Tuesday, 07 January 2020 06:38

Sự Phát Triển Của Giáo Hội Học: Từ Thời Mới Cho Đến Thế Kỷ XX Featured

Tác giả: Michael J.Himes

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

 

Suốt 400 năm từ khi kết thúc công đồng Trentô cho đến khởi đầu Công đồng Vat. II GH trở thành một câu hỏi cho chính mình. Ta có thể thấy chiều kích của sự thay đổi này khi xem xét và thấy rằng những bản văn thời trung cổ từ đó các sinh viên học thần học – cuốn Libri Sententiarum của Peter Lombard và cuốn Summa Theologiae – đã không có phần riêng nào  dành cho GH; còn bây giờ ta không thể tưởng rằng mình có thể học thần học hệ thống mà không có môn GH học. Để tiện, những thế kỷ này có thể chia thành bốn thời kỳ: (1) Chống Cải cách (1563-50), (2) thời mới khởi đầu (1650-1800), (3) thế kỷ XIX và (4) thời kỳ từ Vatican I tới Vatican II (1870-1960). Trong hai phần đầu GH học tiên vàn quan tâm đến những câu hỏi về GH là xã hội có tổ chức và tương quan của GH với chính quyền dân sự. Khởi đầu thế kỷ XIX trồi hiện lên GH học hệ thống, nghĩa là, một GH học được coi là những sự nối kết giữa GH và những lãnh vực tín lý then chốt của đức tin kitô giáo, chẳng hạn, như Ba Ngôi, nhập thể, Thánh Thần, tạo dựng, ân sủng, cánh chung học... 

I. THỜI CHỐNG CẢI CÁCH (1563-1650)
 
Ba yếu tố quan trọng đặc biệt trong việc nắn đúc nên khoa GH học công giáo trong thời kỳ này là (1) những cuộc luận chiến chống Cải cách, (2) phương pháp và tri thức luận thần học kinh viện,  và (3) sự xuất hiện nhà nước thống nhất.

Ngày nay nhiều sử gia thích dùng từ ngữ “Cải cách công giáo” hơn là “Chống cải cách” để nhấn mạnh việc tổ chức và sinh động lại GH công giáo trong thế kỷ sau công đồng Trentô. Nhưng đang khi thật đúng khi nói rằng thời kỳ này chứng kiến một sự bùng vỡ phi thường năng lực trong việc phúc âm hóa, rao giảng, phụng vụ, thần học, lối thiêng cho người bình dân, và đời sống sùng mộ, nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc, thì cũng đúng là không thể chối cãi rằng “Chống Cải cách” chiếm lấy một khía cạnh quan trọng của thời kỳ này. Bởi lẽ sự tái sinh này của Công giáo có góc cạnh luận chiến. Nó luôn được kinh nghiệm và hiểu đối kháng lại với phía bên kia. Khi công đồng Trentô khai mạc năm 1545, GH công giáo đã mất miền này tới miền khác cho nhóm Cải cách dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt 30 năm. Khoảng năm 1600, Công giáo không chỉ ngừng cuộc tiến đều đặn của phái Tin lành bên Âu châu, nhưng đã thực sự cuốn nó lại bên Đức, Pháp và Ba Lan và đã bắt đầu nhìn thấy những hoa trái của những nỗ lực truyền giáo mới bên Á châu và Mỹ châu. Sức sinh động của Chống Cải cách và niềm vui tự tín của thời Baroque được đánh dấu bằng cái cảm thức rằng thời này đã đáp ứng được một mối de dọa lớn và nay họ đã sống sót.

Chiều kích luận chiến của nền thần học Chống Cải cách nắn đúc sự hiểu biết của thời kỳ này về GH. Công đồng Trentô (1545-63) có ba mục tiêu: cải cách, sửa sai và minh định. Từ thời Trung cổ, người ta đã nhiều lần lập lại lời kêu gọi làm cho đời sống kitô hữu tinh ròng hơn và đồng lúc kêu gọi cải cách phương diện cơ cấu của GH; song lời kêu gọi này trở thành khẩn cấp để đáp lại những lời chỉ trích của anh em cải cách. Các nghị phụ của công đồng Trentô cho rằng những người Cải cách đặt nền những khoa thần học của họ trên những học thuyết sai lạc và những bản văn KT giả hiệu; công đồng khởi sự trình bày, sửa sai, và chống lại những sai lầm này, đặc biệt của Luther và Zwingli; Luther chết khi công đồng bắt đầu, còn Zwingli chết 14 năm trước phiên họp thứ nhất. Nhưng phái Cải cách đã được một thế hệ trước khi Công đồng Trentô triệu tập; cuối cùng, công đồng nhóm họp khóa đầu tiên 28 năm sau khi Luther niêm yết 95 luận đề của mình. Các vị mục tử và cộng đoàn công giáo bị hoang mang bối rối trước GH giảng dạy gì, cho phép gì, cấm đoán gì. Công đồng cần phải minh định điều gì thuộc học thuyết công giáo trước những câu hỏi đang được tranh luận liên quan đến ân sủng và ơn cứu độ, Kinh thánh và tín lý, GH và các bí tích. Công đồng Trentô thành công cách đáng kể trong việc hoàn thành ba mục tiêu này – cải cách, sửa sai và minh định.

Nhưng những mục tiêu được minh định rõ ràng này muốn nói rằng Trentô có một chương trình nghị sự hạn hẹp về phương diện tín lý; một cách kỳ quặc, chương trình này lại do những người Cải cách đặt ra. Công đồng chỉ bàn đến những vấn đề tín lý theo đó công đồng hiểu những người Cải cách khác với truyền thống Công giáo. Đang khi đó, công đồng im lặng về những giáo lý (tín lý) vốn không có chi bất đồng, chẳng hạn như Ba Ngôi hay nhập thể. Điều này xác định giọng điệu cho nền thần học có tính chất tranh cãi và biện giáo của thời hậu Trentô. Các thần học gia nhấn mạnh những khác biệt giữa người công giáo và Tin lành và giữa những mối thông hiệp của những người tin lành khác nhau. Đối với khoa GH học công giáo, điều này có nghĩa rằng điều phải dạy về GH là điều mà nhóm cải cách chối bỏ hay coi nhẹ: tính khả giác.

Những thần học gia công giáo chống cải cách hiểu học thuyết của Luther về GH rằng GH chân thật phải là vô hình, nghĩa là, chỉ một mình TC biết ai thuộc về GH. Khoản 7 của tài liệu Augsburg Confession (1530) định nghĩa GH là cộng đoàn của các thánh. Khoản 8 giải thích rằng GH gồm có các thánh và những tín hữu chân thật. Luther đã lưu ý “GH thì ẩn dấu, còn các thánh thì không ai biết.” Thỉnh thoảng ông nhấn mạnh lời TC là thẩm quyền độc nhất trong GH khi khước từ giáo luật và quyền bính phẩm trật, nhất là quyền bính của Giáo hoàng và Giám mục. Đọc cách không thiện cảm, những xác quyết như thế dường như dẫn đến kết luận rằng từ ngữ GH có hai ý nghĩa khác nhau: một, GH chân thật được TC biết đến và được mạc khải vào thời chung thẩm, và thứ đến, cơ chế trần thế mà việc thuộc nó có thể hay không trùng hợp với GH chân thật. Ngay cả khi đọc những xác quyết trên với sự thiện cảm chăng nữa, thì vẫn đúng là sự hiểu biết của Luther về GH dành rất ít chỗ cho một cơ chế thực thi quyền bính của mình và theo đuổi mục đích của mình đôi khi liên hợp, đôi khi mâu thuẫn với những cộng đoàn cơ chế khác. Các học giả công giáo kết luận rằng học thuyết của Luther về GH dạy rằng cộng đoàn hữu hình trên trần của những người rửa tội không phải là GH chân thật nhưng chỉ là một phương thế hữu ích nhờ đó người ta có thể gia nhập GH chân thật của những kẻ được tuyển chọn và công chính hóa. Ta không mấy ngạc nhiên trong bối cảnh bút chiến của nền thần học hậu-cải cách, nhiều khoa GH học công giáo trong nhiều thập niên sau Công đồng Trentô nhấn mạnh rằng GH chân thật và độc nhất là một cơ chế hữu hình, một societas perfecta; nghĩa là, một xã hội có nơi mình tất cả các phương thế cần thiết để đạt tới những cùng đích của mình.

