Vũ Văn An
1. Một Lịch Sử Thuộc Hiện Tại và Mở Ra Cho Tương Lai
Đối với Gunther Bornkamn (Jesus Of Nazareth, Hodder and Stoughton, 1960), không một lịch sử nào về Chúa Giêsu mà lại không được “chải chuốt” (embellished) bởi tín điều, học thuyết, nói cách khác bởi đức tin. Không một lời nói của Chúa Giêsu và không một câu chuyện nào về Người, dù chân thực (genuine) bao nhiêu, mà lại không đồng thời mang vào thân (embody) một tuyên xưng của cộng đoàn tín hữu, hay ít nhất được lồng vào trong đó. Điều ấy khiến cho việc đi tìm những sự kiện trần truồng của lịch sử trở nên khó khăn, gần như vô vọng.
Đối với truyền thống nguyên thủy của Kitô giáo, Chúa Giêsu trước hết không phải là khuôn mặt của quá khứ, nhưng đúng hơn là Chúa phục sinh, đang hiện diện với đầy đủ ý chí, quyền lực và lời nói. Chúa Giêsu Kitô vẫn là cái ông thầy giảng (rabbi) quê ở Nazareth mà lịch sử trần thế bắt đầu tại Galilê và kết thúc trên thập giá tại Giêrusalem; nhưng đồng một lúc cũng là Đấng Đã Sống Lại, tác giả của cứu độ, đấng hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Giáo hội cũng như truyền thống của mình không quan tâm bám lấy quá khứ, mà bám vào ngày hôm nay; và cái Ngày Hôm Nay ấy không phải chỉ là một ngày theo lịch, mà là một hiện tại do Thiên Chúa ấn định, và cùng với nó là một tương lai nhờ Chúa ta với tới được. Giáo hội hiểu quá khứ trong lịch sử Chúa Giêsu trước Thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Phục Sinh dưới ánh sáng của cái Bây Giờ và Cái Sẽ Tới vốn được Thiên Chúa hoàn thành và định liệu và được mở ra qua hình khổ đóng đinh và sống lại của Chúa Giêsu này. Giáo hội bao hàm điều đó trong sứ điệp của mình, nhưng luôn luôn như một lịch sử thuộc hiện tại và mở ra cho tương lai (Cv 10:37-43). Hiểu lịch sử Chúa Giêsu như thế là hiểu từ kết liễu hiểu lui và hiểu từ kết liểu hiểu tới. Khi thuật lại câu truyện quá khứ, các phúc âm đã tuyên xưng Chúa Giêsu hiện đang là ai, chứ không phải Người đã là người như thế nào trong quá khứ. Điều ấy có nghĩa là những gì thuộc quá khứ của Chúa Giêsu phải luôn được tra cứu và hiểu biết theo tương quan ý nghĩa của chúng đối với thời hiện tại và thời đang đến trong tương lai của Thiên Chúa.
Vì đối với Giáo hội, Chúa Giêsu trần thế cũng đồng thời là Chúa Phục Sinh, nên lời của Người trong truyền thống mang các đặc điểm của hiện tại. Nhờ quan điểm ấy, ta giải thích được hai nét, bề ngoài xem ra hết sức mâu thuẫn, của truyền thống tìm thấy khắp các trang phúc âm nhất lãm: vừa hết sức trung thành gắn bó với lời của Chúa Giêsu vừa cùng một lúc hết sức tự do đối với lối dùng từ nguyên thủy (original wording). Lời của Người được gìn giữ, không phải bằng cái nhiệt tâm của nhà quản thủ văn khố, cũng không được lưu truyền như những lời phát biểu của các thầy giảng lừng danh có kèm bình luận. Nhưng ta có thể nói: việc lưu truyền ấy thực sự không phải là việc lặp lại và truyền đi những lời Người đã từng nói một thời, nhưng đúng ra là những lời của Người hôm nay.
