Tuesday, 14 January 2020 04:16

Ðứng Bên Khổ Giá Chúa Giêsu Có Đức Maria Featured

ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI

(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)

Tác giả: Raniro Cantalamessa

Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat

***

***

DẪN NHẬP: ÐỨC MARIA - BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY THIÊN CHÚA

PHẦN I: ÐỨC MARIA - TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ

PHẦN II: ĐỨC MARIA - TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

***

CHƯƠNG IV: “NÀY BÀ, GIỮA TÔI VÀ BÀ CÓ VIỆC GÌ”

CHƯƠNG V: “ĐỨNG BÊN KHỔ GIÁ CHÚA GIÊSU, CÓ MARIA MẸ NGÀI”

MARIA: MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG

 

 

Khi chiêm ngắm Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta đã để trước mắt mình bức icóne được gọi là bức “Trinh Nữ dịu hiền” hay bức Trinh Nữ của Vladimir. Bức ảnh trình bày Hài Nhi Giêsu trong tay Mẹ Ngài. Nơi đường nét của các nhân vật, những nét vẻ Người Con hòa vào nét vẽ Người Mẹ. Ðến mức cả hai như làm thành một thân mình. Tay trái Ðức Maria choàng lấy Hài Nhi, còn tay phải mời gọi kẻ ngắm nhìn đến với Người, đi vào trong thế giới của Người. Hài Nhi hai tay choàng lấy cổ Mẹ, mà áp má và đưa miệng gần tới miệng Người, để thông truyền, người ta nghĩ như vậy, hơi thở thần linh của khôn ngoan. Ðức Maria không có vẻ gì là hành động hay rạng niềm vui hoàn toàn tự nhiên của một người mẹ hạnh phúc. Dáng vẻ của Người rất kín đáo, trầm tư, gần như mang nét buồn. Nhưng khi nhìn ngắm Người, không ai nghi ngờ rằng, Người tràn đầy niềm vui thần thiêng nơi thẳm sâu tâm hồn.

Ðã đến lúc chúng ta phải thay đổi icóne. Chúng ta chuyển sang icóne về Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, icóne đóng đinh thập giá. Thật tương phản biết bao! Giêsu không còn trong vòng tay Mẹ, mà là trong những cánh tay khác; Ngài không còn kề đầu vào má Người, mà là vào má khác cứng rắn hơn nhiều; má gỗ Thập Giá. Maria từ đây giấu đôi bàn tay trống trải, vô dụng, dưới tấm khăn choàng vai. Giữa Mẹ và Con dường như có một khoảng ngăn cách không gì có thể lấp đầy. Giêsu bị treo lơ lững giữa trời và đất “bên ngoài cổng thành” (x. Dt 13,12) và bên trên cổng thành. Giữa Người và Con là cả một thế giới thực tại và hình ảnh: bên trái, một thiên thần đẩy một phụ nữ tượng trưng cho Hội Ðồng Do Thái xa khỏi Thập Giá đó.

So sánh giữa hai icóne đó giúp chúng ta đo lường được ngay con đường từ bỏ, vứt bỏ mà Ðức Maria đã thực hiện. Trong Thánh Vịnh 22, là Thánh Vịnh Ðức Giêsu đã cất lên trên Thập Giá: “Lạy Chúa Trời tôi, lạy Chúa Trời tôi, sao Người lại bỏ tôi?”, có một lúc, vịnh gia nói: “Người đã đưa tôi ra khỏi dạ mẹ và đặt tôi an toàn trên lòng mẹ”. Thật là một cảm giác khó tả khi nghĩ đến việc Ðức Giêsu đã có thể thầm nhủ những điều đó, và đứng trước Ngài là Người Mẹ mà ngày xưa Ngài đã từng ngủ yên trên ngực.

Trong phần suy niệm này, chúng ta cũng thế, hãy đến dưới chân Thập Giá, “chúng ta hãy ra ngoài doanh trại mà đến cùng Ngài, vác lấy khổ nhục của Ngài” (Dt 13,13). Nếu bạn là đàn ông thì hãy đứng bên Gioan và cúi đầu để tôn thờ trong thinh lặng, theo gương ông. Nếu bạn là phụ nữ, thì hãy đứng bên Ðức Maria, chia sẻ sự thinh lặng và nỗi đau của Người, như những phụ nữ đạo đức trong bức icóne đã làm.

I. ÐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Lời Chúa đi cùng chúng ta trong chương này là lời của Gioan, người “đã trông thấy và người biết là đã nói thật” (Ga 19,35): “Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài, Maria, vợ Cleopas. Và Maria người Magdala. Vậy Ðức Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đệ Ngài yêu mến đứng bên cạnh thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà”, đoạn lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).

Từ bản văn rất súc tích đó, trong lúc này, chúng ta chỉ xét đến phần đầu tiên, phần tường thuật. Các lời của Ðức Giêsu chúng ta sẽ dành trong chương kế tiếp.

Như đã nói, trong Tân Ước, Ðức Maria hiện diện trong cả ba thời điểm cấu thành mầu nhiệm Kitô giáo: Nhập Thể, Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Thế nhưng, Ðức Maria dường như chỉ hiện diện trong phân nửa mầu nhiệm Vượt Qua chứ không phải trong toàn thể. Mầu nhiệm Vượt Qua đầy đủ quả thực bao gồm cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, không thể tách rời. Mầu nhiệm này là sự Vượt Qua từ sự chết đến sự sống, Vượt Qua thế gian để đến cùng Cha (x. Ga 13,1), mở đường cho chúng ta, những kẻ tin, để chúng ta cũng được Vượt Qua từ sự chết đến sự sống. Thế nhưng, Ðức Maria chỉ được nói đến dưới chân Thập Giá và trong cái chết của Ðức Giêsu. Còn trong biến cố Phục Sinh thì không. Không hề có dấu vết nào trong các Tin Mừng cho thấy Ðấng Phục Sinh có hiện ra với Mẹ của Ngài. Phần chúng ta, chúng ta lại muốn theo sát các Tin Mừng.

Nhưng chính khi theo sát các Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng, Ðức Maria đã sống tất cả mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự chết và sự Phục Sinh, của tự hạ và suy tôn. Người đã sống gần kề Ðức Giêsu hơn bất cứ ai khác - Gioan, soạn giả Tin Mừng, nói cho chúng ta về Ðức Maria dưới chân Thập Giá. Mà trong Tin Mừng Gioan, Thập Giá Ðức Kitô, đồi Golgotha thể hiện điều gì? Ai cũng rõ: Ðó là “Giờ”, giờ Con Người sẽ được tôn vinh, giờ mà vì đó Ngài đã đến trong thế gian (x. 12,23-27). Ðức Giêsu nói với Cha về giờ của Ngài bằng những lời: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha” (Ga 17,1). “Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao” - lời Ðức Giêsu chỉ đến cái chết của Ngài - “Bấy giờ các ngươi sẽ biết: chính là Ta” (x. Ga 8,27). Vì thế giờ chết là giờ mà vinh quang của Ðức Kitô, quyền uy Thiên Chúa tối thượng của Ngài tỏ lộ trọn vẹn. Và bấy giờ Ðức Giêsu xuất hiện như là Ðấng ban Thần Khí. “Quả vậy, Thần Khí chưa có bởi Ðức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,39).

Ðối với Gioan, lễ Vượt Qua Cũ chuyển qua lễ Vượt Qua Mới được thực hiện trên đồi Golgotha, soạn giả Tin Mừng làm nổi bật điều đó khi xác định thời gian Ðức Giêsu vào sau trưa 14 tháng Nisan, là lúc người ta sát tế chiên Vượt Qua trong Ðền Thờ Giêrusalem, đồng thời tác giả trích dẫn qui định liên quan đến chiên Vượt Qua trong sách Xuất Hành (x. Ga 19,37; Xh 12,46). Bên kia diễn biến cũng như niên biểu của các sự kiện, tác giả, nhờ mạc khải của Thiên Chúa, nhận ra được ý định thâm sâu của Thiên Chúa, theo ý định đó, Thập Giá là thời điểm chuyển từ Giao Ước Cũ sang Giao Ước Mới, từ các lời tiên tri sang thực tại. Ðó là lúc mà “mọi sự được hoàn tất” (Ga 19,30). Phục Sinh được chiêm ngắm như là điều đã hiện diện tiềm tàng và hoạt động trong giờ tử nạn của Ðức Kitô. Phục Sinh được hiểu trong căn nguyên của nó, đó là sự vâng phục trong lòng mến của Chúa Con, vâng phục đến chết, cùng với lời hứa của Chúa Cha tôn vinh Con.

Vì thế, Tin Mừng thứ IV tuy có đoạn nói đến mồ trống và những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh, nhưng không nhằm mục đích hộ giáo như ta thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Dưới ánh sáng những lời Ðức Giêsu nói với Tôma, thì những sự kiện đó là một nhượng bộ đối với lòng tin yếu kém của các tông đồ, những người “chưa hiểu lời Kinh Thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9). Tự chúng không thiết yếu để bảo đảm cho sự kiện Phục Sinh. Quả vậy, Ðức Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (x. Ga 20,29).

Trong viễn tượng này, sự kiện Tin Mừng thứ IV không hề nói đến lần hiện ra nào của Ðấng Phục Sinh với Mẹ Ngài không còn là điều quan trọng hay lạ lùng gì lắm. Ba ngày sau, vào sáng sớm, các phụ nữ mới biết được Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng Ðức Maria biết điều đó sớm hơn nhiều. Người biết lúc bình minh của Phục Sinh hé lộ trên Thập Giá, lúc trời “vẫn còn tối” (x. Ga 20,1).

Về điều nói trên, nghĩa là việc, đối với Gioan, giờ đồi Golgotha đã bao hàm sự Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta có được sự xác nhận trên bình diện lịch sử. Ta biết rằng các Giáo Hội ở Tiểu Á, là những Giáo Hội đã được Ngài thiết lập hoặc dẫn dắt, đã cử hành lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Nisan là ngày kỷ niệm cái chết chứ không phải sự Phục Sinh của Ðức Kitô. Ở những nơi khác, Giáo Hội cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật. Qua các bản văn còn giữ lại được cho đến ngày nay, người ta còn biết được rằng, trong các Giáo Hội Á Châu này, ngày lễ đó tưởng niệm không những cái chết mà cả cuộc chiến thắng và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ở mức độ ngang nhau.

