BỐI CẢNH ĐƯƠNG THỜI CỦA GIÁO HỘI HỌC
Tác giả: Michael A. Fahey
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.
***
***
NHỮNG VẤN NẠN CHƯA ĐƯỢC TRẢ LỜI VỀ GIÁO HỘI HỌC
ĐỂ GIẢI QUYẾT TRONG TƯƠNG LAI
Viết tắt:
GH: Giáo Hội
LG: Lumen Gentium
GS: Gaudium et Spes
Việc thực hành đáng kính của thần học phương Tây từ thời Trung cổ được bàn cãi mở rộng trong những quaestiones disputatae. Đây không phải là những vấn đề của tín điều dứt khoát, nhưng là những vấn đề giáo lý mà ở đó không có sự nhất trí hoàn toàn, những vấn đề bàn đến những khía cạnh quan trọng của căn tính tập thể của GH và được quan tâm hơn chỉ trên diện học vấn.
Trong phần này tôi sẽ nói đến bốn vấn đề thuộc loại này. Chúng là: (1) sức mạnh ràng buộc của những công đồng chung được triệu tập ở Tây phương trong thiên niên kỷ thứ hai, từ công đồng thứ 9 (Lateran I [1123] đến công đồng 21 (Vatican II [1962-65], với sự chú ý đặc biệt đến công đồng Trento (1545-63) và Vatican I (1869-70), mà có một tác động mạnh trên đời sống Công giáo Roma ngay cả cho đến ngày nay; (2) việc chia sẻ Thánh Thể hay tính hiếu khách (hiệp lễ giữa các giáo hội) giữa những tín hữu trong GH Công giáo Roma và trong những giáo hội kitô hữu khác không hiệp thông đầy đủ; (3) nhận biết sự thụ phong của những người được ủy nhiệm trong những giáo hội khác, cách rêing những phụ nữ được thụ phong vào hàng linh mục hay Giám mục; (4) những cách thức mới thực thi quyền tối thượng của giáo hoàng trong bối cảnh của mạng lưới toàn cầu của các giáo hội.
I. CÔNG ĐỒNG CHUNG
Trong thiên niên kỷ thứ hai, GH Tây phương nói chung và rồi – sau thời Cải Cách – GH công giáo Roma triệu tập một loạt công đồng vốn mang lại một ấn dấu đặc biệt cho đời sống giữa những mảng lớn của cộng đoàn kitô hữu. Một số người Công giáo Roma nay bắt đầu ghi nhận rằng thực sự không có một danh sách ghi số những công đồng vốn được áp đặt với thẩm quyền tín lý. Thực sự, Roma quy chiếu đến một vài công đồng được triệu tập ở Tây phương (thí dụ, Trentô, Vatican I, Vatican II) với một con số biệt loại và với một sự mô tả “đại kết”. Nhưng sự gán ghép này không phải là một tuyên bố có tính tín lý và chỉ phản ánh một sự đếm số chung của những công đồng có thể lần tới công trình tương đối sau này của Robert Bellarmino trong De Controversiis (1586).
Trong những thời mới đây, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, một sáng kiến quan trọng của Toà Roma xẩy ra mà không may trôi qua không ai chú ý mấy. Phaolô VI diễn tả xác tín rằng thực sự có hai loại công đồng trong gia sản của Tây phương, những công đồng chung sơ khai của một giáo hội không bị phân rẽ và rồi những hội đồng chung (general synods) sau này của phương Tây. Trong một lá thư quan trọng đề ngày 5 tháng Mười năm 1974 gởi cho Hồng y Willebrands nhân dịp đệ thất bách chu niên công đồng Lyons II (1274), Đức Giáo hoàng viết: “Công đồng Lyons này được kể là hội đồng chung thứ sáu được họp ở phương Tây.” Hạn từ hội đồng chung, general synods, đề xướng rằng giáo huấn công giáo muốn chấp nhận ý niệm về những bình diện khác nhau của công đồng, điều mà Yves Congar gọi là một phẩm trật hay trật tự tương đối về tầm quan trọng giữa những công đồng và hội đồng (hierarchia conciliorum). Nếu sự phân biệt này được chấp nhận rộng rãi thì những vạ tuyệt thông được công bố chống lại những người không chấp nhận những khoản luật của những hội đồng chung này dường như được giảm nhẹ hay giới hạn. Điều này có ý nghĩa đáng kể trong biến cố của những giáo hội khác đang tái thiết sự hiệp thông đầy đủ với Toà Roma.
