Monday, 06 January 2020 13:52

Từ Thiên Chúa Nhập Thể Đến Con Người Nhập Cuộc Featured

Văn Điệp, OP.

 
 
Niềm tin của chúng ta xác tín, Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với con người, sống kiếp con người[1]. Ngài mang vác tất cả những gì là yếu đuối của thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi[2]. Không có một “ông chúa” nào dám hạ mình như thế cả. Có thể nói, qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã xuống tận cùng với con người trong kiếp sống này. Chúng ta tự hỏi, “Ai có thể phát minh ra dấu chỉ tình yêu lớn hơn thế? Chúng ta ngây ngất trước mầu nhiệm Thiên Chúa đã hạ cố mang lấy thân phận con người, đến độ hiến cả mạng sống trên thánh giá[3]. Qua biến cố nhập thể, không có gì con người đang mang vác mà ngày xưa Ngôi Hai Thiên Chúa đã không từng vác lấy, và ngày nay Ngài vẫn đang gánh chịu và bước đi với mỗi người. Ngài chấp nhận như thế để phẩm giá của con người được nâng cao cũng như cuộc đời con người trở nên có giá trị. Đó cũng là dấu chỉ để nhân loại hy vọng được đón nhận vào Nước Trời.

Như thế, Con Thiên Chúa làm người đem đến cho nhân loại những niềm vui mới - niềm vui được giải thoát khỏi tội lỗi và sống là người tự do trước mặt Thiên Chúa
[4]. Nếu vì sa ngã, con người đã đánh mất căn tính uyên nguyên thưở ban đầu, thì qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã trả lại cho con người căn tính đích thực ấy. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể còn mời gọi con người hãy sống cho ra một “Con Người” với tất cả những phẩm giá cao đẹp của mình. Hơn nữa, qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã cho thấy trái đất này sẽ trở nên vui hơn, đẹp hơn khi có Ngài hiện diện. Và trong ý hướng đó, Ngài cũng mời gọi con người hãy “nhập cuộc” để kiến tạo thế giới và làm việc có ích cho tha nhân, chia sẻ với nhau tất cả những gì tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Chỉ khi nào sống như thế, con người mới hoàn thành vận mạng cuộc đời trong hành trình trở nên con Thiên Chúa và luôn hướng về Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất.

I. NHẬP THỂ – HỒNG ÂN CHO CON NGƯỜI

1. Nhập thể – Thiên Chúa làm người và ở cùng
 
Một điều lạ đã xuất hiện, Con Thiên Chúa làm người. Đó là Đức Giêsu - Vua trên các vua, Chúa các chúa - đã cúi xuống đến tận cùng, dìm mình sâu vào kiếp người, chỉ để làm người. Ngài sát nhập vào một dân tộc, sống trong thời gian nhất định, trên dải đất cụ thể. Ngài được sinh ra “làm con một người đàn bà và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật…[5]. Đến với con người, Đức Giêsu không chọn nơi cao sang quyền thế, nhà cao cửa rộng. Ngài đã chấp nhận khốn khó đến tột cùng của phận người khi cất tiếng khóc chào đời trong hang bò lừa, giữa đêm đông giá rét[6]. Hành trình làm người của Đức Giêsu còn tiếp diễn và kéo dài cho đến khi Ngài bị chết treo trên thập giá[7].

Thật vậy, với cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã khẳng định sứ vụ làm người của mình một cách quyết liệt hơn. Ngài là con Thiên Chúa ư? Đúng vậy, Ngài là con Thiên Chúa. Ngài có quyền trên sự sống và sự chết ư? Hoàn toàn chính xác. Ngài có thể xuống thập giá, thoát khỏi cái chết và sống trong quyền năng vô hạn của một vị Thiên Chúa? Tất nhiên là có thể. Vậy “có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! Và để cho chúng ta thấy, chúng ta sẽ tin ông là con Thiên Chúa
[8]. Không được! Dù là Thiên Chúa nhưng Ngài sẽ đi đến tận cùng kiếp người, vì Ngài tự nguyện như thế để cứu độ con người tội lỗi.

