KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ
Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.
***
***
Lời ngỏ: Tập khảo luận "Trường Thiên Về Đức Kitô"[i] [1] do Cha F. Gómez Ngô Minh soạn thảo. Cha là một linh mục Dòng Tên, người Tây Ban Nha. Ngài đã theo ơn gọi truyền giáo từ lúc còn làm thầy: xong chương trình triết học tại Pháp, ngài đã được gửi sang Việt Nam năm 1960 để học tiếng Việt và sau đó, qua Phi Luật Tân theo học thần học; năm 1966, ngài – là một trong hai thầy Dòng Tên đầu tiên – chịu chức linh mục tại Việt Nam; năm 1971, sau khi dọn xong tiến sĩ thần học hệ thống tại Ðại Học Grêgôriana, Rôma, ngài về dạy thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Ðà lạt, cho đến năm 1975; từ 1975 cho đến 1989, ngài sang dạy thần học tại East Asian Pastoral Institute (Viện Mục Vụ Ðông Á), Manila, Phi Luật Tân, và nhiều năm trong thời gian này, ngài làm chủ bút tạp chí East Asian Pastoral Review của Viện; là một trong những người chủ động của nhóm khai sinh tờ HTTH, ngài làm phụ biên cho tập san này trong các năm 1989-96 ở Paris; năm 1996, ngài trở lại Viện Mục Vụ Ðông Á nói trên, mà vẫn tiếp tục làm phụ biên cho HTTH như lúc còn ở Paris.
***
CHƯƠNG I
DẪN NHẬP TỔNG QUÁT
1. Nhập đề
Kitô học là trọng tâm của thần học kitô. Nhưng từ sau công đồng Vaticanô II, thần học công giáo đã ngả theo khuynh hướng dồn hết chú tâm vào Giáo hội học; bởi những vấn đề bách thiết và dễ hiểu nhất xem ra nằm cả ở trong lãnh vực này. Người ta tưởng rằng một khi đã đổi mới được cách thức tổ chức Giáo hội thì lòng tin và lề lối sống đạo cũng sẽ được đổi mới theo luôn. Quả là ngây thơ! Sau một thập kỷ sôi nổi, thần học đã trở lại với chủ đề cơ bản muôn thuở là Ðức Kitô. Giáo hội và ngay cả Kitô giáo, có đứng vững hay không là tùy ở thái độ đối với Ðức Kitô. Ngài là nền tảng, là nguồn gốc và là cùng đích của đức tin kitô, của Kitô giáo. Nỗ lực suy tư về đức tin ấy, mối lắng lo cho tôn giáo này đều phải phát nguyên từ và kết thúc ở nơi Ngài: “Tất cả đều tồn tại trong Ngài” (Cl 1:17).
Thế giới ngày nay và xã hội hiện đại đang ra sức tìm kiếm ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống. Không gì, không ai có thể đáp ứng được nhu cầu và khát vọng cơ bản này. Người ta quay cuồng chạy theo các chủ nghĩa, các ngành khoa học, kỹ thuật, ngoan ngoãn vâng nghe những ông thầy tinh thần màu mè, mới lạ, hoặc là vô số những kẻ sống nghề bán rong những giấc mơ vàng, những cảnh mộng đẹp. Kitô giáo khẳng tín rằng duy chỉ một mình Ðức Giêsu “mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
2. “Kitô Học” là gì ?
Trong thần học, định nghĩa chỉ mang tính cách tương đối, tức là không biểu đạt hoàn toàn xác thực và trọn vẹn đối tượng định nghĩa. Nói chung, Kitô học là học thuyết về Ðức Kitô, là phương thức học hỏi, quan niệm về con người, sinh hoạt và ý nghĩa, v.v. của nhân vật lịch sử là Ðức Giêsu Kitô. Kitô học là nghành thần học hệ thống đặc chuyên suy tư về Ðức Giêsu.[1] [1]
Ðể cho rõ hơn, thiết nghĩ cần nhận định thêm rằng Kitô học không phải là:
– Lịch sử về Ðức Giêsu: đã từng và hiện đang có nhiều cuốn sách gia công biểu trình về một “Ðức Giêsu thật,” hoặc “đích thực,” để rồi ngầm tưởng mình là những tác phẩm xác thực ghi lại chính “tiểu sử” của Ðức Giêsu. Không phải những cuốn sách như thế không mang lại lợi ích nào hết; tuy nhiên, trong nỗ lực nghiên cứu những hiện tượng lịch sử, đa số các tác phẩm ấy chỉ dựa theo những tiêu chí thiên lệch và thành kiến “duy lịch sử.” Do đó, bao giờ kết quả của cách kiểu nghiên cứu này cũng chỉ mang tính cách tạm thời, tương đối, không thể nào có đủ khả năng để trở thành cấu tố làm nên nền tảng của đức tin được.
– Một bản tuyên tín: việc tuyên xưng đức tin thì bao quát và sâu rộng hơn Kitô học, nhưng lại không đòi hỏi phải tiến hành theo lối biện luận suy lý và có hệ thống như trong công cuộc nghiên cứu thần học.
– Một toàn bộ của những dữ liệu về Ðức Giêsu, dù có đầy đủ đến mấy đi nữa, như thường thấy trong các sách bách khoa. Các dữ liệu ấy chỉ là tư liệu có thể giúp vào trong việc xây dựng Kitô học.
Nhưng, dịch từ thuật ngữ Latinh Christologia và những thuật ngữ tương tự trong các thứ tiếng khác, Kitô học có nghĩa là:
Một “lời” nói về Ðức Kitô, peri toũ Khristou lógos. “Lógos” là tư duy suy lý hoặc lý luận trên những dữ liệu đã được Thiên Chúa mạc khải về bản thân, sứ mạng, giáo huấn, cuộc đời, sự chết và sống lại của Ðấng “Khristós,” tức là của ‘nhân vật’ lịch sử Giêsu với nội dung ý nghĩa tiềm ẩn nơi con người của Ngài. Ðó là khía cạnh, là dạng thức khoa học hoặc tri thức của Kitô học. Còn nội dung là giáo lý tín điều và những suy luận thần học về đức tin đối với Ðức Kitô. Walter Kasper viết: “Mệnh đề ‘Ðức Giêsu là Kitô’ là lời khẳng định cơ bản của đức tin kitô, và Kitô học chỉ là cách đem hết cả lòng cẩn trọng mà giải nghĩa công thức ấy.”[2] [2] Vì Ðức Kitô là giao điểm giữa “thần” và “nhân” nên cùng lúc Kitô học bao gồm những gì nhờ ánh sáng mạc khải và truyền thống trí thức trong Giáo hội mà quan niệm hoặc hiểu biết được về Thiên Chúa và về con người, thế nên, Kitô học cũng mang một khía cạnh nhân chủng học.
Ngoài ra, Kitô học còn có một khía cạnh hiện sinh. Quả vậy, sinh hoạt đời sống kitô chính là Kitô học sống động. Cách sống đạo cụ thể biểu hiện cách quan niệm về Ðức Kitô. Ðối với Ðức Kitô, không ai có thể đứng ở thế “trung lập” mà không phải tỏ rõ lập trường hoặc theo Ngài hoặc chống Ngài: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Mt 12:30). Thần học gia kitô học là người dấn thân cho đức tin của mình, là người tuyên xưng, biện giải và minh trình đức tin của mình.
3. Những yếu tố trong Kitô học và những dạng Kitô học khác nhau
“Kitô học” ghép thành bởi hai từ: Kitô và học. Nhấn mạnh quá đáng đến một vế để rồi không lưu tâm đủ đến vế kia, là làm cho Kitô học mất đi thăng bằng. Nếu phần học được đẩy mạnh thái quá thì thần học sẽ lâm vào mối nguy trở thành một thứ chủ nghĩa; ngược lại, nếu bỏ quên đi phần học thì sẽ tạo ra một dạng phi lý tính tôn giáo trong Kitô giáo. Ðức Kitô phải là trọng tâm, phải đứng ở tâm điểm; nhưng cũng còn cần phải nêu rõ xác quyết như thế là điều hợp lý.[3] [3]
a. Kitô là đối tượng của việc học. Tuy nhiên “đối tượng” này không phải là một sự vật tựa như đối tượng của vật lý học. Ðức Kitô là một nhân vật sống, vì thế là một “đối tượng” hằng diễn biến. “Ðức Kitô” cũng là một biến cố trong lịch sử: bao gồm toàn bộ cuộc sống của Ngài cùng với tất cả những gì Ngài đã làm, đã chịu – trong mức độ chúng ta được biết – cũng như tất cả những gì ở trong Ngài và còn đang triển phát, đang lớn lên, đang phát tỏa sức năng để thu nạp những “chi thể” mới, đang tiến tới hầu đạt đến một mức “trưởng thành” nào đó trong mỗi thời đại, trong thời đại này, và vẫn tiếp tục tiến mãi hướng về tương lai... Vậy, hôm nay Ðức Kitô là ai, là gì đối với chúng ta? Ðó là câu hỏi gói trọn đối tượng của Kitô học.