Như thế, khi trình bày Ðức Maria dưới chân Thập Giá, Gioan đã đặt Ðức Maria vào ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua. Người không chỉ có mặt trong sự thất bại và cái chết của Con mình mà cả trong sự tôn vinh. “Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài”, Gioan kêu lên như thế trong Lời Tựa. Ngài chủ yếu muốn nói đến vinh quang của Thập Giá. Ðức Maria cũng có thể nói mình đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, một vinh quang thật khác biệt, thật mới mẻ so với mọi thứ vinh quang mà loài người đã nghĩ ra. Người đã được ngắm “vinh quang của Thiên Chúa”, Ðấng là Tình Yêu.

II. ÐỨC MARIA: CHIÊN NON TINH TUYỀN

Như vậy, phải chăng Ðức Maria đã không đau khổ trên đồi Golgotha? Phải chăng Thập Giá chỉ là sự Vượt Qua ngắn ngủi? Ðức Giêsu, Ðấng đã gọi giây phút đó là giờ vinh quang, vậy thì Ngài có chịu đau khổ thật không? Phải chăng sự tàn bạo, ác liệt của cuộc khổ nạn bởi đó đã được giảm nhẹ? Ðức Giêsu của Tin Mừng thứ IV đã rung động tâm hồn trong Vườn Dầu (x. Ga 12,27), nếm vòng gai, tạt vả, đòn roi (x. Ga 19,1tt), gánh chịu Phêrô chối bỏ, Giuđa phản bội và tất cả những điều khác. Vinh quang nằm trên một bình diện khác với bình diện hữu hình của các sự kiện lịch sử: nó liên quan đến ý nghĩa các sự kiện, đến hành động của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt làm Chúa và làm Kitô, Ðức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia” (Cv 2,36). Việc đóng đinh thuộc quyền con người, nằm trong lịch sử. Việc tôn vinh là bởi Thiên Chúa, ngoài giới hạn của lịch sử, thuộc về cánh chung. Người ta có thể nhìn thấy nó trong lòng tin.

Ðức Maria cũng đã uống cạn chén khổ nạn. Có thể nói về Người như đã nói về Nữ Tử Sion, Người “đã uống chén lôi đình từ tay Giavê, Người đã uống, đã nốc cạn ly” (x. Is 51,17). Nếu bên khổ giá Ðức Giêsu, trên đồi Golgotha, có Maria Mẹ Ngài, thì điều đó có nghĩa là trong những ngày đó Người có mặt tại Giêrusalem, đã chứng kiến tất cả, đã tham dự vào tất cả cuộc khổ nạn. Người đã nghe thấy tiếng la hét: “Không phải hắn mà là Barabas!”; Người đã thấy “Ecce homo”;Người đã nhìn thấy thịt bởi thịt mình bị đòn roi, đẫm máu, bị đội vòng gai, nửa thân trần trụi trước đám đông dân chúng, Người đã chứng kiến tấm hình hài đó run rẩy, co giật bởi những cơn rùng mình của cái chết. Người đã nghe tiếng búa nện và những lời lăng nhục: “Nếu mày là Con Thiên Chúa”... Người đã nhìn thấy những tên lính chia nhau áo xống của Ngài, cả tấm áo trong mà chính tay Người đã dệt. Tâm tình đạo đức Kitô giáo quả đã không lầm khi áp dụng cho Ðức Maria những lời mà Nữ Tử Sion thốt lên trong nỗi buồn sầu đau đớn: “Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem: có đớn đau nào như nỗi đớn đau hành hạ thân tôi” (Ac 1,12). Nếu Thánh Phaolô đã có thể nói: “Tôi mang nơi thân mình tôi những vết hằn của Ðức Giêsu” (Ga 6,17), thì Ðức Maria có thể nói đến thế nào nữa? Ðức Maria là người đầu tiên trong Kitô giáo được in thương tích vô hình, hằn sâu trong trái tim, như sau này sẽ xảy ra nơi các thánh nam nữ.

“Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu, có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài, Maria vợ của Clôpas và Maria người Magdala”: Một nhóm phụ nữ bốn người tất cả, không chỉ có mình Ðức Maria, Người là một trong những phụ nữ này. Ðúng vậy, nhưng Ðức Maria đứng đó trong tư cách là “Mẹ Ngài”: đây là điều làm thay đổi tất cả và đặt Người trong một tình huống hoàn toàn khác. Thỉnh thoảng tôi có tham dự đám tang thanh niên, tôi đặc biệt nghĩ đến một chàng thanh niên, rất nhiều phụ nữ đi dự đám tang, tất cả đều vận đồ đen, tất cả đều khóc, họ trông người nào cũng như người nào. Thế nhưng, trong số phụ nữ đó, có một phụ nữ trông vẫn khác, người mà ai cũng nghĩ đến, ai cũng len lén quay lại nhìn: người mẹ. Bà đã góa bụa và chỉ còn đứa con này. Bà nhìn chiếc quan tài, người ta thấy đôi môi bà lẩm bẩm tên con không ngừng. Khi tới kinh “Sanctus”, các tín hữu bắt đầu tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, bà cũng bắt đầu thầm thĩ: Thánh, Thánh, Thánh, và có lẽ cũng không rõ mình đang nói gì. lúc đó tôi bỗng nghĩ đến Ðức Maria dưới chân Thập Giá. Ðức Maria bị đòi hỏi phải có một cử chỉ khó khăn hơn vạn bội: tha thứ. Khi nghe Con mình cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34), Người hiểu Cha trên trời đang chờ đợi điều gì nơi Người: hãy mang vào lòng chính những lời đó: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Người đã nói những lời đó. Người đã tha thứ.

Người ta không thuật lại tiếng khóc than nào của Ðức Maria dưới chân Thập Giá như đã thuật lại tiếng khóc than của các phụ nữ đi theo Ðức Giêsu lên đồi Golgotha (x. Lc 23,27). Không một lời nào được thuật lại, như khi tìm thấy Ðức Giêsu trong Ðền Thờ, hay như ở Cana xứ Galilee. Chỉ có sự thinh lặng của Người. Trong Tin Mừng Luca, Maria lặng thinh lúc sinh hạ Ðức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, Người im lặng lúc Ðức Giêsu tắc thở. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintho đã đặt “Lời của Thập Giá” (verbum crucis) đối lập lại với khôn ngoan của lời (sapientia verbi); nghĩa là, ngôn ngữ của Thập giá và ngôn ngữ của khôn ngoan nhân loại đối lập nhau. Sự khác biệt nằm ở chỗ: khôn ngoan của lời hay khôn ngoan của thế gian thì diễn tả bằng lời nói, bằng những diễn từ văn hoa. Ngược lại Thập Giá diễn tả bằng thinh lặng. Ngôn ngữ của Thập Giá là thinh lặng. Thinh lặng giữ hương thơm của hy tế cho riêng Thiên Chúa mà thôi. Nó giữ cho đau khổ không bị tiêu tán, không tìm kiếm và tìm thấy phần thưởng đền bù nơi trần thế này.

Nếu Ðức Maria có chịu cám dỗ như Ðức Giêsu đã từng chịu trong sa mạc, thì phải là và nhất là dưới chân Thập Giá: một cơn cám dỗ vào loại thâm hiểm nhất mà cũng là đau đớn nhất, bởi lẽ chính Ðức Giêsu lại là căn cớ. Người đã tin vào các lời hứa, Người tin rằng nếu Ðức Giêsu cầu xin thì hẳn Chúa Cha sẽ gởi đến cho Ngài “hơn mười hai cơ binh thiên thần” (x. Mt 26,53). Thế mà Ðức Giêsu đã không làm gì cả. Nếu Ngài tự cứu mình khỏi Thập Giá thì cũng là cứu Người khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp. Thế nhưng Ðức Maria đã không kêu: “Hãy xuống khỏi Thập Giá đi, Con hãy tự cứu mình mà cũng là cứu cả Mẹ nữa!”. người cũng không nói: “Con cứu bao nhiêu người khác, thế sao bây giờ không thể tự cứu mình nữa, hở Con?”. Dù rằng một ý nghĩ, một niềm ao ước như thế tự nhiên phải nẩy lên trong tâm hồn người mẹ, đó là điều dễ hiểu, thế nhưng Người thậm chí cũng không hỏi Ðức Giêsu: “Này Con, tại sao Con làm thế với cha mẹ?”, như khi xưa, lúc Người tìm được Ðức Giêsu trong Ðền Thờ (Lc 2,48). Maria lặng thinh “dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một Người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra,[1] lời của Công Ðồng Vatican II. Người đã cùng với Ðức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Ngài.

Như lời Tin Mừng Luca, cha mẹ Ðức Giêsu “hàng năm đi Giêrusalem dự lễ Vượt Qua”. Khi Ðức Giêsu lên mười hai tuổi, ông bà lên theo Ngài, nhưng Ngài ở lại Giêrusalem đã không trở về cùng với các Ngài (x. Lc 2,41tt). Giờ đây, Ðức Maria lại một lần nữa cùng đi với Ðức Giêsu để cử hành lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài.