Ta thấy rõ nét nhấn mạnh này trong câu định nghĩa hậu Trentô về GH của Robert Bellarminô (1542-1621): GH là “một cộng đồng gồm những con người được hiệp nhất vì tuyên xưng cùng một đức tin và hiệp thông trong cùng các bí tích dưới sự cai quản của những mục tử hợp pháp và nhất là của một vị đại diện của Chúa Kitô trên trần gian, Đức Giáo chủ Roma.” Định nghĩa này vẫn được trích dẫn trong những thủ bản thần học mãi cho đến thế chiến thứ I. Định nghĩa nổi bật do cả điều nó bao gồm lẫn điều nó bỏ qua. Trước tiên, GH là một “cộng đoàn gồm những con người” mà không giới hạn (nói gì) về đặc tính của những người này cả. GH không phải là một cộng đoàn của các thánh; Bellarminô ghi nhận rằng GH gồm cả tội nhân, lạc giáo và de facto những người vô tín (mặc dù ngài nói thêm những người như thế không phải là những chi thể cách tròn đầy). Thứ đến, vượt xa khỏi việc chỉ mình TC biết đến, ta có thể nhận biết những chi thể đó nhờ sự hiệp nhất của họ, không phải nhờ vào đức tin nhưng nhờ tuyên xưng một đức tin, không phải nhờ tin vào các bí tích nhưng nhờ thông hiệp vào các bí tích. Bellarminô tinh tế nhận xét rằng chỉ mình TC có thể biết người ta tin gì, nhưng người khác có thể biết họ tuyên xưng gì; chỉ mình TC biết người ta có thật sự tin vào bí tích rửa tội hoặc Thánh Thể hay không, nhưng tên của họ ghi trong sổ rửa tội hoặc họ có mặt trong thánh lễ là mối dây hiệp nhất vốn là những vấn đề có thể chạm vào tri thức giác quan chúng ta. Thứ ba, những phần tử này của GH được những chủ chăn hợp pháp cai quản, nghĩa là, chủ chăn được chỉ định do tiến trình thuộc cơ cấu chứ không do sự phân định thông thường của các đặc sủng, và những người được cắt đặt theo phẩm trật, ít nhất nơi điều Đức Giáo chủ Roma là đại diện của Chúa Kitô. Vì Bellarminô dứt khoát với tính chất cơ chế của GH đến nỗi ngài không ngần ngại thêm rằng GH là “hữu hình và sờ mó được như cộng đồng dân Roma hay vương quốc Pháp hay nền cộng hòa Venice.” Bellarminô là một thần học gia dư sắc bén để biết định nghĩa của mình có giới hạn. Ngài nhận ra định nghĩa ấy xác định GH từ bên ngoài và bỏ đi những đặc tính nội tại thâm sâu nhất. Do đó, ngay sau định nghĩa ấy, ngài phân biệt giữa linh hồn và thân xác của GH; ngài ghi nhận rằng người ta có thể thuộc về thân xác nhưng không thuộc về linh hồn vốn là ân sủng của Thánh Thần. Tuy nhiên, định nghĩa có ảnh hưởng của ngài chuẩn y việc miêu tả GH bằng những hạn từ vốn cốt yếu thuộc về khả giác, hệ thống và thể chế và, khi làm như thế, nó hoàn toàn am hợp với công thức thần học mang tính chất bút chiến của Công giáo chống Cải cách.

Đường lối theo đó người ta dạy và viết thần học tăng cường sự nhấn mạnh đến GH như một xã hội khả giác và thể chế. Thế kỷ sau công đồng Trentô chứng kiến sự phát triển phi thường của thần học thực nghiệm hay, như đôi khi người ta gọi, thần học lịch sử. Trách vụ liên tục đẩy tới đẩy lui giữa Tin lành và Công giáo là trách vụ đổi mới. Cả hai bên đồng ý rằng mọi sự cần thiết cho ơn cứu độ đã được Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ rồi. Như vậy, thêm bất kỳ điều gì vào kho đức tin (deposit of faith) chỉ có thể là hủy hoại hay bóp méo. Là một người sáng tạo (đổi mới) thì tương tự một kẻ lạc giáo. Khởi đầu với Babylonian Captivity of the Church (1520) của Luther, thệ phản buộc tội rằng GH đã bị thối nát do những tín điều mới và những thực hành trong thời Trung cổ; tất cả đều nhằm giúp cho phẩm trật, nhất là Giáo hoàng, tự phụ mà thôi. Những người cải cách mời gọi GH gột bỏ những thứ bồi đắp thời Trung cổ và trở về lại với tình trạng tinh ròng như Chúa Kitô thiết lập. GH công giáo trả lời rằng từ thời tông đồ [đến giờ] tín lý và tổ chức của GH không thay đổi gì; chính anh chị em cải cách mới đem vào những mới lạ. Đối nghịch với nguyên tắc sola scriptura của phái Cải cách, truyền thống công giáo nhấn mạnh cả KT lẫn truyền thống là nguồn mạch của mạc khải. Thần học thực nghiệm hay lịch sử của phái Chống Cải cách có trách vụ minh chứng từ KT hay các tài liệu của giáo phụ và giáo hội rằng GH như đang hiện có trong thế kỷ XVI thì đồng nhất với GH của thế kỷ thứ nhất. Được trang bị bằng những dụng cụ là óc phê bình được những người theo chủ thuyết nhân bản mài giũa để khám phá những bản văn cổ xưa, các học giả công giáo và tin lành của thế kỷ XVI và XVII chăm chỉ nghiên cứu chú giải KT, giáo phụ, lịch sử GH và lịch sử  giáo luật.

Thần học thực nghiệm mang lại sự trợ giúp có tính chất lịch sử và tài liệu cho GH để dạy dỗ. Nó cũng mang đến chất liệu để thần học suy lý làm việc và tổ chức tiếp theo. Thế kỷ XVI chứng kiến nền kinh viện được tu chính, được tinh luyện khỏi những thái quá của thời kỳ suy đồi của nó trong thế kỷ trước. Các thần học gia tự tin cho rằng mình sử dụng đúng đắn sự hài hòa cốt yếu giữa mạc khải thần linh và lý trí con người. Sự rõ ràng, suy xét và nhận thức đúng đắn, và có tổ chức là những nét của nền thần học này. Việc kinh viện được phục hồi liên kết với sự trồi hiện của một nền thần học thực nghiệm nhằm mục tiêu tranh cãi tạo thành một khoa GH học quan tâm hàng đầu đến những hình thức hữu hình trong một xã hội phẩm trật (cơ cấu).

Sự sắp xếp để bàn về GH trong thần học – vị trí của GH học trong hệ thống thần học – đẩy khoa GH học có tính cách cơ cấu này đi xa hơn nữa. Mãi đến đầu thế kỷ XVI, bản văn tiêu chuẩn cho sinh viên thần học là Sentences của Peter Lombard. Trong các học viện của dòng Đaminh Summa Theologiae của thánh Toma đã là bản văn căn bản; dần dần trong những năm trước và suốt công đồng Trentô cuốn Summa cũng bắt đầu được dùng trong những trường khác, nhất là trong các trường dòng Tên. Trung tâm ảnh hưởng nhất và sáng tạo nhất của nền thần học Thomist vào thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII là ở tại Salamanca. Mặc dầu cuốn Summa Theologiae không có một tiểu luận về GH, thì thói quen là thảo luận một vài vấn đề về GH khi bình giải ST II-II, q.1, a. 10, về việc Đức Giáo hoàng có thẩm quyền thảo ra một biểu mẫu đức tin hay không. Khởi đầu năm 1562 ở Roma, Francisco de Toledo tu sĩ dòng Tên (1532-96), sinh viên và giáo sư ở Salamanca trước kia, bàn đến những vấn nạn về quyền bính GH và nhất là quyền của các Giáo hoàng và công đồng trong mối tương quan với đoạn văn trên của cuốn Summa. Những người khác, như học trò của ngài là Robert Bellarminô, tiếp tục làm như thế. Thật vậy, Domingo Banez, tu sĩ dòng Đaminh (1528-1604) soạn thảo một luận đề về GH từ chính bản văn đó. Nhưng định vị học thuyết về GH học trong tương quan với đoạn sách Summa về thẩm quyền Giáo hoàng trên công thức đức tin tất yếu hạn hẹp  lãnh vực của câu hỏi ta đang tra xét. Bối cảnh của cuộc thảo luận nhằm giới hạn GH học vào những vấn đề của quyền bính cơ cấu và những đặc quyền  của những cơ quan huấn quyền.

Trong thế kỷ theo sau công đồng Trentô, quốc gia được thống nhất thay thế những nền quân chủ phong kiến. Bên Tây ban Nha, Pháp và Anh quyền bính chính trị trở thành trung ương tập quyền trong nền quân chủ vốn cai trị qua việc luôn gia tăng các văn phòng. Điều này có nghĩa là một sự chuyển giao quyền lực từ chế độ quý tộc phong kiến mang tính độc lập trong những vấn đề địa phương nhưng lại lệ thuộc trong vấn đề đối ngoại vốn cai quản tài sản  (điền trang) của mình sang những người đầy tớ trong hoàng cung hoạt động nhân danh nền quân chủ. Những nhà nước tập quyền mới này không còn là những chắp vá của những miền đất chồng chéo nhau nhưng là những cộng đồng quốc gia được thống nhất và được nhập thể nơi con người của những ông vua. Ta không ngạc nhiên gì, sự phát triển này được sóng đôi trong GH. GH thường được hiểu là một xã hội do loại suy đối với  những hình thái thống trị của tổ chức xã hội trong thế giới chung quanh. Giống như  GH hậu Constantinô đã vay mượn và thích ứng những nét của lối tổ chức đế chế và GH Trung cổ đã tháp nhập những yếu tố của xã hội phong kiến, thì nay GH của thế kỷ XVI và XVII hiểu chính mình như một cộng đoàn được duy nhất và biểu lộ nơi vị Giáo hoàng, người cai trị GH qua những thừa ủy viên địa phương [của mình] là các Giám mục. Chẳng hạn, trong định nghĩa của Bellarminô về GH ta lưu ý rằng ngài dành tước vị “đại diện Chúa Kitô” (“vicar of Christ”) cho Giáo chủ Roma. Năm mươi năm trước trong những cuộc tranh cãi tại Trentô tước hiệu đó được gán cho mỗi Giám mục trong địa phận của ngài. Tuy nhiên, giống như thứ quý tộc phong kiến và những lợi ích địa phương chống lại trung ương tập quyền của nhà nước, thì sự trung ương tập quyền của GH vào Đức Giáo chủ Roma không thể không bị thách đố.
 