Mà, nói “Kitô” là nói Ðức Giêsu Kitô.
Nếu lấy Giêsu làm đối tượng chuyên nhất, mà bỏ quên Kitô, thì kết quả sẽ là một môn “Giêsu học,” nghĩa là một học thuyết chỉ thu hẹp vào trong những chiều kích mặt ngang của sự việc; đó là trường hợp của những cố gắng tìm kiếm “Ðức Giêsu thật” của lịch sử. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến Kitô mà thôi, thì sẽ gặp phải nguy cơ sa vào một thứ lý thuyết trừu tượng dẫn dần đến ngộ đạo thuyết (gnosticism). Trong cuộc sống đạo cụ thể, đó là thái độ “duy tín” (fideism); trong lãnh vực suy tư và xây dựng thần học, đó là khuynh hướng của chủ thuyết Bultmann.[4] [4] Phát sinh từ các khuynh hướng này là dạng Kitô học nêu bật quá đáng chiều kích thẳng đứng của sự việc.
Kitô học công giáo phải làm sao để giữ cho được thế hài hòa giữa cả hai yếu tố nói trên. “Công giáo” là thuật ngữ tiếng Việt của từ kath’olou, katholikos trong tiếng Hy lạp; từ này có nghĩa là “toàn thể,” bao gồm tất cả các khía cạnh – đôi lúc xem ra nghịch lý với nhau – của truyền thống. Mẫu Kitô học toàn diện này hằng chăm lo bảo toàn sự hiệp nhất trong con người Ðức Giêsu Kitô, tức tính chất “thần-nhân” của Ngài: vừa là con người toàn vẹn vừa là Thiên Chúa chính thực. Xét theo phương diện hữu thể, thực kiện này được gọi là mầu nhiệm ngôi hiệp. Còn về mặt hiện sinh, thần học có bổn phận minh giải – qua khoa “Cứu độ học” – về sức năng cứu độ phát sinh từ thực kiện ấy, nghĩa là về giá trị cứu rỗi do hành vi của Ðức Giêsu mang lại.
b. Học là phương thức tìm hiểu để biết rõ về Ðức Kitô. Học có thể được coi như tương đương với từ lógos trong tiếng Hy lạp là một từ rất giàu ý nghĩa (và do từ đó mà có thuật ngữ Christo-logia). “Lógos” có nghĩa là: “lời,” “trí,” “ý tưởng,” “quan niệm,” “tâm địa,” v.v... Chắc hẳn tâm địa, thành kiến, văn hóa, v.v... của nhà thần học sẽ ghi đậm ảnh hưởng, và không phải là nhỏ, trên dạng Kitô học do chính nhà thần học ấy nắn đúc nên. Tổng bộ của “lógos” này cũng là một thực trạng sống động, hằng biến đổi theo thời đại, hoàn cảnh, v.v... Kitô học thường đặc biệt lưu ý đến hai dạng lógos sau đây:
Lógos mặc nhiên: tức là những giả định tiềm ẩn trong địa vị xã hội, trong văn hóa, trong tính tình, v.v... của người làm Kitô học. Văn hóa chẳng hạn, giả thiết là những người thuộc nền văn hóa ấy có chung cùng một quan niệm về thế giới, cùng một nhân sinh và vũ trụ quan, cùng một nền đạo đức học, v.v... Thêm vào đó, mỗi cá nhân lại có một lối nhìn riêng đối với đời sống, đặc biệt là trong lãnh vực tôn giáo. Cũng thế, đối với Ðức Kitô, mỗi người phản ứng theo một cách cá biệt. Kitô học có sứ mạng phải trả lời câu hỏi: Ðức Kitô là ai đối với tôi?
Lógos minh nhiên: là nền triết học – có thể hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp – nhà thần học dùng làm phương tiện trong nỗ lực giải thích và làm sáng tỏ đối tượng. Khi suy nghĩ về Ðức Giêsu Kitô, người tìm hiểu có thể tiến hành từ một quan điểm nào đó, dưới một loại “ánh sáng” tri thức nào đó, theo một cách tổ chức nào đó có hệ thống hơn kém, v.v... Như vậy, dạng Kitô học nào cũng mang ít nhiều dấu vết của những giả định sẵn có trong lai lịch riêng của mình.
Trong những thế kỷ đầu, các Giáo phụ thường dựa vào nền triết học của Platô, hoặc của trường phái Tân-Platô. Thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô đã dùng đến triết lý của Aristốt, và cho đến nay, trường phái Tôma cũng vẫn tiếp tục làm như vậy. Từ thế kỷ 18 về sau, nhiều nhà thần học, cách riêng là các thần học gia Tin lành, đã dựa theo nền triết học duy tâm. Trong thế kỷ 20 thì có triết lý hiện sinh xuất hiện, và thần học cũng đã dùng đến. Các học thuyết về nhận thức luận, khoa học luận và khoa chú giải cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến thần học nói chung, và đến Kitô học nói riêng. Thuyết cấu trúc đã được dùng – đến cả mức lạm dụng nữa – để giải thích Kinh Thánh. Còn các chủ nghĩa, chủ thuyết thì đã làm nẩy sinh ra nhiều dạng loại Kitô học khác nhau.
c. Hậu quả của sự kiện trên là thực trạng đa dạng trong Kitô học. Ðó không chỉ đơn thuần là một thực trạng, mà còn là một sự kiện không thể tránh được. Dù sống cùng một niềm tin duy nhất, thì người kitô cũng có những quan điểm và lựa chọn khác nhau; có tâm thức, khởi điểm và mục đích khác nhau; và dùng đến những phạm trù khác nhau để giải thích biến cố Ðức Kitô. Ngay từ đầu, các kitô hữu gốc Do thái thường dùng đến cách thức suy luận của dân tộc Semít, tức là nặng nhiều về tính cách “hiện sinh” và nhân chủng học hơn. Chẳng bao lâu sau, đa số người kitô đều thuộc thế giới văn hóa La-Hy: người Rôma [Tây phương] có khuynh hướng nhấn mạnh nhiều hơn đến những khía cạnh luân lý; còn dân Hy lạp [Ðông phương] thì thiên về những vấn đề siêu hình học. Những cuộc tranh luận kitô học đã diễn ra đầu tiên ở bên Ðông phương. Ðại để, các chủ hướng, quan điểm chia thành hai trường phái: trường phái Alêxanđria và trường phái Antiôkia. Alêxanđria dựa theo phạm trù Lógos-Sarx (Lời-Xác), còn Antiôkia thì căn cứ vào điểm chuẩn (làm tọa độ) là Lógos-Anthropos (Lời-Nhân). Nếu khẳng quyết quá khích, thì chủ hướng thứ hai sẽ dẫn đến lạc giáo lưỡng chủ thể thuyết (Nestôriô), còn chủ hướng đầu sẽ làm cho rơi vào lạc giáo nhất tính thuyết (monophysism). Còn ngày nay, thì Kitô học có thể thử dùng những phạm trù Châu Phi hoặc nền triết lý Châu Á, những kinh nghiệm chiêm niệm của Ấn độ hay các hoạt động cách mạng của Châu Mỹ Latinh, v.v...; và quả đã có những dạng Kitô học khởi sự từ các nguyên tắc xã hội học, hoặc hình thành dựa theo phương thức nghiên cứu lịch sử, v.v... Cách chung, có thể nói rằng: nếu Kitô học là một câu trả lời, thì một phần nào đó, câu trả lời ấy cũng đã được tiên định hay dự phác do “câu hỏi” đặt ra. Và bởi có nhiều “câu hỏi” khác nhau được đặt ra, cho nên cũng phải có nhiều cách trả lời khác nhau. Sự việc có nhiều dạng loại Kitô học không những không phương hại đến đức tin duy nhất cùng nhau chia sẻ, mà còn giúp bổ túc cho nhau để làm cho niềm tin thêm sáng tỏ.
4. Câu hỏi căn bản trong Kitô học
Ðoạn 16:13-16 trong Phúc âm Mátthêu thuật lại rằng: “Lúc cầu nguyện và đàm đạo tại vùng kế cận thành Xêsarêa Philipphê, Ðức Giêsu đã hỏi các môn đệ: ‘Người ta nói Con Người là ai?’ Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan tẩy giả, kẻ thì bảo là ông êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.’ Ðức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Simon Phêrô thưa: ‘Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’” Và Ðức Giêsu đã khen ông.
Câu hỏi đặt ra về Ðức Giêsu thì nhiều, nhưng những cách trả lời thì còn nhiều hơn nữa. Nếu câu hỏi đặt ra lệch lạc, thì khó lòng mà có được câu trả lời chính xác. Nhưng, ở đây chính Ðức Giêsu đặt câu hỏi. Trong thần học, bao giờ những câu hỏi chính đáng cũng phát nguyên từ trên mà xuống: hoặc do Thiên Chúa mạc khải ra trong lịch sử, hoặc do Thần Khí gợi lên trong lòng các tín hữu. Kitô học sẽ bị tổn hại nặng nếu vấn đề chủ yếu nhất đặt ra được lấy từ nơi khác, chẳng hạn như từ trong lãnh vực xã hội, chính trị, triết lý, v.v... Ðành là trong các lãnh vực này, có nhiều vấn đề liên quan đến Kitô học, nhưng bao giờ chúng cũng chỉ là phụ thuộc đối với thần học.
