Tuesday, 07 January 2020 06:40

Bối Cảnh Đương Thời Của Giáo Hội Học (4) Featured

BỐI CẢNH ĐƯƠNG THỜI CỦA GIÁO HỘI HỌC

 Tác giả: Michael A. Fahey

 Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

***

***

NHỮNG TRÁCH NHIỆM TRONG GIÁO HỘI

 Viết tắt:

GH: Giáo Hội

LG: Lumen Gentium

GS: Gaudium et Spes

 

I. CÁC TÍN HỮU

Một cách thức hữu hiệu để hiểu rõ hơn bản tính của GH là suy tư trên những trách nhiệm khác nhau đi liền với những phần tử của GH. Tất cả mọi phần tử của GH được TC ban phát với những trách nhiệm biệt loại; những trách nhiệm này có thể khác nhau nhưng bổ sung. Các tín hữu, những người chấp nhận mạc khải TC qua đức tin, được kỳ vọng để thông phần vào sự thờ phượng TC của cộng đoàn bằng cách liên kết với Đức Kitô trong phụng vụ thờ lạy và ca ngợi của ngài trên trời. Bằng một đời sống phụng vụ tích cực được hướng tới TC, họ học biết rằng đức tin hệ tại không phải ở việc đọc những công thức nhưng ở một đời sống nhuần thấm với những giá trị Kitô hữu.
 
Chương đầu tiên của Hiến chế tín lý về GH của Vatican II liên hệ giáo hội với sự sống nội tại của TC Ba Ngôi. Trong cuộc thảo luận về cơ cấu của hiến chế có một sự khác ý kiến nào đó tại công đồng đối với cái gì sẽ phải là chương kế tiếp. Một số thành viên biện luận ủng hộ một phần về phẩm trật. Mặc dù những lý luận của họ đối với chọn lựa này, công đồng vẫn đề cập GH như một toàn thể (“Dân TC trong Đức Kitô”) hơn là phẩm trật. Quyết định này đã ảnh hưởng rộng lớn đến sự hiểu biết chính mình của GH công giáo và thậm chí ảnh hưởng đến cấu trúc của bộ Giáo luật mới. Đích nhắm đệ nhất là ở điều mà hết thảy mọi người trong GH đều chia sẻ. Chỉ sau đó, trong chương 4, LG mới quay về lại một cuộc thảo luận về những nhiệm vụ loại biệt của giáo dân, một hạn từ chỉ “tất cả mọi tín hữu trừ những ai ở trong các chức thánh và những ai thuộc về một dòng tu được GH phê chuẩn” (LG 31). Sự nhấn mạnh thì không phải ở trên vai trò của các Kitô hữu  đảm nhận như những cá nhân nhưng đúng hơn như những phần tử của thân mình Đức Kitô.  Các tín hữu tìm thấy phẩm giá của mình được đâm rễ trong tặng phẩm phép Rửa mà qua đó ngay cả như những giáo dân họ chia sẻ chức vụ tư tế và ngôn sứ của Đức Kitô. Người tín hữu là những người sở hữu nhiều tặng phẩm đặc sủng xuất phát từ Thánh Thần; những tặng phẩm này được ban xuống trên các tín hữu để xây dựng GH.
 
LG diễn tả niềm xác tín rằng toàn thể các tín hữu có được một sensus fidei, một bản năng siêu nhiên được tìm thấy nơi các Kitô hữu vốn cho phép họ nhận ra cái gì là chân chính hay không chân chính cũng như cái gì là cốt lõi hay cái gì là bì phu đối với đức tin Kitô giáo (LG12). Hiến chế tuyên bố, toàn thể các tín hữu không thể sai lầm trong những vấn đề cốt lõi của đức tin, vốn là một cách thức khác để mô tả “sự bất khả ngộ” nền tảng của GH, nghĩa là, niềm xác tín rằng Thánh Thần giữ GH trong chân lý bằng cách giữ cho sống động ký ức về căn tính và ý nghĩa của Đức Giêsu Kitô. “Giác quan thứ sáu”, giác quan tôn giáo này,  có sự thích đáng đặc biệt về phương diện cách thức những dạy dỗ được các chủ chăn hay thầy dậy tìm được “sự tiếp nhận” của họ trong GH.
 
Thần học đại kết tân thời, qua nhiều cuộc đối thoại thần học rộng rãi mà trong đó các thần học gia cố gắng đi xa hơn những cuộc luận chiến cổ xưa, nhấn mạnh rằng một tín hữu có thể hiểu tốt đẹp chức năng của một tác vụ được thụ phong trong GH bằng cách trước hết chiếm được một trực giác vào trong sứ vụ của Đức Giêsu và sự tiếp nối của nó trong tác vụ của tất cả các người chịu phép Rửa. Một cách nói vốn nhấn mạnh đến tư cách linh mục phổ quát của tất cả các tín hữu, một cách nói được coi là khá đáng ngờ trong Công giáo hậu Cải cách, bởi vì nó nghe có vẻ rất là Luther, rất tin lành, thực sự được công đồng xác quyết khi công đồng ghi nhận rằng các tín hữu “nhờ vào tư cách tư tế hoàng vương của mình, tham gia vào sự dâng hiến Thánh Thể” (LG 10). Trong một thời kỳ khi GH công giáo Roma trong nhiều quốc gia kinh nghiệm một sự suy thoái đáng kể trong số những người sẵn sàng cho sự thụ phong, thì thật là quan trọng rằng ta không được coi giáo dân là một “sự thay thế” nghèo nàn cho những linh mục đựơc thụ phong. Thực sự, các tín hữu được bao gồm trong việc tham dự vào sứ mệnh của GH. “Mỗi môn đệ Đức Kitô có bổn phận nói về đức tin theo khả năng tốt nhất của họ” (LG 17).
 
Một trách vụ khác được áp dụng ngày nay cho vai trò của các tín hữu là đồng trách nhiệu hay chia sẻ việc đi đến quyết định. Điều này nghe ra sáo ngữ trong nhiều phần của GH mà nơi đó các tín hữu, nếu được mời để nói, không luôn luôn được nghe, hay nơi đó người tín hữu không bao giờ được yêu cầu để tham dự vào những kết luận cốt yếu, chẳng hạn như việc chỉ định một Giám mục địa phương.
 
