa là “tách biệt”, “dành riêng” cho Chúa. Ðó là tước hiệu của dân Chúa, là hoa quả của Thánh Thần. Như thế, với Thánh Thần Giáo Hội là Hội Thánh, tựa như thân thể kết hợp với “linh hồn” vậy. Thánh Luca nêu bật sự hiệp nhất ấy, cũng do Thần Khí tác tạo nên. Trình thuật về Anania và Saphira (x. Cv 5:3-9) cho thấy tội phạm đến cộng đoàn là phạm đến Thánh Thần. Có lãnh nhận Thần Khí, thì Giáo Hội mới có được nguyên lý hoạt động (hằng tồn tại ở trong cộng đoàn: Ga 14:17), nghĩa là nguyên ủy các nhiệm vụ trong đời sống đối nội và đối ngoại, như thánh Phaolô đã trình bày (x. 1Cr 12:4-11).[65]

Tắt một lời: Thánh Thần biến đổi cộng đồng Do Thái [66] thành Giáo Hội, biến đổi các môn đồ thành tông đồ, biến đổi tín đồ Do Thái giáo thành tín hữu Kitô.

Quá trình biến đổi ấy phức tạp:

– Trước hết, Nhóm 12 được hồi phục; họ bầu Matthias thay thế Juda (x. Cv 1:15-26). Sự việc này cho thấy là Nhóm 12 đóng giữ một tầm trọng yếu đặc biệt ở trong cộng đoàn, và có thế chỉ là vì Ðức Giêsu đã muốn như vậy.

– Thứ hai: Nhóm 12 có trách nhiệm đối với đời sống cộng đoàn, nhưng lại muốn chia sẻ nhiệm vụ cho một nhóm khác; vì thế, cùng với cộng đoàn Nhóm 12 đã chọn bảy môn đồ làm thành nhóm Bảy, và các Tông đồ đã đặt tay trên họ (x. Cv 6:1-6).

– Thứ ba: cộng đoàn Kitô đã bắt đầu hình thành như một tôn phái “trong” Israel; tín hữu Kitô được coi là thuộc về một “đạo” (một lối sống trong Israel: Cv 9: 2; 19: 9.23; 22: 4; 24: 14), hay một phái (“phái Nazareth”: Cv 24: 5.14) chẳng hạn như phái Sadoc (x. Cv 5: 17), hoặc là biệt phái (x. Cv 15: 5); họ không muốn tách rời khỏi Israel.

Thánh Thần dùng những biến cố để làm cho cộng đoàn Kitô buổi đầu ý thức về các “đặc tính” của mình. Các môn đồ có văn hóa Hy Lạp (với tinh thần cởi mở hơn) đã không ngần ngại đón nhận những người tân tòng gốc dân ngoại đã theo Do Thái giáo, như Nicolas, chẳng hạn (x. Cv 6:5). Họ ý thức mình là Israel mới, bởi đã tin theo Ðấng Thiên sai thật (Stephano: Cv 7:52; Phaolô: Cv 9:23). Vì thế, khi bị dân Do Thái bách hại, họ mở tung biên giới đi ra ngoài lãnh thổ Israel: Philipphê rao giảng ở Samaria, là xứ dân lai giống và bị coi như lạc giáo (x. Cv 8:4ss), và ban phép rửa cho viên thái giám Êthiốp, tức không phải là người Do Thái (x. Cv 8:26tt); có người thì đi Damas (ngoại quốc) và đến tận cả Liban, đảo Síp và thành Antiokhia. Lúc đầu họ chỉ rao giảng cho người Do Thái kiều cư, nhưng sau đó cũng rao giảng lời Chúa cho cả lương dân; đã có nhiều người trở lại và tin vào Ðức Kitô (x. Cv 11:19). Bấy giờ, “Giáo Hội địa phương” tuyển chọn và chính thức phái gửi thừa sai đi đến các nước xa hơn (x. Cv 13:3).