Ðức Giêsu đặt ra hai câu hỏi và các môn đệ đã đáp lại bằng hai câu trả lời.
a. Cả câu hỏi lẫn lời đáp đầu tiên đều mang tính chất tiền-kitô-học. “Người ta” nói gì? “Người ta” ấy khác với các môn đệ, là những người không – hoặc chưa – kitô, chưa nhận được [ánh sáng] đức tin. Vì thế, Ðức Giêsu cũng không mong có được một câu trả lời đầy đủ. Tuy nhiên, đó vẫn là một câu hỏi quan trọng, vì Ngài – và cả chúng ta nữa – muốn ý thức rõ về câu hỏi và vấn đề của “người ta,” dù biết rằng cả câu hỏi lẫn lời đáp đều còn bất toàn và tạm bợ.
“Người ta” quan niệm Ðức Giêsu như một vị “tiên tri” (thời nay, “người ta” sẽ cho rằng Ngài là một nhà đạo đức học, một nhà cách mạng, một vị lãnh tụ tinh thần, v.v...), và điều “người ta” nghĩ về Ngài quả là đúng xét theo phương diện hiện tượng; ngoài vòng thân cận các môn đệ ra, không ai có thể hiểu biết về Ngài đến một mức siêu việt hơn. Câu trả lời kia quả là tốt, nhưng chưa đủ; đó là câu trả lời “Do thái,” căn cứ vào Kinh Thánh [Cựu Ước], mang ý nghĩa chức năng, và chỉ có giá trị có thể nói là “giêsu-học”.
Câu hỏi thứ hai mới mang tính chất thực sự kitô học. Ðức Giêsu hỏi Giáo hội: “anh em.” Theo Phúc Âm Matthêu, câu trả lời có hai phần: 1. “Thầy là Ðấng Mêsia (Kitô),” 2. “Con Thiên Chúa hằng sống.” Phần đầu – Mêsia – tương ứng với tình trạng trước Phục sinh, và giả thiết là đã có một niềm tin cùng với một dạng thể mạc khải. Tuy nhiên, câu trả lời ấy vẫn chưa thoát hẳn ra khỏi phạm vi Do thái giáo, vẫn chưa toàn vẹn, và còn ở mức khởi thảo. Phần hai – Con Thiên Chúa – là câu trả lời đặc thù kitô, giả thiết về niềm tin đượm đầy ý nghĩa phục sinh; là câu trả lời mà Phêrô – tảng Ðá làm nền móng cho sự hiệp nhất và tồn vững của đức tin trong Hội thánh – đã nhân danh nhóm các môn đệ để nói lên.
c. Ðối với thần học, đối tượng của câu hỏi căn bản trong Kitô học là chính Ðức Giêsu. Ngài là trọng tâm của Kitô học, chứ không là sứ mạng, hoạt động, sự nghiệp, sứ điệp, v.v... của Ngài. Trong cuộc đối thoại thần học với linh mục Hans Küng, giáo sư Pinchas Lapide, người Do thái, đã nói đúng: “Ðiều quan trọng đối với người kitô, là vương giả; còn đối với người Do thái, là vương quốc.”[5] [5] Ðức tin kitô có chính thực hay không là tùy ở lời đáp cho câu hỏi ấy.
Cách chung, Kitô học đặt ra hai vấn đề hoặc chia thành hai phần chính: một là về bản thân Ðức Kitô, hai là về hoạt động của Ngài. Hay nói cách khác: Ðức Giêsu trong chính Ngài, và Ðức Kitô đối với chúng ta Hoặc nữa: Ðức Kitô là ai, và Ðức Kitô đã cũng như đang làm gì. Phần đầu là đối tượng của Kitô học theo nghĩa hẹp; phần sau là đối tượng của Cứu độ học. Ðể chỉ về Ðức Kitô đối với chúng ta, Kinh Thánh dùng những tước hiệu như: “Kitô,” “Chúa,” “Ðấng chăn chiên,” “Vị Cứu tinh,” “ánh sáng,” v.v... Tuy nhiên, thần học cũng vẫn ý thức là trong Ðức Kitô “bản chất” và “chức năng” rốt cuộc chỉ là một: những gì Ðức Kitô “là” nơi chính Ngài cũng là những gì Ngài “là” đối với chúng ta. Về phương diện Cứu độ học, thần học giải nghĩa những gì Ðức Kitô đã và đang làm cho chúng ta, tức là công cuộc cứu độ và thần hóa; về phương diện Hữu thể học, thần học minh xác Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, tức là giáo lý về hai bản tính. Tuy nhiên, trả lời thế nào rồi cũng vẫn không tránh được khiếm khuyết, bất toàn; thế nên, không bao giờ thần học dám cho là mình đã biết tất cả về Ðức Kitô, đã giải đáp mỹ mãn hết mọi vấn nạn đặt ra về Ngài; bởi bao giờ mầu nhiệm cũng mãi còn đó.
Ðức tin hằng không ngừng “kiếm tìm hiểu biết,” và gia công gắng sức gẫm suy về mầu nhiệm, dù thừa biết rằng trong phạm vi này mọi thứ hiểu biết đều có tính cách loại suy và riêng phần. Dẫu sao, thần học cũng cố tự hỏi: Ðiều ấy quả đã xảy ra như thế nào? Câu trả lời cũng gồm có hai phần: nơi chính Ngài, – theo cách công đồng Canxêđônia giải thích – [tuy có hai bản tính, nhưng] Ðức Giêsu thực sự là “một” do ngôi hiệp; còn đối với chúng ta, Ngài là Ðấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, làm chiếc cầu nối kết giữa trời và đất, để thông chuyển ơn cứu rỗi của Thiên Chúa xuống cho loài người chúng ta. Ðó là cách diễn đạt theo phép ẩn dụ, vì ngoài cách thức ấy ra, ngôn ngữ loài người không thể biểu trình theo một cách khác, những thực tại siêu nhiên mà trí óc loài người không thể thu nhận được bằng những khái niệm trực tiếp.
d. Trong Kitô học, không có vấn nạn nào nan giải cho bằng sự việc kết hiệp làm một giữa “thần” và “nhân” trong Ðức Kitô, tức là thực trạng ngôi hiệp. Ðành rằng đó là mầu nhiệm, nhưng lý trí cũng vẫn cố gắng đến mức có thể để nhận cho ra mối hài hòa ở giữa những khía cạnh khác nhau của cùng một thực thể duy nhất, cũng như ở giữa những ý nghĩa xem ra nghịch lý, tiềm ẩn trong chính thực thể ấy. Có thế mới tránh được việc ngộ nhận coi chúng như là những yếu tố tương phản, mâu thuẫn với nhau. Kitô học thường bị cám dỗ chọn phần dễ hiểu hơn, và để có thể chọn phần dễ hiểu như thế, thì “phân chia” Ðức Giêsu Kitô làm hai: một bên là Thầy Giêsu của lịch sử, Vị rao giảng giáo lý cho dân chúng, và bên kia là Ðức Kitô của lòng tin công đồng các kitô hữu; tách rời thập giá ra khỏi Phục sinh; gây phân cách giữa hữu thể và ý nghĩa, giữa đức tin và tín điều, giữa chính thống và chính hành, giữa niềm trung thành với truyền thống và tầm quan trọng trong xã hội, giữa Kitô học hữu thể và Kitô học chức năng, giữa Kitô học và Cứu độ học, v.v...
Sự việc chỉ đơn thuần lựa chọn có một phía, và từ đó giữ lập trường đối lập với phía bên kia, chính là nguồn cội làm phát sinh lạc giáo. Mơ về một hệ thống có khả năng tạo được hòa hợp giữa đôi bên là chuyện gần như không tưởng, vì đối tượng công tác nghiên cứu nhằm tới là một mầu nhiệm. Dù vậy, thần học vẫn có sứ mạng phải bảo toàn thực trạng hiệp nhất nơi Ðức Kitô, trong nhiều bình diện khác nhau: về mặt tâm lý, phải tránh phân cắt ý thức Ðức Giêsu có về chính mình; về mặt siêu hình học, cần phải bảo toàn, không chút cắt xén, cả thiên tính lẫn nhân tính; còn về mặt lịch sử, thì cần phải lưu tâm nghiên cứu để tìm cho ra sự thật trọn vẹn bao nhiêu có thể về Ðức Giêsu, nhưng cùng lúc cũng phải nhìn nhận ảnh hưởng của Thần Khí hoạt động ở trong truyền thống. Nói cách khác: phải làm sao để tránh cho khỏi lạc vào con đường hai thái cực, một bên là học thuyết lưỡng chủ thể (Nestôriô) và bên kia là nhất tính thuyết.