II. NHỮNG HỘI CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
 
Một nhóm người khác trong GH được dành một sự chú ý đặc biệt trong LG (chương 6) cấu thành những người nam nữ mà truyền thống nhận diện là “những tu sĩ” hay những phần tử của những tu hội hay dòng tu. Theo một hạn từ mới những người này có lẽ được quy chiếu như những phần tử của những “hiệp hội của đời sống thánh hiến”. Những trách nhiệm của những người này được mô tả trong LG lẫn trong sắc lệnh về việc canh tân đời sống tu trì (Perfectae caritatis). Cốt lõi của căn tính họ là những lời khấn hay cam kết công khai của họ đối với những lời khuyên phúc âm: nghèo khó, thanh khiết, và vâng phục, được tuyên hứa trong bối cảnh của một đời sống trong cộng đoàn. LG mô tả giá trị-dấu chỉ mạnh mẽ xuất từ những người muốn phản chiếu Đức Kitô trong thế giới (LG 40). Lối sống của họ muốn là một dấu chỉ của sự trung thành và sự tận hiến đối với việc hoàn thành những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của gia đình nhân loại rộng lớn hơn.
 
Ý tưởng về sự thánh hiến không hàm ý một sự tách biệt khỏi sứ mệnh GH, một đề tài tôi sẽ bàn đến ở phần kế tiếp. Những người nữ của những cộng đoàn này có một vai trò ý nghĩa trong việc giáo dục và loan báo tin mừng của những thế hệ của những Kitô hữu trẻ. Vai trò của những cộng đoàn tu sĩ nam cũng cao cả. Những nhóm của những người nam người nữ này thấy mình được Thánh Thần ban tặng với những loại đoàn sủng tương tự và vì lý do này chọn sống chung trong cộng đoàn để phát triển và nuôi dưỡng những đặc sủng được ban cho họ vì đời sống của GH.
 
III. NHỮNG NGƯỜI THỤ PHONG
 
Nhóm người thứ ba trong GH được bổ nhiệm những trách nhiệm bí tích và phụng vụ rõ ràng cấu thành những người được thụ phong. Những bản văn của các văn kiện Vatican II thường tránh dùng hạn từ linh mục (sacerdos), chính bởi vì TƯ tránh hạn từ Hy lạp tương đương vốn mô tả nhóm thừa tác viên biệt loại đó trong GH. Đúng hơn những bản văn Latinh của Vatican II dùng hạn từ presbyteros (hạn từ tương đương của nó trong tiếng Anh không luôn luôn được dùng trong các bản dịch) quy chiếu tới những người đã được thụ phong. Phần nhiều những người Công giáo có lẽ bị lúng túng do việc đưa vào hạn từ mới này mà nghe sao khá giống với từ ngữ “Presbyterian”, và thực thế, sự thay đổi này trong từ ngữ đã có ít tác động trong việc sử dụng từ ngữ giữa những người Công giáo nói tiếng Anh. Tuy nhiên dường như có một sự ưa chuộng dần dần giữa một số người đối với hạn từ thụ phong hơn là hạn từ linh mục. Để ngăn cản bất kỳ ai khỏi một sự phân biệt quá sắc nét giữa những người thụ phong và không thụ phong, Vatican II đang khi quy chiếu lại hạn từ có tính cách duy yếu tính (triết học, essentialist) hơn là kinh thánh, nói rằng “chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau” (LG 10).
 
Văn kiện của Vatican II càng cố gắng diễn tả những trách nhiệm của presbyter thì bản văn càng trở nên xa với KT. Theo văn kiện, có hai hình thức của tác vụ (một của những người thụ phong và một của những người không thụ phong): “Linh mục thừa tác [sacerdos], nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên TC nhân danh toàn thể dân chúng” (LG 10). Sau này, trong phần về các Giám mục, trách vụ của presbyters lại được bàn đến. Ở đó họ được mô tả như “là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám mục, được kêu gọi để phục vụ Dân TC. Các ngài hợp với Giám mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau.” “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy” (LG 28). Nếu những mô tả về những trách vụ của presbyter thụ phong dường như thưa thớt trong LG, thì phần nào bởi vì hai sắc lệnh khác của Vatican II bàn đến vai trò của presbyters: sắc lệnh về tác vụ và đời sống của presbyters (prebyterorum Ordinis) và sắc lệnh về việc huấn luyện presbyters (optatam totius). Ta vẫn không thể chối rằng các bản văn Vatican II chú ý đến vai trò của Giám mục hơn là vai trò của presbyters.
 
IV. CHỨC VỤ MỤC VỤ

 
Một nhóm phân biệt khác được liên kết mật thiết với presbyterium là các Giám mục, những người được coi là tiếp tục công việc của episkipoi trong tân ước. Một trong những tuyên bố đồng thuận nổi bật nhất liên quan đến hình thức tác vụ này được đưa ra trong những thập niên mới đây là một văn kiện về vai trò của khái niệm episkope (“oversight”) của GH; văn kiện được xuất bản do một uỷ ban chung gồm những người công giáo Roma và Kitô hữu cải cách nói tiếng Pháp được biết đến như là nhóm Les Dombes (một làng gần những đan viện nổi tiếng của Cluny và Taizé). Được xuất bản năm 1976, văn kiện này, có tựa đề Le ministère épiscopale (tác vụ Giám mục) làm thành một bạn đồng hành tuyệt vời cho điều mà Vatican II nói về những trách vụ của chức vụ Giám mục.
 
Tại Vatican II vai trò của Giám mục được mô tả trong hai văn kiện: LG và Christus Dominus (sắc lệnh về chức vụ mục vụ của Giám mục trong GH). Những văn kiện này bao gồm những phần về sự kế vị tông đồ, tính bí tích của chức Giám mục, mối tương quan của Giám mục đoàn với vị thủ lãnh (Đức Giáo hoàng), thẩm quyền của Giám mục trong địa phận, và cuối cùng sự cai quản và thẩm quyền dạy dỗ của Giám mục địa phương.
 
Bởi vì nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò của Giáo hoàng trong công đồng trước, Vatican I, thật quan trọng là Vatican II bàn dài kỹ càng về những chức năng bổ sung của Giám mục và tỏ ra rằng sự phục vụ mà ngài đảm nhận đối với cộng đoàn được đặt nền không phải trên sự chỉ định của Giáo hoàng nhưng trên sự phong chức hay thánh hiến bí tích của ngài như một Giám mục. Do vậy văn kiện về GH minh nhiên nói rằng “khi được tấn phong, các Giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích truyền chức thánh . . . Việc tấn phong Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ lãnh và các phần tử của Giám mục đoàn” (LG 21).
 