Lịch sử của truyền thống cho thấy việc rất thường xẩy ra là không những các lời của Chúa Giêsu nói khi còn sống trên trần gian chẳng mấy chốc đã mang hình thức hậu phục sinh, mà chính các lời Đức Kitô Phục sinh nói cũng đã trở thành các lời của Chúa Giêsu khi còn sống trên trần thế. Truyền thống Phúc âm ngay từ đầu đã hiện hữu chỉ là để cộng đồng tín hữu thực hành sống đạo, cho nên đối với cộng đồng này, lịch sử tự nó chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
2. Hai Hình Ảnh Về Đức Giêsu
Đối với Michael L. Cook, S.J. (Responses to 101 Questions about Jesus, Paulist Press, 1993), có hai hình ảnh về Chúa Giêsu đôi khi xem ra có vẻ mâu thuẫn. Đó là hình ảnh cổ truyền và hình ảnh hiện đại. Hình ảnh cổ truyền, một hình ảnh rất trổi vượt trong hầu hết mọi ý thức Kitô giáo, nhấn mạnh vào ‘thời điểm” nhập thể. Theo đó, Chúa Giêsu là Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa xuống thế nhập thể, chết vì tội lỗi ta, và sau đó lên trời trở lại vinh quang muôn thuở với Chúa Cha. Hình ảnh này chủ yếu rút ra từ phúc âm Gioan. “Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ ban con một mình, để hễ ai tin vào người con này sẽ không phải hư đi, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16). Điều Chúa Giêsu mạc khải và giảng dạy chính là bản sắc của Người trong tương quan muôn thuở với Chúa Cha, và điều Người muốn thực hiện là sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai tin vào Người. Người là “đường” chỉ cho ta đến với Chúa Cha và do đó giúp ta sống trong cùng một tương quan muôn thuở của Chúa Cha và Chúa Con. Các kinh tin kính và các công đồng sau này của giáo hội, vốn chịu ảnh hưởng nhiều nơi thánh Gioan, đã nhấn mạnh đến thần tính của Chúa Giêsu đến độ nhân tính của Người xem ra như đã được tan hòa (absorbed) vào đó. Trên nguyên tắc, các giáo phụ và các công đồng chính giáo luôn luôn nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu. Các ngài chủ trương rằng nếu Chúa Giêsu không mặc lấy nhân tính đầy đủ của ta, thì ta không được cứu độ. Nhưng các ngài thường ít chú ý đến kinh nghiệm thực và kinh nghiệm sống của con người mang tên Giêsu quê làng Nazareth. Việc các ngài quá ưu tư trong việc bảo tồn và bênh vực thần tính của Chúa Giêsu khiến người ta phải tự hỏi các ngài đã coi trọng đến mức nào các biểu hiện cụ thể trong nhân tính của Người.
Ngược lại, hình ảnh hiện đại là kết quả do các khai triển liên tục của khoa phê bình thánh kinh, đặc biệt là khoa phê bình sử học trong hơn hai thế kỷ qua. Một trong các kết quả chính là việc nhìn ra đặc điểm khác biệt sâu sắc giữa phúc âm Gioan và các phúc âm nhất lãm tức các phúc âm Máccô, Mátthêu, và Luca. Thí dụ, nếu ta đặt một câu hỏi về Chúa Giêsu trong cuộc sống và trong sứ vụ lịch sử của Người – Người đã giảng dạy những gì, đã mong muốn thực hiện những gì, đã biết gì về tương lai của chính Người hoặc nghĩ gì về chính Người – thì các phúc âm nhất lãm sẽ giúp ta gặp được Chúa Giêsu ấy hơn là phúc âm Gioan hoặc truyền thống sau đó. Điều ấy tương hợp với chú tâm sâu sắc ngày nay khi người ta đi tìm con người nhân bản, con người lịch sử xuất thân từ Nazareth, một con người giống như chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi (Dt 4:15). Nhiều người ngày nay muốn một Chúa Giêsu từng cùng bước với ta trên đường, biết và hiểu vì đã bước hẳn vào trong các tầng sâu thẳm nhất của kinh nghiệm con người – các niềm vui và các nỗi sầu, các mối hy vọng và các niềm lo sợ, các cuộc đấu tranh, các điều thử thách, các cơn cám dỗ cũng như các cố gắng can đảm, các chiến thắng, các hân hoan tâm linh vốn là đặc điểm của mỗi con người nhân bản chúng ta. Hình ảnh ấy không bác khước hình ảnh cổ truyền nhưng chắc chắn bổ túc nghĩa (qualify) cho hình ảnh kia. Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa dưới lốt con người. Đúng hơn, Người là phương cách làm người của Thiên Chúa, hay “bộ mặt nhân bản của Thiên Chúa”, đấng đã “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2:8). Vâng lời là vấn đề thuộc ý chí con người, thuộc cuộc giằng co của con người trong cố gắng trung thành khi gặp đau khổ cùng cực. Hình ảnh hiện đại không bác khước thần tính của Chúa Giêsu nhưng nó coi rất trọng con đường Người đã đi để bước vào vinh quang của Chúa Cha.
