Tuesday, 14 January 2020 04:08

Nguồn Gốc Giáo Hội: Chiều Kích Ba Ngôi Của Giáo Hội Featured

GIÁO HỘI HỌC - ECCLESIOLOGY

(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)

Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.

***

***

DẪN NHẬP: GIÁO HỘI HỌC LÀ GÌ?

***

PHẦN I

NGUỒN GỐC GIÁO HỘI

***

CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)

CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI

 

“Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được đoàn tụ nhờ mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[1]

Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự; vậy, Người cũng là căn rễ, là nền tảng của Giáo Hội. Hơn nữa, mạc khải đã cho thấy rõ chỗ đứng độc đáo của Giáo Hội trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, ngay ở chương đầu của Hiến Chế về Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đã xác định là Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ khôn ngoan của Chúa Con, và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội cũng là nơi kế hoạch của Thiên Chúa diễn tiến, là nơi hội tụ sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần.

I. GIÁO HỘI: CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA CHA

Thần học quy gán cho Ngôi Cha công cuộc tạo dựng và sáng kiến nâng con người lên bình diện siêu nhiên. Và bởi có thiên tính như là tự nguồn, nên Ngài là nguồn gốc đầu hết của mọi sự trong thế giới tự nhiên cũng như trong lãnh vực siêu nhiên, “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3:15). Suy về Giáo Hội, điểm mà các Giáo phụ bàn đến trước nhất là tính chất “tiền định”.

“Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, ‘là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo’ (Cl 1:15). Thực vậy, từ muôn thuở, Chúa Cha đã biết trước tất cả mọi người được tuyển chọn, ‘và tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc’ (Rm 8:29). Thế nên, Chúa Cha muốn quy tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ hoàn tất trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các thánh Giáo phụ, mọi người công chính từ Adam, ‘từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng’ sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha”.[2]

Giáo Hội ở đây là toàn thể những người được chọn. Các chiều kích của Giáo Hội bao gồm trọn hết mọi chiều kích của lịch sử nhân loại; Giáo Hội là đích điểm của lịch sử, như “Pastor” của Herma đã nhận định: “Thế giới có được tạo dựng thì chính là nhằm dành để cho Giáo Hội”.[3] Các Giáo phụ quan niệm rằng Giáo Hội có trước cuộc tạo dựng, vì đã hiện hữu (nơi Thiên Chúa) ngay cả trước khi có người tín hữu đầu tiên, và chính “trong” cũng như “qua” ơn gọi của Giáo Hội mà tất cả mọi tín hữu được kêu mời. “Hỡi anh em, nếu biết hoàn tất ý định của Thiên Chúa Cha, thì chúng ta sẽ thuộc về Giáo Hội đầu tiên, là Giáo Hội thiêng liêng, được tạo nên trước mặt trời và mặt trăng... Nhưng tôi không nghĩ anh em lại không biết rằng Giáo Hội sống động là thân thể Ðức Kitô, bởi Kinh Thánh nói rằng ‘Thiên Chúa tạo dựng họ có nam có nữ,’ người nam chính là Ðức Kitô, còn người nữ là Giáo Hội...”.[4] Origen rất thích ý tưởng này. Trưng dẫn Ep 1,45, nhà học giả trường phái Alexandria đã giải thích rằng: “Anh em đừng nghĩ rằng Giáo Hội được gọi như thế từ khi thế gian được tạo dựng nên; nếu theo sự hướng dẫn của thánh Phaolô, tôi có thể tìm ra nguồn gốc của con người lớn lao này, thì phải nói là: không phải là từ khi, mà ngay cả trước khi tạo thành thế gian... ‘bởi vì Ðức Kitô yêu thương Giáo Hội’... Làm sao Ngài đã có thể yêu thương Giáo Hội, nếu Giáo Hội không hiện hữu? Vậy, nếu Ngài đã yêu thương Giáo Hội, thì chính là vì Giáo Hội đã có; Giáo Hội hiện diện nơi tất cả các thánh đã sống từ khởi thủy thời gian”.[5] Các Giáo phụ thường nhắc tới ý tưởng này cùng với từ ngữ “Ecclesia ab Abel”; Công Đồng Vatican II cũng đã gợi lại mẫu suy tư ấy. Toàn bộ Cựu Ước là giai đoạn chuẩn bị; các lời tiên tri làm như dệt nên thời tiền sử của Giáo Hội. “Những người được cứu thoát trong tàu (Noah) tượng trưng cho mầu nhiệm Giáo Hội vị lai, phải lênh đênh giữa phong ba thế trần và đã được cứu cho khỏi ụp chìm nhờ gỗ cây thập giá”.[6] Như ân sủng của Ðấng Cứu Ðộ đã công chính hóa Adam thế nào khi ông biết ăn năn, thì cũng thế, Giáo Hội đã thực sự tác động tựa như vậy ngay trong thời Cựu Ước. “Chúng ta, tất cả những người đang hiện diện nơi đây và mọi người trong khắp trái đất, chúng ta đều là chi thể của Ðức Kitô và là thân thể của Ngài. Không phải chỉ những người đương thời với chúng ta mà thôi, nhưng – phải nói sao? – kể từ Abel người công chính cho đến tận cùng mọi thế hệ... hết tất cả những ai sống cuộc đời công chính... đều làm thành thân thể duy nhất của Ðức Kitô. Giáo Hội đang trên đường lữ thứ trần gian, được kết hiệp với Giáo Hội trên trời là chốn cư ngụ của các thiên thần, những kẻ đồng hương với chúng ta,... để từng bước xây dựng Giáo Hội duy nhất, thành đô của Ðức Vua cao cả”.[7] Công Đồng Vatican II cũng đã gợi lên lại viễn cảnh ấy:

“Thật vậy, Giáo Hội Chúa Kitô nhận thức rằng khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các tổ phụ, Moses và các Ngôn sứ, như mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa an bài. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi Kitô hữu, con cái của Abraham theo đức tin, đều được bao hàm ở trong ơn gọi của vị tổ phụ này; và rằng ơn cứu độ của Giáo Hội đã được ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển ra khỏi đất nô lệ. Vì thế, Giáo Hội không thể quên được rằng, nhờ dân đó, dân đã được Chúa đoái thương ký giao ước xưa do lòng nhân hậu khôn tả của Người, nên Giáo Hội mới nhận được mạc khải cựu ước và được nuôi dưỡng bằng rễ cây Ôliu tốt tươi, mà những cành ôliu dại là các chư dân, đã được tháp nhập vào. Vì Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta, đã dùng thập giá mà giao hòa dân Do thái và chư dân, cùng đã làm cho cả hai nên một trong Ngài”.[8]

Trước khi Ðức Kitô đến, thì Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị sẵn Giáo Hội của Người: Người đã hình dung trước dáng bộcủa Giáo Hội qua giao ước Moses (Giáo Hội sẽ là “giao ước mới”), cũng như qua những thành tố mang tính chất cứu độ trong các thể chế của Israel. Ý định đời đời của Người được chứng thực qua tiến trình của lịch sử, một lịch sử đầy dẫy những tình cờ và thất bại. “Ý định” vĩnh cửu của Chúa Cha, những gì Người tiền định, đều được cụ thể hóa trong thời gian qua “lời mời gọi” nhân lành của Người, và qua đó, Người triệu tập Giáo Hội (“Ekklesia”, có nghĩa là triệu tập).