Còn ở Jerusalem thì các tín hữu Kitô nghĩ sao? Thần Khí thúc đẩy Phêrô đi với dân ngoại và rửa tội cho viên sĩ quan Roma là Cornelio và các gia nhân (x. Cv 10); cộng đoàn bỡ ngỡ không hiểu (x. Cv 11). Dù sao thì họ cũng tưởng là phải buộc các người tân tòng ấy giữ Luật Do Thái, đặc biệt là việc cắt bì. Song, họ thấy Thánh Thần cũng hiện xuống trên dân ngoại, và chứng kiến sự việc dân ngoại được hưởng nhiều đặc sủng cùng sốt sắng sống “đạo Kitô”, đặc biệt là tại Antiokhia. Ðể giải quyết các vấn nạn gặp phải, “Công Đồng Jerusalem” đã được triệu tập (khoảng vào năm 49) và nhận định: các tín hữu (mà được gọi là “anh chị em”) gốc dân ngoại, không cần phải giữ Luật Moses (x. Cv 15). Trong thư Galata, thánh Phaolô đã đưa ra những kết luận thần học xác đáng về điểm này.

Tuy nhiên Giáo Hội Jerusalem vẫn còn giữ một tư thế ưu tiên nào đó, và vì vậy mà đã gây ra một vài trục trặc hiểu lầm cho các Giáo Hội không Do Thái (x. Gl 2:11-14). Bên ngoài xứ Palestin, thần học triển phát theo hướng phổ quát, và các Giáo Hội không giữ liên lạc với những người Do Thái địa phương nữa. Năm 64, khi hoàng đế Nero bách hại Giáo Hội, người Roma đã coi Kitô giáo là một tôn giáo “khác” với Do Thái giáo. Ở Jerusalem, Giáo Hội tiếp tục sống theo lối sống Do Thái; nhưng khi thành phố bị tàn phá (năm 70), cộng đồng phải di tản và rồi tan biến dần. Ðàng khác, vào cuối thế kỷ I, Do Thái giáo tuyệt thông các tín hữu Kitô. Trong xã hội, Giáo Hội Kitô đã có được thế đứng của một tôn giáo độc lập.

Ðể kết luận về quá trình sáng lập Giáo Hội, xin được ghi đây cách phân chia theo mười giai đoạn do Uỷ ban Thần học Quốc tế đã đề ra:[67]

– Những lời hứa trong Cựu Ước về dân Thiên Chúa; khi Ðức Giêsu rao giảng, Ngài hiểu là những lời hứa ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị cứu độ tiềm dung trong chúng.

– Ðức Giêsu kêu gọi mọi người trở lại và mời gọi họ tin vào Ngài.

– Ðức Giêsu kêu gọi và thành lập nhóm Mười hai như là dấu hiệu để hồi phục toàn thể Israel trong tương lai.

– Ðức Giêsu đặt cho Simon một tên mới là Pherô; ông có một chỗ đứng ưu tiên trong nhóm môn đồ, với một sứ mạng đặt thù.

– Dân Israel không chịu tiếp nhận Ðức Giêsu, và dứt hẳn quan hệ với các môn đồ.

– Nếu, dù thiết lập hy lễ qua bữa Tiệc ly và phải chịu khổ nạn và chịu chết, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục tuyên giảng là mình có tối thượng quyền của Thiên Chúa, thì chính là vì Ngài ban sự sống cho tất cả.

– Nhờ Chúa sống lại, cộng đoàn từng bị phân rẽ – do sự việc phân cách giữa Chúa Giêsu và các môn đồ – đã được xây lại và, sau biến cố Phục sinh, đã được dẫn vào một đời sống đích thực giáo hội.

– Thánh thần được phái gửi xuống và Ngài làm Giáo Hội thành “một tạo vật của Thiên Chúa” (xin xem cảm nghĩ của thánh Luca về lễ Ngũ Tuần).

– Truyền giáo cho lương dân, và Giáo Hội của các dân ngoại.

– Ðoạn tuyệt tận rễ giữa “Israel thật” và Do Thái giáo.