Lễ Vượt Qua, lần này, là chính Ngài, và Ngài sẽ không bao giờ còn trở về nhà mình, ngay cả ba ngày sau. Vị Giám Mục của một trong những Giáo Hội non trẻ ở Tiểu Á mà tôi nói đến ở trên, đã nhắc nhở điều đó trong một bài giảng đêm Phục Sinh khoảng giữa những năm 160 và 180 sau Công Nguyên như sau: “Lề Luật đã trở thành Ngôi Lời, lệnh truyền biến thành ân sủng, hình bóng thành sự thật, chiên con thành Ngôi Con. chính Ngài là Con Chiên câm lặng. chính Ngài là Ðấng sinh bởi Ðức Maria, Chiên Non tinh tuyền; Ðấng chịu sát tế chiều hôm đã Phục Sinh từ trong kẻ chết”.[2]

Ðối với người môn đệ rất xa xưa này của thánh Gioan, Ðức Maria dưới chân Thập Giá đã xuất hiện như là “chiên non tinh tuyền” đứng bên Chiên Con chịu sát tế. Người đã sinh ra hy lễ Vượt Qua và đã hiến mình cùng với Ngài. Chiên con ngậm câm bên Chiên Con “không hề mở miệng” (x. Is 53,7). Phụng vụ Byzantine đã xử dụng tước hiệu này của Ðức Maria, “chiên non mỹ miều”, trong Giờ Kinh Phụng Vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, lấy từ một Thánh Thi của Romanos le Mélode.[3]

Ðức Maria hiệp nhất với hy tế của Con mình, cách nhìn đó đã được diễn tả cách đúng mức, giản dị và trang trọng trong một bản văn Công Ðồng Vatican II: “Như thế, Ðức Trinh Nữ cũng tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó. Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra”.[4]

Như thế, Ðức Maria không đứng “bên khổ giá Ðức Giêsu”, đứng gần bên Ngài chỉ theo nghĩa thể lý và địa lý, mà còn theo nghĩa tâm linh. Người được hiệp nhất với Thập Giá của Ðức Giêsu, chia sẻ cùng một đau khổ. Người chịu khổ cùng với Ngài. Người chịu khổ trong tâm hồn những điều mà Con của Người phải chịu nơi thân xác. Liệu ai có thể nghĩ khác được nếu hiểu một chút thế nào là mẹ? Nếu Ðức Kitô đã kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, nhân sao Người lại bỏ tôi?” (Mt 27,46), thì hẳn Ðức Maria cũng phải chịu một nỗi đau xuyên thấu, một nỗi đau tương ứng với nỗi đau đớn của Con, trên bình diện nhân loại. “Hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu ngõ hầu tâm tư của nhiều tâm hồn phải bày ra” (x. Lc 2,35), ngay cả tâm tư của Người: “Ngươi có còn dám tin nữa không, liệu ngươi có còn đủ khiêm hạ để thực sự tin rằng mình là kẻ được chọn giữa muôn phụ nữ, kẻ đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”.[5] Một anh em Tin Lành đã viết những dòng đó. Nếu một người trong chúng ta viết như thế, tuyên bố Ðức Maria bị xuyên thấu bởi một nỗi đau tương ứng với nỗi đau đớn của Con, xét trên bình diện con người, thì hẳn người ta sẽ cho là quá đáng. Thế nhưng đó là sự thật miễn là người ta lưu ý đến những chữ “xét trên bình diện con người”.

Ðức Giêsu là người, và trong tư cách là người thì lúc này, dưới mắt thiên hạ, Ngài chỉ là một đứa con bị hành quyết trước mắt mẹ mình. Một thứ thần học bút chiến nào đó (hoặc hộ giáo, nếu là Công Giáo), vì quá chú trọng đến việc tránh không đặt Ðức Maria và Ðức Kitô, Ðấng cứu độ và con người được cứu độ trên cùng một bình diện, đã thực sự rơi vào nguy cơ làm cho mầu nhiệm Nhập Thể thành vô giá trị, và quên rằng Ðức Kitô đã trở nên “tương tợ với chúng ta trong muôn sự, trừ phi là tội” (x. Dt 4,15). Chắc hẳn, khi một người con hấp hối trong những hoàn cảnh như thế, bị mọi người ruồng bỏ, tìm nương náu nơi trái tim, nơi ánh mắt người mẹ, người đã sinh ra và biết Con mình vô tội, thì có gì là “tội” đâu. Ðó chỉ là bản tính tự nhiên, là sự đồng cảm của con người. Và bởi đó là sự đồng cảm của con người chứ không phải là tội, nên Ðức Giêsu đã cảm nghiệm nó trong giây phút hấp hối. Ðừng để sự khác biệt vô cùng giữa Ðức Kitô và Ðức Maria làm quên đi sự tương tợ, bởi sự tương tợ giữa hai người cũng vô cùng vô hạn; nếu không như thế thì sẽ rơi vào thuyết ảo thân và phủ nhận Ðức Giêsu là người thật.

Ðức Giêsu không còn nói: “Này bà, giữa tôi với bà, nào có việc gì? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Bây giờ, “giờ” của Ngài đã đến, giữa Ngài và Mẹ có chung một thực tại lớn lao: cùng một niềm đau khổ. Trong những giây phút cực điểm này, những giây phút mà chính Chúa Cha cũng ẩn khuất cách bí nhiệm khỏi mắt trần của Ngài, Ðức Giêsu chỉ còn lại ánh mắt của Mẹ, như là nơi Ngài có thể tìm trợ lực, náu nương. Nếu trong Vườn Dầu, Ngài đã ngỏ ý với các môn đệ: “Các ngươi hãy ở lại đây mà thức với Ta” (Mt 26,38), lẽ nào Ngài lại không màng gì đến sự hiện diện đầy ủi an của một người mẹ?

Ðức Maria “đứng” bên khổ giá, khuôn mặt của Người hầu như ngang với khuôn mặt Ðức Giêsu, cúi xuống từ trên Thập Giá. Khi nói với Người: “Hỡi Bà, này là con Bà!”, chắc chắn Ðức Giêsu đã quay về nhìn Mẹ, đến nỗi không cần phải gọi tên của Người. Ai có thể thấu được ánh mắt đó giữa Mẹ và Con, trong giây phút như vậy. Mọi nỗi đau khổ của con người đều hàm chứa một chiều kích “riêng tư” thân thiết, và người ta chia sẻ đau khổ theo “gia đình”, giữa những người gắn bó với nhau bằng mối dây máu mủ ruột thịt. Niềm đau khổ của Ðức Kitô và của Ðức Maria cũng đã được chia sẻ như thế!

Một niềm vui trong đau đớn tột cùng chuyển thông giữa hai người như nước trong hai bình thông nhau. Niềm vui đến từ việc, từ đây, các Ngài chẳng những không còn chống chọi lại nỗi đau đớn, mà ngay cả để cho nỗi đau đó tự do xâm nhập vào tận những gì thâm sâu nhất. Sau cuộc chiến đấu là niềm bình an. Các Ngài nên một với đau khổ và tội lỗi của toàn nhân thế. Ðức Giêsu nên một cách trực tiếp trong tư cách là “hy lễ đền tạ tội lỗi của thế gian” (x. 1Ga 2,2). Còn Ðức Maria thì một cách gián tiếp, qua sự kết hiệp với Con bằng cả thân xác và tâm hồn.

Hành vi cuối cùng của Ðức Giêsu trên Thập Giá, khi nói lên lời: “Lạy Cha, con ký thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46) là một hành vi tôn thờ Thánh Ý Cha với tấm lòng yêu mến, trước khi đi vào bóng tối của sự chết. Ðức Maria hiểu mình phải bước theo Con cả trong điều đó và Người đã tôn thờ Thánh Ý khôn dò thấu của Chúa Cha, trước khi một nỗi cô đơn khủng khiếp phủ xuống tâm hồn Người và đọng lại đó cho đến chết.

III. ÐỨNG GẦN KHỔ GIÁ ÐỨC GIÊSU

Trung thành với nguyên tắc hướng dẫn, theo đó Ðức Maria được xem là hình bóng và là tấm gương, hoa trái đầu tiên và là gương mẫu của Giáo Hội, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi: Thánh Thần muốn nói gì với Giáo Hội khi để cho sự hiện diện của Ðức Maria cũng như lời của Ðức Giêsu nói về Người được ghi lại trong Kinh Thánh? Ðức Maria là “bức thư sống” được viết bởi chính ngón tay của Thiên Chúa. Một bức thư viết với thật ít lời nên chúng ta không thể để mất đi một lời nào.

Cả lần này nữa, chính Lời Chúa, một cách mặc nhiên, chỉ cho Giáo Hội con đường của Ðức Maria, và cho chúng ta biết những gì mà mỗi tín hữu phải thực hiện để noi gương Người. “Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài, và bên cạnh Mẹ Ngài là môn đệ Ngài yêu mến”. Trình thuật này hàm chứa lời khuyến thiện (parénèse). Ðiều xảy ra hôm đó chỉ cho thấy những gì phải diễn ra mỗi ngày: đứng cạnh Ðức Maria, bên Thập Giá Ðức Giêsu như người môn đệ Chúa yêu đã làm.

Câu nói này gợi ra hai bài học: trước hết, phải đứng “bên khổ giá” và thứ đến phải đứng bên khổ giá “của Ðức Giêsu”. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng bài học riêng biệt, bắt đầu từ bài hai là bài quan trọng nhất.

Ðứng bên khổ giá “của Ðức Giêsu”. Những từ đó nói cho chúng ta biết điều phải làm trước tiên và cũng là điều quan trọng nhất, không phải là đứng bên khổ giá theo nghĩa chung chung, mà là đứng bên khổ giá “của Ðức Giêsu”. Không phải chỉ cần đứng bên khổ giá, chịu đau khổ là đủ, ngay cả chịu đựng trong câm lặng đi nữa. Không! Nếu chỉ có như thế thì có vẻ anh hùng đấy nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất, thậm chí có khi chẳng là gì cả. Ðứng bên khổ giá “của Ðức Giêsu” đó mới là điều quyết định. Ðiều quan trọng không phải là thập giá của chúng ta mà là Thập Giá của Ðức Kitô. Không phải sự kiện chịu đau khổ nhưng là lòng tin, và qua đó nhận đau khổ của Ðức Kitô làm của mình. Ðức tin mới là điều quan trọng hàng đầu. Ðiều cao cả nhất của Ðức Maria dưới chân Thập Giá là lòng tin hơn là nỗi đau khổ của Người. Thánh Phaolô nói: lời của Thập Giá “là quyền năng của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những ai được kêu gọi” (x. 1Cr 1,18.24). Ngài còn nói Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa “đối với mọi kẻ tin” (x. Rm 1,16). Ðối với những ai được kêu gọi và đối với những kẻ tin chứ không phải đối với bất cứ ai chịu đau khổ, mặc dầu, như chúng ta sẽ thấy, những điều đó thường đi liền với nhau.