Những nghiên cứu lịch sử cho thấy rằng những người đã từng được gọi là episkopoi là những người giữ những trách nhiệm khai sinh từ một sự hòa trộn của hai chức năng mà nguyên thủy tách biệt nhau: một là người kế vị của các tông đồ (như vậy có apostolic oversight) và người chủ tịch của một presbyterium (vị lãnh đạo địa phương duy nhất của cộng đoàn). Khi nại đến sự kế vị tông đồ người ta không được không nhìn thấy sự kiện rằng một số nét đặc trưng được sở hữu do những tông đồ nguyên thủy mang tính chất không thể lập lại và không thể thông truyền được. Trong GH sơ khai nhiều hình thức thực thi những trách nhiệm tông đồ hiện hữu cạnh bên nhau. Từ những nguồn mạch khác nhau, và đôi khi mâu thuẫn này, chức vụ Giám mục rút cục hình thành. Ngay cả khái niệm sự kế tục tông đồ có những ý nghĩa khác nhau.
 
Vatican II nhấn mạnh rằng ba vai trò của Giám mục (dạy dỗ, thánh hóa, và chăn dắt) trực tiếp rút ra từ sự thụ phong bí tích, chứ không phải từ sự chỉ định theo Giáo luật của Giáo hoàng. Giám mục địa phương có được quyền cai quản theo một cách thức mà năng quyền Giáo luật của ngài là “thông thường, riêng biệt và tức thời.” Trong việc quản trị địa phận của mình, Giám mục vẫn có một sự tự lập nào đó khỏi những Hội Đồng Giám Mục quốc gia, khỏi các bộ của Roma, và ngay cả khỏi chính Đức Giáo hoàng.
 
Nhờ sự thánh hiến bí tích vào Giám mục đoàn, các Giám mục chia sẻ “tính tập đoàn”, một trách nhiệm để cổ xuý sự hiệp thông giữa các giáo hội khắp thế giới. Vì thế tác vụ của một Giám mục, dù tập trung trước tiên vào một địa phận địa phương, lại không bị hạn chế chỉ riêng vào địa phận đặc thù của chính mình mà thôi. Vai trò của các Giám mục trong GH công giáo thì quan trọng nhiều hơn trong nhiều giáo hội. Theo một nghĩa thực sự, họ được coi như tiếp nối vai trò của các tông đồ trong những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai.
 
Ba chức năng lớn của Giám mục theo giáo lý công giáo là: dạy dỗ, thánh hóa và là một mục tử. Giáo lý công giáo cũng nhấn mạnh rằng để gìn giữ sự hiệp nhất hữu hình trên bình diện phổ quát, thực cốt yếu là phải có một sự thực thi của episcope trên nền tảng rộng khắp thế giới. Cách thức hình thức này của sự chăm sóc mục vụ toàn diện hơn hay episcope đã và đang được hiện thực một cách cụ thể trong đời sống giáo hội phải được giữ trong sự quân bình thích đáng giữa tính công đồng và sự tối thượng. Một sự phục vụ như thế cho sự duy nhất giữa các giáo hội có thể chấp nhận được trong sự hiệp thông rộng lớn hơn của các giáo hội vượt xa Công giáo Roma hay không? Người công giáo cũng như không-Công giáo ước muốn gì như sự gìn giữ thích đáng về một sự tối thượng vốn phục sự duy nhất và đa biệt giữa koinonia của các giáo hội?
 
Một số ngôn ngữ của Vatican II tỏ những dấu hiệu của sự vội vàng và thỏa hiệp nào đó theo cách thức nó bàn những bản văn và phong trào lịch sử liên quan đến tác vụ được thụ phong. Trong ước muốn của nó là tỏ cho thấy rằng có một sự tiếp nối giữa các tông đồ của TƯ (có lẽ không chú ý đủ đến sự kiện là ngay cả trong TƯ từ ngữ tông đồ được dùng theo nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau) và Vatican II nói, những Giám mục theo tân thời như thể không có những vấn đề lịch sử trong lối diễn đạt xúc tích này: “Các tông đồ cẩn trọng chỉ định những đấng kế vị vào xã hội được thiết lập có phẩm trật này” (LG 20).
 
V. HUẤN QUYỀN (MAGISTERIUM)
 
Một viễn ảnh về đời sống GH vốn được ta chú ý sâu sát trong GH công giáo Roma suốt hai thế kỷ qua là điều đi liền với hạn từ magisterium, huấn quyền. Đây là một hạn từ được vay mượn từ tiếng Latinh mà nguyên thủy chỉ định những chức năng hay hoạt động mà một magister, ông thầy, dấn mình vào, nhưng ngày nay, nhất là trong những văn kiện xuất phát từ Giáo hoàng hay những Bộ của Vatican, quy chiếu không phải đến chức năng, nhưng đến những người công chức, những nhóm người biệt loại được ký thác cho trách vụ giám sát giáo huấn chính thức của GH. Thật là một sự kiện kỳ lạ rằng một khái niệm vốn đã lớn lên để đảm nhận tầm quan trọng cốt lõi như thế trong một GH có cơ cấu Giám mục như GH công giáo Roma lại không có một từ ngữ tương đương có thể nhận biết ngay cả trong những cộng đoàn mang tính Giám mục khác như Chính Thống, Anh giáo hay các giáo hội Luther.
 
Người ta bị thúc ép mạnh để tìm được bất kỳ một hạn từ khác trong Công giáo mà không có chữ tương ứng trong những truyền thống Byzantine hay Cải cách. Bất kỳ một từ ngữ khác ở tận giáo huấn Công giáo tân thời khó có thể giữ được cách dùng tân thời của nó mà không được đặt vào bối cảnh bằng cách quy chiếu tới ý nghĩa nguyên thủy của nó trên bình diện lịch sử. Trong khoảng hơn kém 50 năm vừa qua phần nhiều những người Công giáo đã tỏ ra mình muốn hiểu từ ngữ magisterium như quy chiếu đến một nhóm người đặc thù trong gH được ký thác cho trách vụ cung cấp giáo huấn có tính chất giáo sĩ vốn là magisterium authenticum, để dùng ngôn ngữ của thế kỷ XIX và XX, kể cả giáo huấn của Vatican II. Trong trường hợp này tính từ Latinh authenticum thường được dịch (không đúng) là giáo lý “chân chính” (như đối nghịch với không chân chính?) hơn là được dịch một cách đúng đắn là “có thẩm quyền” (authoritative) (theo nghĩa là mang lấy sức mạnh của một lời dạy dỗ vốn nhất quán với KT).
 
