Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.
Kế hoạch cứu độ duy nhất của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, được khẳng định lại trong tuyên ngôn Dominus Jesus (6-8-2000), vẫn là một vấn đề gây tranh luận trong sinh hoạt Giáo hội. Không đi vào vấn đề chuyên môn này, nhưng tôi thiết nghĩ đây cũng là một dịp để chúng ta cùng nhìn lại và xác định những điều căn bản của niềm tin Kitô giáo. Trong chiều hướng ấy, xin tạm “hệ thống hóa” những dữ kiện căn bản của kế hoạch cứu độ trong Đức Giêsu Kitô với những điểm chính yếu như sau:
1. Gắn liền với cuộc sống
Mạc khải Do thái - Kitô giáo khởi từ kinh nghiệm về những bất toàn trong cuộc sống hằng ngày, kinh nghiệm về đau khổ, chiến tranh, bệnh tật, ganh ghét, giết chóc… Giống như bao nhiêu tôn giáo và học thuyết cứu độ khác, chính những kinh nghiệm về đau khổ thôi thúc con người suy tư về nguyên nhân của chúng để có thể tìm ra con đường giải thoát. Mười một đoạn văn đầu tiên trong sách Sáng thế đi trước các đoạn văn khác trong thứ tự Sách Thánh nhưng lại là niềm tin đến sau "kinh nghiệm" về cuộc sống. Chính những ưu tư về cuộc sống, được niềm tin soi sáng, đã hình thành nên những trình thuật về sáng tạo và sa ngã chứ không phải ngược lại. Cụ thể, có lẽ những đoạn văn này, sử dụng những truyền tụng trong dân gian, chỉ thực sự hình thành nên Sách Thánh khi Dân Israen đã vào đất hứa và ta có thể coi đây như là một minh giải những kinh nghiệm của cuộc sống dưới ánh sáng niềm tin được mạc khải.
Với ánh sáng mạc khải, các thánh ký trình bày nguyên nhân, nguồn cội căn bản nhất, sâu xa nhất của mọi trục trặc trong cuộc sống, con người phải đau khổ và chịu chết, chính là vì con người đã phạm tội. Nguyên nhân căn bản này thuộc trật tự tôn giáo. Đồng thời, mạc khải về thực trạng của cuộc sống con người như thế cũng mở ra một giải pháp, một giải pháp nhằm giải gỡ chính cuộc sống của con người. Đây cũng là một phải pháp mang tính tôn giáo, chứ không phải một thứ tôn giáo đi bên cạnh cuộc sống hoặc để thoát ra khỏi qui luật luân hồi của cuộc sống. Con đường giải thoát này nhằm “sửa đổi” và hoàn tất chương trình sáng tạo, chứ không phải nhằm đào thoát khỏi thế giới để xây dựng một kiếp sống khác.
Như thế, tính cách tôn giáo ở đây, trước tiên và rốt ráo, không phải là một sự xa lánh thế gian, khinh chê trần thế, nhưng thực sự là một lòng trân trọng, là tấm lòng tha thiết với cuộc sống con người. Niềm hy vọng cánh chung của mạc khải cứu độ bao hàm một sự thành toàn của tất cả tạo thành chứ không phải chỉ là một sự phá đổ, xoá sổ bàn cờ thế giới để xây dựng một thế giới khác biệt nào. Mạc khải Kitô giáo không phải là một thứ mạc khải dửng dưng, thuần khiết từ trên trời rớt xuống, nhưng là câu trả lời nỗi ưu tư khắc khoải của con người trước những vấn nạn của cuộc sống khổ đau.
2. Thực trạng con người
Nguyên nhân đau khổ và giải pháp cứu độ ấy chỉ có thể hiểu được trong một quan niệm về nguồn cội và bản chất của con người. Con người được Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, sáng tạo “từ hư vô”. Chủ trương này gạt bỏ mọi hình thức đa thần và phiếm thần. Con người không phải là một thần linh bị sa đọa, không mang trong mình giọt máu thần linh nào. Con người “chỉ” được Thiên Chúa sáng tạo “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26-27). Khẳng định này cho thấy vận mạng của con người hết sức cao quí, nhưng cũng hết sức “bấp bênh”. Con người được đặt trong sự giằng co giữa sống và chết:
“Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2, 9).