Tựu trung: giáo hội bởi toàn thể biến cố Ðức Kitô mọc lên. Trong lịch sử, những cơ cấu đặc thù sẽ xuất hiện ngày càng cụ thể hơn, do ảnh hưởng của tình trạng văn hóa và nhờ ơn phụ trợ của Thần khí Ðức Kitô.

 

 

 


[1] Xem: R. Mehl, “Ecclésiologie et sociologie”, Revue Théologique de Louvain 3 (1972) 385-401.

[2] Aelred Gody, OSB., “The Foundation of the Church: Biblical Criticism for Ecumenical Discussion”, Theological Studies 34 (1973) 3-18. H.C. Kee, The Origins of Christianity: Sources and Documents, Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall 1973; F.G. Downing, The Church and Jesus: A Study in History, Philosophy and Theology, 1968; H. Cazelles, Naissamce de l’Eùglise, secte juive rejetée?, Paris 1983; S. Brown, The Origins of Christianity, Oxford 1984.

[3] Về ý niệm này xin xem: S. Pié-Ninot, trong R. Latourelle và R. Fisichella, Dictionary of Fundamental Theology, N.Y.: Crossroad 1994, trg. 148-149.

[4] Xem văn kiện của Uỷ ban Thần học Quốc tế đăng trong Gregorianum 67 (1986) 413-428; Fitzmyer J.A., “Tân Ước và Kitô học. Các vấn đề hiện nay”, Hợp Tuyển Thần Học, số 2 (1991) pp. 3-66; Giuse Vũ Xuân Huyên, “Lý lịch Ðức Giêsu Kitô”, Hợp Tuyển Thần Học, số 6 (1993) pp. 5-53.

[5] A. Feuillet, “Le plan salvifique de Dieu dans l’épỵtre aux Romains”, Rev. Bible 57 (1950) pp. 336-387; 489-529; C. Vagaggini, “Storia della salvezza” trong Nuovo Diz. Teol. Roma 1979, pp. 1559-1583.

[6] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 2.

[7]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9a; Hiến chế Gaudium et Spes, số 32a; Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.

[8] A. Feuillet, “Les grandes étapes de la fondation de l’Église”, Science Ecclés 11 (1957) 5-12, trg 6; xem thêm: D.M. Stanley, “From Kingdom to Church: The Structural Development of Apostolic Christianity in the New Testament”, Theological Studies 16 (1958) 1-29.

[9] Công Đồng Vatican I, x. DS 3050.

[10] Xem: AAS 37 (1945) 256-262.

[11] Leo Magnus, Sermo 26.2; PL 54.203.

[12] Tertullianus, “Somnus Adae mors erat Christi dormituri in mortem, ut de injuria perinde lateris eius vera mater viventium figuraretur Ecclesia” (PL 2.723); th. Augustino: “De illo latere effecta est Eva, quae nos peccando mortificavit; de isto autem latere facta est Ecclesia, quae nos pariendo vivificaret”, Sermo 336.5 (PL 38.1475).

[13] Cullmann, O., St. Pierre, disciple, apôtre, martyr, Paris 1952, trg. 154.

[14] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 5.

[15] W. Pannenberg, Theology of the Kingdom, Philadelphia, 1985; G.R. Beasley-Murray, Jesus and the Kingdom of God, The Paternoster Press, 1986; W. Willis, The Kingdom of God in 20th Century Interpretation, Peabody, MS, 1987; J. Fuellenbach, The Kindom of God: The Heart of Jesus’ Message for Us Today, Manila, 1989.

[16] Xem: J. Schmitt, “Prédication apostolique” in DBS viii, 1968, pp. 246-273.

[17] Xem mục “Euaggelizomai” trong Theol.Wort.Neu.Test. II, 707; H.L. Strack – P. Billerbeck, Kommentar zum N.T. III, trg. 8-9; J. Bonsirven, Le règne de Dieu, Paris 1957.

[18]x. TWNT, I, tr. 568.

[19] Xem: B. Rigaux, Témoignage de l’Évangile de Matthieu, DDB 1967, trg. 179-190; B. Chilton, The Kingdom of God in the Teaching of Jesus, Philadelphia: Fortress 1984; M.H. Crosby, House of Disciples, Church, Economics, and Justice in Matthew, NY: Orbis Books 1988.