II. KHỞI ĐẦU THỜI MỚI (1650-1800)
 
Phái Chống Cải cách nhấn mạnh đến GH là một xã hội hữu hình như “cộng đồng của dân Roma hay vương quốc Pháp hay nền cộng hòa Venice” tất yếu gây nên một câu hỏi cổ xưa với một chìa khóa mới: đâu là mối liên hệ của xã hội này với vương quốc Pháp hay nền cộng hòa Venice? Đồng thời, thời hậu công đồng Trentô nhấn mạnh về GH như một xã hội có tổ chức phẩm trật dưới quyền những vị mục tử hợp pháp tạo nên một câu hỏi cũ khác nữa theo một cách thức mới: Quyền lợi và trách nhiệm của những mục tử này được xếp đặt như thế nào? Ấn tượng văn hóa và chính trị về sự tăng trưởng của những quốc gia bên Tây Âu cung cấp một bối cảnh trong đó người ta có thể đáp lại bằng hai cách: người ta có thể hiểu GH như là một xã hội trung ương tập quyền cao độ có thẩm quyền được đặt trước tiên vào quyền Giáo hoàng được mô phỏng theo những nền quân chủ tuyệt đối của thời kỳ đó, hay người ta có thể hiểu GH như được quyết định bởi những ranh giới quốc gia và do đó nhấn mạnh vai trò của những phẩm trật quốc gia. Do đó, trong thời kỳ từ nền hòa bình của Westphalia kết thúc cuộc chiến 30 năm (1618-48), cuộc chiến dai dẳng và tệ hại nhất trong các cuộc chiến tôn giáo sau thời Cải cách, tới cuối thế kỷ XVIII khi cuộc Cách mạng Pháp và những cuộc chiến tranh của Napoleon thay đổi tận căn Âu châu về phương diện chính trị và xã hội, cuộc bàn cãi về GH học tập trung vào (1) những vấn đề xoắn chặt với nhau về chính thể của GH (thí dụ, chủ thuyết Gallicanism về “Giám mục”) và những mối tương quan GH-nhà nước (thí dụ, chủ thuyết Galicanism mang tính “hoàng vương”). Ngoài nước Pháp, thí dụ điển hình nhất của trường hợp trước là (2) thuyết Febronianism và của trường hợp sau là (3) thuyết Josephinism.

Chủ thuyết “Gallicanism” là một hiện tượng phức tạp có những gốc rễ lòng thòng. Lời tuyên cáo GH Pháp hơn kém tự do khỏi quyền bính Giáo hoàng bởi vì những đặc ân gắn liền với mão triều của Pháp đã được xác định theo nhiều mức độ mạnh mẽ khác nhau từ thời Trung cổ. Vào thời ly giáo phương Tây, chủ thuyết đã nhấn mạnh hơn khi nối kết với những chủ thuyết công đồng. Jean Gerson (1363-1429), Pierre d’Ailly (1350-1420), và sau này Jacques Almain (1480-1515) và John Major (1470-1550) bảo vệ lập trường rằng quyền bính trước tiên thuộc về các tín hữu xét như toàn thể và quyền bính đó được rút ra cho Giáo hoàng vì một vài mục đích. Đầu thế kỷ XVII Jean Launoy (1603-78) chỉ trích Robert Bellarminô vì đã làm cho chức vụ Giáo hoàng thành một yếu tố trong định nghĩa về GH và gán tước hiệu “đại diện Chúa Kitô” chỉ cho Giáo hoàng mà thôi. Paolo Sarpi (1552-1623) và Marco Antonio de Dominis (1566-1624) tấn công rằng tập quyền vào Giáo hoàng là một chướng ngại cho cuộc hòa giải với Tin lành. Pierre Pithou (1539-96), Edmond Richer (1560-1631), và Pierre de Marca (1594-1662) hình thành những biện hộ cho những tuyên ngôn của Gallican. Đồng thời khi chủ thuyết Gallicanism về chức giám mục hình thành, những biện pháp thực tiễn của thuyết Gallicanism hoàng vương tìm cách giới hạn quyền lực của Tòa thánh ở GH pháp. Sự Tưởng thưởng Thực tiễn của Bourges [The Pragmatic Sanction of Bourges] (1438) trong đó giới giáo sĩ Pháp xác quyết rằng tài sản của GH Pháp và việc bổ nhiệm giám mục vào các tòa tại Pháp không lệ thuộc quyền tài thẩm của Giáo hoàng, đã bị thay thế bởi hiệp định có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Bologna (1516). Hiệp định này thừa nhận hoàng triều Pháp có quyền mặc nhiên chỉ định tất cả các Giám mục và tu viện trưởng. Bởi vì những sắc lệnh của công đồng Trentô mâu thuẫn với những điều khoản của hiệp định, nền quân chủ Pháp không cho phép xuất bản những sắc lệnh đó tại Pháp. Hồng y Richelieu (1585-1642) nhận thấy rằng “những đặc quyền Gallican” vừa nâng đỡ cách hữu ích trên phương diện lý thuyết kế hoạch tập trung quyền bính của mình trong thể chế quân chủ và vừa là một khí giới hữu ích mà ông dùng để uy hiếp Tòa thánh phải theo chính sách ngoại giao chống Hapsburg của ông. Vào lúc kết thúc sự nghiệp của mình, ông đề xuất ý tưởng về việc thành lập một tòa Thượng phụ tại Pháp, tương đương quyền bính với các tòa thượng phụ bên Đông, điều sẽ làm cho GH Pháp mặc nhiên độc lập khỏi GH Roma.  Sau này Lui XIV (1638-1715) đẩy mạnh hoặc nuốt trôi những tuyên ngôn Gallican cho phù hợp theo những liên hệ của ông với giáo triều. Vào năm 1663 ban giáo sư trường Sorbonne, với sự thúc đẩy của hoàng triều, phát hành một tuyên ngôn xác định hoàng triều thoát khỏi quyền bính Giáo hoàng, minh xác các công đồng đại kết vượt trên quyền Giáo hoàng, và phủ nhận Giáo hoàng bất khả ngộ.

Lối trình bày đơn giản nhất về những tuyên bố của Gallican là bốn khoản Gallican được Jacques Benigne Bossuet soạn ra (1627-1704) và được cộng đồng giáo sĩ Pháp chấp nhận năm 1682. Những khoản này chủ trương rằng Giáo hoàng không có quyền gì trên những vấn đề vật chất và do đó, vua chúa không lệ thuộc vào quyền bính GH trong những vấn đề như thế; rằng Giáo hoàng không có quyền truất phế một quốc vương cũng không thể miễn cho những kẻ thuộc quyền của mình khỏi tùng phục nhà vua; rằng công đồng chung thì trên quyền Giáo hoàng; rằng những đặc quyền truyền thống của Gallican thì bất khả xâm phạm; rằng những sắc lệnh của Giáo hoàng chỉ có thể thay đổi mãi tới khi được công đồng chung châu phê. Cả hai chủ thuyết Gallicanism – hoàng triều, nghĩa là, xác định nhà vua độc lập khỏi thẩm quyền GH, nhất là quyền Giáo hoàng, và Giám mục, nghĩa là xác quyết những quyền lợi cá nhân Giám mục và phẩm trật quốc gia vượt trên sự trung ương tập quyền Roma – được gom lại trong những Điều khoản đó và kiện cường nhau. Dù rằng rốt cục bị Roma kết án năm 1690 và bị Lui XIV thu hồi năm 1693, người ta vẫn tiếp tục dạy rộng rãi những điều khoản Gallican trong các trường và chủng viện Pháp suốt thế kỷ XVIII và, được dạy ở Mỹ nhờ những giáo sư chủng viện được đào tạo bên pháp trong thế kỷ XIX.