Ở đây chúng ta khám phá thấy nguồn suối đem lại tất cả sức mạnh và sự phong nhiêu cho Giáo Hội. Sức mạnh của Giáo Hội phát xuất từ việc rao giảng Thập Giá của Ðức Giêsu, một chủ đề mà dưới con mắt thế gian là chính biểu tượng của sự điên rồ, của sự hèn yếu. Vì thế, Giáo Hội từ khước mọi khả năng hay ý muốn đương đầu lại với thế gian cứng lòng và dửng dưng bằng các phương tiện của nó: sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, sức mạnh của lý luận, sự châm biếm, lố lăng, sự châm chích cay độc và tất cả “những gì là mạnh mẽ của thế gian” (x. 1Cr 1,27). Phải từ khước mọi ưu thế phàm tục để sức mạnh Thiên Chúa chứa đựng trong Thập Giá Ðức Kitô được tỏ lộ và phát huy hiệu lực. Việc nhấn mạnh đến điểm đầu tiên này là hết sức cần thiết. Ða số các tín hữu đã chưa bao giờ được giúp đỡ để biết đi vào mầu nhiệm này, một mầu nhiệm trọng tâm của Tân Ước, tâm điểm của lời rao giảng tiên khởi và là mầu nhiệm làm thay đổi đời sống chúng ta.

“Ðứng bên khổ giá”. Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng chúng ta thật sự tin vào Thập Giá của Ðức Kitô. Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng cho thấy “Lời của Thập Giá” không phải chỉ là một từ ngữ, một nguyên lý trừu tượng, một thần học hay một ý thức hệ, nhưng thực sự là Thập Giá? Dấu hiệu và bằng chứng, là vác lấy Thập Giá của mình và theo Ðức Giêsu (x. Mc 8,34). Dấu hiệu là thông phần vào các thống khổ của Ngài (Pl 3,10; Rm 8,17) là cùng chịu đóng đinh với Ngài (Ga 2,20), là lấy chính những đau khổ của mình, bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu (Cl 1,24). Ðời sống người Kitô hữu phải trở nên một hy tế sống động như hy tế của Ðức Kitô (x. Rm 12,1). Nhưng vấn đề không phải chỉ là nỗi đau khổ mình phải chấp nhận, phải chịu đựng, mà còn là đau khổ chủ động, tự ý tìm kiếm: “Tôi đối xử khắc nghiệt với thân xác tôi và bắt nó quỵ lụy phục tùng” (1Cr 9, 17).

Tôi nhấn mạnh đến điểm này là vì, như vẫn làm trong các phần suy niệm trước, chúng ta tìm cách xây dựng một tổng hợp. Tổng hợp những điều mà trong Giáo Hội, dần theo thời gian đã đi đến chỗ bị xem như là những điều đối lập với nhau trong khi lẽ ra chúng phải được gắn liền với nhau. Ðức Maria là dấu chứng tốt đẹp nhất về một Giáo Hội chưa bị chia cắt, chưa bị chia nhỏ thành nhiều tên gọi, trường phái, trào lưu khác nhau. Người có thể giúp chúng ta tìm lại sự duy nhất bằng cách trước hết làm nẩy sinh lại nơi chúng ta hoài vọng về sự duy nhất.

Ðứng trước Thập Giá và cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô, quả thật chúng ta thấy có hai thái độ khác biệt trong Giáo Hội: một thái độ đặc trưng của thần học Tin Lành, đặt nền trên đức tin và đón nhận trong tâm hồn, thái độ này dựa vào Thập Giá Ðức Kitô và không muốn biết thứ vinh quang nào khác ngoài Thập Giá Ðức Kitô. Thái độ thứ hai đặc biệt được khai triển, ít là trong quá khứ, trong thần học Công Giáo. Thái độ này nhấn mạnh đến việc cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô, thông phần cuộc khổ nạn của Ngài và, như trường hợp một số vị thánh, sống lại cuộc khổ nạn của Ðức Kitô nơi bản thân mình.

Chúng ta thấy vấn đề làm sao giữ cho hai thái độ này kết hợp với nhau thay vì đối chọi với nhau là điều hết sức trọng yếu. Chúng ta được kêu gọi khôi phục lại tính “toàn thể” của đức tin Công Giáo về Thập Giá cũng như về ân sủng và đức tin, bằng cách vượt qua những đối nghịch giả tạo, nẩy sinh trong những thời kỳ cá biệt do những lệch lạc và lạm dụng. Tinh thần đại kết đích thực và sâu xa khởi sự từ mức độ này: đặt các ân sủng lại với nhau trong một toàn thể để tìm lại sự quân bình đã bị phá vỡ. Lời Chúa gợi cho thấy điều quan trọng không phải là lựa chọn giữa thái độ này hay thái độ kia, nhưng là giữ cho hai thái độ đó kết hợp với nhau và phát triển cả hai thái độ đó: thái độ tin và thái độ noi theo. Hiển nhiên vấn đề không phải là đặt công trình của Ðức Kitô và việc làm của chúng ta lên cùng một bình diện, nhưng là đón nhận lời Kinh Thánh, vì lời Kinh Thánh dạy rằng đức tin và việc làm gắn liền với nhau, nếu không thì dù là đức tin, dù là việc làm cũng ra vô ích (x. Gc 2,14tt).

Có thể nói, vấn đề rõ ràng liên hệ đến đức tin. Niềm tin vào Thập Giá Ðức Kitô phải trải qua đau khổ để trở thành đức tin chính thực. Thư thứ nhất Phêrô nhắc lại rằng đau khổ là “lò luyện” đức tin, và đức tin cần đến đau khổ để được tinh luyện, như vàng trong lửa (x. 1Pr 1,6-7). Nói cách khác, thập giá của chúng ta tự nó không phải là ơn cứu độ, không phải là quyền năng cũng chẳng phải là khôn ngoan, tự nó, thập giá chỉ thuần túy là việc làm của con người ngay cả là sự trừng phạt. Thập giá trở nên quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa trong mức độ nó kết hợp chúng ta lại với Thập Giá của Ðức Kitô, và điều này phải là do quyết ý của Thiên Chúa và gắn liền với đức tin. “Chịu đau khổ có nghĩa là khai mở lòng cách đặc biệt để cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Ðức Kitô, tác động”.[6] Ðau khổ đưa đến sự kết hợp với Thập Giá Ðức Kitô không phải chỉ trên bình diện trí tuệ nhưng là kết hợp cách hiện sinh, cụ thể. Ðó là một thứ kênh đào, một con đường dẫn tới Thập Giá Ðức Kitô, không phải là con đường song song nhưng làm một với đức tin.

Muốn cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô và thông phần vào những nỗi thống khổ của Ngài, phải chăng sẽ làm nẩy sinh nơi con người sự tự mãn hão huyền về việc làm? Hẳn là thế, nhưng khốn thay, còn một nguy cơ tự vinh vang khác có lẽ còn thâm hiểm hơn, đó là khi người ta bằng lòng với một đức tin tinh tuyền, không cần gì khác, làm như thể nơi chúng ta, phàm nhân thụ tạo, lại có thể có một điều gì đó thật tinh tuyền. Nếu người ta có thể vinh vang về đau khổ của mình thì người ta cũng có thể vinh vang về đức tin của mình như vậy. Mà điều này còn nguy hiểm hơn vì nó tinh vi và khó phát hiện hơn. Phủ nhận điều đó là quá ngây ngô và làm cho người ta tưởng rằng tất cả những gì các nhà thần học trong quá khứ viết về “chỉ đức tin mà thôi” (sola fides) cũng như về “thần học Thập Giá” không hề bị bất cứ sự chi phối nào của tính kiêu căng hư hão, không hề có óc tự tôn hay bất cứ dấu vết nào của khôn ngoan nhân loại.

Ðàng khác, Kinh Thánh không hề nói rằng, mang lấy Thập Giá và thực thi sám hối thì tất sẽ sinh ra thói hư danh. Chính Thập Giá, trong trường hợp này, đảm nhận việc loại bỏ mọi ý muốn tự vinh vang. Nếu đức tin đích thực diệt trừ thói hư danh ít ra cũng không kém. Cũng có thể có sự vinh vang chính đáng về những đau khổ của mình, như chính Thánh Phaolô cho ta một ví dụ khi Ngài viết: “Vậy tôi rất đỗi vui sướng mà vinh vang nơi các sự yếu đuối của tôi. Tôi vui thỏa trong các nỗi yếu đuối, trong quẫn bách, cùng khốn vì Ðức Kitô” (x. 2Cr 12,9tt). Những thống khổ tôi phải chịu vì Ðức Kitô chứ không phải của Ðức Kitô chịu vì tôi! Cũng chính Thánh Tông Ðồ coi trọng những gian truân cùng khốn của chúng ta, đến mức ngài nói rằng, những gian truân đó “sắm cho chúng ta đời đời một khối vinh quang siêu vời tuyệt đỉnh” (2Cr 4,17).