Một chiều kích khác của phương thức hiện đại cần phải nhấn mạnh là các trước tác Tân Ước như ta có hiện nay chỉ là sản phẩm cuối cùng (end-product) của một diễn trình lịch sử lâu dài gồm nhiều giải thích và khai triển. Các trình thuật về Chúa Giêsu khởi đầu đã được truyền tụng bằng miệng, rồi mới được viết xuống và được duyệt đi dyuyệt lại nhiều lần trong một thời gian dài. Các bản tuyên xưng đức tin và các công đồng cũng là một phần trong diễn trình này. Chúa Giêsu đến với chúng ta ngày nay đã được lọc lựa (filtered) qua một diễn trình chuyển giao đa dạng và phức tạp mà ta gọi là Thánh Truyền. Ta không thể đơn thuần đặt phương trình cân bằng giữa điều ta nói về Người trong đức tin và các sự kiện lịch sử. Thánh truyền về Người chứa đựng rất nhiều lịch sử nhưng cũng khẳng định nhiều điều như thần tính chẳng hạn vốn vượt quá giới hạn của các phương pháp lịch sử học như ta hiểu hiện nay. Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh năm 1964, và Công Đồng Vaticanô 2 năm 1965 đã tuyên bố với giới học giả kinh thánh hiện đại rằng ít nhất cũng có ba giai đoạn trong truyền thừa phúc âm về Chúa Giêsu. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn về Chúa Giêsu người Do-Thái miền Galilê sinh khoảng năm 6-4 trước công nguyên (TCN) và qua đời khoảng năm 30 công nguyên (CN). Nói được gì về cuộc sống nhân bản và lịch sử của Người còn tùy giá trị các phương pháp ta dùng để dựng lại lịch sử.
Giai đoạn hai là giai đoạn rao giảng bằng miệng của các Kitô hữu tiên khởi từ khoảng năm 30 đến năm 70 CN. Đây là lúc các Kitô hữu di chuyển ra khỏi sinh hoạt nông thôn trồng trọt của Chúa Giêsu, vốn nói tiếng Aramaic, để bước vào sinh hoạt thành thị của những người Do-Thái và dân ngoại nói tiếng Hylạp. Dù giai đoạn này chủ yếu là giai đoạn truyền khẩu, thánh Phaolô cũng đã bắt đầu viết các thư của ngài vào khoảng năm 51 CN, và trước đó có thể đã có một vài bản viết phúc âm thô sơ rồi. Sau cùng là giai đoạn ba, là giai đoạn thực sự trước tác những bản văn cuối cùng của phúc âm qui điển như ta có hiện nay. Giai đọan này bắt đầu với thánh Máccô vào khoảng thời gian đền thờ Giêrusalem bị phá hủy năm 70 CN và kết thúc với bản sau cùng của thánh Gioan khỏang các năm 90-100 CN. Rõ ràng một điều, các tác giả phúc âm, trong các bản văn cuối cùng của họ, đã đưa vào nhiều yếu tố vốn đã có từ những giai đoạn đầu hết của thánh truyền, “...lựa chọn một số sự việc từ những điều trước đó đã được lưu truyền bằng miệng hoặc bằng chữ viết, giản lược một số sự việc nhằm để tổng hợp hóa, giải thích tuyên xưng nhưng luôn luôn trong phương thức thuật lại cho chúng ta chân lý trung thực về Chúa Giêsu...” (Vatican 2, Dei Verbum #19). “Chân lý trung thực về Chúa Giêsu” hiển nhiên có bao gồm lịch sử nhưng đi xa hơn lịch sử nhiều. Các tác giả thánh kinh vốn là các nhà thần học có nhiệm vụ giải thích những điều lưu truyền về Chúa Giêsu dưới ánh sáng hoàn cảnh hiện đại của họ ngõ hầu công bố cách hữu hiệu hơn tầm ý nghĩa của Người đối với cộng đoàn của họ cũng như đối với những người họ đến truyền đạo. Ngày nay, ta cũng phải làm giống như họ nếu ta muốn Chúa Giêsu mãi sinh động, mãi hiện diện giữa chúng ta. Bởi ta không chuyển giao một thứ ngôn từ chết từ lâu trong quá khứ, mà là một Thần Khí sống động.
