Tuesday, 14 January 2020 04:10

Đức Maria: Chứng Nhân Tin - Cậy - Mến Featured

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Trải qua bao thế kỷ, Đức Maria quen được trình bày như mẫu gương đức trinh khiết: nhân đức này trở thành  tước hiệu của Người, “Đấng trọn đời đồng trinh”, - hay vắn tắt hơn: “Đức Trinh nữ”-,  bên cạnh tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Bên cạnh đức trinh khiết, đôi khi các nhà giảng thuyết cũng đề cao đức khiêm tốn vâng phục của Người qua thái độ “Xin Vâng”. Trong bối cảnh đó, phải kể là một cuộc cách mạng tư tưởng khi một cuốn sách của cha Karl Rahner được dịch sang Việt ngữ và xuất bản vào giữa thập niên 60 với tựa đề: “Maria kẻ đã tin”: Đức Maria được giới thiệu như mẫu gương đức tin. Thế nhưng đó là lối tiếp cận của công đồng Vaticanô II trong hiến chế tín lý về Hội thánh (Lumen gentium, số 61-63). Thông điệp Redemptoris Mater của đức thánh cha Gioan Phaolô II (3/1988) cũng tiếp tục đường hướng đó[1]. Cùng với mẫu gương đức tin, đức Maria cũng được trưng bày như mẫu gương cho hai nhân đức cậy mến, như chúng ta đọc thấy trong tông thư Tertio millennio adveniente (10/11/1994): trong 3 năm (1997-1999) chuẩn bị tiến tới Năm thánh 2000, các tín hữu được mời gọi học hỏi mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa và ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến). Trong hành trình đó, đức Maria được lần lượt giới thiệu như mẫu gương đức tin (chỉ dẫn chúng ta đến việc tin nhận Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể, số 43), mẫu gương đức cậy (lắng nghe tiếng nói của Thánh thần và phó thác tin tưởng vào Chúa, số 48), mẫu gương đức mến (yêu mến Thiên Chúa là Cha và yêu mến tha nhân, số 54).

Ít là có hai câu hỏi được đặt lên: 1/ Đức Maria đã làm gương về nhân đức tin - cậy - mến như thế nào? 2/ Ba nhân đức đó có ảnh hưởng gì đến đời sống đạo của chúng ta không? Tôi xin bắt đầu câu hỏi thứ hai trước.

I. Ý NGHĨA CỦA TIN - CẬY - MẾN

Thần học cổ truyền quen đặt tên cho ba nhân đức tin-cậy-mến là “đối thần” (virtutes theologicae), bởi vì đối tượng là Thiên Chúa: tin Chúa là Chân lý tuyệt đối, cậy vào Chúa là Hạnh phúc tuyệt đối, mến Chúa là Sự Tòan hảo.
       
A. Ba nhân đức hay ba thái độ?

Một quan niệm như vậy có nguy cơ là tin-cậy-mến chỉ hữu dụng mỗi khi đi nhà thờ, chứ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường nhật. Thậm chí không ít người cho rằng ba nhân đức ấy cũng chẳng quan trọng gì cho đời sống đạo, bởi vì người đạo đức thánh thiện là người đọc kinh nhiều, hoặc là được Chúa ban đặc sủng (mang 5 dấu thánh, làm phép lạ, vv.).

Thực ra có lẽ não trạng đó phần nào do việc dịch thuật không chính xác các từ ngữ thần học. (1) Fides, spes, caritas không phải chỉ có nghĩa là tin-cậy-mến, mà còn có nghĩa là tin tưởng - hy vọng - yêu thương. (2) Fides, spes, caritas không phải lúc nào cũng có nghĩa là ba “nhân đức”, nhưng còn là ba thái độ (tâm tình) nữa. Thực vậy, mỗi lần nghe nói đến “nhân đức”, ta dễ liên tưởng đến bậc siêu quần bạt chúng (những vị thánh nhân đức độ cao vời), chứ chẳng liên hệ gì với đa số chúng ta; còn nếu bàn đến tâm tình “tin, yêu, hy vọng”, thì chúng ta thấy hầu như chúng đi sát mình mỗi ngày.

Công đồng Vaticanô II đã muốn sửa đổi não trạng vừa nói nhưng chưa thành công cho lắm. Một đàng công đồng muốn cho thấy rằng tin yêu và hy vọng quyện lấy cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đàng khác, công đồng muốn nhấn mạnh rằng trọng tâm của cuộc đời Kitô hữu (dù hiểu là như đời sống tâm linh, hay hiểu như sự trọn lành thánh thiện) nằm ở chỗ tin yêu - hy vọng, chứ không phải ở những đặc sủng gì khác (Hiến chế về Hội thánh số 41). Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi phải có một cái nhìn mới về tin yêu - hy vọng, không thể nào đóng khung trong ba “nhân đức đối thần” được.