II. SỨ MẠNG CỦA CHÚA CON VÀ GIÁO HỘI

Sáng kiến của Chúa Cha trở thành hiện thực khi Giáo Hội “được Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, thiết lập trong thời gian”.[9] Con Thiên Chúa được mạc khải qua nhiều danh hiệu, nhưng danh hiệu đã nhằm nói lên đặc tính của Ngài trong lịch sử cứu độ là danh hiệu “Ðấng được sai phái” hay là “Ðấng Thiên Sai”, tức là người được trao cho sứ mạng thừa hành ý của Chúa Cha. Vatican II dạy: “Chúa Con được sai đến do Chúa Cha, Ðấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Ngài trước khi tạo dựng vũ trụ và tiền định chúng ta làm dưỡng tử, vì Người muốn cải tạo tất cả trong Chúa Con (x. Ep 1:4-5.10). Bởi thế, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên Nước Trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài và thực hiện việc cứu thế bằng sự vâng phục Chúa Cha. Ðã hiện diện cách mầu nhiệm, Giáo Hội hoặc Nước Chúa Kitô đang nhờ thần lực của Thiên Chúa mà tăng triển một cách rõ rệt ở trong thế gian. Sự kiện khai nguyên và đà tiến phát đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. Ga 19: 34), và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Ngài trên thập giá: ‘Còn Ta, một khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta’ (Ga 12:32, bản Hy lạp). Cứ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, trong đó ‘Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế’ (1Cr 5:7), là công trình cứu chuộc chúng ta lại diễn ra đầy sức năng tác động. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện mối hiệp nhất các tín hữu là những kẻ hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cr 10:17). Mọi người đều được mời gọi kết hiệp với Chúa Kitô như vậy. Ngài là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Ngài, sống nhờ Ngài và hướng về Ngài”.[10]

Văn bản trưng dẫn trên đây nhấn mạnh đến vai trò và thái độ tùy phục của Ngôi Lời nhập thể đối với ý muốn của Chúa Cha; điều đó hiện rõ qua cách dùng từ, như: “được sai”... “hoàn tất ý muốn của Người”... “vâng phục”... Ðàng khác, văn bản còn xác định rõ thêm rằng: tiêu đích tình yêu Chúa Cha nhắm tới, là “nhận chúng ta làm nghĩa tử trong CON của Người”. Còn Giáo Hội thì lại tùy phục Ðức Kitô như là đối với nguồn gốc của mình; đó là xét về mặt hiện hữu riêng biệt; nhưng nếu xét về đà tăng trưởng thì “Giáo Hội là mầu nhiệm của Ngài”,“vương quốc của Ngài”,“thân thể của Ngài”, và là sự “hiện diện của Ngài ở giữa loài người”. “Giáo Hội sinh ra từ thập giá của Ngài”,“sống nhờ máu của Ngài”. Các tín hữu “được quy tụ” chung quanh “bàn thờ của Ngài” (đó là điều thiết yếu đối với việc cấu thành Giáo Hội); nói cách khác, họ là cộng đoàn “những người cùng-chịu-đóng-đinh với Ngài”.

Giáo Hội tựa như một cây đèn tỏa chiếu “ánh sáng muôn dân”, ánh sáng ấy chính là Ðức Kitô. Và Giáo Hội chính là môi trường trong đó Ðấng Trung Gian độc nhất thực thi sứ mạng và chức vụ làm môi giới của mình. Từ muôn thuở, Ngài “đã sáng soi mọi người đến trong thế gian” (Ga 1:9), và bây giờ Ngài kêu mời họ kết hợp với Ngài ở trong Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Ngài ở giữa lòng lịch sử. Như thế sứ mạng của Giáo Hội là dẫn đưa mọi người đến với Ðức Kitô, bởi vì “Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước mong của lịch sử và văn minh, là tâm điểm của nhân loại, là niềm vui của mọi tâm hồn, và là niềm sung mãn của mọi khát vọng loài người hằng ấp ủ”.[11]

III. CHÚA THÁNH THẦN VÀ GIÁO HỘI

Cũng như trong đời sống nội tại của Thiên Chúa, niềm viên mãn của tử hệ hàm chứa hành động “nhiệm suy” (Spiratio) Ngôi Ba, thì cũng thế, sứ mạng của Chúa Con được hoàn thành với trong sức năng của Thần Khí. Nếu Chúa Cha muốn thông ban cho loài người sự sống của Người, tất Người phải phái gửi Thần Khí – Ðấng tự bản chất là Tình yêu, là dây liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con – đến để ban cho. Chính Thần Khí làm cho mọi người nên giống Chúa Con, bằng cách làm cho họ trở thành “dưỡng tử” của Chúa Cha, khiến họ có thể gọi Chúa Cha bằng danh hiệu “Abba”,như Ðức Kitô đã gọi (x. Rm 8:14-17). Ðàng khác, là thân thể của Ðức Kitô, cộng đoàn con cái Thiên Chúa cũng là đền thờ Thần Khí ngự (x. 1Cr 13:16; 6:19). Gác qua một bên những vấn đề tranh luận giữa các nhà thần học, về việc phân biệt giữa những gì là “biệt hữu” (proprium) và những gì chỉ là “biệt ứng” (appropriatio) trong mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa, và dùng ngôn ngữ Kinh Thánh, Công Đồng Vatican II đã phát biểu như sau:

“Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17:4), Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo Hội duy nhất (x. Ep 2:18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x. Ga 4:14; 7:38-39); nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8:10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cr 3:16; 6:19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gl 4:6; Rm 8:15-16.26). Ngài thông đạt cho Giáo Hội toàn thể chân lý toàn vẹn (x. Ga 16:13). Ngài thống nhất Giáo Hội trong mối hiệp thông và trong công tác phục vụ. Ngài trang bị và dẫn dắt Giáo Hội bằng những ân huệ phẩm trật và đoàn sủng khác nhau, trang điểm Giáo Hội với những hoa quả của Ngài (x. Ep 4:11-12; 1Cr 12:4; Gl 5:22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài làm cho tươi trẻ, không ngừng canh tân và đưa dẫn Giáo Hội đến chỗ kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Xin hãy đến’ (x. Kh 22:17). Như vậy, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được đoàn hợp do mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’”.[12]

Học thuyết về Chúa Thánh Thần hiện rõ rất phong phú trong các văn kiện của Công Đồng. Nhưng ở đây, Vatican II chỉ miêu trình theo một dạng tổng hợp:

1/. Trước hết, Thần Khí là Ðấng được cả Chúa Cha (Ga 14:16.26) lẫn Chúa Con (Ga 15:26) phái gửi đến.

Thần khí cư ngụ trọn vẹn nơi Ðức Kitô và hướng dẫn Ngài trên đường thực thi sứ mạng (x. Lc 1:35; 3:22; 4:18; Dt 9:14). Thiết yếu là Ngài phải đến, chẳng thế mà Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ: tốt hơn là Thầy ra đi, bởi có thế Thần Khí mới được phái gửi đến (Ga 16:7). Và vì cần tiến hành đúng theo trình tự Ba Ngôi Thiên Chúa đã an bài, nên sứ mạng của Thánh Linh chỉ bước vào hiện thực một khi công cuộc của Ngôi Con đã đạt đến hồi kết thúc (Ga 7:39).

2/. Tiêu đích sứ mạng Thánh Linh nhằm tới là biến đổi nhóm môn đồ của Ðức Giêsu trở thành Giáo Hội.

Hiệu quả phát sinh từ biến cố lễ Ngũ Tuần quả là do cùng một nguyên nhân duy nhất, tức là Ba Ngôi Thiên Chúa; nhưng hiện tượng lạ của các lưỡi lửa và gió mạnh là dấu hiệu điển hình nói lên một sứ mạng hữu hình thuộc riêng hay “biệt hữu” của Ngôi Ba. Sứ mạng này mang tính chất xã hội: Thần Khí được phái gửi đến cho Giáo Hội. Ngài giới thiệu cho thế giới thấy Giáo Hội vừa duy nhất mà vừa phổ quát, tức là Công Giáo. Ðó là hai đặc điểm căn bản của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần thánh hóa cộng đoàn, kết hợp các phần tử với nhau (giải hòa họ) và với Ðầu của họ là Ðức Kitô; qua đó, Ngài mở rộng con đường đến với Chúa Cha. Dù vẫn còn ở trong tình trạng tạm thời, nhưng ý định của Chúa Cha cũng đã đạt được mục đích tối hậu, dưới dạng thức của lời hứa hoặc lời cam kết (về phía Thiên Chúa), và dưới dạng thức của niềm hy vọng (về phía Giáo Hội), như thánh Phaolô đã nhận định (2Cr 1:22; Ep 1:14; Rm 8:20.24).