Chủ thuyết Gallicanism Giám mục được diễn tả rõ nhất trong phong trào mà ta biết đến là thuyết Febronianism trong thế kỷ XVIII nơi những vùng nói tiếng Đức. Từ ngữ (Febronianism) xuất phát từ Justinus Febronius, biệt hiệu của Johann Nioklaus von Hontheim (1701-90), Giám mục phó của Trier. Năm 1763 ông phát hành một luận đề về mối liên hệ giữa các Giám mục địa phương và Giáo triều. Thực thế, nhiều Tổng Giám mục bên Đức và Áo chấp nhận quan điểm của ông. Theo những nhà giáo luật phái Gallican mà ông đã theo học bên Bỉ, Hontheim chủ trương rằng Chúa Kitô đã giao quyền cầm chìa khóa cho toàn GH, mặc dầu đôi khi cá nhân các Giám mục thực thi quyền đó nhưng nhất là, khi quy tụ lại ở công đồng chung. Quyền tối thượng của Giáo hoàng hoàn toàn là một quyền tối thượng danh dự thôi. Giáo hoàng đóng vai trò người điều phối tìm kiếm bình an và hài hòa trong GH phổ quát. Bất kỳ chỉ thị nào của Giáo hoàng đều cần phải được Giám mục, hoặc cá nhân hay tại công đồng, phê chuẩn để nên hiệu lực. Giáo hoàng không có thầm quyền bổ nhiệm hay thậm chí xác định các giám mục và chắc chắn không thể truất phế họ, cũng như không thể chỉ định những nhân viên địa phận trừ ra ở Roma. Hontheim đề xướng một chương trình hành động nhờ đó các Giám mục Đức có thể buộc Roma nhìn nhận  điều mà ông nghĩ là trật tự đúng đắn của GH: những Giám mục nên từ khước châu phê những tuyên bố chính thức của Giáo hoàng, triệu tập những hội nghị địa phương theo thẩm quyền của mình, và cộng tác với các vua chúa trần thế để cải cách GH địa phương. Trong một phiên họp năm 1786 tại Bad Ems những đại biểu của những tòa Giám mục lớn của Đức phát hành một tuyên ngôn gồm 23 khoản, (the Punctation of Ems), cốt yếu “nhập thể” chương trình của Febronian, và mời gọi hoàng đế triệu tập một công đồng gồm tất cả Giám mục Đức. Sáng kiến của Ems không thành công bởi vì các Giám mục địa phương không muốn đổi chác thẩm quyền Giáo hoàng ở xa để lấy thẩm quyền của một Tổng Giám mục xung quanh. Nhưng người ta tiếp tục dạy những nét chính của khoa GH học theo Febronian trong những miền khác nhau của vùng nói tiếng Đức trong thế kỷ XIX.

Nỗ lực đáng kể nhất trong việc thực thi chủ thuyết Gallicanism hoàng triều một cách có hệ thống là chủ thuyết Josephinism, theo tên của Hoàng đế Joseph II (1741-90). Là một kẻ chuyên quyền sáng suốt, nổi bật nhờ những giá trị và quan điểm của thời Aufklarung, Joseph khởi xướng việc cải cách và làm cho nước Áo nên hiện đại năm 1780 khi mẹ ông, bà Maria Têrêsa, chết; điều đó khiến ông thành người cai trị độc nhất. Nhất quyết không cho phép GH xen vào những thay đổi giáo dục, cổ xúy sự khoan dung tôn giáo, và nới lỏng quyền kiểm duyệt, ông áp dụng một nguyên tắc hành động là GH và những người của GH phải tòng thuộc thẩm quyền dân sự trong mọi vấn đề vốn không trực tiếp ảnh hưởng giáo lý. Cải cách phụng vụ, kỷ luật của hàng giáo sĩ,  quy luật của GH về trường học, vẽ lại ranh giới địa phận và giáo xứ, tất tất không phải là những vấn đề giáo thuyết chuyên biệt, và như thế, phải được nhà nước điều khiển. Mặc dù người em là Leopold II (1747-92) lên kế vị Joseph đạt được một thỏa hiệp với Roma và chính thức bãi bỏ nhiều luật do Joseph lập, thì Leopold, trước kia là Bá tước miền Tuscany, đã đem chương trình của anh mình đến thành công hoàn toàn. Scipione de Ricci (1741-1810), được Leopold chỉ định làm Giám mục Pistoia, chủ tọa một hội nghị năm 1786; hội nghị đó chính thức thừa nhận những điều khoản Gallican năm 1682 và nhiều quan điểm được Hontheim trình bày chi tiết.

Thái độ liên can đến GH học thời Aufklarung quan niệm GH là dụng cụ cần thiết và hữu ích để mang lại trật tự và bình an cho cộng đồng nhân loại. GH tiên vàn có sứ mệnh giáo dục: GH dạy sống nhân đức và nâng đỡ giáo lý nhờ những hình phạt của TC. Do đó, GH tạo nên những phần tử tốt lành, lương thiện và ràng buộc với luật của xã hội. Nhà nước, càng ngày càng được coi là toàn quyền, tự nhiên quan tâm giáo dục các phần tử của mình và vì thế có quyền chỉ đạo GH. Lý tưởng của thời Trung cổ về Đế chế Kitô giáo bị tan tành vì những cuộc chia rẽ thời Cải cách, và như vậy, ý niệm GH phổ quát rốt cục lệ thuộc vào những ông hoàng Kitô hữu được hiểu như toàn thể hoặc lệ thuộc vào hoàng đế thánh thiện Roma xét như là thủ lãnh về phương diện lý thuyết của Đế chế Kitô hữu rõ ràng là không cụ thể trong một thế giới mới gồm những nhà nước độc lập. Vì thế, những nhà tư tưởng trong thời Ánh sáng cố tình ít để ý đến GH phổ quát nhưng quan tâm nhiều đến GH trong nhà nước. Điều này có nghĩa rằng các Giám mục được coi là những người quản trị dân sự về những mối quan tâm thiêng liêng, và Giám mục Roma, tối đa, có được một sự ưu đẳng danh dự thôi. Thực vậy GH là một xã hội hữu hình nhưng không phải là một societas perfecta; lối miêu tả ấy dành cho nhà nước.
 
III. THẾ KỶ XIX
 
Ta phải lưu ý đến những vấn đề then chốt trong thời kỳ rất phong phú về phương diện thần học này là: (1) GH học dần dần xuất hiện như một lãnh vực trong thần học hệ thống, (2) sự khôi phục lại sự hiểu biết phong phú về truyền thống, (3) chủ thuyết ultramontanism, và (4) sự tập trung quyền bính cao độ về quyền Giáo hoàng tại Vatican I.

Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 19, Công giáo trong những miền nói tiếng Đức được đánh dấu bằng hai lối hiểu hoàn toàn khác nhau về GH và sứ mệnh của GH. Công giáo Auflarung với nhãn quan theo Febronian và Josephinist về chính thể của GH vẫn không chết. Một số Giám mục và nhiều mục tử đã được đào luyện và tiếp tục giảng dạy một nền thần học vốn nhìn GH trước tiên là một người dạy dỗ luân lý và nhằm gạt bỏ những ý tưởng về GH là sự thông hiệp trong Chúa Thánh Thần, cộng đoàn phượng tự có tính cách bí tích, hay thông phần đời sống Ba Ngôi do hạn từ “thần nghiệm.” Tuy nhiên, những trào lưu mới của Công giáo thời lãng mạn tìm cách đặt nền GH một cách sâu xa hơn trong nhiệm cục cứu độ. Điều này được nâng đỡ khi quay về những nguồn giáo phụ hầu hiểu GH tận bên trong (như đối nghịch với phái chống cải cách định nghĩa GH ab externis) và nhãn giới về sứ mệnh của GH thì hơn hẳn tính cách giáo dục. Như thần học chịu ảnh hưởng Auflarung đôi khi kết tận thành một thứ duy lý khô như ngói, thì thần học thời lãng mạn lại có nguy cơ trở thành dạt dào đạo đức, hay phe nhóm kỳ quặc, khi nhấn mạnh đến những kinh nghiệm tôn giáo nội tâm. Tuy nhiên, thế căng thẳng giữa hai trào lưu này tạo nên một mảnh đất mầu mỡ cho những tiếp cận thần học mới mẻ.

Không đâu điều này là đúng bằng ở tại phân khoa thần học công giáo của đại học Tubingen. Được thành lập năm 1812 tại Ellwangen và chuyển tới Tubingen năm 1817, nhóm giáo sư công giáo gồm có một số giáo sư nổi tiếng trong suốt 30 năm đầu. Hai vị ảnh hưởng đặc biệt trên GH học là Johann Sebastian Drey (1777-1853), “cha đẻ” của trường phái công giáo Tubingen, và học trò và cộng sự viên của ông sau này là Johann Adam Mohler (1796-1838), có lẽ là người nổi tiếng nhất của trường phái.

Mặc dầu Drey ít khi bàn riêng đến những vấn nạn GH học, thì dàn bài và phương pháp luận của ông đối với thần học như một lãnh vực nghiên cứu lại dành một vị trí then chốt cho GH mà ông coi là “nền tảng đối với tổ chức bên ngoài cũng như một nỗ lực bên trong để xây dựng [thần học].” Lý do Drey gán cho GH là nền tảng của thần học thì hoàn toàn khác với lý do vốn đã quen thuộc với những thần học gia công giáo thuộc phái Chống Cải cách. Trước kia, GH đóng vai trò bất khả thế là vai trò người chuyển giao và bảo đảm truyền thống, người mang đến những chất liệu nhờ đó nhà thần học làm việc. Nhưng Drey dạy rằng GH chính là chất liệu ấy. “Đối với thần học gia, GH giống như điều mà nhà nước là đối với khoa chính trị, điều mà cơ thể súc vật đối với y khoa: sự diễn tả cụ thể của chính khoa học, mà qua đó khoa học trở thành thực nghiệm.” Thần học gia có trách vụ tạo nên một hình thức hệ thống và lý thuyết cho đời sống của GH, nghĩa là, sự thờ phượng, giảng dạy và thực hành. Điều này có nghĩa là lịch sử GH không chỉ có tính cách minh họa cho giáo lý; nó chính là giáo lý “được nhập thể.” Hàm ẩn tất yếu là giáo lý có một lịch sử, một sự phát triển và trách nhiệm nội tại của thần học là phải miêu tả sự phát triển đó cũng như sự đẩy mạnh của nó.