5. Phương pháp trong Kitô học
Các câu trả lời Kitô học đề ra đều có một tầm độ quan trọng hay hữu ích nào đó; nhưng câu trả lời chỉ hiện rõ vào hồi cuối của quá trình tìm kiếm. Câu trả lời có hợp lý hay vô lý, chính xác hay sai lệch, mang đầy ý nghĩa hay không đáng kể,... là tùy ở một số điều kiện. Trên đây, đã có dịp nhìn lại câu hỏi căn bản, làm hậu cảnh và nền tảng cho mọi câu hỏi khác: không một câu trả lời nào có quyền phủ nhận hay bỏ qua một bên, câu trả lời của Phêrô. Phủ nhận nó thì không thể nào tìm thấy được câu trả lời xác thực.
a. Noi theo gương của Ðức Giêsu đọc thấy trong Mt 16, Kitô học ngày nay phải biết cố công đi tìm và chăm chú lắng nghe các câu hỏi của nhũng người – “người ta” – đang sống trong bối cảnh sinh hoạt cụ thể của mình. Ích chi cho ai nếu chỉ cố hô to nói lớn: “Ðức Kitô là câu giải đáp [cho mọi vấn nạn, vấn đề]”[6] [6] mà vẫn không rõ câu hỏi là gì?
Quả thế, loan báo “Ðức Giêsu là Ðấng Thiên sai,” là “Ðấng Kitô,” hoặc là “Con Người,” v.v... cho những người không mong chờ một vị Thiên sai nào cả, hoặc không biết “Ðấng Kitô” là ai, v.v... thì nào có ích gì? Nhưng nếu biết tìm xem con người ngày nay đang hy vọng điều gì, đang đi tìm những gì trong cuộc sống, đang trông cậy vào ai, v.v... để dựa vào đó mà đưa ra những câu trả lời thích đáng, thì Kitô học mới có thể giúp ích cho con người thời đại này được. Trình bày và giải thích những câu trả lời của ngày trước là việc làm hữu ích, nhưng chưa đủ. Ðiều cần thiết phải làm trong thời đại nay là mang lại giải đáp thích đáng cho những câu hỏi mới, đang được đặt ra hằng ngày, trước mắt.
Ngày nay, không chỉ có một mà là nhiều, rất nhiều câu hỏi đặt ra, khác nhau tùy nơi chốn và hoàn cảnh. Câu hỏi chính yếu không nhất thiết phải là câu hỏi ồn ào náo động nhất, được phổ biến, tuyên truyền nhiều nhất, hoặc là câu hỏi làm cho bối rối nhiều nhất, v.v..., nhưng là câu hỏi nguồn cội làm phát sinh ra những câu hỏi khác, đạt đến tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, bắt gặp con người ngay trong đáy lòng của họ và có ảnh hưởng quyết định đến cùng đích của đời họ. Ðúng như Lão Tử nhận định, lắm lúc điều quan yếu nhất lại là điều vô hình, tựa như tâm của bánh xe.
b. Cần phải chú ý đến những thành kiến của dân chúng. Ai ăn xổi ở thì thường không quan tâm gì mấy đến những câu hỏi siêu hình. Và ai đã nhận được câu giải đáp rồi [từ tôn giáo, chủ nghĩa, khoa học, v.v...] thì không còn muốn tìm kiếm nữa. Ðôi lúc cần phải rung cây để cho trái rụng. Có người cự tuyệt hết mọi câu giải đáp tuyệt đối, bởi cho rằng mọi sự đều là tương đối, và một phần nào đó, các cách giải đáp rồi cũng chẳng khác chi nhau.
Những ý thức hệ như các chủ nghĩa quốc gia hoặc chủng tộc, các chủ nghĩa khoa học, duy vật, v.v... đã vùi dập đi những vấn đề tôn giáo, những câu hỏi siêu việt thường hiện lên trong tâm lòng con người. Một khi đã đánh mất đi khả năng cảm nhận về huyền thuyết (hay ngôn ngữ thi phú), thì cũng chẳng còn có sức nhạy bén để đọc thấy những vấn đề cơ bản gắn chặt đi liền với cuộc sống và sự chết, với lãnh vực tinh thần, với phạm vi siêu việt, v.v... Nếu giới hạn thực tại vào trong thế giới của những gì thấy được, đo được... vào trong thời gian và không gian hữu hạn hữu hình, tất sẽ coi những gì là vô hình, vô ước, vô tận, những gì vượt ra ngoài hình thể ba chiều kích như là không có thật, là ảo ảnh. Và nếu không có hoặc không còn có cảm thức về tội lỗi, thì cũng không còn cảm thấy nhu cầu cần được tha thứ: còn cần gì đến một Vị Cứu Tinh; việc cứu độ cũng chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Chắc hẳn là cần phải giải thích cho con người thòi nay hiểu về những khái niệm kitô cơ bản, như “tuyệt đối,” “ơn cứu độ,” “nhập thể,” v.v... Tuy nhiên, ngoài phạm vi đức tin, liệu các khái niệm ấy có đủ sức năng để nói lên thỏa đáng ý nghĩa của chúng hay không?
c. Phương pháp của Kitô học, trước hết, là phương pháp thần học.[7] [7] Khởi điểm là đức tin công giáo như đọc thấy ở trong Kinh thánh, Truyền thống và Giáo huấn của Hội thánh. Sau khi nghe Lời Chúa, trí tuệ ra sức để thấu hiểu, giải thích và trình bày. Công đồng Vaticanô II đã chỉ thị như sau:
“Môn tín lý thần học phải được phân phối theo thứ tự như sau: trước hết, trình bày chính các chủ đề Kinh Thánh. Cần phải giới thiệu cho các học viên biết về các Giáo phụ Ðông cũng như Tây phương, và về những gì tiến trình lịch sử tín lý đã đóng góp vào trong công tác trung thành truyền lưu và minh giải từng chân lý của Mạc khải, bằng cách đặt tiến trình lịch sử ấy vào trong mối quan hệ với lịch sử tổng quát của Giáo hội. Thứ đến, để minh trình cho đầy đủ bao nhiêu có thể, về các mầu nhiệm cứu rỗi, thì các học viên phải lo học hỏi hầu tìm hiểu về chúng ngày càng thâm sâu hơn, và nhận cho ra được mối liên hệ chặt chẽ kết nối các mầu nhiệm ấy” (ÐTLM 16 [8][8] ).
Dĩ nhiên, Kinh Thánh giữ địa vị ưu tiên, rồi tiếp đó là lịch sử, và cuối cùng là phương pháp có hệ thống.
Kinh Thánh không chỉ là nguồn dữ liệu không thôi, nhưng hơn thế nữa, là chính “linh hồn” của công tác suy tư thần học. Nói rằng phương pháp của Kitô học phải được xây dựng trên nền tảng của Kinh Thánh không chỉ có nghĩa là phải “trở về với nguồn cội,” mà còn giả thiết là nhà thần học hằng biết múc lấy nước từ suối nguồn ấy để “uống,” và sống nhờ nước ấy. Kinh Thánh là locus theologicus (nguồn cứ liệu) số một. Vậy, dù có một số phạm vi chung, thì thần học và khoa chú giải vẫn khác nhau. Chẳng hạn, nhà chú giải tự hỏi Phúc Âm Máccô muốn nói lên những gì? Còn nhà thần học thì cố tìm để hiểu những gì Thần Khí muốn chỉ dạy qua Phúc Âm Máccô? Khoa chú giải nhằm vào việc minh giải các văn bản và văn cảnh, ý nghĩa của các sách và các biến cố, bằng cách dùng đến những phương tiện chuyên môn như là kỹ thuật phân tích văn chương, lịch sử, v.v. Nhà thần học cần phải làm quen với kết quả của khoa chú giải, bởi đó là nhân tố quan trọng trong nỗ lực tổng hợp giáo lý. Không thể có chuyện – và tất nhiên, không thể nào chấp nhận được việc – chân dung chính thực của thần học về Ðức Kitô lại mâu thuẫn với thân thế của Ðức Giêsu minh họa theo kỹ thuật biểu trình xác đáng của khoa chú giải, dù chân dung kia có vượt ra ngoài giới hạn của khuôn mẫu chú giải. Ðức Kitô của thần học không chỉ là Ðức Kitô được miêu trình ở trong Kinh Thánh, mà còn là Ðức Kitô sống động ở giữa lòng Giáo hội nữa.
Từ những thập kỷ vừa qua cho đến nay, phương pháp “phê bình lịch sử” đã được dùng đến nhiều nhất.[9] [9] Tiến hành theo kỹ thuật này, nhà chú giải thường đặc biệt chú ý đến hai điều: văn thể của văn bản, và những cơ cấu xã hội trong thời tác giả và các độc giả ban đầu; rồi xét theo hai phương diện: ngữ văn học và lịch sử, để mà khám phá cho ra ý nghĩa. Nhà chú giải không giả thiết về đức tin hoặc các chỉ thị của Giáo hội, mà chỉ độc lập nghiên cứu. Kết quả đạt được đã mang lại nhiều lợi ích cho việc giải thích các văn bản.