Con người được trao phó cho quyền quyết định vận mạng của mình:
“Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: hết mọi trái cây của trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17).
Được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người chỉ có thể thành toàn vận mạng của mình khi sống với Thiên Chúa, nhưng đây không phải là một sự hòa nhập tự động, đương nhiên, hoặc hòa tan hoàn toàn trong Thiên Chúa vì cùng bản tính với Người. Ngược lại, con người được mời gọi đến với Thiên Chúa bằng tự do, bằng sự chấp nhận mối tương quan thân tình, bằng thái độ tín trung với giáo huấn của Ngài. Con người được mời gọi sống thân tình với Thiên Chúa, một “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4,8), và tình yêu trong quan niệm này luôn có tính chất “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Trong tình yêu ấy, con người vẫn là mình chứ không phải biến thành Thiên Chúa; con người “nên một” với Thiên Chúa bằng sự tự do chấp nhận thánh ý Ngài, chứ không phải biến tan trong Ngài.
Điều này làm cho tôn giáo trong truyền thống Do thái Kitô giáo luôn có tính chất luân lý chứ không phải chỉ là một sự giải thoát khỏi u mê, lầm lạc; lịch sử cứu độ là những bước thăng trầm của mối tương quan có tính ngôi vị giữa Thiên Chúa và con người chứ không phải là một chu kỳ xoay vòng tự nhiên của qui luật trời đất; tình yêu Kitô giáo luôn mang tính chất ngôi vị chứ không phải là một hòa đồng của bản tính.
3. Một nguyên nhân có tính toàn diện
Dưới ánh sáng mạc khải, thân phận con người được nhìn ở mức độ căn-để nhất, mức độ tôn giáo. Con người đã cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, đánh mất "hình ảnh Thiên Chúa" được ghi khắc trong tâm hồn, con người đã "quay về với tạo vật", đó là nguồn cội của mọi đau khổ trên trần gian. Vận mạng con người được nhìn ở tầng sâu tôn giáo và nguyên nhân của đau khổ cũng được truy tìm ở mức độ tôn giáo. Việc truy nguyên này cho thấy tất cả những nỗ lực xoay sở, tu luyện của con người đều không thể giải quyết tình trạng vong thân hiện tại. Tội "tổ tông" không phải chỉ là một sự sai sót nhỏ tình cờ xảy ra, tình trạng cá biệt của một số người, hoặc chỉ là một thứ sa đọa của một thời đại. "Tội tổ tông" liên quan đến tất cả mọi người và ảnh hưởng trên toàn bộ vận mạng của nhân loại. Nói như thế không có nghĩa là tất cả mọi người và mọi hành vi của con người hiện nay đều là xấu. Nhưng "tội tổ tông", trước tiên, liên quan đến vận mạng chung của cộng đồng nhân loại và người ta không còn có thể tự mình xây dựng được một thế giới đại đồng, huynh đệ. Thứ đến, do ảnh hưởng của tội tổ tông, không một cá nhân nào có thể sống trọn vẹn "hình ảnh Thiên Chúa" đã được ghi khắc trong bản chất con người, không một ai có thể tự mình hoàn thành cuộc đời một cách trọn vẹn nữa. Thân phận con người trở nên "nhân vô thập toàn" và "con người là sinh vật có bệnh". Khẳng định này, một cách nào đó, là một lời từ chối những hy vọng xoay sở, những phương cách siêu thoát ở mức độ con người.
Sau cùng, với "tội tổ tông" hoặc nói cách khác, với tình trạng đổ vỡ của thân phận con người, mỗi người đều liên lụy với cộng đoàn nhân loại trong những khiếm khuyết, trong mối tương tác thâm sâu của những người cùng hội cùng thuyền; và mọi người đều liên đới trách nhiệm với nhau trong tội lụy.
4. Ơn cứu độ duy nhất
Thay vì tìm những cách giải quyết mang tính triết học như người Hy Lạp, hoặc mang tính luân lý như những nền đạo giáo phương đông, con đường giải thoát của Do thái - Kitô giáo lại hy vọng một ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Nguyên nhân căn bản của đau khổ thuộc trật tự tôn giáo và con đường giải thoát cũng chỉ có thể có được nơi một giải pháp tôn giáo, một ơn cứu độ để giải thoát thân phận chung của nhân loại và ơn cứu độ cần thiết một cách thiết yếu cho tất cả mọi cá nhân. Ơn cứu độ Do thái - Kitô giáo không đề nghị một ngõ thoát hiểm riêng, không chỉ khuyến khích con đường tu đức hoặc một thái độ siêu thoát của các bậc chính nhân quân tử; không chào thua những đổ vỡ của thế giới và thân phận con người, nhưng trông cậy nơi một ngày thành toàn của tất cả tạo thành.