Khi làm người, Con Thiên Chúa“đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người… nên Ngài ở cùng chúng ta
[9]. Trong Tin mừng, khi trình bày Thiên Chúa ở cùng chúng ta là diễn tả việc Đức Giêsu đã sống với đám người cặn bã, bị gạt ra bên lề xã hội: những kẻ nghèo hèn, bệnh tật, bọn thu thuế, gái điếm... Nhập thể làm người, Đức Giêsu đã mở cõi lòng, giang vòng tay để ôm tất cả nỗi đớn đau, mọi thứ tật bệnh của con người. Ngài thường gặp gỡ những người bị xã hội loại trừ[10]. Ở cùng chúng ta là Ngài đến với mọi người, đến với từng cá nhân. Ngài đến với người hàng xóm láng giềng. Ngài đi dự tiệc cưới, cùng ăn uống, vui chơi với mọi tầng lớp. Ngài có những người bạn thân thiết. Ngài đã thương khóc khi người bạn thân Ladarô chết, và còn khóc cho thành Giêrusalem...[11] Đức Giêsu đã làm người và ở cùng chúng ta theo nghĩa đó. Ngài còn sống trọn kiếp người để chứng minh rằng kiếp người thật đáng sống. Ngài sống trọn kiếp người để phục hồi giá trị cho cuộc sống con người. Ngài đem lại cho cuộc sống ấy một ý nghĩa và chỉ ra thái độ sống để đạt được ý nghĩa ấy.

2. Nhập thể – Thiên Chúa cứu độ con người khỏi tội lỗi
 
Khi loại trừ Thiên Chúa và tự đặt mình làm “Chúa”, con người đã phạm trọng tội với Đấng vô cùng. Điều này cũng hàm chứa con người không thể tự sức mình có thể đền bù cân xứng. Con người hoàn toàn bế tắc và thất vọng trước lỗi phạm của mình, và không biết làm cách nào để được tha thứ. Trong kiếp tội lụy, không chỉ con người mà toàn thể vũ trụ như “quằn quại mong được giải thoát[12]. Trong lúc bế tắc ấy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến. Việc nhập thể của Ngài chỉ vì yêu thương và khao khát cứu độ con người khỏi tội lỗi. Con Thiên Chúa đã tự nguyện nhập thể và rồi hy sinh chịu chết để chuộc tội cho con người. Con đường cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu từ câu chuyện Con Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa làm người để kéo mọi người lên với Người[13]. Thiên Chúa không đứng trên đỉnh núi để động viên khuyến khích con người lội suối vượt non để được cứu độ, nhưng Người sai “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Con Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế[14]. Người Con ấy đã xuống núi, xuống tận đáy vực sâu, nơi con người đang kêu cứu và xoay sở cách tuyệt vọng mong cầu thoát khỏi cảnh bể dâu, để kéo con người lên. Thiên Chúa làm thế bởi Người yêu con người. Người đi bước trước và đến với con người. Khi con người còn là hạng vô đạo thì Con của Người đã chết vì con người hầu dẫn mọi người vào chính đạo. Khi con người còn là phường tội lỗi, thù nghịch của Thiên Chúa thì Người đã để cho Con của Người phải chết hầu cho con người được hoà giải với Người[15].

Tại sao Thiên Chúa lại để cho Ngôi Hai nhập thể và phải chết thì con người mới được hoà giải cùng Người ? Thiên Chúa có thể dễ dàng tha thứ tội lỗi cho con người, mà không cần Con của Người phải chết. Người có toàn quyền làm như thế, nhưng Người đã không làm bởi vì điều đó chưa đủ để chứng thực cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương con người đến mức như thế nào. Thiên Chúa yêu con người đến nỗi muốn Người Con của mình “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người
[16], bởi “không còn tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình[17]. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương con người. Không những thế, Đức Giê-su còn muốn lấy cái chết của mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết, hầu ban cho con người ơn tái sinh vào đời sống mới: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính[18].