IV. THẬP GIÁ PHÂN CHIA VÀ NỐI KẾT

Nếu chúng ta cần phải “đứng bên Khổ Giá Ðức Giêsu” như Ðức Maria, thì điều thiết yếu đối với chúng ta là ngày càng phải hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Thập Giá để có thể sống lấy mầu nhiệm đó. Trong các thư của Thánh Phaolô, người ta có thể nhận thấy có một sự đối lập rõ ràng về chủ đề sức mạnh của Thập Giá Ðức Kitô. Trong nhóm thư, chủ yếu là các thư được gọi là “Phaolô đệ nhất” (Protopauliniennes) vì là những thư thuộc giai đoạn hoạt động đầu tiên của Thánh Phaolô, Thập Giá trước hết có sức phân chia và tách biệt. Quả vậy, Thập Giá tách biệt điều do tự Thần Khí với điều bởi xác thịt (x. Ga 5,24), điều thuộc về đức tin với điều thuộc về lề luật (x. Ga 5,11), tách biệt con người mới với con người cũ (x. Rm 6,6), tín hữu với kẻ vô tín, Kitô hữu với người Do Thái và người Hy Lạp (x. 1Cr 1,18tt) và tách biệt Kitô hữu với thế gian: “Thập Giá mà nhờ đó thế gian bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian” như lời của Thánh Tông Ðồ (Ga 6,14). Thập Giá dựng lên giữa Kitô hữuvà thế gian.

Ngược lại, trong nhóm thư thứ hai, được gọi là “Phaolô đệ nhị” (Deutéropauliniennes) thuộc giai đoạn hoạt động thứ hai của Thánh Tông Ðồ, hoặc theo ý kiến một số người, đây là những thư do một môn đệ hay một người bắt chước Thánh Phaolô soạn, thì Thập Giá lại nối kết, triệt hạ các bức tường ngăn cách, giảng hòa con người lại với Thiên Chúa và với nhau. Chỉ cần đọc bản văn sau đây, trích trong thư Ephesus là bức thư thuộc nhóm thứ hai này cũng đủ thấy điều đó:

“Nhưng nay trong Ðức Kitô Giêsu, anh em, những kẻ xưa kia ở xa thì đã nên gần nhờ bửu huyết của Ðức Kitô. Vì chính Ngài là sự bình an của ta, Ðấng đã làm cho đôi bên nên một, triệt hạ tường ngăn thành chắn tiêu biểu cho mối hằn thù - nhờ thân xác Ngài - thủ tiêu lề luật nguyên là những điều răn lệnh chỉ, ngõ hầu trong Ngài, Ngài tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới; đem lại bình an và giảng hòa hai dân - trong một Thân Mình - với Thiên Chúa, nhờ Thập Giá, giết chết hằn thù - nơi Mình Ngài. Và Ngài đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Vì chính nhờ Ngài, chúng ta đôi bên, trong một Thần Khí, được đến cùng Cha” (Ep 2,13-18).

Nhờ Thập Giá Ðức Kitô mà những kẻ ở xa nay trở nên gần, tường ngăn cách bị phá đổ, tất cả được nối kết lại. Chính từ bản văn này mà trong Kitô giáo cổ thời, ý nghĩa biểu tượng của Thập Giá vũ trụ (croix cosmique) đã phát triển, Thập Giá được xem như một cây giữ cho vũ trụ được hiệp nhất: “Cây gỗ ấy mang những kích thước vũ trụ, vươn lên từ đất, thấu tận trời cao, là nền tảng của muôn loài muôn sự, trụ cột của thế giới, chống đỡ cả vũ hoàn, là mối dây vũ trụ giữ cho bản tính con người vốn không bền vững được hiệp nhất, gìn giữ nó an toàn bằng những chiếc đinh vô hình của Thần Khí, ngõ hầu một khi đã được nối kết chặt chẽ với thần tính, nó không còn có thể tách rời ra được. Với đỉnh chạm tới trời và chân củng cố mặt đất, Thập Giá giữ cho tinh thần trung gian và đa tạp của các bầu trời được gắn bó chặt chẽ với nhau mọi bề, bằng những cánh tay dài vô hạn của nó”.[7]

Theo ý nghĩa biểu tượng này, cánh tay ngang của Thập Giá nối kết lại tất cả những gì bị phân chia trên mặt đất: dân ngoại với dân Do Thái, nghĩa là nối kết hai dân tộc với nhau, người nam với người nữ, người tự do với kẻ nô lệ. khi tất cả thế gian này đã được giảng hòa lại với nhau, thân đứng của Thập Giá sẽ nối kết nó lại với Thiên Chúa: “Thập Giá nối kết đất với trời, con người với Thiên Chúa, đến mức từ nay chúng ta được đến cùng Cha, cả đôi bên ở trong một Thần Khí duy nhất”.[8]

Như thế ở đây chúng ta đứng trước hai cách quan niệm về vai trò của Thập Giá: một đàng Thập Giá phân chia, đàng khác, Thập Giá kết hợp. Thế nhưng không hề có mâu thuẩn trong Phaolô cũng như trong Tân Ước. Thập Giá mang cả hai vai trò đó, Thập Giá phân biệt để nối kết, tách biệt khỏi thế gian để kết hợp với Thiên Chúa; cứu khỏi sự hư hoại, và hợp nhất những kẻ chấp nhận cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô lại với nhau, mặc cho mọi khác biệt giữa họ. Thập Giá vượt trên mọi khác biệt để tỏ cho thấy rằng, so với sự khác biệt mới mẻ và tận căn, phân biệt giữa bạn hữu và “thù địch đối với Thập Giá Ðức Kitô” thì những lời khác biệt trên chỉ là phụ thuộc và tương đối (x. Pl 3,18).

Vì thế, chúng ta phải tránh rơi vào cám dỗ phân chia Kinh Thánh để nắm lấy điều mình thấy vừa lòng hơn hoặc có vẻ củng cố cho truyền thống thần học của mình: “Ðiều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly!”. Chúng ta phải giữ lấy hai cách nhìn đó cách trọn vẹn và với lòng biết ơn: cách nhìn của Phaolô đệ nhất và của Phaolô đệ nhị.

Thập Giá phân rẽ và chia cắt: đó là dụng cụ mà Thiên Chúa xử dụng để cắt tỉa nhành của cây nho vĩ đại là Thân Mình Ðức Kitô ngõ hầu nó sinh nhiều hoa trái. Như lời của Michel-Ange điêu khắc là “nghệ thuật đẽo gọt đi”. Cũng thế, chúng ta đạt tới sự thánh thiện “bằng nghệ thuật đẽo gọt đi”, loại bỏ những mảnh vô dụng, những ham muốn, hướng chiều của xác thịt đang che phủ tạo vật mới. Ngày nọ, nhà điêu khắc vũ trụ người Florentin đang đi dạo trong một khu vườn ở Florence, ông nhìn thấy một phiến cẩm thạch chơ vơ bị che lấp mất một nửa. Dừng ngay lại, như thể vừa gặp phải ai đó, ông kêu lên: “Một thiên thần đang ẩn trong khối đá này; tôi sẽ kéo người ra”. Và ông cầm lấy chiếc đục. Chúng ta như thế nào thì Thiên Chúa nhìn như vậy, như một khối đá thô bị đất phủ lấp. Và rồi Thiên Chúa nói: “Hình ảnh của Con Ta đang bị che giấu trong đó, một tạo vật mới mẻ và đẹp đẽ: Ta muốn kéo nó ra!”. Ngài dùng Thập Giá là nhằm mục đích đó.

Thập Giá còn là và nhất là sức nối kết. Thập Giá trước tiên kết hợp chúng ta lại với nhau, hiệp nhất con người với đồng loại của mình. Thập Giá làm cho chúng ta thông cảm và liên đới với nhau. Người chịu đau khổ thường bắt đầu ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình, bắt đầu nhận ra được những nhu cầu của anh em, người đó không còn trơ lỳ đối với niềm trắc ẩn.

Trên hết, Thập Giá hợp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Ðiểm cuối cùng này đã được thánh Bonaventura minh họa một cách hết sức gợi hình gợi cảm ở trong tác phẩm “Hành trình của tâm hồn đến với Thiên Chúa”. Ngài muốn vạch ra một con đường nâng tâm hồn lên với Chúa gồm bảy cấp. Ở cấp thứ nhất, linh hồn đến gần Chúa qua sự hiện diện của Người để lại trong vũ trụ; cấp thứ hai, qua dấu vết của Người trong thế giới hữu hình; cấp thứ ba, qua hình ảnh của Người in vào trong các năng lực tự nhiên của con người; cấp thứ tư, qua hình ảnh của Người nơi con người được khôi phục lại nhờ ân sủng; cấp thứ năm, qua chiêm niệm Thiên Chúa duy nhất; cấp thứ sáu, qua chiêm niệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Còn lại cấp thứ bảy, có gì cao vời hơn Ba Ngôi nữa chăng? Cuộc gặp gỡ thực sự giữa con người với Thiên Chúa, theo thánh Bonaventura, sẽ diễn ra ở đâu?

Lúc này, thánh nhân dẫn độc giả trở về mặt đất, dẫn lên đồi Golgotha, chỉ lên Thập Giá mà nói: Ðây là đường, đây là phương thế, đây là nơi. “Ðiều còn lại chúng ta cần phải làm là vượt qua và siêu vượt bằng chiêm niệm, không những thế giới khả giác mà còn siêu vượt chính linh hồn”. Trong cuộc Vượt Qua này, Ðức Kitô là “Ðường và là Cửa, là Thang và là Cỗ xe”. Ngài là Bàn Xá Tội đặt trên Khám của Thiên Chúa và là “Mầu Nhiệm giấu ẩn từ ban đầu”. Vậy ai quay mặt vào thẳng Bàn Xá Tội và đăm nhìn lên Ðức Giêsu Kitô treo trên Thập Giá, với lòng tin, niềm cậy trông và lòng mến, với tâm tình khâm sùng, say mến, với niềm kính thờ, ngợi ca và hân hoan mừng rỡ, người ấy dự lễ Vượt Qua cùng với Ngài, nghĩa là dự vào cuộc Vượt Qua, nhờ cây Thập Giá, người đó Vượt Qua Biển Ðỏ, ra khỏi Ai Cập để vào sa mạc, và ở đó thưởng nếm manna giấu ẩn.[9]