Không nên thêu dệt quá mức về mối kết liên giữa Thánh Thần với Giáo Hội hay là với các tín hữu;[13] Tuy nhiên cũng phải nhận rằng mối kết hiệp ấy có thực. Trong Công Đồng Vatican I, hồng y Henry E. Manning đã đề nghị xác nhận công thức sau đây là định tín: “Giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội có một mối dây liên hệ cá vị, tương tự như dây liên hệ trong sự kiện nhập thể (ngoại trừ thực thể ngôi hiệp), từ đó phát sinh ra những phẩm tính và đặc điểm mãi mãi gắn liền một cách nội tại với Giáo Hội”;[14] nhưng Công Đồng đã từ chối mệnh đề này. Vatican II lại dạy rằng Giáo Hội là khí cụ của ân sủng – bí tích – Thần Khí dùng để thực hiện việc cứu độ theo một phương cách chắc chắn, cho dù mỗi người có thể từ chối hay bác bỏ ơn cứu độ ấy.

Chúa Thánh Thần là nguyên lý tác động trong mọi hành vi cứu độ. Ảnh hưởng của Ngài nằm ở chỗ thôi thúc, thu hút thế gian về với Chúa Con và Chúa Cha; nói khác đi, Ngài là “linh hồn” của lời cầu cũng như của mọi hoạt động tông đồ trong Giáo Hội. Ngài kiến tạo động lực đẩy mạnh bước tiến hướng tới chân lý viên mãn (Ga 16:13), bởi Ngài là “Thần Khí của chân lý” (Ga 14: 16-17). Và vì chân lý là Ðức Kitô (x. Ga 14:6), cho nên Thần Khí làm chứng về Ðức Giêsu (x. Ga 15:26-27), cũng như làm cho Ngài hiện diện giữa các môn đồ (x. Ga 14:25-26).

Ngài là nguyên lý tạo thành hiệp nhất. Trong Giáo Hội, Ngài là mối dây liên kết đầy sức sống ràng buộc các chi thể của thân mình Ðức Kitô. Qua các bí tích, sức sống này được thông ban cho các tín hữu. Ðàng khác, Ngài ban đặc sủng thích ứng để thi hành các thừa tác vụ khiến cho công việc phục vụ của Giáo Hội, dẫu thiên hình vạn trạng, vẫn thực sự là một (x. 1Cr 12). Xét cho cùng, phẩm trật chỉ là “một thừa tác vụ”, bởi vì duy chỉ có một bí tích truyền chức thánh, và phẩm trật là dấu chỉ mà cũng là dụng cụ xây dựng cùng bảo toàn sự hợp nhất của cộng đoàn.

Thần Khí thúc đẩy Giáo Hội hoạt động truyền giáo. Vatican II đã giải thích về điểm này ở trong Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội và trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội;[15] có thể nói tắt là: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ðức Kitô để hoàn tất trọn vẹn ý định của Thiên Chúa...”. Sứ mạng này của Giáo Hội hàm chỉ về hai sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: “Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (Ga 20:21); nhưng để được thế, thì “các con phải nhận lấy quyền lực của Thần khí” (Cv 1:8). Sứ mạng Giáo Hội phát xuất từ sứ mạng của Ngôi Lời, tựa như sứ mạng trần thế của Ngôi Con là hình ảnh thụ tạo biểu thị thực trạng nhiệm sinh vĩnh cửu Ngài ở trong sự sống nội tại của Thiên Chúa. Chúa Cha sinh ra Chúa Con ở ngay trong lòng của mình, “nhưng khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh bởi một người nữ” (Gl 4:4). Một cách tương tự, Ðức Giêsu cũng đã nói về các môn đệ: “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, thì Con cũng sai họ đến với thế gian” (Ga 17:18). Nhưng, khi sứ mạng của Ngôi Lời đạt tới hồi chung tất với cuộc Thánh Thần hiện xuống,[16] thì đó chính là lúc sứ mạng của Giáo Hội bắt đầu. Thần Khí làm chứng cho Ðức Kitô, nghĩa là “linh ứng” cho các tông đồ làm chứng về Ngài (x. Cv 1:8). Thần Khí ban cho các môn đệ can đảm khi phải làm chứng trước mặt thế gian (x. Cv 2:4; 4:8.31), trước các tòa án (x. Cv 5:32). Thần Khí soi sáng, hướng dẫn các thủ lãnh của Giáo Hội cho biết cách cai quản, dạy dỗ, hay tuyển chọn thêm những thủ lãnh mới cần cho việc điều hành cuộc sống và thực thi sứ mạng đã lãnh nhận (x. Cv 1:15tt; 6:1tt; 13:2),.v.v... Và các thủ lãnh này lại nhận được đặc sủng của Thần Khí để có đủ năng quyền và khả năng mà tiếp tục thi hành các thừa tác vụ (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6-7), vì thế thánh Phaolô đã có thể nói rằng Thần Khí đã đặt họ cai quản Giáo Hội Chúa (x. Cv 20:28).