Ta không được nghĩ một hệ thống thống nhất các ý tưởng là truyền thống chết của một thời kỳ đã qua, nhưng như một sự phát triển của một thực thể sống có nơi chính mình hai yếu tố – một yếu tố cố định và một yếu tố đổi thay. Yếu tố đầu tiên là điều mà đã được đóng lại do sự phát triển cho đến nay, còn yếu tố thứ hai là cái mà vẫn được ta hiểu khi nó phát triển.

Drey gán cho thần học gia một vai trò mới trong việc lãnh đạo GH khi nhấn mạnh rằng “đặc điểm của giáo lý Kitô giáo là phơi bày chính mình rõ ràng hơn và thần học gia xét như là một bậc thầy của GH được mời gọi để chia sẻ điều này.” Mục tiêu của thần học không chỉ là nắm giữ song còn đẩy mạnh truyền thống. Nền tảng, mục tiêu và sự thử nghiệm cho sự đẩy mạnh này là đời sống chung của GH. Người ta không thể làm thần học mà không nghiên cứu GH là thực tại đa chiều kích.

Suốt sự nghiệp ngắn ngủi Mohler dấn thân vào GH học nhiều hơn Drey. Thực vậy, ông đáng được gọi là người tạo nên khoa GH học như một lãnh vực trong thần học hệ thống. Cuốn sách đầu tiên của ông, Unity in the Chuch, dựa vào giáo phụ khảo cứu về nguyên lý hiệp nhất trong GH như là sản phẩm và dấu chỉ của Thánh Thần. “GH hiện hữu nhờ một đời sống được Thánh Thần trực tiếp và liên tục tác động, cũng như được sự trao đổi yếu thương của các tín hữu bảo tồn và tiếp tục.” Chiều kích Thần khí này đem lại một khoa GH học rất khác biệt với khoa GH học của các thần học gia Chống Cải cách và thời Ánh sáng. Bellarminô đã viết chí lý rằng ân huệ Thánh Thần là “linh hồn” của GH. Nhưng định nghĩa của ngài về GH lại nhấn mạnh đến Thân mình của GH, nghĩa là đến bản chất bên ngoài của GH. “Tính khả giác” đối nghịch với GH “vô hình” của những người Cải cách, đã là dấu phân biệt của khoa GH học của phái Chống Cải cách. Đối với Mohler, đời sống nội tâm của các phần tử GH được Thánh Thần khai sinh nhờ họ tham dự vào cộng đoàn với những người khác là chìa khóa để hiểu GH. Do đó, ta định nghĩa GH tiên vàn nhờ “linh hồn” của GH, chứ không phải nhờ “thân xác”, ab internis hơn là ab externis. Trong cuốn sách đầu tiên Mohler định nghĩa GH đối nghịch với Bellarminô: “Vì tràn đầy Thần khí, GH, toàn thể các tín hữu do Thánh Thần tạo thành, là kho tàng không hề chiến bại của nguyên lý sự sống mới, luôn luôn đổi mới và tươi trẻ, nguồn mạch nuôi dưỡng cho mọi người.”

Dùng khuôn mẫu là thân thể rất gần với lý thuyết xã hội thời Lãng Mạn, Mohler cố gắng cho thấy cách thức những hình thức bên ngoài của cơ chế GH phát triển và diễn tả sức sống bên trong của cộng đoàn ấy bằng cách lần ra sự phát triển của chức vụ Giám mục và Tổng Giám mục, của Giám mục đoàn và cuối cùng quyền tối thượng của Giáo hoàng như là những sự kết tinh cần thiết của những nhu cầu bên trong cộng đoàn. Tất cả những phát triển này là công việc của Thánh thần. “Một đàng, Thánh Thần khiến ta cần một Giám mục và đàng khác, cũng chính Thánh Thần thỏa mãn nhu cầu này.” Đang khi trong những bài khảo luận ban đầu, ông miêu tả sự tiến hóa của những chức vụ trong GH như là sự cần thiết không may vì nhiệt tình của cộng đoàn đã bị giảm thiểu, thì trong Unity of the Church Mohler nhấn mạnh rằng những chức vụ và cơ cấu này là những diễn tả cụ thể của tình yêu và ước muốn của cộng đoàn về hiệp nhất. Tuy nhiên, thật đáng ghi nhận rằng ông mô tả cơ cấu của GH đối với hoạt động của Thánh Thần qua lịch sử GH, chứ không phải đối với ý muốn của Chúa Kitô được diễn tả trong lúc sáng lập cộng đoàn.

Khoảng năm 1832, khi xuất bản cuốn Symbolism, cuốn sách khiến mọi người trong thế kỷ 19 nhớ đến ông, Mohler đã chuyển sang một quan điểm hoàn toàn khác về GH học. Unity in the church chịu ảnh hưởng mãnh liệt nhà thần học Friedrich Schleiermacher (1768-1834). Bẩy năm sau khi xuất bản Symbolism lần đầu tiên, Mohler đã tách khỏi Schleiermacher, trước tiên trong thần học Ba Ngôi, rồi trong nhân học thần học và sự hiểu biết về mối tương quan giữa ân sủng và bản tính. Symbolism gây ra tranh cãi với một số học giả tin lành, nhất là Ferdinand Christian Baur (1792-1860). Cuộc tranh cãi này khiến Mohler trau chuốt và minh tỏ lập trường của mình trong bốn lần xuất bản tiếp theo sau. Khi tư tưởng của ông trong những lãnh vực khác trưởng thành, ông thấy rằng khoa GH học của ông nhất thiết cũng phải thay đổi. Ông ngày càng quan tâm tìm ra một lối hiểu rõ ân sủng cần thiết mà vẫn minh xác  con người thực sự tự do. Theo ông, sự việc là những người cải cách không thể nắm vững thế căng thẳng này là cội rễ thảm thương cho phái Tin lành. Hiển nhiên, GH là trường hợp thử lửa trong đó ân sủng và tự do nhân linh gặp gỡ. Mohler không được thỏa mãn vì lối tiếp cận quy thần khí của ông trước kia để hiểu GH bởi lẽ ông đã nghĩ rằng ông không phân biệt đầy đủ giữa Thần khí TC và tinh thần cộng đoàn của GH và ông đã dành cho tự do nhân linh một phạm vi nhỏ hẹp. Ông tin mình có thể liên kết và phân biệt rõ hơn những yếu tố thần linh và nhân loại trong GH bằng cách sử dụng khuôn mẫu Kitô học hơn là khuôn mẫu Thần khí; vì vậy, Mohler tìm cách xây dựng GH học của mình trên nền tảng của công thức Chalcedon đối với việc nhập thể. “Do đó, từ quan điểm được hiểu ở đây, GH hữu hình là chính Con TC, đời đời mạc khải chính mình giữa con người với hình thức một con người, mãi mãi được đổi mới, và vĩnh viễn trẻ trung – sự nhập thể liên lỷ của cùng một Đấng, vì trong Thánh Thần, ngay cả người tín hữu cũng được gọi là “Thân mình Chúa Kitô.” Như những thần học gia của phái chống cải cách, Mohler nhấn mạnh đến tính khả giác của GH khi bàn đến những khác biệt giữa Công giáo và Tin lành. Tuy nhiên, không giống các bậc tiền bối, ông không bảo vệ tính hợp pháp của những hình thức cơ cấu và những văn phòng GH cho bằng nhấn mạnh đến sự hiện diện liên lỷ của Chúa Kitô nhập thể trong lịch sử.

Qua [hạn từ] GH trên trần, những người công giáo hiểu là cộng đoàn khả giác (hữu hình) của các tín hữu, được Chúa Kitô thiết lập, nơi đó, nhờ vào tính tông truyền tồn tại, được Ngài thiết lập và được chỉ định để điều khiển (dẫn dắt) các dân tộc, trong dòng thời gian, về lại với TC, [tức là] những công trình được Ngài thực hiện suốt cuộc đời trần thế, vì ơn cứu độ và sự thánh hóa của nhân loại, được tiếp diễn cho tới tận thế, dưới sự hướng dẫn của Thần khí Ngài.