Truyền thống đóng vai trò tất yếu trong Kitô học. Ðó là tiến trình truyền lưu (paradosis) Lời Chúa trong đời sống của Giáo hội, và cũng chính là nội dung được truyền lưu (paratheke): Kinh Thánh là phần chủ yếu trong “kho tàng” (x. 1Tm 6:20) truyền thống. Kinh thánh đã ghi chép một mẫu quan niệm về Ðức Kitô trong thế kỷ đầu tiên; và dù là quy phạm, thì mẫu quan niệm ấy cũng vẫn là một thực tại sống động mà Giáo hội tiếp tục đào sâu hầu khám phá những chiều kích còn tiềm ẩn, và làm cho cách nhìn, cách hiểu về Ðức Kitô được ngày càng thêm phong phú giữa dòng lịch sử loài người. Giai đoạn quan trọng đầu tiên trong tiến trình khám phá ấy đã kết thúc với các công đồng Nixêa (năm 325), Êphêsô (năm 431) và Canxêđônia (năm 451). Tiếp theo đó là giai đoạn của thần học có hệ thống, đặc biệt đánh dấu với phương pháp kinh viện xuất hiện hồi thời Trung cổ. Hiện nay, thần học đang trải qua một giai đoạn mới, với hai đường hướng nỗ lực song song: một bên là trào lưu canh tân nghiên cứu Kinh Thánh với vô số những tác phẩm xuất bản, đưa tinh thần đại kết vào sâu trong tư tưởng kitô, và cảm nhận ngày càng sâu sắc yêu cầu bản xứ hóa trong môi trường sống của nhiều Giáo hội trẻ; bên kia là sự việc nhân loại đang ngày càng ý thức rõ rệt hơn mình là một đại gia đình, cọng với sự việc thần học đang ra sức tiến hành công tác hội nhập vào trong các nền văn hóa địa phương bằng cách đối chiếu – qua rất nhiều tác phẩm – bối cảnh cụ thể ngày nay với con người và hoạt động của Ðức Kitô, cũng như với hoàn cảnh lịch sử và xã hội của thời Ngài, mong từ đó bắc được những nhịp cầu gặp gỡ và đối thoại với các tín hữu không kitô và với thế giới. Hậu quả là hiện tượng nẩy sinh nhiều dạng loại “Kitô học” khác nhau tùy nhãn quan và chủ hướng của các tác giả. Nếu dựa trên những dữ kiện cụ thể mà xét, thì có thể quả quyết mà không sợ sai, rằng thế hệ này hiểu biết về Ðức Giêsu xác thực và rõ ràng hơn bất cứ thế hệ nào khác trong các thời trước, và những thế hệ kế tiếp sau đây rồi sẽ hiểu biết về Ngài xác thực và rõ ràng hơn nữa.
d. Phương pháp lịch sử. – Lịch sử là chiều kích căn bản của Kitô học. Nếu Ðức Giêsu không phải là một nhân vật lịch sử, thì Ðức Kitô chúng ta tin chỉ là một ảo ảnh; Kitô học phải biết càng đầy đủ thì càng tốt, về “tiểu sử” của Ðức Giêsu Nadarét. Hiện nay, khoa lịch sử về Ðức Giêsu là một ngành học mang lại rất nhiều hứng thú sôi nổi. Trong hai thế kỷ 19 và 20, các nỗ lực tìm hiểu về “tiểu sử” của Ðức Giêsu đã rơi vào ngõ cụt của thất bại vì những thành kiến thiên lệch, hẹp hòi. Phương pháp sai lệch thì dẫn đến kết quả sai lạc. Thí dụ, hồi thế kỷ 19, Bruno Bauer đã giải thích cho rằng Ðức Giêsu chỉ là một “ý niệm” mọc lên từ trong đầu óc của các tác giả bốn Phúc Âm. Năm 1910, Arthur Drew đã chủ trương coi Kitô giáo thuần túy như một “thần thoại về Ðức Kitô”; còn J. M. Allegro thì quả quyết cho là đã giải đáp xong “mầu nhiệm Ðức Kitô” với lối cắt nghĩa như sau: Ngài chỉ là tên giữ kín của một thứ nấm có tác dụng gây ra những giấc ảo mộng (Amanita muscaria/nấm giết-ruồi) mà các kitô hữu thời sơ khai sử dụng trong nghi thức tôn giáo của họ! Vậy là đối với các tác giả này, Ðức Giêsu chỉ là, không hơn không kém, một thứ “thần thoại sao chiếu mệnh.” Một nhà nghiên cứu lịch sử còn tìm ra Ngài là con của Hêrốt; kỹ lưỡng hơn[!], có người khác lại khám phá ‘thấy’ Ngài là chồng của Maria Mađalêna, v.v... Cho đến năm 1977 mà G. A. Wells vẫn còn xuất bản một cuốn sách để “minh chứng” rằng Ðức Giêsu đã chẳng hiện hữu trên trái đất này bao giờ! Gần đây hơn, những “nhà bác học” nghiên cứu về “Ðức Giêsu lịch sử” đã trình họa những mẫu chân dung gọi là “đích thực” của Ngài, nhưng lại hết sức mâu thuẫn với nhau: người thì quả quyết Ngài một sứ ngôn cánh chung, hay một nhà cách mạng; kẻ khác lại cho rằng Ngài là một đan sĩ ở Qumrân, một người biệt phái, một thầy dạy thần bí, một nhà canh tân đoàn sủng, hay một thầy giảng thuyết khuyển nho, v.v. và v.v.[10] [10]
Ðối với phương pháp nghiên cứu lịch sử, Kitô học phải biết đặc biệt lưu ý đến hai điều: giá trị và giới hạn của lịch sử. Giá trị, vì Kitô học cần phải dựa vào những sự kiện cụ thể, những lời nói và việc làm của Ðức Giêsu; giới hạn, vì những dữ liệu không có nhiều, còn văn liệu lại thuộc các nền văn hóa cổ xưa và chủ yếu nhằm vào mục đích tôn giáo. Vì thế, để “bổ túc” những dữ liệu ít ỏi có được, các nhà nghiên cứu thường bị cám dỗ dùng đến các “nguồn liệu” khác như là các ngụy thư, các giả thuyết, những tư kiến của óc tưởng tượng, tiêu đích ẩn ngầm, v.v... với kết quả mâu thuẫn nhau như vừa kể trên đây. Dù có biết đủ để bảo chứng và giúp củng cố cho đức tin, thì lịch sử cũng phải biết khiêm nhường nhìn nhận mình không biết được nhiều chi tiết về Ðức Giêsu. Kitô học xử dụng kết quả của các nỗ lực nghiên cứu sử học; nhưng đức tin không thuộc lãnh vực sử học. Những kết quả ấy bao giờ cũng chỉ là tương đối, thường thay đổi và bao giờ cũng mang nặng dấu vết do thái độ, lập trường của tác giả để lại.
e. Tính cách hệ thống: nhà thần học dùng các dữ kiện ấy như là những viên đá để xây lên ngôi nhà. Thế nên, cần phải xếp dặt các dữ liệu theo “trật bậc giá trị” của chúng: có những dữ kiện trung ương, có những dữ kiện biên lề. Cần phải biểu trình cho thấy rằng các chân lý, đặc biệt là các tín điều, đều ăn khớp với nhau; quả thế, các tín điều đều tương thuộc vào nhau, soi sáng cho nhau, tựa như các chi thể của cùng một thân thể. Cần phải nêu bật ngay trong lãnh vực văn hóa, cho các nền văn hóa thấy rõ tính hợp lý của đức tin bằng cách dùng đến những phạm trù của chính các nền văn hóa ấy. Ở đây, “hệ thống” được hiểu theo nghĩa rộng, tức là tác giả phải tiến hành theo phương pháp mình chọn hoặc chính mình đề ra, phải giữ lập trường đồng nhất trong cách dùng thuật ngữ và trong toàn bộ nhãn quan mình chọn. Trong Kinh Thánh, các Sách thuộc những thời đại khác nhau thường dùng ngôn từ và cách biểu đạt khác nhau. Thế nên, thần học có bổn phận giải thích cách hợp lý để giúp cho việc nhận thức được chính xác và dễ dàng. Các tác giả thường chọn một nền triết lý hay khoa học làm nguyên tắc giải thích và hệ thống hóa các dữ liệu mạc khải.[11] [11]
Các dạng loại hệ thống cũng khác nhau tùy quan điểm, mục đích, triết lý, v.v... của tác giả. Vì thế, có nhiều khuynh hướng kitô học khác nhau:
— Kitô học vũ trụ: là dạng Kitô học – một cách nào đó – quan niệm Ðức Kitô như là: một chiều kích của hoàn vũ, mục đích của tiến trình biến hóa, động lực siêu việt đang chi phối mọi tạo vật. Chủ hướng này khởi sinh hồi thế kỷ 2 với dạng Kitô học Lógos và đã bừng lên trong thế kỷ 20 này với nhân sinh vũ trụ quan của Teilhard de Chardin.[12] [12]
— Phương thức nhân chủng học giới thiệu Ðức Giêsu như là “Mô mẫu thành tựu” [sung mãn] của bản tính con người đang “mở ra” trước viễn cảnh vô tận. K. Rahner đã khai thác để tận dụng khía cạnh này. Và đó cũng là cách giải đáp của thuyết vô thần do J. P. Sartre chủ trương, cho rằng tự do của con người và sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng là hai điều mâu thuẫn, không thể đội trời chung với nhau [kết luận: Thiên Chúa không thể hiện hữu!]. Chắc hẳn là cần phải bổ túc thêm để nhận ra rằng Ðức Giêsu không chỉ là “con người mẫu mực” mà còn là một thực thể siêu việt hơn nhiều nữa.