Cũng chính nhờ Thần Khí mà Giáo Hội thi hành quyền tha tội. Ðức Giêsu nói với các tông đồ là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần... Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Hơn nữa, Công Đồng còn dạy rằng: Thần Khí “làm cho Giáo Hội trẻ trung”. Nhưng điều đó làm cho liên tưởng đến một đoạn viết của thánh Iréne: “Lời rao giảng Phúc Âm mà Giáo Hội đã lãnh nhận và chúng ta đang cẩn trọng giữ gìn, thì luôn được Thần Khí Thiên Chúa bảo toàn như một gia bảo tuyệt hảo đựng trong một bình quý; chẳng những lời ấy sẽ mãi mãi trẻ trung, mà còn làm cho cả bình chứa cũng được tươi trẻ mãi nữa”.[17] Vậy, suối nguồn đã từng làm phát sinh sức sống của Giáo Hội, đã thôi thúc công tác phúc âm hóa, cũng như đã tuôn đổ tràn đầy năng lực thánh hóa xuống trên Giáo Hội, là chính Thần Khí duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí đã được ban cho các con cái Chúa như một ân huệ tuyệt vời.

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần hằng không ngừng nâng đỡ để Giáo Hội được mãi kiên trì trong niềm hy vọng cánh chung. Giữa trăm chiều thử thách, Ngài vẫn luôn đứng bên cạnh Giáo Hội như Vị Luật sư để xét xử thế gian, và như Ðấng An ủi hằng bảo vệ các Kitô hữu (x. Ga 16,8t). Ngài nâng đỡ Hiền thê của Ðức Kitô trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, và mạnh mẽ phù trợ lời cầu của Giáo Hội: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Kh 22:17). Như thế, từ khi được tiền định trong tình yêu cho tới khi được hoàn tất trong tình yêu của Chúa Cha, Giáo Hội vẫn hằng sống trong Thần Khí.

IV. “ECCLESIA DE TRINITATE”

Hiến chế tín lý về Giáo Hội kết thúc số bốn bằng một câu chứng dẫn trích từ tác phẩm của thánh Cyprianô: “Lễ vật cao quý nhất (mà chúng ta có thể dâng lên) Thiên Chúa, là niềm an hòa và tình đoàn kết huynh đệ của chúng ta, tức là của một dân tộc kết hiệp trong và bởi mối hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[18] Nghĩa là sự hiệp nhất của Giáo Hội là kết quả phát xuất từ sự hiệp nhất của chính Thiên Chúa, và do đó người ta chỉ có thể hiểu được về sự hiệp nhất của Giáo Hội khi biết suy gẫm về chính Thiên Chúa. Giáo Hội được mời gọi để rập khuôn sự hiệp nhất của mình đúng theo mô mẫu của niềm hiệp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Lạy Cha, xin Cha cho họ nên một như chúng ta...” (Ga 17:21).

Giáo Hội sinh ra từ Ba Ngôi và cho Ba Ngôi. Bí tích thánh tẩy là một hành động thánh hiến dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính nhờ bí tích này mà con người “đi vào” trong – gia nhập – Giáo Hội. Ðời sống siêu nhiên là sự tham dự vào chính bản tính của Thiên Chúa là Ba Ngôi (x. 2Pr 1: 4), nhờ Ngôi Cha và Ngôi Con (x. Mt 11:27) và Thánh Thần (x. 1Cr 2:10; Rm 8:16) làm cho chúng ta nhận biết và yêu mến Người, ngõ hầu đổ đầy vào lòng chúng ta tình thương khôn tả của Người (x. Ga 17:26; 2Tm 1:7,.v.v…). Trong một văn bản, Công Đồng Vatican II đã nhắc lại lời sau đây của thánh John of Damascus: “Chúng tôi tin vào Giáo Hội của Thiên Chúa, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, trong đó chúng tôi được dạy dỗ. Chính ở đây chúng tôi được biết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và chúng tôi được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.[19]