Kitô học do đó chính là một cố gắng liên tục để trung thành với truyền thống dĩ vãng về Chúa Giêsu, trung thành bằng cách tuyên xưng Người như mới trong hoàn cảnh hiện đại. Mục tiêu là để tiếp tục kể lại câu truyện về Người, một câu truyện không bao giờ chấm dứt. Ta phải luôn luôn suy tư và giải thích câu truyện ấy khi bước chân theo Người bằng tình sư đồ.
Phương thức hiện đại cũng hiểu nhập thể chỉ có nghĩa khi bao trùm toàn bộ kinh nghiệm của Chúa Giêsu: bao gồm cuộc sống và sứ vụ nhân bản và lịch sử của Người, “biến cố” trung tâm và quyết định trong cái chết-và-phục-sinh của Người, và sự sống cũng như sứ vụ liên tục của giáo hội từ Phêrô, Phaolô, Gioan đến Bênêđictô XVI hiện nay và sau đó nữa. Chúng ta hoàn toàn đồng ý khi các nhà thần học và các học giả thánh kinh ngày nay cố gắng “tái bối cảnh hóa” (recontextualize) truyền thống Gioan-giáo phụ-công đồng (hình ảnh cổ truyền) bên trong cái nhìn có tính sử học và diễn tiến hay khai triển về Chúa Giêsu hơn (hình ảnh hiện đại). Việc khẳng định rằng Chúa Giêsu chính là sự nhập thể của Thiên Chúa không thể có được nếu ta không phân tích một cách phê phán diễn trình giải thích đã dẫn ta tới khẳng định kia. Việc Công đồng Canxêđoan năm 451 công bố rằng Chúa Giêsu vừa là người trọn vẹn vừa là Thiên Chúa trọn vẹn trong một Ngôi duy nhất không phải bỗng nhiên mà có. Vì các công đồng cũng chỉ là những sản phẩm cuối cùng của một diễn trình giải thích sử học lâu dài.
3. Đức Giêsu “Có Thực” Không ?
Cũng theo Michael L. Cook, hạn từ Chúa Giêsu “có thực” (the “real” Jesus) có thể hiểu theo ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất muốn nói đến Chúa Giêsu như người thực sự (actually) đã nói và đã làm những việc đặc thù trong những hoàn cảnh hết sức cụ thể. Một Chúa Giêsu như thế hầu như ta không thể gặp được vì Người đâu có viết lại điều chi và các phúc âm không phải là các bản tiểu sử theo nghĩa hiện đại là thu thập và ghi chép các mẩu tin liệu đặc thù.
Nghĩa thứ hai là nghĩa “sử học” tức là Chúa Giêsu mà ta có thể dựng lại được nhờ các phương pháp phê bình của khoa nghiên cứu sử học. Việc ta gặp được một Chúa Giêsu như thế khá hạn chế nhưng rất quan trọng. Nhờ việc phân tách có phê phán, ta có thể biết một cách rất rõ nét một vài cách thế Người hành động và ăn nói thí dụ việc Người công bố nước Thiên Chúa bằng dụ ngôn và cử hành mừng sự hiện diện của nước ấy bằng cách ăn uống với các viên thu thuế và người tội lỗi. Việc dựng lại như vậy tùy thuộc nhiều vào ký ức ghi nhận của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Cũng như đối với các khuôn mặt lớn khác của lịch sử, thí dụ Socrates, Lincoln hay Kennedy, cái ký ức kia tuy có dựa vào thực tế lịch sử nhưng có tính lựa lọc (selective) khá cao và có khuynh hướng chỉ chú tâm tới “những thời khắc đáng ghi nhớ” mà thôi, và do đó đã loại bỏ khá nhiều chi tiết cụ thể, hoặc vì quên sót hay tỏ ra không đặc biệt quan trọng, như thời gian và điạ điểm chính xác của một biến cố chẳng hạn. Phần lớn các tư liệu của phúc âm tùy thuộc thứ ký ức lựa lọc ấy – một ký ức cộng đòan tụ họp nhau trong thờ phượng để nhắc nhớ những thời khắc đáng ghi nhớ, những tác động Người đã đem lại, những lời nói thẳng thắn của Người và các hành động đầy uy lực vũ bão của Người – vừa nhắc nhớ vừa, như tất cả những người kể truyện hay khác, tô điểm và khai triển để rút ra những chân lý sâu xa vốn có sẵn nơi Người.