Nguyên nhân của đau khổ mang bản chất tôn giáo và con đường cứu độ là con đường, tự bản chất, cũng có tính tôn giáo. Sự "đổ vỡ" của nhân loại là một sự đổ vỡ chung thì ơn cứu độ chính yếu cũng là một cộng đồng hiệp thông trong ơn phúc, nhằm tới một sự phục hồi toàn thể thân phận con người. Như thế, có thể nói một cách lô-gích, ơn cứu độ nơi Đấng Mê-si-a trong truyền thống Do thái - Kitô giáo, tự bản chất, thiết yếu là ơn cứu độ duy nhất. Nhân loại chỉ có thể tìm được lý tưởng cộng đồng hiệp nhất yêu thương; và cá nhân mỗi người chỉ có thể hoàn thành khát vọng sống hiệp nhất yêu thương trong cộng đồng nhân loại duy nhất ấy, nhờ một chung cuộc thành toàn do Thiên Chúa thực hiện mà thôi.
5. Tính cách lịch sử
Vũ trụ và nhân loại đã có một điểm khởi đầu trong chương trình sáng tạo, và cũng có một thời điểm thành toàn chung cuộc. Kế hoạch ơn cứu độ ấy được mang tên "lịch sử cứu độ", trong đó, Thiên Chúa can dự vào cuộc hành trình của con người một cách kiên nhẫn; Thiên Chúa thích nghi vào tâm thức, kiến thức, văn hoá, mức độ luân lý của con người một cách quảng đại. Tính cách lịch sử là nét đặc trưng của con đường giải thoát Do thái - Kitô giáo; đường lối ấy là một cách thức gắn liền với "qui chế hiện hữu" của con người. Con người sống trong thân xác và thực hiện vận mạng của mình qua một quá trình. Sự thành toàn của con người không phải chỉ do từ một quyết định trong nháy mắt, nhưng do một thái độ lựa chọn liên lỉ, một sự trưởng thành từng ngày...
Con đường cứu độ như thế cũng không hệ tại một thái độ siêu thoát, một cú giác ngộ nhưng là lời mời gọi sống trung tín qua những lựa chọn hằng ngày, kết dệt nên một bề dày nghĩa tình giữa Thiên Chúa với con người. Một cách nào đó, con đường cứu độ Do thái - Kitô giáo diễn ra như một "đường ngang", đón nhận và xuyên qua những biến cố, những sự kiện và hướng tới một chung cuộc hoàn tất cho cả lịch sử nhân loại.
6. Theo tinh thần sê-mít và hoàn cảnh dân Israel
Một sự kiện cụ thể là Thiên Chúa đã chọn dân Israel để khởi đầu chương trình cứu độ của Người cho nhân loại. Việc chọn lựa ấy bao hàm cả những đường nét văn hoá cụ thể của dân sê-mít[1]. Lịch sử cứu độ vượt quá, nhưng không thể tách rời khỏi những dữ kiện căn bản ấy nữa. Chúng ta chỉ có thể hiểu được sâu xa đường lối cứu độ của Thiên Chúa cho con người qua nhiều phong tục, đường nét tinh thần của dân tộc này[2]. Ta có thể kể ra một vài nét tiêu biểu:
6.1 Một Kinh nghiệm riêng biệt
Có một số dân tộc khác cũng nhận mình là dân riêng của Thượng Đế, chẳng hạn dân Ai Cập, Babylon… và dấu hiệu minh chứng cho phẩm tước ấy là: một dân tộc lớn, văn minh, hùng mạnh, giàu có… Dân Israen cũng nhìn nhận mình là dân riêng của Thiên Chúa, những với một lý do hoàn toàn trái ngược.
“Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Đnl 7,7).