Cốt yếu cho việc giới hạn từ ngữ magisterium đối với nhóm giáo sĩ (ecclesiatics) rõ rệt được trao phó cho trách vụ giáo huấn cách thẩm quyền là sự phân biệt, khá mới đây trong lịch sử giáo hội, giữa ecclesia docens và ecclesia discens (GH dạy dỗ [Giám mục] và GH học hỏi [phần còn lại của GH, cách riêng giáo dân]). Nhiều nhà thần học mới đây đã cố gắng cho thấy rằng sự phân biệt giữa hai phần của GH thì không đơn giản như nó tưởng. Đa số những văn kiện Công giáo chính thức mới nhất chấp nhận không chút phản đối việc dùng magisterium để nói về giáo huấn có thẩm quyền về mục vụ của phẩm trật như đối nghịch với những hình thức khác của giáo huấn, chẳng hạn hình thức được đề xướng do các thần học gia, ngôn sứ, thần bí hay những tín hữu đơn sơ. Mối nguy hiểm trong các dùng theo quy ước hiện nay là nó thích hợp để tầm thường hóa tính phức tạp của cách thức giáo huấn giáo hội được diễn đạt, cách riêng liên quan đến cách thức mà GH hiện nay đọc các dấu chỉ thời đại.
 
Cách dùng magisterium của trung cổ được nhuận sắc hơn và bao gồm tầm quan trọng nghiêm chỉnh được dành cho những giáo huấn của những vị sử gia, những nhà giáo luật có uy tín, hay những nhà thần học tuyên phán từ kiến thức của họ về truyền thống. Trực giác đằng sau sự phân biệt này giữa tác vụ của Giám mục và những bậc thầy khác trong giáo hội, như các thần học gia chẳng hạn, một trực giác vốn khá gây hoang mang do cách dùng hàn từ hiện này, là rằng các Giám mục được thụ phong, và những thần học gia có trách nhiệm có những chức năng rõ ràng, mặc dù bổ sung, trong GH. Ở đâu họ có thể khác nhau, thường thuộc về những phán đoán khôn ngoan về sự khôn ngoan của giáo huấn đề xuất mà có thể được coi là khiêu khích, sáng kiến hay thiếu phân tích.
 
Một cách tự nhiên trong bối cảnh của bài trình bày rất ngắn về magisterium này, một trong những khái niệm chủ chốt về giáo huấn của Giáo hoàng và Giám mục ngày nay, cung cấp một tường thuật hoàn toàn thích đáng về những nguồn và phạm vi của “magisterium” của giáo sĩ là không thể được. Tất cả điều mà tôi muốn làm là thúc đẩy rằng ý niệm đó phải được cẩn thận đặt vào bối cảnh trên phương diện lịch sử và giải thích một cách nào mà hoàn toàn giải thích cho những đòi hỏi của tập đoàn tính, sự tiếp nhận giáo huấn do các tín hữu, ơn gọi của việc học hỏi trong đời sống của GH, và tầm quan trọng của lắng nghe, nhất là cho những ai mà qua họ Thánh Thần có lẽ đang nói cho GH trong thời đại chúng ta.
 
VI. QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA GIÁO HOÀNG
 
GH Công giáo đã mạnh mẽ diễn tả niềm xác tín rằng phải có một hình thức của quyền bính tối thượng được thực thi trong GH. Chức năng của quyền tối thượng của Giáo hoàng có lẽ đã thay đổi đáng kể từ khi sáng chế ra những phương pháp thông giao và du hành mới. Chức năng của Giáo hoàng được coi là tiếp nối với vai trò của Phêrô giữa những người còn lại của nhóm Mười Hai trong Tân ước. Vai trò của Phêrô là như một vị truyền giáo, như một người đầu tiên nhận được lời hứa về các chìa khóa (Mt 16:18).
 
Để hiểu tầm quan trọng mà quyền tối thượng của Giáo hoàng đảm nhận trong GH Công giáo thật là quan trọng để nhìn lại công đồng chung vào thế kỷ XIX, công đồng Vatican I (1869-70). Bởi vì nó xa với thời đại chúng ta, và những quan tâm của công đồng ít hiển nhiên với chúng ta ngày nay, nên bối cảnh lịch sử nào đó là cần thiết. Công đồng Vatican II, mà quan tâm tập trung những năng lực của mình vào vai trò của Giám mục, quyết định không diễn đạt lại những mô tả xa xưa hơn về quyền tối thượng và bất khả ngộ của Giáo hoàng. Người ta có thể là một thần học gia Công giáo trung thành và vẫn than phiền rằng công đồng Vatican II không nhuận sắc đủ điều mà công đồng Vatican I đã nói về quyền Giáo hoàng.
 
Roger Aubert, mà lãnh vực có thẩm quyền đặc biệt của ông là công đồng Vatican I, đã rõ ràng thiết định qua sự nghiên cứu của ông rằng những Giám mục tại công đồng Vatican I vốn hy vọng một lời xác quyết bao quát nhất về tính bất khả ngộ của Giáo hoàng (địa vị tối đa, the maximalist position) bị chống đối thẳng. Tuy nhiên, một vài bài bình giải phổ thông ở Anh quốc và trong những phần khác của thế giới nói tiếng Anh phóng đại điều mà Vatican I đã nói về tính bất khả ngộ của Giáo hoàng. Những phóng đại này một phần dựa trên lá thư mục vụ nổi tiếng dài 200 trang về tính bất khả ngộ của Giáo hoàng được luân lưu do Hồng y người Anh Henry Edward Manning. Lá thư này, được xuất bản ít lâu sau công đồng và được viết từ một viễn cảnh rõ ràng thuộc địa vị tối đa, được nhằm để là một thứ bình giải về giáo lý; nó thực thi một ấn tượng lớn lao về việc dạy dỗ trong các chủng viện tại Anh quốc và những chủng viện khác sử dụng tiếng Anh, mà sẽ giúp giải thích tại sao có những cảm nhận khác nhau về tính bất khả ngộ của Giáo hoàng giữa các Giám mục từ thế giới nói tiếng Anh và những quốc gia khác (như Đức và Pháp) vào lúc khai mạc Vatican II. Một số giải thích thần học sau đó về điều mà Vatican I cố ý nói cũng ở tại cội rễ của khuynh hướng tối đa ấy vốn xác nhận trạng thái bất khả ngộ cho nhiều câu nói của giáo hoàng. Những lập trường quân bình hơn của Hồng y John Henry Newman chung chung không được biết nhiều bằng lập trường của Hồng y Manning trong thế kỷ XIX.
 