Cuối cùng, ta có đức Kitô của Thánh Kinh: đấng được công bố và giải thích qua các câu trích của Cựu Ước, qua các suy tư của thần học về ý nghĩa của Người, và trên hết qua cảm nghiệm liên tục sự hiện diện của Người trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu sau cùng này quan trọng nhất để ta hiểu các soạn giả Tân Ước đã viết gì. Trong Cựu Ước, có những tiên tri được Chúa Thánh Thần linh hứng đã có thể nói “Đức Chúa nói như thế này...”, thì hiển nhiên cũng có những tiên tri trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đứng giữa cộng đoàn mà công bố một lời nào đó của Chúa Giêsu Phục sinh. Linh hứng tiên vàn có liên hệ đến một cộng đoàn tụ họp nhau trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Bản viết tùy thuộc và phản ảnh cái cảm nghiệm căn để hơn này về tiếng nói sống động của Chúa Giêsu Phục sinh.
Có người hỏi: làm sao tin được điều gì đó đúng khi nó thực sự không xẩy ra? Nói rằng “điều gì không xẩy ra thì không đúng” chỉ là chủ trương của phái chủ nghiệm (empirical mind-set), con đẻ của phong trào đại ánh sáng (enlightenment) của thế kỷ 18, một phong trào muốn giải phóng lý trí con người khỏi các ràng buộc của lối tư duy giáo điều, bằng cách đòi hỏi cho bằng được các “chứng cớ” khoa học hoặc lịch sử mới gọi được là thực tại. Thực ra, ở trên đời, có những sự việc “rất thực” mà chẳng bao giờ xẩy ra hoặc không lệ thuộc việc kiểm chứng thực nghiệm (empirical verification). Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết, nó chân thực mặc dù không có gì đã xẩy đến như tiểu thuyết diễn tả. Nó chân thực vì nó làm trí ta sáng lên và tâm ta cảm động, vì nó làm vang lên những gì sâu thẳm nhất, tốt đẹp nhất vốn có trong ta và mời gọi ta đưa ra một đáp trả nhiều khi sâu sắc quá đến độ không thể diễn tả hết bằng lờì. Đó là thứ tác động Chúa Giêsu đã mang lại cho người đương thời và qua các thế hệ liên tiếp cho đến tận ngày nay. Thí dụ điều chân thực về việc Chúa Giêsu làm im bão tố (Mc 4:35-41) và bước đi trên nước (Mc 6:45-52) không hẳn là sự kiện kỳ lạ có tính thực nghiệm về việc Người khống chế được luật thiên nhiên cho bằng sự kiện quan trọng hơn này là lúc đó cũng như bây giờ Người mời gọi ta phải có đức tin khi gặp bão tố cuộc đời vì chính Người sẽ đem bình an lại cho tâm hồn ta. Điều ấy lúc nào cũng vẫn là sự thật dù cho Chúa Giêsu có đi trên nước hay không. Như thế, khi đọc Thánh Kinh, ta phải học cách suy nghĩ theo biểu tượng chứ không nên chỉ bận bịu với các sự kiện mà thôi. Chân lý quan trọng đến độ không thể giản lược vào ngôn từ chiểu tự.
Có người lại hỏi: nếu phúc âm tiên vàn chỉ là các tài liệu đức tin (faith documents) nhằm thông tri các chân lý biểu trưng, thì tại sao ta còn cần biết Chúa Giêsu lịch sử làm chi? Chỉ cần bám vào bốn phúc âm là đủ rồi? Đúng là ta phải bám vào bốn phúc âm. Chúng là nguồn trước nhất giúp ta có thể nói và suy nghĩ bất cứ điều gì về Chúa Giêsu. Cả đời ta cũng chưa khai thác hết sự phong phú của bốn phúc âm ấy. Nhưng câu hỏi trên đụng đến một vấn đề hiện làm ray rứt rất nhiều người, đó là vấn đề Chúa Giêsu lịch sử có dính dáng gì tới hay có quan trọng gì đối với đức tin Kitô giáo hay không? Vấn đề này có hai mặt. Mặt thứ nhất liên quan đến vấn đề phương pháp. Nhận rằng phương pháp sử học như ta hiểu ngày nay đang có những giới hạn nhất định, vậy thử hỏi có thể nào biết được điều gì về Chúa Giêsu lịch sử hay không? Không đi sâu vào chi tiết các tranh luận về phương pháp, chỉ xin thưa với bạn đọc là hiện chúng ta có khá nhiều tư liệu lịch sử tương đối thoả đáng về Chúa Giêsu, như đối với bất cứ vĩ nhân lịch sử nào thuộc quá khứ xa xôi.