Do đó, ơn cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ là ơn tha thứ tội lỗi, hoà giải con người với Thiên Chúa, mà chính yếu là ơn tái sinh vào đời sống mới: con người được tái sinh nhờ máu, nước và Thần Khí mà Đức Giê-su đã trao ban khi chết trên thập giá
[19], để con người được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa[20]. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, con người không những được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, mà còn được tái sinh làm con cái Thiên Chúa và được đồng thừa kế với Đức Giê-su[21]. Ơn cứu độ của Đức Giê-su là quà tặng Thiên Chúa dành cho hết mọi người, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, người giàu sang quyền thế hay người nghèo hèn cơ cực, bậc thánh đức hay kẻ tội lỗi, người khôn ngoan thông thái hay người dốt nát ngu đần : “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính[22]. Đức Giê-su nhập thể để đem ơn cứu độ cho hết mọi người, đặc biệt của những người tội lỗi, gái điếm và trẻ thơ, bởi vì hơn ai hết họ là những người cần đến tình yêu thương, sự chữa lành, lòng thương xót, ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn[23]. Lại nữa, chính khi mang thân phận tội lỗi, con người mất đi sự hiệp thông cùng Thiên Chúa, mất đi quyền làm con của Người. Ngôi Hai nhập thể đã trả lại cho con người giá trị thần thiêng ấy, bởi “khi kết hiệp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, con người được trở nên con cái Thiên Chúa[24]. Điều này còn được nhấn mạnh hơn nữa nơi thánh Giáo phụ A-tha-na-si-ô khi ngài nói: “Con Thiên Chúa làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa[25].

Thật vậy, ngay từ ban đầu, con người được tạo dựng là để cho Thiên Chúa, và chính Ngài không ngừng lôi kéo con người về với mình. Thiên Chúa phú bẩm cho con người một khả năng hướng tới siêu việt
[26]. Chính vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên con người luôn hướng vọng về Thiên Chúa. Là hình ảnh của Đấng đã dựng nên mình, nên con người luôn muốn tìm lại bản gốc đích thực. Thế nhưng do tội lỗi, con người đã tự ý tách lìa khỏi Thiên Chúa, cho dù vẫn còn duy trì hình ảnh Thiên Chúa ở cấp độ lý trí, mà linh hồn thì không còn giống như Thiên Chúa nữa. Một cách nào đó, bản tính của con người đã bị che khuất, bị lệnh lạc khác biệt với nguyên mẫu[27]. Cho đến khi Ngôi Hai nhập thể, con người mới được trở về với Thiên Chúa, được tái tạo hình ảnh của Ngài nơi chính mình, bởi lẽ “tội lỗi bao trùm chung quanh ấn tích hình ảnh Thiên Chúa như một bức màn xấu xa đã khiến cho điều tốt đẹp ẩn bên dưới ra vô ích. Nhưng nơi Đức Kitô, những cáu ghét bao trùm con người đã bị tẩy trừ, Ngài đã khôi phục lại được vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa cho con người[28]. Như thế, bằng việc nhập thể, Con Thiên Chúa trả lại toàn vẹn hình ảnh Thiên Chúa cho con người, và khơi lại khát vọng sâu thẳm trong tâm hồn con người, đó là hướng về Thiên Chúa, hướng về cứu cánh trọn hảo.

II. TỪ NHẬP THỂ ĐẾN NHẬP CUỘC

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trả lại cho con người bản tính uyên nguyên. Sự uyên nguyên ấy, theo Kinh thánh mạc khải là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa[29]; con người được Thiên Chúa trao ban sinh khí[30]; con người được Thiên Chúa trao quyền cai quản vũ trụ vạn vật[31]. Chắc hẳn còn nhiều ân ban cao cả khác, nhưng ba yếu tố vừa nêu là những ân ban căn bản, nguyên thủy mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Chính vì thế, bước vào đời, mỗi người được mời gọi “nhập cuộc”, để sống trọn vẹn căn tính uyên nguyên được Thiên Chúa trao ban cho mình, góp phần làm đẹp cho đời, và hướng về Thiên Chúa là Cha.