Mohler quan trọng trong lịch sử của GH học vì ba lý do. Trước tiên, ban đầu ông hiểu GH theo chiều kích quy-Thánh Thần, dù chiều kích này phần lớn bị lãng quên trong thế kỷ 19, đã ảnh hưởng đến thế kỷ 20, nổi bật nhất là trên Yves Congar. Thứ hai, khoa GH chín muồi của ông nhờ tập trung vào Nhập thể là một thì quan trọng để khôi phục hình ảnh Nhiệm thể Chúa Kitô để chỉ GH; ta có thể thấy hiệu quả của nó trên Mystici corporis của Pio XII.  Thứ ba và quan trọng nhất, việc ông khai triển GH học trong mối tương tác với Kitô học và nhân học thần học [tư duy về con người trên phương diện thần học] đã dần dần ảnh hưởng đến cách thức những nhà thần học tiếp sau hiểu về GH. Theo ông, GH không còn là người mang lấy mầu nhiệm đức tin nhưng GH chính là một khía cạnh của mầu nhiệm ấy. GH học lớn lên từ việc trước tiên quan tâm đến những câu hỏi về tổ chức thể chế đến việc khảo cứu bản chất nội tại và sứ mệnh bên ngoài của GH như là một chiều kích của nhiệm cục cứu độ.

Tư tưởng của Mohler đóng một vai trò trong khoa giáo hội học của trường phái Roma vốn có tầm ảnh hưởng rộng. Giống như Mohler, những nhân vật chính của trường phái này – Gioan Perrone (1794-1876) và Carlo Passaglia (1827-87), những học trò của họ Johannes Baptist Franzelin (1816-86) và Clemens Schrader (1820-75), và học trò của hai người này là Matthias Joseph Scheeben (1835-88) – chịu ảnh hưởng của việc nghiên cứu các giáo phụ và tìm cách đặt GH trong thần học hệ thống rộng lớn hơn. Đặc tính chung của họ là tháp nhập GH vào trong một nhãn quan thần học có tính cách nhập thể và bí tích mãnh liệt. Viễn ảnh nhập thể này cho phép họ cung ứng những nền tảng tín lý sâu sắc cho thể chế cơ cấu của GH, vốn đã là một quan tâm lớn lao cho trường phái Roma hơn là cho các thần học gia ở Tubingen.

Drey, Mohler, và những khuôn mặt khác có liên hệ với trường phái công giáo Tubingen cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục một khái niệm phong phú và nhuận sắc về truyền thống. Mohler chống lại lý thuyết “hai nguồn” mạc khải, nếu ta hiểu điều đó là KT và truyền thống mỗi bên chứa đựng một phần của kho tàng mạc khải: “KT không được coi là một cái gì khác với tin mừng sống động; tin mừng sống động, tức truyền thống truyền khẩu, cũng không là một cái gì khác với những tin mừng thành văn, xét như một nguồn khác biệt.” Kho tàng đức tin không được coi là một bộ tín điều và thực hành tĩnh lặng được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng đúng hơn là một “Tin Mừng sống động”, một nguyên lý sự sống vốn lớn lên, sáng tỏ và được tạo hình khi cộng đoàn tăng trưởng. Đây là một bước biến chuyển nhờ suy nghĩ về truyền thống như tradita, nội dung được lưu truyền từ thế hệ này tới thế hệ sau, đến traditio, một sự chuyển giao tích cực vốn là phần mật thiết của thực tại sống là GH.

Một cách tiêu biểu những thần học gia Tubingen dùng khuôn mẫu về sự sống hữu cơ để miêu tả truyền thống. Với phong cách riêng biệt, John Henry Newman (1801-90) đóng góp quan trọng vào việc canh tân truyền thống. Đối diện với sự kiện là không một Giáo hội nào ở thế kỷ XIX tương ứng từng điểm với GH thời các tông đồ như được mô tả trong TƯ, ông đẩy xa “giả thuyết của mình để giải thích một khó khăn”: tín lý phát triển. Tuy nhiên, ông tránh đi những lý thuyết bao quát và những ẩn dụ hữu cơ vì ông hiểu biết sâu sắc về sự phong phú của các dữ kiện lịch sử và tính cách đặc thù không thể giản lược vốn làm cho lịch sử thành “một nhãn quan gây choáng váng và khiếp sợ.” Ông nhận ra có rất nhiều phương cách theo đó tín lý phát triển cũng như có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển giao truyền thống. Nhưng chính khi ngần ngại để đẩy xa một lý thuyết bao quát làm cho ông có thể nhận thức rằng người ta đã bỏ qua những yếu tố trong đời sống GH và sự đẩy mạnh của truyền thống GH. Do đó, theo một cách mới mẻ và sáng tạo, ông khôi phục ý niệm sensus fidelium thành một yếu tố để bảo tồn và phát triển truyền thống; cũng vậy, dựa vào bằng chứng của các giáo phụ, ông đã hoạch định một sự tương tác sống động giữa ecclesia docens và ecclesia discens. Nhãn quan phức tạp và phong phú của ông về GH học được xác quyết tuyệt hảo trong lời nói đầu của ấn bản lần thứ ba của cuốn The Vita Media, được viết năm 1878. Khi miêu tả GH có sứ mệnh lưu tồn sứ mệnh tam diện của Chúa Kitô – tư tế, ngôn sứ và vương đế – Newman định vị những trung tâm năng lượng cho ba trách vụ này là cộng đoàn địa phương, các trường phái thần học, và phẩm trật tương ứng. Ông chủ trương rằng những trung tâm này hoạt động tuyệt vời nhất trong một thế căng thẳng sáng tạo lẫn nhau. Newman từ chối giản lược nền thần học của mình về GH vào một công thức hay một hệ thống bao trùm: “Bất kỳ điều gì lớn lao khước từ để bị giản lược vào quy luật nhân loại, và để thành nhất quán trong nhiều khía cạnh của nó với chính mình.”

Nhưng một cơ chế GH nhất quán chính là điều mà nhiều người tìm kiếm theo gót những cuộc biến động của cuộc Cách mạng Pháp và thời Napoleon. Những năm giữa Đại hội (Congress) của Vienna (1815) và giữa thế kỷ đó được đánh dấu bởi những nỗ lực tái thiết và duy trì một hệ thống xã hội và chính trị vốn sẽ ngăn cản những sự quá trớn mà những năm cách mạng đã tạo ra. Chủ thuyết Ultramontanism cố gắng đảm bảo cho GH được hiệp nhất và trật tự tốt đẹp bằng cách làm cho quyền Giáo hoàng thành tập quyền cao độ và tối cao khi quyền này được thực thi nhờ một chuỗi những mệnh lệnh từ phẩm trật trong đó các Giám mục là những giây nối kết chính. Quyền Giáo hoàng trồi hiện từ những năm đen tối của cuộc đàn áp do Napoleon nhằm canh tân thanh thế. Dù không chết, chủ thuyết Gallicanism đã bị đấm mạnh khi Napoleon quyết định thiết lập một hiệp định với Roma, qua mặt những thủ lãnh của hàng Giáo sĩ và phẩm trật Pháp. Phong trào ấy bây giờ chia thành những đảng phái “xét xử” hay “không xét xử” cho những câu trả lời khác nhau đối với Hiến pháp dân sự về hàng giáo sĩ (1790). Đức Gregoriô XVI (1765-1846; Giáo hoàng từ 1831) và Pio IX (1792-7878; Giáo hoàng năm 1846) là những người lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết; trong trường hợp của Đức Pio IX là nhà lãnh đạo đặc sủng, người đã tập trung việc quyết định vào quyền Giáo hoàng. Chủ thuyết Ultramotanism dễ dàng kết bè với một chương trình chính trị của những người theo phái khôi phục (restorationist) như ta có thể thấy trong những bút tích của Joseph de Maistre (1753-1821), Louis de Bonald (1754-1840), và Francois René de Chateaubriand (1768-1848). Cách riêng tại Pháp, những ủng hộ cho quyền Giáo hoàng của phái Ultramontane được đan xoắn với chủ thuyết truyền thống (traditionalism) có tính cách chống duy lý vốn nhấn mạnh rằng lý trí không thể đạt được sự chắc chắn và đòi phải có một người đảm bảo bất khả ngộ và thường hằng từ bên ngoài cho chân lý. Ngay từ tác phẩm sáng giá và bi thương của mình, Felicite de Lamennais (1782-1854), rồi sau này có Lui Veuillot (1813-83), là người bảo vệ chủ thuyết Ultramontanism.

Ngày nay, mặc dù ta thường nói đến Vatican I (1869-70) như một thời khắc cốt yếu có tính chất phản ứng và tự vệ trong lịch sử GH, thì công đồng đem một số những trào lưu của GH học lại với nhau và làm ra một bản văn đầy đủ và riêng cho GH học trước công đồng Vatican II.  Chắc chắn, trào lưu Ultramontane đề cao chức vụ Giáo hoàng đóng vai trò quan trọng cho cả cuộc chuẩn bị tiền công đồng lẫn tại công đồng; và một trong những yếu tố định hướng trong tuyên ngôn chung cuộc về quyền tối thượng và bất khả ngộ của Giáo hoàng là một ước muốn do công đồng thực hiện để rốt cục làm cho chủ thuyết Gallicanism im lặng. Khoa GH học theo chiều hướng nhập thể của trường phái Roma đặt nền cơ bản cho thần học và tô mầu ngôn ngữ thực tế của Pator aeternus, nhưng tiếc thay, tài liệu này lại không phản chiếu được sự phong phú về giáo phụ cũng như khóe nhìn hệ thống của trường phái trên. Mặc dù tài liệu này là một bằng chứng cho vị trí mới mà GH học đã có được trong thần học công giáo mà một tài liệu công đồng đã được coi là cần thiết, thì điều xẩy ra [hậu quả] lại khác nhau và giới hạn rất nhiều hơn điều đã được hoạch định từ ban đầu.