Mặt thứ hai liên quan đến sự cần thiết: nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử có cần cho đức tin Kitô giáo hay không? Ta có thể xét dưới hai bình diện: bình diện bác học và bình diện bình dân. Trên bình diện bình dân, người ta có thể có được một đời sống Kitô giáo phong phú và thiêng liêng sâu sắc nhờ hình ảnh đức tin cổ truyền như đã miêu tả trên đây. Nhưng một khi tra vấn những câu hỏi sử học về nguồn gốc và các giải thích ta đang đề cập ở đây, thì không thể không bàn đến những quan điểm và những phương thức của học giả hiện đại.
Theo thiển ý, nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử tuy phụ thuộc nhưng không thể thiếu trong nhận thức ta có về Chúa Giêsu đức tin. Nó phụ thuộc, vì tương quan đầu hết của ta với Chúa Giêsu là tương quan đức tin. Đức tin này được thông truyền đến ta qua các cộng đoàn tín hữu như các cộng đoàn được các thánh Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan đại diện cũng như các cộng đoàn Kitô hữu của hai thiên niên kỷ qua. Đó là một đức tin đã được bản vị hóa bởi mỗi một người trong chúng ta trong bối cảnh các cảm nghiệm bản thân và cộng đoàn của mình. Nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử không thể thiếu được vì lý do đơn giản là đức tin Kitô giáo luôn đặt căn bản trên tính cách cá biệt (particularity) nơi con người Giêsu thành Nagiarét. Điều ta biết về Người theo phương diện lịch sử giúp ta biến hình ảnh đức tin của ta về Người trở nên cụ thể hơn. Vì hình ảnh của ta về Chúa Giêsu sẽ ra sao nếu ta chỉ có các thư của thánh Phaolô mà không có bốn phúc âm? Nhưng có lẽ điều này còn quan trọng hơn đó là: nhận thức lịch sử còn có tác dụng tiêu cực trong việc hạn chế hay kiểm soát điều ta có thể nói về Người. Điều nguy hiểm là việc ta có khuynh hướng dựng lại Người theo hình ảnh riêng của cá nhân ta: ông chúa đế quốc, nhà cách mạng tả khuynh, nhà tư tưởng tự do phóng túng...Để chặn đứng những hình ảnh như thế, ta cần phải chạy đến với những gì ta biết về Người theo phương diện lịch sử.
Nhưng nhiều khi các học giả đã biến Chúa Giêsu thành người không ai tới gần được, thử hỏi một người bình thường làm sao hiểu được những khai triển gần đây nhất của khoa phê bình thánh kinh? Thực ra không nên quên rằng đức tin của ta là một đức tin cộng đoàn. Không bao giờ được phép coi đức tin Kitô giáo như bao gồm một nhóm các cá nhân riêng rẽ đang làm những việc riêng của họ. Mỗi người chúng ta đều là thành viên của một cộng đoàn tín hữu. Mỗi người chúng ta đều được cộng đoàn nuôi dưỡng để lớn lên trong đức tin và được chờ mong đóng góp đức tin và tài năng của mình để cộng đoàn tiếp tục lớn lên và phát triển. Thánh Phaolô gọi cộng đoàn Kitô hữu là một thân thể gồm nhiều chi thể, mọi chi thể đều quan yếu đối với phúc lợi của toàn bộ thân thể ấy. “Mắt không thể nói với tay: tao không cần mày! Đầu cũng không thể nói với chân: Tao không cần mày!” (1 Cor 12:21; coi cả chương 12 và Rm 12:3-8). Trọng điểm của “các cộng đoàn Kitô giáo căn bản” của Châu Mỹ Latinh là giúp mọi người trong cộng đoàn tìm thấy tiếng nói riêng của mình, nghĩa là phát biểu được kinh nghiệm đức tin riêng của họ trong đối tác cụ thể giữa thực tại hiện đại và việc đọc thánh kinh. Quả là một thảm kịch nếu người ta để mặc việc đọc thánh kinh cho một mình các học giả mà thôi.