Cách nói về Thập Giá như thế xuất hiện ngày từ thời xa xưa nhất của Kitô giáo trong bài thánh thi về Thập Giá vũ trụ nhắc đến ở trên, ta đọc thấy: “Ðối với tôi, cây gỗ này là ơn cứu độ muôn đời. Tôi được dưỡng nuôi, được no thoả bằng cây đó. Bởi rễ của nó mà tôi đâm rễ sâu, bởi cành của nó mà tôi vươn rộng; sương của nó làm tôi ngất say, và bởi Thần Khí của nó như làn gió tuyệt vời mà tôi thành phong nhiêu. Dưới bóng của nó tôi dựng lều và tìm được nơi ẩn náu khỏi nóng bức mùa hè. Nhờ hoa của nó mà tôi nở hoa, nhờ trái của nó mà tôi thỏa thuê vui sướng, tôi mặc sức hái ăn, bởi đó là trái dành cho tôi ngay từ thuở ban đầu. Cây gỗ đó là thức ăn cho cơn đói, nguồn suối cho cơn khát và là trang phục cho sự trần trụi của tôi. Cây gỗ đó bảo vệ tôi khi tôi e sợ Thiên Chúa, là chỗ dựa khi tôi lao đao, là phần thưởng khi tôi chiến đấu, là chiến lợi phẩm khi tôi chiến thắng khải hoàn. Với tôi, cây gỗ đó là lối nhỏ, là con đường hẹp, là chiếc thang Giacob, là đường đi của thiên thần, trên đỉnh của nó Chúa thực sự đã tựa vào”.[10]

V. NGƯỜI TUYỆT VỌNG MÀ VẪN MỘT NIỀM CẬY TRÔNG

Cho dù tất cả những gì mà người ta có thể nói về quyền năng của Thập Giá đi nữa, Thập Giá tự nó không đủ. Mầu nhiệm Vượt Qua không chỉ nằm trong Thập Giá Ðức Kitô cũng như không chỉ nằm trong sự Phục Sinh của Ngài, cũng không nằm trong cả hai điều đó, nếu hiểu đó là hai điều tiếp nối nhau, nằm kề nhau hay hợp lại với nhau. Mầu nhiệm “Vượt Qua”nằm trong sự Vượt Qua từ điều này sang điều kia, từ sự chết sang sự sống, nằm trong sự “trải qua cái chết mới vào vinh quang, vào Nước Thiên Chúa” (x. Lc 24,26; Cv 14,22). Mầu nhiệm Vượt Qua là một thực tại động chứ không phải tĩnh, là một vận hành hay một biến cố mà người ta không thể chia cắt thành từng mãnh mà không hủy hoại nó.

Trí óc của con người thường khó hiểu được và chấp nhận những điều đối nghịch với nhau cùng một lúc và điều đó cũng bộc lộ rõ ở đây. Lý luận con người tìm cách giơ rìu của nó cả trên cốt lõi thâm sâu nhất của đức tin để phân chia và đôi khi đặt đối lập, theo nguyên lý “aut aut”, hoặc là giữa cái chết và sự Phục Sinh, giữa thần học Thập Giá và thần học vinh quang. Nếu trong quá khứ, có những lúc người ta nhấn mạnh đến chiến thắng của Ðức Kitô trong sự Phục Sinh đến mức làm cho thực tại vĩnh viễn của Thập Giá bị chìm trong bóng tối, thì ngày nay người ta lại có khuynh hướng rơi vào thái cực ngược lại, tôn dương thần học Thập Giá đến độ làm cho thần học vinh quang thành đáng ngờ, như thể vinh quang có thể làm cho Thập Giá mờ nhạt đi và khiến cho Giáo Hội đi trệch khỏi bổn phận của mình. Thần học Tin Lành vốn đi đầu trong việc đem lại giá trị cho thần học Thập Giá, thế những cũng đã có những tiếng nói gióng lên ngay giữa lòng thần học Tin Lành, phản ứng chống lại khuynh hướng trên. Một nhà thần học Tin Lành viết: “Việc nhấn mạnh đến Thập Giá mang tính chất một chiều đã khiến cho thần học Tin Lành bị chặn mất con đường đưa tới việc hiểu sứ điệp Tân Ước trong ý nghĩa trọn vẹn của nó”.[11]

Chẳng hạn, dựa vào Rm 3,25 để nói rằng, Thánh Phaolô cho ơn công chính hóa chỉ tùy thuộc Thập Giá mà thôi, thì không đúng vì ở chỗ khác ngài rõ ràng cho thấy ơn công chính có Phục Sinh của Ðức Kitô (x. Rm 4,25), và ngài thêm, nếu không có Phục Sinh thì chúng ta sẽ còn ở trong tội của chúng ta (x. Lc 15,17). Theo Thánh Phaolô, Giáo Hội, đức tin, ơn công chính hóa, ơn tha tội, tất cả đều tùy thuộc vào sự chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, nghĩa là tùy thuộc vào một mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất, không tách rời. Không thể chỉ dừng lại ở một bản văn, mà phải nắm các bản văn trong cùng một tổng thể.

Có những lúc người ta nghĩ rằng chiêm ngắm cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô cùng một lúc như Gioan đã làm trên đồi Golgotha thì sẽ làm phai đi tính khốc liệt của Thập Giá Ðức Giêsu, như thể khi đi đến cái chết, Ngài đã chắc mẫm về sự Phục Sinh của mình, giống như kẻ thủ sẵn con chủ bài, có thể rút ra lúc thuận lợi. Nghĩ như thế là hiểu sai đường lối của Thiên Chúa, như chúng ta có thể thấy điều đó trong cuộc đời các thánh. Trong thân phận làm người, Ðức Giêsu chỉ ý thức chắc chắn một điều: con đường Ngài đi là do Cha dẫn dắt và dù tình huống có xảy ra thế nào đi nữa, chiến thắng chung cuộc sẽ là chiến thắng của Cha chứ không phải của hận thù. Các Tin Mừng nhất trí chứng thực rằng: Ðức Giêsu giữ niềm tín thác vào Cha cho đến cùng, Ngài đã chết trong niềm vâng phục chứ không như một kẻ tuyệt vọng. Thánh Phaolô rất có lý khi nói, chính vì điều đó, vì sự vâng phục của Ngài mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, đã cho Ngài sống lại (x. Pl 2,11). Mối liên kết nội tại giữa ngày thứ Sáu Tuần Thánh và sự Phục Sinh trong mầu nhiệm Vượt Qua không nằm trong “quyền năng”của Ðức Kitô, mà là trong sự “vâng phục” của Ngài. Thánh Phêrô, trong sách Tông Ðồ Công Vụ, đã áp dụng cho Ðức Kitô lúc hấp hối lời Thánh Vịnh: “Cả thân tôi cũng ở trong trông cậy, vì Người sẽ không thể bỏ tôi nơi âm phủ” (Cv 2,26-27). Cũng thế, Thánh Vịnh 22 nổi tiếng mà Ðức Giêsu cất lên trên Thập Giá: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người lại bỏ tôi?”, kết thúc bằng tiếng kêu hy vọng: “Và tôi, tôi sẽ sống cho Người, dòng giống tôi sẽ làm tôi Người, thiên hạ sẽ rao truyền Chúa cho hậu thế”.

Những điều nói trên cũng phù hợp với Ðức Maria, tuy chỉ theo nghĩa phụ thuộc. Khi nói trên đồi Golgotha, Ðức Maria đã sống tất cả mầu nhiệm Vượt Qua chứ không phải chỉ sống một nửa mầu nhiệm đó, là bao hàm rằng Người đã ở bên Thập Giá “trong niềm hy vọng”, Người chia sẻ với Con không những cái chết mà cả niềm hy vọng về sự Phục Sinh. Hình ảnh về Ðức Maria dưới chân Thập Giá, như hình ảnh gợi hứng từ bài “Stabat Mater” (Mẹ đứng đó), trong đó, Ðức Maria chỉ có “buồn và sầu khổ” mà thôi, chỉ còn là “Người Mẹ sầu khổ” (Mère des douleurs), hình ảnh đó sẽ rất thiếu sót, không đầy đủ vì như thế là không lý gì đến sự kiện chính Gioan trình bày hình ảnh đó, và theo Gioan, Thập Giá còn hàm chứa giá trị vinh quang và của chiến thắng. Trên đồi Golgotha, Ðức Maria không chỉ là “Mẹ sầu bi” mà còn là Người Mẹ cậy trông, “Mater spei”, như một thánh thi của Giáo Hội đã cầu khẩn Người.

Theo lời Kinh Thánh, bởi tin, Abraham đã hiến dâng Isaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một, ông là người đã đón nhận các lời Chúa, là kẻ đã được (Thiên Chúa) phán bảo: “Nơi Isaac, ngươi sẽ có dòng giống đội tên ngươi, bởi ông tính rằng: Thiên Chúa quyền phép đủ để làm cho người chết sống lại, do đó ông đã được lại con ông, sự đã nên như triệu báo” (Dt 11,17-19). Isaac đã nên “như triệu báo”, nên lời tiên tri về điều gì? Theo một truyền thống chú giải có ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, Isaac là hình bóng cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô. Nếu Isaac là hình bóng của Ðức Kitô, thì Abraham, người đã dẫn ông đi để chịu sát tế, là hình bóng của Thiên Chúa Cha trên trời và là hình bóng của Maria dưới thế.