Ủy ban tiền công đồng đã chuẩn bị hai tài liệu; một tài liệu về GH bao gồm một phần về những mối tương quan GH-nhà nước, và một tài liệu về Đức Giáo chủ Roma mà không bàn đến quyền bất khả ngộ. Cả hai tài liệu sơ thảo này sử dụng quá nhiều tài liệu Syllabus of Errors (1864). Rồi người ta quyết định nối kết hai tài liệu này lại và thêm một phần về quyền bất khả ngộ. Bởi vì một số Giám mục lý luận rằng quyền bất khả ngộ là một vấn đề cấp bách, vì đã được thảo luận nhiều trong sách báo trước công đồng, nên người ta lại đưa ra hai lược đồ mới. Lược đồ thứ nhất, Pastor aeternus, bàn đến quyền tối thượng và bất khả ngộ của Giáo hoàng và lược đồ hai đề cập đến GH xét như một toàn thể. Vì công đồng không bao giờ nhóm họp lại được sau khóa họp thứ nhất, nên lược đồ thứ hai về GH mà đáng lý sẽ phải đặt Pastor aeternus trong một bối cảnh rộng lớn hơn, không bao giờ được công đồng thảo luận. Một số phần tử của công đồng sợ rằng vai trò và phẩm giá của chức Giám mục bị coi nhẹ, vì bàn đến Giáo hoàng tách khỏi Giám mục đoàn và Giáo hội nói chung. Đáp lại điều này những phần thêm vào bản thảo minh nhiên ghi nhận rằng

năng quyền của Đức Giáo chủ không chút làm giảm năng quyền thông thường và trực tiếp của Giám mục, nhờ đó các Giám mục, những người đã kế vị các tông đồ do Thánh Thần chỉ định, săn sóc và cai trị trong tư cách cá nhân đoàn chiên đặc thù được phân cho họ.

Ta phải ghi nhận rằng công đồng như vậy xác quyết các Giám mục là những người kế vị các tông đồ, và được chính TC bổ nhiệm, mặc dù những “đoàn chiên” mà họ chăm sóc, nghĩa là, khu vực thực tế dưới quyền tài thẩm của họ, được phân cho họ – có lẽ do Giáo hoàng; ở đây báo trước giáo lý của Vatican II. Tuy nhiên, không thể chối cãi và không may lại rất đúng là việc văn kiện về Giáo hoàng tách khỏi việc đề cập đến GH nói chung đã mang lại hậu quả là dường như đặt Giáo hoàng ra khỏi Giám mục đoàn. Người ta đã quá chú ý đến định tín về quyến bất khả ngộ của Giáo hoàng vào thời gian của Vatican I, và từ đó người ta liên tục có thể bỏ qua xác quyết quan trọng là khi nói cho toàn GH, Giáo hoàng định tín một giáo lý thuộc đức tin hay luân lý ex cathedra, ngài nói với “tính bất khả ngộ mà Đấng Cứu Chuộc thần linh đã muốn GH được hưởng khi phải xác định giáo lý liên can đến đức tin và luân lý.” Do đó, bất khả ngộ là một ân sủng, và người tiếp nhận nó đầu tiên chính là Giáo hội. Cung giọng pháp lý của định tín và sự vắng bóng một bối cảnh GH học đầy đủ đã làm lu mờ điều này. Cung giọng pháp lý một phần là do Đức Piô IX và những người khác tại công đồng quan tâm loại bỏ chung cục và hoàn toàn chủ thuyết Gallicanism và đưa tới việc đưa vào trong định tín ấy lời xác quyết rõ ràng rằng những định tín được Đức Giáo chủ Roma coi là bất khả ngộ “tự chúng là không thể sửa đổi, chứ không phải do sự đồng thuận của GH.” Trừ phi ta hiểu điều này đúng thực là chống lại chủ thuyết Gallicanism thuộc hoàng triều và giám mục, ta có thể làm cho tính bất khả ngộ thành một đặc sủng của cá nhân Đức Giáo hoàng hơn là một tặng phẩm của TC cho và vì GH mà Giám mục Roma, xét như thủ lãnh của Giám mục đoàn, thực thi vì GH.
 
IV. TỪ VATICAN I ĐẾN VATICAN II (1870-1960)
 
Chín mươi năm chia tách hai công đồng Vatican là phần của điều được gọi là “thế kỷ của GH.” Để kết luận bài khảo cứu ngăn gọn này, chúng ta phải lưu ý ba trào lưu. (1) Tân kinh viện vốn đã trồi hiện trước Vatican I, trở thành dòng chính của nền thần học công giáo được Đức Lêô XIII khích lệ; nó định hướng những thủ bản mà nhờ đó nhiều người học biết về GH học trong tiền bán thế kỷ 20. (2) Sự khôi phục lại hình ảnh về Nhiệm thể Chúa Kitô mà khởi đầu từ Mohler trở thành chủ đề nổi bật nhất trong GH học, nhờ Mystici corporis của Đức Pio XII. Nhưng (3), theo gót của đại họa duy tân (Modernist), người ta khơi dậy những nghiên cứu về KT, giáo phụ, phụng vụ và đại kết; điều đó đã mang lại nhiều yếu tố mới mẻ mà trước kia đã bị quên lãng vào trong lối suy nghĩ của công giáo về bản chất và sứ mệnh của GH; những điều này sinh kết quả trong những năm trước và suốt thời gian Vatican II cũng như chuẩn bị một nền tảng cho công đồng.

Một số nhà phê bình nền triết học thời mới trong thế kỷ 19 (e.g., Mateo Liberatore [1810-92] và Giuse Kleutgen [1811-83]) đã thâm tín rằng tri thức học thời hậu Kant không cống hiến được một nền tảng khả tín về tri thức và vì thế không có được một cơ sở vững chắc cho tri thức. Họ đã thúc đẩy trở về với điều mà họ tin rằng đã là một tổng hợp của thời Trung cổ, trong đó thần học và triết học được liên kết theo một cách thức thật sự hiệu quả. Phong trào này được Giáo hoàng nâng đỡ khi Đức Leo XIII (1810-1903; Giáo hoàng từ 1878) kêu gọi trở về với tư tưởng của thánh Toma Aquinas như là nền tảng khả tín cho thần học công giáo (Aeterni Patris, 1879). Tân kinh viện tạo nên một khúc quanh mới cho những trào lưu GH học vốn đã trồi hiện trong những thập niên trước Vatican I. Dần dần một dòng biện giáo chuẩn mực đã trồi hiện trong tiền bán thế kỷ XIX đã minh chứng cần phải có một chứng từ liên tục và có thẩm quyền đối với mạc khải phát sinh từ nỗi khao khát của những con người đối với chân lý về định mệnh tối hậu và bổn phận luân lý của chúng ta. Do đó, người ta minh chứng GH là một chứng nhân do chính TC muốn và tương ứng với những hy vọng và nhu cầu của con người. Không giống như những người theo phái truyền thống (traditionalist) trước kia vốn đã khởi sự phê bình khả năng của lý trí con người đế tới đạt được sự chắc chắn nào đó về những chân lý tối hậu, những tác giả của những thủ bản thần học tân kinh viện bắt đầu với thần học tự nhiên và minh chứng rằng Kitô giáo đáp ứng những nhu cầu và hy vọng của con người và vì thế, là tôn giáo thật. Đoạn họ tiếp tục minh chứng rằng Kitô giáo đòi hỏi một thầy dạy bất khả ngộ và vì thế đặt nền cho GH. Do đó, người ta đặt Giáo hội học trong thần học căn bản hay biện giáo. Còn thần học tín lý bàn đến cơ cấu của GH, minh chứng rằng GH là một xã hội khả giác, có phẩm trật và cơ cấu. Thực vậy, người ta vạch rõ nhập thể là nền tảng cho xã hội hữu hình này, và như thế GH học có tính cách Kitô học vốn đã khởi đầu với trường phái Tubingen, tiếp tục trong trường phái Roma và tiếp nối trong những thủ bản tân kinh viện. Nhưng mối tương quan giữa Chúa Kitô và GH được giản lược thành mối tương quan của một Đấng sáng lập một thể chế và những âm vang kinh thánh và giáo phụ của nền thần học về Nhiệm thể bị câm nín.