[20] Origéne († 254) gọi Ðức Kitô là “autobasileía” (hiện thân vương quốc): In Mt. tract. 14, PG 13.1197; Tertullianus († 225) viết: “initiatio Evangelii in quo est regnum Dei Christus ipse”, Adv. Marc. 4.33, PL 2.441.

[21] Xin xem: L. Cerfaux, L’Église suivant saint Paul, Paris: Cerf 1965, ch 17: “Du règne à l’Église”; G.R. Beasley-Murray, Jesus and the Kingdom of God, Exeter: Paternoster Press 1986; G.B. Mondin, La chiesa primizia del Regno; J. Dupuis, “The Church, the Reign of God, and the ‘Others’”, FABC Papers No. 67 (1993).

[22]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 3.

[23] Sách điển hình về đề tài này là Leuba, Jean-Louis, L’institution et l’évènement, Neuchâtel-Paris 1950.

[24] “Jésus annoncait le Royaume et c’est l’Église qui est venue”, trong L’Évangile et l’Église, 1904, 155.

[25]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 8.

[26] Xem N. Lohfink, The Covenant Never Revoked, New York: Paulist Press 1991; Commission for Religious Relations with Judaism, “Notes for a Correct Presentation of Jews and Judaism in the Preaching and Catechesis of the Catholic Church”, (24 tháng 6, 1985) đăng tại Origins 15 (1985-6), pp. 102-107.

[27] Lc 10:1: số 72 hoặc 70 theo bản văn khác có lẽ là số tượng trưng.

[28] Xem Médebielle, A., “Apostolat” trong Dict.Bibl.Supplem. 1, 533-588.

[29] Xem Ammassari, A., I Dodici. Note esegetiche sulla vocazione dei Dodici, Città Nuova, Roma 1982; Guillet, J., Entre Jésus et l’Eùglise, Paris 1985.

[30] Dupont, Jacques, trong L’Orient Chrétien, 1956, trg. 443.

[31] Xem Benoit, P., “La mort de Judas”, trong Exégèse et théologie, I, Paris: Cerf 1961, trg. 340-359; về tên Juda có cuộc tranh luận bây giờ: xem Wagner, H. (ed.), Judas Iskariot: Menschliches oder Heilgeschichliches Drama?, Frankfurt 1985; Klassen, W., Judas: Betrayer or Friend of Jesus?, SCM Press 1996.

[32] Những thành ngữ tương tự có trong Cv 2:36; Dt 3:2.

[33] Xin xem Dupont, J. “Le nom d’apôtre a-t-il été donné aux douze par Jésus?” trong L’Orient Chrétien, 1956, I; Cerfaux, L., “Pour l’histoire du mot apostolos dans le Nouveau Testament”, Rech.Sc.Rel. 48 (1960) 76-92.

[34] Xem Rengstorf, K.H., apóstolos trong ThWNT, I, 406-440.

[35] De Vaux, R., “Le Reste d’Israel d’après les prophètes”, Rev.Bibl. (1933) 539; Refoulé, F., Et ainsi tout Isrặl sera sauvé (Romains 11,25-32), Paris 1984.

[36] Thành ngữ “Con Người” có 83 lần trong Phúc âm, và luôn luôn trong miệng Ðức Giêsu; vì thế khóa chú giải coi đó là lời chính Ðức Giêsu đã dùng để tự xưng mình. Xem Coppens, J., Le Fils de l’homme vétero-intratestamentaire, Louvain 1983; Lindars, B., Jesus Son of Man, London 1983.

[37] “Tôi tớ Giavê” được giới thiệu trong những “bài hát của Tôi tớ” trong Is 42:1-9; 49:1-7; 50:4-9; 52:13-53:12

[38] Xem Schnackenburg, R., God’s Rule and Kingdom (1963), 195-214.