Đó là kinh nghiệm riêng biệt và trở thành nét độc đáo đặc trưng của việc Thiên Chúa tuyển chọn trong lịch sử cứu độ. Kế hoạch cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa, là ân huệ tặng-không của Người chứ không phải do công nghiệp hay những tài năng của con người. Lịch sử cứu độ cho thấy Chúa thường tuyển chọn những người bình thường để trao phó những nhiệm vụ quan trọng; Người đã dùng những người tầm thường nhất để cứu dân khỏi quân Madian (Tl 7, 2.5-7); bà mẹ của Samuen tuyên xưng “cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng” (1Sm 2,4); Đa vít nhỏ bé hạ gục tên Phi-li–tinh khổng lồ (1Sm 14,32); nơi Bê lem nhỏ bé, xuất hiện Đấng thống lãnh muôn dân (Mk 5,1); Mẹ Maria đã sống kinh nghiệm ấy với lời tuyên xưng mạnh mẽ “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52); và những người Kitô hữu tiên khởi cũng là loại người "đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái" (Xc. 1 Cr1,26-29; 2, 3-5).
Ta có thể nói được rằng qui luật cứu độ ưu ái đặc biệt những người nghèo là một qui luật điển hình của kế hoạch cứu độ (Xc Mt 11,25-30); và kinh nghiệm của thánh Phaolô, “vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10), là một loại kinh nghiệm đặc trưng của Do thái – Kitô giáo.
6.2 Tiếp xúc cụ thể
Với đám dân tiểu biểu cho những người bình thường và tầm thường ấy, Thiên Chúa thực hiện cách thức cứu độ của Người cũng theo một cách thức rất bình thường của đời sống con người và mọi người có thể đón nhận được: tiếp xúc cụ thể. Người Do Thái không có “đủ” đầu óc siêu hình để khám phá những qui luật phổ quát trừu tượng, hình thành những hệ thống quan niệm bao trùm mọi vấn đề; họ không thể sống với những chân lý khách quan vô ngã. Để diễn tả một khái niệm trừu tượng người Do Thái thường dùng một loại các động từ cụ thể; chẳng hạn để diễn tả sự thông hiểu như người Hy Lạp, họ dùng động từ “mở tai”; từ ngữ “biết” của người Do Thái lại có nghĩa cụ thể là thân quen, là ăn ở với nhau…
Chính vì vậy, người Do Thái không suy diễn ra Thiên Chúa như một yếu tố cần thiết trong hệ thống tư tưởng; nhưng họ kinh nghiệm về Thiên Chúa qua những kỳ công dấu lạ của Người.
6.3 Tương giao ngôi vị
Điểm đặc sắc nhất trong não trạng này là mối tương giao có tính cách ngôi vị. Hình ảnh Thiên Chúa không phải là một nguyên lý hợp lý bất biến và xa xôi ở đâu đó. Thiên Chúa trong Kinh thánh là một Thiên Chúa ngôi vị, có suy tư, có ước muốn, có tuyên phán, có lắng nghe, có sự phập phồng sống động trong mối tương giao ngôi vị. Ngài là “vị thần ghen tương” (Xc. Xh 20,5). Đối thoại với Ngài, Abraham có thể trả giá (Xc. St 17, 22-33), và Mô-sê trò chuyện “diện đối diện” (Xc. Xh 33,11).
Ở đây, trong não trạng “bình dân” của người Do Thái, trong trình độ của những người tầm thường, ngày nay người ta lại nhận ra được một điều cao cả nhất của tương quan con người, mối tương quan tạo nên một “cộng đồng ngôi vị”. Đó là sự liên đới, đón nhận trọn vẹn “cái tôi” của nhau, giống như mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái trong gia đình. Chính ở bình diện này ta có thể nhận ra nét độc đáo duy nhất và căn bản nhất của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
6.4 Sống theo Thần Khí
Tính chất tương quan ngôi vị là một khác biệt lớn đối với tinh thần Hy Lạp mà Giáo hội đã ít nhiều chịu ảnh hưởng; và cũng khác biệt với các nền luân lý khác, chẳng hạn luân lý Khổng Mạnh.
Người Hy Lạp tìm thấy lý trí hiểu biết như một dụng cụ chính yếu để sống và hoàn thành cuộc đời của mình. Chính lý trí giúp con người nhận thức được nguyên lý điều hoà trong vũ trụ (logos) và sự hiểu biết ấy có khả năng làm thay đổi cuộc sống con người cho đúng với định luật của vũ trụ, của thần minh. Như thế, đối với người Hy Lạp, sự khôn ngoan của lý trí hiểu biết có khả năng làm cho con người nên giống thần thánh, và triết gia chính là mẫu người số một trong xã hội.