B. Ý nghĩa của tin yêu và hy vọng.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy đọc lại một đọan văn tiêu biểu nhất về chỗ đứng của tin yêu và hy vọng trong cuộc đời Kitô hữu, trích từ số 4 của Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, bàn về đời sống tâm linh của các tín hữu:

Duy chỉ nhờ dưới ánh sáng đức tin và sự suy niệm Lời Chúa thì mới có thể nhận ra Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc ..., tìm ý Ngài trong mọi biến cố, nhìn thấy đức Kitô trong hết mọi người, dù thân cận hay xa lạ, nhận định đúng mức ý nghĩa chân chính và giá trị của những thực tại trần thế theo bản chất của chúng và trong tương quan với cứu cánh con người.

Những ai đã có lòng tin như vậy thì cũng sống trong niềm trông mong sự mặc khải các con cái Chúa, khi tưởng nhớ đến thập giá và cuộc phục sinh của Chúa.

Trong cuộc lữ hành dương thế, được náu ẩn với đức Kitô trong Thiên Chúa và được giải thóat khỏi sự nô lệ của tiền tài, đang khi nhắm tới các của cải bền vững trên trời, họ quảng đại mở rộng nước Chúa, và tiêm nhiễm tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần thế. Giữa những gian truân cuộc đời, họ tìm được sức mạnh nơi đức cậy, biết rằng “những đau khổ đời này không thể nào sánh được với vinh quang sẽ tỏ lộ nơi chúng ta (Rm 8,18).

Được thúc đẩy nhờ tình yêu do Chúa ban, họ thực hành điều tốt cho hết mọi người, đặc biệt cho những anh em trong đức tin (xc Gl 6,10), lọai bỏ “hết mọi gian tà xảo quyệt, giả dối ghen tương và bươi móc” (1Pr 2,1), như thế họ lôi kéo người ta về với Đức Kitô, Lòng yêu thương “được đổ tràn xuống tâm hồn ta nhờ Thánh thần được trao ban” (Rm 5,5), tạo cho các giáo dân có khả năng diễn tả tinh thần các chân phúc ra cuộc sống. Theo chân đức Kitô khó nghèo, họ không bị vùi dập khi thiếu thốn cũng không kiêu căng khi dư dật; bắt chước đức Giêsu khiêm tốn, họ không phô trương khoe khoang (xc Gl 5,26) nhưng tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là người đời, sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì đức Kitô (xc 14,26) và chịu bách hại vì chính nghĩa (xc Mt 5,10), nhớ lại lời Chúa: “Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy từ bỏ bản thân và vác lấy thập giá của mình theo sau Thầy” (Mt 16,24). Nuôi dưỡng tình thân hữu với nhau, họ sẵn sàng tương trợ trong bất cứ nhu cầu nào”. Ở cuối số 4, công đồng giới thiệu Đức Maria như mẫu gương trọn hảo cho cuộc sống tâm linh vừa nói[2].

Tóm lại, theo bản văn vừa trích dẫn, tin có nghĩa là nhìn thấy Chúa trong mọi hòan cảnh; hy vọng có nghĩa là chịu đựng những nghịch cảnh hiện tại, yêu mến có nghĩa là tìm cách làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự và tương trợ tha nhân.

Thực ra, tuy chúng ta phân tích ra thành ba nhân đức (hay thái độ) khác nhau (dựa theo 1 Cor 13,13; 1 Tx 1,3), nhưng kỳ thực chúng không phải là ba thực thể biệt lập, mà chỉ là ba khía cạnh của một thực tại, tức là mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Chúng ta khao khát muốn biết sự thật, muốn được hạnh phúc. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta, chỉ tỏ cho chúng ta con đường đưa tới sự thật và sự cứu độ. Đứng trước mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng, nghĩa là chấp nhận lời Chúa; yêu mến, nghĩa là đón nhận Ngài vì Ngài đã trao ban mình cho chúng ta; hy vọng, nghĩa là trông mong sẽ đạt tới lý tưởng mà Chúa đã hứa. Mặt khác, mối tương quan với Thiên Chúa mang tính cách năng động. Chúng ta cố gắng tăng trưởng về lòng tin để khám phá sự hiện diện của Ngài trong mọi biến cố cuộc đời, tăng trưởng trong tình yêu không những với Ngài mà còn với tha nhân; tăng trưởng về hy vọng rằng Nước Chúa sẽ lan rộng không những trong cõi mai hậu nhưng ngay từ bây giờ, kể cả vào lúc xem ra sự dữ vẫn còn tung hòanh. Hơn thế nữa, niềm hy vọng chắc chắn vào sự tòan thắng sự dữ, dựa trên niềm tin vào cuộc Phục sinh của đức Kitô, thúc đẩy người tín hữu dấn thân xây dựng Nước Trời, dám liều mạng vì muốn bày tỏ lòng yêu mến với Thiên Chúa và với đồng lọai.