Những câu hỏi được nêu lên về phương diện này rất thú vị. Điều này không hàm ẩn rằng GH Roma ít nhất theo nguyên tắc muốn chấp nhận ý niệm về sự hiệp thông đầy đủ với một số GH vốn không cần thiết phải chấp thuận địa vị tín lý của một số giáo huấn được Roma thừa nhận tại những hội đồng chung hay sao? Điều này mang lại tầm nhìn rộng hơn hơn nhiều đối với những khả thể tính của những giáo hội khác được đi kèm với Roma. Trong bất kỳ cách nào nó không hàm ý rằng những phần tử của GH công giáo Roma có thể làm ngơ hay xao nhãng những giáo huấn này, nhưng chúng sẽ được coi như những cố gắng của GH mình để diễn tả một chân lý sâu xa của mạc khải, mà có thể được hiểu một cách khác do những kitô hữu khác, và thậm chí với hạn từ khác nữa.
II. TÍNH HIẾU KHÁCH CHIA SẺ THÁNH THỂ (TIẾP NHẬN CHIA SẺ THÁNH THỂ)
Một vấn đề khác được tranh cãi ngay cả giữa những thần học gia Công giáo và những người lãnh đạo GH ngày nay là sự thích đáng của những Kitô hữu ly khai cùng cử hành và chia sẻ Thánh Thể, tùy dịp hay thường xuyên, và việc này trên nền tảng không phải của một quyết định tự phát cá nhân nhưng đúng hơn trên nền tảng của sự kỳ vọng của sự phê chuẩn chính thức cuối cùng. Nhiều thần học gia thích dùng lối nói chia sẻ Thánh Thể hay sự hiếu khách trong Thánh Thể, hơn là lối nói hiệp lễ giữa những giáo hội (intercommunion), một từ ngữ hàm hồ nếu ta nghĩ về koinonia hay communio đã hiện hữu giữa những kitô hữu khác nhau trên nền tảng của phép rửa của họ trong cùng Thánh Thần.
Trong sắc lệnh về đại kết, công đồng Vatican II viết về “bí tích kỳ diệu là Thánh Thể mà nhờ đó sự hiệp nhất của GH được biểu hiện và mang lại” (UR 2). Lập trường chính thức của GH công giáo về việc chia sẻ Thánh Thể, một lập trường được diễn tả tại công đồng và trong những chỉ dẫn tiếp theo, là việc chia sẻ này thông thường không nên xẩy ra một cách không phân biệt như một phương tiện để đạt được sự hiệp nhất. Điều tiên quyết phải là sự hiệp nhất giáo lý và không chỉ sự hiệp nhất nơi Đức Kitô đã hiện diện trong phép rửa. Nhưng những chỉ dẫn này không cố định vĩnh viễn. Thực vậy, những cuộc đối thoại đại kết chính thức giữa hai nhóm hay nhiều nhóm vốn theo sau công đồng này đã khiến cho rõ ràng là trong rất nhiều trường hợp điều chia rẽ các GH về giáo lý Thánh Thể hay bí tích không liên quan đến lõi tủy của niềm tin, nghĩa là tới cốt lõi tín lý của đức tin, song tập trung nhiều hơn đến những chau chuốt thần học của đức tin ấy, những sự trau chuốt mà có thể thích hợp bao gồm những nhấn mạnh khác nhau.
Điều gì sẽ là những hàm ý của một sự thay đổi như thế trong kỷ luật trong GH công giáo Roma? Một vấn nạn liên kết chặt chẽ dĩ nhiên có thể là nhu cầu để nhìn nhận một cách không hàm hồ đặc tính chân chính của những sự thụ phong trong các giáo hội vốn không hiểu sự kế tục tông đồ theo cùng một cách thức như những người công giáo và những sự thụ phong thực tiễn không có một Giám mục chủ sự.