Thánh Phaolô khẳng định về Abraham trong thử thách: đó là “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin” (Rm 4,18). Lời tuyên bố này áp dụng cho Ðức Maria dưới chân Thập Giá lại càng đúng hơn: tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, Mẹ đã tin. Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông là gì nếu không phải là “chẳng còn là lý do gì để hy vọng, ở trong một tình cảnh hoàn toàn bị tước hết mọi hy vọng, xét trên bình diện nhân loại, và hoàn toàn đối nghịch với lời hứa, nhưng không vì thế mà vơi niềm cậy trông, chỉ duy còn dựa vào lời hy vọng mà Thiên Chúa đã phán vào thời của Người”.[12]

Cũng như lời Kinh Thánh nói về Abraham, Ðức Maria đã tin, một niềm tin chúng ta không thể giải thích nổi và có lẽ chính Người cũng không giải thích được, tin rằng Thiên Chúa đủ quyền năng làm cho Con mình sống lại “cũng từ trong kẻ chết”. Nếu nghĩ rằng, gán một tình cảm như thế cho Ðức Maria là quá đáng thì hẳn là không biết một chút gì về lòng cậy trông có thể đi đến mức liều lĩnh như thế nào. Một bản văn Công Ðồng Vatican II nói đến lòng cậy trông của Ðức Maria dưới chân Thập Giá như là yếu tố quyết định trong ơn gọi làm Mẹ của Người: dưới chân Thập Giá “Người đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế như lòng vâng phục, như đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn”.[13]

VI. NHỮNG NGƯỜI GẮN BÓ VỚI NIỀM HY VỌNG NHỎ NHOI

Giờ đây, chúng ta nói đến Giáo Hội và nói đến chính chúng ta trong tương quan với vận hành thứ hai này của mầu nhiệm Vượt Qua. Như lời thánh Augustin: “Cuộc Vượt Qua của chúng ta từ sự chết đến sự sống, công trình của đức tin, được thực hiện bởi niềm hy vọng vào sự Phục Sinh tương lai và vinh quang chung cuộc”. Về ba biến cố mà Giáo Hội tưởng niệm trong “Tam Nhật Vượt Qua”: Ðóng đinh, Táng xác, Chúa sống lại - “Trong cuộc đời hiện tại, chúng ta sống lấy việc chịu đóng đinh, còn táng xác và Phục Sinh là những điều chúng ta nắm giữ bằng đức tin và đức cậy”.[14] Như Ðức Maria, Giáo Hội sống sự Phục Sinh “trong niềm cậy trông”, nếu Thập Giá là đối tượng của niềm cậy trông. Ðối với chúng ta, Ðức Maria là bậc thầy về đức tin trong mầu nhiệm Nhập Thể, còn trong mầu nhiệm Vượt Qua, Người trở nên bậc thầy về đức cậy.

Như Ðức Maria đã đứng bên Người Con chịu đóng đinh, Giáo Hội cũng được mời gọi đứng bên cạnh những kẻ bị đóng đinh của ngày hôm nay; những người nghèo, những người chịu đau khổ, những kẻ bị hạ nhục, những người bị áp bức. Vậy Giáo Hội có thể thực hiện được sứ mạng này như thế nào? Trong niềm cậy trông như Ðức Maria. Nếu chỉ đồng cảm với những đau khổ của họ hoặc ngay cả tìm cách xoa dịu những nỗi đau đó mà thôi thì chưa đủ. Còn quá ít. Ai có thể làm được điều đó, ngay cả người không biết đến sự Phục Sinh. Giáo Hội cần phải đem đến niềm hy vọng, cậy trông, bằng cách công bố rằng đau khổ không phải là phi lý, nó có một ý nghĩa, bởi lẽ sẽ có sự phục sinh kẻ chết. Giáo Hội phải “trả lẽ về niềm hy vọng của nó nơi mình” (x. 1Pr 3,15). Chính ánh sáng của bình minh Vượt Qua hơn là suy tư về cuộc đời tại thế của Ðức Giêsu, mới dần dần hé mở cho cộng đoàn Kitô hữu ý nghĩa cái chết gây đảo lộn, choáng váng của Ðức Kitô. Ngày hôm nay cũng thế, chỉ có ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô cũng như niềm hy vọng về sự phục sinh của chính chúng ta mới cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của đau khổ và sự chết. Chúng ta hiểu Thập Giá khi nhìn đến các hiệu quả của nó hơn khi nhìn vào các nguyên nhân, vì các nguyên nhân là bí nhiệm, không thể giải thích được.

Con người cần hy vọng để sống như cần oxy để thở. Nhu cầu này là khẩn thiết đến nỗi chỉ nguyên nghe nói đến hy vọng là người ta đứng thẳng dậy, và có thể nói, họ nhìn vào tay bạn, xem bạn may ra có điều gì đó đáp ứng lại nỗi khát khao của họ. Người ta nói, bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu còn sự sống. Gần đây, “thần học hy vọng” được người ta hân hoan đón nhận, đó là dấu hiệu về nhu cầu khẩn thiết đó. Chính tư tưởng ngoài tôn giáo (laique) cũng đã ưu tư về hy vọng, nhưng lại là một hy vọng đã thế tục hóa mà người ta gọi là “nguyên lý Hy Vọng!”. “Nguyên lý” này làm nổi bật khả năng hy vọng của mỗi người và khả năng kiến tạo một tương lai trần thế khác. Ðiều này ngược lại với những điều nhân đức đối thần mang đến, vì đức cậy là ơn ban, ân sủng thiên phú trước khi là việc làm của con người, đối tượng trực tiếp của nó là Thiên Chúa và đời sống vĩnh cửu chứ không chỉ nhắm tới một tương lai trần thế không tưởng (avenir terrestre utopique). Tất cả những điều đó tỏ cho thấy thế giới mang niềm hoài mong (nostalgie) về hy vọng, nó không thể không cần đến hy vọng, mà nếu niềm hy vọng lớn lao đến từ Thiên Chúa lịm tắt đi thì nó phải tạo cho mình hy vọng khác, một hy vọng nhỏ nhoi theo tầm cỡ con người.

Ðã từ lâu và cho đến tận hôm nay, đức cậy vẫn là con gái út, đứa em tội nghiệp của các nhân đức đối thần. Ngay cả trong lịch sử Kitô giáo, người ta thường thấy có những tín hữu quan niệm, như phái tĩnh tịch (quiétisme) muốn gác đức cậy qua một bên, lấy cớ rằng, đức cậy hàm chứa lời hứa nên nó làm suy giảm đức mến hay đức ái tinh tuyền. Còn có một số khác muốn gạt bỏ đức cậy vì đức cậy làm suy giảm đức tin, giảm đi tính vô vị lợi và sự tăm tối của đức tin.

Những lập trường như thế bộc lộ một quan niệm sai lầm về bản chất của đức cậy, bởi lẽ vẫn có niềm cậy trông đó, người ta hầu như quên đi chính mình mà chỉ chú tâm đến Thiên Chúa, không mảy may nghi ngờ lòng nhân lành và tín trung của Người. Vẫn có niềm cậy trông đến mức “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” như niềm cậy trông của Ðức Maria. Niềm cậy trông ở mức độ thẳm sâu này không còn như một sở hữu người ta tùy ý sử dụng và dựa vào đó để làm cho tăm tối và đau khổ nhẹ vơi. Thánh Catherine thành Genes,[15] trong đêm tối đức tin dày đặc nhất, đã kêu lên: “Ðức tin đã mất, lòng cậy trông đã chết”, nhưng trên thực tế, ngài vẫn kiên vững và luôn tấn tới trong đức tin và đức cậy.

Người ta có thể phạm đến đức cậy theo hai cách: hoặc hết hy vọng vào ơn cứu độ, hoặc cho rằng mình được cứu độ mà không cần có công phúc; thất vọng và tự phụ. Cả ở điểm này nữa, cần phải giữ cho Thập Giá và Phục Sinh gắn liền với nhau. Chịu đau khổ mà không hy vọng Phục Sinh, đó là sự tuyệt vọng, hy vọng Phục Sinh mà không chịu đau khổ, đó là sự tự phụ.

Ðôi lúc tôi tự hỏi tại sao Thiên Chúa rất thích lòng cậy trông, Ngài không ngừng đòi chúng ta cậy trông vào Ngài. Vẫn một lòng cậy trông cho dù tất cả mỗi lúc một trở nên khó khăn, nghiệt ngã hơn, hơn là thực tế hiển nhiên mỗi lần xảy đến đều đập tan niềm hy vọng, chính đó là tin vào Thiên Chúa hơn là vào các sự kiện hiển nhiên; là luôn luôn chấp nhận cho Thiên Chúa có thêm một quyền, một khả năng nữa; là đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài. Giả dụ Thiên Chúa đã không tạo dựng thiên đàng trước thì hẳn Ngài cũng sẽ tạo dựng nó, bởi lẽ con cái Ngài trông mong điều đó. Có người cha nào, khi biết con mình đang chờ đợi một món quà Noel, món quà mà mình đã không nghĩ tới, chờ đợi với niềm tin chắc chắn tràn trề, lại không hết sức tìm mua cho nó để nó không phải thất vọng? Con người hữu hạn có thể e sợ và không muốn người ta đặt quá nhiều hy vọng nơi mình, vì ý thức những giới hạn của bản thân và biết rằng, dù có muốn đi nữa, thì không phải lúc nào cũng đáp ứng được hy vọng người ta đặt nơi mình. Thiên Chúa thì không có vấn đề như thế: Ngài chẳng những không cảm thấy khó chịu vì con người đặt cậy trông nơi Ngài, mà còn mong muốn và chờ đợi nữa: Ðức Giêsu nói: “Cho đến nay các ngươi đã không xin gì “ (x. Ga 16,24); “mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được (đức cậy là như thế!) và các ngươi sẽ thấy thành sự” (x. Mc 11,24).

Sánh với tin, người ta thấy đức cậy mang một huyền nhiệm thẳm sâu. Ðức tin nhằm đến Thiên Chúa và các công trình của Người, các công trình đó không tùy thuộc chúng ta. Hiện hữu của Thiên Chúa là đối tượng đức tin; cuộc tử nạn của Ngài vì tội chúng ta là đối tượng đức tin. Thực tại đời sống vĩnh cửu là đối tượng đức tin. Những điều đó vẫn luôn luôn như thế và thực sự là như thế dù chúng ta có tin hay không. Thiên Chúa vẫn hiện hữu cho dù tôi không muốn tin rằng Ngài hiện hữu. Ðối tượng đức tin vì thế thuộc bình diện thực tại. Còn đối tượng của (đức cậy) chỉ có khi tôi hy vọng nó. Chính tôi làm cho nó hiện hữu bằng hy vọng. Quả vậy, niềm hy vọng liên quan đến những điều thiện hảo mà Thiên Chúa sẽ không thực hiện nếu không có tự do của chúng ta. Hiện hữu của Thiên Chúa là đối tượng đức tin, còn việc chính tôi sẽ chiếm hữu Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa sẽ tôi, và tôi sẽ sống mãi muôn đời, đó là đối tượng của đức cậy. Nhưng nếu tôi không cậy trông điều đó thì mãi mãi nó sẽ không bao giờ có. Thiên Chúa sẽ không bao giờ là của tôi. Ðức cậy là một yếu tố cấu thành ơn cứu độ của chúng ta. Lời của Thánh Phaolô “Ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng” (Rm 8,24) mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với những gì chúng ta thoạt tiên tưởng nghĩ.