II.  ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA TIN YÊU VÀ HY VỌNG

Như trên đã nói, công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế về Hội thánh, đã giới thiệu Đức Maria như mẫu gương đức tin. Ở số 61, công đồng cũng thêm rằng sở dĩ Người trở thành Mẹ của chúng ta là vì “Người đã cộng tác một cách độc nhất vô nhị vào công trình của Chúa Cứu thế, nhờ lòng vâng phục và lòng tin, hy vọng và yêu mến nồng nàn, để phục hồi sự sống siêu nhiên cho nhân lọai”. Tiếp theo đó, ở số 64, công đồng nói rằng Hội thánh thực thi sứ mạng làm mẹ trong tầm mức bắt chước Đức Maria nhờ biết tin-cậy-mến:

Hội thánh, khi chiêm ngắm sự thánh thiện huyền nhiệm của đức Maria, khi bắt chước lòng yêu mến của Người và thi hành ý muốn của Chúa Cha, thì cũng trở thành mẹ nhờ việc đón nhận lời Chúa với lòng tin. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và phép rửa, Hội thánh sinh vào đời sống mới và bất diệt những người con được thụ thai nhờ quyền năng Thánh thần và được sinh bởi Thiên Chúa. Hội thánh cũng là trinh nữ, bởi vì duy trì đức tin tòan vẹn tinh tuyền mà Hôn phu đã trao ban. Bắt chước Thân mẫu của Chúa và nhờ sức mạnh Thánh thần Hội thánh duy trì đức tin cách trinh trong, đức cậy cách bền vững, đức ái cách chân thành.

Dù sao, nếu chỉ dừng lại ở cấp độ “nhân đức đối thần” thì có lẽ những lời vừa rồi không có gì hấp dẫn; nhưng hiểu rằng đó là ba “tâm tình” (hay thái độ) thì chúng ta sẽ thấy nhiều bài học quý giá, bởi vì Đức Maria đã phải chiến đấu cam go để giữ trọn niềm tin yêu nơi Chúa.

Trên thực tế, chính công đồng Vaticanô II đã nói đến “hành trình đức tin” của Đức Maria (Hiến chế về Hội thánh, số 58), và đề tài này được khai triển đặc biệt trong thông điệp Redemptoris Mater của đức thánh cha Gioan Phaolô II. Nói đến hành trình đức tin có nghĩa nói đến một sự tăng trưởng, chứ không phải là trạng thái an tĩnh. Hơn thế nữa, hình ảnh “hành trình” cũng còn gợi lên ý tưởng gian truân vất vả, điều mà chúng ta cảm thấy khi phải đi bộ trên đường dài dưới những điều kiện thời tiết bất lợi.

Hành trình đức tin của Đức Maria bắt đầu từ lúc sứ thần  truyền tin. Sau vài lúc do dự lúc ban đầu, Đức Maria đã chấp thuận: “Này tôi là nữ tì của Chúa, xin cho lời ngài thể hiện nơi tôi” (Lc 1,38). Thọat tiên xem ra tiếng “Xin Vâng” đã chấm dứt hết mọi do dự nghi nan. Đức Maria hòan tòan thuận theo ý Chúa “như đinh đóng cột”. Điều này có thể là đúng nếu chúng ta giới hạn nỗi nghi nan của Đức Maria vào chỗ “làm sao một trinh nữ có thể thụ thai” (Lc 1,34). Tuy nhiên vấn đề phức tạp hơn nhiều, bởi vì trọng tâm của sự thách đố nằm ở chỗ khác, đó là: người con do bà cưu mang sẽ được gọi là “Con của Đấng Tối cao”, hoặc “Con Thiên Chúa! (Lc 1,32.34)

Đức Maria đã phải dằn vặt rất nhiều để có thể xác tín rằng người con của mình là “Con của Đấng Tối cao”, bởi vì không có dấu hiệu gì xác minh cho điều đó, thậm chí có những dấu hiệu đối nghịch. Chúng ta đã biết rằng Đức Maria và thánh Giuse đã phải vất vả tìm nơi để cho hài nhi ra đời (Lc 2,6-7), và rồi sau đó phải lánh nạn sang Ai cập (Mt 2,13-35). Mặt khác, cụ già Simêon còn nói một tiên báo (Lc 2,35) hòan tòan trái ngược với những lời của sứ thần, đó là bà sẽ nhận được một lưỡi gươm đâm thâu lòng (thay cho vương miện vì được làm Thái hậu).