1. Nhập cuộc – con người sống căn tính uyên nguyên

Như đã trình bày, khi Nguyên tổ sa ngã, con người đã đánh mất căn tính thưở ban đầu được Thiên Chúa trao ban. Căn tính của con người bị tha hóa tận căn và triệt để nhất chính là bị xa cách Thiên Chúa. Một căn tính đã tự tha hóa, tự loại trừ chính mình, đồng lõa với Satan là loài hư hỏng, thù nghịch với Thiên Chúa. Tội đã làm cho căn tính uyên nguyên của con người ra xấu xa, để rồi mọi hành động của nó luôn có xu hướng nghiêng về sự dữ, tiếp tay cho cái xấu hoành hành trong vũ trụ. Thân xác vốn là tinh hoa của đất và linh hồn vốn là Sinh khí của Thiên Chúa, nhưng tội lỗi của loài người đã làm tha hóa tinh hoa và làm nhạt nhòa Sinh khí kia, biến cuộc sống thái hòa, an vui của con người và vũ trụ ra bất an, u ám.

Thế nhưng, qua biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa thì mọi việc đã được biến đổi. Tiêu đích của mầu nhiệm nhập thể là cả một cuộc “thần hóa” con người. Thánh Âu tinh đã viết: “vì muốn biến thành thần linh những kẻ chỉ là người phàm, nên Đấng vốn là Thiên Chúa đã đích thân trở thành người phàm
[32]. Ngôi Lời nhập thể mang lại giá trị cứu độ cho hết những gì con người thực hiện nhân danh Ngài. Những ai càng trở nên hoàn hảo thì căn tính của họ càng nên giống Chúa Kitô hơn, càng phát huy được hiệu quả cứu rỗi nơi bản thân, và càng được thần hóa cao hơn. Những người càng biết Đức Kitô sẽ càng biết Thiên Chúa, càng biết chính mình và càng biết tha nhân. Như vậy, căn tính đích thực của đời người chính là căn tính được Chúa Giêsu đón nhận và biến đổi sâu sắc trong Ngôi Vị Ngài. Đức Kitô đã đón nhận kiếp sống đau khổ của con người để giải thoát con người khỏi mọi khổ đau. Ngài chấp nhận nghèo khó để con người trở nên giàu có. Ngài đón lấy tủi nhục của con người để biến tủi nhục của con người thành vinh quang. Chúa Giêsu đã đi vào tận đáy sâu của kiếp người để thánh hóa tất cả mọi sự trong Thiên Chúa. Nhờ thế, những ai sẵn sàng làm môn đệ của Thầy Giêsu, đón nhận và sống những thánh chỉ Ngài ban cho, họ cũng sẽ được đón nhận vinh quang với Ngài.

Đức Kitô nhập thể không chỉ giải thoát con người khỏi tội lỗi nhưng còn ban ơn thánh hóa mà đích đến là vinh quang hạnh phúc viên mãn. Niềm tin đó vào Đức Kitô dường như vượt tầm hiểu biết của con người nhưng lại rất hiện sinh. Tìm lại căn tính đời mình là con người không ngừng suy tư, tìm hiểu cả về sự kiện lẫn ý nghĩa đời mình trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, trong sự nâng đỡ của Thánh Thần. Chính vì vậy, mỗi người đều có vai trò quyết định đối với việc xác định căn tính đời mình. Ý nghĩa đích thực của đời người là đón nhận được ơn cứu độ của Chúa Kitô. Thiên Chúa nhân lành đã tiền định cho mỗi người về ơn cứu độ ấy, nhưng con người có đón nhận được hay không lại do thái độ dấn thân và chọn lựa của từng người. Bởi  thực tế trong cuộc đời, có những người sống thả trôi đời mình như cánh bèo, không định hướng, không chọn lựa. Sống như thế, con người không xác định được đâu là điểm đến đời mình, và đâu là căn tính đích thực của một con người. Nhập cuộc là mỗi người sống trọn vẹn căn tính con người đã được chuộc về từ sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Đó là lối sống có định hướng, có suy tư, có niềm xác tín vào sự cứu độ duy nhất của Đức Kitô. Hơn nữa, nhập cuộc là làm nổi bật hình ảnh đẹp của một con người mang hình ảnh Thiên Chúa.