Ngược lại, đường nét chính tinh thần Do thái-Kitô giáo là sống mối tương quan với Chúa, sống theo sự chỉ dẫn của Chúa, sống hợp với lề luật của Chúa. Bởi đó, sinh hoạt chính yếu trong đời sống con người là sinh hoạt phượng tự. Trong truyền thống này, "logos" của vũ trụ không phải là một yếu tố vô ngã, nhưng là một "Đấng"; và yếu tố quan trọng có khả năng làm thay đổi cuộc sống chính là sự tương tác cụ thể giữa các "thần trí" (thần trí xấu và thần trí tốt) của người này với người khác[3]; đặc biệt là đón nhận được "Thần Khí" của Chúa (Chúa Thánh Thần). Như thế, tầm quan trọng của ngôn ngữ, của lời nói, của lời chúc lành hay chúc dữ… không hệ tại tính chất lô-gích nội tại của diễn từ, nhưng hệ tại bản chất của "Thần Khí" (Đức Giêsu giảng dạy như người có uy quyền).
Trong lịch sử dân tộc Do thái, yếu tố có tầm quan trọng quyết định không phải thầy dạy khôn ngoan như trong truyền thống Hy Lạp; không phải là các vua hùng mạnh như người Roma, không phải những nhà hiền triết xã hội Á Đông, nhưng chính là các ngôn sứ, những người đón nhận được Thần Khí của Chúa và là những người có đời sống như "bạn hữu" với Thiên Chúa.
Mặt khác, Thánh kinh chỉ quan tâm đến con người trong mối tương quan với Thiên Chúa và suy tư tất cả vận mạng con người trong mối tương quan ấy. Như thế, để hoàn thành cuộc đời của mình, con người phải giao tiếp với Chúa một cách "tuân phục" và thân tình, để cho Thần Khí của Chúa tác động và thúc đẩy.
***
Những đường nét cơ bản nói trên có thể giúp chúng ta nhận ra nhiều điều khác biệt, những khác biệt căn bản, giữa niềm tin Kitô giáo vào những đường lối giải thoát khác. Kitô giáo không phải chỉ là đạo ăn ngay ở lành như mọi tôn giáo, theo kiểu người ta vẫn nói; nhưng là cùng với Đức Giêsu Kitô để nên “hoàn thiện” như Cha trên trời. Kitô giáo không phải là đạo giải thoát, theo nghĩa giúp con người, cá nhân hoặc tập thể, trốn tránh khỏi cuộc sống và thế gian này, nhưng là đạo cứu độ, cứu độ toàn thể vũ trụ và hoàn tất vận mạng của cả vũ trụ. Kitô giáo không phải là “đạo tại tâm”, nhưng là được kêu gọi sống liên đới cụ thể trong cộng đoàn những người được cứu độ. Kitô giáo không phải là một nỗ lực luân lý thuần túy, những là chấp nhận thân phận giới hạn căn bản và để cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa. Kitô giáo không thể được trình bày như một con đường dành cho những người ưu tuyển, để rồi, vô tình hay hữu ý, một số đông những người nghèo hèn bé mọn bị loại trừ khỏi gia sản thừa kế mà Đức Giêsu đã chia sẻ cho con người; vì Thiên Chúa là Cha, và “Thần Khí của Cha” tỏ hiện đặc biệt nơi việc Thiên Chúa kêu gọi những người bé mọn tầm thường…
Chính khi ý thức những khác biệt cơ bản ấy, người Kitô hữu nhận ra trách nhiệm loan báo Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu một cách có ý nghĩa hơn.
Kết
Chúng ta có thể minh họa cách thức Thiên Chúa cứu độ con người bằng câu chuyện sau:
Trong một cuộc đi cắm trại trong rừng, một số người bị rơi xuống một vực thẳm khá sâu; một số người khác đứng trên miệng hố bàn bạc với nhau tìm cách cứu những người bị rơi:
- Cách thứ nhất: Những người đứng ở trên nhìn thấy rõ đường đi nước bước, hướng dẫn con đường phải theo để leo lên. Cách thức này coi tôn giáo như một học thuyết luân lý, một thứ đạo dạy ăn ngay ở lành và ai có khả năng thì theo. Cách thức này rất tốt cho những người có được một số điều kiện thích hợp nào đó: có ý chí, có hoàn cảnh xung quanh thích hợp, có kiến thức…; nhưng không phải là phương cách mọi người có thể theo được, nhất là với những người "tầm thường", những người sống trong cảnh "bần cùng sinh đạo tặc"....