— Kitô học Lịch sử cứu rỗi: dạng Kitô học này nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử và xã hội. Thuộc dạng này, lại có nhiều thứ loại Kitô học khác nhau, như Kitô học theo W. Pannenberg, theo J. Moltmann, hoặc là Kitô học giải phóng. Các tác giả này thường nêu bật những giá trị xã hội, như công bằng, hòa bình, hy vọng, v.v... và giải đáp những vấn nạn hay vấn đề do Hegel hoặc Marx đặt ra.
— Rồi còn có phong trào trở về với Ðức Giêsu của lịch sử: đó là phong trào phản ứng chống lại thần học của R. Bultmann (Tin lành), khởi phát trước tiên từ các môn đồ của ông là Kaesemann, Bornkamm, J. Robinson, v.v... và từ một số tác giả công giáo như Geiselmann hoặc H. Kušng. Các tác giả thuộc trào lưu này đã khai sáng một dạng Kitô học gọi là “Kitô học ký thuật” (narrative Christology), với chủ đích tránh xa con đường “ý thức hệ” bằng cách đâm rễ vào trong thực tại cụ thể. Mối nguy mà trào lưu này gặp phải là nhấn mạnh đến sứ mạng của Ðức Giêsu tới độ quên bẵng đi chính bản thân con người của Ngài. Hơn nữa, bởi chỉ chuyên chú tâm đến những sự việc lịch sử, nên dạng Kitô học này cũng chỉ tồn tại được ở trên bình diện tương đối mà thôi.[13] [13]
Có lẽ phương pháp tốt nhất là phương pháp đa dạng: không lệ thuộc quá nhiều vào “hệ thống” để vẫn giữ được thái độ cởi mở đón nhận những thành tựu của các khoa chú giải và lịch sử, của kỹ thuật phân tích xã hội và của triết học; khởi động từ lịch sử, nhưng không tránh né những vấn đề siêu hình học và cứu độ học. Cuối cùng, là “khoa học thánh,” nên Kitô học cần lưu ý đến đời sống phụng vụ cũng như đến kinh nghiệm các thánh đã để lại trong Giáo hội.
6. Những khuynh hướng chính trong Kitô học
Trong tiến trình lịch sử Kitô giáo, đã thấy có hai khuôn mẫu Kitô học xoay vần nối tiếp nhau xuất hiện trên tiền cảnh diễn đàn thần học: mẫu lógos-sarx (Lời-xác) của trường phái Alêxanđria, với khuynh hướng thiên về phía nhất tính thuyết, và mẫu lógos-ánthropos (Lời-nhân) của Antiôkia với mối nguy rơi vào lạc thuyết Nestôriô (lưỡng chủ thể thuyết). Chính thống là dạng Kitô học giữ được thế cân bằng giữa cả hai bên.
Có lẽ Kitô học công giáo của thời hiện đại đã bắt đầu hồi năm 1951, với bài viết của K. Rahner, tựa đề: “Canxêđônia — Chung kết hay là khởi điểm?” đăng trong một cuốn sách xuất bản để mừng 15 thế kỷ họp công đồng Canxêđônia.[14] [14] Tác giả xác tín rằng thần học có bổn phận giải nghĩa lại giáo lý của công đồng Canxêđônia, bởi giáo lý ấy mới là chính thực. Từ đó trở đi, mẫu Kitô học cổ truyền này đã bị phê bình chỉ trích khá nhiều. Hậu quả là một số nhà thần học (P. Schoonenberg, E. Schillebeeckx, H. Kušng, v.v.) đã đề xuất những mẫu Kitô học khác.[15] [15]
Như mọi sự khác, Kitô học cũng thường đổi thay. Trong thập kỷ 50, thần học đã khám phá ra “mầu nhiệm phục sinh”: phụng vụ, thần học và linh đạo đều đượm nhuần ý niệm này.[16] [16] Cuộc sống Giáo hội thời đó – thời đại của Ðức Piô XII – đã khơi dậy cả một luồng hứng khởi lạc quan cao độ: Phong trào Công giáo Tiến hành hoạt động mạnh và hữu hiệu, cao trào xưng tụng Ðức Kitô là vua thế giới bừng dậy khắp nơi,...[17] [17]
Trong thập kỷ 60, Thiên Chúa làm như vắng bóng và “thần học Thiên Chúa chết” (Death-of-God Theology) đã xuất hiện. Kitô học biến thành “Giêsu học.” Các giới cấp tiến đua nhau cổ vũ việc tục hóa. Ðang khi mây thất vọng còn bao trùm như thế, thì trong thập kỷ 70, thần học mang Cánh chung học lên tiền cảnh sân khấu: Kitô học chiếm lại vị trí tâm điểm trọng yếu. Ðức Kitô là nguồn hy vọng cho nhân loại khốn khổ: đây là buổi khởi đầu mùa xuân của thần học giải phóng.[18] [18] Chiều kích lịch sử được nhấn mạnh đến, và vai trò của Thần Khí được nêu bật. Niềm hứng khởi hơi ngây thơ này rồi cũng tiêu tán với cảnh thất bại (đó là thời gian nội chiến tại Việt Nam và khủng khoảng tại Châu Mỹ Latinh); thế nên, mầu nhiệm khổ đau đã nổi bật lên hàng đầu với một dạng thần học gọi là “thập giá học” (Staurology): Thiên Chúa lặng thinh![19] [19]
Phản ứng của giới trẻ quả là lạ lùng: nhiều phong trào mang tên Ðức Giêsu xuất hiện (The Jesus Movement); còn các đại học ở Tây phương, nhất là ở Hoa kỳ, thì đua nhau tổ chức những lớp học hỏi và hội thảo về Ðức Giêsu.[20] [20] Một lần nữa, Kitô học đứng vào lại vị trí tâm điểm: không lúc nào có nhiều tác phẩm viết về Ðức Kitô cho bằng lúc bấy giờ. Các dạng loại Kitô học xuất hiện cũng nhiều:
Trước hết có Kitô họcKinh Thánh, chào đời như là thành quả của phong trào “trở về nguồn.” Ðại để, có hai dạng loại: một là dạng loại có thể gọi là Kitô học Tân Ước – bởi xuất phát từ việc đối chiếu các dữ liệu của khoa chú giải với mẫu thần học đặc thù của một sách hay một tác giả của Tân Ước – với các mẫu như Kitô học của Phúc âm Nhất lãm, Kitô học của Phúc Âm thánh Gioan, Kitô học của Phaolô, Kitô học theo Thư gủi tín hữu Do thái, v.v... hai là dạng loại phát xuất từ việc chọn toàn bộ Kinh Thánh (hay Tân Ước) làm dữ liệu.[21] [21] Dạng loại đầu nêu bật nhãn quan riêng của mỗi tác giả; chẳng hạn, thánh Phaolô chọn mầu nhiệm thập giá làm tâm điểm, trong khi thánh Gioan lại lấy mầu nhiệm nhập thể làm khởi điểm. Còn dạng loại thứ hai thì chú tâm đến tính chất duy nhất và hiệp nhất của mầu nhiệm Ðức Kitô tiềm ẩn ở trong điểm hợp lưu giữa các quan điểm và chủ hướng khác nhau.