Việc thử thách lòng tin nằm ở chỗ đó: những dấu hiệu bề ngòai xem ra trái ngược với những lời hứa. Khổ tâm hơn nữa là chính đức Giêsu, thay vì trấn an bà mẹ, thì lại gây thêm  cho bà nhiều ưu tư khác. Chúng ta đã biết cảnh đức Maria lạc mất con trong đền thờ. Sau khi ngược xuôi tất tưởi, đến khi gặp lại Người thì bà lại nhận được lời trách móc thay vì lời xin lỗi: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?” (Lc 2,49). Thánh sử Luca chú giải rằng thánh Giuse và đức Maria không hiểu nổi những chuyện này (Lc 2,50). Trong cuộc đời công khai của đức Giêsu, ít là đã có hai lần  ra như Người muốn từ khước bà mẹ trước mặt công chúng, với những lời thấy nhói đến tim. “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? Mẹ tôi và anh em tôi là những ai lắng nghe Lời Chúa và mang ra thi hành” (Lc 8,19-21). “Một phụ nữ thốt lên: ‘Phúc cho lòng đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú’. Chúa trả lời: ‘Ai nghe lời Chúa và tuân hành thì còn có phúc hơn’” (Lc 11,27-28).

Cuộc thử thách cam go nhất cho lòng tin tưởng hy vọng của Đức Maria diễn ra vào cuộc Tử nạn của đức Giêsu trên thập giá. Còn đâu lời tiên báo của sứ thần: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai báu vua Đavit tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng tận” (Lc 1,32-33)? Khi thấy con mình chết trên thập giá như một tử tội, thử hỏi còn gì để tin tưởng và hy vọng nữa không? Tại sao Thiên Chúa không ra tay cứu con mình? Thế nhưng đây chính là trọng tâm của lòng tin cậy: Tin rằng lời Chúa sẽ thực hiện, tin rằng sẽ có sự phục sinh sau giây phút xem ra tuyệt vọng của cái chết, tin rằng sự thiện sẽ chiến thắng mặc dù hiện thời sự dữ đang tung hòanh.

Thiết tưởng không cần phải dài giòng về lòng mến của Đức Maria. Trong mầu nhiệm thứ hai mùa Vui, chúng ta suy gẫm việc Người đi thăm viếng Bà Isave, và xin cho được lòng yêu người đấy ư? Có nơi còn xen thêm vào mầu nhiệm mùa vui cảnh đức Maria dự tiệc cưới Cana, và đã tỏ ra rất nhạy cảm không để cho đôi tân hôn bị bẽ mặt vì thiếu rượu. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng khi nói về lòng mến yêu của đức Maria thì cần phải đặt lên hàng đầu mối tình dành cho Thiên Chúa. Chính mối tình đó đã giải thích được vì sao Người dám hy sinh tình mẫu tử tự nhiên dành cho Con mình, ngõ hầu bước vào kế họach cứu rỗi nhân lọai của Thiên Chúa. Cũng chính trong mối tình đối với Thiên Chúa mà Người chấp nhận làm mẹ của các môn đệ Chúa Giêsu (Ga 19,26-27).

KẾT LUẬN

Khi nói rằng Đức Maria là mẫu gương về lòng tin-cậy-mến, các tín hữu không dừng lại ở việc chiêm ngắm một bức tranh và cố gắng bắt chước. Họ biết rằng Đức Maria còn là một người mẹ của mình nữa. Họ chia sẻ cùng một lòng tin - cậy - mến như Đức Maria, bởi vì nói cho cùng, cả ba nhân đức (hay thái độ) đều nhằm về một Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ xác tín rằng một mối tình yêu thương đã liên kết Đức Maria với từng người chúng ta. Vì thế, chúng ta không ngại bộc lộ những khó khăn của mình trong việc tin tưởng phó thác cho Chúa hoặc khi phải thực hành lòng yêu thương.Đức Maria không phải là một mẫu gương hay chứng nhân thuộc về quá khứ, nhưng Người còn đồng hành với chúng ta hôm nay. Hội thánh nhìn lên đức Maria với lòng tin tưởng hy vọng bởi vì Mẹ sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn để cùng hưởng vinh quang với Người (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 972).
       
                      

 

[1] Ngay từ những chương đầu, khi trình bày mẫu gương của tín hữu, Sách Giáo lý Hội thánh công giáo đã trưng ra hai nhân vật điển hình của hai giao ước: ông Abraham (số 145-147) tổ phụ chúng ta trong đức tin (Rm 4,11.18) và đức Maria (148), đấng được ca ngợi là “hạnh phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Người không những tin vào lúc sứ thần truyền tin mà còn suốt cuộc đời; Người không hề bị lung lạc lúc Đức Giêsu con mình chết trên thập giá.
 
[2] Xem thêm sắc lệnh về việc đào tạo linh mục số 8; sắc lệnh về việc canh tân Dòng tu số 25.