Giáo Hội bắt đầu ló dạng trên trái đất khi Ðầu của Giáo Hội là Ðức Kitô được thụ thai trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Vào lúc ấy, Ba Ngôi đã hoạt động một cách tỏ lộ: theo Lc 1:35tt, Con của Ðấng Tối Cao (Chúa Cha) sẽ được sinh ra bởi quyền lực của Chúa Thánh Thần. Tự nó, câu này chưa phải là một lời mạc khải về mầu nhiệm Tam Vị; tuy vậy, “ý nghĩa trọn vẹn” (sensus plenior) của Kinh Thánh cũng đã giúp Giáo Hội khám phá ra đó thực là một hành động của Ba Ngôi. Giáo Hội được công khai sáng lập ngày lễ Ngũ Tuần, khi Thần Khí được Cha và Con sai phái đến; hay nói cách khác, khi Thiên Chúa Ba Ngôi tiết lộ cách trọn vẹn sự hiện diện của Người ở giữa loài người. Sứ mạng của Giáo Hội đối với thế gian được thi hành nhân danh Ba Ngôi (x. Mt 28:18). Vậy, được thánh hiến cho Ba Ngôi nhờ bí tích thánh tẩy, các Kitô hữu phải liên tục sống tùng thuộc vào Ba Ngôi, như thánh Juda dạy: “Anh em thân mến, hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa [Cha], hãy chờ đợi lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 20-21). Vậy, Giáo Hội không chỉ phát xuất từ Ba Ngôi mà thôi, nhưng còn phải sống trong và nhờ Ba Ngôi, cũng như cho vinh quang của Ba Ngôi nữa. Vì thế mà bao giờ chúng ta cũng kết thúc các lời nguyện của chúng ta bằng một vinh tụng ca dâng lên Ba Ngôi: “Sáng danh Ðức Chúa Cha...”.

Các Giáo phụ đã ý thức rõ về thực trạng này của Giáo Hội. Tertullian cho rằng Ba Ngôi là “bản thể của Giáo Hội”.[20] Tư tưởng này được khai triển rõ nhất khi các ngài nói về sự hiệp nhất. Những tác phẩm các ngài viết về chủ đề này thì vô số. Thánh Giáo Hoàng Cornelius viết như sau cho thánh Cyprian, Giám mục thành Carthage: “Chúng ta đừng quên rằng chỉ có một Thiên Chúa, một Ðức Kitô là Chúa mà chúng ta tuyên xưng, chỉ có một Chúa Thánh Thần và một Giám mục trong Giáo Hội Công giáo”.[21] Ðối với các ngài, sự hợp nhất về phẩm trật trong Giáo Hội xem ra là một hệ luận tất yếu rút ra từ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi. Ðó cũng là quan điểm của các nhà Giáo Hội học đầu tiên thời Trung cổ.