Quả vậy, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể là biến cố trọng đại cho con người. Ngài tự nguyện đến và “cắm lều” để ở với con người. Chính Ngài mới có thể chuộc lại sự tinh tuyền nơi bản tính con người đã bị tội lỗi làm cho hư hỏng. Cũng nhờ biến cố nhập thể, Con Thiên Chúa đã biến đổi con người, từ tình trạng không còn ơn nghĩa với Thiên Chúa trở lại làm con của Chúa. Sự cao trọng của biến cố nhập thể nhắc nhở con người nhìn lại kiếp lữ hành của mình, để từ đó sống xứng đáng là một con người cho ra “NGƯỜI”. Thật thế, mỗi người bước vào cuộc đời đều mang nơi mình một giá trị cao quý, một ý nghĩa tròn đầy, một ơn gọi riêng biệt, mà không ai có thể thay thế được. Mọi người đều bình đẳng như nhau về phẩm giá là một con người, dù đó là người quyền cao chức trọng hay đó chỉ là người dân tầm thường. Mạc khải của Tin mừng còn cho biết, chính những người nghèo là người được chúc phúc
[33]. Điều đó cho biết, những giá trị vật chất của trần gian không có sức biến đổi con người nên thánh, nhưng phải là tình yêu của Thiên Chúa. Cũng trong chiều hướng đó, chỉ những ai nhận ra sự yếu đuối, nhỏ hèn của bản thân, luôn biết cậy trông vào Thiên Chúa, thì họ sẽ được dự phần với Ngài trong sự sống vĩnh cửu.

2. Nhập cuộc – con người dấn thân cho đời
 
Công trình sáng tạo vĩ đại của Thiên Chúa được trao ban cho con người, như Kinh thánh đã viết: “Con người hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất[34]. Con người được đặt lên thay Thiên Chúa cai quản và điều khiển toàn thể vũ trụ một cách tự do. Quyền làm chủ của con người như một tư cách biểu lộ sống động những đặc ân của một loài thụ tạo được “mang hình ảnh Thiên Chúa”, được đón nhận “sinh khí của Thiên Chúa”. Con người nhập cuộc vào đời không gì khác hơn là tiếp tục làm cho vũ trụ này mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn. Điều đó cũng ngầm hiểu, con người, trong khi sống “Hướng thượng”, cũng không được phép coi thường hay bỏ bê trách nhiệm trần thế. Thế nhưng, đối với người Kitô hữu, xung đột giữa đạo – đời vẫn luôn giằng co, tranh chấp giữa tinh thần và vật chất, giữa Nước trời và trần gian không phải lúc nào cũng dễ dàng và êm đẹp.

Thật thế, trong một thời gian dài, có không ít người tín hữu “vẫn âm thầm nghĩ rằng, những giờ ngồi ở bàn giấy, trong văn phòng, ngoài đồng ruộng hay tại các xưởng máy…, tất cả ngoài phạm vi thờ phượng. Theo họ, thật hiển nhiên là con người không thể không làm việc, nhưng cũng đừng nuôi hy vọng hão huyền là có thể đạt tới một đời sống tôn giáo sâu xa khi dấn thân vào những hoạt động trần thế.”
[35]Mang nơi mình suy nghĩ ấy, thử hỏi làm thế nào người tín hữu có được sự dấn thân trọn vẹn cho cuộc đời. Một sự tách biệt rạch ròi giữa chiều kích tôn giáo và chiều kích đời thường, chắc hẳn sẽ đẩy người tín hữu vào trong tình huống “một ách hai tròng”. Nếu quá chú tâm vào việc trần gian, họ sẽ lo lắng đánh mất đi đời sống mai hậu. Nếu lo cho đời sau, thì họ lại kéo lê kiếp sống này trong day dứt, ngột ngạt. Chính vì thế, với cái nhìn của người ngoài Công giáo, dường như “các Kitô hữu không bao giờ có thể thật sự yêu mến, thật sự sống chết với quê hương trần thế, vì họ còn … một ngõ rút lui an toàn và bất khả xâm phạm ở ngoài trần gian[36]. Chính vì an tâm đã có điểm dừng an toàn bên ngoài trần gian, nên có nhiều Kitô hữu chỉ mải miết tìm sự cứu rỗi cá nhân, bằng cách phủ nhận cõi đời này. Họ quá thờ ơ với việc xây dựng xã hội trần thế. Đó là sự thoái thác vô trách nhiệm và thật đáng trách. Nhưng đáng buồn thay, đó là sai lầm của những tín hữu thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không tới, những giá trị đích thực của trần thế trong công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, mà những giá trị ấy đã được Giáo lý và Giáo huấn của Giáo hội xác nhận.