[39] Xem Mt 10:23: Dupont, J., “Vous n’aurez pas achevé les villes d’Israel avant que le Fils de l’Homme ne vienne” trong Nov.Test. II (1957-8) 228-244; Feuillet, A., “Les origines et la signification de Mt 10,23b. Contribution à l’étude du problème eschatologique” trong Cath.Bibl.Quart. 23 (1961) 182-198.

[40] Plevnik, J., Paul and the Parousia, Peabody: Hendrickson, 1997.

[41] Xem Jeremias, J., Jérusalem au temps de Jésus, Paris: Cerf 1967, ch.V-X.

[42]x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2;10.

[43] Xem Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 766.

[44] Feuillet, A., Les grandes étapes de la fondation de l’Église... tr. 14.

[45] Coppens, J., L’Eucharistie, sacrement et sacrifice de la nouvelle Alliance, fondement de l’Église, DDB 1965, 156-157.

[46] Bản văn này đã ảnh hưởng nhiều trên các tác giả của Tân Ước; xem Rm 11:27; 1Cr 11:25; 2Cr 3:6; Dt 8:8-13; 9:15; 1Ga 5:20.

[47] Léon-Dufour, Xavier, Les Évangiles et l’histoire de Jésus, Paris: Cerf 1963, trg 437.

[48] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (về Hiệp Nhất), số 15a.

[49]Công Đồng Catican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (về Phụng Vụ), số 5b.

[50] Denzinger-Schommetzer, Enchiridion, 901; xem: Công Đồng Catican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (về Phụng Vụ), số 5 cuối.

[51] Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), số 8, pp. 300-301.

[52]Ibid., số 71, pp. 928.

[53] Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), số 15, pp. 1585. Muốn biết thêm, xin xem Tromp, S., “De nativitate Ecclesiae ex corde Jesu in Cruce”, Gregorianum 13 (1932), pp. 489-527.

[54] Xem Tertullianus, PL 2.723; Ambrosiô, PL 15.1585; Augustino â, PL 36.461; 38.1475; Hiêrônimô, PL 26.509, v.v…

[55] Xem Heer, J., Der Durchbohrte, Roma 1966; Rahner, K., “Flumina de ventre Christi”, Biblica 66 (1941) 269-302, 367-403; Cullmann, O., Les sacrements dans l’évangile johannique, Paris 1951.

[56] Về Thần khí xem Iréne, Ad.Haer. 5.1.1., PG 7.1121; tác phẩm vô danh ở PL 4.916; Zênô, ở PL 11.252; Cêsariô, PL 39.1850, vv.

[57] Xem Durrwell, F.X., La Résurrection de Jésus, mystère de salut, (8e éd.), Le Puy 1965, ch.5

[58]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.

[59]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 4-5.

[60]Ibid., số 4b.

[61]Ibid., số 5b.

[62] Xin xem Cerfaux, L., “La composition de la première partie du livre des Actes”, Ephem.Théol.Lovan. 13 (1936) 667-691; idem. “Le symbolisme attaché au miracle des langues”, ibid. trg. 256-259.

[63] Xem Mills, W.E., Speaking in Tongues: A Guide to Research on Glossolalia, Grand Rapids: Eedermans, 1986; xem cuốn Charismes dans l’Église et le monde, Paris: Mediaspaul 1994; Hébrard, M., Les charismatiques, Paris: Cerf 1991.

[64] Xem, Philo Alexandria, De confusione linguarum, 3; Testam. duodecim Patriarcharum: Juda 28.3.

[65] Xem Congar, Y., “Le Saint-Esprit et le Corps apostolique, réalisateurs de l’oeuvre du Christ”, trong Esquisse du Mystère de l’Église, Paris: Cerf 1953, trg. 129-179.

[66] Cộng đồng 120 người (Cv 1:16) là số cần thiết để làm một “hội đường” (synagogue), nghĩa là một hội giáo dân Do thái, tương tự như “hội đường những người được giải phóng” (Cv 6:9).

[67] Commission Théologique International, “Thèmes choisis d’ecclésiologie”, trong Doc. Cathol. 83 (1986) 57-73, trg. 59