Một sự khai triển phong phú hơn nhiều của nền GH học có tính chất Kitô học có thể lần vết tới Scheeben và Perrone và rốt cục tới Mohler phải được tìm thấy trong Mystici corporis (1943) , thông điệp của Đức Piô XII (1876-1958; Giáo hoàng từ 1939). Thông điệp nhấn mạnh rằng cộng đoàn của ân sủng thiêng liêng với nhiều đặc sủng và xã hội cơ cấu, có phẩm trật là một mà thôi. Nơi điều này, Mystici corporis vẫn còn ở trong dòng của Bellarminô và những thần học gia Chống Cải cách, những người vốn từng quá nhấn mạnh đến GH “hữu hình” đồng nhất với Giáo “vô hình.” Nhưng Pio XII hiệp nhất cả hai yếu tố đó qua hình ảnh Nhiệm thể Chúa Kitô. Thông điệp chủ trương, ta không được hiểu hình ảnh này chỉ như một ẩn dụ. Hình ảnh về Thân mình Chúa Kitô nhấn mạnh đến tính duy nhất tập thể của tất cả mọi phần tử của GH với Chúa Kitô và với nhau trong một sự hiệp nhất thật sự nhưng nhiệm mầu chứ không phải là thể lý. Thân mình Chúa Kitô là GH công giáo Roma đang hiện hữu bây giờ, và chỉ những chi thể hiệp thông với GH công giáo Roma, hay những người theo một cách thức nào đó hướng đến GH công giáo Roma bằng ước muốn, mặc dầu họ không biết thế, mới là những chi thể của Thân mình Chúa Kitô (một lập trường được Vatican thay đổi một cách thật ý nghĩa hai thập niên sau.) Những giây liên kết giữ Thân mình lại với nhau là Giáo hoàng và các Giám mục; họ là những chi thể đầu tiên, nhưng tất cả mọi người giúp các ngài trong sứ mệnh của họ là trải rộng vương quốc của Chúa Kitô – tức là, giáo dân – là những chi thể, dù trong những vị trí lệ thuộc.

Một đàng, Đức Piô XII chọn chủ đề nhập thể mà đã trở thành quan trong giữa những thần học gia công giáo suốt hơn một thế kỷ, bảo vệ nó khỏi một số những giải thích cực đoan hơn mà sau này những phần tử của trường phái Roma đã theo (thí dụ: những người đã trải rộng theo nghĩa đen sự ngôi hiệp cho tất cả mọi chi thể của thân mình), và dùng nó để đem hai trào lưu của GH học lại với nhau, một trào lưu bàn đến cơ cấu GH, trào lưu khác tìm cách hiểu TC trong mối liên hệ với những giáo lý khác. Tuy vậy, lối cắt nghĩa của vị Giáo hoàng về hình ảnh Nhiệm thể giải thích hình ảnh một cách độc tôn dưới dạng sự hiệp nhất tập đoàn xã hội, và bỏ qua sự uyên thâm đương thời về KT vốn đã đặt hình ảnh ấy trong bối cảnh của nhiệm cục cứu độ hay bí tích. Những bối cảnh này phải được khai triển hoàn toàn hơn nhiều trong những năm giữa chiến tranh thế giới II và Vatican II.

Sự uyên thâm của công giáo về KT, lịch sử, và thần học trải qua một kinh nghiệm đau buồn vào đầu thế kỷ 20. Trong bầu khí nghi ngờ và kiểm duyệt vốn là hậu quả của sự kết án phái duy tân (Modernism) (1907), nhiều học giả công giáo trẻ thận trọng đối với những lãnh vực “an toàn” để tìm hiểu, những phạm vi như giáo phụ, lịch sử phụng vụ vốn ít bị kiểm duyệt của GH. Nực cười thay, những kết quả của sự uyên thâm này thường chuẩn bị cho Vatican II.

Trong GH học cuộc sống dậy của những nghiên cứu về giáo phụ muốn khôi phục những hình ảnh về GH để bổ túc cho cả cơ chế phẩm trật của GH lẫn Thân mình Chúa Kitô. Đặc biệt quan trọng cho Vatican II và những năm sau đó là hình ảnh về GH như là sự hiệp thông. Một lần nữa, những nguồn giáo phụ cũng làm sáng tỏ tầm quan trọng thần học của vai trò của Giám mục và tính tập đoàn của Giám mục. Thêm vào cho bối cảnh mới mẻ này đối với GH học là những kết quả nổi bật của cuộc sống dậy của sự uyên thâm về phụng vụ. Giữa những người khác, tác phẩm mang tính chất lịch sử, thần học, và mục vụ của Lambert Beauduin (1873-1960), Romano Guardini (1885-1968), Odo Casel (1886-1948), và Giuse Jungmann (1889-1975), một lần nữa làm cho phụng vụ trở thành một locus theologiae và làm sống dậy theo một cách thức mới mẻ nguyên lý cổ xưa là lex orandi lex credendi. Đồng thời, sự phát triển đầy ấn tượng của giới học giả công giáo về KT trong thế kỷ 20, được Đức Piô XII trong Divino afflante Spiritu (1943) khích lệ, làm giầu cho GH học cách tuyệt vời bằng cách đặt GH trong khung bao quát là lịch sử cứu độ. Sự nhận biết về nét khác biệt giữa GH và vương quốc TC, mà trước kia thường được ta đồng hóa, cũng như việc đọc lại cánh chung học – hầu như hoàn toàn bị quên lãng trong thần học Công giáo từ thời Cải cách – tạo ra một sự duyệt xét toàn diện về sự hiểu biết về sứ mệnh của GH.  Điều này kéo theo duyệt xét lại cách thức trong đó ta hiểu cơ cấu của GH. Nó đem lại sự hỗ trợ cần thiết trên phương diện thần học cho những phong trào giáo dân đang trồi hiện lên trước và sau thế chiến II. Về phần GH học hệ thống, cả KT và giáo phụ chuyển sự chú ý của các thần học gia tới vai trò của Chúa Thánh Thần và từ từ khôi phục một khoa GH học có liên quan với thần khí học để làm quân bình và hoàn tất khoa GH học trong đó hướng chiều Kitô học vượt trội. Ta xem xét những câu hỏi trồi hiện lên chẳng hạn như [câu hỏi về] chỗ đứng của GH trong hệ thống của các tín lý, câu hỏi liên hệ tới Ba Ngôi về mối liên hệ trong nhiệm cục cứu độ qua sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và câu hỏi liên can đến cánh chung học về mối liên hệ của GH với vương quốc.

Ngày một hơn, trong những năm trước Vatican II, chủ đề về lịch sử cứu chuộc và hình ảnh của GH như bí tích xoắn vào nhau trong GH học. Đây là những yếu tố quan trọng trong công trình của các thần học gia trong những năm trước Vatican II – một số người nổi bật là Marie-Dominique Chenu (1895-1990), Henri de Lubac (1896-1991), Karl Rahner (1904-84), Yves Congar (1904-95) và Edward Schillebeeckx (1914- ) – Họ góp công rất lớn để suy nghĩ lại bản chất, sứ mệnh và cơ cấu của GH và đóng những vai trò quan trọng tại Công đồng.

Các thần học gia sau Công đồng Trentô đã nhấn mạnh rằng người ta không thể tách GH vô hình gồm các tín hữu được yêu mến khỏi GH hữu hình có những hình thức thiết định. Trong những thế kỷ XIX và XX các thần học gia tìm cách giữ sao cho hiệp nhất giữa cộng đoàn vốn được ban đầy những đặc sủng của Dân TC với cơ cấu lịch sử được tổ chức có phẩm trật do Chúa Kitô thành lập. Trong thế kỷ XVII và XVIII có những lập trường khác nhau về quyền lãnh đạo và thẩm quyền trong GH mà đạt tới tột đỉnh tại công đồng Vatican I trong quyền tối cao dứt khoát của Đức Giáo hoàng. Chín mươi năm sau vào ngay trước công đồng Vatican II rõ ràng là vai trò của Giám mục đoàn cần phải được ta xem xét lại cũng như uốn nắn lại (chỉnh đốn lại) sự quân  bình giữa Roma và các giáo hội địa phương. Đầu thế kỷ XIX GH học hệ thống đã được khai sinh khi các thần học gia cố gắng phân định cách thức giáo lý về Ba Ngôi và về Nhập thể, về ân sủng và tự do nhân linh, có thể được hài hòa với sự hiểu biết của họ về GH. Vào khoảng thập niên 1960 câu hỏi sẽ là làm thế nào để giữ lại với nhau cộng đoàn được đầy Thánh Thần với GH được Chúa Kitô thành lập và tiếp tục công việc của Ngài. Dần dần, khi các thần học gia để ý nhiều hơn đến những dữ liệu lịch sử và kinh thánh, đồng thời khi họ trở thành ý thức hơn về sư du nhập đầy đủ của sự nhận biết của thế kỷ XIX rằng GH là một khía cạnh của Mầu nhiệm cứu độ của sự tự hiến của TC, thì họ nhận ra rằng đã không bao giờ có và không bao giờ có thể có một GH học mà thôi, giống y như là đã không bao giờ có và không bao giờ có thể có chỉ một nền thần học hay Kitô học. Những mầu nhiệm ngăn ngừa những diễn đạt tuyệt đối và hoàn thành. Phải luôn luôn có những hình ảnh và khuôn mẫu của GH được giữ trong một thế căng thẳng sáng tạo lẫn nhau. Như Lumen gentium dạy, “bản chất nội tại của GH được mạc khải cho chúng ta qua nhiều hình ảnh khác nhau.”