Một giải thích sắc sảo về điều mà Vatican I đã nói đến từ 23 vị Giám mục Đức nào đó đã dự công đồng và vào tháng 12 năm 1874 đã trả lời trong một bài báo cho một thông báo chính thức từ (thủ tướng) Bismark; thông báo này lý luận rằng công đồng đã hữu hiệu hủy ra không quyền lực của các Giám mục. Những Giám mục Đức này lý luận rằng trong tâm trí của công đồng Đức Giáo hoàng rõ ràng không có những năng quyền vô giới hạn, rằng ngài vẫn lệ thuộc vào luật TC và những ý hướng của Đức Kitô cho GH. Các Giám mục cũng không phải là những khí cụ của Giáo hoàng, mất đi trách nhiệm cá nhân. Họ lý luận, khái niệm rằng Giáo hoàng là một quân chủ tuyệt đối là một giải thích hoàn toàn sai lầm về tín điều về tính bất khả ngộ. Vào mồng 4 tháng 3 năm 1875, trong một tông thư cho Giám mục Đức, Đức Giáo hoàng Piô IX ca ngợi sự giải thích của các Giám mục Đức và viết: “Sự tuyên bố của chư huynh là một diễn tả về giáo lý Công giáo chân thật vốn là lời dạy dỗ của Công đồng Vatican và Tòa Thánh.”
 
Vatican I đã nói gì? Những hoàn cảnh mà trong đó công đồng khai mạc không phải là những hoàn cảnh hứa hẹn nhất, khi vào mồng 8 tháng 12 năm 1869, 600 Giám mục quy tụ tại Roma. Có lý do để nghĩ rằng công đồng phải ngừng lại nếu lực lượng quân sự đang tìm sự thống nhất nước Ý (Risorgimento) phải tràn vào lãnh thổ còn lại của Giáo hoàng. Những lo sợ xâm chiếm chứng thực có cơ sở, và không kém một năm sau nghi thức khai mạc, vào ngày 20 tháng Chín năm 1870, Roma bị chiếm cứ do những đạo quân vốn tuyên bố về thánh phố đó như thủ đô của một nước Ý mới.
 
Những sự hoàn thành của Vatican I rất giới hạn và hạn chế bởi vì những thúc ép của thời gian. Hai bản thảo dài về “GH”, bản thứ nhất được chuẩn bị do những thần học gia Roma là Perrone và Cardoni, còn bản thứ hai được khai triển do Kleutgen, không bao giờ được thảo luận trong bất kỳ chi tiết nào, càng ít hơn nữa được phê chuẩn, bởi vì thời giờ gấp rút tại công đồng. Trong giáo hội học thích đáng, mọi sự được công bố là hiến chế tín lý Pastor Aeternus (bỏ phiếu ngày 18 tháng Sáu năm 1870), mà chỉ mô tả một cách căn bản chức năng của quyền Giáo hoàng (papacy) trong GH. Lời mở đầu của văn kiện vẫn đặt giáo lý về sự thiết lập, tính vĩnh viễn, và bản chất của sự tối thượng của Phêrô trong bối cảnh là gìn giữ sự duy nhất của các Giám mục “để chính chức Giám mục có thể là một và không bị phân chia, và để toàn thể tín hữu có thể được gìn giữ trong hiệp nhất của đức tin và sự thông nhờ vào sự kết hiệp của các Giám mục với nhau” (Denzinger-Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum [DS], 3051). Tính tất yếu của việc trình bày chi tiết giáo lý về tính tối thượng của Giáo hoàng được gán cho những mối đe dọa đương thời đến sự an toàn của GH công giáo: “Với sự thù hằn hằng ngày một gia tăng những lực lượng của hỏa ngục đang nổi lên tư bề chống lại nền tảng đã được TC thiết lập để lật nhào GH, nếu có thể” (x. DS 3052). Tuy nhiên, sự thiết yếu của nó thì đáng ngờ và sự định tín của nó thì không đúng lúc, bản văn của Vatican I thực sự cố gắng định vị chức năng của Phêrô trong bối cảnh là phục vụ tính duy nhất của đức tin và đức ái. Theo bản văn, người ta nói duy nhất tính lưỡng diện của đức tin và sự hiệp thông (“đức ái” trong bản văn sơ khai hơn) được các Giám mục gìn giữ như một toàn thể. Chẳng những không là một viễn cảnh “pháp lý”, tính tối thượng của Giáo hoàng được định vị trong bối cảnh của một đoàn Giám mục phục vụ sự duy nhất của đức tin và đức ái/sự hiệp thông.
 
Sau phần dẫn nhập vào Pastor Aeternus là bốn chương theo sau, mỗi chương dành cho một chủ đề cốt yếu: (1) sự thiết lập tính tối thượng tông truyền nơi Phêrô; (2) tính vĩnh cửu của quyền tối thượng của Phêrô nơi Giáo chủ Roma; (3) quyền bính và bản chất của quyền tối thượng của Giáo chủ Roma; và (4) quyền dạy dỗ bất khả ngộ của Giáo chủ Roma. Vì những mục đích của bài trình bày này, tôi không bàn đến hai chương đầu. Vì sử dụng các bản văn kinh thánh (Mt 16 và Ga 21) là không đầy đủ và ngây ngô, lời tuyên bố trong chương I rằng trong Tân ước Phêrô đã có một vai trò lãnh đạo giữa các tông đồ không bị thách đố do sự đồng thuận của các học giả ngày nay. Điều nan giải trong chương một là tuyên bố rằng “quyền tối thượng” này thì không chỉ là một quyền thuộc “danh dự” song cả “tài thẩm” (jurisdiction) nữa.
 