Kitô học của các Giáo phụ là dạng loại Kitô học nghiên cứu tư tưởng kitô trong những thế kỷ đầu tiên. Có thể chọn một tác giả danh tiếng [các Giáo phụ] làm đối tượng nghiên cứu, chẳng hạn thánh Irênêô, thánh Âugutinô, thánh Atanasiô, v.v... hoặc cũng có thể nghiên cứu toàn bộ về thời đại ấy. Ðặc biệt quan trọng vaø đáng lưu ý nhất là các cuộc tranh luận diễn ra trong các thế kỷ 4 và 5, và đã kết thúc với các cuộc bàn thảo cùng quyết nghị của các công đồng Nixêa, Cônxtăntinốp và Canxêđônia, cũng như với các dạng Kitô học của hai trường phái Antiôkia và Alêxanđria.[22] [22]
Kitô học hữu thể: – đặc biệt trong dạng thức Kinh viện – là mẫu Kitô học được coi là điển hình kể từ thời Trung cổ cho đến nay. Trọng tâm của dạng Kitô học này là chính bản thân Ðức Kitô, tức Ngôi Hai – trong Thiên Chúa Ba Ngôi – đã nhập thể làm người. Dùng tư duy suy lý, con người ra sức đào sâu mầu nhiệm nhập thể. Khởi điểm là tín điều đã được công đồng Canxêđônia minh định (x. DS 302) về chân lý: trong Ðức Giêsu có một ngôi vị – là Ngôi Hai Thiên Chúa – và hai bản tính – thiên tính và nhân tính. Rồi từ đó, cố tìm xem bằng cách nào Ðức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật mà cũng vừa là con người thật. Cốt lõi vấn đề là mầu nhiệm ngôi hiệp.
Phản ứng quá mức chống lại Kitô học hữu thể đã đưa đến chỗ làm cho phát sinh một dạng Kitô học khác, đó là Kitô học chức năng, với đối tượng trực tiếp là sứ mạng và công trình cứu độ của Ðức Kitô. Không còn là hai học thuyết, trong dạng Kitô học chức năng, Kitô học và Cứu độ học trở thành một. Dù sao thì một dạng Kitô học thuần túy “chức năng” là một điều mâu thuẫn; triết học thường dùng châm ngôn này để nhận định về cách kiểu nhận thức: agere sequitur esse (hữu thể sao thì hành động vậy); thì cũng thế, nếu chỉ suy nghĩ về hành vi (theo chức năng) của Ðức Giêsu mà không chịu tìm hiểu về hữu thể của Ngài là điều phi lý. Ngoài ra, hiện nay, còn có hai khuynh hướng khác, đối lập nhau, gọi là Kitô học bởi hạ khởi hoặc thăng trình, và Kitô học thượng xuất hoặc giáng trình. Khuynh hướng thứ nhất bắt đầu với sinh hoạt của Ðức Giêsu Nadarét; còn khuynh hướng thứ hai thì chọn Lời Chúa và mầu nhiệm Nhập thể làm khởi điểm. Thánh Âugutinô nói rõ: “Qua Ðức Kitô là con người, chúng ta đi lên tới Ðức Kitô là Thiên Chúa.” Muốn tiếp tục khuynh hướng của thánh Lucianô Antiôkia († 312), Kitô học hạ khởi nhấn mạnh đến nhân tính của Ðức Giêsu, và khai triển các “tước hiệu khiêm tốn” chỉ về Ngài, như “Con của Ðavít,” Thầy, Tiên tri, v.v... Ưu điểm của dạng Kitô học này là dựa vào những gì có tính cách cụ thể, sư phạm, dựa vào lịch sử tính – một tính chất đặc thù – của Kitô giáo, và tiến bước theo quá trình lịch sử của chính đức tin kitô. Tại Châu Á, trong các tôn giáo xuất phát từ Ấn độ hoặc Trung quốc, lịch sử không đóng giữ một vài trò nào đáng kể. Dù sao thì cũng không thể phủ nhận được lịch sử tính là một vấn đề có tầm quan yếu của nó, và cần được đặt ra.
Ở Tây phương, cả triết lý cũng đặt vấn đề lịch sử: nếu lịch sử thuộc lãnh vực cái nhiên (probable), thì làm sao có thể trở thành nền tảng cho xác thực tính tuyệt đối của đức tin được? Thần học thì sợ rằng sẽ rơi vào mối nguy giản lược thực thể Ðức Kitô, chỉ dừng lại ở nơi Ðức Giêsu-con người và coi Ngài như là một giữa nhiều vị cứu tinh khác. W. Kasper nhận định: “Kitô học ‘hạ khởi’ thế nào rồi cũng đi đến chỗ thất bại. Bởi vì trong toàn bộ sinh hoạt nhân tính của Ngài, chính Ðức Giêsu cũng đã tự hiểu về mình theo ý thức ‘từ trên’. Không thể tránh khỏi mà không gây ra gián đoạn khi đi từ bình diện nhân học để tiến lên bình diện thần học; nhất thiết cần phải thay đổi lập trường.” [23][23]
Thật ra, cả hai quan điểm đều bổ túc cho nhau, và cần phải giữ lại cả hai trong một mối tương quan hài hòa với nhau. Phúc Âm nhất lãm cho thấy có khuynh hướng thiên về phía “hạ khởi” dù vẫn đề cập đến nhiều yếu tố “thượng xuất” (như những cách xưng hô hay biểu đạt: “Con Thiên Chúa,” “vương quyền Thiên Chúa,” v.v...). Thánh Gioan nhấn mạnh đến chiều kích “thượng xuất” (Lời nhập thể), nhưng cũng vẫn không quên ghi rõ những yếu tố hạ giới trong cuộc đời Ðức Giêsu, như sự việc Ngài khóc, và nhất là biến cố tử nạn của Ngài [đau khổ và chết].
Cũng nên lưu ý để khỏi lẫn lộn “Kitô học hạ khởi” (Christology from below) với “Kitô học hạ đẳng” (low Christology). Kitô học hạ đẳng là dạng Kitô học muốn đặc biệt lưu ý đến nhân tính của Ðức Kitô; còn Kitô học “thượng đẳng” (high Christology) thì nhấn mạnh nhiều hơn đến thiên tính của Ngài. Kitô học “thượng đẳng” có thể gặp phải thiếu sót là bỏ quên mất đi nhân tính, chẳng hạn như trong trường hợp của Clêmentê Alêxanđria († 215): vị này đã suy luận và trình bày tốt đẹp về Ngôi Lời tiền hiện hữu, nhưng lại làm cho nhân tính rơi vào mức suy tổn trầm trọng, bởi quả quyết rằng Ðức Giêsu không cần phải ăn uống gì cả, và nếu Ngài đã ăn, thì đó chỉ là “giả vờ.” [24][24] Ðó là khuynh hướng đưa tới ảo thần thuyết. Ngược lại là “Kitô học hạ đẳng,” một dạng Kitô học mà ngày nay, quan niệm chung thường coi là thiên lệch, bởi chỉ đơn thuần nhìn nhận nhân tính và không đề cập hoặc minh nhiên phủ nhận thiên tính của Ðức Giêsu. Một hình thức của dạng Kitô học này cho rằng Thiên Chúa đã nhận Ðức Giêsu làm nghĩa tử lúc Ngài sống lại, hoặc Ngài chỉ là một vị Thiên sai hay Sứ ngôn, v.v... như nhiều vị khác trong lịch sử. Các nhà chú giải thường phân biệt giữa các tước hiệu “hạ đẳng” hoặc “thượng đẳng” Tân Ước dùng để chỉ về Ðức Giêsu; nhưng đó là một vấn đề khác hẳn.
Hiện nay, thần học cũng nói đến Kitô học nội tâm, và hiểu từ “nội tâm” theo hai ý nghĩa: hoặc là “nội tâm” của Ðức Giêsu, hay là “nội tâm” của tín hữu kitô. Ý nghĩa thứ hai xem ra đặc biệt phù hợp với tâm tính của Châu Á. Khởi điểm của dạng Kitô học này là kinh nghiệm nội tâm về Thiên Chúa và nỗi niềm khát khao ơn cứu độ. Khi hướng ý thức đi sâu vào trong nội tâm, con người nhận ra ngay trong chính mình, một “sự hiện diện” bí nhiệm của tuyệt đối, một dấu vết của chính Ðức Kitô. Rồi từ đó, hình ảnh của Ngài được từng bước khai triển một cách rõ ràng hơn thêm.
Nhắc đến thần học gia W. Pannenberg thì không thể không liên tưởng ngay đến dạng Kitô học tương lai hoặc là hướng về tương lai. Với dạng Kitô học này, tác giả muốn nhấn mạnh đến tầm trọng yếu của sự việc Ðức Giêsu đến để giải phóng loài người và chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn.[25] [25]
Cùng với Kitô học giải phóng khởi sinh và phát triển đặc biệt tại Châu Mỹ Latinh,[26] [26] cũng nên nói ngay đến Kitô học nữ quyền (Feminist Christology): dạng loại Kitô học này chủ trương thu thập những hành vi, kỷ niệm của nữ giới trong đời của Ðức Giêsu để từ đó rút ra những “bài học” thiết yếu cho công tác giải phóng nữ giới trong Giáo hội, và đồng thời để nêu bật vai trò của họ trong sứ mạng của Ðức Kitô ngày trước cũng như hiện nay. Quả vậy, đã từng có những phụ nữ noi theo gương Ðức Kitô và phục vụ Ngài trong đi Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời; ngày sống lại, Ngài đã hiện ra đầu tiên với các phụ nữ và phái gửi họ đi mang tin vui cho các tông đồ; hơn nữa, trong Ðức Kitô không còn có chuyện phân biệt nam hay nữ (x. Gl 3:28).[27] [27]
Sau hết, cùng cảm cùng nghĩ với nhân loại, thần học đã tỏ ra ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sinh thái, và từ mối quan tâm ấy, đã phát sinh dạng Kitô học sinh thái. Chủ yếu dựa vào một số văn bản của thánh Phaolô (như: Pl 2:6-11; Rm 8:19-23; Ep 1:3-14; Cl 1:15-20) và mẫu Kitô học Lógos theo thánh Gioan, Kitô học hiện đang chăm chỉ “đối thoại” với những kiểu mẫu vũ trụ quan của thời nay, bằng cách nêu bật vai trò của Ðức Kitô ở trong vũ trụ, và rộng rãi khai triển trực giác liên quan đến vấn đề, của một số nhà thần học như thánh Irênêô († 200), Ðuns Scốt († 1308) và Teilhard de Chardin († 1955).