Tuy thế, các học giả cũng là các thành viên của cộng đoàn và do đó có những đóng góp phải làm. Đối kháng hay chăng chỉ là khi các học giả đặt mình vào thế đối lập với cộng đoàn. Nói cho ngay cả trong những trường hợp như thế, ta vẫn có thể học hỏi được từ những tiếng nói có tính phê phán, nhất là khi ta trung thực trong việc tìm kiếm chân lý. Dù sao, ta cũng không nên đợi đến lúc có những khai triển bác học mới nhất rồi mới chạy đến với chứng tá của giáo hội và dìm mình trong đó. Ngược lại, khi đọc, nhất định các câu hỏi phải nổi lên. Các học giả có thể giúp ta rất nhiều trong trách vụ giải thích và họ quả cần thiết trong việc cộng đoàn tư hiểu biết chính mình. Giống như viên hoạn quan Êtiôpia, ta không phải lúc nào cũng hiểu điều mình đang đọc, nên cần có một ai đó dể giải thích (Cv 8:26-39).
Vấn đề là hiện nay có quá nhiều quan điểm về Chúa Giêsu. Về điều này, ta thấy chủ nghĩa đa nguyên có mặt khắp nơi. Ta sống trong một nền văn hóa gồm nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, gồm nhiều dị biệt về chủng tộc, văn hóa, truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo v.v... Càng ngày người ta càng ý thức rằng những dị biệt ấy đều tốt và hợp pháp. Hình ảnh “nồi nấu chẩy” (melting pot) đang được thay thế bằng hình ảnh cầu vồng muôn sắc. Khuynh hướng biến một văn hóa trổi vượt thành một văn hóa độc dạng (culture uniformity) đang bị thách thức. Luôn luôn nên có một căng thẳng lành mạnh giữa thống nhất tính và đa nguyên tính, trong giáo hội cũng như trong xã hội nói chung. Cực cùng của đồng nhất sẽ dẫn đến chủ nghĩa độc tôn (totalitarianism); cực cùng của phân sẻ, chia rẽ dẫn đến chủ nghĩa cuồng tín (fanaticism). Cả hai đều phát nguyên từ ý muốn thống trị và sợ sự thật vốn là thứ giải phóng chúng ta (Ga 8:32).
Trong giáo hội, vẫn luôn có một hình thức đa nguyên hợp pháp (1). Thí dụ, ngược với quan điểm trong quá khứ muốn “hoà hợp” bốn phúc âm thành một “tiều sử’ duy nhất về Chúa Giêsu, thực tế là tạo ra phúc âm thứ năm không hoàn toàn giống bất cứ phúc âm nguyên thủy nào, ngày nay ta thừa nhận rằng các phúc âm Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan thẩy đều đã đưa ra một hình ảnh riêng biệt về Chúa Giêsu do kinh nghiệm đức tin của từng cộng đoàn liên hệ. Mà thực sự nên như thế, vì mầu nhiệm Chúa Giêsu không thể thu gọn hay đóng gói vào trong bất cứ kinh nghiệm đức tin nào, dù đó là đức tin cộng đoàn hay đức tin cá nhân. Mầu nhiệm về con người của Người luôn luôn vượt lên trên các cố gắng của ta, ngay cả các cố gắng thánh kinh và tuyên xưng đức tin, trong việc phát biểu về Người bằng ngôn ngữ con người. Như thế, ta phải sẵn sàng chấp nhận các dị biệt, chứ không chấp nhận các mâu thuẫn. Bốn phúc âm cho ta bốn cái nhìn khác nhau về Chúa Giêsu, nhưng chúng không mâu thuẫn nhau. Như viên kim cương trước một nguồn sáng, Chúa Giêsu phản chiếu và mạc khải vinh quang Thiên Chúa bằng nhiều cách và bằng nhiều cách khác nhau.