Trong chương 2 ta nói rằng “điều được thiết lập nơi Phêrô được chúc phục vì liên lỷ bảo tồn và sự thiện ích không ngừng của giáo hội phải, do ý muốn của cùng Đấng Sáng Lập, tồn tại liên tục trong giáo hội” (DS 3056). Những vấn nạn của những giáo hội khác, chẳng hạn giáo hội Chính Thống Đông phương, đối với giáo huấn về quyền Giáo hoàng, nếu tôi hiểu đúng, không phải về Giám mục Roma được thừa hưởng những chức năng của Phêrô một cách nào đó, song đúng hơn là quá nhiều chức năng đã được trao cho ngài.
 
Chương 3 chứa đựng năm đoạn dài và kết luận bằng một luật hay kết án. Bắt đầu với khoản luật kết thúc đó thật hữu ích vì nó súc tích tóm kết toàn chương. Khoản luật kết án những người dám chối Đức Giáo hoàng hưởng “được quyền tài thẩm tối cao và đầy đủ (trọn vẹn) trên toàn GH không chỉ trong những vấn đề liên quan đến đức tin và phong hóa, nhưng còn đến cả những vấn đề thuộc về kỷ luật và cai quản của GH khắp toàn thế giới” (DS 3064). Nó kết án những người chối bỏ ngài có  “quyền tối thượng này sung mãn và đầy đủ” hay chối rằng “quyền này thì thông thường và tức thời trên tất cả mọi giáo hội và trên từng giáo hội, trên các chủ chăn và toàn tín hữu.” Hạn từ được dùng ở đây đòi buộc sự xác minh nào đó. “Quyền” trong bối cảnh này (potestas hay exousia) quy chiếu tới sự tự do chính đáng để hành động của người nắm quyền, quyền bính mà ngài được ban cho, chứ không phải ngài có quyền để áp đặt ý muốn của mình trên kẻ khác do vũ lực hay hăm dọa. Nhưng potestas theo nghĩa “quyền lợi” dễ dàng trở nên lẫn lộn với potestas theo nghĩa “sức mạnh”. Nhóm chữ potestas jurisdictionis seu regiminis đã trở thành tiêu chuẩn từ thời Trung cổ xa xưa để diễn tả khía cạnh cai quản của sự chăm sóc mục vụ trong GH. Không may hình ảnh tin mừng về người mục tử đã bị tập trung vào quyền tài thẩm.
 
Nói quyền tài thẩm của Giáo hoàng là “thông thường” không có nghĩa rằng nó có thể được sử dụng thông thường, thường xuyên, trên căn bản ngày qua ngày. Trái lại, nó đòi hỏi những trường hợp ngoại thường cho quyền bính “thông thường này” có hiệu lực. Nó đơn giản có nghĩa rằng quyền bính thuộc về người nắm giữ, trong trường hợp này là Giáo hoàng, ex officio, nghĩa là, như thiết yếu của chức vụ Giáo hoàng, chứ không phải nó được ủy cho ngài (chẳng hạn do một công đồng chung) hay được nhượng cho ngài (chẳng hạn, do sáng kiến của một Giám mục hay giáo hội địa phương nào đó). Nói rằng quyền tài thẩm của ngài là “tức thời” là nói rằng Giáo hoàng không bị buộc phải làm việc qua những quyền bính trung gian; đến với ngài là trực tiếp và sự can thiệp của ngài không cần phải thông qua Giám mục địa phương hay những quyền bính dân sự địa phương hay bất cứ quyền bính nào. Những “quyền” một cách nào đó có tính trừu tượng này bắt đầu có thể hiểu rõ hơn khi  người ta đọc phần còn lại của chương ấy và kiến tạo lại những loại tình huống được nhắm đến.
 
Chủ đề chính của đoạn đầu tiên trong chương 3 là “quyền sung mãn được ban cho ngài [Đức Giáo hoàng] nơi thánh Phêrô, do Đức Giêsu Kitô, để cai trị, săn sóc và điều hành giáo hội toàn cầu” (x. DS3059). Điều này có nghĩa Đức Giáo hoàng được trao ban một sự chăm sóc mục vụ phổ quát, một chức năng chăn dắt chung, mà cho đến giờ, vẫn còn mơ hồ và không rõ ràng một cách đáng kể, vì sự khoa trương của toàn văn kiện.
 
Đoạn hai của chương ba tiếp tục bằng cách nói rằng quyền tài thẩm là thông thường, tức thời, và “thực sự giám quản, Episcopal”. Việc thêm vào hạn từ “thực sự giám quản” khiến một số người nghĩ rằng thẩm quyền giám quản thực sự chỉ là của Đức Giáo hoàng, và như vậy các Giám mục chỉ những uỷ viên của ngài. Điều này không chút nào là ý hướng của lối diễn đạt này, như rõ ràng từ những công báo của Vatican I (acta of the first Vatican Council). “Thực sự giám quản” được bao gồm bởi vì một vài người “Gallicans” nghi ngờ để gọi thẩm quyền thông thường của Giáo hoàng là “tối thượng”, như đối nghịch với “thực sự giám quản”, do đó muốn giới hạn nó vào những trường hợp khẩn cấp và những trường hợp rất hiếm. Vatican I nhìn Giáo hoàng như một trung tâm có tính biểu tượng ngay cả khi không có gì đi sai trái cả. Đoạn ba của chương ba của Pastor aeternus tiếp tục một chủ đề được bàn đến trong lời tựa cho hiến chế, nói rằng “quyền này của Đức Giáo chủ tối cao không chút ngăn cản quyền thông thường và tức thời của quyền tài thẩm Giám mục nhờ đó từng Giám mục, được Thánh Thần và các Đấng kế vị các tông đồ, chăm sóc và cai quản như những mục tử đích thực từng đoàn chiên được ký thác cho ngài” (DS 3061).
 
Đoạn bốn (DS 3062) chống lại những ý kiến của “những người chủ trương rằng sự thông giao giữa Giáo hoàng và các Giám mục và các đàn chiên của họ có thể bị cản trở theo luật pháp; hay những người làm cho sự thông giao này lệ thuộc vào ý muốn của quyền lực trần thế, như vậy để chủ trương rằng bất cứ điều gì được Tòa Thánh thực hiện, hay do thẩm quyền của nó, đối với việc cai quản giáo hội, không thể có sức mạnh hay giá trị trừ phi nó được kiện cường do sự đồng ý của quyền lực trần tục.” Đằng sau bản văn này dĩ nhiên là ký ức về việc Hoàng Đế Napoleon Bonaparte hạ nhục Đức Piô VI và Pio VII.
 