Như lời thi sĩ Péguy, chúng ta cần phải trở nên “những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi”.[16] Bạn đã tha thiết, hy vọng một điều gì đó, hy vọng một sự can thiệp của Thiên Chúa và rồi chẳng thấy gì phải không? Có phải bạn lại hy vọng thêm một lần nữa mà rồi vẫn không được gì? Tất cả cứ vẫn như trước mắt cho thấy mình sắp được đoái nhận? Xin bạn cứ tiếp tục hy vọng, cậy trông thêm một lần nữa, cậy trông mãi mãi, cho đến tận cùng. Hãy trở nên gắn bó với niềm hy vọng. Trở nên người gắn bó với hy vọng là chấp nhận để cho Thiên Chúa làm bạn thất vọng, để cho Thiên Chúa lừa dối bạn trên cuộc đời này bao nhiêu tùy ý Ngài. Còn hơn thế nữa: là thuận lòng, tận thẳm sâu tâm hồn, với việc Thiên Chúa không đoái nghe lời bạn lần thứ nhất cũng như lần thứ hai, với việc Ngài tiếp tục không đoái nghe lời bạn, vì như thế là Người cho phép bạn được dâng cho Người thêm một bằng chứng, được thực hiện thêm lòng cậy trông, mỗi lúc một khó khăn hơn. Người đã ban cho bạn một ân huệ lớn lao hơn nhiều so với điều bạn kêu xin: ơn trông cậy vào Người.

Tuy nhiên, chúng ta phải coi chừng: Ðức cậy không phải chỉ là một thái độ nội tâm đẹp đẽ, thi vị, hoặc cứ cho là khó đạt được đi nữa, nhưng trong thực tế vẫn để chúng ta trong trạng thái thụ động, không có dấn thân cụ thể và rốt cuộc vẫn là một thái độ cằn cỗi, không sinh hoa kết quả. Ngược lại, cậy trông có nghĩa là khám phá ra rằng, còn phải làm một điều gì đó nữa, phải chu toàn một bổn phận, và vì thế, thấy mình không bị rơi vào sự trống rỗng hoặc rơi vào trạng thái tê liệt vì không hoạt động. Cậy trông vào Chúa trong những lúc gian nan khốn khó là nhận ra rằng, nếu thử thách gian nan vẫn còn thì nguyên do của nó nằm ở chúng ta chớ không phải nơi Thiên Chúa. Vì Ngài là tình yêu vĩnh hằng, vô hạn. Và nếu nguyên do nằm ở nơi chúng ta, thì nó mời gọi chúng ta hãy làm thêm một điều gì nữa để thay đổi, một lời kêu gọi thực hiện thêm một bổn phận. nếu không thì phải chịu thất vọng thôi. Vì như lời người bạn triết gia của chúng ta, đứng trước Thiên Chúa, con người luôn luôn là kẻ tội lỗi, điều khiến con người có được niềm vui là: luôn luôn có một điều gì đó để làm, luôn luôn có một nhiệm vụ nào đó để thực hiện, và nhờ đó, con người có hy vọng mọi sự có thể trở nên tốt đẹp hơn, và mọi sự sẽ nên tốt đẹp hơn khi con người cải thiện chính mình. nghĩa là khi con người làm việc nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn, có tình yêu sâu xa hơn, tinh thần hăng say hơn. Tất cả những điều đó không đem lại niềm vui hay sao?. Khi không còn gì để thực hiện, ngay cả đau khổ cũng không còn là một bổn phận, thì bấy giờ, vâng, bấy giờ tuyệt vọng sẽ đến. Bao lâu còn có một nhiệm vụ để hoàn thành, bao lâu còn có một dự phóng nào đó, bấy lâu con người không bị rơi vào tình trạng vô vọng, bị bỏ rơi. Ðến nỗi, dù tôi có phải chịu số phận cay nghiệt nhất, chưa từng có ai phải chịu như thế và tuyệt không còn gì để làm nữa, thì vẫn còn niềm vui được hoàn thành một bổn phận: bổn phận chịu đựng với lòng nhẫn nại. Mà nếu phải có một lòng nhẫn nại vượt mọi giới hạn, như chưa từng có ai bị đòi hỏi như thế, thì vẫn còn niềm vui này là còn một bổn phận, bổn phận đừng để mất sự kiên nhẫn, ngay cả khi đã nhẫn nại đến mức tột cùng.[17]

Ngay cả khi chúng ta làm hết sức mình để thay đổi một hoàn cảnh khó khăn đi nữa thì vẫn luôn luôn còn một nhiệm vụ lớn lao để hoàn thành, một nhiệm vụ đòi chúng ta phải dấn thân và giữ cho chúng ta khỏi thất vọng: nhẫn nại chịu đựng đến cùng. Ðó là “bổn phận” lớn lao mà Ðức Maria đã biết làm tròn khi giữ vững niềm cậy trông dưới chân Thập Giá. Về điểm này, Người rất sẵn lòng trợ giúp chúng ta.

Kinh Thánh trình bày cho thấy có những niềm cậy trông như bùng phát, trào dâng hết sức sống động. Một ví dụ trong sách Aica, với khúc hát của một tâm hồn trong cơn thử thách đau đớn nhất: “Tôi, một người từng nếm cảnh lầm than, dưới roi phẫn nộ của Người. Người đã xua đi và dẫn tôi vào trong tăm tối chứ không phải vào ánh sáng. Người đã xây tường vít tôi, không để cho ra. Tôi kêu, tôi la, Người đã bịt lối trước lời tôi cầu nguyện. Và tôi nói: Thế là mất rồi chỗ dựa, và hy vọng tôi nơi Ðức Giavê”. Và rồi, niềm cậy trông lại bùng lên làm đảo lộn tất cả. Người đó lại thốt lên với chính mình: “Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng xót thương của Người không cạn! Thế nên tôi trông cậy vào Người! Ðức Chúa sẽ không rẫy bỏ phàm nhân đời đời, cho dù Người có hành hạ, Người sẽ chạnh thương, chiếu theo lòng nhân hải hà. Có lẽ còn hy vọng” (x Ac 3,1-29).

Tôi muốn bắt đầu cậy trông trở lại! Vinh quang thay cho Thiên Chúa, an ủi thay cho con người nếu những lời đó luôn luôn được lập lại! “Vạn sự tôi đã trông cả ở Giavê, và Người đã đoái nhìn lại”, đó là lời một vịnh gia cảm nghiệm sự phục sinh nhờ có lòng trông cậy (Tv 40,1), và một vịnh gia khác: “Tôi trông cậy, lạy Giavê hồn tôi trông cậy, tôi những trông cậy ở Lời Người” (Tv 130,5). “Israel, hãy trông cậy vào Ðức Giavê, từ bây giờ cho đến muôn đời” (Tv 131,3).

Thư gửi tín hữu Do Thái xem niềm hy vọng, cậy trông như thể một chiếc neo, không neo vào đất nhưng là neo vào trời: “Hãy nắm chắc hy vọng đặt trước mặt ta. Niềm hy vọng khác nào neo của hồn ta, bền chắc, vững chãi, thấu tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào vì chúng ta” (x. Dt 6,18-19).

Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn về Người đã biết đứng bên Thập Giá, tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, hãy biết năng kêu cầu Người dưới danh hiệu “Mẹ cậy trông”, và nếu lúc này ta đang gặp thử thách, muốn thất vọng buông xuôi, thì hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách lập lại cho chính mình những lời này: “Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng thương xót của Người không cạn, nên tôi trông cậy vào Người”.

 

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 58.

[2]Meliton de Sardes, Sur la Pàque 7, 71: SCh 123, pp. 64.98.

[3]Romanos le Mélode, Hymne XXXV, 1: SCh 128, pp. 160.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 58.

[5]S. Kierkegaard, Journal XIII A 45.

[6]Jean Paul II, Salvifici doloris 23: AAS 76, 1984, pp. 231.

[7]Ancienne homélie pascale 51: SCh 27, pp. 177.

[8]Khi hiểu như thế chúng ta sẽ thấy một số icóne Ðức Giêsu chịu đóng đinh rời xa tinh thần của Tân Ước như thế nào, chẳng hạn như bức tranh chúng ta mô tả ở trên, trình bày một thiên thần đẩy Giáo Hội về phía Thập Giá, trong khi một thiên thần khác đẩy Hội Ðường Do Thái xa khỏi Thập Giá. Thư Ephesus khẳng định ngược lại, Ðức Kitô chết để nối kết người Do Thái và dân ngoại lại với nhau trong cùng một dân duy nhất chứ không phải để chia rẽ họ!

[9]Saint Bonaventure, Itinéraire de l’àme vers Dieu VII, 1-2 (éd. Quaracchi, 1938, pp. 344s).

[10]Ancienne homélie pascale 51: SCh 27, pp. 177.

[11]W. Von Lowenich, Luthers Theologia crucis, Munich, 1954, pp. 2.

[12]H. Schlier, Der Romerbrief, Fribourg-en-Br., 1979, ad loc.

[13] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, n. 61.

[14]Saint Augustin, Lettre 55, 2, 3; 14, 24: CSEL 34, 2, pp. 171-195.

[15]Sainte Catherine de Genes, Vie, ch. 19 (Turin, 1962, pp. 207).

[16]Ch. Péguy, Le porche., dans Oeuvres poétiques, op. Cit., pp. 655.

[17]S. Kierkegaard, L’Évangile de la souffrance IV.