4. Lịch Sử Đức Giêsu
Có tác giả như George S. Hendry (The Gospel of the Incarnation, SCM Press Limited, 1959) lại cho rằng trong lời truyền giảng lúc ban đầu của Giáo hội (Kerygma), các tông đồ rất ít nhắc đến cuộc sống lịch sử của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô có nhắc sơ qua đến các phép lạ của Chúa Giêsu (Cv 2:22), đến việc giảng dạy của Người (Cv 3:22) và trong Công Vụ 10:34-43, có vẽ cho ta một vài hình ảnh về cuộc đời của Người, nhưng thánh Phaolô thì rất ít nhắc đến những chuyện như thế. Ngài chỉ nhấn mạnh đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, coi như yếu tố căn bản mà ngài đã tiếp nhận từ thánh truyền và ngài được ủy nhiệm để công bố. “Trước hết tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” (1 Cor 15:3). Đối với ngài, phúc âm tập trung vào “Chúa Giêsu Kitô, mà là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cor 2:2).
Nhưng điều ấy không đủ cho giáo hội sơ khai. Bởi thế, mặc dù rất quí trọng các trước tác của thánh Phaolô, giáo hội ấy cũng đã bắt đầu đi thu thập, ghi chép và sau cùng qui điển hóa một số lớn các tín liệu khác về lịch sử Chúa Giêsu, lập thành các bản phúc âm song song với các thư Phaolô. Ít nhất trong hai bản phúc âm Mátthêu và Luca, người ta thấy rất rõ một khúc rẽ đối với cách nhìn và cách nhấn mạnh của lời giảng nguyên thủy. Đó là một hành động đầy ý thức để thích ứng với hoàn cảnh đang thay đổi của giáo hội: niềm mong đợi cánh chung đang phai mờ đi kia buộc giáo hội phải tái điều chỉnh mình đón nhận viễn tượng phải tiếp tục cuộc hiện hữu lâu dài trong thế gian, và do đó cần thiết phải đi tìm nhiều hướng dẫn hơn cho những vấn đề thực tiễn. Tất nhiên những hướng dẫn ấy phải rút ra từ những lời giảng dạy còn nhớ được của Chúa Giêsu (như được ghi trong phúc âm Mátthêu). Và vì giáo hội được truyền bá xa hơn vào những miền đất ít ai hiểu những ý niệm Thánh Kinh và Do Thái giáo, nên cần phải bổ sung hình ảnh của Máccô về Con Thiên Chúa bằng hình ảnh người ban hành lề luật của Mátthêu và hình ảnh người bạn nhân loại của Luca. Việc qui điển hóa và bảo tồn các phúc âm nhất lãm phản ảnh niềm tin rằng lịch sử của Chúa Giêsu có tầm ý nghĩa lớn hơn là trong lời truyền giảng lúc ban đầu.
__________________________________________________________________
(1) Về vấn đề hợp pháp của đa nguyên tính, ta có văn kiện mới nhất của Ủy Ban Giáo Hoàng Về Kinh Thánh, mà chủ tịch là Hồng Y Joseph Ratzinger (nay là Đức Bênêđictô XVI), công bố năm 1993. Theo đó, “trong Tân Ước cũng như trong Cựu Ước, ta thấy nhiều cách nhìn (perspectives) khác nhau đã được đặt kề cận nhau và đôi khi rất căng thẳng (in tension) đối với nhau, thí dụ những đoạn liên quan đến vị thứ của Chúa Giêsu (Ga 8:29, 16:32 và Mc 15:34) hoặc giá trị của Luật Môisen (Mt 5:17-19 và Rm 6:14) hay sự cần thiết của việc làm (works) đối việc công chính hóa (Giacôbê 2:24, và Rm 3:28; Eph. 2:8-9). Một trong các đặc điểm của Thánh Kinh là không có một cảm thức nào về hệ thống hóa, trái lại ta thấy có sự hiện diện của một căng thẳng rất năng động. Thánh kinh là một kho chứa nhiều cách thế giải thích cùng những biến cố giống nhau và suy tư về cùng những vấn đề như nhau. Thánh kinh ấy thúc giục ta phải tránh óc đơn giản hóa thái quá cũng như một tinh thần quá chật hẹp”. Chính vì vậy, “việc giải thích Kinh thánh bắt buộc phải cho thấy một đa nguyên tính nào đó. Không một giải thích đơn độc nào có thể múc cạn được ý nghĩa của toàn bộ, vốn là một bản hợp xướng của nhiều giọng hát khác nhau. Như thế, việc giải thích một bản văn đặc thù nào đó phải tránh không được tìm cách thống trị để loại bỏ các cách giải thích khác”.