Đoạn 5 và cuối cùng trong chương 3 về quyền tài thẩm của Giáo hoàng (DS 3063) nói rằng Giáo hoàng là tòa án kháng cáo cuối cùng cho các tín hữu. Đang khi không đề ra những giới hạn trong đó quyền tài thẩm của Giáo hoàng có thể thực thi trong bất kỳ chi tiết nào, những trường hợp được quy chiếu tới rõ ràng ấn định rằng mục đích của nó là giữ gìn những quyền lợi và đặc quyền của giáo hội địa phương và vị Giám mục của nó, đang khi cũng làm cho bất kỳ ai mà cảm thấy bị đối xử tệ do quyền lãnh đạo địa phương có thể nại đến một sự phán xử cao hơn.
 
Trong chương 4 và cuối cùng của pastores aeternus ta xác định rằng”tính bất khả ngộ mà nhơ đó Đấng Cứu Chuộc thần linh muốn giáo hội ngài được phú ban trong việc định tín một giáo lý liên quan đến đức tin và phong hóa” làm cho Giám mục Roma, trong một vài trường hợp, có thể định tín một giáo lý mà GH phổ quát phải giữ. Điều mà GH có như một sự phú ban thường hằng, thì Đấng Kế Vị Phêrô thỉnh thoảng có được điều đó, làm cho ngài có thể hành động như thế.
 
Ba công đồng mà bản văn trích dẫn (Constantinople IV [869-70], Lyons II [1274] và Florence [1438-39] không được những giáo hội khác tiếp nhận như những công đồng chung. Ghi nhận rằng vào năm 1974, để cử hành kỷ niệm Lyons II, Đức Phaolô VI cố gắng đặc biệt để quy chiếu tới công đồng đó như “những công đồng miền chung thứ sáu của Tây phương” quả là tốt đẹp. Sáng kiến đó có mở ra con đường cho các người Công giáo để nhìn Trentô và Vatican I là “những công đồng chung của Tây phương” hơn là những công đồng chung theo nghĩa đầy đủ của hạn từ hay không, và hiệu quả nào mà đã có về cấp bậc của những sắc lệnh trong các công đồng ấy, là một chuyện khác. Mặc dù điều thường được giả định trong việc liệt kê phổ thông của Công giáo Roma về những công đồng chung, thì không có một danh sách chính thức nào và hệ thống đếm số chỉ có từ thánh Robert Bellarmino.
 
Việc hoạt động của chức vụ mục vụ của Giáo hoàng được mô tả một cách chi tiết nào đó: “Các Giám mục của toàn thế giới, đôi khi một cách cá nhân, đôi khi được quy tụ trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã theo tập tục lâu đời của các giáo hội và hình thái của quy luật cổ xưa này bằng cách quy chiếu tới Tòa Thánh những tình trạng hiểm nguy, cách riêng những tình trạng mà nêu lên những vấn đề đức tin.” Bối cảnh của hành động do Đức Giáo hoàng như vậy luôn được nhìn liên quan đến việc ngài được tiếp cận do các Giám mục khác; những người này thấy mình không thể giải quyết sự bất hòa hay lạc giáo nào đó. Bản văn kết luận với lời xác quyết:
 
Khi Đức Giáo chủ Roma phán từ tòa (ex cathedra), nghĩa là, khi trong việc chu toàn chức vụ của mình như chủ chăn và thầy dạy của tất cả các Kitô hữu, và nhờ vào thẩm quyền tông truyền tối cao của mình, ngài xác định một giáo lý liên quan đến đức tin và phong hóa phải được toàn GH nắm giữ, thì qua sự nâng đỡ của TC được hứa cho ngài nơi thánh Phêrô ngài có được tính bất khả ngộ mà nhờ đó Đấng Cứu chuộc thần linh muốn GH được ban phát trong việc định tín một giáo lý liên quan đến đức tin và phong hóa; và vì thế những định tín như thế của giáo chủ Roma là không thể sửa đổi (irreformable) tự chúng, chứ không từ sự đồng ý của GH [ex sese non autem ex consensu Ecclesiae irreformabiles].
 
Xua tan những hiểu lầm về ý nghĩa của câu cuối cùng này quả là tốt đẹp. Ta không thể khiển trách độc giả nếu họ giả định rằng những lời này có nghĩa rằng các phán quyết của Giáo hoàng có thể được đưa ra độc lập với những Giám mục khác và GH, và những phán quyết như thế thì không bao giờ bỏ ngỏ để duyệt lại theo bất kỳ nghĩa nào. Nhiều nghiên cứu lịch sử dựa trên công báo (acta) của Vatican I xuất hiện trong những năm ngay trước Vatican II để công đồng 1962-65 có thể chính thức làm sáng tỏ hạn từ gây hiểu lầm bằng cách nói trong LG:
 
Những định tín của ngài [Đức Giáo hoàng] chính đáng được nói là không thể sửa đổi (irreformable) do chính bản tính của chúng, chứ không phải do sự đồng ý của của GH, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua thánh Phêrô nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo hoàng Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể GH; nơi ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính GH. (LG 25. Bản dịch tiếng Anh rõ nghĩa hơn; cần tham khảo bản dịch ấy).
 
Khi nói rằng những quyết định như thế thì “không thể sửa đổi” Vatican I không muốn nói rằng chúng không thể được cải thiện, làm sáng tỏ, trải rộng, khai triển hay đặt trong một viễn cảnh mới hầu theo một nghĩa chúng có thể được gọi là “hiệu đính”. Ý hướng là nói rằng sự vững chắc hay sự xác quyết của Giám mục đoàn hay công đồng là thừa. Hạn từ loại biệt về sự đồng ý của GH là một sự quy chiếu trực tiếp đến khoản thứ bốn của Gallican năm 1682, mà nói rằng phán quyết của Giáo hoàng trong những cuộc tranh cãi thần học là không thể sửa đổi chỉ khi được sự đồng ý tiếp theo (subsequent consent) của GH bảo vệ mà thôi (nec tamen irreformabile esse judicium nisi Ecclesiae consensus acceserit). Một số độc giả của những văn kiện của Vatican I dịch sai hạn từ consensus như thể nó có nghĩa là tham khảo trước, như thể Giáo hoàng có thể đạt đến những kết luận mà không cần tham khảo trước của GH. Thực vậy sự tham khảo trước được giả định. Điều bị loại bỏ do hạn từ consensus đúng hơn là ý tưởng về sự phê chuẩn tiếp theo. Chính bởi vì một phán quyết bất khả ngộ của Giáo hoàng diễn đạt lưu loát consensus Ecclesiae theo nghĩa thật sự và sâu xa rằng nó không cần đến consensus Ecclesiae chỉ theo nghĩa pháp lý hay mô thể mà thôi.
 