Quả vậy, khả năng “nhập cuộc” của con người phải được thể hiện trong việc diễn tả “tính trần thế” của mình. Chỉ có thể bộc lộ rõ điều này khi người tín hữu “dấn thân vào thực tại trần gian, ngõ hầu với sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như chất men làm biến đổi từ bên trong tất cả những thực tại này và như vậy biểu dương Đức Kitô cho người khác bằng chính cuộc sống của mình
[37]. Đây là lời mời gọi dành cho tất cả những ai đã được Chúa Kitô chuộc về từ biến cố nhập thể của Ngài. Mọi người đều có trách nhiệm tham gia vào việc biến đổi và làm đẹp trần thế, như Giáo lý đã dạy: “Tham gia (công ích) là sự dấn thân tự nguyện và quảng đại của con người vào những giao dịch xã hội. Tất cả mọi người phải tham gia, tùy theo địa vị và vai trò của mình, để mưu cầu công ích. Bổn phận này gắn liền với phẩm giá con người[38]. Mọi người đều có đóng góp tùy vào địa vị và vai trò, nhưng thiết tưởng những đóng góp của người giáo dân là cụ thể và thiết thực nhất, bởi lẽ họ là những người có đời sống bình thường trong trần gian, trong tương quan nghề nghiệp, bằng hữu, xã hội, văn hóa với đồng bào. Điều này cũng được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận khi ngài nói: “Người giáo dân chiếm một vị thế đặc biệt, bởi vì ‘tính trần thế’ của họ bắt buộc họ dấn thân ‘đem đạo vào đời’ theo một cách thế riêng, mà không ai có thể thay thế được[39].

Tóm lại, bất kể chúng ta thuộc bậc sống nào hay đóng vai trò gì trong hành trình làm người, mà nếu là những Kitô hữu đích thực, thì “phải xả thân chu toàn phận vụ đời mình, với ước nguyện làm cho việc Đức Kitô đi vào trần gian mỗi ngày được tăng trưởng hơn. Hơn bất cứ ai khác, đối với người môn đệ Đức Kitô, thì việc tranh đấu để cải thiện, thăng hoa trần thế phải mang một ý nghĩa cao cả đặc biệt, vì nó chính là việc hoàn tất cuộc chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa và đồng thời cũng quyết định vận mạng tương lai của đời mình
[40]. Xác tín điều này, bởi chỉ nơi người Kitô hữu, thực tại trần gian mới mang một giá trị tròn đầy; chỉ niềm tin Kitô giáo mới cho phép kéo dài tới vô tận những giá trị và cuộc tranh đấu cho cuộc sống hiện tại. Do đó, hơn bất cứ ai khác, người Kitô hữu phải tin tưởng mãnh liệt vào giá trị của cuộc đời hiện tại. Cũng có thể nói được rằng, chỉ khi “nhập cuộc” sống thực tại trần thế một cách sung mãn như thế, con người mới có khả năng “hướng thượng” thật sự để sống với Thiên Chúa là Cha của vạn vật.

Tạm kết

Ngày nay, khi có người phủ nhận quyền làm người của người khác, phủ nhận xã hội tính là sống cùng, sống với tha nhân, chúng ta nhìn lại Ngôi Hai nhập thể để thấy được lời mời gọi: kiếp người thật đáng sống, nhất là được sống cùng và sống cho người khác. Kể từ đây mọi khổ đau của con người có giá trị cứu độ nếu ta thực lòng chấp nhận thân phận làm người và làm người theo cung cách của Đức Giêsu. Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, mỗi người cần tiếp tục xây dựng thiên đàng cho mình và cho người khác ngay trong những hoàn cảnh tưởng chừng như bi đát và tuyệt vọng nhất. “Hãy làm Người cho ra Người” là lời mời gọi liên lỉ nếu muốn trở nên con Thiên Chúa và trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Nếu thế, mỗi người hãy mở lòng ra, từng ngày từng giờ trong cuộc sống, rồi Đức Giêsu sẽ đến, và khi đó, cuộc đời con người không thể sống nếu thiếu Ngài.