- Cách thứ hai: những người đứng trên kêu gọi những người ở dưới hô lên điều gì mình cần: cuốc, xẻng, giây…., để những người ở trên thả xuống. Đây là thứ đạo xin sỏ. Cách thức này hay hơn ở chỗ mọi người đều có thể cầu xin, khấn vái. Tuy nhiên, cách thức này rất thực dụng, cầu xin những điều trước mắt mà không hề thấy lòng đạo liên hệ gì với đời sống luân lý thường ngày. Đây là thứ “đạo” ở những "tụ điểm" linh thiêng như các đền Bà, lăng Ông,… Đó là một thứ tôn giáo bình dân, cách thức này làm cho những người tín hữu hạ thấp phẩm giá của mình.
- Cách thứ ba: vì thấy có nhiều người ở dưới vực đã có vẻ nản chí hoặc an vui với cuộc sống ấy, nên những người ở trên khuyến dụ bằng cách đe dọa: mưa sắp đến, hết thức ăn…; đồng thời cũng kể những niềm vui: ráng lên khỏi vực ta sẽ đi nhậu…, nhằm để khích thích sức mạnh của những người ở dưới vực và để họ tự mình leo lên. Đây là thứ đạo thưởng phạt. Cách thức này có lẽ không tương ứng với một tôn giáo chính danh nào, nhưng lại biểu lộ trong nhiều tôn giáo, đặc biệt trong tâm tình sống đạo của người Kitô hữu…. Cách thức này làm cho con người trở nên trẻ con, ấu trĩ, bị dẫn dụ bằng những phần thưởng và những hình phạt…
- Cách thứ tư: Những người ở trên thòng dây xuống, những người dưới hố bám vào giây để những người bên trên kéo họ lên. Cách thức này tương ứng với đạo Cựu ước, biểu lộ một sự can dự của Thiên Chúa vào cuộc sống con người, nhưng còn là một sự can thiệp "từ xa". Cách thức này cũng có phần nào "bỏ rơi" những người không có đủ khả năng sống đạo, như ta thấy trong đạo Do thái thời Chúa Giêsu; và cũng chưa diễn tả được nét chính yếu của mầu nhiệm cứu độ Kitô giáo.
- Cách thức năm: Một người ở trên nhảy xuống, nắm tay và cùng với những người bị nạn để leo lên. Cách cuối cùng là cách cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, qua mầu nhiệm nhập thể và cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Chỉ cách thức này mới có thể vừa đón nhận được tất cả mọi người, vừa không hạ phẩm giá của con người. Con người được mời gọi sống với "Đức Giêsu dưới vực thẳm" như một người bạn.
Hình ảnh trên đây chắc chắc không thể diễn tả trọn vẹn Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa, nhưng có lẽ có thể giúp ta nhận ra một số sai lạc vẫn có, và vẫn chi phối không nhỏ trên đời sống đức tin của người Kitô hữu.
------------
[1] Sémites là tên gọi những chủng tộc được coi như thuộc dòng dõi ông Sem, một trong những người con của ông Noé. Những dân tộc thuộc nhóm sémites thường được kể là: Assyriens, Phéniciens, Ả- rập và Hébreux. Kinh Thánh còn kể cả những dân Élamites, Araméens trong nhóm này.
[2] Đức Thánh cha Pio XI, trong bài phát biểu với đoàn hành hương của Đài truyền Thanh Công Giáo Bỉ ngày 6-12-1938, nói rằng: “Tất cả chúng ta là những người sémites trong tinh thần” (“Nous sommes tous spirituellement des sémites…”), Xc. Théos. Nouvelle Encyclopédie catholique, Droguet-Ardant / Fayard, tr. 350a.
[3] Xc. Con người không được phân biệt thành hồn xác như người Hy Lạp, nhưng, ít nhất, gồm có thần xác, linh hồn và thần trí, (1Cr 2,10-16): "Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người ? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (c.11).