Nhiều câu hỏi vẫn còn đấy. Chấp nhận rằng Giáo hoàng thỉnh thoảng có thể được mời gọi để làm một phán quyết có tính ngôn sứ như thế thì không phải là biệt loại hóa những hoàn cảnh mà trong đó nó xẩy ra. Nó cũng không nói rằng một công đồng chung cũng không tốt đẹp làm một phán quyết như thế. (Thực thế, trên bình diện lịch sử, các công đồng đã cứ sự (de facto) là phương thế của những minh định tín lý cần thiết để làm nguôi những cuộc tranh cãi về ba ngôi và Kitô học).
 
Thật sự rằng Vatican II lập lại nhiều ngôn ngữ và xác quyết của Vatican I và dường như có ít nhuận sắc hơn về một vấn đề vốn gây ra nhiều tranh cãi giữa các giáo hội kitô hữu khác từ năm 1870. Nhưng theo cách thức mà Vatican II quân bình những đặc quyền của Giáo hoàng với một xác quyết đầy đủ hơn về những trách nhiệm của Giám mục đoàn, và theo cách thức công đồng mô tả sensus fidelium của toàn dân Chúa, có một phong trào nào đó hướng đến sự tinh lọc giáo lý trứơc kia.
 
Alois Grillmeier bình giải về đoạn văn then chốt trong LG 25 bằng cách ghi nhận rằng: “Trong tâm trí của các tín hữu, cũng như trong tâm trí của huấn quyền, tặng phẩm bất khả ngộ đã được tập trung một chiều trên chức vụ, và ngay cả trên tính tối thượng của Giáo hoàng mà đã được xét cách tách biệt khỏi chức Giám mục xét như một toàn thể. Điều này chỉ có thể dẫn tới thụ động và dửng dưng đối với trách nhiệm trước lời Chúa.”
 
Nói rằng consensus của toàn dân Chúa thì bất khả ngộ không giải quyết những câu hỏi phức tạp kéo theo đó. Làm thế nào chân lý mặc nhiên hiện diện trong tâm trí hay truyền thống của tín hữu thực sự được khám phá đây? Có đủ rằng giáo dân khắp thế giới đã chấp nhận rồi một giáo lý đặc thù là thật mà không được xem xét nghiêm chỉnh không? Chẳng hạn, ba mươi năm trước, phần đa các kitô hữu tin rằng những trẻ không được rửa tội sẽ đi vào lâm-bô, và họ tin việc ngừa thai nhân tạo trong hôn nhân là xấu nội khởi. Ngày nay ít người tin những giáo lý này. Có phải rằng, được đặt trong một viễn cảnh mới, chân lý mà những giáo lý này diễn tả bây giờ có thể được nói đến tốt hơn bằng cách từ chối chúng không? Nếu là thế, đức tin của chúng ta vào sensus fidei là không thể bị lừa và không lừa đảo trong dân Chúa phải bao gồm những thay đổi hướng chiều tận căn.
 
Viễn cảnh đệ nhất mà trong đó tính tối thượng tông truyền nơi thánh Phêrô được nhắm và được trình bày tại Vatican I là viễn cảnh của Giáo hoàng là “nguyên lý vĩnh cửu của sự hiệp nhất lưỡng diện này [đức tin và sự hiệp thông] và là nền tảng hữu hình của nó.” Sự mô tả này được lập lại trong LG 23. Nhưng tính tối thượng này của Giáo hoàng dành chỗ cho một nguyên lý hiệp nhất vốn là khác hơn “vĩnh viễn” (chẳng hạn Thánh Thể thường xuyên được lập lại nhưng không phải là một cử hành tiếp nối), và nó dành chỗ cho một nền tảng vô hình của sự hiệp nhất này, tức là, sự hiện diện của Thánh Thần hoạt động trong GH. Quyền Giáo hoàng không phải là nguyên lý độc nhất, hay thậm chí là nguyên lý quan trọng nhất và nền tảng nhất, của sự hiệp nhất đức tin và sự hiệp thông.
 
Viên đá chướng ngại thật sự cho sự hiệp nhất của Công giáo Roma và các giáo hội khác ít nằm ở sự diễn đạt thực sự trên lời nói của những giáo lý của Roma trong hai công đồng chung vừa qua, nhưng nhiều hơn ở trong việc thực thi thực sự hay cứ sự (de facto) của những chức năng Giáo hoàng, được đánh dấu như đôi khi chúng là thế bằng một khuynh hướng Roma hóa quá độ, bằng một tiến trình chọn lựa đôi khi khắc nghiệt đối với việc chỉ định Giám mục và bằng một sự tách biệt khỏi những xác tín của các tín hữu và thậm chí hơn nữa khỏi những trực giác của những vị thánh và học giả của những Kitô hữu không phải công giáo. Tôi đồng ý với phán đoán của nhà thần học và sử gia giáo hội nổi tiếng từ Viện Đông phương Giáo hoàng ở Roma, Wilhelm de Vries, rằng Vatican II thiếu sự kiên quyết để diễn đạt lại trong một cách thức thỏa đáng hơn nhiều lối diễn tả tăm tối của Vatican I quả là đáng buồn. Chẳng hạn, Vatican I không chỉ ra những giới hạn của tính tối thượng của Giáo hoàng, và vì thế người ta có thể kết luận rằng không có giới hạn nào. Tuy nhiên, rõ ràng, plenitudo potestatis có những giới hạn theo ý của chính Đức Giêsu khi thành lập GH. Có lẽ sự kiện rằng Vatican II không cho những quan sát viên không-công giáo lên tiếng nêu những vấn nạn ra trước công đồng có nghĩa rằng sự minh định không thể đến từ bối cảnh đó, nhưng có thể đến một cách trước tiên chỉ từ những xác quyết đồng thuận hai chiều mà thôi.