Khi nhận ra rằng, cuộc đời không thể thiếu Giêsu là lúc chúng ta được mời gọi để dấn thân cho tha nhân, cách riêng cho những mảnh đời bất hạnh. Không thể thiếu Đức Giêsu là - như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Giêsu đang sống trong tôi
[41]. Đức Giêsu sống trong ta thì Ngài đã làm gì cho tha nhân, chúng ta cũng được mời gọi để làm như thế. Từ đây, Đức Giêsu đã thực sự trở thành sức sống trong chúng ta. Dấn thân cho người khác là chúng ta “nhập cuộc”, sống cuộc đời như Đức Giêsu. Chia sẻ nỗi đau của anh em là chúng ta “nhập cuộc”, để chia sẻ nỗi đau mà chính Đức Giêsu nhập thể đã mang lấy. Yêu thương tha nhân là chúng ta đang thực hiện chính công việc Đức Giêsu đã làm, và cũng chính là chúng ta đang yêu thương Đức Giêsu nữa. Có Đức Giêsu trong đời, chúng ta chỉ còn thao thức một điều Ngài hằng mời gọi, hãy trở nên những đầy tớ cho tha nhân như chính Ngài đã là Đầy Tớ của mọi người. Đó là khi chúng ta “nhập cuộc” để sống trọn vẹn cuộc đời nhân thế, cũng như cộng tác vào việc xây dựng Nước trời ngay tại trần thế, như là quà tặng của Thiên Chúa trao ban.
 

[1] Kinh tin kính Nixê- Constantinople.

[2] Xc. Dt 4,15.

[3] Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi giới trẻ nhân ngày quốc tế giới trẻ lấn thứ 20 tại Cologne, Đức, số 2.

[4] Xc. GLHTCG, số 457.

[5] Gl 4,4-5.

[6] Xc. Lc 2,7.

[7] Xc. Mt 27,50; Mc 15,37; Lc 23,46; Ga 19,30.

[8] Mc 15,30-32

[9] Vat II, Gaudium Et Spes, 22.

[10] Xc. Mc 1,41; 10,46.

[11] Xc. Ga 11,33; Lc 19,41.

[12] Rm 8,19.

[13] Xc. Ga 12,32.

[14] Pl 2,6-7.

[15] Xc. Rm 5,6-10.

[16] Mt 26,28.

[17] Ga 15,13.

[18] 1Pr 2,24.

[19] Xc. Ga 19,30.34.

[20] Xc. Ep 1,5.

[21] Xc. Rm 8,17.

[22] Mt 5,45.

[23] Lc 5,32.

[24] GLHTCG, số 460.

[25] Thánh A-tha-na-si-ô, Nhập thể 54,3. Trích lại trong GLHTCG, số 460.

[26] Xc. GLHTCG, số 27.

[27] Xc. Grégoire de Nysse, De Hierarchia Caelesti, Lê Văn Chính, Giảng trình Giáo phụ học (Tp.HCM: Học viện Đaminh, 2005), trang 101-130.

[28] Grégoire de Nysse, Hom. Sur les béatitudes VI (PG. 44,1270C-1270B), Lê Văn Chính, Giảng trình Giáo phụ học (Tp.HCM: Học viện Đaminh, 2005), trang 151.

[29] Xc. St 1,26.

[30] Xc. St 2,7.

[31] Xc. St 1,26.

[32] Trích lại trong Norberto, Đức Giêsu Kitô- Ngôi Lời nhập thể, Kitô học I (HVĐM, 2001, tr 171-173.

[33] Xc. Mt 5,3; Lc 6,20.

[34] St 1,2.

[35] Nguyễn Thái Hợp,OP, Đường vào Thần học, Houston,2004, trang 247.

[36] Sđd, trang 248.

[37] Vatican II, Lumen Gentium, số 31.

[38] GLHTCG, số 1913.

[39] Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 36.

[40] Nguyễn Thái Hợp,OP, Đường vào Thần học, Houston,2004, trang 254.

[41] Gl 2,20.