III. NHÌN NHẬN NHỮNG SỰ THỤ PHONG
Vì sự hiểu biết chính mình trong tương lai, GH công giáo cần quay sự chú ý của mình đến sự nhìn nhận những tác vụ trong các giáo hội Anh giáo và Tin lành theo những đường nét của sự nhìn nhận đã được nói về những chức bậc trong Chính thống Đông phương và những GH Đông phương xa xưa. Vì những mục đích của cuộc thảo luận, tôi sẽ giới hạn sự thảo luận giây lát với sự hiệp thông Anh giáo. Như ta biết rộng rãi, sự hiệp thông Anh giáo trong nguyên tắc luôn nhìn nhận những chức bậc của linh mục hay presbyters của Công giáo. Vì những lý do phức tạp về lịch sử và thần học GH Roma không nhìn nhận những chức bậc trong sự hiệp thông Anh giáo là “được phong ban hiệu lực”. Một phần điều này là do cách thức mà Roma cảm nhận sự hiểu biết của GH Anh quốc về giá trị hy tế của Thánh lễ và cứu cánh tính đi liền với nghi thức thụ phong trong thế kỷ XVI. Vào năm 1896, sau một sự học hỏi lâu dài do một ban thuộc giáo hoàng về câu hỏi này, Đức Giáo hoàng Lêô XIII (người bất đồng với những kết luận của phần đa của ủy ban mà ngài đã chỉ định nghiên cứu vấn đề) xuất bản một tự sắc, Apostolicae Curae, về những chức bậc Anh giáo; tài liệu kết luận rằng thực sự những chức bậc Anh giáo thì “tuyệt đối vô hiệu và hoàn toàn trống rỗng.”
Dựa vào những tìm tòi đại kết cao độ của Ủy ban Quốc tế Anh giáo / Công giáo Roma, đạt tột đỉnh khi xuất bản bài tường thuật chung cục, Final Report, nó dường như có thể xác quyết rằng thực sự những khác nhau liên quan đến Thánh Thể và thụ phong thì không phải là những vấn đề chia rẽ theo tín lý. Đúng hơn, dường như rằng những khác biệt này được dựa vào những trực giác khác biệt nhưng bổ sung trên bình diện thần học; những trực giác này không nhất thiết có tính độc hữu. Nếu những vị thẩm quyền trong GH Roma đã thâm tín điều này, thì sự đánh giá trước kia của GH về vấn đề này có thể thay đổi được.
Làm thế nào điều này có thể áp dụng cho những giáo hội kitô hữu khác – cả những giáo hội mà đã vẫn giữ được những cơ cấu Giám mục của sự tổ chức GH mà những người công giáo thấy là quyết định lẫn những “GH tự do” mà cho phép episkope được diễn tả trong những cách thức khác ngoài các “Giám mục” – vẫn là một vấn đề then chốt mà sẽ cần học hỏi nhiều.
Ngày nay, vấn đề trở nên phức tạp hơn do sự kiện là một số những người được phong linh mục trong những GH có sự hiệp thông Anh giáo lại là phụ nữ, và trong ít nhất hai trường hợp, phụ nữ được thụ phong Giám mục. GH Công giáo Roma (như GH Chính thống Đông phương) không nhìn nhận phụ nữ có thể được thụ phong, và đã diễn tả quan điểm này trong một tài liệu được xuất bản do Bộ Giáo lý đức tin dưới tựa đề Inter Insigniores (Tuyên ngôn về Vấn đề chấp nhận phụ nữ vào chức linh mục thừa tác) được xuất bản vào ngày 27 tháng Giêng năm 1977. Trong khi tuyên ngôn muốn có một uy quyền theo một nghĩa nào đó và thực sự lý luận nhằm giữ vững lập trường hiện tại, thì cuộc thảo luận thần học về vấn đề này lại tiếp tục trong cộng đoàn Công giáo Roma. Giáo huấn chính thức hiện tại – nhất là những lý do được dành cho tính bất khả thể của một phụ nữ là repraesentatio Christi thích hợp – không tìm được sự “tiếp nhận” đầy đủ giữa những thần học gia công giáo.
IV. TÁC VỤ GIÁO HOÀNG
Một vấn đề tranh cãi khác mà sẽ cần được thảo luận cả trong cộng đoàn Công giáo lẫn giữa những giáo hội kitô hữu khác là xem có thể diễn đạt lại vai trò thừa tác của Giám mục Roma, Đức Giáo hoàng, theo một cách thức đến nỗi điều mà những người công giáo coi là ngài tiên vàn phục vụ cho sự hiệp nhất có thể trở thành chấp nhận được đối với những Kitô hữu khác ngoài biên cương của GH công giáo Roma hay không. Đây là một vấn đề mà về nó có nhiều viễn cảnh khác nhau xuất phát từ tổ chức biệt loại của một GH lịch sử hay những nhấn mạnh thần học rõ nét của một cộng đoàn Kitô hữu. Bởi vì sự đa dạng của những viễn cảnh, sự giải quyết của vấn đề này sẽ chậm chạp và sẽ chỉ đạt được từng bước mà thôi. Trong tiến trình ấy, không chỉ một phần của giáo hội sẽ được phong phú nhưng toàn corpus christianorum sẽ hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm GH.