Có thể so sánh sinh hoạt của phẩm trật trong Giáo Hội với trật tự giữa ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Cũng như Chúa Cha thông ban hữu thể của Người cho Chúa Con, mà vẫn tuyệt đối nguyên vẹn là Thiên Chúa “tại nguồn”, thì theo một cách “loại suy” tương tự, có thể hiểu rằng: là Ðầu, Ðức Kitô thông ban mọi quyền hành cho Giáo Hội và cho tông đồ đoàn. Giáo Hội với Giám mục đoàn là một, không thể phân chia rời ra khỏi nhau được; nhưng thân thể duy nhất chỉ có một đầu hữu hình, là Giám mục Roma với các Giám mục trong Giáo Hội: tất cả cùng chia sẻ uy quyền của Ðầu chính yếu là Ðức Kitô. Cha Yves Congar (sau này là hồng y) đã viết: “Sự hợp nhất của Giáo Hội là một sự chuyển thông và nối dài chính sự hợp nhất trong Thiên Chúa... đến một số lớn tạo vật”. Ngài viết tiếp: thế thì, nếu Giáo Hội là “duy nhất vì chỉ có một Thiên Chúa, một Chúa, một Cha, một đức tin duy nhất... và bởi vì mối hợp nhất của Giáo Hội là do từ trên xuống, do Thiên Chúa, thì mối hợp nhất ấy không thể bị phá vỡ do việc ly khai của một chi thể nào đó được; nếu có bị gì chăng nữa thì cũng chỉ là chuyện đụng chạm sứt mẻ hay là bị suy giảm phần nào đó thôi”.[22] Vì vậy, yếu tính của Giáo Hội mang bản chất “hiệp thông”, tức là hàm ngụ việc tham dự của nhiều phần tử vào trong cùng một “bản tính”. Otto Semmelroth còn quả quyết rằng Giáo Hội là “hình ảnh bí tích của Ba Ngôi”.[23] Thần học Chính Thống Đông Phương, nhất là từ thời Alexis S. Khomiakoff, đã gia công khai thác sâu rộng truyền thống Giáo phụ về các tương quan giữa Ba Ngôi và Giáo Hội.[24] Giáo Hội được quan niện như là một cơ thể hòa hợp (organisme harmonique), một “thân thể” hoặc tựa như một bản hòa tấu gồm những nhân vị, được Cha trên trời điều khiển và được Chúa Thánh Thần ban sức sinh động cho. Cần phải tránh mọi quan điểm quá khích, chẳng hạn như coi sự kết hợp của các tín hữu trong thân thể Giáo Hội như là một sự hiệp nhất “bản thể” với một thứ linh hồn chung,[25] hoặc quan niệm Giáo Hội như là dạng “nhập thể của Chúa Thánh Thần”. Dù sao thì nền thần học Công Giáo cũng cần phải nhấn mạnh hơn nữa về vai trò của Ba Ngôi trong Giáo Hội. Ðể làm cho được như vậy tất phải nghiên cứu sâu rộng vượt quá ra ngoài giới hạn của “thần học về các biệt ứng” (théologie des appropriations).

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 4.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 2.

[3]Vis, 2.4.1

[4]2Clementis 14,2-3. 2Clementis là ngụy thư. Tác giả dùng một thần thoại ngộ giáo cho rằng Giáo Hội có trước cùng với Ðức Kitô, như hai nguyên lý âm và dương vậy.

[5] Chú giải Diễm ca II. 62; Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), 13. 134.

[6] Augustin, De catechizandisrudibus, 27. 53; Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 40. 346.

[7] Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 39. 1499.

[8] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4b.

[9] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 40b.

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 3.

[11] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 45b.

[12] Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 4. Xem Ignace de la Potterie, “L’Esprit Saint et l’Église dans le Nouveau Testament”, trong Col., Credo in Spiritum Sanctum II, Libr. Editr. Vaticana 1983, 791-808; Silanes, N., “El Espíritu Santo y la Iglesia en el concilio Vaticano II”, ibid. 1011-1024.

[13] x. Đức Giáo Hoàng Piô XII, Thông điệp Mystici corporis; AAS 35 (1943) 231.

[14]Mansi XLIX, 171.

[15] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes (Đến Với Muôn Dân), số 4; Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), số 17.

[16] x. Th. Basilius, De Spiritu Sancto 16.39, Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), 32.140.

[17] Adversus Haereses, 3.24.1; Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), 7.966B.

[18] De Oratione dominica 23; Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 24.553.

[19] Adversus Iconoclastas, 12; Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), 96.1358D.

[20]De Bapt, 6.

[21] Migne, Patrologia Latina (Bộ Giáo phụ Latinh), 3.722)

[22] Congar, Yves, “Ecclesia de Trinitate”, Irenikon 14 (1937) 131,132.135: Jalons pour une théologie du laðcat, Unam Sanctam 23, 1953, 380-2; Sainte Église, 1963, 125tt.

[23] Semmelroth, Otto, Die Kirche als Ursakrament, Frankfurt 1953, 207tt.

[24] Xem Lanne, D.E., “Le mystère de l’Église dans la perspective de la théologie orthodoxe”, Irenikon 35 (1962) 171-212.

[25] Lossky, W., Théologie mystique de l’Église d’Orient, Paris, Aubier 1954.