Còn có nhiều dạng loại Kitô học khác nữa, như “Kitô học thần khí” (Spirit or Pneumatic Christology),[28] [28] “Kitô học quy-Lời” (Logocentric Christology), và các dạng Kitô học mang tính chất địa phương hoặc quy chủng tộc, như “Kitô học người dân da đen” (Black Christology) tại Hoa Kỳ, “Kitô học Phi châu,” v.v...
* * *
Kitô học là trọng tâm của thần học. Nhờ và qua Ðức Kitô, chúng ta được biết Thiên Chúa, và cũng chính nhờ Ngài, chúng ta được biết rõ ràng và chính xác về loài người. Hội Thánh là hiện thân của mầu nhiệm nhập thể và sứ mạng kéo dài của Ðức Kitô ở trong lịch sử; chính vì thế, mọi nỗ lực canh tân đều tùy thuộc vào Kitô học. Xét cho cùng, Kitô học chính là đèn soi cho dân kitô trong mọi sự; bởi vậy, Kitô học không thể trở thành một thứ học thuyết mang tính chất “tôn phái,” thiên lệch; nhưng trái lại, phải cố gắng làm sao để phối hợp hài hòa mọi quan điểm và mọi khuynh hướng, bởi có thế thì mới thực sự là “công giáo.” Kitô học có nhiệm vụ giải thích Ðức Kitô cho dân Chúa, và giới thiệu Ngài cho toàn thể thế giới: cần minh trình cho thấy rõ rằng Ðức Kitô quả là thiết yếu đối với mọi người; tuy nhiên, không phải vì mong được lòng đa số mà chịu hy sinh giảm thiểu hay cắt xén bớt đi căn tính đích thực của Ngài. Sở dĩ Ðức Kitô có quan hệ và tầm thiết yếu đối với mọi người, là chính vì Ngài mang một bản sắc đặc thù, độc nhất vô nhị. Sứ mạng của Kitô học là phải loan báo cho mọi người biết rằng: qua và trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã đến bên cạnh con người và đã nâng con người lên bên cạnh Người. Sống giữa nhân loại ngày nay đang vất vả sống qua những thời kỳ khó khăn và đang hoang mang bước qua thềm thiên kỷ mới, cộng đồng kitô hữu cần phải bách thiết nghiệm cảm cho ra sự mới mẻ vô song của Ðấng đã đến để “đổi mới mọi sự” (Kh 21:5), cũng như phải biết một mực ý thức rõ rằng dù nhân loại có trải qua muôn cuộc bể dâu và thần học có nắn đúc ra hàng loạt dạng loại Kitô học khác nhau, thì “Ðức Giêsu Kitô cũng vẫn là một: hôm qua, cũng như hôm nay, và mãi như vậy cho đến muôn đời” (Dt 13:8).
[29][1] Xin xem Sesboưé, B., “Christ/Christologie” trong Lacoste, J.-E. (ed), Dictionnaire Critique de Théologie, Paris: P.U.F. 1998, 220.
[30][2] Kasper, W., Jesus the Christ, Burns & Oates/Paulist 1985, tr. 15.
[31][3] Lane, Dermot A., Christ at the Center, New York: Paulist Press 1991.
[32][4] Rudolf Bultmann (1884-1976) là một nhà chú giải người Ðức, đã nhấn mạnh đến khuynh hướng này.
[33][5] Trong Jesus im Wiederstreit, Stuttgart/Muenchen 1976, tr. 43.
[34][6] Trong tiếng Anh có khẩu hiệu “Jesus is the Answer” do phía Tin lành dùng và cả lạm dụng nữa.
[35][7] Xin xem Alszeghy, Z. và Flick, M., Come si fa la teologia, Cinisello Balsamo 19904.
[36][8] Xin xem “Ký hiệu các văn kiện công đồng Vaticanô II” ở các trang cuối của số HTTH 26 này.
[37][9] Xin xem Guillemette, N., và Brisebois, M., Introduction aux méthodes historico-critiques, Roma 1990.
[38][10] Sesboưé, B., Jésus Christ à l’image des hommes. Brève enquête sur les déformations du visage de Jésus dans l’Église et dans la société, Paris 1978.
[39][11] Xin xem Lonergan, B., Method in Theology, London: Darton, Longman and Todd 1972.
[40][12] Mooney, C., Teilhard de Chardin and the Mystery of Christ, London: Collins 1966; Fox, M., The Coming of the Cosmic Christ, San Francisco: Harper & Row 1988.
[41][13] Xin xem Krieg, R. A., Story-Shaped Christology. The Role of Narratives in identifying Jesus Christ, New York: Paulist 1988.
[42][14] Rahner, K, “Chalkedon —Ende oder Anfang?” trong Grillmeir,A & Bacht, H. (eds), Das Konzil von Chalkedon, III, Wuerzburg 1954, tr. 3-49; bằng Anh ngữ: “Current Problems in Christology,” Theological Investigations I, London 19652, tr. 149-200.
[43][15] Kasper, W., Jesus the Christ, London: Burns & Oates 1976/Paulist 1985, Part I: “Jesus Christ Today”; Mondin, B., Le cristologie moderne, Alba 1979; Johnson, E., and Rakoczy, S., Who Do You Say that I Am? Introducing Contemporary Christology, Pietermaritzbur (R.S.A.) 1997; Macquarrie, J., Christology revisited, London: SCM Press 1998.
[44][16] Sách điển hình là cuốn của Durrwell, F.X., La résurrection de Jésus, mystère du salut, Paris 1950.
[45][17] Ðức Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua năm 1925.
[46][18] Boff, L., Jesus the Liberator, Maryknoll, Orbis books 1972; Sobrino, J., Cristología desde América Latina, México 1976 (bằng tiếng Anh: Christology at the crossroads, SCM Press 1978).
[47][19] Moltmann, J., The Crucified God, Harper & Row 1974.
[48][20] Xin xem Cox, H., Religion in the Secular City, New York: Touchstone 1984; Evans, Craig A., Life of Jesus Research: An Annotated Bibliography, Leiden: Brill 1989.
[49][21] Thí dụ: Cullmann, O., The Christology of the New Testament, London: SCM Press 1963; Brown, Raymond E., An Introduction to New Testament Christology, Paulist/Greoffrey Chapman 1994; Schlatter, A., The History of the Christ. The Foundations of New Testament Theology, Baker Books House 1997.
[50][22] Xin xem tác phẩm vĩ đại của Grillmeir, Aloys, SJ, Christ in Christian Tradition, Greoffrey Chapman, Vol I, From the Apostolic Age to Chalcedon, 1975, Vol 2/1, Reception and Contradiction: The Council of Chalcedon to the beginning of the reign of the Emperor Justinian I, 1987; Vol. 2/2: The Church of Constantinople in the Sixth Century. From the Council of Chalcedon (451) to Gregory the Great (590-604), 1995; Vol 2/4, The Church in Alexandria, with Nubia and Ethiopia after 451 AD, 1995.
[51][23] Kasper, W., Jesus the Christ, tr. 247
[52][24] Trong sách Stromata 6. 9.
[53][25] Pannenberg, W., Jesus: God and Man, London: SCM Press 1968; Systematic Theology, ii, Edinburg: T&T Clark 1994; Moltmann, J., The Way of Jesus Christ, London: SCM Press 1990.
[54][26] Ngoai Boff and Sobrino như kể trên, xin xem Ellacuría, Ig., Freedom Made Flesh, Maryknoll: Orbis Books 1976; Sobrino, J., Jesus in Latin America, Maryknoll: Orbis books 1989.
[55][27] Schussler Fiorenza, E., Jesus. Miriam’s Child, Sophia’s Prophet: Critical Issues in Feminist Christology, London: SCM 1994; Hopkins, Julie, Towards a Feminist Christology, London: SPCK 1995.
[56][28] Durrwell, F.X., “Kitô học trong ánh sáng Thánh linh,” HTTH số 7 (1993) 3-43; Haight, R., “Ủng hộ Kitô học Thần khí,” HTTH số 7(1993) 45-95; Wright, J.H., “Nhận xét về Kitô học Thần Khí theo quan điểm của Roger Haight,” HTTH số 7 (1993) 97-108.